Cưới Người Đã Có Vợ (Nụ) - Phần 4
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
3149


Cưới Người Đã Có Vợ (Nụ)


Phần 4


Ngoài sân mợ cả đã đi vào trong phòng, chỉ có cái Hằng vẫn đang quét sân, đột nhiên cái Hằng ném cái chổi xuống nền đất rồi hớn hở:

– Ông bà ơi cậu ba về rồi.

Lúc này tôi mới sực nhớ hình như ngoài cậu cả ra thì tôi còn chưa biết mặt cậu hai cậu ba thế nào. Ông liền đưa cho tôi ấm trà rồi nói:

– Đi pha cho ông ấm trà.

Tôi gật đầu nhận lấy mang xuống bếp mà chẳng dám tò mò ngó xem cậu ba thế nào. Đến khi pha xong ấm trà tôi liền mang qua sập gỗ cho ông, lúc này tôi vừa hay nhìn thấy cậu ba đứng trước mặt cái Hằng:

– Sách cậu gửi cho đã đọc được tý nào chưa?

– Con đọc hết rồi.

– Thật không đấy? Nhìn cái mặt mày ngu ngu thế nào ấy, cậu không tin được.

– Sao lúc nào cậu cũng chửi con ngu thế?

– Thế giờ cậu hỏi mày, “Chiếc lược ngà” của ai, mày bảo mày đọc rồi đúng không?

– Úi giời quá dễ, là của Chu Văn Sáng.

Tôi nhìn cái Hằng liền bật cười, cái này tôi từng được học ở cấp hai, thấy tôi cười cả cậu ba và cái Hằng liền quay sang nhìn. Cái Hằng bĩu môi nói:

– Sao mợ cười con? Con nói không đúng à?

– Không, “Chiếc lược ngà” là của Nguyễn Quang Sáng mà.

– Sao mợ biết?

Khi tôi còn chưa kịp trả lời cậu ba đã ngạc nhiên quay sang bà Quế hỏi:

– Mẹ, đây là ai vậy?

Cái Hằng liền nhanh nhảu nói:

– Vợ hai của cậu Quyền đấy cậu ạ!

– Vợ hai?

Cậu ba nhìn tôi, không hiểu sao tự dưng tôi co rúm người lại liền đặt tách trà lên bàn rồi lùi lại phía sau. Bà Quế thì chau mày nói:

– Con Hằng riết rồi chuẩn bị ngồi lên đầu bà luôn đi. Chưa ai mượn đáp đã đáp, mồm cứ toang toác, bà dặn bao nhiêu lần rồi.

– Hì hì, dạ con quên mất, con xin lỗi bà.

– Cút xuống bếp đi nấu cơm đi

– Dạ.

Tôi thấy vậy cũng đi theo cái Hằng xuống bếp, nhưng mới đi được hai bước cậu ba đã nói:

– Đứng lại đó cho tôi.

Bà Quế đứng dậy cau mày:

– Vào ngồi uống với thầy chén chè đi đã rồi từ từ mẹ kể.

Cậu ba hình như không để ý lời bà nói, cậu kéo tôi ngồi xuống sập hỏi:

– Cô tên gì? Bao nhiêu tuổi?

– Dạ…dạ tên Nụ…mười tám tuổi.

– Ở đâu?

Tôi còn đang co rúm, bà đã vội lên tiếng:

– Mới về mà đã sừng sổ làm người ta sợ đấy. Thôi Nụ xuống bếp nấu cơm với cái Hằng đi, để bà nói chuyện với cậu.

Bà vừa dứt lời cậu đã giữ tay tôi lại rồi nói:

– Mẹ, nói rõ ràng ra đã, chuyện này rốt cuộc là sao? Anh cả chẳng phải lấy chị Quỳnh rồi sao?

– Thế con có thấy cái Quỳnh không đẻ được không? Thế nên mẹ phải lấy thêm vợ về để thằng Quyền còn có cái mà nối dõi chứ.

– Kể cả chị Quỳnh không đẻ được, thì cũng làm sao có chuyện lấy vợ hai? Trừ khi anh cả với chị Quỳnh ly hôn.

– Ôi dào, bên nhà ông Nhò, ông ấy còn lấy ba vợ có sao đâu. Mày đi học về rồi dạy khôn thầy mẹ chắc?

– Đây không phải chuyện dạy khôn hay không, đây là chuyện pháp luật đấy

Tôi nhìn cậu ba, không hiểu sao trong lòng lại như đang trông chờ, hy vọng điều gì đó. Bên ngoài sân chợt có tiếng ho húng hắng của cụ cố ông nội cậu ba:

– Thằng ba mới về mà đã làm ầm ĩ gì lên thế?
– Dạ ông ạ.

Cụ cố ngồi xuống bên sập, nhấp một ngụm trà từ tốn nói:

– Giờ thằng Quyền và con Quỳnh không chịu ly hôn, mà lấy nhau hơn mười năm rồi không một mụn con. Thế mẹ mày lấy vợ hai về cho thằng cả mày còn ầm ĩ cái gì? Nếu mày không muốn vậy, mày lấy vợ đẻ con đi.

– Ông nội, bây giờ có phải thời xưa đâu…

– Thôi, đừng có lấy cái triết lý bây giờ ra mà nói, gia phong nề nếp gia đình này từ trước đến nay không phải mày nói là được. Có thói đâu con cái cãi thầy mẹ như chém vào mồm, mà người cũng đã lấy về rồi, mày đừng có làm lớn chuyện. Cậy được học ở thủ đô, được dăm ba cái chữ rồi về muốn làm vương làm tướng ở cái nhà này chắc.

– Không phải, nhưng…

– Khỏi nhưng nhị gì đi, mới sáng sớm đã không cho ai ngủ nghê. Cho đi học để rồi thành đạt, rồi giúp cái gia đình này thêm cơm thêm gạo chứ không phải để đi rồi về nói năng tầm bậy tầm bạ vào mặt thầy mẹ đâu nhé. Rồi cả anh chị nữa, đến thằng con cũng không dạy nổi, càng ngày càng ngang tàn…học làm gì cho tốn thóc tốn gạo.

Bà Quế nghe vậy cúi xuống đầu đáp:

– Con xin lỗi thầy.

– Khỏi xin lỗi, bảo con Hằng nấu cho tôi một bát đỗ đen đi, rồi tý bảo nó lên dọn nhà cho tôi. Tôi đi sang nhà ông Phú chơi lát về.

– Dạ, thầy đi cẩn thận.

Cụ cố nói xong, nhìn tôi một cái rồi thở dài bước ra sân. Cậu ba thì bị ông bà mắng té tát một trận đùng đùng bỏ vào gian nhà bên trái đóng mạnh cửa. Tôi sợ hãi đứng dậy bước xuống bếp, mùi khói củi bốc lên, cái Hằng nhìn tôi khẽ hỏi:

– Cậu ba lại bị ông bà mắng hả mợ?

– Ừ.

– Khổ thế đấy, cậu ba lần nào về là lần đấy nhà lại có chuyện. Ông bà rõ chiều và thương cậu nhất, nhưng cũng lại hay chửi mắng cậu nhất.

– Sao lại thế?

– Thì cậu ba đi học trên thủ đô, mỗi lần về lại cãi nhau với ông bà vì những cái mà gọi là gia phong nề nếp. Cậu muốn thay đổi những thứ đó, thay bằng sự văn minh ở phố, nhưng ông bà không chịu, cứ thế rồi cãi nhau thôi mợ.

Tôi nghe cái Hằng nói xong, khẽ ngó lên nhà, cửa phòng cậu ba vẫn đóng im thin thít. Bỗng dưng…tôi lại tò mò về cậu. Cái Hằng vừa đẩy củi vào trong bếp vừa nói:

– Nhà ông bà giàu vì lắm đất lắm ruộng, cậu ba thì nổi tiếng học giỏi từ bé, lớn lên cậu thi đỗ đại học rồi lên học trên thủ đô. Cả làng có mỗi cậu ba và một cậu nữa đỗ đại học thôi đấy.

– Cậu ba học gì thế Hằng?

– Cậu ba học y, thấy ông bà bảo sau này ra sẽ làm bác sĩ mình hay gọi là thầy lang đấy mợ.

– Lang băm á?

Đột nhiên có tiếng cọt kẹt, sau đó một cái đầu ngó ra trợn trừng mắt nhìn tôi. Tôi bị giật mình, một lúc sau mới biết ra ra buồng của cậu ba sát ngay bếp, cửa sổ của buồng một nửa đối diện với cửa buồng tôi, một nửa thông luôn với bếp. Tôi chẳng hơi đâu tìm hiểu xem tại sao nhà này lại thiết kế kỳ lạ như vậy, bởi tôi đang sợ hãi vì khuôn mặt tức giận của cậu ba. Thế nhưng cậu không nói gì, hừ một tiếng rồi đóng rầm cánh cửa lại. Cậu ba rất đẹp trai, so với cậu Quyền còn có phần đẹp hơn. Cậu Quyền tướng cao to nhưng lại có làn da hơi xanh xao, cậu ba thì khác, cậu vạm vỡ, màu da đồng trông rất khoẻ khoắn. Chỉ có điều… đối với tôi cậu có tính cách hơi hung hãn.

Tôi không dám nghĩ thêm gì, ngồi trò chuyện rồi cùng với cái Hằng nấu cơm. Sau khi nấu xong thì bê lên sập gỗ, bà ngồi trong gian giữa phe phẩy cái quạt còn ông thì hình như nằm ở buồng. Cái Hằng dọn một mâm cơm khác bê lên căn nhà gỗ phía sau rồi nói:

– Con nói mợ nghe này, cho mợ quen dần nha. Nhà này bình thường nấu cơm phải chia hai mâm, một mâm bê lên sau nhà cho cụ cố, cụ cố chỉ ăn cơm một mình thôi, còn một mâm thì bê lên cho ông bà và các cậu mợ ăn. Trước kia con không được ăn cùng mâm với ông bà đâu, nhưng từ hồi cậu ba đi học về, bắt con ngồi đấy ăn, với ông bà cũng coi con như con cháu trong nhà nên cũng không soi mói chuyện này. Chỉ thi thoảng mợ cả có nói thôi nhưng vì mọi người đều bênh con nên lời nói của mợ cả chả có tác dụng gì, còn bị ông chửi là ích kỷ. Thôi mợ sang nhà gọi cậu cả với mợ cả sang xơi cơm đi, con bê cơm lên cho cụ cố, cụ cố đi đánh cờ về rồi.

Tôi nhìn theo hướng tay cái Hằng chỉ, lúc này mới biết được hết khuôn viên trong nhà. Phía sau nhà có một căn nhà gỗ nhỏ sạch sẽ của cụ cố, căn nhà năm gian thì được ngăn thành bốn gian và một gian riêng biệt của vợ chồng cậu mợ cả. Tôi tuy hơi sợ nhưng vẫn đi về gõ cửa rồi nói vọng vào:

– Con mời cậu mợ ra xơi cơm.

Bên trong có tiếng lục đục, tôi sợ mợ cả nhưng còn sợ hơn nhìn thấy cậu cả nên chỉ gọi như vậy rồi liền xếp bát ra sập, sau đó ra mời ông bà với cậu ba ngoài. Đến khi xong xuôi cái Hằng cũng về, mọi người bắt đầu ngồi vào mâm. Cái Hằng kéo tay tôi rồi nói:

– Mợ cũng ngồi xuống ăn cơm đi chứ.

Vừa nói xong mợ cả liền rít lên:

– Từ bao giờ trong nhà này người ở đợ lại tự cho mình cái quyền lớn hơn cả chủ nhà như vậy?

Cái Hằng nghe vậy thì im bặt, mợ cả quay sang nhìn ông bà rồi nói:

– Thầy mẹ, con thấy thế này cũng không ổn lắm đâu. Em Nụ trên danh nghĩa thì vẫn ở đợ giống con Hằng, mà nhà mình cứ dung túng cho con Hằng giờ hàng xóm láng giềng cũng nói người ở không ra người ở, làm gì có chuyện người ở ngồi ăn chung với ông bà chủ được. Chuyện em Nụ về đây làm lẽ là chuyện chỉ trong gia đình biết, nên dù sao con vẫn nghĩ để em ấy ăn cùng cái Hằng và ăn riêng. Không phải con ghét bỏ gì em ấy, nhưng nếu chẳng may có ai thấy rồi bàn tán cũng không hay, biết là chuyện này là chuyện thường tình, nhưng cậu ba cũng nói rồi đấy, pháp luật không công nhận điều đó. Vậy nên con nghĩ nên để cẩn thận và đỡ bị bàn tán thì để con Hằng với em Nụ ăn riêng. Ngoài ra em Nụ cũng nên làm việc như con Hằng…

Mợ cả chưa dứt lời thì ông đã nói:

– Nụ làm việc như con Hằng cũng được, vì nếu muốn sinh con được thì phải khoẻ mạnh, mà nếu cứ ngồi ì một chỗ thì cũng chẳng ổn. Nhưng để nó ăn riêng thì…

– Không sao đâu thầy, chỉ để em ấy và con Hằng ăn sau một chút thôi đỡ hàng xóm dị nghị. Con sợ em ấy mới đến còn rụt rè, người nói ra nói vào em ấy không chịu được. Với lại thầy ơi, thầy con ban nãy có sai người gửi cho thầy con hạc đúc bằng đồng, con vẫn để trong phòng chưa kịp mang ra cho thầy.

Cái miệng mợ cả ngọt xớt, ông nghe xong thở dài nói:

– Thôi tuỳ chị.

Nhưng mà ông mới đồng ý thì cậu ba đã nói:

– Con không phản đối chuyện bắt cái cô Nụ gì kia làm việc nhà. Nhưng con thấy để cô ấy với con Hằng ăn chung mâm cơm có sao đâu? Người ở đợ cũng là người mà, như trên Hà Nội giờ bỏ hết mấy cái đó rồi, giúp việc ăn chung với chủ là thường. Nên cô Nụ ngồi xuống ăn đi,

Mợ cả nghe vậy chau hàng lông mày lại, cậu ba lại nói:

– Ngồi xuống đi,

Bà thì nhìn tôi gật gật đầu rồi nói:

– Thôi, Nụ ngồi xuống góc kia với con Hằng,

Mợ cả định nói gì đó nhưng cậu ba liền quay sang nói tiếp:

– Chị Quỳnh tháng này lên khám lại lần nữa thử rồi xem thế nào.

Mợ thở dài đáp:

– Khám rồi cũng có thấy gì đâu, uống cả mấy trăm thang thuốc bắc mà vẫn vậy chú ba ạ.

– Bây giờ y học cũng phát triển rồi, giờ chị mới có hai mươi tám, anh cả thì ba mươi, còn trẻ mà hai người đã vội cái gì, rồi còn lấy vợ hai nữa chứ. Chẳng hiểu sao anh chị cũng đồng ý được chuyện tào lao này.

Cậu Quyền đang và chén cơm chợt dừng lại liếc tôi rồi nói:

– Lấy nhau bao nhiêu năm không có con, tôi cũng mong có tiếng trẻ con trong nhà chứ.

Mợ cả đột nhiên thở dài, buông bát cơm sau đó chạy vào phòng. Không hiểu sao không ai nói với ai thêm câu gì nữa. Tôi có đói, cũng chẳng dám xin thêm chén cơm, ăn xong tôi với cái Hằng bê bát ra giếng rửa. Trong lòng tôi chợt thấy nặng trĩu

Yêu thích: 3.9 / 5 từ (17 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN