Thời xa vắng -full - Chương 23
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
188


Thời xa vắng -full


Chương 23


Có thể hàng chục năm sau giữa bom đạn cực khổ của người lính anh vẫn hăm hở bất chấp hết thảy vì niềm khoan khoái của đêm nay. Hiểu im lặng đi bên cạnh sự sung sướng của người sắp sửa ra đi tràn đầy niềm tin và khát vọng như là sự mô tả của những bài ghi nhanh trên báo chí, đài phát thanh lúc bấy giờ nói rằng người chiến sĩ ra mặt trận như đi xem hội! Anh biết rằng điều đó cũng rất thật và rất cần như thế.

Không có ai dại dột đi nuối tiếc cái cũ khi đang tràn trề với hạnh phúc mới. Cũng chẳng việc gì cứ phải gào lên phô trương tất cả sự đầy đủ tốt đẹp nếu quả thực nó có như thế. Bởi vì, nó giống như kẻ có miếng ăn ngon không bao giờ khoe khoang chiềng bầy ra trước mặt những người đang đói.

Hương chán người chồng của mình ngay từ khi chưa cưới. Có thể nói như thế nếu ai đã từng học ở Bách Khoa những năm ấy. Hàng ”trung đội“ bị cô ”bắn“ ra vừa đủ cự ly làm thầy, làm bạn một cách vui vẻ, hoặc ít ra cũng phải cố mà vui vẻ để chứng tỏ mình không phải là kẻ thất bại. Trong những người ”cùng thời“ ấy có thầy Thịnh, chồng cô bây giờ. Chẳng những không bị ”bắn“ Thịnh còn được vồ vập. Thịnh chịu khó học hành và làm việc. Anh vào loại cán bộ giảng dạy lâu năm của trường. Không tài hoa cũng chẳng kém cỏi, anh là con người ”đều đều“, ”nhàn nhạt“ trong tất cả mọi lĩnh vực.

Đã hơn ba mươi lăm tuổi anh chưa hề ”cùng ai“. Bọn con gái độc miệng lúc đầu gọi là ”giám đốc“ sau chuyển thành ”tiến sĩ hấp“. Hoặc thầm vụng một mình hoặc được gán ghép trêu trọc anh có tất cả các ”hoa khôi“ của trường trong nhiều khóa là ”người yêu“ của mình. Với Hương, anh có cả hai phía: thầm vụng ngẩn ngơ và sự trêu chọc của xung quanh. Ngay chính Hương, rất nhiều lần cười nó trước bạn bè: Mình ”đá“ anh bộ đội rồi, yêu ”tiến sĩ“ thôi. Kệ, cốt mình yêu là được. Cô nào ”hưởng ứng“ thì tốt, mà không cũng chẳng quan trọng gì. Anh chung thuỷ dai dẳng với ”tình yêu một mình“ không hề lay chuyển.

Anh sẵn sàng đạp xe ròng rã cả năm học theo sau một đôi sinh viên đang yêu nhau. Kệ họ. Anh yêu cô bé thì theo. Họ vừa đi vừa nói ríu rít ở phía trước. Anh cứ thủng thẳng đạp theo sau. Về nhà, đợi cho cô vào hẳn phía trong cửa anh mới quay về. Cả hàng năm không cần hỏi han, chuyện trò, không cần cả cô ta có để ý đến mình đi phía sau hay không. Đến khi ”yêu Hương“ anh lại hăm hở mang từ nhà mình đến cho cô bi đông nước sôi để nguội, cái ba lô bộ đội cũ để cô đi ”cắm trại“ ở chỗ Sài đóng quân mà chẳng cần biết cô ta có cần những thứ ấy hay không!

Có lần Hương đi thực tập ở một cơ sở cách Hà nội bốn chục cây, chủ nhật nào anh cũng đạp xe đến ”thăm“ ở phía ngoài cổng nhà máy. Lần thì Hương ”đi vắng“ lần thì ”ốm“. Có một hôm anh ta ”bắt được“ Hương ngay phía ngoài cổng buộc Hương phải đứng lại nói chuyện. Biết là không đùa được nữa và cũng không cần ý tứ, cô bảo: ”Em biết là thầy rất nhiệt tình nhưng em đã có người yêu, thầy thông cảm“- ”Không sao, không sao, em cứ yêu đồng chí bộ đội của em. Tôi không hề làm gì ảnh hưởng đến em. Nhưng em cũng cho tôi cái quyền tự do của tôi, tôi có thể làm những gì tôi muốn.

Nếu em không muốn gặp tôi cũng không sao kia mà“. ừ thì ông cứ làm cái việc ông muốn đi. Hương xin phép về để kệ con người tự do ấy đứng ngoài cổng hàng giờ mới đạp xe về Hà nội. Mấy hôm sau Hương ốm. Không biết cách nào anh ta lại mang đến cho Hương nửa cân đường và chục quả chanh. Hương từ chối. Anh ta bảo. ”Độ này chanh rẻ, có bảy hào một chục, Hương cứ dùng đi đừng ngại“. Hương cười phá lên rồi nghiêm mặt nói như ra lệnh: ”Em yêu cầu thầy bỏ tất cả những thứ này vào túi xách đi hộ em. Thầy thông cảm, giữa trưa, chị em mệt đều muốn ngủ, thầy ngồi đây không tiện“.

Anh ta theo lệnh Hương lùi lũi xách túi ra khỏi cửa. Chị em mắng Hương ”Tệ“ nhưng cô thấy không thể để lão ta ”nhờn“ được nữa. Nhưng ”thầy“ không hề tự ái. Suốt mấy năm trời chân thành và ngoan ngoãn ông ta không hề đòi hỏi, không hề mong đợi ở Hương một điều gì. Còn Hương, vì không mấy ai biết rõ hoàn cảnh của Sài nên luôn luôn đem đến cho cô ”anh bộ đội đẹp trai và thông minh của mày“ làm cô bất chấp hết thẩy để giữ gìn thiêng liêng một mối tình hiện tại thì câm lặng mà tương lai thì mịt mùng.

Chỉ biết trượt theo cái đà của những năm kỷ niệm, những ấn tượng về một tấm lòng chân thật, đầy nỗi đắng cay và một nghị lực phi thường chứa chất trong im lặng thăm thẳm ở con người bề ngoài hiền lành, nhút nhát. Cô còn chờ đợi ở Sài những việc đột ngột làm cô phải ngỡ ngàng khâm phục như sự lặng lẽ nhường chỗ học cho cô. Lặng lẽ đi bộ đội, lại lặng lẽ vào đại học, và trở thành sinh viên xuất sắc mà nhiều năm sau người ta còn nhắc nhở…

Không ngờ. Thật không thể ngờ cái đột ngột như sét đánh ấy lại là cái tin anh ta đã trở lại yêu vợ rất tha thiết. Ngày hôm ấy Hương và cô bạn cùng lớp từ nhà mình đã qua sông còn đi đò trở lại làng Hạ Vị tìm cách gặp Tuyết. Lúc ấy Tuyết đang kiêu hãnh vác cái bụng chửa như vác một quả bom đi đến đặt vào lồng ngực của Hương. Dù đã cố giữa không cho bạn biết chuyện gì, mặt Hương cũng tái đi. Cô đứng chết lặng, Tuyết đi qua một đoạn xa cô mới như tỉnh lại. Trở về trường cô nằm li bì suốt ba ngày.

”Tiến sĩ“ lại mang cho cô mấy quả chanh. Hai mắt cô nhìn như tên bắn vào người khiến hai chân anh run run. Cô muốn quát ”Cút đi, đồ khốn nạn!“ Nhưng cô là người đang quyết chí trả thù mà không có vũ khí. Tất cả những người cô có thể yêu, có thể tạo nên hành phúc cho cô, có thể còn hơn cả Sài, trong suốt mấy năm qua cô đều ”loại“ mà không hề vương vấn. Đến bây giờ… Kẻ sôi sục mù quáng chỉ còn cái que gai cũng coi là vũ khí, vẫn có thể đâm mù mắt người khác. Cô cười, tiếng cười nghe ma quái làm cho người thầy giáo phải đi giật lùi ra phía cửa. Tiếng cười tắt lạnh trên môi, cô hỏi:

”Thầy yêu tôi thật không?“ Người đàn ông bỗng run rẩy quỳ xụp xuống, chắp hai tay lạy như thể cô gái đang ở trước mặt mình đã biến thành ma quái: ”Sợ à? Nói đi. Anh có yêu tôi thật không? Giọng Hương đã bình tĩnh trở lại. Anh ta cũng bình tĩnh trở lại. ”Xin em đừng hỏi câu đó. Nếu được chết ngay lúc này dưới chân em tôi cũng không ngần ngại“- ”Thôi thầy ạ, cải lương lắm.

Đứng dậy đi báo cáo tổ chức đi. Đứng dậy báo cáo tổ chức là tôi yêu anh và chúng ta chuẩn bị cứơi!“ Tất nhiên lúc bấy giờ dù có choáng váng đến đâu thì anh ta cũng phải đứng dậy đi làm ngay cái việc mà cô đã ra lệnh, như chúa ban phát tình thương cho lũ con chiên. Và nửa tháng sau cả trường rùm beng trong đám cưới rất giản dị diễn ra trong vòng mười lăm phút tại nhà bố mẹ chú rể.

Để đến bây giờ trước mặt mọi người cô phải cố trở thành người vợ dịu dàng, hãnh diện về người chồng biết chiều chuộng, biết lắng nghe từng cử động của vợ. Và, cái trách nhiệm làm mẹ đã lớn dần trong cô từ ba tháng nay thì không thể nào khác những cử chỉ, lời nói cô đã làm chứng tỏ cho Hiểu nhận ra cái hạnh phúc tràn trề mới mẻ trong cái gia đình tưởng như tạm bợ, hờ hững của cô.

Nếu cứ để cho Sài biết tất cả sự đối xử của Hương trong thời gian qua có lẽ đỡ khổ hơn. Anh có thể gục ngã để không bao giờ đứng dậy nổi như một đoạn đời tươi đẹp và đau khổ đã được chấm dứt, được ngã ngũ để rồi những năm tháng sau thành kẻ què quặt bệnh hoạn để anh sẽ có một lối sống, một nhân cách dù nó là cung cách lề lối của kẻ bệnh hoạn, què quặt thì vẫn là của kẻ ấy, không chung chiêng pha tạp.

Không dám làm, không dám mất một cái gì, chỉ bằng sự yên lặng và tránh né, sự tránh né gần như chốn chạy vừa chiều ý mọi người vừa toại nguyện cho mình, rốt cục chẳng những không tránh né nổi, anh lại tự giác làm cái công việc lúc ban đầu khi còn là đứa trẻ con cố sức giãy giụa. Lớn lên càng đi xa, chuyện vợ con của anh càng bế tắc. Bé hy vọng lúc lớn lên sẽ vượt ra khỏi roi vọt của bố mẹ và các anh. Đi bộ đội tưởng được thăm thẳm xa vời, cô ta và gia đình không thể tìm đến. Bây giờ lại hy vọng vào bom đạn, chết chóc của cuộc chiến đấu ác liệt sẽ là hàng rào ngăn cách giữa anh và vợ, giữa quá khứ và mai sau.

Nhưng như thế để làm gì khi anh đã có con và Hương đã lấy chồng? Không thể biết điều gì sẽ xảy ra trong tháng sau, năm sau nhưng đến bây giờ thì anh không thể thay đổi, anh sẽ đi, đi suốt cả đời mình trong gian truân, trong chết chóc, chỉ cần để không phải làm chồng của cô Tuyết, không thể ”đội trời chung“ với cô ta. Một lần nhu nhược đã nuôi nỗi đắng cay cả đời rồi.

Còn với Hương, anh không thể trách móc, không thể đòi hỏi gì hơn những điều Hiểu đã nói lại với anh: Hương vẫn hỏi han, vẫn lo Sài đi B gian khổ. Chỉ cần có thế là anh có thể sung sướng trong đau khổ, nuối tiếc và hy vọng, đôi khi cũng chẳng biết hy vọng vào đâu, hy vọng cái gì. Nhưng vẫn cứ khắc khoải chờ đợi nó.

Nhìn cái dáng tất bật quê mùa của anh ai cũng tưởng Sài là người ăn no vác nặng vào loại nhất nhì đại đội. Nhưng với việc rèn luyện ngặt nghèo: ”Vai trăm cân, chân ngàn dặm“, cái nghề ”dài lưng tốn vải“ của những năm đi học và dạy học ở trung đoàn bộ, anh trở thành ”đối tượng“ có nguy cơ phải rớt lại ngay từ đầu. Suốt tám tháng trời tập đeo đất, đeo gạch, tập bắn súng, tập tiểu đội, trung đội tiến công, đánh chiếm từng căn nhà trong thành phố, tập giấu mình giữa đồng bằng, tập vượt núi, lội sông đuổi địch…

Hàng mấy chục khoa mục anh đều cắn răng để chịu đựng, cắn răng lại để đạt tới mục tiêu: đi ”B“. Cái khó nhất của Sài là sức khoẻ, sức chịu đựng dẻo dai của cơ thể. Phương châm của anh vẫn chỉ là: cắn răng mà chịu. Hành quân, hai chân phồng như phải bỏng. Khi những ”bọc nước“ vỡ ra, hai gót và xung quanh bàn chân tuột hết một lượt da rồi lại đến lượt khác, máu tứa ra như cây sung vạc vỏ ứa nhựa. Anh vẫn nhắm mắt, nghiến răng lại chịu đau để không bị rớt lại.

Khoác sọt đất ba bốn chục cân trên vai đi cả ngày, cả đêm có lúc cả hai chân run, mắt hoa, đầu óc quay cuồng choáng váng, ngã dúi xuống bờ ruộng, thấy vẫn có thể ngồi dậy được là anh lại chống gậy đứng dậy chạy theo đơn vị. Cả tám tháng tập và bốn tháng đi bộ ròng rã vào chiến trường anh trở thành cán bộ trung đội tin cậy của đồng đội và cấp trên. Chiến trường, giáp mặt với kẻ thù, cầm súng bắn trực tiếp vào nó đã là chuyện có thực.

Chỉ cách hai ki lô mét rưỡi, có chỗ chỉ cách dăm bảy trăm mét là có thể nổ ra cuộc chiến đấu dữ dội giữa ta và địch. Nhưng nhiệm vụ của đơn vị lần này ”giao quân cho B2“ thành ra phải tránh địch mà đi cho tới đích. Đã hơn một năm ròng khoác lên vai nỗi vất vả nặng nề của người lính, cái mơ ước từng ngày thật giản dị, được một đêm nghỉ cho thoả thuê, một giấc ngủ cho tròn đã là vô cùng hạnh phúc.

Cũng không thể nghĩ ngợi gì nữa ngoài những nhẩm đếm ước tính đã đi thêm được mấy cây số, vượt qua được mấy ngọn núi, đêm nay, ngày mai sẽ bơi qua con sông nào, liệu còn đủ sức lên đến doocs ”ông cụ“ không? Kiếm măng ở đâu, khu rừng nào có nhiều rau môn thục, vượt qua bãi B52 bằng cách nào, nấu cơm làm sao không có khói, mắc võng ở ”bãi khách“ theo kiểu nào để tháo cho nhanh cũng là những tính toán chi li. Vì cái chết lại có thể xảy ra ngay ở những công việc thông thường nhỏ nhặt ấy.

Giữa sống chết, người lính không có gì ngoài tình yêu thương đùm bọc của người xung quanh mình mà người ta vẫn quen gọi là đồng đội, đồng chí. Nó không giống như khi còn ở hậu phương lúc người ta nổi khùng định choảng nhau mới gọi nhau bằng đồng chí. ở đây hai tiếng ấy thật sự thiêng liêng, thật sự là sống chết, mất còn, không thể cách biệt, thù oán. Thù oán nhau, đẩy cái chết đến cho nhau dễ dàng như một phút rong chơi và nó cũng lại dễ dàng bóc trần những thủ đoạn thâm hiểm, lúc ấy tiếng đồng chí không thể nào che đậy nổi, bằng cách gì cũng không thể lẩn trốn nổi sự phán xét.

*

Vượt qua sông Bạc được một đêm Sài phải nằm lại. Đã ba ngày lên cơn sốt li bì bỏ cơm, đến chiều anh vẫn cuốn võng chống gậy ra đi. Đêm nay anh không còn biết gì nữa. Mắt đã dại đi, da tím bầm và quai hàm cứng ngắc không thể nuốt nổi chén sâm cô y tá vừa pha. Đợi tiêm một loạt ba mũi thuốc xong hai chiến sĩ của đơn vị phải ở lại cùng cô y tá, người còn lạ cuối cùng ở bãi khách khiêng Sài đến trạm quân y binh trạm cách đấy một ngày đường.

Như tất cả những người chiến sĩ ra mặt trận lúc bấy giờ mục đích thiêng liêng và cao cả của họ là được giết giặc lập công nhưng hai người đã phải ở lại trạm quân y suốt sáu tháng trời. Khiêng Sài đến nơi, họ phải nuôi quân thay cho một cô nuôi quân bị thương trên đường đi lấy nước và một cô đang lên cơn sốt. Mới đầu do yêu cầu của trạm và không nỡ bỏ bạn đang từng giờ không biết sống chết ra sao, về sau trạm phải di chuyển liên miên và thương binh càng nhiều hai chiến sĩ nhận quyết định thành quân số chính thức của binh trạm 37.

Đọc tiếp Thời xa vắng – Chương 24

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN