Âm Công - Chương 10: Bởi số phận: sa bích dạ đầm - lúc tuyệt vọng: vào bích dạ cung
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
146


Âm Công


Chương 10: Bởi số phận: sa bích dạ đầm - lúc tuyệt vọng: vào bích dạ cung


Lúc đó bầu trời dần hửng sáng giúp cho Bạch Bất Phục nhìn được phần nào cảnh vật.

Và ngoài việc bốn bề trống không mông quạnh, nơi Bạch Bất Phục đang hiện diện lại luôn có những luồng lãnh khí thổi qua.

Cứ mỗi lần luồng lãnh khí xuất hiện thì y như rằng Bạch Bất Phục phải cam chịu những cơn lạnh đến cắt da. Không những lạnh giá, Bạch Bất Phục còn phải chịu đựng những cái lạnh từ bên trong lạnh ra.

Y run bần bật. Hai hàm răng của y cứ gõ vào nhau tạo thành chuỗi âm thanh vừa buồn cười vừa ghê rợn.

Cũng may là xung quanh đang được ánh dương quang rọi chiếu nên y không đến nỗi sợ vừa cảnh quang quá tịch mịch.

Vừa chịu đựng cái lạnh khốn cùng, y vừa thầm cầu mong cho vầng dương quang mau lên cao. Vì y hy vọng rằng với sức nóng của vầng dương, y sẽ thôi lạnh.

Có chờ đợi một điều gì đó mới biết là thời gian sao trôi đi quá chậm.

Vầng dương dường như không hề nhích động, nên cái nóng y đang chờ vẫn không thấy đến.

Trái lại, cái lạnh cứ đến không ngừng nghỉ khiến y không thể chịu đựng được nữa.

Y thầm kêu lên:

“Không được rồi! Nếu chờ đến lúc vầng dương lên có lẽ ta phải chết vì cóng! Ta phải tự cứu ta trước khi chờ trời cứu!” Nghĩ thế, y vụt đứng lên và co chân chạy quanh.

Tiếng chân của y gõ vào nền đá nghe thật khô khan và đơn lẻ. Điều này khiến y cảm nhận được một điều lạnh nữa cho tâm hồn đó là sự cô đơn.

Cũng may là lúc trước y đã quen đơn thân độc lực giữa đêm trường để làm cái việc mà y vẫn luôn gọi là nghiệp dĩ, chôn người đổi của. Nhờ đó, sự cô đơn ngay lúc này vẫn chưa làm cho y phải nhụt chí.

Chạy loanh quanh được một lúc, y bắt đầu dồn sức chạy bừa về mọi hướng.

Không được bao lâu, y bắt đầu nhận thức được địa phương y đang hiện diện.

Với tứ bề là làn nước tối đen, y hiểu rằng y đang hiện diện trên một tiểu đảo. Một tiểu đảo trơ trọi không có một bóng người lẫn bóng cây ngọn cỏ.

Điều này làm cho y ngao ngán thất vọng. Nếu nhờ có Bạch Hạc, y thoát khỏi đôi nam nữ bí ẩn kia thì giờ đây y phải chịu cảnh giam hãm một mình giữa một nơi cùng trời cuối đất.

Y ngao ngán đến độ không màng đến việc chạy lung tung nữa. Y chỉ biết đứng yên để nhìn vào làn nước tối đen cứ xa tít mù khơi không sao nhìn được phân tận cùng.

Sự rộng lớn của làn nước khiến y phải nghĩ đến một đại dương bao la vô tận.

Thế nhưng, y nghe nói ở biển thì nước phải mặn. Mà chỗ nước y đã tợp phải nào có mặn gì cho cam ? Vậy thì, làn nước đen này không thể nào là biển cả.

Y không cảm nhận thấy lạnh nữa. Gió vẫn thổi nhưng cái nóng của vầng dương đã làm tan đi sự lạnh giá.

Có phần khoan khoái, y ngồi xuống nghỉ chân.

Được một lúc, y ngã nằm xuống nền đá.

Vầng dương lên cao dần và cái nóng cũng tăng lên dần.

Nền đá dưới lưng y cũng nóng dần lên. Đến một lúc nào đó, y cảm thấy rằng cái nóng đang dần quá sức chịu đựng của y.

Lo sợ trước viễn cảnh sẽ bị cái nóng của vầng dương thiêu chín, y ngồi bật dậy và đưa mắt tìm quanh.

Và ngay từ cái nhìn đầu tiên, y kịp nhận ra hành động này của y hoàn toàn vô ích.

Vì đây là một tiểu đảo trơ trọi, và tại tiểu đảo này y đừng hòng tìm được bất kỳ nơi nào có thể giúp y lẩn trốn được sự thiêu đốt của ánh dương quang.

Y quay mặt đi thật nhanh để khỏi phải nhìn thấy điều mà y đã mường tượng ra dễ tạo sự nao lòng.

Thế là mục quang của y lại chạm phải làn nước đen như mực.

Y phấn khích:

“Ta ngốc thật! Cứ đầm mình dưới nước thì lo gì bị ánh dương quang thiêu đốt”.

Y liền hăm hở tiến đến bờ nước.

Thế nhưng!

Quạ…quạ… Cùng với âm thnah lảnh lót và đột ngột vang lên, một cánh quạ với bộ lông tuyền một màu đen chợt lao sầm vào làn nước còn đen hơn cánh quạ.

Bõm!

Mặt nước vỡ toang ra rồi khép lại. Khép lại luôn tiếng kêu rất là bi thảm của cánh quạ kia.

Mới nhìn qua cảnh tượng mà Bạch Bất Phục thoáng có ý nghĩ:

“Dưới cái nóng này đến loài quạ cũng muốn đầm mình vào làn nước để lẩn tránh”.

Tuy nhiên, tiếng kêu bi thảm nọ khi lọt vào tai y bỗng hóa thành lời đề tỉnh!

Động tâm, y cố chịu đựng cái nóng thiêu người để dõi nhìn xem điều gì vừa xảy ra cho con quạ nọ.

Thời gian dần trôi! Vầng dương đã nhích dần đến đỉnh đầu, sức nóng của vầng dương cơ hồ vắt kiệt toàn bộ sức chịu đựng của y, nhưng con quạ vẫn không thấy bay lên.

Điều này chỉ có mỗi một cách giải thích làn nước đen kia phải chứa đựng một điều gì đó vừa bí ẩn vừa khủng khiếp. Bằng không, con quạ sẽ phải bay lên chứ không thể đầm mình dưới nước lâu như vậy.

“Đó là điều bí ẩn gì? Hoặc giả con quạ nọ cố tình đâm đầu vào làn nước để tìm đến cái chết? Nếu đã thế, tại sao tiếng kêu sau cùng của nó lại mang đầy sắc thái bi thảm như nó cảm nhận được một sự chẳng lành vừa ập đến với nó? Không được! Trước khi ta tự dầm mình xuống nước, ta phải xem xét lại thận trọng”.

Chưa biết phải xem xét bằng cách nào, Bạch Bất Phục bất giác nhớ lại cảnh tượng lúc mới rồi. Y kêu lên thảng thốt:

– Con quạ vừa chạm vào mặt nước liền chìm người ngay tức khắc, đến một nhúm lông cũng không thấy nổi lên. Không lẽ hồ nước này chính là loại “thuỷ bất thủy, nê bất nê” như ta đã từng nghe kể trong truyền thuyết?

(Thủy bất thủy, nê bất nê tạm dịch:

nước không phải là nước, là bùn không phải bùn! Lỏng như nước, đen như bùn, không trong như nước, không sền sệt đặc sánh như bùn, không có vị ngọt như nước nhưng lại có mùi hôi thối như bùn và có sức hút xuống bất kỳ vật nào dù nhẹ như đặc tính của bùn thường có!).

Nhớ lại lần bản thân y bị rơi vào làn nước tối đen trước đó, y càng tin chắc đây chính là loại nước mà y vừa nghĩ đến! Vì khi bị chìm vào làn nước, quả thật không hề có bất kỳ một lực nào đẩy ngược y lên. Trái lại, y luôn bị chìm vào làn nước đến tận đáy hồ. Nếu lúc đó y không đạp được chân vào nền đá cứng, nếu y không được may mắn là rơi vào một nơi gần bờ đá để y có chỗ bấu tay vào có lẽ bây giờ y đã là một thây ma nằm câm lặng dưới đáy làn nước như cánh quạ kia rồi.

Nhớ tới đó y thoáng lạnh người. Y chỉ cần rơi vào làn nước nhằm vào chỗ xa bờ đá hơn một chút:

y sẽ chết! Ngược lại, nếu y rơi quá gần bờ, hoặc là rơi thẳng vào bờ, y cũng phải chết vì tan xương nát thịt.

Hai chân của y đang luân phiên nhấc lên đặt xuống vì không chịu đựng được nữa cái nóng đang xộc lên từ gan bàn chân, nơi chân y đặt vào nền đá đang bị ánh dương quang nung nóng.

Không dám nghĩ ngợi lâu hơn, y vội vội vàng vàng đưa tay bám vào bờ đá để đu người vào làn nước vẫn còn giá lạnh.

Tránh việc bị chìm vào làn nước “Thủy bất thuỷ, nê bất nê” y luôn bấu chắc tay vào bờ đá. Khi toàn thân quá giá lạnh y rút người lên cho ánh dương quang rọi vào sưởi ấm. Khi cái nóng đã làm khô cong y phục y lại đầm mình vào làn nước, cứ thế y chi trì cho đến lúc hoàng hôn đổ về.

Y leo lên tiểu đảo và bắt đầu nghĩ đến cái lạnh chắc chắn sẽ đến khi đêm buông xuống.

Không nhớ đến cái lạnh còn đỡ một khi nhớ đến y kêu thầm:

“Để tránh cái nóng ta còn có cái giá lạnh của làn nước hoá giải. Nhưng ta biết phải làm gì để tránh giá lạnh đây? Không lẽ lại đầm mình xuống làn nước?” Kêu thì kêu nhưng y hoàn toàn không ngờ điều đó lại chính là biện pháp hữu hiệu để giúp y lẩn tránh cái giá lạnh.

Chỉ khi mà đêm buông xuống và gió mang cái lạnh lẽo của nguyên cả mặt nước đổ ập vào người y, y mới ước ao:

– Cái lạnh do nước ta còn có thể chịu được nhưng với sức gió thổi như thế này, ta e chết cóng mất. Phải chi có một chỗ nào giúp ta tránh được những cơn gió này thì hay biết mấy!

Đến lúc đó, y mới nghĩ đến làn nước chỉ cách y không đầy ba bước chân.

Y hoang mang trước y tưởng này! Hoa. là kẻ điên mới tránh cái lạnh bằng cách đầm mình xuống làn nước giá lạnh.

Nhưng y không thể nghĩ ra một biện pháp nào khả thi hơn nếu y cứ muốn phải chết cóng do lãnh khí thổi suốt đêm.

Cái lạnh đã quá sức chịu đựng của y, mà đêm còn những ba canh nữa mới tàn! Y đánh bạo tiến dần đến bờ nước.

Luồng lãnh khí lại thổi qua khiến y phải đi đến một quyết định.

Y vội tụt người xuống làn nước.

Chân vừa chạm vào mặt nước buột miệng kêu lên:

– Oâi chao! Lạnh!

Thế nhưng, để lẩn tránh nhưng luồng lãnh khí quái ác, y đành phải đưa toàn thân vào làn nước tối đen.

– Phì…phì…! Rừ…rừ…! Lạnh đến chết mất!

Y lại kêu và y bỗng muốn được trồi người lên!

Và y đu người lên thật!

– Rừ…rừ… Y tiếp tục kêu khi bị cái lạnh từ luồng lãnh khí thổi qua xuyên vào da thịt.

Y vội trầm người xuống để ngay sau đó cảm nhận được một điều hệ trọng:

cái giá lạnh của làn nước xem ra vẫn còn đỡ hơn là cái giá lạnh từ luồng lãnh khí luôn luôn thổi đến.

Nhận thức được điều này, y đành phải tự hài lòng với việc phải dầm mình xuống làn nước giá lạnh suốt đêm.

Mà nào phải chỉ đầm mình suốt đêm? Ngẫm lại một ngày qua, gồm năm canh với sáu khắc, trừ một khắc thời gian khi vầng dương mới lên và phải một khắc nữa là đúng ngọ, cộng với một khắc lúc hoàng hôn buông phủ và đêm mới chính về, y phải đầm mình vào làn nước buốt giá đủ năm canh với bốn khắc. Có thể nói là chỉ có vỏn vẹn hai khắc để thong dong tự tại với một mình một bóng lang thang trên tiểu đảo. Thời gian còn lại hoặc là tránh nóng hoặc là trốn lạnh, y phải đầm mình dưới nước như loài thuỷ quái không hơn không kém.

Ngẫm đến đây, y hầu như tuyệt vọng. Và nếu có được một tia hy vọng nào đó mỏng manh là y chỉ hy vọng rằng Hạc tỷ tỷ của y vì nhớ y sẽ quay lại nơi này tìm y. Vì chỉ có Hạc tỷ tỷ mới gúp được y thoát khỏi hiểm cảnh cực kỳ nguy khốn này?

Dẫu sao đó cũng là một sự hy vọng và sự hy vọng dù là nhỏ nhoi này dẫu sao cũng giúp Bạch Bất Phục tự tồn tại để quyết liệt chống trả với cái lạnh tợ băng khi đêm về và cái nóng như thiêu như đốt khi một ngày lại đến.

Với suy nghĩ đó, rốt cuộc y cũng qua được một đêm và là một đêm giá lạnh nhưng chưa đến nỗi phải chết vì cóng.

Vầng dương lên cao, một khắc thong dong đầu tiên trong ngày đã đến với Bạch Bất Phục.

Y khoan khái đặt những bước chân hoàn toàn tự chủ để đi khắp mặt tiểu đảo.

Y vẫn không quên việc ngẩng mặt nhìn lên không trung để dõi tìm bóng dáng của Hạc tỷ tỷ.

Tiếp đó, dù đang đầm mình vào làn nước, tay bấu vào bờ đá, y vẫn nhìn dõi mắt tìm vào một khoảng không bao la.

Ai ở vào hoàn cảnh của y lúc này cũng phải có ý nghĩ giống như y.

“Có khi nào ta ở vị trí này nên không thể nhìn thấy Hạc tỷ tỷ”.

Cho dù thực trạng lúc đó, bầu trời bên trên tiểu đảo hoàn toàn khoảng khoát, không một vật thể nào ngăn cản thị tuyết của y, Bạch Bất Phục vì tia hy vọng mỏng manh nên phải nghĩ như vậy.

Tay bám lần theo bờ đá có đầy những vết nhám, y dịch chuyển dần về phía thuận là phía hữu của y, mắt vẫn dán vào bầu trời vằng lặng.

Ngày tàn đêm đến, y được một khắc để ngơi tay. Sau đó, để tránh cái lạnh, y lại đưa người xuống nước!

Vì bầu trời đang đêm nên y không cần tìm kiếm bóng dáng của Hạc tỷ tỷ nữa.

Y nghĩ ngợi mông lung, nghĩ về quá khứ, nghĩ đến tương lai xa vời. Y nhớ mẫu thân đang đêm ngày ngóng chờ y. Y căm phẫn đôi nam nữ với định ý phi lý của họ đã đưa y lâm vào tình cảnh khốn khổ này. Y cũng nhớ đến hắc y nữ lang Thôi Oanh Oanh, để rồi thầm cầu mong cho nàng lấy được tín vật tổ sư hầu khôi phục cương vị Giáo chủ của nàng.

Y bất giác nhớ đến một điều:

cái ăn và cái uống!

Y lấy làm lạ về việc y đã trải qua hai ngày hai đêm nhưng vẫn không thấy đói lẫn khát cho dù y không hề ăn uống gì. Cả đêm nay nữa là đêm thứ ba, cảm giác đói khát vẫn chưa đến với y.

Tại sao?

Toàn thân y run lên! Không phải vì lạnh do đang đầm mình dưới làn nước buốt giá mà vì y đang phải đối đầu với một thực tại phũ phàng. Y sẽ phải đói và khát. Điều đó chắc chắn phải xảy đến cho dù đến lúc này y vẫn chịu đựng được, vẫn chưa cảm thấy gì.

Tâm trí của y, kể từ lúc này liền bị viễn cảnh phải bị dày vò vì đói khát chi phối hoàn cảnh.

Do đó, y không nhận ra là đêm đã hết từ lâu và vầng dương cũng đã lên khá cao.

Chỉ khi đỉnh đầu của y bị nóng đến không chịu được y mới sực tỉnh.

Y lẩm bẩm:

– Vậy là ta đã bỏ phí một khắc thảnh thơi quý báu ! Hà! Chết bằng cách nào mà chẳng là chết! Ta chỉ lo sợ hão huyền mà thôi. Thay vì để tâm lo sợ ta hãy dõi tìm bóng dáng của Hạc tỷ tỷ thì hơn.

Y lại dõi tìm và lại tiếp tục dịch chuyển theo bờ đá về phía hữu.

Một ngày nữa trôi qua với hy vọng tan dần.

Một đêm lại đi qua với niềm hy vọng vừa được thắp sáng trở lại.

Ngày nữa rồi lại một ngày nữa, Bạch Bất Phục mãi rồi không biết đã bao cái một ngày trôi qua. Và y đã hết hy vọng vào việc sẽ phát hiện bóng dáng của Hạc tỷ tỷ. Y cũng không biết là y đã dịch chuyển theo bờ đá đủ một vòng chưa? Hay cũng như thời gian đã dịch chuyển theo nhiều vòng rồi!

Y chỉ biết mỗi một điều:

cho đến giờ y vẫn sống! Cho đến giờ y vẫn chưa bị cái nóng, cái lạnh, hai sự khắc nghiệt của tiết trời quật ngã. Và cũng chưa bị một cơn đói khát nào hành hạ.

Biết thì biết nhưng y đã hết cả quan tâm khi niềm hy vọng của y đã tắt ngấm.

Người ta bảo:

còn sống còn hy vọng! Nhưng đối với y thì ngược lại. Dù y sống nhưng y đâu còn gì nữa để hy vọng.

Vượt qua mặt nước mênh mông để tìm đến chỗ loài người sinh sống ư ? chỉ cần y buông tay khỏi bờ đá, ngay lập tức y sẽ bị nhấn chìm vào làn nước “Thủy bất thuỷ, nê bất nê”.

Còn lưu lại tiểu đảo ư ? đó là điều đang đến với y, đang hành hạ y và đang tiêu diệt lần lần mạng sống của y.

Y thở dài:

– Hà… Và y cúi đầu nhìn xuống vì quá chán ngán khung cảnh trống vắng vô tận của bầu trời.

Để rồi, y bất chợt nhìn thấy một việc lạ đang hiện hữu ngay trên bờ đá kề sát bàn tay hữu của y.

Đó là một hàng chữ vẫn còn rõ nét:

“Bích Dạ Tuyệt Đầm lưu tự đến người hữu duyên”.

Bích Dạ Tuyệt Đầm?!!

Bốn chữ này vừa đập vào mục quang của Bạch Bất Phục. Ngay lập tức có hai câu chữ khác hiển hiện trong tâm trí y.

“Bích Dạ Lôi Khúc, Bích Dạ Sáo Khúc! Hai loại công phu này gần như là trùng với bốn chữ Bích Dạ Tuyệt Đầm! Chúng có liên quan gì với nhau?” Muốn giải đáp được nghi vấn này là một điều thiên nan vạn nan đối với Bạch Bất Phục.

Vì y chỉ biết hai câu chữ trên vốn là danh xưng của hai trong năm loại công phu được Thôi Oanh Oanh gọi bằng Bích Dạ Ngũ Tuyệt Khúc mà thôi. Y chưa từng nghe ai nói đến Bích Dạ Tuyệt Đầm bao giờ!

Nghĩ cũng lạ, số mạng của y như gắn liền với bất cứ điều gì hay vật gì liên quan đến hai chữ Bích Dạ thì phải!

Từ Bích Dạ Sáo Khúc do Thôi giáo chủ cố ý cưỡng ép y học cho thuộc đến Bích Dạ Lôi Khúc vô tình lọt vào tay y và bây giờ lại là Bích Dạ Tuyệt Đầm.

Đầm là đầm nước, ám chỉ nơi y đã ngẫu nhiên rơi vào. Tuyệt:

chữ này chắc chắn là để nói lên sự nguy hiểm khác thường của đầm nước thuỷ bất thuỷ, nê bất nê rồi. Còn Dạ là đêm, ý nói đến làn nước tối đen như mực. Và bích phải chăng là ngọc bích, một sự ví von để so sánh tiểu đảo với viên ngọc bích.

Giải thích như thế, Bạch Bất Phục tin rằng giữa Bích Dạ Tuyệt Đầm và Bích Dạ Ngũ Tuyệt Khúc chắc chắn hẳn không có liên quan với nhau.

Chán nản, Bạch Bất Phục lẩm bẩm:

– Lại còn bảo là lưu tự đến người hữu duyên, ta nào thấy có thêm chữ nào lưu lại?

Cho đây là trò đùa của kẻ vô danh đã từng lâm vào cảnh như y bây giờ, y thản nhiên dịch chuyển tiếp về phía hữu.

Tay hữu của y vừa khoắng vào mặt nước để chạm vào phần tiếp giáp giữa mặt nước và bờ đá, y chợt sững người lại.

Y kêu lên:

– Ở đây hãy còn chữ? Không lẽ ngừơi này cố tình lưu tự dưới nước để che giấu đi điều gì bí ẩn?

Kinh ngạc và hoang mang, y dùng tay để đọc, vì không thể nào đọc bằng mắt một khi những chữ kia bị làn nước tối đen che lấp.

Y lẩm nhẩm đọc theo sự mò mẫm của y qua bàn tay hữu:

– Bích… Không những hàng chữ vừa rồi được viết theo lối chữ thảo và viết ngang như thường thấy trên những bức hoành phi, sau chữ Bích mà tay của y vừa chạm phải, kế bên đó không còn chữ nào nữa.

Thế nhưng ,nếu chỉ có vỏn vẹn một chữ Bích thì quả là phi lý.

Y thầm đoán:

– “Nếu ta nghĩ không lầm thì phía dưới chữ Bích phải có thêm ít nhất là một chữ nữa, có lẽ phải là chữ Dạ. Để xem nào!” Y tiếp tục tụt người sâu hơn và làn nước Bích Dạ Tuyệt Đầm và sờ soạng vào bờ đá ngay bên dưới chữ Bích.

Quả nhiên tay hữu của y liền chạm phải chữ Dạ, cũng được khắc sâu vào vách đá như bao chữ trước đó.

Y lại nghĩ:

– “Nếu chỉ có hai chữ Bích Dạ thì ở bên trên đã có rồi. Nhân vật nào đã lưu tự hẳn không phải phí công để làm một việc thừa thãi”.

Để minh bạch hư thực, y cố tụt người xuống một chút nữa. Làn nước giá lạnh bây giờ đang ngập khỏi miệng của y.

Dẫu vậy, hành động này của y không phải uổng công. Bàn tay hữu của y thế là chạm phải một chữ nữa.

Do miệng đã ngập quá mặt nước nên y không thể nào lẩm nhẩm đọc, bằng không y lại tợp phải ít nhất là một ngụm nước vừa lạnh vừa hôi thối.

Y đọc thầm:

– “Đây là chữ Cung! Bích Dạ Cung? Gọi nơi đây là Bích Dạ Tuyệt Đầm còn cho là đúng! Nhưng nếu muốn ta xem ở tại đây lại có một nơi được gọi là Bích Dạ Cung thì hoa. có kẻ cuồng tâm mới tin vào điều này!” Với ý nghĩ này y vội dùng chân đạp vào bờ đá để giúp toàn thân trồi lên thật nhanh.

Thế nhưng, ngay khi đầu của y ngoi lên khỏi mặt nước y lại vội vàng trầm người xuống. Vì vừa rồi, lúc y co chân đạp, chính bàn chân của y như đạp phải một chỗ không phải chỉ là bờ đá nhám. Chỗ đó có những nét khắc sâu vào bờ đá giống như ai đó khắc thành tự dạng.

Và nếu đúng như vậy thì bên dưới chữ Bích Dạ Cung phải còn nữa những ký tự cũng được kẻ vô danh cố tình khắc càng lúc càng sâu vào bên dưới đáy nước Bích Dạ Tuyệt Đầm.

Đúng như sự suy đoán của y, y lại chạm tay vào nhiều chữ nữa. Và những chữ này cứ đứng thẳng thành một hàng so với ba chữ Bích Dạ Cung mà y đã đọc được.

Y phải trồi người lên để đổi hơi những ba lần mới chạm được tay vào những chữ như sau:

“Bích Dạ Cung nghênh đón tân cung chủ! Thỉnh…” Tin chắc rằng sau chữ “Thỉnh” vẫn còn nhiều chữ nữa nên mới đủ ý của người lưu tự, Bạch Bất Phục có phần ngao ngán khi nghĩ đến việc phải trầm người sâu hơn nữa!

Do y không dám rời tay khỏi vách đá, nên sau mỗi lần đổi hơi y phải ước lượng thời gian sao cho đủ để kịp trồi lên. Như lần đổi hơi vừa rồi của y, sau khi dùng tay mò mẫm để đọc được mỗi chữ “thỉnh” y lại phải vội vã lần theo bờ đá và trồi lên. Nếu sau chữ “thỉnh” này hãy còn quá nhiều ký tự nữa có lẽ y phải bỏ cuộc vì không dám đem sinh mạng ra mạo hiểm.

Tuy nhiên, do không còn tia hy vọng nào để thoát khỏi tiểu đảo và vì qua hàng lưu tự kia cho biết nơi này quả thật có tồn tại một Bích Dạ Cung, Bạch Bất Phục sau một lúc ngẫm nghĩ đành phải chấp nhận việc mạo hiểm.

Có Bích Dạ Cung chắc chắn phải có lối xuất nhập! Chẳng thà mạo hiểm tìm con đường sống giữa muôn nẻo tử vong còn hơn là phải chịu giam mình suốt đời tại một tiểu đảo trơ trọi chống vắng.

Lần này y cố lấy hơi thật nhiều để chi trì thời gian ở dưới đáy nước lâu chừng nào tốt chừng ấy. Có như thế y mới đỡ phải phí lực.

Y lại trầm xuống thật nhanh do đà ghi nhớ kỹ những chỗ y cần phải bám tay vào!

Bên dưới chữ “thỉnh” quả nhiên hãy còn chữ! Y lần lượt chạm phải chữ “nhập” và chữ “cung” Toàn bộ những tự dạng liền hiện lại trong tâm trí y :

“Bích Dạ Cung nghênh đón tân cung chủ! Thỉnh nhập cung!” Xem như câu chữ lưu lại đã đủ nghĩa nhưng y vẫn tiếp tục đưa tay mò tìm!

Và bất ngờ, ngay sau khi tay y chạm vào một mô đá tròn lẳng nằm ngay phía dưới hai chữ “nhập cung”, một lực hút mãnh liệt bỗng xuất hiện và hút lấy thân thể y.

Không cưỡng lại được, y bị hấp lực kia cuốn phăng vào một khoảng trống, không ngờ lại có ở bờ đá.

Phần vì hốt hoảng, phần vì hụt hơi, y há miệng ra và lại tợp phải liên tiếp mấy ngụm nước vừa lạnh buốt vừa hôi thối đến tởm lợm.

Làn nước tối đen vẫn bao trùm lấy y. Y vẫn bị hấp lực cuồn cuộn cuốn đi và vẫn phải vừa nôn ra vừa tợp vào bằng loạt những ngụm nước nhơ bẩn.

Y kiệt lực và y không thể không nghĩ đến một điều:

“Lần này ta chết chắc! Mạng ta vậy là đã tuyệt”.

Và đó là ý nghĩ sau cùng của y vì liền sau đó y hôn mê trầm trầm.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN