Trò Chuyện Với Nhà Vật Lý Thiên Văn Trịnh Xuân Thuận - Lời Giới Thiệu
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
163


Trò Chuyện Với Nhà Vật Lý Thiên Văn Trịnh Xuân Thuận


Lời Giới Thiệu


Một độc giả trung bình có thể yên tâm đi vào thế giới bao la của các thiên hà với một người hướng dẫn sành sỏi có một hiểu biết uyên thâm đồng thời với sự nhạy cảm của một tâm hồn nghệ sĩ. Thật khó có thể tưởng tượng một “tua” du lịch nào bổ ích và hấp dẫn hơn…

Lời giới thiệu này thoạt nhìn có vẻ như một nghịch lý: làm sao một nhà thơ già lại “đốc chứng” viết lời giới thiệu cho một cuốn sách khoa học về vật lý thiên văn. Thật ra, người gây nên cái tưởng là nghịch lý này chính là nhà vật lý thiên văn nổi tiếng người Mỹ gốc Việt, Trịnh Xuân Thuận. Ông đã soạn hẳn một giáo trình “Vật lý thiên văn cho các nhà thơ”. Tôi chưa có may mắn được xem giáo trình này. Nhưng những điều tôi đã đọc và hiểu được trong cuốn sách nổi tiếng “Giai điệu bí ẩn” (bản dịch của Phạm Văn Thiều, NXB Khoa học và Kỹ thuật, 2000) của ông khiến tôi đinh ninh rằng tác giả của nó có tâm hồn của một nhà thơ thứ thiệt.

Cảm tưởng ấy càng được củng cố sau khi xem cuốn Trò chuyện với Trịnh Xuân Thuận – tên gốc là Một nhà vật lý thiên văn , cũng do Phạm Văn Thiều dịch.

Các bạn hãy đọc:

“…thiên văn học không thể quy về các phương trình, các con số và các khái niệm thuần túy trí tuệ… Tôi cần một lần nữa được ngất ngây chiêm ngưỡng vòm trời đầy sao từ các đài thiên văn trên các đỉnh núi cao, cách xa ánh đèn nêông của các thành phố và thế giới văn minh. Tôi muốn có cảm thấy một lần nữa cái cảm giác chưa hề nhạt phai, đó là cảm giác về sự hòa nhập với vũ trụ trong khi ánh sáng tràn vào kính thiên văn của tôi, muốn một lần nữa cảm thấy sự run rẩy chạy dọc sống lưng khi nghĩ rằng các hạt ánh sáng đang bị thu vào kính thiên văn đã bắt đầu cuộc hành trình từ hàng tỷ năm trước trong khi các nguyên tử cấu tạo nên cơ thể tôi ngày nay vẫn đang còn ở trung tâm một ngôi sao nào đó…”

Tôi rất tiếc, trong khuôn khổ một lời giới thiệu, không thể trích dài hơn nữa.

“Cái sự run rẩy chạy dọc sống lưng” ấy là một mẫn cảm thơ không thể lẫn được!

Đã từ nhiều thế kỷ trước, người ta thường có một định kiến hết sức nông nổi cho rằng khoa học và thơ ca (hay nghệ thuật nói chung) là một ngôn ngữ hoàn toàn khác biệt. Một bên đòi hỏi những phương trình chính xác nhưng khô khan, một bên mở cửa cho óc tưởng tưởng bay bổng nhưng mung lung vô địch. Thật là một định kiến tai hại. Các nhà khoa học nòi chưa từng bao giờ đối lập khoa học với mỹ học.

“Các nhà vật lý vĩ đại như Einstein và Dirac đều rất nhạy cảm với vẻ đẹp trong lý thuyết của họ. Họ để cho mỹ học dẫn dắt trực giác và sự lựa chọn của mình. Dirac thậm chí còn nói rằng nếu một thí nghiệm trái với một lý thuyết đẹp thì cái sai là thực nghiệm chứ không phải là lý thuyết”.

Việc tiến bộ của khoa học phần lớn dựa trên việc đề xuất ra những giả thuyết mới, một nhà khoa học thiếu tưởng tượng làm sao có khả năng đề xuất ra những giả thuyết khá “rồ dại”, chữ của Niels Bohr, có cơ may thay đổi cả một cách nhìn cố hữu về hiện thực. Trong cuộc trò chuyện với Jacques Vauthier, Trịnh Xuân Thuận đã tránh được thiên hướng sa đà vào những chi tiết sinh hoạt vụn vặt có tính giai thoại như thói thường của không ít bài trả lời phỏng vấn.

Tác giả đã trình bày một bức tranh hoành tráng về sự phát triển của thiên văn học từ buổi sơ khai đến những lý thuyết hiện đại về vụ nổ lớn, về sự giãn nở của Vũ trụ và những tri thức cơ bản của ngành vật lý thiên văn một cách sâu sắc và tương đối dễ hiểu. Một độc giả trung bình có thể yên tâm đi vào thế giới bao la của các thiên hà với một người hướng dẫn sành sỏi có một hiểu biết uyên thâm đồng thời với sự nhạy cảm của một tâm hồn nghệ sĩ. Thật khó có thể tưởng tượng một “tua” du lịch nào bổ ích và hấp dẫn hơn.

Lẽ dĩ nhiên đọc một cuốn sách đầu là phổ cập về khoa học không thể dễ dàng như đọc một cuốn tiểu thuyết đi tàu xe. Nhưng cái nỗ lực trí tuệ không đến nỗi vất vả lắm ấy lại được đền bù một cách thật hào phóng. Ta sẽ thấy tâm hồn mình như được nâng cao vượt khỏi sức hút của những lo toan tính toán nhiều khi quá nhỏ nhặt hằng ngày bay vào khoảng bao la vũ trụ, rong chơi với những tỷ năm ánh sáng và tỷ tỷ những thiên hà.

Trong lúc trên các phương tiện thông tin đại chúng người ta nói nhiều đến nhu cầu về nguồn, người ta hình như quên mất rằng vật lý thiên văn là một phương thức về nguồn rộng lớn và sâu xa nhất, vì con người vốn là một bộ phận của vũ trụ hay nói như các nhà thiên văn học “một hạt bụi của những vì sao”. Lẽ dĩ nhiên một hạt bụi sao có ý thức. Và để tạo dựng nên những hạt bụi sao có ý thức này vũ trụ đã phải bỏ ra bao nhiêu công sức để thực hiện những tính toán chính xác vượt xa tất cả những anh hùng ca kỳ vĩ nhất của loài người.

“Độ chính xác của sự điều chỉnh một số con số để rốt cục chúng ta xuất hiện trên đời này có thể so được với độ chính xác của một cung thủ muốn găm một mũi tên vào bia có diện tích 1 cm² đặt tận đầu kia của vũ trụ, tức là ở khoảng 15 tỷ năm ánh sáng”.

Tôi muốn kết luận bằng một lời phát biểu hóm hỉnh của Einstein “Cái khó hiểu nhất là làm sao Vũ trụ lại có thể hiểu được”. Đó là thách thức và cũng là phẩm giá của con người trong nhiều thiên niên kỷ.

Giờ thì các bạn hãy mở sách và đi lên tàu đi vào bao la tìm lại nguồn gốc thiên hà của mình.

Trăng Ba Vì.

Sao đổi

Chữ thiên di

Lê Đạt

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN