Động Đình Hồ Ngoại Sử
Chương 13: Điểu tận cung tàn
Quang-Vũ cũng phải xao xuyến trong lòng :
– Gái Việt đẹp thật, hèn chi khi xưa Ngô Phù Sai chẳng bị mất nước vì
Tây-Thi. Tại sao trong hậu cung mình lại không có những người như thế
này?
Trương Linh thấy Trưng Nhị đánh ở trên không một chưởng mạnh như vũ bão, khiến y tê dại cả chân tay. Y chưa kịp phát chiêu đánh tiếp, Trưng Nhị
đã tà tà đáp xuống bên cạnh. Nàng xoay mình đánh ra một chưởng từ phải
vòng ra sau sang trái, đó là chiêu Ngưu ngọa ư sơn trong Phục ngưu thần
chưởng. Chiêu này vừa trầm, vừa mãnh liệt. Trương Linh vung tay đỡ, binh một tiếng, cả hai cùng lui lại. Trưng Nhị là người tuyệt thế thông minh mượn sức lui trở lại, nàng chuyển chưởng thành một dây, từ sau về trước đúng lúc Trương Linh vọt đến tấn công. Chưởng này là chưởng Cửu-chân,
hôm ra đảo Đào-hoa, bà Đào Thế-Kiệt đã dạy nàng. Thế chưởng nhàn nhã,
gió phát ra nhẹ nhàng, làm y phục nàng bay phơi phới, trông đẹp không
thể tưởng tượng được. Trên từ Quang-Vũ xuống đến các quan ai cũng xuýt
xoa.
– Gái Việt có khác, đẹp thực!
So về sắc đẹp với Phương-Dung, Tường-Quy, Thiều-Hoa thì Trưng Nhị không
thể nào sánh bằng. Nhưng khi đấu võ, thân pháp nàng làm cho quần áo, dây lưng, khăn choàng cổ bay lượn. Tạo thành một hình ảnh đẹp, như tiên nữ
múa khúc nghê-thường.
Hai người quấn lấy nhau giao chiến. Trương Linh thì trầm trọng, chưởng
lực rất hùng hậu. Còn Trưng Nhị phiêu phiêu, hốt hốt. Nàng dùng toàn võ
công Tản-viên. Đấu được trên trăm hiệp. Các võ tướng mới thấy khâm phục
Trương Linh võ công kinh người, họ tự nghĩ: Bản lĩnh y như vậy, hèn chi
Quang-Vũ không dùng y làm cận vệ. Nhưng dù y tấn công cách nào chăng
nữa, cũng không thắng được Trưng Nhị.
Trước đây Phong-châu song quái làm việc dưới quyền Nghiêm Sơn một thời
gian. Vì vậy Vương hiểu rất tường tận võ công Tản-viên. Vương đã có dịp
trắc nghiệm võ công Song-quái, thấy công lực chúng thấp hơn Vương một
bực. Còn ngoại công, chúng biết có 12 chưởng Phục ngưu. Phục-ngưu thần
chưởng tinh diệu thì có tinh diệu. Song đánh từng chưởng rời rạc, kết
quả lại không đạt được trình độ tối cao. Khi Song-quái phản sư môn, võ
công chúng do Lê Đạo-Sinh truyền dạy, cao hơn sư phụ là Nguyễn
Thành-Công một bậc.
Hôm nay thấy võ công Trưng Nhị, công lực của nàng dường như cao hơn Song quái, không kém gì Vương. Đó là một điều khiến Vương ngạc nhiên. Điều
Vương ngạc nhiên thứ nhì, là nàng xử dụng đủ 36 chiêu Phục ngưu thành
một dây, không còn một chỗ sơ hở nào để phản công.
Thoáng một cái Vương đã tìm ra nguyên lý. Sở dĩ võ công Trưng Nhị đạt
đến mức này là do Đào Kỳ đã dạy nàng nội công tâm pháp và 36 chưởng Phục ngưu mà y đã học được ở trong gậy đồng.
Vương nghĩ thầm:
– Đào sư đệ quả là người tính tình hào sảng rộng rãi. Thấy y dạy Phục
ngưu chưởng pháp cho Quế-Hoa, Quỳnh-Hoa, ta tưởng y với hai cô nhỏ này
là bạn thanh mai, trúc mã, y dạy để chiều lòng. Thì ra y dạy cả Trưng
Nhị nữa. Người trong võ lâm, khi mình phát minh hoặc tìm kiếm được võ
công kỳ lạ, thường giữ làm của riêng, chỉ dạy cho đệ tử thân tín con cái mà thôi. Ít khi dạy cho người ngoài.
Cơ duyên may mắn, Đào Kỳ được bộ Văn lang võ học kỳ thư, chàng nghĩ đây
là công trình tâm huyết của tổ tiên để lại. Chàng trao cho Khất đại-phu. Khất đại-phu luyện tập dạy lại cho Nguyễn Thành-Công, Đặng Thi-Kế, Đặng Thi-Sách, nhị Trưng, Quế-Hoa, Quỳnh-Hoa.
Phục-ngưu thần chưởng kỳ diệu ơ¨¨û chỗ người công lực yếu hay mạnh đều
xử dụng được. Nếu xử dụng từng chiêu chỉ có sức mạnh mà thôi. Còn nếu
học được 36 chiêu, chưởng lực biến thành một thứ tường đồng vách sắt bao trùm lấy người, đối phương không sao tấn công được.
Hai người đấu với nhau đến hiệp thứ hai trăm, Phật-Nguyệt hỏi Khất đại-phu:
– Thái sư thúc, xin người chỉ cho Trưng sư tỷ cánh thắng Trương Linh. Vì sợ đấu lâu, thì người Hán biết võ công mình thì khó thay.
Khất đại-phu với Phật-Nguyệt nói bằng tiếng Việt. Những người có mặt ở đó chỉ Nghiêm Sơn là hiểu.
Khất đại-phu quan sát trận đấu. Ông là đại tôn sư võ học, liếc qua ông
cũng biết tình hình. Ông là thầy thuốc, không muốn chém giết người, mà
cũng chẳng còn hiếu thắng. Đối với ông, Trưng Nhị thắng cũng thế, mà
Trương Linh thắng cũng vậy. Ông không quan tâm cho lắm. Ông biết
Quang-Vũ dàn cảnh cho Trương Linh đàn hạch Nghiêm Sơn. Trưng Nhị có
thắng cũng chẳng đi đến đâu. Tuổi tác của Trưng Nhị còn nhỏ hơn Trương
Linh 20 năm luyện tập, nàng có thua Trương Linh cũng là sự thường.
Ông lơ đãng nhìn khắp điện Vị-ương. Khi Phật-Nguyệt nhắc, ông quan sát
trận đấu thấy Trưng Nhị muốn thắng Trương Linh mà không nổi. Ông nghĩ: Ừ thì để con nhỏ này thắng Trương Linh cho nó vui lòng.
Ông lại nghĩ : Chưởng pháp Tản-viên của Trưng Nhị tinh diệu. Nhưng công
lực không đủ phát huy để đàn áp Trương. Muốn đàn áp Trương Linh phải
dùng võ công Cửu-chân.
Ông tủm tỉm cười, quan sát, dự đoán tình hình hai bên, rồi thình lình lên tiếng:
– Ngưu hổ tranh phong, Loa thành nguyệt ảnh.
Trưng Nhị đang đấu với Trương Linh thấy Thái sư thúc hô như vậy, nàng
dùng hết sức ra chiêu Ngưu hổ tranh phong trong Phục ngưu thần chưởng.
Hai chưởng đánh mạnh về phía trước. Trương Linh chụm hai tay đỡ. Hai
chưởng của nàng và y chạm nhau. Người nàng vọt lên cao. Từ trên cao nàng chuyển chưởng thành chiêu Loa thành nguyệt ảnh của Cửu-chân đánh xuống.
Trương Linh tưởng nàng đưa ra chưởng dương cương như trước, vung chưởng
đánh lên, thì chiêu Loa thành nguyệt ảnh chụp xuống người. Bốn chưởng
chạm nhau. Chưởng pháp Cửu-chân khắc chế võ công Trung-nguyên. Chưởng
của Trưng Nhị đánh xuống, khiến Trương Linh bị bật vèo về phía sau đến
mấy trượng, chân tay bủn rủn lảo đảo chực ngã. Trưng Nhị là người thông
minh mưu trí bậc nhất thời Lĩnh Nam. Nàng thấy Trương Linh bị tuyệt căn
bản, bước xéo về phải đánh chiêu Thiết kình thăng thiên, tiếp theo chiêu Kình ngư quá hải, đều là hai chiêu thuộc võ công Cửu-chân mà Đào phu
nhân dạy nàng. Trương Linh thấy hai chiêu chưởng bao hàm khắc tinh với
mình, sát thủ ác liệt. Y vội hít hơi đẩy ra một chưởng đỡ. Chưởng của y
chạm vào chưởng của Trưng Nhị, y cảm thấy như tay đẩy vào quãng không.
Biết nguy hiểm, y nhảy vọt lên cao, thì chiêu Kình ngư quá hải đã bao
trùm khắp người. Cả triều thần thấy vậy đều kêu thét lên kinh hoàng.
Những cao thủ bậc nhất muốn ra tay cứu cũng không kịp. Thiết kình phi
chưởng là chưởng pháp đánh ra kình lực như mũi dao đâm vào. Trương Linh
nhắm mắt chờ chết, Trưng Nhị thấy giết y thì gây oán thù không nhỏ với
triều Hán. Nàng nhảy lùi lại đến bốn bước để giảm bớt sức mãnh liệt của
chưởng này. Trương Linh chỉ còn bị có hai phần công lực đánh vào đầu
gối. Y rơi xuống đất đầu gối nhũn ra, người chúi về phía trước, giống
như quỳ lạy Trưng Nhị. Trưng Nhị nhanh trí, thu chưởng, rồi nhảy lại đỡ y dậy. Nàng cười tủm tỉm:
– Trương hiệu-úy! Đa tạ ngài đã nhẹ tay.
Trên từ Quang-Vũ xuống đến các quan đều nghĩ rằng lời nói của Khất
đại-phu chắc bao hàm một bí ẩn gì giúp Trưng Nhị thắng Trương Linh.
Nhưng họ không có chứng cớ đành im.
Trưng Nhị hướng Quang-Vũ bái rồi nhảy ra khỏi vòng đấu.
Nghiêm Sơn tâu với Quang-Vũ:
– Tâu bệ-hạ Trưng cô nương là quân-sư đạo Kinh-châu, chứ không phải là
võ tướng. Sở dĩ Trưng cô nương biểu diễn được mấy chiêu vì cô nương học
phòng thân mà thôi. Cuộc đấu vừa qua Trưng cô nương được Trương hiệu-úy
nhường cho mấy chiêu.
Quang-Vũ kết huynh đệ với Nghiêm Sơn. Đã từng ăn cùng mâm ngủ cùng
giường, y còn lạ gì tính tình của Vương nữa. Vương nói câu đó là khiêm
nhường, vuốt mặt cho Trương Linh, nhưng đầy kiêu khí. Bảo rằng Trưng Nhị học mấy chiêu phòng thân, mà đã như thế. Nếu nàng học thực, võ công sẽ
đi đến đâu? Vương lại vuốt mặt cho Trương Linh bằng câu nhường cho mấy
chiêu.
Một lão già từ võ ban ra phục xuống đất tâu:
– Tâu bệ-hạ, võ công Trưng cô nương cao cường, tinh diệu thì đúng rồi.
Thần nghe Vũ Chu kiếm pháp thần thông mà cô nương Phật-Nguyệt thắng được y, thần không tin. Xin bệ-hạ cho phép thần được qua lại mấy chiêu với
Phật-Nguyệt.
Nghiêm Sơn nhìn ra thì là Thái-sơn thần kiếm Lưu Quang. Lưu Quang nguyên thuộc tôn thất nhà vua. Cha ông nguyên là Sở-vương, ham võ nghệ, đi
khắp thiên hạ chiêu mộ những tay kiếm khách về, để học lấy những chiêu
thức đặc biệt. Rồi từ đó sắp xếp thành hệ thống, tạo ra phái Thái-sơn.
Cha của ông về ẩn ở Thái-sơn, lập môn hộ luyện tập võ nghệ. Đến đời Lưu
Quang, Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán. Lưu Quang xách kiếm phò Quang-Vũ
đánh Vương Mãng, Ngỗi Hiêu rồi Xích Mi. Xích Mi nguyên là một kiếm khách khét tiếng Trung-nguyên, được tôn hiệu là Bất bại thần kiếm. Bởi vậy
lúc đầu y dấy nghĩa ở vùng Lũng-thượng, tranh dành ngôi vua với Vương
Mãng. Sau khi Vương Mãng bại, y tự tôn mình làm vua chống nhà Hán.
Quang-Vũ sai Lưu Quang mang quân chinh tiễu. Xích Mi cùng Lưu Quang đấu
ba ngày, ba đêm không phân thắng bại. Lưu Quang về suy nghĩ nửa tháng,
tìm ra cách phá phi kiếm của Xích-Mi, rồi đánh bại y.
Kiếm pháp của Lưu Quang được coi là vô địch Trung-nguyên. Bất cứ đấu với ai, y chỉ đánh một hai chiêu là đối thủ mất mạng. Y hiện được phong
tước Hoài-nam vương, trấn thủ vùng Lạc-dương, tức kinh-đô nhà vua. Trước đây Nghiêm Sơn đã đấu với y. Chỉ 10 hiệp đã bị đánh bay mất kiếm.
Nghiêm đành chịu thua.
Bây giờ nghe Lưu Quang nói muốn đấu với Phật-Nguyệt, Vương nghĩ:
– Hiện kiếm pháp cao nhất Lĩnh-nam là Nguyễn Phan tiên sinh, thì ông bị
tật. Thứ đến Đào Kỳ, Phương-Dung, Phật-Nguyệt, khó biết ai cao, ai thấp. Không hiểu Phật-Nguyệt có đủ công lực đấu với Lưu Quang hay không?
Vương nói với Phật-Nguyệt:
– Sư muội! Người là thừa kế của Vạn-tín hầu. Vậy người hãy dùng
Long-biên kiếm pháp đấu với Hoài-nam vương mấy chiêu. Hy vọng vương-gia
dạy cho muội những chiêu kiếm tinh kỳ.
Phật-Nguyệt đi theo đạo Kinh-châu, được nghe nói nhiều đến Lưu Quang.
Đặng Vũ nói đến Lưu Quang không ngớt lời ca tụng. Nay thấy y thách nàng
đấu thì không khỏi lo ngại. Tuy nhiên nàng tự nghĩ rằng. Long-biên kiếm
pháp là kiếm pháp của sư tổ Vạn-tín hầu Lý Thân. Mà Lý Thân chế ra để
khắc chế với kiếm pháp Trung-nguyên, nàng tự tin phần nào.
Phật-Nguyệt bước ra sân với hai tay không, nàng tâu:
– Khi tiểu nữ tới đây bệ kiến thánh-hoàng, không dám mang kiếm theo.
Quang-Vũ truyền đưa 18 loại kiếm để nàng lựa. Phật-Nguyệt lựa một thanh
nhỏ và dài nhất giống như kiếm Việt. Nàng cầm kiếm hướng vào Quang-Vũ
bái một bái, rồi lại hướng Lưu Quang hành lễ.
Nàng nói:
– Hoài-nam vương gia! Tiểu nữ mới được sư phụ truyền nghề. Thời gian luyện tập không được bao lâu. Xin vương-gia nhẹ tay cho.
Quang-Vũ bảo Lưu Quang:
– Hoàng-thúc xin nhẹ tay với nàng một chút.
Lưu Quang vung kiếm lên. Ánh kiếm thành cầu vồng như điện xẹt, mọi người lóa con mắt. Tiếp theo y đánh trên 10 chiêu, kiếm quang bao trùm lấy
người Phật-Nguyệt.
Phật-Nguyệt là học trò yêu của Nguyễn Phan, chưởng môn phái Long-biên.
Ông đã dốc túi truyền cho nàng. Khi nàng thấy Lưu Quang vung kiếm như đe dọa, thì biết đó là những hư chiêu. Nàng không đỡ, không rút kiếm ra
khỏi vỏ.
Đợi Lưu Quang đánh hết mười mấy hư chiêu, nàng mới xoay tròn kiếm đẩy nhẹ vào ngực y rất nhẹ nhàng.
Lưu Quang ngơ ngác, tự hỏi kiếm pháp gì mà kỳ lạ thế này?
Y đợi kiếm của nàng tới ngực, mới đưa tay định bắt. Nhưng kiếm nàng bật
đánh véo một cái đưa vào cổ y. Lưu Quang tuyệt không ngờ trên đời có
kiếm pháp quái dị như vậy. Y bật ngửa người ra sau tránh, thuận đà lộn
đi một vòng. Nhưng Phật-Nguyệt di chuyển thân hình. Khi y đáp xuống đất, mũi kiếm lại đâm vào ngực y.
Muốn đưa kiếm gạt, sợ không kịp, y nín hơi vọt lên không tránh thế kiếm
ác liệt đó. Thì nghe tiếng xoạc, áo trước ngực y bị rách một đường dài.
Quang-Vũ cùng quần thần kêu lên:
– Chết !
Lưu Quang ở trên không, khua kiếm dưới chân đề phòng nàng đuổi theo.
Nhưng khi y đáp xuống thì Phật-Nguyệt ôm kiếm đứng cách xa chỗ y mấy
trượng, thản nhiên như không có gì xảy ra.
Phật-Nguyệt là người trầm tĩnh, ít nói, mặt hơi lạnh lùng, nhưng dáng
người xinh đẹp. Qua mấy chiêu kiếm vừa rồi, ai cũng tưởng nàng sẽ hò hét hay tấn công tới. Nhưng nàng chỉ cầm kiếm đứng tần ngần, kiếm vẫn chưa
rút ra khỏi vỏ.
Bấy giờ Lưu Quang mới nhớ lời phụ thân khi ông dạy kiếm pháp cho y:
– Cách nay hai trăm năm, một kiếm khách Âu-lạc sang đấu với võ sĩ của
Tần Thủy-Hoàng. Y đấu trong một tháng liền, thu thập các chiêu thức của
Trung-nguyên rồi tước bỏ bớt đi, chế ra một thứ kiếm pháp khắc chế lại.
Vì vậy sau này Đồ Thư sang đánh Âu-lạc. Bất cứ các tướng sĩ dùng chiêu
thức gì đấu với ngươi Âu-lạc chỉ một hai chiêu là mất mạng.
Nghĩ vậy y lên tiếng hỏi:
– Cô nương, phải chăng cô nương là con cháu của Vạn-tín hầu Lý Thân?
Phật-Nguyệt lễ phép:
– Vạn-tín hầu là sư tổ của tiểu nữ.
Lưu Quang bấy giờ mới tỉnh ngộ, tự nhủ:
– Chết thật, thì ra thế. Hèn chi những chiêu thức của con bé này đánh
ra, chiêu nào cũng bao hàm sát thủ, khắc chế với kiếm pháp của ta. Ừ thì Vạn-tín hầu là người, ta cũng là người, ta không nghĩ ra chiêu thức để
thoát vòng kềm chế của Lĩnh-nam kiếm pháp ư?
Nghĩ vậy Lưu Quang vận sức vào kiếm, phóng ra những chiêu thức cực kỳ
hùng hậu, kiếm chiêu veo véo. Phật-Nguyệt chuyển thân vung kiếm đánh
lại. Có điều chiêu thức Lưu Quang dũng mãnh, đánh là đánh. Còn chiêu
thức của Phật-Nguyệt hư hư, thực thực, đâm bên phải đấy nhưng bất thần
vọt lên trên. Đang bên trên lại chuyển ra phía hông. Thành ra Lưu Quang
cứ phải nhảy nhót tránh né, hao rất nhiều chân lực.
Các võ quan đứng ngoài lúc đầu còn phân biệt được Lưu Quang, Phật-Nguyệt công hay thủ. Nhưng dần dần họ chỉ thấy hai quả cầu bạc bao trùm lấy
hai người. Lưu Quang vọt lên cao, nhảy xuống đất. Còn Phật-Nguyệt phiêu
phiêu, hốt hốt, khi phải khi trái.
Đấu với nhau trên 200 hiệp, Phật-Nguyệt đã tìm ra nguyên lý kiếm thuật
của Lưu Quang. Y dùng kiếm khí nhiều hơn kiếm chiêu. Còn nàng thì dùng
kiếm chiêu. Lưu Quang dùng dương cương, còn nàng thì dùng âm nhu. Nàng
thấy tất cả cái sơ hở của y. Kể ra muốn giết y thật không khó khăn gì.
Là đệ tử của Nguyễn Phan tính tình hiền hòa. Nàng thấy Lưu Quang là
hoàng-thúc tước phong tới Hoài-nam vương, địa vị y không phải nhỏ, phải
làm thế nào cho y khâm phục hơn là làm nhục y.
Đánh đến 300 hiệp, nàng nghĩ: Bây giờ ta dùng chiêu thức thật mau, để cho y mệt lử, chịu thua là xong.
Nghĩ vậy, nàng lùi lại rồi đâm 10 kiếm thật thần tốc vào vai, cổ, ngực
y. Lưu Quang kinh hoàng nhảy nhót tránh né, nhô lên hụp xuống. Nhưng dù
tránh né thế nào chăng nữa, kiếm của Phật-Nguyệt cũng theo sát y như
bóng với hình. Y nhảy nhót được gần trăm hiệp, công lực đã giảm. Y nhận
thấy đối phương không muốn hại mình, thì còn đấu làm gì. Nghĩ vậy, y vọt lên cao đá gió một cái, người bay ra khỏi đấu trường.
Y chắp tay:
– Lão phu chịu thua cô nương. Đa tạ cô nương nhẹ tay.
Phật-Nguyệt chắp tay đáp lễ:
– Tiểu nữ vô phép, mong Vương-gia khoan dung, đại lượng.
Lưu Quang là đại tôn sư võ học, lại là bậc hoàng-thúc, nên y có cái nhìn xa. Y tâu:
– Thần nghĩ Lĩnh Nam là đất anh hùng. Kỳ này các hào kiệt Lĩnh Nam tùng
chinh đông đảo, lập được nhiều công lao. Qua sớ tâu về triều, thần đọc
thì thấy, nếu không có hào kiệt Lĩnh Nam. Hán quân chưa chắc đã thắng
được Thục mau như vậy. Thần dám xin bệ-hạ theo chuyện Tần Thủy-Hoàng
phong tước Vạn-tín hầu cho Lý Thân, mà phong tước cho hào kiệt Lĩnh Nam. Để sáng cái đức coi con dân bốn bể là con dân của triều đình. Nghiêm
vương chỉ dẫn về đây có hai người, tuổi còn trẻ, mà võ công đã dường ấy. Xin bệ-hạ nên trọng dụng họ hơn là nghe lời dèm xiểm.
Quang-Vũ truyền chỉ:
– Trưng cô nương và Phật-Nguyệt cô nương đã hiển oai thần võ, còn Trần
tiên sinh, xin tiên sinh cho quả nhân được chiêm ngưỡng võ công của Lĩnh Nam đệ nhất nhân.
Khất đại-phu bước ra tâu:
– Thần năm nay đã 80 tuổi rồi. Từ nhỏ chí của thần là làm sao cho bớt sự đau khổ của chúng sinh. Cho nên thần chuyên chú nghiên cứu y học. Ở
Lĩnh Nam thần phiêu bạt thất thường, chữa bệnh cho người, cho thú, cho
cây cỏ. Không bao giờ thần đòi tiền ai. Nhưng ai cho gì thần cũng nhận.
Gặp đường, ngủ đường, gặp chợ ngủ chợ. Chữa bệnh cho vương, hầu thì
vương, hầu đãi cho những miếng ngon, vật lạ. Chữa bệnh cho khỉ, khỉ cho
thần hoa quả ăn. Uống nước suối tắm nước sông… Vì vậy người ta gọi
thần là Khất đại-phu tức là thầy thuốc đi ăn mày.
Quang-Vũ ngắm nhìn Khất đại phu từ đầu đến chân rồi khen:
– Tiên sinh đúng là tiên ông giáng trần, để cứu giúp chúng sinh. Quả nhân có một bệnh hơi kỳ lạ, dám thỉnh tiên sinh dạy cho.
Khất đại phu hỏi:
– Xin bệ-hạ cứ kể.
– Mấy năm gần đây, quả nhân ăn uống vào thường bị đầy ứ không tiêu. Khi
đi ngược gió thì mửa. Mửa ra cả thực vật. Bàn chân, bàn tay lạnh. Đầu
căng thẳng, thường thấy như mắc nghẹn mà nuốt không xuống.
Khất đại phu cầm mạch, một lúc ông nói:
– Bệnh của bệ hạ không do ngoại tà, mà do nội thương. Trong cơ thể thì
Tâm thuộc hỏa, Phế thuộc kim, Tỳ thuộc thổ, Can thuộc mộc, Thận thuộc
thủy. Ngũ tạng phải điều hợp với nhau. Khi bệ-hạ lo lắng quá, hoặc ẩm
thực không tiết độ, làm thương tổn đến Tỳ. Tỳ chủ vận hòa nước ra ngoài
cơ thể. Khi Tỳ-dương bị hư tổn, công năng vận hóa thủy thấp kém đi. Do
vậy thủy thấp đình lưu trong cơ thể. Tỳ thuộc âm. Vị thuộc dương. Giữa
Tỳ với Vị tương thông biểu lý. Khi Tỳ-dương hư không giúp công năng vị
tiêu hóa được. Do vậy bệ-hạ ăn vào thấy đầy ứ. Khi đi ngược gió, gió
lạnh nhập vào cơ thể, Tỳ-dương đã hư còn thêm lạnh nữa, cho nên Vị không thể làm nóng thực phẩm, nên bệ-hạ mới nôn ra thực phẩm.
Ngừng một lúc ông nói:
– Tỳ chủ vận hóa chân khí, khi Tỳ dương hư, thì chân khí không được
chuyển ra khắp chân tay. Do chân tay bị lạnh. Bụng bệ-hạ ngày càng
chướng lên là do thủy thấp đình lưu. Khi Tỳ dương hư thì dương khí không lên được đầu, thành ra đầu nặng, càng khó chịu. Vì bị lạnh, kéo theo
thực quản lạnh, nên bệ-hạ tưởng như mắc nghẹn, kỳ thực là do Vị.
Quang-Vũ nhìn Thái-y rồi nói với Khất đại-phu:
– Tiên sinh luận bệnh quả-nhân, thật không sai tí nào. Không biết tiên sinh có chữa cho quả-nhân được không?
Khất đại-phu nói:
– Tâu bệ-hạ, việc chữa bệnh Tỳ, Vị thật dễ dàng. Nhưng cần phải bỏ ra
những ưu tư làm thương tổn Tỳ mới dứt được. Có hai phương thức điều trị: Một là dùng dược, hai là dùng nội công thượng thừa đẩy vào kinh mạch
tống thấp ra, xin bệ-hạ chọn lấy một.
Quang-Vũ gật đầu:
– Trẫm muốn dùng cả hai. Xin tiên sinh trị cho quả nhân.
Khất đại-phu nói:
– Thần sẽ dùng Lĩnh-nam chỉ pháp. Chỉ pháp này do Chinh-viễn đại tướng
quân Đào Kỳ với thần hợp nhau chế ra. Thần vận khí dương về Đốc-mạch,
chuyển qua kinh Tam-tiêu, sau đó phóng chân khí vào các huyệt
Trung-uyển, Lương-môn, Thủy-phân, Quang-nguyên, Trung-cực, Âm-lăng
tuyền, Tam-âm-giao, Thái-khê cuối cùng là các huyệt Can-du, Thận-du,
Tỳ-du, Cách-du. Như vậy chỉ trong một ngày, bệ-hạ sẽ đi tiêu ra ngoài 10 cân nước: Thủy tà được trục ra hết. Sau đó chỉ việc uống vài thang
thuốc bổ dưỡng nữa là xong.
Quang-Vũ hỏi:
– Tiên sinh có thể trị ngay tại đây, cho triều đình được chiêm ngưỡng thủ thuật của thần tiên chăng?
Khất đại-phu cười:
– Thưa được. Trong khi hạ thần dồn chân khí vào người bệ-hạ. Xin bệ-hạ
không nên vận khí chống lại, cũng không nên chuyển động thân hình.
Quan Thái-y hỏi:
– Thưa tiên sinh, tại sao tiên-sinh dùng kinh Tam-tiêu mà không dùng kinh khác?
Khất đại-phu lắc đầu:
– Lý ngũ-hành là Hỏa sinh Thổ. Tam-tiêu thuộc Hỏa. Tỳ thuộc Thổ. Vì vậy lão phu mới dùng kinh Tam-tiêu để trị Tỳ, Vị.
Ông vận khí rồi hướng lên không điểm đến vèo một cái. Khiến quần thần đều kinh hãi. Ông giảng:
– Đầu tiên thần điểm huyệt Trung-uyển. Trung-uyển là mộ huyệt của Vị.
Phụ thêm có Lương môn, là huyệt gần nhất của Vị, để làm ấm Vị. Vị ấm thì sẽ đủ khí vận thủy thấp ra ngoài.
Ông chĩa ngón tay giữa, hướng ngực Quang-Vũ điểm hai cái chỉ lực kêu lên véo, véo. Mặt Quang-Vũ đang tái, hồng hào hẳn lên, há miệng ợ liền bốn
năm lần. Y nói:
– Thực là khoan khoái. Xin tiên sinh tiếp tục.
Khất đại-phu giảng:
– Bây giờ thần điểm huyệt Thủy-phân. Thủy-phân là huyệt ngăn cách giữa
Trung-tiêu và Hạ-tiêu. Mục đích để thông thủy thấp Tam-tiêu, thì thủy
mới dễ trục ra. Tiếp theo là huyệt Quan-nguyên để bổ nguyên khí. Khi
bệ-hạ bị Tỳ, Vị hư, thì nguyên khí bị suy nhược. Thần điểm luôn huyệt
Trung-cực là mộ huyệt của Bàng-quang, có vậy Bàng-quang mới khí hòa, dễ
thông tiểu tiện.
Giảng đến đâu, ông vung tay điểm đến đấy, chân khí tiết ra kêu veo véo.
Ông lại giảng tiếp:
– Bây giờ thần điểm tới huyệt Thái-khê. Thái-khê là nguyên huyệt của
Thận. Thận chủ thủy. Dùng nguyên huyệt của Thận, để Thận tống nước ra
ngoài.
Kế tới là huyệt Tam-âm-giao, để điều hòa Túc tam-âm kinh Can, Tỳ, Thận.
Thần còn dùng thêm Túc tam-lý là Hiệp-huyệt của Vị. Âm-lăng-tuyền là
Hiệp-huyệt của Tỳ. Hiệp-huyệt để kích thích công năng tạng phủ. Như vậy
Tỳ, Vị làm việc, đẩy thủy thấp ra ngoài.
Khất đaị-phu nói đến đâu, điểm đến đó. Ông định bảo Quang-Vũ quay lưng
để ông điểm vào các Du-huyệt trên lưng, thì Quang-Vũ vẫy tay đứng lên.
Ông biết Quang-Vũ muốn đi tiểu. Vì ông điểm bằng ấy huyệt, thì thủy thấp bị kích động, thoát ra đầy Bàng-quang của y.
Khất đaị-phu cầm bút ghi một toa thuốc, đưa cho Quang-Vũ:
Bạch-truật 4 tiền, Thượng-truật 4 tiền, Hậu-phác 3 tiền, Quế-chi 3 tiền, Cam-thảo 2 tiền, Phục-linh 5 tiền.
Quang-Vũ đưa cho Thái-y. Thái-y đọc nhưng không hiểu, hỏi:
– Trần tiên sinh! Tiểu nhân tối tăm lắm, xin tiên sinh dạy cho. Tại sao lại không dùng Sâm-thang, Lộc-nhung?
– Đại-nhân hỏi câu này thực phải. Rõ ràng Tỳ, Vị hư nhược, phải ôn bổ
Tỳ, Vị, dùng Nhân-sâm là đúng. Dương hư dùng Lộc-nhung là đúng. Nhưng
trường hợp Thiên-tử bị thấp ứ đọng quá nhiều. Nếu dùng Nhân-sâm,
Lộc-nhung bổ Tỳ, Vị, thành ra bổ luôn thủy thấp. Hàn thấp hóa nhiệt
thấp, càng khó khăn. Vậy lão phu mới dùng Hậu-phác, Thượng-truật trục
thủy-thấp ra. Hai vị này công năng vừa ấm, vừa thông tiểu, thủy thấp sẽ
ra ngoài. Thêm Bạch-truật, Phục-linh là hai vị vừa trục thủy thấp, vừa
bổ Tỳ, Vị. Riêng Quế-chi là vị thuốc là để thông dương, hành thủy. Tức
đưa dương khí chạy khắp cơ thể, làm cho nước chuyển động. Thiên-tử sẽ
hết nặng đầu, chân tay ấm áp. Như vậy thang thuốc này 7 phần tả chỉ có 3 phần bổ. Sau khi uống ba thang, thủy thấp tống ra hết rồi, bấy giờ mới
đổi thuốc.
Ông ngừng một lát, nói tiếp:
– Sau đấy mấy ngày thấp trong người bệ-hạ đã tống ra hết, bấy giờ mới cần bổ Tỳ, Vị. Thái-y có thể dùng thang thuốc như sau:
Bạch-truật 4 tiền, Phục-linh 4 tiền, Nhân-sâm 2 tiền, Nhục-quế 3 tiền, Cam-thảo 2 tiền, Xuyên-khung 3 tiền.
Uống trong vòng 10 đến 15 thang thì mình rồng khỏe mạnh, không còn sợ gì nữa.
Lưu Quang hỏi:
– Trần tiên sinh! Còn Tiểu-vương luyện võ từ nhỏ, thân thể cường tráng,
mà sao gần đây cứ nhức đầu hoa mắt, không thuốc chi trị được cả.
Khất đại-phu bắt mạch, rồi bảo Lưu Quang lè lưỡi ra xem. Ông nói:
– Vương gia cũng bị nội thương chứ không phải ngoại tà. Lão phu cầm mạch thấy Trầm mà Xác. Trầm chủ bệnh nội thương, chủ hư chứng. Xác là chủ
nhiệt. Như vậy bệnh của Vương-gia là Âm hư nội nhiệt. Trong người
Vương-gia thì khí là Dương, huyết là Âm. Trong các tạng phủ đều có Âm,
Dương cả. Như Tâm cũng phân Tâm-âm, Tâm-dương. Thận cũng Thận-âm,
Thận-dương. Thận chủ âm, chủ thủy. Tâm thuộc Hỏa. Thủy khắc Hỏa, công
năng của Thận khắc công năng của Tâm. Khi Thận-âm hư thì, Âm không đủ
kềm chế Tâm-hỏa, vì vậy Tâm-hỏa bốc lên. Cho nên vương mới hay nổi giận. Tâm chủ thần chí. Khi Tâm-hỏa bốc lên thì vương mất ngủ. Bây giờ
Thận-âm hư đưa đến nhiều bệnh: Thận chủ não, khi Thận hư, thì não không
được nuôi dưỡng. Vương gia hay bị mất trí nhớ. Hoa của Thận là tóc. Khi
Thận hư thì tóc sớm bạc. Vì vậy tóc vương-gia trắng hết rồi. Thận chủ
cốt, chủ tủy. Khi Thận hư thì cốt tủy không được nuôi dưỡng, nên
vương-gia thường thấy mỏi mệt đầu gối khớp xương. Thận khai cùng ở tai.
Khi Thận-âm hư thì Dương hỏa bốc lên, nên vương-gia thường thấy tai kêu
như ve sầu.
Lưu Quang bái phục:
– Tiên sinh gọi ra bệnh, mà chính Tiểu-vương biết mình, cũng không diễn tả được. Vậy xin tiên sinh cho thang thuốc dùng.
Khất đại-phu cầm bút viết:
Thục-địa 5 tiền, Hà-thủ-ô 5 tiền, Cam-thảo 2 tiền, Trạch-tà 3 tiền,
Kỷ-tử 3 tiền, Sơn-thù nhục 3 tiền, Sơn-dược 3 tiền, Phục-linh 3 tiền,
Mẫu-lễ 3 tiền, Đơn-bì 3 tiền.
Ghi chú,
Bệnh của Hoài Nam vương tương đương với ngày nay là Huyết-áp cao. Người
bị chứng này còn bị thêm nạn bất lực sinh lý (Dysfonction érectile).
Phương thuốc này nay còn giá trị. Tuy nhiên cần phải uống mỗi ngày một
thang, uống liền 10 thang, sau đó mỗi tuần hai thang, trong vòng 8 tuần
thì nghỉ.
Thái-y xem qua hỏi:
– Tiểu nhân có đôi chút thắc mắc. Vương-gia nhức đầu, mất ngủ mà tiểu
nhân không thấy tiên sinh dùng những vị thuốc trấn thống và an thần là
tại sao?
Khất đại-phu cười:
– Dùng cũng được, mà không dùng cũng được. Vương-gia nhức đầu là do
hỏa-vượng, bởi vậy lão phu mới cho uống Mẫu-lễ để hạ hỏa. Còn lại thì
các vị Trạch-tả, Sơn-thù nhục, Đơn-bì, Sơn-dược đều để bổ âm cả. Có thêm Hà-thủ-ô, Kỷ-tử bổ huyết. Vì vương-gia hơi gầy nên lão phu mới cho thêm Phục-linh để vương-gia ăn được. Khi hạ hư hỏa rồi thì làm sao còn nhức
đầu? Khi bổ âm rồi, thì Tâm-hỏa không vượng nữa, thần chí yên tĩnh thì
ngủ ngon, nên không cần các vị kia là như vậy.
Quan Binh-bộ thượng-thư Hàn Song hỏi:
– Kính thỉnh Trần tiên sinh! Ty chức năm nay mới 45 tuổi, không hiểu sao cứ mỗi buổi sáng chải tóc thấy rụng hàng búi. Nếu cứ như thế này mãi,
một ngày kia sẽ trở thành trọc đầu mất. Xin tiên sinh cứu chữa cho.
Khất đại-phu đến bên ông cầm tay chẩn mạch. Một lúc sau nói:
– Lão phu xem mạch đại nhân thấy Trầm mà Trì. Như vậy rõ ràng Thận-dương hư suy. Hoa của Thận là tóc. Khi Thận hư thì tóc rụng. Vì vậy chỉ cần
mười thang thuốc bổ thận là tóc khỏi rụng ngay.
Đại-phu cầm bút viết:
Trạch-tử 4 tiền, Đơn-bì 4 tiền, Sơn-dược 4 tiền, Phục-linh 3 tiền,
Sơn-thù-nhục 3 tiền, Thục-địa 4 tiền, Nhân-sâm 5 tiền, Quế-chi 3 tiền.
Rồi ông nói:
– Xin đại nhân uống liền 10 thang thì tóc hết rụng, người hết mệt, ăn uống ngon, phòng sự tốt.
Thế rồi Khất đại-phu chữa bệnh cho hầu hết các quan của triều đình
Quang-Vũ. Tối hôm đó Hoài-nam vương thay hoàng-đế tiếp đãi Khất đại-phu, Trưng Nhị, Phật-Nguyệt. Còn Nghiêm Sơn thì hội họp riêng với Quang-Vũ.
Các quan triều Hán, người này mang kiệu tới đón, người kia mời chữa bệnh cho bản thân, cho thân nhân. Suốt ba ngày Khất đại-phu dẫn theo Trưng
Nhị, Phật-Nguyệt chữa bệnh trong thành Trường-An. Sáng ngày thứ tư.
Thái-giám đến trao chiếu chỉ triệu Khất đại-phu, Trưng Nhị, Phật-Nguyệt
yết kiến Thiên-tử.
Hoài-nam vương cho người đi tìm không biết Khất đại-phu ở đâu. Ông hoảng hốt sai 300 thị-vệ đi khắp Trường-an. Đến chiều một thị-vệ thấy ông
đang ngồi giữa chợ trị bệnh cho đám… ăn mày.
Hoài-nam vương than:
– Khất đại-phu đúng là một vị tiên ông. Dù hoàng-đế, dù vương-hầu chúng ta, đức đều không bằng ngài.
Trưng Nhị lấy cớ phục thị Thái-sư thúc. Nàng luôn ở cạnh đại-phu, giúp
đại-phu chữa bệnh cho dân trong thành Trường-an. Dân chúng nghe đồn có
tiên ông giáng trần, ùn ùn kéo đến thỉnh tiên sinh cứu trị. Tiên sinh
nhận lời hết. Có người cho tiên sinh là tiên ông dâng đồ chay, tiên sinh nhận. Có người dâng thịt, tiên sinh cũng nhận hết.
Hoài-nam vương chắp tay thỉnh ông:
– Có chiếu chỉ mời tiên sinh và nhị vị cô nương vào triều kiến Thiên-tử. Song bây giờ đã trễ. Vậy sáng mai Tiểu vương đem kiệu đón tiên sinh và
nhị vị cô nương.
Chiều hôm đó tuyết xuống trắng thành Trường-an. Khất đại-phu Trưng Nhị,
Phật-Nguyệt qua đêm với đám người cùng khổ vô gia cư trong miếu thờ
hoàng-đế. Những người ăn xin cùng khổ, được Khất đại-phu chữa bệnh. Ông
còn ở chung với họ trong đêm 23 tháng chạp. Họ nhặt củi vụn đốt lên sưởi ấm cho ông.
Đến nửa đêm, tiên sinh đến bên Trưng Nhị, Phật-Nguyệt đánh thức hai người dậy. Vẫy họ cùng ra ngoài miếu nói chuyện.
Tiên sinh nói sẽ:
– Hôm trước ta quan sát, thấy đám văn thần, võ tướng Quang-Vũ dường như
có ý hại Nghiêm Sơn. Ba ngày qua ta không được tin của Nghiêm. Hôm nay
có chiếu chỉ triệu hồi bọn ta. Ta đã nghĩ đến biến cố nguy hiểm. Song
nhìn vẻ mặt Hoài-nam vương thì thấy bình thường. Tuy vậy lòng người nan
trắc. Chúng ta đi thám thính xem sự thể ra sao.
Trưng Nhị nói:
– Nhất định Quang-Vũ định hại Nghiêm đại ca. Bình thường mà nói Nghiêm
đại-ca là anh em kết nghĩa của Quang-Vũ, hỏi ai dám xen vào việc của đại ca. Nghiêm đại ca là ân nhân cứu mạng của Quang-Vũ, không có chỉ dụ của nhà vua ai dám đàn hạch? Đại ca lại đang cầm binh quyền trong tay. Võ
công thuộc loại thượng thừa, kẻ nào gan bằng trời cũng không dám nói
ngược với đại ca một câu, chứ đừng nói kể tội. Thế nhưng từ Tể-tướng,
Tư-không, Tư-đồ, cho đến thứ tôm tép Việt-kỵ hiệu-úy cũng dám nói xấc.
Chắc Quang-Vũ định trở mặt hại Ngiêm đại-ca. Nếu đại ca bị Quang-Vũ bắt
giam, thì y sai võ sĩ tìm bắt chúng ta chứ? Có đâu lại cho chiếu chỉ
mời?
Khất đại-phu nói:
– Hai người ở đây ta đi thám thính xem sao. Nếu đến sáng không thấy ta
về. Các người cứ dùng Thần-ưng báo cho Phương-Dung biết để nó lo liệu
mọi chuyện.
Trường-an là kinh đô nhà Hán, nên trong có đủ cung, miếu như kinh đô
Lạc-dương. Khất đại-phu hướng nội cung phóng mình trong đêm tối. Ông đến Hoàng-thành, nhảy lên một cây cao quan sát. Thấy tại điện Vị-ương đèn
còn sáng, ông chuyền theo nóc nhà đến. Đứng trên cao nhìn xuống thấy
thị-vệ đi đi, lại lại canh phòng rất cẩn mật. Ông vọt lên nóc điện, bám
vào một cửa sổ nhòm vào. Bên trong Quang-Vũ ngồi trên ngai vàng. Hai bên có khoảng 10 người vừa văn, vừa võ đứng chầu.
Tư-đồ họ Lý chắp tay nói:
– Đất Lĩnh Nam từ xưa đến giờ là nơi xa xôi với vương-triều. Khí hậu
thấp nhiệt, rừng hoang, ruộng sâu. Cho nên đời Tần Thủy-Hoàng mới để cho vua Âu-lạc được yên. Về sau Tần Thủy-Hoàng không biết lượng sức mình,
sai Đồ Thư sang đánh, bị thất bại…
Ngừng một lát y tiếp:
– Thủy Hoàng chiếm được ba quận Nam-hải, Quế-lâm, Tượng-quận giao cho
Triệu Đà làm Quân-úy. Đà nhân đó lập ra một nước mang quân sang đánh
Trường-sa vương nhiều trận điên đảo. Mãi đời đức Văn-đế nhà ta y mới
chịu quy phục. Y ở Lĩnh Nam lâu ngày biết phong thổ, nhân vật, sai con
là Trọng-Thủy sang ở rể bên Âu-lạc mà chiếm được nước. Sau khi Đà chết,
tiên-vương cử Lộ Bác-Đức sang chinh tiễu.
Một văn quan tiếp:
– Trong hai trăm năm vong quốc, người Việt vẫn mưu đồ phục quốc. Bây giờ họ đã chuẩn bị. Tổ chức đại hội Tây-hồ, cử người cầu xin bệ-hạ phục
quốc. Thần cho rằng, một mai họ cường thịnh lên, hướng mặt về Bắc tranh
phong với ta. Không cho, họ khởi loạn, rất khó đánh. Trong khi đó bệ-hạ
sai Nghiêm-vương đánh Thục. Họ tòng chinh lập công. Đương nhiên bệ-hạ
phải phong chức tước cho họ. Số người tham dự hàng trăm. Bệ-hạ phong cho họ hàng trăm tước Hầu, tước Bá. Hiện các Thái-thú, Đô-úy, Đô-sát đã do
họ nắm. Đạo quân Lĩnh Nam chia làm sáu đạo do sáu đại tướng quân văn võ
kiêm toàn chỉ huy. Tổng số trên 30 vạn người. Thần không hiểu tại sao
Nghiêm vương người Trung-nguyên, thuộc dòng dõi trung thần, lại sa thải
hết người Hán chỉ chuyên dùng người Việt?
Hoài-nam vương tâu:
– Không nên trách Nghiêm. Vương xuất thân là người nghĩa hiệp, thấy
những gì hợp với nghĩa hiệp là làm. Vương kinh lý Lĩnh-nam thấy quan lại tham ô tàn ác, mà triều đình thì ở xa. Vương nghĩ rằng triều đình cai
trị Lĩnh Nam cũng chả giàu, mạnh hơn tí gì. Cử quan lại tới thì sao bằng cử quan lại người Việt. Mà quan lại người Việt sao bằng cho người Việt
phục quốc. Hàng năm tiến cống có hơn không? Chính vì vậy vương-gia mới
tổ chức đại hội Tây-hồ sang xin cầu phong.
Hàn-lâm bác sĩ Phạm Thăng tâu:
– Bây giờ phải làm gì? Vương gia đánh Thục công rất lớn. Ngô Hán, Đặng
Vũ đều bại. Thế mà đến tay vương gia thì thế như chẻ tre. Đánh Thục
xong, bệ-hạ phải phong vương cho Đào Kỳ lẽ đương nhiên. Hơn trăm hào
kiệt Lĩnh Nam cũng phải phong hầu, bá cả. Không thể đừng được. Sau khi
đánh Thục, binh quyền trong tay, triều đình không cho phục quốc, họ trở
mặt, bấy giờ ai đánh lại họ? Cho nên thần dám tâu: Bệ-hạ phải xuống tay
từ bây giờ. Bệ-hạ giữ vương-gia ở triều, cho một chức thực lớn, không
còn cầm quyền binh nữa. Ba đạo quân kia đánh Thành-đô xong bệ hạ bí mật
lệnh Ngô Hán, Đặng Vũ đánh úp đạo Lĩnh Nam, bắt tất cả đám hào kiệt giết sạch là xong. Làm như vậy sĩ dân không trách Bệ-hạ vong ân bội nghĩa
với vương-gia. Còn đám man mọi Việt kia. Bệ-hạ muốn giết cứ giết, bất
cần miệng thế?
Quang-Vũ nghĩ ngợi một lúc rồi ngửa mặt lên:
– Ta vì giang sơn tổ tiên đành phụ đám hào kiệt Lĩnh Nam. Các người đâu mời Lĩnh-nam vương vào đây.
Một lát vệ sĩ dẫn Nghiêm Sơn vào, Vương bị trói hai tay. Nhưng gương mặt quật cường. Vương lạnh lùng nhìn Quang-Vũ, triều thần không nói, không
rằng.
Quang-Vũ đứng dậy cởi trói cho Vương, rồi mời ngồi:
– Hiền đệ đừng giận ta! Ta vì sự nghiệp ngàn năm của tổ tiên mà phải làm như vậy. Hiền đệ hãy đặt mình vào địa vị của ta, mới thấy nỗi khổ tâm
của ta.
Nghiêm Sơn lạnh lùng hỏi:
– Xin bệ-hạ cho hạ thần biết hạ thần bị tội gì mà bị đánh thuốc mê, rồi bị trói ném vào trong ngục như một con chó ghẻ?
Quang-Vũ tái mặt không biết nói gì. Lý tư-đồ nói:
– Bệ-hạ vì giang sơn vạn dặm, phải diệt tất cả những mầm mống nguy hại
cho xã tắc. Đất Lĩnh Nam địa linh, nhân kiệt, khí hậu thấp nhiệt, địa
thế hiểm trở. Mà cho người Việt phục quốc, chỉ mấy năm sau họ hưng thịnh lên, quay về Bắc chống với Trung-nguyên, thực là nguy hại. Vì vậy
hoàng-thượng phải trở mặt với họ. Chẳng qua cũng là vì nước cả.
Nghiêm Sơn quắc mắt nhìn Tư-đồ, khiến y sợ quá lùi lại. Vương nói:
– Ta đang tâu với hoàng-thượng, chứ có nói chuyện với bọn hèn hạ các ngươi đâu?
Vương nhổ toẹt một bãi nước miếng vào mặt y. Kình lực mạnh kêu lên một
tiếng véo. Lý tư-đồ ngã ngồi xuống điện. Mặt y tái mét lùi lại hai bước. Vương quay lại nhìn Quang-Vũ:
– Cách đây mười mấy năm, lúc bệ-hạ còn là một công tử. Bị Vương Mãng sai võ sĩ bắt, đem về kinh giết. Trên đường từ Hoài-dương về Lạc-dương,
bệ-hạ bị bỏ đói, bỏ khát, bị chúng coi như con vật, khốn khổ vô cùng.
Bấy giờ hạ thần liều mạng, một gươm đánh nhau với chúng cướp bệ-hạ. Hai
chúng ta trốn vào ruộng bắp, bẻ bắp sống ăn để khỏi chết đói. Ngày hôm
sau lại phải chạy nữa. Trong hai ngày chạy, hạ thần bị thương đến 15
chỗ, cương quyết cứu bệ-hạ. Rồi khi bệ-hạ khởi binh, có thần là người
đầu tiên với 300 đệ tử. Bệ-hạ chả từng nói rằng: Nếu sau này được thiên
hạ, chúng ta chia nhau, cùng hưởng phú quý. Hạ thần không nghĩ thế, hạ
thần nói ngay bấy giờ rằng, hạ thần giúp bệ-hạ là vì nghĩa hiệp. Sau khi thành đại nghiệp, xin bệ hạ cho hạ thần một thanh gươm, một con ngựa
ngao du bốn bể.
Vương quắc mắt nhìn Quang-Vũ nói tiếp:
– Khi hạ thần diệt được Vương Mãng, nhưng còn Xích Mi, Ngỗi Hiêu,
Công-tôn Thuật chiếm cứ các nơi. Thế mà một giải Lĩnh Nam theo Vương
Mãng. Thần một người, một ngựa kinh lý Lĩnh Nam mang về cho bệ-hạ. Từ đó đến giờ nào là lương thảo, lừa ngựa, nào là quân lính, cung cấp đầy đủ
để đánh Ngỗi Hiêu, Xích Mi.
Ngừng một chút vương cười nhạt:
– Sau khi Ngô Hán, Đặng Vũ đánh Công-tôn Thuật bị thất bại, bệ-hạ triệu
hạ thần về đánh Thục. Hạ thần xuống Lĩnh Nam với hai tay trắng. Nếu
không nhờ bạn hữu Lĩnh Nam giúp, làm sao có đạo binh hùng mạnh với hàng
trăm hào kiệt giúp bệ-hạ? Nay Thành-đô chỉ giơ tay ra là lấy được. Bệ-hạ nghe lời gian thần, đãi ân nhân cứu mạng. Đãi nghĩa đệ, đãi đại công
thần bằng cách trói bỏ vào nhà ngục như con chó ghẻ. Thần đã tâu từ
trước: Thần là người hiệp nghĩa mong sự nghiệp thành rồi một người, một
ngựa ngao du bốn bể, thế mà bệ-hạ không cho.
Vương lại tiếp:
– Xưa kia Cao-tổ sợ Sở-vương Hàn Tín công lớn quá, lại là người có tài
dùng binh, bất chấp công trạng đem giết cả nhà, còn có lý. Đây thần
không hề thích công danh, chỉ mong bệ-hạ đối xử thường tình giữa con
người và con người mà thôi; thế mà cũng không được đáp lại. Thần xin
ngao du tứ hải cũng không cho. Khi hạ thần vây Thục, bất thần nghe tin
bệ-hạ đem quân tới Trường-an. Hạ thần nghĩ: Hạ thần thắng Công-tôn Thuật thế như chẻ tre, chỉ giơ tay là lấy được Thục. Việc gì bệ-hạ phải mang
quân tiếp viện? Thần biết bệ-hạ nghi ngờ hạ thần vì nghe lời dèm xiểm
của bọn hủ Nho. Bọn người chỉ biết ngồi ăn nịnh bợ, hại những người lăn
mình vào gươm đao, thập tử nhất sinh. Bệ-hạ mang quân đến Trường-an, bắt chước Cao-tổ du Vân-mộng bắt Sở-vương Hàn Tín. Ai cũng can thần đừng đi vì sẽ bị hại. Nhưng thần nghĩ, Sở vương ham danh, hám của. Chứ thần chỉ xin một con ngựa, một thanh gươm. Giữa bệ-hạ với hạ thần có tình huynh
đệ, sao bệ-hạ có thể hại thần được?
Nghiêm Sơn thở dài, nói tiếp:
– Khi hạ thần tới đây, thấy bọn mặt dơi tai chuột hạch hỏi. Hạ thần biết chúng được bệ-hạ chuẩn cho. Chứ đời nào chúng dám hạch hỏi một tước
vương cầm đại quân trong tay. Lại là em kết nghĩa của bệ-hạ? Là ân nhân
cứu bệ-hạ. Nhưng dù chúng bới lông tìm vết cũng không tìm ra được một
tội nào của thần.
Nghiêm Sơn nói một hơi làm Quang-Vũ ngượng mặt ngơ ngác. Nghiêm Sơn nói tiếp:
– Dù sao bệ-hạ cũng cho trói thần rồi. Bây giờ bệ-hạ có tha thần ra, vẫn cảm thấy mình là người vong ân, bội nghĩa. Tất sau bệ hạ sẽ tìm cho ra
một vài tội để giết thần, mới lấp được miệng thế gian. Cho nên thần đã
cầm cái chết trong tay. Vậy bây giờ bệ-hạ có chuẩn cho thần một ngựa,
một gươm ngao du bốn biển không?
Hàn-lâm bác sĩ Phạm Thăng tâu:
– Tâu bệ-hạ! Bệ-hạ cho Vương-gia đi như vậy, tướng sĩ khắp nơi náo loạn
hết. Chắc chắn Vương sẽ về Lĩnh Nam, rồi giúp người Lĩnh Nam tạo phản,
thì nguy thay.
Nghiêm Sơn cười:
– Theo ý Phạm hàn-lâm, giá tôi có một tội gì đó, khả dĩ bệ-hạ có thể đem chém. Rồi ra cái bộ nhân từ, nghĩ đến công lao, tha chết, cách hết chức tước, đuổi ra ngoài dân dã phải không?
Tư-đồ, Hàn-lâm bác sĩ, đều nhìn Quang-Vũ cả hai gần như đồng ý với nhau. Nghiêm Sơn cười:
– Điều đó dễ lắm, để hạ thần làm một tội, nghĩa huynh bệ-hạ có thể giải quyết cái khó khăn.
Vương vẫy Tư-đồ, Hàn-lâm bác-sĩ lại gần:
– Hai vị lại đây, tôi nói nhỏ cho nghe phương cách phạm tội của tôi.
Hai người ghé sát đầu lại gần Nghiêm Sơn. Bất thình lình Vương túm tóc hai người quát lên như sấm nổ:
– Cái tội của tôi để bệ-hạ có thể cách chức, đó là giết đại thần trước mặt bệ-hạ vậy.
Vương hít hơi giật mạnh tay, hai người bay ngược lên cao. Vương quật
xuống thềm. Hai người bể tan đầu, óc phọt ra nền điện, máu me chan hòa.
Quang-Vũ kinh hoảng lắp bắp:
– Hiền đệ đừng hại ta.
Nghiêm Sơn cười khổ sở:
– Bệ-hạ kết huynh đệ với thần, mà giờ này không hiểu thần. Người nghĩa
hiệp đã kết bạn với nhau, sống chết có nhau, không vì một lý do gì mà
hại nhau. Lưu Tú huynh, đệ không hại huynh đâu, huynh hô võ sĩ bắt đệ để trị tội đi.
Quang-Vũ hô lên, các võ sĩ chạy vào. Nghiêm Sơn chỉ vào hai xác Tư-đồ, Tư-không nói:
– Các ngươi mau trói ta giam lại. Ta ỷ mình là nghĩa đệ của bệ-hạ giết mất hai đại thần rồi.
Các võ sĩ nhìn Quang-Vũ hỏi ý kiến. Quang-Vũ gật đầu. Chúng xúm lại trói Nghiêm Sơn.
Quang-Vũ tiễn Nghiêm Sơn ra cửa:
– Ta lại cho giam hiền đệ vào nhà lao đây. Hiền đệ đừng giận ta nghe.
Nghiêm Sơn bước đi, không quay lại, Vương chỉ cười nhạt.
Khất đại-phu vội buông cửa sổ, vọt khỏi điện Vị-ương rời Hoàng-thành ra
chỗ trú ngụ. Trưng Nhị, Phật-Nguyệt đón ông. Hai người nhìn nét mặt ông
thì đoán có chuyện hung hiểm đã xảy ra.
Trưng Nhị hỏi:
– Có chuyện không hay xảy ra rồi sao?
Khất đại-phu thở dài:
– Nghiêm Sơn bị bắt giam. Quang-Vũ định giết hết chúng ta!
Ông từ từ thuật lại hết những gì nghe thấy ở điện Vị-ương cho hai người nghe.
Ánh mắt Phật-Nguyệt chiếu ra những tia hàn quang sáng rực, nàng đề nghị:
– Phải viết thư cho Phương-Dung, Vĩnh-Hoa, chúng ta rời khỏi đây ngay đêm nay.
Trưng Nhị ngồi viết thư rồi cột vào chân Thần-ưng. Hai thần-ưng bay bổng lên cao, hướng đất Ích-châu bay đi.
Phật-Nguyệt bàn:
– Bây giờ chúng ta cứu Nghiêm đại ca, rồi hãy đi chứ?
Khất đại-phu lắc đầu:
– Nghiêm Sơn có một bí mật về thân thế, chỉ có ta mới biết. Y vì tình
nghĩa hiệp và vì nhũ mẫu mà giúp Quang-Vũ. Y không muốn phản Quang-Vũ.
Mặt khác y muốn phục hồi Lĩnh Nam như chúng ta. Bây giờ giữa chúng ta
với Quang-Vũ có chiến tranh. Y không thể giúp Quang-Vũ phản Lĩnh Nam. Y
cũng không thể giúp Lĩnh Nam đánh Quang-Vũ. Y đành ở lại cho Quang-Vũ
giết. Y muốn dùng cái chết của mình, hầu làm nản lòng binh tướng Hán,
khích động lòng hận thù của chúng ta với Quang-Vũ.
Phật-Nguyệt bàn:
– Vậy thì sáng mai Quang-Vũ sẽ cho triệu chúng ta vào triều đãi yến, rồi nhân đó bỏ thuốc mê bắt chúng ta. Sau đó y gửi chiếu chỉ đi khắp nơi bố cáo việc bắt giam Nghiêm đại-ca. Chúng ta cần trì hoãn việc của y, càng lâu, càng tốt. Trong khi đó chúng ta có đủ thì giờ hành sự.
Trưng Nhị quyết định:
– Không có gì khó cả. Chúng ta nói với mấy người ăn mày rằng: Khất
đại-phu đi Hàm-dương chữa bệnh cho Thái-thú, ba ngày sau sẽ về. Hoài-nam vương ngồi chờ chúng ta ba ngày, rồi mới cho người đến Hàm-dương tìm.
Khi biết bị chúng ta lừa, thì đã trễ ba ngày. Bấy giờ Quang-Vũ xuống
chiếu. Sai sứ giả truyền lệnh cho Ngô Hán, Đặng Vũ cũng phải mất 10 ngày đi đường. Tổng cộng chúng ta có nửa tháng. Với nửa tháng đó ta dư sức
chiếm Kinh-châu, Hán-trung, làm giang sơn nhà Hán nghiêng ngửa.
Suy nghĩ một lát, Trưng Nhị tiếp:
– Chúng ta đón đường bắt sứ giả giết đi. Rồi giả chiếu chỉ Quang-Vũ gửi
cho Ngô Hán, Đặng Vũ truyền lệnh trao binh quyền cho chúng ta, về
Trường-an nhận chức mới. Còn ta, ta coi như Nghiêm đại ca còn cầm quyền, dùng binh phù Lĩnh-nam vương, lệnh các nơi phản Hán. Tướng nào nghe thì ta để, tướng nào chống thì ta giết. Mọi việc phải thực hiện trong 15
ngày. Sau 15 ngày chiếu chỉ Quang-Vũ tới các nơi thì sự đã rồi. Mặt khác ta cản trở chiếu chỉ đi chậm ngày nào, hay ngày nấy. Một trong ba chúng ta ở lại rình bắt giết sứ giả Quang-Vũ gửi đi Kinh-châu, Ích-châu,
Hán-trung, Lĩnh Nam.
Phật-Nguyệt nói:
– Việc này em có thể làm được.
Trưng Nhị mừng lắm nói:
– Gặp sứ giả phải giết ngay, không nhân nhượng. Sau khi giết đốt, hoặc
chôn xác để không ai nhìn ra. Nhưng công văn trong người sứ giả đem về
cho chị gấp.
Phật-Nguyệt khẳng khái nhận lời.
Trưng Nhị cùng Khất đại-phu phi ngựa về hướng Dương-bình quan. Đến Nam-trịnh, Trưng Nhị bảo Thứ-sử Đô Thiên:
– Tai họa diệt tộc của sư huynh đến nơi rồi!
Đô Thiên kinh hãi hỏi:
– Tại sao vậy?
Trưng Nhị tường thuật tỉ mỉ các việc xảy ra cho Đô Thiên nghe, rồi nàng kết luận:
– Quang-Vũ truyền phái sứ giả đi khắp nơi, truyền bắt giam trừ diệt tất
cả tướng sĩ, thân thuộc, bằng hữu của Nghiêm đại ca. Vì vậy tôi báo để
đại ca biết hầu định liệu.
Đô Thiên chết lặng giờ lâu, hỏi Trưng Nhị:
– Trưng cô nương, cô nghĩ sao?
Trưng Nhị cười:
– Người Trung-nguyên của đại ca thì vua muốn bầy tôi chết, bầy tôi chết. Người Lĩnh Nam chúng tôi không thế. Ta giúp người, người phải đãi ngộ
ta. Ta giúp người mà người không đền đáp ta, ta đòi. Ta xây sự nghiệp
cho người, khi thành công, người giết ta để hưởng tất cả. Ta phải chống
lại để tự tồn.
Đô Thiên run run đáp:
– Trưng cô nương, anh hùng Lĩnh Nam sao thì tôi vậy. Xin cô nương chỉ cho tôi con đường sống nguyện không dám quên ơn.
Trưng Nhị thở dài:
– Đại ca có hai con đường. Một là, chuẩn bị gia thuộc, tắm rửa ngồi chờ
Quang-Vũ sai người tới đem ra chợ chặt đầu, của cải tịch thu. Xác chết
đem phơi nắng mưa, đầu đem bêu khắp nơi cho quần chúng coi.
Đô Thiên nhăn nhó:
– Tôi không chịu được như thế.
Trưng Nhị tiếp:
– Con đường thứ nhì triệu tập hết chân tay thân tín, uống máu ăn thề.
Sau đó gọi các tướng cầm quân, huyện-lệnh, huyện-úy về nói rõ việc mình
làm. Ai theo thì để, ai không theo thì chặt đầu. Rồi truyền, lệnh đi
khắp nơi đóng chặt đồn ải, hợp với chúng tôi phản Hán.
Đô Thiên rút thanh kiếm, chém sạt một góc bàn thề:
– Tôi quyết theo kế sách của cô nương. Cô về đem đại quân ra Trường-an bắt Quang-Vũ, tôi nguyện dẫn đường.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!