Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam
Sự tích chim quốc
Ngày ấy có đôi bạn chí thân là Quắc và Nhân. Họ đều là con nhà học trò nghèo, lại đều mồ côi cha mẹ, Quắc được học nhiều hơn bạn: anh chàng làm thầy đồ dạy trẻ. Tuy bổng lộc chẳng có là bao nhưng Quắc vẫn thường giúp đỡ Nhân. Đối lại, có lần Quắc bị ốm nặng, giá không có bạn thuốc thang ngày đêm thì anh khó lòng sống nổi. Sau đó cũng vì sinh kế, đôi bạn phải chia tay mỗi người mỗi ngả.
Trong khi Quắc sống cuộc đời dạy trẻ thì Nhân cũng đi lang thang đến các vùng xa lạ làm thuê làm mướn. Trải qua một thời kỳ lang bạt, cuối cùng anh chàng vào làm công cho một phú thương. Thấy chàng thật thà chăm chỉ, phú thương rất tin cậy. Chẳng bao lâu Nhân được phú thương gả con gái cho.
Vợ Nhân có nhiều của riêng. Vì thế Nhân nghiễm nhiên trở nên một phú ông có cơ nghiệp kha khá ở trong vùng.
Nhân giàu nhưng không quên tình bầu bạn. Nhân vẫn nhớ tới lời thề “sống chết sướng khổ có nhau” với Quắc. Nhân cất công đi tìm và sung sướng thấy Quắc vẫn còn sống. Tuy Quắc đang dở năm dạy, nhưng Nhân cũng thương lượng được với cha mẹ học trò cho con em chuyển sang một cụ đồ khác rồi đưa Quắc về nhà mình. Nhân dặn người nhà phải coi Quắc không khác gì mình, cơm nước hầu hạ không được bê trễ.
Nhưng tính vợ Nhân không được như chồng. Xưa nay đối với những kẻ rách rưới, chị ta thường tỏ vẻ coi thường. Và, chị ta không cùng sống những ngày hàn vi với Nhân nên có thấy đâu tình nghĩa giữa Nhân và Quắc như thế nào. Nhưng thấy chồng trọng đãi khách nên lúc đầu chị không dám nói gì. Nhân luôn luôn bảo vợ: – “Đây là người thân nhất trong đời tôi. Nếu không có bạn thì tôi chưa chắc đã sống để gặp nàng”. Vợ Nhân chỉ lẩm bẩm: – “Khéo! Bạn với bè! Chỉ có ngồi ăn hại”.
Dần dần vợ Nhân bực mình ra mặt. Chị ta khó chịu vì cái ông khách lạ tự dưng ở đâu đến chả giúp ích gì cho nhà mình, chỉ chễm chệ trên giường cao, cơm rượu mỗi ngày hai bữa. Vợ Nhân trước còn nói mát sau thì ngoa ngoắt ra mặt. Có hôm người đàn bà ấy đay nghiến cả chồng lẫn khách:
– Chẳng phải bố già, không phải khách nợ, ở đâu lại rước về thờ phụng: ăn no lại nằm. Thôi liệu mà tống quái đi!
Thấy thái độ vợ ngày càng quá quắt, chồng chỉ sợ mất lòng bạn. Một mặt Nhân thân hành chăm chút bạn chu đáo hơn cả lúc trước, mặt khác Nhân tỷ tê khuyên dỗ vợ. Nhưng vợ Nhân chứng nào vẫn giữ tật ấy. Về phần Quắc thì chàng hiểu tất cả. Đã hai lần Quắc cáo bạn xin về nhưng Nhân cố giữ lại. Thấy bạn chí tình, Quắc lại nấn ná ít lâu.
Nhưng hôm đó Quắc quả quyết ra đi vì chàng vừa nghe được những câu nói xúc phạm nặng nề. Quắc nghĩ, nếu mình không đi sớm thì có ngày bị nhục với người đàn bà này. Mà nếu ra đi như mấy lần trước thì sẽ bị bạn chèo kéo lôi thôi.
Một hôm, trời còn mờ sương, Quắc cất lẻn ra khỏi nhà. Để cho bạn khỏi mất công tìm kiếm, khi đi qua một khu rừng, chàng cởi khăn áo treo lên một cành cây bên đường. Đoạn Quắc lần mò đến xứ khác trở lại cuộc đời dạy trẻ.
Thấy mất hút bạn, Nhân bổ đi tìm. Khi nghe tin có người bắt được khăn áo ở mé rừng phía Nam, chàng lật đật đến xem. Nhận rõ ấy là khăn áo của bạn, Nhân rất thương cảm: – “Ta nuôi bạn thành ra hại bạn! Chắc bạn ra bị cướp giết chết”. Nhưng sau đó Nhân lại nghĩ khác: – “Bạn ta ra đi trong túi không có một đồng một chữ thì dầu có gặp cướp cũng không việc gì. Đây một là hùm beo ăn thịt, hai là bị lạc trong rừng sâu”.
Nhân bắt đầu vào rừng tìm Quắc. Không thấy có vết máu, chàng lại càng hy vọng. Băng hết chông gai, chui hết bụi rậm, Nhân luôn luôn cất tiếng gọi: “Anh Quắc ơi! Quắc! Quắc!”. Nhân đi mãi, gọi mãi, quanh quẩn trong khu rừng mênh mông. Cho đến hơi thở cuối cùng con người chí tình ấy vẫn không quên gọi: – “Quắc!Quắc!”. Rồi đó Nhân chết hóa thành chim quốc, cũng gọi là đỗ quên.
Vợ Nhân đợi mãi không thấy chồng về, lấy làm hối hận. Một hôm chị ta bỏ nhà bỏ cửa đi tìm chồng. Cuối cùng cũng đến khu rừng phía Nam. Nghe tiếng “Quắc! Quắc!”, chị ta mừng quá kêu to: – “Có phải anh đấy không anh Nhân!”. Không có tiếng trả lời ngoài những tiếng “Quắc! Quắc!”. Vợ Nhân cứ thế theo tiếng gọi tiến dần vào rừng sâu. Sau cùng không tìm được lối ra, chết bên cạnh một gốc cây[1].
KHẢO DỊ
Truyện Sự tích chim quốc của Trung-quốc khác hẳn truyện của ta. Theo sách Hoàn vũ ký thì ngày xưa có Thục vương tên là Đỗ Vũ làm vua mang hiệu là Vọng Đế. Vọng Đế lập Miết Linh làm tướng. Về sau Vọng Đế nhường ngôi cho Miết Linh rồi bỏ đi mất, hóa làm chim tử quy, cũng gọi là chim đỗ vũ hay đỗ quyên[2].
Còn theo Cầm kinh thì Miết Linh là bề tôi được Đỗ Vũ (tức Vọng Đế) tin dùng cất làm tướng; về sau bị Miết Linh cướp ngôi, Đỗ Vũ tức và tiếc quá, ngày đêm kêu “Quốc! Quốc![3]” ra rả. Sau có một ông tiên hiện ra trách: – “Quá tin người để mất nước, kêu mà làm gì?”. Đỗ Vũ thẹn quá chui lủi trong bụi cây. Sau hóa thành chim, hễ thấy người là chạy, thỉnh thoảng vẫn kêu “Quốc! Quốc!”. Đồng bào Mường ở Hòa-bình cũng có truyện Sự tích chim quốc tương tự với truyện của Trung-quốc. Dòng dõi họ Bạch ở Kim-bôi thuộc châu Lương-sơn (Hòa-bình) kiêng ăn thịt chim quốc vì họ cho chim quốc là dòng dõi của Thục đế. Mà Thục đế ở đây lại là Thục An Dương Vương, mất nước, chết hóa thành chim, luôn miệng kêu “Quốc! Quốc!”.
Ở Nghệ-an có người kể Sự tích chim quốc như sau:
Có đôi vợ chồng hiếm hoi, chỉ được một con trai, hỏi vợ cho đám nào anh cũng chê cả. Sau anh đi buôn nước ngoài, sang đất Thục, các cô gái thấy anh thì phải lòng, trong đó có một cô gái nhà quan. Cô gái về thưa với cha. Quan cho đòi anh ta đến gả cho làm vợ. Hai người yêu nhau rất mực.
Lấy nhau được một năm thì có thư nhà sang báo anh về. Về đến nhà, anh bị bố mẹ giữ lại không cho đi buôn xa nữa. Anh ta nhớ vợ ngày một héo mòn. Sau hóa ra chim quốc, miệng lúc nào cũng kêu: “Thục quốc! Thục quốc!”[4].
Đồng bào Nam-bộ lại kể truyện này với chủ đề tình bạn, nhưng hình tượng trong truyện khác với truyện của người Bắc-bộ ở trên:
Ngày xưa có một ông vua Chàm tên là La Hoa. La Hoa chuẩn bị đem quân ra đánh nước Việt. Một người tên là Quốc vừa là bạn vừa là cố vấn, hết sức can ngăn, nhưng không được. Tuy biết chắc thất bại nhưng Quốc cũng xin đi theo để chịu chung số phận. Cuộc chiến đấu diễn ra kịch liệt ở Đèo Ngang. La Hoa bị trúng một mũi tên chết. Quốc thúc quân báo thù, cuối cùng cũng chết.
Hồn của Quốc đi tìm La Hoa nhưng không biết rằng xác La Hoa đã bị kẻ địch đưa đi mất tích. Tìm không được, hóa làm chim, luôn mồm kêu “Quốc Quốc, La Hoa” (ý nói đây là Quốc, La Hoa ở đâu?)[5].
Đồng bào miền Bắc còn một truyện khác nữa với chủ đề mẹ ghẻ con chồng:
Có hai anh em: anh là con vợ cả đã chết, em là con vợ kế. Mẹ ghẻ ghét con chồng tìm cách làm cho chết. Một hôm bảo cả hai: “Mỗi đứa cầm một túi vừng lên Nam-sơn mà vãi, hạt của đứa nào nẩy mầm mới được về ăn cơm, nếu không thì đừng về”. Dọc đường nghỉ ở gốc cây, em thử nhấc túi vừng của anh thấy nhẹ (kỳ thực là do mẹ ghẻ đã đồ chín nên mới nhẹ như thế) bèn đề nghị đổi. Khi vãi xong thì vừng của anh mọc trước rất đẹp. Em bảo anh về trước nhưng anh cứ ngồi chờ em. Em không thấy vừng của mình mọc cũng không chịu về. Cuối cùng cả hai đều chết. Mẹ ghẻ lên núi thấy thế hối hạn. Một hôm nghe có tiếng chim kêu: “Khổ quá! Khổ quá! Mẹ đồ chín vừng làm hại con!”. Đó là con đẻ của mình đã hóa làm chim đỗ quyên[6].
[1] . Theo Trung Bắc chủ nhật (1943).
[2] . Theo Bội văn vận phủ.
[3] . “Quốc” là nước.
[4] . Bản khai những truyện dân gian: cây cỏ, chim muông, yêu ma.
[5] . Theo Lê Văn Phát. Cổ tích và truyền thuyết ở xứ An-nam.
[6] . Theo Trung Bắc chủ nhật (1943).
Ngày ấy có đôi bạn chí thân là Quắc và Nhân. Họ đều là con nhà học trò nghèo, lại đều mồ côi cha mẹ, Quắc được học nhiều hơn bạn: anh chàng làm thầy đồ dạy trẻ. Tuy bổng lộc chẳng có là bao nhưng Quắc vẫn thường giúp đỡ Nhân. Đối lại, có lần Quắc bị ốm nặng, giá không có bạn thuốc thang ngày đêm thì anh khó lòng sống nổi. Sau đó cũng vì sinh kế, đôi bạn phải chia tay mỗi người mỗi ngả.
Trong khi Quắc sống cuộc đời dạy trẻ thì Nhân cũng đi lang thang đến các vùng xa lạ làm thuê làm mướn. Trải qua một thời kỳ lang bạt, cuối cùng anh chàng vào làm công cho một phú thương. Thấy chàng thật thà chăm chỉ, phú thương rất tin cậy. Chẳng bao lâu Nhân được phú thương gả con gái cho.
Vợ Nhân có nhiều của riêng. Vì thế Nhân nghiễm nhiên trở nên một phú ông có cơ nghiệp kha khá ở trong vùng.
Nhân giàu nhưng không quên tình bầu bạn. Nhân vẫn nhớ tới lời thề “sống chết sướng khổ có nhau” với Quắc. Nhân cất công đi tìm và sung sướng thấy Quắc vẫn còn sống. Tuy Quắc đang dở năm dạy, nhưng Nhân cũng thương lượng được với cha mẹ học trò cho con em chuyển sang một cụ đồ khác rồi đưa Quắc về nhà mình. Nhân dặn người nhà phải coi Quắc không khác gì mình, cơm nước hầu hạ không được bê trễ.
Nhưng tính vợ Nhân không được như chồng. Xưa nay đối với những kẻ rách rưới, chị ta thường tỏ vẻ coi thường. Và, chị ta không cùng sống những ngày hàn vi với Nhân nên có thấy đâu tình nghĩa giữa Nhân và Quắc như thế nào. Nhưng thấy chồng trọng đãi khách nên lúc đầu chị không dám nói gì. Nhân luôn luôn bảo vợ: – “Đây là người thân nhất trong đời tôi. Nếu không có bạn thì tôi chưa chắc đã sống để gặp nàng”. Vợ Nhân chỉ lẩm bẩm: – “Khéo! Bạn với bè! Chỉ có ngồi ăn hại”.
Dần dần vợ Nhân bực mình ra mặt. Chị ta khó chịu vì cái ông khách lạ tự dưng ở đâu đến chả giúp ích gì cho nhà mình, chỉ chễm chệ trên giường cao, cơm rượu mỗi ngày hai bữa. Vợ Nhân trước còn nói mát sau thì ngoa ngoắt ra mặt. Có hôm người đàn bà ấy đay nghiến cả chồng lẫn khách:
– Chẳng phải bố già, không phải khách nợ, ở đâu lại rước về thờ phụng: ăn no lại nằm. Thôi liệu mà tống quái đi!
Thấy thái độ vợ ngày càng quá quắt, chồng chỉ sợ mất lòng bạn. Một mặt Nhân thân hành chăm chút bạn chu đáo hơn cả lúc trước, mặt khác Nhân tỷ tê khuyên dỗ vợ. Nhưng vợ Nhân chứng nào vẫn giữ tật ấy. Về phần Quắc thì chàng hiểu tất cả. Đã hai lần Quắc cáo bạn xin về nhưng Nhân cố giữ lại. Thấy bạn chí tình, Quắc lại nấn ná ít lâu.
Nhưng hôm đó Quắc quả quyết ra đi vì chàng vừa nghe được những câu nói xúc phạm nặng nề. Quắc nghĩ, nếu mình không đi sớm thì có ngày bị nhục với người đàn bà này. Mà nếu ra đi như mấy lần trước thì sẽ bị bạn chèo kéo lôi thôi.
Một hôm, trời còn mờ sương, Quắc cất lẻn ra khỏi nhà. Để cho bạn khỏi mất công tìm kiếm, khi đi qua một khu rừng, chàng cởi khăn áo treo lên một cành cây bên đường. Đoạn Quắc lần mò đến xứ khác trở lại cuộc đời dạy trẻ.
Thấy mất hút bạn, Nhân bổ đi tìm. Khi nghe tin có người bắt được khăn áo ở mé rừng phía Nam, chàng lật đật đến xem. Nhận rõ ấy là khăn áo của bạn, Nhân rất thương cảm: – “Ta nuôi bạn thành ra hại bạn! Chắc bạn ra bị cướp giết chết”. Nhưng sau đó Nhân lại nghĩ khác: – “Bạn ta ra đi trong túi không có một đồng một chữ thì dầu có gặp cướp cũng không việc gì. Đây một là hùm beo ăn thịt, hai là bị lạc trong rừng sâu”.
Nhân bắt đầu vào rừng tìm Quắc. Không thấy có vết máu, chàng lại càng hy vọng. Băng hết chông gai, chui hết bụi rậm, Nhân luôn luôn cất tiếng gọi: “Anh Quắc ơi! Quắc! Quắc!”. Nhân đi mãi, gọi mãi, quanh quẩn trong khu rừng mênh mông. Cho đến hơi thở cuối cùng con người chí tình ấy vẫn không quên gọi: – “Quắc!Quắc!”. Rồi đó Nhân chết hóa thành chim quốc, cũng gọi là đỗ quên.
Vợ Nhân đợi mãi không thấy chồng về, lấy làm hối hận. Một hôm chị ta bỏ nhà bỏ cửa đi tìm chồng. Cuối cùng cũng đến khu rừng phía Nam. Nghe tiếng “Quắc! Quắc!”, chị ta mừng quá kêu to: – “Có phải anh đấy không anh Nhân!”. Không có tiếng trả lời ngoài những tiếng “Quắc! Quắc!”. Vợ Nhân cứ thế theo tiếng gọi tiến dần vào rừng sâu. Sau cùng không tìm được lối ra, chết bên cạnh một gốc cây[1].
KHẢO DỊ
Truyện Sự tích chim quốc của Trung-quốc khác hẳn truyện của ta. Theo sách Hoàn vũ ký thì ngày xưa có Thục vương tên là Đỗ Vũ làm vua mang hiệu là Vọng Đế. Vọng Đế lập Miết Linh làm tướng. Về sau Vọng Đế nhường ngôi cho Miết Linh rồi bỏ đi mất, hóa làm chim tử quy, cũng gọi là chim đỗ vũ hay đỗ quyên[2].
Còn theo Cầm kinh thì Miết Linh là bề tôi được Đỗ Vũ (tức Vọng Đế) tin dùng cất làm tướng; về sau bị Miết Linh cướp ngôi, Đỗ Vũ tức và tiếc quá, ngày đêm kêu “Quốc! Quốc![3]” ra rả. Sau có một ông tiên hiện ra trách: – “Quá tin người để mất nước, kêu mà làm gì?”. Đỗ Vũ thẹn quá chui lủi trong bụi cây. Sau hóa thành chim, hễ thấy người là chạy, thỉnh thoảng vẫn kêu “Quốc! Quốc!”. Đồng bào Mường ở Hòa-bình cũng có truyện Sự tích chim quốc tương tự với truyện của Trung-quốc. Dòng dõi họ Bạch ở Kim-bôi thuộc châu Lương-sơn (Hòa-bình) kiêng ăn thịt chim quốc vì họ cho chim quốc là dòng dõi của Thục đế. Mà Thục đế ở đây lại là Thục An Dương Vương, mất nước, chết hóa thành chim, luôn miệng kêu “Quốc! Quốc!”.
Ở Nghệ-an có người kể Sự tích chim quốc như sau:
Có đôi vợ chồng hiếm hoi, chỉ được một con trai, hỏi vợ cho đám nào anh cũng chê cả. Sau anh đi buôn nước ngoài, sang đất Thục, các cô gái thấy anh thì phải lòng, trong đó có một cô gái nhà quan. Cô gái về thưa với cha. Quan cho đòi anh ta đến gả cho làm vợ. Hai người yêu nhau rất mực.
Lấy nhau được một năm thì có thư nhà sang báo anh về. Về đến nhà, anh bị bố mẹ giữ lại không cho đi buôn xa nữa. Anh ta nhớ vợ ngày một héo mòn. Sau hóa ra chim quốc, miệng lúc nào cũng kêu: “Thục quốc! Thục quốc!”[4].
Đồng bào Nam-bộ lại kể truyện này với chủ đề tình bạn, nhưng hình tượng trong truyện khác với truyện của người Bắc-bộ ở trên:
Ngày xưa có một ông vua Chàm tên là La Hoa. La Hoa chuẩn bị đem quân ra đánh nước Việt. Một người tên là Quốc vừa là bạn vừa là cố vấn, hết sức can ngăn, nhưng không được. Tuy biết chắc thất bại nhưng Quốc cũng xin đi theo để chịu chung số phận. Cuộc chiến đấu diễn ra kịch liệt ở Đèo Ngang. La Hoa bị trúng một mũi tên chết. Quốc thúc quân báo thù, cuối cùng cũng chết.
Hồn của Quốc đi tìm La Hoa nhưng không biết rằng xác La Hoa đã bị kẻ địch đưa đi mất tích. Tìm không được, hóa làm chim, luôn mồm kêu “Quốc Quốc, La Hoa” (ý nói đây là Quốc, La Hoa ở đâu?)[5].
Đồng bào miền Bắc còn một truyện khác nữa với chủ đề mẹ ghẻ con chồng:
Có hai anh em: anh là con vợ cả đã chết, em là con vợ kế. Mẹ ghẻ ghét con chồng tìm cách làm cho chết. Một hôm bảo cả hai: “Mỗi đứa cầm một túi vừng lên Nam-sơn mà vãi, hạt của đứa nào nẩy mầm mới được về ăn cơm, nếu không thì đừng về”. Dọc đường nghỉ ở gốc cây, em thử nhấc túi vừng của anh thấy nhẹ (kỳ thực là do mẹ ghẻ đã đồ chín nên mới nhẹ như thế) bèn đề nghị đổi. Khi vãi xong thì vừng của anh mọc trước rất đẹp. Em bảo anh về trước nhưng anh cứ ngồi chờ em. Em không thấy vừng của mình mọc cũng không chịu về. Cuối cùng cả hai đều chết. Mẹ ghẻ lên núi thấy thế hối hạn. Một hôm nghe có tiếng chim kêu: “Khổ quá! Khổ quá! Mẹ đồ chín vừng làm hại con!”. Đó là con đẻ của mình đã hóa làm chim đỗ quyên[6].
[1] . Theo Trung Bắc chủ nhật (1943).
[2] . Theo Bội văn vận phủ.
[3] . “Quốc” là nước.
[4] . Bản khai những truyện dân gian: cây cỏ, chim muông, yêu ma.
[5] . Theo Lê Văn Phát. Cổ tích và truyền thuyết ở xứ An-nam.
[6] . Theo Trung Bắc chủ nhật (1943).
– Chẳng phải bố già, không phải khách nợ, ở đâu lại rước về thờ phụng: ăn no lại nằm. Thôi liệu mà tống quái đi!
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!