Nàng Cám - Chương 23: Chuyện con chó.
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
98


Nàng Cám


Chương 23: Chuyện con chó.


Lại một ngày mới bắt đầu ở thôn Hạ…

Trời thu trong vắt, mây trắng bồng bềnh trôi, nắng vàng dịu nhẹ trải khắp muôn nơi…

Phân len lỏi giữa những thửa ruộng xanh xanh bắt ốc bắt cua, người nào đó đang đấm vai bóp chân nịnh nọt bà Năm cũng lật đật xin đi theo, nói muốn giúp y.

Đáng buồn thay, người mò cua bắt ốc cũng chỉ có mình y, còn Cám thì tất nhiên phải lười biếng nằm phơi nắng rồi ngủ luôn một thể không chừng?

Phân đoán đúng lắm luôn, chị Cám đang ngủ ngon lành dưới bóng râm xa xa, chẳng biết trời trăng mây gió gì sất.

Nhưng chẳng mấy chốc sau, Cám ta đã mơ mơ màng màng dụi mắt tỉnh dậy, cũng tại hổm rày nàng ngủ chán chê rồi, muốn ngủ tiếp cũng chả được.

Cám lăn qua lăn lại trên bãi cỏ, chẳng may lại lăn trúng một cục mềm mềm ấm ấm nằm ngay sau lưng.

“Ẳng ẳng”

Cám hết hồn ngồi bật dậy.

Chú chó con nọ ai oán nhìn Cám, song nó chỉ kêu đúng hai tiếng thôi, nó lười chảy thây ra nên chẳng thèm táp Cám, chỉ quay mông đi xa xa một đoạn, lừ mắt nhìn nàng, sau đó… ngã phịch ra đất ngủ mất.

Eo, kiêu thế cơ à!

Cám tò mò bò lại chọc chọc vào cái bụng đầy mỡ của nó:

“Mới sáng, ngủ cái gì mà ngủ!”

“…”. Vậy lúc nãy bà chị nằm lăn ra đấy làm gì thế?

Chú chó nọ khịt mũi khinh bỉ. Cám thích chọc thì cứ chọc, nó vẫn phải ngủ trước đã.

Bỗng sau một hồi chọc chọc chán chê, nó cảm thấy mình bị nhấc lên đưa đi đâu đó.

Xì, nó là cục cưng của ông phú hộ giàu nhất làng đó, làm gì có ai dám bắt cóc nó.

Nhưng chú chó nhỏ nào biết cái tính vừa tự phụ kiêu ngạo vừa làm biếng kia lại có ngày hại nó.

Đó là khi nó đã ngủ đã đời và sảng khoái thức dậy…

“Phân ơi, Phân ơi, nó tỉnh rồi này…”. Cám thở phào, ra sức vẫy vẫy anh Phân đang tưới rau gần đó, làm như phát hiện vĩ đại lắm.

Nhưng anh Phân vẫn thản nhiên tưới rau, chỉ khẽ “ừ” một tiếng.

Đúng là đần thật, nó ngủ thì phải tỉnh chứ có chết đâu…

Chú chó nhỏ bất lực nhòm ngó xung quanh.

Đây là đâu? Cái bà… bà… bà cô đó dám bắt cóc nó?

Được, được lắm! Nó được ông phú hộ cưng như vậy, nhất định sẽ cho bà cô ngu ngốc này biết thế nào là lễ độ!

Cún con chuyển sang hằn học nhìn Cám, thật muốn cắn nàng ta một phát cho đỡ tức. Chỉ có điều…

… lười quá, thôi vậy!

Cám thấy nó chịu mở mắt nhìn mình thì cười tít giơ tay ra vẫy vẫy:

“Yo, cún con! Mi còn sống hả? Tốt quá tốt quá!”

Chú chó nhỏ này hình như rất thích ngủ, rất giống nàng đó. Trông nó béo béo tròn tròn như này cũng đáng yêu.

Tóm lại là nàng thích, nàng thích thì nàng lượm về nàng nuôi!

Sau đó, chó nhỏ ở cùng Cám, hai người vô cùng thân thiết. Nó ngủ nàng cũng ngủ, nó ăn nàng cũng ăn, chó căm thù nhìn nàng, Cám đần thì chả nói làm gì, lúc nào cũng cười tít mắt nhìn nó. Nàng quả thật đã nhận nuôi một con chó như thế đó.

Nhưng chó là nàng nuôi, còn cho ăn… tất nhiên là Phân cho…

Ông Năm phản đối ghê lắm, cũng nhờ Phân bảo Phân thích nuôi, ông liền cười tươi rói khen y có tấm lòng lương thiện, nói xong lại quay sang gườm liếc Cám.

Ai đó cứ nhìn Phân cảm kích không thôi, cặp mắt mở to, hết lấp la rồi lại lấp lánh, nào có để ý ánh mắt đáng sợ kia.

Chỉ tiếc chú cún nọ ở đây còn chưa đầy ba ngày đã mang đến phiền phức cho nàng.

Chuyện xảy ra vào một ngày nắng đẹp, Cám theo thói quen của người hiện đại “ẵm” chó đi dạo, nhân lúc nó ngủ say như chết, sẵn tiện đưa cơm cho Phân với ông Năm ở ngoài đồng luôn.

Đến gần nhà bác Ba Phước giữa thôn, nàng lại nhác thấy một đám người vẻ mặt bặm trợn đang chửi bới um xùm, bác Ba thì đang quỳ, liên tục vái lạy bọn họ.

Cám nhận ra ngay đám người này, cái ông bụng phệ mặc đồ lòe loẹt, còn có hai cọng rau cá trê nào ai khác ngoài Trần phú hộ khét tiếng ngang ngược trong làng?

Xung quanh tất nhiên là lũ người chuyên làm sai vặt cho phú ông.

Cám ta hiếu kì dỏng tai nghe xem ông này đang chửi cái gì, nhưng xa quá, nàng đành nhích từng chút từng chút tới gần, cách dám đông chừng bốn năm thước.

“Mi còn không trả nợ, ông đây liền đốt nhà mi!”

“Ông ơi, nhà con bần hàn, con đã làm không công cho ông đặng mà trả nợ, sao ông…”

“Trả treo này!” – Phú ông nhổ một ngụm nước bọt to bự, lũ người kia bắt đầu lao vào đánh đập dã man mặc cho bác Ba cầu xin thảm thiết.

Cám hốt hoảng, vội vội vàng vàng chạy ra đồng kêu Phân đến giúp bác. Phân cao to cường tráng, đảm bảo bọn họ sợ chết khiếp ý chứ.

Nào ngờ con chó trên tay nàng “gâu gâu ẳng ẳng” mấy tiếng, thành công thu hút sự chú ý của phú ông.

Phú ông nheo mắt nhìn con chó, rồi lại trừng mắt nhìn Cám.

“Cha chả, con này dám ăn cắp Cục Vàng nhà ông?”

Gì? Sao? Con chó? Cục vàng?

Nàng há miệng chớp mắt, không thốt nên lời.

“Dám ăn cắp Cục Vàng ông mới mua! Mi đền tiền cho ông!”

“Chó là con lượm, vả lại người con chẳng có đồng nào ông ạ!” – Cám lễ phép trả lời.

“Láo! Con này láo! Nhà mi ở đâu, hả? Ông tới tận nơi đòi, không đền ông lại đốt!”

Ớ, Cám đâu có ngu mà dẫn ổng về nhà cho ổng đốt, ông này hay nhỉ?

Vì thế Cám cứ đứng thừ ra đó, cúi đầu bĩu môi:

“Đấy, con trả lại cho ông là được chứ gì!”. Nói rồi nàng liền quăng nó xuống đất, tên phú hộ giật mình, vội vội vàng vàng chạy lại bế con chó, sau đó trợn mắt như muốn ăn tươi nuốt sống nàng.

“Mi dám thả cục Vàng của ông xuống đất bẩn như thế à? Đồ nhà quê, tránh ra cho ông!”

“Ôi ôi Cục Vàng của ông, sao lại ốm yếu thế này?” – Phú hộ Trần bế con chó, lật lên lật xuống xem xét, mặt lập tức thay đổi một trăm tám mươi độ, ra điều đau đớn lắm.

Đáng ghét thay, con chó nọ còn chẳng biết ơn mỗi ngày nàng và Phân trích nửa phần cơm cho nó ăn mà còn rên ư ử phụ họa.

Cám ngây ngốc nhìn màn hội ngộ cảm động của một người một chó, dường như nếu nó biết nói thì còn thêm mắm thêm muối vào cũng không chừng.

Phú ông đau lòng nhìn con chó, lại căm thù nhìn Cám, quát:

“Lần này ông phải đánh mi trước mới hả dạ, nhưng mi vẫn phải đền tiền tổn thất cho cục vàng nhà ông! Nếu không trả tiền? Được, cả nhà mi dọn đi là vừa!”

“Người đâu, đánh con này cho ông!”

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN