Ân Thù Kiếm Lục
Chương 49: Lên trời chưa phải khó
Nơi Phương Bửu Ngọc đang đứng cũng là một đỉnh núi.
Nhưng nhìn lên tận đỉnh có sương mù che phủ chàng thấy quá cao, cao như tiếp liền với nền trời xanh, dù sương mù che khuất chẳng thấy nên trời.
Nơi đỉnh cao đó chừng như có một thế giới riêng biệt.
Nơi đó lơ lửng giữa khoảng không có tiếp liền với nền trời hay không, qua lớp sương mù Phương Bửu Ngọc không nhận định rõ.
Nơi đó mường tượng xa hẳn thế gian, bởi những ngọn núi cao trong vùng hầu như thấp lè tè, bao quanh chẳng khác những ngọn sóng nhấp nhô bọc một hòn hải đảo.
Theo chân Vạn lão phu nhân, Phương Bửu Ngọc đi lên, có thể bảo là chàng lên từng bước, từng bước.
Chàng đi giữa sương mù, đi một lúc rất lâu, độ một khắc thời gian qua một khu rừng sầm uất, đến một nơi sơn cốc âm u lúc đó mới thật sự đặt chân lên những bậc thang.
Đường thang lên trời.
Thang đương nhiên là lên, thang lên dài vô tận, chẳng ai thừa công đếm những bậc, dù không đếm, ai ai cũng phải lấy số ngàn mà ức độ và chẳng biết có bao nhiêu ngàn.
Phương Bửu Ngọc vận dụng nhãn lực nhìn lên chẳng làm sao thấy tận đầu.
Mà nơi tận đầu thang có phải là địa điểm chàng cần đến chưa, hay là còn phải đi một lúc nữa?
Đâu đâu cũng là sương mù.
Không có ánh mắt nào nhìn thủng sương mù, không có tâm tư nào tưởng tượng được trong sương mù, bên sau sương mù có những gì, bởi quá mông lung quá mờ dị, chẳng có một cảnh trí một vật thể nào làm điểm tựa để suy điển rộng hơn…
Đường thang rất dài, lại thòng lên cao đường thang quá dốc khó đi vô cùng.
Bên hữu đầu thang dưới có tấm biển, nơi biển có mấy chữ :
– Đường thang lên trời, theo đường thang này sẽ đến đỉnh.
Đặt chân lên thang thứ nhất Vạn lão phu nhân dụng lực, bà lộ vẻ thận trọng hơn lúc động thủ với tay đại kình địch.
Thang vừa đứng vừa trơn, chân bước rất khó khăn.
Hai bên đường thang có vô số hoa cỏ, và hoa toàn là những loại hiếm có dưới trần.
Dọc theo đường thang, cách khoảng vài mươi bậc lại có hoặc kiếm gãy, hoặc xương người trắng xóa, hoặc lộ liễu ngay trên đường, hoặc nửa ẩn nửa hiện, trong những bụi cỏ.
Hoa trắng, cỏ xanh, sương đục, rồi sương mờ giăng mắc khắp nơi, tất cả nói lên sự thần bí của một nơi đi sâu vào thần thoại từ lâu lắm rồi.
Vạn lão phu nhân thở dài thốt :
– Ngươi thấy đó, đến Bạch Thủy cung có khác nào vào quỷ môn quan. Từ xưa đến nay có ai đi mà được về? Bao nhiêu xương trắng kia, bao nhiêu đoạn thép đó chứng tỏ nơi đây là cấm địa! Muốn đến Bạch Thủy cung phải có gan, gan không, chưa đủ phải có tài, tài không chưa đủ, phải là tài cao siêu việt! Tài cao tài siêu việt trên bậc Phương Bửu Ngọc vẫn phải chết như thường! Huống hồ Phương Bửu Ngọc?
Phương Bửu Ngọc cau mày :
– Nơi đây chẳng lẽ đến cái việc mai táng…
Vạn lão phu nhân lạnh lùng chận lời :
– Tại sao cần phải mai táng? Nên để lộ liễu như vậy chứ, cho kẻ sau thấy gương kẻ trước, cho người sau nuôi mộng làm cái việc vá trời, vừa đến đây, thức ngộ ngay mình ngông cuồng rồi trở lại gấp, khi còn kịp trở lại!
Rồi bà thở dài tiếp :
– Nói là nói vậy, chứ thực ra cũng không cần nêu gương, bởi kẻ nào đến đây, có muốn trở về cũng không trở về được.
Phương Bửu Ngọc đảo mắt nhìn quanh hỏi :
– Chỉ sợ bà nói quá sự thật đấy thôi, giả như hiện tại tại hạ muốn trở lại thì làm gì có người biết mà làm khó dễ?
Vạn lão phu nhân mỉm cười :
– Ngươi nghĩ vậy là chưa hiểu Bạch nương nương lợi hại như thế nào! Nương nương là bậc toàn năng toàn tri, ngươi đinh ninh là chẳng ai hay biết ngươi đã đến đây, bởi ngươi chẳng thấy một bóng người thấp thoáng. Kỳ thực Nương nương đã hay rồi.
Phương Bửu Ngọc cười lớn :
– Thì ra bà nói lên câu đó chẳng phải để cho tại hạ nghe! Bà đã biết cái tội đưa người lại đây, bà sợ tội, nên trước hết tâng bốc chủ nhân một vài câu ve vuốt cái tánh cao ngạo của chủ nhân, để chủ nhân khoan khoái mà tha thứ cho bà, bà mong muốn câu nói đó vang đến tai chủ nhân lắm, chứ làm gì…
Vạn lão phu nhân không nao núng :
– Ngươi tưởng rằng Bạch nương nương không hay biết?
Phương Bửu Ngọc cười nhẹ :
– Bà ấy chẳng phải là thần tiên, làm gì bà ta nghe được biết được?
Bỗng có ai đâu đây cất tiếng :
– Ngươi lầm rồi!
Giọng nói rất nhẹ, rất dịu, rất trong, chung quanh chẳng có một bóng người, song giọng nói như phát ra ngay bên tai.
Phương Bửu Ngọc giật mình, lập tức dừng chân.
Giọng nói đó tiếp tục vang lên :
– Ngươi sợ rồi sao? Ngươi không dám đi lên nữa à?
Phương Bửu Ngọc sửng sốt.
Vạn lão phu nhân đã nhào xuống đất nửa quỳ nửa mọp.
Giọng nói phát ra trong khung cảnh này, khung cảnh thần bí giọng nói càng làm tăng cái vẻ thần bí, bởi chính giọng nói cũng thần bí luôn, như có một ma lực nào làm cho người nghe phải khiếp.
Cái tâm đã khiếp sợ thần bí càng tăng gia.
Nhưng Phương Bửu Ngọc chỉ giật mình thôi chứ còn kinh sợ như Vạn lão phu nhân thì không.
Đương nhiên làm gì chàng lại quỳ mọp như Vạn lão phu nhân? Và trên gương mặt chàng chẳng có một biểu hiện nào chứng tỏ chàng kinh sợ.
Bất quá chàng động tính hiếu kỳ, trong vẻ hiếu kỳ ẩn ước có niềm phấn khởi.
Chừng như chàng vừa khám phá ra một việc gì vậy.
Người bí mật vận với âm thanh nhẹ dịu tiếp :
– Vạn Hoàng Anh ngẩng đầu lên đi!
Vạn Hoàng Anh tự nhiên là tên của Vạn lão phu nhân.
Lệnh ban ra nói ngẩng lên, Vạn lão phu nhân thay vì ngẩng đầu lên lại càng mọp xuống sàn bậc thang, nếu có thể chui luôn vào đất bà cũng chui liền.
Người bí mật hỏi :
– Ngươi biết tội chưa?
Vạn lão phu nhân run như cầy sấy :
– Tôi… tôi… đã biết tội rồi… đáng lẽ tôi không nên đưa người đến đây… cầu… cầu xin lão nhân gia… dung thứ… dung thứ…
Bà không thể xưng là tại hạ, bà cũng chẳng dám dùng tiếng già, bà chỉ dùng một tiếng tôi thông thường như mọi người thường ở hạng dưới, hay chẳng thuộc giới giang hồ.
Người bí mật điềm nhiên :
– Dung thứ cho ngươi?
Vạn lão phu nhân vập đầu côm cốp trên bậc đá :
– Dung thứ… cho tôi… lão nhân gia ơi! Tôi là kẻ vô dụng như một con chó già, lão nhân gia có gia tội tôi cũng chẳng có ích lợi gì đó lão nhân gia ơi!
Lời cầu khần của Vạn lão phu nhân ngân vang loang trong không gian hòa vào sương mù từ từ lên đỉnh cao.
Không một tiếng đáp.
Vạn lão phu nhân vẫn còn mọp tại chỗ.
Lâu lắm người bí mật mới cất tiếng :
– Đi! Cứ đi! Ngươi chẳng xứng đáng cho ta xuống tay!
Vạn lão phu nhân mừng trên chỗ tưởng :
– Đa tạ… đa tạ lão nhân gia!
Người bí mật tiếp :
– Xuống núi lần này cứ thẳng đường mà chạy, không được dừng chân lại đấy nhé, không được quay đầu lại đấy nhé! Ngươi chạy thật xa, thật xa, chạy luôn ra hải ngoại và khi chưa ra biển khơi chẳng được mở miệng nói tiếng gì đấy nhé!
Vạn lão phu nhân vập đầu :
– Tuân mạng! Tuân mạng!
Người bí mật lại tiếp :
– Nếu ngươi cãi lịnh ta, chỉ nói một tiếng thôi ta cũng nghe lọt, nếu ngươi dừng chân một giây thôi, ta cũng biết rõ và như vậy ngươi đừng than van là chết oan, chết uổng đấy nhé!
Vạn lão phu nhân luôn luôn gật, luôn luôn thốt lên hai tiếng tuân mạng.
Sau cùng người bí mật bảo :
– Thôi! Đi đi!
Vạn lão phu nhân vụt đứng lên quay mình chạy đi liền, chẳng dám nhìn trở lại.
Phương Bửu Ngọc và Tiểu công chúa nhìn theo bóng bà trầm tư.
Người bí mật gọi :
– Phương… Bửu… Ngọc!
Tiếng gọi rất chậm, rất nhẹ.
Phương Bửu Ngọc giật mình :
– Các hạ… biết…
Người đó cười một tiếng :
– Tự nhiên ta biết ngươi! Ta biết ngươi khi ngươi còn cách đây ngàn dặm, ta biết thế nào ngươi cũng đến đây chẳng có một việc gì của ngươi mà ta không biết! Ngươi sợ hãi làm gì?
Lần thứ nhất người bí mật cười.
Tiếng cười ngân lên như gió khua lục lạc nhỏ, như những xâu châu ngọc chạm vào nhau, tiếng cười có cái hấp lực dũng mạnh phi thường chẳng một ai chống trả nổi.
Tiếng cười giọng nói chứng tỏ người phát ra là một nữ nhân.
Tiểu công chúa vốn là nữ nhân nghe tiếng cười đó cũng đâm mê huống hồ nam nhân?
Phương Bửu Ngọc thở dài :
– Bà đúng là một nhân vật phi phàm!
Bà đó vẫn với giọng nhẹ dịu :
– Bây giờ dù ngươi muốn trở xuống cũng còn kịp!
Phương Bửu Ngọc mỉm cười :
– Thật vậy hở bà? Tại hạ chỉ sợ đã muộn!
Người bí mật bảo :
– Ngươi thử ngẩng mặt lên xem!
Phương Bửu Ngọc ngẩng mặt lên, Trước mắt chàng là một vọng cửa đá cao vô tưởng, cửa hình tròn.
Cửa được kiến tạo cực kỳ huy hoàng mỹ lệ.
Nếu nói trên thế gian này có những cái tuyệt xảo, thì vọng cửa này là kết quả của cuộc công trình xảo diệu phi thường, chẳng khác nào một viên ngọc không tỳ không vết.
Dù ai khó tánh đến đâu cũng chẳng tìm ra một điểm đáng chỉ trích trong công trình kiến tạo đó.
Bên trên vọng cửa có mấy chữ thoáng đọc qua là ai ai cũng kinh sợ :
– Vào cửa này ra kiếp khác!
Người bí mật lại hỏi :
– Ngươi thấy rõ chứ?
Phương Bửu Ngọc mỉm cười :
– Chữ to quá tự nhiên tại hạ phải trông thấy!
Người bí mật tiếp :
– Ngươi còn muốn vào chăng?
Phương Bửu Ngọc thản nhiên :
– Bà không xuống đây đương nhiên là tại hạ phải lên! Muốn lên đó đương nhiên tại hạ phải vào cửa!
Người bí mật thở dài :
– Ta mong sao ngươi sẽ không hối hận!
Rồi người bí mật nín luôn, lâu lắm chẳng nói một tiếng nào nữa.
Có thể bà ta đã bỏ đi?
Có thể bà ta đang ẩn mình đâu đó, bên trong cửa chờ chàng?
Chàng day mặt về phía sau, nhìn Tiểu công chúa đoạn bước từ bước một chững chạc tiến lên.
Chàng biết rõ qua ngưỡng cửa đó dù chàng có sống sót mà trở về thì chắc chắn là vận mạng của chàng phải có biến quan trọng, cải biến như trở về một thế giới khác hoặc như người từ âm phủ được Diêm Vương cho hồi sinh.
Tiếc là chàng không tin.
Trái lại chàng còn cương quyết bước tới, mượn cái chững chạc để đắn đo cân nhắc suy lường…
Cái chững chạc đó sẽ giúp chàng khoảng thời gian cần cho sự suy tường.
Vạn lão phu nhân sợ Cung chủ Bạch Thủy cung còn hơn một con dê non sợ con hổ đói.
Niềm sợ hãi đó ăn sâu vào xương tủy, không ai làm sao cho bà hết sợ nổi.
Quả nhiên Vạn lão phu nhân chẳng dám dừng chân dù là một giây một phút.
Không dừng chân, thì làm sao nghỉ ngơi?
Ngày chạy mãi đã đành, đêm cũng chạy luôn và dĩ nhiên là bà cũng chẳng dám ngủ.
Bà quá sợ như có một ngọn roi nào theo sát lưng bà, giả như bà dừng chân lại là ngọn roi đó quất lên lưng, lên đầu bà.
Khi bà chạy đến Tế Hà thì bà gần như chẳng còn nhân dạng nữa.
Tế Hà là một bến sông, giòng sông Huỳnh Hà.
Từ nơi đó có thể ngồi thuyền thẳng ra biển, và đó cũng là lối thông ra biển duy nhất của Huỳnh Hà.
Cho nên nơi đây thuyền chen san sát, thuyền đông chẳng kém Trường Giang.
Vạn lão phu nhân không còn chiếc trượng dài nơi tay như lúc nào.
Hiện tại bà cầm một cành cây thay cho trượng.
Bà không còn đi đứng nổi nữa, tuy bà bước song chẳng khác nào bà kéo lết đôi chân.
Bà tiều tụy quá chừng, đôi mắt bà mất thần thành lờ mờ như mắt bệnh nhân.
Giờ đây, phải là những người thân với bà những người từng tiếp cận bà ta ít nhất cũng trên mấy mươi năm, mới nhận ra được bà.
Mà bà cũng không hy vọng ai nhận ra được bà cả.
Tại bến sông, một đại hán đang gọi oang oang :
– Ăn phải chon cơm trắng, đi thuyền phải chọn thuyền vững, vị nào muốn đến tỉnh thành Tế Nam, Thanh Thành, Lợi Tân, xin xuống thuyền của chúng tôi đây! Bảo đảm du khách ngồi thuyền như ngồi núi!
Bên cạnh hắn có một tiểu tử tay sai của hắn.
Tiểu tử cũng cao giọng phụ họa theo ý của đại hán :
– Chuyến đi cuối cùng đây, các qúy khách! Mất chuyến này các vị phải chờ đến ba hôm nữa mới khởi hành được đó.
Vạn lão phu nhân chập choạng tiến đến thuyền.
Bà không muốn nơi đường bộ, bà không còn khí lực theo đường bộ nữa.
Đại hán đưa cánh tay thép chận bà :
– Bà già! Bà muốn gì đây?
Vạn lão phu nhân lắc đầu không dám nói gì.
Cung chủ Bạch Thủy cung đã cấm bà mở miệng kia mà.
Bà có cảm tưởng là một con mắt thần đang dán vào lưng bà, đương nhiên làm sao bà dám nói gì?
Đại hán cười lạnh tiếp :
– Hình dáng của bà như thế đó bà cũng muốn đáp thuyền nữa sao? Cho bà biết giá một chuyến đi không phải ít đâu, bà làm gì có bạc trang trải nổi? Đừng hy vọng nữa bà ơi! Làm cái nghe lấy mồ hôi đổi cơm áo này, còn lâu lắm chúng tôi mới biết thương người.
Vạn lão phu nhân lắc lắc chiếc đầu rồi lại gật cũng đủ số như đã lắc.
Đại hán nổi giận :
– Cái lão bà này đáng ghét lạ! Tôi đã nói sao bà có nghe chăng? Bà có chịu cút đi chăng?
Hắn đưa bà tay như chiếc quạt nan bồ, đẩy Vạn lão phu nhân.
Vạn lão phu nhân lạnh lùng nhìn bàn tay hộ pháp của hắn.
Chỉ cần bàn tay đó phớt nhẹ chéo áo bà là đại hán vĩnh viễn không còn sử dụng bàn tay đó nữa.
Nhưng vừa lúc đó Vạn lão phu nhân có cảm giác là người nào đó đã đến phía sau lưng bà.
Lúc đó tại bến sông có rất đông người.
Người thì đông, song chỉ là những người thường. Điều đặc biệt là người đến sau lưng bà lại khác hẳn với một kẻ kia.
Nơi lưng có một áp lực đang dồn ép đến bà, áp lực đó xâm nhập vào người bà.
Người ở sau lưng bà hiển nhiên là một cao thủ võ lâm!
Phàm là cao thủ trong võ lâm, ai ai cũng có một trực giác rất nhạy, tiếp cận nhau là biết nhau liền, chẳng cần hỏi, chẳng cần ai cung khai lai lịch…
Bà không còn tự chủ được nữa, dù có làm trái lịnh Bạch Thủy cung chủ phần nào bà cũng phải làm.
Và bà nhấc thân mình sang qua phía tả độ hai bước.
Trong khi bà nhích chân, bàn tay hộ pháp của đại hán trên thuyền cũng đã đẩy tới.
Bàn tay đó đẩy vào khoảng không.
Đại hán giật mình giương tròn đôi mắt nhìn bà.
Hắn không tưởng nổi là mặt bà tiều tụy như bóng ma lại tránh được một cái đẩy của hắn.
Nhưng Vạn lão phu nhân nào chú ý đến hắn? Cái người bà cần chú ý ở phía sau lưng bà kìa.
Bà khẽ liếc mắt nhìn về phía hậu, nhìn nghiêng nghiêng chứ không dám quay đầu đối diện hẳn.
Bởi Bạch Thủy cung chủ cấm bà quay đầu.
Tuy nhìn nghiêng nghiêng Vạn lão phu nhân cũng thấy được.
Người đó có thân vóc rất cao, ít nhất cũng độ trên tám thước, một thân vóc rất khôi vĩ, đầu đội nón lá, nón chụp xuống tận vai, choàng một chiếc áo màu đỏ phủ xuống tận chân.
Người đó đứng bất động, nhưng cái khí thế từ thân hình bốc ra rất mạnh, gây khiếp đảm những kẻ chung quanh một ai dám nhìn y.
Vạn lão phu nhân nhận ra y ngay.
Y là Công Tôn Hồng ngoại hiệu là Thiên Long Công!
Tuy nón chen kín mặt tuy vận chiếc áo khác với trong đêm đại hội Thái Sơn, Công Tôn Hồng không che giấu nổi chân tướng trước mặt Vạn lão phu nhân.
Bởi thân hình khôi vĩ khí thế cương mãnh của y đã tố cáo chân tướng y hơn nửa phần.
Và phần nhỏ còn lại đó, nếu ai có ký ức khá một chút tất khám phá ra ngay và rất nhanh.
Vạn lão phu nhân lập tức cúi đầu.
Có lẽ từ lúc đầu Công Tôn Hồng không để ý đến bà.
Song khi thấy bà nhít động đôi chân dịch thân hình sang bên tả y nhìn bà liền.
Chính thân pháp của Vạn lão phu nhân làm cho y lưu ý đến bà.
Một lão bà già nua tiều tụy như thế đó làm gì tránh kịp một cái đẩy của đại hán.
Thân pháp đó nói lên một đặc biệt ở lão bà trước mắt y cho nên y phải nhìn.
Song y đã nhận thức ra lão bà chẳng phải là một con người tầm thường vậy thôi, hiện tại y đang mang nặng bao nhiêu sự lòng, còn thì giờ đâu quan tâm đến những gì chẳng liên quan với y?
Rồi y không lưu ý đến bà nữa.
Đại hán bước tới trước mặt Công Tôn Hồng, điểm nụ cười chiêu đãi hỏi :
– Khách quan muốn đáp thuyền?
Công Tôn Hồng buông gọn :
– Ừ!
Bỗng chừng như y chợt nhớ ra điều gì vội tiếp :
– Đừng làm khó dễ chi đến bà này nhé, tiền đã có ta, ta đảm phụ cho bà ngươi cứ chở!
Không khí thuyền phòng có phần nào khó thở vì cái nóng do người đông tạo nên. Ai ai cũng cảm nhận thấy ngột ngạt trong lúc đầu chưa quen.
Thuyền không cũ kỹ lắm, cũng khá kiên cố, nhưng khoang thuyền hết sức thô, chẳng có vật gì trang trí cho nhã ái, bất quá có hai chiếc ghế dài, quá dài dọc theo hông thuyền, loại ghế dùng chèn nhét bao nhiêu người cũng đủ, dù chỉ một vài người ngồi trái lại cũng chẳng đủ, mà nhiều người ngồi cũng còn thêm người người được như thường.
Trong chuyến đi này hành khách không đông lắm, chưa cần chiếm chỗ ngồi.
Hành khách còn bận sắp xếp hành lý ở khoang sau, có người chiếm ngay chỗ đặt hành lý hoặc nằm hoặc ngồi.
Khách giang hồ xuôi ngược, bất quá đèo bên mình một tay nải là nhiều, bởi không vướng bận hành trang, Công Tôn Hồng ngồi ngay nơi một chiếc ghế dài.
Y ngồi bất động, trông y như một tòa thiết tháp.
Vạn lão phu nhân cũng chiếm một chỗ ngồi khiêm nhượng, bà ngồi ủ rũ như cây héo từ nhiều năm chẳng có một giọt mưa xuân tưới lên đầu bà cúi xuống nửa phần mệt mỏi, nửa phần muốn che giấu hành tung.
Khi vào thuyền đi ngang qua Công Tôn Hồng, bà cũng có nghiêng mình chào y như để cảm tạ sự can thiệp của y với chủ thuyền cho bà được đi trong chuyến đò này.
Bà chỉ nghiêng mình chào thôi, chứ chẳng mở miệng.
Công Tôn Hồng gật đầu rồi cũng nín lặng.
Y không quan tâm đến sự việc nhỏ nhen đó hay y chẳng có điều lo nghĩ quá nặng nề, điều lo nghĩ đó chiếm trọn tâm tư y, y chẳng còn thì giờ tâm trí nghĩ đến việc gì khác?
Hành lý sắp xếp yên nơi yên chỗ, mỗi người đều có một chỗ nằm ngồi ưng ý rồi, hành khách mới bắt đầu nghĩ về hiện cảnh.
Họ bắt đầu gợi chuyện với nhau, chuyện trên trời dưới đất, chuyện không khí trong thuyền, chuyện sóng gió trong hành trình, chưa ai đi sâu vào tâm sự.
Bởi có ai dám đem tâm sự giãi bày cũng người xa lạ?
Khung cảnh khởi nhiệt náo phần nào.
Nhưng đại hán chưa mở dây tách thuyền rời bến.
Hắn còn nhóng, biết đâu chẳng có một vài người nào đó bận chút việc riêng tư đến trễ?
Nếu chở thêm một vài người hắn sẽ có thêm tiền, chở ít chở nhiều cùng một chuyến đi, cũng bao nhiêu tổn phí, thì đương nhiên hắn phải nhóng thêm.
Công Tôn Hồng như có việc khẩn cấp không thể chần chờ, cao giọng gọi đại hán :
– Cứ tách bến đi! Nếu hành khách chưa đủ số ta sẽ đền vào chỗ thiệt hại cho người.
Đại hán mừng rỡ, mở dây thuyền ngay.
Thuyền ra giữa sông, hành khách thở phào.
Trên thuyền ai nấy cũng bắt chuyện với nhau, song chẳng ai dám nói gì với Công Tôn Hồng.
Không ai bắt chuyện với mình, Công Tôn Hồng cũng chẳng buồn nói năng với ai cả, và chính y mong muốn đừng ai hỏi han quấy rầy y, trong khi cần được yên tĩnh.
Vạn lão phu nhân ngồi nơi góc thuyền chốc chốc nhìn thoáng sang Công Tôn Hồng tự hỏi :
– Ngươi này từ đâu đến vùng Tế Hà này? Bây giờ ngươi định đi về đâu mà lại đáp thuyền với ta khẩn cấp như thế? Ngươi đang lo ngại về chuyện gì…
Gió càng phút càng thổi mạnh nhưng lại ngược chiều, thuyền không thể đi thẳng, phải từ từ chéo theo đường gẫy như chữ chi, từ bờ phía tả, đâm xiên qua bờ hữu rồi từ bờ hữu đâm xiên về bờ tả, cứ thế mà tiến.
Đi như vậy rất phí thời gian, song chẳng còn cách nào hơn khi gió nghịch chiều.
Thái dương chếch về Tây, nắng vàng bắt đầu chiếu xuống khoảng sông dài.
Sóng vỗ nhấp nhô, đầu sóng nhuộm vàng óng ánh, trông xinh đẹp phi thường.
Rồi thuyền xuôi lướt nhanh, thuyền ngược xiên qua đảo lại, thuyền đan lưới vào nhau, bên trên từng đàn chim lượn, chim cũng đan lưới như thuyền.
Khung cảnh sông dài lúc hoàng hôn rải vàng xuống nước, giăng muôn màu trên nền trời xa xa, có cái sức quyến rũ vô tận cùng, khách xuôi thuyền còn ai không man mác tâm thần, cảm thấy một niềm cảm khoái nhẹ dâng lên, tâm tư nhìn sóng nước, nhìn mây trời, lòng ngây ngất với chất men hồ hải, tưởng chừng nhìn siêu thoát khỏi tục trần…
Chính Vạn lão phu nhân mang nặng sầu tư của con người bị đày ải đến tận miền xa, cũng nghe lòng êm vô cùng.
Ngồi không ngắm cảnh nhìn trời, là cái quyền của người chi tiền cho một chuyến đi, nhưng người thu tiền đâu nhàn hạ như hành khách lúc gió ngược chiều.
Từ chủ thuyền đến trạo phu đều tháo mồ hôi hạt lèo lái con thuyền tranh từng tấc nước với gió.
Họ cởi phăng áo ngoài, họ để lộ thân thể như những pho tượng đồng đen óng ánh, họ chú hết tâm thần điều khiển con thuyền.
Thuyền vẫn theo lối chữ chi mà tiến, khó khăn chậm chạp vô cùng.
Sông rộng, thuyền xiên qua rẽ lại không ngăn khoảng xoay chiều cho lắm.
Cứ theo lệ, gần đến bờ bên này rồi, còn cách độ ba trượng là thuyền quày mũi để trở sang bên kia.
Bỗng từ bên bờ, một đường dây dài bay vút xuống.
Đầu dây có thòng lọng, thòng lọng như có mắt, không tròng vào đâu mà lại tròng đúng chiếc cần trục nơi mũi thuyền.
Chủ thuyền kinh hãi, phu thuyền kinh hãi.
Tất cả kêu lên :
– Cái gì thế này? Sao lạ lùng thế?
Trên bờ sông một tiếng đáp vọng xuống, nhưng đường dây cứ bị rút ngắn dần con thuyền vào bờ dần.
Kéo một con thuyền to từ ngoài xa sang vào tận bờ, nếu không do nhiều người thì ai đó hẳn phải có thần lực cử đảnh vạn cân nặng.
Bây giờ thì chẳng những chủ thuyền, phu thuyền kinh hãi mà hành khách cũng khiếp đảm.
Tất cả bắt đầu xôn xao nháo nhốn, ai ai cũng hiện lộ rõ vẻ hoang mang.
Và hành khách hỏi hành khách, rồi hành khách lại hỏi chủ thuyền.
Chẳng ai đáp lời, bởi nào ai biết gì mà đáp?
Vạn lão phu nhân nhìn khẽ Công Tôn Hồng.
Công Tôn Hồng vẫn ngồi bất động, lù lù như chiếc tháp tự nhiên, gương mặt y biến đổi.
Thuyền, cuối cùng phải cặp bờ.
Hơn mười đại hán vận y phục chẹt hiệp lực nhau kéo thuyền, người nào cũng mày rậm mắt to, người nào cũng có vẻ hung bạo như ác quỷ.
Đứng chen trong bọn đại hán, có hai thiếu nữ xinh đẹp tuyệt vời.
Một nàng mặc đỏ, một nàng mặc xanh nàng nào cũng gắn nụ cười nơi vành môi thành gương mặt đẹp lại càng đẹp, càng tươi hơn.
Mỗi nàng nâng một chiếc mâm, nàng áo xanh nâng mâm có bình rượu nàng áo đỏ nâng mâm có chén rượu.
Bình, chỉ có một chén cũng chỉ có một chiếc, bình và chén đều bằng ngọc, và đồng màu với áo của mỗi nàng.
Bọn phu thuyền hết sức tức giận song giận mà làm gì, bởi ai ai cũng sợ hãi.
Hai thiếu nữ từ từ bước đến gần bờ, từ từ nhấc chân lên.
Không ai thấy hai nàng nhảy hay bay, chân họ vừa nhấc lên là họ đã đứng nơi mũi thuyền rồi.
Nàng áo đỏ mỉm cười thốt :
– Chẳng có gì đâu các vị đừng sợ.
Nàng áo xanh tiếp :
– Chúng tôi đến đây, chỉ muốn dâng rượu cho một vị khách, ngoài ra chẳng có mục đích gì khác.
Nàng áo đỏ nói theo :
– Dâng rượu rồi là các vị tiếp tục hành trình, chúng tôi không dám cầm các vị ở đây lâu!
Họ cười rất tươi, họ nói rất dịu, tuy vậy mọi người vẫn còn sợ như thường.
Có kẻ làm gan lẩm nhẩm :
– Dâng rượu? Rượu tiễn đưa? Sao lại có cái lối dâng rượu lạ lùng như thế này?
Nhưng hai thiếu nữ đã vào trong thuyền rồi.
Thấy hai thiếu nữ, Vạn lão phu nhân kinh hãi phi thường bà thun người lại, vừa thun người vừa nép sát vào góc thuyền.
Nhận ra chiếc đầu còn thừa bà chui đầu vào giữa hai gối, giấu luôn hai tay.
Bà đã nhận ra hai thiếu nữ đó.
Họ là đệ tử của Vương đại nương, một kèm Đa Tý Hùng, một kèm Lã Vân trong đêm đó tại rừng dâu.
Hai nàng không thấy bà.
Họ không nhìn bà thì làm sao thấy bà được, họ đang nhìn Công Tôn Hồng.
Nàng áo đỏ kêu lên :
– Hay! Hay quá! Thì ra Công tôn đại hiệp có mặt trong thuyền này.
Công Tôn Hồng từ từ đứng lên.
Hai thiếu nữ từ từ bước tới.
Công Tôn Hồng ngưng trọng thần sắc, cất tiếng nói :
– Hai cô nương…
Nàng áo đỏ chận lời :
– Công Tôn đại hiệp không nên đa nghi, bọn chúng tôi đến đây không có ác ý đâu!
Nàng áo xanh tiếp :
– Gia sư nhận rằng đại hiệp là người thủ tín, nói đi là đi, tỏ ra tư cách anh hùng, xứng đáng trong hàng ngũ võ lâm cho nên…
Thiếu nữ áo đỏ tiếp :
– Cho nên người sai bọn tôi đến đây tiễn hành Công Tôn đại hiệp làm tỏ rõ cái tráng chí của đại hiệp, nêu gương sáng trên giang hồ.
Nàng cầm mâm có bình lấy chiếc bình rót rượu vào chén ngọc trên mâm nàng kia.
Rượu không là màu san hô, rượu này có màu xanh trong xem ra ngon lắm, Công Tôn Hồng nhìn chén rượu một lúc bỗng lộ vẻ bi thương lẫn thống khổ.
Thiếu nữ áo đỏ điểm nụ cười duyên thốt :
– Rượu tiễn hành, đương nhiên không thể có mỗi một chén, và chén thứ nhất hàm ý chúc Công Tôn đại hiệp trên đường đài được bình an, đại hiệp là bậc anh hùng trọng tín nghĩa, đáng được người đời xem như thần tượng…
Thiếu nữ áo xanh đưa chiếc mâm có chén rượu đến gần Công Tôn Hồng tiếp :
– Xin mời đại hiệp!
Công Tôn Hồng do dự một chút đoạn ngẩng mặt lên, buông tiếng than :
– Cũng được!
Rồi y chụp lấy chén rượu uống cạn.
Thiếu nữ áo xanh bật cười khanh khách :
– Như vậy mới khoan khoái chứ! Như vậy mới đáng hoan nghinh chứ! Quả nhiên tửu lượng hơn người!
Thiếu nữ áo đỏ rót thêm một chén thốt :
– Chén thứ hai hàm cái ý khuyên Công Tôn đại hiệp đừng bi thương đừng thống khổ, bằng vào võ công đó đại hiệp thừa lập nên một sự nghiệp lớn lao nơi hải ngoại.
Nàng dừng lại một chút, cười nửa nụ tiếp :
– Hà huống, tuy đại hiệp bại nơi tay gia sư, bại như thế cũng chẳng phải là điều đáng hận, trong võ lâm bao nhiêu người thành danh từ nhiều năm qua, vẫn phải bại nơi tay gia sư như thường. Cái bại còn thê thảm hơn gấp trăm gấp ngàn lần đó đại hiệp ơi!
Thiếu nữ áo xanh nói tiếp :
– Công Tôn đại hiệp thấy rõ như thế chứ?
Rồi nàng giục :
– Nào mời đại hiệp! Xin mời đại hiệp uống cạn chén thứ hai.
Công Tôn Hồng cắn răng, gân trán nổi vòng lên lên, chụp chén rượu uống luôn.
Thiếu nữ áo đỏ mỉm cười :
– Chén thứ ba, xin vô phép với đại hiệp nhé, là chén cảnh cáo, nếu đại hiệp không thủ tín còn lẩn trốn trong võ lâm Trung Nguyên thì…
Nàng lại cười dừng câu nói.
Nàng dừng lại để nở một nụ cười.
Nụ cười vẫn duyên dáng song phảng phất có một cái gì sắc bén như kiếm như đao.
Nàng dừng lại thiếu nữ áo xanh tiếp :
– Phải nhìn nhận Công Tôn đại hiệp có may mắn hơn người, bởi từ xưa đến nay, nào có một ai được sống sót dưới tay gia sư? Cho nên đại hiệp cần phải uống chén rượu này, uống để nhớ mãi những gì đã nói, uống để mừng cho vận số vẫn còn đỏ như thường.
Nàng đưa mâm ra cười nói :
– Nào, xin mời đại hiệp!
Công Tôn Hồng biến sắc.
Trong ánh mắt của y lửa hận đã bốc đỏ ngời, và đôi bàn tay của y nắm chặc lại cứng rắn như hai quả chùy.
Hai thiếu nữ vẫn cười, thản nhiên như chẳng hề trông thấy những biểu lộ đó nơi Công Tôn Hồng.
Cuối cùng, Công Tôn Hồng cũng phải uống luôn chén thứ ba.
Thiếu nữ áo đỏ tiếp :
– Rượu thường là ba chén, cái số lễ độ mà, song hiện tại còn chén thứ tư.
Bỗng nàng trầm gương mặt, những gì tươi vui nơi gương mặt vụt biến mất, ánh mắt nàng cũng mất luôn vẻ tình tứ, trở nên sắc lạnh vô cùng.
Ánh mắt đó chiếu thẳng vào mặt Công Tôn Hồng một lúc lâu, đọan nàng thốt :
– Chén thứ tư, hàm cái ý cảnh cáo như chén thứ ba nhưng lại thuộc về một việc khác.
Nàng gằn từng tiếng một :
– Vĩnh viễn đại hiệp không nên trở lại Trung Nguyên!
Nàng áo đỏ nghiêm giọng, nhưng nàng áo xanh lại cười :
– Thực ra trong võ lâm Trung Thổ chẳng có gì đáng cho đại hiệp lưu luyến, cho nên một người nào đó ra đi rồi mà còn trở lại, thì đúng là một kẻ kém trí, có chết cũng chẳng đáng cho ai thương tiếc.
Nàng cũng nhấn mạnh từng tiếng :
– Có đúng vậy không đại hiệp?
Công Tôn Hồng chấn động toàn thân, lồng ngực phập phồng gấp nhịp, hơi thở nghe rõ ràng.
Lâu lắm y rung rung giọng thốt.
Lần đầu tiên y mới cất tiếng, từ lúc hai thiếu nữ mời rượu :
– Tốt!… tốt!… nhờ hai cô nương khi trở về phục lệnh lịnh sư, trình cho lịnh sư biết rằng, Công Tôn Hồng không còn mặt mũi nào trở lại Trung Nguyên.
Bỗng y chụp chén rượu uống một hơi cạn như ba lần trước.
Đoạn y bóp chén rượu vỡ vụn trong tay, y nhìn những mảnh ngọc vụn phát thệ :
– Nếu tại hạ trở về thì tại hạ sẽ như chiếc chén này!
Hai thiếu nữ cười vang, vỗ tay bôm bốp :
– Hảo nam nhi! Hảo nam nhi!
Bất thình lình hai nàng chồm tới mỗi nàng đeo một bên vai Công Tôn Hồng, mỗi nàng hôn vào má y, tiếng hôn vang lên chong chóc.
Rồi cả hai cùng tiếp :
– Riêng bọn chúng tôi kính dâng đại hiệp như vậy đó, tuy không là rượu song vẫn làm say người hơn rượu chứ, phải không đại hiệp?
Hai nàng lùi ra xa xa, vòng tay nghiêng mình buông luôn :
– Chúng tôi xin cáo từ!
Cả hai quay mình bước khỏi khoang thuyền, không hề quay đầu lại.
Hành khách trong thuyền thấy cả hai có vẻ hấp dẫn quá, họ nhìn mê mệt quên cả sợ hãi.
Hai nàng đã đi rồi họ vẫn còn ngây ngất.
* * * * *
Thuyền lại tách bờ.
Từ trên bờ hai thiếu nữ hát vang, tiếng hát vọng xuống chen lẫn với tiếng cười :
– Gió vi vu hề, sông tê lạnh! Đại hiệp đi hề không bao giờ trở lại Trung Nguyên! Trung Nguyên hề, từ nay mất một người võ lâm! Võ lâm hề! Từ nay càng vắng người.
Tiếng hát vang lên, rung chuyển trọn thân hình to lớn của Công Tôn Hồng.
Chẳng rõ cái rung chuyển của y hay vì gió, con thuyền cũng rung chuyển luôn.
Và Vạn lão phu nhân cũng rung chuyển luôn.
Bây giờ bà đã minh bạch rồi, Công Tôn Hồng bị Vương đại nương đánh bại, trước khi động thủ, cả hai cùng long trọng phát thệ.
Và lời thề đó có thể như vầy :
– Người nào bị bại rời khỏi Trung Nguyên vĩnh viễn không được trở lại.
Bà thầm than :
– Xong! Thế là xong! Tài nghệ như Công Tôn Hồng hắn vẫn bại dưới tay Vương đại nương, đã đánh bại Công Tôn Hồng bà ta còn bức đuổi gấp ra hải ngoại, cái mụ đại ma đầu đó có võ công cao cường, lại điều khiển bọn hồ ly… đúng là mối họa lớn cho võ lâm.
Cảnh nhiệt náo trong thuyền bây giờ lắng đọng hoàn toàn, chẳng một ai có năng khiếu khôi hài tái tạo nổi!
Thuyền cứ tiến, thuyền qua khỏi tỉnh Thành Tế Nam vào đại phận Tế Dương.
Trong thời gian đó thuyền có cặp lại một bãi bến, có hành khách lên bờ có hành khách xuống thuyền…
Trong thời gian đó Công Tôn Hồng vẫn ngồi bất động tại chỗ.
Khi đêm xuống thuyền đến Thanh Thành.
Có người sắp soạn chăn mền chuẩn bị ngủ một giấc ngon.
Công Tôn Hồng thở dài y cũng sắp soạn chỗ ngủ, y lấy chiếc chăn quấn trên lưng xuống trải rộng ra.
Bây giờ Vạn lão phu nhân mới nhận ra y thọ thương.
Thương thế ở trên đầu vai, mảnh bố trắng bọc bên ngoài, còn dấu máu.
Công Tôn Hồng cắn răng chịu đau gỡ mảnh bố, rắc thuốc kim thương lên đó.
Thực ra thì chẳng phải vết thương làm cho y đau đớn, mà chính là niềm đau đớn phát tự trong tâm.
Đêm thanh vắng nước sông xuôi giòng nước róc rách, hai bên mạn thuyền như buông lời than thở.
Sông rộng về khuya có sương lạnh phủ mờ mặt nước, sương làm mờ nhạt ánh đèn, đèn thuyền, đèn nhà đâu đâu cũng hiện ra như những chấm nhỏ chấm to.
Ánh đèn, dù nhạt cũng đủ soi mờ mờ giòng nước chảy.
Đột nhiên trong ánh đèn mờ dợn dợn theo giòng nước có một bóng người.
Người đó đội chiếc nón lá, khoác chiếc áo tơi, có cái dáng dấp của một ngư phủ.
Nhưng ngu phủ làm sao lại có oai khí bốc bừng quá rõ rệt?
Vạn lão phu nhân và Công Tôn Hồng giật mình.
Công Tôn Hồng cấp tốc kéo chiếc khăn che kín mình hơn, đồng thời y cũng kéo sụp chiếc nón xuống thấp một chút nữa.
Người đó đội chiếc nón sâu hơn Công Tôn Hồng, chiếc nón che kín gương mặt dù chẳng có chiếc nón đó Công Tôn Hồng cũng khó nhận diện vì bóng đêm lờ mờ, chẳng trông được rõ ràng.
Bây giờ bóng người đó đi đến trước cửa thuyền.
Một cơn gió quét qua hất nhẹ chiếc nón của y lên, y đưa tay chụp lại nhưng Công Tôn Hồng cũng kịp thời trông thấy đôi mắt của y sáng rực như hai điểm sao.
Y đứng tại cửa thuyền, đảo mắt nhìn khắp nơi cuối cùng dừng lại nơi mặt Công Tôn Hồng.
Công Tôn Hồng khẽ nghiêng đầu qua một bên, tránh ánh mắt đó.
Đến lúc Công Tôn Hồng trở đầu về tư thế cũ, bất giác sững sờ vì người đó ngồi xuống đối diện với nhau.
Cùng chung một khoang thuyền gần nhau quá, dù cho ai có cố giấu mặt giấu mày đến đâu cũng vẫn bị người khác trông thấy như thường bất quá sớm hay muộn thôi.
Và cuối cùng Vạn lão phu nhân cũng thấy được nửa phần mặt của người đó.
Bà lại giật mình lượt nữa.
Bởi bà đã nhận ra người đó y chẳng phải ai xa lạ y cũng có mặt tại Thái Sơn trong đêm đại hội cũng có sự tranh chức vô địch võ lâm để đại diện võ lâm, đối phó với người áo trắng tư Đông Doanh Tam Đảo sắp đến Trung Nguyên.
Người đó là Mai Khiêm, ngoại hiệu Thiên Đao!
Mai Khiêm làm gì tại đất Thanh Thành? Mai Khiêm làm gì lại xuống thuyền? Hắn định đi đâu?
Hay hắn cũng bị trục xuất như Công Tôn Hồng?
Bây giờ hắn đáp thuyền để ra hải ngoại, và cũng vĩnh viễn chẳng trở về Trung Thổ nữa như Công Tôn Hồng?
Công Tôn Hồng len lén đưa tay kéo chiếc nón xuống thấp hơn trước.
Trong gian thuyền tất cả hành khách đều ngủ, ai ngủ là nằm, chỉ có hai người ngồi, ngồi là còn thức.
Hai người ngồi, đương nhiên là Công Tôn Hồng và Mai Khiêm.
Họ ngồi đối diện, không ai nói với ai, song oai khí còn lại trong người họ đang bốc mạnh, hai oai khí đó đang tương trì nhau trong khi còn người bất động.
Vạn lão phu nhân nhìn cả hai thầm nghĩ :
– Lại sắp có cuộc vui khai diễn nữa đây! Ta hy vọng đừng ai lôi cuốn ta vào vòng, ta muốn được yên thân thôi.
Đêm cứ xuống.
Sương càng phủ, rơi càng dày, sương càng dày đèn càng mờ.
Người trong thuyền ai ngủ càng ngủ say, ai thức càng thao thức.
Bỗng, Mai Khiêm vòng tay :
– Chào Công Tôn đại hiệp.
Công Tôn Hồng không ngẩng đầu lên, lâu lắm y mới vòng tay đáp lại :
– Chào Mai đại hiệp!
Mai Khiêm đáp :
– Thì ra Công Tôn đại hiệp còn nhận ra tại hạ!
Công Tôn Hồng không đáp liền, lâu lắm như trước y mới lạnh lùng đáp :
– Thì ra Mai đại hiệp còn nhận ra tại hạ!
Mai Khiêm lại tiếp :
– Thiên Long Côn vô địch trong thiên hạ còn ai không biết!
Công Tôn Hồng không đáp.
Lâu gấp hai lần trước y vẫn không đáp.
Mai Khiêm chờ đợi quá lâu còn nóng nảy phần nào, đằng hắng mấy tiếng rồi tiếp :
– Từ ngày cách biệt tại Thái Sơn thắm thoát đã gần tròn một trăng rồi!
Công Tôn Hồng thở ra từ từ thốt :
– Gần tròn một trăng rồi!
Mai Khiêm tiếp :
– Sau đại hội Thái Sơn anh hùng giải tán, tại hạ cứ mơ cái phong thể của Công Tôn đại hiệp, mãi nghĩ rằng, muốn gặp đại hiệp cũng phải khó khăn vất vả lắm, ngờ đâu lại gặp nhau tại đây!
Công Tôn Hồng lơ lửng :
– Ừ!
Mai Khiêm thở dài :
– Gặp nhau, lại gặp trong cảnh này, tiếc thay!
Công Tôn Hồng trầm ngâm một lúc lâu rồi, hỏi lại :
– Tiếc làm sao?
Lần này Mai Khiêm không đáp.
Công Tôn Hồng cũng chẳng hỏi thêm.
Cả hai bình tịnh, song Vạn lão phu nhân không bình tịnh, bà nóng nghe sự tình, song cả hai lại im lặng.
Bà sôi giận, nếu có thể, bà nắm đầu cả hai nhấc bổng lên quay một lúc rồi bức phải nói, nói hết những gì bà cần nghe.
Người trong thuyền vẫn ngủ say.
Người thức vẫn thao thức, mỗi ngưòi theo đuổi niềm tâm sự riêng, hai ngồi một nằm, ngồi đầu đó cân nhắc nằm nóng nảy chờ nghe.
Thời gian trôi qua đều đều đêm cứ xuống, sương cứ rơi đèn cứ mờ.
Lâu lắm Mai Khiêm từ từ cất tiếng :
– Thiên Long Côn danh chấn thiên hạ, từ lâu tại hạ mơ ước được dịp thỉnh giáo, rất tiếc sau ngày đại hội Thái Sơn công việc quá nhiều thành không rỗi rảnh… giờ đây!… giờ đây… rất tiếc Công Tôn đại hiệp thọ thương!
Lời nói rất ôn hòa, êm dịu song cái ý quá lạnh quá sắc bén.
Hắn tiếp :
– Dù muốn giao thủ cũng không thể giao thủ bởi khi nào tại hạ dám vô lễ với người thọ thương!
Công Tôn Hồng mơ màng :
– Ai!… đáng tiếc…
Bỗng y bật cười lớn, cười cuồng dại.
Tiếng cười lớn đột nhiên phát lên mọi người đều giật mình thức dậy cùng ngồi nhanh lên, cùng sợ hãi hỏi :
– Cái gì thế?
Chủ thuyền cũng ló đầu vào khoang hỏi :
– Cái gì thế?
Gã định mắng mấy tiếng, song bốn ánh mắt trừng thẳng vào mặt hắn vừa nghiêm vừa lạnh, vừa hung.
Hắn làm sao chịu đựng nổi ánh mắt của Công Tôn Hồng và Mai Khiêm?
Hắn nín lặng.
Công Tôn Hồng lạnh lùng hỏi :
– Sắp sáng chưa chủ thuyền?
Hắn đáp nhanh :
– Sắp… sắp sáng rồi!
Công Tôn Hồng lại hỏi :
– Sắp mở thuyền chưa?
Hắn đáp nhanh :
– Sắp!… sắp mở thuyền!
Trước bốn ánh mắt đó còn ai dám nói lên cái ý trái ngược?
Thuyền mở dây tiếp tục hành trình.
Khi thái dương lên đến đầu cây, thuyền đến Lợi Tân cặp bến.
Chủ thuyền ngồi mở cửa khoang thuyền, cao giọng thốt :
– Đến bến rồi, các vị sửa soạn lên bờ nhưng trước khi lên các vị nhớ lộ phí nhé!
Hắn cười kết thúc câu nói sặc mùi con buôn.
Không ai muốn ở lại lâu nhìn mặt hai người lầm lỳ đáng sợ, nên tất cả hành khách đều lên bờ nhanh chóng.
Trừ Công Tôn Hồng, Mai Khiêm và Vạn lão phu nhân.
Chủ thuyền dợm mấy lượt định hỏi tiền, định giục họ lên bờ hắn do dự mãi, sau cùng đánh bạo hắn bước luôn vào khoang gãi đầu, ấp úng :
– Đã đến bến cuối cùng rồi, các vị…
Công Tôn Hồng vụt hỏi :
– Thuyền đậu luôn? Không đi nữa sao?
Chủ thuyền mỉm cười :
– Đi chứ, nhưng trở lại Tế Hà! Các vị… không lẽ muốn trở lại Tế Hà nên không lên bờ?
Mai Khiêm nạt :
– Trở lại Tế Hà? Điên sao?
Chủ thuyền bắt đầu sợ :
– Thế thì… thì… xin các vị lên bờ.
Công Tôn Hồng trầm giọng :
– Thuyền không đi tới nữa à?
Chủ thuyền biến sắc :
– Đi tới? Để ra biển?
Mai Khiêm gật đầu :
– Phải! Ra biển!
Chủ thuyền sợ quá sụn chân tại chỗ :
– Thuyền này không ra biển được, các vị ơi!
Công Tôn Hồng cùng Mai Khiêm nhìn nhau.
Chợt Mai Khiêm bướt tới rút thanh đoản đao nơi hông chủ thuyền lấy ngón tay bám vào mũi đao, thanh đao gãy liền.
Đoạn Mai Khiêm cười nhạt, trong khi chủ thuyền như cầy sấy :
– Như vậy đó đủ bắt buộc ngươi ra biển không?
Chủ thuyền vập đầu ngay :
– Xin… xin các vị…
Công Tôn Hồng móc trong mình ra một vật, quăng tới trước mặt chủ thuyền.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!