Góp Nhặt Huyền Bí - Chương Truyện 2: Bức Tượng Biết Múa (Chương 1)
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
176


Góp Nhặt Huyền Bí


Chương Truyện 2: Bức Tượng Biết Múa (Chương 1)


Câu chuyện này xảy ra cũngkhá lâu rồi. Hồi đó, tôi là sinh viên năm thứ 3 trường đại học Y*. Ham chơi, đua đòi, sống không có lý tưởng và mục tiêu. Môi trường đại học “vô kỷ luật” lại chắp thêm cho tôi đôi cánh, để tôi thỏa sức mà chơi bời đàn đúm. Việc thi cử của tôi cũng đơn giản lắm! Tôi cứ việc ở nhà, không nhất thiết phải đến giảng đường, vì đến đó cũng chẳng có ít lợi gì. Hình ảnh một giảng viên đứng trên bục giảng mở giáo trình ra đọc, còn sinh viên bên dưới lúi cúi ngồi chép bài đã ăn sâu vào trí óc của tôi. Một nổi ám ảnh không thể rũ bỏ được. Tôi vẫn thường nằm ác mộng thấy những kỳ thi nặng nề, đầy áp lực. Những tưởng vào đại học rồi sẽ thoát khỏi cái nạn “học vẹt”, chạy đua thành tích. Ai ngờ, môi trường đại học cũng “chào khách! Chào khách!” không khác gì một con nhồng mới lột lưỡi tập nói. Có lẽ, đó là một trong những nguyên nhân căn bản khiến tôi chán nản việc học. Tôi cứ chơi cho đã, đến mùa thi lại tìm mấy đứa bạn, hỏi chúng nó xem đề thi đợt này bao gồm những gì. Giáo dục ở trường tôi hay ở chỗ, những câu hỏi có trong đề thi đã có sẵn trong đề cương ôn tập. Giảng viên sẽ cho biết những câu cần học thuộc, sinh viên đánh dấu vào, về “cày” hết những câu đó thế nào cũng trúng bốn năm câu. Hay hơn nữa, ở chỗ: “đi học chuyên cần”. Mấy thầy cô khuyến khích sinh viên đến trường bằng phần thưởng rất thơm. Đi học đều sẽ được điểm qua môn (vào khoảng từ 4 đến 5 điểm),có nghĩa là không cần thiết thi được bao nhiêu điểm, miễn đi học là qua môn. Mấy thầy, mấy cô, làm như sinh viên đại học chúng tôi là những bông hoa bé ngoan vậy.

Chán học thì sẽ làm gì? Tất nhiên là giết thời gian bằng nhiều cách, trong đó, chơi bời là một cách được nhiều người lựa chọn nhất. Tôi cũng không ngoại lệ, thời gian học đại học, tôi thường đến quán cà phê sách ở đường Trạng Trình, ngồi thâu đên suốt sáng với ông chủ quán. Tôi và ông chủ Ngô Nhật Quân thường đánh cờ tướng với nhau, đánh xong thì nấu nướng; gọi là giai đoạn chuẩn bị cho cuộc “ly ve sầu” (cuộc nhậu) mỗi ngày, vào lúc 5 giờ chiều. Chú Quân gọi cho mấy anh em nữa để bắt đầu “nhập tiệc.”

Hôm đó, có lẽ do vui quá mà tôi uống khá nhiều rượu. Uống đến tận 11h 30 tối. Một số người nằm tại chỗ, một số người đã về từ sớm, tôi nghe thấy tiếng một người nôn ọe trong nhà vệ sinh. Cũng đã đến lúc tôi phải về, tôi có thói quen; đi đâu thì đi, nhưng nhất định phải về nhà ngủ, tôi không thể ngủ ở bất cứ chỗ nào khác ngoài căn phòng bừa bộn của mình. Tôi xin phép chú Quân ra về, và hẹn ngày mai sẽ gặp lại chú.

Tôi bước ra khỏi quán, nhìn đồng hồ đeo tay thấy đã 12 giờ kém mười lăm. Ánh đèn vàng võ ôm lấy vô số những hạt mưa bụi. Mặt đường lặng câm, một cơn gió tạt qua mái tóc. Bỗngdưng tôi thấy ớn lạnh.

Nhà tôi cách quán cà phê của chú Quân không xa (ước chừng 1 cây số), tôi không có xe máy nên thường phải cuốc bộ; cả đi và về là 2 cây số, tôixem đó như một bài tập thể dục hữu ích.

Tôi bước đi trên con đường vắng lặng. Không một bóng người qua lại, không tiếng gió, tiếng côn trùng… những ngôn nhà chung quanh đã tắt đèn đi ngủ. Nếu có đi chăng nữa thì là ánh đèn màu đỏ ở những cái am thờ.

Con hẻm bà Chuột mở ra, để đi tắt qua nhà, tôi buộc phải đi qua con đường âm u đó. Từ đầu hẻm đến cuối hẻm bà Chuột không có đèn đường, chung quanh là những bụi trúc, dã quỳ, và lau sậy rậm rạp. ở giữa con hẻm bà Chuột chỉ có một ngôi nhà (nói đúng hơn là ngôi biệt thự) duy nhất, ngoài ra không có nhà cửa nào khác. Ngôi biệt thự đó là của ông kiến trúc sư, nhà điêu khắc Mai Đức Mạnh. Ngôi biệt thự xây bằng đá, có hình dáng kì quái nhất mà tôi từng thấy. Trước ngôi biệt thự có một bể nước nhỏ trồng rất nhiều sen. Cách bể nước khoảng bảy mét có một cây thông già, dưới gốc thông già là bức tượng bằng thạch cao.

Hẻm bà Chuột nổi tiếng bởi những tin đồn về ma quỷ. Cụ thể câu chuyện mà tôi nghe được qua miệng nhiều người là “chuyện thêu dệt” về bức tượng biết nhảy múa ở trước ngôi biệt thự nhà ông Mạnh. Đã rất nhiều người đi ngang qua và vô tình trông thấy cảnh ma quái trước ngôi biệt thự kỳ dị đó. Tôi chỉ nghe để biết thôi chứ cũng không tin lắm! Dù sao tôi cũng là một người theo chủ nghĩa duy vật biện chứng. Nhưng cái đêm hôm đó, cái đêm tôi từ quán cà phê chú Quân đi bộ về nhà, ngang qua ngôi biệt thự của ông Mạnh, tôi đã trông thấy tường tận…

Bức tượng bằng thạch cao dưới gốc thông già chuyển động trong màn đêm sương giá. Bức tượng nhảy múa, sau đó, đi xuống dưới bể nước, tôi còn nghe được rất rõ những tiếng cười có âm vực rất cao tựa như tiếng trẻ con đùa nghịch với nhau. Sức nóng của rượu trong người tôi tan biến, chung quanh là bóng đêm đặc quánh, chỉ duy nhất khuôn viên của ngôi biệt thự là có ánh trăng mờ nhạt với một vật thể ma quái đang chuyển động. Sóng lưng tôi lạnh toát, mồ hôi đọng thành giọt lăn trên trán và mặt, toàn thân tôi ướt đẫm. Thế là, tôi cắm đầu cắm cổ bỏ chạy, cố thoát ra con hẻm tối sâu hun hút đó.

Sáng hôm sau, tôi gọi điện cho thầy Lê Tử Thành, một vị giáo sư mà tôi rất kính trọng. Thầy Lê Tử Thành là tiến sĩ triết học, từng tu nghiệp ở Pháp. Thầy thường viết tiểu thuyết trinh thám, và thầy có một sở thích vô cùng lập dị. Đó là: “điều tra, làm sáng tỏ những hiện tượng tâm linh.”

Thầy Thành không có nhà riêng, thời gian đó, thầy ở trong khu nhà tập thể dành cho những giảng viên có hợp đồng dạy ở trường đại học Y*. Tôi đến phòng trọ của thầy, gõ cửa, nhưng không nghe thấy tiếng đáp trả. Tôi nghe được bên trong phòng có một âm thanh rất nhỏ, giống như tiếng người rên rĩ: “ơ ơ ơ…”. Tôi lấy điện thoại bấm gọi cho thầy thì nghe có tiếng chuông đổ. “Vậy là thầy có trong phòng.”

Thầy Thành nghe máy và nói tôi đứng đợi thầy một chút. Nói một chút, nhưng tôi phải đợi đến tận 10 phút, cánh cửa phòng mới mở ra. Tôi giật mình sững sốt, khi…

Một cô gái rất trẻ và xinh đẹp bước ra từ phòng của thầy Thành, tôi không thể tin vào mắt mình nữa. Chẳng lẽ, khi nãy… thầy… thầy đã làm cái “chuyện đó” với… với cô gái… nếu đoán tuổi thì cô ấy chỉ khoảng 20 tuổi là cùng, còn thầy Thành đã ngoài sáu mươi rồi. Cô ấy ngượng ngùng, mặt cô ấy ửng hồng khi cúi chào tôi. Trông cách ăn mặc và cử chỉ đoan trang của cô ấy, tôi dám khẳng định đây là một một người có ăn học, gia đình gia giáo, tiểu thư đài cát, chứ không phải dạng tầm thường. Nhìn thấy vóc dáng và gương mặt cô ấy tôi đã mê đến điên đảo.

Những tin đồn mà người ta nói về thầy Thành đã không còn là tin đồn nữa rồi. Chính tôi cũng đã lầm, tôi cứ tưởng… mà thôi, bây giờ mới biết thì cũng đã muộn rồi. Tôi định quay lưng bước đi thì…

“Em vào đi!”

Giọng nói của thầy Thành như có ma lực thôi miên, tôi giống như con rối bước vào căn phòng, nơi thầy vừa làm cái chuyện trần trụi đó với một người con gái trẻ chỉ bằng tuổi cháu mình.

“Anh sẽ gọi lại cho em.” Thầy Thành quay sang nói với cô ấy.

“Ừ, chào anh!” Cô ấy đáp lại thầy Thành. Giọng nói cô ấy trong trẻo mượt mà nghe là ghiền.

Nói rồi cô ấy quay lưng bước đi. Chỉ còn lại tôi với thầy Thành trong căn phòng ra nệm, áo quần cái ngược, cái xuôi.

Thầy Thành rót một ly trà, ân cần mời tôi: “Em uống đi cho ấm bụng.” Nói rồi thầy đứng lên đi đến bàn làm việc, kéo ngăn bàn lấy hộp thuốc xì gà.

Tôi lặng ngắm cái dáng dấp cân đối, mạnh mẽ của thầy. Tuy đã có tuổi, nhưng hình thể của thầy vượt xa những đứa thanh niên như chúng tôi. “Ngày xưa chắc thầy đẹp lạ lắm!” Tôi chăm chú ngắm nhìn vầng tráng cao rộng, mái tóc xoăn cắt tỉa gọn gàng, chiếc mũi cao như mũi tây, đôi môi mỏng mảnh đang phả ra làm khói mờ đục. Mùi thuốc xì gà sữa thơm phức, tôi ngồi với bộ dạng rụt rè, lâu lâu hớp một ngụm nước. Thầy Thành vẫn ngồi trên chiếc ghế gỗ màu đen, mắt nhìn qua khung cửa sổ tầng hai, bên ngoài ban công là những chậu phong lan treo lơ lửng. Thầy mặc trên người bộ âu phục sang trọng, bộ đồ mà thầy vẫn mặc khi đứng trên bục giảng. Rít xong một hơi thuốc thầy bỗng quay sang nhìn tôi. Tôi bị hút bởi đôi mắt màu xám, đẹp và quyến rũ của thầy. Đôi mắt mơ hồ, vô cùng tinh tế, biểu cảm. Thầy cười rất có duyên. Giọng nói trầm ấm lắng đọng, thầy hỏi tôi:

“Em thấy cô ấy thế nào?”

“Dạ?”

“Đừng ngỡ ngàng như vậy. Cô gái lúc nãy vừa bước ra khỏi căn phòng này, em thấy sao?”

“Về tính cách thì phải…”

“Ngoại hình?” Thầy Thành không chờ tôi nói hết.

“Dạ, đẹp ạ!”

“Em thích không?”

“Dạ?”

“Em lại ngỡ ngàng rồi. Nếu em cứ rụt rè như thế mãi thì làm sao có bạn gái.”

Câu nói của thầy Thành đánh trúng nỗi đau của tôi. Thầy nói đúng. Vì nhút nhát mà đến giờ tôi vẫn chưa có người yêu. Nhưng, tại sao thầy Thành lại hỏi tôi điều đó, không lẽ, thầy đã nhận ra sự say mê trong đôi mắt tôi lúc nhìn cô gái ấy.

Tôi thấy thầy Thành cười một nụ cười rất nhiều ý tứ.

“Em đến gặp thầy chắc có việc quan trọng?”

“Em đã trông thấy ma thưa thầy!”

“Ma ư?” Thầy Thành hơi nhớm người về phía trước. Giống như con cá mập đánh hơi thấy múi máu.

“Dạ, em đã chứng kiến tận mắt.”

“Nào, cậu bé, hãy kể lại đầu đuôi cho thầy nghe!” Thầy Thành giụi điếu thuốc, kéo chiếc ghế xích lại gần tôi.

Tôi kể lại đầu đuôi sự việc.

“Như em nói thì đã có nhiều người trông thấy hiện tượng đó?” Thầy Thành hơi chau mày.

“Dạ.”

“Thú vị đây.” Tôi thấy thầy nhoẻn miệng cười. Nụ cười đó chứa đựng rất nhiều ý nghĩ mà tôi không bao giờ nắm bắt được.

Hiện tượng kỳ bí ở ngôi biệt thự hẻm bà Chuột kích thích đam mê khám phá của thầy Thành. Thầy quyết định sẽ tìm ra bản chất của hiện tượng trên.

“Nhưng bằng cách nào ạ?” Tôi hỏi.

“Muốn biết trong lõi củ hành tây có gì, thì chúng ta phải lột từng lớp vỏ.”

“Ý của thầy em vẫn chưa hiểu.”

“Rồi em sẽ hiểu, cứ việc theo thầy thôi.”

Thầy Thành là người rất bạo gan. Theo kế hoạch của thầy. Một tuần liền, chúng tôi ngồi núp ở bụi dã quỳ; để rình xem hiện tượng lạ. Nhưng không đêm nào thấy được hiện tượng ma quái đó.

Trong bóng tối dày đặc, là tiếng xì xào. Tôi quay sang thầy Thành nói rất khẽ:

“Tại sao lại không thấy gì nhỉ?”

“Hãy kiên nhẫn nào!”

“Có khi nào chúng ta đi hai người nên không thấy được.”

“Cũng có khả năng đó.”

Tôi thở dài, mệt mỏi vì thức mấy đêm liền nhưng không thu hoạch được gì cả.

“Bắt đầu rồi.” Thầy Thành thúc nhẹ vào tay tôi.

Tôi hướng mắt nhìn về chỗ bể nước, thấy một cái bóng trắng đang di chuyển. Cái bóng nhảy múa một hồi, rồi nhảy xuống bể nước. Vẫn là tiếng đùa nghịch của trẻ con có âm vực cao vút. Tôi bấu chặt cánh tay thầy Thành. Môi mấy máy: “Ma.. ma…” Thầy Thành ngay lập tức bịt miệng tôi lại.

Cái bóng trắng bước lên từ bể nước, đi lại chỗ gốc thông già, rồi từ đó đứng bất động không nhúc nhích nữa.

“Chà chà, một hiện tượng có một không hai trên đời.” Tôi nghe được giọng nói thích thú của thầy Thành.

“Tiếp theo phải làm gì ạ?”

“Bắt đầu giai đoạn hai.”

Một tuần nữa trôi qua,

Sáng hôm đó, tôi thức dậy rất muộn. 10 giờ 15’

“Reng… reng… reng…” tiếng chuông điện thoại reo lên.

Tôi bộ dạng ngái ngủ, nghe máy: “A lo… dạ?” Tôi liền bật dậy. “Thầy nói thật chứ ạ?”… “Em sẽ qua ngay!”

Tôi vội vàng đánh răng, rửa mặt, bỏ buổi ăn sáng, chạy đến phòng trọ thầy Thành.

Vừa đến nơi, một cảnh tượng đập vào mắt tôi. Làm lòng tôi thấy khó chịu, tôi đang ghen với thầy Thành ư? Vì tôi chứng kiến họ (thầy của tôi và cô ấy) đang hôn nhau trước cửa. Họ rất tình tứ, lãng mạn. Đến bao giờ tôi mới có một cô người yêu đẹp giống như cô người yêu của thầy đây? E rằng không bao giờ có.

Trong lúc hôn người con gái đẹp đó, bàn tay của thầy không ngừng vuốt ve, mơn trớn trên cơ thể của cô ấy. Tôi muốn đỏ mặt, xấu hổ giùm hai người.

Thầy Thành đã trông thấy tôi nhưng thầy vẫn rất bình tĩnh, thầy còn chưa chịu buông cô tình nhân của mình ra. Nhưng, cô ấy thì khác. Cô ấy vội thu lại nụ hôn khi có người thứ ba bất ngờ xuất hiện. Cô ấy ngước đôi mắt tròn xoe nhìn tôi, hai má phớt hồng. Cô ấy đẹp gì mà đẹp lạ! Tôi đứng như ngây dại.

“Chà chà… cậu chàng ngất ngây như con gà tây rồi.” Sau câu nói đùa của thầy Thành là tiếng cười khúc khích của “nàng tiên”. Lần đầu tôi thấy cô ấy cười, cô ấy đưa bàn tay tháp bút trắng ngần che miệng.

Tôi lập tức tỉnh mộng.

“Thầy nói đã liên lạc được với ông Mạnh ạ?”

“Ừ, thầy gọi em đến là để đi cùng thầy với chị Mỹ (tên của cô tiên).”

Tôi thấy cô ấy mỉm cười.

“Dạ?”

“Đừng ngỡ ngàng. Ba người chúng ta sẽ đến tận nhà của ông kiến trúc sư luôn.”

“Nhưng… bằng cách nào mà…”

Tôi không biết thầy Thành đã dùng cách gì để có thể liên lạc với ông chủ Mai Đức Mạnh, còn sắp xếp cả một cuộc gặp với ông ta ngay tại ngôi nhà đó.

“Thầy có cách của mình, em đừng bận tâm.”

“Nhưng tại sao chúng ta cứ phải vào đó ạ? Thầy muốn tìm kiếm điều gì nữa?”

“Một hiện tượng tâm linh luôn chứa đựng một ý nghĩa, có thể là một sự nhắn gửi, một tiếng nói cần giúp đỡ, không loại trừ đó là một nỗi oan. Thầy đã từng tìm hiểu nhiều vụ tương tự như vậy rồi nên thầy biết phải làm gì. Không vào hang cọp thì không bắt được cọp con đâu cậu bé. Chỉ việc đi theo thầy thôi.”

“Dạ.”

Thầy Thành bấm chuông, chúng tôi đứng chờ chưa đầy 2 phút thì một người đàn ông râu kiến, tóc muối tiêu, thân hình mập mạp chạy ra mở cổng. Đó là kiến trúc sư Mai Đức Mạnh, ông ta mặc áo thun, quần đùi, đi dép lê.

Vừa trông thấy thầy Thành, ông Mạnh liền bắt tay niềm nở:

“Quý hóa quá! Quý hóa quá! Nhà tôi lại được vinh hạnh đón tiếp một giáo sư, tiến sĩ, tác giả lừng danh trong giới trí thức nước nhà.”

“Không dám nhận, không dám nhận. Tôi chỉ là một cây bút quèn thôi.” Thầy Thành khiêm tốn nói.

“Ai đây? Xinh phết nhỉ?” Ông Mạnh “soi” cô Mỹ từ đầu đến chân. Ánh mắt của ông ta làm tôi khá bực mình, đừng có chọc điên tôi lên, tôi chỉ muốn đấm cho ông ta một cú vào cặp mắt cú vọ của ông.

“Vợ tôi đấy!” Thầy Thành đáp.

“Ồ” Ông Mạnh làm như ngạc nhiên lắm vậy. Tôi cũng như ông ta, tôi hoài nghi, không biết thầy Thành đang nói đùa hay nói thật. “Mỹ là vợ của thầy? Có khi nào lại như vậy không?”

“Còn cậu đây?” Ông Mạnh chỉ vào tôi.

“Học trò thân thương của tôi.”

“À”

“Ngôi nhà này thật đẹp!” Thầy Thành vờ khen.

“Ôi, tôi thật vô phép. Mời mọi người vào nhà, mời vào!” Ông Mạnh tỉnh bơ cầm tay thầy Thành và cả tay của Mỹ kéo vào nhà. “Cái ông này thật là…” Lúc đó, nói thật là tôi rất điên. “Rõ ràng là lợi dụng để nắm tay con gái, thật quá thể!” Tôi lầm bầm trong miệng.

Thứ đầu tiên mà thầy Thành chú ý đến khi bước qua cánh cổng ngôi biệt thự là bức tượng được đúc bằng thạch cao dưới gốc cây thông già. Đó là bức tượng một đứa bé gái chừng 5 đến 7 tuổi. Tại sao tôi có thể đoán được như vậy? Vì bức tượng đó rất khác biệt với những bức tượng mà tôi đã từng thấy. Đường nét, và màu sắc của bức tượng nét đến mức trông cứ như người thật. Nó làm cho tôi thấy rùng mình!

“Bức tượng thật tuyệt!” Thầy Thành trầm trồ.

“Tác phẩm của tôi đấy.” Ông Mạnh khoanh tay nói.

“Ồ, nếu anh đem nó đi triển lãm chắc chắn anh sẽ nổi tiếng.”

“Không ai lại đem con mình đi trưng bày bao giờ thưa ngài giáo sư đáng kính.” Trong giọng nói của ông ta có điều gì đó rất thâm sâu.

“Con mình ư?” Thầy Thành làm ra vẻ ngạc nhiên.

“Hãy vào nhà đi đã, rồi từ từ nói.”

Chúng tôi theo ông Mạnh vào nhà. Ông Mạnh để chúng tôi ngồi ở phòng khách. Còn ông ra sau bếp pha một ấm trà bắc mang lên.

Trong lúc ông Mạnh rót trà ra ly. Tôi tập trung quan sát biểu hiện trên gương mặt thầy Thành. Tôi thấy ánh mắt thầy dừng lại rất lâu ở bức ảnh lớn treo trên tường. Tôi thất kinh khi nhìn thấy bức ảnh đó, từ vóc dáng đến khuôn mặt giống hệt như bức tượng chỗ cây thông già.

“Mời mọi người dùng!” Ông Mạnh chuyển cho chúng tôi mỗi người một ly trà.

Không đợi chúng tôi kịp hớp một ngụm trà ông Mạnh đã lên tiếng, đi thẳng vào vấn đề: “Nghe nói giáo sưbiết về tung tích của con gái tôi?”

Thầy Thành hớp ngụm trà, chậm rãi đáp lời ông Mạnh:

“Tôi cũng không dám chắc người đó có phải là con gái của anh hay không? Nhưng theo như những gì bạn tôi kể lại thì hồi đó, lúc vợ chồng họ đem đứa bé về nuôi thì nó vào tầm 5 đến 7 tuổi. Nó bị mất trí nhớ, không biết nguyên nhân do đâu, hỏi đến gia đình và bố mẹ thì nó lắc đầu không biết. Thấy đứa bé tội nghiệp, vợ chồng bạn tôi đã quyết định giữ nó lại nuôi. Thời gian thấm thoát trôi qua, đến nay đứa bé đó đã trưởng thành và sắp kết hôn. Lạ thay! Dạo gần đây nó thường hay đau đầu. Thường nằm thấy những giấc mơ lạ, những nơi chốn mà nó chưa bao giờ đặt chân tới. Gia đình người bạn tôi đưa con bé đi khám, bác sĩ chẩn đoán: đó là quá trình phục hồi lại trí nhớ bị mất trước lúc năm tuổi. Điều này không ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng về mặt tinh thần mà nói, con bé không được ổn định. Hơn bao giờ hết nó khao khát được nhớ lại tất cả, muốn biết ba mẹ ruột của nó là ai. Để giúp con bé được thỏa ý nguyện, vợ chồng họ đã ra sức, dùng nhiều phương tiện, tìm kiếm ba mẹ ruột của đứa con nuôi. Nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Trong một lần đến nhà vợ chồng họ chơi, tôi nghe con bé kể về một giấc mơ… mà bây giờ liên hệ lại tôi thấy rất trùng khớp, trong mơ nó có nói đến một bể nước trồng sen, và một cây thông già.”

“Có chuyện như vậy ư? Nhưng sao giáo sư lại biết tôi có người con gái lúc 5 tuổi bị mất tích?” Ông Mạnh ngồi khoanh tay trước ngực.

“Cũng tình cờ, tôi lên đây dạy học. Lại được biết anh Hải, trưởng công an phường 11. Trong một lần, cũng vô tình thôi, tôi nghe anh ấy kể những vụ án mà anh ấy từng điều tra. Trong đó có vụ “cháu gái 5 tuổi bị mất tích một cách bí ẩn”, sau khi nghe anh ấy kể lại vụ đó, tôi thấy có nhiều điểm chung… tôi lại liên hệ với trường hợp của hai vợ chồng người bạn. Nghe đồng chí Hải nói chỗ nhà ông cũng có một bể nước trồng sen, lại có cây thông già nữa… nên tôi đến tìm hiểu thử, kết quả đúng là như vậy.”

“À, đồng chí Hải. Tôi cũng có biết. Thì ra, đồng chí ấy đã kể lại cho giáo sư nghe. Đúng là như vậy? Mười ba năm trước, chính tôi đã đến đồn công an phường 11 để báo với đồng chí Hải việc con bé Mi sa nhà tôi bị bắt cóc.”

“Bị bắt cóc ư?” Thầy Thành hơi cau mày.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN