Phía Đông Mặt Trời - Chương 29
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
150


Phía Đông Mặt Trời


Chương 29


Khi Frank gọi cho Viva thông báo anh đã trở lại Bombay, và đang nóng lòng muốn được gặp cô, trong khoảnh khắc, Viva không thể thốt nổi thành lời.

“Frank trên tàu Kaiser ấy”, anh giải thích. “Cô còn nhớ tôi chứ?”.

“Tất nhiên là tôi vẫn nhớ”, cô nói. Viva mỉm cười, một cơn xúc động vụt thoáng qua khiến cô nóng ran mặt mày.

“Tôi muốn đến thăm cô và kể cho cô nghe về Guy Glover”.

“Tối nay tôi bận rồi”, cô dứt khoát. “Ngày mai thì sao?”.

Anh bảo ngày mai cũng không sao.

Cô đọc địa chỉ cho anh, rất nhanh sau đấy anh gác máy. Khi những ngón tay của cô rời khỏi ống nghe điện thoại, cô cảm nhận rõ ràng những giọt mồ hôi ẩm ướt túa ra trên những đầu ngón tay đã in dấu trên ống nghe điện thoại, những dấu vân ướt át hệt như những con sao biển tí hon lằn mình trên cát.

Sau cuộc trò chuyện với Frank qua điện thoại, cô đứng dậy nhìn quanh căn phòng của mình, cố gắng đặt mình vào vị trí của anh. Một tháng trước, khi đặt chân vào căn phòng chật chội này, cô đã ngán ngẩm đến tột cùng, những tưởng trước đây đã rơi xuống tận cùng của thế giới, ấy vậy mà khi đứng giữa căn phòng kinh khủng này, cô lại có cảm giác mình đang tiếp tục rơi sâu hơn nữa.

Căn phòng miễn phí, đúng như Daisy đã hứa, nằm trên tầng áp mái của cửa hiệu ông Jamshed đóng trên phố Jasmine, một con phố trung tâm, nhưng đêm đêm trên bốn bức tường tróc vôi nham nhở, lũ thằn lằn vẫn phóng mình đuổi nhau ràn rạt trên đầu cô, trơ trọi một bóng đèn mất chụp, thảm trải nhà mỏng tang xơ xác, chiếc bếp ga rỉ sét nằm nép mình dưới tấm rèm cửa cũ kỹ đong đưa vật vờ ngay trên đầu. Căn phòng gợi cho cô nhớ đến những phòng ngủ tồi tàn nhất ở London, ẩm thấp và nóng nực. Đêm đầu tiên trong căn phòng miễn phí này, cô đã ngồi hàng giờ trên ban công chật chội, nhẩn nha hút thuốc và nhìn ngắm những hình thù mờ ảo ẩn hiện trên con đường tăm tối không xa ngay dưới chỗ cô ngồi, tự hỏi không biết điều tồi tệ nào đã dẫn mình đến với nơi đây. Hôm sau, cô dành trọn một ngày để cọ rửa căn phòng sạch như lau. Cô đốt một chút trầm hương để xua đi mùi thức ăn kinh khủng lâu ngày đang ám ảnh quanh căn phòng, rồi cô mang tấm chăn của bố mẹ ra trải lên giường, những mảnh vải đủ sắc màu đỏ, xanh, hồng… chắp vá trên tấm chăn khiến nó chợt bừng sáng lấp lánh như một tấm kính màu khổng lồ khi mặt trời lên cao, rót vào căn phòng chật chội của cô mấy vạt nắng rồi nhẹ nhàng đậu xuống sàn nhà.

Đêm thứ hai, Daisy đến thăm cô mang theo một chiếc đệm được thêu hoa văn sặc sỡ, một tờ giấy in một bài thơ Ba Tư cổ cùng một nhánh dạ lan hương trên tay.

Khi gia sản tan thành mây khói

Ta nhận ra mất mát đã nhiều

Chỉ còn lại cửa hàng trống rỗng

Với hai ổ bánh mỳ im lặng giữa cô đơn.

Bán một ổ, với chút tiền ít ỏi

Mua nhánh dạ lan hương, ta nuôi dưỡng tâm hồn.

Viva đã đóng khung bài thơ và treo lên đầu giường ngủ của cô.

Tuần tiếp theo, cô cùng Daisy đến khu phố chợ Chor Bazaar tìm mua một bộ dao kéo nĩa thìa, một chiếc ấm đun nước và một chiếc ghế hãy còn mới, về sau được cô bọc lại bằng một tấm khăn choàng Kashmiri đã cũ. Ở đấy cô còn tìm được một tấm gương tráng men xanh ngọc cũ kỹ, Viva mua nó và treo trên bồn rửa mặt. Cuối cùng, căn phòng nom đã sáng sủa hơn một chút, giống như cô.

Đêm đầu tiên ở nhà mới, ông Jamshed, một tín đồ Bái hỏa giáo có học thức, to lớn, vui vẻ và lúc nào cũng ồn ào huyên náo đã sốt sắng vẫy cô trên ngưỡng cửa khu nhà như thể cô là một đứa con gái chậm chạp. Khi cô đến bên cạnh, ông nhiệt tình mời cô ngồi trên chiếc ghế đặt cạnh cửa sổ, từ đây cô có thể thấy rõ mồn một những cánh bồ câu đang chao lượn trên trời chiều thẫm màu hoa đào, lấy nước mời cô uống và giới thiệu với Viva các cô con gái của ông, Dolly và Kaniz, những cô gái xinh xắn với mái tóc buộc túm trên đầu, son môi tươi rói chơi cút bắt nhau như chong chóng quanh ông bố. “Chúng thường xuyên quấy rầy tôi”, ông kể với Viva, khuôn mặt ông bừng sáng, ánh mắt rạng ngời lấp lánh niềm hạnh phúc.

Bà Jamshed, một phụ nữ đẫy đà, lúc nào cũng thẹn thùng e lệ, cố năn nỉ mời bằng được cô ở lại và dùng bữa tối với gia đình ông bà. Viva cùng gia đình ông Jamshed quây quần bên bàn ăn trước hiên nhà, bữa tối có cá nhồi lá, cơm trắng, rau và cuối cùng tráng miệng bằng sữa trứng ngọt. Bà Jamshed nhiệt tình nhồi đồ ăn vào đĩa của Viva cho đến khi cô có cảm giác bụng mình sắp nổ tung. Cuối bữa ăn, ông Jamshed giới thiệu với cô từ russa, một thuật ngữ trong tiếng Ấn chỉ phương pháp nấu nướng và bày biện đồ ăn thức uống bằng tất cả tình yêu của người đầu bếp; và rằng trong bữa ăn ở một gia đình Ấn Độ, trừ khi cô để lại một chút đồ ăn thừa trong đĩa, còn nếu không thì cô vẫn tiếp tục được chủ nhân phục vụ cho đến khi cô cảm thấy bụng mình sắp nổ tung vì quá no mới thôi.

Công việc của Viva ở mái ấm tình thương Tamarind đã bắt đầu hai ngày sau đấy. Cô chấp nhận công việc này chỉ với mục đích duy nhất: lấy ngắn nuôi dài, kiếm đủ tiền để có thể viết lách, có thể cô sẽ viết được vài câu chuyện hay ho khi làm việc ở đây, rồi Viva sẽ đến Simla để nhận lại món đồ do bố mẹ cô để lại, món đồ giờ đây được cô chua chát gọi bằng cái tên “chiếc rương bị nguyền rủa”.

Sáng nay cô bước xuống xe buýt, tâm trạng đầy ắp lo âu. Nhìn từ xa, mái ấm Tamarind nhỏ bé và liêu xiêu trong nắng, ngôi nhà trước đây thuộc về một thương gia buôn hoa giàu có. Khi đến gần, Tamarind vẫn phảng phất đâu đó những nét yêu kiều một thời đã phai tàn theo năm tháng, là những ô cửa sổ tinh xảo, những chấn song được trau chuốt tỉ mỉ, những nét chạm trổ tinh vi… tất cả đã nhờ nhờ một màu hoen rỉ, trầm mặc và cô lẻ.

Joan, một bà đỡ vui tính người Xcốt-len, vừa dẫn cô đi một vòng qua những hành lang tăm tối để giới thiệu về mấy phòng ngủ tập thể sơ sài. Vừa đi Joan vừa hào hứng kể cho cô nghe về chuyến công tác vào sâu trong nội địa mới đây của bà để điều tra tình hình về các bà đỡ tại những ngôi làng ở khu vực nông thôn cùng tỉ lệ tử vong của bọn họ.

Nhà tình thương được mở cửa để đón nhận những trẻ em Hindu và trẻ Hồi giáo, mục đích cuối cùng vẫn là đưa các em về nhà hoặc tìm cho chúng một gia đình thích hợp.

“Đừng bao giờ có ý nghĩ chúng ta đang ban ơn khi làm những việc ấy”, Joan nói. “Nếu lũ trẻ đang chết đói, chúng sẽ biết ơn nếu chúng ta cho thức ăn. Nhưng cũng có nhiều đứa ghét cay ghét đắng kiểu đối xử nặng tính nhân ái bao dung nơi đây, bởi chúng cảm thấy mất tự do, đặc biệt là những đứa lớn tuổi. Có những đứa thậm chí còn muốn ở lại trong các khu ổ chuột dột nát nhất hơn là chuyển đến sống tại đây”.

Những vách tường tróc lở nham nhở, những căn phòng trống tênh không một chút đồ đạc đáng giá nói lên sự thiếu thốn nơi đây. Số tiền ủng hộ dôi dư của các nhà hảo tâm được dành cho việc điều trị chữa chạy y tế cho những đứa trẻ đau ốm. Khi Joan dẫn Viva ngang qua khoảng sân trong, một toán bé gái bất ngờ túa ra xuất hiện bên cạnh hai người, ồn ào và thân thiện, chúng chạy đến nắm tay Joan, mỉm cười với Viva. “Chúng muốn hát tặng cô một bài”, Joan giải thích. Khi những đứa trẻ bắt đầu cất nhịp, Viva nhủ thầm, mình sẽ không bao giờ nhìn thấy những nụ cười rạng rỡ, những ánh mắt trong sáng này trên khuôn mặt của người châu Âu. Cuộc sống nghèo nàn vất vả, nhưng bọn trẻ nơi đây mới yêu đời biết bao.

Bữa trưa được dọn ra trên những chiếc bàn kê trên niễng đặt ngoài mảnh sân con con trước hiên nhà, Viva dùng bữa cùng bọn trẻ, cô được giới thiệu với Clara, một nữ y tá người Ai-len to lớn, làn da nhợt nhạt lấm tấm tàn nhang, khuôn mặt mờ tối, có vẻ là một người khó tính. Clara múc những muôi dhal to tổ chảng đổ đánh bẹt vào từng chiếc đĩa, trong khi bọn trẻ bắt đầu cắm mặt vào ăn, cô ta đứng ở bên kia dãy bàn, càu nhàu với Viva rằng, cô từng làm việc trong một trại trẻ mồ côi khác ở Bombay, và rằng “chắc chắn chỗ này là Ritz nếu đem so với nơi đấy”.

Joan giải thích với cô, rằng nhiều trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi ở Ấn Độ thực chất chỉ là những trại buôn người khủng khiếp không hơn không kém, ở đấy bọn trẻ bị đánh đập, bóc lột, thậm chí nhiều bé gái còn bị bán cho những lão già có tiền thích chơi trống bỏi. “Chúng ta phải mất rất nhiều thời gian để tạo dựng niềm tin từ phía người dân bản xứ. Chúng ta phải rất, rất thận trọng, phải vậy không Clara?”. Mặt Clara vẫn khó như đăm. Cô ta ném về phía Viva một cái nhìn đầy giễu cợt như thể muốn nói “cô không thích hợp với chỗ này đâu”. Những ngày sau đấy, khi Viva được phân làm việc cùng ca với Clara, cô luôn cảm nhận được thái độ e dè kín kẽ đến khó chịu của người đồng nghiệp, có lẽ trong mắt Clara, Viva chỉ là một kẻ học việc không bao giờ thích nghi được với hoàn cảnh nơi đây.

Cô đang làm gì ở đây? Không phải y tá, lại càng không phải là người làm từ thiện, thậm chí cô còn không chắc mình có yêu trẻ hay không nữa. Điều duy nhất cô nghĩ trong những ngày đầu tiên đến làm ở đây chỉ là phải làm sao cho mọi việc thật xuôi chèo mát mái.

Ban đầu người ta chỉ phân công cho cô làm những việc hết sức đơn giản, khá dễ dàng. Joan sắp xếp cho cô ngồi cạnh một người phụ nữ gốc Maharashtra, sau một chiếc bàn đặt giữa sân, chờ đón bọn trẻ đến với trung tâm Tamarind. Viva có nhiệm vụ ghi lại họ tên những đứa trẻ đã được người phụ nữ gốc Maharashtra phỏng vấn vào một cuốn sổ bọc da cỡ lớn, chú thích ngày tháng đến với nhà tình thương của từng đứa, địa chỉ của chúng. Nếu có thể, ai đã từng chữa trị cho chúng, loại thuốc nào chúng đã sử dụng và liệu bác sĩ có muốn chúng quay lại để kiểm tra lần thứ hai hay không. Hầu như tất cả bọn trẻ đều chưa từng được điều trị trước đấy.

Không bao giờ có đủ bác sĩ để khám chữa cho chúng, Joan, Clara và thỉnh thoảng cả Daisy cũng có mặt để xắn tay áo vào công việc nhằm giảm bớt những vất vả cho bác sĩ và những thiếu thốn thuốc thang điều kiện y tế, họ chỉ gửi những trường hợp nặng nhất, cấp thiết nhất đến bệnh viện để điều trị.

Mới sáng nay thôi, một nhóm trẻ em với những ánh mắt năn nỉ cầu xin đã trở thành những cá nhân riêng biệt. Cô gặp Rahim, một nam thiến niên Hồi giáo cộc lốc, luôn sẵn sàng nổi giận với bất kỳ ai, gầy trơ xương với khuôn mặt rỗ hoa chằng chịt, có ông bố bị hắt xăng vào người và cuối cùng chết cháy trong một cuộc tranh giành mà Clara cho là dính dáng đến các băng đảng xã hội đen. Rahim muốn gửi đứa em gái lên sáu của nó ở đây để rảnh rang ra ngoài kiếm chút tiền. Cô còn gặp Sumati, mười hai tuổi. Sau khi mẹ con bé qua đời bởi bệnh lao, nó trở thành trụ cột của gia đình gồm bốn chị em, lay lắt qua ngày bằng nghề moi rác, nhưng cuối cùng con bé cũng kiệt sức.

Giữa trưa, ngôi nhà gần như nổ tung bởi mấy thằng bé ồn ào từ ngoài đường ùa vào, chân trần bẩn thỉu, gần như trần truồng chỉ với mảnh khố quấn quanh bẹn, chí chóe tranh giành nhau món xúp được cung cấp miễn phí ở trung tâm từ tay những người phụ nữ địa phương làm việc trong trường. Chúng ngủ tạm bợ trong những thùng giấy bìa cứng vẫn được người dân thẳng tay vứt đi cạnh đường ray xe lửa, Daisy giải thích. Chúng lang thang cả ngày hàng dặm đường để xin chút cơm thừa canh cặn, vài muỗng dhal và dăm ba mẩu trái cây, tắm gội rửa ráy qua loa từ vòi nước lắp trong sân trung tâm Tamarind, dùng những ngón tay làm bàn chải răng. Daisy bảo chúng luôn có suy nghĩ mình là những đứa trẻ may mắn nhất còn tồn tại trên đời này bởi được phép làm những việc ấy ở Tamarind.

“Chúng khiến chị phải bận tâm, đúng không?”, Viva hỏi. Tất nhiên là vậy rồi.

“Cô biết đấy, một ngày nào đấy”, Daisy lên tiếng trước khi cô đứng dậy, “có thể cô sẽ có nhiều chuyện để viết hơn là những cái tên của chúng trong mấy cuốn sách của mình. Cô có thể viết về những câu chuyện đời thường của bọn trẻ”.

Buổi sáng thứ hai của tuần tiếp theo, mọi việc lại thay đổi. Joan với khuôn mặt đỏ gay, phục phịch vừa chạy qua mảnh sân con vừa hổn hển thông báo “địa ngục lại tiếp tục mở toang cánh cửa” tại một khu ổ chuột hình thành sau nhà máy sản xuất bông gần đấy.

Một đường ống dẫn nước bị vỡ, hai mươi người đã chết đuối. Nửa tiếng sau, một đám đông quần áo người ngợm bám đầy bùn đất hôi hám ùa tới, chạy bộ có, đi bằng xe kéo tay có, thậm chí cả bằng xe bò kéo và trên những chiếc taxi ọp oẹp. Tất cả đều kêu gào khóc lóc cầu mong sự giúp đỡ.

Người lớn được chuyển đến bệnh viện địa phương, ở đấy họ sẽ có một chỗ nương tựa tạm thời; đám trẻ con một thân một mình không có người lớn đi kèm đã kéo nhau về đây. Những bồn tắm bằng thiếc bắt đầu được mang ra giữa sân, thêm mấy chiếc bếp dầu được châm lửa để hâm nóng đồ ăn thức uống.

“Tốt hơn hết cô nên dừng công việc của mình lại và đến đây giúp chúng tôi một tay”. Clara nhanh chóng gấp cuốn sổ của Viva lại, trước khi dúi vào tay cô một chiếc tạp dề còn kịp trao cho Viva một cái nhìn nửa châm chọc, nửa hằn học. “Cô đang ở tận cùng của thế giới rồi đấy”.

Một bé gái có tên là Talika được moi ra từ đám đông trẻ con đang dúm dó trước cổng trường Tamarind. Con bé chừng bảy tuổi, gầy trơ xương trông đến thảm hại, đôi mắt nâu to tròn ngơ ngác và mái tóc rối bù, cả cơ thể của con bé lọt thỏm trong chiếc váy hoa quá khổ. Trên cổ Talika đeo một vòng giấy với dòng chữ “Hari kiti” – Làm ơn giúp cháu.

Khi Talika kiệt sức khụy ngã dưới chân Viva, con búp bê bằng vải bé nhỏ của con bé rơi xuống vũng bùn bên cạnh. Viva có cảm giác đầu tóc rối bù của nó vừa đập nhẹ lên mũi giày của cô, Viva rúng động, những cảm xúc khác nhau chợt ùa về: Nhói đau bởi hình ảnh thê lương cảm động đang diễn ra trước mắt, giận dữ bởi hoàn cảnh khó khăn mà cô đang vấp phải; cả nỗi khiếp sợ dành cho đứa bé, đang rũ rượi thò lò mũi xanh rỉ lên tất cô như dòng nhớt nhãi của lũ ốc sên do bị cảm lạnh. Viva sợ hãi với nỗi ám ảnh giờ đây cô trở thành người duy nhất được hy vọng có thể làm điều gì đấy cho con bé.

Một dãy lều vải dã chiến nhanh chóng được dựng lên ngay giữa khoảng sân chật chội. Daisy và Clara tất bật chạy vòng quanh nhét những chiếc bồn tắm bằng thiếc cùng một mẩu xà phòng tắm, một chiếc khăn bông vào từng túp lều.

Viva dìu Talika vào sau một túp lều. Không anh chị em, nên trước đây cô chưa bao giờ phải chăm sóc ai như thế. Cả hai đều lúng túng.

“Cởi đồ ra”. Cô chỉ vào chiếc váy bám đầy bùn đất của đứa bé, cặp mắt tròn xoe của Talika vẫn dán vào cô, im lặng. Rồi nó chậm rãi đặt con búp bê bằng vải của mình xuống, từ từ trút bỏ chiếc váy đang khoác trên người. Con bé khẽ rùng mình khi bước chân vào bồn nước lạnh, nhưng rồi nó cũng ngoan ngoãn dùng xà phòng chà xát, gột rửa toàn bộ cơ thể. Những ngón tay của Viva miệt mài kỳ cọ trên cơ thể con bé, vừa làm cô vừa cúi gằm mặt nhìn chằm chằm xuống đất. Từ túp lều bên cạnh vọng sang tiếng hát và tiếng cười đùa vui vẻ của Daisy khi cô giúp bọn trẻ tắm. Viva có cảm giác đông cứng cả cơ thể.

Cô dội nước lên mái đầu nhỏ bé của Talika, nhăn mặt khi nhìn thấy những dòng bùn bẩn xám xịt trôi từ đầu tóc con bé xuống mặt đất. Cô dùng bánh xà phòng đặc biệt được Daisy đưa sang dùng để diệt chấy rận mạnh tay cọ xát trên đầu tóc con bé. Talika vẫn không khóc, ngay cả khi xà phòng bắn vào mắt nó. Con bé đứng yên, tê cứng vì choáng váng. Sau khi được lau khô, Joan xuất hiện mang cho Talika một chiếc váy khác vừa vặn hơn với con bé cùng một con búp bê bằng vải hãy còn khá mới – con búp bê cũ của Talika đã được mang đi giặt giũ và xông nước cho thơm. Sau đấy con bé được sắp xếp vào phòng ngủ tập thể dưới tầng một cùng mười bé gái khác, nó sẽ ở đây cho đến khi có người thân đến đón hoặc khi Talika muốn được tự do ra ngoài đường phố để sinh sống. Con bé được phát một tấm nệm, một cuốn vở và một chiếc bút chì.

Cuối ngày hôm ấy, khi Viva đang đứng bên cạnh cổng trung tâm, đầu óc choáng váng, mệt mỏi bởi những gì vừa trải qua, cô lại nhìn thấy Talika. Con bé được phát một cái chổi gấp đôi chiều cao cơ thể của nó, đang chậm rãi lia những nhát chổi gom lớp lá me vương vãi trên sân trường. Có vẻ con bé rất chăm chú và tuân thủ nghiêm ngặt công việc được giao. Cô cũng đã có một công việc để làm, và cô sẽ làm thật tốt. Nếu con bé nắm giữ được vận mệnh cuộc đời nó, thì mình cũng làm được, Viva tự nhủ, và cô cảm thấy phấn chấn với ý nghĩ vừa chớm hình thành trong đầu.

Tối nay Frank đã hẹn sẽ đến thăm cô, sáng nay trên đường đến chỗ làm, cô đã tự hỏi không biết bao nhiêu lần tại sao Frank lại tỏ vẻ nghiêm trọng đến thế, giọng anh có gì đấy hơi khác thường khi trò chuyện với cô qua điện thoại. Có thể đấy là một tin vui, cô nghĩ, phấn chấn bước chân khỏi vỉa hè trầy vỡ gạch lát để trèo lên xe buýt, rằng Guy không phải là lý do duy nhất được anh đưa ra để gặp cô, có thể anh đã kịp gây nhớ nhung quyến luyến cho vài cô gái ở Lahore. Giữa cô và anh chưa xảy ra chuyện gì để được gọi là lưu luyến và gắn bó, Viva tự nhủ, khẽ đưa tay vẫy chào người đàn ông trong tiệm rượu vang vẫn vui vẻ chào cô mỗi sáng mai khi Viva ngang qua đây. Guy đã gắn kết cô và Frank lại với nhau, trong những đêm chong đèn thức bên nhau canh cho Guy ngủ trong căn buồng của nó trên con tàu Kaiser, cả hai có cảm giác như bị bỏ rơi, cô độc bên nhau giữa đảo hoang không một bóng người. Chính những thời khắc ấy đã thôi thúc trí tò mò, cũng có thể chỉ là những suy nghĩ viển vông khi muốn được hiểu cặn kẽ về anh, được anh quan tâm một cách đặc biệt, tin cậy và nồng ấm.

Sau tám tiếng tắm rửa cho bọn trẻ, dọn giường cho chúng và làm vài công việc lặt vặt trong văn phòng, Viva trở về nhà trong ánh nắng chiều nhuốm màu bụi hồng. Frank! Hình ảnh anh cứ lởn vởn trong đầu cô suốt cả ngày hôm nay, nhưng giờ đây, trên đôi chân bước những bước vội vã, với nửa vạt váy sau dính bết vào lưng, Viva bỗng hoảng sợ khi nghĩ đến việc có thể Frank sẽ đến quá sớm, cô cần thời gian để tắm rửa, để chợp mắt một chút, để trấn tĩnh lại, thôi không nghĩ đến những điều có thể khiến cô bị tổn thương.

Cô mệt mỏi trèo lên những bậc cầu thang, thầm hy vọng Jamshed không bất ngờ từ đâu đó vọt ra như thỉnh thoảng ông vẫn làm, rồi khăng khăng năn nỉ mời bằng được cô vào nhà uống chút gì đấy, cùng gia đình ông “chuyện trò huyên thuyên”.

Như mọi ngày, sau khi tắm rửa và ăn nhẹ một chút gì đấy, cô sẽ châm đèn bắt đầu ngồi viết, nhưng tối hôm nay thì khác, cô nằm dài trên giường, mắt khép hờ. Sau một hồi mông lung, cô chợt nhận ra mình cần phải chọn một bộ quần áo thích hợp để chào đón Frank. Chiếc váy màu đỏ – quá nổi, không hợp với buổi tối hôm nay. Vậy thì áo và váy màu cánh đào thì sao – quá tẻ nhạt. Khi đã gần như lựa chọn được một bộ, thì chính cô lại quyết định gạt phắt nó đi. Không cần quan tâm đến chuyện Frank sẽ thích mình mặc gì là ý nghĩ cuối cùng thoảng qua trong đầu trước khi Viva chìm vào giấc ngủ.

Viva bật dậy khi nghe thấy tiếng gõ cửa từ ngoài vọng vào, cô nhìn thẳng về phía cửa phòng. Qua tấm kính mờ cũ, Viva thấy thấp thoáng một bóng người đang nhấp nhô bên ngoài. Cô mặc vội chiếc áo khoác vào người, lóng ngóng bật đèn.

“Chờ một chút”. Cô dò dẫm tìm cây nến. “Mất điện”. Ở đây bao giờ chẳng thế.

“Viva”. Giọng anh nghèn nghẹn sau cánh cửa.

“Frank, chờ một chút”.

Khi cô mở cửa, anh đứng đấy, trong ánh sáng vàng vọt của ngọn đèn được ông Jamshed để một đầu cầu thang. Trông anh gầy hơn so với một Frank mà cô từng nhớ, có vẻ cao lớn hơn trước, nhưng mái tóc màu kẹo bơ ấy, nụ cười ấy, không thể khác được.

“Tôi đến muộn”, anh nói. “Có một ca khẩn cấp ở bệnh viện và không có ai giúp tôi xử lý nó cả”.

Frank nhìn cô như thể không dám tin cô đang đứng trước mặt anh.

“Tôi vào được chứ?”, anh hỏi.

“Chờ một chút”. Cô giữ chặt chiếc khoác đang mặc trên người. “Tôi thấy buồn ngủ. Tôi…”.

Cô ghét cay ghét đắng suy nghĩ rằng anh sẽ bóc trần cô chỉ sau vài cái nhìn. “Ôi, chờ một chút”.

Nói xong cô đóng chặt cánh cửa, cuống cuồng tìm kiếm trong bóng tối, va chân vào thành giường khi chui đầu vào chiếc váy lụa đỏ. Cô cài một chiếc trâm bằng bạc lên tóc rồi thắp thêm hai cây nến nữa.

“Xong”, cô thở phào, mở cửa trở lại, “giờ thì anh có thể vào, hơi lộn xộn một chút, tôi nghĩ thế”.

Anh vẫn đứng im trước ngưỡng cửa như thể đang chần chừ không biết có nên bước chân vào. Cô có thể cảm nhận được ánh mắt anh đang lướt lên mọi đồ vật trong căn phòng: chiếc giường, cái máy đánh chữ, bức tranh Talika đã vẽ tặng cô treo trên tường nhà, phía trên bàn làm việc của cô.

“Cô không khóa cửa sao?”, anh hỏi.

“Thỉnh thoảng thôi, không phải lúc nào cũng khóa. Chủ nhà đã làm một cái then cài ở cửa dưới”. Ánh mắt đầy hoài nghi của anh khi Frank quan sát căn phòng khiến Viva cảm thấy khó chịu. Căn phòng của cô không có gì khiến anh phải tò mò cả.

“Cô có thường xuyên bị cắt điện không?”.

“Mọi lúc”, cô trả lời. “Nhưng ông Jamshed bảo với tôi thời tiết đang dần nóng lên, lũ chuột cống thường gặm nhấm cáp điện sẽ bắt đầu chết mòn do thời tiết. Nghe có vẻ cường điệu nhỉ?”.

Cô hơi huyên thuyên. Toàn những điều bậy bạ không đâu.

“Có thể”. Cái cách anh mấp máy môi khi thốt ra hai tiếng “có thể” rồi giả vờ im lặng suy nghĩ khiến cô có ý nghĩ anh cũng đang có cảm giác thẹn thùng, và không hiểu vì lý do nào đấy, ý nghĩ ấy khiến cô bức bối. Không khí thoải mái giữa hai người đột nhiên biến mất, và Viva không chắc liệu cô có muốn nó trở lại hay không.

Ánh sáng bập bùng của mấy ngọn nến càng khiến không khí giữa hai người trở nên gượng gạo, mong manh, và rồi khi cả hai quyết định sẽ ra ngoài, Viva cảm thấy nhẹ nhõm. “Tôi không thể nghĩ được điều gì khi ở trong bóng tối nhập nhòa như thế này”, Frank nói. “Để tôi mời cô ra ngoài ăn tối nhé”.

Hôm ấy là một buổi tối ấm áp ở phố Jasmine, ánh sáng vàng vọt từ những ô cửa sổ vuông vắn trên những mái nhà xiêu vẹo hắt xuống đường, vây quanh hai người, đường phố ngập tràn bước chân người thơ thẩn trở về nhà sau khi những cửa hàng đã cửa đóng then cài. Ở một góc đường, dăm ba cô gái làm tiền – cô nào cũng lòe loẹt son phấn và lấp lánh trang sức quấn quanh người – lượn lờ tìm khách.

“Nếu anh không ngại phải cuốc bộ chừng mười phút”, cô nói, “có một quán cà phê tên là Moustafa’s cách đây vài phố. Ở đấy có món pani puri nổi tiếng nhất Bombay”.

“Nghe có vẻ hấp dẫn đấy chứ”, anh nói. Nụ cười của anh dành cho cô khiến Viva bỗng chốc rụt rè e thẹn đến lạ, bao nhiêu tự tin như những ngày còn đi chung trên chuyến tàu giờ lũ lượt kéo nhau biến mất.

Tại góc đường kế tiếp, một toán đàn ông đang ngồi trong một tiệm cà phê ven đường rôm rả chuyện trò trà thuốc, mùi thuốc lá ẩm mốc dậy khắp không gian, tràn ra tận ngoài phố. Khi một người trong đám bọn họ quay đầu ra ngoài nhìn chằm chằm vào cô, Viva cảm nhận được cái nắm tay chặt cứng của anh bao bọc bên ngoài bàn tay cô.

“Cô vẫn đến đấy một mình à?”, anh hỏi.

“Vâng”, Viva trả lời, “tôi chẳng sợ gì cả”.

“Có thể cô nên biết sợ”.

“Tại sao lại phải sợ những điều mà anh không kiểm soát được?”, cô nói. Khi mà điều tồi tệ nhất cũng đã xảy ra, cô tự nhủ. “Nhưng dù sao thì tôi cũng không tin có chuyện tất cả mọi người ở đây đều là những người tốt”, cô cao giọng. “Bọn họ khiến chúng ta phải cảm thấy hổ thẹn”.

“Cô chỉ có một thân một mình”, anh nói, “đừng có mang tất cả ra mà ban phát cho bọn họ”.

Mấy lời cuối của anh khiến cô cảm thấy bực mình. Anh chẳng có quyền gì để nói với mình bằng cái giọng ấy cả, cô nghĩ, rồi dợm chân bước nhanh lên trên, vượt qua anh hai bước chân hướng đến quán ăn. Cô đã mệt mỏi với đám đàn ông lúc nào cũng giả vờ tỏ ra quan tâm lo lắng – chính William đã gieo vào trong cô mầm mống ấy – khi mà những gì bọn họ thực sự hành động chỉ là quăng quật cái cơ thể to lớn của mình ra xung quanh, hay chỉ ham muốn những điều khác nữa.

“Xem này”, anh hổn hển nói khi đã bắt kịp cô, “tôi đã rất lo lắng, cô sẽ hiểu khi nghe tôi giải thích. Guy Glover có liên lạc với cô không?”.

“Không”. Cô dừng chân dưới một cột đèn đường mù mờ, đám thiêu thân vo ve quanh quầng sáng nhạt nhòa trên đầu cô. “Nhưng Rose viết thư cho tôi bảo cô ấy và Tor đã chạm trán nó tại Câu lạc bộ du thuyền Bombay. Tôi nghĩ thằng nhóc đã nói gì đấy về việc sẽ trả khoản tiền mà nó đã nợ tôi”.

Frank quay lại nhìn cô.

“Đừng nhận”, anh nói nhanh.

Cô nhìn vào mắt anh. “Tại sao lại không? Tôi đã làm việc vì khoản tiền đó. Và nó nợ tôi. Có thể thằng nhãi ấy sẽ có đủ khả năng để trả nợ – Rose bảo hiện tại nó đang làm công việc của một thợ chụp ảnh cho một số xưởng phim”.

“Đừng nhận khoản tiền ấy”, anh nhắc lại với cô. “Hứa với tôi là cô sẽ không nhận nó. Nếu cô cần tiền, tôi sẽ cho cô vay hoặc cô có thể hỏi xin bố mẹ mình”.

“Tôi không có bố mẹ”, cô nói. “Họ đã chết từ nhiều năm trước”.

“Tôi xin lỗi”.

“Không phải lỗi của anh”, một câu trả lời trơn tru quen thuộc bao năm qua của cô.

“Tất nhiên tôi biết đấy không phải là lỗi của tôi”, anh nói, khuôn mặt Frank bỗng chốc buồn bã. Anh định nói với cô điều gì đấy, nhưng Viva đã ra hiệu cho anh dừng lại. “Đến nơi rồi”, cô hớn hở. “Xin giới thiệu, đây là Moustafa’s”.

Cô thích Moustafa’s bởi những bộ bàn ghế cũ kỹ nơi đây, cả những bức tranh phố phường uốn lượn xưa cũ của thành Acropolis. Chủ quán cà phê, một người đàn ông Hy Lạp râu ria bờm xờm, nhiệt tình và hài hước. Tối nay ông chủ mặc một chiếc áo dài chui đầu kiểu Casơmia, khi nhìn thấy Viva và Frank bước vào, người đàn ông lập tức tươi cười bước tới, mang cho hai người một chai rượu vang, cẩn thận rót vào hai chiếc ly, rồi lại xăng xái chạy vào trong mang ô-liu, quả hạnh và mấy miếng bánh ngọt ra phục vụ.

“Nếu cô chia sẻ với tôi về gia đình, tôi nghĩ cô sẽ cảm thấy nhẹ lòng hơn”, Frank nói với cô khi chỉ còn lại cả hai bên bàn cà phê.

“Cảm ơn”, cô trả lời. Cô cảm thấy đôi chút hối tiếc vì đã khiến anh trở nên thận trọng hơn trước. “Nhưng thực sự không có gì nhiều để kể”. Cô nhớ lại cảm giác choáng váng đến lạnh người khi cô kể cho William nghe tất cả, và rồi chuyện gì đã xảy ra ngay sau đấy. Váy áo của cô vương vãi trên sàn nhà anh ta, còn quần áo của William được treo thẳng thướm trên móc, một sự thật chứa đựng quá nhiều sai lầm.

“Kể cho tôi nghe về Guy đi”, cô đề nghị. “Tôi nghĩ đấy là lý do vì sao chúng ta có mặt tại đây”.

Frank im lặng trong chốc lát. “Thôi được”, cuối cùng anh cũng lên tiếng, “tôi sẽ kể với cô những gì tôi biết”.

Anh tiếp thêm rượu vào ly của cô, kiên nhẫn chờ đợi trong lúc cô uống cạn ly rượu.

“Tháng trước, bố mẹ của Guy đã tống cổ nó ra khỏi nhà, tôi nghĩ bọn họ đã quá ngán ngẩm với nó. Mẹ của thằng bé viết thư cho tôi, một bức thư thống thiết, kèm theo cả những lời xin lỗi nữa. Bà ta bảo vợ chồng mình mù tịt về tình trạng của cậu con trai. Sau khi Guy đi, bà đã dọn dẹp phòng nó và phát hiện ra một số thứ lặt vặt: bản đồ, những cuốn nhật ký. Bà ta bảo những cuốn nhật ký đề cập khá nhiều về cô – theo kiểu giống như một thiên thần báo thù trong bóng tối”.

“Ôi Chúa ơi!”, Viva cảm thấy kiệt sức. “Điều ấy có nghĩa là gì? Nó bị điên?”.

“Tôi không chắc. Tôi đã tham khảo một số tài liệu chuyên ngành tâm thần kể từ khi gặp Guy, bởi cô biết đấy, nó đã gây ấn tượng cho tôi. Cả những âm thanh nó nghe thấy… Có một khái niệm chuyên môn mới được gọi là bệnh tâm thần phân liệt, một gã tên là Freud đã sáng tác ra nó. Nó có nghĩa tâm trí bị chia tách ra thành nhiều vùng. Trước đây, tất cả những liệu pháp điều trị cho những người mắc chứng tâm thần phân liệt đều có chung quan điểm khi xem bọn họ là những kẻ sa đọa, yếu đuối, nhưng gần đây người ta đã đánh giá lại, bắt đầu cho đấy là một dạng bệnh lý thuộc về tinh thần. Tất cả những điều đấy có thể chỉ là những phán đoán vớ vẩn, cũng có thể thằng nhóc đơn giản chỉ là một đứa hoạt đầu, một kẻ luôn thay đổi chính kiến và hành vi ứng xử sao cho thích hợp với tình hình, với thời cuộc. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, thực tình tôi không muốn làm cô sợ hãi, nhưng tôi nghĩ nó có thể là một thằng nhóc nguy hiểm. Cô còn nhớ đến hình ảnh về người đàn ông bị nó đánh trên tàu chứ?”.

Cô nhìn anh bằng ánh mắt nghi ngờ, tự hỏi không biết liệu anh có đang cố gắng nghiêm trọng hóa vấn đề để gây ấn tượng với cô hay không.

William từng thể hiện rất tốt chiêu bài này: lôi tuột cô vào một góc tối ven đường, nơi không hề có mặt một chiếc xe hay một con ngựa, hoặc thuyết giảng cho cô nghe hàng giờ liền về đám đàn ông quanh cô cùng những thứ đê tiện liên quan đến bọn họ – bất giác cô cảm thấy buồn cười khi hồi tưởng lại những gì đã qua.

“Tôi hút thuốc có làm phiền cô không?”, Frank hỏi, anh nhìn thẳng vào mắt cô.

“Không sao đâu”, cô điềm tĩnh trả lời.

“Cũng có thể không có gì nghiêm trọng cả”, anh nói. “Đơn giản tôi chỉ muốn nói với cô sự thật”.

“Anh có nghĩ bố mẹ của thằng bé đã biết nó bị điên?”, cô hỏi.

“Cũng có thể. Điều đấy giải thích vì sao bọn họ lại cần một người bảo mẫu đi theo trông nom cho một thiếu niên ở độ tuổi như nó”.

“Thôi được”, sau một hồi im lặng cô tiếp tục lên tiếng, “nhưng tôi vẫn chưa biết mình nên xử sự như thế nào trong chuyện này”.

“Đầu tiên cô phải nhớ luôn khóa cửa, cẩn thận hỏi thăm bất cứ ai đến gõ cửa phòng trước khi quyết định mở. Một trong những tấm bản đồ mà bà mẹ tìm thấy chính là sơ đồ của một ngôi nhà ở phố Jasmine. Bà ta có linh cảm Guy sẽ thuê cho nó một phòng gần đây. Có thể thấy nó đang cố gắng tiếp cận gần hơn với cô”.

“Ôi lạy Chúa”. Viva lắc đầu. “Lộn xộn quá. Chắc chắn tôi sẽ không tiếp khách trong phòng mình”, cô nói, nhìn thẳng vào mắt anh.

Ánh mắt anh nhìn cô lạ lẫm.

“Tốt”, anh nói.

“Tất cả chỉ có thế?”, cô hỏi.

“Không, không hẳn. Còn một chuyện nữa. Cảnh sát cũng đã đến tìm tôi. Tôi không biết sao họ lại tìm mình, nhưng họ bảo nếu tôi biết bất kỳ thông tin gì về cái tổ chức liên hiệp Hồi giáo toàn Ấn, một đảng phái chính trị đang vận động thành lập một đất nước Hồi giáo độc lập ngay trong lòng Ấn Độ, thì phải thông báo cho họ biết”.

“Sao Guy lại can dính vào mấy thứ đấy? Nó chưa bao giờ thốt ra một lời liên quan đến chính trị”.

“Không? Ừm, có thể nó không nhưng rất nhiều thanh niên người Anh ở đây đang làm việc cho tổ chức ấy, một số thanh thiếu niên tự coi mình là những kẻ cực đoan, số khác lại có tư tưởng xem đấy như một đường lối để thành lập một khối độc lập ngay chính trong lòng Ấn Độ. Một số đồng nghiệp mới của nó ở hãng phim không đơn giản như mọi người vẫn nghĩ: họ là những nhà cách mạng, những cái đầu cực nhạy với chính trị, có lẽ mục đích của bọn họ là tìm cách thâm nhập vào thế giới nơi có khá nhiều người châu Âu và người Ấn Độ đang chung sống tự do bên nhau. Một số trong bọn họ là những kẻ chống đối kịch liệt những tư tưởng chính trị phi bạo lực của Gandhi. Cô có hiểu gì về chuyện này không?”.

“Không nhiều lắm”.

“Ừm, nghĩa là đến một thời điểm thích hợp nào đấy, toàn bộ người Anh sẽ bị tống cổ khỏi Ấn Độ, những kẻ thuộc cái tổ chức liên hiệp nói trên sẽ hoan hỉ khi thấy chúng ta cuốn gói khỏi đất nước này với những cái mũi nhòe nhoẹt máu”.

“Tôi vẫn không biết mình sẽ phải làm gì với những điều anh vừa kể”, Viva nói.

Frank phả một ngụm khói thuốc ra ngoài. Vẻ lo lắng hiện rõ trên mặt anh.

“Tôi cũng thế, cũng có thể tôi đã sai khi nhận xét về tình hình chung, nhưng rõ ràng Guy đã trở thành nỗi ám ảnh và cô đã ở trong danh sách của nó, tôi sợ nếu nó đã quyết định tìm đến cô, thì nó sẽ không bao giờ bỏ cuộc, và rồi cảnh sát có thể nghĩ cô có can dính với nó”.

Trong lúc trò chuyện, Viva chợt nhìn thấy Moustafa đang ngồi trong một góc quán gần như khuất khỏi tầm nhìn của cô, phe phẩy tờ thực đơn, câu chuyện giữa Viva và Frank đột nhiên bị ông ta xen ngang khi Moustafa bước đến bên cạnh khăng khăng năn nỉ bằng được hai người thử dùng món ăn tuyệt vời nhất trong buổi tối hôm nay của tiệm ông, bánh mì dẹt làm từ bột mì trắng ăn cùng thịt sốt viên cay xé lưỡi.

“Cô thấy đấy, ông ta đã đúng”, Frank mỉm cười. “Hãy gạt thằng nhóc quỷ tha ma bắt ấy sang một bên và thưởng thức đồ ăn ở đây”.

Cả hai cùng vui vẻ thưởng thức đồ ăn, sau đấy bước ra phố với tách cà phê trên tay. Không gian về đêm khá ấm áp và dễ chịu. “Ai đấy đang hát”, anh thì thầm, rồi một giọng hát mỏng tang lọt vào tai cô, tiếng hát từ ngôi nhà bên đường lọt ra, có cả những âm thanh dồn dập của tiếng trống Ấn Độ phụ họa. Là một giọng nữ, hát bằng giọng mũi trầm buồn, nhịp nhàng lên xuống theo từng quãng âm.

“Tôi bắt đầu thấy yêu mảnh đất này”, cô nói với anh. “Nó đã thực sự khiến tôi phải chú ý thêm một lần nữa”.

“Tôi cũng thế”, anh nói. “Mà không thể biết vì sao”.

Điều cô từng cảm nhận thực sự không còn là vấn đề nữa – những ngại ngần thẹn thùng ban đầu giữa hai người đã biến mất. Theo những dòng rượu tuôn chảy trong buổi tối hôm nay, khi anh kể cho cô nghe về Chekhov và những chuyện liên quan đến ông ta mà anh vừa phát hiện ra, khuôn mặt Frank trở nên rạng rỡ. Nhìn thái độ hài lòng đầy ắp niềm vui của anh, Viva tự nhủ không biết liệu cô có đánh giá sai về Frank. Anh là một người đàn ông thông minh, tràn trề tình yêu cuộc sống. Viva thích cái cách Frank giãi bày những luồng mạch tâm tư trong đầu với cô, cả cái cách anh chín chắn phân tích đánh giá những ý nghĩ hệt như một triết gia trước khi Frank nói lên chính kiến. Hàng cúc lỏng chỉ trên chiếc áo khoác vải lanh của anh khiến cô cảm thấy thích thú khi nghĩ đến hình ảnh tự tay mình sẽ khâu chúng lại thật chặt cho anh, những cảm xúc dịu dàng mà cô đã cố chôn chặt trong lòng bấy lâu nay. Thái độ dửng dưng không mảy may suy chuyển của Frank trước những đợt tấn công lả lơi ong bướm của các cô gái trên tàu Kaiser đã khiến cô có suy nghĩ khác, có thể nói, gần như là một cơn xúc động thực sự.

Cô muốn cứ mãi giữ chặt những cảm xúc đang tràn ngập trong mình.

Rất nhanh, Viva cũng quay trở về với thực tại, cô hỏi Frank về những công việc anh đang làm ở bệnh viện.

“Nó giống như những điều xuất hiện trong tầm nhìn của Blake về thiên đường và địa ngục ấy”, anh ví von. “Có những việc giống như từ thời nguyên thủy để lại, nhưng rất thú vị. Mới chỉ hai tháng ở bệnh viện, tôi phải cáng đáng trách nhiệm nhiều hơn công việc mười hai năm ở nước Anh”.

Rồi anh đã làm cái việc mà William chưa bao giờ làm được: chấm dứt huyên thuyên về mình và chuyển sang hỏi han về cuộc sống của cô.

“Cô đã đến Simla chưa?”, anh hỏi.

Viva kinh ngạc, cô nhớ từng có lần kể cho anh nghe chuyện về chiếc rương nhưng lại không đề cập đến bố mẹ mình. Đôi khi thật khó khăn để lảng tránh sự thật, ngay cả chỉ trong suy nghĩ.

“Chưa”, cô trả lời, “vẫn chưa”.

“À”, anh cao giọng. “Đấy là nơi bố mẹ cô từng sống”. Như một lời thăm hỏi, hơn là một câu chất vấn; qua ánh mắt rạng ngời của Frank, cô có thể nắm bắt được những suy nghĩ đang hình thành trong đầu anh và cố gắng để hòa nhịp.

“Vâng”, cô trả lời, “từ nhiều năm về trước”.

“À”. Khi anh cứ mãi nhìn cô, Viva bắt đầu cảm thấy lúng túng, thêm một chút sợ hãi, cô nhanh chóng hướng sự sự chú ý của anh bằng cách kể cho Frank nghe về những đứa trẻ cô gặp ở trung tâm nuôi dạy trẻ tình thương Tamarind, về niềm lạc quan yêu đời, về lòng dũng cảm đến kinh ngạc của chúng, cả bản năng sinh tồn mãnh liệt tồn tại trong từng đứa trẻ nơi đây.

“Cô sẽ viết về chúng chứ?”, anh hỏi. Frank vẫn còn nhớ đến công việc yêu thích của cô, niềm hạnh phúc bất chợt trào dâng trong lòng Viva. Cô không biết phải nói thế nào với anh. “Đấy là điều cô từng nói. Đi để viết”.

“Giá tôi có thể làm được điều đấy”, cô nói, “sẽ tốt biết bao”.

“Cô sẽ làm được”, anh quả quyết. “Tôi có thể cảm nhận được điều ấy. Cô sẽ làm được”.

Tất cả chỉ có thế. Ngay cả khi anh không hề có ý định hôn cô trên đường quay về nhà, Viva vẫn không lấy làm thất vọng.

Frank nói đúng, cô tự nhủ, mình sẽ làm được.

Một tiếng sau, cô nằm dài trên chiếc giường quen thuộc, buồn bã dán mắt lên tấm rèm cửa sổ đang che khuất những vì sao nhạt nhòa ngoài trời đêm, Viva hiểu hơn bao giờ hết, rằng cô chỉ cần một công việc, không phải một người đàn ông.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN