Anh Hùng Lĩnh Nam - Chương 21: Ở đời được mấy anh hùng
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
160


Anh Hùng Lĩnh Nam


Chương 21: Ở đời được mấy anh hùng


Hai người đi suốt một ngày mới tới Bắc Mê-linh. Hồi ấy, Bắc Mê-linh là
thủ phủ của miền trung châu Bắc-việt. Dân cư đông đúc như Long-biên,
Luy-lâu.

Hai người nhìn xa xa, núi Tản-viên cao ngất trời. Phương Dung chỉ núi nói:

– Ngày trước, phò mã Sơn Tinh cưới được Mỵ Nương rồi lên ở trên núi kia
hưởng hạnh phúc. Thế nhưng người sau đặt chuyện Sơn Tinh, Thủy Tinh cùng đến hỏi Mỵ Nương. Vua Hùng hẹn rằng ai đem lễ vật đến trước, sẽ gả công chúa cho. Sơn Tinh tới trước, cưới được Mỵ Nương. Thủy Tinh tới sau,
tức quá, dâng nước lên đánh Sơn Tinh.

Hai người đang say sưa ngắm cảnh, chợt có tiếng gọi:

– Đào, Nguyễn, hai vị đi đâu đây?

Hai người quay lại thì ra Quý Lan. Quý Lan nắm tay Phương Dung:

– Bắt được em rồi nhé! Thôi vào Mê-linh chơi đi. Đặng đại ca và Nhị Trưng mong hai em lắm đó.

Phương Dung là một cô gái hiếu động, linh lợi, tính lại ham vui, nên
nàng thường không ưa những người nghiêm nghị, khách sáo, làm bộ làm
tịch. Về võ công, nàng đã đạt tới trình độ hiếm có trên đời. Nhưng bản
chất con người vẫn là một thiếu nữ. Từ hôm theo Đào Kỳ ra ngoài giang
hồ, đi đâu cũng bị người ta coi nàng như một tiểu thư khuê các. Hồi thơ
ấu ở Long-biên, nàng đã nghe tiếng Đặng Thi Sách, Nhị Trưng là những đệ
nhất hào kiệt, danh vang tới Trung-nguyên. Ngay đến cha và các sư thúc
của nàng mỗi khi đề cập tới cũng phải nói bằng giọng kính trọng. Nàng
những tưởng ba người này sẽ làm bộ làm tịch, hoặc ít ra cũng bang bạnh
như Đinh Công Dũng. Nhưng khi gặp nhau ở đại hội 36 động, nàng thấy ở
Đặng Thi Sách, Nhị Trưng tỏa ra cái đạo mạo, nghiêm chỉnh của những
người hào kiệt bậc nhất đương thời. Tuy nhiên, trong cái đạo mạo đó, có
cái bặt thiệp, ôn nhu thân thiết. Nhất là Trưng Nhị, mới gặp mà nàng đã
như không muốn rời nhau.

Hôm nay gặp lại Quý Lan. Quý Lan chỉ mới nói một câu, nàng cũng đủ thấy ấm áp trong lòng.

Phương Dung nói nhỏ:

– Chúng em lên vùng này mục đích gặp Đặng đại ca và Nhị Trưng có việc
quan trọng. Vì việc quan trọng nên hôm đại hội 36 trang, em không dám
nói trước mặt mọi người.

Quý Lan nhìn trước, nhìn sau không có ai, nàng xòe tay ra viết hai chữ Phục-quốc vào, rồi nhìn hai người cười.

Đào Kỳ hỏi:

– Chị Quý Lan, chị là người thần thông chắc? Tại sao chị biết chúng em lên đây vì việc đó?

Quý Lan cười:

– Có gì không hiểu đâu? Hai em còn nhỏ tuổi thế này, nam nữ thụ thụ bất
tương thân. Thế mà phụ huynh để cho các em ngàn dặm xa xôi, núi đồi hiểm trở lên đây, thì chắc phải tin tưởng hai em lắm. Đó là điều thứ nhất.
Khi đã được phụ huynh tin tưởng thì hai em phải có bản lãnh võ công, đạo đức không phải tầm thường, đó là điều thứ nhì. Điều thứ ba, hôm đại hội 36 động Đào hiền đệ luận bàn nghiêm chỉnh về thống nhất 36 động, toàn
hướng về tổ chức, huấn luyện tráng đinh, nếu không để làm việc đó thì
làm gì? Các em lên Mê-linh gặp Đặng đại ca, Nhị Trưng là những người
không quen từ trước, chắc chỉ vì một điều duy nhất là nghị bàn truyện
phục quốc mà thôi. Tôi đoán có đúng không?

Phương Dung gật đầu:

– Chị thực là người trông rộng, nhìn xa.

Hai người theo Quý Lan vào một trang rộng lớn, nằm ngay dưới chân núi
Ba-vì. Trong trang, dân chúng, người, ngựa đi lại tấp nập. Người người
tránh nhau. Trẻ con gặp người già thì cúi đầu chào. Đi một lúc tới sơn
trang hoa nở, cây cỏ xinh đẹp. Quý Lan chỉ vào chỗ suối chảy nói:

– Đây là tổng đường của phái Tản-viên.

Ba người xuống ngựa đi vào. Có tiếng tiêu, tiếng đàn thanh thoát từ trong vọng ra. Đào Kỳ ngẫm nghĩ:

– Nếu đất nước không bị giặc Hán cai trị, ta với Phương Dung đến đây ở, đánh đàn, nghe chim hót, chẳng thần tiên lắm sao?

Có tiếng từ trong hỏi vọng ra:

– Không biết cao nhân nào viếng đó?

Rồi tiếng dép lẹp kẹp, Trưng Nhị từ trong đi ra. Nhận ra Đào Kỳ và Phương Dung, Trưng Nhị mừng lắm:

– Chị nghe một tiếng chân trầm mà khoan, một tiếng chân nhỏ như tiếng
chân chim, tưởng đại cao thủ nào tới, hóa ra hai em. Vào đây, chị em
chúng ta nói chuyện mấy ngày cho thỏa chí.

Câu nói của Trưng Nhị hào sảng như nam nhi, làm Đào Kỳ khoan khoái trong lòng. Trưng Trắc, Đặng Thi Sách cũng đã đến. Sáu người cùng ngồi trong
căn nhà bên bờ suối, uống nước suối, ăn trái cây, nói chuyện.

Đào Kỳ nói:

– Chúng em từ Long-biên lên đây để gặp anh chị, không ngờ gặp người họ Hùng, họ Trần, vướng mắc mãi hôm nay mới tới đây được.

Trưng Trắc nói:

– Thì ra hai em đi tìm chúng ta? Chúng ta cũng đang mong được nghe tin từ miền xuôi như thế nào?

Đầu tiên, Đào Kỳ trình bày việc Cửu-chân rất tường tận. Từ vụ Thái-thú
Nhâm Diên mưu Hán hóa người Việt. Đào Thế Hùng ra Bắc làm Huyện-úy. Còn
chín nhà ở Cửu-chân thì năm nhà theo Hán, hai nhà đứng giữa, chỉ có
Đinh, Đào chống lại. Cuộc đánh chiếm Đào, Đinh trang, cha mẹ chàng thất
lạc ra sao, rồi chàng vào làm tôi tớ cho Thái-hà trang, gặp Đặng Thi Kế, Nguyễn Phan trong tù. Việc chàng đại náo Cổ-đại. Nguyễn Trát bàn với
chàng nên tìm Đặng Thi Sách để hỏi ý kiến về đại hội hồ Tây. Trên đường
đi, gặp Tô Phương, Ngũ-phương thần kiếm.

Nghe kể, Đặng Thi Sách ngắm nhìn Đào Kỳ, tự nghĩ: Thiếu niên này tuổi
bất quá 18, 19, hoàn cảnh vong quốc, được cha anh tạo thành người ưu tư
thế sự. Ông hỏi Trưng Nhị:

– Nhị muội! Theo ý nhị muội, chúng ta phải làm gì bây giờ?

Trưng Nhị ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:

– Chúng ta có hai việc phải làm: Thứ nhất, chia rẽ Nghiêm Sơn với Tô
Định, chia rẽ Ngũ-kiếm với Tô Định, để kéo Nghiêm Sơn và Ngũ-kiếm về với mình. Thứ nhì, đối phó với đại hội Tây-hồ. Hiện thời, Lê thái sư-thúc
nổi tiếng là chính nhân quân tử, chúng ta có nói ra thì chắc thiên hạ
không ai tin. Vậy, điều quan trọng là cứu phụ thân Đặng huynh ra đã.
Nhưng tiếc rằng trong thiên hạ, hiện không có ai là đối thủ của Lê thái
sư thúc.

Quý Lan ngẫm nghĩ một lúc rồi hỏi:

– Trong phái Tản-viên còn một vị nữa có thể thắng được Lê thái sư thúc, đại ca quên rồi sao?

Đặng Thi Sách thở dài:

– Ta đâu có quên Trần thái sư-thúc. Nhưng Thái sư-thúc như hạc nội mây ngàn, biết đâu mà tìm?

Đào Kỳ nghĩ ra chuyện gì, tiếp:

– Đại ca quên hai người hôm đại hội Lôi-sơn rồi sao? Chúng ta cứ theo hai người đó ắt tìm được Trần tiên sinh.

Trưng Nhị gật đầu:

– Có phải Đào đệ muốn nói đến Trần Năng và Lê Ngọc Trinh không? Ta thấy
hai người sử dụng võ công Tản-viên rất thành thuộc. Ta không hiểu tại
sao họ lại biết cả những chiêu mà sư phụ ta cũng không biết? Thì ra họ
được Thái sư-thúc truyền dạy. Có điều ta thấy Trần Năng đánh nhiều chiêu mà ta nghi Thái sư-thúc cũng không biết, thế thì nàng học ở đâu?

Phương Dung chỉ Đào Kỳ:

– Đúng đấy, Trần Năng học võ của Trần Đại Sinh tiên tinh, rồi được Đào
đại ca chỉ điểm thêm, nên mới có những chiêu thức kỳ diệu đến thế.

Trưng Trắc gật đầu.

Nguyễn Quý Lan bàn:

– Bây giờ chúng ta phải thám thính phủ Thái-thú xem tình hình thế nào,
rồi sẽ tìm cách chia rẽ Tô Định với Lĩnh-nam công và Ngũ-kiếm. Đêm nay,
ai đi thám thính nào?

Trưng Nhị ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:

– Phủ Lĩnh-nam công thì không cần thám thính.

Ánh mắt Phương Dung long lanh, nàng mỉm cười :

– Đúng đấy. Đào đại ca cứ việc đường đường chính chính đến thăm Hoàng sư tỷ. Hiện nay, Đào hầu không biết lưu lạc ở đâu? Đào đại ca có thể ở
luôn trong phủ Lĩnh-nam công. Chúng ta cũng vào ở. Ngày ngày quan sát,
tìm hiểu tình hình. Đào đại ca được Hoàng sư tỷ yêu thương còn hơn con
đẻ, đại ca sẽ trở thành một thứ đại công tử. Muốn chạy chỗ này, muốn xem chỗ kia, ai dám hỏi? Ai dám thắc mắc? Chúng ta dùng phủ Lĩnh-nam công
để làm nơi dò thám tin tức, thì đến một triệu đứa Tế tác cũng không dám
nghi ngờ. Còn việc ly gián giữa Tô với Nghiêm và Ngũ-phương để chị Quý
Lan xếp đặt.

Quý Lan đứng lên thắp hương trước bàn thờ Hùng-Vương, An Dương vương lễ bốn lễ rồi quay xuống, hướng vào năm người, nói:

– Các vị là con Rồng cháu Tiên, hãy nghe lời Quốc-tổ dạy.

Nguyên thời bấy giờ, những người đồng chí hướng phản Hán phục Việt, có
tục lệ: Khi một người truyền lệnh cho người khác, đều nhân danh Quốc-tổ
mà truyền. Người nghe lệnh, tự coi như nghe lệnh của Quốc-tổ.

Đặng Thi Sách, Nhị Trưng kính cẩn hỏi:

– Đệ tử xin nghe.

Đào Kỳ và Phương Dung cũng nói:

– Đệ tử kính cẩn nghe lệnh.

Quý Lan nói:

– Đêm nay Trưng Nhị dẫn Đào Kỳ, Nguyễn Phương Dung thám thính phủ
Thái-thú. Sáng nay chúng ta được tin Ngũ-kiếm đã về tới Luy-lâu và chiều nay thế nào cũng vào yết kiến Thái-thú tường trình mọi việc. Thái-thú
trước đây được tin từ huyện lệnh Đăng-châu báo rằng Ngũ-kiếm đã giết Tô
Phương. Vợ y khóc hết nước mắt. Y đã tin là thực. Nhưng Tô Định là người linh mẫn, sau cơn súc động, xét thấy Ngũ-kiếm là bạn, không có lý gì dể giết con y, nên đã sai người đi điều tra. Người đi điều tra chưa về, mà Ngũ-kiếm lại dẫn thân tơí. Tô Định đã mời Ngũ-kiếm tối nay đến tương
kiến, chắc y cũng không tin lời Huyện lệnh. Vậy ta phải làm cho y tin
lời Huyện lệnh, nghi ngờ Ngũ-kiếm. Có hai trường hợp xảy ra: Nếu
Thái-thú tin Ngũ-kiếm, thì Trưng Nhị, Đào Kỳ, Phương Dung phải lọt vào
chỗ ở của vợ con Thái-thú lấy cắp hết vàng bạc, châu báu. Nếu cần, có
thể giết người. Sau đó, chúng ta tìm cách dấu châu báu đó ở nhà
Ngũ-kiếm, rồi Đào hiền đệ đến thăm Nghiêm Sơn. Nghiêm Sơn được tin Tô
Định cáo giác, thế nào cũng cho phép Thái thú khám chỗ ở cũa Ngũ-kiếm.
Khi khám, thấy vàng bạc, châu báu, hành lý cũa Tô Phương. Bằng chứng sờ
sờ ra đó, Ngũ-kiếm không đường chối cãi. Nghiêm Sơn, Tô Định sẽ ra lệnh
bắt họ, họ có võ công cao, bị hàm oan, trong tay lại có Thượng-phương
bảo kiếm, họ sẽ chống lại.

Đào Kỳ hỏi:

– Đối với sư tỷ, tôi có cần nói rằng tin tức tôi biết, vàng bạc ở nhà
Ngũ-kiếm là do mình lập kế, hay cứ đổ diệt cho Ngũ-kiếm đi cướp?

– Không! Không nên.

Trưng Nhị bàn: Không phải chúng ta không tin Thiều Hoa, nhưng cái gương
Mỵ Châu còn đó. Đề phòng Thiều Hoa ngây thơ, nhẹ dạ. Đào hiền đệ cứ làm
như biết rõ vụ trộm này là do Ngũ-kiếm gây ra thực. Thiều Hoa là người
linh mẫn, bình thường không dễ gì tin chuyện đó. Nhưng tình sư tỷ, sư đệ quá sâu, Thiều Hoa sẽ tin. Còn Nghiêm Sơn, bình thường, chắc chắn y
cũng không tin như vậy. Nhưng y nhất thiết thương yêu Thiều Hoa, nên
cũng sẽ bị lầm lẫn trong mấy ngày. Rồi khi y biết sự thực, có hối cũng
muộn.

Đặng Thi Sách nói:

– Chúng ta làm như vậy sẽ thành công đấy. Song vu oan cho Ngũ-kiếm thì ta thấy trái… đạo lý.

Trưng Nhị cười:

– Phục quốc thì đến mạng sống của chúng ta còn không thiết, huống hồ dùng sảo kế.

Quý Lan nói tiếp:

– Nếu trường hợp Thái-thú không tin, bắt giam Ngũ-kiếm, thì dễ quá. Bấy
giờ, Đào, Nguyễn hai người cứ vào nhà lao cứu họ ra. Gây một trận đấu
thiên kinh động địa. Tất cả quân sĩ, võ sĩ sẽ biết mặt hai em. Sau đó
hai em trở về phủ Lĩnh-nam công thăm sư tỷ và ở đó với sư tỷ.

Đào Kỳ ngơ ngác không hiểu, Phương Dung nói :

– Chúng em ở phủ Lĩnh-nam, các tướng sĩ tất nhận được mặt. Chúng sẽ
chẳng ngần ngại gì mà không báo cáo với Tô Định. Tô Định vốn tỵ hiềm với Nghiêm đại ca, thế là sự chia rẽ hai người đã thành công.

Trưng Trắc nói :

– Ta sợ khi lâm sự, Thiều Hoa lại bắt hai em giao cho Tô Định thì hỏng hết đại cuộc.

Đào Kỳ cười hì hì :

– Hoàng sư tỷ với em tình như chị em ruột. Từ trước đến giờ, sư tỷ chăm
sóc em như mẹ đẻ. Em biết chắc, nếu cần phải chết thay cho em, người
cũng làm.

Quý Lan ngoắc tay ra hiệu chấm dứt :

– Thôi, việc cứ thế mà làm.

Trưng Nhị, Đào Kỳ, Phương Dung ăn cơm xong, lấy ngựa lên đường. Buổi
chiều hôm đó, tới Luy-lâu. Luy-lâu là thủ-phủ của đất Giao-chỉ, cũng là
thủ đô của Lĩnh Nam. Người ngựa tấp nập. Quân sĩ tuần hành nghiêm mật.
Trưng Nhị dắt Đào Kỳ, Phương Dung vào một tửu lầu lớn, gọi mấy món ăn,
ngắm thiên hạ qua lại.

Trưng Nhị giảng giải :

– Chị nói cho các em nghe. Luy-lâu là thủ đô Lĩnh Nam. Phủ Lĩnh Nam công chia ra làm ba cơ quan chính. Một là tòa Tư-đồ coi về hành chính. Hai
là Tư-không coi về lễ nghĩa, học hành, canh nông, tiền bạc. Ba là Tư-mã
coi về quân sự. Tư-đồ, Tư-không thì không đáng kể, còn Tư-mã thì do
người cầm đầu Hợp phố lục hiệp thống lĩnh. Y tên là Lưu Nhất Phương,
người Hợp-phố, thuộc Quế-lâm.

Phương Dung ngắt lời:

– Như vậy, y là người Việt? Tại sao y là người Việt lại được Nghiêm Sơn cho giữ toàn quyền quân sự? Lỡ y phản thì sao?

Trưng Nhị gật đầu:

– Em đặt câu hỏi thực đúng. Ta cũng không hiểu sao Nghiêm Sơn là người
Hán lại trọng dụng Hợp-phố lục hiệp. Y cho mỗi người giữ một chức vụ
quan trọng. Lưu Nhất Phương võ công cao hơn Nghiêm Sơn, về tài dùng binh thì thua Nghiêm một bậc. Y được Nghiêm phong chức Uy-viễn đại tướng
quân.

Đào Kỳ hỏi:

– Nghiêm đại ca dùng binh giỏi lắm sao?

Trưng Nhị gật đầu:

– Hiện khắp Trung-nguyên, không ai dùng binh giỏi bằng Nghiêm. Em phải
biết phân biệt những người lãnh đạo làm ba loại: Một loại hùng tâm,
tráng khí, chí những toan nuốt sao Ngưu, sao Đẩu, nhã lượng, cao trí,
tính tình thuần hậu, có tài dùng người. Họ là loại đế vương như Thành
Thang, Văn-vương, Hán Cao-tổ. Đất Lĩnh Nam mình như Thục An Dương vương. Hiện vua Quang Vũ nhà Hán có tài này.

Phương Dung tán thành:

– Loại người này cần đức chứ không cần tài. Vì tài thì đã có Y Doãn, Chu Công, Khương Thượng, Trương Lương, Tiêu Hà, Hàn Tín. Thời Âu-Lạc mình
thì có: Vạn-tín hầu Lý Thân, Cao-cảnh hầu Cao Nỗ, Trung-tín hầu Vũ Bảo
Trung, Phương-chính hầu Trần Tự Minh.

Trưng Nhị gật đầu:

– Em còn nhỏ tuổi, kiến thức đã đến dường này, chỉ vài năm nữa, chị cũng không địch lại em.

Ngừng một lúc, nàng tiếp:

– Còn loại thứ nhì thì trông rộng, nhìn xa. Ngồi trong màn mà quyết
thắng ngoài ngàn dặm. Trên thông thiên văn, dưới thông địa lý. Mưu thần, chước thánh. Đó là những người như Y Doãn, Chu Công, Khương Thượng,
Trương Lương, Tiêu Hà, Hàn Tín. Nghiêm Sơn là loại này.

Phương Dung suy nghĩ rồi nói:

– Còn loại thứ ba, họ là người biết điều binh khiển tướng, xung phong hãm trận. Đó là những chiến tướng.

Trưng Nhị mỉm cười, vuốt tóc Phươg Dung:

– Em thuộc loại thứ nhì. Còn Nghiêm Sơn, thì một kiếm cứu Quang Vũ, rồi
giúp Quang Vũ khởi nghĩa. Trước đại chiến Vương Mãng ở Côn-dương, chiếm
năm thành. Các đại tướng danh tiếng của Hán như: Đặng Vũ, Ngô Hán, Sầm
Bành, Cảnh Yểm, Mã Viện… đều do một tay Nghiêm Sơn tuyển mộ, đào tạo
ra. Em thấy không! Với một thanh gươm, dẫn Hợp-phố lục hiệp xuống Lĩnh
Nam, khiến các Thái thú cúi đầu tuân phục. Các Thái thú theo thói cũ,
vẫn giữ châu, quậän như một giang sơn riêng. Nghiêm chỉ là ông vua không quyền. Thế mà Nghiêm trở tay, nắm được Cửu-chân, Quế-lâm, rồi dần dần
nắm hết sáu quận. Bấy giờ Nghiêm mới thu hết quân lính của các Thái thú. Gần đây, Mã thái hậu kiếm chuyện với Nghiêm. Nghiêm vẫn hóa giải được.
Người như thế, Đào hiền đệ phải tìm cách gần y để học lấy bản lĩnh đó.
Sau này, phục quốc sẽ cần dùng tới.

Phương Dung nhìn xa xa, hỏi Đào Kỳ:

– Đào đại ca, Trưng sư tỷ, cũng như các cao nhân Lĩnh Nam như Nguyễn Tam Trinh, cha và các sư thúc của em cũng không hiểu nổi: Tại sao Nghiêm
Sơn cứ tìm cách thải dần quan lại người Hán, rồi tuyển người Việt vào
thay thế. Em có cảm tưởng như Nghiêm là người Việt, định biến Lĩnh Nam
trở lại thời Hùng-Vương, An Dương vương vậy. Đại ca có biết không?

Đào Kỳ suy nghĩ một lúc rồi lắc đầu.

Trưng Nhị tiếp:

– Tại Luy-lâu còn có phủ Thái-thú của Tô Định, và ty Tế-tác dưới quyền
y. Còn phủ Đô-úy, coi về quân sự thì đóng ở Long-biên. Đô-úy hiện là Lê
thái sư thúc của chị.

Đào Kỳ hỏi:

– Hiện quân đội của người Hán có bao nhiêu?

Trưng Nhị đáp:

– Tại mỗi quận thì có một Quân, tức khoảng 12,500 người, phân nửa là
Quân kỵ. Đó là lực lượng từ Trung-nguyên mang sang. Mỗi châu, huyện còn
có 5 Sư, tổ chức theo lối hỗn hợp, cứ hai người Hán thì có ba người
Việt. Như vậy, mỗi quận lực lượng hỗn hợp có khoảng 12,500 quân nữa. Tại mỗi huyện thì có một Sư người Hán 2,500 quân, toàn kỵ binh. Và, tùy
theo huyện lớn nhỏ, có từ một Sư hoặc một Lữ theo lối hỗn hợp một người
Hán, bốn người Việt. Trong các châu, trang, động thì các Lạc-hầu,
Lạc-tướng có tráng đinh riêng. Người nào yêu nước thì dùng tráng đinh
giữ trang, ấp mình. Người nào bán rẻ lương tâm thì dùng tráng đinh để
làm tay sai cho người Hán.

Đào Kỳ tính nhẩm:

– Tính tổng cộng, sáu quận, họ có 6 Quân, 75,000 quân Hán, 75,000 quân
hỗn hợp. Còn quân địa phương của các huyện thì không đáng kể. Với
150,000 quân tinh nhuệ, chúng ta phải làm thế nào mới thắng được?

Phương Dung hỏi:

– Liệu chúng ta co khích Nghiêm đại ca giết Tô Định được chăng?

Trưng Nhị lắc đầu:

– Người Hán muôn đời vẫn là người Hán. Nếu Nghiêm Sơn giết Tô Định tất
phải ly khai với Trung-nguyên. Hán đế sẽ sai quân sang đánh, thế là
người Hán dùng đất Việt làm bãi chiến trường. Nghiêm Sơn bại, đất Việt
bị hao tổn sinh lực vì chiến tranh, làm sao ngóc cổ dậy được? Còn nếu
Nghiêm thắng, y lại trở thành một thứ Triệu Đà thứ nhì mà thôi… Hà,
bây giờ chúng ta tìm chỗ trọ đi là vừa.

Phương Dung cười:

– Thì cứ đến phủ Lĩnh-nam công mà ở, việc gì phải tìm chỗ trọ? Ta đến đó để được ăn cơm gà, cá gỏi, do bọn Hán hầu hạ. Rồi đêm tới, ta đột nhập
phủ Thái-thú có gì khó đâu?

Rồi nàng hạ thấp giọng:

– Nếu Nghiêm đại ca có hỏi Trưng sư tỷ là ai, chúng ta cứ nói. Đó là đệ
tử của sư thúc Thế Hùng. Vừa qua mặt được Nghiêm, vừa qua mặt được Thiều Hoa. Nhưng chị nhớ phải kêu Đào đại ca bằng sư huynh đấy nhé.

Ba người ăn xong, hỏi thăm đường tới phủ Lĩnh-nam công. Phủ Lĩnh-nam
công nằm bên bờ sông, rộng mênh mông. Trông xa xa, có hàng trăm nóc nhà
ngói đỏ hiện ra giữa những hàng cây xanh tươi. Giữa các dãy nhà đó, một
dinh thự cao đến ba tầng nổi bật lên trên. Trước tòa nhà cao, có một cái hồ lớn. Giữa hồ, có một cái đảo nhỏ. Trên đảo dựng một căn nhà thủy tạ, có cầu bắt vòng vào bờ. Kỵ binh từng đoàn, tuần phòng ngoài hàng rào
phủ.

Đào Kỳ thấy vậy, nghĩ thầm:

– Nghiêm đại ca oai thực.

Chàng đi với Trưng Nhị, Phương Dung tới cổng phủ. Lính Hán giữ cửa cản lại hỏi:

– Các người đi đâu?

Đào Kỳ ngồi yên trên mình ngựa, hất hàm:

– Ta muốn gặp tỷ phu ta là Nghiêm Sơn.

Tên lính canh thấy một thiếu niên dám kêu tên chúa tướng ra thì muốn
quát tháo, mắng chửi. Nhưng khi y nghĩ đến chữ tỷ phu thì giật mình:

– Cậu là?

Đào Kỳ không thèm nhìn hắn, ngửa mặt lên trời, nói:

– Ta là em của Nghiêm phu nhân.

Nghiêm Sơn trị binh rất nghiêm. Chàng là người võ lâm xuất thân, tinh
thần hào sảng, thưởng phạt công minh nên được binh sĩ nể phục. Thiều Hoa lại ôn nhu văn nhã, võ công cao cường. Nàng đẹp như tiên nữ, khiến bọn
lính Hán coi nàng như tiên nga giáng phàm. Nay chúng thấy một thiếu niên anh tuấn đi cùng hai thiếu nữ xinh đẹp thì tin ngay là thực. Y vội cầm
cái dùi đánh ba tiếng trống. Một tên ngũ trưởng từ trong chạy ra. Tên
lính chỉ Đào Kỳ nói:

– Cậu đây là em của phu nhân.

Tên ngũ trưởng chắp tay vái:

– Xin cậu chờ một tý, tôi vào bẩm phu nhân.

Một lát, Thiều Hoa từ trong đi ra. Thấy Đào Kỳ, Phương Dung đi với một
nữ lang xinh đẹp, nàng cúi chào nữ lang rồi dang tay ôm đầu Đào Kỳ vào
ngực, bẹo má chàng:

– Sao mãi hôm nay em mới tới thăm chị? Chị nhớ em muốn chết được. Nào, em vào đây. Mời hai vị cô nương nữa.

Thiều Hoa dắt tay Đào Kỳ vào phủ. Phủ là một ngôi nhà lớn hai tầng, bên
trong trang trí cực kỳ hoa lệ: Mười hai cái ghế bằng da hổ, trên tường
treo đầy những đèn lồng, mỗi đèn lồng có mười hai chuỗi minh châu, ánh
sáng tỏa ra lóng lánh.

Đào Kỳ chỉ Trưng Nhị nói:

– Đặng sư muội đây là đệ tử của chú em.

Thiều Hoa liếc nhìn Trưng Nhị không nghi ngờ:

– Chắc võ công sư muội cao lắm nhỉ?

Nàng bảo Đào Kỳ:

– Bây giờ chưa tìm thấy sư phụ, sư mẫu, em phải ở đây luôn với chị để chị em có nhau.

Thiều Hoa gọi tỳ nữ pha trà và chuẩn bị phòng ngủ cho ba người. Nàng gặp lại Đào Kỳ lòng đầy hân hoan:

– Nghiêm đại ca đi Đăng-châu chưa về. Tối nay chị dẫn em đi chơi thành phố Luy-lâu.

Phương Dung hỏi:

– Ở Luy-lâu này lính tráng nhiều quá, đi chơi làm chi? Lỡ xảy ra chuyện gì thì sao?

Thiều Hoa cười:

– Em đừng sợ từ tướng tới binh ở đây đều biết mặt chị hết. Chúng đâu dám vô lễ, vả chúng ta là con nhà võ, há sợ bọn bất lương ư? Hồi cách đây
mấy năm, Đào hiền đệ cùng chị đã đánh nhau với bọn thiết kỵ ở Long-biên
để cứu cô bé Tía. Em biết chuyện đó chứ?

– Em nghe anh Kỳ thuật lại.

Đào Kỳ ôn lại truyện cũ trong tâm, rồi hỏi:

– Cô bé Tía bây giờ ra sao?

Thiều Hoa đáp:

– Cô được Nguyễn Tam Trinh, Đệ-tứ thái bảo của phái Sài-sơn thu làm đệ
tử. Cách đây mấy tháng, trong dịp đi tìm em, chị ghé qua Long-biên thăm
bác Nguyễn Tam Trinh, có gặp lại cô bé đó. Cô đẹp đáo để, võ công tiến
mau không thể tưởng được. Cô lặn dưới nước muốn ngang với đệ tử của bác
Tam Trinh nữa. Cô nhắc đến em hoài. Nhưng hồi ấy, chị chưa tìm được em,
nên không nói cho cô ấy biết. Bác Nguyễn Tam Trinh đặt cho cô một cái
tên mới là Tử Vân, tức mây tím.

Thiều Hoa đứng dậy lấy trong hộp để trước mặt ra ba cái thẻ bài đưa cho Đào Kỳ, Phương Dung, Trưng Nhị mỗi người một cái, nói:

– Đây là tín thẻ. Người cầm thẻ này là những người vâng lệnh Quốc-công
đi công tác binh sự cơ mật. Dù chưởng quản phủ Tế tác đi nữa, cũng không có quyền hạch hỏi. Người cầm tín thẻ này là đại diện của Nghiêm đại ca. Cần việc gì, thì từ cấp Thái-thú, sư-trưởng trở xuống phải nghe theo.
Trường hợp các sư đệ, sư muội có gì khó khăn cứ đưa ra thì mọi chuyện sẽ êm thắm.

Trưng Nhị nhìn Phương Dung liếc một cái, ý muốn nói:

– Có cái này thì tha hồ mà tung hoành.

Thiều Hoa vào phòng lấy ra mấy bộ quần áo, giày dép thực đẹp đưa cho Đào Kỳ:

– Hôm gặp em ở Lôi-sơn, chị về may sẵn cho em đây.

Trưng Nhị ngẫm nghĩ:

– Người con gái Việt giàu tình cảm thế này, không thể là Mỵ Châu được. Ta nghi oan cho nàng mất rồi, quả đáng trách.

Một buổi chiều, Thiều Hoa sai đánh ra một cỗ xe lớn, trên xe có hai hàng ghế do hai con ngựa kéo. Phu xe là một tên kỵ binh người Hán. Y khép
nép cúi đầu trước Thiều Hoa. Thiều Hoa ngồi trước với Đào Kỳ, ghế sau để Trưng Nhị với Phương Dung. Nàng vẫy tay một cái, tên phu đánh xe ra
cổng phủ. Bốn tên lính người Hán cúi gập người lại chào nàng.

Phương Dung nói:

– Em coi bộ bọn lính nó sợ oai chị lắm phải không?

Thiều Hoa nói:

– Sợ mà làm gì? Trong khi chị chỉ là một Mỵ Châu.

Trưng Nhị là người đọc sách nhiều, nàng muốn giải tỏa mặc cảm cho Thiều Hoa, nên nghiêm nghị nói:

– Sư tỷ, em muốn khuyên sư tỷ một câu được không?

Thiều Hoa gật đầu:

– Sư muội cứ nói.

Trưng Nhị thong thả:

– Cách đây mấy trăm năm, Tấn phu nhân là người nước Tấn, lấy chồng nước
Tần, bà đã dùng tình yêu cản chồng, dùng uy quyền cản trở, cứu được Tấn
hầu, sử sách còn ghi. Nay chị là phu nhân Lĩnh Nam công, chứ làm chánh
cung hoàng hậu Hán đế cũng được đi, miễn là làm lợi cho người Việt.
Trước đây, Vạn-tín hầu Lý Thân cũng làm quan với Tần nhưng ông không vì
Tần để hại Việt, nên đời đời thờ kính ông. Sư tỷ với Mỵ Châu đâu có
giống nhau được?

Thiều Hoa nghe Trưng Nhị nói, nàng cảm thấy cô sư muội này đáng yêu quá. Nàng đưa mắt nhìn Trưng Nhị ngỏ ý cám ơn.

Xe đã đi vào thành phố. Dân cư đông đúc, người Việt, người Hán chen chúc nhau. Trai thanh gái lịch, quần áo sặc sỡ đủ màu. Bây giờ là tháng bảy, trời thường hay mưa Ngâu, nhưng khí hậu oi bức. Xe đi một vòng nữa tới
trung tâm thành phố, Thiều Hoa chỉ một tòa nhà lớn:

– Kia, phủ Thái-thú kia. Tô Định đang ở trong đó. Hồi này y và Nghiêm
đại ca không hòa với nhau. Y là người dưới, cầm quyền cai trị, vơ vét
của dân. Nghiêm đại ca là người hiệp nghĩa, nên đã cản trở y, vì vậy hai bên bất hòa. Trước đây, y cậy con trai giữ chức chưởng quản phủ Tế tác, nên hay tò mò vào chuyện của Nghiêm đại ca. Nhưng gần đây, con y bị
Ngũ-kiếm giết đi, phủ Tế tác không người trông coi, Nghiêm đại ca đã cử
người thay thế. Hiện Nghiêm đại ca đang đi điều tra vụ Ngũ-kiếm giết Tô
Phương, thì sáng nay, Ngũ-kiếm lại trở về. Tô Định là người linh mẫn, y
cho rằng Ngũ-kiếm không giết con y, vì theo y, nếu Ngũ-kiếm giết con y
mà còn về đây nạp mạng hay sao?

Phương Dung lắc đầu:

– Biết đâu Ngũ-kiếm về vì một mưu đồ khác thì sao?

Thiều Hoa gật đầu:

– Chị cũng nghi như vậy.

Đào Kỳ hỏi:

– Chị có biết Ngũ-kiếm hiện ở đâu không?

Đáp:

– Chúng cư ngụ ở Lan-trang phía nam Luy-lâu. Kìa, em nhìn thấy ngôi nhà ngói đỏ hiện lên giữa đám cây xanh, đó là Lan-trang đó.

Xe đi một vòng rồi trở về dinh. Ăn cơm chiều xong, Trưng Nhị nháy Thiều Hoa ra góc nhà nói nhỏ:

– Sư tỷ à! Đào sư huynh dường như muốn đi chơi riêng với Nguyễn cô nương thì phải. Ngặt vì vướng sư tỷ với em nên không dám nói ra đấy thôi.

Thiều Hoa tin thực, gật đầu:

– Sư đệ đã mười chín tuổi rồi, Nguyễn cô nương cũng đã mười tám. Họ có
tình ý với nhau, vì vướng ta cho nên không dám bộc lộ đấy thôi. Ta phải
để cho họ tự do mới được.

Nàng bảo Đào Kỳ:

– Tối nay em với Dung nên dẫn nhau ra phố ngắm cảnh Luy-lâu ban đêm cho vui. Chị sẽ nhờ Đặng sư muội ở nhà, giảng sách cho chị.

Đào Kỳ nhìn Trưng Nhị tỏ vẻ hiểu ý. Trưng Nhị cất tiếng hát:

Tinh nữ kỳ thù,

Sĩ ngã ư thành ngung,

Ái nhi bất kiến,

Tao thu trì trù.

(Có người con gái xinh đẹp, chờ ta ở góc thành. Yêu mà không gặp, vò đầu bứt rứt).

Thiều Hoa vì ít đọc sách nên không hiểu ý bài hát này. Còn Trưng Nhị,
Phương Dung, Đào Kỳ là những người đọc sách, nhìn nhau hội ý.

Nguyên Trưng Nhị muốn nhắn Đào Kỳ đêm nay gặp nhau ở góc thành chợ
Lan-trang, mà không tiện nói ra, nàng cất tiếng hát câu này trong Kinh
Thi, nói về một cặp tình nhân hẹn nhau ở góc thành, người yêu không đến, vò đầu vò tóc.

Trưng Nhị nói với Thiều Hoa:

– Em cần ra ngoài phố tìm người nhà, có lẽ em sẽ về hơi khuya, xin phép sư tỷ cho em đi.

Thiều Hoa dặn:

– Nếu em tìm không thấy, ngày mai chị đi tìm với. Nhớ về sớm nghe.

Trưng Nhị đi rồi, Đào Kỳ sang phòng Phương Dung, gõ cửa:

– Đi thôi.

Hai người dắt tay nhau ra phố. Đào Kỳ thuê một chiếc xe ngựa chỉ đường
cho xe hướng ra góc tây thành, nơi có Lan-trang. Khi xe quẹo theo hướng
bờ sông, đã thấy Trưng Nhị đứng đó. Đào Kỳ mời lên xe cùng đi. Người phu xe liếc Trưng Nhị một cái rồi ra roi cho xe chạy. Xe chạy qua mấy chỗ
đường gồ ghề, ba người xuýt bị hất khỏi xe. Bỗng Trưng Nhị quát lớn:

– Cho đến lúc này, các hạ còn chưa chịu xuất đầu lộ diện ư?

Nói rồi nàng chụp cổ tay người phu xe. Người phu xe nhảy vọt lên cao
tránh khỏi. Trưng Nhị phóng chưởng theo. Người đó còn ở trên không đã
biến chiêu thần tốc, tay phải biến thành chỉ phóng vào bàn tay Trưng
Nhị. Nếu Trưng Nhị tiếp tục phóng chưởng, chính nàng sẽ bị thương. Nàng
vội biến từ chưởng ra cầm nã chụp tay đối phương. Đối phương vung tay
trái thành quyền đánh vào vai Trưng Nhị. Trưng Nhị vận vai trái chịu
đòn, tay phải chụp tay trái người kia. Người kia thu tay lại, đáp xuống
đất, cười ha hả:

– Tản-viên song phượng quả là danh bất hư truyền.

Trong đời Trưng Nhị, chưa bao giờ nàng gặp một đối thủ có bản lĩnh như
thế. Nàng đã đánh dư trăm trận, thường chỉ hòa hoặc thắng, chứ chưa bao
giờ gặp một đối thủ võ công cao cường, biến chiêu thần tốc như vậy.

Người đó nói rồi cầm dây cương ghìm ngựa lại, nhảy xuống vệ đường, ngồi trên tảng đá cười hì hì, không nói gì.

Trưng Nhị chắp tay nói:

– Thực là cao nhân. Kẻ hèn này mắt kém không nhận được tôn giá là ai? Xin cho biết quý tính, cao danh được chăng?

Đào Kỳ nhớ ra tiếng nói của người này khá quen thuộc. Võ công, chiêu số
cũng khá quen nữa. Không biết mình đã gặp ở đâu mà không nhớ tên. Chàng
chợt nhớ lại, cách đây gần năm, một đêm chàng đi với Phương Dung và anh
cả của nàng là Nguyễn Anh sang Cổ-loa dò thám tin tức cha của Thánh
Thiên, giữa đêm gặp vợ chồng Vũ Công Chất và con gái là Vũ Trinh Thục bị gã họ Trần đuổi theo toan giết. Rồi, Lê Đạo Sinh xuất hiện, cứu thoát.

Hôm đó là ban đêm, hôm nay cũng vào buổi tối, vả lại người con gái đã
cải trang thành phu xe, nên mãi khi nàng lên tiếng, Đào Kỳ mới nhận
được:

– Vũ cô nương, lệnh tôn và lệnh đường hiện ra sao? Quý vị không ở với Lục-trúc tiên sinh nữa ư?

Đến lượt người phu xe giật bắn người lên, hỏi:

– Quả xứng đáng là hào kiệt đương thời. Thiếu hiệp, sao người biết rõ
chuyện của ta? À, tiểu muội mắt kém nhìn không ra, tỷ tỷ đây là Tản-viên nhất phượng hay nhị phượng? Tiểu muội cải trang có chỗ nào sơ hở mà tỷ
tỷ nhận được?

Trưng Nhị nói:

– Không dám, tôi là Trưng Nhị. Khi lên xe tôi tuyệt không nghi ngờ cô
nương là gái và biết võ công. Nhưng khi cô nương đánh xe, tay áo co lên, cổ tay trắng nõn, không hợp với da mặt hóa trang vàng khè. Đó là một
điểm sơ hở. Lưng cô nương lại như lưng ong, nếu tất cả phu xe trong
thiên hạ, lưng đều tròn đẹp như vậy chẳng hóa ra đất Lĩnh Nam này là thế giới thần tiên sao? Rồi khi xe gặp chỗ gập ghềnh, tôi cùng hai em đây
đều bị bắn lên hết, cô nương cũng bị hất lên và đã dùng đầu bàn chân đáp xuống sàn xe nhẹ nhàng. Khinh công ấy, những người đánh xe làm gì có?

Vũ Trinh Thục gật đầu:

– Tiếng đồn Tản Viên song phượng quả danh bất hư truyền. Vừa rồi, tiểu muội không nhanh tay, chắc phải mất mạng.

Trưng Nhị nói:

– Những người ngang tuổi cô nương võ công dường ấy, liệu có được mấy người?

Đào Kỳ tiếp lời:

– Vũ tỷ tỷ! Tỷ tỷ là ái nữ của Đệ-ngũ thái bảo Vũ tiên sinh của phái
Sài-sơn có khác, hành sự lỗi lạc. Tiểu đệ nghe nói, trong trang
Phượng-lâu đến đứa trẻ cũng có khí phách hùng tráng, quả thực không
ngoa.

Vũ Trinh Thục đang thắc mắc về Đào Kỳ. Nàng thấy đã kêu được tên nàng,
tên cha nàng, cả biến cố của nhà nàng bị nhục, được Lục-trúc Lê Đạo Sinh cứu nữa. Bây giờ y còn nhận ra môn hộ của nàng mới tuyệt. Nàng hỏi:

– Tiểu huynh đệ! Tuổi ngươi chưa quá hai mươi mà kiến thức đã quảng bác
đến thế, thực hiếm có trên đời. Những người như tiểu huynh đệ cũng dễ
biết thôi. Ta nghe nói, người con út của Đào hầu đất Cửu-chân có cơ
duyên học được võ công thượng thừa của Văn-Lang, Cửu-chân, Long-biên,
Tản-biên. Phải chăng là huynh đệ?

Đào Kỳ gật đầu:

– Kiến văn của tỷ tỷ quả không tầm thường.

Vũ Trinh Thục thở dài:

– Bố tôi thường cho đệ tử giả làm phu xe trong thành Luy-lâu để dò tin
tức giặc Hán. Ngặt vì phủ Tế tác của giặc Hán có nhiều người trong võ
lâm làm việc cho chúng, nên chúng tôi phải hóa trang. Hôm nay là ngày
đầu tiên tôi hóa trang tìm gặp Nhị Trưng thì bị bại lộ. Trưng tỷ tỷ,
thân phụ em lên Mê-linh để gặp Đặng chưởng môn phái Tản-viên. Chưởng môn cho biết tỷ tỷ đã về Luy-lâu, cho nên bố em vội vã trở về sai em cải
trang để đón tỷ tỷ, giúp tỷ tỷ một tay.

Trưng Nhị nói cho Vũ Trinh Thục tất cả những tin tức mình thu nhận được. Đêm nay định vào phủ Thái thú trộm đồ, để đổ oan cho Ngũ-kiếm.

Vũ Trinh Thục bàn thêm:

– Ở đây tai mắt của giặc rất nhiều nên chúng tôi đều giả làm người hầu
bàn ở khách điếm hoặc phu xe. Nếu từ nay tỷ tỷ muốn nhắn gì, hoặc muốn
đưa tin cho ai, chỉ việc đến các tửu lầu lớn, thấy những người hầu bàn
hoặc trên cổ, hoặc tay có quấn khăn màu lục, thì hỏi y: Anh có biết nhà
ông Văn ở đâu không?. Người đó hỏi lại:- Tôi biết có thầy lang tên Văn,
nhưng ông ấy tạ thế rồi. Vậy người cần gì khác không?. Bấy giờ tỷ tỷ
đáp:- Tôi cần mua một lượng Hùng hoàng. Câu đối thoại này ngụ ý chúng ta là người Văn-Lang, con cháu vua Hùng. Thế là tỷ tỷ có thể nhờ y được.
Những người đánh xe cũng tương tự.

Trưng Nhị bàn:

– Bây giờ Đào hiền đệ cùng Phương Dung tới Lan-trang gặp Ngũ-kiếm, còn
chị với Vũ sư muội đi ăn trộm ở phủ Thái thú. Sau khi ăn trộm xong,
chúng ta giả làm người của khách điếm đưa hành trang đến cho hiền đệ.
Chị sẽ dấu tang vật ăn trộm trong đống hành trang đó. Em đem cất vào một nơi nào thật kín trong nhà Ngũ-kiếm. Em nhớ dấu luôn tất cả những vàng, ngọc của Tô Phương cất trong hành lý của y mà em với Dung muội đã lấy
được ở Đăng-châu. Tô Định khám nhà, tìm ra những thứ đó, y càng tin rằng Ngũ-kiếm đã giết con y.

Phương Dung dục:

– Chúng ta tới Lan-trang đi.

Vũ Trinh Thục đánh xe chở hai người tới Lan-trang. Đào Kỳ xuống xe, làm
bộ móc tiền trả Vũ Trinh Thục đàng hoàng. Rồi bước đến cổng trang.

Phương Dung bảo hai người lính gác cửa:

– Các người vào báo với Ngũ-phương thần kiếm rằng có Nguyễn cô nương cầu kiến.

Ngũ phương thần kiếm là khâm mạng của Quang Vũ sang kinh lược đất Lĩnh
Nam. Họ giao du rất rộng với võ lâm hào kiệt. Người Việt tới tiếp xúc
với họ rất thường. Lính canh không mấy ngạc nhiên.

Tên lính Hán vào một lát thì cả Ngũ-kiếm đều trở ra. Họ thấy Phương Dung, Đào Kỳ thì cùng reo lớn lên:

– Nguyễn cô nương, từ hôm thất lạc ở Đăng-châu, chúng tôi đi tìm cô
nương và công tử khắp mơi đều không thấy. Không ngờ lại gặp hai vị ở
đây.

Họ mời Đào Kỳ, Phương Dung vào nhà, rót trà nước mời uống. Phương Dung nói:

– Huyện lệnh Đăng-châu thực xảo quyệt. Chúng dùng thuốc mê bắt Ngũ-kiếm
rồi giết công tử. Nhưng chúng nhanh miệng nói ngược rằng Ngũ-kiếm giết
công tử mới khổ chứ?

Hoàng kiếm buồn rầu:

– Chúng tôi bị thất lạc cô nương với công tử. Sau đêm đó trở về
Đăng-châu dò thám, nhưng không ra tin tức, đành trở về báo cáo sự việc
lên Thái-thú. Thái-thú đại nhân hẹn chúng tôi tối mai sẽ gặp người tại
phủ để nghe chúng tôi trình bày chi tiết sự việc xảy ra.

Đào Kỳ nói:

– Chỉ sợ Thái thú đại nhân lại nghe lời Huyện-lệnh, nghi ngờ Ngũ-kiếm
mới thực là phiền. Tôi hỏi thực quý vị, nếu Thái thú trở mặt bắt quý vị, quý vị tính sao?

Lam kiếm lắc đầu:

– Chúng tôi có kiếm trong tay, há để cho chúng muốn làm gì thì làm sao?

Phương Dung tiếp:

– Khi quý vị đại ca đi gặp Thái thú, anh em chúng tôi giả làm người tùy
tòng đi theo. Nếu canh ba mà quý vị không ra, chúng tôi phải vào cứu quý vị. Dù không cứu được người, cũng dí kiếm vào cổ vợ con y, bắt y phải
thả quý vị ra.

Bạch kiếm hỏi Phương Dung:

– Cô nương, hành lý cô nương với biểu huynh để ở đâu? Tối nay cô nương với biểu huynh ở đây chơi với chúng tôi, nên chăng?

Ý Bạch-kiếm muốn lưu hai người lại để làm nhân chứng trong vụ này, hầu
đối chất với Huyện-lệnh Đăng-châu. Họ không ngờ chính Phương Dung cũng
mong như vậy.

Đào Kỳ nói:

– Như thế, phiền quý vị quá. Chúng tôi chỉ ở đây cho đến khi tìm được công tử mà thôi.

Sáng hôm sau, Ngũ-kiếm lấy bảy con ngựa, rồi cùng Đào Kỳ, Phương Dung, tất cả lên đường đến phủ Thái-thú.

Tới nơi, họ đi thẳng vào, không bị xét hỏi gì cả, bởi lính gác cổng đều
thuộc phủ Tế-tác, đã thuộc mặt họ từ lâu. Vào tới sân, họ cột ngựa nơi
gốc cây trong vườn hoa, dặn Đào Kỳ, Phương Dung rằng:

– Hai vị chờ chúng tôi ở đây nghe.

Anh em Ngũ-kiếm đi vào tòa nhà chính. Đào Kỳ, Phương Dung theo bén gót.

Trong đại sảnh có tiếng hô lớn:

– Ngũ phương huynh đệ thuộc phủ Tế-tác cầu kiến Tô đại nhân.

Có tiếng nói dõng dạc:

– Mời vào.

Kỳ, Dung thấy hành lang bên cạnh không người. Cạnh đó có một phòng, hai
người bèn đẩy cửa bước vào. Đào Kỳ lấy ngón tay đục thủng giấy dán cửa,
ghé mắt nhìn. Bên trong là một sảnh đường lớn, trang trí hoa lệ, oai
nghiêm. Bốn góc có bốn bộ da hổ nhồi bông, trông như bốn con hổ sống.
Đại sảnh đèn đốt sáng chưng. Hai bức mành ngăn cách với hai phòng bên
cạnh làm bằng những chuỗi ngọc trai. Giữa đại sảnh có một cái bàn lớn,
bằng gỗ lim, khảm xà cừ, ánh sáng chiếu vào óng ánh.

Đào Kỳ nói nhỏ vào tai Phương Dung:

– Tên Thái-thú này mới qua mà đã giàu có muốn hơn Nghiêm đại ca nữa.

Một người bệ vệ, mặc quần áo lụa, đứng lên chào đón Ngũ-kiếm. Đào Kỳ nhận ra y là Tô Định. Y đứng lên đón Ngũ-kiếm:

– Ta chờ năm vị tới dự tiệc đã lâu. Nào, xin mời, rồi chúng ta sẽ bàn
chuyện sau. Đời người như vó câu qua cửa sổ. Chúng ta lưu lạc sang đất
Nam man này, không hưởng đi, mai sau sẽ hối tiếc.

Tô Định vỗ tay một cái, mười hai thiếu nữ Việt thướt tha từ trong màn
bước ra. Sáu người mặc quần áo lụa hồng, nhan sắc xinh đẹp, trên đầu họ
đều cài ngọc trai. Sáu người mặc quần áo xanh, bưng sáu cái khay đựng
sáu bình rượu. Sáu người con gái áo hồng, mỗi người cầm một nhạc khí:
nhị, tiêu, sênh, phách, đàn, trống cùng tấu lên một lượt. Họ tấu nhạc
Trung-nguyên. Sáu thiếu nữ áo xanh chia nhau đứng cạnh Tô Định và
Ngũ-kiếm rót rượu mời. Rượu được vài tuần, Tô Định quàng tay ôm một
thiếu nữ áo xanh vào lòng, rồi cười:

– Ngũ vị huynh đệ! Năm mỹ nữ này dành cho huynh đệ đấy. Cứ tự tiện. Con gái Nam man mát da mát thịt lắm.

Ngũ-phương kiếm tuy là người hiệp nghĩa, nhưng họ là những lãng tử giang hồ, không vợ, không con. Đi đến đâu, họ bỏ tiền ra, vào kỹ viện kiếm
gái. Thời bấy giờ, người Trung-hoa coi phụ nữ như một thứ đồ chơi. Vì
vậy, Ngũ-kiếm nghe Tô Định mời, thì không ngần ngại. Ngũ kiếm với tay,
mỗi người ôm một cô gái vào lòng.

Con hát nằm trong lòng Tô Định cầm ly rượu uống một ngụm, rồi ghé miệng
trái đào mớm cho y. Các con hát khác cũng làm như vậy với Ngũ-kiếm. Tô
Định vừa uống, vừa ăn. Tay y sờ soạng khắp người mỹ nữ. Mấy cô gái đứng
hầu rượu dường như quen với cảnh đó rồi, nên họ thản nhiên đứng nhìn.

Tô Định đặt chung rựơu xuống nói:

– Ngũ-phương huynh đệ! Huynh đệ cùng ta từ Trung-nguyên sang đây, có
phúc cùng hưởng, có họa cùng chịu. Ta tin các huynh đệ lắm. Nhưng trong
chuyến đi vừa qua, con ta mất tích, chắc chắn do Huyện-lệnh hại con ta.
Huyện-lệnh này là người của Tích Quang, còn tên giám sở Tế-tác Lưu
Chương vốn xuất thân đạo tặc. Chắc chúng mưu hại con ta chứ không sai.

Đào Kỳ, Phương Dung ngơ ngác một lúc rồi hiểu ngay:

– Tên Tô Định thật thâm hiểm. Con trai bị mất tích, Huyện-lệnh báo cáo
rằng do Ngũ-phương giết chết để đoạt của, vậy mà y vẫn bình thản coi như không có gì.

Hoàng kiếm thong thả thuật lại từ đầu đến cuối tất cả những diễn biến xảy ra tại Đăng-châu cho Tô Định nghe, rồi tiếp:

– Huyện lệnh Trương Thanh biết trót gây tai họa, nên mới biết đổ diệt
cho bọn tôi. Chỉ cần Tô đại nhân cho người đến nơi điều tra đám binh sĩ
người Hán là biết ngay.

Tô Định cười nhạt:

– Như vậy, Trương Thanh không dám hại con ta đâu. Các vị, cứ uống rựu
vui chơi đi, chúng ta sang đất Nam-man này cai trị, không hưởng đi còn
chờ gì nữa? À, quý vị biết không, hôm qua trong phủ ta bị trộm vào lấy
hết vàng bạc, châu báu của lão mẫu và bốn vị phu nhân của ta. Sáng dậy
ta mới hay. Các vị phu nhân đều bị xông thuốc mê, nên không biết gì cả.
Ta điều tra sơ khởi thì được biết kẻ trộm không phải là mhững người tầm
thường mà là những võ lâm cao thủ bậc nhất. Lính gác đều không biết gì.
Thôi! Chúng ta say đã.

Nói rồi, y bồng mỹ nữ trong lòng đặt nằm ngang trên bàn trước mặt y. Y
ghé miệng hôn lên khắp người thiếu nữ. Thiếu nữ khốn nạn nằm ngay như
người chết. Mắt cô nhắm lại, hai tay buông thõng. Hôn chán, y từ từ lột
quần áo cô gái ra ngắm ngía. Y nói:

– Các vị huynh đệ chắc đã biết thuật Thái âm, bổ dương rồi thì phải. Thuật này do danh y Biểu Thước tìm ra.

Lam-kiếm ngơ ngác hỏi:

– Tôi có nghe nói qua, nhung chưa bao giờ được hưởng. Tô đại nhân, người đừng tiếc công chỉ bảo cho tại hạ.

Tô Định cười:

– Thuật này giữ cho đàn ông tráng dương bổ thận, trường sinh bất lão.
Trước hết phải tìm con gái tuổi từ mười sáu tới hai mươi, không bệnh tật gì. Dùng rượu ngon đổ vào cửa mình, rồi ghé miệng mà uống. Rượu là
dương chất. Âm hộ con gái là âm chất. Âm dương hòa hợp với nhau, tạo
thành thuốc trường sinh bất lão. Sức khỏe dồi dào.

Đào Kỳ, Phương Dung là đệ tử danh gia. Cha mẹ, sư huynh, sư đệ đều là
người đạo đức. Một câu nói tục cũng chưa từng nghe qua. Bây giờ họ chứng kiến cảnh dâm đãng khủng khiếp của Tô Định, Đào Kỳ muốn lợm giọng, còn
Phương Dung thì cúi đầu xuống, không dám nhìn.

Ghi chú của thuật giả

Thuật Thái-âm bổ dương này rất dài, nhưng thu gọn lại trong mấy câu quyết sau :

Dục trường mệnh giả,

Dương nghi trọng niên,

Nữ đương thanh xuân.

Dương khả triều Bắc,

Nữ nghi Nam bình.

Thái cực âm thủy,

Dương tửu hòa chi.

Âm, Dương hòa hợp,

Mệnh tỷ Nam-sơn.

Nghĩa là : Muốn sống lâu, thì người đàn ông phải lớn tuổi, người đàn bà
phải ở tuổi thanh xuân (16-36). Khi ngủ thì đầu người đàn ông hướng về
phương Bắc, người đàn bà hướng về phương Nam. Dùng nước của vị trí cực
âm trong người đàn bà, hòa vơí rượu. Như thế thì âm dương hòa hợp, thọ
như núi Nam-sơn.

Về đời Tống, ngưới ta còn dùng các thiếu nữ xinh đẹp, đang tuổi thanh
xuân, tắm rửa sạch sẽ, nhét táo tầu vào âm hộ, rồi cho các cô ngồi luyện khí công, đưa tinh khí xuống âm hộ. Những trái táo đó, mỗi buổi sáng,
mấy ông nhắm với rượu nếp…

Thuật này chúng tôi đã trình bầy nhiều lần trong đại hội Sexology tại
Genève. (Xin đọc Giảng huấn tình dục bằng y học Trung-quốc, cùng tác giả do Thuvienvietnam.com, California, USD xb.2002)

Uống được vài tuần, Ngũ-kiếm đều chếnh choáng. Xích-kiếm ôm đầu nói:

– Rượu của Tô đại nhân nặng quá, tôi không chịu nổi nữa rồi.

Y đứng dậy, định bước đi, thì trời đất xoay vần rồi ngã xuống. Tiếp theo, Hoàng, Bạch, Hắc, Lam cũng ngã gục trên bàn.

Tô Định cười ha hả, hô lớn:

– Bay đâu, vào trói chúng lại.

Y vẫy tay cho tất cả mỹ nữ, hầu rượu ra ngoài để đám vệ sĩ vào dùng dây trói Ngũ phương kiếm lại.

Y cầm ly rượu uống một hơi rồi cười ha hả:

– Bây giờ tao chỉ việc khảo đả là ra ngay mọi việc, có khó gì đâu? Chúng mày quen thói cường đạo, giết con tao đoạt của, tao không làm gì được
hẳn? Ngu lắm con ơi.

Bấy giờ Đào Kỳ mới hiểu Tô Định muốn bắt Ngũ-kiếm mà không dám. Y phải
làm bộ bình tĩnh coi thường mọi sự để Ngũ-kiếm không đề phòng, rồi mời
Ngũ-kiếm uống rượu. Y biết Ngũ-kiếm là những lãng tử giang hồ, đầy kinh
nghiệm, y không dám cho thuốc mê vào rượu. Y mới bày ra trò “Thái âm, bổ dương”, cho thuốc mê vào âm hộ mấy thiếu nữ. Ngũ phương kiếm rót rượu
vào đó uống, nếu cảm thấy có mùi vị gì khác thì chỉ tưởng đó là mùi xuất ra từ tử cung các thiếu nữ.

Đào Kỳ, Phương Dung vội lẻn ra vườn hoa, lấy ngựa phi thẳng về nhà Ngũ-kiếm. Tới nhà thì gia nhân nói:

– Sáng nay quý vị vừa đi khỏi thì người của khách điếm mang hành lý đến cho quý vị.

Phương Dung mang hành lý vào phòng mở ra thì thấy một gói đầy vàng bạc, châu báu, không thiếu thứ gì. Nàng bảo Đào Kỳ:

– Trưng Nhị với Vũ Thục Trinh thực giỏi. Vào phủ Thái thú ăn trộm như thò tay vào túi lấy đồ vậy.

Nàng chia vàng bạc, châu báu, để lẫn với số vàng bạc, châu báu của Tô
Phương, chia làm năm phần bằng nhau, rồi đem giấu dưới giường Ngũ kiếm.

Đào Kỳ nói:

– Ngũ-phương kiếm, các người với ta vốn không thù oán, sở dĩ ta phải bày ra việc làm trái đạo lý này cũng chỉ vì việc quang phục mà thôi.

Xong việc, chàng cùng Phương Dung ra ngoài, gọi gia nhân dặn:

– Chúng tôi phải tới phủ Thái thú gặp năm vị đại nhân.

Rồi lấy ngựa phi thẳng về phủ Lĩnh-nam công. Lính gác mở cửa cho chàng
với Phương Dung vào. Thiều Hoa thấy Đào Kỳ về, nàng cười tủm tỉm:

– Em tôi với Phương Dung đi chơi vui vẻ chứ?

Trong tâm tư, Thiều Hoa tưởng Đào Kỳ, Phương Dung đi chơi suốt một đêm
với nửa ngày, nên nàng nhìn tiểu sư đệ cười tủm tỉm, chế nhạo.

Phương Dung hỏi Thiều Hoa:

– Sư tỷ, Đặng sư muội đâu?

Thiều Hoa nói:

– Đặng sư muội hôm nay dậy hơi trễ, còn ngồi trong phòng chờ các em về ăn cơm.

Đào Kỳ vòa phòng khách thấy Trưng Nhị đang ngồi đánh đàn. Tiếng đàn du
dương khi bổng, khi trầm, âm thanh réo rắt mà kéo dài vô tận. Chàng chưa được nghe bản nhạc này bao giờ, ngồi thả hồn theo tiếng nhạc. Hết khúc
đàn, Trưng Nhị ngưng lại, mỉm cười.

Thiều Hoa hỏi:

– Đặng sư muội, sư muội đánh khúc đàn gì vậy?

Trưng Nhị nói:

– Đó là khúc “Xuân giang dạ vũ” (Khúc hát mùa xuân trên sông). Khúc này
diễn tả lúc Trương Chi ngồi trên thuyền dưới mưa xuân, vọng lên lầu để
tìm hình bóng của Mỵ Nương. Nhưng không thấy nàng, thành ra tiếng đàn
buồn man mác, như nhớ, như thương.

Một tên lính từ ngoài vào, khom lưng hành lễ:

– Bẩm phu nhân, Quốc-công đã về.

Thiều Hoa đứng dậy, mở cửa nhìn ra. Nghiêm Sơn cùng mấy võ quan đang ruổi ngựa vào sân. Chàng xuống ngựa vào nhà. Thiều Hoa hỏi:

– Đại ca đã về đấy à? Có tin gì vui không?

Nghiêm Sơn đáp:

– Tin vui nhất của anh là được nghe tiếng em nói, được nhìn thấy em cười.

Thiều Hoa nghiêm mặt:

– Tiểu sư đệ với Nguyễn cô nương tới chơi từ hôm qua. Mang theo cả nữ đệ tử của sư thúc nữa.

Nghiêm Sơn là người đạo nghĩa, chàng nhớ ơn Đào Kỳ đã tác thành cho
chàng với Thiều Hoa. Nhất là cậu tiểu sư đệ này không nhớ cái thù chàng
đánh phá Đào trang thủa xưa. Nên khi nghe nói Đào Kỳ đến, chàng tươi
ngay nét mặt:

– Đào tiểu sư đệ, ta mong sư đệ quá. Thế nào, Nguyễn cô nương, việc 36
động Nam Mê-linh xong cả rồi chứ? Huyện-uý Mê-linh báo về rằng 36 động
đã thống nhất thành châu Lôi-sơn, do Trần Năng làm châu trưởng. Trong
châu tổ chức phòng bị rất nghiêm cẩn. Về tổ chức, không còn cảnh người
hiếp người, người bóc lột người nữa. Lão Đinh đã chết, như vậy ta trả
xong nợ cho cô nương rồi nhé.

Đào Kỳ chỉ Trưng Nhị giới thiệu:

– Đây là Đặng sư muội. Sư muội là đệ tử của sư thúc. Sư muội cùng đi với chúng em lên đây để tìm người thân.

Nghiêm Sơn yêu thương Thiều Hoa rất mực, nên những gì liên quan đến
Thiều Hoa chàng đều sủng ái hết. Huống hồ, mặt Trưng Nhị đẹp như trăng
rằm, dung quang khác thường. Chàng nói:

– Nữ đệ tử Đào trang, người nào cũng xinh đẹp, mà võ công, đức hạnh còn hơn nữa.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN