Câu chuyện nghĩa địa - Chương 1: KHÔNG AI CẢ ĐẾN NGHĨA ĐỊA ( tiếp theo)
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
133


Câu chuyện nghĩa địa


Chương 1: KHÔNG AI CẢ ĐẾN NGHĨA ĐỊA ( tiếp theo)


Ngay từ lúc mới biết đi, thằng bé đã trở thành niềm vui và nỗi tuyệt vọng của bố mẹ, vì chưa từng có thằng bé nào lại hay đi vơ vẩn, hay trèo lên các thứ, hay chui ra chui vào mọi chỗ như thế. Đêm đó, nó bị đánh thức bởi tiếng một vật gì đó ở tầng dưới đổ xuống đánh rầm. Khi đã thức giấc, chẳng mấy chốc nó đâm chán, và bắt đầu tìm cách chui ra khỏi nôi. Cái nôi có thành cao, giống như thành cái cũi của nó ở dưới nhà, nhưng nó dám chắc mình có thể trèo qua được. Nó chỉ cần một cái bậc…

Nó liền lôi con gấu bông lớn màu vàng ra đặt ở góc nôi, rồi, nắm lấy thành nôi bằng hai bàn tay bé xíu, giẫm một chân lên bụng, một chân lên đầu con gấu, thằng bé đu mình đứng dậy, rồi nửa trèo, nửa rơi qua thành nôi ra ngoài.

Nó ngã xuống đánh thịch một cái trên đống thú nhồi bông, có con là quà tặng sinh nhật của họ hàng nhân dịp nó đầy năm, cách đây chưa đầy sáu tháng, có con được thừa hưởng từ chị nó. Nó hơi ngạc nhiên khi bị ngã xuống sàn, nhưng nó không khóc: ta mà khóc thì sẽ có người đến đặt lại vào trong nôi liền.

Nó bò ra khỏi phòng.

Các bậc thang đi lên khá rắc rối, và thằng bé chưa nắm vững được cách trèo lên. Nhưng nó đã phát hiện ra rằng các bậc thang đi xuống lại rất đơn giản. Nó chỉ việc ngồi xuống và trượt từ bậc này xuống bậc kia trên cái mông đã được đệm bằng chiếc tã.

Nó mút mút cái ti, chiếc núm vú giả bằng cao su mà dạo gần đây mẹ bảo nó đã lớn rồi, không cần đến nữa.

Chiếc tã tuột ra trong quãng đường xuống cầu thang, và khi thằng bé đến được bậc cuôì cùng, trượt vào gian sảnh ở tầng dưới rồi đứng dậy, thì cái tã rơi mất. Nó bước ra khỏi cái tã. Nó chỉ mặc một chiếc áo ngủ trẻ em. Những bậc thang dẫn về phòng nó, phòng bố mẹ và chị nó dốc quá, nhưng cánh cửa dẫn ra phố lại đang mở và nom thật hấp dẫn…

Thằng bé bước ra khỏi nhà, hơi ngập ngừng một chút. Màn sương cuộn quanh nó như một người bạn lâu ngày gặp lại. Và rồi, mới đầu còn loạng choạng, sau rồi với bước chân mỗi lúc một nhanh và vững vàng hơn, thằng bé chập chững đi lên đồi.
º º

Càng gần đến đỉnh đồi, màn sương càng mỏng, vầng trăng lưỡi liềm tỏa sáng, tuy không thể so với ánh sáng ban ngày, nhưng ít ra cũng đủ để thấy được khu nghĩa địa, ít ra thì cũng đủ cho việc đó.

Nhìn mà xem.

Bạn có thể nhìn thấy ngôi nhà nguyện tang lễ bỏ hoang, hai cánh cổng sắt khóa chặt, dây trường xuân bám quanh cái mái hình chóp nhọn, một cây con mọc trên máng xối ngang mái nhà.

Bạn có thể nhìn thấy những bia mộ, những cái huyệt, nhà mồ và những tấm biển tưởng niệm. Bạn có thể thỉnh thoảng trông thấy một con thỏ, chuột đồng hay chồn lủi đi rất nhanh khi nó chui ra khỏi bụi rậm và chạy ngang lối đi.

Dưới ánh trăng, bạn sẽ nhìn thấy tất cả những thứ đó, nếu bạn có mặt ở nơi này vào cái đêm ấy.

Nhưng có lẽ bạn sẽ không trông thấy người phụ nữ phốp pháp, nhợt nhạt, đang bước trên lối mòn gần cổng chính, và nếu bạn có nhìn thấy bà thì khi nhìn lại một lần nữa, kỹ càng hơn, bạn sẽ thấy rằng bà chỉ là ánh trăng, là màn sương, là một cái bóng. Nhưng người phụ nữ phốp pháp, nhợt nhạt ấy đang có mặt ở đó. Bà bước trên con đường dẫn đến cổng chính, đi qua một đống bia mộ đổ nát.

Cổng đã khóa. Chúng luôn được khóa lúc bốn giờ chiều vào mùa đông, và tám giờ tối vào mùa hè. Những thanh rào sắt nhọn đầu bao quanh một phần nghĩa địa, và một bức tường gạch cao chắn phần còn lại. Chấn song ở cánh cổng được gắn sát nhau: người lớn không thể chui qua đó được, thậm chí một đứa trẻ mười tuổi cũng không…

“Ông Owens!” người đàn bà da nhợt nhạt cất tiếng gọi, bằng một giọng có thể chỉ là tiếng gió xào xạc qua đám cỏ cao. “Ông Owens! Lại xem này!”

Bà cúi xuống, chăm chú nhìn vật gì đó trên mặt đất, trong khi một mảng bóng tối hiện ra dưới ánh trăng và hiện rõ hình một người đàn ông tóc hoa râm, độ bốn mươi lăm tuổi. Ông nhìn bà vợ, nhìn vật mà bà đang ngắm nghía, và đưa tay lên gãi đầu.

“Bà Owens này?” ông hỏi, bởi vì ông đến từ một thời kỳ trọng nghi thức hơn thời của chúng ta. “Đó có phải là cái mà tôi nghĩ không đấy?”

Đúng lúc đó, cái vật mà ông đang nhìn hình như đã trông thấy bà Owens, vì nó mở miệng ra, để rơi cái núm vú giả đang ngậm xuống đất, và nó vươn nắm tay nhỏ xíu, mũm mĩm của mình ra, như thể đang cố hết sức nắm lấy ngón tay nhợt nhạt của bà Owens.

“Nếu đó không phải một đứa bé,” ông Owens nói, “thì tôi đúng là thằng ngốc rồi!”

“Tất nhiên nó là một đứa bé,” vợ ông đáp. “Và vấn đề là, chúng ta phải làm gì với nó đây?”

“Đó đúng là vấn đề đấy, bà Owens à,” ông chồng trả lời. “Thế nhưng nó không phải vấn đề của chúng ta. Vì đứa bé này rõ ràng là đang còn sống, và vì vậy nó chẳng liên quan gì đến chúng ta, nó không thuộc về thế giới của chúng ta.”

“Ông nhìn nó cười kìa!” bà Owens nói. “Nó có nụ cười mới đáng yêu làm sao,” và bà đưa bàn tay trong suốt ra vuốt mái tóc vàng lơ thơ của đứa bé. Thằng bé cười khúc khích vẻ thích thú.

Một cơn gió lạnh buốt thổi qua nghĩa địa, làm tan tác màn sương ở dưới những sườn đồi thấp hơn (vì nghĩa địa chiếm hết toàn bộ đỉnh đồi, và đường đi trong nghĩa địa uốn lượn lên xuống đỉnh đồi thành một vòng tròn). Có tiếng lách cách: ai đó ở cổng chính nghĩa địa đang nắm lấy cánh cổng, kéo, giật và lắc mạnh hai cánh cổng cũ cùng cái khóa và sợi xích nặng khóa hai cánh cổng lại với nhau.

“Đấy,” ông Owens nói, “gia đình thằng bé đến để đón nó vào vòng tay yêu thương của họ đây. Bà để cho nó yên đi,” ông nói thêm, vì bà Owens đang vòng hai cánh tay trong suốt quanh đứa bé, âu yếm vỗ về nó.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN