Giải Mật
Chương 5-7: Chương ngoài: Sổ tay của kim trân
Chương này, với tên gọi “Sổ tay của Kim Trân” đã có thể biết nội dung, chỉ là trích lại những ghi chép trong sổ tay để làm chút tư liệu tham khảo có tính độc lập, không liên quan đến chuyện công khai hoặc bí mật của năm chương trước, bạn đọc có thể đọc có thể không, đọc có thể có thêm chút bổ sung, không đọc cũng chẳng sao, không ảnh hưởng gì đến việc nhận thức đối với Kim Trân. Nói một cách khác, chương này giống như mẩu ruột thừa trong cơ thể, có nó hay không có nó không ảnh hưởng gì lắm, chính vì vậy tôi gọi nó là chương ngoài, thực chất là lời bạt hoặc là phần ghi chép thêm.
Theo tôi được biết, trong thời gian (1956 -1970) Kim Trân công tác tại đơn vị 701 đã để lại hai mươi lăm cuốn sổ tay, hiện chúng nằm trong tay chị Cù Lợi, vợ anh ấy quản lí, nhưng trong đó có một cuốn chị được giữ lại với danh nghĩa là vợ, còn hai mươi bốn cuốn khác do nhân viên bảo mật của đơn vị nắm giữ, cất trong két bảo hiểm, khoá bằng ổ khoá hai chìa, tức là phải có hai chìa khoá đồng thời mở. Chị Lợi nắm giữ một chìa, một chìa nữa do trưởng phòng của chị giữ. Những sổ tay ấy chị Lợi giữ, nhưng một mình chị không được phép xem, càng không thể là của riêng mình.
Lúc nào có thể xem?
Theo chị Lợi nói lại, có cuốn mấy năm sau có thể xem, có cuốn phải mấy chục năm sau mới được xem, vì độ bí mật của mỗi cuốn khác nhau, thời gian giải mật cũng khác. Hai mươi bốn cuốn sổ tay ấy đối với chúng ta có như không, giống như Kim Trân trong viện điều dưỡng Linh Sơn, tồn tại đấy, nhưng thực tế cách tồn tại coi như không tồn tại, không còn ý nghĩa, có như không, coi như không tồn tại. Như vậy, tôi rất muốn được đọc cuốn sổ tay thứ hai mươi lăm do chị Lợi nắm giữ. Nghe nói, chị cũng chưa cho ai xem, nhưng ai cũng biết cuốn sổ ấy trong tay chị. Bởi khi chị nhận cuốn sổ đó từ đơn vị về có ghi vào sổ, có chữ kí của chị đã nhận. Chính vì vậy chị không thể giấu tôi, chị thừa nhận cuốn sổ tay chị giữ. Nhưng mỗi khi tôi ngỏ ý muốn mượn đọc, chị luôn luôn nói: anh đi đi! Lần nào tôi cũng bị chị đuổi như vậy, không do dự, không giải thích, không quanh co lần lữa. Cho đến mấy tháng sau, năm chương trước đã hoàn thành, tôi đưa đến nhờ phòng chính trị và những người có liên quan trong đơn vị 701 thẩm tra lại sự thật. Chị Lợi là một trong những người được thẩm tra, đọc xong tôi hỏi ý kiến chị, bỗng chị chủ động hỏi, có muốn xem cuốn sổ tay ấy nữa không? Tôi nói tất nhiên. Chị hẹn tôi ngày mai đến. Nhưng ngay tối hôm ấy chị đến nhà khách của đơn vị, đưa đến cho tôi cuốn sổ tay ấy, nói chính xác là bản photocopy của cuốn sổ tay.
Cần phải nói thêm ba điểm.
Thứ nhất, bản photocopy của chị đưa cho tôi không hoàn chỉnh. Theo tôi được biết, sổ tay của Kim Trân và những người khác trong đơn vị 701 đều được thống nhất cấp phát, khuôn khổ giống nhau, có loại bìa cứng, loại bìa bọc ni lông, có hai màu đỏ và xanh lam. Nghe nói, Kim Trân mê tín màu sắc, anh chỉ dùng một loại sổ bìa ni lông màu xanh lam. Tôi đã được thấy loại sổ tay ấy rồi, phía trên và phía dưới của trang đầu tiên in rõ “Tuyệt mật” và “Chú ý nộp lại, không được đánh mất”, chữ in màu đỏ, khoảng giữa trang có các dòng:
Số:……
Kí hiệu:……
Thời gian sử dụng:……
“Số” là số thứ tự của sổ tay, “Thời gian sử dụng” là ngày lĩnh sổ và ngày giao nộp lại sổ; “Kí hiệu” là tên họ người sử dụng được thay thế bằng mã số, kí hiệu của Kim Trân là 5603K, người ngoài sẽ không biết đấy là ai, nhưng người trong đơn vị nhìn vào là biết ngay: anh vào đơn vị 701 công tác năm 1956, “03” là người thứ ba vào làm việc tại phòng giải mã trong năm đó. Góc trên bên phải của mỗi trang sổ tay đều đóng dấu “Tuyệt mật” và ghi rõ số trang, chữ “Tuyệt mật” ở trên, số trang ở dưới, mực dấu đỏ tươi.
Tôi để ý, chị Lợi đưa tôi bản photocopy, chữ tuyệt mật và số trang đã bị xoá. Tôi nghĩ, xoá chữ tuyệt mật thì có thể hiểu, vì nó sẽ là của tôi, không còn tuyệt mật nữa, nhưng tại sao lại xoá số trang? Lúc đầu tôi không hiểu, về sau tôi đếm tổng số trang, phát hiện chỉ có 72 trang, vậy là đã rõ. Theo tôi được biết, cuốn sổ có 99 trang, tức là chị Lợi photocopy cho tôi không đủ. Chị giải thích: thứ nhất, cuốn sổ vẫn chưa dùng hết, còn hơn chục trang trắng; thứ hai, trong đó có những bí mật thuộc về hai vợ chồng, không tiện cho tôi xem, cho nên chị tước bỏ. Nhưng tôi lại rất muốn đọc những điều đó.
Thứ hai, nhìn vào thời gian và nội dung ghi trên sổ tay, đây chỉ là “trích ghi lúc ốm” của Kim Trân. Đó là một ngày trung tuần tháng sáu năm 1966, Kim Trân ăn sáng xong, từ nhà ăn ra về, bỗng ngất ngay trong sảnh lớn, trán đụng vào một góc cái ghế dài, máu chảy như xối. Đưa vào bệnh viện kiểm tra mới biết, anh bị chảy máu dạ dày, đấy cũng là nguyên nhân làm anh bị ngất. Kết quả chẩn đoán bác sĩ cho biết, anh đau dạ dày rất nặng, phải vào điều trị.
Bệnh viện là nơi người “điên cờ” hồi xưa điều trị, bệnh viện riêng của đơn vị 701, kế bên căn cứ huấn luyện khu nam, thiết bị và trình độ bác sĩ không thua kém một bệnh viện cấp thành phố, chữa trị bệnh chảy máu dạ dày rất bình thường, không có gì khó khăn, sẽ không xảy ra sự cố như điều trị cho người “điên cờ”. Tuy là bệnh viện nội bộ, nhưng vì địa điểm ở khu nam, có thể hình dung mức độ bí mật không như khu bắc. Một ví dụ có thể không thích hợp lắm, quan hệ giữa khu bắc và khu nam giống như quan hệ chủ tớ, tớ bận toàn những việc của chủ, nhưng chủ bận gì thì tớ không có quyền biết, dù có ngẫu nhiên biết tí chút cũng chỉ là chuyện bên ngoài. Nói một cách nghiêm túc, thân phận của Kim Trân cũng không thể công khai, nhưng việc ấy bây giờ cũng khó giữ, vì anh là người nổi tiếng, mọi người đã chính thức hoặc không chính thức biết địa vị và thân phận trọng yếu của anh. Tất nhiên thân phận công khai đấy, nói đi cũng phải nói lại, tất cả đều là người nhà, công khai cũng không có vấn đề gì lớn. Nhưng chuyện công tác, nghiệp vụ là tuyệt đối không được tiết lộ.
Chúng ta đều biết, Kim Trân lúc nào cũng đem theo sổ tay, lúc ấy do sự việc quá gấp, anh bị chảy nhiều máu, lại bất tỉnh nhân sự, sổ tay cũng được đưa vào viện theo người. Điều này là không cho phép, nhân viên bảo mật biết anh vào viện (ra khỏi khu bắc), nhưng không đến ngay bệnh viện để thu hồi sổ tay, cho đến tối hôm ấy Kim Trân chủ động đưa nộp lại. Về sau người của bộ phận bảo mật biết chuyện, không chút do dự ghi tên nhân viên bảo mật kia và bị thuyên chuyển, bố trí một nhân viên bảo mật khác, đấy là chị Lợi. Cứ đọc sổ tay thì biết, đấy là ba bốn hôm sau, tức là bốn năm ngày sau khi Kim Trân vào viện.
Cuốn sổ tay này tất nhiên không phải cuốn sổ tay kia.
Sự thật thì, khi Kim Trân giao nộp cuốn sổ tay của mình, anh không quên nhận một cuốn khác, vì anh quá biết thói quen của mình, thói quen đem theo sổ tay bên mình. Đấy là cách sống của anh, có thể nói từ nhỏ ông Lily đã cho anh cây bút máy Water, từ đấy anh tạo cho mình một thói quen, cho dù nằm trên giường bệnh vẫn giữ thói quen ấy, không sao thay đổi nổi. Tất nhiên, hoàn cảnh anh lúc bấy giờ không thể ghi chép vào sổ tay những gì thuộc về công tác, đấy là nguyên nhân để sổ tay này của anh lọt ra ngoài. Theo tôi, trong sổ tay này anh chỉ ghi chép những ý nghĩ trong thời gian nằm viện.
Thứ ba, lối xưng hô trong sổ tay vô cùng lộn xộn.
Lối xưng hô thường gặp nhất trong sổ tay là “mi”, sau đấy là “anh ta”, sau nữa là “cô ấy”. Có thể nhận thấy, những lối xưng hô ấy không chỉ rõ ai, không biết có chỉ riêng một người nào đó không. Nói theo nhà ngôn ngữ học, công năng ngôn ngữ rất lộn xộn. Ví dụ “mi” có lúc chỉ bản thân có lúc tưởng như chỉ ông Hinsh hoặc ông Lily con hoặc bà vợ ông ta, hoặc thầy Dung, có lúc hình như muốn chỉ chị Lợi, hoặc anh chàng điên cờ, hoặc Thượng đế, thậm chí là cái cây, hoặc con chó, tóm lại rất phức tạp, sợ rằng chính Kim Trân cũng không phân biệt nổi. Tôi nghĩ, rất lung tung, cho nên lúc muốn hiểu cũng chỉ có thể tự hiểu mà thôi, Tại sao tôi cho rằng bạn đọc có thể không đọc, hoặc vì chuyện này mà không thể nhận định, không thể lí giải lời lẽ ấy, chỉ có thể dựa vào cảm giác. Dẫu là thế, không xem cũng chả sao, nếu xem, nó ở ngay dưới đây. Số thứ tự là tôi thêm vào, những đoạn ghi bằng tiếng Anh do tôi dịch ra và gạch chân.
1
Anh ta yêu cầu tôi sống như một cây nấm, do trời đất mây mưa nuôi dưỡng, do trời đất mây mưa tiêu diệt, nhưng không thể làm nổi, ví dụ lúc này, anh ta biến thành một thứ được cưng chiều,
Một thứ long vật đáng ghét!
2
Anh ta có cảm giác thế này, sợ hãi nhất là bệnh viện.
Con người sau khi vào viện, người lớn nhất cũng sẽ trở nên đáng thương, yếu đuối, giống như đứa trẻ con hoặc ông già, phải có người chăn sóc yêu thương… giống như được cưng chiều.
3
Mọi tồn tại đều hợp lí, nhưng không nhất thiết hợp tình. Tôi nghe anh ta nói vậy. Đúng lắm!
4
Qua kính cửa sổ mi thấy đầu bị quấn băng, giống như vừa từ mặt trận trở về.
5
Giả thiết dạ dày chảy máu là A, trán chảy máu là B, con ma bệnh là X, vậy thì rất rõ ràng, giữa A và B sẽ tạo thành quan hệ hai chiều dưới X, A là trong, B là ngoài, hoặc A là tối, B là sáng; cũng có thể hiểu A là trên, hoặc chính, hoặc đây, B là dưới, hoặc âm, hoặc quan hệ đối xứng hai chiều, quan hệ hai chiều này không xây dựng trên cơ sở tất nhiên, mà là ngẫu nhiên, nhưng một khi ngẫu nhiên xuất hiện, ngẫu nhiên sẽ biến thành tất nhiên, tức không có A mà phải có B, giữa Avà B có cái tất nhiên, quan hệ hai chiều này có đặc trưng giống với thuyết song hướng của Wemak… Chả nhẽ Wemak cũng như mi, trong đó có khởi đầu và phát minh lí thuyết toán học song hướng?
6
Trán bị sứt có những cách nói khác nhau.
Phao-lồ nói: “Tại sao ông không tranh thủ đi cày mà ngồi trên chiếu này khóc làm gì?
Nông phu nói: “Vừa có con lừa bậy ra đây, nó đá tôi gãy hai cái răng cửa.”
Phao-lồ nói: “Vậy bác phải cười chứ, tại sao lại khóc?”
Nông phu nói: “Tôi khóc vì đau và buồn, có gi đáng cười đâu?”
Phao-lồ nói: “Thánh nói, răng cửa của đàn ông rụng và vỡ trán là mở cửa sổ trời, tốt lắm, chứng tỏ chuyện vui sắp rơi xuống đầu anh đấy.”
Nông phu nói: “Vậy tôi lạy thần lạy thánh cho tôi sinh một đứa con.”
Quả nhiên năm ấy bác nông phu sinh một đứa con.
Bây giờ trán mi cũng vỡ, liệu có chuyện vui gì không? Sự việc chắc phải có, nhưng tốt xấu khó nói lắm, là bởi mi không biết tốt là gì.
7
Tôi thấy vạn vật dưới ánh sáng đều là hư vô, đều là bắt bóng. Cái cong không thể uốn thẳng, thiếu hụt không thể bù đắp. Tôi thầm nhủ, tôi có đại trí tuệ vượt cả đám người ở Jerusalem, hơn nữa trí tuệ và trí thức trong tim tôi đã qua từng trải, tôi chuyên tâm lau sạch trí tuệ, cuồng vọng và ngu muội, vẫn biết đấy là chuyện bắt bóng, bởi có bao nhiêu trí tuệ có bấy nhiêu buồn phiền, gia tăng tri thức cũng tức là gia tăng ưu phiền. (Kinh thánh)
8
Anh ta rất giàu, càng ngày càng giàu.
Anh ta rất cùng khổ, càng ngày càng cùng khổ.
Anh ta là anh ta.
Anh ta là anh ta.
9
Bác sĩ nói, một cái dạ dày lành mạnh bên ngoài phải sáng, bên trong phải thô, nếu lật bên trong, phơi mặt thô ra ngoài, vậy cái dạ dày lành mạnh sẽ như một con nhím, toàn thân gai góc, gai góc rất đều. Dạ dày của tôi lật ra giống như cái đầu chốc, cái thứ gai góc bị lửa thiêu, chỗ nào cũng thấy lở loét, chảy mủ chảy máu, bác sĩ còn nói, mọi người cho rằng bệnh dạ dày là do ăn uống không tốt, bệnh dạ dày thật sự là do thần kinh yếu. Tức là nói, bệnh da dày không phải do ăn uống bừa bãi, mà do suy nghĩ nhiều…
Có thể, tôi đâu có phàm ăn tục uống?
Cái dạ dày của tôi giống như một thứ dị vật, một kẻ địch (gián điệp), chẳng bao giờ nó cười với tôi.
10
Mi nên ghét cái dạ dày của mi.
Nhưng lại không thể.
Vì trên đấy có dấu ấn của mi.
Mi đã làm cho cái dạ dày trở nên như thế, trời sinh ra đã yếu, yếu không chịu nổi gió, giống như một đoá hoa lê.
Dạ dày của mi ăn không biết bao nhiêu hoa lê.
Mi đau dạ dày sẽ nghĩ đến hoa lê, nghĩ đến ông già.
Ông ơi, ông chưa chết, không những ông sống trong dạ dày cháu.
11
Mi đi thẳng một mạch, không thích nhìn lại phía sau.
Vì không thích nhìn lại phía sau, nên mi yêu cầu mình đi thẳng về phía trước.
12
Dưới trời này mọi việc đều do Thượng đế an bài.
Nếu để mi an bài, có thể mi sẽ an bài mình thành một ẩn sĩ xa lánh người đời hoặc thành một tù nhân. Tốt nhất là một tên tù vô tội, hoặc tên tù không người cứu, dù sao không có cảm giác tội ác.
13
Một cái bóng tóm lấy mi.
Vì mi đứng lại.
14
Lại một cái bóng nữa tóm lấy mi.
15
Englert nói, ngủ mệt nhất, vì phải ngủ mê.
Tôi nói không làm việc mệt nhất, vì tâm lí trống trải, rất nhiều thứ giống như giấc mơ trôi qua chỉ còn lại sự trống rỗng.
Làm việc sẽ quên hết quá khứ, cũng là lí do để tự giải thoát.
16
Giống như một con chim bay ra khỏi tổ.
Giống như trốn chạy…
17
Mi là người vong ơn bội nghĩa, mi chạy đi đâu?
Tôi ở bên dòng suối cách… cây số, phía tây của các người. Tại sao mi không trở lại thăm chúng tôi?
Không thể về nổi…
Chỉ có người tù mới không thể về.
Tôi giống như một tên tù.
Anh ta là tù nhân của anh ta.
18
Các người cho anh ta quá nhiều, nhiều đến mức anh ta không dám nhớ lại, nhớ lại lòng những không đành, cảm thấy có lỗi và tự ti, may mắn nhưng buồn, giống như anh ta dùng cái thân thế đáng thương chèn ép tấm lòng từ thiện của mọi người.
Cổ nhân nói, nhiều sẽ ít, đầy ắt vơi.
Thánh nói, dưới trời này không có gì đầy đủ.
19
Có người được người khác yêu bỗng trở nên hạnh phúc, có người được người khác yêu mà trở nên đau khổ.
Vì hạnh phúc, anh ta phải về.
Vì đau khổ anh ta bỏ đi.
Không phải anh ta biết những điều đó mới bỏ đi, mà bỏ đi rồi mới biết.
20
Kẻ vô tri không biết sợ hãi.
Sợ hãi giống như sợi dây quấn lấy anh ta, kéo chân anh ta lại, hình như ở đấy có cái bí mật riêng tư không thể cho ai biết.
21
Mẹ, mẹ có khoẻ không?
Mẹ, mẹ, mẹ thân yêu!
22
Tối hôm qua trước khi đi ngủ, mi cổ vũ mình cố gắng nằm mơ, nhưng đã mơ thấy gì bây giờ không còn ấn tượng. Nên là sự việc chuyên nghiệp, bởi đấy là mục đích mi cổ vũ mình nằm mơ, phải thoát khỏi nỗi buồn phiền không làm việc.
23
Englert giơ ngón tay trỏ nói với tôi, ông là đại ca trong cái nghề chúng ta đang làm và tôi là anh hai. Đồng thời ông chỉ trích tôi hiện tại phạm phải hai sai lầm lớn, thứ nhất là làm quan, thứ hai, phá cả những khoá mật mã cấp thấp mà mọi người có thể phá. Sai lầm thứ hai sinh ra từ sai lầm thứ nhất. Điều này khẳng định, làm trưởng phòng cho nên phải tham gia phá tất cả các khoá mã khác. Ông Englert nói: kết quả làm tôi càng ngày càng xa rời anh chứ không phải càng gần hơn. Tôi nói, hiện tại đối phương chưa sử dụng bộ mật mã cao cấp mới, tôi không làm những việc ấy thì làm việc gì? Englert nói, ông ấy vừa viết xong một cuốn sách, bản thân cuốn sách là bộ mật mã cao cấp nhất thế giới, làm ông ngộ ra rằng mật mã cao cấp nhất hoặc thấp nhất thế giới đều rất khó phá khoá, nhưng ai muốn phá nó hãy đọc và hiểu nội dung cuốn sách, suốt ba mươi năm ông đã phá được tất cả mật mã cao cấp, ông đề nghị tôi giải mã cuốn sách này, đồng thời giơ ngón tay cái lên nói với tôi, nếu tôi giải mã được cuốn sách này, thì ngón tay cái sẽ là đại diện cho tôi.
Đúng là một sự uỷ nhiệm.
Nhưng cuốn sách ấy ở đâu?
Trong giấc mơ của tôi.
Không, trong giấc mơ của Englert bên trong mơ của tôi.
24
Nếu ở đời có cuốn sách ấy, nhất định nó ra đời từ tay ông Englert.
Chỉ có thể là của ông ta.
Sự thật thì, bộ óc ông là cuốn sách ấy.
25
Đúng là ông Englert sinh thời có đề lại một cuốn sách, tên sách là “Chữ của thánh nhân”, có người nói đã trông thấy ở hiệu sách, nhưng không chắc lắm, bởi vì tôi đã huy động mọi lực lượng của tổ chức đi tìm nhưng không thấy cuốn sách ấy.
Trên đời này không có gì mà tổ chức của tôi không tìm ra, mà chỉ có thể không có sự việc ấy.
26
Mi là một con chuột.
Hiện thời mi đang ở trong kho thóc.
Nhưng mi không ăn nổi thóc.
Bởi mỗi hạt thóc đều bọc một lớp bảo vệ mà răng mi không cắn nổi.
Đấy là mật mã.
27
Phát minh ra mật mã, một mặt để những tin tình báo trước mặt anh, chỉ cần giơ tay ra với tới, mặt khác lại làm cho mắt mi mù tịt, không trông thấy gì.
28
MacArthur đứng trên bán đảo Triều Tiên, tay giơ lên trời nắm bắt, sau đấy nắm chặt bàn tay nói với viên sĩ quan phá khoá mật mã: đây là tin tình báo tôi cần, có khắp trời, chỉ cần giơ tay ra là nắm được nó, nhưng tôi không làm sao đọc được nó, bởi vì lúc này tôi bị mù, xem anh có thể khôi phục thị lực của tôi được không.
Mấy năm sau, trong hồi kí ông ta viết, viên sĩ quan phá khoá mật mã không cho tôi mở mắt, cho dù chỉ một mắt, và tôi sống để trở về là tốt rồi.
29
Làm lại động tác của MacArihur giơ tay lên trời nắm bắt, nhưng lúc này mi chỉ bắt được không phải là không khí, mà là một con chim. Bầu trời đầy chim, nhưng khả năng tay không muốn bắt được một con chim là tuyệt đối rất nhỏ, tuyệt đối rất nhỏ không có nghĩa là tuyệt đối không, có người tỏ ra rất thần kì cũng bắt được một con.
Như thế gọi là phá khoá mật mã.
Nhưng đa số cả đời không bắt được con chim nào, mà chỉ bắt được cái lông chim.
30
Người như thế nào thì bắt được chim?
Có thể chỉ có ông John Fobes Nahs[6].
Nhưng ông Hinsh không thể, tuy tài năng không kém J. Nahs bao nhiêu.
31
Tuy ông Nahs có thể tay không bắt chim, nhưng trong lòng lại không biết bao giờ mới bắt được. Còn ông Hinsh chỉ cần chú ý quan sát ánh mắt, động tác ra tay, tư thế, độ nhạy cảm, tính chính xác, sức bật… của ông ta, ngửa đầu lên xem có bao nhiêu chim, tốc độ bay, đường bay, đặc điểm, sự thay đổi của chúng… có thể dự đoán được bao giờ ông Nahs bắt được chim.
Cũng là thiên tài như nhau, thiên tài của ông Hinsh nghiêm cẩn hơn, đẹp hơn, đẹp như thiên sứ, như một vị thần linh. Thiên tài của ông Nahs càng xa lạ, xa lạ gần đến mức quái dị và dã man, có cảm giác người và ma hợp nhất. Mật mã là nghề ma quỷ hoá con người, con người gian tà, thâm hiểm, độc ác, ma giáo… đến mức không thể hơn, cho nên, ông Nahs người ma không phân biệt càng dễ tiếp cận nó.
32
Ngủ và chết cùng tên, nhưng khác họ.
Ngủ là bước tập sự của chết, giấc mơ là cảnh ma của con người.
Ai cũng bảo tính hồn mi quá lớn nhưng thân xác quá nhỏ, đầu quá to đấy là đặc trưng cơ bản của lũ yêu quái.
Họ còn nói, từ nhỏ mi đã làm bạn với giấc mơ, vì thế tiêm nhiễm yêu khí và tà khí, cho nên càng dễ bắt được chim bằng tay không.
33
Mọi bí mật ở đời đều có trong mộng.
34
Mi chỉ chứng minh bản thân mi.
Khi mi chứng minh mi, đối phương cũng sẽ giúp mi chứng minh.
Khi mi không có cách nào chứng minh nổi mi, nhưng lại chứng minh được cho đối phương.
35
Mi khát khao một người tài giỏi hơn để mi khỏi phải khen, nhưng vì vậy cần mi nói không ngừng.
36
Lại thay nhân viên bảo mật của tôi, lí do cô ta không kịp thời thu sổ tay của tôi.
Cô ta không phải là người đầu tiên mà cũng chưa phải là người cuối cùng.
37
Nhân viên bảo mật mới chắc chắn cũng là nữ…[7]
38
Cô ấy là ai?
Mi biết cô ấy không?
Mi mong biết hay là không?
Cô ta tự nguyện hay cấp trên phải làm công tác tư tưởng?
Ngày mai đã đến chưa?
Đồ quỷ! Chuyện đau đầu quá chừng!
39
Ma quỷ không ngừng sinh con đẻ cái là để ăn chúng.
40
Bác sĩ bảo dạ dày tôi vẫn còn chảy máu, ông ấy lấy làm lạ là, đã dùng nhiều thuốc tốt rồi mà vẫn không thấy hiệu quả. Tôi nói với bác sĩ, nguyên nhân tôi bị bệnh là do hơn chục năm trước tôi uống thuốc đau dạ dày như ăn cơm vậy, uống quá nhiều, nay bệnh bị nhờn thuốc. Ông đổi thuốc, tôi bảo đổi thuốc gì cũng không mới, quan trọng là gia tăng liều lượng. Ông bảo, như thế rất nguy hiểm, ông không dám. Xem ra, tôi phải chuẩn bị ở đây lâu.
41
Cái thứ cưng chiều đáng ghét.
42
Cô ta đã đến.
Cô ấy rất dũng cảm đến đây chịu khổ.
43
Cô ấy vào phòng bệnh, căn phòng trở nên chật chội.
Lúc cô ấy đi, nhìn theo từ phía sau, mi chừng như quên mất cô ấy là nữ.
Cô ấy cần chừng bảy cái bánh mới đủ no.
44
Cô ấy không thích trang điểm – một bộ mật mã thô! Thậm chí mi cảm thấy trước mặt người khác cô ấy cũng không tỏ ra thoải mái hơn mi. Đã như thế còn đến đây làm gì? Nên biết, đấy mới chỉ là bắt đầu, mi biết từ nay về sau hàng ngày mi đều cảm thấy lúng túng và bắt buộc, dù sao tôi biết anh ta không đồng tình với một người đi nhầm đường.
45
Ý nghĩ muốn giúp đỡ tôi là một thứ bệnh tật, chỉ có nằm xuống mới khỏi bệnh.
46
Nhiều ý nghĩ cũng là một chứng bệnh.
47
Trời xanh, mây trắng, cành liễu, gió thổi, đung đưa, cửa sổ, một con chim vút qua, giống như giấc mơ… một ngày mới, thời gian như gió, ngày tháng như nước chảy… những kí ức, những thở than, những ngờ vực, những điều khó quên, những ngẫu nhiên, những chuyện buồn cười… mi trông thấy hai điểm, thứ nhất là không gian, thứ hai là thời gian, hoặc có thể nói, thứ nhất là ngày, thứ hai là đêm…
48
Bác sĩ coi nằm mơ cũng là một thứ tiêu hao sức khoẻ, một thứ bệnh.
49
Cô ấy đưa đến cho tôi thuốc lá Đại Tiền Môn, mực viết Quốc Quang, trà Ngân Quân, đồng hồ, dầu cao, đài bán dẫn, quạt lông, truyện Tam quốc diễn nghĩa… Hình như cô ta nghiên cứu… sai về tôi, tôi không nghe đài, linh hồn tôi là cái đài bán dẫn rồi, ngày nào nó cũng kêu không ngừng, giống như cái đồng hồ quả lắc chấn động dưới chân sẽ làm nó lắc dài dài.
50
Một lần anh ta nằm mơ thấy mình hút thuốc, sau đấy anh mới bắt đầu hút thuốc.
51
Hút thuốc Đại Tiền Môn là do cô Tưởng, nhân viên bảo mật đầu tiên tập cho mi, cô ta là người Thượng Hải, có lần cô về nhà đem đến cho anh ta một cây thuốc, anh khen thuốc ngon, vậy là cô bảo gia đình tháng nào cũng gửi lên một cây. Anh còn thích cô nói tiếng Thượng Hải nghe ríu rít như tiếng chim, có thể hình dung đầu lưỡi vừa nhọn vừa mềm. Chừng như anh đã thích cô, nhưng không qua nổi thời gian thử thách. Vấn đề của cô ta là đi rất nặng chân, có tiết tấu, về sau giày còn đóng cá sắt, khiến anh không thể nào chịu nổi. Nói thật, không phải là vấn đề tiếng động, mà là linh hồn anh thỉnh thoảng lại bay đi, trong quá trình bay, thường thường bị níu lại, từ trên không rơi xuống.
52
Nếu để lựa chọn ngày và đêm, anh ta sẽ chọn đêm.
Nếu để lựa chọn núi sông, anh ta chọn núi.
Nếu để chọn hoa cỏ, anh sẽ chọn cỏ.
Nếu chọn người và ma, anh ta chọn ma.
Nếu chọn người sống và người chết, anh ấy chọn người chết.
Nếu chọn mù và câm, anh ấy chọn câm.
Tóm lại, anh ta ghét tiếng động và những thứ phát ra âm thanh.
Đấy là một thứ bệnh, giống như mù màu, trời sinh ra thừa một cơ quan công năng.
53
Thầy cúng không đạt mục đích…
54
Trông thật hung dữ.
Cô ta gọi đây là con ba ba đá, dân gian bảo là cóc hủi và rắn tạp giao với nhau đẻ ra nó, rất hiệu nghiệm đối với bệnh đau dạ dày. Điều này thì tôi tin, thứ nhất vì phương thuốc dân gian chữa bệnh rất tốt, thứ hai, bệnh dạ dày của tôi hung dữ như ác quỷ, có thể dựa vào cái hung dữ này để chế phục cái hung dữ kia. Nghe nói, cô ấy phải lặn lội một ngày trong núi mới tìm được nó, thật vất vả cho cô. Tôi phải đi tới núi Mai Dược và đồi Nhũ Hương, cho đến khi trời nổi gió lạnh, tắt nắng mới quay về… (Kinh Thánh)
55
Rừng cây thở dưới ánh trăng, một lúc sau nó thu lại thành đống rất nhỏ, tán cây cao to lát sau lại xoè rộng, trải xuống triền núi, trở thành những bụi cây lúp xúp, thậm chí biến thành bóng mờ, bóng mờ xa xôi…
56
Bỗng tôi cảm thấy dạ dày trống rỗng, nhẹ tênh, giống như biến mất, bao năm nay không có cảm giác ấy. Từ lâu rồi tôi cảm thấy dạ dày mình biến thành bể phân, đầy mùi hôi thối, lúc này đang bốc mùi, xẹp lép, mềm nhũn, lỏng lẻo. Ai cũng bảo uống thuốc ta phải hai mươi bốn tiếng đồng hồ mới có tác dụng, nhưng lúc này mới hơn mười tiếng, thánh thật!
Chả nhẽ đây là linh đơn thần dược?
57
Lần đầu tiên thấy cô ta cười.
Cái cười gò bó, không tự nhiên, không thành tiếng, rất ngắn, chỉ trong chớp mắt, giống như cái cười của người trong tranh.
Cái cười chứng minh cô ta không thích cười.
Có đúng cô ta không thích cười? Hay là…
58
Anh luôn hành động như ngạn ngữ của ông già đánh cá, ngạn ngữ đại ý: thịt của con cá thông minh chắc hơn thịt của con cá ngu xuẩn, hơn nữa có hại, là bởi cá ngu xuẩn ăn không lựa chọn, cá thông minh thì luôn luôn chọn cá ngu xuẩn để ăn…
59
Bác sĩ điều trị cho tôi thực đơn như cho thuốc: một tô canh, một cái bánh bao chay, một bìa đậu phụ và dặn chỉ ăn thế thôi, không ai được thay đổi thực đơn và số lượng. Sau đấy, theo kinh nghiệm của tôi, lúc ấy tôi nên ăn một tô mì, mì làm hơi sống một chút.
60
Quan niệm về sai lầm cứ chặn ngang cuộc sống chúng ta, so với quan niệm chính xác luôn luôn tỏ ra chính xác. Bởi vì quan niệm sai lầm luôn luôn là bộ mặt trong nghề, tỏ ra quyền uy xuất hiện ngay trước mắt chúng ta.
Trong chuyện phá khoá mật mã, mi là bác sĩ, còn họ là bệnh nhân.
61
Mi đưa họ lên cùng một con đường, con đường ấy có thể dẫn đến thiên đường, có thể xuống địa ngục. Phần sáng tạo của mi không nhiều bằng phá…
62
Phúc đi, hoạ ở lại.
63
Giống như cái đồng hồ, đến và đi đều chính xác.
Đến không tiếng, đi không động.
Đấy là sự trùng hợp cô ta hiểu mi hay là bản tính như thế? Tôi cho rằng… tôi không biết…
64
Bỗng mong cô ta hôm nay không đến, thật ra là lo cô ta không đến.
65
Cô ta làm nhiều hơn nói, làm gì cũng lặng lẽ. Giống như cái đồng hồ, nhưng như vậy cô ta tạo nên chút quyền uy trên con người mi.
Sự trầm mặc của cô ta có thể luyện thành vàng.
66
Thần thánh ở trên trời, mi ở dưới đất, cho nên lời lẽ của mi phải ít. Nhiều việc, khiến có nhiều giấc mơ. Lắm lời, tỏ ra ngu xuẩn… Nhiều giấc mơ, nhiều lời, trong đó có nhiều hư ảo. (Kinh Thánh)
67
Cô ấy đã đọc kinh thánh chưa nhỉ?
68
Cô ấy cô đơn!
Cô ấy bất hạnh hơn mi.
Cô ấy lớn lên bằng cơm của trăm nhà!
Cô ấy đúng là cô đơn!
Cô đơn là cái từ nhạy cảm trong tim mi!
69
Bỗng tìm được lời giải đáp.
Cô ấy cô đơn, đấy là câu trả lời.
Thế nào gọi là cô đơn? Cô đơn có hai bộ răng, nhưng không có cái lưỡi hoàn chỉnh. Cô đơn dùng ánh mắt để nói chuyện. Cô đơn làm bằng đất (người làm bằng nước). Cô đơn trong lòng có vết sẹo.
70
Nói với cô ấy mi cũng cô đơn… Không, tại sao phải nói với cô ấy? Mi muốn nói ư? Tại sao mi phải dựa vào cô ấy? Vì cô ấy cô đơn ư? Hay là vì… vì… Tại sao lòng mi bỗng chốc có nhiều vấn đề đến vậy? Vấn đề là hình bóng của nguyện vọng… Thiên tài và cô đơn không có vấn đề, họ chỉ có yêu cầu.
71
Do dự cũng là sức mạnh, nhưng là sức mạnh của người bình thường.
Người bình thường rất thích phức tạp hoá quá trình của mọi chuyện. Đấy là bản lĩnh của những người tạo lập mật mã, không phải của người chuyên phá khoá mật mã.
72
Hôm nay cô ấy ra về muộn hơn mọi khi nửa tiếng đồng hồ, vì đọc “Pa-ven Coóc-sa-ghin” cho tôi nghe, cô ấy nói đây là cuốn truyện mà cô ấy thích nhất, lần nào đến cũng đem theo, lúc rảnh rỗi lại đọc. Hôm nay tôi cầm cuốn sách lên lật giở vài trang, cô ấy hỏi tôi đã đọc chưa, tôi bảo chưa, cô ấy đòi đọc cho tôi nghe. Tiếng phổ thông của cô ấy rất chuẩn. Cô ấy bảo, hồi làm nhân viên tổng đài điện thoại trên tổng cục, mấy năm trước qua điện thoại đã nghe thấy tiếng tôi…
73
Phân biệt ở chỗ, có người việc gì cũng chuẩn bị đầy đủ, có người không, cũng không vì thế mà tự trách mình.
74
Anh ta nằm mơ thấy để nước sông ngập ngang thắt lưng, cứ thế vừa đi vừa đọc sách, sách không có chữ… lúc có sóng to, anh ta giơ cuốn sách lên đầu để không bị ướt. Sóng qua đi, anh ấy phát hiện áo quần của mình bị sóng cuốn trôi, toàn thân trần truồng…
75
Trên đời này, mọi giấc mơ đều đã có người mơ!
76/77
Anh ta đồng thời mơ hai giấc mơ, một giấc mơ hướng lên, một giấc mơ nữa hướng xuống dưới… Lúc tỉnh lại, giấc mơ làm anh ta mệt mỏi, tưởng như giấc mơ biến anh ta thành cát sạn.
78
Một lần không may qua đi có thể xoá đi một lần lên đến đỉnh cao.
Nhưng cũng không nhất định.
79
Hãy nghĩ đến những sự việc mà mi cho rằng cả đời mi sẽ không nghĩ đến.
80
Chỉ có một cách xoá bỏ là, tận mắt trông thấy mi.
81
Hãy nghe… cái… mi… trong mắt… nhất… trên… mi…[8]
82
Có hai loại bệnh. Một loại đau đớn là chính, một loại nữa nằm mơ là chính. Loại thứ nhất có thể chữa trị bằng thuốc, loại sau cũng có thể có thuốc chữa, nhưng thuốc ở trong mơ. Loại thứ nhất đang thuyên giảm, loại thứ hai đang sốt cao.
83
Giấc mơ, mi tỉnh lại đi!
Giấc mơ, mi đừng tỉnh lại!
84/85
Nghe đây, lần này anh ta sẽ không viết rồi xoá đi, anh ta…
… Trái tim rung động, giống như cành táo trong rừng, giống như hoa bách hợp giữa bụi gai! (Kinh Thánh)
88
Dấu hiệu trong cuộc sống của mi đang tiêu tan, giống như con sâu bị một con sâu khác nuốt chửng.
87
Một cái lồng đang chờ một con chim…
88
Đây là con đường mọi người vẫn đi, cho nên rất dễ nhận ra.
89
Chim ơi!
90
Lẽ nào anh ấy đấu tranh vẫn chưa đủ? Một cái lồng đang chờ đợi một con chim, cho dù…
Nội dung trong sổ tay tuy rất lộn xộn khó hiểu, nhưng vẫn có thể nhận ra trong tim Kim Trân, ấn tượng về Cù Lợi cứ đậm dần, cho đến cảm giác yêu, về sau cảm giác ấy hiện rõ hơn. Tôi đoán chừng, những trang sổ tay chị Lợi lấy đi rất tình cảm, hơn nữa có thể khẳng định quá nửa là mơ màng. Bởi vì, tôi đã từng hỏi chị, trong sổ tay Kim Trân có thẳng thắn bày tỏ những câu đại loại như “anh yêu em” hay không, chị Lợi bảo không. Nhưng chị lại nói, cũng có những câu gần như thế, có một câu với ý ấy.
Tôi cứ hỏi mãi, chị Lợi do dự rồi nói, câu nói không phải là nguyên văn của anh ấy, mà anh dẫn từ trong Kinh thánh, chi tiết cuối cùng của chương bốn trong “Nhã ca”. Tôi tìm đọc Kinh thánh, có thể khẳng định câu chị Lợi nói ra là thế này:
Gió bắc ơi, thổi lên! Gió nam ơi, thổi lên! Thổi vào vườn của tôi, để hương thơm toả ngát, mong người hiền của tôi bước vào khu vườn của tôi, ăn trái ngon của vườn nhà tôi!
Là một phần tình cảm riêng, rút bỏ là không thể chỉ trích. Có điều đối với chúng ta, như thế sẽ khó hiểu hơn quá trình diễn biến tình cảm của hai người. Bởi vì có bảo lưu, có bản gốc, có bí mật. Cho nên tôi nghĩ, có thể xem cuốn sổ tay này là mật mã tình yêu của hai người.
Nên nói rằng, Kim Trân là thiên tài phá khoá mật mã, nhưng về mặt tình cảm nam nữ, tôi không hiểu, cho dù đã có tài liệu trong tay, cũng bị rút bỏ một cách gượng ép, cố tình. Tôi có cảm giác, mọi người không muốn cho phép người ngoài có ấn tượng về tình yêu của Kim Trân, cảm thấy có như thế mới không làm tổn hại đến hình ảnh đẹp đẽ của anh. Lẽ nào với một người như Kim Trân, những tình cảm riêng tư, tình thân, tình bạn… đều không nên tồn tại? Bởi không nên tồn tại, cho nên trước hết bản thân anh phải ra sức rút bỏ, tiếp theo, nếu bản thân khó rút bỏ người khác cũng tìm cách rút bỏ cho anh. Chuyện là thế.
Chị Lợi nói với tôi, buổi chiều sau ngày thứ ba Kim Trân ra viện, vào lúc sắp hết giờ làm việc, anh đến phòng làm việc của chị, trao sổ tay cho chị như thực thi công vụ. Là một nhân viên bảo mật, phải mở những cuốn sổ tay vừa được giao nộp ra kiểm tra có thiếu trang nào hay không, nếu thiếu phải truy hỏi trách nhiệm. Cho nên, Kim Trân giao nộp sổ tay, chị Lợi cũng phải thực thi công vụ, mở ra kiểm tra. Lúc ấy, Kim Trân nói với chị câu này:
“Trên đấy không có bí mật thuộc công tác, chỉ có bí mật của cá nhân tôi, nếu cô cảm thấy hiếu kì, nếu không có gì trở ngại thì cứ đọc, tôi mong cô đọc và mong được hồi âm.”
Chị Lợi nói, lúc chị đọc thì trời đã tối, chị về phòng mình, kết quả như ma quỷ sai khiến, chị đi vào phòng Kim Trân. Thật ra, lúc bấy giờ chị ở nhà ba tầng, Kim Trân ở nhà của chuyên viên, hai hướng khác nhau. Hai toà nhà đến nay vẫn còn, toà nhà của nữ xây gạch đỏ, toà nhà này xây gạch xanh, chỉ có hai tầng. Tôi còn đứng chụp ảnh kỉ niệm trước toà nhà xây gạch xanh, tôi nhìn bức ảnh, lập tức trong lòng nghe rõ tiếng chị Lợi.
Chị Lợi nói: “Tôi bước vào, anh nhìn tôi không nói gì, thậm chí cũng không mời ngồi. Tôi đứng nói với anh, em đã đọc sổ tay rồi. Anh ấy nói, nói đi, tôi nghe đây. Tôi nói, cho em làm vợ anh. Anh nói, được thôi. Ba hôm sau chúng tôi làm lễ cưới.”
Chuyện đơn giản đến khó tin.
Nói thật, khi chị Lợi kể lại, chị không tỏ ra bất cứ biểu hiện nào, không buồn, không vui, không kinh ngạc, không kì lạ, ngay cả cảm giác hồi tưởng cũng không, giống như đã nhiều lần kể lại giấc mơ của mình, khiến tôi hoàn toàn hiểu tình cảm của chị lúc ấy và bây giờ. Vậy là, tôi mạo muội hỏi, vậy chị có yêu Kim Trân không? Câu trả lời là:
“Tôi yêu anh ấy như yêu đất nước tôi.”
Tôi lại hỏi:
“Nghe nói sau ngày cưới không lâu, anh ấy bắt đầu nghiên cứu mật mã hắc mật?”
“Đúng vậy.”
“Rồi anh ấy ít khi về nhà?”
“Đúng vậy.”
“Thậm chí anh ấy hồi hận vì đã lấy vợ?”
“Đúng vậy.”
“Chị có hối hận không?”
Tôi chú ý nhìn, chị như bừng tỉnh, mở to mắt nhìn thẳng vào tôi, rất kích động, nói:
“Hối hận? Tôi yêu nước, anh có thể nói hối hận được không? Không, không bao giờ!”
Tôi nhìn chị, bỗng nước mắt trào ra, sống mũi cay cay, muốn khóc.
Bắt đầu viết tại làng Ngụy Công, Bắc Kinh, tháng 7/1991
Viết xong tại La Gia Niễn, Thành Đô, tháng 8/2002
Dịch Giả: Sơn Lê
Chú thích
[1] Đại bách khoa toàn thư. ND
[2] Biểu thức đúng là: S = [(A1 +A2) x n ]: 2
[3] Giải thưởng toán học quốc tế mang tên J.C>Fields (1863 – 1932), nhà toán học người Canada. ND
[4] Auguste Rodin (1840 – 1917) điêu khắc gia người Pháp. ND
[5] Lúc này thế chiến thứ hai đã kết thúc, số lượng mật điện không nhiều.
[6] Nhà toán học, nhà kinh tế học người Mĩ, giải thưởng Nobel năm 1994.
[7] Trong những năm 70 của thế kỉ hai mươi, hôn nhân ở đơn vị 701 có yêu cầu vô cùng nghiêm ngặt, nữ cấm không được lấy chồng ngoài đơn vị, nam chọn nữ ngoài đơn vị phải báo cáo với tổ chức, để tổ chức cử người đi thẩm tra, nếu được đồng ý mới được lấy nhau. Nếu người ấy không muốn hoặc vấn đề khó giải quyết, đề nghị tổ chức đứng ra giải quyết. Chuyện hôn nhân của Kim Trân một độ tổ chức cảm thấy khó khăn, bởi anh lớn tuổi, mà anh thì không động tĩnh nói năng gì, bản thân không chủ động mà cũng không đề nghị tổ chức giúp đỡ. Anh ngoài ba mươi tuổi, tổ chức khéo léo bí mật xếp đặt chuyện hôn nhân cho anh, trước hết chọn lựa người, sau đấy bố trí làm nhân viên bảo mật cho anh. Người ấy quyết tâm gánh trọng trách của tổ chức và cá nhân đến làm việc với anh, mong sẽ là vợ anh, nếu không thành sẽ thay đổi, trao cơ hội cho người đến sau, người đến sau đấy có thể xoay chuyển được tình hình. Chính vì vậy mà nhân viên bảo mật của anh phải thay đổi nhiều lần. Đây là lần thứ tư.
[8] Đoạn này bị nước làm nhòe, chỉ đọc được vài chữ.
HẾT.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!