Động Đình Hồ Ngoại Sử - Chương 7: Màn mưa tưởng tuyết xông pha Nghĩ thôi lạnh lẽo kẻ ra cõi ngoài
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
196


Động Đình Hồ Ngoại Sử


Chương 7: Màn mưa tưởng tuyết xông pha Nghĩ thôi lạnh lẽo kẻ ra cõi ngoài


Đoạn này thuật cuộc chiến của đạo binh Ngô Hán, mà Phùng Vĩnh Hoa làm quân sư.

Sau khi rời bản doanh của Nghiêm Sơn, Ngô Hán cùng các anh hùng Lĩnh Nam lên đường trở về Hán-trung. Mấy năm qua y lĩnh chức Xa kị đại tướng
quân, thống lĩnh binh mã Hán-trung, Tây-lương, Trường-an cùng với Đại tư mã Đặng Vũ đánh Thục. Y gặp phải tướng cầm quân Thục là Thái tử
Công-tôn Tư, văn võ kiêm toàn. Cạnh Tư có nhiều cao thủ phái Thiên-sơn.
Tướng sĩ hết lòng cố thủ trong thành Dương-bình quan hiểm trở, y bị thất bại mấy trận.

Lần hội quân với Nghiêm Sơn, với con mắt nhận xét của y, Thục tất bị
chiếm trong vòng một hai tháng là cùng. Quân sư Phương Dung, Trưng Nhị,
Vĩnh Hoa hứa giúp y vào Thành-đô trước, thì cái mộng làm chúa Ích-châu
trở thành sự thật.

Y từng ở dưới trướng Nghiêm Sơn mấy năm. Y biết Nghiêm Sơn có tài vương
bá, khéo thu phục lòng người. Chả vậy mà đám anh hùng Lĩnh Nam cảm nghĩa Nghiêm Sơn, theo giúp hết lòng. Phùng Vĩnh Hoa, y chưa biết tài nàng
cho lắm, còn Khất đại phu, Cao Cảnh Minh, y biết đó là những cao thủ bậc nhất thiên hạ. Vĩnh Hoa mang theo đội Thần-báo, Thần-hổ, mỗi đội 300
con, chuyên chở trên hơn 600 cỗ xe. Nếu hai bên đang giao tranh, mà xua
đội Thần-báo, Thần-hổ vào tấn công địch, phần thắng dễ dàng như không. Y là người đọc sách, đã được đọc tài liệu nói về Nỏ-thần Âu Lạc đặt trên
xe, bắn một lúc hàng ngàn mũi tên, tầm xa gấp đôi tên thường. Dọc đường, y còn nhận thấy đám anh hùng Lĩnh Nam tính tình giản dị. Họ đối xử với
nhau như anh em trong nhà. Y cũng xin Khất đại-phu cho phép gọi ông là
Thái sư-thúc như Phùng Vĩnh Hoa.

Phải mất đến hơn mười ngày mới về tới Hán-trung. Lập tức y cho mời hết
các quan văn võ, giới thiệu anh hùng Lĩnh Nam cùng mưu sự.

Từ ngoài vào bản doanh phải qua nhiều trại quân. Giáp sĩ đi đứng uy
nghiêm hùng tráng, binh sĩ kỷ luật. Trần-gia tam nương là đệ tử của
Thiên-thủ Viên-hầu Lại Thế Cường, từng thao luyện tráng đinh, hùng cứ
một vùng chống Tô Định. Ba nàng thấy quân phong, quân khí Ngô Hán, nói
nhỏ vào tai Phùng Vĩnh Hoa:

– Trưng sư tỷ dự tính giúp Ngô Hán chiếm Ích-châu, để sau này không còn
sợ y cầm quân đánh nhau với Lĩnh Nam cũng phải. Xem quân khí thế này, y
chỉ thua có Nghiêm đại ca mà thôi.

Hồng Nương cất tiếng khen:

– Ngô đại tướng quân, tôi thấy các đạo quân Lĩnh Nam, Kinh-châu,
Hán-trung. So sánh chung, quân khí đạo Lĩnh Nam hơn hết. So về quân
phong thì đạo Hán-trung là đệ nhất. Hèn gì trên đường từ Lĩnh Nam sang
đây, Lĩnh-nam vương không tiếc lời ca ngợi tướng quân.

Ngô Hán là một loại anh hùng, y nói:

– Đa tạ cô nương khen ngợi. Trước tôi chỉ là một tên nhà quê, cắp gươm
theo hầu Lĩnh-nam vương, được Vương gia chỉ dạy cho rất nhiều.

Ngô Hán truyền đánh trống, tụ hội tướng sĩ nghe lệnh. Các tướng tề tựu đông đủ. Ngô Hán chỉ từng người một giới thiệu:

– Đây là Vũ-oai đại tướng quân Lưu Thương.

Cao Cảnh Minh buột miệng:

– Tại hạ ở Lĩnh Nam đã từng nghe danh. Mới đây được Lĩnh-nam vương nhắc
nhở: Lưu tướng quân tiễn lực, tiễn thuật đệ nhất Trung-nguyên.

Lưu Thương nghe trong đạo Lĩnh Nam có Thần-nỏ Âu Lạc, đều là đệ tử, cháu của Cao Cảnh Minh. Cao Cảnh Minh là đệ nhất cao thủ tiễn thuật đời nay. Do đó, tuy đắc chí, nhưng y khiêm nhượng nói:

– Không dám, tiểu tướng hy vọng được Trường-yên đại hiệp chỉ dậy thêm.

Ngô Hán tiếp:

– Đây là Chinh-tây đại tướng quân Phùng Dị.

Phùng Vĩnh Hoa kêu lên:

– Lĩnh-nam vương thường nhắc nhở: đến võ lâm trung nguyên mà không được
gặp Sầm-Phùng-Mã thì coi như chưa biết gì về võ công. Không biết các vị
Sầm Bành, Mã Vũ có ở đây không?

Phùng Dị đáp:

– Hai vị đó ở đạo Kinh-châu.

Phùng Vĩnh Hoa nhìn các tướng Hán, nàng đọc được trong con mắt họ những vẻ nghi ngờ về khả năng của nàng. Nàng lờ đi, tự nhủ:

– Những người này, một đời đọc binh thư, ngồi trên mình ngựa, mạng sống
của họ nay còn mai mất, họ thấy mình còn trẻ, nghi ngờ là phải. Chưa
chắc mình đã bằng họ. Sư phụ mình thường bảo: Ngoài bầu trời này có bầu
trời khác. Trung Nguyên đất rộng người nhiều, là nơi phát tích văn minh
lâu đời, chính những sách mình đọc đều của người Hán. Mình chẳng nên coi thường thiên hạ.

Tham quan Vương Hữu Bằng trình bày:

– Nguyên soái đi mấy ngày, chúng tôi tiếp được lệnh chỉ của Lĩnh-nam
vương Tả tướng quân, bắt các Thái-thú Lũng-thượng, Đông-xuyên, Trường-an đem tinh binh bổ sung. Chúng ta hiện có đủ tinh binh. Còn thêm mấy vạn
mới đến đóng ở Nam Trịnh, chờ lệnh Nguyên-soái. Lương thảo gia nạp đủ,
thừa nuôi quân trong ba năm. Lừa ngựa khí giới hùng tráng, cho nên tinh
thần các tướng sĩ rất hứng khởi. Chờ Nguyên-soái về là tiến quân.

Ngô Hán gật đầu:

– Lĩnh-nam vương gia dùng ba quân sư đều là nữ, mỗi đạo một người. Các
nữ quân sư có võ công cao. Ba nữ quân sư đã thiết kế bổ xung binh sĩ
bằng cách chọn lấy những người khỏe mạnh, kinh nghiệm chiến đấu gửi cho
mặt trận, chứ không lấy tân binh. Các địa phương phải tuyển tân binh bổ
xung chỗ thiếu hụt.

Các tướng sĩ nhìn Vĩnh Hoa với con mắt thán phục đôi chút. Vĩnh Hoa hỏi:

– Muốn thắng giặc phải biết mình trước, xin Tham-quân cho tôi biết chi tiết về quân số, đồn trú hai bên.

Vương Hữu Bằng đem ra tấm bản đồ lớn chỉ lên:

– Quân Hán có 25 vạn bộ, 5 vạn kị, 3 vạn thủy binh, đây là lực lượng cơ
động đánh giặc. Bên giặc có 15 vạn bộ, 5 vạn kị, 5 vạn thủy tất cả đều
cơ động. Về ý đồ của giặc thì chỉ muốn giữ lấy Ích-châu. Biệt lập như
một nước, đợi thời kéo ra đánh Trung-nguyên. Như trước đây đức Cao Tổ
nhà Hán đã dùng để đánh Sở Bá Vương Hạng Võ. Nhờ vậy mà chúng ta chiếm
được ưu thế. Trong các thành Võ-đô, Hồng-nguyên, Tùng-khê, Bình-võ,
Nam-bình, Bà-trung, Thông-giang mỗi thành có hơn hai vạn, vừa kị, vừa
bộ, vừa thủy. Tổng cộng 20 vạn nữa, lực lượng cơ động đóng
Dương-bình-quan và Kiếm-các. Tính chung thì lực lượng cơ động của ta là
33 vạn, rất tinh nhuệ, đa số thuộc đất Thục, một số thuộc các bộ lạc ở
phía Tây đưa về.

Vĩnh Hoa hỏi tiếp:

– Còn các tướng của giặc như thế nào?

– Tổng chỉ huy toàn miền Bắc Ích-châu, là con trưởng Công-tôn Thuật, tức Thái-tử Công-tôn Tư, năm nay 30 tuổi. Y học kiêm Bách-gia, Chu Tử,
Lục-thao, Tam-lược, tính tình lại ôn hòa, biết trọng hiền tài, thương sĩ tốt, đối với dân chúng coi như con đẻ. Y được Công-tôn Thuật tin yêu,
định nhường ngôi vua cho. Về võ công y đứng vào bậc nhì Ích-châu, chỉ
thua có sư phụ, sư thúc mà thôi.

Vĩnh Hoa nhìn Ngô Hán:

– Khi đi đường đàm luận với Ngô tướng quân, tôi thấy Ngô tướng quân lược thao gồm tài, mà bị thua mấy trận, đã đoán giặc có nhiều ưu thế đặc
biệt. Xin Tham-quân tiếp cho.

– Quân sư bên giặc là Tào Mạnh, tước Trung-lang tướng, thầy dạy Văn cho
Công-tôn Tư. Thục còn có 8 tướng nữa, hầu hết văn võ kiêm toàn. Đứng đầu là Lũng-tây vương Triệu Khuôn, sư phụ Công-tôn Tư, sau đó là Phiêu-kị
đại tướng quân Nhiệm Mãng, tước phong Vũ-dương hầu. Dưới quyền Công-tôn
Tư, còn 7 người sư huynh, sư đệ của y, đều võ công kinh thế.

Phùng Vĩnh Hoa hỏi kỹ về địa thế rồi nói:

– Trước đây chúng ta đã đánh những trận nào?

Ngô Hán chỉ lên bản đồ:

– Lần đầu tiên chúng tôi tiến đánh Nam-bình, Võ-đô và Dương-bình-quan,
hạ được Nam-bình, thì giặc tiến công chiếm mất Tử-dương, chúng cũng lấy
lại Nam-bình, trận này coi như hòa. Lần thứ nhì chúng tôi dẫn quân đánh
Dương-bình quan, thắng giặc ba trận, đến trận thứ tư bị bại vì Thiên Sơn thất hùng bất thần xuất trận, các tướng Hán không ai địch lại, chúng
tôi bị thua. Trận cuối cùng chúng tôi đánh Võ-đô, giặc xuất raở
Dương-bình quan, đánh cắt đường tiếp tế, chúng tôi lui về Hán-trung.
Trận này tôi bị bại nặng, Kiến-võ hoàng-đế thân chinh ra tra xét, thấy
giặc quá mạnh mới ủy Lĩnh-nam vương, Tả tướng-quân từ Lĩnh Nam về chinh
tiễu. Chính ngài phán rằng, đất Lĩnh Nam nhiều đại tôn sư võ học, có thể giúp Hán thành công.

Các tướng sĩ ngồi nhìn Vĩnh Hoa, xem nàng giải quyết ra sao, Vĩnh Hoa thản nhiên nói:

– Tham-quân vừa nêu ra 5 ưu điểm của giặc, Lĩnh-nam vương Tả-tướng, với
chúng tôi đã biết những điều đó, dự trù cách phá rồi. Lợi thế thứ nhất
của giặc là đông hơn ta. Nay đã bị mất, vì ta thêm đạo Kinh-châu cả
thủy, bộ, kỵ lên tới 30 vạn. Cộng chung ta có số quân cơ động, đông gấp
đôi giặc. Lợi thế thứ nhì là địa thế giặc cũng mất, vì ta chia ra 3 mặt
tiến đánh. Bây giờ lợi thế thứ nhì của giặc hóa ra lợi thế cho ta. Lợi
thế thứ ba của giặc là tướng sĩ đồng lòng, nay ta có Lĩnh-nam vương
Tả-tướng ở trên, thống lĩnh ba đạo, lợi thế thứ ba ta cũng có, coi như
ngang với giặc. Lợi thế thứ tư của giặc là được lòng dân, thì Lĩnh-nam
vương ra truyền hịch cho dân chúng biết, làm cho lòng quân, tướng giặc
xôn xao, thì thế này của giặc cũng bị tê liệt. Lợi thế thứ năm là tướng
giặc võ công cao hơn ta, nay ta hơn giặc gấp bội. Đất Lĩnh Nam về võ
công, anh hùng hào kiệt nhiều không biết bao nhiêu mà kể. Theo Lĩnh-nam
vương, có gần trăm đại cao thủ, ta không sợ giặc nữa.

Ngừng một lát Vĩnh Hoa tiếp:

– Đạo quân Kinh-châu có kế hoạch sẵn, chỉ trong ba ngày phải đánh
Công-tôn Thiệu một trận, để y mất nhuệ khí về dùng binh giỏi. Đánh bại
Công-tôn Thiệu, Vũ Chu cho Thục mất uy thế võ công. Sau đó chiếm
Xuyên-hẩu, kế hoạch phải thực hiện trong 10 ngày, giờ này quân Hán đã
vào Xuyên Khẩu, đang đánh thành Bạch Đế.

Các tướng sĩ nhìn nhau, họ bắt đầu nhìn Vĩnh Hoa bằng con mắt khâm phục, Vĩnh Hòa tiếp:

– Giặc tin tưởng vào dãy núi Kim-sơn cao 2000 trượng, tuyết phủ quanh
năm, không đề phòng mặt Giang-an, tin tưởng địa thế Độ-khẩu, họ không có nhiều quân ở Độ-khẩu, Đức-xương. Nhưng Công-tôn Thuật quên mất rằng đất Lĩnh Nam toàn đồng lầy, sông ngòi. Anh hùng hiệp sĩ vùng này lội nước
như cá. Ta đã có kế hoạch vượt sông Nhã-giang, Định-hà, tung kị binh
đánh Độ-khẩu, Mễ-dịch, Đức-xương, Phổ-khách, Tây-xương, Việt-tây. Giặc
thấy miền Nam thất thủ, tất kéo quân về đây phòng thủ, ta chỉ đánh một
trận là lấy được Dương-bình quan, Kiếm-các.

Các tướng sĩ nghe Phùng Vĩnh Hoa phân tích tình hình mới tỉnh ngộ, Phùng Vĩnh Hoa nhìn xuống các tướng, thấy một tướng trẻ là Đỗ Mạo, nàng nói:

– Phiền tướng quân mang theo 10 quân kị dẫn đường, tôi quan sát Dương-bình quan một chuyến.

Hoành-giã tướng quân Vương Thường nói:

– Xin cô nương cẩn thận mang theo nhiều binh sĩ một chút, vì sợ bên giặc đổ ra bất thần.

Phùng Vĩnh Hoa cười:

– Tôi tuy võ công không cao, nhưng thanh kiếm này không dở.

Nàng rút kiếm đánh ra 10 chiêu, ánh thép lóe lên, kiếm chiêu bao trùm
một vùng, rồi tra kiếm vào vỏ đến cách một, tiếng, các tướng Hán giật
mình, không ngờ một thiếu nữ xinh đẹp, nho nhã như thế mà kiếm pháp lại
hiểm ác, bao hàm sát thủ khủng khiếp.

Quế Hoa, Quỳnh Hoa đều nói:

– Sư tỷ cho em đi với!

Vĩnh Hoa gật đầu đồng ý.

Đoàn người lên ngựa hướng Dương-bình quan, dọc đường Vĩnh Hoa quan sát
địa thế rất kỹ càng. Tới chân thành, nàng nhìn lên: Trên mặt thành binh
tướng đi lại tuần phòng hùng tráng. Bất thình lình cửa thành mở toang,
một đội thiết kị, khoảng 500 người, tiến về phía Vĩnh Hoa, khi còn cách
khoảng một dặm thì chia làm ba, ý định bao vây Vĩnh Hoa, Đỗ Mạo nói:

– Xin cô nương cẩn thận, giặc tới rồi, chạy ngay đi không nguy lắm.

Vĩnh Hoa gò ngựa đứng nhìn, nàng bảo Quế Hoa, Quỳnh Hoa:

– Hai em thử với giặc ít chiêu cho chị xem nào?

Quế Hoa, Quỳnh Hoa vọt ngựa ra, đám kị binh Thục thấy hai cô gái phi ngựa tới trước, thì ngừng lại.

Đỗ Mạo nói:

– Người đi đầu là Hổ-oai tướng quân Hầu Đơn, y là sư đệ của Công-tôn Tư, y giỏi về quyền cước, mà dở về kiếm thuật.

Hầu Đơn gò ngựa hỏi:

– Này, các ngươi định tới đây dò thám hả? Bộ hết muốn sống rồi chăng?

Phùng Vĩnh Hoa phi ngựa đến sau lưng Quế Hoa, Quỳnh Hoa chắp tay vái:

– Tiện nữ Phùng Vĩnh Hoa, đất Lĩnh Nam xin tham kiến, Hổ-oai đại tướng quân Cảnh-dương hầu, Hầu tướng quân.

Hầu Đơn đang tuần hành trên thành, thấy dưới thành có khoảng 20 người
đang chỉ chỉ chỏ chỏ, nghi rằng đó là thám mã của Hán, y điểm 500 kị
binh xuống bắt. Y tưởng bọn thám mã sẽ phải bỏ chạy, không ngờ khi đến
gần thì thấy Đỗ Mạo, với 10 kị binh đứng sau, còn phía trước có ba cô
gái khoảng 19, 20, ôn nhu, văn nhã, xinh đẹp chưa từng thấy. Nhất là
Vĩnh Hoa lại chào hỏi lễ phép, y cũng chắp tay đáp lễ:

– Tiểu tướng mắt kém, không biết các vị cô nương tới đây làm gì?

Vĩnh Hoa giả bộ ngây thơ:

– Chúng tôi từ Lĩnh Nam tới, nghe Dương-bình quan đang có chiến tranh,
muốn ra đây xem cho biết. Không biết tướng quân có thể cho tôi vào thành chơi, hoặc dạo quanh thành không?

Hầu Đơn đáp:

– Nếu ba vị cô nương thích thăm thành thì được, nhưng Thục và Hán đang
có chiến tranh, mà cô nương lại đi với quân Hán, e không được. Thôi để
ta bắt mấy quân Hán kia, rồi đưa cô nương vào thành.

Vĩnh Hoa lắc đầu:

– Tôi muốn để tướng quân bắt mấy tên Hán này, nhưng có có người không
đồng ý, đó là hai cô sư muội của tôi, chúng bảo võ công tướng quân không đáng cho chúng nể phục, vậy xin tướng quân dạy cho chúng vài chiêu được chăng?

Hầu Đơn là đệ tử phái Thiên-sơn, văn võ toàn tài, tính tình phong nhã, y thấy ba cô gái nhu nhã xinh đẹp muốn đấu võ với mình, thì ngẩn người ra một lúc rồi chắp nói:

– Không biết vị cô nương nào dạy bảo chúng tôi đây?

Quế Hoa từ mình ngựa vọt lên cao. Còn lơ lửng trên không nàng đãõ phóng
một chuởng chụp xuống đầu Hầu Đơn. Hầu Đơn là một cao thủ đất Thục, kinh nghiệm chiến đấu, thấy thế chưởng kỳ lạ,hùng mạnh đánh vào đỉnh đầu,
vội xuống tấn lùi lại tránh. Không ngờ Quế Hoa còn ở trên không, đá gió
một cái, người nàng vọt theo, chưởng lực đánh xéo vào sườn. Y trầm
người, đẩy xéo tay lên đỡ. Bùng một tiếng. Quế Hoa vọt lên cao, lộn đi
hai vòng,trông rất đẹp mắt, tay nàng biến thành trảo chụp xuống đầu Hầu
Đơn.

Hầu Đơn vừa đấu chưởng với Quế Hoa, y thấy chưởng lực đối phương rất
tinh diệu, kỳ ảo, như có như không, công lực dương cương, cánh tay tê
dại. Y chưa kịp định thần thì chảo đã chụp tới, y vung tay gạt, đánh trả một quyền, Quế Hoa đổi chảo thành chỉ, đâm vào ngực y đánh bốp một cái, y đau điếng người lùi lại mặt tái mét.

Quế Hoa là cháu của Khất đại-phu Trần Đại Sinh, nàng ở với ông từ thuở
nhỏ, được luyện tập rất tinh vi, võ công của nàng ngang với Hoàng Thiều
Hoa, hơn Lê Chân, Vĩnh Hoa một bậc, vì vậy Hầu Đơn mới bị thất bại trong vài chiêu.

Quế Hoa tiến lên ra chưởng nữa, chưởng phong ào ào chụp tới, vì đó là
chiêu Ác ngưu nan độ, trong Phục ngưu thần chưởng, Hầu Đơn hít hơi vận
đủ 10 thành công lực đỡ, người y lảo đảo lùi lại.

Từ nhỏ, Quế Hoa chỉ biết luyện tập, đấu với em là Quỳnh Hoa, chứ chưa
xuất trận bao giờ. Đây là lần đầu tiên đấu với người ngoài, nàng như con nghé tơ, thấy đối thủ là húc, không cần biết đối thủ lợi hại hay không
lợi hại. Nàng vận tay thành chỉ, đưa chân khí ra Thủ tam dương kinh, rồi truyền tới huyệt Thương-dương ở ngón trỏ, đó là một chiêu trong
Lĩnh-nam chỉ, mà Khất đại-phu với Đào Kỳ mới chế ra, chỉ phong phát ra
veo véo.

Phùng Vĩnh Hoa thấy Hầu Đơn là người có khí phách, không muốn giết y, vội hô:

– Ngừng tay!

Nhưng đã trễ, chỉ phát ra rồi, không thu lại được, Quế Hoa vội đổi
chiêu, véo một tiếng chỉ trúng chân trước ngựa Hầu Đơn, chân ngựa bị
tiện đứt. Con ngựa đau quá, hí lên một tiếng thê thảm, ngã lộn xuống
đất.

Quế Hoa vọt người lên cao, đáp xuống lưng ngựa mình.

Phùng Vĩnh Hoa nói với Hầu Đơn:

– Hầu tướng quân, như vậy đủ rồi, tướng quân về đi, phiền tướng quân nói với Thái-tử Công-tôn Tư, rằng hai hôm nữa, tiểu nữ muốn được bái kiến
ngài dưới thành, thưa chút việc.

Nàng vẫy mọi người lên ngựa trở về, Hầu Đơn ngẩn người nhìn theo, vì y
thấy nàng xinh đẹp, ôn nhu văn nhã, nói năng khách khí lịch sự. Dù trước trận tiền, gươm đao choang choảng mà nàng thản nhiên như đi ngắm cảnh.
Không biết Vĩnh Hoa là ai, y đoán chừng ít ra nàng phải là Quận-chúa,
hay phu nhân một nhân vật lớn ở Lĩnh Nam, mới có hai thiếu nữ trẻ đẹp,
võ công cao đi hầu cận.

Vĩnh Hoa trở về doanh trại, Đỗ Mạo đem truyện kể cho các tướng nghe, bấy giờ mọi người mới tin rằng, võ công Lĩnh Nam vô địch thiên hạ.

Hôm sau Phùng Vĩnh Hoa nói với Ngô Hán:

– Hôm qua tôi cùng Hậu-quân Hiệu-úy, Đỗ tướng-quân thám thính thành
Dương-bình quan, tôi dùng lời lẽ nhu nhã nói truyện, còn Quế Hoa đấu
chưởng, họ thua, hiện bên giặc đang thắc mắc về chúng tôi. Có như vậy
Công-tôn Tư mới nghi hoặc, đã nghi hoặc thì thế nào cũng tìm hiểu, tôi
lại đưa lời mời y ra nói truyện, hai ngày nữa xuất thành. Trong khi y
với tôi đối trận, ta đánh úp Võ-đô trước. Tôi đã kế hoạch đánh Võ-đô, ta chiếm Võ-đô thì sườn phải không sợ uy hiếp, bấy giờ ta mới đánh
Dương-bình quan.

Ngô Hán là người đọc sách làm quan võ, y có tài nhận xét người. Thoáng
qua y đã nhận thấy chân tài của Vĩnh Hoa, qua việc thám thính, Ngô bưng
ấn kiếm trao cho Vĩnh Hoa, các tướng tuy không nghe Quế Hoa đánh Hầu
Đơn, nhưng vẫn chưa tin tưởng lắm, lục tục vào trướng nghe lệnh.

Phùng Vĩnh Hoa nói:

– Hiện ở Võ-đô giặc có ba vạn bộ, một vạn kị và và vạn thủy, cộng chung
là năm vạn. Ta đánh Võ-đô trước, tướng trấn thủ Võ-đô là Phiêu-kỵ Đại
tướng-quân Nhiệm Mãng, y là sư thúc của Công-tôn Tư, phụ trấn với y còn
có hai đệ tử Điền Nhung, Nhiệm Đăng. Từ trước đến nay đánh Võ-đô, là
Chinh-tây Đại tướng quân Phùng Dị, Hoành giã đại tướng quân Vương
Thường. Vậy bây giờ mỗi vị mang một vạn quân tới bày trận. Quế Hoa giúp
Phùng tướng quân, Quỳnh Hoa giúp Vương tướng quân Khi giặc mang quân bộ
ra đánh, hai tướng giao tranh lấy lệ, rồi chia thành hai ngả tả hữu lùi
mấy dặm. Chờ khi thấy hậu quân giặc rối loạn, thì Quế Hoa, Quỳnh Hoa mới xuất trận, phải đánh bại Điền Nhung và Nhiệm Đăng Khi giặc bỏ chạy phải đuổi theo gấp, không cho chúng vào thành, chúng sẽ chạy về Lâm-giang,
đồn Lâm-giang ở trên ngọn đồi, chỉ có hơn ngàn quân trấn đóng, tức chúng không dám xuất đồn cứu viện. Lập tức án ngữ tại đây, không cho chúng về Võ-đô, trái lệnh thì xử trảm.

Quế Hoa chưa thuộc cách dụng binh hỏi:

– Đánh bại hai tướng giặc thì không khó, ngặt vì quân Thục tinh nhuệ,
nếu chúng tử chiến rút về thành, trường hợp này lỗi của hai tướng Phùng, Vương hay lỗi ở bọn em?

Vĩnh Hoa giảng:

– Giặc bị thua nhuệ khí đã mất, chị dùng hai em không phải hai đại tướng quân Phùng, Vương thiếu tài, mà mục đích gây hoài nghi cho giặc. Giặc
thấy hai em là cô gái nhỏ tuổi, không biết dùng binh, chúng khinh
thường, rồi bị hai tướng Phùng, Vương đánh bại.

Vĩnh Hoa tiếp :

– Sư bá Cao Cảnh Minh dẫn theo Trung lang tướng Lai Háp, Tiền-quân
Hiệu-úy Chu Á Dũng phục ở Vọng-tử quan. Khi thấy giặc đuổi theo Phùng,
Vương,thì tiến lên đánh vào hậu quân giặc. Sau khi giặc bỏ chạy về
Lâm-giang, phải kéo tới chiếm Lưỡng-hà khẩu.

Nàng đứng lên chắp tay hướng Khất đại-phu :

– Thái sư-thúc, xin Thái sư-thúc cùng cháu đi lấy Võ-đô, chúng ta chỉ cần mấy ngàn quân là đủ vào thành.

Nàng nói với Ngô Hán :

– Từ Dương-bình quan tới Võ-đô không có đường bộ, phải theo sông Gia-lực xuôi đến Quảng-nguyên rồi ngược sông Bạch-long. Dù đi cách nào cũng mất hai ngày. Chúng ta đánh Võ-đô bất thình lình, khi Võ-đô thất thủ, ít ra hai ngày Công-tôn Tư mới biết. Tuy vậy cũng phải đề phòng. Tôi chỉ có
thể cầm chân Công-tôn Tư tại đây một buổi mà thôi.

Ngô Hán hỏi Vĩnh Hoa làm cách nào chiếm được Võ-đô với vài ngàn người. Nàng ghé tai nói nhỏ mấy câu. Ngô Hán gật đầu khen :

– Tuyệt diệu !

Hai hôm sau Ngô Hán truyền lịnh kéo quân tới Dương-bình quan, dàn ra
trước ải truyền loa gọi Công-tôn Tư ra đánh nhau. Trong thành phát pháo, bốn cửa mở toang, quân tướng, xe, ngựa, nghiêm chỉnh xuất thành, dàn ra đối diện với quân Hán. Vĩnh Hoa thấy lối bày trận thầm khen quân Thục
được huấn luyện tinh nhuệ.

Công-tôn Tư cầm roi ngựa chỉ Ngô Hán :

– Tên hủ nho kia, ngươi trói gà không chặt, đánh nhau với ta trên mười
trận, quân sĩ chết năm sáu vạn rồi, ngươi chưa biết sợ ư? Ta nghe Lưu Tú vừa cho triệu em kết nghĩa là Nghiêm Sơn trấn thủ Lĩnh Nam về đánh
chúng ta. Vậy Nghiêm Sơn đâu, bảo y ra đây nói chuyện với ta.

Cửa trận Hán mở, ba hồi trống trận đánh vang lừng. Phùng Vĩnh Hoa giục
ngựa thủng thẳng bước ra trận, nàng hướng về Công-tôn Tư :

– Người con gái Lĩnh Nam là Phùng Vĩnh Hoa xin bái kiến Công-tôn
Thái-tử. Tiểu nữ ở Lĩnh Nam nghe tiếng Thái-tử phẩm chất tuấn nhã, văn
võ song tài, nhã lượng, cao trí, khiến quần hùng Trung-nguyên dù văn, dù võ đều khâm phục. Cho nên cách đây hai hôm, tiểu nữ nhắn với Hầu tướng
quân, xin được bái kiến Thái-tử. Quả nhiên hôm nay ngài giá lâm, thực là hân hạnh.

Nàng chắp tay vái liền bốn vái.

Công-tôn Tư nghe nói, đạo quân Lĩnh Nam có nhiều phụ nữ xinh đẹp, võ
công cao cường. Hôm trước sư đệ của y là Hầu Đơn bị bại về tay một thiếu nữ trẻ, y không tin. Hôm nay thấy Vĩnh Hoa ẻo lả, không mặc giáp sắt
như mọi người, mà mặc quần áo lụa trắng mỏng, khăn choàng cổ màu đỏ sậm, dây lưng hồng bay phất phơ trước gió như một vị tiên nga, lại nói năng
lễ phép.

Trong lịch sử chiến tranh Trung-nguyên, khi hai bên đối diện thường
người ta đem những lời tục tằn, dơ bẩn nhục mạ nhau. Mỗi đạo binh đều có toán mạ binh tức lính chửi nhau. Chúng dùng loa chửi bên địch đủ mọi
lời dơ bẩn nhất chứ chưa từng có hai tướng đối trận lai khen nhau bao
giờ. Công-tôn Tư là Thái-tử, tương lai lên kế vị cha làm vua. Y thống
lãnh binh quyền trong tay, thiếu gì người tưng bốc nịnh nọt. Nhưng nay
đứng trước trận, một thiếu nữ xinh đẹp, phiêu hốt đưa lời ca tụng rất
đúng, chứ không ca tụng quá mức. Như phẩm chất tuấn nhã thời bấy giờ chỉ có nam giới nói với nhau, chứ có bao giờ nữ giới lại dám ca tụng nam
giới như vậy đâu ? Lần thứ nhất Công-tôn Tư được một thiếu nữ xinh đẹp
ca tụng. Lại nữa thiếu nữ đó là quân sư, là kẻ thù. Nàng còn khen y nhã
lượng, cao trí, văn võ song toàn, là những điều có thực. Y sinh cảm tình với nàng, vội vàng đáp lễ :

– Không dám! Chẳng hay cô nương quí tính phương danh là gì ? Cô nương
đẹp thế kia, mà ra trước trận tiền, gươm giáo vốn vô tình, lỡ phạm vào
cô nương, chẳng ân hận lắm ư ?

Vĩnh Hoa đáp :

– Phàm làm vua phải biết lòng trời, làm tướng phải biết ta biết người.
Vua thì lo giữ nước, quan thì lo giữ chức, nhà giàu thì lo giữ của. Nay
Thái-tử tài kiêm văn võ, mưu lược hơn đời, nắm trọn binh mã trong tay,
quyền nghiêng thiên hạ. Thái-tử mang quân đánh ở ngoài, thắng thì địa vị cũng chẳng hơn, còn bị ghen ghét. Mà bại thì ngôi Thái-tử e khó giữ
được. Thái tử là người đọc sách, mà không nhớ tích Thái-tử Lịch Sanh bị
cha là Tấn Linh Công giết chết ư? Hiện giờ ở trong, các em đang ngấm
ngầm vận động tranh ngôi Thái-tử. Các bà phi tần của vua cha chỉ biết
vàng bạc, thương yêu những người cúi đầu tuân phục. Còn Thái-tử, mẹ qua
đời, lo chinh chiến mà không được lòng các phi tần. Vì vậy đại họa không biết lúc nào sẽ tới.Tôi vì Thái-tử mà ra đây nói vài lời phải trái.
Nghe hay không là quyền của Thái-tử.

Công-tôn Tư quả đang lo những điều Vĩnh Hoa nói. Mẹ của y đã qua đời.
Công-tôn Thuật đặt một phi tần khác lên làm hoàng-hậu, cực kỳ sủng ái.
Thuật còn nuôi ba con trai của Vương Nguyên làm con, tước phong tới
Bình-nam vương, trấn thủ phía nam Ích-châu. Ngoài ra y lại không được
lòng hai người chú là Công-tôn Thiệu, Công-tôn Khôi đang trấn thủ Đông
và Đông-nam. Bây giờ trước trận Phùng Vĩnh Hoa nói toẹt mối lo ngại cuả y ra. Y biết là đúng, song vẫn thản nhiên :

– Phùng cô nương dạy quả đúng như hoàn cảnh của ta. Nhưng đạo làm tôi
phải trung với chúa, đạo làm con phải hiếu với cha mẹ. Thái tử Lịch Sanh tuy chết oan, nhưng danh còn với thiên cổ. Ta được vua cha ủy thác trấn nhậm biên thùy, phải cố giữ cho nước yên, dân được sung sướng thì đã
toại nguyện. Còn làm vua hay làm tôi ta không cần nghĩ tới. Cám ơn cô
nương đã dạy dỗ. Xin cô nương lui về, để ta cùng Ngô Hán đấu với nhau
một trận long trời lỡ đất.

Y lại nói với Ngô Hán :

– Ngô Hán, chúng ta đánh nhau mãi chết quân sĩ nhiều quá, vậy người có
dám đấu với ta chăng ? Dù đấu văn, đấu võ môn gì ta cũng nhận.

Phùng Vĩnh Hoa nói ;

– Không biết Thái-tử có thể thù tiếp tôi được chăng ? Tôi xin đấu văn với Thái-tử. Xin Thái-tử ra đầu đề trước đi.

Công Tôn Tư nói :

– Nếu là cô nương, tôi xin nhường cô nương ra đầu đề. Chúng ta đấu ba
cuộc, ai thắng hai thì coi như được. Không biết cô nương nghĩ sao? Cô
nương thắng, tôi nguyện lui binh, dẫn đường mời cô nương du lịch thắng
cảnh Dương-bình quan hay cả đất Ích-châu như cô nương đã nói với sư-đệ
tôi hôm qua. Còn nếu tôi thắng, xin cô nương bảo Ngô Hán lui quân về, để tướng sĩ được nghỉ một tháng. Không biết cô nương có chấp thuận không ?

Phùng Vĩnh Hoa nghiêng mình đáp lễ :

– Tôi xin tuân lịnh Thái-tử. Môn thi đầu tiên của tôi là âm nhạc. Tôi tấu một vài khúc, xin Thái-tử đánh nhịp cho.

Vĩnh Hoa là đệ tử phái Sài-sơn, nàng rất giỏi âm nhạc. Nàng vẫy tay về
sau, một nữ binh theo hầu dâng lên cây đàn bầu. Nàng để cây đàn trên
mình ngựa, dạo khúc Dương Xuân Bạch Tuyết. Nàng dùng nội lực chuyển vào
cây đàn, âm thanh đi rất xa. Tướng sĩ hai bên trước nay đã cùng nhau
đánh hàng trăm trận, sống chết có thừa. Nay bỗng dưng được thấy một
thiếu nữ xinh đẹp, ra trước trận tấu nhạc bằng thứ đàn chỉ có một giây.
Tiếng đàn đầm ấm, thanh cao, u nhã, khiến hồn họ như lâng lâng bay bổng
lên cao.

Bên trận Thục, Công-tôn Tư rút kiếm ra đánh nhịp theo điệu đàn của nàng, hợp thành một khúc nhạc tuyệt vời. Khúc nhạc dứt, quân sĩ hai bên vỗ
tay hoan hô rúng động trời đất.

Phùng Vĩnh Hoa nói:

– Trời sắp vào Xuân, hai bên đánh nhau mãi chán lắm rồi, chi bằng chúng
ta cùng nhau tấu nhạc cho tướng sĩ nghe chẳng thú lắm sao. Từ ngày rời
Lĩnh Nam đến giờ, nay là lần đầu tiên tiện nữ được gặp tri âm. Đời này
tri âm được mấy người, có phải không Thái-tử? Nào tiểu nữ lại thổi một
khúc tiêu, mong nhã lượng quân tử dạy cho.

Phùng Vĩnh Hoa được trời phú cho giọng nói thanh tao. Đến sư phụ, cha mẹ nghe nàng nói mà còn thương, huống hồ đứng trước trận tiền nói với
Công-tôn Tư. Câu nào cũng êm đềm văn hoa.

Ngô Hán nghĩ thầm:

– Tại sao đất Lĩnh Nam nhiều nhân tài đến thế nhỉ? Nếu nàng không là
người bên mình, mình cũng bị mắc mưu. Có ai ngờ, hiện giờ binh tướng của mình đã kéo đến Võ-đô, đánh úp thành mất rồi. Có ai ngờ thiếu nữ trẻ
thế kia mà võ công cao, mưu thần chước thánh như vậy.

Nàng vọt người lên cao, con ngựa của nàng phi như bay trước trận. Nàng
đứng trên lưng ngựa, cầm ống tiêu thổi bài Động Đình dạ khúc. Nghe thổi
tiêu, thì tướng sĩ hai bên cũng từng nghe qua. Đây là nàng đứng trên
lưng ngựa, ngựa phi như bay, nàng vẫn giữ được nguồn âm thanh liên miên
bất tuyệt là điều không ai tưởng tượng nổi.

Nguồn gốc của phái Sài-sơn bắt đầu từ Phù-đổng Thiên-vương, nghệ thuật
cỡi ngựa thần sầu quỉ khốc. Có điều Vĩnh Hoa hợp nghệ thuật cỡi ngựa với âm nhạc được. Ngựa cứ phi bụi mù, tiếng sáo vẫn véo von, khi lên cao
vút từng mây, khi nỉ non như tiếng sóng Động-đình. Y phục màu trắng, dây lưng khăn hồng bay phất phới trước gió, tiếng tiêu bay bổng trên không
gian. Khúc tiêu hết, quân sĩ hai bên vỗ tay vang dội.

Phùng Vĩnh Hoa vọt người lên cao, đáp xuống, ngồi ngang trên lưng ngựa, chắp tay hướng Công-tôn Tư:

– Xin Thái-tử dạy cho ít lời.

Công-tôn Tư thở dài:

– Tôi thua cô nương cuộc này. Còn cuộc thứ ba, xin cô nương tiếp cho.

Phùng Vĩnh Hoa phi ngựa tới trước trận:

– Tôi xin Thái-tử vừa tấu nhạc, vừa dạy cho mấy thế võ.

Nói rồi nàng cầm ống tiêu đâm liền. Y vội rút kiếm đỡ. Thì Vĩnh Hoa đã
thu chiêu trở về. Tiếng gió lọt vào ống tiêu kêu lên những tiếng vi vu.
Thế là Vĩnh Hoa dùng tiêu đấu với kiếm của Công-tôn Tư, nhưng tiếng tiêu vẫn phát ra bài Động Đình dã ca nghe rất êm tai. Nếu người nào nhắm mắt tưởng nàng tấu nhạc, có ngờ đâu đó là những chiêu kiếm phổ vào tiêu đầy sát thủ. Đánh được gần trăm hiệp, bài Động Đình dã ca dứt, nàng lui
lại:

– Xin thái tử dạy cho ít lời.

Công-tôn Tư nhìn nàng phiêu hốt như có như không, phất phơ trước gió
giải lụa trên cổ màu hồng trông như tiên nữ. Y ngất ngây đáp:

– Trong ba cuộc đấu, tôi thua cô nương hai cuộc. Vậy ngoài những điều
tôi đã hứa, cô nương muốn thế nào tôi cũng xin chiều lòng tri âm.

Vĩnh Hoa mỉm cười:

– Mai này, Thái-tử với tôi lên đồi Định-cường, chúng mình đánh cờ, gảy
đàn, thổi tiêu, uống rượu tiêu dao ngày tháng, chẳng hơn dùng gươm dao
giết nhau ư?

Công-tôn Tư trấn nhậm phía Bắc Ích Châu chống với Hán, mục đích của y là trấn thủ chứ không có tham vọng chiếm Trung-nguyên. Y phải xuất thành
vì quân Hán tấn công, chứ y không ham chiến. Bây giờ Vĩnh Hoa thắng, lại đề nghị bãi chiến, tấu nhạc, đánh cờ, là điều y cầu mà không được.

Công-tôn Tư ngây người đáp:

– Tôi sẽ hầu tiếp cô nương, tôi mời cô nương ngắm thắng cảnh Định-cường.

Vĩnh Hoa tiếp:

– Đây gần Dương-bình quan hơn, Thái-tử là chủ, tôi là khách, nhất thiết
rượu, hoa quả do Thái-tử đem tới. Giờ Mùi ngày mai chúng ta gặp nhau.

Nàng vái dài một vái rồi phi ngựa về trận. Ngô Hán cho lui quân. Y không hiểu kế của Vĩnh Hoa hỏi:

– Mai là ngày chúng ta đánh Võ Đô, cô nương làm sao đánh cờ, tấu nhạc với Công-tôn Tư được?

Vĩnh Hoa ghé tai Ngô Hán nói nhỏ mấy câu, Ngô Hán gật đầu nói:

– Đêm nay quân sư Tào Mạnh cùng Công-tôn Tư nghĩ nát đầu cũng không ra
chủ ý của cô nương. Có điều, chúng ta chuyển quân, sợ Tế-tác của giặc
khám phá ra nguy hiểm vô cùng.

Phùng Vĩnh Hoa cười:

– Khi rời Phiên-ngung về đây, tôi có giới thiệu với Tướng quân một lão
tướng của chúng tôi tên Vi Đại Khê. Vị lão tướng chỉ huy 100 chó Ngao.
Tôi đã bí mật cho chó Ngao phục trong các hẻm núi, dọc đường đến Võ-đô.
Nếu Tế tác giặc ẩn núp, sẽ bị phát hiện, giết chết liền.

Bỗng Hổ-nha đại tướng Cáp Diên bước vào thưa:

– Trình Nguyên-soái và quân sư, Ngao-sơn Vi Đại Khê bắt được 37 tên Tế Tác, xin Nguyên-soái định liệu.

Vĩnh Hoa cười:

– Giam chúng lại, cho ăn uống tử tế, giờ Mùi ngày mai thả chúng ra.

Nàng nói với Ngô Hán:

– Ngày mai, giờ Mùi tôi hội với Công-tôn Tư, bấy giờ thả chúng ra, chúng có về báo cáo thì đã trễ.

Vĩnh Hoa cùng Khất đại-phu đợi trời tối, âm thầm sai 2000 quân, nay 300
cỗ xe bí mật lên đường. Mỗi cỗ xe chở hai Hổ hoặc hai Báo. Trời vừa sáng thì vượt sông Hán-thủy. Phùng Vĩnh Hoa chỉ phía tòa thành xa xa nói:

– Kia là Võ-đô, chúng ta phải lấy thành trước giờ Ngọ.

Nàng cho gọi Tây-vu tam hổ tướng, tam báo tướng tới họp. Hồ Đề phong
chúng là đại tướng quân cho oai, chứ thực sự chúng đều là những thiếu
niên, tuổi chưa tới 18. Song chúng chỉ huy, huấn luyện Hổ, Báo đã lâu.
Bọn Hổ, Báo nghe tiếng tù-và, tiếng hú hoặc điệu phất cờ mà tiến, thoái, bao vây, tấn công địch như một đạo quân tinh nhuệ.

Vĩnh Hoa ra lệnh cho Hắc Hổ:

– Sư đệ phục đội Hổ binh ở đây. Đợi lệnh tôi thì xua hổ tấn công vào thành. Sư-đệ định tấn công cách nào?

Hắc Hổ nói:

– Em chỉ huy bằng cờ. Em chỉ huy đội Hắc-hổ làm trừ bị phía sau. Còn
Hoàng chỉ huy bằng tù và, Bạch thì chỉ huy bằng thanh la. Chúng em liên
lạc với nhau bằng cờ. Như vậy, Hoàng, Bạch chia hổ thành 10 đội, mỗi đội 10 con dàn làm hai hàng. Khi xung phong vào đội hình địch, mỗi đội 10
con dàn làm hai hàng. Khi xung phong vào đội hình địch, thì hàng thứ
nhất cắt đứt đội hình địch, rồi chia làm hai quẹo sang phải, trái tấn
công. Hàng thứ nhì chọc thẳng vào trung ương. Đội hắc hổ của em tùy nghi tiếp viện, đề phòng địch đánh tập hậu.

Phùng Vĩnh Hoa vỗ vai Hắc Hổ:

– Các em đúng là đại tướng.

Nàng gọi Hắc Báo ra lệnh:

– Sư đệ dẫn đội báo phục kích ở giữa đường từ Lưỡng-hà khẩu về Võ-đô,
đợi khi Võ-đô lâm nguy, ắt thủy quân từ Lưỡng-hà khẩu về cứu viện. Thái
sư thúc Cao Cảnh Minh lập tức xua quân chiếm khẩu. Sư đệ có bổn phận
ngăn không cho địch quân trở về.

Phùng Vĩnh Hoa cùng Khất đại phu leo lên ngọn cây cao nhìn về Võ-đô quan sát trận địa. Trước thành Võ-đô, Chinh-tây tướng quân Phùng Dị, cạnh
Quế Hoa. Hoành-giả tướng quân Vương Thường cạnh Quỳnh Hoa. Phía sau quân sĩ dàn thành trận nghiêm chỉnh.

Trên thành Võ-đô phát pháo lệnh, quân sĩ từ hai cửa thành ra ngoài. Rồi
cũng dàn thành trận trước quân Hán. Mỗi cửa thành vẫn còn khoảng vài
trăm quân thiết kị trấn giữ.

Hai tướng xuất trận bên Thục là Điền Nhung và Nhiệm Đăng, dàn trận xong, Nhiệm Đăng phi ngựa ra trước hỏi:

– Phùng Dị, Vương Thường các ngươi là bại tướng, còn đến đây làm gì? Hãy về đi để khỏi uổng mạng.

Y chỉ tay một cái, đại quân Thục tràn sang như nước vỡ bờ. Võ công Phùng Dị, Vương Thường cao hơn Nhiệm Đăng và Điền Nhung. Hai người đứng đốc
chiến cho quân sĩ xung sát.

Đánh được một lát, trong thành Võ-đô nổ ba tiếng pháo, hai đạo quân nữa đổ ra tiếp ứng.

Phùng Dị, Vương Thường cho lệnh đổi tiền quân làm hậu quân, lui binh.
Thục binh chia làm hai đuổi theo. Bấy giờ ở Vọng-tử quan, Cao Cảnh Minh
đốt pháo lệnh đánh vào hậu quân hai đội Thục binh. Quân Thục thấy quân
Hán xuất hiện đánh vào hậu quân thì nao núng, gần như rối loạn. Hai
tướng Điền Nhung, Nhiệm Đăng bình tĩnh chia quân ra làm hai cự địch. Một mặt đốt pháo hiệu báo về thành cho biết họ bị lâm nguy.

Quế Hoa vọt ngựa lên phóng chưởng đánh Nhiệm Đăng. Nhiệm Đăng thấy một
thiếu nữ trẻ tuổi, không mặc áo giáp trụ, phóng chưởng đánh mình, thì
gác vũ khí giơ quyền đỡ. Binh một tiếng, y bật người khỏi ngựa. Cũng may võ công cao, y lộn một vòng đứng xuống đất, tay tê chồn. Y cho rằng vừa rồi mình khinh xuất, y lại vung chưởng đáng một chiêu cực kỳ thần tốc.
Quế Hoa hít hơi phát chiêu trong Phục-ngưu thần chưởng, chiêu Lưỡng Ngưu Tranh Phong. Bùng một tiếng nữa, lần này nàng mới thấy ê tay, phải lui
lại một bước. Bên kia Nhiệm Đăng cũng lùi hai bước. Hai người lại đấu
với nhau, chiêu nọ kế tiếp chiêu kia, uy lực gấp bội. Chỉ 20 hiệp, Nhiệm Đăng đã luống cuống tay chân, bị nàng đá trúng sườn. Y vọt lên cao bỏ
chạy vào trận, thế là trận thế y rối loạn, bị vây hai đầu.

Phía bên kia Quỳnh Hoa đánh với Điền Nhung. Điền Nhung thấy nữ tướng thì biết rằng phải là người có tài mới dám ra trận. Y cẩn thận vận đủ mười
thành công lực đánh ra. Bùng một tiếng, Quỳnh Hoa cảm thấy cánh tay tê
dại. Nàng biết gặp kình địch, vội dùng Phục-ngưu thần chưởng chống lại.
Nhưng dầu sao nàng cũng chỉ là một thiếu nữ 19-20 tuổi, công lực chưa
làm bao, mà Điền Nhung thì lớn tuổi hơn Nhiệm Đăng nhiều, công lực của y mạnh không thể tưởng tượng được. Đấu với nhau được 12 chưởng, Quỳnh Hoa đã thấy mắt hoa đầu váng. Tuy nhiên vì tự hào Gái Việt đất Lĩnh Nam lại là cháu Khất đại phu, nàng quyết dù chết cũng không lùi lại một bước.
Điền Nhung thấy vậy khen cho cô gái nhỏ tuổi mà can đảm.

Y hít một hơi đầy, rồi vận khí phóng ra một chưởng mong kết liễu tính
mệnh Quế Hoa, nàng quyết không lùi. Đầu óc hoang mang, nàng hít hơi phát bừa một chưởng. Chưởng đó là chiêu Kình Ngư Xuyên Dương trong
Thiết-kình phi chưởng của phái Cửu Chân, mà Đào Kỳ đã dạy nàng. Hai
chưởng chạm nhau, Điền Nhung bật lui trở lại đến ba bước. Quỳnh Hoa ngạc nhiên đến ngẩn người ra. Nàng phát chiêu Thiết-kình phi chưởng nữa đánh tới. Điền Nhung vận đủ mười thành công lực đỡ. Bùng một tiếng nữa,
người y bắn về phía sau, loạng choạng muốn ngã, y oẹ một tiếng, thổ ra
búng máu tươi.

Điền Nhung cảm thấy trong hai chiêu cuối cùng của Quỳnh Hoa tuy bao hàm
phong lôi vũ bão thực, nhưng kém mãnh liệt tinh diệu hơn các chiêu trước nhiều, mà lại thắng. Y còn thấy rõ hai chiêu sau khắc chế với võ công
của y.

Quỳnh Hoa tuyệt không ngờ Thiết-kình phi chưởng lại có uy lực hơn Phục-ngưu thần chưởng. Nàng nghĩ:

– Ông ngoại dậy rằng, Phục-ngưu thần chưởng là chưởng lực mạnh nhất Lĩnh Nam. Thế sao lại không bằng Thiết-kình phi chưởng?

Sự thực nếu dùng Thiết-kình phi chưởng đấu với Phục-ngưu thần chưởng
chắc chắn sẽ bị thua. Bởi vì Phục-ngưu thần chưởng do Sơn Tinh chế ra,
rất tinh diệu với võ công Lĩnh Nam. Còn Thiết-kình phi chưởng do Vũ Bảo
Trung chế ra, trong nguyên tắc khắc chế võ công của tướng Tần, tức khắc
võ công Trung-nguyên. Quỳnh Hoa dùng nó đánh Điền Nhung, y bị bại ngay.

Điền Nhung hỏi Quỳnh Hoa:

– Cô bé kia! Ngươi tên họ là gì? Ta xem dường như võ công của ngươi
không thuộc bất cứ môn phái nào ở Trung-nguyên, vậy sư phụ ngươi là ai?

Quỳnh Hoa được Vĩnh Hoa dặn phải lễ độ, nhu nhã, nàng nghiêng mình thi lễ:.

– Tiểu nữ họ Trần tên Quỳnh Hoa, gái Việt đất Lĩnh Nam. Tiểu nữ không có sư phụ. Tiểu nữ thụ nghiệp với ngoại tổ. Ngoại tổ họ Trần húy là Đại
Sinh, thường được đời tôn là Thánh y Khất đại phu. Tướng-quân! Người rút quân đi thôi. Tiểu nữ với người vì quốc sự mà phái đối chiêu. Tiểu nữ
làm người bị thương, trong lòng rất áy náy. Thôi người đi đi, tiểu nữ
không đuổi theo đâu.

Điền Nhung thấy một thiếu nữ xinh đẹp, không mặc giáp trụ, xuất trận đã
lấy làm lạ. Nàng dùng chưởng lực thắng mình là hai điều lạ. Thắng mình
rồi, nàng còn nói năng nhu nhã, tỏ ý hối hận làm mình bị thương, càng
ngạc nhiên và cảm động. Y thấy phía Đông có quân vây, mà ở nay có đồn
Lâm-giang. Y cho quân chạy về phía đó. Y chạy được một quãng thì gặp
Nhiệm Đăng. Nhiệm kể chuyện bị một thiếu nữ khác là Trần Quế Hoa đánh
bại. Hai người cho quân lên đồi Lâm-giang đồn trú, chờ quân trong thành
cứu viện.

Vĩnh Hoa thấy thành mở cửa, rồi một đội kị binh xuất thành, đánh về phía hậu quân của Phùng Dị, Vương Thường biết Nhiệm Mãng xuất binh cứu viện, thành bỏ trống. Nàng cười với Khất đại phu:

– Thái sư thúc, Nhiệm Mãng bị trúng kế cháu rồi. Chúng ta chiếm thành đi thôi.

Nàng rút tù và ra thổi một hồi, lệnh cho Hắc Hổ. Hắc hổ hú lên một tiếng dài, mười hổ tướng đồng hú lên, các đội hổ binh gầm gừ hướng Võ-đô lao
tới. Tại bốn cửa thành Võ-đô, đều có thiết kỵ gác phía ngoài. Bỗng những tiếng gầm gừ, rồi một đoàn cọp vàng, trắng, đen, vằn bốn mầu khác nhau
tấn công vào bốn cửa thành. Binh Thục là những võ sĩ can đảm, dùng vũ
khí chống lại. Nhưng ngựa của chúng thấy cọp sợ quá lăn kềnh ra, bỏ chạy mất. Đàn cọp tràn vào bốn cửa thành. Vĩnh Hoa cùng Khất đại phu vào
thành, hạ cờ Thục xuống, treo cờ Hán lên, sai đốt cỏ báo hiệu cho Quỳnh
Hoa, Quế Hoa biết rằng đã chiếm được thành.

Điền Nhung, Nhiệm Đăng bị vây ở chân núi Lâm-giang, được tín hiệu báo
rằng sư phụ Nhiệm Mãng từ trong thành đem thiết kị ra cứu ứng. Hai tướng dẫn quân quay lại đánh. Phùng Dị, Vương Thường vội dàn quân rút lên núi lập thế cố thủ. Nhiệm Mãng và hai đệ tử gặp nhau. Nhiệm Đăng hỏi:

– Sư phụ! Không biết ở Lĩnh Nam có phái võ nào khắc chế với võ công phái Thiên-sơn không? Hôm nay bọn sư huynh đệ chúng con gặp hai thiếu nữ rất trẻ, xinh đẹp đánh bị thương.

Nhiệm Mãng chau mày bắt Nhiệm Đăng thuật lại những chiêu thức đã đấu.
Nhìn đệ tử diễn lại, mắt ông lộ ra những tia khủng khiếp, ông nói không
ra lời. Nhiệm Đăng theo học với Nhiệm Mãng từ lâu, y biết sư phụ mình là đệ tử cao nhân đương thời, không ai địch nổi quá hai chưởng của ông,
thế mà không hiểu sao nghe thấy hai cô gái xuất hiện, mắt lại lo sợ như
vậy.

Nhiệm Mãng thở dài:

– Điều mà sư phụ lo nghĩ bấy lâu, nay đã thành sự thật. Để sư phụ kể cho con nghe. Nguyên hai trăm năm trước đây, đất Lĩnh Nam được cai trị bởi
một vị vua gọi là An Dương Vương. Tên nước là Thục. Bấy giờ Tần Thủy
Hoàng thống nhất thiên hạ, muốn mang quân đánh Lĩnh Nam. Triều Thần can
gián không nên, vì đường đất xa xôi, lam sơn chướng khí, nhân vật Lĩnh
Nam không phải tầm thường.

Tần Thủy Hoàng không tin, muốn dò thám nhân vật Lĩnh Nam, mới cho sứ đòi vua An Dương Vương cống mấy võ sĩ. Vua An Dương gửi sang một võ sư cùng với đoàn đệ tử. Võ sư này tên là Lý Thân. Thầy trò Lý Thân dùng võ công đấu với võ sĩ Tần trước sân rồng, thắng hết tất cả võ quan, vệ sĩ. Tần
Thủy Hoàng phong cho Lý Thân là Tư-lệ hiệu-úy mang quân đánh Hung-nô. Lý Thân đến đâu là Hung-nô bỏ chạy. Hung-nô yên, Tần Thủy Hoàng phong Lý
Thân tước Vạn-tín hầu, cho về quê Lĩnh Nam thăm nhà. Mấy năm sau Hung-nô lại sang đánh, tướng Tần không sao địch nổi. Tần Thủy Hoàng lại cho
người sang triệu Lý Thân. Nhưng Lý Thân đã qua đời. Tần Thủy Hoàng sai
làm một tượng giống hệt Lý Thân, để trên cổng thành Hàm-dương. Trong
bụng có đủ máy móc, binh lính vào trong đó giật dây, thì tượng cử động
như người sống. Quân Hung-nô tưởng Lý Thân còn sống, không dám sang đánh nữa.

Tần Thủy Hoàng tưởng Lý Thân chết rồi, sai Đồ Thư mang 500 ngàn quân
sang đánh An Dương Vương, tin rằng chiếm được nước Thục dễ dàng. Nào ngờ thất bại. Y quên mất một điều, mỗi khi đấu với một võ sư Trung-nguyên,
Lý Thân thường giả vờ chống đỡ, dò biết hết chiêu thức. Lộ số võ công
của địch, rồi đem về nghiên cứu ra cách khắc chế. Hôm sau y chỉ phản
công mấy chiêu là thắng được. Khi về nước, y tập trung hết tất cả võ
công Trung-nguyên tìm ra nguyên lý, ưu điểm, khuyết điểm, rồi chế ra một thứ nội công, quyền, cước, kiếm, trượng phá võ công chúng ta.

Nhiệm Đăng hiểu ra:

– Khi chúng ta giao đấu với địch thủ, phải cố gắng tìm ra những sơ hở
của đối phương, rồi mới tìm chiêu thức của mình khắc chết được mà phản
công. Còn hậu duệ của Lý Thân đấu với chúng ta, chỉ cần đánh bừa đi, từ
chiêu số đến nội công, đều đã bao hàm khắc tinh với chúng ta. Thế thì
hồi ấy chắc Đồ Thư bị bại!

Nhiệm Mãng thở dài:

– Bại thì còn khá. Dân số Lĩnh Nam hồi đó bất quá vài triệu người, quân
lính bất quá trăm ngàn, thế mà Đồ Thư mang tới 500 ngàn quân sang đánh,
toàn quân bị diệt, y bỏ xác tại Lĩnh Nam. Từ đó võ lâm Trung-nguyên khi
đụng chạm với võ lâm Lĩnh Nam thường bị bại dễ dàng. Hai thiếu nữ mà các ngươi gặp, tuổi bất quá 19-20, thời gian luyện tập chưa lâu, mà đã như
vậy. Nếu sư phụ y xuất hiện, ta e rằng đến sư huynh ta là Triệu Khuôn
cũng lạc bại.

Nhiệm Đăng nhớ ra điều gì:

– Con nghe nói rằng Hán Quang Vũ bị ta đánh thua, y cho gọi người em kết nghĩa trấn thủ Lĩnh Nam là Nghiêm Sơn về, giao cho toàn quyền điều động binh mã đánh Ích-châu. Nghiêm Sơn lấy vợ Việt, khéo thu phục võ lâm
nhân sĩ Lĩnh nam, họ theo giúp rất đông. Hai cô gái hôm nay chắc thuộc
đám người đó.

Nhiệm Mãng chỉ lên núi:

– Bây giờ quân của ta đông hơn, địch ở trên núi. Chỉ cần vây nửa buổi là chúng chết khát. Ta cần đấu chưởng với hai cô gái Việt, để biết rõ nội
công, chiêu số chúng như thế nào.

Bỗng binh sĩ la hét náo loạn. Nhiệm Mãng hỏi sao, họ chỉ về phía trước: Khói trong thành Võ-đô bốc lên mịt mù.

Nhiệm Mãng kinh hoàng:

– Chúng ta không cần vây bọn này nữa. Hãy trở về Võ-đô xem sao đã.

Nhiệm Mãng cùng Điền Nhung dẫn quân trở về. Đi một lát gặp một đám tàn quân chạy tới. Chúng quỳ rạp xuống đường mà khóc:

– Không biết cọp ở đâu nhiều quá, đến mấy trăm con tràn vào thành với
quân Hán. Thành đã bị chiếm mất rồi. Tất cả vợ con, thân thuộc chúng tôi bị hãm trong tay giặc, không chừng bị cọp ăn thịt hết cũng nên. Xin
tướng quân kíp trở lại chiếm thành.

Nhiệm Mãng lòng nóng như lửa đốt:

– Các ngươi đã đốt lửa gọi quân ở Lưỡng-hà khẩu về chưa?

– Thưa có, thủy quân Lưỡng-hà khẩu về đến giữa đường bị một đạo Hán quân khác chiếm Lưỡng-hà khẩu. Bao nhiêu chiến thuyền bị địch bắt hết. Thủy
quân quay trở lại thì bị một đội báo mấy trăm con tấn công. Binh lính bị báo cắn chết quá nửa, số còn lại bị bắt.

Nhiệm Mãng thúc quân đi cho mau, nhưng phía hậu quân của Nhiệm Đăng náo
loạn lên. Nguyên Phùng Dị, Vương Thường thấy quân Thục từ thành đổ ra
đánh vào sau mình, theo kế Vĩnh Hoa, chạy lên núi lập trận. Được một lát thấy khói bốc lên tại Võ-đô. Hai tướng biết quân Hán đã vào Võ-đô. Tiếp theo thấy binh Thục chia làm hai, một cản hậu, một hối hả trở về, biết
rằng chúng đang náo loạn. Hai tướng cho quân đuổi theo rất gấp.

Dẫn đầu binh Hán là Quỳnh Hoa, Quế Hoa khiến Nhiệm Đăng càng uất lên.
Cạnh hai nàng còn Phùng Dị, Vương Thường võ công cao ngang với sư phụ y. Nhiệm Đăng là tướng tài bên Thục, can đảm có thừa, y thúc quân cương
quyết chặn hậu. Cho nên Phùng Dị, Vương Thường tả xung hữu đột cũng
không chọc thủng được tuyến quân Thục.

Nhiệm Mãng là Phiêu-kị đại tướng quân của Thục, võ công, trí dũng tuyệt
vời, y không tỏ vẻ nao núng, hạ lệnh cho binh sĩ lùi về Vọng-tử quan,
đóng quân ven núi.

Vĩnh Hoa truyền lệnh thu quân. Các tướng Hán vào thành. Bấy giờ họ mới phục Phùng Vĩnh Hoa, lạy rạp xuống đất mà chúc tụng.

Chu Á Dũng đứng lên hiến kế:

– Giặc mất thành, lương thực không có, muốn vượt sông thì không có
thuyền bè. Đóng ở Vọng-tử quan thì lương thảo không có. Xin quân sư cho
đánh một trận để bắt Nhiệm Mãng.

Phùng Vĩnh Hoa cười:

– Chu tướng quân ước tính tình hình như vậy cũng tạm gọi là có mưu lược. Nhưng không phải là kế tốt nhất. Tướng quân thử nghĩ coi, Nhiệm Mãng là Phiêu-kị đại tướng quân Thục, trấn nhậm Võ-đô với một vạn thủy quân,
một vạn kị binh, ba vạn bộ binh. Thế mà bị ta đánh một trận thành mất,
cửa ngõ vào Thành-đô bị mở. Thủy quân bị giết hơn ba ngàn, còn lại đầu
hàng. Chiến thuyền, khí giới mất hết. Ba vạn bộ binh hao mất một. Một
vạn kị binh mất trên năm ngàn. Bây giờ chỉ còn hai vạn bộ binh với năm
nghìn kị binh đóng ở Vọng-tử quan, lương thực không có. Không biết chiều nay sẽ lấy gì ăn. Bất cứ giá nào y cũng phải liều một trận tìm đường
thoát thân. Trong các đường thoát thân, chắc chắn y sẽ rút về phía
Bích-khẩu, vượt sông Dương-bình quan. Vậy ta phục quân ở đó chắc chắn
bắt được y.

Các tướng hớn hở, muốn đi đánh liền. Vĩnh Hoa nói:

– Giặc cùng chớ đuổi. Bây giờ tôi phải làm cho Nhiệm Mãng mất tinh thần
đã, sau mới làm tan quân của y được. Vậy Chinh-tây Phùng tướng quân thủ ở Lưỡng-hà khẩu thay cho sư bá Cao Cảnh Minh. Tại đây có một vạn bộ binh
Hán và hơn năm ngàn hàng binh thủy quân Thục. Phùng tướng quân cho chiến thuyền tuần tiễu dọc từ Lưỡng-hà khẩu tới Lâm-giang, ngăn đường giặc
qua sông. Tuyệt đối không được lên bờ giao chiến.

Phùng Dị lên đường liền. Vĩnh Hoa tiếp:

– Hoành-giả Vương tướng quân lĩnh một vạn quân bộ, năm ngàn quân kị ra
đóng ở đồn Lâm-giang, không cho giặc trở về Dương-bình quan. Tuyệt đối
không rời khỏi trại.

Vương Thường lãnh lệnh lên đường. Vĩnh Hoa tiếp:

– Trung-lang tướng Lai Háp trấn thủ Võ-đô, giữ vững thành. Tôi để lại cho một vạn quân, như vậy đủ không?

Lai Háp gật đầu:

– Nếu trong một tháng tôi giữ được. Quá một tháng thì không nổi.

Vĩnh Hoa gật đầu:

– Tôi chỉ cần một ngày thôi.

Nàng tiếp:

– Tiền-quân hiệu-úy Chu Á Dũng dẫn một vạn quân bộ, phục ở phía Nam sông Hán-thủy. Thấy Nhiệm Mãng đến đó thì đổ ra đánh ngay trước mặt, không
cho chúng về Dương-bình quan. Xin Cao Cảnh Minh sư bá đi cùng với Chu
tướng quân. Vì e Nhiệm Mãng xuất hiện, Chu tướng quân không phải địch
thủ của y.

Nàng đứng lên nói với Khất đại-phu:

– Thái sư thúc cùng Quế Hoa, Quỳnh Hoa và cháu đi bắt Nhiệm Mãng.

Nàng gọi Hắc Hổ và Hắc Báo tướng lại dặn nhỏ mấy câu. Hai người vâng dạ, gật đầu đi liền.

Vĩnh Hoa cùng Khất đại-phu đi thẳng đến Vọng-tử quan. Binh Thục đang
trên đường đến Hán-thủy. Nhiệm Mãng đi đầu, thấy Vĩnh Hoa chỉ có bốn
người với mười quân kị, y cho quân dừng lại. Điền Nhung chỉ Quế Hoa,
Quỳnh Hoa cho Nhiệm Mãng biết.

Quế Hoa, Quỳnh Hoa phi ngựa lên trước. Quỳnh Hoa nghiêng mình thi lễ:

– Tiểu nữ là Trần Quỳnh Hoa, gái Việt đất Lĩnh Nam xin vấn an Phiêu-kị
đại tướng quân, Kiến-oai đại tướng quân, Xa-kị đại tướng quân. Hôm nay
ra trận, vì việc nước chúng tôi phải qua lại mấy chiêu với các vị, thực
rất lấy làm áy náy. Tuy được các vị nhẹ tay cho, tôi thấy các vị có khí
phách anh hùng, vì vậy đến đây tạ lỗi.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN