Tình Dục Thuở Hồng Hoang - Chương 7
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
401


Tình Dục Thuở Hồng Hoang


Chương 7


MẸ THÂN YÊU NHẤT

Con bạn không phải là con của bạn. Chúng là con của cuộc sống đang khao khát chính nó.

• KAHLIL GIBRAN

Ý nghĩa phức tạp của trách nhiệm làm bố phát sinh từ các mạng lưới tương tác tình dục đan xen lẫn nhau được áp dụng cho cả các bà mẹ lẫn các ông bố. Nhà nhân học Donald Pollock cho chúng tôi biết người Kulina tin rằng bào thai được hình thành từ tinh trùng tích lũy (sữa nam giới, theo tiếng Kulina), còn sự phát triển của đứa bé sau khi ra đời là nhờ sữa phụ nữ. “Bất kể phụ nữ nào cũng có thể nuôi nấng đứa trẻ”, ông viết. “Điều này rất phổ biến, một nhóm chị em… cùng chia sẻ công việc nuôi dưỡng; không phải là điều lạ lẫm gì khi bà ngoại của đứa trẻ bế ẵm nó, kể cả khi không còn có khả năng cho bú, để dỗ cho nó nín khi mẹ nó không rảnh lúc đó.” Khi ông hỏi xem những người phụ nữ khác có phải cũng là mẹ của đứa trẻ hay không, người ta trả lời rằng ‘tất nhiên’.

Nghĩ về thời thơ ấu giữa những người Dagara ở Burkina Faso*, nhà tâm lý Malidoma Patrice Somé nhớ lại đám trẻ tự do lang thang ra vào các ngôi nhà ở khắp nơi trong làng ra sao. Somé giải thích rằng điều này “tạo cho đứa trẻ cảm giác gần gũi rất rõ ràng”, và rằng “mọi người đều góp phần nuôi nấng đứa trẻ”. Bên cạnh nhiều lợi ích rõ ràng đối với bố mẹ, Somé còn nhìn thấy những lợi thế tâm lý mang tính bản năng dành cho lũ trẻ. Ông nói: “Hiếm khi một đứa trẻ lại cảm thấy lẻ loi hoặc nảy sinh vấn đề tâm lý; mọi người đều biết rõ mình thuộc về nơi nào.”*

Mặc dù lời giải thích của Somé nghe có vẻ là một ký ức được lý tưởng hóa, nhưng những gì ông mô tả vẫn là đời sống làng xóm chuẩn ở gần như mọi nông thôn châu Phi, nơi trẻ con được thoải mái ra vào nhà của những người không phải thân thích trong làng. Mặc dù tình yêu của người mẹ rõ ràng là độc nhất vô nhị, nhưng phụ nữ (và một số nam giới) trên khắp thế giới đều háo hức rủ rỉ với những em bé không thân thích, không phải con mình một sự háo hức phổ biến ở các loài linh trưởng sống quần thể khác, trong đó, không hề ngẫu nhiên, lại không có loài nào sống một vợ một chồng. Thái độ sẵn lòng chăm sóc những đứa trẻ không thân thích được cảm nhận sâu sắc và chia sẻ rộng rãi cũng tồn tại ở cả thế giới hiện đại: thử thách trước thủ tục quan liêu trong cuộc chạy đua nhận nuôi đứa trẻ tương đương với nỗi căng thẳng và chi phí sinh con, nhưng hàng triệu đôi vợ chồng vẫn háo hức theo đuổi phần thưởng chẳng lấy gì làm chắc chắn này.

Các nhà khoa học chỉ tập trung vào gia đình hạt nhân nào đã bỏ qua vai trò thay thế cha mẹ ruột* trong giống loài chúng ta. Sarah Blaffer Hrdy, tác giả cuốn Mothers and Others (tạm dịch: Các bà mẹ và những người khác), than thở: “Việc chia sẻ công việc nuôi dưỡng trẻ nhỏ trong các loài linh trưởng khác và trong nhiều xã hội bộ tộc chưa bao giờ là phạm vi hoạt động trung tâm thống nhất trong các tài liệu nhân học. Nhiều người thậm chí không nhận ra là nó có diễn ra. Nhưng… hệ quả của việc hợp tác chăm sóc xét về mặt sinh tồn và sức khỏe sinh học của cả mẹ lẫn con hóa ra lại rất tốt.”

Darwin tán thành ý kiến cực đoan cho rằng đối với các cá thể “mọi rợ” mối quan hệ mẹ-con có thể không quan trọng bằng mối quan hệ với cả tập thể. Nhận xét về những thuật ngữ gia đình đã quen dùng như mẹ, cha, con trai, con gái khi nhắc đến toàn bộ các thành viên của nhóm, ông đề xuất: “Các thuật ngữ được sử dụng để thể hiện mối liên kết với bộ tộc, chứ lại không phải với người mẹ. Có khả năng là mối liên kết giữa các thành viên có họ hàng trong các bộ tộc mọi rợ, do phải đối mặt với đủ loại nguy hiểm, và do nhu cầu bảo vệ và giúp đỡ lẫn nhau, nên quan trọng hơn nhiều, mối liên kết giữa mẹ và con.

Khi nhà truyền giáo dòng Tận thế kỷ XVII là Paul le Jeune thuyết giảng cho một người Ấn Độ thuộc bộ tộc Montagnais về những mối nguy hiểm của việc lang chạ tràn lan mà ông được chứng kiến, le Jeune nhận lại được một bài học về việc làm cha mẹ thế nào mới đúng cách. Nhà truyền giáo nhớ lại: “Tôi nói với anh ta rằng phụ nữ mà yêu người nào ngoài chồng mình thì chẳng danh giá gì và rằng điều xấu xa này đang tồn tại giữa bọn họ, bản thân anh ta còn không biết chắc là con trai anh ta, lúc này đang ở đó, có phải là con trai mình hay không. Anh ta trả lời, ‘Anh vô lý thật. Người Pháp các anh chỉ yêu thương con mình thôi; nhưng chúng tôi ai nấy đều yêu thương trẻ con của cả bộ tộc’.”

Mặc dù điều này có vẻ bình thường đối với đa số chúng ta, hệ thống họ hàng dựa trên nền tảng sinh học của chúng ta lại là một trường hợp Flintstone hóa khác. Chúng ta đơn giản cho rằng quan niệm của mình về gia đình phản ánh một điều gì đó vĩnh cửu và phổ quát trong bản chất con người. Nhưng như chúng ta đã thấy, cũng không hề có sự đồng thuận giữa những người cho rằng chỉ cần một hành vi tình dục là đủ để có thai.

Khái niệm mỗi-con-một-mẹ (one-mother-per-child) cũng đang gặp rắc rối ở ngay chính các xã hội phương Tây. “Vai trò làm mẹ đang vỡ vụn”, William Saletan, chuyên gia về bản chất con người ở Slate.com viết. “Bạn có thể có một người mẹ di truyền, một người mẹ thai nghén, một người mẹ nuôi, và Chúa mới biết còn gì nữa. Khi một người mẹ trở thành bà, tình thế thậm chí phức tạp hơn nữa.” Nói đến những bà mẹ thay thế mang thai hộ người khác, Saletan lập luận rằng rất dễ hiểu khi mẹ của một phụ nữ nào đó đề nghị thay con mình mang thai đứa trẻ. “Khi người thay thế là bà ngoại thì sẽ đỡ lộn xộn hơn. Mẹ và con gái có chung mối gắn kết di truyền với nhau và cùng gắn kết với đứa trẻ. Họ sẵn sàng xử lý mọi việc hơn và cho đứa trẻ một môi trường gia đình ổn định.” Có lẽ vậy. Dù bằng cách nào, với việc nhận con nuôi phổ biến, hay các gia đình hỗn hợp hình thành từ việc tái hôn, những kỹ thuật như mang thai hộ, hiến tinh trùng, hay bảo quản phôi thai đông lạnh, thì Homo sapiens đang nhanh chóng xa rời cấu trúc gia đình “truyền thống”, quay lại với những sắp đặt không chắc chắn về sinh học của quá khứ.

* * *

Niềm tin về việc làm bố chung phát ra khắp nhóm làm ai cũng có cảm giác mình là bố, nhưng đây chỉ là một trong nhiều cơ chế nhằm tăng cường tình đoàn kết trong nhóm.

Các nhà nhân học cho biết ở nhiều cộng đồng, lễ đặt tên và sáp nhập dòng họ tạo ra nghĩa vụ giữa các cá nhân mang tính ràng buộc như quan hệ huyết thống, hoặc còn hơn thế. Nhắc đến người Matis mà ông từng chung sống, nhà nhân học Philippe Erikson viết: “Nếu phải định nghĩa quan hệ họ hàng, thì các mối quan hệ nảy sinh từ tập tục đặt tên được ưu tiên hơn hẳn bất cứ khía cạnh nào khác, chẳng hạn họ hàng theo phả hệ. Khi xung đột nảy sinh giữa hai hình thức chung tên và theo phả hệ, người ta ưu tiên mối quan hệ chung tên…”

Một số nhà nhân học băn khoăn không biết liệu quan hệ họ hàng có phải là một khái niệm quan trọng trong các cộng đồng ở mức độ nhóm hay không – bất kể định nghĩa ra sao. Họ lập luận rằng trong một cộng đồng có quy mô bé như vậy, mọi người chắc chắn ít nhiều sẽ có họ hàng với nhau, nên quan hệ có xu hướng được đo bằng những thuật ngữ lỏng lẻo hơn, chẳng hạn tình bạn và đối tác chia sẻ.

Theo cách hiểu của Darwin, ngay cả thuật ngữ chỉ mối quan hệ thân thích trực tiếp và tức thì nhất cũng phụ thuộc vào ý nghĩa văn hóa của nó. “Tất cả đàn ông trong thị tộc địa phương đều được mong chờ thể hiện hành vi làm cha đối với mọi trẻ em trong thị tộc”, nhà nhân học Janet Chemela nói. “Đàn ông trong thị tộc chăm sóc trẻ trên nhiều phương diện, bao gồm cả tình yêu thương và tìm kiếm thức ăn.” Dựa trên kinh nghiệm của mình về người Mebengokre, nhà nhân học Vanessa Lea nhận thấy: “Sự phân bố trách nhiệm được xây dựng theo cộng đồng và không phải là một thực tế khách quan…” Với người Tukanoan: “Anh em trong thị tộc chu cấp cho con cái của nhau theo hình thức tập thể. Thông qua việc đóng góp phần kiếm được hằng ngày, mỗi người đàn ông thường xuyên gắng sức vì toàn bộ trẻ em trong làng – con của mình cũng như con của các anh em khác.”

Cách tiếp cận phổ biến này đối với việc làm cha mẹ không chỉ tồn tại ở các ngôi làng châu Phi hay vùng Amazon. Desmond Morris nhớ đến một buổi chiều ông gặp một nữ tài xế ở Polynesia. Cô kể rằng cô có chín đứa con, nhưng đã cho một người bạn vô sinh mất hai đứa. Khi Morris hỏi lũ trẻ cảm thấy thế nào về điều đó, cô ta bảo chúng ổn, bởi vì “chúng tôi ai nấy đều yêu bọn trẻ”. Morris nhớ lại: “Điều đó được nhấn mạnh bằng thực tế là, khi chúng tôi đến làng… cô ta dành thời gian chạy nhảy với nhóm trẻ nhỏ, nằm xuống cỏ và chơi với chúng như thể đó là con mình vậy. Lũ trẻ lập tức chấp nhận cô ta, không thắc mắc bất cứ điều gì, và một người qua đường sẽ không bao giờ nghĩ rằng họ không phải là một gia đình bình thường đang chơi cùng nhau”.*

Một “gia đình bình thường”. Có lẽ việc người lớn và những đứa trẻ không họ hàng dễ dàng chấp nhận nhau, việc nuôi dưỡng chung trong các cộng đồng mà lũ trẻ xem tất cả đàn ông là bố và tất cả phụ nữ là mẹ, các cộng đồng nhỏ bé và hẻo lánh đến mức tin tưởng đón nhận lòng tốt của khách lạ, nơi các mối quan hệ tình dục chồng chéo khiến việc làm bố trở nên khó xác định và không mấy quan trọng… có lẽ đây là cấu trúc gia đình “bình thường” nhất của giống loài chúng ta.

Có lẽ nào sự chia tách theo khuôn phép bộ ba mẹ-bố-con (gia đình hạt nhân) thật ra lại là bước chuyển lầm lạc không đúng đối với giống loài chúng ta? Chúng ta có dám hỏi xem phải chăng mẹ, bố và con đều bị ép vào một cấu trúc gia đình chẳng thích hợp với bất cứ ai trong chúng ta? Có thể nào những trận dịch đương đại như gia đình rạn nứt, bố mẹ kiệt sức và con cái cô đơn, hoang mang, hận thù thật ra là hệ quả của một cấu trúc gia đình bị biến đổi, không thích hợp với giống loài chúng ta?

HẠT NHÂN TAN CHẢY
Nếu trên thực tế đơn vị gia đình hạt nhân đúng là cấu trúc mà con người tự định hình một cách tự nhiên nhất, thì tại sao các cộng đồng và tôn giáo đương đại lại thấy phải chống đỡ nó bằng giảm thuế và cần pháp chế hỗ trợ trong khi mãnh liệt bảo vệ nó khỏi các cặp đôi đồng tính và những kẻ cầu hôn theo cách khác thường? Thật ra, người ta tự hỏi cớ sao hôn nhân lại là vấn đề hợp pháp hay không – ngoại trừ việc nó liên quan đến luật nhập cư và tài sản. Tại sao một thứ không thể tách rời bản chất con người lại đòi hỏi phải được bảo vệ cẩn mật đến thế?

Nếu sự định hình này nằm sâu trong bản chất của chúng ta, thì tại sao càng ngày càng ít người chọn sống theo cách đó? Ở Mỹ, tỉ lệ hộ gia đình hạt nhân đã giảm từ 45% xuống còn 23,5% kể từ những năm 1970. Đến năm 1998, lượng gia đình phi hạt nhân nhiều gấp ba lần so với các hộ gia đình được gọi là truyền thống. Năm 1930, các cặp đã kết hôn (có con và không có con) chiếm khoảng 84% tổng số hộ gia đình Mỹ, nhưng gần đây nhất con số này là chưa đến 50%, trong khi số cặp đôi không kết hôn sống cùng nhau đã tăng vọt từ 500.000 vào năm 1970 lên gấp mười lần vào năm 2008.

Trước khi Bronislaw Malinowski (1884-1942), nhà nhân học đáng kính và nhiều ảnh hưởng nhất đương thời, tuyên bố rằng vấn đề này đã được giải quyết, thì rất nhiều cuộc tranh cãi đã nổ ra về việc trên thực tế, liệu bộ ba mẹ-bố-con có phải là hạt nhân phổ biến của tổ chức xã hội loài người hay không. Malinowski chế giễu định nghĩa của Morgan cho rằng các cộng đồng có thể được tổ chức theo các dòng họ phi hạt nhân. Ông viết:

Rõ ràng, lúc ban đầu chỉ có ba diễn viên này – bố, mẹ và đứa con… Nguyên tắc hoàn chỉnh này chính là điểm khởi đầu cho cách hiểu mới về giả thuyết hôn nhân công xã nguyên thủy của Morgan. [Họ] nhận thức rõ rằng hôn nhân theo nhóm nghĩa là làm bố mẹ theo nhóm. Nhưng làm bố mẹ theo nhóm lại là một giả thuyết gần như không tưởng… Kết luận này đã dẫn tới những sai lầm tai hại như “thị tộc lấy thị tộc và sinh ra thị tộc” hay “giống như gia đình, thị tộc là một nhóm có khả năng sinh sản”.

“Nguyên tắc chuẩn hoàn chỉnh” ư? “Giả thuyết không tưởng” ư? “Sai lầm tai hại” ư? Dường như với Malinowski, đó là sự xúc phạm ghê gớm khi một số người dám nghi ngờ tính chất tự nhiên của cấu trúc gia đình hạt nhân đã được thánh hóa. Ngay cả ngày nay, người nào nghi ngờ các quan điểm đang thịnh hành về gia đình hạt nhân cũng đều có nhiều nguy cơ bị chế giễu như vậy. Nhưng trong phạm vi mấy khu lớp học ở London, nơi Malinowski quả quyết với sinh viên của mình rằng tôn sùng gia đình hạt nhân là phổ quát và tự nhiên, thì con cái của những bà mẹ đơn thân đang chết trong các bệnh viện dành cho trẻ bị bỏ rơi. Tình hình ở Mỹ cũng không kém phần thê thảm. Năm 1915, bác sĩ Henry Chapin đã đến thăm mười bệnh viện dành cho trẻ bị bỏ rơi. Ông báo cáo rằng trong chín nơi được gọi là bệnh viện này, đứa trẻ nào cũng đều chết trước khi lên hai. Đứa trẻ nào cũng vậy.* Số phận đen tối tương tự chờ đón lũ trẻ phiền phức trên khắp châu Âu. Chẳng hạn, trong cuốn hồi ký về đời sống trung lưu ở nước Đức đầu thế kỷ XX, Doris Drucker mô tả ngôi làng “Anglemaker”, nơi đón nhận trẻ em từ những bà mẹ không giá thú và “bỏ đói lũ trẻ nhỏ cho đến chết”, trong khi chính bà mẹ trẻ đó được thuê làm vú em cho các gia đình thượng lưu.*

Kinh khủng đến mức buộc phải suy ngẫm như vậy nhưng hành vi giết trẻ sơ sinh trên diện rộng này không phải là điều gì mới mẻ hay bất thường. Suốt nhiều thế kỷ, hàng triệu trẻ em đã được chuyển qua những cái nôi đặt trong tường các bệnh viện dành cho lũ trẻ vô thừa nhận trên khắp châu Âu. Tỉ lệ sống sót trong những cơ sở đó chẳng hơn gì khi cánh cửa xoay mở thẳng vào lò hỏa táng. Không những không phải là nơi cứu chữa, đây là những lò mổ được chính quyền và nhà thờ cho phép hoạt động, với không biết bao nhiêu nghìn hay triệu trẻ em – mà sự tồn tại của các em làm dấy lên những câu hỏi nhức nhối về “tính tự nhiên” của gia đình hạt nhân – đã bị vứt bỏ theo hình thức sát hại công nghiệp hóa.*

* * *

Trong cuốn Eve’s Seed: Biology, the Sexes, and the Course of History (tạm dịch: Hạt giống của Eve: Sinh vật học, giới tính, và tiến trình lịch sử) nhà sử học Robert S. McElvaine chắc đã thoát khỏi một số “sai lầm tai hại” của bản thân khi viết: “xu hướng chung trong quá trình tiến hóa của loài người là dứt khoát đi đến quan hệ kết đôi và gia đình bền vững. Tuy nhiên, quan hệ kết đôi (mặc dù thường có một vài trường hợp sa ngã, đặc biệt là ở nam giới) và gia đình”, ông khẳng định, “lại là những ngoại lệ, bên cạnh những đặc trưng chỉ có ở loài người.” (Chúng tôi nhấn mạnh).

Chắc chắn vậy, hãy quên đi tất cả những sa ngã và rất nhiều ngoại lệ, tự bạn sẽ có một trường hợp thật sự chắc chắn!

Dù rất nhiều bằng chứng cho thấy điều ngược lại, quan điểm của Malinowski vẫn ở sâu trong các giả định vừa khoa học vừa đại chúng về cấu trúc gia đình. Trên thực tế, toàn bộ cấu trúc của thứ đủ tiêu chuẩn là gia đình ở xã hội phương Tây đều dựa trên khẳng định như của Malinowski rằng, mỗi đứa trẻ ở mọi nơi luôn chỉ có một người bố.

Nhưng ở thời đó nếu quan điểm của Malinowski thắng thế, tại sao thi thể tri thức của Morgan tội nghiệp vẫn thường bị lôi lên để hạ nhục? Nhà nhân học Laura Betzig mở đầu một bài luận về tan vỡ hôn nhân (hôn nhân thất bại) rằng “huyễn tưởng [về hôn nhân nhóm] của Morgan kết thúc khi đối diện bằng chứng thực tế và một thế kỷ sau thời Morgan có một sự đồng thuận rằng hôn nhân (một vợ một chồng) gần gũi với con người nói chung như bất cứ hành vi nào thuộc về con người.” Ai chà. Nhưng tất nhiên, cách hiểu của Morgan về cấu trúc gia đình không phải là huyễn tưởng. Kết luận của ông dựa trên nhiều thập kỷ nghiên cứu và khảo sát thực địa rộng khắp. Về sau, khi đã bớt tự tin, Betzig thừa nhận: “Tuy nhiên, vẫn không có đồng thuận về việc tại sao hôn nhân lại phổ biến đến như vậy.”

Thôi được, đấy là một bí ẩn. Chúng ta sẽ thấy rằng những nhà nhân học tìm thấy hôn nhân ở bất cứ nơi nào họ nhìn vào, bởi vì họ vẫn chưa thống nhất với nhau về nghĩa của từ này.

Yêu thích: 5 / 5 từ (1 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN