Mùa Trôi Trên Quang Gánh - Chương 5: Những buổi chiều mùa hè
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
142


Mùa Trôi Trên Quang Gánh


Chương 5: Những buổi chiều mùa hè


Đối với trẻ con, thời gian của một ngày bao giờ cũng dài hơn rất nhiều so với người lớn. Chẳng cần phải tất bật chạy đi chạy lại đến vã mồ hôi cũng không phải cáu nhặng lên “chưa làm được gì mà đã tối”. Những buổi chiều mùa hè cứ nhẩn nha trôi qua như những đám mây trắng bông trên bầu trời cao rộng thủng thẳng biến hình như nụ thành hoa, như hoa thành quả.

Những buổi chiều mùa hè thường bắt đầu bằng một gầu nước mát lịm múc từ dưới giếng trong vắt lên. Uống ực ực vài ngụm, cơn ngái ngủ đã biến mất, tôi bắt đầu sục sạo quanh vườn tìm thứ để bỏ vào bụng. “Con chuột đã ra vườn thì kiểu gì cũng chẳng chịu về tay không”, cả nhà thường nói về tôi như thế. Cũng lạ, mấy cây mít, người lớn dậy sớm hơn đã “đi tuần” kiểm tra rất kĩ, thế mà khi tôi vừa đến gốc, liếc mắt nhìn vài cái đã biết chính xác quả nào chín, thông qua mùi thơm và màu sắc trên vỏ gai, không cần phải gõ. Cũng chỉ có tôi mới biết bụi dứa nào có quả chín, bụi tre nào có cây măng đã đẵn được và cũng chỉ tôi mới trèo được ra những cành xoài cao nhất để giành lấy quả đã vàng ươm từ mỏ lũ chim tham lam. Chỉ khi có cái gì đó ăn, ấm bụng rồi tôi mới ra gốc ổi, trèo lên, ngồi cả giờ để hóng gió.

Có những buổi chiều cứ thế trôi đi, chẳng để lại điều gì đặc biệt. Nhưng có những chiều bị phá ngang bởi một cơn dông. Bắt đầu chỉ là sự biến sắc mặt của bầu trời. Rồi gió giật đùng đùng, rồi sấm chớp giật đoàng đoàng, chói lòa rạch nát các đám mây đen trĩu nước. Sau mưa thể nào cũng có cầu vồng. Cầu vồng bảy sắc đến từ đâu không rõ, một đầu khuất trong những đám mây dông còn sót lại, còn một đầu như cắm thẳng xuống cánh đồng dưới chân núi, làm cả một vùng xung quanh sáng rực lên thứ màu vàng rạng rỡ tinh khôi. Chẳng biết tôi và cả những đứa trẻ trong xóm nghe ai bảo chân cầu vồng cắm xuống đâu là chỗ ấy có vàng, chỉ có vàng mới có thể phát sáng chói lòa như thế. Tôi đã từng ước ao đến cháy bỏng là chạy ngay từ nóc nhà mái bằng xuống, bon bon sang thẳng cánh đồng xa kia với một chiếc… cuốc để đào xới dưới chân cầu vồng xem, có khi được cả hũ vàng không biết chừng. Tuy vậy, đầu óc non nớt lúc bấy giờ của tôi cũng kịp cản bước chân tôi lại. Nhìn cầu vồng gần và nhỏ thế thôi nhưng có khi chân nó trải rộng xa tít phía chân trời. Và cầu vồng cũng biến đổi nhanh lắm, biết đâu khi chạy hết hơi sang đến nơi nó lại “thu chân” rồi thì sao? Thế là, hết lần này đến lần khác, cứ hễ mưa là chúng tôi lại ngóng cầu vồng, với một niềm ước ao và ấm ức vô chừng là chưa khám phá được hũ vàng dưới chân cầu vồng đầy bí ẩn ấy.

Có những buổi chiều ngồi nhà mãi cũng chán, tôi bèn chạy lên dãy núi đất sau thị trấn. Núi thấp và uốn khúc nhấp nhô nên được gọi là núi Thằn Lằn, hoặc là đồi Thằn Lằn. Ngày ấy đứa nào được bố mẹ đèo đi học hoặc được tự đi xe đến trường thì nhàn nhã, còn đa phần học sinh của cả thị trấn rủ nhau đi đường tắt, băng qua núi để đến trường. Có những tốp rầm rập đông đến hơn hai chục người, cười nói váng một góc đồi. Cũng có những đứa chỉ đi một mình, cắm cúi vừa đi vừa học bài. Còn tôi, nhiều lần ngủ dậy muộn, phải đi một mình nên cũng đã bớt sợ ma hơn. Đường đi học nhiều hoa và cây dại, nhiều bướm bay chim hót khiến nhiều khi tôi lơ đãng, vừa đi vừa nghịch, muộn giờ học lúc nào không biết.

Trên một mỏm núi, bầy trẻ chăn trâu đang thả diều, những con diều tự chế đủ hình thù, màu sắc đang lượn phần phật cùng với gió. Có đứa khéo tay còn làm cả diều sáo thổi vi vút vui tai. Tôi thích nhất là những con diều được làm bằng giấy vở học sinh, trắng tinh và đơn giản hình vành trăng khuyết. Trên cái nền trời xanh thẳm, con diều bắt sáng lấp lánh như mảnh trăng con mọc sớm phía chân trời. Bỏ xa lũ trẻ ồn ào, tôi đi tìm những khóm sim mua. Ở vùng trung du, sim mua là đặc trưng. Cứ cuối tháng tư, trên đường đi học thấy hoa mua tím biếc nở là biết mùa hè đã về. Hoa mua nở sớm, vẻ đẹp của nó nhiều phen làm tôi la cà tham hái mà lạc chân đi quá xa, chạy đến trường có khi muộn cả buổi thi học kì. Độ nửa tháng, một tháng sau hoa sim mới nở. Sim nở là lúc chính thức kết thúc năm học, học sinh tất thảy được nghỉ hè.

Vì nở muộn hơn nên hoa sim ít bị bẻ chơi, chính vì thế mà nhiều buổi chợ trung du vào cỡ tháng tám người ta mang bán hàng thúng quả sim. Chẳng có cân lạng gì, toàn đong bằng bát, đựng vào lá khoai nước, lá bàng. Thịt sim mềm và ngọt lịm, nhưng hạt sim thì nhỏ và cứng, ai can đảm lắm mới dám nuốt, còn đa phần đều nhằn cả ra cùng rốn sim chan chát. Ấy thế mà ăn say sưa, ăn đến tím sẫm cả môi. Bọn trẻ chúng tôi thì vụng về lại háu táu, màu tím bôi ra ngoang nghuếch khắp mặt. Các chị lớn thì thể nào sau khi ăn sim cũng đứng hàng giờ trước gương, soi đi soi lại nụ cười chúm chím tím hồng. Soi rồi lại chặc lưỡi, giá sim chín sớm hơn, vào lúc còn đang đi học thì còn có người ngắm…

Nhưng đó là chuyện mấy tháng sau, còn bây giờ vào buổi chiều muộn, hoa mua đã cụp lại thành búp. Ấy là lúc kết thúc một đời hoa ngắn ngủi chỉ nở trong có một ngày. Hoa sim thì kéo dài được đến hai, ba ngày. Màu hoa cũng phai dần từ khi nở đến lúc tàn. Ban đầu là tím nhạt, rồi thì hồng phai, và cuối cùng là nguyệt bạch. Sim tàn không cuốn các cánh hoa lại, trở về trạng thái gần như lúc chưa nở như mua mà sẽ lả tả từng cánh rụng xuống đất. Từng gốc sim trắng sáng những cánh hoa rơi như gom lại chút ánh sáng cuối ngày. Và thể nào dù thương thì thương, tôi cũng phải guồng chân mà chạy về nhà cho kịp bữa tối nếu như không muốn bị ăn cơm với… mắng.

Những buổi chiều mùa hè xa xưa và cả chiều hè nay cũng chỉ có ngần ấy tiếng đồng hồ thôi, sao thấy cứ khác nhau vời vợi.

_

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN