Ân Oán Quan Trường
Chương 1: Con đường đất đỏ bụi mù Hắc Bạch song sát
Con đường thoai thoải nghiêng về phía trước, bụi cuốn mịt mù.
Con đường đất đỏ bụi hồng.
Giữa trưa. Đường thật vắng.
Một vài cơn gió lướt ngang, gặp chỗ trống, cơn gió lượn vòng cuốn lên từng bựng bụi y như đám mây đỏ nặng.
Cơn gió đi qua, một lát sau “cơn bụi hồng” hạ xuống, tạo thành lớp thảm mỏng, nhuyễn mịn trên mặt đường. Nằm im chờ đợi cơn gió khác.
Từ phía xa xa, ngay trên đầu dốc bụi lại cuốn lên.
Ngọn gió thổi ngược về sau, những gốc bụi lại chạy tới dần dần, gốc bụi bị bứng lên bởi một cỗ xe.
Cỗ xe hai ngựa, mui phủ kín, có thể vì sợ bụi, cũng có thể vì không muốn cho người đi đường thấy trong xe đang chứa những gì.
Trên mui xe, một gã thanh niên khoảng ngoài hai muơi tuổi.
Đáng lý hắn là một gã thanh niên khá tuấn tú. Vì bằng vào đôi mắt sáng, bằng vào khổ mặt thon dài, bằng vào vóc dáng hiên ngang của gã, đã nói lên được điều đó, nhưng bây giờ thì toàn thân, mặt mũi tay chân gã toàn bằng bụi đỏ. Đến y phục của gã cũng không còn phân biệt được màu chính của nó, gã trở thành lem luốc. Chỉ có đôi mắt của gã là còn giữ được vẻ tinh anh.
Cỗ xe, cũng là một cỗ xe tầm thường như những cỗ xe qua lại trên đường, chỉ có đôi ngựa là đặc biệt.
Đó là thứ ngựa ngoại Mông cao lớn, bờm cao, bốn vó nện trên mặt đường thật mạnh, thật nhanh và thật gọn.
Đúng là thứ ngựa quý đường xa.
Cái lạ thứ hai là hai gọng xe thật lớn, lớn bằng hai gọng xe thường, chỉ bằng vào cái lạ đó, người ta nhận ra ngay đó là thứ xe tiêu cục. Loại xe dành để tải hàng cho khách.
Gió thổi ngược chiều, bụi bốc lên từ chân ngựa, bánh xe, nhưng lại được đẩy ngược về sau. Vì vậy, nhìn từ phía trước, người ta thấy được xe ngựa rất rõ ràng.
Trên thành xe có cắm một lá cờ, lá cờ không lớn nhưng chữ rất rõ ràng. Mỗi lúc có ngọn gió phất qua, bốn chữ “Lương Gia Huynh Đệ” óng ánh duới ánh mặt trời do được thêu bằng kim tuyến.
“Lương gia huynh đệ”!
Tiêu cục của anh em nhà họ Luơng.
Họ lập nghiệp gần hai muơi năm nay, nhiều Phân chi của họ đã trải dài dọc theo đại giang Nam Bắc. Con đường nào có xe của “Lương gia huynh đệ” đi qua, con đường đó luôn được bình yên.
Có hai nguyên nhân cho sự an toàn này :
– Thứ nhất đã là “huynh đệ”, cho nên tiêu cục này hầu hết là người nhà họ Luơng. Tự nhiên họ là những kẻ võ công thuộc vào hàng không phải ăn hại.
– Thứ nhì, đối với bằng hữu giang hồ, họ là kẻ làm ăn chuyên nghiệp. Họ không hề gây chuyện ân oán với ai, họ rất tôn trọng bằng hữu giang hồ. Mà cái thứ bằng hữu giang hồ này, đa số phải hiểu đó là những tay anh chị giựt dọc, trộm cuớp, xưng hùng, xưng bá từng vùng… bán buôn không cần xu vốn.
Đặc điểm khác nữa là chuyện làm ăn của “Lương gia huynh đệ” thật là thuận lợi và luôn phát đạt.
Điều đó cũng có hai nguyên nhân :
– Thứ nhất, họ là những kẻ làm ăn “lấy công làm lời”, họ giữ đúng mức thành tín. Một xe, hai người hộ tiêu. Vật đến địa điểm, tiền mới trao ra. Vật mất họ đền bồi đủ số, chưa bao giờ khách hàng gặp một chuyện không vừa lòng.
– Thứ hai, người của tiêu cục đều mạnh khỏe và mẫn cán, họ làm công việc rất xứng đáng đồng tiền và không khi nào tìm cách “mánh mung”, “moi” thêm của khách, ngoài sự giao ước đầu tiên.
Chính vì thế, từ khi “Lương gia huynh đệ” dựng nghiệp, những tiêu cục khác ở dọc hai bờ đại giang Nam Bắc không làm sao tranh nổi.
Tự nhiên, gần hai muơi năm nay, “Lương gia huynh đệ” cũng phải gian nan vất vả, đã vuợt qua nhiều nguy hiểm, tử sanh, nhưng họ chưa từng làm cho một ai phải càu nhàu, than phiền. Cho đến ngày nay, cơ nghiệp của họ hoàn toàn vững mạnh.
Bây giờ, cỗ xe của họ đang lăn bánh trên dốc bụi mù. Và đúng theo quy củ, có hai kỵ sĩ hộ tiêu hai bên xe. Hai con ngựa kè sát cỗ xe.
Trên yên ngựa, hai trung niên đại hán khoảng ngoài ba muơi tuổi, vóc dáng cực kỳ uy dũng. Toàn thân thượng hạ, cả màu lông ngựa cũng y hệt. Cũng bụi đường xa nhuộm biến một màu hồng.
Một cỗ xe, hai kỵ sĩ.
Ba người đại hán vuợt đường trường đổ dốc. Bỏ lại đằng sau đỏ trời mây bụi.
Giữa trưa.
Nhìn về xa, không khí y như một nồi nước sôi, bốc hơi nghi ngút. Nếu không có những cơn gió làm chao đảo không khí ấy, có lẽ người trên đường sẽ bị sấy khô.
Thế nhưng cả ba, không thấy vẻ gì mệt mỏi, hình như đường còn xa và sức họ hãy còn thừa.
Mặt trời từ từ chênh bóng, nắng vẫn gay gắt nhưng gió đã có nhiều hơn, con đường xa tít bụi đỏ bốc lên từng đụn…
Hai bên đường là ruộng lúa ngập đầu.
Lúa đã cao nhưng chưa có bông, chứng tỏ ruộng lúa quá tốt.
Là vì bây giờ không ai nhận ra màu lúa tốt, không ai còn có thể viết rằng “thảm xanh chạy tuốt chân trời” được nữa, vì màu xanh mướt đáng lý phải có của ruộng lúa đã thành một màu đỏ nghệt.
Từ một con dốc nữa phía xa xa, có một rặng cây chạy dài theo chân núi, nhưng khi đổ dốc thì hai bên ruộng lúa mênh mông, con đường thẳng tắp không một bóng cây. Hai bên đường, cách xa vào khoảng trên, mầu bụi đỏ bám đầy đọt lúa nhưng khi vào xa, càng xa, lá lúa xanh rì, tấm thảm hai mầu hồng xanh kéo dài mút tầm con mắt.
Con đường bụi và nắng đốt ràn rụa nhưng khách bộ hành vẫn không hề cau mặt. Chỉ vì nếu có một cơn mưa đổ xuống, con đường này trái lại thật là vắng khách. Vì đất đỏ quết thành một chất dẻo như sáp ong, chân ngựa, bánh xe sẽ bị quện lại không tài nào di chuyển được.
Không ai hiểu được tại sao cỗ xe của Lương gia huynh đệ lại vượt khoảng đường này vào lúc giữa trưa. Bất cứ khách từ đâu đến, cho dầu khách lạ đường xa, trước khi vào quãng này, cũng đều được người ta cho biết giờ giấc có thể đi. Huống chi tiêu cục của Lương gia huynh đệ, lại thuộc nằm lòng những lộ trình dọc đại giang Nam Bắc.
Con đường không có gì hiểm trở và người ta chỉ có thể đi khi trời chưa sáng hoặc vào khoảng xế chiều. Giữa trưa nắng cháy bụi mù, đâu phải là thời gian để cho người ta vượt khoảng đường thăm thẳm như vầy?
Vậy mà Lương gia huynh đệ, những người quen thuộc lộ trình lại cho ngựa xe dong ruổi giữa cái giờ mà không có ai qua lại.
Không một sức nào, dù ngựa giỏi người dai, cũng không thể phí sức như rứa.
Bây giờ, mồ hôi đã đẫm ướt áo ngoài, mồ hôi tươm nhầy trên mình ngựa, bụi đỏ trộn vào tạo thành một thứ nhờn nhờn rin rít, mệt ít mà bị thứ đó làm cho uể oải nhiều hơn.
Người trung niên cuỡi ngựa đi bên trái chợt lên tiếng :
– Phi Hổ, có thể nhanh hơn chút nữa được không?
Phi Hổ, gã thanh niên đánh xe nhương nhướng mắt :
– Không thể hơn được nữa đâu nhị thúc, vì nếu đẩy quá, ngựa sẽ bết bát ngay.
Người trung niên bên trái cau đôi mày rậm :
– Chưa từng thấy năm nào như năm nay. Không khéo kéo dài cơn hạ là mùa màng năm nay sẽ không thu hoạch được…
Người bên phải bật cười :
– Phong không hòa, vũ không thuận thì tự nhiên xảy ra hạn hán, lụt lội, nhưng đó là chuyện của triều đình đâu phải chuyện của chúng ta…
Người trung niên bên trái lắc đầu :
– Tam đệ không nên nói như thế, hạn hán, thất thu, bá tánh chịu khổ là chuyện không một ai có thể sống được yên lành…
Người trung niên bên phải cũng lắc đầu :
– Nhị ca nói thế, tiểu đệ thấy vẫn có kẻ yên vui, hạn hán thất mùa vốn là cơ hội để cho những điền chủ, những nhà giàu siết họng thiên hạ đó chớ!
Người bên trái cau mày :
– Nhưng… tam đệ đứng về phía những cường hào ác bá, hay đứng về phía bá tánh lầm than mà nói thế?
Người bên phải cười :
– Nhưng bây giờ cho dù nhị ca có kêu khan cả cổ, cũng không làm sao có được một giọt nước. Trời cao quá, ông ta lại bận nhiều chuyện, làm gì có thì giờ mà nghe người nghèo khó kêu than!
Người trung niên bên trái đáp :
– Ði khoảng đường dài nắng cháy như thế này tuy có khổ, nhưng nắng vẫn còn có thể đi được hơn là mưa, ngu huynh không phải than cho chúng mình, mà là…
Người này chưa nói hết câu thì Phi Hổ đã vụt chỉ về phía trước kêu lên :
– Nhị thúc, tam thúc hãy nhìn kỹ về phía trước xem…
Cả hai người trung niên đều ghìm cương lại, cho ngựa chậm sát vào xe, cả hai chú mục về phía trước…
Cách đó khoảng năm mươi trượng, ngay giữa đường có một kẻ nằm dài. Không phải nằm dọc theo đường mà lại nằm ngang.
Người trung niên bên trái nhướng nhướng mày :
– Tam đệ hộ xa cẩn thận.
Gã thanh niên đánh xe kêu nhỏ :
– Nhị thúc, coi chừng trong đám lúa hai bên…
Người trung niên bên trái thúc ngựa lên.
Năm mươi trượng đối với ngựa chỉ là lộ trình trong nháy mắt, khi còn cách mười trượng nữa, người trung niên dừng lại, quan sát hai bên thật kỹ rồi thúc ngựa đi chầm chậm.
Bây giờ thì thấy rất rõ ràng, nằm trên đường là một gã thanh niên khoảng ba mươi tuổi. Không thấy dấu vết thương tích trên mình, dưới đất cũng không có dấu máu, hắn nằm im lìm, nhưng bằng vào tia mắt đầy kinh nghiệm, người trung niên chợt mỉm cười…
Chăm chú nhìn một lúc nữa. người trung niên lên tiếng :
– Bằng hữu, có gì nên nói thẳng với nhau. Trời nắng như thiêu, nằm giữa đường có quá nhiều bất tiện.
Không một tiếng trả lời, gã thanh niên nằm im không động đậy.
Bộ áo xanh hắn mặc trên mình, tuy bụi đã nhuộm bụi hồng nhưng vẫn không phải dấu của người bị ngã.
Người trung niên lại mỉm cười :
– Tại hạ là Lương Thiên Bảo, người của Lương gia huynh đệ, vì có chuyện gấp phải đi, xin bằng hữu nể tình tránh cho, tại hạ muôn vàn cảm tạ…
Người áo xanh vẫn bất động. Lương Thiên Bảo cau mày :
– Bằng hữu, đường vốn không phải để nằm. Nếu bằng hữu không đứng lên, tại hạ đành phải đi qua vậy.
Cái áo xanh vẫn không nhúc nhích.
Lương Thiên Bảo mím môi thúc mạnh gót vào hông ngựa. Con ngựa cất cổ lên cao bỏ vó.
Chỉ còn cách nhau không đầy ba trượng, người áo xanh vụt tung lên như một cây pháo thăng thiên.
Vừa tung lên, hắn vừa cười sằng sặc :
– Lương Thiên Bảo, sao mà độc ác thế?
Hắn không nhảy tránh mà nhảy nhập vào người của Lương Thiên Bảo. Hai bóng người vừa sát vào nhau là có tiếng rú lên liền.
Tên áo xanh ngửa ra sau, một đường máu từ nơi cổ chảy dài xuống ngực.
Lương Thiên Bảo giật mạnh dây cương và tay trái tung ra một vệt sáng vào giữa đám lúa rậm rì bên trái, sau đó con ngựa đã trở lại sát bên cỗ xe.
Giục ngựa tới, kéo ngựa lui, giải quyết xong đối thủ. Thân pháp của Lương Thiên Bảo quả xứng danh đứng vào hàng thứ hai của Lương Gia.
Vệt sáng từ tay hắn bay vào đám lúa là có ngay phản ứng.
* * * * *
Lúa thật tốt, cơn hạn hán vẫn chưa làm cháy lá, đám lúa cao gần đầu người lớn. Vệt sáng từ tay Lương Thiên Bảo bay vào, người đứng dậy.
Không phải một bên trái, cả hai đám lúa hai bên đường, đều có người đứng dậy. Thong thả đi ra.
Bên trái là người mặc áo mầu vàng, chưa nhuộm nhiều bụi hồng cho lắm, thân hình ốm tong teo và có bộ mặt dài như mặt ngựa.
Da mặt hắn nhờn nhợt, thứ da mặt mét chẹt đến xanh rờn.
Người bên phải bận áo trắng nho sinh, da mặt giống như mầu áo nhưng không trắng hồng mà búng búng như người bị sốt rét kinh niên.
Dáng cách của hắn thật thung dung, thứ thung dung lạnh băng băng dễ sợ. Lương Thiên Bảo vừa liếc qua là tái mặt, hắn nói nhỏ bên xe :
– Tam đệ, Hắc Bạch song sát, họ đã hoành hành dọc giải Thiểm Xuyên. Tam đệ và Ðại Hổ phải hết sức cẩn thận, khi thấy ta ra hiệu thì cho xe trở lại, để ta đoạn hậu.
Người trung niên đứng bên kia xe cau mặt :
– Nhị ca, có bao giờ xe của Lương gia huynh đệ chưa đến địa điểm mà quay trở về?
Lương Thiên Bảo nhíu mày nhưng chưa kịp nói gì thì Hắc Bạch song sát đã bước lên đường, đi đến gần và ngừng lại cách cỗ xe khoảng ba trượng.
Áo vàng, Hắc Sát nhìn Lương Thiên Bảo bằng tia mắt trầm trầm, giọng hắn như thách đố :
– Sao? Phi ngựa, đánh người và tung ám khí như thế để chứng tỏ uy phong của Lương gia huynh đệ có phải không?
Vừa nói, hắn vừa ngửa bàn tay, ánh thép xanh rờn của cái bánh xe nhỏ bằng đồng tiền với viền răng cưa sắc bén, món ám khí của Lương Thiên Bảo đã bị hắn nắm gọn như món đồ chơi trẻ nít.
Lương Thiên Bảo tái mặt và khẽ đưa mắt cho Lương Phi Hổ ngầm ra lịnh chuẩn bị quay xe trở lai.
Hắc Sát nói tiếp bằng giọng gằn gằn :
– Ta có một quy củ từ lâu. Bất cứ kẻ nào, giao đấu trước mặt ta, cho dầu làm rơi một cánh tay, hay chặt cả hai chân ta, ta cũng không hề tính toán, nhưng nếu kẻ nào dùng ám khí giở trò đánh lén thì kẻ đó được xem như đã chết.
Nói xong, hắn cầm cái bánh xe răng cưa thép bằng hai đầu ngón tay và bóp mạnh.
Y như một miếng bánh tráng nướng quá lửa, bánh xe thép khua dòn và rơi xuống đất từng mảnh vụn.
Lương Thiên Bảo cố trấn tĩnh vòng tay :
– Lương gia huynh đệ Lương Thiên Bảo xin hỏi…
Hắc Sát lắc đầu :
– Ngươi phải chết rồi, mà người chết thì không cần phải biết đến danh hiệu của bọn ta.
Bạch Sát cười cười :
– Nhị đệ thật thì thôi, cứ nói cho hắn biết, chứ không khi xuống gặp Diêm vương, hắn làm sao mà đầu cáo!
Hắc Sát nhún nhún vai :
– Muốn nói gì thì anh nói đi, tôi lười nói với người sắp chết lắm.
Bạch Sát cười với Lương Thiên Bảo :
– Hắn và ta đã được bằng hữu giang hồ miệt Thiểm Xuyên gọi là “Hắc Bạch song sát”, chắc ngươi cũng có nghe rồi chứ?
Lương Thiên Bảo gật gật đầu :
– Có nghe, đã nghe nhiều về nhị vị… Nhưng có điều tại hạ không được rõ là giữa Lương gia huynh đệ với nhị vị vốn không hề có chuyện chi không phải…
Chỉ ngược lại cái thây của tên áo xanh vừa bị Lương Thiên Bảo hạ vừa rồi, Bạch Sát cười gằn :
– Ai nói chưa hề có chuyện không phải? Như vậy tên mở đường của bọn ta bị trúng gió mà chết đó sao?
Lương Thiên Bảo đáp :
– Quý thuộc cản đường, tại hạ đã nhiều lần lên tiếng hỏi và chính vị đó tấn công trước…
Bạch Sát gật đầu :
– Đúng! Hắn đã nằm giữa đường, và chính ta cũng đã nghe ngươi nhiều lần lên tiếng, nhưng nằm ngoài đường là phạm tội hay sao? Tại sao ngươi không xuống ngựa lại gần lay gọi người ta mà lại giục ngựa định càn lên mình người ta như thế chứ?
Lương Thiên Báo cố nhã nhặn :
– Đúng! Quý thuộc nằm trên đường quả thật không đụng đến ai, nhưng quý thuộc nằm giữa đường, nhị vị phục hai bên. Chuyện đó không cần phải hỏi cũng biết ý đồ. Vả lại khi nhóng mình lên là quý thuộc đã tấn công ngay.
Bạch Sát nhún vai :
– Có khi vì nằm giữa đường đất cứng rêm mình, có thể hắn muốn cử động làm giãn gân cốt thì sao? Mà thôi. Ta không có thì giờ cãi lý với ngươi.
Nghe câu này thấy chạm tự ái hơi nhiều, Lương Thiên Bảo nhướng mày :
– Lương mỗ hộ xa bao nhiêu năm, đã gặp không biết bao nhiêu điều lành dữ, có lý hay không là tùy quý vị.
Hắc Sát cười sằng sặc :
– Tùy à! Được lắm, ta nói cho ngươi biết nè, quy luật giang hồ là ai có vùng nấy, hùng cứ nhất phương làm gì thì làm, nhưng khi dẫm chân lên địa phận của ai thì phải ra sao? Chắc ngươi cũng thừa biết chứ?
Lương Thiên Bảo cười nhạt :
– Không ngờ uy chấn Thiểm Xuyên của Hắc Bạch song sát mà lại đem thân danh ra để đòi tiền mãi lộ! Theo tại hạ biết, đó chỉ là hành động của loại cường sơn thảo khấu chứ người có danh phận như nhị vị lại đi làm như thế hay sao?
Họ Lương liếc vào cỗ xe mình và tiếp :
– Nhưng nếu quả có ý đó thì nhị vị đã lầm, vì trong xe này, không có thứ tài vật nào đáng giá cả!
Hắc Sát cười khẩy :
– Ngươi xem Hắc Bạch song sát chúng ta có thiệt sự giống những kẻ mà ngươi vừa nói đó không?
Lương Thiên Bảo nhướng mắt :
– Nếu không thì nhị vị…
Hắc Sát chận ngang :
– Hai người trong xe, ngươi hãy chừa lại một, bọn ta sẽ để cho hai mạng sống của Lương gia huynh đệ được an toàn, không hề sứt mẻ một miếng.
Lương Thiên Bảo sửng sốt :
– Nhị vị cần người?
Hắc Sát gật đầu :
– Đúng vậy!
Vừa nói, hắn vừa lừ lừ nhích tới…
Lương Thiên Bảo khoát tay :
– Khoan, tại hạ xin hỏi, nhị vị có biết người trong xe là những ai không?
Hắc Sát cười :
– Ngươi hỏi câu này quá thừa.
Lương Thiên Bảo hỏi tiếp :
– Họ có cừu oán gì với nhị vị hay sao?
Hắc Sát lắc đầu :
– Không cừu hận gì cả.
Lương Thiên Bảo cau mặt :
– Cứ theo tại hạ biết thì hai vị khách hàng của Lương gia huynh đệ vốn không hề có chuyện qua lại giang hồ, không từng gây thù oán với bằng hữu võ lâm. Họ vốn là dân lương thiện, vậy chẳng hay nhị vị cần đó là người nào?
Hắc Sát cười sằng sặc :
– Người dân lương thiện? Lương Thiên Bảo, sao ngươi xem nhẹ chúng ta như thế. Ngươi nói thật hay nói đùa? Không phải họ là những kẻ quan trọng hay sao?
Lương Thiên Bảo lắc đầu :
– Có lẽ nhị vị đã lầm…
Hắc Sát nặng mặt :
– Lầm hay không đó là chuyện của ta, ta chỉ hỏi ngươi một điều. Ngươi có bằng lòng để người ấy lại, hay là muốn tất cả cùng ở lại? Nếu để người ấy lại thì hai người của Lương gia huynh đệ sẽ được an toàn về đến nơi đến chốn.
Lương Thiên Bảo nhướng mắt :
– Lương gia huynh đệ ở đây có ba người?
Hắc Sát lộ vẻ ngạc nhiên :
– Ngươi cũng được kể vào kẻ trở về nữa hay sao? Tại sao ngươi mau quên quá vậy? Ta đã nói rồi, ngươi là kẻ phải chết tại đây.
Lương Thiên Bảo biến sắc, nhưng chợt bật cười lớn :
– Nhị vị xem thường người của Lương gia huynh đệ quá như thế? Chẳng lẽ một kẻ hộ xa lại để cho ai bảo chết cũng chịu chết hay sao?
Nhìn cỗ xe, Lương Thiên Bảo ra lịnh :
– Tam đệ, hãy cho Phi Hổ quay xe lại, chuyện ở đây mặc ta.
Người trung niên kia cau mặt :
– Nhị ca…
Lương Thiên Bảo trầm giọng :
– Thiên Ðạt, kháng lịnh phải không?
Lương Thiên Ðạt cúi đầu và Lương Thiên Bảo hất tay về phía Phi Hổ :
– Hãy quay xe lại.
Lương Phi Hổ nhìn Lương Thiên Ðạt :
– Tam thúc…
Lương Thiên Bảo rút trường kiếm quát lớn :
– Có nghe lịnh hay không?
Lương Thiên Ðạt mím môi và hất đầu nhè nhẹ ra dấu cho Phi Hổ quay xe trở lại…
Bạch Sát cười thâm trầm :
– Lương Thiên Bảo, ngươi đoạn hậu đấy à? Sao lại tối tăm như thế, ngươi hãy rờ lên cổ ngươi thử xem có gì không?
Phi Hổ tái mặt, vừa nắm cương ngựa, hắn vùng đặt xuống, nhìn vào cổ Lương Thiên Bảo…
Sát bên cổ áo, một cây kim thật nhỏ nhưng vì là kim loại nên dưới ánh nắng lấp lánh trông thật rõ ràng, ánh sáng có pha lẫn màu xanh đen. Chứng tỏ cây châm này có tẩm độc…
Họ phóng độc châm từ bao giờ?
Tại sao luôn cả Lương Thiên Bảo cũng không hay?
Nhưng Lương Phi Hổ không kịp nghĩ gì thêm được nữa, hắn hớt hải kêu lên :
– Nhị thúc…
Cùng một lúc với tiếng kêu của Phi Hổ, Lương Thiên Bảo đưa tay sờ lên cổ và tái mặt…
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!