Lam Y Nữ Hiệp - Chương 4: Bênh con hư, Dương Trường Hỷ truy nã người ngay Vì dân lành, Đại hành khách dằn mặt kẻ quấy
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
125


Lam Y Nữ Hiệp


Chương 4: Bênh con hư, Dương Trường Hỷ truy nã người ngay Vì dân lành, Đại hành khách dằn mặt kẻ quấy



Nói về Xuân Phong quán sau khi anh em Chu gia đi khỏi, Trư Diện Thử Tạ Kỳ Quang vội súc miệng rửa mặt, kiểm điểm lại thấy gãy tất cả trên dưới tám chiếc răng cửa, hai môi sưng mọng lên hư hai trái chuối vì họ Chu tát trúng miệng.

Khắp người ê ẩm, nhưng vì phận sự quản lý nên Tạ Kỳ Quang cố gắng làm việc để tạ ơn hậu đãi của Tham Hoa Quỷ Dương Tấn Đình.

Trước hết hắn kiểm điểm bọn gia nhân, tửu bảo xem những tên nào chạy núp kịp không bị bàn ghế đè phải.

Đoạn, Tạ Kỳ Quang cho người đi mướn kiệu đem Dương Tấn Đình và các gia tướng bị trúng thương về phủ quan Tổng trấn.

Bọn Hoa Tử Năng, Diệp Phước Hoa và Huỳnh Viết Ấn người nào được kiệu về nhà nấy.

Riêng bốn tên vệ sĩ bị ghế đẩu văng trúng bể mặt nặng hơn cả phải ở lại quán. Tạ Kỳ Quang cho rước lương y bổ thuốc cho chúng.

Trong phủ Mỹ Vân, tại tư dinh, Dương phu nhân từ lúc được cấp báo có kẻ náo Xuân Phong quán xin cứu viện, phái hai mươi tên gia tướng đi rồi thì không được tin tức gì nữa, đứng ngồi không yên.

Tiểu thư Dương Mỹ Vân phải khuyên can mẹ :

– Mẫu thân lo lắng chi nhiều thêm hao tổn tinh thần. Ngoài quán đã có nhiều người, nay lại thêm hai chục gia tướng khí giới đầy đủ, chắc thế nào cũng bắt được hai tên cường đồ ấy. Chỉ phiền một nỗi anh con làm khổ mẹ trăm chiều.

Dương phu nhân thở dài sườn sượt :

– Đã đành bên ta đông người, nhưng cũng nên nhận rằng ngoài Xuân Phong quán nhân viên không phải ít lại thêm bốn vệ sĩ dũng mãnh mà không trị nổi hai tên cướp ấy, còn phải xin cứu viện thì quả là sự đáng lo. Con, phận nữ nhi sẽ lấy chồng ở riêng, nhưng mẹ đã già còn một Tấn Đình là trai, mà lỡ nó bị cường tặc quá tay mệnh hệ nào thì mẹ sống sao nổi!

Nói đoạn, Dương phu nhân đưa tay áo chùi nước mắt.

Dương Mỹ Vân cũng khóc theo :

– Thôi mẹ cứ an tâm. Con cho sai thị nữ gia nhân ra ngoài quán xem sao nhé.

Dương phu nhân không nói gì, nước mắt vẫn giọt ngắn giọt dài.

Mỹ Vân gọi thị nữ :

– Thu Hương.

Thu Hương từ trong nhà chạy ra khách sảnh.

Ngươi xuống nhà dưới cho một gia nhân ra ngay Xuân Phong quán xem tình hình như thế nào phải về báo ngay nhé.

Thu Hương vâng dạ lui ra.

Lúc đó trời đã xế chiều, toàn thể Trấn Giang thành nội ngoại, ai nấy đều lên đèn sắc lấp lánh, sắc nọ màu kia. Người rong chơi ngoài phố đông đúc như kiến. Các ca lâu tửu quán đông nghẹt thực khách. Tiếng Tam Thập Lục Huyền lẫn với giọng ca nhu réo rắt từ trên lầu đình vọng xuống như gọi tình du tử.

Những đám múa lân rất lớn tùy theo từng phường, phân biệt bởi các màu sắc y phục riêng.

Như Phương Lão Hổ, áo quần chen vàng rằn đen, xà cạp đồng màu.

Phường Bạch hạc, quần áo trắng, đai lưng xanh.

Phường Thanh Long, y phục xanh trắng.

Phường Hồng sư, y phục đổ sẫm.

Phường nào cũng có lò võ riêng vừa múa lân lấy giải vừa biểu diễn võ nghệ, quyền cước, thập bát ban như siêu đao, trường mâu, hoa kích, đinh ba…

Cũng có Phường biểu diễn Đả lân theo các bài như Võ Tòng Đả Hổ, Na Tra Chấn Thanh Long, Đồng Tử Hí Bạch Hạc hay Hắc Bán Náo Hồng Sư.

Tiếng trống, chiêng thúc giục nhộn nhịp, ầm ĩ vẫn với tiếng pháp đỏ nổ rền, xác bung ra đường như muôn vạn cánh bông đào rớt tự không trung xuống, ánh lửa lóe tung muôn vạn hào quang nổi bật trên nền trời dần dần tối sẫm.

Trời không vẩn một sợi mây nhẹ, chị Hằng tròn vạnh sáng ngời ló bóng như muốn soi cả trần gian chia vui cùng thiên hạ… và ghen tị với muôn vạn chiếc hoa đăng.

Nói về tên gia nhân trong Dương phủ, vừa chạy ra tới Xuân Phong quán thì vừa gặp đoàn kiệu khiêng công tử Tấn Đình và các tướng trúng thương nhập thành về phủ, nên không vào tửu quán nữa, mà trước về phủ báo cho phu nhân rõ.

Dương phu nhân và tiểu thư Dương Mỹ Vân đã rút lui vào tư phòng chợt thấy thị nữ báo tên gia nhân đã về, bèn vội vàng kéo ra khách sảnh hỏi :

– Thế nào mi đã có tin tức gì chưa?

– Bẩm phu nhân, công tử và một số gia tướng đi kiệu sắp về kiệu lên đường, con không kịp hỏi rõ phải về dinh báo với phu nhân đỡ nóng ruột.

Phu nhân cho y rút lui.

Lát sau, đoàn kiệu về tới, cửa dinh mở rộng, kép cả vào trong sân.

Dương phu nhân, Mỹ Vân tiểu thư, ba vợ Tấn Đình và các thị nữ xuống cả dưới sân đỡ quí công tử vào nhà, áo gấm rách ngang vai hãy còn vương đầy thức ăn mỡ màng.

Phu nhân truyền gia nhân và phụ kiệu đưa các gia tướng vào trong trại để lương y săn sóc.

Không thấy Tạ Kỳ Quang, phu nhân liền hỏi :

– Họ Tạ đâu?

Mọi người nói :

– Họ Tạ ở Xuân Phong quán.

Đi ra quán ngay, gọi y về đây, ta cần hỏi chuyện. Đi ngay.

Nói đoạn, phu nhân quay vào tư phòng Tấn Đình.

Ba vợ đã cởi áo ngoài, tháo ủng và đặt Tấn Đình nằm trên giường, lấy nước ấm lau tạm các vét dơ ở mặt, tóc và tay.

Phu nhân khóc òa lên, ngồi xuống bên giường hỏi :

– Con có làm sao không? Mẹ đã cho gọi lương y rồi.

Quen thói được nuông chiều, Tấn Đình làm ra vẻ đau đớn lắm, thật ra y chỉ bị sưng mặt xây xát xoàng và hơn nữa ê ẩm người vì anh em Chu gia không chủ tâm giết, chỉ làm cho y khiếp sợ mà thôi.

Phu nhân cuống quít bảo vợ Tấn Đình :

– Các con xem kỹ nó có bị gãy chân tay không?

Vừa lúc ấy, lương y tới. Phu nhân truyền cho vào.

Chào lạy mọi người xong, lương y trèo lên giường xem nắn khắp người Dương Tấn Đình bắt mạch.

– Phúc đức công tử không trúng trọng thương, nhưng tinh thần bị hoảng hốt vì khiếp sợ, uống vài thang thuốc sẽ điều hòa ngay. Còn các chỗ sưng và xay xát sẽ có thuốc bôi, nên để cho công tử nghỉ ngơi.

Nói đoạn, lương y ra ngoài nhà kê đơn cắt thuốc.

Phu nhân thấy Dương Tấn Đình không sao thì cũng an tâm, nhưng căm tức lắm, dặn ba vợ Tấn Đình và bọn thị nữ hầu hạ cho chu đáo, rồi cùng tiểu thư Mỹ Vân ra khỏi phòng.

Lát sau, Tạ Kỳ Quang đi kiệu về tới phủ.

Dương phu nhân hỏi :

– Các ngươi làm ăn ra sao, đến nỗi để mấy đứa côn quang đâu tới náo Xuân Phong quán đánh đại công tử và bao người bị trọng thường như vậy.

Tạ Kỳ Quang nói :

– Bẩm chúng nó võ nghệ siêu quần coi mấy chục người chẳng vào đây. Lúc ra đi còn đe dọa, nếu là quan Tổng trấn đem binh tới chúng cũng đánh tan.

Tạ Kỳ Quang bịa đặt mấy câu khiến phu nhân phát tức nói với chồng cho lịnh truy nã hai anh em Chu gia.

– Các ngươi có biết chúng ngụ ở đâu không?

Họ Tạ gãi tai :

– Bẩm không. Theo giọng nói thì hai người đó từ Hoa Bắc tới chứ không phải người xứ này.

– Được rồi. Lát nữa tướng công từ tiệc trở về ta sẽ liệu.

Tạ Kỳ Quang lạy ra rồi vào thăm Dương Tấn Đình thuật lại câu chuyện vừa nói với phu nhân cho y nghe.

Tấn Đình đuổi mọi người ra khỏi phòng, bảo họ Tạ :

– Hai đứa ấy bản lãnh ghê gớm lắm, nếu ta không giữ lời hứa, chúng sẽ trở lại thì sao.

– Chúng có ba đầu sáu tay cũng chẳng vào nổi phủ này trong thời kỳ ấy, phu nhân nói với Tướng công cho lục soát khắp nội ngoại thành, truy tầm bắt cho kỳ được. Không lẽ hai đứa ấy chống lại binh mã cả mấy trấn này sao? Bọn ta cần phải báo thì để giữ nguyên giá trị ở Trấn Giang này chứ.

° ° °

Khi Dương Trường Hỷ dự tiệc liên hoan với các quan bên phủ Thủy sư Đề đốc trở về tư dinh, thấy phu nhân nét mặt buồn rượi, liền hỏi nguyên cớ.

Dương phu nhân bèn kể chuyện náo Xuân Phong quán cho chồng nghe và nói thêm.

– Hai cường đạo còn đe dọa Tấn Đình phải dẹp quán lại, hẹn trong ba ngày nếu không thi hành việc đó, thì dù tướng công có cầm binh toàn trấn này chúng cũng chẳng coi ra mùi gì.

Dương Trường Hỷ suy nghĩ nói :

– Chắc thằng Tấn Đình thấy con bé đó nhan sắc trêu cợt, không ngờ gặp đúng tay bản lãnh nên mới bị đòn chứ gì.

Phu nhân thấy chồng không tin, hỏi dằng dai, liền bù lu bù loa.

– Chao ôi! Tướng công không tin lời nói của vợ con lại còn binh vực hai đứa côn quang đó thì thôi. Chỉ tiếc thay lúc ấy không có tướng công ở tại chỗ để nghe lời khinh miệt. Tôi chỉ buồn vì tướng công là một vị đường quan coi cả một thị trấn lớn như Trấn Giang này mà bị hai đứa ấy đe dọa, mạt sát trước mặt Tấn Đình và dân chúng thì còn giữ thể diện sao được với mọi người. Tiếc thay!

Dương Trường Hỷ đỏ mặt đứng lên vào thăm Tấn Đình.

Khi trở ra đại sảnh, biên mấy chữ vào giấy công vụ. Đoạn gọi mất tên gia tướng lên hỏi :

– Có bao nhiêu người trong bọn các ngươi không bị thương hay bị thương xoàng trong vụ ngoài quan chiều nay?

Một tên nói :

– Bẩm tướng công, có mười người.

– Có nhận được mặt đôi nam nữ phá quán chiều nay không?

– Bẩm nhận được ạ!

– Nếu vậy mười người trong bọn các ngươi cầm giấy này sang ngay dinh quan Tham tướng Hoa Chí Vinh. Các ngươi phải chia nhau ra đi theo các toán quân đi truy tầm hai hung thủ lục xét rất cả các nơi trà đình tửu quán.

– Chừng nào thấy được tung tích hai đứa ất, phải cấp tốc về báo quan Tham tướng đốc xuất binh tướng đi bắt ngay nghe.

Bọn gia tướng nhận thư quay trở ra sang dinh Hoa Chí Vinh.

Nói về Hoa tham tướng vừa dự tiệc về thấy Hoa Tử Năng bị nhục thì rất bực tức, chưa biết hành động ra sao. Không lẽ đang hội Hoa đăng lớn lao huy hoàng như vậy mà tự ý cho binh tướng đi lùng bắt hung thủ làm kinh động toàn thành.

Giữa lúc ấy, có quân vào báo bên quan Tổng trấn gửi công lệnh sang.

Hoa Chí Vinh đọc vụ lịnh xong, cả mừng, tức khắc cho bọn gia tướng bên Tổng trấn vào.

Đoạn huy động quân lính chia ra thành nhiều tốp, phát lịnh tiễn cho đi khắp nơi khám xét các tửu quán có khách trọ.

– Như các ngươi đã biết trong ba ngày đại hội, bốn cửa thành đều mở suốt đêm ngày. Hễ thấy hung thủ phải về đây cấp báo.

Quân vâng lịnh rầm rộ kéo đi.

Thế là dân chúng đang vui vẻ hội hè chè chén, bỗng nhiên thấy quân đi tuần tiễu khám xét lục lọi khiến mọi người nhốn nháo cả lên như thể sắp có giặc vào thị trấn này.

Khám xét kiểu cổ điển ấy đối với những bậc giang hồ kiếm khách bản lãnh phi thường xuất hiện như thần, có ăn thua chi.

Đêm ấy, sau khi đã vắng khách, chủ Trà Hương quán vào thành chơi.

Bốn anh em họ Chu và họ Phàn dùng bữa xong, bắc ghế ra dưới mấy gốc liễu phía sa quá bên bờ sông, chuyện vãn.

Trên sông, thuyền lớn nhỏ qua lại như mắc cửi, hoa đăng lóng lánh phản chiếu xuống nước như sao sa. Tiếng đờn ca từ dưới thuyền trầm bổng tuyệt vời.

Bỗng chủ quán hớt hơ, hớt hải trở về báo :

– Quan Tổng trấn cho nhiều toán quân đi khám xét các tửu quán có khách liên can tới vụ Xuân Phong quán lúc ban chiều. Tôi đoán vậy chắc không sai.

Chu Tú Anh nói :

– À ra bọn cẩu trệ ấy trở mặt như thế đó. Chúng đã không biết hối cải lại còn cậy thế lực khám xét khiến dân chúng mất vui trong mất ngày hội. Thiệt là quá đáng.

Phụ mẫu chi dân mà thế ư! Chỉ biết ăn no mặc ấm tiền nhiều, lầu vàng gác ngọc kiệu mã xa hoa, vơ vét đầy túi tham, còn vấn đề an ninh của dân chúng thì mặc, mạnh ai nấy sống. Hừ!

Chu Đức Kiệt hỏi chủ quán :

– Tiên sinh có thấy quan quân khám trên nóc nhà không?

– Không, nhưng họ lục xét trong nhà, nhận mặt từng người rất tỉ mỉ.

Phàn Thế Hùng cả cười :

– Nếu vậy thì khi nào họ tới quán này, Chu huynh và Nữ hiệp cứ lên nóc nhà tạm, mặc anh em tôi đối phó dưới nhà. Rồi mai sẽ hay.

Chu Tú Anh hỏi :

– Chủ quán có e phiền lụy không.

Chủ quán ha hả cười :

– Chao ôi! Sự hiện diện của nhị vị hiệp khách là cả một danh dự cho Trà Hương quán. Tôi có lo chi điều ấy. Phàn tiên sinh bàn như thế rất ổn. Tôi sẽ căn dặn người nhà để đối đáp cho xuôi câu chuyện khi nào quan quân tới.

Phàn Mộng Liên nói :

– Vị tất chúng tới đây đã được đêm nay. Trấn Giang thành này thiếu chi tửu quán.

Chủ quán vào nhà.

Sang cuối canh tư, trong khi mọi người đang giấc điệp mơ màng thì có tiếng gọi giật ngoài cổng quán.

Chủ quán từ trong nhà dòm ra ngoài biết là quan quân tới khám, giả đò chùng chình hỏi lớn cốt ý có trên lầu hai hiệp khách Chu gia biết :

– Ai gọi gì mà dậy sớm thế!

Tiếng nói hách dịch đáp :

– Mở cổng mau! Có việc cần.

Chủ quán chậm chạp châm đèn, lạch cạch mở cửa quán, chập choạng qua sân ra cổng ngoài.

– Làm gì mà lâu thế. Quan quân tới khám, bộ giấu cường khấu trong nhà hay sao mà bây giờ mới tới hả.

Chủ quán vờ mắt nhắm mắt mở :

– Ô! Có việc chi thế các ngài! Đềm hôm khuya khoắt thế này, đang hội hè vui vẻ tìm cường khấu nào vậy.

Tên đoàn trưởng bước vào, vẫy tay cho mười tên lính đoản đao tuốt trần vào nhà.

– Các ngươi vào nhà khám kỹ cả trên lầu dưới nhà coi.

Đoạn hắn trợn mắt nhìn chủ quán.

– Còn vờ vĩnh nỗi gì? Biết điều trao hai tên nam nữ ăn cướp ấy cho chúng ta, nếu giấu giếm thì can tội đồng lõa, hạ ngục một gông đó.

Chủ quán không hiểu hỏi :

– Có việc chi thế, ngài đội trưởng?

– Lão quả tình không hiểu… Đêm khuya sương lạnh mời ngài vào nhà xơi hớp rượu cho nóng người đã.

Mọi người trong nhà bị động đều thức dậy cả.

Bọn lính đi ra, đi vào, lên lầu xuống lầu rầm rập vang nhộn cả quán.

Lát sau, chúng dẫn một nam một nữ từ trên lầu xuống, nói với trưởng đoàn.

Trên lầu chỉ có ba căn phòng có khách, một ông già và hai anh em người này thôi.

Đoàn trưởng hỏi :

– Hai người họ gì, từ đâu tới đây.

Người con trai đáp :

– Anh em tôi họ Phàn, từ Thái An huyện tới đây xem hội hoa đăng.

Đoàn trưởng nhìn kỹ từ đầu chí chân hai anh em họ Phàn, rồi nhìn tên gia tướng bên Tổng trấn phủ, có ý hỏi thế nào.

Tên gia tướng ấy lắc đầu.

– Có chắc không?

Tên gia tướng quả quyết.

– Chắc chắn không phải, tôi biết rõ mặt hai tên ấy lắm.

Chủ quán khệ nệ bê một khay đựng rượu và đầy ly.

– Mời các ngài xơi tạm ly rượu cho ấm người, vất vả cả đêm.

Bọn quân lính đứng nguyên chỗ. Viên đoàn trưởng hất hàm bảo :

– Chủ quán có lòng tốt, các người uống đi, rồi còn khám xét nơi khác.

Phàn Thế Hùng hỏi :

– Bọn tôi lên lầu đi ngủ được chưa?

Viên đoàn trưởng mỉm cười gật đầu:

Họ Phàn bảo Mộng Liên.

– Lên lầu trước đi, hiền muội.

Bọn lính uống rượu xong rồi đi ra. Viên đoàn trưởng dịu giọng bảo chủ quán :

– Tôi làm phận sự đừng buồn nhé.

– Chúng tôi đâu dám làm buồn, sao ngài đội nói thế.

Nói đoạn, chủ quán ra đóng cửa lại cẩn thận.

Chờ chúng đi xa rồi, Phàn Thế Hùng và chủ quán lên lầu nhịp Đức Kiệt và Chu Tú Anh đứng ở cửa phòng cùng vỗ tay cười:

° ° °

Vụ đại náo Xuân Phong quán đã được báo cáo ngay bên phủ Thủy sư Đề đốc ngay từ ban chiều do ban tình báo riêng của Đề đốc về tình hình thị trấn.

Nhưng hôm sau thì quan Đề đốc Đàm Bá Phục đang dùng trà trên đại sảnh thì có mật tin báo về vụ khám xét các tửu quán, trà lâu suốt đêm hôm qua khiến dân chúng xao xuyến nôn nao tưởng có giặc đột nhập Trấn Giang.

Đàm Bá Phục thừa biết vì lẽ gì mà có sự khám xét ấy, nhưng hành động đó đã gây nên một dư luận không hay, phương hại tới nên an ninh của toàn thể dân chúng Trấn Giang.

Mà nói về vấn đề an ninh thì quan Thủy sư Đề đốc có trách nhiệm lớn lao vì thời Vĩnh Lạc vương nhà Minh, Trấn Giang là một căn cứ quan trọng vào bậc nhất của thủy quân Minh triều.

Bởi vậy, Đàm Bá Phục liền thảo công văn gửi sang Mỹ Vân phủ như sau:

Minh triều, Vĩnh Lạc vương, Thủy sư Đề đốc Đàm Bá Phục kính gửi quan Tổng trấn Trấn Giang thành.

Đang lúc dân chúng Trấn Giang vui vẻ liên hoan Quốc khánh, bản chức được biết bên Mỹ Vân phủ cho quân lính đi khám xét mọi nơi truy nã cường khẩu, khiến ai nấy đều hết sức xôn xao, như thế cường khấu quả đột nhập thị trấn này.

Riêng phần bản chức không hay biết chi cả và ngay cơ quan mật bên phủ Thủy sư có trách nhiệm liên can hệ tới sự an ninh của hải khấu Trấn Giang, cũng hoàn toàn không nhận xét được rõ ràng lý do hành động cuộc khám xét đêm rồi do bên Mỹ Vân phủ điều động.

Vậy yêu cầu quan Tổng trấn cho biết lý do cuộc khám xét ấy để bản chức: Thứ nhất cho điều tra lý lẽ bất an ninh. Thứ nhì khiển trách cơ quan mật vụ bên phủ Thủy sư vì bất lực. Thứ ba, báo cáo về triều.

Mong quan Mỹ Vân hiểu thấu trách nhiệm nặng nề của người thống xuất toàn thể thủy quân, thông đạt cho hay để bản chức liệu bề và kịp thời hành động.

Thủy sư Đề đốc

Đàm Bá Phục

(Thân ký)

Khi quan Mỹ Vân Dương Trường Hỷ nhận được bức công văn này liền vội vàng mở ra đọc, toát mồ hôi vì không ngờ họ Đàm đã được báo cáo sớm như vậy.

Nếu quan Đề đốc báo cáo về triều vụ này, tất sẽ có cuộc điều tra và như vậy phần bất lợi về bên Mỹ Vân phủ.

Vì thế, Dương Trường Hỷ đành phải trả lời qua loa cho bên Đề đốc phủ hay, một mặt cho phi mã quân triệu tất cả các toán quân đang lần lượt khám xét về.

Nhờ vậy, lệnh truy nã hung thủ vụ Xuân Phong quán bị dỡ bỏ và dân chúng đỡ xôn xao, an tâm dự cuộc Hoa đăng.

Ngay hôm ấy, chủ quán Trà Hương theo dõi tình hình thấy mọi cuộc khám xét đều bị đình chỉ, bèn đem tin về cho hai họ Chu, Phàn hay nhưng không một ai đoán được lý do việc dỡ bỏ cuộc truy tìm.

Đêm hôm ấy tuy trăng sao vằng vặc, hoa đăng sáng ngập trời Trấn Giang, phố phường đông nghịt những người nhưng không một ai nhìn thấy hai dạ hành khách phi biến trên các nóc nhà, chuyển vào tới dinh quan Mỹ Vân.

Hai bóng đen đó là là hai vị hiệp khách Chu gia từ Trà Hương quán vào thành.

Tới dinh Tổng trấn, đèn đuốc sáng trưng như ban ngày. Ngay cổng dinh, nào xe, nào kiệu để thành dãy dài theo dọc tường hoa. Phu xe phụ kiệu tụm năm tụm ba chuyện trò.

Chu Đức Kiệt hỏi nhỏ Chu Tú Anh :

– Họ Dương có dạ hội.

Hai người bèn từ nóc nhà bên phi thân như hai vệt đen mờ lần vào khóm lá um tùm của cây hòe ở gần cửa tư dinh.

Trong đại sảnh, các quan văn võ thuộc phủ Mỹ Vân đang ăn uống vui đùa.

Đức Kiệt rỉ tai Tú Anh :

– Người mập mạp mang áo đại triều màu huyết dụ kia chắc là Dương Trường Hỷ.

Tú Anh đáp :

– Trông kiểu cách đúng hắn không sai.

Ngoài hành lang và quanh sân trước, quân lính gươm giáo tuốt trần, canh phòng nghiêm trọng.

Chu Tú Anh ra hiệu cho Đức Kiệt, đoạn vung tay một cái. Một vết đen từ tay bay vút ra rít lên như tiếng gió, đồng thời chiếc lẵng đèn trong đại sảnh rớt xuống gạch xoảng một tiếng lớn trong nhà tối om, mọi người đang cười nói vui vẻ bị giật mình rú lên.

Đang lúc nhốn nháo, tiếng phập mạnh ở giữa bàn dài, và mọt tiếng rú thiệt lớn vang dội cả gian phòng rộng rãi.

Từ bên ngoài, gia nhân và quân lính vội vàng kẻ cầm đèn, người vác đuốc chạy ồ vào sảnh để soi sáng tạm.

Sau khi ánh sáng trong sảnh đường tạm điều hòa, gia nhân nhấc chiếc lẵng lên thấy sợi dây đồng treo lẳng bị một vật gì tiện đứt, bởi thế lẵng mới rớt.

Mọi người nhận rõ hơn nữa, thấy quan Mỹ Vân tóc rũ rượi và mũ nón lúc nãy đội trên đầu biến đâu mất rồi. Dương Trường Hỷ đờ ra trên mặt y, mặt tái xám không còn hột máu.

Chưa ai hiểu ra cả thì một người đã kêu lên :

– Chao ôi! Mũi phi đao nè!

Ai nấy đều nhìn theo tay người đó chỉ thì thấy ngay giữa thồi dài, chiếc phi đao cắm ngập nửa lưỡi chuôi dao, hai giải lụa lam có chữ trắng còn rung rinh.

Tham tướng Hoa Chí Vinh vội đẩy ghế tiến tới lay đi, lay lại rút ngọn phi đao lên thì từ cán đao tuột ra một mảnh giấy trắng có mấy hàng chữ:

“Gửi quan Mỹ Vân.

Dương Tấn Đình cậy thế làm tàng, giam hãm phụ nữ thị trấn này nhiều lần rồi.

Xuân Phong quán là nơi tụ họp của y cùng lũ côn quang du thủ du thực nên ta phá đi.

Nếu Tấn Đình và đồng bọn không chịu giữ lời hứa theo điều kiện của ta thì đêm ngày mốt ta sẽ lấy thủ cấp.

Yêu cầu không được hành động nôn nao dân chúng.

LAM Y NỮ HIỆP”.

Nét chữ rắn rỏi như rồng bay phụng múa.

Hoa tham tướng đọc xong liền đưa cho Dương Trường Hỷ coi.

Quan Mỹ Vân run rẩy đón lấy tờ giấy thì bỗng tên gia nhân đứng gần đó kêu dội lên :

– Chao ôi! Cái gì lóng lánh trên xà nhà thế kia?

Mọi người liền nhìn theo tay tên gia nhân, nhận ra vật lóng lánh ấy không phải thứ gì xa lạ mà là chiếc mũ của quan Mỹ Vân.

Gia nhân bèn bắc thang lên lấy mũ xuống.

Dương Trường Hỷ sạm mắt lại, đọc qua tờ giấy mà Hoa tham tướng vừa trao cho.

Họ Dương tự nghĩ:

“Bản lãnh người này quả thật siêu việt. Nếu định hại ta thì mất đầu rồi còn gì!”.

Nghĩ đoạn, đưa tay lên xoa gáy như để kiểm soát xem thủ cấp có còn y nguyên hay không!

Việc vừa xảy ra nói thì lâu nhưng quả thật lanh lẹ như chớp mắt.

Sau khi Chu Tú Anh dùng phi đao cắt đứt dây lẵng đèn, hai người nhẹ nhàng như đôi chim én phi thân qua hành lang vào sảnh đường.

Chu Tú Anh liệng phi đao xuống giữa thồi trong lúc Đức Kiệt lột mũ Dương Trường Hỷ phóng mình đặt mũ đó lên xà nhà. Đoạn cả hai hiệp khách lại phi thân ra ngoài như hai luồng gió đen về Trà Hương quán.

Hành động mau lẹ bí mật như ma quỷ.

Giữa Trà Hương quán, anh em họ Phàn và chủ quán đang ngồi chờ ở bàn tiệc thiêu dạ thì hai dạ khách đã nhảy vụt vào như đối én liệng nhẹ nhàng không một tiếng động.

Đức Kiệt, Tú Anh treo khí giới lên tường rồi ngồi xuống, xoa tay kể chuyện lại Tú Anh mọi người nghe.

Ai nấy đều thích chí vỗ tay cười ngấy.

Chủ quán rót hai ly rượu mời :

– Xin mời nhị vị giải lao rồi nhập tiệc thôi.

Năm người cùng nâng ly uống cạn và bắt đầu ăn uống rất vui vẻ.

Chu Tú Anh nói với chủ quán :

– Bữa mai và bữa mốt, yêu cầu tiên sinh chú ý hộ chúng tôi xem Dương Tấn Đình có bồi thường cho những gia đình có người bị y giam hãm trước đây hay không. Nếu y không giữ lời hứa, chúng tôi sẽ thẳng tay trừng trị.

– Xin vâng! Nội ngoại thành tôi cũng có quen biết vài gia đình nạn nhân, để tôi dò xem thế nào và sẽ báo cáo sau.

Chu Tú Anh thấy chủ quán nhiệt tâm, nói mấy lời cám ơn.

Chủ quán vội xua tay :

– Đáng lẽ dân chúng thị trấn này phải tạ ơn Nữ hiệp mới phải. Trừ được mối hại họ Dương, công đức ấy lớn lắm. Việc tôi làm có chi đáng kể!

Phàn Thế Hùng hỏi anh em Chu gia :

– Nhị vị đã có chương trình hành động ngày mai chưa.

Chu Đức Kiệt nói :

– Ngu huynh định sáng mai đi thuyền trên Trường Giang chơi. Nếu không có việc chi gấp mời Phàn đệ và Phàn muội đi luôn thể cho vui.

– Xin vâng. Sau cuộc du thuyền, chúng ta vào nội thành chơi, nhân tiện đi thăm mấy vị đồng học với gia phụ khi trước luôn thể có được không?

– Được lắm, âu cũng là một dịp mở rộng sự quảng giáo.

Chủ quán vội nói :

– Quí vị nên tính cho kỹ. Phải phòng bị sự trở tráo của họ Dương mới được.

Phàn Mộng Liên cười :

– Tôi tính chúng không dám lật lọng. Quan Mỹ Vân phải nghĩ tới thủ cấp của ngài đáng lẽ mất từ lúc nãy giữa bàn tiệc rồi.

Chu Tú Anh nói :

– Tôi đồng ý với Phàn muội. Nếu chúng trở mặt càng dễ cho hành động không cần dè dặt. Có một điều cần tiểu tâm là nên ra tận ngoài bến xa mướn thuyền để tránh tiếng cho chủ quán là người buôn bá thường trực tại đây.

Chủ quán vội nói :

– Quí vị khỏi bận tâm. Tôi có sẵn thuyền khá lớn neo ngay phái sau nhà và đã có người tâm phúc chèo. Khỏi khúc sông gần đây vào tới Trường Giang tấp nập ngay.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN