Anh Hùng Bắc Cương
Chương 15: Chân mệnh thiên tử
Chân mệnh thiên tử. – –
Nguyên bên trong, có hai người: Thông-Mai, Bảo-Hoà. Bảo-Hoà cười:
– Mỹ-Linh với lợn làm việc được quá. Cậu hai khen đấy. Lê Thiếu-Mai thuyết sao để tên Triệu Thành tin tưởng, như vậy ta thành công một nửa rồi. Nào chúng ta đi gặp cậu hai.
Đến đó Thiệu-Thái, Đỗ Lệ-Thanh cũng đã vào phòng.
Bảo-Hoà mở cánh cửa phía sau. Năm người ra vườn, sang ngôi nhà bên cạnh. Bảo-Hoà gõ cửa ba tiếng nhỏ, một tiếng lớn. Cánh cửa mở ra. Bên trong là một căn phòng khá lớn, có nhiều người cùng ngồi. Mỹ-Linh nhận ra Khai-Quốc vương, sư phụ, Thanh-Mai, Nùng đạo sư.
Không ngăn được cảm động, nàng chạy lại nắm tay sư phụ:
– A-Di Đà-Phật! Đức Phật hộ trì cho lão nhân gia tâm thường an lạc.
Huệ-Sinh mỉm cười:
– Những việc con làm cũng đủ cho sư phụ an lạc rồi.
Khai-Quốc vương vuốt tóc cháu:
– Con gái chú giỏi quá. Thuật cho chú nghe mọi biến chuyển trên soái hạm xem nào.
Mỹ-Linh thuật từng chi tiết một. Khai-Quốc vương gật đầu:
– Trước đây ông bàn với chú rằng, hiện binh lực Tống hùng mạnh, quốc sản dư thừa. Chúng đang lăm le xâm lăng Đại-Việt, Đại-Lý. Trong khi đó, ta chưa thống nhất được tộc Việt. Ta cần có kế hoạch làm giảm sức mạnh Tống trong khoảng mười năm. Với mười năm, ta đủ thời giờ thống nhất tộc Việt thành một khối. Bấy giờ, ta không sợ chúng nữa.
Thanh-Mai tiếp:
– Việc thống nhất, hiện ta mới được Đại-Việt, Chiêm-thành, Lão-Qua, Chân-lạp, Xiêm-la. Chỉ còn Đại-lý với Ngô-Việt nữa là xong. Nhưng chặng cuối cùng mới khó.
Khai-Quốc vương tiếp:
– Ông bàn với chú, muốn cho Tống yếu, sao phải khích cho Tống có nội loạn. Chú đưa ý kiến hiện Triệu Thành cầm binh quyền trong tay. Y lại thống lĩnh võ lâm Trung-nguyên. Ta phải vu cho y sắp cướp ngôi vua Tống. Như vậy Lưu hậu ắt cách chức y. Lực lượng võ lâm tan rã. Không ngờ bây giờ cháu với Lê tiểu thư đã thành công. Dù y không cướp ngôi, song tin này đưa về Biện-kinh ắt Lưu hậu có cớ hạ y. Thế lực y lớn, đời nào y chịu để cho bà tung hoành. Hai hổ nhất định cắn cấu nhau.
Mỹ-Linh hỏi chú:
– Chú làm thế nào mà Lê tiểu thư chịu giúp ta việc khó khăn này?
Khai-Quốc vương biết mưu kế của mình, cháu đã nhìn ra. Vương hỏi:
– Cháu thử đoán xem.
– Trong đầu óc Triệu Thành, y nghĩ rằng Hồng-Sơn đại phu thù hận triều Lý với triều Tống. Vì vậy những điều mà người thân với Hồng-Sơn đại phu nói hay cho Tống, ắt không cần nghi ngờ.
– Giỏi.
– Chú nhờ Hồng-Sơn đại phu giúp một tay. Hồng-Sơn đại phu sai chị Lê Thiếu-Mai giúp chú.
– Giỏi.
– Trong tay chú có tên Ngô Tích giả đầu hàng. Chú vô tình tiết lộ cho y biết chị Lê Thiếu-Mai giỏi chữ Khoa-đẩu. Trong thành Thăng-long có thầy đồ Ngọc-Phách cũng giỏi chữ Khoa-đẩu. Thế là Triệu Thành cho người bắt cóc Lê Thiếu-Mai, Ngọc-Phách. Như vậy Triệu Thành tin tưởng rằng Lê Thiếu-Mai vốn thù Tống, bây giờ thêm lần thù nữa. Thế mà Lê đoán rằng y vốn thực chân mệnh thiên tử thì sai sao được.
– Giỏi.
– Nhưng cháu sợ một điều.
– Điều gì?
– Chị Thiếu-Mai là người sắc nước hương trời. Triệu Thành lại quá kinh nghiệm về đàn bà. Hai người gần nhau, lỡ tình cảm sinh ra thì sao?
Khai-Quốc vương cười:
– Cháu đừng lo. Lê tiểu thư là người ôn nhu văn nhã, nhưng lại có kiến thức vô song, nàng cực kỳ tự hào về giòng giống Việt của mình. Nếu Lê tiểu thư có gì với Thành, ắt Thành phải nghiêng theo Lê tiểu thư. Đó là điều ta mong mà không được .
Vương ngừng một lát tiếp:
– Chúng ta phải làm sao cho lời của Lê tiểu thư trở thành đúng. Có như vậy Triệu Thành mới tự tin y chính vị thiên tử.
Mỹ-Linh xoa hai tay vào nhau:
– Chiều nay Đỗ phu nhân bỏ thuốc giải vào canh cho Triệu Thành ăn vào. Bệnh y tự nhiên khỏi, đúng như lời Thiếu-Mai đoán. Như thế y tin một phần. Khi sang đến Khâm-châu, chúng ta từ từ xuất hiện, người nào cũng tỏ ra cung kính, xu phụ y. Như vậy y càng tin hơn.
Thanh-Trúc hỏi:
– Lỡ ra anh hùng Trung-nguyên tin lời Thiếu-Mai, theo y đông quá, hoá ra ta chắp cánh cho hổ thì nguy tai.
Khai-Quốc vương cười:
– Khi y chuẩn bị cướp ngôi, ta sẽ thông báo kế hoạch cho Lưu hậu. Lưu hậu bắt giam y, rồi truy lùng võ lâm Trung-nguyên. Thế là Tống yếu ngay.
Thiệu-Thái hỏi:
– Mai này Triệu Thành sẽ tìm cách kết thân với cậu. Trường hợp y thực tâm kết bạn với Đại-Việt. Ta phải có thái độ nào?
Khai-Quốc vương mỉm cười:
– Ta cũng đối lại bằng tình thực với y. Nếu việc này xẩy ra thì hay biết bao. Ta giúp y nắm quyền Trung-nguyên, kết hiếu Tống-Việt.
Vương ngồi ngay ngắn lại:
– Bây giờ thế này.
Vương ngừng lại, chỉ Đỗ Lệ-Thanh:
– Đỗ phu nhân vẫn giả làm thủy thủ. Trong khi Mỹ-Linh Thiệu-Thái bỏ hoá trang. Ta đã cho hai thủy thủ khác thay thế vào chỗ hai cháu rồi. Nếu bọn Triệu Thành thấy hai thủy thủ lạ. Đội Đam nói rằng chính y cho thay người hầu. Nào bây giờ ai vào việc đó. Mỹ-Linh, Thiệu-Thái thay quần áo, rồi lên lầu gặp Triệu Thành.
Vương chỉ vào bốn cái hũ lớn bên cạnh:
– Chú đem theo bốn hũ rượu đặc sản của Đại-Việt là đậu-nành, nếp cẩm cất bằng nước lá sen, cắc kè, với thập đại danh hoa. Cháu nói rằng của mạ mạ dâng Triệu Thành. Như vậy càng tăng lời của Lê tiểu thư lên.
Mỹ-Linh, Thiệu-Thái thay quần áo, trở thành đôi trai gái con nhà giầu, lưng đeo kiếm, hiên ngang dạo phố một vòng. Rồi hai người trở lại tửu lầu. Tửu bảo cung kính chắp tay:
– Kính mời công tử, tiểu thư lên lầu xơi rượu.
Mỹ-Linh, Thiệu-Thái leo lên lầu. Vừa bước vào, nàng đã thấy bọn Triệu Thành, Thiếu-Mai đang ngồi đánh chén. Nàng lờ đi, như chưa nhận ra chúng. Tửu bảo chỉ một bàn nhỏ chưng hoa rất đẹp:
– Mời cô cậu ngồi đây ạ.
Bọn Triệu Thành quay lại. Nhận ra Mỹ-Linh, Thiệu-Thái, y kinh ngạc, đưa mắt cho Địch Thanh. Mỹ-Linh lờ đi, ngồi đối diện với Thiệu-Thái. Nàng gọi tửu bảo:
– Hôm nay ngày mồng một, tôi ăn chay. Xin cho hai bát canh rau đay lạt, hai đĩa rau luộc chấm với tương. Nếu có đậu phụ kho chay, cho thêm một điã.
Đến đó nàng ngửng đầu lên, thấy Triệu Thành, vội chắp tay cung kính:
– Lý Mỹ-Linh cùng Thân Thiệu-Thái kính cẩn ra mắt vương gia.
Triệu Thành mới thấy Mỹ-Linh, Thiệu-Thái, những tưởng hai người sẽ thanh toán y. Y đang kinh sợ, thì Mỹ-Linh, Thiệu-Thái đối với y cực kỳ cung kính. Y chưa hết ngạc nhiên, Thiếu-Mai nhắc y:
– Vương gia đừng quên mình đã chính vị. Hai người kia hành lễ, vì chư thần nhập vào họ thúc đẩy đấy.
Đúng ra, Triệu Thành cực kỳ linh mẫn, mấy lời của Thiếu-Mai dễ gì y tin? Nhưng một, y tham vọng quá lớn. Tham vọng che lương tri. Hai, lời Thiếu-Mai đoán trên thuyền, nay ứng vào sự thực. Ba là y say mê nhăn sắc của nàng, nên minh mẫn mất hết. Y tin tưởng hoàn toàn, chắp tay đáp lễ:
– Công chúa, thế tử không nên đa lễ. Hai vị đi đâu đây?
Mỹ-Linh nháy Thiệu-Thái. Cả hai đến trước Triệu Thành định quỳ gối hành đại lễ. Triệu Thành tin lời Thiếu-Mai, y nghĩ mình bây giờ đã chính mệnh thiên tử, nên hai người võ công trùm Đại-Việt, chống đối y bấy lâu, lại khom lưng, quỳ gối.
Y đỡ hai người, nói lời nhã nhặn:
– Cô gia xin mời hai vị ngồi chung bàn, nên chăng?
Thiệu-Thái càng tỏ nhũn nhặn:
– Tiểu nhân muôn nghìn lần không dám.
Hai người về bàn ngồi. Triệu-Thành hỏi:
– Công chúa, thế tử đi đâu đây?
Thiệu-Thái cung cung, kính kính:
– Đêm qua, mạ mạ tiểu nhân mơ thấy chư thần về báo mộng rằng hôm nay, đúng giờ này, sẽ có Thanh-y đồng tử giáng hạ, sau thành chính mệnh thiên tử Đại-Tống. Người cùng Vũ-khúc tinh quân, sau thành nguyên suý, thêm Văn-khúc tinh quân, mai này thành thừa tướng. Cả ba đến đây uống rượu. Vì vậy mạ mạ sai tiểu nhân cùng Mỹ-Linh phải đón tiếp. Nào ngờ… thiên tử là chính vương gia. Nguyên súy chính là Địch trạng nguyên. Tể tướng chính Dư an phủ sứ.
Triệu Thành sướng không bút nào tả siết. Y nắm tay Thiệu-Thái:
– Cô gia về bằng đường biển, không có dịp ghé Bắc-biên thăm vua Bà. Tiếc quá. Thế nào, vua Bà cùng Thân phò mã vẫn mạnh chứ?
– Đa tạ vương gia. Hai thân tiểu nhân vẫn mạnh. Người sai tiểu nhân mang bốn vò rượu, đặc sản Đại-Việt dâng vương gia. Hiện rượu để trên lưng ngựa dưới nhà. Lát nữa tiểu nhân thân mang xuống chiến hạm.
– Khai-Quốc vương đâu?
Mỹ-Linh đáp:
– Khải tấu vương gia, chú của thần hiện ở Thăng-long. Dường như người lên đường sang sứ bên Đại-Tống. Thần lên Bắc-biên thăm cô mẫu ít ngày. May mắn được gặp vương gia. Không hiểu sau lần này, biết đến bao giờ thần mới được bệ kiến.
Nói rồi nàng tỏ ra luyến tiếc vô cùng.
Nghe chữ bệ kiến, Triệu Thành run lên:
– Công chúa muốn đi cùng cô gia chăng?
Mỹ-Linh khúm núm:
– Nếu được vương gia ban ơn, thực không gì quý bằng. Tiện nữ nghĩ lại trước đây, không biết chính mệnh thiên tử, có hành động chống đối. Tội muôn thác. Mong Vương-gia đại xá cho.
Triệu Thành nghĩ thầm:
– Nếu được hai đứa này theo phò trợ, thực không gì quý bằng. Bọn Vương Duy-Chính, Dư Tĩnh bì thế nào được.
Triệu Thành gật đầu:
– Không biết là không có tội. Cô gia được công-chúa, thế-tử theo phò tá. Sau khi thành đại nghiệp, cô gia sẽ trao cho công-chúa, thế-tử cầm đại quân.
Mỹ-Linh, Thiệu-Thái đứng lên vái tạ.
Địch Thanh thấy Triệu Thành tỏ vẻ trọng đãi Thiệu-Thái, Mỹ-Linh, trong y nảy ra lòng ghen tỵ. Y nhủ thầm:
– Võ công bọn này tuy hơn mình. Nhưng chúng nó gốc Nam-man, ta đâu sợ chúng chiếm mất địa vị? Vả, ta vốn là Vũ-khúc tinh quân giáng thế. Hẳn hai đứa phải kính trọng ta.
Triệu Thành nói với Mỹ-Linh:
– Cô gia mời hai vị sang Trung-nguyên du hành một lần cho biết. Nào chúng ta về chiến hạm.
Mỹ-Linh làm bộ hỏi:
– Khải tấu vương gia đi ngay ư ?
– Đúng thế. Cô gia được Dực-Thánh vương hộ tống về Trung-quốc. Chúng ta xuống chiến hạm, theo đường biển tới Khâm-châu. Sau đó vượt eo biển Hải-Nam tới Quảng-Đông. Từ Quảng-Đông chúng ta đi ngựa về Biện-kinh.
Triệu Thành đi song song với Mỹ-Linh, Thiệu-Thái. Trong khi bọn Địch Thanh lẽo đẽo theo sau. Bọn Minh-Thiên, Dực-Thánh vương thấy Mỹ-Linh xuống chiến hạm, họ kinh ngạc đến trợn trừng mắt ra nhìn. Mỹ-Linh làm như không biết Dực-Thánh vương đi đêm với bọn Triệu Thành. Nàng vẫy Thiệu-Thái hành lễ:
– Thần nhi kính cẩn vấn an đại vương.
Dực-Thánh vương hỏi:
– Hai cháu đi đâu đây? Công-chúa không ở thâm cung, đi ra ngoài loạn lên như thế này, còn đạo lý gì nữa?
Mỹ-Linh chửi thầm:
– Ông này bán nước, mà còn khéo giả vờ. Mình phải khích bọn Triệu Thành đá lão mới được.
Nàng cung kính đáp bằng ngôn ngữ bình dân:
– Thưa ông, chú hai sai cháu lên thăm cô chú ở Bắc-biên. Đêm qua, cô nằm mơ thấy thần nhân báo mộng rằng sáng nay có Thanh-y đồng tử, cùng Vũ-khúc tinh quân giáng hạ, sẽ tới trấn này. Sau Thanh-y đồng tử thành Hoàng-đế Đại-Tống. Còn Vũ-khúc tinh quân thành Đại nguyên nhung. Vì vậy cô sai anh Thiệu-Thái với cháu đi chầu người, làm lễ ra mắt. Bọn cháu chờ từ sớm, mới đây gặp vương gia cùng Địch trạng nguyên.
Hồi đầu, thấy Thiếu-Mai xem tướng, bắt mạch cho Triệu-Thành. Minh-Thiên tưởng bói toán quàng xiên, không thể tin. Sau Thiếu-Mai còn quả quyết trong năm ngày, bệnh Triệu Thành tự khỏi. Ông cũng như Dư Tĩnh, Vương Duy-Chính cùng hẹn với nhau:
– Trong khi chúa công tin tưởng vào lời Thiếu-Mai, mà ba người gạt đi, ắt chúa công không nghe nào. Hơn nữa có thể nghi ngờ lòng trung thành của mình. Cái hẹn năm ngày, bệnh chúa công tự khỏi đâu có xa?
Bây giờ, họ thấy Mỹ-Linh, Thiệu-Thái, một cặp thiếu niên đệ nhất đối đầu của nhà Tống, bỗng ngoan ngoãn khuất phục vương gia của mình, ắt hẳn phải có nguyên do trọng đại lắm. Mỹ-Linh làm chưởng môn phái Mê-linh, một chính phái người nhiều thế mạnh. Thân Thiệu-Thái làm giáo chủ Lạc-long giáo, sức mạnh nghiêng nước… Cả hai đều theo về vương gia, thực nằm mơ họ cũng không tưởng nổi.
Trong khi đó Mỹ-Linh nghĩ thầm:
– Nguy tai! Nếu chị Thiếu-Mai với ta cố gắng dùng tướng mệnh thuyết phục Triệu Thành cướp ngôi Đại-Tống. Lại làm cho y tin tưởng rằng chú hai cũng là chính vì thiên tử tộc Việt. Như vậy Dực-Thánh vương tuyệt vọng cướp ngôi vua Đại-Việt, ắt ông phá mưu của ta mất. Ta phải làm sao đây?
Mỹ-Linh chú ý thấy Đông-Sơn lão nhân thủy chung nhắm mắt như người ngủ gật, không chú ý đến nàng với Thiệu-Thái.
Dực-Thánh vương hỏi Mỹ-Linh:
– Mạ mạ sai cháu đón Bình-Nam vương. Vậy bao giờ mạ mạ tới?
– Mạ mạ cháu sai bọn cháu chầu chân mệnh thiên tử, chứ không phải đón. Mạ mạ dặn sau đó chờ người ban chỉ dụ. Nay người truyền cho anh Thiệu-Thái với cháu theo hầu người. Cháu đâu dám vi chỉ?
Triệu Thành nghe Mỹ-Linh coi mình như Hoàng-đế thực thụ rồi. Trong lòng y mừng không bút nào tả siết. Y nói với Dực-Thánh vương:
– Trước kia công chúa Bình-Dương với cô-gia có chỗ hiểu lầm. Nay chỗ hiểu lầm đã xóa bỏ hết. Vương gia không nên nghi ngờ công-chúa làm chi.
Thiếu-Mai lắc đầu:
– Sự thực, trước kia vương gia chỉ là Bình-Nam vương, sao có thể để thần linh, cùng anh hùng thiên hạ qui phục. Nay vương gia chính vị, tự nhiên chúng nhân hướng về. Không hề có hiểu lầm hay chống đối gì cả, mà chỉ vì mệnh của vị thân vương với hoàng-đế khác nhau mà thôi.
Suốt mấy ngày qua, cứ đến giờ Ngọ, bọn Triệu Thành, Dư Tĩnh, Vương Duy-Chính đều bị lên cơn, đau đớn cùng cực. Thiếu-Mai phải dùng châm cứu tạm thời trấn tĩnh cơn đau. Bây giờ hạn năm ngày tới, bọn Minh-Thiên chờ xem có thấy Triệu Thành lên cơn không, để còn phán xét lời Thiếu-Mai.
Quả nhiên sắp tới giờ Ngọ, Quách Quỳ lên cơn trước, rồi tới Đoàn Thông, Dư Tĩnh, Địch Thanh v.v. Duy Triệu Thành, trái lại, mặt y hồng hào tươi tỉnh vô cùng.
Sự thực Đỗ Lệ-Thanh đã bỏ thuốc giải vào bát canh của Triệu Thành. Bệnh y khỏi rồi. Trong khi ăn sáng ở tửu lầu, đầu bếp khéo léo nấu món canh gà, đã thêm nước cốt Phục-linh, Sa-sâm, Đỗ-trọng, Kỷ-tử vào cho cả bọn ăn. Triệu Thành vừa khỏi bệnh, ăn vào càng thêm khoẻ mạch. Còn Địch Thanh, Dư Tĩnh trong người có độc chất, ăn phải vị bổ, lại đau thêm.
Thiếu-Mai lại dùng kim trấn tĩnh cơn đau cho mọi người. Triệu Thành đứng dậy chắp tay vái Thiếu-Mai:
– Lê cô nương! Đúng như lời cô nương đoán, bệnh quả nhân tự khỏi. Sau này thành đại nghiệp, cô gia sẽ phong cô nương làm ngự y. Còn các vị này, bao giờ mới khỏi bệnh?
Thiếu-Mai lắc đầu:
– Khó lắm. Tự nhiên, e mấy vị này không thể khỏi được. Trừ khi vương gia truyền chư thần cứu họ, thì trong năm ngày nữa sẽ khỏi bệnh.
Triệu Thành tưởng mình làm vua thực thụ rồi. Y phán:
– Hỡi chư thần. Chư thần hãy vì giang sơn vạn dậm Đại-Tống mà trị bệnh cho những vị phò trợ trẫm. Trẫm nguyện sẽ phong tặng xứng đáng cho chư thần.
Y nói với Thiếu-Mai:
– Đa tạ Lê tiểu thư.
Thiếu-Mai vờ chắp tay tạ ơn.
Chiến thuyền nhổ neo, rời cảng, hướng Khâm-châu. Đường biển từ cảng Tiên-yên đi Khâm-châu phải qua vùng vịnh có nhiều núi đá mọc lởm chởm. Thuyền không dám dương buồm, sợ chạy mau chạm phải đá ngầm. Vì vậy các thủy thủ ngồi vào vị trí, kéo mái chèo.
Nơi mà chiến thuyền đi đó, sau này đặt tên là vịnh Hạ-long. Ngoài khơi có hàng trăm ngàn núi đá, thạch nhũ, đủ mọi hình thù kỳ dị. Ánh nắng chiếu vào thạch nhũ, phản chiếu thành muôn mầu vạn sắc long lanh. Mọi người có cảm tưởng như đang đi vào thế giới Bồng-lai.
Dực-Thánh vương truyền bắc ghế lên sàn thuyền, sai bầy tiệc rượu để Triệu Thành vừa uống vừa ngắm cảnh. Bây giờ Địch Thanh đã tin lời Thiếu-Mai, y vốn là Vũ-khúc tinh quân giáng thế. Y hỏi:
– Lê tiểu thư. Tại hạ là Vũ-khúc tinh quân. Dư sư huynh là Văn-khúc tinh quân. Vương chuyển vận sứ là Văn-xương tinh quân. Thế còn Minh-Thiên đại sư vốn là sao nào?
Thiếu-Mai lắc đầu:
– Đại sư không ở trên Thiên-cung. Người vốn là một vị Bồ-tát ở Tây-phương cực lạc, tuân lệnh Phật-tổ đầu thai giúp Thanh-y đồng tử.
Minh-Thiên không định được tâm, ông ngơ ngác cả người:
– Bần tăng là?
– Bồ-tát Đại-Huệ.
Mọi người ồ lên. Quách Quỳ hỏi:
– Thái sư phụ! Bồ tát Đại-Huệ hành trạng ra sao?
– Đại-Huệ dịch từ tiếng Phạn Mahâmati. Hồi đức Thích-ca Mâu-ni đến núi Lăng-già. Bồ-tát ngồi làm Thượng-thủ, kính cẩn xin Phật thuyết pháp. Nhân đó ngài giảng kinh Lăng-già.
Đến đây ông đưa mắt nhìn Mỹ-Linh:
– Công chúa! Nghe công chúa làu thông kinh Lăng-già, nên luyện thành Vô-ngã tướng Thiền-công. Có phải không?
Đối với vị đại sư này, Mỹ-Linh kính trọng hơn cả. Nhất là hôm đại hội, ông bị Nhật-Hồ đánh bại, mà thản nhiên như không. Rõ ràng tư cách đó chỉ người đắc quả mới có. Nàng cung kính :
– Bạch đại sư, đệ tử được sư phụ giảng dạy thực nhiều. Song ngộ tính cũng như duyên phận chưa đủ, thành ra chỉ dậm chân ở ngưỡng cửa Bồ-đề mà thôi.
– A-di Đà-Phật! Công chúa thực khiêm tốn. Công chúa mới bằng này tuổi đầu, mà võ công, mưu trí khó ai sánh kịp. Ắt hẳn sau này tiến trình còn xa lắm.
Mỹ-Linh nói thực:
– Tiểu nữ mong báo hiếu Quốc-tổ, Quốc-mẫu, nội tổ, song thân, thúc phụ xong, rồi vào chốn Không-môn tìm lẽ giải thoát, chứ cái thân vô-thường này đâu có đáng gì?
Dư Tĩnh hỏi:
– Hiện giờ công chúa biết chúa công tôi là chính vị Thiên-tử, nên theo phò. Nếu như sau này, giữa Khai-Quốc vương với chúa-công tôi có sự tranh chấp. Công chúa sẽ giúp ai?
Mỹ-Linh lắc đầu:
– Không thể có truyện đó. Vương gia là chính vị Thiên-tử Bắc. Chú tiểu nữ là chình vị Thiên-tử Nam. Nam không xâm Bắc. Bắc chẳng đánh Nam. Ai trái lại mệnh trời, sẽ bị chu diệt. Tuy nhiên…
Mỹ-Linh im lặng suy nghĩ, tìm lời giải thích, Triệu Thành tưởng nàng chưa muốn nói hết. Y gặng:
– Tuy nhiên sao?
– Tuy nhiên hiện thời của Thiên-tử Bắc đã tới. Cho nên tiểu nữ phải theo phò tá. Sau khi vương gia thành đại nghiệp, mãi hơn hai mươi năm sau thời của thúc phụ tiểu nữ mới tới. Bấy giờ tiểu nữ về nước phò tá người cũng vừa.
Lúc đầu, nghe Thiếu-Mai bói cho Triệu Thành, Dực-Thánh vương ghét lắm. Ông cho rằng nàng bịa đặt. Bây giờ, thấy mọi việc xẩy ra có thứ lớp, khiến ông cũng tin:
– Lê cô nương! Vận mạng tương lai của lão phu ra thế nào xin cô nương dạy cho.
Thiếu-Mai ngắm nhìn ông một lúc rồi nói:
– Vương gia vốn họ Lý. Họ Lý được ngôi mộ Cổ-pháp, phát tới hơn hai trăm năm. Sự nghiệp rạng rỡ vô cùng. Vương gia cũng được hưởng phúc trạch ấy. Sau này vương gia sẽ làm vua Đại-Việt.
Địch Thanh lắc đầu:
– Hôm qua, cô nương nói Khai-Quốc vương là chính mệnh Thiên-tử Nam. Bây giờ cô nương lại bảo Dực-Thánh vương làm vua Đại-Việt. Vậy ra nước có hai vua sao?
Thiếu-Mai cười :
– Vũ-khúc tinh quân nghe không kỹ mất rồi. Tiểu nữ nói Dực-Thánh vương làm vua Đại-Việt. Còn Khai-Quốc vương làm vua tộc Việt tức bao gồm Đại-lý, Đại-Việt, Chiêm-thành, Lão-qua, Chân-lạp, Xiêm-la. Tức một vị Hoàng-đế. Như Hoàng-đế Đại-Tống, dưới còn có vua Tây-hạ, Cao-ly v.v.
Dực-Thánh vương nghe Thiếu-Mai nói, trong lòng ông vui không bút nào tả siết. Ông nghĩ thầm:
– Mình chỉ ao ước làm vua Đại-Việt cũng đã vượt ra ngoài ước vọng rồi.
Thình lình viên thuyền trưởng đến trước Đoàn Thông:
– Trình đề đốc, phía trước có hai con thuyền đang chạy ngược chiều với ta, dường như thuyền buôn. Xin đề đốc ban lệnh.
Đoàn Thông đứng dậy, leo lên trên viễn vọng đài quan sát: Xa xa, quả có hai con thuyền khá lớn, đang chạy ngược chiều lại. Song vì xa quá, không thấy rõ cờ hiệu, cũng không phân biệt được dân thuyền hay chiến hạm. Y ra hiệu thuyền cứ thẳng tiến tới. Một mặt y cho lệnh báo động.
Thủy quân đời Lý tuy không mạnh bằng đời Lĩnh-Nam. Nhưng từ cổ, người Việt vốn giỏi thủy tính. Cho nên đời nào thủy quân cũng hùng mạnh. Thời Lĩnh-Nam, công chúa Gia-hưng Trần Quốc làm Đại đô-đốc, phá tan hạm đội Hán ở Nam-hải, giết Đại đô-đốc Hán là Nam-an hầu Đoàn Chí. Sau còn đánh cho Mã Viện một trận nghiêng ngửa ở hồ Lãng-bạc.
Thời Ngô, Ngô-vương phá Nam-hán ở Bạch-đằng. Thời Lê, lại phá Tống cũng ở Bạch-đằng nữa. Thủy quân luôn luyên tập. Vì vậy một hồi tù và báo lên. Lập tức mỗi người ngồi vào vị trí của mình. Kẻ thủ cung tên. Người thủ máy phóng lao.
Hai cánh buồm nhỏ dương lên, bọc gió căng no. Thuyền vùn vụt tiến tới.
Bọn Triệu Thành cũng đứng dậy quan sát. Mỗi lúc hai chiếc thuyền một tới gần hơn. Viên thuyền trưởng la lớn:
– Một thuyền lạ, đang đuổi theo thuyền của bang Hồng-hà bên Đại-Việt.
Dực-Thánh vương ra lệnh:
– Cho thuyền mình dàn ngang, chờ xem sự thể ra thế nào đã.
Mỹ-Linh nhìn kỹ, thấy con thuyền của bang Hồng-hà như chở nặng, khẳm hẳn xuống, nên đi rất chậm. Còn con thuyền kia dường như không chở gì, phăng phăng lướt rất nhẹ nhàng.
Hạm đội Động-đình dàn hàng ngang ra một tuyến dài chờ đợi. Khi còn cách xa soái thuyền hơn ba dặm. Con thuyền sau đuổi kịp thuyền trước, ép lại như uy hiếp. Hai bên dùng tên bắn sang nhau.
Dực-Thánh vương truyền lệnh cho soái thuyền xông thẳng tới. Các thủy thủ ra sức chèo.
Một người đứng trên đài chỉ huy con thuyền nhỏ lên tiếng:
– Chúng ta đang có việc làm ăn riêng tư. Thuyền nào kia, mau tránh ra chỗ khác.
Địch Thanh la lớn:
– Chúng ta nhân đi qua đây, thấy sự lạ, ngừng lại xem. Các người đang đánh giết nhau, xin cứ tiếp tục. Chúng ta muốn coi chơi cho vui vậy mà.
Có tiếng từ con huyền lớn nói vọng sang:
– Bọn Đường-lang các ngươi thật là quân mặt dầy. Từ trước đến nay, giữa bang Hồng-hà chúng ta với bang của người, mỗi bên một giang sơn. Hà cớ hôm nay các người ỷ đông bức chúng ta. Mối hận này các người hãy nhớ lấy.
Mỹ-Linh nhận ra người nói đó là Sử Anh, bang chủ bang Hồng-hà. Một người trên thuyền bang Đường-lang cười khành khạch:
– Chết đến gáy rồi, mà còn già họng. Hôm nay ta đưa các người xuống Đông-hải long cung chơi, không cho một mống nào sống sót. Bang chúng các người có tài kinh thiên động địa cũng không biết người chết trong trường hợp nào.
– Tào-Minh! Nếu mi có giỏi, hãy cùng chúng ta một chọi một mới là anh hùng. Còn lấy số đông áp đảo, ta không phục.
Triệu Huy kinh lịch giang hồ nhiều, y nói nhỏ với Triệu Thành:
– Vương gia! Sử Anh giữ chức bang chủ Hồng-hà. Y gốc người đất Mân sang Đại-Việt buôn bán đã hai đời. Thế lực bang Hồng-hà rất lớn. Dưới quyền y có hơn năm trăm thương thuyền buôn bán khắp sông ngòi, biển Hoa-Việt. Hôm trước y có về dự đại hội Thăng-long.
Triệu Thành gật đầu:
– Cô gia đã nhận ra y.
– Còn Tào Minh, trước đây phụ thân y làm Đại đô-đốc thủy quân của nước Ngô-Việt. Sau khi Ngô-Việt bị vua Thái-tông bản triều diệt vào niên hiệu Thái-bình hưng quốc thứ ba (978). Y đem thủy quân ra biển lập bang Đường-lang, không chính, không tà. Y chết, con y là Tào Minh lên thế vị. Thế lực bang Đường-lang rất lớn.
– Cái tên Đường-lang sao ta nghe quen quá.
Minh-Thiên gật đầu xác nhận:
– Đường-lang là con bọ ngựa. Tổ tiên Tào Minh tên Tào Động, xuất thân đệ tử phái Thiếu-lâm. Y làm nghề bảo tiêu. Một hôm trên đường đi săn. Y thấy con se sẻ mổ con bọ ngựa. Con bọ ngựa dùng hai càng chống lại. Từ đó y ly khai phái Thiếu-lâm, lập ra phái Đường-lang. Võ công Đường-lang rất hiểm độc. Trong cái chính gốc Thiếu-lâm, có cái tà môn của côn trùng.
Tào Minh, tức người chỉ huy con thuyền nhỏ cười khành khạch:
– Được. Ta với người đánh cuộc. Bên ta cử ra ba người. Bên người cử ra ba người đơn đấu. Nếu bên ta thắng hai. Bên người phải trao cái ấy cho ta. Còn ngược lại, bên người thắng. Chúng ta nguyện rút lui.
Sử Anh cười ha hả:
– Được, người cử ra trước đi.
Triệu Thành bảo Địch Thanh:
– Đây thuộc lãnh hải Trung-quốc. Cô-gia giữ chức Phụ-quốc thái-úy. Cô-gia hiện diện, nhất thiết mọi việc đều do cô-gia xử lý. Người dạy bảo chúng đi.
Địch Thanh hô lớn:
– Xuất hiện!
Ba tiếng pháo hiệu nổ. Hai lá cờ Tống, Việt cùng kéo lên chót vót cột cờ. Thủy thủy gươm giáo sáng choang đồng xuất hiện. Uy thế cực kỳ dũng mãnh. Sử Anh, Tào Minh cùng kinh ngạc.
Tào Minh hỏi:
– Là binh thuyền nào? Ai ở trên thuyền ấy?
– Phụ-quốc thái-úy, Tổng-đốc quân mã trọng sự Bình-Nam vương nhà Đại-Tống.
– Bình-Nam vương ở kinh sư, chứ đời nào lại đi một con thuyền trên biển. Chắc bọn mi thuộc phường trộm cướp xưng láo rồi.
Tuy nói vậy, mà giọng Tào Minh có vẻ núng thế. Soái thuyền ép sát vào thuyền bang Đường-lang. Địch Thanh, Dư Tĩnh cùng nhảy sang. Tào Minh quát:
– Hai người thông báo tên họ đi.
Địch Thanh nói lớn:
– Dư Tĩnh, An-phủ sứ Quảng-Tây lộ. Địch Thanh, võ trạng.
Tào Minh ủa lên một tiếng kinh ngạc. Y hành lễ:
– An-phủ sứ cùng Địch trạng-nguyên ở đây thực hay quá. Xin hai vị chủ trì cho một việc.
Y chỉ sang thuyền bang Hồng-hà:
– Thuyền kia thuộc bang Hồng-hà. Chúng chỉ được phép đến Khâm-châu buôn bán. Thế mà chúng lén vượt biển lên tới trên này. Đã thế chúng còn chống lại người của thiểm bang. Vì vậy thiểm bang đuổi theo, bắt y phải chịu lỗi. Y cứng đầu, chống trả.
Dư Tĩnh đã gặp Sử Anh hôm đại hội Lộc-hà. Y được biết thế lực bang Hồng-hà rất lớn, bao trùm sông, biển Đại-Việt. Trong kế hoạch thu dụng nhân tâm, Triệu Thành chú ý đến bang này rất nhiều, mà chưa có dịp. Nay thấy Tào Minh tố cáo vậy, Tĩnh hỏi:
– Sử bang chủ! Lâu nay vẫn mạnh giỏi chứ. Thời gian qua mau thực. Mới hôm nào gặp Sử bang chủ tại đại hội Thăng-long, thấm thoắt mấy tháng qua rồi.
Sử Anh thấy Dư Tĩnh, Địch Thanh, ông đồ chừng hai người này hiện diện, ắt Triệu Thành có mặt. Ông tươi mặt, kính cẩn hành lễ:
– Dư đại nhân. Tiểu nhân xin bạo gan hỏi thăm đại nhân, hiện Bình-Nam vương gia có đây không? Tiểu nhân mong được yết kiến người.
Dư Tĩnh chỉ sang chiến thuyền:
– Vương gia hiện ở bên kia. Nào mời Tào, Sử bang chủ sang để người phán xét.
Bất đắc dĩ Tào Minh phải cùng Sử Anh sang chiến thuyền Đại-Việt. Lên đến nơi, thấy quân khí hùng tráng. Y đâm hoảng.
Thiếu-Mai nói nhỏ vào tai Triệu Thành:
– Vương gia lấy lễ đãi kẻ sĩ, thu phục nhân tâm, dùng vào đại sự.
Triệu Thành đang định hạch sách theo thói quen của người cầm đại quân. Nghe Thiếu-Mai nhắc nhở, y đứng dậy kéo ghế, nói:
– Hai vị bang chủ có gì tranh chấp nhau mà phải dụng võ? Hãy ngồi đây uống mấy chung rượu đã.
Sử Anh, Tào Minh từng nghe danh Phụ-quốc thái-úy Bình-Nam vương, quyền nghiêng nước, ắt hẳn phải hách dịch, bang bạnh lắm. Không ngờ trước mặt họ, chỉ thấy một trung niên nam tử rất ôn nhu, khiên cung.
Triệu Thành đi một vòng giới thiệu những người hiện diện. Vì y nghĩ: muốn khuất phục hai tên nửa lương dân, nửa đầu trộm đuôi cướp này, cần phải có sức mạnh. Y giới thiệu những Đông-Sơn, Minh-Thiên, Địch Thanh đã đành, mà còn giới thiệu Mỹ-Linh, Thiệu-Thái nữa.
Quả nhiên, Sử Anh thấy Mỹ-Linh, Thiệu-Thái, thì kính cẩn hành lễ:
– Tiểu nhân Sử Anh thuộc bang Hồng-hà xin tham kiến giáo chủ cùng công chúa.
Tào Minh cũng chắp tay:
– Tiểu nhân buôn bán dọc một giải biên thùy Tống-Việt, hằng nghe đại danh giáo chủ cùng công-chúa. Hôm nay mới được yết kiến.
Mỹ-Linh nghĩ thầm:
– Sử bang chủ tuân lệnh chú ta, lập ra bang Hồng-hà, với mục đích thu lượm tin tức. Như vậy Sử làm việc gì, thì việc đó đều do lệnh chú ta. Ta phải gỡ rối cho y.
Nghĩ vậy nàng phất tay:
– Tào bang chủ. Không biết Sử bang chủ có điều gì làm bang chủ buồn lòng, đến nỗi xích mích như vậy? Đây thuộc lãnh hải Đại-Tống, bang chủ hãy đem đầu đuôi câu truyện ra, để Bình-Nam vương gia xử lý cho.
Triệu Thành thân bưng hũ rượu rót đầy các chung, tay cầm chung rượu dơ lên:
– Khoan nói ai phải, ai trái. Chúng ta hãy uống chung rượu ghi lần tao ngộ trên biển Đông này đã. Nào mời các vị cùng cô-gia uống rượu đã. Truyện gì đâu còn đó. Nào đầu bếp đâu, mau đọn đồ nhắm tốt ra đây, để chúng ta đồng ẩm.
Mỹ-Linh cầm chung rượu trao cho Tào Minh:
– Tào bang chủ! Tôi theo đạo đức Thế-tôn, giới tửu. Chung rượu này xin bang chủ đỡ dùm.
Tào Minh đỡ chung rượu:
– Đa tạ công chúa ban thưởng.
Tào Minh uống can chung rượu. Y ngẫm nghĩ một lúc, rồi hỏi:
– Không biết rượu vương gia ban đây là rượu gì? Tiểu nhân chưa từng nếm qua. Rõ ràng nồng độ rượu cao, mà hương thơm lại dịu. Rượu nhập vị, lập tức tỏa ra thực mau. Sau khi uống, hương, vị còn đậm đà một lúc mới hết.
Vừa nói, y vừa xốc lại cái áo khoác ngoài. Mỹ-Linh lét thấy nút áo trên ngực y có sợi chỉ đỏ. Nàng chửi thầm:
– Tào-Minh, Sử Anh đóng kịch hay quá. Đến mình mà còn tưởng họ gây sự với nhau, e rằng Triệu Thành khó mà biết được. Thì ra cả hai cùng tuân mệnh lệnh Khu-mật viện đây. Im xem họ làm gì?
Đối với thứ rượu Mỹ-Linh mang tới, Triệu Thành không biết gì hơn. Y đưa mắt nhìn Dực-Thánh vương. Vì lần đầu tiên y uống thứ rượu này.
Vương chỉ Mỹ-Linh:
– Đây là một trong bốn hũ rượu Bình-Dương mang theo, tiểu vương cũng không biết nó tên gì.
Mỹ-Linh chỉ Thiệu-Thái:
– Vua Bà Bắc-biên truyền anh em tiểu nữ mang theo bốn hũ rượu cực kỳ trân quý, gọi là chút thổ sản dâng vương gia. Nếu vương gia thấy xơi đựợc, người sẽ cử sứ sang dâng tiếp.
Nàng bưng ra hũ thứ nhì, mở nắp, để tay trái lên hũ, vận khí truyền vào. Lập tực rượu vọt lên như cái vòi hướng mấy cái chung trống. Tuyệt ở chỗ, sau khi đầy, vòi lại hướng chúng khác, không một giọt bắn ra ngoài.
Mọi người vỗ tay hoan hô.
Triệu Thành cầm chung rượu đưa lên, miệng đọc hai câu thơ của Lý Bạch:
Xử thế nhược đại mộng,
Hồ vi lao kỳ sinh.
Nào chúng ta cạn chén.
Thiệu-Thái ít đọc sách, chàng không hiểu ý hai câu thơ, hỏi nhỏ Mỹ-Linh:
– Vương gia đọc thơ gì vậy?
– Đó là hai câu thơ của Lý-Bạch nghĩa là:
Ở đời như giấc chiêm bao.
Tội chi mà phải lao đao nhọc nhằn.
Dư Tĩnh xuất thân tiến sĩ. Y có chút danh vọng trên văn đàn thời bấy giờ. Hôm trước nghe Triệu Huy nói Mỹ-Linh đấu văn, thắng Ngô Tích. Y không tin một cô gái Nam-man có thể thông văn học Trung-quốc. Nay thấy Triệu Thành ngâm hai câu thơ Lý Bạch, mà Mỹ-Linh hiểu thấu, dịch sang tiếng Việt. Y hỏi:
– Ty chức nghe công-chúa điện-hạ thuộc giới bút mặc văn tự quán thế Đại-Việt. Không biết bài thơ trên của Thanh-liên cư-sĩ công chúa còn nhớ không? Lâu ngày ty chức quên mất rồi.
Nghe Dư Tĩnh hỏi, Mỹ-Linh cười thầm trong tâm:
– Tên này muốn thử mình đây. Y đã đậu tiến sĩ, thơ hay, lại nổi danh thích rựơu chẳng lẽ không thuộc bài “Xuân nhật túy khởi ngôn chí” (Ngày xuân ngủ say, khi tỉnh dậy nói chí mình)? Hiện chú hai đang dàn mọi phương tiện, khiến Triệu Thành phản chúa, cướp ngôi. Chú an trí ta với Thiếu-Mai cạnh Thành. Ta cần phải chinh phục bọn tùy tùng của Thành, mới mong mỗi lời nói, không bị chúng bác bỏ. Về võ công, đương nhiên ta bỏ xa chúng. Bây giờ cần khuất phục chúng bằng văn chương. Tuy vậy phải khéo léo, bằng không hoá ra gây thù chuốc oán với chúng.
Nghĩ vậy nàng mỉm cười:
– Dư tiến sĩ thực khéo ban lời khen tặng, khiến cho tôi cảm thấy thẹn thùng. Tuy nhiên người đã hỏi, tôi đâu dám không thưa? Về bài Xuân nhật túy khởi ngôn chí rằng hay thì thực là hay. Song đối với chúng ta, lại không hợp tý nào cả.
Triệu Thành không thuộc bài thơ này. Y hỏi:
– Không biết bài thơ đó ra sao mà công chúa bảo không hay đối với chúng ta?
Mỹ-Linh cất cao giọng ngâm:
Xử thế nhược đại mộng,
Hồ vi lao kỳ sinh.
Sở dĩ chung nhật túy,
Đồi nhiên ngọa tiền doanh.
Giác lai miện đình tiền.
Nhất điểu gian hoa minh.
Tá vấn thử hà nhật,
Xuân phong ngữ lưu oanh.
Cảm chi dục thán tức,
Đối tửu hoàn tự khuynh.
Hạo ca đã minh nguyệt,
Khúc tận dĩ vong tình.(1)
Mọi người vỗ tay hoan hô. Thiếu-Mai quay sang nói với Dư Tĩnh:
– Dư đại nhân thấy không? Chúng ta muôn dặm phò tá quân vương, gây sự nghiệp Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang. Xưa kia Chu công đang ăn cơm, thấy hiền tài tới, vội nhả cơm, tiếp khách. Người xưa như vậy, ta phải học theo. Thơ Lý hay thì thực hay, song chúng ta chẳng nên theo gương Lý, coi đời như giấc mộng phù ảo.
Nàng bưng hũ rót một lượt vào các chung. Vương Duy-Chính nói:
– Thánh nhân xưa dùng rượu để tế trời, cúng tiên vương, ban thưởng sĩ tốt. Cho nên nói: Nam vô tửu như kỳ vô phong. Nhưng uống rượu nhiều quá, thần minh bị lấp. Rượu làm hại gan, đốt cháy phổi. Chúng ta, những người thức thời, lấy rượu để đàm văn luận võ, đó chính cái thú phong nhã vậy. Lý Bạch coi rượu là thánh, là thần, e quá đáng. Nào công chúa, xin công chúa ngâm thêm bài thơ nữa của Lý Bạch làm hứng ẩm tửu.
Mỹ-Linh ngâm tiếp:
Khuyến quân mạc cự bôi,
Xuân phong tiếu nhân lai.
Đào lý như cựu thức,
Khuynh hoa hướng ngã khai.
Lưu oanh đề bích thụ,
Minh nguyệt khuy kim bôi.
Tạc nhật chu nam tử,
Kim nhật bạch phát thôi.
Cước sinh Thạch-hổ điện,
Lộc tẩu Cô-tô đài.
Quân nhược bất ẩm tửu,
Tích nhân an tại tai?
Cử tọa chưa kịp vỗ tay, Mỹ-Linh chuyển dịch, ngâm Sa-mạc:
Khuyên anh đừng khước rượu mời,
Gió Xuân phây phẩy như cười với ta.
Hoa đào hoa mận nở to,
Cùng nhau nghiêng cánh về ta mỉm cười.
Chim oanh ca hót cành ngoài,
Trăng khuya rọi ánh sáng ngời chén say.
Hôm nào, còn khóc oa oa,
Hôm nay tóc bạc, nghĩ mà thảm thương.
Nếu anh chẳng uống cho cùng,
Người xưa đâu tá, ta ngồi nhớ nhung:
Cô-tô dấu cũ, hươu lồng,
Lâu đài Thạch-hổ, cỏ chồng lên nhau.
Vương Duy-Chính hỏi Mỹ-Linh:
– Dường như công chúa thích thơ Lý lắm thì phải? Lý là đại thi hào thời thịnh Đường, được người đương thời tặng cho danh hiệu thi tiên. Còn Đỗ Phủ được phong làm thơ thánh, mà công chúa lại không ưa nghĩ cũng lạ…
Mỹ-Linh lắc đầu:
– Tôi không mấy thích thơ Lý. Ngược lại tôi thích Đỗ hơn. Đỗ như một người lăn xả vào giúp đời. Còn bảo thơ Lý hay nhất, e còn phải bàn lại. Như khi qua lầu Hoàng-hạc, Lý đã phải chịu thua Thôi Hạo.
Triệu Anh không biết nhiều về giai thoại văn chương. Y hỏi:
– Công chúa! Lý chịu thua Thôi ra sao?
– Nguyên Thôi Hạo qua lầu Hoàng-hạc ở Bắc thành Vũ-xương, có làm bài thơ như sau:
Tích nhân dĩ thừa Hoàng-hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng-hạc lâu.(2)
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.
Tình xuyên lịch lịch Hán-dương thụ.(3)
Phương thảo thê thê Anh-vũ châu.(4)
Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
Yên ba giang thượng xử nhân sầu. (5)
… nhưng kém Thôi nhiều.
Triệu Thành nghe Mỹ-Linh luận bàn, y thích quá:
– Công chúa có thuộc bài thơ đó không?
– Khải tấu vương gia có.
Rồi nàng cất tiếng ngâm:
Phượng hoàng đài, phượng hoàng du,(6)
Phượng khứ đài không giang tự lưu.
Ngô cung hoa thảo mai u kính,(7)
Tấn đại y quan thành cổ khâu.(8)
Tam sơn bán lạc, thanh thiên ngoại,(9)
Nhị thủy chung phân Bạch-lộ châu.(10)
Tổng thị phù vân năng tế nhật,
Trường-an bất kiến xử nhân sầu.(11)
Cử tọa vỗ tay. Mỹ-Linh hỏi Vương Duy-Chính:
– Vương chuyển-vận sứ. Không biết trong các thi hào Trung-quốc, Vương tiên sinh thích vị
nào nhất?
Vương Duy-Chính trầm ngâm nhìn trời một lát, rồi đáp:
– Kể ra thích, thì ty chức thích nhiều lắm. Thơ văn Trung-quốc như rừng như biển. Tuy vậy ty chức thích nhất Sở từ Khuất Nguyên.
Mỹ-Linh nghĩ thầm:
– Thằng cha này khôn hơn Dư Tĩnh nhiều. Y nói thích Sở từ của Khuất Nguyên, vì Khuất-Nguyên có chân tài, bị Sở Hoài-Vương phụ lòng, mà ông không thay đổi chí hướng. Cho đến chết vẫn còn tưởng nhớ quân vương. Bản lĩnh làm quan của tên này cao thực.
Nghĩ vậy nàng cất tiếng ngâm một đoạn trong bài Ly-tao, rồi nói:
– Thiên kinh, địa nghĩa, nam nhi đại trượng phu, gánh vác hai chữ trung-quân thực đáng khen thay.
Nàng bưng hũ rượu thứ ba, rót đầy vào các chung, rồi bưng một chung trao cho Vương Duy-Chính:
– Mời vương chuyển vận sứ cạn chung này.
Duy-Chính nói câu cảm tạ, rồi bưng rượu uống.
Mỹ-Linh trao chung rượu cho Tào Minh:
– Tào bang chủ, mời bang chủ cạn chung này, xin phẩm bình cho rượu có ngon không?
Tào Minh uống cạn, ngẫm nghĩ một lúc, rồi nói:
– Chà thứ rượu này khác hẳn với thứ rượu ban nãy. Hương vị thoang thoảng như hương sen, mùi vị như có như không, mà tan vào tỳ vị mau hơn nữa.
Mỹ-Linh mỉm cười:
– Tào bang chủ thực xứng đáng với danh hiệu Vạn chung lang mà giang hồ tặng cho. Thứ rượu đầu tiên là rượu đậu nành. Thứ rượu sau là rượu nấu bằng nước lá sen.
Triệu Huy làm quan đã lâu. Y nếm không thiếu gì loại rượu. Rượu đậu nành, rượu lá sen, y từng nếm qua. Song mùi vị không giống loại rượu Mỹ-Linh mang tới. Y hỏi:
– Công chúa! Tiểu tướng đã từng uống rượu đậu nành, rượu nước lá sen, song không giống thứ rượu này.
Mỹ-Linh đã từng nghe ngự trù giảng giải cùng nấu rượu. Nàng thuộc lòng tính chất cùng cách nấu. Nghe Triệu Huy hỏi, nàng nghĩ thầm:
– Tên này khôn thực. Hôm trước Tự-Mai thẩm vấn Quách Quỳ. Quỳ khai rằng hiện mỗi năm Tống đòi Đại-Việt phải cống các loại rượu: đậu nành, cắc kè, thập đại danh hoa và nếp than nấu bằng nước lá sen. Tên này đã làm thị-vệ hoàng-cung. Chắc y muốn tò mò, để hiểu về thuật cất rượu của Đại-Việt đây. Tội gì ta nói cho chúng nghe nhỉ?
Nàng đánh trống lảng:
– Triệu thống chế quả thực kinh lịch. Rượu đậu nành tuy cùng dùng chất liệu giống nhau, nhưng cách cất cùng tính chất thổ ngơi khác nhau. Nên mùi vị khác nhau, có gì là lạ.
Nàng rót rượu thập đại danh hoa mời mọi người, tay bưng chung rượu của mình mời Tào Minh:
– Tào bang chủ. Không hiểu nguyên do nào bang chủ cùng với Sử bang chủ đây sinh ra bất hoà vậy? Bang chủ có thể trình Vương-gia. Vương-gia xử lý cho chẳng hay ư?
Tào Minh cầm chung rượu uống cạn, rồi kính cẩn hướng vào Triệu Thành:
– Khải tấu Vương-gia! Từ trước đến giờ tệ bang với bang Hồng-hà vạch biển chia vùng. Bang Hồng-hà hoạt động từ eo biển Hải-nam trở xuống. Tệ bang hoạt động từ eo biển Hải-nam trở lên. Thế mà lần này bang Hồng-hà vi ước, dám vượt eo biển lên vùng Mân-Việt, không hỏi tệ bang lấy một lời. Như vậy thực khinh nhau quá đáng.
Triệu Thành hỏi Sử Anh:
– Trên chốn giang hồ, bọn võ lâm chúng ta lấy chữ tín làm trọng. Sử bang chủ đã ước hẹn với người sao còn vi phạm?
Sử Anh chắp tay:
– Khải tấu vương gia. Tiểu nhân thực có vi phạm ước với bang Đường-lang, nên đã cung kính xin lỗi, nhưng Tào bang chủ không chịu. Xét cho cùng, tiểu nhân vi phạm cũng có lý do trọng đại.
Triệu Thành ngắt lời:
– Sử bang chủ thử nói rõ lý do xem nào?
Sử Anh cung cung kính kính nói:
– Thưa vương gia. Cách đây mấy ngày, tiểu nhân đang đi trên vùng Ngọc-sơn. Lúc ấy vào giữa đêm, thấy đức Quan-thế-âm bồ tát hiện trên mây. Anh em tiểu nhận thụp xuống lạy. Ngài phán rằng hôm nay, vào khoảng giờ này, Thanh-y đồng tử, Văn-khúc tinh quân, Vũ-khúc tinh quân tuân chỉ Ngọc-Hoàng thượng đế giáng sinh. Sau Thanh-y đồng tử sẽ thành chính mệnh thiên tử. Văn-khúc tinh quân thành tể tướng, Vũ-khúc tinh quân sẽ thành nguyên nhung. Ngài lại dạy: bồ tát Đại-Huệ tuân chỉ Phật-tổ giáng sinh, để trợ giúp Thanh-y đồng tử. Vì vậy anh em tệ bang mới xin phép quan đề đốc Khâm-châu lên đây tiếp giá.
Triệu Thành nghe Sử Anh nói, y run lên:
– Quan-thế-âm có tả hình dạng ba vị đó ra sao không?
Sử Anh nói:
– Ngài trao cho tiểu nhân cuốn trục, dặn rằng đúng giờ Ngọ hôm nay mới được mở ra. Cho nên khi gặp anh em bang Đường-lang, đòi phải trao cuốn trục. Tiểu nhân nhất định không trao, vì vậy mới sinh ra cãi vã, rồi động thủ.
Dư Tĩnh cười:
– Tưởng gì chứ việc đó cũng dễ thôi. Bây giờ đúng Ngọ rồi. Sử bang chủ đem cuốn trục mở cho mọi người xem nào?
Sử Anh, Tào Minh bất quá là bang trưởng một bang hội. Ngày thường gặp viên quan huyện, đã phải khép nép. Bây giờ họ đứng trước một Bình-Nam vương, Phụ-quốc thái-úy, lại được mời uống rượu cùng nói năng nhỏ nhẹ. Nên hai người không dám cãi cọ nhau nữa.
Sử Anh trở về thuyền mình. Một lát y cầm sang một ống bằng bạc. Y cung cung kính kính dâng cho Triệu Thành. Thành tiếp lấy đưa cho Triệu Huy:
– Triệu thống chế. Người mở ra coi, xem hình thiên tử ra sao?
Triệu Huy cầm con dao nhỏ, tiện một vòng. Hộp bạc đứt ra làm hai. Bên trong có cuốn trục. Y cầm cuốn trục mở ra. Mọi người cùng bật kêu lên tiếng úi chà.
Y dơ cho mọi người xem. Trong hình vẽ một con rồng vàng, đầu giống hệt đầu Triệu Thành. Con rồng vàng đang bay lượn trên không. Cạnh đó, có con bạch hổ bay phía sau. Đầu con bạch hổ giống hệt Địch Thanh. Xa chút nữa, có hai vị văn quan, sắc phục thừa tướng. Một người mặt giống hệt Dư Tĩnh. Một người giống hệt Vương Duy-Chính. Phía trước một vị Bồ-tát, mặt giống hệt Minh-Thiên.
Sử Anh, Tào Minh cùng quỳ gối trước Triệu-Thành:
– Bọn hạ thần xin khấu đầu trước thánh thiên tử.
Triệu Thành mừng không bút nào tả xiết. Y đỡ hai người dậy:
– Việc này cần giữ kín. Bằng không cô-gia sẽ bị hại.
Sử, Tào cùng tâu:
– Bệ hạ ban chỉ, bọn hạ thần xin hết sức giữ kín.
Triệu Thành nhỏ nhẹ:
– Hai vị đã biết ta, nên kết thân với nhau, cùng ta xây đại nghiệp. Từ nay đừng gây với nhau nữa.
Tào Minh nắm tay Sử Anh:
– Mong sư huynh thứ tội cho đệ.
Triệu Thành thân mời mọi người uống rượu. Cuối tuần rượu y nói:
– Sử, Tào bang chủ về chỉnh bị lại anh em trong quý bang. Đợi khi cô-gia khởi sự, phải hưởng ứng. Sau này các vị sẽ là khai quốc công thần. Cô-gia trao cho hai vị thống lĩnh anh em giang hồ trên mặt biển từ vùng Mân-Việt tới Giao-chỉ.
Nói dứt y sai Dư Tĩnh viết một mệnh lệnh trao cho hai người. Lấy ấn đóng vào, rồi y ký tên.
Sử Anh cầm lên đọc:
Bình-Nam vương, Phụ quốc thái úy, quản Khu-mật viện, Tổng đốc quân mã trọng sự, lệnh cho Sử Anh, Tào Minh kinh lý trên biển một giải từ Mân-Việt tới Giao-chỉ. Bá quan văn võ từ cấp Đề đốc, Tuyên-vũ sứ phải tuân lệnh điều động của hai người.
Hai người cúi đầu lậy tạ. Sau bữa cơm, Sử Anh hai tay dâng lên Mỹ-Linh một cuốn sách:
– Khải tấu công chúa điện hạ. Thần xin kính dâng công chúa điện hạ bộ kinh Lăng-già, mà hạ thần mới thỉnh được ở chùa Chế-chỉ ở Quảng-châu.
Mỹ-Linh hai tay tiếp kinh, tỏ ý cảm ơn:
– Quý quá! Sử bang chủ thỉnh kinh cho tôi, thực không gì phúc đức bằng.
Hai bang chủ trở về thuyền, rồi cất buồm, kẻ Nam, người Bắc.
Dư Tĩnh nói với Triệu Thành:
– Sự thể thần linh báo mộng khắp nơi. Thần sợ truyện tới tai Lưu hậu, e nguy cho vương gia.
Thiếu-Mai cười:
– Tôi nghĩ khi Vương-gia là thiên-tử, chính Lưu hậu cũng phải khuất phục. Tuy vậy chúng ta cần đề phòng vẫn hơn.
Dư Tĩnh hỏi Mỹ-Linh:
– Công chúa! Anh hùng trong thiên hạ hiện chỉ có chúa công tôi với Khai-Quốc vương. Mệnh trời định, mỗi người một giang sơn. Hôm trước đây, vì không biết, nên chúng tôi có chút mạo phạm với Khai-Quốc vương. Ty chức mong công-chúa đứng trung gian giảng hoà giữa chủ nhân tại hạ với Khai-Quốc vương được chăng?
—————————
Ghi chú
(1)Trần-trọng-Kim dịch như sau:
Ở đời tựa giấc chiêm bao,
Làm chi mà phải lao đao nhọc nhằn.
Suốt ngày mượn chén khuây tình,
Say rồi nghiêng ngửa bên mành hằng ba.
Tỉnh ra trông mé trước nhà,
Một con chim hót trong hoa ngọt ngào.
Hỏi xem ngày ấy, ngày nào?
Chim oanh ríu rít đón chào gió Đông.
Thở than cảm xúc nỗi lòng.
Chuốc thên ít chén, say cùng cảnh vui.
Hát ngao chờ bóng trăng soi,
Ca vừa dứt khúc, đã nguôi mối tình.
(2)(3)(4)(5)Trần Trọng-Kim dịch như sau:
Lên Phượng-Hoàng đài ở Kim-lăng.
Phượng-hoàng đến Phượng-hoàng đài,
Phượng đi, đài bỏ, nước trôi lạnh lùng.
Cỏ hoa lấp lối Ngô cung,
Y quan đời Tống, nay trông thấy đồi.
Mịt mù ba núi mầu trời.
Bãi kia Bạch-lộ nước trôi hai giòng.
Đám mây che khuất vầng hồng,
Trường-an không thấy, nỗi lòng băn khoăn.
(6) Phượng-hoàng đài, tương truyền thời Nam-Bắc triều, khoảng niên hiệu Nguyên-gia (424-452) đời Tống. Nhân người ta thấy ở núi gần Kim-lăng có thứ chim ngũ sắc đến đậu. Người đương thời gọi chim ấy là phượng-hoàng. Chỗ chim đậu, người ta dựng một đài kỷ niệm, đặt tên đài Phượng-hoàng. Nay thuộc nội thành Nam-kinh.
(7) Ngô-cung, cung điện triều Ngô. Ý chỉ thời gian qua mau, cảnh trí tang thương.
(8)Tấn đại, thời Tấn. Ý như chú thích (7)
(9) Tam-sơn, có nhiều núi mang tên Tam-sơn. Thứ nhất nằm trên mạn Bắc hồ Động-đình. Tương truyền Quốc-tổ Lạc-long-Quân cưới Quốc-mẫu Âu-Cơ, rồi lên núi Tam-sơn hưởng thanh phúc ba năm. Khi hai ngài lên núi, có chín vạn bông Tầm-xuân nở. Núi Tam-sơn mà Lý nói đến trong bài, thuộc phía Nam thành Nam-kinh.
(10)Bạch-lộ châu, cù lao con cò trắng. Cù lao Bạch-lộ nằm trên sông Tần-hoài thuộc Nam-kinh.
(11) Trường-an, kinh đô thời Tây-Hán của Trung-quốc.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!