Hẹn Với Tử Thần - ....
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
140


Hẹn Với Tử Thần


....



Trong cái thế giới tưởng tượng đen tối thì một hơi thở nhẹ cũng tạo ra những hiệu quả đáng buồn cười.

Một người đàn ông bước vào phòng đợi, nhận ra gia đình Boynton và đi về phía họ.

Đó là một người Mỹ ưa nhìn, trung niên thuộc tuýp người cổ. Ông ta có khuôn mặt dài nhẫn nhụi, ăn mặc chải chuốt. Ông ta nói nhỏ, giọng trầm, dễ chịu hơi đều đều.

– Tôi tìm mọi người ở khắp nơi, ông ta nói.

Ông bắt tay từng người trong gia đình một cách kỹ lưỡng.

– Bà thấy trong người thế nào thưa bà Boynton? Chuyến đi không làm bà quá mệt mỏi chứ ạ?

Gần như là yểu điệu, người đàn bà cất tiếng khò khè nói:

– Không sao đâu, cám ơn ông rất nhiều. Ông cũng biết đấy tôi thì có bao giờ khoẻ đâu.

– Ồ, sao vậy, vâng tất nhiên rồi, thật là tồi tệ, tồi tệ quá.

– Nhưng tôi cũng không tệ hơn thế đâu.

Mụ Boynton chậm rãi nở một nụ cười của loài rắn độc:

– Có Nadine ở đây luôn chăm sóc tôi chu đáo, phải vậy không con Nadine?

– Con chỉ làm những gì có thể thôi. Giọng nói của cô chẳng diễn đạt điều gì cả.

– Sao không, tôi cuộc là cô rất cố gắng. Người lạ nhiệt tình nói.

– Thế nào Lennox, anh nghĩ sao về thành phố của vua David?

– Ồ, tôi cũng chẳng biết nữa.

Lennox thờ ơ trả lời, không tỏ ra thích thú.

– Anh thất vọng vì thành phố này quá phải không? Tôi cũng xin thú thật là hồi đầu mới đến đây tôi cũng có cảm giác tương tự. Nhưng có lẽ bởi vì anh chưa đi thăm thú được nhiều đấy thôi?

Carol Boynton xen vào:

– Chúng tôi không đi được nhiều lắm vì sợ mẹ mệt.

Bà Boynton giải thích thêm:

– Đi ngắm cảnh vài giờ mỗi ngày đã là quá sức đối với tôi rồi.

Người lạ nồng nhiệt nói:

– Tất cả những gì bà cố gắng làm được trong vòng sức lực của mình đã là tuyệt vời lắm rồi, thưa bà Boynton.

Bà Boynton khò khè đằng hắng, gần như là hể hả.

– Cơ thể tôi chẳng quan trọng, mà quan trọng phải là cái đầu. Dúng, phải có cái đầu …

Giọng nói bà ta nhỏ dần. Tiến sĩ Gerard thấy Raymond Bounton giật mình lo lắng và anh cất tiếng hỏi:

– Thế ông đã tới Bức tường than khóc chưa, thưa ông Cope?..

– Tại sao lại chưa? Đó là một trong những nơi đầu tiên mà tôi đến thăm. Tôi hy vọng là trong vòng vài ngày nữa ở đây tôi sẽ khám phá Jerusalem được nhiều hơn. Đến Cook, tôi đã bỏ ngang hành trình sắp sẵn để khám phá vùng Thánh Địa này được kỹ lưỡng hơn – Bethlehem, Nazareth, Tiberias, biển Galie. Tất cả những địa danh đó có một sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với tôi. Rồi Jerash; ở đó có những công trình kiến trúc thời La Mã cổ đại bị đổ nát nhưng cũng rất thú. Tôi rất muốn được chiêm ngưỡng thành phố Hoa Hồng Nhung Petra, đó là một trong những kiệt tác được thiên nhiên sáng tạo ra mà cho đến bây giờ vẫn chưa bị xuống cấp, tôi có thể nói như vậy. Nhưng mà để thăm quan kỹ lưỡng nơi đó thì chắc phải mất gần một tuần cả đi cả về.

Carol nói xen vào:

– Tôi rất muốn tới đó, thành phố nghe mới tuyệt làm sao?

– Vâng, phải nói là các vị rất nên đi thăm thành phố này. Ông Cope hơi ngập ngừng khi bắt gặp cái nhìn không mấy đồng tình của bà Boynton nhưng rồi ông vẫn tiếp tục nói tuy không mấy chắc chắn lắm. Gerard cho là như vậy.

– Tôi đang không hiểu là liệu có thuyết phục được ai trong số các vị đây đi cùng với tôi hay không? Tôi biết, bình thường ra thì bà không phải cố gắng nhiều như thế này đâu, thưa bà Boynton và theo lẽ đương nhiên thì phải có một ai đó trong gia đình sẽ ở lại với bà; nhưng nếu bà cho phép họ cùng đi với tôi thì hay quá, bà thấy thế nào?.

Ông Cope ngừng lời. Tiến sĩ Gerard thậm chí còn nghe được cả tiếng que đan của bà Boynton và vào nhau kêu lách cách. Rồi bà ta lên tiếng:

– Tôi không nghĩ là gia đình chúng tôi sẽ chia nhau ra để đi thăm quan đâu. Chúng tôi luôn luôn ở bên nhau. Bà ta ngẩng lên : Các con thấy thế nào?

Giọng nói của bà ta thật giả tạo. Và câu trả lời bật ra gần như ngay lập tức.

– Không, thưa mẹ – Không đâu ạ – Tất nhiên là không rồi.

Bà Boynton nói và nở nụ cười quái dị của mình:

– Đấy ông thấy không? Các con tôi không muốn xa tôi. Thế còn con thì sao Nadine? Con chả nói gì cả?

– Không, cám ơn mẹ, con sẽ không đi nếu Lennox không thích đi.

Bà Boynton chậm rãi quay về phía người con trai cả.

– Thế nào Lennox, con nghĩ sao? Sao con và Nadine không đi đi? Nadine có vẻ muốn đi đấy.

Anh ta ngước mắt nhìn mẹ, mồm lắp bắp:

– Con, à không. Con …nghĩ là tất cả chúng ta nên ở lại đây thì hơn.

Ông Cope vẫn nhẹ nhàng thuyết phục.

– Tôi biết các bạn là một gia đình rất đoàn kết, rất chu đáo! Nhưng trong giọng nói nhẹ nhàng của ông không giấu nổi sự gượng gạo và trống rỗng.

– Chúng tôi rất gắn bó với nhau. Bà Boynton nói trong khi tay cuộn tròn cuộn len lại.

– Nhân tiện đây, Raymond, mẹ muốn biết cô gái nói chuyện với con khi nãy là ai vậy?

Raymond lo lắng trả lời. Khuôn mặt anh ta vụt đỏ tía tai rồi chuyển sang tái mét.

– Con … con không biết tên cô ấy. Cô ấy … cô ấy cùng đi trên chuyến tàu hôm trước.

Bà Boynton ngọ nguậy, cố gắng từ từ đứng lên khỏi chiếc ghế.

– Mẹ nghĩ là chúng ta chẳng có việc gì dính dáng tới cô ta đâu. Bà ta nói.

Nadine đứng dậy và giúp bà ta chật vật đứng dậy khỏi ghế. Vẻ thành thạo khéo léo của cô khiến Gerard để ý.

– Thôi đến giờ đi ngủ rồi các con. Bà Boynton nói – Chúc ông ngủ ngon nhé ông Cope.

– Vâng, chúc bà ngủ ngon, bà Boynton. Chúc bà ngủ ngon, bà Lennox.

Rồi họ đi khỏi, trông như một đám rước nhỏ. Có vẻ như không một người trẻ tuổi nào trong cái gia đình đó muốn ở lại. Bị bỏ lại một mình, ông Cope nhìn theo họ. Vẻ mặt ông tỏ ra thật lạc lõng nơi này. Theo kinh nghiệm của riêng mình, tiến sĩ Gerard hiểu rằng, người Mỹ không có khuynh hướng thân thiện với người khác. Họ không có vẻ nghi ngờ, xét nét đến mức khó chịu như những người Brio di cư sống ở Anh thời La Mã đô hộ. Đối với một người tế nhị như tiến sĩ Gerard, làm quen được với ông Cope không phải là chuyện đơn giản. Người Mỹ thường cô độc và giống đa phần chủng tộc của mình, họ có khuynh hướng không thích sự thân thiện. Tấm danh thiếp của tiến sĩ Gerard lại được rút ra một lần nữa.

Jefferson Cope tỏ ra chẳng mấy ấn tượng với cái tên được in trên tấm các .

– Ồ, thật vậy sao tiến sĩ Gerard, vừa mới đây thôi, ông đã tới nước Mỹ rồi sao?

– Mùa thu nắm ngoái. Tôi đi giảng ở Ha Vớt.

– Tất nhiên rồi. Tiến sĩ Gerard là một trong những tên tuổi lừng danh trong giới y khoa. Ông là số một về chuyên môn ở Paris.

– Ồ thưa ông kính mên. Ông đừng nói quá như thế! Tôi không được như ông nghĩ đây.

– Không, không. Thật là một đặc ân đối với tôi được gặp gỡ ông ở đây. Thực ra, một số nhân vật có tiếng tăm khác cũng đang có mặt tại đây, tại Jerusalem. Ông là một, quận công Welldon và Nam tước Gabriel Steinbaum, một nhà tư bản tài chính. Rồi nhà cựu khảo cổ học người Anh, nam tước Manders Stone. Quý bà Westholme, một nhân vật lỗi lạc trên chính trường Anh Quốc. À, còn có thám tử nổi tiếng người Bỉ, Hercule Poirot nữa.

– Hercule Poirot bé nhỏ, ông ta cũng ở đây ư ?

– Tôi đọc thấy tên ông đăng trên tờ báo địa phương vừa tới khi nãy. Dường như cả thế giới đang tập trung hết về đây, tại khách sạn Solomon này. Một khách sạn đẹp, trang trí cũng rất vừa mắt đấy chứ ?

Ông Jefferson Cope rõ ràng là đang rất thích thú. Còn tiến sĩ Gerard thì tỏ ra là một người dễ gần. Ông có thể làm được như thế bất cứ khi nào ông ta muốn. Trước đó thì hai người đàn ông đã rời ra quầy rượu để nói chuyện.

Sau khi họ đã uống cạn vài ly whisky pha sô đa, Gerard mới hỏi :

– Cái gia đình mà ông gặp lúc nãy có được coi là một gia đình Mỹ điển hình không ?

Jefferson Cope suy tư nhấp một ngụm rượu. Rối ông chậm rãi trả lời :

– Không, không thể nói đó là một gia đình điển hình được.

– Không sao, cho dù họ rất gắn bó với nhau ?

Ông Cope chậm rãi hỏi :

– Có phải ý ông muốn nói là họ cứ luôn xoắn xuýt bên người phụ nữ đó chứ gì? Đúng đấy, nhưng ông cũng biết bà ta rất khác thường rồi còn gì?

– Thật vậy sao?

Ông Cope chẳng cần đợi gợi ý thêm, chỉ một mào đầu nhẹ nhàng của người đối thoại là đủ.

– Tôi chẳng ngại khi nói với ông chuyện này, tiến sĩ Gerard ạ. Gia đình đó luôn luôn ám ảnh đầu óc tôi. Tôi đã luôn đối xử tốt với gia đình này. Tôi luôn nghĩ đến họ. Nếu nói ra được điều này, đầu óc tôi chắc chắn sẽ nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Ông sẽ không phiến chứ, nếu tôi kể ra tất cả?

Tiến sĩ Gerard nói ông không phiền gì cả. Và Jefferson Cope từ tốn kể, khuôn mặt nhẳn nhụi ưa nhìn của ông nhăn lại, bối rối.

– Tôi sẽ nói thẳng với ông là tôi lo lắm. Bà Boynton, ông biết đấy, là một người bạn cũ của tôi. Có nghĩa là, không phải là bà mẹ đâu mà là ngừơi phụ nữ trẻ ấy, cô Lennox Boynton.

– À, đúng rồi. Cô gái trẻ có mái tóc đen quyến rũ.

– Đúng rồi; đó là Nadine, Nadine Boynton. Tiến sĩ Gerard ạ, Nadine là một người rất đáng yêu. Tôi biết cô ấy trước khi cô ấy lấy chồng. Lúc đó, cô ấy làm ở bệnh viện và đang cố gắng để trở thành một y tá có bằng cấp. Sau đó cô đi nghỉ phép với gia đình Boynton và cô đã đính hôn với Lennox.

– Thật vậy sao ?

Ông Jefferson Cope nhấp thêm một ngụm rượu, rồi nói tiếp :

– Tiến sĩ Gerard ạ, tôi muốn nói với ông một đôi điều về gia dinh Boynton.

– Vâng, tôi rất quan tâm đây.

– Ông biết đấy. Lúc sinh thời, ông Elmar Boynton quá cố là một người nổi tiếng rất quyến rũ, ông ta có hai bà vợ. Bà vợ đầu tiên của ông ta chết khi Carol và Raymond mới biết đi. Bà vợ thứ hai là bà Boynton mà tôi vừa nói. Khi mới kết hôn với ông Elmer, bà Boynton là một người phụ nữ đẹp cho dù không còn trẻ lắm. Điều này nghe hơi lạ tai phải không khi ông nhìn ta bây giờ. Nhưng đó là những gì mà tôi biết theo một một nguồn tin đáng tin cậy. Dĩ nhiên là bà ta rất được chồng yêu và chấp nhận ý kiến của bà ta trong hầu hết mọi chuyện. Ông Elmer bị ốm và phải nằm bất động mấy năm rồi mới chết. Bà ta thật sự làm chủ cái gia đình ấy. Bà ta là một phụ nữ năng động, có đầu óc kinh doanh. Bà ấy đồng thời cũng là một con người hết sức tận tâm. Sau khi ông Elmer chết đi, bà ta dành hết tình cảm của mình cho con cái. Ông bà cũng có một người con riêng. Đó là Ginevra, cô gái tóc đỏ bé nhỏ nhưng rất thanh tú. À mà tôi đang nói đến đoạn bà Boynton đã hy sinh tất cả vì cái gia đình đó. Bà hoàn toàn không quan hệ với thế giới bên ngoài. Tôi không hiểu là ông cho chuyện này như thế nào. Tiến sĩ Gerard ạ, nhưng tôi không cho đó là một việc làm tốt đâu.

– Tôi cũng đồng ý với anh. Làm như vậy quả là không tốt cho sự phát triển trí tuệ.

– Vâng, nói như vậy tôi muốn nói rằng bà Boynton đã giam hãm các con mình tách biệt khỏi thế giới bên ngoài và không cho phép họ có bất kỳ một liên lạc nào với bên ngoài. Kết quả là họ lớn lên nhút nhát. Họ luôn hoảng hốt, chắc ông hiểu ý tôi muốn nói gì. Họ không thể làm quen được với người lạ. Thật là tồi tệ.

– Đúng vậy, chẳng tốt đẹp tí nào.

– Tôi chẳng nghi ngờ ý tốt của bà Boynton. Đó là sự hy sinh rất lớn từ phía bà ta mà thôi.

– Thế họ ở nhà suốt ngày sao ? Tiến sĩ Gerard hỏi.

– Vâng.

– Không cậu con trai nào đi làm ?

– Không, tại sao phải vậy. Ông Elmer Boynton là một người giàu có. Khi chết đi ông ta để hết lại tài sản cho bà Boynton. Số tiền đó được hiểu là tiền dùng trong sinh hoạt gia đình.

– Thế có nghĩa là họ phải phụ thuộc tài chính vào bà ta ?

– Đúng vậy. Và bà ta khuyến khích họ ở nhà, không cần phải ra ngoài, không cần phải kiếm việc. Ồ, có lẽ điều đó là đúng đắn, họ có rất nhiều tiền. Họ không cần phải đi làm, nhưng theo tôi làm việc sẽ là một thang thuốc bổ đối với cánh đàn ông trong gia đình đó. Còn một điều này nữa. Chẳng ai trong số họ có một sở thích nào cả. Họ không chơi gôn. Họ không tham gia bất cứ câu lạc bộ nào. Họ cũng chẳng đi khiêu vũ hay tham gia bất cứ một hoạt động nào với những thanh niên khác. Ngôi nhà của họ ở đằng sau một hàng rào lớn trên đường ra thành phố, cách xa mọi thứ xung quanh đến hàng dặm. Tiến sĩ ạ, tôi thấy tất cả chuyện đó là rất sai trái.

– Tôi cũng thấy thế. Tiến sĩ Gerard nói.

– Chẳng ai trong số họ có một hiểu biết tối thiểu về xã hội. Họ thiếu cả cái được gọi là tinh thần cộng đồng. Họ có thể là một gia đình rất đoàn kết nhưng chỉ là họ tự khép kín mình lại mà thôi.

– Thế chẳng ai trong số họ có ý kiến gì sao ?

– Ngoại trừ những gì mà tôi vừa nghe thấy còn lại họ chỉ có ngồi suốt ngày.

– Thế ông đổ lỗi chuyện đó cho bản thân họ hay cho bà Boynton ?

Jefferson Cope khó nhọc chuyển động.

– Vâng, nói một cách nào đó, tôi cho rằng bà ta không ít thì nhiều cũng phải chịu trách nhiệm về việc này. Cũng vậy, khi một người con đến tuổi trưởng thành, thì tự bản thân họ phải vượt qua cái trở ngại của mình. Không một người con trai nào bị buộc phải bám váy mẹ. Tự anh ta phải chọn cách sống độc lập.

Tiến sĩ Gerard suy tư nói:

– Điều đó đối với họ có lẽ là không thể được.

– Tại sao là không thể được.

– Ông Cope ạ, người ta có những phương pháp để ngăn không cho một cái cây lớn thẳng.

Ông Cope trố mắt nhìn Gerard.

– Nhưng thưa tiến sĩ, họ hoàn toàn khoẻ mạnh mà.

– Tinh thần cũng có thể bị cằn cỗi và mắc bệnh giống y như thể xác vậy.

– Nhưng đầu óc họ cũng rất bình thường.

Gerard khẽ thở dài.

Jeffrson Cope tiếp tục:

– Không thưa tiến sĩ, hãy xem ngay bản thân tôi đây này, một người đàn ông phải biết làm chủ được số phận của chính mình bằng chính bàn tay của mình. Một người đàn ông biết tôn trọng bản thân mình thì cũng phải là người biết vượt ra khỏi chính bản thân mình và làm cái gì đó cho cuộc đời mình. Anh ta không thể chỉ có ngồi và vặn vẹo các ngón tay được. Không một người phụ nữ nào phải tôn trọng những người đàn ông như thế.

Gerard nhìn ông ta một cách tò mò. Rồi ông nói:

– Tôi biết ông muốn ám chỉ ai, ông muốn nói tới Lennox Boynton phải không?

– Đúng, tôi nói đến Lennox Boynton đấy. Raymond thì vẫn chỉ là một đứa trẻ, nhưng Lennox thì không, anh ta đã ba mươi tuổi, dù tuổi để anh ta làm được cái gì đó, chứng minh bản thân mình.

– Cuộc sống không mấy dễ chịu cho vợ anh ta phải không?

– Tất nhiên cô ấy chẳng sung sướng tí nào! Nadine là một cô gái tốt bụng. Tôi không biết phải thán phục cô ấy như thế nào. Cô ấy chưa bao giờ phàn nàn điều gì cả. Nhưng tôi biết cô ấy không hạnh phúc, tiến sĩ Gerard ạ. Cô ấy không được hạnh phúc đâu.

Gerard gật đầu.

– Tôi không biết là ông nghĩ gì, tiến sĩ Gerard, nhưng tôi nghĩ sức chịu đựng ở người phụ nữ cũng chỉ có hạn thôi ! Nếu là Nadine, thì tôi đã bỏ phéng Lennox từ lâu rồi cho dù anh ta có bắt tay vào làm việc và chứng minh được bản thân mình hay không. Cô ấy có thể làm được một điều gì khác nữa …

– Điều gì khác nữa, ông nghĩ là cô ấy nên bỏ Lennox ư ?

– Cô ấy còn phải sống cuộc sống của riêng mính chứ, tiến sĩ Gerard . Nếu Lennox không coi trọng cô ấy như cô ấy đáng được như thế thì, những người đàn ông khác có thể làm được điều đó hộ anh ta.

– Ví dụ như ông có phải không ?

Khuôn mặt của người đàn ông Mỹ phút chốc ửng đỏ. Rồi ông ta nhìn thẳng vào người nói chuyện với mình với một sự khẳng định giản dị nhưng chắc chắn.

– Đúng thế, ông ta nói. Tôi không cảm thấy xấu hổ vì những tình cảm mà tôi dành cho cô ấy. Tôi tôn trọng cô ấy và tôi rất, rất gắn bó với cô ấy. Tất cả những gì tôi muốn là cô ấy phải được hạnh phúc. Và nếu như cô ấy hạnh phúc với Lennox thì tôi sẽ rút lui và sẽ quên chuyện này đi ngay lập tức.

– Còn nếu không ?

– Còn nếu cô ấy không hạnh phúc, tôi sẽ đứng bên cạnh cô ấy ! Nếu cô ấy cần tôi, tôi luôn luôn bên cạnh cô ấy !

– Ông đúng là một người kỹ sĩ hào hoa tuyệt vời đấy. Gerard lầm bầm.

– Xin lỗi ông, nhưng sao cơ ?

– Thưa ông thân mến, thời bây giờ, những người hào hoa phong nhã chỉ có ở nước Mỹ mà thôi ! Ông hài lòng được phục vụ người phụ nữ mà mình yêu bất chấp việc cô ấy có yêu ông hay không ! Điều đó thật đáng ca ngợi ! Thế chính xác ra là ông muốn làm gì cho cô ấy ?

– Ý tưởng của tôi là sẽ ở đây, ngay cạnh cô ấy bất cứ khi nào cô ấy cần đến tôi.

– Thế, xin lỗi nếu tôi hỏi thế này, thái độ của bà mẹ đối với ông như thế nào ?

Jefferson Cope chậm rãi trả lới :

– Tôi chưa bao giờ hiểu được bà ta. Như tôi vừa nói với ông, bà ấy không thích giao tiếp với bên ngoài. Nhưng đối với tôi thì khác, bà ta luôn tỏ ra dịu dàng và đối xử với tôi như người trong gia đình vậy.

– Trên thực tế bà ta chấp nhận mối quan hệ của ông với bà Lennox ?

– Đúng vậy.

Tiến sĩ Gerard khẽ nhún vai.

– Điều đó nghe có lẽ là hơi không bình thường ?

Jefferson Cope cứng rắn nói :

– Tôi xin đảm bảo với ông. Tiến sĩ Gerard ạ, chẳng có gì là sai trái trong mối quan hệ của chúng tôi cả. Nó hoàn toàn thuần khiết.

– Thưa ông, tôi tin tưởng vào chuyện đó. Tôi xin nhắc lại, dù bà Boynton có khuyến khích mối quan hệ này thì đó cũng chính là một hành động không bình thường của bà ta. Ông biết đấy, ông Cope, bà Boynton làm tôi rất chú ý. Bà ta khiến tôi tò mò ghê gớm.

– Bà ta chắc chắn không phải là một con người dễ quên. Bà ta có một tính cách mạnh mẽ, một cá tính nỗi bật. Như lúc nãy tôi có nói, ông Elmer Boynton chẳng phải rất tuân theo mọi xét đoán của bà ta đó sao ?

– Ông ta chắc chắn hẳn đã hài lòng khi phó thác cuộc sống của những đứa con cho bà ta. Theo luật pháp ở nước tôi, ông Cope ạ, điều đó là hoàn toàn không thể được.

Ông Cope lên tiếng.

– Ở Mỹ, ông nói. Chúng tôi có quyền tự do tuyệt đối.

Tiến sĩ Gerard lớn tiếng đáp lại. Ông không quan tâm đến chuyện nước Mỹ. Ông đã từng nghe rất nhiều người ở nhiều nước khác nhau nói như thế. Cái ảo tưởng rằng tự do là đặc quyền của con người rất phổ biển ở bất cứ nơi đâu.

Tiến sĩ Gerard lớn tiếng đáp lại. Ông không quan tâm đến chuyện nước Mỹ. Ông đã từng nghe rất nhiều người ở nhiều nước khác nhau nói như thế. Cái ảo tưởng rằng tự do là đặc quyền của con người rất phổ biến ở bất cứ nơi đâu.

Tiến sĩ Gerard khôn ngoan hơn. Ông biết rằng không một chủng tộc nào, không một đất nước nào và không một cá nhân nào được coi là hoàn toàn tự do. Và ông cũng biết rằng ở mỗi nước, sự lệ thuộc cũng tồn tại ở các mức độ khác nhau. Ông đi ngủ với nhiều suy nghĩ thích thú trong đầu.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN