Góp Nhặt Huyền Bí - Phép Màu
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
166


Góp Nhặt Huyền Bí


Phép Màu


Truyện 3: Phép màu

Tôi rời quán cà phê La pense’e lúc đồng hồ điểm đúng 12 h đêm. Chiếc dream cũ mèm chở theo tôi băng qua những nẻo đường thanh vắng. Tiết trời đang vào đông nên rất lạnh. Hơi sương buốt giá ngấm vào da thịt làm tay chân gần như đông cứng lại. Ánh đèn đường vàng võ tô điểm thêm không gian thành phố ngàn hoa đang chìm vào canh khuya. Câu chuyện anh Dũng kể đêm hôm đó vẫn ăn sâu vào tế bào não bộ của tôi. Một câu chuyện tâm linh mà chính anh và gia đình anh là những người trực tiếp trải nghiệm. Tôi thấy mình có trách nhiệm phải ghi lại những gì đã được nghe và được thấy; những gì mà thế giới bên kia muốn thông qua tôi là chiếc cầu nối để truyền tải những thông điệp đến từ cõi âm.

Trước khi kể lại câu chuyện tâm linh huyền bí đó. Tôi muốn nói qua một chút về cơ duyên để tôi biết và viết về nó như một khái niệm mà tôi thường dùng gọi là: “duyên văn”. Giống như có ai đó, một sức mạnh nào đó muốn tôi cầm bút và truyền tải những gì họ muốn thế gian này phải biết về sự tồn tại của một thế giới khác diễn ra hàng ngày hàng giờ bên cuộc sống bộn bề của chúng ta. Bữa đó, đúng ra tôi không có ý định đến quán La pense’e gặp anh Dũng. Chiều cùng ngày, tôi mang theo cây đàn guitar lên phòng trọ tìm gặp ‘cô gái ấy’. Tôi muốn mời G* đi ăn tối cùng tôi nhưng người đó nói với tôi: “trời lạnh, lại mới đi làm về chưa kịp tắm rửa, hay mua thứ gì đó về phòng ngồi ăn cho vui.” Tiện thể G* nói tôi gọi cho P*, khi P* đến sẽ cùng tôi đi mua bánh kem, nến và những món ăn đơn giản tổ chức sinh nhật cho một người bạn ở xa của cô ấy mà tôi chưa một lần thấy mặt. Cuộc sống của G* luôn năng động vui vẻ đó là một trong những đặc điểm ở cô ấy mà tôi rất thích. Thế nhưng, bởi những lý do tế nhị không tiện nói ra đây. Tôi bị tụt cảm hứng, thấy chán rồi bỏ về mà không cần giải thích thêm nhiều. Mọi kế hoạch của bạn đổ vỡ hết, bởi dự tính ban đầu bạn muốn được một phút giây yên tĩnh chỉ có hai đứa: bạn và người ấy thôi. Sự ích kỷ là một tính chất đã trở thành thương hiệu của bạn? Và bạn chỉ yêu chính bản thân mình? Tôi bước đi mà không ngoái lại nhìn G* thêm lần nữa. Tôi làm cô ấy thất vọng. Nhưng không còn cách nào khác bởi tôi không thể phá bỏ một nguyên tắc đã ăn sâu vào máu, đó là: “đặt bản thân mình lên trên tất cả.” Mọi người nghĩ sao về bạn cũng được, nhưng sự thật vẫn không thay đổi; bạn là một kẻ đáng bị nguyền rủa.

Về nhà lúc này thì quá sớm. Tôi nghĩ: “Sao mình không ghé qua chỗ anh Dũng xem cái sân khấu mini mà anh mới làm như thế nào nhỉ.” Một tuần trước anh có gọi tôi qua chiêm ngưỡng tác phẩm của anh nhưng do tôi bận nhiều việc linh tinh nên chưa kịp tới xem. “Bây giờ không qua thì còn đợi khi nào nữa?” Vậy là, tôi đã có điểm đến. Sẽ thú vị biết mấy nếu vừa nhâm nhi một chai bia sài gòn xanh, vừa được ngắm nhìn quan cảnh thành phố khi mới lên đèn.

Từ chỗ G* đến quán anh Dũng mất khoảng 10 phút. Tòa nhà La pense’e dần dần hiện ra trước mắt tôi. Dừng xe, tắt máy, cởi mũ bảo hiểm móc vào cần lái; tôi nhanh chóng bước xuống, đi thẳng vào bên trong. Quán hôm nay không có khách. Chỉ thấy mỗi anh Dũng đang ngồi trên chiếc bàn gỗ tròn với mấy chai bia tiger và một đĩa mồi. Vừa trông thấy tôi anh đã vui mừng reo lên:

– A, Khánh. Hay quá! Anh mong em bấy lâu nay. – Anh Dũng làm như mấy chục năm không gặp tôi không bằng.

Tôi cười bắt tay anh. Chỗ đầu tiên mà tôi chú ý đến là cái sân khấu mini mới được dựng lên ở góc tường. Tôi cởi cây đàn guitar đeo trên vai xuống, kéo băng-tuya mở lấy cây ‘lục huyền cầm’ là người tình chung thủy nhất của tôi. Tiến lại chỗ sân khấu, tôi muốn thử xem chất lượng âm thanh của ‘phòng trà’ như thế nào.

– Cũng được đó anh Dũng. – Tôi đưa ra đánh giá của mình.

Anh Dũng muốn tôi đàn hát một bài cho anh nghe. Bài mà anh ấy thích nhất là bài: “Niệm khúc cuối” của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên. Tôi cũng hát, nhưng chỉ được nửa bài là thôi.

Bỏ cây đàn lại vào bọc. Anh Dũng cầm tay tôi kéo đến bàn nhậu. Anh ân cần khui bia rót vào ly cho tôi, chu đáo gắp thức ăn vào chén mời tôi. Sự nhiệt tình và tình cảm quý mến mà anh Dũng dành cho tôi rất đáng để trân trọng. Tôi – một kẻ lãng tử xơ xác mướp- lại được anh- một đại gia đứng tuổi, dày dạng kinh nghiệm, một doanh nhân giàu có thành đạt- kính trọng đưa tôi lên chín tầng mây. Bây giờ tôi mới thấm cái câu nói của người xưa: “răng cứng thì gãy, lưỡi mềm nên được bền lâu.” Cách cử xử nhu mềm và luôn đạt người khác lên trên mình rất dễ tạo thiện cảm với đối tác. Và cũng câu nói của cổ nhân: “Thiên thời bất như địa lợi, địa lợi bất như nhân hòa.” ‘Đắc nhân tâm’ vẫn được xếp lên hàng đầu nghệ thuật đưa đến thành công trong sự nghiệp.

Hai anh em ngồi uống bia hàn huyên tâm sự. Biết tôi thích uống sài gòn xanh nên anh Dũng vào tủ lạnh mở lấy cho tôi. Bao giờ anh cũng muốn làm vui lòng người khác kể cả việc thỏa mãn những sở thích của họ. Tôi thì thua anh ở điểm này. Vì tôi toàn muốn người khác phải thỏa mãn sở thích của mình.

Anh Dũng gắp một miếng thịt bỏ vào chén cho tôi. Lấy lá mơ và một tép xả cùng cho vào chén. Tôi nuốt nước miếng. Nhưng không phải vì tôi thèm mà bởi tôi muốn nôn. Anh Dũng phì cười giải thích cho tôi hiểu:

– Em yên tâm đi. Đây không phải là thịt chó đâu. Thịt dê đấy. Anh có mấy đời mà ăn thịt chó đâu, anh tránh xa những thứ đó em à!

Lúc này tôi mới yên tâm. Là một người thích ăn ngon mặc đẹp nhưng tôi chúa ghét thịt chó. Tôi và anh Dũng có cùng quan điểm khi nói về món thịt chó đang rất thịnh hành ở Việt . Một sự giao cảm giữa chó và người mà không phải ai trong chúng ta cũng thấy được. Riêng tôi và những người như tôi thì thấy rất rõ sự liên hệ đó. Câu chuyện tình cờ trên bàn nhậu đưa chúng tôi đến một cậu chuyện tâm linh khác. Được chính anh Dũng và gia đình mình trải nghiệm. Những gì tôi sắp kể ra đây một chuyện có có thật.

Ba năm về trước…
(…)

Tại quán cà phê La pense’e xảy ra một sự cố nhỏ. Một tranh cãi nhẹ diễn ra giữa một bên là nhân viên pha chế của quán, một bên là quản lý – con trai thứ nhì của ông Dũng chủ quán La pense’e. Cuộc tranh cãi đó tưởng chừng đơn giản nhưng lại đưa đến một kết thúc mà ông chủ quán không hề mong đợi. Cô nhân viên ấy vì tự ái nên xin nghỉ việc. Ông Dũng tiếc đứt ruột. Phần vì mất đi một cô nhân viên giỏi dang, chịu khó. Phần vì yêu mến tính cách dễ thương hiền lành của cô gái trẻ. Lần đó, ông Dũng về Sài Gòn nên không biết chuyện con trai mình đã la mắng quá lời chạm đến lòng tự ái của cô nhân viên mà ông rất ưu ái. Khi trở lại Đà Lạt, được biết chuyện ông Dũng lập tức bấm máy gọi cho cô ấy đến xin lỗi, rồi mời cô trở lại làm việc. Ông Dũng chuẩn bị một bàn tiệc thịnh soạn để xí xóa những chuyện hiểu lầm không đáng có. Trước tình cảm chân thật và sự yêu mến của ông chủ dành cho mình, cô nhân viên bỏ qua hết mọi chuyện nhưng quyết đoán một lòng không trở lại làm việc ở La Pence’e nữa. “Một cô gái có lòng kiêu hãnh và tự trọng.” Ông Dũng nghĩ vậy và rất thích tính cách của cô. Từ đó ông Dũng có ý muốn nhận cô làm con nuôi chăm lo cho cô giống như con ruột của mình vậy.

Tình cảm của hai cha con họ tiến triển rất tốt đẹp. Cho đến một ngày kia…

4 h 30 phút.

Sáng thứ bảy, ngày 15, tháng oan hồn. Cô con nuôi đến tìm gặp người cha nuôi trong nét mặt nghiệm trọng, và cử chỉ rất vội vã. Ông Dũng có thói quen dậy sớm (4h đã thức) thấy lạ mới hỏi:

– Có chuyện gì vậy con?

Người con nuôi đáp:

– Ba ơi! Phải nhanh lên không thì mẹ mình nguy mất.

Không biết chuyện gì nhưng trước cử chỉ khác thường của cô con nuôi. Ông cũng đâm ra cũng lo lắng nói:

– Nhưng mẹ con ở Sài Gòn mới gọi lên cho ba hồi chiều mà.

Ông Dũng lo lắng là có lý do. Vì vợ của ông bị mắc phải căn bệnh quái ác. Gọi là bệnh vỡ mạch máu mắt. Đã đi chữa nhiều nơi, gặp nhiều bác sĩ giỏi, thậm chí ra nước ngoài, tốn hàng tỷ đồng mà bệnh vẫn không hề thuyên giảm. Căn bệnh càng ngày càng nặng hơn và ai cũng chắc rằng: “bà đại gia đó trước sau gì cũng mù lòa.” Người ta kháo nhau: “Của thiên trả địa, đó là bệnh của những kẻ có của.”

Đêm rằm đó, cô con gái nuôi đã nói lại với ông Dũng những gì?

Cô ấy đã nói với người cha nuôi của mình:

Mẹ ruột của cô nằm thấy một giấc mơ kỳ lạ. Có ‘bề trên’ xuống nói với mẹ cô rằng: – Người vợ của ông chủ quán La pense’e trong một lần đi qua chỗ ngã ba (trong giấc mơ ‘bề trên’ chỉ rõ vị trí ngã ba đó cho mẹ ruột của cô biết) tình cờ gặp đúng thời điểm quan(cũng người bề trên) lúc đó đang đi săn. ‘Quan’ dương cung và bắn ra một mũi tên. Mũi tên đó vô tình bắn trúng mắt bà H* vợ ông Dũng. Từ đó gây ra căn bệnh đau mắt mà không thuốc thang gì có thể chữa khỏi được. ‘Bề trên’ còn cho biết: – theo luật nhân quả kiếp nạn của bà H* phải chịu đã đủ. ‘Bề trên’ hướng dẫn cho cách chữa bệnh: – Mua một xấp giấy tiền vàng bạc, một con ngựa. Nhưng phải chú ý thời gian và địa điểm. ‘Bề trên’ chỉ cho một ‘cửa hàng giấy tiền vàng bạc’ ở đường Đ.T.H* và còn nhắc nhở phải đúng 3 giờ sáng mới mua được. Sau khi đã mua được những thứ giấy tiền vàng bạc đúng như lời dặn của ‘bề trên’ thì đóng gói lại gửi xuống Sài Gòn cho bà H* dặn lại với bà thật kỹ lưỡng: – Từ chỗ nhà bà, rẽ trái đi khoảng năm mươi mét gặp một ngã ba, từ ngã ba đó thêm hai mươi mét nữa gặp tiếp một ngã ba, hãy đốt giấy tiền vàng bạc ở đúng địa điểm đó và cầu xin ‘quan’ gỡ tên cho. Sau khi đã đốt giấy tiền vàng bạc và cầu nguyện xong. Hãy hốt hết tàn tro về cho vào một thau nước sạch tinh khiết, dùng nước đó để rửa mặt rồi nhỏ vào mắt mỗi bên hai giọt thì tự khắc bệnh sẽ khỏi.

Tỉnh giấc.
“Canh… canh… canh” Lúc này là 1h30 phút.

Mẹ ruột của cô con nuôi ông Dũng kể lại cho con gái của bà nghe về giấc mơ kỳ lạ đó. Ban đầu hai mẹ con còn chưa tin cứ nghĩ đó là chẳng qua là giấc mơ hơi kỳ lạ thôi chứ không nghĩ là ‘bề trên’ về báo mộng. Nhưng giấc mơ đó cứ ám ảnh hai mẹ con cô nhân viên. Chỉ có một cách duy nhất để chứng thực là đến đúng địa điểm và thời gian như những gì ‘bề trên’ nói trong giấc mơ xem có đúng hay không. Vì giờ đó không cửa hàng vàng mã nào lại đi mở cửa cả. Hai mẹ con chở nhau đi trên con đường Đ.T.H* giữa trời khuya lạnh lẽo. Những cơn gió lạnh se sắt như cắt vào thịt. Ánh đèn đường leo lét mờ mờ ảo ảo và quang cảnh thì tĩnh mịch âm u rợn tóc gáy. Hai mẹ con tìm hoài mà không thấy một tiệm vàng mã nào mở cửa. Nhìn giờ trên chiếc điện thoại di động thì đã 2 h 45’ rồi. Mẹ con cô lắc đầu nói với nhau:

– Chúng ta nhạy cảm quá rồi mẹ à! – Cô con gái nói.

Người mẹ thở ra làn hơi giá. Kéo áo che kín cổ. Rồi cùng đứa con gái quay xe trở về. Đi được một đoạn thì thấy có một cửa hàng bên đường thắp đèn mờ mờ giống như đèn loại dầu thời xưa. Hai mẹ con lạnh người khi thấy đó là một tiệm vàng mã. Lúc đó vừa đúng 3 h sáng. Hai người mang theo một tâm trạng khó tả bước vào cửa hàng hỏi mua những thứ giấy tiền vàng bạc theo như sự chỉ dẫn của ‘bề trên’ trong giấc mơ. Đến khi hỏi mua con ngựa giấy thì chỉ còn đúng một con duy nhất. Sau khi đã mua được những thứ cần thiết, cô con gái chở mẹ về nhà rồi đến tìm gặp người cha nuôi (ông Dũng chủ quán La pense’e) kể lại đầu đuôi sự việc cho ông nghe.

Giấc mơ của bà mẹ và câu chuyện hai mẹ con đi tìm tiệm vàng mã tác động mạnh đến tâm trí của ông Dũng. Không thể tin được một cậu chuyện ‘kỳ lạ’ đến như vậy. Nhưng không còn cách nào khác nữa. Nếu để lâu có thể vợ ông sẽ bị mù lòa vĩnh viễn. Đành phải đánh liều để cứu vợ lần này vậy. Ông cũng đã nghĩ đến hậu quả sẽ nghiêm trọng như thế nào khi lấy tàn tro nhỏ vào đôi mắt đã hỏng nặng của vợ mình. Bởi vì ông không có sự lựa chọn nào khác nữa. Lúc này, ông cần phải liều lĩnh quyết đoán. Và điều gì đến cũng đến…

Ngay sáng hôm đó ông Dũng đóng gói mớ giấy tiền vàng bạc gửi gấp về Sài Gòn với lời dặn dò kỹ lưỡng cho con cái và người vợ đang lâm bệnh của mình. Sững sốt hơn là khi ông Dũng nhận được tin báo lại từ Sài Gòn: Mọi người làm đúng như những gì ông dặn dò và điều khiến họ giật mình hơn là theo như những gì mà ‘bề trên’ hướng dẫn thì không sai một li. Đi theo trình tự đó thì đến ngay cái ngã ba – chỗ mà bà H* đã từng đi qua và xui xẻo trúng phải mũi tên của ‘quan’ để chịu khổ nạn suốt mười trời đằng đẵng. Mấy mẹ con bà H* nhất nhất làm theo những gì ‘bề trên’ chỉ bày. Và đúng như người ta thường nói: – tâm bệnh thì chữa bằng tâm dược mới mong khỏi được.

Đến nay, mắt của bà H* đã bình phục hoàn toàn. Vợ chồng ông Dũng cảm tạ ơn trên và cũng từ đó lại càng thương yêu cô con nuôi hơn. Xem ra, sống trên đời này quanh quẩn vẫn là hai từ: “nhân quả”. Giả sử, đây là tôi nói nếu như: Ngày xưa mà anh Dũng không đem lòng yêu thương và nhận cô nhân viên hiền lành, dễ thương ấy làm con nuôi thì sẽ ra sao? Kiếp nạn của cô H* có thể sẽ còn kéo dài thêm nữa nếu anh Dũng không gieo một hạt mầm phúc đức. Bởi đã nên vợ nên chồng thì hẳn chúng ta đã có duyên nợ tiền kiếp với nhau. Vì thế làm việc thiện tạo phước không chỉ giúp ta trả nợ cho chính mình mà còn giúp những người thân của ta sớm trả xong hết nợ.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN