Lã Mai Nương - Chương 27: Tiếp Tục Công Việc, Thiết Diện Hổ Gây Hiềm Trong Võ Phái Đối Phó Tình Hình, Thiếu Lâm Tự Điều Động Các Môn Đồ
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
113


Lã Mai Nương


Chương 27: Tiếp Tục Công Việc, Thiết Diện Hổ Gây Hiềm Trong Võ Phái Đối Phó Tình Hình, Thiếu Lâm Tự Điều Động Các Môn Đồ



Nguyên khi Nữ Bá Vương Lý Tiểu Hoàn mai táng phụ thân nàng xong và từ Tây Khương trở về Võ Đang sơn thăm Lôi Đại Bàng thì nàng gặp nhân việc ban mật vụ của vua Càn Long là Thiết Diện Hổ hãy còn ở đó.

Sở dĩ Thiết Diện Hổ sau khi đưa linh vị Lôi Lão Hổ về Võ Đang mà chửa đi ngay vì y còn quan sát thực lực Lôi Đại Bàng, và nhân cơ hội dùng lời lẽ kích thích Bát Tý Na Tra Phùng Đạo Đức cùng Lôi Đại Bàng, nhúm mồi lửa hiềm thù giữa hai võ phái Thiếu Lâm, Võ Đang.

Lúc đó thái đọ của Phùng lão sư rất dè dặt, nhưng trái lại Lôi Đại Bàng thì khác. Chàng giận dữ như sấm sét thề quyết báo phụ thù, xin phép Lão sư cho chàng hạ sơn để tìm mẹ con Thế Ngọc moi gan mổ ruột tế linh hồn Lôi giáo đầu.

Phùng Đạo Đức phải hết sức can ngăn, viện lẽ rằng chàng chưa đủ thời kỳ luyện tập và cần phải qua lần khảo sát mới được từ thầy xuống núi.

Nghe lẽ phải trái của sư phụ, Lôi Đại Bàng đành nén tâm vâng lời.

Thiết Diện Hổ cũng không dám đi xa hơn nữa e bại lộ âm mưu thâm độc. Y rất tin ở bản lãnh công phu của Lôi Đại Bàng sau ít ngày quan sát vị thanh niên võ sĩ ấy thao luyện.

Về quyền thuật, Đại Bàng cực kỳ siêu quần, nội ngoại công phu đầy đủ. Chàng thành thạo đủ thập bát ban và chuyên sử dụng cây thiết côn nặng một trăm hai mươi cân. Mỗi khi luyện hỗn chiến, chàng thường đứng giữa chấp năm sáu anh em đồng môn loạn đả. Đại Bàng vùng vẫy như mãnh hổ, giương đông kích tây, xung tiền đột hậu, cây thiết côn của chàng linh động lạ thường, quả không hổ danh lực nâng cử đẳng, thế khả bạt sơn.

Chàng là môn đồ Võ Đang duy nhất cử nổi hai bánh xe đá nặng một nghìn một trăm cân (sáu trăm sáu mươi ký) đi khắp ban vòng sân tập.

Thiết Diện Hổ định bụng thế nào cũng phải trở lại Võ Đang sơn chuyến nữa nên kiếu từ thầy trò Phùng Đạo Đức. Vừa hay khi ấy thì Lý Tiểu Hoàn từ Tây Khương về đến nơi.

Lý Tiểu Hoàn cho Thiết Diện Hổ biết Bạch Mi sư tổ đã phái bốn danh đồ bậc đệ nhất đệ nhị giúp sức nàng tìm đánh mẹ con Phương Thế Ngọc. Thiết Diện Hổ mừng rỡ bảo Lý Tiểu Hoàn rằng y xuống Quảng Đông trước và hẹn gặp nhau tại Vạn Lương phúc điếm. Diện Hổ vội vã đến gặp Hòa Thân và cùng viên thị lang này xuống Quảng Châu thì vừa đúng dịp Hóa Giao vị Hồ A Kiền đả tử. Diện Hổ càng thích chí bàn luận cùng Hòa Thân đến ngầm xúi bọn Cơ phòng tử Cẩm Châu Đường tìm cách phục thù, đồng thời vào thẳng phủ nha, nhân danh ban mật vụ triều đình bảo Lục Thọ Vân giúp đỡ duy trì Thủy Nguyệt đài.

Dĩ nhiên Lục phủ quan phải hoàn toàn tuân theo mệnh lệnh ban mật vụ. Và cũng vì thế khi Tam Đức hòa thượng xin yết kiến, Lục Thọ Vân từ chối cuộc hội kiến. Kiên tâm, Tam Đức vào phủ nha luôn mấy hôm, cực chẳng đã, Lục Thọ Vân phải tiếp vị hòa thượng quen thuộc đạo mạo ấy và viện lý nọ lẽ kia không ưng thuận việc triệt lôi đài Thủy Nguyệt.

Song hiệp, Lã Mai Nương, Cam Tử Long và hai hòa thượng Tam Đức, Thái Trí tuy dự đoán, đề phòng thâm kế của vua tôi Mãn Thanh chia rẽ các võ phái, nhưng không ngờ ban mật vụ của Càn Long đã khởi sự ngay từ Vô Địch đài Hàng Châu rồi và đang gieo mầm mống hiềm thù giữa các võ phái ngày một lớn thêm lên.

Thị lang Hòa Thân là người Mãn, theo đường lối chính trị của Thanh đình là đương nhiên, nhưng Thiết Diện Hổ vốn gốc Hán tộc vì mũ cao, áo dài, bổng lộc lớn, phục vụ ngoại xâm quả rất đáng tội với quốc dân nói chung và với các võ phái là căn bản nền kỹ thuật vô song của Trung Quốc giữa lúc đang hưng thịnh nói riêng.

Nói về Tung Sơn Thiếu Lâm tự, một hôm Chí Thiện sư trưởng vừa dứt tụng niệm thường nhật trước bàn thờ Đạt Ma sư tổ thì nhận được thư của Thái Trí hòa thượng phúc trình về tư cách đúng đắn, hợp lẽ của Hồ Á Kiền trước các hành động đàn áp khiêu khích của Cơ phòng tử và sau cùng là lên đài Thủy Nguyệt.

Đọc thư xong, Trí Thiện hỏi qua mấy câu, đoạn cho người cầm thư lui. Bực dọc, Người chắp tay ra sau lưng, đi đi lại lại trong Kinh phòng thờ sư tổ, nghĩ liên miên.

Hừ! Lại một môn đồ Võ Đang sơn nữa thủ đài! Phải chăng đây là định mệnh muốn hai phái Thiếu Lâm Võ Đang tranh tài cao hạ?

Lôi đài! Luôn luôn chuyện lôi đài vô ý thức làm bận tâm kẻ tu hành! Nếu chúng thừa lực dư tài sao không dùng tài lực đó xua đuổi Mãn tốc ra khỏi Vạn Lý Trường Thành, đem lại nền độc lập. Khôi phục lại Minh triều! Thách thức nhau thượng đài để làm trò cười cho vua Mãn Thanh, anh hùng chí sĩ thiên hạ đàm tiếu!…

Bách bộ chán, vị Sư trưởng đáng tôn kính ấy trở xuống thiền phòng, phái tăng đồ thỉnh vị Trưởng Tràng Thái Minh hòa thượng vào hầu.

Lúc đó, Thái Minh đang ở trên võ trường điều khiển việc tập luyện các môn đồ, hay tin Sư trưởng triệu liền vội vàng bảo Mục Dương Tăng thế chân, khoát áo vào hầu Sư trưởng.

Thấy Sư trưởng ngồi khoanh bằng tròn trên bồ đề đoàn, Thái Minh hòa thượng bước vào thiền phòng lẳng lặng khoanh tay đứng bên hầu, dự đoán người có điều gì không vui.

Hồi lâu, Chí Thiện lấy bức thư Quảng Châu ở trong tay áo đưa cho Thái Minh.

Thoạt đọc hàng chữ ngoài bì đề Trụ trì Tây Thiền, Quang Hiếu tự Quảng Châu kính đệ sư trưởng cẩn bái, Thái Minh chắc chắn là Hồ Á Kiền về tới Quảng Châu gây rối nên Tam Đức, Thái Trí viết như báo cáo nhưng khi đọc xong bức thư, Thái Minh mới hiểu là Sư trưởng triệu vào để cho biết tình hình căng thẳng giữa Thiếu Lâm và Võ Đang.

Trao lại bức thư cho Chí Thiện, Thái Minh khoanh tay đứng hầu như cũ. Sư trưởng chỉ chiếc kỹ kê bên bục đá bảo Thái Minh :

– Hiền đồ ngồi xuống đây. Câu chuyện còn dài.

Thái Minh theo lời ngồi xuống kỹ :

– Thưa Sư trưởng, sau cái chết của Lôi Lão Hổ, Lý Ba Sơn ở Hàng Châu, nay tiếp tới ở Ngưu Hóa Giao, Thiếu Lâm ta khó lòng tránh khỏi xích mích với Tây Khương, Võ Đang.

Chí Thiện thở dài :

– Thầy cũng nghĩ thế. Tuy rằng võ phái ta hữu lý nhưng hai phái kia có chịu tìm hiểu sâu xa hơn đâu.

Trong thư, Tam Đức, Thái Trí không hề nói đến lực lượng hiện tại của hai chùa Tây Thiền, Quang Hiếu. Nếu hai phái kia hợp tác môn đồ kéo nhau về Quảng Châu và Triệu Khánh áp đảo Hồ Á Kiền, Miêu Thúy Hoa, thì hai nơi ấy ở tại chỗ sẽ phải hành động thế nào.

Về vấn đề cấp độ của các môn đồ, tình trạng Tây Thiền và Quang Hiếu y hệt chùa Thiếu Lâm. Nghĩa là phần ngoại đồ cao độ đều đã xuất thế và hiện thời không có một ngoại đồ nào hiện diện trong chùa khả dĩ tiêu biểu cho Thiếu Lâm.

Như vậy hai chùa Tây Thiền, Quang Hiếu che chở sao nổi Á Kiền, Miêu Thúy Hoa một khi Tây Khương, Võ Đang cho môn đồ cao độ về Quảng Đông báo hận?

Thái Minh hòa thượng hỏi :

– Sư trưởng biết chắc chắn rằng Tây Khương, Võ Đang có ngoại đồ cao độ?

– Chuyến trước, Ngũ Mai thiền sư có nói cho ta hay rằng Bạch Mi và Phùng Đạo Đức hiện thời đều có ngoại đồ cao cấp.

Hiện tại cũng như từ bao đời nay, ngoại trừ Bắc phái Sơn Đông, Côn Luân, Nga Mi, không một phái nào so sánh nổi với Thiếu Lâm về phương diện Nội đồ, phẩm cũng như lượng. Ngay như bốn phái nói trên cũng chỉ đều hòa với ta về phẩm, nhưng thường kém ta về lượng.

Riêng có phương diện Ngoại đồ thì hết sức bấp bênh: người thành tài thì đã ra đi, loạt kế tiếp thì chưa đạt được mức cao siêu như Hồng Hy Quan, Lý Cẩm Luân, Tạ Á Phúc và ba anh em Phương gia. Nếu lấy cố ra, có thêm Đồng Thiên Cân, Lương Bá Tòng và Liễu Bách Thắng, Thạch Thiên Long, Cảm Thượng Ân và Chu Thế Hùng. Nhưng thầy vẫn không vừa ý. Chưa một người được tin cậy.

– Sư trưởng định phái người xuống Quảng Châu tiếp chiến Tây Khương, Võ Đang?

Chí Thiện chậm rãi :

– Không hẳn thế! Hiền đồ dùng hai chữ Tiếp chiến hơi mạnh quá. Không gây hấn với đồng đạo, Thiếu Lâm vẫn giữ nguyên thái độ hòa nhã theo đúng tôn chỉ của nhà Chùa. Nhưng thầy muốn lúc nào ta cũng sẵn sang, nếu cần đánh, phải đánh.

Trước một đối tượng không biết điều, ta có thể dung lý lẽ giảng giải mong giữ hòa khí đồng đạo. Nếu họ cố chấp mạt sát phạm tới danh dự môn phái, tất ta không thể nhắm mắt làm ngơ. Bởi thế thầy cần môn đồ cao độ, nhưng biết làm sao!…

Nói Dứt lời, Sư trưởng chép miệng thở dài tỏ vẻ buồn bực.

Suy nghĩ giây lát, Thái Minh lên tiếng :

– Nếu đối phương quá lời xúc phạm tới Thiếu Lâm, chắc nhị vị sư huynh Tam Đức, Thái Trí sẽ ra tay.

Sư trưởng giơ hai tay sang hai bên như phân trần :

– Như thế tất không tránh khỏi việc giao tranh toàn diện. Bởi vậy thầy chỉ nhấn mạnh về phương diện ngoại đồ thôi. Mô Phật! Người tu hành không có quyền đa sự dù rằng chúng ta dư tài sức Công Phu đổi cà sa để khoác chiến bào!

– Đồ đệ thiết nghĩ khi chấp kinh phải tùng quyền, không lẽ ta cứ cố chấp để rồi đây mua chuốc lấy thất bại sao? Đồ đệ xin hiến một kế.

Sư- trưởng nhìn thẳng vào mắt Thái Minh tỏ ý chờ nghe.

Thái Minh nói :

– Ở Quảng Châu không ai biết nhị vị sư đệ Thế Chí và Mục Dương. Sư trưởng có thể tòng quyền cho hai người ấy tạm bỏ cà sa vận võ phục, điều khiển bọn Hồng Hy Quan và ba anh em Phương gia xuống Quảng Châu phòng hờ.

Sư trưởng mỉm cười :

– Được hai người ấy đóng vai ngoại đồ thì thấy không còn thắc mắc lo âu. Thiệt trái với lương tâm. Nhưng còn bộ tóc đã thế phát thì làm thế nào?

– Thưa Sư trưởng không khó. Thế Chí, Mục Dương sẽ luôn luôn quấn khăn, còn tóc hai bên mang tai thì sẽ mọc đen trong lúc hành trình.

Sư trưởng suy nghĩ trong giây lát :

– Nếu bần cùng phải dùng đến kế “Thiềm Thử Thoát Xác” ấy thì chỉ một trong hai người cũng đủ, há tất dùng tới hai! Phải chăng lúc này tìm được Hoàng Khôn thì tiện cho ta biết chừng nào!…

– Dạ! Đồ đệ e mất thì giờ tìm kiếm.

– Không đâu! Phương Thế Ngọc biết địa chỉ của Hoàng Khôn, hoặc ở nhà Lâm – Thắng Ác Dương huyện, hoặc ở tiệm Hoàng An Tường, Hải Dương huyện, tiện đường về Quảng Đông. Thế Chí dẫn mọi người qua đó tìm được Hoàng Khôn càng hay, Thế Chí sẽ trở về Tung Sơn phúc trình sau khi xuống tới Quảng Châu xem xét tình hình.

Trước kia, sau khi trừng trị bọn gian phu dâm phụ ở Ác Dương, Hoàng Khôn có vẻ chán nản muốn trở về Thiếu Lâm tự nên vẫn cố ý chờ…

Giữa lúc Sư trưởng vừa dứt lời thì một mãnh hán bước vô mặt đỏ lừ, lưng đeo đao và hành lý theo Thế Chí hòa thượng đi tới cửa thiền phòng. Sư trưởng, Thái Minh hòa thượng đồng thanh kêu :

– A! Hoàng Khôn!

Phải, mãnh hán đó chính là Hoàng Khôn. Chàng bước vào thiền phòng quỳ xuống trước bục đá hành đại lễ bái sư, đoạn đứng lên thi lễ cùng Thái Minh hòa thượng.

Sư trưởng bảo Hoàng Khôn ngồi mà rằng :

– Hiền đồ lên Tung Sơn vừa đúng lúc. Ta mới nhắc tới hiền đồ xong.

Hoàng Khôn ngạc nhiên :

– Thưa sư phụ, có việc chi cần kíp sai bảo đệ tử chăng?

Chí Thiện sư trưởng hân hoan :

– Có việc đấy, nhưng thầy muốn biết mục đích thăm viếng Tung Sơn của hiền đồ.

– Như đệ tử đã thưa với sư phụ hồi đó, sau Tết nguyên đán, đệ tử trở lại giúp việc cho tiệm Hoàng An Tường một thời gian và từ Hải Dương huyện đệ tử lên thẳng Tung Sơn định ý nương nhờ sư phụ cho tâm hồn được thanh thản an nhàn.

– Thế còn vấn đề gia đình?

Hoàng Khôn cả quyết :

– Đệ tử không bao giờ tái ngẫu nữa, nếu có cũng còn lâu lắm. Hiện thời đệ tử hết tin tưởng nơi tâm địa phụ nữ…

Trong khi Hoàng Khôn nói, Chí Thiện chăm chú nhận xét từ nét mặt rắn rỏi phong trần đến tấm thân nở nang của họ Hoàng, thấy chàng vẫn phong độ như xưa. Tuy vậy, người cũng hỏi :

– Hiền đồ vẫn chăm lo trau dồi Công Phu kỹ thuật?

– Thưa, đó là nguồn vui duy nhất của đệ tử, không hề xao lãng. Có điều chi sai bảo xin sư phụ cứ dạy, lúc nào đệ tử cũng sẵn sàng.

Mừng thầm, Chí Thiện thuật mọi sự hiềm khích Tây Khương, Võ Đang với Thiếu Lâm cho Hoàng Khôn nghe và nói ý định muốn phái một số môn đồ xuống Quảng Châu.

Hoàng Khôn nói :

– Đệ tử rất sẵn sàng, lúc nào lên đường cũng được. Nhưng yêu cầu sư phụ cho phép đệ tử được thử sức cùng Thái Minh hòa thượng trước khi đảm lãnh trách nhiệm nặng nề ấy.

Trong thâm tâm, Sư trưởng cũng muốn vậy nhưng không tiện nói ra nên Người ưng thuận ngay :

– Tùy ý hiền đồ, nhưng hôm nay hãy nghỉ ngơi, sáng mai sẽ tề tựu ngoài võ đường.

Thái Minh, Thế Chí cùng Hoàng Khôn bái từ Sư trưởng ra khỏi thiền phòng.

Thân mật, Thái Minh vỗ vai Hoàng Khôn mà rằng :

– Đáng lẽ Thế Chí hay Mục Dương phải cải trang ngoại đồ hướng dẫn đoàn hảo hán Thiếu Lâm. Sư đệ lên núi chuyến này Sư trưởng mừng lắm đó. Nếu sư đệ không hỏi, bần tăng cũng đề nghị thử sức để Sư trưởng an tâm. Tánh người vốn thận trọng.

Hoàng Khôn hỏi :

– Bao nhiêu người sẽ được phái đi Quảng Đông?

Thái Minh đáp :

– Chưa biết bao nhiêu, nhưng chắc chắn sẽ có ba em Phương gia. Còn bọn Hồng Hy Quan, Lý Cẩm Luân, Tạ Á Phúc thì sư đệ đã biết mấy năm trước khi họ mới đạt cấp trung đẳng.

Hoàng Khôn ngạc nhiên :

– Hiện thời các vị ấy đều có sáu, bảy năm Công Phu đáng lý phải xuất thế cả rồi. Họ dư tài sức đảm đang việc Quảng Đông, cớ sao sư phụ nhất định gọi chúng ta? Thường ra, môn đồ sau khi đạt cấp bậc trung đẳng theo dư một, hai năm nữa là hồi hương ngay. Các phái khác cũng thế thôi. Họ kiếm công danh, sanh nhai trong đủ mọi nghề, bản lãnh quá cấp trung đẳng là tuyệt kỹ rồi.

Thái Minh hòa thượng giải thích :

– Sư trưởng phòng ngừa việc Võ Đang, Tây Khương huy động cấp bực cao độ, vì hai phái này cố tâm trả thù.

– Chắc rằng Bạch Mi và Phùng Đạo Đức có hạng môn đồ cao độ không? Ở dư mười năm trên núi là một đời người đó, sư huynh! Nói riêng về ngoại đồ, trừ phi những người nào có hiệp cốt muốn trở thành kiếm khách siêu việt mới đủ kiên nhẫn tòng học đến mức ấy. Ngay như tôi, nhờ may mắn được sư phụ chăm lo từ lúc ấu thời, nếu không cũng khó lòng đứng trên bọn Hồng Hy Quan, Lý Cẩm Luân.

Thái Minh nói :

– Tây Khương thì chưa biết thế nào, nhưng chắc chắn Võ Đang có môn đồ thuộc cao độ. Đó là Lôi Đại Bàng, con trai Lôi Lão Hổ. Sư đệ rời Thiếu Lâm lâu rồi nên không biết đó, bần tăng nghe nói Phùng lão sư có một người cháu trai cũng ở luôn trên Võ Đang sơn lâu lắm rồi. Vậy người đó tất không vừa.

Hoàng Khôn phản đối :

– Như vậy, sư huynh cho rằng về phương diện ngoại đồ, Tây Khương, Võ Đang vượt bực Thiếu Lâm tự sao?

– Chứ gì! Việc đó không có gì lạ, bằng chứng là nếu sư đệ không bất thần về Chùa thì phái ta thiếu ngoại đồ cao độ hẳn hoi! Sự thiếu ấy không do ở sự đào luyện nhân tài, nhưng là do từng đợt môn đồ. Nếu vụ Quảng Đông này xảy ra độ ba bốn năm sau thì Thiếu Lâm tự sẽ có hai ngoại đồ cao cấp.

– A, hai người nào vậy, sư huynh?

– Đó là Hồng Hy Quan và Tạ Á Phúc. Họ Hồng đang chuyên về Nội Ngoại Công Phu kỹ thuật và Kiếm để trở thành kiếm khách. Còn họ Tạ thì ước nguyện được ở lại Chùa quy y thế phát. Riêng trong cấp bực trung đẳng cũng có Thạch Thiên Long, người Giang Tây và Chu Thế Hùng người Trấn Giang, sau khi đả mộc nhân mộc mã đã nói với Sư trưởng xin ở lại rèn luyện cao cấp. Với vòng sáu bảy năm tới đây.

Như về nữ môn đồ, các đợt trước đều có ba bốn người tòng học. Hiện thời, không có người nào, ngoại trừ cách đây hơn một tháng, Mã Lệ Khanh và Hạ Hầu Kiển Vân là ái nữ của hai cựu đồ Thiếu Lâm tự Mã Thanh Đài ở Hán Dương và Hạ Hầu ở Khải Phong được cha, anh dẫn lên Tung Sơn xin tiếp luyện.

(Đến cuối đời Càn Long sang đời Gia Khánh, Mã Lệ Khanh và Hạ Hầu Kiển Vân trở thành hai nhân vật quan trọng Tung Sơn Thiếu Lâm tự và nhiều võ công oanh liệt nổi trong giới võ hiệp giang hồ. Đó là việc sau. Dịch giả sẽ lần lượt tiếp thuật hiến quý bạn độc giả của nhà xuất bản Thế Kỷ).

Sáng hôm sau, trước sự hiện diện của Chí Thiện sư trưởng và đông đủ môn đồ nội ngoại Thiếu Lâm tự trên võ đường. Hoàng Khôn sửa soạn thử sức. Chàng bỏ áo ngoài, mình trần để lộ thân hình dũng sĩ nở nang, tuyệt đẹp. Hoàng Khôn vái Sư trưởng đoạn nhảy ra giữa sân biểu diễn mấy thế nội công, gồng người lên bắp thịt nổi cuồn cuộn như thừng chão.

Nhận xét từng thớ bắp một của người cựu môn đồ, Chí Thiện mỉm cười đắc ý vì thấy Hoàng Khôn vẫn giữ được nguyên nét cũ và có phần rắn rỏi hơn xưa. Biểu diễn từ mấy thế nội công xong, Hoàng Khôn bước tới chỗ để các bánh xe đá đủ các cỡ, cúi xuống cử hai bánh xe nặng nhất một nghìn một trăm cân giơ lên khỏi đầu đi ba vòng quanh khu đó rồi mới từ từ hạ xuống, sắc mặt chỉ hơi ửng đỏ.

Chí Thiện bảo ba vị hòa thượng Thái Minh, Chí Thế, Mục Dương đứng bên :

– Về dũng lực, Hoàng Khôn vẫn như xưa. Khá lắm! Về phương diện cử tạ này, trên Bắc phái, Chiêu Dương thiền sư ngặt hơn thầy nhiều. Thiết nghĩ, cử được ngàn cân trở lên là được liệt vào dạng thần lực rồi.

Thế Chí hỏi :

– Thưa Sư trưởng, Bắc phái ngặt hơn vì vẫn luyện môn đồ cử tạ theo phương pháp cổ truyền, nghĩa là cử đá phiến và lên, xuống dốc?

Chí Thiện gật đầu :

– Phương pháp ấy có phần không tiện, nhưng đạt được là cả một công phu khổ luyện ghê gớm. Dạy ít môn đồ thì được, nhiều như chùa ta càng bất tiện.

Thái Minh hòa thượng cởi áo dài vắt lên cành thông già gần đó :

– Hoàng sư đệ muốn đấu quyền hay võ khí? Dưới đất bằng hay Mai Hoa Thung?

Hoàng Khôn đáp :

– Sư huynh cho đấu quyền trên Thung, lâu quá không có dịp luyện thử trận đồ đó rồi.

Mọi người đều ra nơi có trận đồ Mai Hoa mà mỗi bộ đều bằng gỗ trai.

Thái Minh nhảy lên Thung trước, xây lưng về hướng Tây. Hoàng Khôn lên sau, xây lưng vào hướng Đông.

Hoàng Khôn nói :

– Xin mời sư huynh.

Đứng dưới, Chí Thiện sư trưởng nói lớn :

– Nên dùng toàn La Hán quyền ta coi!

Tức thì, hai nội, ngoại cao đồ Thiếu Lâm tự xô vào xáp chiến dữ dội như hai hổ tranh mồi, Quyền ra, Cước phóng vù vù theo đúng phép tắc nhà nghề mà hai đấu thủ đã thâu hoạch được sau nhiều năm khổ luyện.

Thái Minh ung dung đánh, đỡ lựa từng ngọn quyền, thế cước thử đối thử quả rất xứng đáng một bực thầy điêu luyện. Hoàng Khôn gạt đỡ trả đòn răm rắp, không hề sơ hở, biến chuyển tài tình, không hổ danh một vị cao đồ đã từng luân lạc phong trần.

Trận đấu diễn ra tuyệt đẹp linh động, và có những lúc thập phần nguy hiểm khiến một số môn đồ chưa tới trình độ luyện Mai Hoa Thung phải hồi hộp rùng mình trước trận giao hữu của hai bực đàn anh.

Thấm thoát trận đấu đã diễn ra dư trăm hiệp.

Chí Thiện sư trưởng vỗ tay ra hiệu :

– Thôi! Thế đủ rồi.

Nghe lệnh, Thái Minh và Hoàng Khôn thâu quyền cùng xuống thung. Thái Minh tươi cười vỗ vai Hoàng Khôn mà rằng :

– Sư đệ khá lắm! Bần tăng có lời mừng. Rất xứng đáng điều khiển phái đoàn Thiếu Lâm xuống Quảng Đông.

Hoàng Khôn nhìn Thái Minh, biết ơn :

– Lúc khởi trận, sư huynh đã có ý nhân nhượng rất nhiều, chờ cho tôi quen lại với Mai Hoa bộ.

Thái Minh mỉm cười :

– Đó là một lẽ thường! Nếu là một trận đấu thật sự, không một ai lại liều lĩnh lên thung ngay như sư đệ. Bần tăng nhân nhượng phút đầu tưởng không phi lý.

Để hai hòa thượng Thế Chí, Mục Dương điều khiển phiên tập sáng hôm ấy, Chí Thiện sư trưởng cùng Thái Minh, Hoàng Khôn đến gốc thông lớn ngồi xuống phiến đá quan sát.

Thái Minh hỏi Chí Thiện :

– Lớp trên trung đẳng và trung đẳng đến thời kỳ hồi hương cả rồi, duy có Hồng Hy Quan, Tạ Á Phúc và Thạch Thiên Long, Chu Thế Hùng xin ở lại. Như vậy, hai họ Hồng, Tạ còn ba năm; Thạch, Chu còn năm năm.

Lý Cẩm Luân, Đồng Thiên Cân, Lương Bá Tòng, Liễu Bách Thắng, Cẩm Thượng Ân, năm người này hạ sơn tìm đường tiến thủ. Ba anh em Phương gia xong thời kỳ điều chỉnh cũng vậy. Dù sao Hiếu Ngọc, Mỹ Ngọc, Thế Ngọc cũng phải về Quảng Đông, vì gia đình họ Phương đang cần người hộ vệ trước mối hiềm khích cùng Lý Tiểu Hoan. Tám người ấy xuất sơn lúc này, lực lượng ngoại đồ Thiếu Lâm tự yếu đi rất nhiều.

Sư trưởng nói :

– Việc đó không hề gì. Thiếu Lâm phải tự vệ chớ không gây hấn cùng ai. Ba anh em Phương gia tuy về Triệu Khánh nhưng vẫn ở trong vòng hoạt động vì vụ Lý Tiểu Hoàn. Còn năm môn đồ Lý, Đồng, Lương, Liễu, Cẩm, thầy sẽ yêu cầu họ tụ tập cả Quảng Châu cho tới khi nào vụ lôi đài kết thúc mới chia tay. Có một điều là…

Sư trưởng suy nghĩ hồi lâu mới nói tiếp :

– Có một điều là thầy không hiểu tại sao quan sở tại dung túng việc lập lôi đài công khai hạ sát nhau như vậy? Phải chăng quan lại Mãn Thanh đã ngầm nhận được chỉ thị cho các môn đồ, võ phái tàn sát lẫn nhau? Hoặc giả hai Tây Khương, Võ Đang ngã theo Thanh triều ra mặt gây sự với Thiếu Lâm? Nếu thế, một ngày kia toàn thể nhân viên hai phái ấy dám dựa vào hậu thuẫn thế lực Thanh Đình kéo đến tận Tung Sơn gây sự.

Nói tới đây, Sư trưởng hai mắt sáng ngời long lanh như sao Bắc Đẩu, phá ra cười lớn :

– Thầy chờ xem vụ Quảng Châu kết thúc thế nào. Nếu Tây Khương, Võ Đang nhất trí bành trướng mối hiềm phi lý, thầy sẽ triệu tập hội nghị các Trưởng phái để điều xét việc này.

Trước đại hội Tây Khương, Võ Đang nhất trí ngoan cố giữ thái độ thù địch, Thiếu Lâm ta sẽ công khai nhận đấu từng người một bất kể nội, ngoại đồ và sẽ đánh cho họ một trận manh giáp không còn! Sự nhân nhượng hòa hoãn cũng phải có giới hạn thôi! Thầy dám chắc, ngoại trừ Bạch Hạc, Bắc phái Sơn Đông, Côn Luân, Nga Mi sẽ ủng hộ Thiếu Lâm tự.

Nói đoạn, Chí Thiện rũ áo đứng dậy nhìn Thái Minh, Hoàng Khôn mà rằng :

– Nếu lúc này, Sư tổ Đạt Ma hiện thân trần thế, tất người không khỏi buồn phiền vì lũ hậu sanh bất nhất!…

Thái Minh, sau phiên tập luyện hôm nay, hiền đồ khá báo cho những môn sanh hết khóa kỳ biết vụ hạ sơn đi Quảng Đông và đúng giờ Mùi tập họp họ ở võ sảnh, thầy sẽ đích thân báo cáo.

Giờ Mùi hôm ấy các môn đồ hết khóa kỳ đều y phục chỉnh tề tụ tập ở cả võ sảnh có bày linh vị Đạt Ma sư tổ. Toàn thể nhân viên trong chùa nội, ngoại đồ đều hiện diện. Các môn võ khí để tặng môn đồ hạ sơn thể theo thường lệ được cắm trên giá bên bàn thờ.

Đúng giờ, Chí Thiện vận đại phục đến võ sảnh. Các môn đồ Thiếu Lâm do Trưởng tràng Thái Minh hòa thượng hướng dẫn, đứng dàn cả hai bên thiệt nghiêm chỉnh.

Thắp ba nén nhang, Thái Minh trịnh trọng, cung kính hai tay đưa cho Sư trưởng, Chí Thiện tiến lên cắm nhang lên bàn thờ Đạt Ma sư tổ hương trầm nghi ngút, đoạn quỳ xuống lẩm nhẩm khấn. Mọi người cùng quỳ theo.

Hành lễ xong, Sư trưởng gọi danh tánh môn đồ Lý Cẩm Luân, Phương Hiếu Ngọc, Mỹ Ngọc, Thế Ngọc, Đồng Thiên Cân, Lương Bá Tòng, Liễu Bách Thắng, Cẩm Thượng Ân ra trước bàn thờ, cất giọng vang như chuông đồng khuyến cáo :

– Hỡi các hiền đồ! Sau nhiều năm luyện tập, bây giờ đến thời kỳ hồi hương. Mong rằng với tài sức đã thọ lãnh được, các con sẽ thành đạt hữu ích cho nhà, cho nước, noi gương chánh nhân quân tử, hiên ngang đầu đội trời, chân đạp đất, cứu khổ phò nguy, lúc nào cũng sẵn sàng biểu dương nam nhi chí khí đáp lời kêu gọi của giang san Hán tộc. Đó là một cách đền đáp gián tiếp Thiếu Lâm tự là nơi các con trau luyện tài nghề và khởi xuất với bản lãnh tiềm tàng. Các con phải sống trong danh dự, môn phái cũng như cá nhân, luôn luôn tự kiểm điểm cho Thiếu Lâm tự được mãi mãi vinh dự vì tư cách hào hùng của môn đệ.

Hiện thời, tại Quảng Châu đang có một việc can dự tới môn phái Thiếu Lâm, thầy cần đến tài lực của các con và đặt các con dưới quyền điều khiển của đại sư huynh Hoàng Khôn. Trưởng tràng Thái Minh hòa thượng và Hoàng Khôn sẽ đích thân tường thuật đầy đủ chi tiết về vụ Quảng Châu. Vậy các con phải tuyệt đối theo mệnh lệnh của hai người ấy là đại diện của thầy. Giờ đây, trước bàn thờ Sư tổ, các con hãy nguyện đồng tâm nhất chí.

Tám môn đồ hạ sơn tức thì quỳ cả xuống nhìn thẳng vào linh vị Đạt Ma sư tổ đồng thanh :

– Chúng đệ tử xin thề!

Chí Thiện sư trưởng nói tiếp :

– Để làm kỷ vật, Thiếu Lâm tự tặng cho các con mỗi người một món võ khí chuyên dùng.

Chờ Sư trưởng dứt lời Thái Minh, Thế Chí và Mục Dương hòa thượng lần lượt rút các món võ khí cắm trên giá bày hai bên bàn thờ, đưa cho Chí Thiện tặng các môn đồ xuất sơn.

Lý Cẩm Luân lãnh cặp thiết giản sáu cạnh. Phương Hiếu Ngọc, Mỹ Ngọc mỗi người một cây Lê Hoa thương. Phương Thế Ngọc lãnh cây Thiếu Lâm thiết mộc côn (tức là ngọn côn bằng thứ gỗ Trai rắn như sắt riêng biệt của chùa Thiếu Lâm) Đồng Thiên Cân được ngọn đại đao. Lương Bá Tòng lãnh ngọn giáo. Liễu Bách Thắng cặp đoản kích. Cẩm Thượng Ân, ngọn trút tiết nhuyễn tiên.

Sau đó, Sư trưởng gọi Hồng Hy Quan, Tạ Á Phúc, Thạch Thiên Long và Chu Thế Hùng mà rằng :

– Bốn hiền đồ cùng xin ở lại Chùa tiếp tục luyện cao độ, nhưng hiện thời thầy cần các con cùng xuống Quảng Đông, chừng nào hoàn thành sứ mệnh, các hiền đồ trở về Tung Sơn, vậy hãy lãnh võ khí trước đi.

Bốn người đều tuân lệnh. Hồng Hy Quan lãnh thanh trường kiếm. Tạ Á Phúc, thanh đơn đao. Thạch Thiên Long, cây phương thiên họa kích. Chu Thế Hùng lãnh bát xà mâu.

Các môn đồ hạ sơn được rảnh rang ba ngày và sau bữa tiệc chay tiễn hành, đoàn môn đồ Thiếu Lâm từ tạ Sư trưởng và toàn thể nhân viên nhà chùa lên đường.

Ra tới Đăng Phong huyện, Hoàng Khôn bảo với mọi người :

– Không mấy khi được đông đủ như hôm nay, chư vị sư đệ cho phép ngu huynh chủ tiệc tại Môn Sinh Quán say một bữa cho đích đáng! Đồng ý không?

Ai nấy đều hoan nghênh hảo ý ấy.

Lý Cẩm Luân nói :

– Bao năm nay chay tịnh rồi, tôi e mới uống một ly đã túy lúy càn khôn!

Hoàng Khôn phản đối :

– Hừ! Lý sư đệ nói sai! Bộ ở trên chùa không được uống rượu đó sao? Thứ rượu ngâm thuốc dẫn huyết sau khi luyện tập cũng vậy chớ gì!

Đồng Thiên Cân lè lưỡi :

– Đã đành là rượu nhưng có ngon lành gì! Hăng và đắng thấy cả ông bà nội! Nay uống Mai Quế, Hồng Đào, Liên Từ mới sướng miệng chớ!

Nói đoạn, Đồng Thiên Cân liếm môi, tặc lưỡi ra vẻ thèm thuồng lắm khiến ai nấy đều cười ồ lên.

Tạ Á Phúc nghiêm chỉnh nhìn mọi người :

– Hừ! Mới rời Thiếu Lâm tự được nửa ngày trời, các vị đại ca đã tính chuyện phá giới ghê gớm thế này. Chẳng trách khi ra đi, Sư trưởng không an tâm phải luôn luôn căn dặn đủ điều! Ai uống xin tùy ý, chờ Phúc này quyết không phạm giới.

Trước thái độ đặc thế phát của Tạ Á Phúc, Đồng Thiên Cân nheo mắt nhìn mọi người, đoạn cười ha hả :

– Vâng, tiểu đệ biết rằng vị hòa thượng tương lai không muốn phạm giới rồi. Nhưng hiện thời mớ tóc người còn óng nuột trên đầu, vậy chịu khó tục theo anh em, sau này trai giới cũng vừa!

Mọi người lại cười rộ lên vui vẻ khiến Tạ Á Phúc cũng cười theo, nhưng không bỏ dịp châm chọc Đồng Thiên Cân :

– Hơn năm năm phải nhịn nói, nay được dịp, Đồng sư đệ trổ tài ngôn ngữ thật hả hê nhé! Chẳng thế mà đã nhiều lần tôi bắt gặp y đứng cô độc nơi hậu viên gào mây, thét gió một mình!…

Bị châm chọc, Đồng Thiên Cân vái Tạ Á Phúc mà rằng :

– Tiểu đệ xin thua khoa ăn nói của nhà Chùa rồi mà! Vậy xin cầm hơi lát nữa đủ sức uống rượu!

Thấy ai nấy đều vui vẻ bỡn cợt, Phương Thế Ngọc nói theo :

– Chúng ta là con nhà võ, dù ở trên Chùa, câu chuyện cử rượu hay không bất thành vấn đề, chẳng uống trước thì sẽ uống sau, hà tất chư vị đại ca phải luận đàm! Đệ tử tuy ít tuổi nhưng cũng xin theo!

Nghe em tán về rượu, Phương Hiếu Ngọc nói với mọi người :

– Chư vị đại ca coi! Thế Ngọc bàn về môn Tửu y hệt một tay lão chuyên khoa uống. Chả thế mà sau khi thắng cả Lôi Lão Hổ ở Hàng Châu, y được nhiều người hâm mộ thay phiên nhau mời dự tiệc, và cũng chén chú, chén bác, ly đầy, ly vơi như ai đến nỗi gia phụ phải nghiêm trách, cấm đoán, nếu không thì lúc này Thế Ngọc thành Tiểu Tửu Vương rồi đó.

Hiếu Ngọc vừa dứt lời thì ai nấy đều cười vang. Thế Ngọc ranh mãnh, im lặng đưa mắt nhìn toàn thể các bạn đồng môn.

Hoàng Khôn đỡ lời :

– Nói ra thì vô cùng. Thế Ngọc tức khí Lôi Lão Hổ khinh miệt anh hùng thiên hạ và nhất là người đồng hương Quảng Đông nên phải thượng đả. Y đã thắng, nổi tiếng tiểu anh hùng xứ Quảng. Trên đời, phàm khách anh hùng hữu tài thường hay hữu tật, vậy Thế Ngọc có biết uống rượu sớm chăng nữa, vị tất đã là việc dở. Cổ nhân, biết bao vị anh hùng túy tửu mà làm những việc kinh thiên động địa không ai bì nổi. Bữa nay, tại Môn Sinh Quán, nhị vị sư đệ Hiếu Ngọc, Mỹ Ngọc nên mặc tình cho Thế Ngọc vui chén cùng anh em môn hữu mới được.

Đồng Thiên Cân vỗ tay cười ha hả :

– Đại sư huynh Hoàng Khôn khoái luận, Cân này nghe sướng tai lắm và bỗng nhiên thấy khát quá chừng. Được một vị trưởng đoàn thả giàn uống rượu như Hoàng huynh kể cũng khoái!

Hồng Hy Quan đưa mắt lừ Đồng Thiên Cân :

– Hoàng sư huynh ưng thuận cho môn hữu vui chén theo thường lệ tại quán Môn Sinh thôi, nhưng không có nghĩa là sau này ai cũng tự do túy lúy càn khôn đâu nhé.

Đồng Thiên Cân nhìn qua nét mặt nghiêm nghị của Hoàng Khôn, đoạn đổi giọng đáp lời Hồng Hy Quan :

– Đồng mỗ đâu dám nghĩ thế! Nghĩa là chừng nào đại sư huynh chịu thả giàn cho mọi người uống thì Đồng mỗ sẽ uống theo, còn thì chỉ uống… chút xíu thôi.

Nghe Đồng Thiên Cân tán uống, ai nấy đều ngầm đưa mắt nhìn nhau cười thầm.

Đoàn hào kiệt Thiếu Lâm tự vừa đi vừa chuyện trò không mấy chốc đã tới quán Môn Sinh.

Quán chủ là Hồng Gia Toàn thấy đông khách tới vội bước ra cửa quán chào mời, vừa ngạc nhiên :

– Hoàng đại ca mới về Tung Sơn sao đã trở lại ngay? Tất cả cùng khóa hồi hương?

Hoàng Khôn đáp :

– Tôi về thăm Sư trưởng nay phải đi có việc riêng, nhân tiện cùng đi với các anh em đây. Chuyến này có tám người chính thức hồi hương. Hồng Hy Quan, Tạ Á Phúc, Thạch Thiên Long và Chu Thế Hùng sẽ trở lại chùa luyện tiếp cao độ.

Họ Hồng ngạc nhiên :

– Ủa! Từ bao lâu nay chùa ta không có lệ cho phép môn đồ xuống núi ngang như thế. Tất phải có nguyên ủy gì rồi. Hoặc giả Sư trưởng phá cổ lệ cho môn đồ được rộng rãi hơn. Nhưng đó là một cải cách không hay rồi! Phải không Hoàng đại ca?

Ngờ Hồng Gia Toàn nghĩ lầm về hành động của Chí Thiện sư trưởng, vả lại họ Hồng từ bao đời nay vẫn là người trung thành của Thiếu Lâm tự, Hoàng Khôn bèn đem việc Sư trưởng phái môn đồ xuống Quảng Đông thuật cho y nghe.

Hồng Gia Toàn gật gù đáp :

– A! Có thế chứ. Luật lệ cổ truyền đâu phải chuyện chơi! Trách nhiệm của Hoàng huynh và các môn hữu đây khá nặng nề. Rất tiếc bị bận việc, nếu không thì tôi quyết theo xuống Quảng Châu xem nội vụ kết quả ra sao. Sư trưởng phái người đi đông quá!

Hoàng Khôn lắc đầu :

– Vị tất đã đông bằng môn đệ Tây Khương, Võ Đang hiệp nhất. Dù sao thừa cũng hơn thiếu. Đường sá xa xôi chẳng lẽ mỗi khi cần tới lại xin viện ứng sao?… Nào, Hồng sư huynh liệu xếp phòng cho anh em và sửa soạn tiệc rượu nhé.

– Xin vâng. Chừng nào lên đường?

– Ở nốt ngày hôm nay, sáng mai khởi hành, không thể trì hoãn được.

Bữa tiệc giã trường hôm ấy rất vui nhộn và kéo dài đến tận sẩm tối.

Sáng hôm sau, đoàn hào kiệt Thiếu Lâm lên đường xuống Quảng Đông. Vì đông người, Hoàng Khôn thuê hai mã xa lớn cho tiện. Lúc tới ranh giới hai tỉnh Phúc Kiến, Quảng Đông, Hoàng Khôn đổi xe khác thẳng đường xuống Quảng Châu.

Vào tới đại trấn, Hoàng Khôn hướng dẫn xa phu đến Tây Thiền tự trước thì trời đã xế chiều. Chàng nói :

– Tam Đức sư huynh không ngờ anh em ta đến Quảng Châu, vậy ta đột ngột xông thẳng vào xem nhân viên trong chùa có hốt hoảng không nhé!

Mọi người đồng ý, kẻ trước người sau băng qua Tam quan vào sân trước, vừa lúc Tam Đức và Thái Trí hòa thượng từ trên đại hùng bảo điện xuống sân.

Thoạt đầu, hai nhà tu sĩ tưởng là các môn đồ của Võ Đang, Tây Khương bất chợt đột nhập thiền viện gây sự, vì thấy người nào cũng đai nịt gọn ghẽ, võ trang dữ dội, bèn vội vàng lùi bước lên thềm đá toan tính đối phó. Nhưng hai hòa thượng nhận ngay ra Hoàng Khôn, ba anh em Phương gia, Cầm Thượng Ân là người Uy Châu thuộc Quảng Đông, Đồng Thiên Cân, Lương bá Tòng, người Quảng Tây, trước kia đều đã qua Tây Thiền tự, nên tiến tới tiếp đón cùng nhau thi lễ.

Tam Đức niềm nở :

– Chà! Quý vị sư đệ về Quảng Châu, vừa đúng lúc. Sư trưởng nhận được tin bần tăng cấp báo nên phái xuống, phải không?

Hoàng Khôn đáp :

– Người nhận được bức thư do nhân viên Thiếu Lâm cầm về tường trình vụ Hồ Á Kiền thượng đài đả tử Ngưu Hóa Giao và điều động chúng tôi ngay.

Thái Trí hòa thượng khoan khoái xoa hai tay vào nhau mà rằng :

– Có bức thư thứ nhì nữa nhưng chắc chưa tới, người cầm thư mới đi được vài hôm. Sư trưởng dự tính quả rất cả quyết và tranh thủ thời gian rất hay. Nhờ sự hiện diện đông đủ các sư đệ, Tam Đức sư huynh và bần tăng đỡ phải phái bốn tăng nhân đi tiếp tay bên Triệu Khánh phủ.

Nghe ba tiếng Triệu Khánh phủ, anh em Phương gia giựt mình nhìn nhau, Phương Thế Ngọc lẹ miệng hỏi Thái Trí hòa thượng :

– Thưa sư huynh, tiếp tay ai bên Triệu Khánh phủ? Phải chăng là gia mẫu gặp sự khó khăn?

Thái Trí thân mật vỗ vai Thế Ngọc :

– Đúng là việc Phương gia trang, phòng ngừa thôi, hiện thời chưa có việc chi cả. Các sư đệ vào trong này, chúng bần tăng sẽ thuật chuyện cho nghe.

Hoàng Khôn giới thiệu bọn Hồng Hy Quan, Lý Cẩm Luân, Tạ Á Phúc, Liễu Bách Thắng, Thạch Thiên Long và Chu Thế Hùng cùng hai hòa thượng.

Tam Đức nói :

– Hai lần trở về Thiếu Lâm thăm Sư trưởng, Thái Trí và bần tăng biết mặt cả rồi. Duy hiện thời vị nào cũng vạm vỡ, tuy có khác trước nhưng nhìn kỹ cũng nhớ ra ngay. Riêng Lý Cẩm Luân để râu quai nón từ hồi nào vậy, cơ hồ bần tăng không nhận ra nữa?

Đưa tay vuốt bộ râu chổi xể, Lý Cẩm Luân đáp :

– Phải cạo mãi nóng cả ruột, nhiều khi bị đứt cả má nên tiểu đệ mặc cho nó mọc quách cho đỡ bận! Xấu trai một chút nhưng đỡ bận.

Nghe vậy, Tam Đức đưa mắt nhìn Thái Trí cùng cười thầm.

Vào tới khách phòng, các môn đồ Thiếu Lâm dựng khí giới vào tưởng và bỏ hành lý xuống kỷ. Tam Đức hòa thượng hối tăng đồ pha trà và sửa soạn phòng gấp cho mọi người.

Lúc ấy, nghe nói có các sư huynh từ Tung Sơn về, Hồ Á Kiền vội vàng lên khách sảnh chào mừng, hỏi thăm tin tức Sư trưởng.

Hồng Hy Quan nghiêm sắc mặt bảo Á Kiền :

– Sư phụ rất giận về việc sư đệ trốn khỏi Chùa. Nếu sư đệ tuân lời Người thì đâu có xảy ra những chuyện rắc rối với môn đồ Võ Đang sơn?

Hồ Á Kiền cúi đầu nói nhỏ :

– Tiểu đệ đã cố nhịn, cực chẳng đã mới phải đối đầu với Ngưu Hóa Giao. Trước khi cùng y giao đấu, tiểu đệ đã không chắc thắng trận, nhưng vì vấn đề danh dự của môn phái, tiểu đệ đành liều mạng xung trận. Trước ngôn ngữ ngạo mạn của Hóa Giao, dám chắc ít người giữ nổi bình tĩnh…

Hồng Hy Quan cắt ngang :

– Bởi vậy Sư trưởng mới sai phái mọi người xuống Quảng Đông. Nếu sư đệ không chứng tỏ là người khí phách, tất Người bỏ mặc sư đệ tùy nghi đơn thân hành động hà tất phải điều động môn đồ xuống đây làm chi! Hôm chúng tôi hạ sơn, Sư trưởng có gởi theo cho sư đệ ngọn Lê Hoa thương là thứ võ khí mà sư đệ quen dùng…

Nói đoạn, Hồng Hy Quan ra góc tường lấy ngọn thương đưa cho Á Kiền :

– Sư đệ khá coi đó, Sư trưởng bổn tánh bao dong thương quý các môn đồ, đệ tử liệu cư xử cho khỏi phụ hảo tâm của ân sư.

Hồ Á Kiền đỡ lấy ngọn thương lê hoa, rơm rớm lệ cảm động. Giờ phút này, Á Kiền mới nhận thức tình đoàn kết chặt chẽ của người đồng phái. Tuy xa cách, Sư trưởng cũng điều động phái các môn đồ về Quảng Châu phòng hờ.

Trong khi mọi người dùng trà, Thái Trí hòa thượng thuật qua tình hình Quảng Châu cho họ nghe và sau đó nói riêng với ba anh em Phương gia, Hoàng Khôn việc Lý Tiểu Hoàn hiện thời ở trong trấn.

Phương Thế Ngọc vội hỏi :

– Sao sư huynh biết việc Nữ Bá Vương về đây?

– Hai vị Bắc hiệp Lã Mai Nương, Cam Tử Long báo cho Tam Đức và bần tăng hay trưa hôm qua. Lý Tiểu Hoàn cùng trọ tại Thanh Thiên lầu, Nam môn với Song hiệp. Hai nhân vật ấy đã qua thăm Triệu Khánh và ở Phương gia trang hơn một tháng mới về đây được mấy ngày.

Phương Thế Ngọc nói với hai anh và Hoàng Khôn :

– Ba đại huynh nên đến Thanh Thiên lầu thăm Song hiệp. Tiểu đệ không cùng đi được, e Lý Tiểu Hoàn nhận được mặt.

Thái Trí hòa thượng can ngăn :

– Dù Tiểu Hoàn không biết mặt Hoàng Khôn, Hiếu Ngọc, Mỹ Ngọc cũng không nên đến tửu lầu gặp Mai Nương, Tử Long. Nếu tình hình trở nên gay go, biến chuyển lớn, các sư đệ còn phải ra mặt và nên để Mai Nương, Tử Long ngoài cuộc. Như vậy có lợi cho chúng ta hơn.

Thế Ngọc nói :

– Sư trưởng tiên đoán Lý Hoàn sẽ có viện binh và đi Triệu Khánh tìm gia mẫu cùng tiểu đệ phục thù. Chắc chắn nàng qua Quảng Châu không vì vụ lôi đài Thủy Nguyệt. Vậy ta cần toan tính trước mới được.

Thái Trí vỗ vai Thế Ngọc tỏ ý mến mà rằng :

– Sư đệ khỏi lo việc đó. Hôm qua Mai Nương và Tử Long nhận trách nhiệm thông báo về Triệu Khánh cho lệnh mẫu biết tin Lý Tiểu Hoàn rồi. Nghe nói hình như Song hiệp có quen xa phu nào ở bên chợ thì phải.

Nghe vậy, Phương Hiếu Ngọc gật đầu bảo em :

– Phải rồi, tam đệ mới về hương quán lần đầu nên không biết xa phu Vương Quang. Nếu Song hiệp Cam, Lã nhắn tin thì thế nào cũng đến nơi. Vả lại Lý Tiểu Hoàn còn ở Quảng Châu tức là nàng còn chờ đồng bọn mới dám đi Triệu Khánh chớ!

Hoàng Khôn khen phải :

– Ngu huynh đồng ý với Hiếu Ngọc về điểm này. Họ Lý hiện đang ở trong tầm mắt bí mật kiểm soát của Mai Nương, Tử Long, lo gì? Ngu huynh dự đoán nếu nàng biết vụ lôi đài và việc Lữ Anh Bố được bọn Cơ phòng tử thỉnh về Quảng Châu, báo thù cho Ngưu Hóa Giao thì vị tất nàng đã đi Triệu Khánh ngay, bởi lẽ muốn biết kết quả trận đấu ra sao.

Nhìn Hiếu Ngọc, Mỹ Ngọc, Hoàng Khôn hỏi :

– Lữ Anh Bố mở võ quán lâu năm tại Triệu Khánh, tất nhị vị sư đệ hiểu biết y hơn mọi người?

Phương Hiếu Ngọc đáp :

– Trong thời kỳ Anh Bố về Triệu Khánh mở võ quán, Mỹ Ngọc và tôi ở liền trên Thùy Dương theo ngoại tổ (chỉ Miêu Hiển) và kế mẫu (tức Miêu Thúy Hoa) tập luyện. Sau này, tập luyện thành công, chúng tôi nhiều lần về Triệu Khánh tải hàng mới nghe danh Anh Bố, nhưng không tiếp xúc cùng y lần nào nên không biết rõ. Dầu sau, y đứng hàng trên Ngưu Hóa Giao, tôi cả quyết Hồ sư đệ không phải đối thủ của y. Đó là việc cần phải xếp đặt ngay từ bây giờ.

Thái Trí hòa thượng nói :

– Việc đã được dự tính rồi. Giờ đây, môn đồ Thiếu Lâm về đông, theo ý bần tăng, ngụ cả ở Tây Thiền tự có lẽ không tiện, vì hôm Tam Đức sư huynh cứu Á Kiền khi ngất trên lôi đài, bọn Cơ phòng và mọi người đều mục kích. Các sư đệ mới đến nên sang ngụ bên Quang Hiếu tự có thế mới tỏ thiện chí hòa bình của phái nhà.

Các môn đồ Thiếu Lâm đều đồng ý. Tam Đức hòa thượng nói :

– Lúc này cũng đã sẩm tối rồi, nhà Chùa cũng đã làm cơm, quý vị sư đệ dùng bữa xong sẽ qua Quang Hiếu tự cũng vừa.

Thái Trí đứng lên :

– Bần tăng về Chùa trước sửa soạn nơi cư trú. Bên Đông môn Tiểu Dương lộ có tửu quán, các sư đệ có thể dùng bữa ngoài quán, như vậy đỡ kham khổ dưa muối theo nhà Chùa.

Đồng Thiên Cân vỗ tay hoan hô Thái Trí :

– Thái Trí sư huynh kinh nghiệm và thiệt tâm lý! Cân này hết sức hoan nghinh hảo ý ấy. Sư huynh biết chúng ta đã dưa muối nhiều năm rồi nên thương tình cho ngã mặn ngoài quán.

Thấy Đồng Thiên Cân háu ăn mặn, các môn hữu đều nhìn nhau bưng miệng cười.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN