Ân Oán Giang Hồ - Chương 6
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
177


Ân Oán Giang Hồ


Chương 6



Văn-Lang ít nhiều cũng hiểu được một phần nào tâm-lý phụ-nữ trên tình trường. Đối với phụ-nữ thì chẳng có gì là quá lớn hay quá nhỏ. Nhiều lúc chuyện không đâu vào đâu tưởng không có gì mà lại thành ra quan-trọng. Ngược lại nhiều lúc chuyện lớn tưởng là hết sức nghiêm trọng thì lại chẳng có gì! Có lẽ đó là bản thiên-sinh của phái yếu, luôn để cho phái mạnh phải luôn luôn ‘nhức đầu’ đoán tới đoán lui, và đoán trật dài dài!

Sự-nghiệp và ái-tình. Hầu hết tất cả đàn ông trên đời đều phải có cả hai, hay nói một cách khiêm-nhường hơn là muốn có cả hai. Có sự-nghiệp cũng chưa chắc có được ái-tình. Nhưng nếu không có sự-nghiệp thì chắc chắn sẽ không bao giờ có ái-tình! Và nhiều lúc con người bị kẹt cứng giữa sự- nghiệp và ái-tình. Chỉ có những nhà tỷ-phú hay triệu-phú thì mới có thể nói chuyện lý tưởng là nếu phải chọn một thì sẽ chọn ái-tình. Nhưng hầu hết đa số còn lại đều phải hy-sinh cho sự nghiệp. Chọn đường sự nghiệp đây không có nghĩa là làm giàu, cũng không có nghĩa là xem thường ái-tình, mà chỉ là thực tế phải kiếm sống đó thôi.

Dĩ-nhiên, là một người đàn ông, Văn-Lang cũng muốn có cả hai như bất cứ ai đó. Nhưng chàng hiểu đó không phải là chuyện dễ, nhất là chàng sống bằng nghề điệp-viên thám-tử này. Vì công việc, chàng đã phải hơn một lần từ chối dẫn người đẹp đi chơi, cũng như dành thời gian cho nàng ta. Và cũng vì công việc mà chàng sinh bệnh để đến nỗi thất hẹn với đào. Việc mình không muốn xảy đến lại cứ đến hoài với mình! Nhưng đó là ‘đời’! Đời quá ngắn ngủi. Việc đời lại chồng chất, không bao giờ hết…

Suy nghĩ một hồi, Văn-Lang không biết làm gì hơn là thở dài nói thầm:

-“Thôi! Hơi sức đâu mà lo cho nhiều! Những gì phải đến rồi cũng sẽ đến.”

Nghĩ cho nát óc rồi cũng phải trở về với thực tại. Chàng biết mình còn chuyện quan-trọng phải làm, không thể dành hết thì giờ suy nghĩ cho những chuyện tình cảm riêng tư được…

Văn-Lang ghé qua văn-phòng thăm Louis Winston một hồi, báo cáo sơ qua về tiến trình của công việc chàng làm. Như thường lệ, ông ta tỏ ra rất hài lòng với chàng, hết lời khen ngợi và khuyến khích. Sau đó Louis Winston vui vẻ hỏi thăm đến chuyện tình cảm của Văn-Lang đi đến đâu thì chàng cũng không giấu diếm, buồn bã kể lại mọi biến cố vừa qua. Louis Winston cười sặc sụa, khuyên rằng:

-Văn-Lang! Tôi phải nói thật. Là một điệp-viên thám-tử, anh rất già dặn, nhưng về mặt tình cảm thì anh vẫn còn non nớt lắm! Nhưng chắc tôi cũng không nên nói như vậy là vì trong chúng ta, tất cả đều thế. Ai cũng có thể nhìn thấy mặt của tất cả mọi người nhưng có bao giờ nhìn được mặt của chính mình đâu! Và cũng đâu có ai dám vỗ ngực huênh hoang là mình ‘rất sành sõi’ hiểu biết nhiều về tâm lý đàn bà đâu! Nhưng anh cũng chẳng cần phải bận tâm làm gì! Trong tình yêu phải có sự tha thứ. Nếu nàng ta thật sự thương anh thì trước sau gì cũng sẽ phải bỏ qua những chuyện nhỏ nhặt đó. Còn nếu như nàng ‘chỉ vì một lỗ nhỏ mà đành lòng đánh đắm cả con thuyền’ thì thật sự có bõ để cho anh theo đuổi mục tiêu nữa không? Anh lo nhiều buồn nhiều để làm gì? Liệu có thay đổi được tình thế không? Nếu anh thật lòng yêu thì cứ tiến tới. Thành hay bại không thành vấn-đề, vì anh chẳng có gì để hối hận nữa.

Văn-Lang lắc đầu nói:

-Tôi chỉ hy-vọng tất cả những gì ông nói đều là đúng. Nhưng thôi, bỏ qua chuyện đó đi. Giờ trở lại chuyện chính phải làm. Tôi cảm thấy chuyện càng ngày càng thêm phức tạp. Mà cũng không biết có phải là phức tạp không hay chỉ là hết sức đơn giản nhưng tại mình làm cho nó phức tạp thêm đó thôi!

Chàng đứng dậy chào Louis Winston. Trước khi đi, Văn-Lang nói:

-Tôi hy-vọng chỉ sau hai lần thẩm vấn nữa thôi là giải quyết xong vụ án này.

Louis Winston gật đầu nói:

-Tôi vẫn yên chí đợi tin ‘thắng trận’ của anh. Và tôi cũng cần nhắc lại cho anh biết là tôi chưa bao giờ nghi ngờ tài nghệ của anh hết. Cứ vững tâm mà làm theo kế hoạch và sáchh lược của anh.

Văn-Lang về nhà nghỉ một lúc. Chờ cho trời tối hẳn, chàng mới lên đường thi-hành công-tác dự định là ghé lại nhà ba mẹ con bà Hội để ‘hỏi thăm sức khỏe’ họ thêm một lần nữa.

Sự viếng thăm đột ngột của Văn-Lang làm ba mẹ con bà Hội lúng túng, không biết phảo làm sao. Chàng quan-sát kỹ vẻ mặt ba người rồi mới chịu vào đề:

-Phát! Cậu nói dối tôi! Đêm đó cậu có về lại bên nhà cậu, đúng không?

Biết không thể dấu nổi Văn-Lang nên Phát đành gật đầu:

-Phải, em có đến đó và có gặp anh Khôi ở đó nữa. Anh Khôi chửi mắng anh Quý rồi hành hung nên em phải can ra rồi hết lời năn nỉ anh Khôi. Sở dĩ em không dám nói thật với thám-tử vì em sợ thám-tử nghi ngờ em.

Văn-Lang cau mày, lớn tiến nói:

-Cậu dối tôi hơi nhiều rồi đấy! Cậu thử nghĩ xem liệu tôi còn tin nổi cậu nữa không? Cậu nói đi!

Phát thấy Văn-Lang có vẻ giận dữ nên dịu giọng nói:

-Sau khi can anh Khôi ra thì em về lại nhà anh Quý. Có gã Toàn kia thấy em rời khỏi rõ ràng mà.

-Cậu về lại đây?

-Dạ!

Bà Hội liền xin phép ra sau bếp cùng với Trúc để pha nước. Phát cũng xin phép đi vào nhà tắm một chút để lại Văn-Lang tạm thời ngồi một mình tại phòng khách. Chàng tò mò đảo mắt nhìn chung quanh. Trên TV, một tượng chim ưng bằng đá với cặp mắt dữ dằn nhìn chằm chặp về phía chàng. Văn-Lang bất chợt thấy ngộ nghĩnh và buồn cười. Chàng cảm khái nghĩ thầm:

-“Nhiều lúc chính mình cũng như con chim ưng kia thôi, lúc nào cũng chực để ‘bắt mồi’.”

Và chàng lại nghĩ tiếp và tự hỏi:

-“Nhưng khi cần thiết thì liệu mình có hung hãn được, có độc ác được như chim ưng hay không?”

Chàng bỗng nghe có tiếng thì thầm của bà Hội với Trúc, đứa con gái của bà ta. Chỉ nghe tiếng bà Hội cáu kỉnh gắt lên rằng:

-Mày chỉ thích ăn diện với hoang phí! Tiền còn không tới một ngàn nữa mà cứ đòi sắm hết thứ này sang thứ nọ!

Tiếng con Trúc nũng nịu khẽ vang lên như một đứa con nít vòi quà. Văn-Lang lại thêm một phen buồn cười. Chàng nói thầm trong bụng:

-“Đúng thật là ‘con nhà lính, tính nhà quan’! Cứ ngồi không mà ăn xài thì đến núi cũng phải lở! Đối với những hạng người như thế này thì có cho một triệu một năm cũng vẫn thiếu như thường!”

Lúc đó bà Hội và Trúc từ bếp đem lên mấu ly nước. Trúc cầm một ly mời khách. Văn-Lang đỡ lấy và đặt ngay xuống bàn, nói đôi tiếng cám ơn khách sáo cho có lệ chứ chẳng buồn đụng đến. Chờ cho Phát trở lại đông đủ cả ba mẹ con, chàng lại tiếp tục hỏi:

-Cậu Phát, tôi hỏi cậu một lần cuối. Đêm hôm đó sau khi về nhà Quý ngủ, cậu còn đi đâu nữa không?

-Không! Lúc đó anh Quý bảo em về trước đi rồi anh ấy sẽ về sau.

Quay sang bà Hội và Trúc, Văn-Lang hỏi:

-Hai người xác nhận điều đó hay phủ nhận?

Cả bà Hội lẫn Trúc đồng thanh đáp:

-Đúng vậy!

Văn-Lang nghe xong liền đứng phắt dậy nói:

-Được! Tạm thời tôi tin là thế. Nhưng nói trước, nếu tôi mà điều tra ra là các người nói dối tôi nửa lời thì tôi không dám nói trước hậu quả sẽ đi đến đâu đấy nhé!

Dứt lời, chàng đứng dậy đi ra khỏi nhà ngay không thèm ngó lại, mà không cần phải nói với ai thêm lời nào. Chàng vừa đi vừa nhủ thầm:

-“Tại sao lại thế này? Không! Không có lý nào!”

Rồi chàng lại tự nhắc nhở mình rằng một thám-tử không nên để tình cảm chi phối mình trong bất cứ lãnh vực nào. Tình cảm đây bao gồm tất cả tình yêu lẫn tình bạn, đôi khi tình người nữa. Nếu không làm được như vậy thì còn gì gọi được là ‘chí công vô tư’ nữa? Và như thế thì làm sao còn có thể sáng suốt được trong công việc mình phục-vụ?

Nhưng chàng sau cùng vẫn chỉ là con người. Mà đã là con người thì tránh sao được cái vòng luẩn quẩn của vui, buồn, sướng, khổ với thương, yêu, thù, hận… Và vì là con người nên cũng khó có ai tránh khỏi một trong những sự kiện đáng sợ nhất của đời sống: đó là sự sợ hãi.

Phải! Sợ hãi! Văn-Lang bỗng cảm thấy sợ hãi, một điều ít khi xảy ra cho chàng. Văn-Lang thật sự đang rối trí, không rõ vì sao mình lại sợ hãi, và sợ hãi về việc gì! Chàng chỉ biết rõ một điều là chàng đang mất dần đi một trong những ưu-điểm lớn nhất của mình: sự điềm tĩnh. Và chàng cũng cảm thấy có một điểm gì đó hết sức vô lý mà chưa tài nào nghĩ ra nổi…

Đậu xe trước cửa nhà Khôi, Văn-Lang vẫn ngồi yên bất động. Chàng hút hết điếu thuốc này sang điếu thuốc nọ để cố mà kéo dài thêm thời giờ cho chàng suy nghĩ. Nhưng rồi chuyện gì đến cũng phải đến. Bao nhiêu sợ hãi, bao nhiêu ưu tư lo lắng dù không muốn đương đầu cũng phải cố gắng mà vượt qua.

Văn-Lang khẽ mở cửa xe bước ra ngoài. Chàng lê từng bước chân mỏi trông thật nặng nề. Khoảng cách từ chỗ đậu xe đến trước cửa nhà Khôi không xa lắm, chỉ chừng vài chục bước nhưng Văn-Lang tưởng chừng như mình đi hoài vẫn không tới nơi…

Văn-Lang cắn chặt hai hàm răng, thu hết can đảm đưa tay lên nhấn chuông rồi hồi hộp chờ đợi. Chỉ độ vài giây sau Khôi đã chạy ra đến nơi mở cửa. Trông thấy Văn-Lang, Khôi tỏ vẻ hơi ngạc nhiên nhưng cũng lịch-sự cất tiếng chào hỏi rồi đưa tay ra bắt.

-Mời anh vào nhà trước đã rồi có chuyện gì nói sau.

Bắt tay Khôi xong, Văn-Lang khẽ gật đầu:

-Cám ơn anh Khôi!

Vừa bước vào phòng khách, Văn-Lang bắt gặp ngay một khuôn mặt nữ-nhân hết sức quen thuộc hình trái soan, tóc cắt ngắn, trông xinh xắn ‘đẹp gái’ vô cùng. Người đó không ai khác hơn là Yến. Không hẹn mà gặp, cả hai người đều trố mắt nhìn nhau mà giật mình đánh thót một cái. Khôi vẫn vô tình không để ý liền đưa tăy chỉ Văn-Lang ‘giới thiệu’ với Yến:

-Văn-Lang, đây là Yến, người Trung-Quốc, bạn gái của tôi.

Văn-Lang mỉm cười, ôn tồn nói:

-Tứ hải giai huynh đệ! Không phải khách sáo làm gì. Bạn của anh cũng là bạn của tôi thôi.

Quay sang Yến, Khôi nói:

-Yến, đây là Văn-Lang, bạn của anh. Anh ta là một thám-tử tài ba được huấn-luyện tại Nhật-Bản, hiện tại đang làm việc cho sở cảnh-sát liên-bang Hoa-Kỳ đó.

Văn-Lang nở một nụ cười thân thiện, khẽ cúi đầu chào, giả lã như chưa từng quen biết hay gặp qua nàng.

-Cô Yến, hân hạnh được biết cô.

Yến cúi gầm mặt tỏ vẻ thẹn thùng, chỉ nói gượng được mấy chữ:

-Anh khỏe không?

-Cám ơn cô, tôi vẫn bình thường.

Xoay qua Khôi, Văn-Lang dõng dạc nói:

-Anh Khôi! Nếu anh bận thì tôi xin đi về, hẹn khi khác sẽ đến. Nhưng tôi bắt buộc phải gặp anh càng sớm càng tốt. Vậy anh có thể hẹn trước với tôi ngày giờ, địa điểm được không?

-Không sao cả! Anh có thể nói chuyện bây giờ được mà. Cô Yến đây cũng là ‘người nhà’ mà!

Văn-Lang cười nói:

-Tôi thật sự muốn hết sức tế nhị trong chuyện này. Chỉ tiện nói với một mình anh mà thôi.

Vốn dĩ Văn-Lang có ý nói là chàng cần phải thẩm vấn Khôi trong công chuyện điều tra nên không muốn cho người thứ ba nghe, vừa thiếu tế-nhị trong lề lối giao-thiệp lại vừa thiếu chu đáo trong công việc. Nhưng Yến lại tưởng là chàng tức giận nên nổi máu ghen tuông. Yến chợt cảm thấy khó chịu trong lòng. Nàng quay sang nói với Khôi:

-Hay là để em về trước có lẽ tiện hơn.

Khôi bèn gạt đi:

-Không! Làm gì mà em phải đi về? Nếu em thấy không tiện thì có thể vào nhà trong hay lên lầu chờ anh một chút cũng được.

Yến nhìn Văn-Lang cười nhạt:

-Như vậy có được không ‘thám-tử’?

Nghe Yến gọi mình là ‘thám-tử’, Văn-Lang cảm thấy dở khóc dở cười. Chàng biết nàng có ý chửi xéo mình, cho là mình ghen tức nên mới dò thám, muốn xen vào chuyện của nàng và bây giờ có ý kiếm chuyện với Khôi, mà dưới mắt chàng là ‘tình địch’. Văn-Lang chỉ đành cười trừ mà đáp:

-Có gì mà không được? Tùy quý-vị muốn sao thì muốn!

Yến cau mày nhìn Văn-Lang hỏi:

-Mà chuyện gì quan-trọng đến như thế hả?

Văn-Lang không nhịn được, cười gằn đáp:

-Chuyện đàn ông!

Yến ‘hừ’ giọng mũi một tiếng bỏ vào trong rồi bước lên trên lầu. Chờ cho đến khi không còn nghe thấy tiếng chân nàng nữa, Văn-Lang mới khơi chuyện.

-Anh Khôi! Tôi có chuyện rất quan-trọng phải hỏi anh và mong anh trả lời hết sức thành thật với tôi!

-Chuyện gì?

Văn-Lang khẽ hít vào một luồng không khí rồi nghiêm nghị hỏi:

-Đêm hôm chia tay tôi tại tửu lầu và cũng là đêm xảy ra án mạng, anh có mặt tại nhà bà Hội và có đánh tên Quý kia phải không?

Khôi gật đầu nói:

-Phải?

Văn-Lang ‘à’ một tiếng xong hỏi tiếp:

-Thế thì tại sao anh lại giấu tôi, không cho tôi biết?

-Vì anh có hỏi tôi đâu!

Văn-Lang gật đầu, cho là câu trả lời của Khôi hợp tình hợp lý.

-Phải nhìn nhận là anh nói đúng. Đó là lỗi tại tôi không hỏi anh. Nhưng bây giờ tôi đã biết, và chuyện trở nên vô cùng phiền phức rồi đó. Vậy anh cho tôi biết lý do vì sao anh trở lại… Lúc đó là mấy giờ… Đánh tên Quý đó ra sao, có bị trọng thương gì không… v… v…, nhất nhất phải kể lại cho tôi từ đầu đến đuôi không thêm không bớt bất cứ một lời nào, hay một chi-tiết nào!

Khôi gật đầu nói:

-Anh sẽ được toại nguyện thôi! Hôm đó lúc chia tay với anh, tôi về lại nhà. Ngồi một lúc lại nghĩ đến những thái độ của tên Quý và mấy người kia mà chịu không nổi nên tôi quyết đến nhà bà Hội gặp hắn và mấy người dằn mặt một chuyến. Lúc đó vào khoảng trên dưới 11 giờ. Nhưng tôi chỉ gặp có tên Quý cùng với một người đàn ông tên là Toàn và Thằng Phát. Vừa gặp tên Quý, tôi lên tiếng cảnh cáo hắn là nếu còn xúc phạm tôi thêm một lần nữa là tôi sẽ liều cái mạng này với hắn. Chẳng ngờ hắn lại giở giọng hăm dọa đòi kiện tôi ra tòa nên tôi nổi cơn thịnh nộ xông lại cho hắn mấy đấm và mấy đá. Hắn chỉ bị sưng mặt sơ sơ thôi chứ không có thương tích gì trầm trọng hết. Thằng Phát sau đó can tôi và xin lỗi tôi, xin tôi đừng đánh tên Quý nữa. Tôi sau đó bớt giận nên cũng bỏ về nhà. Về đến nhà lúc đó vào khoảng 12 giờ đêm. Sau đó, tôi ngủ luôn một giấc cho đến sáng hôm sau…

Văn-Lang bỗng ngắt lời:

-Lúc đó là mấy giờ?

-Khoảng 11 giờ 15 cho đến 11 giờ 30.

-Anh đi bằng ngõ trước hay ngõ sau?

-Ngõ trước.

Văn-Lang chép miệng một cái rồi hỏi lại:

-Tôi hỏi lại một lần nữa. Anh đi vào bằng ngõ trước hay ngõ sau?

-Ngõ trước! Anh có hỏi tôi thêm 100 lần nữa thì câu trả lời của tôi vẫn là ‘ngõ trước’ mà thôi chứ không gì khác hơn đâu!

-Sau khi về nhà rồi anh còn trở lại thêm một lần nữa không?

-Không!

-Chắc chắn?

-Chắc chắn!

Văn-Lang đứng dậy nói:

-Được rồi! Bây giờ tạm thời như thế là đủ. Nếu có gì cần thiết tôi sẽ đến hỏi tiếp.

-Rất sẵn sàng!

Văn-Lang nói đôi lời tạm biệt rồi bỏ ra về. Bao nhiêu sự việc dồn dập quay cuồng liên tục trong đầu chàng. Tự-nhiên trong lòng Văn-Lang dâng lên một nỗi buồn lạ lùng. Không hiểu là vì công việc của chàng trong những ngày sắp đến trở nên khó khăn, hay là vì sự có mặt của Yến tại nhà Khôi. Mà cũng rất có thể là cả hai. Dù buồn, Văn-Lang vẫn không nản chí chút nào. Chàng chỉ cho đây là một phần nhỏ trong những thử thách của cuộc đời. Chính cuộc đời Văn-Lang cũng không thiếu gì những thăng trầm, hay dở đều có cả. Ái-tình, thế thái nhân tình lúc nào cũng là con dao hai lưỡi. Ai đến với mình được ắt cũng sẽ bỏ mình được. Ai thương yêu hay kính phục mình được đương nhiên cũng sẽ thù ghét mình được. Ranh-giới giữa yêu và hận, bạn và thù rất mong manh, còn mong manh hơn tất cả những gì thế nhân tưởng tượng nhiều lắm!

Một thám-tử điệp-viên chuyên nghiệp được huấn-luyện rất kỹ về những lãnh vực này. Từ học-thức cho đến cách giao-thiệp, cách uyển-chuyển mọi việc, cộng thêm các tài-nghệ cá-nhân như võ-thuật, bắn súng… Nhưng quan-trọng hơn hết, ý chí phải được nung nấu và rèn luyện để trở thành sắt đá. Nói như thế không có nghĩa là phải mất hết nhân tính mới làm việc hữu hiệu được, nhưng chẳng qua là bất cứ một ai trong nghề này phải luôn luôn biết xử dụng lý trí để kềm kẹp con tim.

Dĩ-nhiên nói thì dễ, nhưng đến khi đụng trận thì mới thấy thật không phải đơn giản chút nào. Một điều mà Văn-Lang đã thấy ứng-nghiệm là nghề thám-tử điệp-viên rất cô đơn lạc loài. Và có ai biết được hay đoán trước được những gì sẽ xảy ra! Rất có thể một ngày nào đó chính bản thân chàng sẽ phải ‘sinh nghề tử nghiệp’, sẽ phải ngã gục chết bất đắc kỳ tử mà khó ai giải thích nổi! Nhưng Văn-Lang đã chấp-nhận tất cả kể từ ngày chàng quyết định chọn nó làm sinh kế. Chàng đã chấp nhận cũng như sẽ đón nhận những niềm vui nho nhỏ tình cờ trên đường mình đi nếu có, dù chỉ là tạm bợ, và mặc kệ không cần biết thời hạn là bao lâu, hay sẽ đi về đâu…

Yêu thích: 1 / 5 từ (1 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN