Ân Thù Kiếm Lục - Chương 34: Công chúa chiến quần hùng
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
86


Ân Thù Kiếm Lục


Chương 34: Công chúa chiến quần hùng


Âu Dương Thiên Kiều đã xuất thủ, thiếu niên áo xanh tự nhiên cũng phải xuất thủ.

Nhưng đấu pháp của thiếu niên hoàn toàn trái ngược với đấu pháp của Thiên Kiều. Đấu pháp đó vô cùng hoa dạng bất quá chỉ để biểu diễn cho đẹp mắt mà thôi, hoặc để luyện tập gân cốt, nhưng lối luyện tập gân cốt đó lại chỉ thích hợp cho phái yếu.

Xa hơn nữa, nếu muốn làm một cuộc so sánh rộng, cũng có thể cho rằng lấy cái mỏng như trứng, chọi với cái cứng như đá, hoặc lấy cái phiêu phưởng như lông, chọi với ngọn lửa bốc phừng, dùng cái lông đó để dụi tắt ngọn lửa vậy!

Nhưng tuy thủ pháp phù phiếm, thủ pháp của thiếu niên áo xanh rất nhanh, thủ pháp nhanh thì thân pháp cũng phải nhanh, vừa giao đấu qua mấy chiêu đầu khắp sân đài nơi nào cũng có bóng thiếu niên áo xanh, và không gian như lợp chưởng ảnh của y.

Có thể bảo y sử dụng một bộ pháp lăng ba, chợp chờn, đảo lượn tùy ý, thủ pháp bay bướm, phiêu linh.

Quần hùng hiện diện đã mục kích hơn hai mươi trận đấu rồi, đều nhìn nhận chưa có đấu thủ nào có thân pháp và bộ pháp như thiếu niên.

Vì cái độc đáo đó, nên chẳng những làm hoa mắt đối phương, mà người dự khán dưới dài cũng chẳng còn phân biệt được hình bóng nào hư, hình bóng nào thực, chiêu nào công, chiêu nào nhử.

Dĩ nhiên đấu pháp đó cực kỳ biến ảo, song đến cả Nhất Mộc đại sư, Đinh lão phu nhân và Vân Tử Lượng cũng chẳng nhận định được mỗi biến ảo như thế nào.

Cuộc đấu càng dài lâu, đấu pháp của thiếu niên càng linh hoạt không gian lợp chưởng ảnh như có trận mưa hoa rơi xuống sân đài!

Nhất Mộc đại sư thở dài :

– Hơn năm mươi năm bôn tẩu giang hồ, bần tăng chưa hề thấy một cao thủ nào có thân pháp cực kỳ linh ảo như thế. Mà cũng chưa bề thấy một thiếu niên nào thông tuệ như nàng này.

Đinh lão phu nhân trầm giọng :

– Đại sư bằng vào đâu mà cho rằng nàng thông tuệ? Thực già chưa hiểu rõ.

Nhất Mộc đại sư giải thích :

– Phu nhân cứ nhìn kỹ một chút. Chưởng đánh ra mới xem thì hoa dạng lắm, có hư mà không thực, song xem kỹ, mới thấy kín đáo không hề rối loạn vì biến ảo quá, linh diệu quá nên chẳng ai nhận ra cái thực trong chỗ hư. Sử dụng được một chưởng pháp cực kỳ phức tạp như vậy, nếu không là người thông tuệ thì tránh sao khỏi rối loạn. Chính người xem còn phải mê man huống hồ người sử dụng!….

Đinh lão phu nhân gật đầu thở dài :

– Chỉ mong người thông minh sẽ gặp kẻ thông minh hơn.

Phương Bửu Ngọc nghe rất rõ những câu đối đáp giữa Nhất Mộc đại sư và Đinh lão phu nhân. Niềm cảm khái nơi chàng bốc mạnh. vì chàng biết rõ thiếu niên áo xanh trên lôi đài là ai, chỉ vì chàng biết sự thông tuệ của y như thế nào, biết rõ hơn ai cả.

Và thiếu niên áo xanh là Tiểu công chúa, con gái của Tử Y Hầu!

* * * * *

Tiểu công chúa đột nhiên xuất thủ.

Một sự kiện phi thường.

Bởi người trong Ngũ Hành ma cung thường thì hành động trong bóng tối, từ trong bóng tối họ hoạch định mưu đồ, họ pbân phối công tác, họ sai khiến thuộc hạ, họ chỉ để ló cái đuôi qua các thủ hạ của họ, chẳng khi nào họ xuất đầu lộ diện.

Trên giang hồ thiên hạ chỉ biết mang máng có Ngũ Hành ma cung chứ chẳng biết người trong Ngũ Hành ma cung là những ai và như thế nào…

Giờ đây Tiểu công chúa xuất hiện!

Tiểu công chúa trước kia là con gái của Tử Y Hầu, Tiểu công chúa ngày nay là một quân cờ của Ngũ Hành ma cung!

Dù muốn dù không nàng cũng là người của Ngũ Hành ma cung.

Bởi, riêng về Phương Bửu Ngọc chàng đã thấy nàng tại Ngũ Hành ma cung.

Sự xuất hiện của Tiểu công chúa trong cuộc đại hội Thái Sơn này ngay trên lôi đài, là một sự phi thường đối với Phương Bửu Ngọc.

Từ lúc Tiểu công chúa lên đài, chàng hết sức phân vân, lo nghĩ.

Phải có một nguyên nhân nào người trong Ngũ Hành ma cung mới lộ diện chứ?

Và nguyên nhân đó như thế nào?

Từ bao lâu nay, Ngũ Hành ma cung ẩn trong bóng tối bày nhiều trò quỷ, tạo nên ngàn muôn nghi vấn cho giang hồ khiến mọi người hướng về chàng, hướng về để mà mỉa mai khinh miệt, làm cho chàng tiến không đường lui không đất.

Ngũ Hành ma cung rất sợ chàng sẽ tranh chức vị đại biểu võ lâm, bởi với chức vị đó chàng sẽ gây tạo nên một thế lực lớn lao trên giang hồ, với thế lực đó, chàng sẽ kìm hãm mọi hoạt động của họ.

Nhưng ngày Bạch Y kiếm khách trở Trung Nguyên, họ thấy họ phải đảm đương chức vụ đối phó với Bạch Y kiếm khách.

Giờ đây giang hồ gần như nhiễu loạn, hào kiệt chết rất nhiều. Bẩy vị đại đệ tử hầu tận diệt, Bạch Y kiếm khách trở lại hay không điều đó họ chưa dám chắc, không trở lại thì chẳng nói làm chi, có trở lại hẳn phải có người đối phó…

Họ cho rằng Phương Bửu Ngọc đã chết rồi, Phương Bửu Ngọc chết là sự cố kỵ của họ cũng hết, thời gian thuận tiện lắm rồi, họ còn chờ chi nữa mà chưa ra mặt?

Ra mặt ngay trong lúc tình hình hỗn loạn. Thì họ có rất nhiều hy vọng thực hiện mỹ mãn mưu đồ, họ nắm nhiều phượng diện đưa đến thành công, họ sẽ nắm đại cuộc trong tay, mặc tình họ thao túng Cho nên, khi nào họ bỏ qua cơn may mắn ngàn năm một thưở.

Phương Bửu Ngọc đảo mắt nhìn quanh, chàng lắc đầu.

Một số người đứng trước mặt chàng đã thay đổi chỗ đứng.

Những người đó trước thì vận áo gấm, màu sắc hoa hoè, cười cười nói nói, bây giờ thì y phục gấm đã được thay bằng y phục đen, và đầu đội thứ nón lớn.

Người đứng đầu bọn đó, kéo chiếc nón rủ xuống tận mi, song không giấu đựợc đôi mắt sáng như sao trời, tuy giữ vẻ bình thản song chốc chốc liếc lên lôi đài, liếc mà không cần ngẩng mặt nên chẳng ai bắt gặp cái liếc của y.

Không ai bắt gặp, chi có Phương Bửu Ngọc bắt gặp.

Và chàng nhận ra người có đôi mắt đó là là ai.

Người đó là Hỏa Ma Thần hay đúng hơn là một Hỏa Ma Quỷ. Đôi mắt đó, dù xa cách bao nhiêu lâu, nhìn lại là Phương Bửu Ngọc nhận ra ngaỵ..

Có mặt Tiểu công chúa… có mặt Hỏa Ma Thần. Như vậy là trong đại hội Thái Sơn này, có ít nhất cũng hai người trong Ngũ Hành ma cung, không kể những đại hán cùng đứng chung với Hỏa Ma Thần.

Và biết đâu, rải rác quanh hội trường lại chẳng có một số người khác?

Có bọn họ tại đây rồi, là sắp có những trò quỷ diễn ra, những trò kinh thiên động địa!

Biết như vầy, Phương Bửu Ngọc có đoán được những trò quỷ đó sẽ diễn ra như thế nào?

Chàng làm sao biết được? Không biết được thì làm sao phòng ngừa?

Chàng nghe máu nóng trong người sôi sục tưởng chừng các huyết quản phải vỡ tung với nhiệt độ, với áp lực cực kỳ mãnh liệt.

* * * * *

Nhưng đến phút giây này, Phương Bửu Ngọc cũng chưa dám xuất thủ!

Tại sao?

Tại vì chàng biết rõ, trước khi chưa có thể chứng minh được những gì mà chàng bị ma quỷ tròng lên đầu lên cổ, thì đối với quần hùng chàng là một người mất cả nhân tính, một con người hung ác hơn loài thú dữ, không lương tri, cỡ ma quỷ…

Chàng không còn là con người nữa. Giá như chỉ có vậy thôi và ai ai cũng để cho chàng được yên thân với bao nhiêu sỉ nhục đó cũng chẳng sao.

Nếu bây giờ chàng xuất hiện thì muôn người như một, sẽ sôi động một ý niềm chung. Vì công phẫn, họ sẽ phản động.

Có thể trách họ được không? Họ là những người đi theo giòng, giòng cuốn đến đâu, họ bị trôi đến đấy.

Quần hùng đang là thỏi sắt bị lửa ma nung đốt, muốn làm nguội thỏi sắt đó, chàng phải diệt lửa, mà ngọn lửa đang bốc cao ngọn, chàng hiện thân lúc này là chịu cháy, chứ đừng nói là làm cho thỏi sắt nguội lại nổi.

Đành rằng võ công chàng rất cao, song mãnh hổ nan địch quần hồ, vả lại chàng không thể mở đường máu giữa quần hùng để thoát đi khi mà quỷ cổ động lòng căm phẫn xua mọi người hủy diệt chàng.

Họ có tội gì? Chàng làm sao xuất hiện để sau đó lại bắt buộc phải giết người để thoát thân?

Mà xuất hiện để không phương tự vệ, để chịu chết một cách vô lý sao?

Không, chàng không thể chết như vậy, nếu chàng muốn chết, chàng đã chết tại rừng già, hoặc tại lòng mộ do Vạn lão phu nhân đào lên để chôn sống chàng.

Một ý niệm vừa dâng lên, chàng liền lắng xuống. Ngàn ý niệm dâng, chàng phải ngàn lần lắng.

Trên đài, Tiểu công chúa đã đánh ra được mười chiêu rồi.

Thủ pháp của nàng linh hoạt thật, biến ảo thật, song Âu Dương Thiên Kiều vẫn giữ thế chiến, y lấy cái bất biến đối phó với cái biến của địch, chiêu thức vẫn phát xuất đều đều, vẫn rõ ràng biểu lộ đúng một quy pháp dầy căn cơ cấu tạo.

Rồi hơn hai mươi chiêu nữa đã được trao đổi giữa nhau, cuộc chiến vẫn chưa nghiêng ngửa phần thắng bại về bên nào.

Đôi mắt của Âu Dương Thiên Kiều nhìn từ ngang trệch xuống thấp một chút, chứ chẳng bao giờ ngẩng cao mặt nhìn lên.

Điều đó chứng tỏ y nắm chắc chiến tình không vì đối phương ồ ạt, hoặc bay bướm mà dao động tâm thần, mà cũng biểu lộ cái chánh ý của y, bởi đưa ra trường sát phạt, là điều bất tường. Con người chân chính chẳng ai chịu giễu cợt, ngạo mạn với sự giết chóc.

Đôi tay không ngừng cử động, đôi chân không ngừng đảo dịch nhưng thần sắc vẫn còn trầm trầm như một nhà sư nhập định, dù sấm sét nổ bên tai cũng chẳng hề chấn động.

Y không cần biết chiêu thức của đối phương từ phía nào công vào, y củng chẳng phải nhận định chiêu nào hư, chiêu nào thực, cứ bình tâm tịnh ý nghe tiếng gió mà phản công, lấy cái ý mà nghinh chiến, chẳng dùng đến mắt mà xem địch.

Và đúng như y dự đoán, những chiêu nào do y phát xuất, là chạm ngay thực chiêu của địch, còn những hư chiêu thì vờn vờn bên ngoài, dĩ nhiên y chẳng cần hóa giải, những chiêu đó cũng chẳng chạm đến mình y.

Giữ được tâm thần trấn định như vậy, xuất phát một đấu pháp xác thực như vậy, nếu không có căn cơ thâm hậu thì làm sao đạt được một tư thế vững chắc như Âu Dương Thiên Kiều?

Y biết nếu đưa mắt nhìn vào hoa dạng của Tiểu công chúa thì tâm động thần loạn, đấu pháp phải lúng túng ngay, và cái bại sẽ đến trong phút giây thôi.

Nhất Mộc đại sư gật gù tán thưởng :

– Khá lắm! Âu Dương thí chủ quả có công phu tu vi khả quan đó.

Thiếu nữ kia dù linh hoạt đến đâu, cũng khó thủ thắng trong nhất thời.

Quần hùng dù sao cũng đứng hẳn về phía Âu Dương Thiên Kiều hơn, bởi phần đông chẳng ai thích thái độ cao ngạo của Tiểu công chúa qua cái giọng thách thức, khinh miệt vừa rồi.

Cho nên mỗi lần Âu Dương Thiên Kiều đánh ra một chiêu là bên dưới đài hoan hô ầm lên để trợ Oai.

Đúng ra bọn dẫn đầu cho sự hoan hô đó hẳn là những đệ tử của Âu Dương Thiên Kiều, chúng đến đây vừa để ủng hộ sư phụ, vừa để mục kích những trận đấu hào hứng, hầu học hỏi thêm cái hay, cái lạ mở rộng kiến thức.

Phương Bửu Ngọc ngưng thần theo dõi cuộc đấu.

Chàng không khỏi kinh dị.

Chàng kinh dị không phải vì võ công cao cường của Âu Dương Thiên Kiều, cũng chẳng phải vì võ công của Tiểu công chúa yếu kém.

Chàng thầm nghĩ :

– Bỗng nhiên Tiểu công chúa xuất hiện tại đại hội ngay trong giai đoạn quyết liệt nhất lại còn lớn tiếng thách thức cả bốn cao thủ! Võ công của nàng nào phải cao siêu trên chỗ tưởng của mọi người? Tại sao nàng dám làm một việc gần như mạo hiểm? Một Âu Dương Thiên Kiều mà nàng còn không thủ thắng nổi thì làm sao chế ngự được cả ba người kia? Tại sao Ngũ Hành ma cung lại tuyển chọn nàng đưa lên đây, hay là nàng có chỗ ỷ trượng mà ta chưa thấu đáo?

Chàng chăm chú nhìn, quyết khám phá ra cái điều bí ẩn mà Tiểu công chúa ỷ trượng đó.

Tiểu công chúa vừa giao thủ vừa nhích chân dần dần về phía hậu đài một chút, dù thắng thế nàng cũng không tiến lên, nàng lùi là ý muốn lui chứ không phải bị địch lấn phần đất.

Còn Âu Dương Thiên Kiều thì lại khác, y cứ bức dồn tới. Tiểu công chúa lùi bao nhiêu y lấn bấy nhiêu.

Dần dần, phạm vi tiếp xúc của song phương cũng thu hẹp.

Khoảng cách giữa song phương chỉ còn đủ tầm tay, họ xuất thủ chẳng cần phải vọt tới cũng chạm nhau.

Tiểu công chúa lùi, vô tình di chuyển mặt trận đến chỗ Phương Bửu Ngọc đứng.

Chàng thấy rõ ràng song phương xuất thủ như thế nào không còn chỗ lờ mờ như trước nữa.

Đột nhiên, Tiểu công chúa như trượt chân. cước bộ hơi loạn một chút, nhưng liền theo đó, nàng chấn chỉnh lại tư thế, cho nên sơ hở vừa lộ là nàng bồi bổ lại liền.

Song Âu Dương Thiên Kiều là tay hữu danh làm gì chẳng thấy chỗ sơ hở đó.

Và đã thấy tất nhiên y phải lợi dụng ngay, bởi hai cao thủ đánh nhau, cái sơ hở của một bên là dịp may ngàn năm một thuở của bên kia. Bỏ qua cái may đó rồi, chẳng những khó hạ đối phương mà rất có thể mình bị hạ trở lại.

Lập tức Âu Dương Thiền Kiều vung thiết chưởng đánh vào chỗ sơ hở đó.

Nhất định là xuất thủ phải trúng đích ngay, chẳng sai lệch.

Dưới đài chẳng ai nhận ra sơ hở chớp nhoáng của Tiểu công chúa, trừ Phương Bửu Ngọc và cũng chẳng ai thấy Âu Dương Thiên Kiều nhắm vào chỗ sơ hở đó mà đánh vào, trừ Phương Bửu Ngọc.

Chàng hoảng sợ, buông gọn hai tiếng :

– Không xong!

Nhưng Tiểu công chúa thun mình lòn ra phía hậu Âu Dương Thiên Kiều, tránh chưởng đó dễ dàng.

Tuy nhiên Phương Bửu Ngọc vẫn thấy rõ nàng tránh chưởng đó một cách miễn cưỡng.

Âu Dương Thiên Kiều lập tức xoay nửa vòng lưng, hoành tay đánh xuống, chênh chếch về phía sau bởi Tiểu công chúa đã lướt ngang y rồi.

Nếu một cao thủ nào ở trong địa vị của y, hẳn không thể đánh trái lại phía sau một chiêu chưởng như vậy, bởi cái thế lòn của Tiểu công chúa hết sức bất ngờ, không ai tưởng tượng được.

Song Âu Dương Thiên Kiều đã tưởng là Tiểu công chúa sẽ lòn như thế cho nên Tiểu công chúa vừa nhích động thân hình là y xoay lưng, hoành tay đánh luôn.

Y đánh ra tay áo cũng bay theo, tay chưa tới ống áo đã tới trước, ống tay áo phồng gió, no tròn.

Quần hùng lại nín thở một lần nữa.

Ai ai cũng cầm chắc Tiểu công chúa phải bị chưởng kình đó đập gãy xương, nếu không chết liền.

Ngờ đâu, tay của Âu Dương Thiên Kiều vừa xuống thì tay của Tiểu công chúa cũng vừa lên.

Tay nàng chưa lên cao, ống tay áo cũng no phồng, và đã lên trước đối chiếu với ống tay áo cửa Âu Dương Thiên Kiều. Tuy không dính liền nhau nhưng cũng không cách xa nhau bao nhiêu.

Rồi từ trong tay áo của nàng bay vọt ra một đường sáng trắng nhỏ như đường chỉ, đường sáng trắng đó chui tọt vào trong ống tay áo của Âu Dương Thiên Kiều.

Âu Dương Thiên Kiều rung chuyển thân hình, chiêu chưởng lập tức được thu hồi trong khi đó Tiểu công chúa lộn mình đứng lên vẫy tay ra như phát xuất một chiêu thức, đồng thời hét khẽ :

– Cút!

Liền theo tiếng hét của nàng Âu Dương Thiên Kiều rú lên một tiếng, ngã nhào.

Y cút đi, theo lệnh của Tiểu công chúa, song cút linh hồn, còn xác thì nằm tại đài.

* * * * *

Một đường sáng trắng rất nhỏ từ trong ống tay áo của Tiểu công chúa bay ra, phàm hào kiệt anh hùng hiện diện dù sao cũng có nhãn lực, dù sao họ cũng trông thầy rõ.

Nhưng một bên do thân thể cao lớn của Âu Dương Thiên Kiều che khuất, bên kia tiểu cộng chúa che khuất, thành ra chẳng ai trông thấy được gì.

Vả lại đường sáng trắng vừa lóe lên là tắt ngay, còn ai nhận định kịp nếu không lưu ý?

Bất quá trước mặt quần hùng trong tình thế thập phần nguy hiểm, Tiểu công chúa xuất phát một kỳ chiêu, kỳ chiêu đó hạ Âu Dương Thiên Kiều dễ như bỡn.

Âu Dương Thiên Kiều bị hạ quá đễ dàng, quần hùng kinh hãi biến sắc mặt.

Họ có biết đâu đường sáng trong trong tay áo Tiểu công chúa bay ra là một hạt nước? Hạt nước đó hoặc chứa đựng trong một chiếc vỏ thủy tinh to lớn hơn hạt cát, hoặc bằng nước đông đặc lại thành một hạt châu, vào lọt trong tay áo Âu Dương Thiên Kiều rồi là vỡ tan mất dạng.

Giả như có ai hoài nghi Âu Dương Thiên Kiều bị hạt băng, một loại ám khí tinh vi thì cũng chẳng ai tìm được một dấu vết nào, bởi y phục của Âu Dương Thiên Kiều còn nguyên vẹn.

Như vậy có ai dám cho rằng Tiểu công chúa giở thủ đoạn?

Thủ đoạn đó thật độc!

Thủ đoạn đó lại thần bí, chẳng một ai lấy con mắt phàm nhìn rõ.

Tìm hiểu thủ đoạn đó chẳng khắc nào tìm một đường chỉ lỗi nơi chiếc áo da trời!

Nhưng người dù tận xảo, tận diệu đến đâu cũng còn có ông trời; người không qua nổi trời, trời không can thiệp vào chụyện thế gian, nhưng trời bày chuyện tấu xảo để luôn luôn có người thấy rõ những thủ đoạn hoàn toàn nhất của kẻ giàu tâm cơ, nhiều mưu trí.

Và cái tấu xảo hôm nay của thiên công giúp khám phá mưu cơ của Tiểu công chúa đã chuyển đến cho Phương Bửu Ngọc, đặt chàng trong một tư thế vô cùng thuận tiện để chàng thấy rõ thủ đoạn của nàng.

Bên dưới đài quần hùng phân vân, rồi nhao nhao lên, hội trường ồn ào một lúc.

Nơi phần đài danh dự, dành cho bọn chiến thắng, Mai Khiêm, Công Tôn Hồng và Tưởng Tiếu Dân đều xám mặt.

Nhất Mộc đại sư thở dài :

– Chiêu thức cực kỳ linh điệu. Một chiêu thần bí. Bần tăng cuối cùng rồi cũng đến mù cả mắt hai mất thôi. Nhìn đăm đăm vào cuộc chiến mà vẫn chẳng thấy thiếu nữ đó xuất thủ như thế nào. Một phần thủ pháp của nàng quá biến ảo, phần khác nhãn lực của bần tăng chừng như có kém đi nhiều.

Đinh lão phu nhân cũng thở dài :

– Già thấy cái chiêu đó dường như do quỷ xuất phát hỗ trợ nàng!

Nhất Mộc đại sư gật đầu :

– Có lẽ thế phu nhân? Chứ người thì làm sao có một thủ pháp linh ảo phi thường như thế đó?

Phương Bửu Ngọc suy tư trầm trọng trước diễn tiến ngoài chỗ tưởng tượng của chàng.

Trăm ngàn ý niệm bốc dậy, chàng hết sức hoang mang, bình tĩnh như chàng mà cũng dao động.

Ngụy kế do Tiểu công chúa vừa thực hiện, ngoài chàng ra, người trong thiên hạ có ai hiểu nổi?

Chàng có nên xuất hiện để ngăn chặn cái ngụy kế đó, mà chàng biết chắc nàng sẽ thực hiện quá nhiều lần kế tiếp nữa, bởi còn bao nhiêu cao thủ kia đang chờ giao đấu với nàng?

Riêng về cá nhân chàng, chàng có thể xuất hiện chăng?

Còn như về phương diện Tiểu công chúa, chàng có thể xuất hiện để đối diện trước quần hùng, tiết lộ cái nguỵ kế của nàng chăng?

Chàng có thể nhẫn tâm hãm hại người chàng yêu nhất đời chăng, mặc dù giữa nhau có nhiều gay cấn và hoàn cảnh tạo nên tư thế đối lập giữa nhau?

Chàng theo giòng tư tưởng, cân nhắc đắn đo tìm một thái độ thích đáng, trong khi có mấy đại hán lên đài, mang xác chết của Âu Dương Thiên Kiều chuẩn bị đưa về quê quán. Có một người nào đó, đứng sau lưng chàng buột miệng than :

– Lợi hại thật! Lợi hại phi thường! Chỉ vẫy nhẹ một bàn tay, là hạ ngay một đại anh hùng có thân vóc khôi vĩ. Thắng nổi Âu Dương Thiền Kiều phỏng trên giang hồ có mấy tay? Thế mà một con người ẻo lả chỉ đưa tay nhẹ như vuốt một sợi tóc mai phơ phất nơi má, cũng đủ loại ra ngoài vòng chiến, lạ lùng hơn nữa là Âu Dương Thiên Kiều chẳng kịp hự lên một tiếng khẽ.

Đại hán đó làm sao thấy được ngụy kế của Tiểu công chúa, bởi Phương Bửu Ngọc đứng án trước mặt hắn, bên trên đài cũng quay lưng về phía hắn, họa chăng hắn có tia nhìn uốn vòng cầu, quanh chàng, rồi quanh qua luôn mới thấy được điểm sáng từ trong ống tay áo nàng bay rạ..

Mặc dù cho hắn có thấy đi nữa, liệu hắn biết được sự tình như thế nào! Hắn dám nói gì chăng? Hấn nói ai tin hắn? Hơn nữa nếu hắn mở miệng, chưa chắc gì hắn nói được tiếng nào, trong khi đó những bóng ma rải rác quanh hội trường sẽ hạ thủ đoạn, khóa lưỡi hắn rồi.

Thiên hạ thán phục, những lời thán phục vang vang đến tai Phương Bửu Ngọc, mỗi một lời lọt vào tai chàng là một cái gì làm chàng chua xót vô cùng.

Trên đài, Tiểu công chúa bật cười khanh khách :

– Ta đã nói trước, các ngươi cứ vào một lượt cho ta đỡ phải xuất trận nhiều lần, các người chẳng nghe ta, các ngươi muốn lần lượt ra tay chứ chẳng chịu đi cùng một chuyến. Bây giờ thì các người nghĩ sao, hở Công Tôn Hồng, Mai Khiêm, Tưởng Tiếu Dân? Muốn cùng đi chung một chuyến về âm phủ, hay hiềm tị nhau kẻ trước kẻ sau?

Bậy giờ thì nàng có thể nói lớn hơn trước, nói lớn bao nhiêu cũng chẳng sao bởi cái chết của Âu Dương Thiên Kiều xác nhận cái quyền nói lớn của nàng…

Trước đó nàng cao ngạo ít, thiên hạ lại nhao nhao lên. Giờ đây nàng cao ngạo nhiều, thiên hạ lại im lặng. Họ im lặng đến dè dặt hơi thở, họ hít không khí nhiều nhưng chẳng dám phì ra mạnh, thành lồng ngực của ai cũng căng phồng.

Bầu không khí chợt cô đọng lại nặng nề làm sao!

Công Tôn Hồng, Mai Khiêm, Tưởng Tiếu Dân như đã xuất hồn phiêu phưởng tận phương trời xa, chẳng ai nhúc nhích,chẳng ai dám nói tiếng gì.

Tiểu công chúa lại cười vang :

– Vào đi chứ! Chẳng lẽ các ngươi sợ rồi? Sợ gấp thế sao?

Mai Khiêm, Tưởng Tiếu Dân dao động đôi mày, không hẹn cả hai cùng đứng lên, cả hai cùng bước tới.

Nhưng Công Tôn Hồng cũng đứng lên, y đứng không phải để cùng bước theo hai người mà đứng đưa hai tay ra một lượt, mỗi tay một người giữ lại.

Giữ lại để làm gì?

Giành ra trước bảo người nhường lại chờ phiên sau? hay giành ra trước để thu dọn cái gai góc kia cho những người khác khỏi nhọc về sau?

Mai Khiêm trầm giọng :

– Ba người trong chúng ta ai ra trước cũng thế thôi!

Nói như vậy nghĩa là làm sao? Bất cứ ai ra đó cũng thế thôi, nghĩa là phải bại, phải chết như Âu Dương Thiên Kiều? Cho nên đừng giành chết trước chết sau!….Hay tất cả ba người ai cũng có tài chế ngự Tiểu công chúa như nhau? Chắc chắn là không phải rồi, bởi họ do dự rõ ràng kia mà và họ chưa có khí hùng dám nhường một danh dự cho người khác.

Mặc họ nghĩ sao, tùy họ chẳng ai tìm hiểu làm gì, và ai ai cũng chờ xem bọn ho phản ứng như thế nào.

Tưởng Tiếu Dân tiếp nối :

– Đúng đó ai ra trước cũng thế thôi cho nên tiểu đệ xin huynh đài nhường lại trận này đi.

Công Tôn Hồng cười :

– Đối phương có chiêu thức kỳ bí, thủ pháp lại hoa dạng khôn lường. Trong ba người chúng ta chỉ có tiểu đệ là có một đấu pháp hoa dạng, hai vị huynh đài nên nhượng cho tiểu đệ.

Mai Khiêm, Tưởng Tiếu Dân cùng nhìn nhau rồi cùng lùi lại nửa bước.

Công Tôn Hồng lướt tới xuyên qua giữa Mai Khiêm và Tưởng Tiếu Dân.

Y đi thẳng tới trước mặt Tiểu công chúa, hoành tay rút chiếc Thiên Long côn, giắt lên hông rồi trầm giọng hỏi :

– Vũ khí của các hạ đâu?

Tiểu công chúa cười mỉa :

– Giao đấu với các ngươi cũng cần phải có vũ khí nữa sao?

Công Tôn Hồng hớp một hơi không khí :

– Nếu vậy thì…

Tiểu công chúa cười lớn :

– Nếu vậy thì cứ động thủ còn lí nhí gì nữa?

Nàng đảo nhẹ đôi chân, thân hình đã vọt về phía hậu Công Tôn Hồng rồi.

Mười ngón tay búp măng đưa ra chực chụp vào yếu huyệt y. Thân pháp nhanh như thế, may ra chỉ có ma mới sánh kịp.

Nhưng Công Tôn Hồng không quay mình lại độ chừng đôi tay của nàng tròn chiêu thức rồi y lướt chân tới, dịch thân hình một bước vừa vặn tránh mười ngón tay đối phương.

Tiểu công chúa hứ một tiếng :

– Khá lắm đó. Thử xem ngươi có chịu quay đầu lại hay không cho biết!

Nàng vọt lên một bước, đồng thời đánh hai tay ra.

Công Tôn Hồng cũng chẳng quay người lại, cứ như lần trước, lướt chân bước tới một bước vừa vặn cho hai bàn tay Tiểu công chúa đánh vào khoảng không.

Tiểu công chúa hét :

– Ngươi không quay đầu lại à? Không quay đầu là chết.

Như hai lần trước nàng cũng đưa mười ngón tay tới.

Công Tôn Hồng cũng chẳng quay đầu, y lướt chân, dịch thân hình tới một bước.

Quần hùng kinh hãi cùng kêu lên nhiều tiếng kêu phát xuất một lượt, vang dội hội trường. Thì ra bước thêm một bước đó là Công Tôn Hồng rơi xuống đài còn chi.

Không làm gì có việc rơi xuống đài như quần hùng tưởng, bởi bước tới như vậy là y có chủ trương. Chiếc Thiên Long côn điểm đúng mép đài, một tiếng cốp vang lên. Thân hình y đồng thời gian với tiếng cốp vang lên, vút bổng lên cao, y uốn nhẹ người một chút là vòng xuống phía sau lưng Tiểu công chúa rồi chiếc Thiên Long côn đó theo cái giật tay, trở lên cao, từ trên cao giộng xuống đỉnh đầu nàng.

Quần hùng vừa kêu sợ, bây giờ lại hoan hô vang ầm.

Chiếc côn tuy đánh xuống đỉnh đầu song côn ảnh ngời ngời như hàng trăm hàng ngàn chiếc trên đầu, tả cũng có,hữu cũng có.

Nàng bị côn ảnh bao bây trên và hai bên, phía trước mặt là mép đài, sau lưng là Công Tôn Hồng.

Đúng là một cảnh bí, trừ ra nàng có phép độn mộc mới chui xuống sàn gỗ, thoát đi.

Nàng nghiêng người, ngã tới một chút, đôi chân bám chặt nơi sàn đài, còn thân hình thì hụp xuống khỏi mép đài.

Tiểu công chúa ngã tới là đương nhiên ở ngoài tầm ngọn côn, dù côn xuống giữa hay hai bên cũng đều hụt đích.

Nhanh như chớp, Tiểu công chúa thun mình lấy đà lao vút trở lên không, lướt qua bên trên vùng côn ảnh đáp xuống sau lưng Công Tôn Hồng. Quần hùng lại hoan hô vang dậy.

Rồi song phương cùng xuất chiêu, cuộc đấu thật sự bắt đầu với bên nào cũng công cũng hóa giải cả, chứ không như trước họ còn một bên trờm thử một bên nhử.

Dĩ nhiên cả hai đều có thân pháp linh hoạt phi thường, cuộc đấu vừa ngoạn mục vừa nguy hiểm…

Hai bóng người một lên một xuống một qua một lại, thoạt đầu còn phân biệt được, dần dần chỉ còn là những bóng mờ đan vào nhau, họ nhập nội hơn là tách rời.

Nhờ chiếc côn ngắn, nên Công Tôn Hồng nhập nội mà không trở ngại lắm và côn pháp vẫn được sử dụng dễ dàng như thường.

Bây giờ quần hùng không còn chờ xem chiêu thức của bên nào cho kịp nữa. Họ đánh nhanh quá, và bên nào cũng có đấu pháp tuyệt diệu quá.

Đinh lão phu nhân thở dài :

– Già cứ tưởng võ công của Công Tôn đại hiệp chuyên về cứng, chắc, không ngờ cũng nhanh cũng mềm dịu đáng ngợi. Đúng là một tay luyện được cả mạnh mà nhuyễn, mà nhuyễn không chừng như có phần linh diệu hơn mạnh.

Bà khen ngợi, quần hùng cũng khen ngợi như vậy đúng với sự nhận xét của bà.

Bởi không ai tưởng con người khôi vĩ, xem như thô bạo như Công Tôn Hồng lại nhanh nhẹn hơn thỏ.

Ngọn côn của Công Tôn Hồng đã bắt đầu rít gió, vì đà vung quá nhanh, hơn nữa y lại dồn công lực quá mạnh vào ngọn côn, thân côn trầm trọng hơn trước.

Tiểu công chúa khởi chậm thủ pháp và thân pháp y như lúc nàng giao đấu với Âu Dương Thiên Kiều.

Đinh lão phu nhân thở phào :

– Già chỉ sợ Công Tôn đại hiệp thắng trận này!

Nhất Mộc đại sư ngưng trọng thần sắc :

– Chưa hẳn như vậy đâu, lão phu nhân!

Đinh lão phu nhân không đáp, nhìn vào cuộc đấu một lúc nữa đoạn gật đầu :

– Đại sư nhận xét đúng. Bây giơ già mới thấy có thể Công Tôn đại hiệp khó thành công. Bởi chiêu thức của nữ nhân đó bất thường quá, có lúc lại lợi yếu có lúc lại nhanh mạnh lên, thật chẳng biết sao mà đoán kết cuộc nổi.

Bên trên đài, Tiểu công chúa thoái hậu dần dần.

Nhìn vào cuộc đấu tất ai ai cũng thấy tỏ nàng bị áp lực của ngọn Thiên Long côn bức dồn, nàng có cố gắng lắm song không làm sao tiến lên nổi, và nàng thủ nhiều hơn công, những chiêu công rời rạc cũng bắt đầu yếu ớt.

Công Tôn Hồng càng phút càng hăng, chẳng những hăng vì sinh khí dồi dào mà còn hăng vì chiếm rõ ưu thế. Quyết thủ thắng nhanh chóng, y xuất toàn công lực, vung ngọn côn vù vù gió côn tỏa rộng như làm rung chuyển bao nhiêu ngọn đèn giăng mắc quanh đài.

Chiêu thức của y đánh ra gồm cả công lẫn thủ, công thì lợi hại phi thường, thủ thì kín đặc như chiếc áo da trời không một làn nứt rạn.

Tuy thắng thế Công Tôn Hồng chẳng dám khinh thường, luôn luôn y phòng thủ chặt chẽ quanh mình, giả như thấy một sơ hở của đối phương xuất một chiêu công hạ đối phương qua sơ hở đó được rồi mà xuất chiêu công để sơ hở cho mình thì y nhất định bỏ qua cơ hội tốt, thà mất cơ hội chứ không chịu liều cơ hội cho đối phương lợi dụng phản công.

Có lẽ y đã trông thấy vào gương của Lãnh Băng Ngư, hoặc Âu Dương Thiên Kiều và tự dè mình để nắm cái chắc hơn là liều lĩnh.

Từ lúc vào cuộc chiến đến giờ, chẳng phút giây nào y dám khinh thường địch.

Y quyết thắng, nên quá đỗi giữ gìn.

Những người có võ công tuyệt cao trông thấy y giao đấu như vậy đều nghĩ rằng không bại nổi.

Vạn Tử Lương thở dài :

– Bất quá trong vòng mười chiêu trở lại là cuộc đấu này phải kết thúc.

Mai Khiêm nhìn sang Tưởng Tiếu Dân, Tưởng Tiếu Dân nhìn lại y, cả hai cùng lắc đầu cùng tiếc rẻ, nghĩ rằng Công Tôn Hồng đoạt cái danh dự chiến thắng trên tay họ rồi, và họ bất đầu hối hận đã nhường danh dự đó cho Công Tôn Hồng.

Đinh lão phu nhân, Nhất Mộc đại sư bây giờ hoàn toàn tin chắc là Công Tôn Hồng phải thắng!

Bởi họ chẳng thấy Tiểu công chúa có chi đặc biệt ngoài một đấu pháp hoa dạng và bất thường…

* * * Nhưng trong khi ai ai cũng tưởng là Công Tôn Hồng phải thắng thì Phương Bửu Ngọc lại hồi hộp vô tưởng.

Chàng hồi hộp vì cái cảnh thảm bại của Âu Dương Thiên Kiều hiện ra trong tâm tư chàng.

Chàng ước đoán Tiểu công chúa không chỉ mang nơi mình một loại ám khí mà thôi.

Và mỗi loại ám khí của nàng hẳn có một đặc tính, do cái đặc tính đó, nàng phải thay đổi khung cảnh thi triển.

Như vậy nếu căn cứ vào lối thi triển trước mà đề phòng, thì cầm chắc phải bị nàng hạ.

Công Tôn Hồng dù là đấu thủ, tuyệt nhiên không biết được Tiểu công chúa có thi triển ám khí qua cuộc giao đấu trước thì làm gì căn cứ theo lối đó, dè dặt cho chính mình?

Đã không dè đặt bằng cái lối xuất thủ đã đành mà chưa chắc gì y có ý nghĩ là Công chúa sẽ dùng ám khí.

Phương Bửu Ngọc lấy con mất con nhà võ đạt đến mức hỏa hầu luận đoán võ công của Tiểu công chúa.

Đối với Âu Dương Thiên Kiều nàng phải sử dụng ám khí để thủ thắng. Còn với Công Tôn Hồng nàng không hy vọng thủ thắng bằng võ công thì chắc chắn nàng phải sử dụng ám khí. Mà ám khí của nàng có món nào lại chẳng giết người?

Nàng lùi dần là phút giây phóng ám khí tiến dần.

Trời? Phương Bửu Ngọc phải làm sao? Có thể nào chàng thản nhiên giương mắt nhìn một con người đầy lòng hiệp nghĩa, tận tụy phục vụ cho võ lâm Trung Nguyên, hy sinh mấy năm dài bơ bơ trên hoang đảo ngoài vạn dặm trùng dương chăng?

Một Âu Dương Thiên Kiều đã đi, một Công Tôn Hồng sắp sửa ra đi, Mai Khiêm, Tưởng Tiếu Dân chực chờ để đến lượt ra đi.

Sau họ còn ai nữa?

Chàng có thể bất động chăng?

Quanh mình chàng còn bao nhiêu tay sai của Ngũ Hành ma cung chứ nào phải chỉ có một Tiểu công chúa trên đài?

Chàng xuất thủ ngăn trở rồi kết quả chưa biết thế nào, điều trước tiên là chàng hy sinh bản thân rõ rệt.

Những mâu thuẫn gây xáo trộn mãnh liệt trong tâm tư chàng.

Trong khi thời khắc trôi qua chàng vẫn chưa có quyết định.

* * * Trăng thu vẫn sáng song sao đã bắt đầu thưa, đêm sắp tan, bình minh sắp trở lại.

Bình minh trở lại, đại hội Thái Sơn kết thúc chưa?

Phương Bửu Ngọc nhìn kỹ thấy ánh mắt Tiểu công chúa bất chợt linh động phi thường, sự linh động do một ý niềm giảo hoạt có lẫn phần nào đắc ý.

Niềm giảo hoạt của nàng bốc ngời lên, sát khí bừng bừng.

Hiển nhiên nàng sắp sửa hạ thủ đoạn.

Nàng vung bàn tay hữu ra, năm ngón tay búp măng sẽ thẳng vụt uốn cong lại một chút như những móc câu lơi.

Chừng như nàng muốn dùng năm ngón tay mềm mại đó đoạt chiếc Thiên Long côn cứng rắn, hùng mạnh.

Công Tôn Hồng hét lên một tiếng đảo ngọn côn khỏi chụp tay của Tiểu công chúa đồng thời đâm thốc đầu côn vào bàn tay nàng.

Tiểu công chúa kinh hãi rú lên một tiếng thụt tay về, giấu trong ống tay áo. Quần hùng reo hò vang dội, đinh ninh là đầu côn đã chạm trúng tay nàng, bàn tay đó bị thương không nhẹ lắm đâu.

Và như thế nàng còn hy vọng gì thủ thắng, bởi bàn tay hữu tượng trưng cho chủ lực, nếu bị thương sẽ không còn tác dụng nữa, làm sao thủ chứ đừng nói xuất chiêu.

Nhưng, Phương Bửu Ngọc thấy rõ hơn ai hết.

Bàn tay nàng chỉ đưa ra chụp, rồi thụt nhanh vào ống tay áo chứ nào có chạm vào côn?

Nàng vờ thọ thương để thụt tay vào, cho quần hùng mà cũng cho đấu thủ đừng nghi ngờ cái thụt tay đó có một dụng ý gì. Tất cả đều phải cho rằng nàng đau tay quá mà thụt vào ống tay áo và Công Tôn Hồng cũng tin chắc là nàng thọ thương thật nên chẳng đề phòng.

Bởi không đề phòng nên y chẳng thấy được món ám khí truy hồn đoạt mạng từ tay hữu đó, lao ra bắn vào y.

Thụt tay về nàng đảo bộ vọt mình ra phía hậu Công Tôn Hồng, như để tránh một chiêu công kế tiếp của địch.

Đồng thời gian đảo bộ, nàng hơi máy bàn tay hữu một chút. Chẳng ai thấy cái máy động rất khẽ của bàn tay nàng, trừ Phương Bửu Ngọc.

Một điểm sáng nhỏ chơm chớp nơi bàn tay nàng, bàn tay còn nằm trong ống tay áo.

Ám khí sắp được phóng ra. Bàn tay của Tiểu công chúa từ từ rút ra khỏi ống tay áo, và bàn tay đó cũng từ từ hướng lên cao.

Đột nhiên Phương Bửu Ngọc như quên tất cả, quên lợi hại, an nguy, quên kẻ thù đang bao bọc quanh hội trường, quên luôn đắc thất, thành bại trong tương lai…

Chàng chỉ nhớ đến thực cảnh.

Và cái thực cảnh đó, là làm sao ngăn chặn bàn tay máy động hơn, ngăn chặn ám khí vút ra, ngăn chặn thảm cảnh diễn ra.

Trước khi cử động bàn tay hữu, Tiểu công chúa đưa tay điểm vào cánh tay hữu Công Tôn Hồng.

Thế điểm vừa gấp vừa mạnh lối phát xuất kỳ bí phi thường như xuyên qua lớp côn ảnh của Công Tôn Hồng.

Thế điểm đó nhất định phải cái đích, phải phát huy hiệu lực, đúng mong muốn.

Công Tôn Hồng khẽ quát :

– Hay!

Y ngưng thần nhìn bàn tay của Tiểu công chúa, nhìn bàn tay tả của nàng, trong khi đó bàn tay hữu của nàng lay động mạnh hơn, chính bàn tay đó mới lấy mạng y.

Ống tay áo của nàng che khuất bàn tay, thân vóc khôi vĩ của Công Tôn Hồng lại che khuất nàng, trọn phần hội trường phía sau lưng, Công Tôn Hồng không làm sao nhìn rõ Tiểu công chúa.

Phương Bửu Ngọc như chiếc pháo thăng thiên, vọt lên và đáp xuống khoảng giữa Tiểu công chúa và Công Tôn Hồng, chàng hai tay đưa ra, mỗi tay về một phía.

Công Tôn Hồng đang biến chiêu thức, ngọn côn đang đảo lộn, không biết tại sao bỗng nhiên ngọn côn bị nắm cứng, rồi một đạo kình lực nhu hòa từ ngọn côn chuyển qua tay vào mình, đẩy y lùi lại.

Y không thể nào gượng nổi, phải chập choạng từng bước từng bước, lùi dần, lùi dần, cuối cùng ngã xuống.

Về phần Tiểu công chúa sắp sửa thành công, bỗng cảm thấy tê cánh cánh tay tả, cánh tay đó bất lực liền buông thõng xuống. Áp lực gây tê dại cho cánh tay nàng còn thừa quét tới ngực nàng. Rồi cánh chỏ của tay hữu như bị ai bóp mạnh, tay hữu đang cung lên cũng thõng xuống luôn…

Có một vật gì trong tay áo nàng vỡ ra, bật thành tiếng kêu rất khẽ, phảng phất giòng nước nóng, hay một làn hơi nóng chảy ra gây tiếng động nhưng vô hình.

Tiếng một vật gì đó vỡ tan trong tay áo Tiểu công chúa vừa dứt, trên sàn gỗ một đốm lửa xanh thoáng lóe lên. Sàn gỗ bị cháy xém một khoảng khá rộng.

Lửa, bình thường là màu hồng, nếu ngọn lửa màu xanh, hẳn nhiệt độ rất cao, mà biết đâu trong lửa lại chẳng có độc?

Lửa đó chạm vào gỗ, gỗ cháy xém liền, hà huống chạm vào da?

Thiết tưởng dù lửa không có độc cũng vẫn làm chết người nhanh chóng.

Ngọn lửa đó, dành cho Công Tôn Hồng, giờ đây sàn đài hứng trọn.

Và cái đích nhắm của Tiểu công chúa là đôi mắt của Công Tôn Hồng, lửa chạm vào đó, ít nhất cũng làm cho đôi mắt hỏng, không kể là y có thể mất mạng.

Đôi mắt mù rồi gương mặt bị hủy diệt rồi, nếu y chập choạng xuống đài thì bên dưới sẽ còn mấy tay khác trong Ngũ Hành ma cung, chực chờ để làm nốt giai đoạn đưa đường y về chầu tiên tổ.

Và tại hội trường, có ai biết được người hạ thủ đoạn? Người ta cứ tưởng là nàng chọc ngón tay vào mắt Công Tôn Hồng, như mọi người thấy rõ nàng xuất thủ chứ ai nhận kịp điểm lửa từ tay kia nương theo chiêu công mà phát xuất?

* * * Bốn sự kiện diễn ra :

bóng người vọt lên đài, Công Tôn Hồng ngã ngửa, Tiểu công chúa bị chế ngự, lửa xanh bốc cháy.

Một người phàm dù là một cao thủ thuộc hàng thượng thặng, chẳng khi nào có nhãn lực nhận định kịp bốn sự kiện cùng diễn ra một lượt ở bốn địa điểm khác nhau dù các địa điểm đó gần nhau trên dưới mười thước.

Đinh lão phu nhân, Nhất Mộc đại sư, các giám định viên khác và bọn Mai Khiêm, Tưởng Tiếu Dân đều sửng sốt trước diễn biến bất ngờ, họ không có một thái độ đích đáng.

Tất cả đều kinh hãi, luôn người trong cuộc lẫn ngoài cuộc.

Thiên Long côn bị người đó chế ngự dễ dàng. Thiên Long côn một vũ khí ngoại môn, được liệt vào hàng thứ nhất trong mười ba loại có lối vũ lộng tân kỳ ngụy bí, trước mặt người đó chỉ là một đoạn gỗ thông thường.

Có ai tưởng nổi trong số các đại hán được giao phó đài tải xác chết lại có một tay bản lĩnh phi phàm.

Có thể nào, tài năng của người đó còn trên hẳn những nhân vật được chọn làm giám định viên đại hội đêm nay.

Qua phút giây kinh hãi, Tiểu công chúa sôi giận bừng bừng. Gia dĩ, nàng vốn tính nóng nảy, thì niềm phẫn nộ của nàng phải bốc mạnh phi thường!

Nàng bất chấp đối phương có võ công cao diệu như thế nào. Nàng bất chấp luôn mình hiện tại ở trong sự thao túng của ngoại nhân. Nàng cao giọng mắng oang oang :

– Ngươi là quái vật từ đâu đến? Ngươi dám…

Bỗng nàng ngưng bặt câu nói, niềm kinh hãi lại hiện lên gương mặt kiều diễm, rồi thay vì tiếp luôn câu cho tròn theo cái lối Mạc sát kẻ phá hoại mưu toan của nàng, nàng lại buộc miệng kêu lêm :

– Thì ra là ngươi!

Cùng một lúc với tiếng kêu to của nàng, bên dưới đài Hỏa Ma Thần và các thuộc hạ đang dợm mình nhảy vọt lên, nhưng tất cả cùng trụ bộ tại chỗ, rồi Hỏa Ma Thần quát hỏi :

– Ai?

Câu hỏi đó gồm một tiếng gọn, dĩ nhiên hướng về Tiểu công chúa.

Nàng không kêu danh chàng ra, nàng chỉ đáp với giọng run run :

– Hắn… Hắn chưa chết…Hắn là…

Phương Bửu Ngọc nhanh như chớp, bước tới đưa tay chụp vào miệng nàng vừa kịp ngăn chặn nàng thốt mấy tiếng cuối cùng chắc là ba tiếng Phương Bửu Ngọc.

Nhưng Phan Tế Thành, Thạch Bất Vi, Mạc Bất Khuất. Hỏa Ma Thần, Đinh lão phu nhân, Vạn Tử Lương, Kim Tổ Lâm, Ngưu Thiết Oa tất cả những ai biết mặt biết mày Phương Bửu Ngọc, thân hay thù đều nhận ra chàng là ai rồi!

Họ nhận ra chàng qua tiếng thét kinh hãi của Tiểu công chúa.

Tự nhiên người thân thì reo vui, người thù thì reo hận, tất cả cùng reo lên :

– Phương Bửu Ngọc! Đúng là Phương Bửu Ngọc!

Ba tiếng “Phương Bửu Ngọc” vừa vang lên, khắp hội trường đều chấn động. Hội trường đại loạn, loạn thật sự vì cái huyên náo đó bất nhất, huyên náo có trăm chiều hướng phản ngược nhau. Biển người dao động mãnh liệt, người đứng trước chồm lên cao, người đứng sau tràn tới tất cả đều tạo nên cái ồn ào hỗn loạn.

Những ai quen biết với Phương Bửu Ngọc muốn nhìn lại gương mặt chàng, sau thời gian xa cách, những ai chưa quen biết đều muốn nhìn thấy một lần con người huyền bí, có tài khuynh đảo càn khôn, có mặt mũi như thế nào.

Bỗng Thạch Bất Vi hét to :

– Ác tặc! Ngươi hạ độc thủ, sát hại các vị thúc bá, những người thân nhất của ngươi trên đời này. Ngươi còn dám hiện thân cao? Ngươi cho rằng khắp trong thiên hạ, chẳng có ai chế ngự nổi ngươi?

Thạch Bất Vi, con người tiếc tiếng nói hơn vàng cũng nói được một hơi dài, đủ biết niềm phẫn nộ dâng cao tột điểm.

Quần hùng phụ họa ngay, tất cả cùng hét lên vang dội :

– Phải! Chúng ta không để cho ác tặc sống sót trên đời này!

Rồi họ cổ võ nhau :

– Nào các bằng hữu chúng ta đâu? Lên! Tất cả cùng nhào lên. Quật chết ngay Phương Bưu Ngọc! Chặt xác hắn ra làm ngàn vạn mảnh…

Đã có mấy bóng hình từ trong đám đông vọt lên.

Bỗng một tiếng rú thảm vang lên.

Người dẫn đầu cuộc xung phong lên đài lao vút lên không.

Chẳng phải người đó tự ý lao vút lên mà y bị một bàn tay chụp vào người y, tung y lên như một quả cầu…

Cùng lúc đó Ngưu Thiết Oa xuất hiện trên đài…

Gã vo tròn đôi mắt, gương mặt hắn gân xanh lồ lộ trên nền da rực lửa đỏ, gã quát như sấm :

– Kẻ nào muốn chết thì lên đây, chạm vào chân lông của đại ca ta!

Cứ lên! Ngưu lão gia sẽ đưa về chầu tiên tổ.

Hai cánh tay gã vươn ra, hai bóng người nữa bị tung lên không, tiếp nối người thứ nhất.

Thạch Bất Vi hét lớn :

– Thiết Oa! Người định tiếp tay ác tặc?

Ngưu Thiết Oa quát :

– Ai dám gọi đại ca ta là ác tặc? Kẻ nào chứ? Kẻ đó là… là…

Gã chẳng dám mắng Thạch Bất Vi nhưng chẳng mắng được, gã càng thêm tức giận, gã chụp hai ngươi đứng gần, chập hai tay vào.

Hai người đó, mặt chạm mặt bật kêu một tiếng bốp tuy cả hai không đến nỗi chết song vỡ mũi, gãy răng.. Rồi gã vung hai tay kéo lôi hai người đó dang ra, gã buông tay hai người đó ngã nhào….. Thạch Bất Vi sôi giận hét lên :

– Thiết Oa, ngươi quên rằng hắn đã làm gì rồi chăng?

Ngưu Thiết Oa kêu to :

– Không cần biết có làm gì hay không làm, tôi chỉ biết con người đó là đại ca của tôi thôi. Tôi chỉ biết đại ca của tôi chẳng phải là người bại hoại. Bao nhiêu điều hiểu biết như vậy đó đủ cho tôi rồi!

Ngưu Thiết Oa phấn khởi tinh thần, vận công lực đưa tay đẩy những người toan nhào tới, đang nhào tới bị gã đẩy bật trở lại rồi dồn đùn vào nhau.

Đồng thời gã cúi mình xuống, nâng hai người bị ngã đứng lên.

* * * * *

Trong khi mọi người loạn động khắp bốn phía hội trường, Phương Bửu Ngọc đã xuất thủ điểm vào hai cánh tay của Tiểu công chúa.

Tiểu công chúa giậm chân mắng :

– Tiểu tặc! Đặng hận tiểu tặc vô cùng! Chẳng giúp ta lại đi giúp người khác. Ngươi quên gia gia ta đã nói những gì với ngươi trên chiếc buồm ngũ sắc bảy năm về trước rồi sao?

Hai tay bị chế ngự, nàng còn hai chân, nàng rút một chân lên đá mạnh vào người Phương Bửu Ngọc.

Nhưng nàng đừng nhích động chân, thì chân đó còn cử động được lâu hơn, nàng nhích chân lên rồi có khi nào Phương Bửu Ngọc để cho nàng toại ý?

Bất quá chàng chỉ xuống tay một chút là chiếc chân đó bị điểm ngay.

Một chân đã bị điểm rồi còn lại một chân, cái chân thừa, kể như thừa hoàn toàn, bởi dù nàng có muốn dùng chân đá tiếp theo một ngọn cước, thì lấy gì làm chỗ chịu nữa mà tung chân.

Công Tôn Hồng đã đứng lên rồi.

Y nhìn quanh dưới đài, thấy biển người loạn động, y lại nhìn Phương Bửu Ngọc.

Y khó nghĩ vô cùng. Y chẳng biết theo bên nào, bỏ bên nào.

Lúc đó Hỏa Ma Thần và bọn thuộc hạ bí mật đã lên đến lôi đài, song chúng chưa dám vọng động bởi còn cố kỵ Tiểu công chúa đang bị Phương Bửu Ngọc chế ngự.

Và nếu can thiệp, điều trước tiên là chúng sử dụng Hỏa khí cho tiêu hao bớt công lực phần nào, và vừa hạ địch, vừa gây xáo trộn giữa biển người.

Ngưu Thiết Oa dù cố sức ngăn chặn, gã làm gì ngăn chận nổi ngàn lượt sóng tràn tới.

Sóng càng tràn tới gã càng lùi.

Thể khối gã nhỏ, sóng người to, dài, gã chỉ tương trì với những người trước mặt, gã không làm sao ngăn chặn được những người hai bên cho nên đã có mấy mươi người đã do hai phía tả hữu vượt qua khỏi chỗ gã đứng!

Những người đó vừa thoát đi, vừa rút vũ khí cầm tay tiến thẳng đến Phương Bửu Ngọc.

Hỏa Ma Thần đối với quần hùng, là song phương đối lập, một sớm một chiều, hoặc ngay trong hiện tại, nhưng tất cả đều quyết trừ diệt Phương Bửu Ngọc, như vậy là họ đồng minh với Hỏa Ma Thần, đồng minh vì song phương đồng cừu, dĩ nhiên Hỏa Ma Thần phải lợi dụng cơ hội đó, vừa khỏi ra tay, và nếu có thể lại thừa dịp âm thầm hạ thủ đoạn giúp quần hùng nhổ cái đinh trước mắt.

Lão tán thành ngay cao trào trừ diệt Phương Bửu Ngọc, lão điểm một nụ cười bí hiểm, chờ đợi một diễn tiến thuận lợi.

Lão cầm chắc là phen này Phương Bửu Ngọc mà thoát nạn hẳn phải có cánh mà bay đi.

Mạc Bất Khuất nắm tay Thạch Bất Vi, thân hình khích động y run run giọng thốt :

– Rồi! Xong rồi!

Y than thở :

– Bửu Ngọc! Ngươi đành chịu vậy thôi…

Thạch Bất Vi lạnh lùng :

– Hắn là một tên ác đồ, ai ai cũng có quyền tru diệt hắn, đại ca còn thương tiếc hắn là thường tiếc làm sao chứ?

Mạc Bất Khuất lẩm bẩm :

– Nhưng… lấy mắt mà nhìn….. nhìn hắn chết thảm như thế lòng ta sao nỡ?… Chúng ta phải làm sao….. chúng ta cần phải nghe hắn nói về những việc hắn đã làm…

Tôn Ngọc Bá quắc ánh mắt sắc lạnh nhìn Phương Bửu Ngọc trầm giọng thét :

– Hắn chẳng bao giờ có cơ hội nói một tiếng nào. Chúng ta nhất định không cho hắn cái cơ hội đó.

Mạc Bất Khuất cau mày :

– Tại sao?

Thạch Bất Vi chỉ ậm ừ chứ không đáp.

Cả hai bị những lượt sóng người đẩy tới giờ đây họ đứng sát cạnh đài.

Hầu như toàn thể những người hiện diện quanh đài trường đều hò hét vang ầm lên, có ít nhất cũng ngàn người hét, ai ai cũng quyết hạ sát chàng, nhưng số người lên đài chẳng có bao nhiêu.

Tất cả đều muốn giết chàng, họ chỉ dám giết bằng miệng, họ không dám giết bằng tay.

Chỉ một ít người sính tài hoặc bốc đồng cực độ định ra tay.

Thì ra sự phẫn nộ hôm nay, khoác cái màu sắc phụ họa hơn là chính xác.

Bởi họ có lý do gì mong trừ diệt chàng?

Chàng có làm gì thương tổn đến quyền lợi của họ chăng?

Chung quy họ hùa nhau không hơn, không kém, và chưa chắc gì những kẻ đã vọt lên đài lại không hối hận là mình bốc đồng vô lý.

Cho nên, cái số ít đã vọt lên đài rồi cái số đông còn lại bên dưới đài, hai thành phần đó đều bất động. Người đã lên đài, bất động không xuất thủ. Người chưa lên dài, cũng bất động, không lên theo.

Thạch Bất Vi hét lên :

– Còn chờ gì nữa chứ? Giết! Cứ giết!

Thạch Bất Vi đã mất bình tĩnh, sự kiện đó hẳn phi thường, và có nguyên nhân làm cho y mất bình tĩnh phải quan trọng phi thường vậy.

Như cái máy đã được một cơ quan điều động, bốn năm người đều theo tiếng hét của Thạch Bất Vi, cùng nhào tới, vũ khí cùng chớp lên, vũ khí gồm vũ đầu đào, tinh cương kiếm, luyện tử thương, song hoa đao…Tất cả những vũ khí đó, xé gió lao xuống đầu Phương Bửu Ngọc.

Công Tôn Hồng do dự. Y muốn lướt tới đứng chắn số người đó, không cho đến gần Phương Bửu Ngọc, song cuối cùng y chỉ thở dài đoạn bước qua một bên xa xa dù không ai đi qua mặt y, dù y đứng ngoài con đường xung tiến của những người đó.

Phương Bửu Ngọc nhìn vũ khí chớp ngời trên đầu, trước mặt nếu chàng xuất thủ, hẳn phải có người ngã nhào, hoặc chết, hoặc thọ thương nặng, hoặc tàn phế, và như vậy quần hùng sẽ phẫn nộ hơn lên.

Nếu máu lại chảy, thì sẽ có hàng trăm quỷ đầu đao, bàng trăm tinh cương kiếm, hàng trăm luyện tử thương chớp lên, chiếu vào người chàng, chứ không phải năm ba món như hiện giờ.

Nhưng nếu chàng không phản ứng, thì chẳng lẽ chàng đưa thân ra đó cho thiên hạ làm thịt hay sao?

Dù lâm vào cái thế chẳng đặng đừng, chàng cũng không dám phản công! Ít nhất, chàng nghĩ như vậy.

Nhưng tránh được đợt tấn công này, rồi hàng chục, hàng trăm đợt khác tiếp nối, chàng phải làm sao? Tránh mãi? Có thể tránh được chăng?

Phía sau lôi đài, còn chừa một khoảng đất.

Chẳng rõ người tổ chức lôi đài, chừa khoảng đất đó để làm gì, hiện tại thì nơi khoảng đất đó còn một số quan tài, bên cạnh những cỗ quan tài, bọn đại hán chuyển vận đứng run người.

Sau lưng chúng là vực thẳm sâu ngàn trượng. Có âm thinh kỳ bí phát tự đáy lòng Phương Bửu Ngọc, âm thinh đó như thế này :

“Phương Bửu Ngọc hãy trốn đi, trốn đi là có nhiều hy vọng sống sót đấy. Ngươi phải biết cơ hội chẳng phải mỗi lúc một có, bỏ qua rồi là hối tiếc muôn đời.

Đồng thời một âm thinh khác cũng phát xuất tự đáy lòng âm thinh sau vang mạnh hơn có đượm phần căm hờn. Âm thinh sau như thế này :

– Phương Bửu Ngọc! Ngươi không thể trốn đi. Ngàn muôn lần ngươi không thể trốn đi được! Hôm nay ngươi trốn, ngươi sống sót, nhưng sống sót để làm gì, bởi từ phút ngươi trốn đi là ngươi phải vĩnh viễn trốn người đời, ngươi chẳng còn chường mặt được nữa, ngươi sẽ chôn giấu bóng hình, ngươi chẳng còn chỗ đứng trên thế gian. Ngươi sống như vậy thà chết còn hơn.

Lại một âm thinh nữa tiếp nối :

Phương Bửu Ngọc! Là nam tử, là trượng phu, chân đạp đất đầu đội trời, ưỡn ngực chen mình giữa giòng đời, trừng mắt nhìn người đời, sợ chi ai mà trốn chui trốn nhủi, chẳng dám đương cự với bao nhiêu phi lý? Trừ ra đầu ngươi rời cổ thì ngươi đành bó tay, đành rằng ngươi gặp khó khăn, song trên thế gian có cái khó nào không khắc phục được? Trên thế gian có nguy cơ nào lại không cách hóa giải? Ngươi đừng quên điều đó.

Phương Bửu Ngọc nói làm sao?

Chàng hoang mang giữa những tiếng lòng tương phản, nhưng tình thế có cho chàng hoàng mang lâu được chăng?

Chàng phải dứt khoát thái độ như thế nào?

* * * Vũ khí chớp, bên trên đầu trước mặt…Phương Bửu Ngọc lôi Tiểu công chúa đảo bộ lách qua một bên, ngoài vị trí ba thước.

Bao nhiêu vũ khí giáng xuống khoảng không.

Bao nhiêu vũ khí đó chẳng làm nên việc gì, đợt vũ khí khác lại bay vèo vèo tới.

Trước tiết tiên, Hỏa Linh kiếm, Tuyên Hoa Phủ… tất cả đều chớp lên lao vút theo Phương Bửu Ngọc.

Đưa bàn tay đẩy ra một đạo kình lực, hướng về vùng chớp chớp của mấy món vũ khí đó, Phương Bửu Ngọc bắt buộc phải phản ứng.

Bởi chàng chẳng còn cách nào hơn, ít nhất cũng tạm dùng phương pháp tự vệ tối thiểu trong khi chờ lấy một quyết định sau cùng.

Keng! Cốp!….

Một loạt âm thinh bất đồng vang lên, hòa lẫn với nhau, những vũ khí đó chạm quấn vào nhau tất cả đều bật dồn trở lại.

Trong số có chiếc tuyên hoa phủ nặng cân nhất, phủ chạm vào kiếm là vật nhẹ nhất, kiếm gãy làm hai đoạn.

Giữa tiếng rú kinh hãi đó, Phương Bửu Ngọc lại đảo bộ vụt mình xa vị trí rồi.

Một tràng cười ghê rợn vang lên, tiếp theo là một giọng nói đầy ngạo nghễ :

– Con thú đã bị dồn vào rọ, còn sính tài năng mà làm gì? Ngươi đừng nuôi hy vọng mà thoát đi. Vô ích, cho ngươi đôi cánh, ngươi cũng chẳng được sinh tồn đâu!

Hỏa Ma Thần đã xuất lãnh thuộc hạ nhào tới. Lão ấy dám chường mặt trong trường hợp này, bất quá dưới cái lốt của một người trong võ lâm không hơn không kém chứ khi nào lão lại dám tỏ lộ xuất xứ của lão từ Ngũ Hành ma cung mà ra?

Đã không dám tiết lộ thân phận lai lịch thì đương nhiên lão cũng chẳng dám thi triển bí học của Ma cung, và vũ khí đặc chế của lão, cũng chẳng thể xuất hiện được. Lão bắt buộc phải dùng vũ khí thông thường…

Mà vũ khí thông thường nào có ở trong tay lão lại không lợi hại phi thường? Một con người phi phàm hẳn phải có một cái gì bất phàm.

Đó là đặc điểm của hạng người có thực học, thực tài.

Một điều đáng lưu ý, là qua hai đợt tấn công vừa rồi, quần hùng vì bốc đồng, vì căm phẫn mà đồng xuất thủ, tùy theo cái ý của từng người riêng biệt, đấu pháp không phối hợp, động thủ có kẻ trước người sau, thế công thừa ồ ạt nhưng kém hợp nhất, do đó không lợi hại, Phương Bửu Ngọc tránh né dễ dàng.

Điều đó không lạ gì, bởi họ là người muôn phương đổ đến, đồng phẫn nộ, chứ đâu đồng đấu pháp? Họ cậy thế đông mà đánh tới, họ không khai thác, lợi dụng sự tương đồng chiến thuật, cho nên tuy đông mà khó tránh rời rạc.

Giờ đây bọn Ngũ Hành ma cung cùng một tổ chức, đấu pháp tập thể, xuất chiêu là liên thủ mà công, gia dĩ có kẻ chỉ huy bên cạnh điều động đấu pháp liên thủ đó, sự lợi hại phải gia tăng gấp mấy phần.

Qua ba chiêu đầu, Phương Bửu Ngọc đã thấy khó khăn rồi. Cái khó khăn của chàng không phải do sự kém tài phản ứng của chàng mà là do sự dè dặt, cố tránh gây thương tổn cho đối phương, chàng tự vệ hơn, chứ chưa phản kích.

Giả như chàng phản kích được, thì chàng có sợ gi? Dù địch đông hơn người cũng chẳng ngán.

Hỏa Ma Thần thấy thuộc hạ thắng thế, liến lùi ra một bên đứng nhìn. Thỉnh thoảng lão hò hét trợ Oai thuộc hạ.

Trên đài người lên một lúc một đông.

Người càng đông, sân đài càng hẹp, khoảng trống giành cho cuộc đấu thu gọn dần dần. Phương Bửu Ngọc xoay trở hết sức khó khăn.

Hà huống còn đèo theo Tiểu công chúa một bên?

Nếu chàng buông nàng ra trong lúc đó thì chàng cử động dễ dàng, dù khoảng đất chiến có hẹp hơn nữa cũng chẳng sao.

Cho nên khoảng trống còn rộng, chàng để Tiểu công chúa lơi xa xa, khoảng trống hẹp lại,chàng bắt buộc phải ôm rịt nàng sát vào mình.

Bỗng, Tiểu công chúa gằn giọng bên tai chàng :

– Ngươi chưa chịu buông ta ra à? Người định để cho ta chết chung theo ngươi phải không?

Phương Bửu Ngọc thở một hơi dài, chừng như chàng muốn nói gì đó, chàng còn biết bao nhiêu điều muốn nói nhưng nói làm gì khi niềm bi phẫn dâng tràn trong tâm tư? Dù có nói lên, bất quá cũng chỉ là những điều phẫn hận, những lời căm uất chứ giảng giải được gì?

Chàng lại nín lặng.

Tiểu công chúa tiếp :

– Nếu ngươi không buông ta, thì ít nhất cũng có phương pháp nào chứ, chẳng lẽ ngươi chịu chết và để ta cùng chết theo? Ngươi chết thì được bởi ý ngươi muốn vây, song ta không thể chết được bởi ý ta chưa muốn chết.

Nàng phiền trách chàng rõ ràng. Nàng oán hận chàng vô cùng.

Trong khi tâm tư lo ngại, chàng phải tránh né một thế công ác độc tránh xong rồi chàng hỏi :

– Phương pháp gì hở cô nương?

Tiểu công chúa hừ một tiếng :

– Ngươi chịu oan uổng từ lâu chẳng lẽ ngươi không thể nói lên một lời nào?

Phương Bửu Ngọc cười thầm :

– Trong tình thế này, người ta có chịu để cho tại hạ nói gì chăng?

Chiếc áo của chàng đã bị vũ khí địch chém xả vào rách toạc mấy đường.

Tiểu cống chúa thốt :

– Ngươi cứ nói, không nhiều người nghe, ít nhất cũng có một vài người nghe, như thế cũng đã đủ rồi, dù ngươi có chết ít ra cũng có ngươi nghe được lời thanh minh của ngươi!

Nàng nói lớn, vì tuy hai người ở sát bên nhau, tiếng ồn ào vang lên quá to, át cả tiếng nói của họ, nếu nói nhỏ quá chẳng ai nghe được.

Phương Bửu Ngọc chưa nói gì, Tiểu công chúa tiếp :

– Nhưng ngươi không chịu nói gì thì sẽ có người nói cho ngươi!

Phương Bửu Ngọc hỏi nhanh :

– Ai?

Tiểu công chúa lại hừ một tiếng :

– Ngươi không đoán ra sao?

Phương Bửu Ngọc thở dài :

– Tại hạ biết rồi, nhưng…

Bỗng chàng cắn răng, lướt mình vào vùng đao ảnh. Chẳng hiểu tại sao chẳng một nhát đao nào chạm vào mình chàng.

Chàng vào vùng đao ảnh, như bất thình lình chạy ra hứng một trận mưa, đao ảnh rơi rớt quanh mình chàng, bao bọc kín đáo như hạt mưa rơi dày.

Đao không chạm vào mình chàng, đao cũng chẳng chạm vào mình Tiểu công chúa vì địch cố kỵ Công chúa.

Phương Bửu Ngọc cố vượt qua vùng đao ảnh, lướt tới trước mặt Hỏa Ma Thần quát khẽ :

– Mau hạ lịnh cho chúng hạ tay!

Hỏa Ma Thần bật cười ghê rợn :

– Tại sao ta phải hạ một lệnh quái dị như thế chứ?

Phương Bửu Ngọc trầm giọng :

– Chỉ vì ngươi chẳng để cho ta chết. Đừng giả vờ, ta nói như thế là đúng với tâm ý của ngươi đó. Mau mau hạ lệnh đi!

Hỏa Ma Thần chớp mắt :

– Ngươi chết là tốt chứ có sao? Vì lý do gì ta cần để cho ngươi sống sót chứ?

Phương Bửu Ngọc lạnh lùng :

– Chỉ vì ta đáp ứng đến Thủy cung một chuyến!

Hỏa Ma Thần trầm ngâm một chút đoạn bật cười ha hả :

– Khá lắm đó tiểu tử! Trong tình thế này, ngươi giữ được tinh thần bình tịnh, trí óc không rối loạn, nhận định an nguy, quyết đoán thái độ, khá lắm! Đáng phục vô cùng! Ngươi đáp ứng ta, ta phải đáp ứng ngươi!

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN