Một Nắm Lúa Mạch
....
Trong văn phòng thâm nghiêm của ông Fortescue, thanh tra Neele ngồi trong ghế bành của chủ nhân, sau chiếc bàn đồ sộ. Một phụ tá của ông kín đáo ngồi trên ghế ở góc phòng, sổ sẵn cầm ở tay.
Thanh tra Neele là người có tác phong quân sự, bề ngoài lầm lì nhưng óc tưởng tượng khá phong phú. Một phương pháp của ông trong khi điều tra là hễ thẩm vấn ai, ông cứ tạm coi người ấy là thủ phạm, sau đó sẽ xét dần xem giả thuyết ấy có đúng hay không.
Người đầu tiên ông chọn để hỏi han là cô Grifrith. Sau khi trình bày sự việc một cách mạch lạc, cô đi ra. Với cô trưởng phòng này, ông đang suy xét về ba động cơ có thể dẫn cô đến phạm tội và đều đã bác bỏ. Theo ông, một là cô này không có dáng dấp một kẻ đầu độc; hai là cô không phải lòng ông chủ; ba là tính cô ruột để ngoài da, không biết hận thù ai. Cô có thể sẽ là một nguồn thông tin quí giá, song không phải thủ phạm.
Thanh tra nhìn máy điện thoại. Ông đang chờ thông tin phản hồi từ bệnh viện St-Jude. Có thể ông Fortescue lên cơn bệnh tự nhiên rồi chết chăng, nhưng xem ra cả ý kiến của bác sĩ Isaacs và bác sĩ Edwin Sandeman đều hoài nghi giả thuyết đó.
Neele quyết định thẩm vấn cô thư ký riêng của ông Fortescue. Cô Grosvenor mới chỉ hoàn hồn một phần, rụt rè đi vào và giữ ngay tư thế chống cự, kêu:
– Không phải tôi!
Thanh tra khẽ mở miệng kêu “a” một cách vô nghĩa, rồi đưa tay mời cô ngồi, đúng vào chiếc ghế cô thường ngồi khi ông Fortescue đọc để cô ghi chép. Cô khép nép ngồi xuống, ngước nhìn Neele, vẻ lo sợ.
– Vô lý? Không phải tại tách trà! – Cô nói.
Neele gật đầu, rồi chủ động bắt đầu cuộc thẩm vấn.
– Cô tên là…?
– Grosvenor… Irène Grosvenor.
– Chỗ ở…?
– 14, đường Rushmoor, quận Muswell.
Lúc đầu, Neele cũng đã coi cô Grosvenor rất có thể là thủ phạm. Bây giờ, ông thấy rõ cô không phải là nhân tình của chủ, cũng không phải là loại gái quyến rũ sếp của mình để sau xoay ra tống tiền sếp. Ông lấy giọng nhẹ nhàng hỏi:
– Vậy cô là người đã pha trà cho ông Fortescue?
– Vâng. Như mọi khi…
Thanh tra yêu cầu cô kể lại tỉ mỉ tất cả những công đoạn của việc làm quan trọng này. Chiếc tách, đĩa và ấm trà đã được gói bọc cẩn thận gửi về phòng thí nghiệm của Sở cảnh sát. Trong số vật đó, hai thứ hoàn toàn chỉ có cô Grosvenor đụng tới, là tách trà và đĩa. Ấm pha trà dùng cả cho phòng đánh máy, và khi cần pha cho ông Fortescue, cô Grosvenor đi lấy nước ở vòi chung.
– Còn trà, lấy ở đâu?
– Đó là thứ trà Tầu riêng của ông Fortescue. Tôi cất trong ngăn kéo phòng tôi.
– Đường?
– Ông Fortescue không dùng đường.
Chuông điện thoại reo. Neele cầm máy:
– Bệnh viện St-Jude phải không?
Lấy tay bịt ống nói, ông cảm ơn cô Grosvenor, ra hiệu cho cô có thể lui. Cô biến ngay. Viên thanh tra tiếp tục nghe giọng báo cáo đều đều của viên đội mà ông đã cử sang bệnh viện. Thỉnh thoảng, ông nguệch ngoạc vài chữ ghi chép ngay vào tờ giấy thấm trên bàn.
– Anh nói ông ấy đã chết cách đây năm phút?
Ông liếc nhìn đồng hồ và ghi: “12h34”
Đầu dây kia, giọng viên đội tiếp tục:
– Bác sĩ Bemadorff muốn nói chuyện với ông.
– Bernadorff ? Chuyển máy ngay cho ông ấy!
Vài giây ngắt quãng. Rồi đột nhiên Neele phải đưa ống nghe ra xa, vì giọng ồm ồm của Bernadorff vang lên như xé màng nhĩ:
– Thế nào, sói già, giờ lại phải bận tâm với cái xác chết này?
Chả là năm ngoái, hai người cùng cộng tác điều tra một vụ án đầu độc, nên khá thân với nhau.
– Ông ta chết rồi, phải không?
– Chết rồi. Lúc đưa đến đây, đã trong tình trạng vô vọng.
– Chết vì gì?
– Mổ tử thi rồi mới biết. Nhưng ca này có vẻ thú vị đây.
– Có nghĩa là không phải chết tự nhiên vì bệnh – Neele hỏi.
– Làm gì có chuyện ấy!
Như sợ nói hớ, bác sĩ Bernadorff vội chữa lại:
– Đó mới là ý kiến riêng của tôi thôi.
– Tất nhiên. Vậy là bị đầu độc?
– Chắc chắn. Và, nói riêng thôi nhé, có lẽ tôi đã biết tên độc dược.
– Là cái gì?
– Tắc-xin.
– Tắc-xin? Tôi chưa nghe bao giờ.
– Không nghe là phải. Đây là một chất độc hiếm, tôi mới phát hiện cách đây vài tuần, khi diều trị cho hai đứa bé dại dột dùng quả thông đỏ pha trà… suýt nữa mất mạng.
– Tắc-xin là từ cây thông đỏ?
– Phải. Một chất ancalôít chiết xuất từ lá và quả thông đỏ. Độc tố kinh khủng… mình đang say nghiên cứu nó! Phải có thay đổi chứ! Chả nhẽ cứ phải chữa chạy mãi cho những kẻ tự tử bằng thạch tín.
– Tôi hiểu. Trước khi chết, lão có nói gì không?
– Người cửa anh trực ở đầu giường đã ghi tất cả những gì lão nói. Hình như lão kêu bị cho thứ gì vào tách trà lão uống… Vô lý!
– Tại sao vô lý?
– Tắc-xin không công hiệu nhanh như vậy. Ở đây hình như dấu hiệu bị đầu độc xuất hiện ngay sau khi ông ta vừa uống trà.
– Theo người ta kể lại thì như vậy.
– Thế thì, có rất ít độc dược nào lại công hiệu tức khắc như thế. Chỉ có xi-a-nua, và nicôtin nguyên chất…
– Mà trường hợp này thì không phải?
– Nếu phải, lão ta đã chết ngay trước khi xe cấp cứu đến. Lúc mới đưa tới đây, tôi đã nghĩ đến chất xtơríchnin, nhưng những cơn co giật của lão chứng tỏ là không phải. Chính thức, tôi chưa thể khẳng định gì, nhưng hầu như chắc chắn là tắc-xin.
– Chất này làm chết nhanh không?
– Còn tùy. Một hoặc hai giờ. Hoặc ba… Lão này có vẻ phàm ăn. Nếu sáng sớm lão ăn điểm tâm nhiều, thì cái chết đến chậm hơn… Thôi, thế nhé, để anh làm việc, chúc may mắn!
– Cám ơn bác sĩ. Cho tôi nói chuyện với viên đội được không?
– Được.
Neele nói chuyện tiếp với trung sĩ Hay:
– Neele đây. Trước khi chết, Fortescue có nói gì đáng chú ý?
– Ông ta bảo trà có thuốc độc. Nhưng ông thầy pháp y bảo…
– Tôi biết rồi. Fortescue còn nói gì khác?
– Thưa ông, không. Tuy nhiên, có một điều lạ. Tôi đã kiểm tra túi áo ông ta. Ngoài những thứ bình thường như chìa khóa, khăn tay, tiền lẻ ví trong túi áo bên phải, còn có những hạt…
– Hạt? Hạt gì?
– Hạt lúa mạch, nếu tôi không lầm. Có cả một nắm!
– Lạ nhỉ… Hay là mẫu hàng… Lão ta kinh doanh mà…
– Vâng, có thể. Dù sao tôi cũng báo cáo…
– Cậu làm thế là đúng. Cảm ơn!
* * *
Neele đặt máy xuống và suy nghĩ. Vốn là người có phương pháp, ông kiểm điểm lại từ đầu. Cuộc điều tra từ giai đoạn một đã chuyển sang giai đoạn hai. Từ đầu, ông đã nghi là đầu độc, nay thì chắc rồi. Bemadorff nói vậy thôi, chứ ít khi ông ta lầm. Rex Fortescue chết vì bị đầu độc và ông đã ăn phải chất độc từ trước khi đến cơ quan. Vì vậy có thể kết luận các nhân viên của công ty là vô can.
Neele đi sang phòng máy chữ. Các cô vẫn làm việc. Song rõ ràng công việc không khẩn trương như trước. Ông báo cho cô Griffith biết các nhân viên có thể đi ăn trưa, và chiều trở lại làm việc. Rồi ông nói muốn gặp cô lần nữa. Ít phút sau, hai người đã ở trong phòng ông Fortescue.
Neele báo tin ông chủ đã chết. Cô Griffith khẽ gật đầu:
– Vâng, ngay lúc đầu tôi đã thấy là nghiêm trọng.
Có vẻ tin đó không làm cô xúc động nhiều. Neele hỏi:
– Cô có thể cho biết chút tin tức về gia đình ông?
– Xin sẵn lòng. Tôi đã cố gọi điện cho bà Fostecue, nhưng bà ấy không có nhà, phải đến trưa mới về. Bà ấy đi chơi gôn, nhưng không rõ ở sân nào. Bà ấy ở Baydon Heath, ở đó ông biết đấy, có những ba sân gôn.
Neele gật đầu, tỏ rỏ mình biết Baydon Heath, như thị trấn xinh đẹp cách London hai mươi dặm, đi lại dễ dàng, ở đó phần lớn là người giàu có.
– Cô có địa chỉ chính xác và số điện thoại?
– Số 3400, Baydon Heath. Biệt thự đặt tên là Yewtree Lodge.
– Sao?
Neele không giấu sự ngạc nhiên:
– Cô nói là biệt thự Yewtree Lodge?
– Phải.
Viên thanh tra đã trấn tĩnh lại:
– Bây giờ nói về gia đình.
– Ông Fortescue lấy bà này là vợ thứ hai, ít tuổi hơn nhiều so với ông. Bà vợ trước mất từ lâu, để lại hai trai, một gái. Cô con gái sống ở Yewtree Lodge, cậu con trai cả cũng vậy, cậu này cùng hùn vốn với bố. Nhưng hiện nay, cậu ta đang đi công việc ở miền Bắc, mai mới về.
– Cậu ta đi hôm nào?
– Từ hôm kia.
– Cô đã tìm cách báo anh ta chưa?
– Đã. Ngay sau khi xe cấp cứu chở ông Fortescue đi, tôi đã gọi điện tới khách sạn ở Manchester, nghĩ là cậu ta nghĩ ở đó. Đúng là có ở đó thật, nhưng sáng nay lại đi rồi. Tôi đoán cậu ta sẽ đi Sheffield hoặc Leicester, nhưng không chắc. Nếu cần, tôi sẽ ghi cho ông tất cả tên và địa chỉ những người quen của anh ta ở hai thành phố đó…
– Còn con trai thứ hai?
– Cậu này không sống ở Anh. Hai bố con không hợp nhau.
– Hai người đều có vợ?
– Có. Ông Percival lấy vợ được ba năm, hai người sống ở Yewtree Lodge. Nhưng họ sắp dọn ra ở riêng, một biệt thự cũng ở Baydon Heath.
– Thế sáng nay cô vẫn chưa báo tin cho vợ ông Percival?
– Bà ấy đi London cả ngày.
– Còn ông con kia?
– Tên là Lancelot. Lấy vợ chưa đầy một năm. Bà ta vốn là vợ góa của ngài Anstice. Một phụ nữ rất cao sang, tích cực hoạt động xã hội. Có khi ông đã thấy ảnh bà ấy trên báo Tatler….
Cô Griffith nói câu sau này với giọng gần như khoe khoang. Neele ngầm hiểu rằng cuộc hôn nhân của Lancelot, dù muốn hay không, khiến cô Grifflth lấy làm hãnh diện. Với cô, giới quý tộc vẫn là một cái gì cao sang, đầy hấp dẫn. Hẳn cô không biết rằng danh tiếng của ngài Anstice quá cố chẳng lấy gì làm hay ho, nhất là trong giới cá ngựa. Ngài đã bắn súng vào đầu tự tử đúng cái hôm một ủy ban thể thao mở cuộc điều tra vì nghi là có gian lận trong cuộc đua mà ngựa của ngài về nhất. Còn vợ góa của ngài là con gái một thượng nghị sĩ Airơlen. Neele còn biết người chồng đầu của bà ta là phi công, chết trong chiến tranh ở Pháp. Vậy ra bây giờ bà ta là vợ của đứa con hoang đàng nhà Fortescue! Thật vậy, theo Neele đoán, chàng Lancelot bất hòa với ông bố chắc do lỗi lầm ngông cuồng nào đó của tuổi trẻ.
* * *
Neele gọi điện số 3400 Baydon Heath:
– Tôi muốn gặp bà Fortescue hoặc cô Fortescue.
– Rất tiếc, thưa ông. Họ đều đi vắng.
Lời đáp là tiếng đàn ông. Hơi khò khè như ngà ngà say.
– Ông là đầu bếp?
– Thưa vâng.
– Ông có biết là… ông Fortescue gặp tai nạn?
– Đã, thưa ông. Đã có người gọi điện, nhưng quả là chúng tôi không biết phải làm gì. Ông Percival đang ở miền Bắc, bà Fortescue đi chơi gôn. Bà Percival đi London, tối mới về. Còn cô Elaine, cô ấy cưỡi ngựa đi rồi.
– Ở nhà không còn ai để tôi nói chuyện? Việc quan trọng…
– Tôi không biết…
Do dự một lát, giọng nói tiếp:
– Còn bà Ramsbotom, nhưng bà ấy rất ghét điện thoại. Hoặc là cô Dove, gần như là quản gia…
– Cho tôi gặp cô Dove vậy?
– Vâng, để tôi đi gọi.
Một lát sau, ở đầu dây có tiếng phụ nữ:
– Tôi, Dove nghe.
Từng tiếng mạch lạc, dịu dàng. Viên thanh tra nghĩ bụng: cô Dove hẳn là người đàng hoàng.
– Cô Dove, tôi rất tiếc phải báo tin ông Fortescue vừa mất ở bệnh viện. Ông đang ở công ty thì lên cơn mệt nặng. Tôi muốn tìm gặp gia đình…
– Thật không thể ngờ…
Cô Dove im bặt. Tin xấu có vẻ không làm cô mất bình tĩnh, cùng lắm chỉ là gây phiền phức.
Cô nói tiếp:
– Người cần báo bây giờ tất nhiên là ông Percival Fortescue, chỉ ông ấy mới quyết định được. Ông có thể gọi cho ông ấy ở Manchester, hoặc khách sạn lớn ở Leicester. Nếu không thì lả hãng “Shearen” cũng ở Leicester. Tôi không biết số điện thoại, nhưng tìm trong danh bạ chắc có. Bà Fortecue thì đến bữa tối mới về, cũng có thể về sớm hơn. Bà ấy chưa biết gì… Ông ấy chết đột tử ạ? Vì, sáng nay, lúc đi làm, ông còn khỏe…
– Cô có nhìn thấy ông ấy?
– Tất nhiên!… Ông ấy chết vì gì? Bệnh tim?
– Ông ấy có bệnh tim?
– Không… không… Là tôi chỉ nói thế thôi… vì quá bất ngờ.
Sau một lát, cô lại hỏi:
– Ông gọi điện từ bệnh viện? Ông là thầy thuốc?
– Không. Tôi không phải thầy thuốc, tôi gọi điện ngay tại văn phòng ông Fortescue. Tôi là thanh tra – thám tử Neele, Sở Cảnh sát hình sự. Tôi sẽ lại đằng nhà lúc nào có thể.
– Thám tử? Có nghĩa là…
– Khi có người đột tử, bao giờ người ta cũng gọi đến chúng tôi, nhất là khi người mất đã lâu không khám bệnh. Trường hợp ông Fortescue đúng là như thế, phải không?
Câu này, Neele nói bâng quơ, hóa ra lại đúng.
Cô Dove đáp:
– Vâng, đúng thế. Hai lần, ông Percival đã hẹn bác sĩ cho bố. Nhưng ông không chịu đi khám. Ông ấy coi thường nên gia đình lo lắng là phải.
Cô ngừng một lát, rồi lại tiếp, với giọng khác hẳn:
– Nếu ông Percival về mà ông chưa tới, tôi sẽ nói thế nào?
– Nói rằng vì là đột tử, nên chúng tôi buộc phải mở cuộc điều tra, cho đúng thủ tục, thế thôi.
Nói rồi, ông đặt máy.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!