Lam Y Nữ Hiệp - Chương 24: Vô Địch tướng quân hiện thân dạy võ Kỳ tài kỵ mã, Trại Nguyên Bá lên đường
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
121


Lam Y Nữ Hiệp


Chương 24: Vô Địch tướng quân hiện thân dạy võ Kỳ tài kỵ mã, Trại Nguyên Bá lên đường



Nói về quan Trấn thủ Tứ Xuyên Hà Thiên Thọ vốn là dòng dõi Tiên phong tướng Hà Thiên Hùng, trước kia theo Minh Thái Tổ lập quốc. Cũng như ông cha khi xưa, Hà Thiên Thọ là một tôi lương đống của triều đình và cũng là một hổ tướng hữu danh nên được đặc phái trấn thủ đất hiểm Ba Thục, đóng quân ngay tại thủ phủ Thành Đô.

Từ hồi triều Minh được thành lập đến nay, họ Hà nổi danh vô địch trong chốn ba quân, với ngón chùy pháp gia truyền đã từng sát hại không biết bao nhiêu địch tướng trên chiến trường.

Hà trấn thủ có hai con trai: Hà Thiên Tường và Hà Thiên Khánh. Hà Thiên Tường hai mươi lăm tuổi, giống cha như đúc, tai to mặt lớn, dáng dấp lực lưỡng có sức khỏe ba quân phải sợ phục. Dùng cặp chùy đồng sáu mũi, Hà Thiên Tường chưa biết nhường một tướng thuộc hạ nào của cha trên diễn võ trường. Ngoài sức khỏe và tài đánh chùy ra, Hà Thiên Tường tướng mạo đẹp đẽ hùng hào, nên ba quân tặng cho mỹ hiệu là Ngọc Kỳ Lân. Trái lại với anh, Hà Thiên Khánh kém Thiên Tường hai tuổi, diện mạo và thân hình ốm nhom, sắc mặt vàng như nghệ, thành thử Thiên Tường đẹp tướng bao nhiêu thì Thiên Khánh xấu tướng bấy nhiêu.

Khi hai con còn nhỏ, Hà Thiên Thọ bảo vợ :

– Thằng Thiên Tường sau này khả dĩ nối dõi được họ Hà nhà ta, nhưng thằng Thiên Khánh thì hỏng! Nó ốm yếu quá trông chẳng còn ra hình người!… Kỳ thật, họ Hà chưa bao giờ có một người con dáng dấp lẻo khẻo như nó.

Phu nhân thấy chồng hay than phiền về Thiên Khánh, thì có ý buồn :

– Đẻ con ra cũng phải có đứa thế nọ, thế kia, phu quân chê làm chi nữa cho thêm tủi đứa con yếu hèn? Ngón tay cũng có ngón dài ngón ngắn nữa là!

Nể vợ, Hà Thiên Thọ cố tỏ vẻ tự nhiên, nhưng vẫn không khỏi buồn riêng.

Năm lên bảy tuổi, Hà Thiên Tường đã được cha cho võ sư bắt đầu dạy các môn võ thuật thường thức. Vốn tính nghịch ngợm, Thiên Tường, ngoài giờ học chữ, hoa côn múa gậy cùng các trẻ đồng tuổi, con chư tướng, chạy nhảy suốt ngày, và tỏ ra có sức khỏe hơn cả bọn trẻ. Hà Thiên Tường rất thông minh, học đến đâu, biết tới đó, võ sư rất lấy làm hài lòng ca tụng với quan Trấn thủ luôn.

Biết vậy, Hà Thiên Tường mừng thầm. Tuy cho con theo học võ sư nhưng Hà Trấn thủ rất chú ý đến chương trình học tập và sự tiến triển của Thiên Tường, chừng nào qua thời kỳ thường thức, thì sẽ tự mình truyền dạy.

Trong khi Thiên Tường cùng bầy trẻ nô đùa hay theo võ sư tập võ, Thiên Khánh chỉ đứng nhìn chớ không hề ham đua theo anh chạy nhảy. Đã nhiều phen võ sư và Hà Thiên Thọ thúc giục, dỗ dành, Thiên Khánh cũng cứ lì không buồn nhúc nhích. Cho là bản chất của đứa trẻ yếu đuối như vậy, Thiên Thọ không ép nữa mặc ý Thiên Khánh muốn làm gì thì làm, không thôi thúc như trước nữa.

Khởi đầu, Thiên Khánh còn đứng nhìn võ sư dạy Thiên Tường học, hoặc xem Thiên Tường đánh trận giả với bầy bạn, về sau Thiên Khánh lẩn không coi nữa, vào nhà mở sách học bài, như đứa trẻ không ưa võ nghệ. Hà Thiên Thọ cũng yên trí Thiên Khánh thích văn hơn võ, trái hẳn dòng máu tướng môn.

Hà phu nhân thấy Thiên Khánh hầu như bị hắt hủi, thì có ý thương và chú ý đến con hơn. Phu nhân nhận thấy con trai thứ có nhiều điểm lạ kỳ.

Tuy xấu tướng, tóc lơ thơ vàng hoa, ốm nhom. Thiên Khánh vốn ăn ngủ điều hòa, không bao giờ đau bệnh. Y còn một tật nữa là lúc lầm lì y ít nói thiệt, nhưng nếu gia nhân trái ý, y nóng nảy cáu giận như lửa. Bởi vậy, Hà phu nhân có cảm tưởng Thiên Khánh dị kỳ hơn là đứa trẻ thường.

Dinh Tổng trấn rất rộng rãi, ngay sau hậu viên có khu đất ở giáp tường. Gọi là trống là vì không có người ở, kỳ thiệt tai cây cổ thụ um tùm và có một ngôi cổ miếu ba gian, không biết được thiết lập từ hồi nào.

Khi Hà Thiên Thọ mới đáo nhậm chức Trấn thủ Tứ Xuyên thế vị quan trước, thì chỉ biết rằng theo cổ lệ ngôi miếu đó rất linh thiêng, nên từ đời nọ sang đời kia, các Trấn thủ quan vẫn tiếp tục cho gia nhân hương khói và một tháng đôi tuần cũng lễ.

Ngoài tuần rằm, mồng một, bọn gia nhân được lệnh ra miếu dẹp bày lễ vật để Hà phu nhân hành hương, thì không một ai dám lai vãng tới đó nữa, vì lẽ cây cao bóng cả âm u đượm vẻ bí mật rờn rợn… Cửa miếu treo một bức hoành chạm ba đại tự “Triệu Vương Miếu”, dưới đề bốn chữ nhỏ “Vô Địch Tướng Quân”. Trong miếu, ngay trên bệ thờ trung ương, chỉ có một pho tượng lớn bằng người thiệt, hình dung vị tướng quân, dạng người ốm yếu, tay cầm chùy lớn. Tượng mặc áo bào trận không giáp, lưng quấn lá đốp, chân dận võ hài. Thoạt trông không thấy pho tượng ấy có gì lạ, nhưng nhìn lâu người ta có cảm tưởng như tinh thần hoàn toàn bị thâu hút bởi cặp mắt mở trợn trừng trừng và nét mặt dữ tợn, đanh ác lần lần hiện hẳn ra như muốn moi tim xé ruột kẻ đang vô lễ đứng nhìn.

Có lẽ cũng vì lẽ ấy nên các gia nhân, trừ một tháng đôi tuần phải kéo nhau ra miếu dọn dẹp, ai cũng ngán không dám bước chân tới khu cổ miếu ấy nữa. vì thế khu đất tự nhiên thành cấm địa hoang vu. Các người trong dinh nói rằng, những đêm mưa gió tối trời, ở khu cổ miếu vọng ra tiếng la hét, chân bước sầm sập, tiếng võ khí va vào nhau chí chát lạnh người y hệt tiếng xung phong sát phạt trên chiến trường, và sau cùng là tiếng rên là của tử sĩ lần lần chìm đắm trong những đợt gió lùa rít trong đám lá dày nặng trĩu nước mưa… Họ bảo nhau đó là hồn tử sĩ qui tụ trong tòa cổ miếu đã diễn lại cảnh giết chóc khi xưa trong những đêm trở trời âm u rùng rợn.

Trong bọn gia nhân có tên Trương Tất có sức khỏe và bạo dạn hơn cả, cho rằng đêm tối mưa gào, gió thét, nên những anh nhác gan tưởng tượng ra việc ma quỷ xuất hiện trên khu đất cây cao lá rậm ấy, chớ thiệt ra làm gì có thứ chuyện huyền bí ấy giữa nơi thị trấn lớn như Thành Đô này, và nhất là khu đất có ma quỷ đó lại ở ngay kế cận hậu hoa viên dinh Tổng trấn. Vì ý của Trương Tất nghịch với mọi người nên mới có sự thách thức giữa đêm tối hôm nọ.

Lý Vĩnh nói :

– Trương đại ca à! Có giỏi thì đêm nay thử tài can đảm cho chúng tớ coi nào.

Dứt lời, Lý Vĩnh và mọi người cùng mỉm cười nghi ngờ, tánh mạnh bạo của họ Trương.

Nhân thấy sự trêu chọc ngầm ấy, Trương Tất xoa tay, hất hàm hỏi :

– Các chú muốn ta thử bằng cách nào.

Gia nhân Tiết Quỳ nói :

– Bằng cách nào tùy ý đại ca, miễn là tỏ táng bạo dạn cho bọn tiểu đệ xem có thiệt không hay là chỉ… đại ngôn thôi.

– Ai thèm đại ngôn với các chú, vậy các chú đánh cuộc gì nào.

Gia nhân Hồ Vạn cười lớn.

– Thì ít nhất, đại ca phải cho biết hành động thế nào đã chứ! Cha nội chưa chi đã cá.

Trương Tất cáu kỉnh.

– Đêm nay tối trời chứ gì? Ta ra cổ miếu ngủ cho coi! Nhưng trước hết phải đặt bữa rượu ta uống chơi cái đã. Cơm nước ban chiều tiêu hết rồi. Mà mỗi chú phải quỳ dâng cho ta uống một ly rượu lớn. Ha!… ha!…

– Trương mỗ này quân tử chỉ có nhất ngôn. Nếu không đem “nhậu” ra đây thì khỏi thách! Ta không có dại làm trò chơi không công cho các chú xem! Nghe chưa.

Tiểu Quỳ nói :

– Hồ đại ca khỏi tranh luận thêm mất thì giờ. Sá chi một bữa nhậu xơi! Để tôi ra phố mua mấy ngón thiệt ngon về đây mời Trương đại ca xơi.

– Được lắm! Nhậu xong, đầu canh ba mỗ cũng sang ngủ bên miếu cho mà coi ai bạo, ai nhác!

Tiểu Quỳ đứng lên xách giỏ ra phố.

Hồi lâu, y trở về lễ mễ bê một giỏ đầy thức ăn và mấy cân hảo tửu.

Mấy người xúm vào nhậu nhẹt ba hoa đến ngót canh ba.

Lý Vĩnh nói :

– Nào, bây giờ liệu Trương đại ca còn nhận lời thách nữa không? Nếu thấy ngại thì thôi cũng chẳng sao!

Trương Tất ngất ngưởng vỗ bụng lè nhè :

– Cơm no, rượu say rồi, còn ngồi đây nữa làm chi! Nếu các chú can đảm thì theo ta ra hậu huệ viên nhìn cho rõ, ta mở cửa vườn sang miếu, kẻo bảo ta lại ăn gian, nghe?

Nói đoạn, Trương Tất khoác áo, ôm mền đi thẳng ra hậu hoa viên. Bọn gia nhân theo sau cách họ Trương một quãng dài.

Lát sau, ra tới hoa viên, Trương Tất vẫn tiến, đi vòng quanh các bụi cây, nhắm lối cửa sang miếu bước tới.

Đứng xa xa, Hồ Vân bảo mọi người :

– Ủa, thằng cha Trương nó sang bên miếu! Tưởng nói chơi, ai ngờ nó làm thiệt!

Tiết Quỳ nói :

– Hay là… hay là…

– Hay là sao?

Hay là gọi nó trở lại đi, ai lại để y sang miếu như vậy trong đêm tối như trong mồ thế này?

Lý Vĩnh nói :

– Chẳng cần gọi, lúc tới cửa sang khu miếu, nó cũng phải trở lại! Các người tưởng y can đảm thiệt đó sao?

Chưa ai kịp trả lời thì ở phía trước. Trương Tất đã kéo then cửa sau vườn, bước thẳng sang khu miếu hoang vắng âm u rùng rợn. Bọn người đi sau, nghe rõ ràng họ Trương đóng sập cửa lại, trợn mắt thè lưỡi, nhìn nhau…

Đứng nguyên chỗ, chờ hồi lâu không thấy bên miếu động tĩnh gì cả, Hồ Vân cất tiếng nói trước nhất :

– Về chớ! Còn đứng ì ra đây làm chi? Sáng sớm sẽ ra đón Trương đại ca. Y đã nói là ngủ đêm nay bên miếu mà!

Không biết làm thế nào, mọi người đều kéo nhau trở về. Vừa về tới nhà, mây đen bỗng từ đâu kéo đến phủ đầy trời, sấm chớp ầm ầm, gió nổi từng cơn mãnh liệt… và năng hột nước đổ xuống như thác. Bỗng từ bên khu miếu hoang vắng, lại văng vẳng nổi lên thứ tiếng ba quân sát phạt trên chiến trường, mà bọn gia nhân vẫn nghe thấy trong những đêm mưa gào, gió thét…

Bọn Lý Vĩnh, Hồ Vân, Tiết Quỳ kéo mền lên tận cổ thì thào bảo nhau :

– Biết trước mà! Khu đất ấy có ma, Trương đại ca tự đắc, chắc được một mẻ hết hồn!

Rượu ngấm, chúng ngủ quên đi lúc nào không biết. Sớm hôm sau, bừng mắt dậy, mấy người chợt nhớ đến cuộc thách thức đêm qua, vội bảo nhau đi coi xem Trương Tất đã về chưa. Nhưng họ Trương chưa về!

Mưa tạnh từ lâu. Buổi bình minh lại quang đãng đẹp như bông hoa buổi sáng.

Bọn Hồ Vân kéo nhau ra tận hoa viên xem xét. Cánh cửa thông sang bên khu miếu mở toang. Có lẽ vì gió đêm qua thổi mạnh và Trương Tất chỉ có khép cửa lại, then cài ở bên kia tường, phía hoa viên.

Lý Vĩnh nói :

– Sáng rồi mà Trương đại ca mãi chưa buồn về, chúng ta cùng sang bên miếu xem sao và gọi y về, lỡ Tướng công hay chuyện quở thì khốn cả lũ.

Đồng lòng, mấy người kéo nhau nhón nhén qua cửa bước vào khu cổ miếu. Cỏ, đất hãy còn ẩm ướt vì trận mưa lớn lúc ban đêm. Trên mặt cỏ hãy còn đượm trắng hơi sương. Thân cây lớn hàng ôm, vỏ rễ xù xì, hết từng cặp nọ đến cặp kia, giao với nhau kết thành một bức tường kiên cố, che lấp hẳn tòa cổ miếu nằm tròn ở giữ khu đất hoang vu. Tuy bên ngoài trời đã sáng, nhưng ánh sáng yếu ớt ban mai chưa đủ rọi qua lớp lá dày đặc, nên bọn người nhìn qua các kẽ cây hãy còn thấy phía trong mờ tối…

Bọn Hồ Vân nét mặt nghiêm trọng, im lặng theo nhau đi vòng, luồn qua các kẽ cây đi sâu cào vùng đất vắng. Không ai bảo ai, nhưng người nào cũng thấy rờn rợn lạnh gáy…

Bỗng “soạt” một tiếng! Hồ Vân đi trước hoảng hốt giật mình lùi lại mấy bước, khiến hai người đi sau chửng hửng hè nhau định chạy… Hồ Vân nhìn kỹ nói :

– Không, con tắc kè đó mà! Nó bị động chạy lướt trên lá, chui vào hốc cây kia kìa!

Tiết Quỳ nói nhỏ, trách :

– Thế mà làm chúng tớ hết hồn!… Quái, không thấy Trương đại ca đâu cả.

Lý Vĩnh nói :

– Y ngủ trong miếu chớ dại gì nằm ngoài này. Lẹ bước lên kẻo bên ngoài sáng bạch rồi đấy. Tướng công biết chúng mình giỡn chơi nhau thế này thì phạt cả lũ.

Qua mấy lớp cây nữa, bọn người tiến tới khu đất trống trước tòa cổ miếu.

Dừng bước, Hồ Vân nói :

– Cùng vào miếu nhé!… Tớ không… thích vào trong ấy một mình đâu!

– Được đi trước đi! Chúng tớ theo sau.

Leo qua mấy bực thềm đá, bọn Hồ Vân cùng vào trong miếu, nhưng vội nắm chặt tay nhau chùn bước, cùng kêu lên “Ồ!”…

… Trương Tất nằm lăn trên mặt gạch cách cửa miếu độ vài bước, tứ chi dang ra, sắc mặt xám ngoét, môi mím chặt, mắt mở trừng trừng, đầu ngoẹo sang một bên. Chiếc mền đêm qua rớt ở cạnh. Trông cách nằm cứng đờ của Trương Tất, ai cũng đoán ra rằng y tắt thở rồi. Nhưng không ai dám thốt ra miệng.

Trên bệ thờ, tượng Triệu Vương lăm lăm cầm song chùy dữ dội, mắt quắc lớn trừng trừng nhìn bọn người như muốn mắng lớn, và nhào lộn xuống đập chết bọn hỗn xược dám vào miếu làm náo động.

Hồi lâu, Hồ Vân mới thốt ra lời :

– Thế kia, thì Trương Tất chết rồi còn gì! Phải thế nào chớ, đứng ì ra đây à?

Cả ba cùng nhón nhén đến gần họ Trương, mắt vẫn lấm lét nhìn tượng Triệu Vương e ngại.

Tiết Quỳ nói khẽ :

– Trương đại ca! Chúng tôi đây, dậy mau.

Hồ Vân cau mặt :

– Y hết thở rồi, còn gọi chi nữa!

Cả ba người cùng ngồi xổm sờ tay sờ mặt Trương Tất. Tử thi lạnh giá như đồng. Sợ hãi, ngơ ngác, ba người nhìn nhau thăm dò ý kiến…

– Phải nói thiệt và báo với Tướng Công, như vậy mai ra Người thương tình tha tội cho. Nói sai không được đâu.

Lý Vĩnh, Tiết Quỳ gật đầu. Ba người đứng cả dậy lẹ chân ra khỏi miếu, qua các lớp cây trở về hoa viên, vội vàng như bị ma đuổi.

Hà Thiên Thọ được báo cáo sự thể liền ra tận nơi và kết luận rằng Trương Tất uống rượu say quá, chưa lần được vào trong miếu thì đã mệt quá, nên ngất ngay gần cửa miếu, chiếc mền lăn ra một bên. Suốt đếm, họ Trương bị cảm lạnh tắt thở, chớ không có chuyện ma quỷ nào cả.

Bọn nô bộc nam, nữ trong dinh tuy không dám phản đối, nhưng cho rằng Trương Tất chẳng phải say rượu bị trúng phong, mà chắc chắn là bị ma quỷ và hồn oan của các tử sĩ lẩn quất ở các cây cao bóng cả quanh miếu bóp chết.

Vị thần miếu xưa kia sát hại nhiều người, nên hồn oan tử sĩ vẫn không tiêu tan vì thời gian, lẩn quất ở quanh miếu chờ báo oán, cho nên cứ những đêm mưa to gió lớn đều vọng lên những tiếng sát phạt ghê gớm, phải chăng đó là vị thần kia miên man chiến đấu cùng các oan hồn suốt từ bao thế kỷ cho đến nay vẫn còn tiếp tục hận thù?

Trương Tất táng mạng giữa đêm mưa gió phũ phàng, và cũng là đêm vọng lên những tiếng giao tranh của trận đấu muôn đời ấy.

Con người trần bằng xương bằng thịt lạc lõng giữa đám hồn ma say chiến, thì cứ hoảng sợ cũng đủ chết rồi, chớ chẳng cần đến bị chúng hiếp đáp nữa! Bởi vậy, bọn nô bộc còn sợ hãi hơn trước. Mỗi tháng đối tuần, chúng miễn cưỡng kéo nhau ra miếu dọn dẹp để Hà phu nhân hành hương, chớ thiệt ra chúng không hề bén mảng tới giáp tường ngăn đôi hậu hoa viên và khu đất bỏ hoang u uất đầy hồn ma gớm khiếp!

Hà phu nhân mong mánh nghe bọn tì nữ nói chuyện ma quỷ bên khu cổ miếu thì cũng biết vậy, nhưng tin rằng thần miếu linh thiêng lắm cầu được ước thấy. Mỗi khi hành hương, hai con Thiên Tường, Thiên Khánh đòi theo cùng. Hà phu nhân lắc đầu :

– Phụ thân ra lệnh không cho các con sang bên miếu, lỡ có rắn rất nguy hiểm lắm. Như trái lệnh cha, các con phải đòn và mẹ cũng bị vạ lây.

Hai trẻ nghe lời không hề đòi theo nữa, vả lại dinh thự rộng rãi, lớp nọ từng kia, hoa viên bao bọc rộng rãi, chẳng thiếu gì chỗ chạy rong chơi, Thiên Tường không còn nghĩ tới việc sang chơi bên cổ miếu.

Tuy lầm lì ít nói, Thiên Khánh lấy làm thắc mắc không hiểu vì lý do gì bị cấm đoán ngặt, không được qua chơi bên khu đất có nhiều cây cao đó. Hơn nữa, đã có lần, Thiên Khánh nghe lỏm bọn gia nhân nói chuyện nhỏ với nhau về ma quỷ bên tòa cổ miếu, nên lại càng tò mò muốn sang đó xem thế nào. Bởi vậy, buổi chính Ngọ, khi mọi người trong dinh nghỉ ngơi, Hà Thiên Khánh thường lẻn ra hậu viên thơ thẩn ngồi dưới bóng cây râm mát, đăm đăm nghĩ ngợi nhìn sang những ngọn cây đa cây đề, cây dương um tùm cao ngất bên kia tường hoa…

Ngồi chán như vậy, lúc nghe tiếng kiểng cuối giờ Mùi gọi mọi người trong dinh dậy làm việc, thì Thiên Khánh lại ba chân bốn cẳng chạy về nhà. Ngày nào cũng vậy, không ai hay biết chi cả nên một bữa nọ, Thiên Khánh quyết mạo hiểm mở lén cửa hậu, khép lại cẩn thận bước vào khu cấm địa. Thiên Khánh ngẩn người ra nhìn…

Kỳ thiệt! Chỉ cách nhau có một bức tường mà hai thế giới khác nhau. Một bên thì hoa viên gọn gàng đẹp đẽ đầy bông thơm cỏ lạ, còn bên cổ miếu thì chao ôi chẳng khác gì khu rừng già hoang vắng. Hà Thiên Khánh cảm thấy rờn rợn nhưng tính tò mò mãnh liệt hơn, nên dò dẫm len lỏi qua các kẽ cây bước trên lá khô sột sạt lần vào tới tòa cổ miếu Triệu Vương. Ngó nhìn trước, nhìn sau, Thiên Khánh tần ngần leo lên mấy bực đá nhìn qua khe cửa giữa. Bên trong tối om. Hai cánh cửa không khóa, chỉ có chiếc then cài vừa tầm tay. Thiên Khánh rút then, đẩy cửa miếu. Cánh cửa cọt kẹt từ từ mở ra. Tiếng kêu tuy nhẹ, nhưng giữa chốn hoang vu tranh tối tranh sáng nghe nó ghê rợn làm sao! Thiên Khánh đứng lì, ló đầu đưa mắt nhìn bao quát ba gian miếu và ngừng lại bức tượng thần trên bệ ở ngay chính giữa nơi trong cùng miếu.

Bức tượng coi linh động như người thật. Hai mắt bỗng đảo đi đảo lại, nét mặt đang dữ dội bỗng hiền dịu hẳn lại, miệng nở nụ cười, đứng thẳng người lên, gài song chùy vào đai lưng, giơ tay vẫy Thiên Khánh, cất tiếng nhè nhẹ ôn tồn :

– Hà Thiên Khánh! Vào đây con, đừng sợ, vào đây, ta chờ con đã lâu rồi!…

Thiên Khánh vẫn đứng sững nhìn.

– Vào đây! Ta với con có duyên thầy trò. Con muốn học võ không? Con sẽ giỏi, khỏe hơn cả mọi người! Hơn cả phụ thân, hơn võ sư, hơn cả Thiên Tường!… Vào đây… Mau!

Thiên Khánh nhớ lại lời cha thường mắng mình là lười biếng, yếu đuối kém… cả mọi người… Còn trên bệ kia, rõ ràng là một người hiền lành… một vị tướng quân thì đúng hơn!

Chắc tướng quân đó phải khỏe lắm. Không khỏe sao cẩm nổi cặp thiết chùy lớn hơn chiếc đấu kia! Lớn hơn cả cặp chùy của phụ thân. Chắc người ấy khỏe và giỏi lắm… Ờ! Phải học mới được, học cho phụ thân, võ sư, Thiên Tường phải ngạc nhiên…

Nghĩ liên miên, trong khi vẫn không rời mắt khỏi vị tướng quân đang chống hai tay lên sườn, mỉm cười nhìn mình. Thiên Khánh không do dự nữa, bước qua ngưỡng cửa miếu đi vào…

Người đứng trên bệ cũng xuống đón, xoa đầu Thiên Khánh :

– Con thông minh lắm, hãy quỳ xuống lạy sư phụ đi.

Thiên Khánh ngoan ngoãn nghe theo, quỳ xuống lạy.

Tướng quân rút trong ngực áo ra một viên thuốc đỏ như son đưa cho Thiên Khánh :

– Con nuốt hoàn thuốc này đi, sẽ có sức khỏe vô địch.

Thiên Khánh đón viên thuốc bỏ vào miệng thấy thơm thơm như mùi trầm nuốt chửng.

– Con hãy ngồi xuống bệ kia, nếu khó chịu cứ việc nằm.

Thiên Khánh nuốt viên thuốc được hồi lâu thấy toàn thân nóng ran lên, run rẩy choáng váng, muốn té, hai chân đứng không vững nữa.

Vị tướng quân vội ẵm Thiên Khánh đặt nằm trên bệ đá, thoa nắn khắp người.

Hồi lâu, cơn nóng bớt dần, Thiên Khánh thấy tỉnh táo dễ chịu lạ thường, ngồi vùng dậy.

Vị tướng quân hãy còn ngồi bên, mỉm cười chỉ tay ra cửa miếu :

– Thiên Khánh! Đồ đệ hãy nhấc con sư tử đá ngoài kia coi nào!.

Cảm thấy người mạnh mẽ lạ thường, Thiên Khánh nhảy phắt ra khỏi cửa miếu, cúi xuống nắm hai chân con sư tử đá chầu ở trước cửa miếu lay mấy cái rồi nhấc bổng hẳn lên qua đầu, đi đi lại lại mấy vòng rồi đặt xuống chỗ cũ dễ dàng như nhấc vật bằng bông hoa vậy.

Tướng quân đứng ở thềm đá cười ha hả :

– Khỏe lắm! Khỏe lắm! Đồ đệ hãy đứng sang bên, coi ta biểu diễn song chùy đây!

Thiên Khánh vội nhảy sang bên thì vừa lúc tướng quân rút song chùy phóng người ra như bay, biểu diễn chùy pháp vô cùng linh động.

Cặp chùy lượn bay khắp bốn phương, tám hướng lẹ biến như luồng hắc khí, bật thành tiếng gió vù vù táp cả vào mặt, khiến Thiên Khánh phải lùi lại thêm mấy bước. Các lá khô ở mặt đất bị luồng chùy tạt mạnh cuốn bay tỏa ra tứ phía như gặp phải trận cuồng phong vậy.

Thích chí, Thiên Khánh vỗ tay reo vang :

– Hảo võ nghệ! Hảo võ nghệ!.

Tướng quân thâu chùy lại hồi bộ, bái tổ dữ dội như thiên thần :

– Bài Triệu Vương Chùy đó. Đồ đệ muốn học không?

Thiên Khánh vội quỳ xuống đất :

– Trăm lạy sư phụ, con xin theo học.

Gài chùy vào đai lưng, Tướng quân đỡ Thiên Khánh dậy :

– Được rồi, mai chính Ngọ, đồ đệ trở lại đây, ta sẽ truyền dạy cho.

Dứt lời, Tướng quân đi thẳng vào miếu đóng cửa lại.

Thiên Khánh vội chạy theo định hỏi nữa nhưng trượt chân choàng dậy, thì ra một giấc chiêm bao, thấy mình đang nằm dưới chân sư tử đá trước cửa miếu. Đứng vùng dậy, vươn hai tay gân xương chuyển răng rắc. Thiên Khánh nhìn quanh thấy dấu tích tướng quân diễn chùy, lá khô bay tung ra chung quanh hãy còn y nguyên như trong mộng. Chống tay vào sườn, Thiên Khánh đi đi lại lại, cảm thấy mạnh khỏe nhẹ nhàng khác hẳn trước. Chợt nhớ việc cử thạch sư tử, Thiên Khánh hít mạnh hơi lấy sức nhảy chồm tới nắm chắc hai chân thạch sư tử nhấc bổng hẳn lên qua đầu, chạy quanh khoảng đất trống bốn vòng, rồi lại đặt sư tử xuống chỗ cũ. sung sướng, Thiên Khánh ngó lên cửa miếu thấy đề “Triệu Vương Miếu – Vô Địch Tướng Quân”. Hai cánh cửa miếu vẫn đóng chặt.

Thiên Khánh lẩm bẩm :

– Vô địch thiệt! Thế này thì vô địch thiệt.

Cảm thấy từ sức khỏe đến tinh thần đều khác hẳn trước, Thiên Khánh quỳ xuống lạy tạ trước cửa miếu, rồi theo đường về hoa viên, gài cửa chặt chẽ như cũ. Trong dinh không một ai hay việc Thiên Khánh lần sang khu cấm địa. Định bụng không cho nhà biết, Thiên Khánh tự nhiên như thường để mọi người khỏi nghi ngờ.

Trưa hôm sau, chàng lại lẻn ra hậu dinh, chạy như bay tới cửa dâu đưa tay định kéo then cửa thì chợt nghĩ :

– Hai chân ta lẹ làng, dẻo dai, cứng cáp quá, thử băng qua tường xem sao?

Nghĩ sao làm nấy, lùi lại mấy bước, Thiên Khánh nhảy vụt lên mặt tường hoa viên băng mình qua bên kia nhè như chim én. Sung sướng quá, Thiên Khánh len lỏi qua các hàng cây cổ thụ tiến vào khu trống trước miếu, thì thấy Tướng quân ngồi chờ trên thềm đá trước cửa miếu rồi, Thiên Khánh vội vàng quỳ lạy.

Tướng quân xua tay :

– Thì giờ ít ỏi, cho đồ đề tự nhiên.

Dứt lời, người đứng lên cầm tay học trò bảo :

– Đồ đệ nhảy theo ta và nhớ lấy phương pháp.

Nói đoạn, Tướng quân phi thân lên nóc miếu. Thiên Khánh trông cách thức nhảy theo, không sai mảy may.

Tướng quân chuyển từ nóc miếu lên cành cây lớn, Thiên Khánh sẵn sàng, theo liền. Hai người như hai con vượn chuyền từ cành nọ sang cành kia, xuống đất rồi lại đáp lên nóc miếu, cứ như vậy vài lần.

– Đồ đệ thực hành một mình ta coi nào.

Thiên Khánh tức khắc theo tiếp :

– Tướng quân đứng nhìn khen :

– Được lắm, được lắm!… Nào, bây giờ ta bắt đầu chuyền chùy pháp. Nhìn đây! Nhận xét cho kỹ!

Dứt lời, Tướng quân rút song chùy diễn giảng từng thế từ thế chuyển sang thế biến và trái lại, tổng cộng bài Triệu Vương chùy có ba mươi tư thế. Lạ thay, Thiên Khánh học tới đâu nhớ tới đó, sử dụng cặp chùy của sư phụ y hệt không sai mảy may.

Tướng quân bằng lòng nói :

– Khá lắm! Học thế này không mấy chốc. Nhưng thôi, mai lại tới, nghe?

Thiên Khánh vâng dạ, bị luôn Tướng quân đẩy mạnh rồi chạy vụt vào miếu. Bừng tỉnh dậy, Thiên Khánh vẫn thấy mình đang nằm dựa lưng vào Thạch sư nghĩ vẩn vơ :

– Quái lạ, lúc băng qua tường sang khu đất này, ta thức rõ ràng và chính mắt nhìn thấy sư phụ ngồi chờ ta ở thềm miếu sao lại nằm đây?

Cố luận cũng không ra manh mối, chợt nghĩ đến bài Triệu Vương chùy, chàng vội bẻ hai cành cây diễn lại, thuộc lòng không sai mảy may. Thiên Khánh lững thững ra về, nhảy lên mặt tường ngõ kỹ không thấy ai mới trở về phòng như trước.

Từ đó, luôn năm ngày trời, bữa nào cũng chính Ngọ, Thiên Khánh cũng sang bên cổ miếu, lần nào, Tướng quân cũng ngồi chờ sẵn ở thềm đá và lúc học xong, chàng thấy mình nằm ngủ vừa tỉnh dậy ở chân con Thạch sư. Tướng quân truyền dạy từ đầu bộ đến đấu mã và cuối cùng là song đấu cùng người Tướng gặp tay ngang.

Hôm cuối cùng, sau khi cùng nhau song đấu. Tướng quân nói :

– Đồ đệ học hết tài nghệ của ta rồi, khỏi phải tới đây nữa. Từ nay âm dương cách biệt, có nhớ đến ta thì cứ hương khói như thường lệ chớ để miếu hoang tàn. Cần nhất giữ kín không được lộ liễu việc ta truyền nghệ. Không được cậy sức hại người lương thiện. Trái lại sẽ mất hết linh nghiệm nghe?

Thiên Khánh lạy tạ, hứa xin nhất nhất vâng theo lời dạy bảo.

Từ bữa ấy, Thiên Khánh về nhà, sáng nào cũng dậy thật sớm trước mọi người, lên lấy cặp chùy của cha ra hoa viên ôn luyện. Chàng tập luyện xong, cất chùy về chỗ cũ lẻn về phòng leo lên giường ngủ say như thường. Tuần, rằm nào cũng vậy. Thiên Khánh chờ mẫu thân hành hương xong, mới lẻn sang bên cổ miếu mở cửa vào thắp hương lễ bái. Chàng thấy vị Tướng quân dạy chàng trong mộng giống hệt thần tượng nên rất đỗi cảm phục, định bụng sau này sẽ xây dựng miếu mạo thật lớn để báo ơn thầy. Tuy mặt ngoài vẫn ra chiều thờ ơ với sự tập luyện võ nghệ, kỳ thiệt trong khi đứng xem cha truyền thụ chùy pháp gia truyền cho Thiên Tường, chàng đều thâu nhận được hết. Cuộc sống cứ đều đều như vậy cho đến năm chàng mười lăm và Thiên Tường mười bảy tuổi.

Theo tục lệ Thành Đô thì năm nào tới tết Trung Thu, quan Tổng trấn cũng mở tiệc mời các hàng quan văn võ dự tiệc thưởng trăng và nhân dịp có cuộc biểu diễn võ thuật do các tướng tùy thuộc hay nhân thân của họ. Cuộc diễn võ thuật dưới ánh trăng thu trong vắt thiệt là hào hứng, cho nên ai ai củng cố luyện tập để bữa đó được phô trương tài nghệ.

Năm ấy là năm Kỷ Mão, tiệc bày ngay ở dưới ánh trăng bên Nam Hưng các ở tiền hoa viên. Dinh quan Tổng trấn cũng như mọi nhà, nơi nào cũng treo đèn kết hoa, tiếng trống múa tưng bừng, dồn dập ở khắp các nẻo đường. Chị Hằng lơ lửng trong không trung, rải ánh vàng trên mọi nẻo Thành Đô. Bữa tiệc thưởng trăng trong dinh đã tưng bừng, năm ấy còn hào hứng thêm vì hiện diện của một vị võ trang từ yên Kinh qua thăm đất Ba Thục, được Hà Thiên Thọ lưu lại dự tiệc Trung Thu. Vì Võ trạng đó họ Hoàng tên Cái, tự Vân Long tước hiệu Song Chùy tướng, hai mươi lăm tuổi, người Kế Châu, cao lớn vạm vỡ và có tài đánh song chùy. Đỗ Võ trạng nguyên năm hai mươi ba tuổi, Hoàng Cái được triều đình sử dụng vào chức Kinh Lược quan, thường được Nhà vua đặc phái đi quan sát khắp nơi trong nước. Hoàng Cái vốn là cháu vợ quan Thái sư Trần Chí Hòa, nên tuy mới đỗ mà đã được trọng dụng ngay là do Trần thái sư cất nhắc. Ỷ vào thế lực của Trần Chí Hòa, kiêu căng vì trọng trách, cậy tuổi trẻ tài cao, nên họ Hoàng rất hống hách, mục hạ vô nhân.

Tuy vậy, năm ấy vào Ba Thục, Trần thái sư đã dặn trước :

– Hà Thiên Thọ ở Thành Đô vốn là con cháu công thần khai quốc, tuy giữ chức trấn thủ nhưng thực ra là Uy Dũng Hầu, vậy chức cũng lớn mà nhiệm vụ cũng chẳng nhỏ, cháu nên thận trong từ lời nói đến cử chỉ. Kết bạn hơn gây thù, họ Hà nắm trọn binh quyền miền Tây điều khiển cả ngàn tướng, cháu liệu kết giao chẳng nên thóc mách.

Hơn nữa, Hà Thiên Thọ là tay anh hùng võ dũng danh, vang bốn bể, vậy cháu khá nghe ta bỏ chức tước và sức mạnh ra bên, chỉ nghĩ đến việc thân hữu thôi.

Ngoài mặt, Hoàng Cái vâng dạ, nhưng y nghĩ thầm :

– Dượng ta cẩn thận quá! Ta đây cũng đường đường chức quan Kinh Lược chớ có nhỏ đâu, hơn nữa còn thay mặt triều đình đi tra cứu mọi nơi trong nước, phòng thử họ Hà dù nắm trọn binh quyền miền Tây trong tay thì đã làm chi nổi ta?

Còn về lực, chẳng hiểu Hà Thiên Thọ có ba đầu sáu tay hay không, nhưng sức mạnh và tài nghệ ta đoạt nổi Võ trạng đâu có phải là của để cho y khinh thường được! Nếu y muốn thử sức, ta đâu cũng thử cho mà coi, có lo gì!

Tuy nghĩ vậy, Hoàng Cái nhận thấy Thái sư mưu cao, hiểu biết hơn mình nên nghe theo, tùy cơ biến liệu.

Phần Hà Thiên Thọ cũng thừa biết việc Hoàng Cái là cháu vợ quan Thái sư hống hách, lại đỗ Võ trạng, coi người không bằng nửa con mắt. Các sự kiện đây chỉ là việc tư. Cho nên Hà tổng trấn tiếp đãi quan Kinh Lược rất long trọng niềm nở không hề sơ hở chút nào.

Hoàng Cái thấy Hà Thiên Thọ uy nghi lẫm liệt xứng đáng dòng dõi công hầu võ tướng nên khen thầm, theo lời Trần thái sư căn dặn lúc khởi hành, nhã nhặn gây cảm tình. Với sự hiện diện của quan Kinh Lược võ trạng nguyên, bữa tiệc thưởng trăng trong dinh Tổng trấn có phần long trọng hơn mọi năm nhiều.

Hoàng Cái nói với Hà Thiên Thọ :

– Bữa tiệc Trung thu có tư cách tư gia, nếu ai nấy đều câu nệ sẽ bị mất vui. Chúng ta là bạn đồng liêu và xuất thân con nhà võ vậy xin bỏ tất cả công lệ, mới mong giữ gìn xuống vui được hoàn toàn.

Hà Thiên Thọ đáp :

– Xin vâng. Tôi sẽ báo riêng cho mọi người biết để họ được tự nhiên. Chắc họ hoan nghinh ý kiến bình dân của Kinh Lược quan lắm.

– Nghe đồn quan Tổng trấn có tài sử dụng chùy pháp danh vang như sóng cồn, nên tôi vẫn hằng ước ao được gặp để lãnh giáo cho rộng tầm học hỏi. Chính tôi cũng ưa sử dụng món võ khí ấy lắm, đi đâu cũng đem cặp chùy vừa tay. Chăng hay ngài nghĩ thế nào.

– Tôi rất hoan nghinh, chỉ e tuổi già sức yếu, lâu năm không có trận mạc, được triều đình để ở ngôi cao, nên sự luyện tập có phần trễ nãi, ví sao được với sức trẻ tam thập của Võ trạng nguyên.

Vỗ vai họ Hà một cách thân mật, Hoàng Cái cười khanh khách.

– Chà! Chỗ anh em cả mà lão huynh còn dùng lời khách khí đó sao? Lãnh hội chùy pháp cùng nhau mua vui với chư tướng, chẳng lẽ chúng ta lại ăn thua với nhau sao.

Hà Thiên Thọ mỉm cười im lặng.

Hoàng Cái hỏi thêm :

– Lão huynh được mấy vị lệnh lang và đã có ai lớn chưa.

– Vợ chồng tôi muộn mằn, hiếm hoi, chỉ có hai con trai. Thằng lớn năm nay mười bảy tuổi, và thằng nhỏ mười lăm.

– Chắc cả hai cùng theo nghề võ? Hổ phụ sanh hổ tử chứ.

– Cháu lớn Thiên Tường có võ vẽ theo đòi đôi chút khả dĩ còn dùng được, nhưng cháu Thiên Khánh thì…

Hà Thiên Thọ thở dài im lặng.

– Thiên Khánh thì sao? Bây giờ còn ít tuổi, lớn sẽ thay đổi chớ, lo gì!

– Đâu có thế, nó ốm nhom không ra hồn người, lười biếng, trói gà không nổi, chứ đừng nói chi tới sự luyện võ nữa.

Hoàng Cái ngẫm nghĩ giây lát.

– Chắc tại lão huynh thấy tạng người gầy ốm của lệnh lang nên không cho theo học đòi nghề nhà chứ gì! Được chuyên luyện y sẽ khỏe mạnh nở mang.

Hà Thiên Thọ lắc đầu :

– Nó biếng nhác không xứng đáng với con nhà tướng. Tôi xấu hổ vì đứa con bất hiếu ấy lắm. Để tôi cho gọi chúng ta bái yết, nhân huynh sẽ nhận xét thấy ngay.

Dứt lời, Hà Thiên Thọ cho lính hầu vào hậu đường mời nhị vị công tử ra. Lát sau, Thiên Tường cùng Thiên Khánh bước ra lạy chào. Hoàng Cái đỡ dậy nhìn kỹ. Quả nhiên, anh em đồng phụ đồng mẫu mà khác nhau một vực, một trời. Thiên Tường vóc người vạm vỡ, y hệt cha. Tuy mới mười bảy tuổi mà cao lớn hơn cả người đã thành niên. Trái lại, Thiên Khánh loắt choắt nhỏ bé, đã gầy ốm hom hem lại còn xấu tướng, riêng có cặp mắt sáng ngời như hai vì tinh tú.

Hoàng Cái cầm tay Thiên Khánh nói :

– Hiền điệt nên chịu khó luyện tập võ nghệ như Thiên Tường sẽ thấy khỏe mạnh dễ chịu hơn bây giờ nhiều… À, để ta xin phép phụ thân cho cùng dự tiệc đêm nay, xem chư tướng biểu diễn võ nghệ, hiền điệt sẽ thấy hào hứng muốn đua đòi ngay.

Thiên Khánh cúi đầu im lặng.

Vỗ vai Thiên Tường, Hoàng Cái khen :

– Còn hiền điệt thì khỏi phải nói, rất xứng danh dòng dõi tướng môn, hiền điệt dùng song chùy nặng bao nhiêu.

Thiên Tường đứng thẳng người :

– Dạ, ngu điệt sử dụng cặp chùy của gia phụ.

– Nghĩ là nặng bao nhiêu?

– Dạ, ba trăm năm mươi cân đúng.

Hoàng Cái cau mày.

– Ủa! Nặng bằng song chùy của ta rồi. Khen hiền điệt khá mạnh đó. Đêm nay, hiền điệt biểu diễn chùy pháp coi.

Hai anh em Hà lạy chào, lui về hậu đường.

Chờ hai thiếu niên đi khỏi, Hoàng Cái nói với Hà Thiên Thọ.

– Có một người như đại công tử cũng hiếm lắm rồi. Huống chi lão huynh còn muốn có hai! Tham quá.

Tối hôm đó, tiệc họp bắt đầu từ giờ Tuất lúc trăng đã lên được hai trượng, các quan khách về bên võ, người nào cũng vận võ phục nhẹ bên trong, ngoài khoác áo bào. Các bàn tiệc bày theo hình chữ khẩu, dành một khoảng trống lớn ở giữa để múa lân và diễn võ. ba đám múa lân đặc sắc do quân đội tổ chức được lựa chọn để biểu diễn tranh giải Kinh Lược và Tổng trấn đêm ấy. Tiếng trống, chiêng lẫn với tiếng pháo nổ rền tưng bừng náo nhiệt. Đoàn Lân Thần sư chồng cao bốn từng người rồi leo lên một tre dài đoạt giải quan Kinh Lược treo tận đỉnh nóc Nam Hương các, được chấm nhất về khéo léo và can đảm. Sau cuộc múa lân là biểu diễn võ nghệ. Các tướng có tài hay, thuật lạ đều lần lượt phô bày, từ quyền thuật đến thập bát ban võ khí thứ nào cũng hấp dẫn hứng được toàn thể tán thưởng.

Sau mỗi bài biểu diễn võ nghệ là một lần rượu chúc mừng lẫn nhau.

Hoàng Cái nói nhỏ với Hà Thiên Thọ :

– Lão huynh cho lệnh lang Thiên Tường diễn chùy pháp coi.

Hà Thiên Thọ ưng thuận ngay, truyền lệnh cho Thiên Tường ra giữa sân. Cởi áo bào liệng cho quân hầu, Hà Thiên Tường hùng dũng ra sân. Chàng vận áo ngắn già tréo vạt ngắn tay, quần chít ống chân vận võ hài mỏng gót. Cổ to, ngực nở, vai rộng, hai cánh tay bắp thịt nổi như chào, cầm song chùy lững thững bước giữa tràng pháo tay hoan hô. Thiên Tường nhã nhặn chào cử tọa, vung tay, cất chân dạo lên vài đường chùy thiệt uyển chuyển bái tổ và nhập luôn bài nghề Sư Tử Hí Cầu. Cặp chùy khá nặng nề chập chờn lên xuống lúc uyển chuyển như thanh lân vờn ngọc, lúc dồn dập chẳng khác bão táp mưa sa bật lên thành tiếng gió, uốn vù vù ghê rợn. Hoàng Cái khen ngợi luôn miệng.

Trừ quan Kinh Lược mới tới, còn khắp các hàng tướng tá lớn nhỏ ai nấy đều biết sức lực và tài nghệ của Thiên Tường từ mấy năm nay rồi. Biểu diễn xong bài Sư Tử Hí Cầu, trong khi cử tọa đang vỗ tay khen ngợi thì Hà Thiên Tường đã lên tiếng mời bốn vị tướng quân vẫn thường tập hỗn đấu ra sân cùng biểu diễn cho vui. Bốn người đó vui vẻ vác binh khí cùng ra sân vây tròn lấy Thiên Tường đấu một trần cực kỳ khốc liệt. Xông xáo như mãnh hổ giữa quần hổ. Thiếu niên họ Hà xung đông kích tây, cặp chùy vun lên gạt đỡ, đánh quật tơi bời, khiến bốn địch thủ không thể nào tới gần được. Trận đấu tuy dữ dội nhưng là cuộc biểu diễn mua vui nên Hà Thiên Tường không dùng tận lực đàn áp đánh bật võ khí của bốn tướng mà chỉ gạt đỡ nhẹ thôi.

Hỗn đấu hồi lâu, Thiên Tường nhảy ra ngoài vòng chiến nói lớn :

– Xin chịu thua quí vị, và ngừng tay nghỉ ngơi.

Bốn tướng kia cũng thâu khí giới lại, chào cử tọa rồi về chỗ.

Trông chùy pháp của Thiên Tường, Hoàng Cái nhận thấy ngay họ Hà đã đạt tới mức độ cao siêu về món võ khí. Trông con, nhận xét được cha, Hà Thiên Thọ tất chẳng phải tay vừa. Nhưng chùy là thứ võ khí nặng nền mà dù là con nhà tướng, Hà Thiên Thọ năm nay tuổi đã ngót lục tuần thì muốn khỏe giới đến đâu, chắc sức lực phải suy bại, chẳng vượt nổi tuổi tam thập của mình. Tuy Thái sư căn dặn nên giao hảo với họ Hà, nhưng thiết tưởng cũng nên nhân dịp này cho y biết mình không phải là con người xoàng. Có vậy y mới kính phục hơn và biết rằng về chùy pháp, hiện tại còn có họ Hoàng nữa chớ chẳng riêng gì một họ Hà.

Nghĩ vậy, Hoàng Cái nói với Hà Thiên Thọ :

– Trông thấy mọi người trở tài diễn võ phô bày công phu khổ luyện, tôi thấy ngứa ngáy cả người muốn cùng lão huynh ra đấu chơi vài hiệp cho vui, có được không.

Hà Thiên Thọ cười vang :

– Trên sân diễn võ, ai cũng như ai, chúng ta diễn võ được lắm chớ.

Dứt lời, Hà Thiên Thọ nói lớn cho mọi người cùng nghe :

– Quan Kinh Lược vốn là Võ trạng nguyên nên hào hứng muốn cùng bản chức đấu giao hữu bữa nay để được múa vui cùng chư tướng luôn thể.

Nghe Hà tổng trấn tuyên bố, ai nấy đều vỗ tay hoan hô vang động cả khu tiền viên. Hà Thiên Thọ sai quân vào nhà khiêng hai cặp chùy ra. Mỗi cặp nặng ba trăm năm mươi cân nên ba tên quân xúm lại ì ạch khiêng từng quả chùy ra một, coi phát tức cười. Hoàng Cái đứng dậy bước ra sân trước, Hà Thiên Thọ cũng ra khỏi bàn tiệc.

Giữa lúc ấy, Thiên Tường bước tới phía sau nói nhỏ mấy điều. Hà Thiên Thọ lắc đầu mỉm cười, ra thẳng giữa sân. Hoàng, Hà, hai người cùng cao lớn, kẻ tám lượng người nửa cân, chỉ khác nhau ở chỗ Hoàng Cái mới ba mươi tuổi đang xuân còn Hà Thiên Thọ thì đã gấp đôi tuổi. Tuy vậy sự chênh lệch về tuổi tác không có nghĩa rằng Hà Thiên Thọ bị kém sức nhất là đối với một người rất chăm chỉ luyện tập như họ Hà. Duy có một điều… Một điều mà Thiên Tường nói nhỏ với cha lúc vừa rồi.

Nguyên trước đây, khi Hà Thiên Thọ cầm quân đi dẹp rợ Tây Phương, bị trúng một mũi tên độc nơi bắp vai hữu. Tuy điều trị kịp thời, nhưng độc dược đó ngấm lẹ nên mỗi khi dùng sức quá nhiều, Hà Thiên Thọ thấy vai trái mỏi nhừ, tay chùy có phần chậm chạp hơn. Bởi vậy, Thiên Tường nhắc lại cho cha nhớ điều đó khi chàng nhận thấy Hoàng Cái là người có sức mạnh, căn cứ vào cặp chùy của y quen sử dụng.

Hà Thiên Thọ không lấy điều đó làm quan tâm, cho rằng đây là trận giao đấu múa vui… Hoàng Cái cúi xuống cầm cặp chùy sơn đo, vương tay mấy cái, gân chuyển răng rắc, rồi đứng sang phía Đông.

Hà Thiên Thọ cũng lượm song chùy sơn đen, qua đứng sang hướng Tây.

– Xin mời lão huynh ra tay trước, tôi tôn trọng người cao niên.

Hà Thiên Thọ mỉm cười :

– Nhường nhân huynh là khách hạ tay trước.

Hai bên cùng có tư cách lễ phép. Không nhường nữa, Hoàng Cái vờn qua mấy đường chùy rồi nhảy xô thẳng vào đánh chẳng khác chi mãnh hổ bắt mồi. Hà Thiên Thọ cũng nhảy tới hoa chùy gạt phắt khí giới của đối thủ sang bên. hai cặp chùy đánh trúng nhau rất mạnh, khiến mọi người kinh sợ, lo lắng… hai người cùng chùn tay, nhảy lùi cả lại phái sau, khen thầm đối phương sức mạnh… nhưng Hoàng Cái đã quay luôn trở lại quật tréo một chùy song tả, trong khi tay hữu đánh ngược trở lên một đòn nữa. Đó là thế Song Yến Quy Sào.

Lẹ như cắt, Hà Thiên Thọ nhảy sang ngang quật một đòn nhằm hông đối thủ. Hoàng Cái khen thầm họ Hà lanh lẹ, vội quay người đưa ngang chùy bên hữu gài ngọn chùy bên tả của Thiên Thọ, đồng thời quật chùy tay tả tréo xuống vai địch thủ, Nhưng bị Thiên Thọ gài lại, thành ra người đứng gần nhau quá, bốn tay chùy đều vương, dùng sức mạnh cố ý đẩy bật nhau ra. Bên nào cũng mạnh đẩy không được thành ra cả hai cũng tận lực dồn lên dồn xuống mà vẫn không gỡ nổi.

Mọi người ở bàn tiệc đều khen cờ gặp tay ngang vỗ tay rầm rầm hoan hô thật lực.

Cuối cùng, Hoàng Cái nhè lúc Thiên Thọ mãi vận tòa lực gồng hai tay co đẩy, co chân nhằm bụng họ Hà đạp mạnh khiến cử tọa đều lo thay cho chủ tướng… Nhưng không, Hà Thiên Thọ cũng mau lẹ cất chân tả co nép vào bụng dư đầu gối gạt ngang thành thử Hoàng Cái đạp trật ra ngoài bị mất đà. Thừa thế, Thiên Thọ rút chùy ra tay hữu đưa luôn một đòn ngược lên mặt Hoàng Cái, tay tả đập một đòn bổ thượng nhằm vai địch thủ.

Đó là thế Hổ Giáng Long Phi rất mạnh vô cùng nguy hiểm, hét lớn một tiếng Hoàng Cái nhảy vụt về phía sau tránh đón độc ấy.

Từ bàn tiệc vang lên những tiếng hoan hô dậy đất.

Bực mình vì thế đánh ấy, vả lại không lẽ để một đối thủ có tuổi đàn áp nổi mình thân danh Võ trạng nguyên, Hoàng Cái tức mình vung chùy đánh dồn dập nhất quyền dùng sức trẻ đàn áp đối phương. Hà Thiên Thọ biết vậy rất nên tiểu tâm, song bắp tay đã bắt đầu thấy mỏi ở vết thương cũ sau khi dồn tận lực dồn nhau với Hoàng Cái vừa rồi. Nhận thấy đối phương tự nhiên yếu và trống mặt hữu, Hoàng Cái nhìn phía đó đánh tới tấp thiệt mạnh khiến, Hà Thiên Thọ vẫn định tránh sự dùng tay hữu thì lại bắt buộc luôn luôn phải dùng trùy bên hữu gạt những ngọn đánh rất nặng nề của địch thủ. Bởi vậy, đã mỏi sẵn vai hữu phải làm việc nhiều càng mỏi thêm, nhức nhối khó chịu, mỗi lúc một yếu rất rõ rệt.

Lúc bấy giờ ở bàn tiệc, chư tướng mới nhận thấy thế. Thiên Tường biết từ lâu nên lăm lăm cầm song chùy chờ dịp quyết liệt là xông vào đỡ đòn thay cha. Tuy bị Hoàng Cái dùng sức đàn áp mặt hữu, Hà Thiên Thọ vẫn cố gắng đánh đỡ, bắp vai trái mỏi nhừ, đánh lùi dần dần quanh bàn tiệc. Mọi người hồi hộp…

Thiên Khánh cũng lần ra đứng bên Thiên Tường đăm đăm nhìn trận đấu mỗi lúc một chênh lệch, Hà Thiên Thọ vẫn lùi, tay hữu cầm chùy trề hẳn xuống và chỉ dùng có một tay tả chống đòn mạnh như Thái Sơn úp xuống của đối phương. Hoàng Cái không có ý định sát hại Hà Thiên Thọ nhưng muốn đánh văng khí giới của đối thủ đi hoặc đàn áp đến khi nào Thiên Thọ phải xin ngừng mới thôi. Họ Hà vẫn lùi, cả hai tay cùng rời rạc ê ẩm đau buốt. Miệng thở hồng hộc.

Biết là địch thủ yếu lắm rồi, Hoàng Cái quyết đánh văng chùy của đối phương để kết liễu trận đấu nên dùng toàn bộ lực bổ cao song chùy nặng nề xuống đầu Thiên Thọ, theo thế Song Long Triều Nguyệt…

Bỗng một tiếng thét vang như sấm.

– Coi đây!

Mọi người chưa kịp nhận xét ra sao vừa lo thay cho Hà Thiên Thọ, vừa ngạc nhiên tưởng tiếng thét đó do Hoàng Cái phát ra. Thiên Tường lăm lăm cầm chùy sắp sửa nhập trận thì bị luôn ai đó tuột chùy khỏi tay rồi phóng mình vào trận đấu gạt cặp chùy của Hoàng Cái chỉ còn cách đầu Thiên Thọ độ hai tấc.

– “Chát!”

Hai cặp chùy trúng nhau thiệt mạnh, tia lửa bật ra như sao sa… Hoàng Cái tê buốt cả hai cánh tay, buộc phải lùi lại mấy bước.

Lúc bấy giờ mọi người mới định thần nhận ra bóng người vừa gạt cặp chùy mạnh mẽ của Hoàng Cái chính là Thiên Khánh nhỏ bé loắt choắt như con vượn bên cạnh người khổng lồ.

Ai nấy đều ngạc nhiên vô cùng tưởng mình đang ngủ mê.

Họ còn kinh ngạc hơn khi thấy Hoàng Cái bị đao cả người về phía sau vì cái gạt vừa mạnh mẽ vừa bất ngờ. Vừa đỡ xong cặp chùy của Hoàng Cái, Hà Thiên Khánh nói luôn.

– Xin lỗi quan Võ trạng, cho phép ngu điệt đấu thay gia phụ.

Dứt lời, Thiên Khánh hoa chùy vun cút như gió nhảy theo Hoàng Cái đánh tới tấp.

Tránh sang một bên, buông chùy cho Thiên Tường lúc đó đã chạy đến cạnh, Hà Thiên Thọ đưa tay nắm vai hữu nhăn nhó.

– Thế này nghĩa là gì? Thiên Khánh mà sử dụng nổi chùy của Thiên Tường! Và dám đỡ ngọn đòn vừa mạnh, vừa hiểm vừa rồi.

Nhưng cha con họ Hà còn ngạc nhiên hơn nhiều nữa.

Nói về Hoàng Cái bị cái gạt đầu tiên rung chuyển cả hai tay, người mất thăng bằng đảo ra phía sau, nghĩ thầm.

– Thiệt không ngờ cái thằng nhỏ mười lăm tuổi ốm nhom thế này mà có sức khỏe như Lý Nguyên Bá tái sanh. Hồi nãy, cha nó đã chẳng than phiền vì nó biếng nhác yếu đuối, trói gà không nổi đó ư? Sự thật nó mạnh hơn cọp, võ nghệ tuyệt luân.

Hoàng Cái không kịp nghĩ nữa, vì Thiên Khánh đã nhào tới vụt luôn mấy chùy. Không dám khinh thường, Hoàng Cái vận dụng toàn lực đối phó, không lẽ chịu thằng ốm nhom thế này thì còn mặt mũi nào nhìn mọi người!

Chát!… Chát!… Chát!… Hoàng Cái đỡ ba ngọn chùy liên tiếp vừa mau lẹ vừa nặng nề của Thiên Khánh, toàn thân bị rung chuyển, cánh tay tê dại cơ hồ buông mấy khí giới. Không dám đứng nguyên chỗ, họ Hoàng lùi dần để kéo dài thì giờ. Thiên Khánh không tha, tiến theo vụt tráo cả hai chùy xuống hai đầu vai địch thủ. Đó là thế Bạch Viên Hiến Quả, một ngọn đòn cực kỳ mạnh và nguy hiểm trong bài Triệu Vương chùy. Định chạy vọt ra phía sau tránh đòn cho khỏi phải đỡ, Hoàng Cái lại e mọi người chê cười. Chẳng chi cũng là Võ trạng nguyên, cao lớn vạm vỡ mà phải chạy trước mặt đứa ốm nhom thì còn ra thể thống chi nữa! Đành liều mạng đứng lại, Hoàng Cái vận dụng toàn lực, liều mạng đỡ đòn. bốn ngọn chùy đập trúng nhau bật lên tiếng chát chúa rùng rợn.

Hoàng Cái kêu lớn :

– Chao ôi!

Song chùy rời khỏi tay, rách hổ khẩu, họ Hoàng vội vàng bỏ chạy.

Hà Thiên Thọ từ chỗ bàn tiệc vội quát mắng lớn Thiên Khánh :

– Súc sinh! Không được đuổi theo nữa! Đấu võ múa vui chớ mi định hại người thiệt hay sao?

Khi Hoàng Cái mất khí giới, bỏ chạy, Thiên Khánh vẫn đứng nguyên tại chỗ nhìn theo tới khi nghe thấy cha mắng quở, liền trả tiếp :

– Có có rượt theo Hoàng bá phụ đâu.

Thiệt ra thì Hà Thiên Thọ rất vui mừng không ngờ Thiên Khánh tài giỏi hơn cả cha anh, nhưng cũng giả đò mắng át đi để Hoàng Cái đỡ mắc cỡ.

Mọi người vội vàng săn sóc vết thương ở hai tay của Hoàng Cái.

– Thiệt tôi không ngờ lệnh lang có dũng lực và tinh thông chùy pháp đến thế. Đáng mặt thiên tài của Lý Nguyên Bá tái sanh chăng?

Hà Thiên Thọ đáp :

– Chuyến này là lần đầu tiên tôi được thấy y trổ tài. Quả thiệt tôi cũng không ngờ và cũng không hiểu nó học võ nghệ ở đâu nữa. Nhân huynh có nhận ra chùy pháp của y khác lối chùy pháp họ Hà tôi không?

Ngẫm nghĩ giây lát, Hoàng Cái gật đầu :

– Ờ, quả vậy đó, hai phép đanh chùy khác nhau thật!

Nhưng họ Hoàng thầm nghĩ :

– “Hay thằng cha này bịa vẻ ra việc chê trách Thiên Khánh để ta không ngờ, và nhân trước mặt mọi người làm mất thể diện ta chăng? Thiệt ra ngón chùy của Thiên Khánh mới thiệt thọ là chùy pháp nhà họ Hà. Tài thiệt, trêu vào bọn này không được!”

Mọi người không ai reo hò vì họ ngạc nhiên hơn là vui mừng.

Từ nãy, Hà Thiên Khánh vẫn đứng sừng sững ở giữa vòng chiến mỉm cười, mắt đăm đăm nhìn mọi người.

Hà Thiên Thọ gọi lớn :

– Thiên Khánh, không vào đây còn đứng đó muốn đánh ta nữa sao!

Lúc đó, Thiên Khánh mới tung cặp chùy lên cao tới bốn trượng. Cặp chùy nặng nề ấy rớt xuống đất đánh thịch chuyển cả mặt đất. Ai nấy đều kinh ngạc về thần lực của con người ốm nhom ấy.

– Chùy này nhẹ quá, xài không vừa tay, phải kiếm cặp khác mới được!

Vừa nói vừa bước tới trước mặt Hoàng Cái :

– Bá phụ tha lỗi cho ngu điệt, có ngờ đâu thế đòn tầm thường ấy là tổn thương bá phụ!

Nghĩ lại lúc mình cũng ỷ sức dồn dập Hà Thiên Thọ khi nhận thấy Thiên Thọ bị yếu vai bên hữu, Hoàng Cái bất giác đỏ mặt ngượng nghịu :

– Hiền điệt không có lỗi. Thiệt ra hiền điệt cũng đã nhân nhượng ta nhiều lắm đó. Với tài lực ấy hiền điệt sẽ là một lương đống của triều đình. Sắp có khoa thi Võ trạng, chắc chắn hiền điệt sẽ đứng đầu bảng dễ như chơi. Ta khá khen đó.

Hà Thiên Thọ vui mừng khôn xiết, cầm tay Hoàng Cái dắt vào tiệc rượu bỏ dở. Thiên Tường kéo Thiên Khánh ngồi kế bên mình hỏi :

– Ngu huynh rất mừng vì có một đứa em tài giỏi như hiền đệ, nhưng học võ bao giờ và học ở đâu mà giỏi thế?

Thiên Khánh để tay lên miệng :

– Suỵt! Không tiết lộ thiên cơ được!

Dứt lời, cười hăng hắc. Thiên Tường cũng cười theo không hỏi nữa.

Từ đêm Trung Thu năm đó, mọi người đặt cho Hà Thiên Khánh tước hiệu Trại Nguyên Bá.

Mấy hôm sau, Hoàng Cái lên đường về Yên Kinh. Khi chia tay, Hoàng Cái nói :

– Tôi sẽ đem việc nhị vị công tử trình bày với Hoàng thượng chắc thế nào cũng được trọng dụng.

Hà Thiên Thọ đáp :

– Họ Hà nhà tôi rất cảm ơn đó, song Thiên Khánh nhỏ tuổi quá, tánh tình chưa được thuần, nhân huynh cứ để tự nhiên. Nếu nó có tài còn cần phải có đức nữa mới có thể xuất chánh được. Nhân huynh thứ cho tôi dạy bảo nó vài năm nữa rồi sẽ hay.

Khách đi khỏi, Hà Thiên Thọ mới rỗi rãi bảo Thiên Khánh biểu diễn cho xem và bắt song đấu với Thiên Tường.

Tuy đã khỏe lắm, đáng liệt vào hàng hổ tướng, Thiên Tường vẫn phải nhường em về phần dũng lực, và về chùy pháp cũng kém hẳn một bực. Dùng chùy nào, Thiên Khánh cũng kêu nhẹ. Hà Thiên Thọ bèn sai thợ đúc hẳn một cặp chùy sắt vừa tay cho Thiên Khánh, nặng đúng năm trăm mười chín cân tám lượng. Trong khi tập luyện, Thiên Khánh dạy Thiên Tường bài Triệu Vương Chùy nên chùy pháp của Thiên Tường nhờ đó thay đổi tấn tới hơn trước nhiều, trong quân không một tướng nào chịu nổi quá mười hiệp đấu.

Hà Thiên Thọ hỏi Thiên Khánh :

– Bộ chiến đã vậy, còn mã chiến, chắc con chưa tập luyện.

Bí mật, Thiên Khánh đáp :

– Con chưa hề tập mã chiến, nhưng phụ thân cho phép thử coi. Có dễ không, hả phụ thân.

– Hừ! Con nhà võ mà hỏi ngớ ngẩn như thế sao? Dễ hay khó đều do sự chuyên luyện có phương pháp. Có căn bản võ thuật như con, luyện chiến mã cũng không khó.

Hà Thiên Thọ sai gia nhân đóng hai chiến mã của mình và của Thiên Tường đem tới, Thiên Tường hỏi :

– Hiền đệ muốn cỡi con nào?

– Con nào cũng được!

Thiên Tường nhảy lên con Tuyết Hoa của mình diễn quanh sân mấy vòng.

Hà Thiên Thọ bảo :

– Thiên Khánh, để cha giảng qua mấy điều về phương pháp ngự mã và tánh nết của giống thú này đã…

Thản nhiên, Thiên Khánh đáp :

– Con cứ hành động y hệt trưởng huynh là được chớ gì.

Thiên Thọ cười khẩy :

– Được, tùy ý con.

Thiên Khánh đỡ lấy cương con Đồ Lư, vỗ vào cổ con ngựa mấy cái, dắt đi quanh sân. Con chiến mã khỏe mạnh ấy cất bước cao, hất đầu mấy cái, hí vang như có ý muốn duyệt cùng Tuyết Hoa. Đi được hơn một vòng sân cho Đồ Lư quen hơi người dắt đã, Thiên Khánh mới bắt chợt chạy kiệu nhỏ quanh sân rộng. Nhớ lại phương pháp kỵ mã do Vô Địch tướng quân xuất thần dạy bảo, Thiên Khánh điều khiển con Đồ Lư một cách dễ dàng khiến cha, anh đều rất ngạc nhiên tưởng chàng là một thiên tài, chớ có biết đâu cũng phải học mới biết được! Trước chậm sau nhanh, Thiên Khánh cho Đồ Lư phi vùn vụt quanh sân đất nền rộng rãi chung quanh có trồng cây cao. Chàng điều khiển Đồ Lư chạy vòng vèo đan vào dãy cây lớn, khi hết hai vòng, Thiên Khánh quật ngay ngựa trở lại, thút gót vào bụng nhắm hòn giả sơn bổ tới… bốn vó ngựa đập xuống đất như tiếng trống rên hồi.

Thiên Thọ và Thiên Tường ngẩn người ra nhìn chưa đoán được Thiên Khánh làm gì, nhưng cũng kêu cả lên một tiếng.

– Ồ! Hãm lại, chết bây giờ!

Như người điếc, Thiên Khánh phóng Đồ Lư đến thẳng ngọn giả sơn hét lớn :

– Phi!

Con Đồ Lư chồm lên phóng mình như bay qua ngọn giả sơn sang bên kia chạy thêm vài chục thước nữa mới đứng lại.

Cha con Thiên Tường vỗ tay la lớn :

– Hay quá! Thiệt không ngờ.

Nhưng Thiên Khánh đã vòng ngựa lại vẫy gọi Thiên Tường.

Thiên Tường quặt ngựa chạy theo.

– Trưởng huynh cho phép ngu đệ theo một bài chiến mã nào.

Dứt lời, Thiên Khánh rút song chùy ra cầm lăm lăm, nhè Thiên Tường phóng ngựa tới. Biết là Thiên Khánh hỏi đấu, Thiên Tường cũng rút chùy ra đón đường… Hai thiếu niên huynh đệ ráp trận đánh rất dữ dội không ai chịu nhường ai. bốn trái chùy dồn nhau lắm lúc bật ngựa, hai con chiến mã cũng hí vang rền… Trận đấu trên mình ngựa của hai thiếu niên đáng mặt mãnh tướng, cùng dùng chùy nặng quả kinh hồn, rùng rợn chẳng khác chi hai viên tướng tử thì bất chợt gặp nhau trên đấu trường.

Hà phu nhân, được chồng bảo cho biết trước nên cũng dẫn thị nữ ra xem vừa đúng lúc Thiên Tường, Thiên Khánh cùng xung đột kinh thiên động địa. Thấy chồng con và bọn gia nhân đờ người ra mải miết nhìn trận đấu hung dữ ấy. Hà phu nhân vội nói :

– Ồ! Phu quân để anh em nó đánh nhau chết à? Cho lệnh tan cuộc đi! Ruột thịt mà thù nhau ghê quá! Quả là huynh đệ tương tàn.

Đang mải theo dõi trận tập dượt hào hứng của hai thiếu niên, bỗng nghe vợ nói bậy, Thiên Thọ quơ tay bảo :

– Nói bậy nào! Tương tàn cái gì? Chúng đang song đấu tới lúc thiệt hay thì…

Nhưng Hà Thiên Thọ không kịp nói hết câu, vì giữa lúc ấy, Thiên Tường rẽ ngựa chạy bỏ cuộc, liệng song chùy xuống đất nói lớn :

– Xin chịu thua, buốt nhừ cả hai tay.

Thiên Khánh ghìm ngựa lại cười :

– Thiệt không? Nghỉ tay đấu nữa.

Thiên Tường lắc đầu :

– Thiệt chứ lị! Ngu huynh chịu nổi hiền đệ đúng trăm hiệp cũng đáng kể là vô địch rồi. Muốn đấu nữa thì mời phụ thân.

Quay về Thiên Thọ, Thiên Khánh hỏi :

– Nào, mời phụ thân chỉ giáo cho con vài đường chùy.

Hà Thiên Thọ vuốt râu cười lớn :

– Thiên Tường còn bỏ cuộc thì thân già này với cánh tay bị bại, còn đấu với tên nghịch tử làm chi cho mệt! Thôi nghỉ tay, xuống ngựa đi! Với cặp chùy của ngươi cũng đủ làm chết con Đồ Lư của ta rồi! Thay áo đi, vào hậu đường ta có điều cần hỏi.

Nói đoạn, Hà Thiên Tường bảo vợ.

– Nào, về hậu đường. Hai thằng quỷ con đó đấu dữ dội như hai thiên tướng, hiền thê đã thấy chưa? Hà… hà!… hà!

Phu nhân mỉm cười :

– Tôi còn nhớ trước đây, phu quân thường than phiền vì thằng nhị lang yếu ớt vô dụng không xứng đáng dòng máu họ Hà! Oan con biết nhường nào.

– Ai có ngờ! Lý Nguyên Bá xưa kia bất quá cũng đến thế thôi.

– Trông thấy con, tôi lại nhớ đến trước kia hồi chưa lấy nhau, phụ thân tôi chấm phu quân làm tử tế vì phu quân đã thắng cả mọi người. Cặp chùy của phu quân đã thiệt vô địch, y hệt thằng Thiên Tường ngày nay.

Nhìn vợ, Hà Thiên Thọ nheo mắt hỏi :

– Nhắc lại cái thời xa xưa ấy khiến ta thêm bực. Chức Vô địch của ta bị hai thằng nghịch tử Thiên Tường, Thiên Khánh đoạt mất rồi còn đâu! A, nhưng hồi ấy hiền thê ngồi ở đây mà trông rõ vậy.

– Núp ở rèm, sau mẫu thân, chớ ai dám ra mặt, thẹn chết người.

Hà Thiên Thọ lắc đầu :

– Thảo nào, ta liếc lên chỗ nhạc gia ngồi mãi mà chẳng thấy người ngọc đâu cả rồi! Ghê thật, thấm thoắt đã ba mươi năm trường.

– Vâng, ba mươi năm trường.

Hà Thiên Thọ bước chậm rãi hỏi phu nhân.

– À này, ta còn nhớ các công tử, vương tôn đối lập với ta hồi ấy vừa giàu, vừa đẹp lại vừa trẻ, tại sao hiền thê lại ưng ý ở nơi ta.

Hà phu nhân cúi nhìn đất.

– Tuổi tác, giàu sang có chi đáng kể! Hồi đó tuy phu quân hơn tuổi họ nhiều, nhưng đã ai tài bằng viên thượng tướng đã từng đánh trăm trận như phu quân chưa? Lúc phu quân hùng dũng tiến vào võ sảnh, tôi biết ngay thế nào cũng được sửa túi nâng khăn, nương nấp bóng tùng của con người phi thường ấy.

Hà Thiên Thọ trách vợ.

– Ủa! Thế mà đợi tới bây giờ mới nói.

– Thì có bao giờ phu quân hỏi đâu mà dám thưa.

– Hừ! Giá được nghe cầu này từ hồi nãy thì ta quyết thượng mà đấu cùng thằng Thiên Khánh một trận đó. Tệ quá, phụ nữ làm gì cũng chậm.

Hà phu nhân mỉm cười :

– Phu quân vô lý quá và độc đoán! Nếu đấu với Thiên Khánh thì thua rồi…

– Hừ! Thua ta cũng đấu! Hiện giờ ta thấy trẻ hẳn lại như ba mươi năm về trước.

Hai vợ chồng Tổng trấn vừa thủng thẳng đi vừa nói chuyện, bất giác đã về tới hậu đường. Lát sau anh em Thiên Tường, Thiên Khánh cũng dắt nhau đến.

Hà Thiên Thọ nói :

– Cho hai con ngồi.

Thị nữ dâng trà.

– Bây giờ Thiên Khánh đã nhất định kể lại cho ta và mẫu thân con nghe trường hợp luyện võ như thế nào chưa.

Xét thấy nói thiệt cũng không có hại gì một khi mọi người ai ai cũng biết là mình có tài nghệ. Thiên Khánh bèn kể lại tỉ mỉ việc thần nhân truyền dạy võ nghệ mấy năm trước cho cha mẹ và anh nghe.

Hà Thiên Thọ gật đầu :

– Ta cũng nghi như vậy, nhưng không dám nói chắc.

Suy nghĩ giây lát, Hà Thiên Thọ nói tiếp :

– Ta sẽ tu bổ thần miếu thay con, và vẫn tôn trọng sự u tĩnh bên khu miếu như xưa… Nhưng không hiểu vì nguyên do gì lại có người lập miếu thờ Vô Địch tướng quân Lý Nguyên Bá ở Thành Đô.

Trong bộ “Thịnh Đường Anh Hùng sử” chép rằng Vô Địch tướng quân có một gia tướng chuyên hầu về chùy, mã của Ngài. Gia tướng ấy họ Thường không ghi tên gì, nhưng sao đổi ra họ Lý tên Hào.

Khi Vô Địch tướng quân mạng vong, Lý Hào vè sanh quán của y ở Ba Thục. Vậy có lẽ Lý Hão là người Thành Đô chăng? Và chính y đã xây dựng miếu mạo, thờ cựu chủ chăng? Trong khi tu bổ thần miếu, ta sẽ đích thân điều khiển công nhân để tiện bề tra cứu luôn thể.

Thiên Khánh nói :

– Thần nhân có dạy rằng “không được làm huyên náo khu miếu thờ”.

– Con khỏi lo. Đối với khu đất bất khả xâm phạm ấy, ngôi miếu ba gian vừa lớn, rồi vậy chỉ cần sửa qua loa trong miếu, cũng như ngoài miếu cho được gọn gàng hơn. Ngoài ra không hề động chạm tới bất cứ thứ gì trong khu vực ấy.

Việc cần thi hành ngay bây giờ là chọn cho con một con chiến mã. Con khá cùng Thiên Tường ra tàu ngựa lựa xem có ưng ý con nào không.

– Tuy được Vô Địch tướng quân hiện thân truyền nghệ nhưng con chưa biết phương pháp tinh vi nuôi dạy ngựa, xin phụ thân chỉ dẫn cho con được thấu đáo triệt phương pháp ấy.

– Con muốn tự đào tạo lấy một bầy ngựa chiến, nuôi chúng từ lúc chúng còn nhỏ để lớn lên mới dùng. Bây giờ cỡi tạm con nào cũng được.

Với tay lên án thư lấy một cuốn sách đưa cho Thiên Khánh, Hà tổng trấn nói :

– Trước hết hãy đọc, nghiên cứu cuốn Mã Đồ này. Chừng nào thuộc hai bài đầu, ta sẽ dạy phép thực hành. Từ kỵ mã tới xa mã đều có ghi cả trong sách đó.

– Lấy đâu ra này ngựa non bây giờ thưa cha.

– Con có để ý tới màu sắc không :

– Có chứ! Con muốn nuôi bầy Thất Mã, Ba con Hắc, Hồng, Mai hoa để cỡi và bốn con Bạch đế thắng tứ mã xa.

– Được, con khá theo Thiên Tường sang bên trại ngựa, đưa lệnh tiễn này cho Trần tướng quân, người phụ trách việc chăn nuôi và gây giống ngựa, yêu cầu lựa chọn mấy con thiệt tốt. Nếu y có đủ, cho người về báo để ta sang coi.

Trong trường hợp y không cung cấp đủ số ngựa theo ý muốn, ta sẽ biên thơ sai người sang Trùng Khánh phủ hỏi Thái Đình Hoàng chắc thế nào cũng toại ý.

Giờ đây, ta ra công đường làm việc. Các con muốn kiếm cứ việc tới đó.

Anh em Thiên Tường, Thiên Khánh đứng dậy từ tạ cha mẹ, sang trại quân. Hà tổng trấn cũng mặc áo ra soái đường.

Nói về Thiên Tường dẫn Thiên Khánh sang trại nuôi ngựa đưa trình lệnh tiễn của quan Tổng trấn cho tướng quân Trần Dự, và nói việc muốn kiếm ngựa tốt. Họ Trần vốn là tay chuyên môn về ngựa trong trại quân, xưa nay thường giao dịch với Thiên Tường nhưng ít gặp Thiên Khánh.

Niềm nở tiếp đãi hai anh em, Trần Dự nói :

– Từ bữa tiệc đêm Trung Thu tới nay, bây giờ tôi mớ có dịp mừng riêng đệ nhị công tử. Quan Tổng trấn có đại phước mới sanh nổi hai công tử anh hùng xuất chúng như vậy.

Anh em họ Hà nói mấy lời cám ơn và bày tỏ ý nguyện tìm ngựa tốt. Trần Dự cười lớn :

– Tưởng chuyện gì chớ việc đó không đáng kể. Trại ngựa trong quân há không lớn hơn tư gia của Thái Đình Hoàng bên Trùng Khánh sao? Nếu nhị vị công tử muốn dùng đến giống ngựa xứ khác, Trần mỗ này cũng cung cấp được, nhưng tại sao không dùng ngựa Tứ Xuyên? Theo tôi đi coi. Cứ nhìn cũng đủ thích mắt rồi.

Dứt lời, Trần Dự đi giữa, cầm tay anh em họ Hà, dắt đi coi khắp trại ngựa. Trại chia ra nhiều khu rất ngăn nắp sạch sẽ.

Bây giờ, nhị công tử cần một tuấn mã để dùng ngay, tôi xin hiến con ngựa vàng bốn chân trắng và dọc mũi trắng kia kìa. Nó được đúng năm tuổi, hay đủ mọi phương diện. Công tử cỡi thử coi. Không vừa ý điều gì cứ cho Trần mỗ biết.

Dứt lời, Trần Dự sai quân thắng con ngựa vàng đó cho Hà Thiên Khánh cỡi thử. Thiên Khánh nhảy lên ngựa cho chạy mấy vòng thấy nước kiệu êm ru thì mừng lắm, nói với Trần Dự :

– Tướng quân cho tôi con ngựa này, Nó có tên chưa.

– Ngựa này do tôi nuôi dạy đều có tên hết. Con này tên Hoàng Vân. Công tử giữ lấy mà dùng. Bây giờ ta ra xem bầy ngựa con.

Trần Dự dẫn anh em họ Hà đến khu nuôi ngựa nhỏ.

Trần Dự giải thích.

– Công tử coi, có ba khu Thượng, Trung, Hạ. Ngựa nhỏ, tôi cũng chia thành ba hạng đã chọn lọc. Lẽ cố nhiên khu Thượng có toàn ngựa tốt vừa về giống, vừa về tướng. À, công tử cần dùng mấy con chi.

Thiên Khánh đáp :

– Bảy con. Bốn con Bạch Mã để dùng kéo xe tứ mã, còn ba con Hắc, Hồng, Mai hoa để cỡi.

– Được. Tôi còn đủ cả. Con Mai Hoa mình vàng rất đẹp kia có cái xoáy chính giữa hai mắt. Trong sách Mã Đồ ấy là Tý Mã Ngọ và có tên nữa gọi là Thần Mã Triều Vân.

Ba người leo lên giống chuồng ngựa ngồi. Trần Dự chỉ cho quân hầu lựa từng con ngựa một bắt đem ra sân. Cổ con nào cũng đeo biển gỗ ghi ngày tháng năm sinh và giống ngựa. Trần Dự nói :

– Công tử nên làm bảy cuốn gỗ ghi các tật riêng của từng con một để rèn luyện lần lần cho chúng. Có điều chi muốn biết về mã tánh, sang đây tôi sẵn lòng chỉ dẫn.

Thiên Khánh nói :

– Tôi sẽ tới quấy rầy tướng quân luôn luôn.

Nói đoạn, hai anh em từ ta về dinh. Trần Dự cho quân dắt ngựa đi theo.

Từ đó, Thiên Khánh học hỏi về môn nuôi, luyện tập ngựa rất tỉ mỉ và trở thành một người sành sỏi. Chàng thuộc lòng cuốn Mã Đồ. Còn về phương diện thực hành thì chàng vừa học hỏi của cha, vừa theo đòi Trần Dự. Được nuôi luyện đến nơi, đến chốn, bảy con ngựa tinh khôn đặc biệt, biết theo mệnh lệnh của Thiên Khánh như người vậy. Con nào cũng cao lớn hùng vĩ khiến người sành ngựa nhìn không chán mắt. Ngoài ra, Thiên Khánh thường dóng xe tứ mã cùng Thiên Tường đi ra khỏi thành chơi. Thứ xe tứ mã này chỉ có hai bánh xe, thân xe hình bán nguyệt, vành cao lên ngang hông người đứng cầm cương.

Khi ra khỏi thành, Thiên Khánh cho ngựa chạy như gió, băng rừng vượt suối, bốn con ngựa kéo chiếc xe nhỏ hai bánh chỉ đủ chỗ cho hai người đúng nên nhiều khi xe lướt hẳn trên mặt đất như bay. Hoặc có khi hai anh em cùng cỡi rong chơi săn bắn thì thế nào Thiên Khánh cũng rủ Thiên Tường thi đua. Con Hoàng Mai của Thiên Khánh phi vùn vụt như tên, gò thấp mô cao đều băng băng nhảy qua hết. Không kém, Thiên Tường cũng theo sát không rời nửa bước, nhưng khi con Hoàng Mai nghe tiếng roi da của chủ quất gió kêu “đen đét” thì bỗng nhiên trội hẳn tốc lực phóng như biến bỏ hẳn Thiên Tường lại sau rất xa.

Anh em họ Mã luyện tập lẫn với nhau như vậy nên ngoài sức khỏe thiên phú, tài kỵ mã cũng trội hơn ba quân, không một tướng nào theo kịp. Cả hai cùng thành công về phương pháp luyện tập, điều khiển ngựa phần lớn là nhờ Trần Dự cố công dạy bảo, nên khi thấy Thiên Tường, Thiên Khánh thành công, Trần tướng quân rất lấy làm hãnh diện có hai đồ đệ kỳ tài.

Việc Thuận Vương mở hội kỵ mã ở Kim Lăng được loan đến tận Thành Đô.

Hà Thiên Khánh ngỏ ý muốn đi dự và du lịch Kim Lăng luôn thể.

Hà tổng trấn nói :

– Con còn ít tuổi chưa hiểu tình thế ra sao, nhưng Thuận Vương có ý mưu phản triều đình, nên mục đích lập hội không phải chỉ để vui chơi, y muốn thâu nhận người tài hoặc trừ bớt đi. Vậy cuộc đi đua hẳn là không công bằng và có nhiều mưu mô xảo trá hại kẻ anh tài. Con dự hội làm chi?

Thiên Khánh cương quyết :

– Nếu Thuận Vương hành động gian giảo như vậy thì nên phá tan mưu mô thấp hèn của y. Con quyết dự cuộc, nếu chúng quả muốn hại người thì con sẽ phá tan đấu trường cho chúng coi. Không lẽ để cho gian vương quá ư lộng hành coi rẻ thiên hạ như vậy sao!

Nghe con nói trúng lý và hồi tưởng khi xưa còn ít tuổi, nếu gặp những cuộc thi tài chướng tai gai mắt này tất chẳng bỏ qua, nên Hà tổng trấn suy nghĩ hồi lâu rồi nói :

– Được, con đã muốn đi Kim Lăng, ta cũng cho phép, nhưng phải để ta sắp đặt và con phải hứa để tuân theo kế hoạch của ta nghe?

– Dạ, con xin hứa.

– Chừng nào con định lên đường?

– Thưa phụ thân, sáng sớm ngày mười hai con sẽ khởi hành mới kịp hội kỳ.

– Con dự thi môn nào?

– Cả hai môn Kỵ mã và Mã xa.

– Không được. E tổn sức chăng?

– Không có gì đáng gọi là mệt cả, phụ thân.

– Thiên Tường có cùng đi không?

– Trưởng huynh cũng muốn đi, song còn đang bận việc bên trại nên bảo con sang nói trước với phụ thân.

Suy nghĩ hồi lâu, Hà tổng trấn nói :

– Cả hai con cùng đi mới được. Có thể ta mới an tâm.

Hà tổng trấn và Thiên Khánh đang nói chuyện thì Thiên Tường bước vào. Hà Thiên Thọ hỏi :

– Thiên Tường con đã nhất định đi Kim Lăng cùng Thiên Khánh chưa?

– Con về đây cũng vì việc đó.

Chậm rãi, Hà tổng trấn dằn mạnh từng tiếng một :

– “Các con đừng quên rằng các cuộc thi do Thuận Vương tổ chức thế nào cũng có sự gian lận nguy hiểm tới tánh mạng người ta. Cần phải hết sức tiểu tâm.

Trước hết, đừng ghi tên thật, e chúng biết rõ nguồn gốc và gia đình nhà ta mà manh tâm hãm hại. Người ngựa, phải chú ý kẻo bị thuốc trước khi vào đua! Trong khi đua, phòng bị kẻ hại ngầm. Dù được hay thua, không nên lưu luyến tiệc tùng với bọn chúng.

Từ đây đi Kim Lăng, đại lộ vào thẳng Tây Môn. Cách Tây Môn chừng năm dặm có một gò đất nhỏ. Ta sẽ cho ba tiểu đội nhân mã hóa trang làm khách thương đón các con tại nơi đó. Phòng khi có biến, các con cứ việc chạy qua khu gò đất ấy, sẽ có tiếp ứng.

Ngoài ra còn ba tiểu đội nữa do ba tướng Liễu Thanh, Tôn Khương và Triệu Chấn giả làm thường dân ở quanh quẩn bên Tây Môn ngay hôm đua, phòng khi có biến, bọn chúng đóng cửa thành thì quân tướng của ta sẽ tạm đoạt cửa đó mở đường cho các con chạy ra khỏi Kim Lăng.

Dấu hiệu của quân nhà ta là chiếc khăn xanh màu lục quấn cổ.

Tuy có sắp đặt phòng bị, ta khuyên các con nên gắng công tránh sự xung đột. Nên nhớ điều quan trọng này nữa: quân, tướng của Thuận Vương đều là hàng người có bản lãnh, chẳng lên khinh địch. Căn cứ của các con ở tận Thành Đô, đường xa vạn dặm, Kim Lăng là nơi cơ sở của Thuận Vương. Nói riêng về nhân số, các con đã bất lợi rồi đó.

Nghe rõ lời ta dạy bảo chưa?”

Thiên Tường thưa :

– Lời phụ thân truyện dạy, chúng con xin ghi lòng tạc dạ.

Hà tổng trấn nhìn Thiên Khánh :

– Riêng phần con không được nóng tánh như lúc còn ở nhà, nghe?

– Dạ, con hiểu.

– Nhưng còn có một điều đáng lo.

Anh em Thiên Tường ngạc nhiên nhìn nhau. Thiên Khánh vội hỏi :

– Phụ thân lo điều chi? Nguyên do sự e ngại đó có phải là hai cặp chùy nặng quá e không có cách gì đem vào đấu trường được để phòng ngộ đến thì có khí giới dùng phải không.

Hà tổng trấn gật đầu :

– Chính vậy đó. Để ta nghĩ kế. Sáng mai, đầu giờ Thìn, hai con khá sang trại quân họp mặt cùng các tướng, ta cho lệnh triệu ngay bây giờ. Thôi, hai con lui ra.

Từ tạ cha đi ra, Thiên Khánh bảo Anh :

– Kế hoạch của phụ thân rất châu đáo nhưng về khoản giấu tên họ để dự thi thì ngu đệ không chịu.

Thiên Tường gật đầu :

– Ngu huynh đồng ý về điểm ấy, nhưng chừng nào tới Kim Lăng sẽ định đoạt. Phụ thân ở xa chỉ định liệu được việc đại cương, chúng ta đến tại chỗ mới có thể tham biến được.

Sang hôm sau, Hà tổng trấn chủ tọa cuộc hội họp sáu tướng có nhiệm vụ đi cùng Thiên Tường, Thiên Khánh. Ngoài Liễu Khanh, Tôn Khương, Triệu Chấn, có Lý Thường Huy, trần Đức, Điển Chiêu là ba tướng chỉ huy ba tiểu đội ngoài cửa Tây thành Kim Lăng. Anh em họ Hà ngạc nhiên khi thấy cháu Hà phu nhân là Viên Bá Lượng cũng có mặt tại đó…

Hà tổng trấn bảo hai con :

– Các tướng quân đây đã hiểu rõ ràng bổn phận của từng người một rồi. Viên điệt đây cũng đi cùng các con, và sẽ giới thiệu cho biết một nhân vật ở Kim Lăng, tại nhà nhân vật đó chắc chắn thế nào cũng có nhiều tay anh hùng khả dĩ giúp nổi việc giấu hai cặp chùy nặng nề ấy ngay ở đấu trường được.

Thiên Tường nói :

– Được, Viên biểu huynh đi cùng càng vui.

Hà tổng trấn quay lại căn dặn các tướng :

– Sáng sớm ngày mười một, các tướng quân lên đường, giả làm khách thương như đã bàn định hồi nãy. Tụ họp nhau ở gò đất Tây Môn thành Kim Lăng chờ anh em Thiên Tường đi qua rồi hãy phân chia công tác.

Yêu cầu thi hành đúng, bản chức chúc chư tướng thượng lộ bình an. Khi trở về sẽ ăn mừng.

Chư tướng vui mừng từ tạ để sửa soạn lên đường.

Sáng ngày mười hai, anh em họ Hà và Viên Bá Lương đem theo năm gia tướng, và sáu con tuấn mã chuyên luyện thẳng đường đi Kim Lăng.

Trên đường gặp mưa lũ, bọn anh em Hà gia trễ mất ba ngày.

Gặp các tướng ở gò đấy, phân công xong mọi người vào thành.

Hà Thiên Tường nói :

– Viên biểu huynh đi cùng nhị đệ và gia tướng vào Vương phủ ghi tên dự thi nhưng chẳng nên ở lại trại của họ. Chọn hàng quán nào vắng vẻ cùng ở thi hơn. Ngu đệ ghi tên sau cho họ không nghi ngờ chúng ta cùng bọn.

Viên Bá Lương gật đầu :

– Được, ngu huynh biết rõ Kim Lăng lắm. Ở ngay Tây Môn có Hoàng Diệp tửu quán sạch sẽ vắng vẻ ở được.

Thiên Khánh nói :

– Nghe đồn Kim Lăng có Hoa Vương lầu sang trọng lắm, đang đói đây ta kéo đến đó ăn một bữa đã rồi sẽ hay.

Thiên Tường chiều em :

– Cũng được. Biểu huynh cùng nhị đệ và gia tướng cứ việc đến Hoa Vương lầu dùng bữa trước. Tôi vào Vương phủ ghi tên rồi chờ ở Hoàng Điệp quán, chịu không?

Thiên Khánh cười :

– Đi với trưởng huynh dễ chịu quá…

Thiên Tường nheo mắt nhìn em :

– Đánh nhau với ai đâu mà nóng với chẳng nóng.

Hai bên chia tay. Hà Thiên Tường rẽ ngựa theo lối chỉ dẫn của Viên Bá Lương ra Hoàng Điệp quán lấy phòng để song chùy lại đó rồi mới tìm đường vào Vương phủ trước Thiên Khánh. Bởi vậy, Chu Đức Kiệt và Lam Y nữ hiệp chỉ gặp Hà Thiên Khánh, Viên Bá Lương trên Hoa Vương lầu mà không thấy Hà Thiên Tường.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN