Ân Thù Kiếm Lục
Chương 32: Quần anh đại hội
những câu đối đáp của họ, ai ai cũng lấy làm lạ cho thái độ của họ, và ai ai cũng khó nín cười.
Họ cười vì nàng dọa mét thóc với cha mẹ Tưởng Tiếu Dân, nàng lấy tư cách gì mà làm cái việc đó chứ?
Muốn làm như vậy ít nhất cũng là em gái, hoặc giả là một tiểu muội, nếu không là vị hôn thê bởi hành động đó chứng tỏ một sự nũng nịu của những kẻ được nuông chiều.
Cả một vùng rộng lớn quanh đài trường đang ngạt thở dưới sát khí bốc dậy từ mọi nơi, lúc đó nhân câu chuyện của Tưởng Tiếu Dân và Mã Thúc Tuyền bớt đi phần nào sự trầm tĩnh, nặng nề, trên môi mọi người đều có nụ cười, ánh mắt sáng hơn, và niềm cởi mở tạm thời đó được chuyền ra qua những tiếng xì xào bàn tán.
Tuy nhiên, tại bàn chủ tọa, ai ai cũng cố giữ vẻ trang nghiêm dù sự tình đáng được tán thưởng bằng một nụ cười.
Đinh lão phu nhân ho mấy tiếng để dồn tiếng cười trở xuống yết hầu đoạn tuyên bố :
– Người thắng trận thứ tư, là Vô Tình công tử Tưởng Tiếu Dân!
Bà đằng hắng, chờ cho mọi người chú ý hơn một chút, đoạn tiếp :
– Trận thứ năm, do hai đại hiệp Thiên Đao Mai Khiêm và Cự Linh Phủ Phương Trường Đông. Xin mời hai đại hiệp thượng đài!
* * * * *
Nghe gọi đến Thiên Đao Mai Khiêm quần hùng đều im lặng.
Chừng như cái danh hiệu có oai lực làm khiếp người, cái danh hiệu đó tượng trưng cho một sự sắc bén, một sự nhanh nhẹn, một ý nghĩa sát phạt, một niềm tử vong!
Đao, là một vật chớp ngời đánh ra như làn sét hiện, rất chuẩn, rất xác.
Phủ, là một vật nặng to lớn, dĩ nhiên kém linh hoạt.
Phủ đã vậy cự phủ lại còn phải chậm chạp hơn, vì hình thức lớn phi thường, loại búa phá rừng, chém núi, tuy chậm nhưng lúc vung lên tạo nên một khí thế mãnh liệt, như beo đùa, như thác đổ, lợi ở chỗ chạm địch, bất cứ vũ khí nào cũng cố tránh chạm vào búa.
Gặp búa dù to, dù mạnh, đao lại nhanh nhẹn, búa chẳng chạm được đao, mà đao thì luôn bay tới tìm chỗ nhược thọc vào.
Đao tiện lợi hơn búa, đao lại do Mai Khiêm sử dụng thì cuộc đấu phải kết thúc nhanh chóng.
Cho lên, búa vừa chớp một đao đã chớp ba và Cự Linh Phủ Phương Trường Đông ngã nhào, quần hùng không hoan nghênh chi cả.
Bởi cuộc đấu chẳng tạo nên một hứng thú nhỏ, bởi quần hùng cầm chắc là Phương Trường Đông phải bại, và bại gấp.
Bất cứ cái gì xảy ra đúng với sự suy đoán của thiên hạ thì chẳng có ai lấy làm lạ, bởi nó thông thường quá do đó quần hùng cầm như chẳng có cuộc đấu thực sự, và họ dửng dưng để chờ xem tiếp.
Cũng có một người ít người thầm trách Cự Linh Phủ Phương Trường Đông cho rằng y quá háo danh, không tự lượng sức mình, đem sức con châu chấu toan đảm đương phần việc đẩy cỗ xe võ lâm qua xác chết của người kiếm khách áo trắng.
Vì lên đây, là tranh chức vị đại biểu võ lâm, danh dự của võ lâm sẽ được đặt trọn trong lòng bàn tay người đại biểu, đại biểu thắng được kiếm khách áo trắng là võ lâm còn. Đại biểu bại, là võ lâm tiêu diệt.
Cũng có một số người cho Mai Khiêm hơi tàn nhẫn, dù sao thì cũng phải nương tay cho Phương Trường Đông qua năm mươi chiêu để cho Phương vớt vát mặt mày hoặc giả nên đánh bại mà thôi, hà tất phải kết liễu một mạng người?
Mai Khiêm cố giữ gìn công lực để tiếp tục những trận đấu khác trong những vòng loại khác chăng? Rất có thể như vậy lắm.
Y lấy trong mình ra một chiếc khăn, lau kỹ hai bên đao thần sắc lạnh lùng.
Những người xuất hiện trên lôi đài, thắng cũng như bại, chẳng ai có gương mặt lạnh lùng như y, có thể bảo y là một con người máy, mà linh hồn do ác quỷ điều khiển.
Nhìn gương mặt đó, còn ai dám hy vọng nơi y một tình thương một sự đồng tình cho đến sự hãi hùng kinh khiếp cũng chẳng bao giờ hiện lộ nơi y.
Y là con người cử động như mọi người, lại không có tri giác như người!
Mẫu người đó nghìn năm trước vốn không, nghìn năm sau chắc chắn cũng không!
Nhất Mộc đại sư thở dài trầm trọng thốt :
– Ba nhát đao! Ba nhát thôi! Không thiếu nửa chiêu dư nửa chiêu!
Một con người không thích lãng phí công lực! Đến cả việc giết người cũng xuất phát vừa vặn công lực!
Đinh lão phu nhân tiếp :
– Đao pháp đó không xuất phát tại Trung Thổ!
Nhất Mộc đại sư gật đầu :
– Đúng vậy! Nếu bần tăng không đoán lầm, thì đao pháp đó từ miền Đông Doanh truyền sang Trung Thổ, và rất ít người học được!
Họ luận về đao pháp, so sánh vũ học của Trung Thổ và Động Doanh họ cho rằng Mai Khiêm có đấu pháp tương trợ với đấu pháp của Bạch Y kiếm khách.
Đinh lão phu nhân chờ cho các đại hán rửa máu, mang xác chết xuống dưới đài xong, đứng lên tuyên bố :
– Trận thứ năm, Mai đại hiệp thắng, sau trận thứ năm là trận thứ sáu, trận cuối cùng của vòng loại thứ ba…
Bà dừng lại một chút đoạn tiếp :
– Trận này, do đại hiệp Thiên Thượng Phi Hoa Lãnh Băng Ngự..
Bà lại dừng lâu hơn lần trước không tiếp nối liền.
Bà không nêu danh hiệu đấu thủ của Lãnh Băng Ngư.
Phương Bửu Ngọc chú ý lắng nghe song Đinh lão phu nhân chẳng nói gì thêm, chàng hết sức lấy làm lạ chẳng hiểu có sự trở ngăn nào khiến bà ngập ngừng. Bởi vì sao thì một cuộc đấu cũng phải gồm ít nhất là hai võ sĩ, tại sao bà chỉ nêu danh một người rồi im bặt.
Lãnh Băng Ngư điểm một nụ cười lạnh đứng lên, từ từ đến lôi đài lạnh lùng hỏi :
– Cứ theo sự hiểu biết của tại hạ thì sau khi vòng loại thứ hai kết thúc, chỉ còn mười một người. Mười người đã lần lượt giao tranh qua năm cuộc đấu, chỉ còn thừa lại một tại hạ. Cái kết quả này do sự bất thăm mà ra, chứ có phải là do tại hạ muốn được miễn trừ một cuộc đấu vì thiếu đấu thủ đâu? Dù muốn dù không cuộc đấu thứ sáu phải xem như thông qua, và người được chọn vào vòng loại thứ tư cũng phải là tại hạ.
Cớ sao phu nhân còn tuyên bố là cuộc đấu thứ sáu? Dám hỏi phu nhân, người sắp giao đấu với tại hạ là ai, từ đâu mà ra?
Đinh lão phu nhân đằng hắng một tiếng :
– Lời nói của Lãnh đại hiệp rất hợp lý, nhưng sở dĩ người sắp giao đấu với đại hiệp không có mặt tại đây, để tranh thắng qua hai vòng loại vừa rồi là vì người ấy đảm trách một sự việc vô cùng trọng đại cho võ lâm. Bởi cái việc đó người phải đến chậm, chứ một vị danh hiệp như người có khi bao làm một cuộc tính toán nhỏ nhen mà phải đến sớm hay đến muộn!
Lãnh Băng Ngư cười lạnh :
– Phu nhân nói gì, tại hạ thật tình chẳng hiểu nổi!
Y đảo mắt nhìn đài trường, như để phân bua với quần hùng về những lời y sắp nói ra, rồi y tiếp liền, chẳng đợi Đinh lão phu nhân giải thích :
– Dù đối thủ của tại hạ là một danh hiệp, và theo ý phu nhân, một danh hiệp khỏi cần phải tranh qua hai vòng loại dù người đó vì sự trọng đại của võ lâm mà đến chậm, thì người đó còn muốn tranh chấp làm gì, bởi có ai tin được là không có sự tính toán, chờ cho đối thủ mòn mỏi công sức mới vào cuộc? Phu nhân phải biết là tại hạ đã qua hai lần giao chiến mà người đó chẳng nhọc công chút nào, bỗng nhiên đem cái khỏe toan thủ thắng trước cái mệt thì công đạo ở chỗ nào? Đại hội hôm nay có quy ước, có luật lệ đàng hoàng mà chính phu nhân là một trong những người lập ra quy ước đó, bây giờ phu nhân lại phủ nhận là nghĩa làm sao?
Đinh lão phu nhân thở dài :
– Già nhìn nhận là có sai quy ước nhưng vì đại cuộc, cũng có thể cải sửa phần nào chứ? Chẳng lẽ vạch ra làm sao dù thấy không lợi cũng vẫn phải giữ y như vậy sao?
Lãnh Băng Ngư rùn vai :
– Sửa đổi quy ước hay không sửa đổi, đó là quyền của ban chủ tòa, tại hạ chỉ muốn lý do, tại sao vì con người đó mà sửa đổi quy ước. Người đó sở cậy vào việc gì? Uy thế? Thinh danh? Xin phu nhân giải thích!
Đinh lão phu nhân trầm giọng :
– Người đó vì thiên hạ võ lâm đã làm một việc vô cùng lợi ích mà việc làm đó lại đòi hỏi khí lực quan trọng, nếu so phần tiêu hao công lực giữa việc người đó đã làm và hai cuộc đấu của Lãnh đại hiệp già dám chắc là người đó có tiêu hao quan trọng khí lực hơn dại hiệp nhiều.
Cho nên già cùng Nhất Mộc đại sư và các vị trang chủ tòa đoàn, đều đồng ý quyết định, sắp cho người đó giao đấu trong trận thứ sáu này với đại hiệp!
Nhất Mộc đại sư chấp tay chữ thập thốt :
– Bần tăng và các vị này dám lấy danh dự bảo chứng lời nói của Đinh lão phu nhân! Lão phu nhân nói đúng sự thật đấy!
Một người thì chẳng nói làm chi, cả sáu người đều là những nhân vật được trọng vọng nhất đương thời tất cả cùng bảo chứng thì sự bảo chứng đó có giá trị phi thường.
Quần hùng định phản đối Đinh lão phu nhân phá lệ, thấy thế đều im thin thít.
Lãnh Băng Ngư đảo mắt nhìn quanh biết là mọi người đều tin tưởng nơi giám định, nên chẳng dám dựa vào công đạo mà phản đối sự vi phạm quy ước nữa.
Bắt buộc y phải xuôi theo và y trầm giọng hỏi :
– Nếu vậy dù muốn dù không tại hạ cũng chẳng thể làm khác hơn quyết định của các vị. Tại hạ xin hỏi cái người đó là ai? Và người đó bận việc gì cho đồng đạo võ lâm đến độ phải chậm trễ có mặt tại đại hội?
Đinh lão phu nhân đáp :
– Người đó có phận sự đến Đông Danh tra cứu lai lịch của kiếm khách áo trắng, vì hành trình khó khăn, nên trở về Trung Thổ không kịp lúc. Hơn nữa đến Thái Sơn rồi người đó còn phải ra sức tận diệt hơn mười tên ác tặc đang âm mưu hãm hại tất cả anh hùng tụ hội tại đây.
Người đó phải khổ chiến hơn một khắc thời gian mới hạ được bọn ác tặc!
Quần hùng nhao nhao lên, mỗi người hỏi một câu đại khái như thế này :
– Có truy ra lai lịch người áo trắng chăng?
– Bọn ác tặc đó là những tên nào? Dám mưu toan hãm hại chúng tôi?
Đinh lão phu nhân cười nhẹ :
– Nói đến danh tánh của người đó, có lẽ hầu hết các vị đều biết.
Còn như các vị muốn hiểu điều chi, tốt hơn nên để cho người đó tự hồi đáp với các vị!
Bà dừng lại một chút đoạn buông từng tiếng một trong khi hội trường im lặng chờ nghe :
– Người đó là Công Tôn Hồng đại hiệp!
Quần hùng kêu to lên, muôn người kêu nhưng cùng một câu nói :
– Công Tôn Hồng! Có phải là người được giang hồ tặng ngoại hiệu là Loạn Thế Nhân Long, thường sử dụng chiếc Thiên Long Côn một loại vũ khí ngoại môn đứng hàng nhất trong mười ba loại?
Đinh lão phu nhân nhìn thoáng qua Lãnh Băng Ngư đáp :
– Phải, có lẽ Lãnh đại hiệp cũng biết người đó?
Lãnh Băng Ngư xanh mặt nhưng vẫn lạnh lùng thốt :
– Chắc y cũng biết tại hạ!
Đinh lão phu nhân vốn là tay lão luyện giang hồ, hiểu rõ phản ứng nơi Lãnh Băng Ngư như thế nào, khẽ điểm một nụ cười rồi gật đầu hỏi :
– Nếu vậy Lãnh đại hiệp có bằng lòng giao thủ với Công Tôn đại hiệp chăng?
Lãnh Băng Ngư ngẩng mặt lên không bật cười cuồng dại.
Cười một lúc, y gằn giọng :
– Tại sao tại hạ chẳng bằng lòng? Chẳng lẽ tại hạ sợ y?
Y ngưng bặt tràng cười rồi cao giọng hỏi :
– Tại hạ có ý định từ lâu, tìm y để xem cho biết ai hơn ai kém, nhất là để hiểu cái lý do xếp hạng chiếc Phong Vân Thiên Long Côn của y trên ngọn Phá Vân Chấn Thiên Bút của tại hạ. Sự xếp hạng đó dường như không được công bằng.
Đinh lão phu nhân gật đầu. Bà nhìn xuống phía đài gọi to :
– Xin mời Công Tôn đại hiệp!
Từ trong đám đông, không xa đài trường lắm, một bóng người vút thẳng lên không. Chẳng kể khoảng cách từ mặt đài trở xuống đất, chỉ kể từ mặt đài trở lên trên, cái vút của người đó cao hơn bốn trượng.
Người đó lại nhếch một bên vai, chênh chênh mình, khi ngang sàn đài liền xuống tấn thiên cân trụy, đáp ngay trong khoảng giữa Lãnh Băng Ngư và bàn chủ tọa.
Người đó là một đại hán thân hình vạm vỡ, tóc rối bù, trừ chót mũi ra, toàn gương mặt đều có râu ngắn xồm xoàm.
Râu đen, làn da đỏ, trông y như một vầng lửa từ ngang trời lao xuống.
Đôi mắt của y sáng lạ lùng mà cũng to phi thường, đôi mắt phải to mói cân xứng với thân vóc vĩ đại.
Chiếc áo của y rách bươm, hai ống quần xắn lên khỏi gối bày ra hai chiếc chân hộ pháp, cũng đỏ như hai chân đồng, toàn thân bùn đất bám đầy, nhất là đôi giày trăm lỗ như bết đất nhão cho bít lỗ trống.
Trạng thái đó ở nơi bất cứ ai cũng tạo nên cái vẻ xác xơ bẩn thỉu, tiều tụy, nhưng ở y lại chẳng làm kém giảm mảy may oai khí của một người hùng.
Nếu nhìn kỹ một chút hẳn thấy phảng phất một cái gì tôn quý bốc từ người y, như diệu tướng của một nhà lãnh đạo linh hồn, hoặc khí tượng của một người nắm quyền thống trị.
Bàn tay tả cầm một chiếc côn bằng gỗ dài độ ba thước, gỗ màu đen song được y sờ mó vuốt ve qua nhiều năm tháng, gỗ bóng loáng lên như có phết qua một lượt dầu.
Bàn tay hữu cầm một chiếc bọc, chẳng rõ có vật gì trong bọc, theo động tác của y những vật đó chạm nhau kêu lọc cọc. Từ trong bọc, có một chất nước rỉ ra, không rỉ nhiều nhưng rỉ đều đều, chỗ y đứng lại đúng nơi Phương Trường Đông ngã gục, các đại hán túc trực rửa máu, chưa khô sàn, những giọt rỉ đó rơi xuống gặp ván ướt lan ra, tạo thành những đốm hoa màu đỏ.
Những người đứng gần đài, giật mình kêu lên :
– Máu! Máu từ trong bọc chảy ra!
Ai kinh ngạc vì máu, mặc ai, Ngưu Thiết Oa chỉ với ý nghĩ riêng của gã, hét lên oang oang :
– Tiểu huynh đệ! Có vậy mới xứng đáng chứ? Phàm là nam tử thì phải có thân hình hộ pháp chứ? Xuống đây, xuống đây! Chúng ta đọ xem ai cao lớn hơn ai nào?
Dĩ nhiên người đó chính là Công Tôn Hồng.
Đưa cánh tay lên, quét vội qua mặt lau mồ hôi, Công Tôn Hồng nâng bổng chiếc bọc lên cao, hướng xuống đài cao giọng hỏi :
– Các vị có muốn xem vật gì bên trong chiếc bọc này chăng?
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!