Thần Điêu Đại Hiệp
Chương 74: Tình Chàng Nghĩa Hiệp Thành Duyên
Lưu Xứ Huyền và Hách Đại Thông đi qua mé rừng một vòng thì thấy không có vết tích nào tỏ ra có người đi vào Cổ Mộ. Lưu Xứ Huyền xem ra Dương Qua và Tiểu Long Nữ không về Cổ Mộ mà lại đi xuống chân Chung Nam sơn. Mọi người nghe Dương Qua đi xa Cổ Mộ, lòng vừa mừng vừa buồn. Họ mừng là mừng cho Dương Qua đã đi xa, còn buồn vì lo sợ Tiểu Long Nữ khó lành bệnh. Nếu nàng chết đi, thì Toàn Chân giáo sẽ chịu một hậu họa lớn sau này. Toàn Chân ngũ tử tuy cư ngụ trên Chung nam sơn mấy mươi năm trường, nhưng lại nghĩ không ra Dương Qua và Tiểu Long Nữ đi về hướng nào.
Thật ra lúc Ngọc phong vào tình thế đối phương hỗn loạn, Tiểu Long Nữ liền chỉ huy Ngọc phong mở đường rút lui, đi ra cửa hậu, gặp một tòa lầu nhỏ xây tựa theo thế núi. Dương Qua biết lầu “Tàng kinh các”, một trọng địa của Trùng Dương cung, liền bồng Tiểu Long Nữ lần theo cầu thang leo lên. Hai người vừa lên tới giá sách, thở một hơi dài, như trút được một gánh nặng, thì nghe dưới lầu tiếng người hò hét rầm rầm. Liền lúc đó có mấy mươi tên đạo sĩ tiến lên gào lớn, nhưng vì cầu thang chật hẹp, không thể thi thố “Thiên cang bắc đẩu trận” nên không một ai dám lên trước. Dương Qua để Tiểu Long Nữ ngồi trên ghế, xem xét tình thế chung quanh. Chàng thấy phía sau “Tàng kinh các” là một khe nước sâu thăm thẳm. Khe ấy tuy sâu nhưng không rộng mấy, bên mình chàng luôn luôn có một sợi dây dài để ban đêm buộc treo cây làm võng ngủ. Dương Qua liền lấy sợi dây ấy buộc một đầu vào thành cửa sổ, rồi nắm lấy dây tung mình nhảy sang bờ bên kia, kéo thẳng sợi dây cột chặt vào thân cầu bên vách núi. Đoạn chàng giở khinh công, đi trên sợi dây trở lại “Tàng kinh các”. Chàng đứng bên Tiểu Long Nữ nhỏ nhẹ nói:
– Bây giờ chúng mình về đâu?
Tiểu Long Nữ nói:
– Anh muốn đâu, thì em cũng theo vậy.
Dương Qua cười nói:
– Cái đó là lý trưởng “lấy chồng thì phải theo chồng” có phải thế không em?
Chàng ngừng lại một giây liền hỏi tiếp:
– Nhưng lòng em thích anh đi đâu?
Tiểu Long Nữ thở nhẹ một cái, lộ vẻ mặt thẹn thùng. Lẽ tất nhiên Dương Qua cũng thừa hiểu nàng muốn về cố cư nơi Cổ Mộ, nhưng làm cách nào về Cổ Mộ được, lại thêm một việc khó vô cùng. Dương Qua nghe dưới lầu những tiếng hò hét càng tăng thêm, thấy không thể chần chờ được, mà cũng chưa biết phải đi về đâu? Tiểu Long Nữ thấy chàng có ý lo nghĩ nhiều, nên dịu dàng nói:
– Em cũng không nhất thiết phải về Cồ Mộ, miễn đi về đâu mà anh khỏi nhọc công lo lắng.
Nàng cười âu yếm:
– Anh Qua! Em được ở bên anh, thì có về phương trời nào cũng vui!
Dương Qua thầm nghĩ:
– Đây là cái nguyện vọng duy nhất của nàng sau lễ cưới mà không chừng cũng là cái nguyện vọng sau cùng của đời nàng, nếu mình không đủ năng lực làm cho nàng toại nguyện, thì đâu có xứng đáng làm chồng nàng?
Đôi mắt chàng đảo nhìn tứ phía, nhưng những tiếng la hét dưới lầu nghe đến chát tai. Lòng đang bối rối lại hỗn loạn thêm. Chàng chợt thấy sau giá sách phía Tây chất đầy những rương gỗ liền nảy ra một ý nghĩ giải thoát. Chàng vội bước tới giá sách, thì thấy những chiếc rương gỗ đều khóa lại. Chàng liền đưa tay giật một cái, chiếc khóa đứt ra, tức khắc mở nắp rương, thấy trong chứa đầy sách vở. Chàng xách rương lên chúc ngược xuống, đổ tất cả sách vở ra, thấy chiết rương làm bằng gỗ liền rất kiên cố. Chàng liền tung mình lên đưa tay lấy tấm da cừu che trên giá sách. Đó là tấm da phòng khi mưa khỏi ướt sách quý. Chàng kéo tấm da lót vào rương, rồi lần theo sợi dây vác chiếc rương qua bên kia, đoạn trở lại bồng Tiểu Long Nữ. Chàng cười nói:
– Thế này, chúng mình về cố cư được rồi!
Tiểu Long Nữ mừng rỡ nói:
– Anh có sáng kiến hay quá! Em phục anh!
Dương Qua còn sợ nàng lo lắng, liền an ủi:
– Em! Thanh kiếm này sắc bén vô cùng, khi anh lặn trong đường ngầm nếu có gì làm cản trở chiếc rương, chỉ một nhát kiếm chém ra thì nới rộng tất cả. Anh sẽ đi rất nhanh, em khỏi sợ ngộp hơi khi ngồi trong rương.
Tiểu Long Nữ cười nũng nịu nói:
– Nhưng có một điều em không thích.
Dương Qua ngạc nhiên hỏi:
– Điều gì hả em?
Nàng cười nói:
– Bởi vì đi theo phương pháp đó, thì em với anh phải cách biệt một lúc khá lâu
Đang trò chuyện đã tới vách núi bên kia, Dương Qua sực nhớ bé Quách Tường còn để nằm trong sơn động, liền nói:
– à! Anh còn mang theo con gái của Quách đại hiệp tới nữa, em nghĩ phải làm thế nào?
Tiểu Long Nữ giật mình, run giọng:
– Thật vậy? Chàng…. chàng mang theo con… con gái của Quách đại hiệp tới?
Dương Qua thấy thần sắc nàng biến đổi, với giọng nói đau khồ, biết ngay nàng hiểu lầm là chàng mang Quách Phù tới. Chàng quá thương xót, cúi xuống hôn nhẹ lên gò má nàng, rồi nhỏ nhẹ giải thích:
– Em Long! Anh mang đứa con gái mới sinh ra được một tháng chứ không phải con nhỏ biết xách kiếm chặt tay anh đâu?
Tiểu Long Nữ thẹn thùng quá, gương mặt bỗng nhiên trở lại ửng hồng, dụi đầu vào lòng chàng không dám ngước mặt lên. Một hồi lâu, Tiểu Long Nữ mới thỏ thẻ:
– Anh Qua! Vậy mình mang luôn đứa bé về Cổ Mộ luôn, chứ để nó nằm trong rừng hoang, núi thẳm này tội nghiệp nó!
Dương Qua thấy thời gian để đứa bé nằm một mình quá lâu, nên không biết tánh mạng Quách Tường ra sao. Lòng chàng không yên liền bước nhanh tới sơn động. Dương Qua tới chỗ bé Quách Tường nằm, nhưng không nghe tiếng khóc la gì, lòng thêm lo vội kéo nhanh vật chướng ngại ra, thấy Quách Tường đang nằm im thiêm thiếp trong ấy. Chàng cảm thấy nhẹ nhõm dịu dàng bồng nó đi trở ra. Tiểu Long Nữ thấy đứa bé lòng mừng rỡ đưa tay ra nói:
– Anh đưa em bồng nó cho.
Dương Qua ngại nàng bị thương còn yếu sức nên nói:
– Để nó trong rương kéo đi được rồi!
Chàng dùng dây lưng buộc vào quai xách của chiếc rương, rồi đặt Quách Tường nằm vào. Chàng vừa đỡ Tiểu Long Nữ vừa kéo chiếc rương từ từ tiến đi.
Lúc bấy giờ, tất cả đạo sĩ Chung nam sơn đều tụ về Trùng dương cung, nên đi dọc đường không có một bóng người lai vãng. Hai người đi qua một đám dưa bí của Toàn Chân giáo, Dương Qua hái bảy, tám trái bị vỡ để vào rương, cười nói:
– Bấy nhiêu cũng đủ cho hai đứa mình ăn bảy tám ngày rồi.
Hơn một giờ đồng hồ, đã tới bên khe nước, Dương Qua bồng nàng để vào trong rương rồi để Quách Tường nằm vào lòng nàng, hai người nhìn nhau cười. Dương Qua nhè nhẹ đậy nắp rương lại, dùng tấm da cừu bọc kín lại rồi buông chiếc rương xuống dòng nước. Chàng hít lấy một hơi dài dưỡng khí, đoạn kéo chiếc rương lặn xuống nước kéo đi.
Từ ngày trong hoang cốc lo luyện khí công trong thác lũ, nên chàng lặn trong khe nước nho nhỏ nầy thấy không có gì nhọc nhằn cả, mặt đất trong khe nước có chỗ cao, chỗ thấp, Dương Qua cứ xuôi theo dòng nước mà đi, gặp những cột đá cản trở. Chàng sợ lâu Tiểu Long Nữ nghẹt thở, nên dùng kiếm chặt bạt đá ra, đi rất nhanh, chỉ trong nháy mắt ra một đường hầm, đi tiếp đường hầm về Cổ Mộ. Dương Qua mở nắp rương ra cho nàng thở một lúc rồi lại tiếp tục kéo đi dưới đường hầm rẽ về Cổ Mộ. Đến Cổ Mộ chàng mở nắp rương ra thấy Tiểu Long Nữ có phần đuối sức, nhưng nàng vẫn mỉm cười nói:
– Chúng mình về tới nhà rồi!
Cửa ngõ, bàn ghế, giường mùng chiếu chăn, không khác lúc xưa, Dương Qua mải nhìn những căn phòng đá, những món đồ từ nhỏ chàng đã dùng qua. Lòng chàng bỗng cảm thấy một niềm cảm xúc khó tả, ngơ ngẩn như kẻ mất hồn. Một hồi lâu chàng cảm thấy có một giọt nước nóng trên cánh tay chàng, liền quay đầu nhìn lại thì thấy Tiểu Long Nữ đang đứng dựa bên ghế, nước mắt chảy đầm đìa, đôi mi lim dim. Hôm nay hai người được thành duyên giai
ngẫu, lòng tưởng bấy lâu đã toại, lại được trở về tới Cổ Mộ. Từ nay không còn vương vấn những sầu thương, thảm não.
Nhưng trong lòng hai người lúc này lại cảm thấy đau khổ vô ngần. Trong thâm tâm hai người biết Tiểu Long Nữ đã bị trọng thương, như vậy tấm thân bồ liễu của nàng làm sao chịu nổi? Tuy hai người đã nghĩ qua muôn ngàn lần, chỉ cần được tâm nguyện, sống chung bên nhau, dù có chết liền tức khắc, cũng thấy sung sướng. Nhưng đến bây giờ, hai người được lấy nhau rồi, sống chung bên nhau, thì thấy không nỡ chết đi. Hai người tuổi còn trẻ, nhưng đã trải qua nhiều ngày long đong cơ khổ, chưa hề hưởng hạnh phúc trên đời, bỗng nhiên được đạt thành ý nguyện duy nhất trên đời họ, mà cũng bỗng nhiên muốn chia lìa đôi ngả! Dương Qua tần ngần một hồi lâu, bước tới giở chiếc giường trong phòng Tôn Bà, đưa sang bên giường Hàn Ngọc, lót chăn nệm cẩn thận rồi đỡ Tiểu Long Nữ lên giường nằm nghỉ. Các món ăn tích trữ trong Cổ Mộ đều hư thối cả, chỉ còn những hũ mật ong to tướng không có hề hấn gì, Dương Qua chắt lấy nửa chén mật, khuấy đều với nước rồi bưng cho Tiểu Long Nữ và Quách Tường uống no nê. Chàng mới yên tâm uống một chén, lòng đã nghĩ:
– Mình phải phấn khởi tinh thần để cho nàng mừng, may có xoa dịu bớt cơn đau, lòng mình có lo buồn cũng không nên thổ lộ cho nàng biết.
Chàng lục ra được cặp đèn cây thật to, dùng vải đỏ bao lại, đốt cắm lên bàn, cười nói:
– Đây là đôi đèn “hoa chúc” động phòng của chúng ta!
Đôi nến được đốt lên, tỏa ra một niềm vui tươi trong căn phòng. Tiểu Long Nữ gượng ngồi dậy, thấy áo trong mình nàng đính đầy những vết máu và bùn đất, mỉm cười nói:
– Em ăn mặc thế này, đâu có giống nàng dâu mới?
Nàng như sực nhớ vật gì, vội nói tiếp:
– Anh Qua? Em nhờ anh một chút nhé!
Dương Qua nhỏ nhẹ nói:
– Em cầu nguyện gì cứ nói, anh luôn luôn chiều ý em.
Tiểu Long Nữ nói:
– ở trong phòng Lâm sư tổ có một chiếc rương xi vàng, bây giờ mình đem ra đây xem thử, được không anh?
Dương Qua cười:
– Em nhớ hay quá! Để vào xách ra đây hai đứa mình xem.
Trong nháy mắt Dương Qua đã vào phòng Lâm Triều Anh, xách ra một chiếc rương cũng không nặng mấy, ở ngoài có xi vàng và chạm trổ rất tinh vi, nhưng không có khóa.
Tiểu Long Nữ nói:
– Em nghe trước kia Tôn bà bảo, trong rương này là đồ cưới của Lâm sư tổ. Sau vì duyên nợ không thành, nên những vật nầy không dùng tới.
Dương Qua “ừ” một tiếng, đôi mắt thẫn thờ nhìn chiếc rương, chỉ thấy niềm vui lẫn vào một nét thê lương ảm đạm. Chàng đặt rương lên giường Hàn Ngọc, giở nắp ra, trong ấy để một chiếc mũ phượng nạm trân châu, áo choàng bằng kim tuyến, hai chiếc áo lót bằng lụa đỏ. Những đồ này đều làm bằng nguyên liệu tốt nhất, nên đã mấy mươi năm mà bây giờ vẫn còn sáng sủa mới tinh.
Tiểu Long Nữ hỏi:
– Anh Qua! Bây giờ mình soạn hết từng món ra xem, được không anh?
Dương Qua bần thần gật đầu nói:
– Được!
Nàng liền lấy ra từng món, dưới lớp áo là một chiếc hộp đồ trang nữ, cùng hộp đựng đồ trang điểm nạm trân châu, son phấn trong hộp đều đã khô, dầu thơm chỉ còn có nửa.
Lúc mở nắp hộp đồ trang nữ, mắt hai người đều chóa lên trong ánh sáng các món quý, nào xuyến châu, nào trâm bảo thạch, nào vòng ngọc…
Dương Qua và Tiểu Long Nữ xưa nay có ít thấy những vật châu báu, nên không hiểu được vật nào quý trọng đến đâu. Tiểu Long Nữ mỉm cười nói:
– Anh Qua! Để em trang điểm thành một cô dâu mới nhé?
Dương Qua nói:
– Hôm nay em đã mệt nhọc lắm rồi, hãy đi nghỉ ngơi một đêm đã, ngày mai sẽ trang điểm.
Tiểu Long Nữ lắc dầu nói:
– Không được! Hôm nay là ngày vui sướng nhất của đôi ta, em thích thành tân nương ngay giờ nầy. Anh không nhớ ngày ở trong tuyệt tình cốc lão Công Tôn Chỉ muốn làm lễ thành thân với em, mà em cũng không muốn trang điểm cơ!
Dương Qua cười nói:
– Đó đâu có phải lễ thành thân? Chỉ là ảo tưởng của Công Tôn Chỉ mà thôi!
Tiểu Long Nữ liền lấy phấn ra pha son, pha thêm ít nước hoa, nàng soi gương rồi cẩn thận điểm trang. Đây là lần đầu tiên nàng mới biết đánh phấn thoa son, da mặt nàng vốn đã trắng như phấn nhưng vì sau khi bị trọng thương mặt tái mét, nên phớt nhẹ thêm một lớp phấn hồng trên gò má, quả nhiên tăng thêm vẻ tươi thắm hơn. Nàng ngưng tay một hồi, lấy lược chải tóc, miệng than:
– Làm dâu phải bới tóc, nhưng em không biết, anh Qua bới giùm em được không?
Dương Qua cười nói:
– Anh cũng không biết! Nhưng tóc em không bới trông càng đẹp hơn.
Tiểu Long Nữ cười duyên dáng:
– Vậy à!
Nàng tiếp tục cài trâm lên đầu, đeo vòng, mang xuyến, dưới ánh nến, quả là một tuyệt sắc giai nhân. Nàng hớn hở xoay mình lại muốn cho Dương Qua khen thưởng. Nhưng Tiêu Long Nữ vừa xoay lại thấy đôi mắt Dương Qua ngấn lệ dầm dề. Nàng cố cắn răng giả vờ như không, mỉm cười hỏi:
– Anh Qua! Anh nhìn xem em thử thế nào?
Dương Qua bất thần đáp:
– Đẹp vô cùng! Để anh đội mũ phượng lên cho em!
Chàng liền cầm mũ phượng đội lên cho nàng. Tiểu Long Nữ liếc mắt vào gương, thấy chàng đưa tay lau nước mắt, nhưng làm ra vẻ hân hoan cười nói:
– Em muốn anh từ nay gọi em bằng nương tử hay gọi là “cô” như xưa?
Tiểu Long Nữ nghe đến “cô” lòng quá đau đớn, thầm nghĩ:
– Không lẽ mình cõn phải chịu cảnh đơn độc nữa sao?
Nhưng nàng vẫn cố làm ra vẻ vui mừng mỉm cười.
Dương Qua nói:
– Nếu anh còn gọi bằng “cô” thì không hợp. Còn những tiếng nương tử, phu nhân thì quá khách sáo đi! Vậy nhũ danh cửa em gọi là gì? Giờ phút này có thể nói cho anh biết rồi chứ?
Tiểu Long Nữ nói:
– Em không có tên gì khác, sư phụ chỉ gọi em là Long nhi!
Dương Qua nói:
– Vậy sau này em anh là anh Qua, còn anh gọi em bằng Long nhi cũng được rồi. Nhưng đến khi có con cái rồi thì gọi khác đi nhé! Khi lũ trẻ lớn lên, mình cỏ dâu, có rể… thì…
Tiểu Long Nữ nghe chàng thuyết trình đến tương lai, chỉ cắn răng mỉm cười. Nhưng sau cùng nàng không nhịn được nỗi đau đớn “òa” lên một tiếng, úp mặt lên rương, khóc sướt mướt.
Dương Qua bước tới một bước, ôm chầm lấy nàng vào lòng, dịu lời khuyên nhủ:
– Long nhi! Em nhọc lòng nghĩ đến ngày mai? Hôm nay em không chết đâu! Còn anh sẽ ở bên em luôn luôn. Hơn nữa, giờ nầy đôi ta hãy vui cười lên để hưởng hạnh phúc. Hôm nay mình không được lo buồn nữa.
Tiểu Long Nữ ngẩng mặt lên, mỉm cười khe khẽ gật đầu. Dương Qua nói:
– Em nhìn dôi phượng hoàng trên chiếc áo nầy có đẹp không? Để anh mặc cho em nhé!
Chàng liền mặc chiếc áo lụa hồng cho nàng. Tiểu Long nữ lau nước mắt ngồi bên chàng nói:
– Em đã trang điểm xong rồi, nhưng tiếc không có áo mũ của tân lang!
Dương Qua nói:
– Được rồi để anh thử trong rương có đồ trang sức nào cho anh không?
Vừa nói, chàng vừa lấy mọi vật trong rương ra. Tiểu Long Nữ thấy đóa hoa, liền lấy cài lên mái tóc chàng. Dương Qua cười nói:
– Hay lắm! Như vậy cũng mới lắm rồi!
Giờ tới đáy rương, thì thấy có một chồng thư, buộc bằng một dây tơ đỏ, bì thư đã đổi thành màu thâm. Dương Qua giơ lên nói:
– Đây có một lô thư.
Tiểu Long Nữ nói:
– Anh xem thử thư gì vậy?
Dương Qua tháo dây tơ ra, thấy trên bì thư đề những chữ:
– Mến gửi: Nữ sĩ Lâm Triều Anh Tuyết.
Hai mươi mấy phong thư đều đề như thế. Dương Qua đoán biết trước khi xuất gia, tên của Vương Trùng Dương gọi là “Vương Triết”. Chàng liền hỏi ý của Tiểu Long Nữ:
– Đây là những thư tình của Trùng Dương sư tổ viết cho Lâm sư tổ, mình xem được không?
Từ thuở nhỏ Tiểu long Nữ đã thờ kính Lâm Triều Anh như vị thần linh, nên cảm thấy lo sợ. Nàng vội can:
– Không! Không thể xem được.
Dương Qua y lời không xem, dừng trở lại nói:
– Toàn Chân giáo chỉ có Tôn Bất Nhị là quá khe khắt và lỗi thời, thấy hai đứa mình thành hôn trước di ảnh của Trùng Dương sư tổ, họ đều cho mình là đại nghịch, làm nhơ đấng thiêng liêng. Nhưng anh không tin Trùng Dương sư tổ mà không có tình ý với Lâm sư tổ. Nếu đem bó thư này cho mấy đạo sĩ già phái Toàn chân xem không biết bộ mặt họ sẽ méo mó đến thế nào nữa?
Chàng vừa nói vừa nhìn Tiểu Long Nữ, bất giác ngậm ngùi xót thương cho Lâm Triều Anh thầm nghĩ:
– Lâm sư tổ phải chịu cảnh cô đơn quạnh quẽ để ở mãi trong Cổ Mộ này, chắc sư tổ đã có nhiều lần mặc thử chiếc áo cưới này. Như vậy vợ chồng chúng ta còn hạnh phúc may mắn hơn hai vị tiền bối quá cố rất nhiều.
Tiểu long Nữ như hiểu rõ tâm trí chàng:
– Đúng thế, đôi ta hạnh phúc và may mắn hơn Lâm sư tổ nhiều. Biết thế sao anh lại không vui?
Dương Qua vội nói:
– Phải, phải chúng mình phải vui!
Chàng liền cười hỏi:
– Long nương! Anh không nói, sao em đoán đúng tâm tư anh?
Tiểu Long Nữ bĩu môi, cười nói:
– Nếu em không hiểu được tâm tư anh, thì em đâu có xứng đáng làm vợ anh được?
Dương Qua bước lại ngồi bên nàng, đưa tay ôm nàng vào lòng. Lòng hai người đều cảm thấy hân hoan, những mong giờ phút nầy cứ dừng mãi nơi đây…
Hai người kề vai ngồi rất lâu, lặng lẽ trong giấc say mê, nói không ra tiếng. Mãi một hồi sau, hai người đều liếc mắt nhìn thư một cái rồi cười. Trong ánh mắt đêu lộ vẻ tinh nghịch. Phải biết hai người đều rất trẻ, tánh trẻ con vẫn còn, dù thừa hiểu không nên lén xem thư từ của người khác, nhưng khó bó nổi tánh tò mò. Dương Qua âu yếm nói:
– Chúng mình chỉ xem một phong thôi được không? Nhất định không xem nhiều.
Tiểu Long Nữ khe khẽ đáp:
– Được chúng mình chỉ xem một phong thôi.
Dương Qua mừng rỡ, đưa tay giở chồng thư. Tiểu Long Nữ liền nói:
– Nhưng nếu lời thư quá thống thiết, thì anh đừng đọc cho em nghe nhé!
Dương Qua suy nghĩ một tí rồi nói:
– Được rồi!
Nhưng chàng nhớ lại mối tình cũ Vương Trùng Dương và Lâm Triều Anh không được thiện quá, trong thư đầy cả những lời âu sầu đau đớn, thà không xem còn hơn. Nhưng Tiểu Long Nữ đã giục:
– Chớ lo lắng, biết đâu chẳng chứa toàn những lời tình tự tha thiết…
Dương Qua cầm phong thư thứ nhất, hơi do dự một chút rồi rút thư ra đọc: “Em Anh yêu mến! Hôm trước quân ta giao chiến với bọn giặc Kim tại ác ba Cương, vì trúng nhằm ổ phục kích của địch, nên quân ta bại trận, hao tổn hơn bốn trăm binh sĩ và chiếc mũ…”.
Dương Qua đọc đến cuối thư, thì té ra khác hẳn ý nghĩ của Tiểu Long Nữ, trong thư chỉ thuật lại trận giao phong ác liệt vừa qua tại ác ba Cương và tình hình chiến sự vô cùng trầm trọng của nghĩa quân, sau cùng báo Lâm Triều Anh hãy bán bớt châu báu để mua lương thực cho nghĩa quân. Dương Qua tiếp tục đọc hết cái thư nữa cũng chỉ thấy nói về chiến sự thôi, không thấy Vương Trùng Dương nhắc một tí gì về thường tình nhi nữ. Chàng thở ra một cái rồi nói:
– Dương sư tổ quả là một đấng nam nhi nặng nợ núi sông, hết lòng vì nước, nhưng tình cảm người quá ít ỏi, như thế tránh sao cõi lòng Lâm sư tổ khỏi bị lạnh lẽo.
Tiểu Long Nữ nói:
– Không đâu, em biết chắc khi xem những phong thư này Lâm sư tổ không những không buồn lòng mà còn mừng rỡ nữa cơ!
Dương Qua ngạc nhiên:
– Sao em biết được?
Thì em cũng suy luận thôi.
Dương Qua càng ngạc nhiên:
– Suy luận ư? Mà suy luận thế nào?
Tiểu Long Nữ chậm rãi:
– Này nhé, anh xem quân tình trong thư, mỗi một cánh thư đều tỏ bày vô cùng nguy ngập, thế mà trong lúc nguy nan Trùng Dương sư tổ vẫn biên thư về cho Lâm sư tổ, vậy anh có thấy lòng ông không bao giờ quên được bà không?
Dương Qua gật đầu lia lịa:
– à à đúng rồi, quả đúng vậy!
Chàng bèn bốc vội một phong thư nữa xem thấy quân tình trong thư này nguy cấp nhất, nghĩa quân của Vương Trùng Dương thất bại liên tiếp vì quá ít ỏi, cuối thư có mấy lời ngắn ngủi hỏi thăm bịnh tình của Lâm Triều Anh, nhưng chứa chan đầy tình thương yêu đằm thắm, Dương Qua nói:
– ừ năm xưa Lâm sư tổ cũng bị thương, sau thời gian tự nhiên lành bệnh, vậy em cố gắng tĩnh dưỡng, chẳng chóng thì chầy vết thương em cũng lành hẳn vậy.
Tiểu Long Nữ thừa hiểu vết thương của mình không phải nhẹ, và dù biết Dương Qua chỉ an ủi thôi, nhưng vì đã hứa trước đêm nay không được nói chuyện buồn làm mất hứng, nên nàng mỉm cười điềm đạm cho là thật đi để Dương Qua an lòng rồi nàng nói:
– Những thư này cũng không nói gì đến việc tư vậy anh đọc hết nghe nào!
Dương Qua y lời, đọc thêm một bức, trong thư lời lẽ vô cùng phẫn uất thương tâm, nghĩa quân bị vây, đại bại, tan rã, các thuộc hạ bị giết sạch duy chỉ có một mình Vương Trùng Dương nhờ có võ công tuyệt đỉnh nên thoát được trùng vây. Cuối thư Vương sư tổ bảo sẽ chiêu binh mãi mã, cố cứu lấy mảnh giang san nghiêng ngửa này. Nhưng những thư sau chỉ thấy nói toàn việc thất bại, thế lực quân Kim ở Hà Bắc mỗi ngày một hùng mạnh như thác lũ, Vương trùng Dương biết thế nước mất rồi, trong thư lời lẽ thất vọng chán chường. Dương Qua vừa xem thư vừa nói:
– Đọc những thư này, khiến người ta buồn bã thêm, thôi chúng ta nói đến việc khác đi… vả ?
Dương Qua tay cầm bức thư run run, miệng lẩm bẩm:
– Nghe đồn miền băng giá cực Bắc, có thứ đá tên gọi “Hàn Thạch”, trị tuyệt trọng thương, nên anh phải đi tìm cho em…”. Long em, đây… đây chính là giường Hàn Ngọc rồi!
Tiểu long Nữ thấy Dương Qua bỗng lộ vẻ mừng rỡ, khiến nàng hồi hộp hỏi:
– Anh… anh… có phải anh muốn nói Hàn Ngọc có thể trị lành thương tích của em không?
Dương Qua ngần ngại:
– Anh không rõ lắm, nhưng Dương sư tổ đã nói như vậy, không lẽ… Rồi chàng lẩm nhẩm một mình:
– ừ! Lâm sư tổ đã làm thành giường nằm chăng?
Vết thương của bà cũng đã lành mạnh hẳn sao? Mà chữa bằng cách nào đấy?
Sực nhớ, chàng vội vã tìm tất cả mọi phong thư, thử coi có nói đến cách chữa trị chăng, nhưng chàng đã thất vọng, ngoài phong thư ấy ra không có cái nào nói về “Hàn ngọc” cả. Dương Qua buồn bã lấy sợi dây tơ, buộc chồng thư bỏ vào rương, chàng ngơ ngẩn nghĩ:
– Giường Hàn ngọc công dụng như thế nhưng biết làm sao đây khi mình không biết cách điều trị. Giá mình biết cách trị lành cho Long Nhi được thì dẫu có chết cũng cam.
Tiểu long Nữ cười nói:
– Trông anh như kẻ mất hồn, đang nghĩ gì đó?
Dương Qua ngẩng đầu nhìn Tiểu long Nữ hai tay buông xuôi:
– Anh đang nghĩ dùng giường Hàn ngọc để trị thương, cho em, chẳng hiểu nên dùng nó nghiền nát uống, hay còn phải pha trộn nhiều thứ thuốc khác nữa.
Tiểu long Nữ bứt rứt, ngậm ngùi nói:
– Anh còn nhớ Tôn bà không? Bà đã theo sư phụ nhiều năm, nhưng khi bị tên đạo sĩ họ Hách đả thương rồi, nếu dùng giường Hàn ngọc trị thương được thì sao bà chẳng dùng?
Dương Qua nghe như bị hắt nước vào mặt, những mối hy vọng của chàng tan biết như mây khói. Chàng thở dài chán nản.
Tiểu long Nữ vuốt tóc Dương Qua, dịu dàng nói:
– Anh Qua! Anh đừng nghĩ đến vết thương của em nữa. Chúng ta hãy nói chuyện khác đi. à, để em kể chuyện sư phụ em cho anh nghe nhé!
Dương Qua tuy sống trong Cổ Mộ nhiều năm, nhưng ít được nghe Tiểu long Nữ nhắc tới việc sư phụ ra sao, nên đáp:
– ừ! hay lắm, em kể đi!
Tiểu long Nữ nhìn thẳng đôi mắt của Dương Qua hỏi:
– Anh biết tại sao sư phụ em chết không?
Dương Qua lắc đầu. Tiểu long Nữ tiếp:
– Sư phụ em vốn là tỳ nữ của Lâm sư tổ, tính tình của bà rất thuần hậu, tâm địa nhân từ. Chẳng bao giờ lộ vẻ tức giận, thế mà anh có ngờ đâu bà lại chế loại ám khí cực độc, như Băng phách ngân châm không?
Dương Qua “ừ” một tiếng. Chàng lấy làm lạ vô cùng. Tiểu long Nữ lại tiếp:
– Sư phụ em thăm cứ trong Cổ Mộ, chẳng mấy khi ra ngoài. Nhưng một năm kia, Lâm sư phụ sai bà ra ngoài làm một việc, chẳng may bị cạm bẫy kẻ ác. Không ngờ kẻ ác ấy thấy chẳng ai cản trở lại càng làm tới, đoạt luôn cả sư tỷ đi. Võ công của sư phụ vốn vượt hẳn hắn nhưng về môn ám khí có thua sút, bà bèn sáng chế ra hai môn ám khí là Ngọc phong Kim châm và Băng phách ngân châm để đối phó lại hắn, cứu sư tỷ về. Nhưng trong trận giao phong ác liệt này sư phụ cũng bị trọng thương, tuy cố gắng cứu chữa mấy năm liền vẫn vô phương! Còn về Ngũ độc thần chưởng của sư tỷ là do người ấy truyền lại. Cũng vì chị ấy sống chung với nó khá lâu, nên bị ảnh hưởng, tiêm nhiễm con người của hắn, tính tình chị ấy thay đổi rất nhiều, cũng vì việc này, mà mãi đến lúc chết sư phụ vẫn phẫn uất không yên tâm…
Tâm trí của Dương Qua trở nên rối loạn. Tuy nghe Long Nữ kể chuyện, nhưng đầu óc chàng lại quay cuồng với bao ý nghĩ: “Trùng Dương sư tổ nói gường Hàn Ngọc có thể trị lành trọng thương kia mà. ô! Không, sư tổ mình cùng Tôn bà, đều thụ thương mà mất, nếu giường Hàn ngọc nầy có thể trị thương được sao họ chẳng biết dùng? Thôi thế là hết? ôi! Chi bằng ta đừng nghĩ tới thì tốt hơn, tìm chuyện vui để nàng quên lãng, như thế cũng đỡ buồn thảm”. Nghĩ xong chàng nói:
– Kim châm tuy nhỏ, nhưng lúc lâm trận lại lợi hại hơn cả Ngân châm, như thế đủ biết sư tổ thương học trò nhỏ hơn, truyền kim châm cho em, mà truyền cho Lý sư tỷ lại là Ngân châm.
Tiểu long Nữ cười se sẽ nói:
– Sư phụ rất thương yêu em, vừa là một vị minh sư của em, vừa là một vị từ mẫu. Nếu bà được còn sống đến ngày nay thấy em có một người chồng tốt như anh, không biết bà phải mừng tới đâu nữa.
Dương Qua nói:
– Chưa chắc đâu em! Vì bà đã cấm không được yêu ai hoặc lấy chồng mà.
Tiểu long Nữ buồn buồn:
– Sư phụ là người rất hiền từ, dù bà không cho, nhưng khi thấy em năn nỉ hết lòng, ắt bà để em được toại ý ngay.
Ngừng một hồi, nàng nói:
– Sư tỷ thật có lỗi với sư phụ.
– Sao vậy ?
– Khi sư phụ đấu với kẻ ác ấy, bà đã điểm huyệt là hắn không cử động được, nào ngờ sư tỷ nghĩ tình hắn đã truyền Ngũ độc thần chưởng nên len lén giải huyệt cho hắn. Kẻ ác ấy bỗng ra tay bất thần, sư phụ không kịp phòng bị trước nên mới bị độc thủ của hắn.
Dương Qua hỏi:
– Kẻ ác ấy tên chi. Hắn có thế đấu ngang ngửa với sư tổ, ắt hắn cũng là một cao thủ đương thời?
Tiểu long Nữ lắc đầu:
– Sư phụ em không cho biết. Bà nói khi biết tên thì khó quên, và như thế sự trả thù của em sẽ gây ra, mà bà không muốn thế. Bà bảo trong người chớ nên có ý niệm: ái, nộ, hỷ, ố.
Dương Qua than:
– Sư tổ thật là người quá nhân từ!
Tiểu long Nữ lại tiếp:
– Sư phụ liền dọn ra cư thất sau lúc bị thương, để luyện nội công cho phái Cổ Mộ mình, vì vậy sư phụ đã dùng giường Hàn ngọc để khắc tên đối thủ. Tuy nhiên giường Hàn ngọc luyện công thì tuyệt, mà lúc bị thương phải lánh xa, vì không được gần khí lạnh.
Dương Qua “ờ” một tiếng, thấy đôi mắt của Tiểu long Nữ lờ đờ có vẻ mệt mỏi, chàng nói:
– Thôi em ngủ đi! Anh ngồi đây với em.
Tiểu long Nữ vội mở to mắt, nói:
– Không, em chả ngủ đâu. Đêm nay chúng mình thức suốt sáng kia!
Thực ra, nàng lo sợ mình bị trọng thương, rủi trong lúc đang ngủ mà chết luôn thì không bao giờ gặp được Dương Qua nữa. Nàng nói:
– Anh ngồi nói chuyện với em nhé! ờ, anh có mệt không?
Dương Qua mỉm cười lắc đầu:
– Em không muốn ngủ thì thức vậy, nhưng phải nhắm mắt lại dưỡng thần. Hãy nằm nhé!
Tiểu long Nữ ngoan ngoãn nhắm mắt lại, miệng nói se sẽ:
– Sư phụ bảo có một việc thắc mắc mãi đến khi chết vẫn chưa hiểu được. Anh có thông minh, thử tìm hiểu xem.
– Việc gì vậy?
– Sư phụ em đã dùng thủ pháp độc đáo của Lâm sư tổ sáng chế ra điểm huyệt kẻ ác ấy, mà Lâm sư tổ chỉ truyền dạy cho mình em và sư phụ cũng không truyền cho sư tỷ, thế mà không biết làm cách nào chị ấy giải được huyệt cho hắn?
Dương Qua nói:
– Có lẽ sư tỷ đã học lén được thủ pháp ấy khi Lâm sư tổ tập luyện?
Tiểu long Nữ lắc đầu:
– Không, chẳng phải thế đâu.
Dương Qua nghĩ lại thủ pháp điển huyệt của bản phái thực là quái dị và biến ảo phức tạp, với một thiên tư thông minh như chàng lại được chính Tiểu long Nữ tận tâm chỉ dạy, thế mà phải mất hai tháng ròng mới nên, như vậy làm sao lén học cho được. Chàng định nói, nhưng Tiểu Long Nữ đã dựa bên mình. Hơi thở cửa nàng đều đều. Thấy nàng đã chìm vào trong giấc ngủ, nên chàng lại thôi. Dương Qua ái ngại nhìn vào gương mặt nàng, tâm trí vô cùng chán nản. Một lúc sau, ánh sáng của cây nến cháy đến tận cùng, lóe lên rồi tắt hẳn. Dương Qua bỗng nhớ lại đôi liễu trên đảo Đào Hoa:
“Xuân tân đáo tử, tư phương tận,
Lạp cự thànhphỉ lụy thủy can”
Dịch:
“Kiếp tằm đến chết tơ chưa dứt,
ánh nến tắt rồi lệ chưa khô”
Để truy niệm vong thế, Hoàng Dược Sư bèn viết hai câu Đường thi ấy treo tại chỗ vợ chồng ông đang ngồi đọc sách thêu thùa. Khi xưa Dương Qua thoáng đọc qua chẳng mấy để ý đến, nay rõ đúng hoàn cảnh mình, bất giác chàng thở dài ảo não. Bóng tối bao trùm, cây nến thứ hai đã tắt lịm luôn. Dương Qua bỗng nảy ý so sánh hai cây nến cũng như chàng và Long Nữ, nếu Long Nữ có mệnh hệ nào thì chàng cũng chẳng cần sống nữa.
Chàng đang suy nghĩ mông lung thì nghe Tiểu Long Nữ thở dài não ruột. – Không, em không muốn chết, anh Qua… em không muốn chết! chúng ta phải sống thật nhiều, thật nhiều để hưởng hạnh phúc bên nhau, anh… anh…
Dương Qua vội đáp:
– Vâng, em không chết được đâu, nghỉ ngơi một hồi sẽ bớt ngay, ngực em còn thấy đau không?
Dương Qua thấy Tiểu Long Nữ đang nói lại nín thinh, chàng cứ nhìn thì ra nàng nói trong cơn mê. Chàng đặt tay lên trán nàng thấy nóng ran, nên vừa đau buồn vừa lo âu. Từ khi bé thơ đến giờ, chàng chẳng bao giờ kiêng sợ trời đất, thế mà đến giờ phút này chàng hoảng sợ hoang mang. Dương Qua se sẽ lén rời thân mình Tiểu Long Nữ, rồi quì gối xuống đất, miệng lâm râm khấn vái:
– Xin trời cao thương nàng, hãy cứu sống Long Nữ, phận con dầu có… dầu có…
Chàng còn đang ngập ngừng, bỗng Tiểu Long Nữ cựa mình lảm nhảm:
– Chính là âu Dương Phong, Tôn bà bảo thế! Nhất định là âu Dương Phong! Anh Qua! Anh đâu rồi?
Tiểu Long Nữ bỗng nhiên ngồi dậy, đôi tay chới với như bị mất một cái gì. Dương Qua vội ngồi lên thành giường nắm chặt tay nàng, nói:
– Anh đây này, em làm sao thế?
Tiểu Long Nữ ngả đầu vào lòng Dương Qua, đôi mắt lim dim:
– Em cứ mơ thấy anh đi đâu mất, bỏ một mình em lại bơ vơ, em không chịu đâu?
Dương Qua vuốt tóc Tiểu long Nữ, nói:
– Em nằm yên lòng, suốt đời anh sẽ ở mãi mãi bên em, dù sau này phải xa nơi đây anh cũng không rời em một bước.
Tiểu Long Nữ nói:
– Cảnh vật bên ngoài đẹp thật, không lạnh lẽo như ngôi Cổ mộ này, nhưng khồ vì ra bên ngoài em cảm thấy như sợ sệt…
Dương Qua an ủi:
– Từ nay chúng ta khỏi sợ gì cả. Vài tháng nữa khi em đã bình phục rồi, đôi ta cùng về phương Nam xây tổ ấm. Nghe nói khí hậu ở đó quanh năm ấm áp, cây lá xanh tươi, hoa khoe sắc thắm, chúng mình vứt bỏ đao kiếm, cùng nhau cày cấy một thửa ruộng, chăn nuôi một đàn gia súc thế là đủ sống một đời thanh bình an lạc rồi. Em thấy thế nào?
Tiểu Long Nữ khe khẽ nói:
– Không dùng đến võ công nữa thì hay biết mấy! Cấy một thửa ruộng, nuôi một đàn gà vịt, ôi! Thật là thanh nhàn! song nếu em không sống đến đó thì…
Hai người cùng im lặng khá lâu, tuy thân xác họ ở trong Cổ Mộ âm u này, nhưng đôi tâm hồn họ đang hưởng cảnh phương trời nam với ánh nắng chiều tà vàng nhạt, với những cơn gió ngào ngạt, hương hoa tỏa nhẹ lướt qua ngàn cây nội cỏ, tiếng chim chóc ca hát líu lo như cùng nhau tấu một bản xuân ca bất tận…
Tiểu long Nữ mơ màng ngủ thiếp đi, nhưng rồi lại mở mắt, nói:
– Em không muốn ngủ. Lạ quá, sao cứ buồn ngủ hoài. Anh nói chuyện nữa đi! Nói đi!
Dương Qua lúc bé đã được âu Dương Phong nhận làm nghĩa tử, khi còn ở Trùng Dương cung có nghe những bực sư thúc nhắc đến âu Dương Phong là một nhân vật võ lâm cao thủ hiệu xưng “Tây độc”. Đàm Xứ Đoan trong Toàn Chân thất tử cũng bị tử nạn về tay ông ta. Vì sau này Dương Qua nhập môn phái Cổ mộ, trong lòng thấy kiêng dè, nên cũng không hề nhắc đến việc âu Dương Phong. Nhưng bây giờ chàng và Tiểu Long Nữ đã thành vợ chồng rồi, việc gì chả nói được. Nhưng khi nghe Tiểu Long Nữ nằm mơ nhắc đến tên của “Tây độc” chàng lấy làm lạ. Dương Qua nói:
– Lúc nãy trong cơn mơ, em có nhắc tới tên âu Dương Phong là chuyện gì thế?
Tiểu Long Nữ nói:
– ủa, em đã nhắc tới âu Dương Phong à? âu Dương Phong là ai vậy?
Dương Qua nói:
– Em còn nói: “Tôn bà bảo nhất định là âu Dương Phong”.
Được nhắc thế, Tiểu Long Nữ bỗng nhớ lại:
– ôi! Phải rồi, Tôn bà bảo kẻ đả thương sư phụ nhất định là Tây độc âu Dương Phong. Bà còn bảo trên đời chỉ có một vài kẻ cầm cự lại với sư phụ, hơn nữa kẻ biết sử dụng Ngũ độc thần chưởng trừ Tây độc ra, không còn một cao thủ võ lâm nào biết nữa.
Tiểu Long Nữ ngừng một lát rồi tiếp:
– Thầy em đến lúc sắp trút hơi thở cuối cùng vẫn không chịu nói tên kẻ ấy ra. Lúc đó Tôn Bà có hỏi: “Có phải Âu Dương Phong không?”. Nhưng sư phụ chỉ mỉm cười lắc đầu rồi từ biệt hẳn cõi đời.
Dương Qua nói:
– Âu Dương Phong là nghĩa phụ của anh đó!
Chàng bèn thuật sơ lược chuyện năm xưa cho Tiểu Long nữ nghe. Chàng bị trúng Băng phách ngân châm của Lý Mạc Thu may nhờ Âu Dương Phong tận tình cứu chữa do đó chàng mới nhận lão làm nghĩa phụ.
Tiểu Long nữ lấy làm lạ:
– Thế mà lâu nay em đâu có biết?
Dương Qua nói:
– Bây giờ cha nuôi anh đã chết rồi. Sư tổ, Tôn bà và Trùng Dương tổ sư cũng không còn. ân oán hận thù đã chấm dứt. Tài nhất là sư tổ, đến chết cũng không nghe nhắc đến nghĩa phụ anh… ừ! Té ra là thế.
Tiểu Long nữ thấy chàng hình như nghĩ ra điều gì bí mật vội hỏi:
– Anh nghĩ gì thế?
Dương Qua đáp:
– Nghĩa phụ anh tự giải lấy huyệt đạo cho mình, chứ không phải do Lý sư tỷ giải cho đâu.
Tiểu Long nữ kinh ngạc:
– Tự mình giải? làm sao có chuyện đó được?
Dương Qua giải thích:
– Nghĩa phụ anh có một môn võ vô cùng kỳ diệu, không một kẻ thứ hai nào biết. Mọi mạch máu trong người đều có thể chạy ngược được cả. Khi mạch chạy ngược như thế mọi huyệt đạo đều đổi vị trí, dù có bị điểm trúng cũng có thể tự mình
đả thông được.
Trên đời lại có chuyện lạ lùng thế à? Thật khó mà tưởng tượng nổi.
Đây để anh thử cho em thấy. Nói xong Dương Qua bèn đứng lên chống đầu xuống đất, trỏ cẳng lên trời, quay cuồng mấy vòng bỗng nhiên nhảy dựng lên, đưa trán cụng mạnh vào góc nhọn của chiếc bàn đá đúng vào trọng huyệt trong thân người.
Tiểu Long Nữ thất thanh la lên:
– ấy chết! Cẩn thận!
Nhưng nào ngờ Dương Qua đụng đánh “bốp” mà không hề hấn gì, trở mình đứng lên, cười nói:
– Em có thấy khi kinh mạch đổi chiều thì trầm huyệt cũng đổi chỗ luôn chưa?
Tiểu Long Nữ lạ lùng nói:
– Thật là quái lạ. Ôi! Lão nghĩ ra được thật là giỏi.
Dương Qua đụng một cái mạnh như vậy, tuy chàng chưa bị tổn thương nhưng đầu óc cũng cảm thấy choáng váng. Trong lúc mơ hồ chàng bỗng nghĩ ra một việc rất quan trọng. Chàng định nói ra, nhưng còn do dự.
Thấy vậy Tiểu Long Nữ bèn cười rằng:
– Khờ ơi là khờ! Thử nhè nhẹ một cái thôi, can chi phải húc quá trâu vậy? Có đau lắm không?
Dương Qua không đáp khoát tay bảo nàng đừng nói chuyện tập trung cả tinh thần để nghĩ ngợi. Trong óc chàng hiện ra một tia sáng rồi lại vụt tắt mất, một hình bóng lờ mờ nhảy múa trong trí, nhưng chàng chẳng biết là cái gì…
Dương Qua suy tư một hồi lâu, chẳng tìm được gì, chàng bực tức vò đầu, rứt tóc trông rất ảo não, miệng lảm nhảm:
– Em! Anh đang nghĩ một việc… vô cùng quan trọng… nhưng không biết việc gì, em có biết không?
Thật là vô lý! Những ý nghĩ xáo trộn như tơ vò. Chính chàng không tìm ra manh mối, lại hỏi Tiểu Long Nữ! Nhưng nhờ hai kẻ đã sống chung với nhau lâu ngày nên cũng thường thường đoán trúng tâm tư của nhau! Tiểu Long Nữ nói:
– Việc này rất hệ trọng à?
Dương Qua gật đầu:
– Đúng vậy!
Chắc là việc liên quan đến thương thế em chứ gì?
Dương Qua như bắt được của quí, mừng rỡ nói:
– à ! Đúng thế, đúng thế! ừ mà anh nghĩ đến việc gì nhỉ?
Tiểu Long Nữ mỉm cười nói:
– Lúc nãy anh có nói đến phép “Kinh mạch nghịch hành” của nghĩa phụ anh, như thế còn liên hệ gì đến vết thương của em không?
Dương Qua bật dậy như lò xo, mừng rỡ reo lên:
– Phải rồi! Phải rồi!
Dương Qua nắm chặt lấy cánh tay mặt của Tiểu Long Nữ, mừng lỡ nói:
– Em có thể lành mạnh rồi? Em được cứu rồi!
Chàng chỉ thốt có thế rồi nghẹn ngào, mừng đến ứa nước mắt. Tiểu Long Nữ thấy vậy cũng vui lây. Một hồi Dương Qua nói:
– Anh có thể trị thương cho em bằng phép “kinh mạch nghịch hành” mà giường Hàn ngọc lại là một vật hỗ trợ tuyệt nhất.
Như thấy được chân lý, Tiểu Long Nữ lẩm bẩm:
– Giường Hàn ngọc… Kinh mạch nghịch hành…
Dương Qua tươi cười:
– Thật là thiên mệnh, em chỉ cần lộn ngược “Ngọc nữ Tâm kinh” thì đủ rồi! Vừa sẵn giường Hàn Ngọc đây!
Tiểu Long Nữ chẳng hiều gì cả, nàng hỏi:
– Anh nói sao?
Dương Qua vội đáp:
– Ngọc nữ tâm kinh khi chạy xuôi thì là chí âm, còn đảo ngược lại là thuần dương. Khi nói đến phép “Kinh mạch nghịch hành” của nghĩa phụ thì anh đã linh cảm rằng vết thương của em có thể trị lành, nhưng mãi đến khi em nhắc anh mới tìm ra cách chữa. Đúng rồi, phải có “hàn ngọc”
mới chữa trị được.
Tiểu Long Nữ phân vân:
– Không lẽ lúc Lâm sư tổ dùng Hàn ngọc trị thương cũng dùng phép “Kinh mạch nghịch hành” ư?
Điều đó cũng không chắc được, có lẽ bà không biết phương pháp này. Nhưng theo anh đoán thì bà bị “âm nhu nội lực đả thương” còn em thì trái lại bị nội lực “dương cương” đả thương.
Tiểu Long Nữ gật đầu tin tưởng. Nàng không ngờ thần chết sắp rước đi, bỗng vớ được vị cứu tinh. Long Nữ mừng rỡ vô hạn:
– Hay quá anh nhỉ! Thế là chúng ta có thể…
Dương Qua cướp lời:
– Việc khẩn cấp không thể chậm trễ được, anh phải thực hành ngay.
Nói xong, chàng bèn vào nhà bếp ôm củi khô ra, đặt vào góc phòng châm lửa đốt lên. Xong truyền phép sơ khởi của “Kinh mạch nghịch hành” cho Tiểu Long Nữ. Dương Qua đỡ nàng ngồi trên giường Hàn ngọc. Chàng thì ngồi bên đống lửa bập bùng, đưa bàn tay trái, tỳ lên bàn tay mặt của Tiểu Long Nữ. Dương Qua nói:
– Anh giúp em dẫn sức nóng chạy khắp các huyệt đạo trên châu thân. Em cố gắng cho máu chạy ngược chiều, mở được huyệt nào thì hay huyệt đó. Chờ đến khi giường Hàn ngọc có hơi nóng thì thương thế của em tất sẽ thuyên giảm được một nửa ngày.
Tiểu Long Nữ cười hỏi:
– Em có phải trút ngược người xuống như anh khi nãy không?
Dương Qua lắc đầu:
– Bây giờ thì chưa phải làm thế. Song đến lúc đẩy được đến chín trọng huyệt cuối cùng, lúc đó mới trút ngược mình giúp mạch máu chạy ngược chiều được dễ dàng hơn.
Tiểu Long Nữ khẽ nắm lấy tay trái của Dương Qua, mỉm cười nói:
– May Quách cô nương không ác độc mấy, chẳng chặt hết hai tay của anh.
Cả hai cùng trải qua một trận ác chiến nguy hiểm tính mạng như chỉ mành treo chuông. Vì thế việc mất một cánh tay chẳng ăn thua gì, nên Tiểu Long Nữ mới đem việc này ra nói đùa. Dương Qua cũng cười:
– Nếu mất cả hai tay thì rắc rối em nhỉ? Chẳng lẽ chữa bệnh bằng chân sao? Như thế chả đẹp tí nào.
Tiểu Long Nữ cười khúc khích mấy tiếng rồi im hẳn, miệng lẩm nhẩm học bài “kinh mạch nghịch hành”. Nàng nói:
– Đã thuộc rồi.
Thấy đống lửa đã cháy cao, Dương Qua liền chuyển nội lực. Toan hành công, bỗng nhiên kêu lên:
– Trời! Suýt tí nữa thì nguy mất!
Tiểu long Nữ ngơ ngác:
– Việc gì thế?
Dương Qua trỏ cô bé Quách Tường nằm cạnh gầm giường, nói:
– Khi mình đang hành công đến lúc khẩn yếu nếu con bé bỗng thình lình la khóc lên, há không toi mạng cả hai hay sao?
Tiểu Long Nữ xuýt xoa:
– ồ! Nguy hiểm thật!
Điều rất kỵ cho kẻ đang luyện nội công là để ngoại cảnh chi phổi tinh thần. Năm xưa Tiểu Long Nữ và Dương Qua đang luyện Ngọc nữ tâm kinh, bị Doãn Chí Bình với Triệu Chí Kính vô ý làm rối loạn. Tiểu Long Nữ tâm huyết bị xáo trộn, suýt bị hộc máu tiêu đời. Hồi đó thân thể nàng khỏe mạnh mà đã thế, huống chi hôm nay đang bị trọng thương thì lại càng nguy hiểm đến mức nào!
Dương Qua pha nửa chén mật, bồng Quách Tường cho nó bú no. Xong chàng đặt nó trong căn phòng đá ở chỗ xa nhất, khép chặt hai cánh cửa lại như thế dù nó có khóc thét lên cũng khỏi sợ hại đến Tiểu Long Nữ.
Chàng quay trở lại giường Hàn ngọc, nói:
– Em hãy mở ba mươi sáu đại huyệt trên người đi! Theo anh nghĩ cuộc điều trị này có nhanh thì một tuần, nếu chậm phải mất nửa tháng. Trong thời gian ấy theo lẽ thì không được để ngoại cảnh phân tâm. Ngôi Cổ Mộ này thật là một nơi kín đáo nhất rồi, hơn nữa thâm sơn cùng cực. Vì thâm sơn còn có chim chóc gió trăng, hay mùi thơm của hoa lá, còn chốn này thì rõ là một ngôi mộ chôn người sống, tuyệt tích hồng trần.
Tiểu Long Nữ tủm tỉm cười nói:
– Vết thương này do đạo sĩ Toàn chân “ban cho”. Nhưng sư tổ đã xây sẵn mộ đất và làm giường Hàn ngọc cho mình nghỉ ngơi, chóng bình phục. Công đó cũng đủ bù tội này rồi!
Dương Qua không mấy hài lòng:
– Còn Kim Luân Pháp Vương thì sao? Chúng ta không thể tha thứ lão được.
Tiểu Long Nữ thở dài nói:
– Em vẫn còn sống mà anh thấy chưa đủ sao?
Dương Qua cầm lấy chiếc tay nõn nà, mềm dịu của nàng, rồi se sẽ nói:
– ừ! Em nói rất phải. Khi lành bệnh rồi, đôi ta chẳng bao giờ tranh đấu với ai nữa, về phương Nam tận hưởng hạnh phúc. Thật trời đã chiều lòng chúng ta!
Tiểu Long Nữ thì thầm:
– Vâng! Em chỉ mong có thế!
Nàng đang xây đắp tổ uyên ương trong tưởng tượng. Bỗng Long Nữ cảm thấy một luồng hơi nóng từ người Dương Qua truyền sang, bèn y lời dạy của chàng vận hành kinh mạch chạy ngược chiều. Phương pháp trị thương bằng “Kinh mạch nghịch hành” cùng với giường Hàn ngọc hỗ trợ
lẫn nhau. Quả nhiên rất hiệu nghiệm!
Phải biết rằng khi xưa Nhất Đăng đại sư đả thông mọi huyệt đạo trên mình Hoàng Dung phải dùng Nhất dương chỉ mới trị khỏi trọng thương, tuy đường lối như nhau, nhưng dùng Nhất dương chỉ rất hao tốn nội lực cho nên kết quả mau chóng hơn, còn Dương Qua dùng phương pháp nghịch đời này thì phải mất nhiều thì giờ hơn. Công việc vô cùng cực nhọc! Không phải một hai ngày là kiến hiệu. Mỗi ngày ngoài việc nấu nướng và cho bé Quách Tường ăn, Dương Qua không khi nào rời Tiểu Long Nữ nửa bước, nhắm chừng lúc xung phá đại huyệt, bàn tay của hai người phải bám chặt với nhau suốt cả bốn năm tiếng đồng hồ, không thể nào rời ra được…
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!