Hai vạn dặm dưới biển - Chương 27 - 28
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
137


Hai vạn dặm dưới biển


Chương 27 - 28



Chương 27

Viên Ngọc Giá Mười Triệu

Đêm đã tới. Tôi đi ngủ nhưng cứ chập chờn mãi vì bị hình ảnh cá mập ám ảnh. Bốn giờ sáng hôm sau, người thủy thủ do thuyền trưởng Nê-mô cử đến phục vụ tôi, đánh thức tôi dậy. Tôi vội mặc quần áo rồi ra phòng khách. Thuyền trưởng Nê-mô đang chờ tôi ở đó. ông ta hỏi:

-Ngài A-rô-nắc, ngài đã sẵn sàng rồi chứ?

-Vâng, tôi đã sẵn sàng.

-Xin ngài theo tôi.

-Còn những người cùng đi với tôi?

-Họ đã được báo trước và đang chờ ngài.

-Chúng ta mặc đồ lặn chứ ạ?

-Chưa mặc bây giờ. Tôi không muốn cho tàu Nau-ti-lúx vào gần bờ quá, nên đã ra lệnh chuẩn bị xuồng để tới chỗ bãi cát nông của vịnh Ma-na còn cách đây khá xa.

Như thế chúng ta sẽ rút ngắn được quãng đường phải lội khá nhiều. Đồ lặn đã được đưa xuống xuồng, chúng ta chỉ mặc vào trước khi lặn xuống nước. Nê-mô dẫn tôi đến cầu thang trung tâm. Nét và Công-xây đã chờ tôi ở đó. Cả hai người đều hân hoan về cuộc “du ngoạn vui vẻ” sắp tới. Năm thủy thủ ngồi trong xuồng sẵn sàng chèo lái. Trời chưa sáng. Những vì sao thưa thớt lấp lánh giữa những đám mây bao phủ bầu trời. Tôi đưa mắt tìm đất liền nhưng chỉ thấy một dải sương mờ chạy dài ba phần tư chân trời, từ tây-nam đến tây-bắc. Tàu Nau-ti-lúx đêm qua chạy dọc bờ biển phía tây Xây-lan, giờ đây đang ở gần cửa vịnh giữa bờ biển Xây-lan và đảo Ma-na. Nơi đó, dưới những lớp nước sâu là những mỏm đá ngầm, những kho trai có ngọc vô tận rộng gần hai mươi dặm. Thuyền trưởng Nê-mô, Công-xây, Nét Len và tôi ngồi ở phía sau. Một thủy thủ cầm lái, còn bốn người kia chèo. Xuồng từ từ đi về hướng nam. Tôi thấy mỗi động tác chèo cách nhau mười giây, như cách chèo xuồng của hải quân…

Chúng tôi im lặng. Đến năm giờ rưỡi, khi bắt đầu bình minh thì chân trời hiện lên rõ hơn hình một dải núi. Chúng tôi chỉ còn cách đảo năm hải lý. Biển vắng, không một bóng thuyền. Thuyền trưởng Nê-mô nói đúng: chúng tôi tới đây trước mùa mò ngọc. Đến sáu giờ sáng, trời đột ngột sáng rõ. Đó là đặc điểm của những nước nhiệt đới, nơi rạng đông và hoàng hôn đều rất ngắn ngủi. Giờ đây tôi đã nhìn thấy rõ đảo, thậm chí cả những bóng cây thưa thớt trên bờ. Chiếc xuồng đang tiến gần đảo Ma-na. Thuyền trưởng Nê-mô đứng dậy và bắt đầu chăm chú quan sát phía xa. Theo hiệu của Nê-mô, chiếc xuồng thả neo nhưng chỉ mất không hơn một mét dây, vì nước ở đây cạn. Nê-mô bảo tôi:

-Ngài A-rô-nắc, chúng ta đến nơi rồi. Ngài có thấy cái vịnh kín này không? Một tháng nữa ở đây sẽ tập trung rất nhiều tàu thuyền, và hàng ngàn thợ lặn gan dạ sẽ lặn xuống đáy biển! Vịnh này thật là lý tưởng đối với nghề mò ngọc. Vịnh được núi chắn những cơn gió mạnh và biển ở đây không nổi sóng: đó là điều kiện hết sức thuận lợi cho thợ lặn. Thôi bây giờ chúng ta mặc đồ lặn vào và bắt đầu cuộc tham quan!

Tôi không trả lời. Một thủy thủ giúp tôi mặc bộ đồ lặn nặng nề vào người. Thuyền trưởng Nê-mô, Nét và Công-xây cũng làm như tôi. Không một thủy thủ nào đi theo chúng tôi trong chuyến tham quan đặc biệt này. Người ta đeo vào lưng chúng tôi những bình chứa khí nén nhưng không nói gì tới máy Rum-coóc-phơ. Trước khi đội mũ lặn vào đầu, tôi nhắc thuyền trưởng về điều này. Nê-mô trả lời:

-Không cần tới máy đó. Chúng ta không lặn xuống sâu, mà ở chỗ nông thì chỉ cần ánh sáng mặt trời là đủ. Hơn nữa, bật đèn điện ở vùng này là rất nguy hiểm. ánh sáng điện có thể làm cho loài cá dữ kéo tới. Trong khi Nê-mô nói, tôi quay về phía Công-xây và Nét Len. Nhưng họ đã đội mũ vào và không nghe thấy gì nữa. Tôi hỏi Nê-mô câu cuối cùng:

-Thế vũ khí của chúng ta đâu? Súng của chúng ta đâu?

-Súng à? Cần gì súng? Người miền núi đi săn gấu chỉ cần một con dao găm thôi mà! Lưỡi dao thép đâu có kém đạn chì? Đây là một con dao rất tốt, ngài hãy dắt vào thắt lưng rồi chúng ta lên đường.

Tôi nhìn Nét và Công-xây. Họ cũng được vũ trang như tôi và Nê-mô. Nét còn đeo thêm một cái mũi lao nhọn mà anh ta mang theo khi rời tàu Nau-ti-lúx. Một phút sau, các thủy thủ lần lượt thả chúng tôi xuống nước. ở độ sâu không quá một mét rưỡi, chân chúng tôi đã chạm cát. Thuyền trưởng Nê-mô lấy tay ra hiệu. Chúng tôi theo ông ta xuống một sườn dốc thoai thoải. Một lát sau, chúng tôi xuống tới một hố sâu khá rộng. Những ý nghĩ đang đè nặng lên tôi bỗng tan mất. Tôi thấy trong lòng bình tĩnh lạ thường. Tôi yên tâm vì thấy vận động được thoải mái và sững sờ trước cảnh tượng diệu kỳ. Những tia sáng mặt trời rọi qua làn nước trong vắt, chiếu sáng cả đáy biển. Những con trai nhỏ nhất cũng nhìn thấy rõ. Mười phút sau, chúng tôi tới độ sâu năm mét. Đáy biển ngày càng bằng phẳng hơn… Độ bảy giờ sáng chúng tôi tới bãi cát nông, nơi có hàng triệu con trai đang sinh sản. Thuyền trưởng Nê-mô cho tôi xem nơi tập trung trai có ngọc ấy. Tôi hiểu rằng kho trai đó là vô tận vì sức sáng tạo của thiên nhiên vẫn lớn hơn bản năng phá hoại của con người. Nét Len vốn có bản năng phá hoại ấy nên vội lựa chọn những con trai đẹp nhất và nhét đầy túi lưới đeo ở thắt lưng. Nhưng chúng tôi không dừng lại lâu ở đây vì phải đi theo Nê-mô là người có vẻ thông thạo con đường này. Đáy vịnh dâng cao rõ rệt, và đôi khi bàn tay tôi giơ lên thò ra khỏi mặt nước. Trước mắt chúng tôi bỗng hiện ra một cái hang rộng được tạo nên trong một mỏm đá rất đẹp mắt có nhiều loài cây cỏ dưới biển phủ ngoài… Thuyền trưởng Nê-mô vào hang. Chúng tôi vào theo. Tôi thích ứng rất nhanh với bóng tối trong hang. Nê-mô dẫn chúng tôi vào sâu thế này làm gì nhỉ?

Sau khi lần xuống một bờ khá dốc, chúng tôi tới một chỗ trông tựa cái giếng. Tới đây Nê-mô dừng lại và chỉ cho chúng tôi xem một vật mà tôi chưa nhận ra ngay là cái gì. Đó là một con trai to lạ thường, đường kính khoảng hai mét, lớn hơn con trai ở phòng khách tàu Nau-ti-lúx. Tôi tới gần con vật kỳ lạ ấy. Theo tôi, nó phải nặng tới ba trăm ki-lô-gam, trong đó ít nhất có mười lăm ki-lô-gam thịt. Thuyền trưởng Nê-mô chắc hẳn đã biết rõ con trai này và không phải lần đầu tiên vào hang này! Tôi nghĩ rằng ông ta dẫn chúng tôi đến đây chỉ là để cho xem cái vật lạ đó của thiên nhiên.

Nhưng tôi đã lầm. Nê-mô có lý do riêng của mình: ông ta muốn biết tình trạng của con trai đó ra sao. Vỏ trai đang hé mở. Nê-mô tới gần rồi nhét con dao găm vào giữa hai vỏ để nó không ngậm lại được. Sau đó, ông ta lấy tay nâng mép ngoài có tua viền của áo trai lên. Giữa những nếp gấp hình lá có một viên ngọc to bằng quả dừa. Một viên ngọc rất tròn và trong sáng tuyệt vời! Một vật vô giá! Trong lúc quá tò mò tôi đưa tay ra để chộp lấy hòn ngọc và xem nó nặng bao nhiêu! Nhưng Nê-mô ra hiệu cho tôi ngừng lại rồi rút ngay con dao ra khỏi vỏ trai. Thế là con trai ngậm ngay vỏ lại. Tôi hiểu ý định của Nê-mô rồi. ông ta để viên ngọc lại dưới áo của con trai là để tạo cho khả năng lớn dần lên. Mỗi năm những chất tiết ra lại bồi thêm những lớp đồng tâm cho viên ngọc. Chỉ có Nê-mô mới biết cái hang có viên ngọc kỳ diệu này. Chỉ có ông ta biết nuôi dưỡng nó để sau này mang nó về phòng bảo tàng tuyệt vời của mình. Cũng có thể Nê-mô bắt chước người Trung Quốc hay người ấn Độ, tự tạo nên sự phát triển của viên ngọc bằng cách đặt vào áo con trai một vật rắn, bằng kim loại hình cầu chẳng hạn, để trai tiết ra chất ngọc phủ ngoài. So sánh viên ngọc này với những viên tôi đã thấy và những viên đã có trong bộ sưu tập của Nê-mô, tôi đánh giá nó ít nhất mười triệu phrăng. Đó là viên ngọc do thiên nhiên sáng tạo ra chứ không phải là một vật xa xỉ! Vả lại, có cái tai phụ nữ nào chịu nổi sức nặng của viên ngọc này? Sau khi xem viên ngọc quý, thuyền trưởng Nê-mô ra khỏi hang. Đoàn tham quan chúng tôi ở vùng nước chưa bị dân mò ngọc làm vẩn đục này, lại tiếp tục đi. Mười phút sau, Nê-mô bỗng dừng lại. Tôi tưởng ông ta muốn quay về. Nhưng không! Nê-mô lấy tay ra hiệu cho chúng tôi nấp vào khe đá rồi chỉ cho xem một chấm đen dưới nước. Tôi chăm chú nhìn. Cách tôi năm mét, có một bóng đen thấp thoáng và đang chìm xuống đáy. ý nghĩ hốt hoảng về cá mập thoáng hiện trong óc tôi. Nhưng tôi đã lầm: lần này không phải là loài cá dữ. Đó là một người, một người còn sống, một người ấn Độ nghèo khổ đến mò ngọc sớm hơn lệ thường.

Anh ta liên tục lặn xuống rồi lại ngoi lên. Khi lặn, anh ta kẹp một viên đá giữa hai chân, viên đá này có dây buộc phía sau thuyền. Đó là tất cả đồ lặn của anh ta. Xuống sâu khoảng năm mét, anh ta buông hòn đá ra, quỳ xuống rồi nhặt vội những con trai quanh đó nhét vào túi lưới buộc ở thắt lưng. Sau đó, anh ta ngoi lên mặt nước, đổ trai vào thuyền rồi lại bắt đầu những động tác nói trên trong khoảng ba mươi giây. Anh ta không thấy chúng tôi đang nấp sau mỏm đá. Vả lại, anh ta sao có thể tưởng tượng được rằng có những con người, những sinh vật giống hệt anh ta đang ở cạnh và quan sát từng hành động nhỏ của anh ta, không bỏ sót một chi tiết nào? Anh ta ngoi lên lặn xuống nhiều lần, mỗi lần chỉ mang lên được không quá một con trai vì trai bám vào đất rất chặt. Và trong số trai mà anh ta phải liều thân để lấy, biết bao con trong ruột chẳng có gì! Tôi chăm chú theo dõi anh ta. Anh ta lặn xuống ngoi lên trong từng khoảng thời gian đều đặn, và suốt nửa tiếng đồng hồ không gặp một nguy hiểm gì. Tôi đã bắt đầu chán cái việc quan sát ấy thì người thợ lặn đang ở tư thế quỳ bỗng né sang một bên, bật dậy và tìm cách ngoi lên mặt nước. Tôi đã hiểu vì sao anh ta hoảng sợ. Một bóng đen khổng lồ lướt qua đầu người thợ lặn bất hạnh ấy. Đó là một con cá mập hết sức lớn đang lao tới anh ta, hai mắt đỏ ngầu, miệng há hốc. Tôi hoảng quá, đờ cả người ra. Con cá háu ăn quẫy mạnh và lao thẳng tới người thợ lặn. Anh ta nhảy sang một bên và tránh được hàm răng nhọn của con cá, nhưng bị đuôi cá mập đập mạnh vào ngực ngã lăn ra. Tất cả những việc đó diễn ra trong nháy mắt. Con cá mập thoạt tiên hơi ngập ngừng một chút, nhưng sau đó lật ngửa ra để lao tới cắn đứt đôi người. Đến đây, thuyền trưởng Nê-mô đứng cạnh tôi rút dao găm ra rồi tiến lên chiến đấu tay đôi với con cá dữ. Con cá đang ở tư thế sẵn sàng sát hại người ấn Độ bất hạnh thì chợt chú ý tới đối thủ mới. Nó lật sấp lại rồi xông tới chỗ thuyền trưởng Nê-mô. Nê-mô hơi ngửa mình về phía sau rồi hết sức bình tĩnh chờ con cá đến gần. Khi nó đã tới sát, Nê-mô vô cùng khéo léo nhảy sang một bên tránh đòn, rồi cắm phập con dao găm vào bụng cá, ngập tới chuôi. Cuộc chiến đấu quyết liệt bắt đầu.

Con cá nổi khùng. Máu từ vết thương vọt ra như suối. Nước biển nhuộm màu đỏ thẫm khiến tôi chẳng còn nhìn thấy gì. Một lát sau, khi chỗ nước nhuốm máu bị cuốn trôi đi, tôi mới thấy thuyền trưởng Nê-mô dũng cảm đang bám chặt vào vây con cá mà đâm liên tiếp vào bụng nó. Nhưng ông ta không có khả năng đánh một đòn quyết định, nghĩa là đâm trúng tim kẻ thù! Con cá mập bị tử thương oằn mình lại và quẫy đuôi rất mạnh khiến tôi đứng không vững nữa. Tôi muốn xông tới giúp thuyền trưởng. Nhưng vì quá khiếp sợ, nên tôi đờ người ra không bước lên được bước nào. Tôi thấy tình hình hai bên tham chiến đã thay đổi, Nê-mô bị thân hình to lớn của con cá xô ngã lộn nhào. Tính mạng Nê-mô đang như treo trên sợi tóc thì Nét Len nhanh như cắt xông tới và phóng lao nhọn vào con cá.

Nước biển lại nhuốm đỏ màu máu. Con cá điên cuồng lồng lộn làm cuộn lên từng đợt sóng lớn. Nét Len đã giáng một đòn trí mạng. Con cá hấp hối, quằn quại. Công-xây thì bị sóng xô ngã. Nét Len giúp thuyền trưởng thoát khỏi thân con cá đang đè lên người. Nê-mô không bị thương. ông đứng dậy, chạy về phía người ấn Độ, cắt dây thừng buộc người đó với hòn đá rồi ôm người đó bơi lên mặt biển. Chúng tôi cũng bơi lên theo Nê-mô và mấy giây sau đã tới chiếc thuyền của người bị nạn. Trước hết, Nê-mô tìm cách làm cho người này hồi tỉnh. Tôi không tin Nê-mô sẽ cứu được anh ta sống. Anh ta chỉ ở dưới nước một thời gian ngắn, nhưng đuôi cá đập mạnh có thể giết chết anh ta! May thay, nhờ những biện pháp kiên quyết của Nê-mô và Công-xây, người bị nạn dần dần tỉnh lại. Anh ta mở mắt. Các bạn có thể hình dung được là anh ta đã ngạc nhiên, thậm chí hoảng sợ thế nào khi thấy bốn cái đầu bằng đồng đang cúi xuống anh ta! Nhưng anh ta không thể tưởng tượng được rằng Nê-mô rút ra một túi ngọc trai rồi giúi vào tay mình! Anh thợ lặn nghèo khổ đưa bàn tay run rẩy ra nhận tặng phẩm dịêu kỳ của người chủ biển cả. Cái nhìn hoảng sợ chứng tỏ anh ta không biết những sinh vật kỳ lạ đã cứu sinh mạng và ình châu báu kia là ai. Theo hiệu thuyền trưởng, chúng tôi trở lại bãi ngọc và sau nửa tiếng đồng hồ đi trên con đường quen thuộc thì về tới chiếc xuồng đang nhả neo chờ. Chúng tôi lên xuồng và được các thủy thủ giúp tháo bỏ những cái mũ đồng nặng nề ra. Câu nói đầu tiên của thuyền trưởng Nê-mô là dành cho Nét Len:

-Ông Nét, xin cảm ơn ông!

-Thưa thuyền trưởng, có gì mà cảm ơn! Tôi đã chịu ơn ngài nhiều. Nê-mô hơi mỉm cười và chẳng ai nói gì thêm nữa.

-Quay xuồng về tàu!

-Nê-mô ra lệnh. Chiếc xuồng lướt trên sóng. Mấy phút sau, chúng tôi gặp xác con cá mập nổi lên mặt biển. Nhìn viền đen ở vây cá, tôi nhận ra đó là loại cá mập ăn thịt người rất đáng sợ ở ấn Độ Dương. Nó dài gần tám mét. Cái mồm rộng hoác chiếm một phần ba thân. Đó là con cá đã trưởng thành vì có sáu hàng răng ở hàm trên. Khi tôi đang xem xác con cá thì có khoảng hơn mười con cá mập khác nổi lên quanh xuồng. Chúng chẳng chú ý gì tới chúng tôi mà lăn xả vào xâu xé con cá bị chết. Đến tám giờ rưỡi, chúng tôi bước lên tàu Nau-ti-lúx. Những ý nghĩ của tôi dần dần quay lại chuyến thăm quan vừa rồi ở vịnh Ma-na. Tôi thán phục lòng quả cảm tuyệt vời của thuyền trưởng Nê-mô mà chính tôi đã chứng kiến! Tôi hiểu rằng Nê-mô có thể hy sinh thân mình để cứu một người của cái xã hội mà ông ta đã từ bỏ! Dù con người bí hiểm đó có nói gì về mình thì ông ta cũng không thể hủy diệt được lòng thương người trong tim mình được.

Tôi nói với Nê-mô ý nghĩ đó. ông ta trả lời tôi, giọng xúc động:

-Thưa giáo sư, đó là một người ấn Độ, một đại diện của quần chúng bị áp bức; mà tôi thì sẽ là người bảo vệ cho họ đến hơi thở cuối cùng!

Chương 28

Biển Đỏ

Trưa ngày 29 tháng giêng, đảo Xây-lan khuất sau chân trời, tàu Nau-ti-lúx chạy với tốc độ hai mươi hải lý một giờ. Thế là từ khi rời biển Nhật Bản tới nay, chúng tôi đã vượt một vạn sáu ngàn hai trăm hai mươi hải lý hay bảy ngàn năm trăm dặm. Hôm sau, 30 tháng giêng, khi tàu nổi lên thì chẳng còn thấy một hòn đảo nào. Tàu hướng về phía tây-bắc, về phía vịnh ạ-man nằm giữa bán đảo A-ra-bi-a và bán đảo ấn Độ: và là cửa vào vịnh Ba Tư. Đây thật là một vịnh kín, không có lối ra biển. Thuyền trưởng Nê-mô định đưa chúng tôi đi đâu? Tôi không thể biết được. Trả lời như vậy không làm Nét thoả mãn.

-ông Nét ạ, đường chúng ta đi tùy thuộc ý muốn của thuyền trưởng.

-ý muốn của thuyền trưởng không đưa chúng ta đi xa được đâu. Vịnh Ba Tư không có lối ra nào khác. Nếu ta vào thì phải đi ra bằng đường cũ.

-Thì sao! Sau khi vào vịnh Ba Tư, nếu tàu Nau-ti-lúx muốn đến thăm biển Đỏ thì có thể sử dụng vịnh Báp-en Man-đép bất kỳ lúc nào.

-Thưa giáo sư, nhưng biển Đỏ, cũng như vịnh Ba Tư, chẳng có lối ra nào khác! Kênh Xuy-ê chưa đào xong. Vả lại, nếu có đào xong thì một chiếc tàu cần giữ bí mật như tàu của ta liệu có dám đi vào kênh đào có nhiều đập nước như vậy không? Tóm lại, biển Đỏ không phải là con đường đưa chúng ta về châu Âu.

-Nhưng tôi có nói là chúng ta đang về châu Âu đâu.

-Thế giáo sư dự kiến thế nào?

-Tôi cho rằng, sau khi thăm vùng biển A-ra-bi-a và Ai Cập, tàu Nau-ti-lúx sẽ trở lại ấn Độ Dương, hoặc qua eo Mô-dăm-bích, hoặc qua quần đảo Ma-xca-ren và sẽ tới mũi Hảo Vọng.

-Vâng, tới mũi Hảo Vọng rồi sao nữa!

-Nét kiên trì hỏi.

-Vòng qua mũi Hảo Vọng, chúng ta sẽ ra Đại Tây Dương. Chúng ta chưa đến vùng biển đó bao giờ. Này ông Nét, chẳng lẽ ông đã ngán cái kiểu đi ngầm dưới biển này rồi à? Còn tôi, nếu chuyến du lịch thú vị này đột nhiên chấm dứt thì tôi sẽ rất buồn. Chẳng phải ai cũng được may mắn như chúng ta đâu!

-Nhưng xin giáo sư chớ quên rằng chúng ta bị cầm tù trên tàu Nau-ti-lúx đã được ba tháng.

-ông Nét à, tôi chẳng muốn nhớ chuyện đó làm gì! Trên tàu này tôi chẳng tính ngày tính giờ làm gì!

-Nhưng rồi sẽ kết thúc ra sao?

-Sẽ có lúc phải kết thúc thôi! Nhưng chúng ta bất lực trong việc làm cho nó kết thúc nhanh, và mọi cuộc tranh cãi về vấn đề này đều vô ích. Nếu ông bảo tôi:

“Đã có thời cơ chạy trốn rồi đấy!” thì tôi sẽ thảo luận ngay với ông về chuyện ấy. Nhưng thời cơ chưa tới và tôi thành thật nghĩ rằng thuyền trưởng Nê-mô không dám vào vùng biển châu Âu đâu. Nét Len kết thúc câu chuyện bằng một câu độc thoại:

“Cái gì cũng đẹp vô cùng. Nhưng tôi nghĩ, trong cảnh tù đày này thì chẳng có gì đáng vui cả!” Suốt bốn ngày, tới mùng 3 tháng 2, tàu Nau-ti-lúx chạy trong vịnh ạ-man ở các tốc độ và độ sâu khác nhau. Hình như nó đang phân vân trong việc chọn đường đi. Tàu ra khỏi vịnh ạ-man và tới ngày mùng 5 tháng 2 thì vào vịnh A-đen, nơi đây nước của ấn Độ Dương hòa với nước biển Đỏ. Ngày mùng 6 tháng 2, tàu Nau-ti-lúx nhìn thấy thành phố A-đen xây dựng trên những mỏm đá nhô ra biển. Tôi tưởng Nê-mô cho tàu chạy tới đây thì quay lại. Nhưng tôi đã lầm. Hôm sau, mùng 7 tháng 2, tàu tiến vào eo biển Báp-en Man-đép, tiếng A-rập có nghĩa là “Cửa nước mắt”. Eo này rộng hai mươi hải lý và chỉ dài năm mươi hai ki-lô-mét. Tàu Nau-ti-lúx chạy thật nhanh chỉ mất một tiếng đồng hồ là vượt qua. Đến trưa tàu vào tới biển Đỏ. Biển Đỏ! Chưa bao giờ có mưa rào trên biển này. Không một con sông lớn nào đổ vào biển này! Hằng năm nước bốc hơi làm mực nước ở đây tụt xuống một mét rưỡi! Biển Đỏ dài hai ngàn sáu trăm ki-lô-mét và rộng trung bình hai trăm bốn mươi ki-lô-mét. Thời cổ đại đây là một đường mậu dịch quốc tế chủ yếu.

Tôi không muốn tìm nguyên nhân đã thúc đẩy thuyền trưởng Nê-mô nhưng tôi chẳng thắc mắc gì khi được đến đây. Tàu chạy ở tốc độ trung bình, khi thì nổi, khi thì lặn xuống sâu để tránh gặp các tàu thuyền khác. Thế là tôi được quan sát biển này cả trên mặt nước, cả dưới sâu. Tàu Nau-ti-lúx tiến gần bờ biển châu Phi, nơi có nhiều vực thẳm. ở đó dưới các lớp nước trong như pha lê, qua ô cửa kính, chúng tôi ngắm nhìn những đám san hô ngầm được những tấm thảm bằng tảo phủ ngoài. Cảnh tượng đó thật khó phai mờ trong trí nhớ! Ngày 9 tháng 2, tàu Nau-ti-lúx tới quãng rộng nhất của biển Đỏ. Trưa hôm đó, sau khi xác định tọa độ, thuyền trưởng lên boong, nơi tôi đang đứng. Tôi định lợi dụng cơ hội này để thăm dò ý đồ sắp tới của Nê-mô. Thấy tôi, Nê-mô bước đến ngay, mời tôi hút xì gà rồi hỏi:

-Thế nào, giáo sư có thích biển Đỏ không? Ngài có quan sát được những kỳ quan ẩn náu dưới sâu không?

-Thưa thuyền trưởng, tất nhiên là có! Tàu Nau-ti-lúx quả là hết sức thích hợp với việc quan sát những kỳ quan đó. Thật là một chiếc tàu thông minh!

-Vâng, thưa ngài, con tàu rất thông minh, dũng cảm và an toàn! Nó chẳng sợ gì bão táp thường hoành hành ở biển Đỏ, cùng những luồng nước mạnh và những dải đá ngầm ở đây.

-Biển Đỏ được xem là một trong những vùng biển nguy hiểm nhất, và nếu tôi không lầm, thì từ thời cổ đại nó đã nổi tiếng chẳng lành.

-Thưa ngài, đúng vậy! Những nhà sử học Hy Lạp và La Mã nhận xét về nó rất tiêu cực. Theo họ, vô số tàu thuyền đã bị đắm vì vấp phải những dải cát nổi và chẳng một thuyền trưởng nào dám cho tàu chạy ban đêm ở biển này. ..

-Rõ ràng là các nhà sử học đó không được đi tàu Nau-ti-lúx.

-Tôi nói.

-Tất nhiên!

-Thuyền trưởng mỉm cười.

-Song trong lĩnh vực đóng tàu, những người đương thời với chúng ta cũng chẳng tiến xa hơn người cổ đại bao nhiêu. Phải mất mấy thế kỷ con người mới phát minh ra máy hơi nước! Chẳng biết một trăm năm sau có xuất hiện được một chiếc Nau-ti-lúx thứ hai không?

-Thuyền trưởng nói rất đúng. Chiếc tàu của ngài tiến trước thời cổ đại cả một thế kỷ, nếu không nói là hàng thế kỷ! Thật đáng tiếc, phát minh này sẽ mất đi cùng với người sáng tạo ra nó. Nê-mô im lặng không trả lời. Tôi nói tiếp:

-Thưa thuyền trưởng, chắc ngài đã nghiên cứu rất kỹ biển này. Xin ngài cho biết vì sao lại gọi là biển Đỏ?

-Về vấn đề này có nhiều cách giải thích khác nhau. Nhưng theo tôi, tên biển Đỏ là từ chữ Do Thái “Edom” mà ra. Người xưa căn cứ vào màu nước mà đặt tên cho biển này.

-Nhưng tôi chẳng thấy nó có màu sắc gì đặc biệt cả. Nước ở đây cũng như nước những biển khác trong xanh mà chẳng đỏ chút nào.

-Đúng vậy! Nhưng vào sâu trong vịnh, ngài sẽ thấy một hiện tượng lạ. Một lần ở vũng To-rơ, tôi được thấy nước biển tựa như trước mắt tôi là một hồ máu.

-Vì sao lại có hiện tượng ấy? Có phải vì những loài tảo đỏ li ti không?

-Đúng vậy! Đó là kết quả bài tiết của một loài tảo rất nhỏ. Muốn phủ kín một milimét vuông, cần có bốn vạn đơn vị. Có thể ngài sẽ được quan sát hiện tượng đó khi tàu vào vũng To-rơ.

-Thưa thuyền trưởng, chắc không phải lần đầu ngài cho tàu Nau-ti-lúx vào biển Đỏ?

-Vâng, không phải lần đầu!… Tiếc rằng tôi không thể cho ngài xem kênh đào Xuy-ê, nhưng ngày kia, khi tàu vào Địa Trung Hải, ngài sẽ được thấy con đê dài ở Po Xa-ít.

-Vào Địa Trung Hải ạ?

-Tôi sửng sốt.

-Vâng! Giáo sư ngạc nhiên ạ?

-Vâng, tôi ngạc nhiên vì ngày kia chúng ta đã tới Địa Trung Hải rồi!

-Đúng vậy!

-Thưa thuyền trưởng, tôi ngạc nhiên thật, mặc dù đi trên tàu Nau-ti-lúx thì chẳng nên ngạc nhiên về điều gì nữa.

-Nhưng giáo sư ngạc nhiên về điều gì vậy?

-Tàu Nau-ti-lúx phải chạy với tốc độ thế nào để có thể trong một ngày đưa chúng tôi vòng theo lục địa châu Phi qua mũi Hảo Vọng rồi vào Địa Trung Hải?

-Ai bảo ngài là chúng ta sẽ đi vòng châu Phi qua mũi Hảo Vọng?

-Nếu tàu Nau-ti-lúx không chạy trên cạn, hay bay qua eo đất Xuy-ê.

-… Hay là chạy ngầm dưới eo đất đó!

-Dưới eo đất đó, thưa ngài?

-Tất nhiên, -Nê-mô bình thản trả lời

-Thiên nhiên từ lâu đã tạo nên dưới eo ấy cái mà con người đang làm trên mặt đất.

-Sao? Chẳng lẽ lại có một lối đi ngầm?

-Vâng, có một lối đi ngầm mà tôi gọi là đường ngầm A-ra-bi-a.

-Nhưng eo Xuy-ê là do cát phù sa bồi lên.

-ở trên là cát, nhưng ở dưới sâu 5

-10 mét bắt đầu có lớp đá hoa cương rất rắn chắc.

-Ngài phát hiện ra con đường ngầm đó một cách ngẫu nhiên ạ?

-Tôi ngày càng sửng sốt.

-Thưa giáo sư, vừa ngẫu nhiên, vừa có tính toán.

-Thưa thuyền trưởng, tôi nghe ngài nói mà không tin ở tai mình nữa.

-Đó là chuyện thường tình thôi! Đường ngầm đó chẳng những có thật mà còn dùng làm đường giao thông được. Tôi đã cho tàu chạy qua đó nhiều lần. Nếu không thì tôi chẳng dám vào cái biển kín này làm gì.

-Thưa thuyền trưởng, có lẽ tôi hơi đường đột, nhưng xin hỏi ngài làm sao phát hiện ra con đường ngầm đó?

-Thưa giáo sư, giữa những người gắn bó với nhau mãi mãi thì có điều gì phải giữ kín nữa! Tôi làm ra vẻ không hiểu câu nói bóng gió ấy và chờ Nê-mô trả lời.

-Thưa giáo sư, -Nê-mô giải thích, -tính tò mò của nhà tự nhiên học gợi ý cho tôi rằng ở dưới eo đất Xuy-ê hẳn có một đường ngầm chưa ai biết. Tôi thấy biển Đỏ và Địa Trung Hải đều có những loài cá giống hệt nhau. Xác định được điều đó, tôi tự hỏi liệu có một lối thông nhau giữa hai biển không? Nếu có, thì vì mực nước ở biển Đỏ cao hơn nên luồng nước sẽ bắt nguồn từ đó chứ không phải từ Địa Trung Hải. Để kiểm tra xem có đúng không, tôi bắt nhiều loài cá khác nhau ở vùng biển gần Xuy-ê, đeo vào đuôi mỗi con một chiếc vòng bằng đồng rồi thả xuống nước. Mấy tháng sau, ở bờ biển Xi-ri, một số cá đeo vòng đó bị sa lưới. Lối đi ngầm giữa hai biển đã được chứng minh. Tôi lao vào tìm lối đi đó rồi liều cho tàu chạy vào. Giáo sư sắp được đi qua đường ngầm A-ra-bi-a của tôi đó.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN