Sống Thử
Phần 25
Sáng sớm hôm sau, tôi thức dậy với đôi mắt đã sưng húp vì 1 đêm khóc ròng rã, trời hôm nay lại thật tình cờ đổ cơn mưa rả rích, cũng may hôm qua tôi bảo chị Ly về nếu không hôm nay gặp thời tiết như vậy mà đi đường xa cũng vất cả cho chị.
Tôi bước xuống giường trong tình trạng cả người mệt mỏi chẳng còn chút sức lực nào, đi ra phía ngoài đến chiếc giường của thằng Tí đang ngủ cùng với bố tôi mà vén màn lên rồi khẽ lay người nó:
– Tí, dậy đi học em.
Nó khẽ vặn vẹo dụi mắt vài cái rồi nhìn tôi ngái ngủ nói:
– Trời mưa à chị?
– Ừ, mưa đấy, lát đi học nhớ lấy áo mưa mặc vào.
Nó nghe vậy cũng không nói gì nữa liền ngồi dậy bước xuống giường mà đi ra rửa mặt. Tôi lúc này mới nhìn sang bên cạnh, bố tôi nằm quay lưng lại, hơi thở có phần khó nhọc, tôi vừa thương mà lại vừa giận.
Buông màn xuống cài cẩn thận rồi cũng đi ra ngoài rửa mặt, sáng hôm nay tôi không cần phải đi làm nữa, bởi sắp có người nuôi rồi mà.
Nghĩ vậy tôi lại chỉ biết cười giễu mình 1 cái, trong đầu lại nghĩ không biết người chồng sắp cưới đây như thế nào, tôi thừa hiểu cô Sáu, chắc chẳng thật lòng chọn cho tôi 1 gia đình tử tế để gả về đâu, không cụt thì cũng là què, không vũ phu thì cũng là 1 kẻ nghiện ngập rượu chè thôi.
Bỗng nhiên lúc này hình ảnh của Duy lại hiện rõ trong tâm trí, sống mũi phút chốc lại cay xè, bàn tay bất giác đặt lên bụng mình, đứa bé này cho đến bây giờ tôi vẫn chưa cách nào đối diện được với nó thì lại phải chuẩn bị tâm lý làm 1 người vợ của 1 kẻ lại chẳng phải là bố nó, thật buồn cười mà.
Tôi thở dài 1 cái rồi đi lại chỗ thằng Tí đang loay hoay mặc chiếc áo mưa đã sớm rách vài chỗ:
– Không còn cái nào à? Mặc thế này thì khác gì không mặc đâu!
Nó nghe vậy lại nhìn tôi:
– Còn 1 cái nữa lành hơn nhưng để cho bố với chị tí nữa có đi đâu thì dùng, em nhỏ người mặc cái này là được rồi.
Nghe nó nói vậy mà tôi lại muốn ứa nước mắt:
– Thôi, để chị vào lấy cái áo kia cho mà mặc, lát nữa chị đi chợ thì sẽ mua thêm cái khác.
Khi tôi vừa định quay người đi vào thì thằng Tí giữ lại, nó nhìn tôi cười xoà 1 cái:
– Không cần đâu chị, mua làm gì tốn tiền. Em chỉ cần che được cái cặp, không ướt sách là được, quần áo ướt ngồi học 1 lúc là khô thôi. Muộn rồi, em đi học đây!
Dứt lời nó cũng chạy vụt ra ngoài, tôi đứng đấy chỉ kịp nói với theo:
– Tí, từ từ thôi, đường trơn lại ngã bây giờ.
Nhìn bóng dáng đứa em học lớp 6 mà người nó gầy gò, da thì đen vì phải làm đủ việc dưới mưa nắng làm tôi thương xót vô cùng. Ở độ tuổi này của nó, đáng lẽ ra chỉ việc ăn và việc học nhưng rồi đến ngay cả ăn nó cũng chẳng bao giờ dám nói những thứ mà nó thích, nhà có gì thì ăn đó, kể cả cơm chan nước mắm, vậy mà nó chưa bao giờ hé 1 câu than vãn.
Cứ đứng đấy nhìn theo bóng nó đi khuất xa hẳn tôi mới quay vào trong nhà, thì chuông điện thoại vang lên.
Đi vào trong phòng lấy trong chiếc túi xách ra, là chị Ly gọi, tôi có chút mệt mỏi nghe máy:
– Em đây!
– Sao rồi? Bên kia đến chưa?
– Mới sáng sớm mà chị, chắc phải lát nữa.
– Huyền ơi, tao lo cho mày quá. Giờ mày còn đang có thai, nếu không may gặp phải nhà đéo ra gì, rồi nó biết chuyện thì mày khổ thôi. Hay là mày bỏ lên thành phố ở với tao đi, xin việc khác làm cũng được, chị em mình nương tựa rồi sẽ qua được thời gian này thôi.
Tôi nghe chị nói vậy mà đôi mắt cũng đã rưng rưng, nỗi uất ức lại ứa lên tận cổ họng:
– Vậy bố em thì sao chị? Còn thằng Tí nữa? Nếu bây giờ em bỏ mặc ông ấy và em trai mình lên thành phố, vậy bọn chủ nợ xuống nhà thì phải làm sao? Lỡ may nó đánh bố em nữa, ông ấy già yếu rồi còn chịu nổi bao nhiêu hả chị?
Tôi không thây được nét mặt chị nhưng cảm nhận được là chị đang thật sự lo lắng cho tôi, giọng nói cũng đã có phần nghẹn ngào:
– Nhưng con mày thì sao hả Huyền, đứa trẻ nó không tội, nếu như người ta có thể hiểu được thì là phước cho mày, còn nếu họ ích kỷ thì chỉ khổ mày và khổ cả đứa bé thôi. Tao lo cho mày, tao cũng lo cho nó, lo cả cho bố và em trai mày, nếu như tao dư giả, tao cũng chả tiếc gì mà không cho mày mượn tiền trả nợ nhưng mày biết đấy, tiền tao làm ra cũng đều gửi về quê nuôi bố mẹ già yếu và mấy đứa em nữa, có chăng thì cũng đủ nuôi sống bản thân qua ngày đoạn tháng, nên mày cũng thông cảm cho tao.
Chị nói tới đâu là tôi khóc tới đấy, cái ngày bước chân lên thành phố tôi quen chị chỉ tình cờ là đi chung 1 chuyến xe buýt và chị vội nên để quên tiền ở nhà, tôi cũng chỉ là vài đồng bạc nhỏ nên trả giúp chị thôi nhưng không nghĩ vì chuyên đáy mà chị luôn để ơn mãi, lấy số tôi rồi chị em liên lạc dần dần trở thành thân quen.
Thời gian đi học, tôi có nhiều cái bế tắc, về kinh tế về cả tinh thần, chị cũng đều ở bên tôi giúp đỡ và khuyên răn. Kể cả là cái nghề làm PG này, tôi biết chị đã phải cân nhắc rất lâu mới giúp tôi xin việc.
– Em có nghĩ gì đâu chị, em còn phải cảm ơn chị thời gian qua chịu chứa em, chỉ tiếc là về sau không biết chị em mình còn được gặp nhau nữa hay không.
– Ừ, làm gì thì làm cũng phải lo nghĩ đến bản thân mình, cuộc đời không sống được bao lâu đâu em ạ, nên thích gì thì cứ làm đừng cam chịu chỉ mình thiệt thòi thôi. Còn đứa bé nữa, mày tính sao đây, tao giờ chỉ lo cho nó, hay có cần tao nói chuyện với lão Duy không?
Tôi nghe đến đấy mà bỗng nhiên cảm thấy tim mình đau nhói khó tả, nước mắt cũng chảy ra nhiều hơn:
– Nói giờ làm gì được chị, anh ta cũng sắp lấy vợ rồi, với cả nói ra người ta lại nghĩ em thủ đoạn.
– Thủ đoạn gì? Mày điên à, đứa bé là con lão thì lão phải có trách nhiệm, không lẽ để mình mày gánh? Với cả tao nghe anh Nam nói, Duy là bị ép cưới, mẹ lão đổ bệnh phải nhập viện, hình như vào cái hôm ở nhà mày về đấy, có lẽ vì thế mà hôm sau lão không đến. Anh Nam nói lão không ưa gì cái con vợ sắp cưới này đâu, cũng con gái của ông to nào đấy, ăn chơi lắm.
Hoá ra là vậy, ngày hôm ấy anh không quay lại, ngày hôm ấy anh thất hứa không phải là cố tình mà là vì có chuyện nhưng không hiểu sao khi biết được điều đấy lại càng làm tôi day dứt hơn. Tại sao hôm gặp lại, anh không giải thích, cũng chẳng nói cho tôi biết mọi chuyện, làm tôi trách anh, đến nỗi rời đi cũng chẳng 1 lần ngoái đầu nhìn. Bây giờ mới cảm thấy nhớ da diết cái gương mặt ấy.
Nhưng rồi sao đây? Cũng chẳng thể giải quyết được gì, tôi và Duy chắc chị có duyên mà không mang nợ.
– Vậy thì sao hả chị? Nói ra thì anh ấy sẽ bỏ vợ mà cưới em sao? Chị còn nhớ mẹ Duy đã từng đến gặp em và nói những gì chứ? Cho dù em có mang thai máu mủ nhà người ta nhưng họ đã không xem trọng mình thì cố ép mình sống trong đấy lại càng thêm khổ thôi.
– Thế giờ mày định sao? Cứ vậy để đẻ rồi nói với thằng chồng sắp cưới của mày là con nó à? Nó có tin không?
Tôi nghe vậy lại hướng đôi mắt ra phía màn mưa ngoài kia, tương lai trước mặt chỉ là 1 lớp sương mờ không rõ ràng:
– Đến đâu thì ta tính đến đó chị ạ, em giờ cũng chẳng còn cách nào khác. Bỏ thì thương, vương lại tội, thôi thì đành theo ý trời vậy.
Lời vừa dứt thì từ phía bên ngoài truyền vào tiếng giọng nói hung hăng:
– Ông Thìn đâu rồi, sang ngày mai rồi đây, có tiền trả chưa?
Tôi nghe vậy liền vội vàng nói với chị:
– Bọn nó đến rồi, em tắt máy đây, nói chuyện sau nhé.
Cung chẳng để cho chị kịp nói gì tôi liền tắt máy, bỏ chiếc điện thoại vào túi thì vô tình làm rơi tờ giấy siêu âm ra lại vội vàng nhét nó vào mà đi ra ngoài liền thấy đám người đàn ông, thanh niên có, đứng tuổi có đi vào:
– Các anh tìm bố em có chuyện gì không ạ?
1 tên trong số đấy nhìn tôi nhăn mặt nói:
– Mày con ông Thìn à? Hôm nay đến ngày trả tiền, thế nào rồi?
Bố tôi lúc này từ phía giường đi ra , nét mặt ông có phần mệt mỏi, có lẽ như đã mất ngủ 1 đêm thì phải:
– Quân đến rồi à? Hôm nay sẽ trả tiền cho cháu, đợi chú 1 tí.
Người tên Quân đấy tay chân xăm trổ, cắt đầu đinh, nét mặt dữ tợn lại đap vào cái ghế để gần đấy 1 cái rồi lớn tiếng:
– Lại đợi, tôi đùa với ông đấy à? Đã bảo hôm nay đến là phải có tiền luôn, mà bây giờ ông còn bảo đợi à.
Dáng vẻ của bọn họ cũng làm tôi khiếp sợ không dám ho he, bố tôi lúc này đưa tay lên xua xua mà hạ giọng:
– Không phải, chỉ 1 lát thôi, để chú gọi con Sáu nó cầm tiền sang trả liền.
Nói rồi ông quay sang nhìn tôi tiếp lời:
– Huyền, chạy sang nhà cô Sáu gọi cô ấy cho bố!
Tôi nghe vậy cũng chỉ biết hoảng sợ làm theo, vừa bước chân ra đến phía cổng thì cô Sáu cùng con Na, thêm cả 1 người phụ nữ đi cùng với 1 người con trai chân bị cà nhắc bước vào.
Không cần nói tôi cũng biết được, đây là người chồng sắp cưới của mình, quả nhiên đoán không sai, cô Sáu sẽ chẳng có tấm lòng tốt đâu.
– Đây, tiền đến rồi đấy, mấy chú cứ bình tĩnh, mới sáng sớm chưa gì đã làm ầm lên thế?
Cô Sáu nét mặt đon đả đi về phía mấy tên kia cười cười nói nói, tên Quân đấy thấy vậy nhưng cũng chẳng thay đổi sắc mặt mà còn quát lên:
– Tôi còn chưa phá nhà là may chứ làm ầm là còn nhẹ, mau đưa tiền đây đi.
Cô Sáu nghe vậy lại nhìn sang người phụ nữ đi cùng mình mà nhẹ giọng nói:
– Chị Thanh, chị trả 30 triệu cho chú Quân đi, để họ về trước rồi chúng ta ngồi bàn chuyện nhé?
Người phụ nữ tên Thanh kia nghe vậy lại quay ra nhìn tôi 1 lượt từ đầu tới chân rồi nói với đứa con trai đứng bên cạnh bà:
– Phúc, con đấy đấy, mày thấy ưng không để tao đưa tiền?
Tên cà nhắc kia nghe vậy lại nhìn tôi cười đê tiện:
– Ngon đấy mẹ, mẹ trả tiền đi rồi ta đưa nó về luôn.
Bà Thanh lúc này cũng gật đầu 1 cái rồi mở ví tiền ra đếm đi đếm lại nhiều lần mới đưa tiền cho tên Quân:
– Đây, đếm lại đi cho chắc.
Tên Quân giật láy tập 500k trên tay bà Thanh cũng đếm lại 1 lần nữa rồi quay người cùng với đám anh em của nó trở ra ngoài, lúc đi qua chỗ tôi còn khạc 1 cái mà nhổ nước bọt.
Cô Sáu lúc này mới nhìn sang bà Thanh với tên Phúc đon đả mời:
– Nào, nào, chị với cháu lại ghế ngồi đi, chúng ta nói chuyện.
Dứt lời cô ta cũng hướng về phía tôi mà lớn tiếng:
– Con Huyền vào đây đi, đứng đó làm gì?
Tôi nghe vậy quả thực chẳng muốn vào, đôi mắt vô tình đụng phải cái nhìn đau thương của ông, trong lòng lại rấy lên nỗi uất ức nghẹn thắt mà từng bước nặng nhọc đi vào.
Cô Sáu thấy vậy lại lên tiếng:
– Ơ, còn không chào mẹ chồng với chồng mày đi, đứng trơ đó làm gì? Mày nên nhớ là cầm tiền của người ta rồi đấy.
Không hiểu sao tôi cảm thấy ở trước mặt họ lại nhục nhã và thấp hèn đến như vậy, cảm giác còn tệ hơn khi làm cái nghề PG nữa, đôi mắt phải cố gắng nén xuống những giọt nước mắt, 2 bàn tay cứ bấu chặt vào nhau mà nhìn mẹ con họ gồng mình lên nói:
– Bác, anh!
Tên Phúc thấy vậy, đôi chân khập khiễng tiến lại chỗ tôi:
– Anh cái gì mà anh, gọi chồng đi cho quen.
Nói rồi tên đấy liền khoác tay qua vai tôi làm tôi giật mình đẩy hắn ra, nét mặt hắn ngay sau đó lộ rõ sự không vui:
– Thế này là sao?
Cô Sáu thấy vậy liền vội vàng lên tiếng:
– Ấy, cháu bình tĩnh, con bé nó chưa quen thôi, nó còn ngại ấy mà. Ở đây đông người thế, cháu làm vậy nó xấu hổ chứ sao?
Tên Phúc nghe thế liền bật cười khanh khách rồi nhìn sang mẹ hắn nói:
– Phải, thôi mẹ, chúng ta đi về luôn thôi, con đang máu lắm rồi.
Bà Thanh nghe vậy lại nhăn mặt nói:
– Cái thằng này, mày ăn nói lịch sự tí chứ.
Dứt lời bà cũng đứng dậy, quay sang nhìn bố tôi:
– Như vậy là xong rồi nhé, giờ con Huyền nó là dâu nhà tôi, chúng tôi sẽ đưa nó về bây giờ luôn.
Tên Phúc nghe vậy thích thú định kéo tôi đi nhưng tôi liền cản lại:
– Tôi còn phải sắp xếp đồ đạc nữa, ngày mai sẽ về có được không?
– Ôi dào, đồ đạc để chiều anh sang lấy, giờ về ta làm việc đã, đi nào!
Cô Sáu lúc này cũng thêm vào:
– Ừ, Huyền cứ về trước đi, để cô bảo con Na nó sắp xếp cho, đừng lo.
Lời cô vừa dứt, tên Phúc liền túm lấy cánh tay tôi kéo đi, tôi 2 chân muốn bấu chặt vào nền đất, nước mắt cũng đã chảy ra mà nhìn đến bố tôi, ông lại nhẫn tâm chỉ nhìn tôi 1 cái rồi quay mặt đi, 1 câu chào tiễn biệt cũng chẳng nói.
Dù sao tôi cũng đã nghe lời ông, cũng đã chấp nhận lấy chồng để trả nợ, tại sao ông vẫn lạnh nhạt như vậy, ông chẳng còn thương tôi nữa rồi sao?
Khi bàn chân vừa bước qua cánh cửa nhà, thì con Na từ phía trong chạy ra:
– Mẹ, mẹ, cái giấy gì đây? Chị Huyền có thai à?
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!