Anh Hùng Bắc Cương - Chương 21: Duyên việt, tình hoa
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
151


Anh Hùng Bắc Cương


Chương 21: Duyên việt, tình hoa


Duyên Việt, tình Hoa — –

Tây-phương sứ giả hỏi Đỗ Lệ-Thanh:

– Sư muội! Sư muội hại ngũ đệ thế này, ta e lát nữa đây gặp bang chủ, tính mệnh sư muội khó bảo toàn.

Đỗ Lệ-Thanh hừ một tiếng:

– Y làm bang chủ ư? Bang chủ phải biết xử dụng thần công trấn môn giải độc cho hắn. Còn y không biết, thì đừng nên dơ cái xấu ra cho thiên hạ cười.

Tây phương sứ giả trói Đỗ Lệ-Thanh lại, bỏ vào gốc cây gần đó. Y cười nhạt:

– Sư muội! Người hãy tạm ngồi đây, chờ đại ca về, chúng ta sẽ đi gặp bang chủ.

Đỗ Lệ-Thanh biết mình có chống cự cũng vô ích, vì bản lĩnh độc công cũng như công lực kém địch thủ khá xa. Thôi thì nhắm mắt đưa chân, đến đâu hay đến đó.

Bà ngửa mặt lên nhìn trời, trong ánh trăng đêm, bà thấy đôi chim ưng bay lượn trên đầu, biết rằng chúng sẽ đưa Mỹ-Linh, Thiệu-Thái tới. Bà mừng thầm, trong lòng không còn coi Tây-phương sứ giả ra gì cả. Bà cười khành khạch:

– Ai sợ gã Đặng Đại-Bằng, chứ ta, ta không coi y vào đâu cả. Mi cứ gọi y đến đây đi xem y làm gì được ta?

Tây phương sứ giả định lên tiếng quát tháo Đỗ Lệ-Thanh, thì từ phía trước, có một bọn đông người đi tới. Tây-phương sứ giả bảo Chu An-Bình:

– Ngũ đệ mau núp vào bụi cây kia.

Nhanh nhẹn y nhét giẻ vào miệng Đỗ Lệ-Thanh.

Dưới bóng trăng, Mỹ-Linh nhận ra toán người đi tới gồm Triệu Thành, Phạm Trọng-Yêm, Đông-Sơn lão nhân, Địch Thanh, Dư Tĩnh, Vương Duy-Chính, Lê Thiếu-Mai. Thoáng một cái bọn họ đã đến.

Chu An-Bình cũng trông thấy đám người Triệu Thành. Y vận sức chịu đau. Nhưng dù nghiến răng, y cũng bật lên tiếng rên nho nhỏ.

Nội công Minh-Thiên cực cao. Ông chau mày, lắng tai nghe, rồi chỉ vào bụi cây nói:

– Dường như có ai đau đớn núp trong bụi này?

Vương Duy-Chính chạy lại. Y thấy Chu-an-Bình đang run rẩy. Y quan sát một lát, rồi thò tay túm cổ áo nhắc lên đem ra ngoài ánh trăng. Dư Tĩnh nhìn Chu An-Bình, bật kêu lên:

– Thì ra mi! Tại sao mi ở đây?

Minh-Thiên, Triệu Thành đều nhận ra Chu An-Bình đã giúp đám Đại-lý phóng chất độc hại bọn y hôm đi thuyền từ Thiên-trường về Thăng-long. Sau bọn y phải nhờ tên Hoàng Văn cung cấp thuốc giải cho, mới sống được đến ngày nay.

Chu An-Bình đau đớn quá, chân tay y run lẩy bẩy, hàm răng đánh vào nhau lộp cộp. Y không trả lời được.

Thình lình Vương Duy-Chính cảm thấy mắt hoa đầu váng, y lảo đảo rồi ngã lăn ra.

Minh-Thiên hô lên:

– Người tên này đầy chất độc, mau tránh xa.

Nhưng đã trễ, Đông-Sơn lão nhân, Địch Thanh, Dư Tĩnh cũng lảo đảo rồi ngã xuống. Minh-Thiên vội ôm Triệu Thành nhảy vọt ra xa Chu An-Bình. Vô tình ông đứng ngay trước Tây-phương sứ giả. Ông nói với Phạm Trọng-Yêm:

– Sư điệt, việc này là thế nào?

Mỹ-Linh, Thiệu-Thái núp nhìn rõ mồn một chính gã Tây-phương sứ giả phóng chất độc vào bọn Triệu Thành.

Phạm Trọng-Yêm chạy lại bên Triệu Thành như che chở cho chủ:

– Dường như có người phóng thuốc độc. Chứ không phải thuốc độc từ gã này truyền ra.

Y nói đến đây, chính y với Minh-Thiên cũng lảo đảo. Minh-Thiên đã phát giác ra chỗ Tây-phương sứ giả. Ông phát một Kim-cương chưởng đánh vào người y. Y thấy chưởng lực hùng hậu, vội vận sức đỡ. Bình một tiếng, y bay bổng về phía sau, ngã lăn đi hai vòng, miệng ứa máu. Trong khi đó Minh-Thiên với Phạm Trọng-Yêm cũng ngã xuống, mê man.

Lê Thiếu-Mai rút kiếm cầm tay, rồi chạy lại gần chỗ gã Tây-phương sứ giả nằm. Nàng lên tiếng hỏi:

– Các hạ là ai? Đêm khuya đến đây làm gì? Tại sao lại phóng độc hại bọn ta?

Tên Tây-phương sứ giả nằm bất động. Thiếu-Mai móc trong bọc ra hai viên Ma-tuý hoàn, nàng phóng vào người y. Bộp, bộp hai tiếng, y hoàn toàn bị tê liệt. Nàng phóng hai viên Ma-túy hoàn vào người Chu An-Bình. An-Bình đã bớt đau. Nàng hỏi y:

– Tên áo trắng kia là ai? Tại sao y lại hại chúng ta? Mi thuộc đồng bọn với y, tất có thuốc giải. Mi mau đưa thuốc giải ra, bằng không ta cho mỗi tên một kiếm.

An-Bình lắc đầu:

– Chúng tôi chỉ biết phóng chất độc, mà không biết cách trị. Muốn trị phải yết kiến bang chủ.

Triệu Thành đồ chừng An-Bình nói thực. Y hỏi Thiếu-Mai:

– Làm sao bây giờ? Chúng ta phải về trấn điều động binh mã tới đây bảo vệ người thân của mình, rồi đi bắt tên bang chủ Nhật-hồ tra hỏi thuốc giải.

Y rút thanh kiếm đeo trên lưng, trao cho Thiếu-Mai:

– Cô nương cầm thanh kiếm này, gặp An-vũ sứ Quảng-Đông hoặc bất cứ tướng soái nào, bảo có lệnh cô-gia, phải đem quân tới ngay.

Thiếu-Mai định lên đường, thì bốn phía, bốn ngư nhân tiến lại. Triệu Thành thấy bốn ngư nhân, y tươi mặt lên:

– Năm thiếu niên này từ Đại-Việt mới sang đây hơn tháng nay. Theo sư phụ cũng như Vương-duy-Chính, võ công chúng thuộc chính phái, song không phân biệt được phái nào. Khi thì Đông-a, khi thì Tản-viên, khi thì Sài-sơn, khi thì Mê-linh. Chúng chỉ chọc một ngón tay khiến Dư Tĩnh tê liệt hơn hai giờ. Võ công như thế thực ta chưa từng thấy qua. Phạm Trọng-Yêm nói: Rõ ràng chúng sang đây mục đích chiếm kho tàng. Thế mà sao chúng lại phá phách đến kinh thế hãi tục, để lộ chân tướng cho ta biết. Mà thực lạ, chúng tìm những cao thủ của Liêu, Tây-hạ, Cao-ly cùng bang Nhật-hồ mà trêu chọc, gần như chỉ rõ cho Khu-mật viện biết chỗ ở của họ, mà tóm hết. Vì vậy không nên bắt chúng. Để chúng có lợi hơn. Không chừng chúng là người nhà cũng nên. Mới đây chúng bắt cóc hai trưởng lão Lạc-Long giáo Đại-Việt. Như vậy chúng thuộc lực lượng đối đầu với triều Lý. Võ công chúng rất cao, có lẽ ngang Địch Thanh. Ta có thể nhờ chúng giúp đỡ may ra qua cơn khó khăn này.

Nghĩ vậy y nói:

– Bốn vị huynh đệ. Suốt hơn tháng nay, các huynh đệ trêu ghẹo cô gia, phá phách Khúc-giang như thế cũng đủ rồi. Bây giờ cô-gia gặp nạn, mong các huynh đệ giúp một tay.

Ngư nhân mũ trắng hỏi:

– Bình-Nam vương gia có biết bọn tôi là ai không mà muốn chúng tôi cứu nạn?

Triệu Thành là người có hùng tâm, trí lự tuyệt vời bậc nhất triều Tống. Y hiểu mấy ngư

nhân hơn ai hết:

– Cô gia không biết chân tướng bốn vị. Song cô gia đoán các vị rất trẻ, giả trang làm người lớn, đùa cợt chúng nhân cho vui, chứ không hại ai. Hành sự bốn vị đường đường chính chính. Khắp trấn này ai cũng khen. Bốn huynh đệ phá cô gia, mà không ác ý, nên cô-gia biết bốn huynh đệ ít ra không phải kẻ thù của cô-gia.

Ngư nhân mũ đen hỏi:

– Sao Vương-gia biết chúng tôi còn trẻ?

– Trời ơi! Mấy huynh đệ ơi! Phàm luyện võ tới trình độ như huynh đệ, cơ thể phải bình thường, không vẹo vọ, thiên lệch. Võ công bốn huynh đệ cực cao thâm, mà chân dài thoòng, so với thân hình không cân đối, ắt bốn huynh đệ làm đôi guốc cao, giả trang làm người lớn.

Mỹ-Linh, Thiệu-Thái nghe Triệu Thành nói, trong lòng than thầm:

– Kinh nghiệm giang hồ mình kém Triệu Thành xa. Ừ, mình cứ tự hỏi tại sao bốn ngư nhân chân dài quá, không tương xứng với thân hình. Thì ra chúng là trẻ con. Nhưng xét trong toàn cõi Hoa-Việt, đám thiếu niên tài trí như bốn ngư nhân này e không nhiều.

Triệu Thành tiếp:

– Các vị có năm người. Còn người nữa đâu rồi?

Ngư nhân mũ đỏ hỏi:

– Sao Vương-gia biết chúng tối có năm người?

– Sao ư? Các vị lớn nhỏ khác nhau. Trang phục cùng một loại, chỉ khác nhau có mầu mũ mà thôi. Tôi chắc các vị phải trông coi cái gì, thành ra khi phá phách thiên hạ chỉ có bốn, một ở nhà coi nhà. Vì vậy khắp trấn này ai cũng tưởng các vị có bốn.

Ngư nhân mũ đỏ chỉ Thiếu-Mai:

– Chúng tôi nuôi mấy con cọp, chúng đói quá, nên đi kiếm thịt cho chúng ăn. Bây giờ gặp Vương-gia với Lê cô nương, chúng tôi xin mời hai vị theo chúng tôi về cho cọp ăn.

Miệng nói, y lạng người tới chụp Thiếu-Mai, trong khi ngư nhân mũ trắng tấn công Triệu Thành. Võ công Thiếu-Mai cao hơn Triệu Thành một bậc. Nàng lùi lại hai bước, xỉa tay vào mặt ngư nhân mũ đỏ. Ngư nhân mũ đỏ chĩa ngón tay vào huyệt Khúc-trì của Thiếu-Mai. Véo một tiếng, tay Thiếu-Mai trúng chỉ. Nàng lảo đảo, ngã ngồi xuống.

Ngư nhân mũ trắng với Triệu Thành đấu được tới hiệp thứ bẩy, y bị trúng một quyền vào huyệt Trung-đô ở bắp chân. Y ngã ngồi xuống cạnh Thiếu-Mai.

Ngư nhân mũ đỏ để tay lên miệng hú một tiếng dài liên miên bất tuyệt. Lát sau, có tiếng sột soạt, rồi một con hùm xám phi lại. Nhìn con hùm xám, Mỹ-Linh, Thiệu-Thái suýt bật lên tiếng kêu lớn. Vì con hùm xám chính là con Sơn-Sơn của Bảo-Hoà.

Thiệu-Thái nói nhỏ vào tai Mỹ-Linh:

– Con Sơn-Sơn rất khó tính, nếu không có lệnh của Bảo-Hoà, không ai sai được nó. Vậy bốn ngư nhân ắt người thân với ta. Song chúng là ai? Tại sao chúng đều khàn tiếng như người già?

Ngư nhân mũ đen hỏi Thiếu-Mai, Triệu-Thành:

– Con Sơn-Sơn không thể xơi hai vị một lúc. Trong hai vị, phải có một vị chết. Một vị sống. Vậy vị nào tình nguyện cho nó xơi thịt đây?

Triệu Thành xuống nước:

– Tứ vị huynh đệ. Các vị muốn có thịt cho cọp ăn, sao không dùng mấy người kia?

Tay y chỉ vào Tây-phương sứ giả với Chu-an-Bình.

Ngư nhân mũ đen lắc đầu:

– Bọn này thuộc bang Nhật-Hồ Trung-quốc, trong người đầy chất độc, con hùm này ăn vào ắt ngộ độc mà chết. Cũng như những người của các vị đều trúng độc cả. Ở đây chỉ có hai vị không trúng độc mà thôi.

Triệu Thành năn nỉ:

– Vậy thế này, các vị móc túi cô gia, lấy ít nén vàng, đem vào trấn mua mấy con trâu cho cọp ăn.

Ngư nhân mũ trắng lắc đầu:

– Thịt trâu sao ngon bằng thịt người. Thôi, Vương-gia không muốn chết thì thôi, để tôi cho con hùm ăn thịt cô nương kia vậy.

Y hú lên một tiếng, con hùm tiến lại phía Thiếu-Mai. Triệu Thành la lớn:

– Khoan! Cô-gia tình nguyện cho cọp ăn thịt, với điều kiện các vị không được làm khó dễ vị cô nương kia.

Ngư nhân mũ trắng gật đầu:

– Thế thì được.

Y hú hai tiếng, tay chỉ vào Triệu Thành. Con hùm xám chạy lại bên Triệu Thành, nó gầm gừ mấy tiếng, rồi dùng hai chân cào cào lên người. Được cái nó cào nhẹ, nên Thành chưa bị thương. Miệng nó liếm lên người y.

Triệu Thành ớn da gà, chân tay run run, miệng đánh vào nhau lập cập. Con hùm cứ ngửi ngửi, rồi thè lưỡi liếm mặt y. Y không còn hồn vía nào nữa.

Thiếu-Mai la lớn:

– Bốn người kia! Chúng ta với người không thù, không oán. Hà cớ bốn người muốn cho hùm ăn thịt chúng ta. Ta… ta yêu cầu người cho hùm ăn thịt ta, để Triệu vương gia sống.

Ngư nhân mũ đỏ cười lớn:

– Ta hỏi:

– Ai muốn cho hùm ăn thịt?

Triệu Thành, Thiếu-Mai cùng hô lớn:

– Tôi!

Ngư nhân mũ xanh bàn:

– Này! Chúng ta chỉ ghét bọn ác độc, thích gây chiến chia rẽ tình Hoa-Việt. Mà đôi trai gái này, một Hoa, một Việt sẵn sàng hy sinh cho nhau. Chúng ta chẳng nên cho hùm ăn thịt. Nếu cho hùm ăn thịt họ, chẳng hoá ra chúng ta cũng ác độc như bọn Mã Viện xưa sao?

Ngư nhân mũ đen cười lên hô hố:

– Phải đấy! Này các bạn. Tại sao hai người này lại chịu hy sinh cho nhau? Lạ nhỉ, họ chẳng phải anh em, bà con.

Ngư nhân mũ xanh như tự nói một mình:

– Dường như họ là tình nhân thì phải?

Y hỏi Triệu Thành:

– Có phải hai vị là tình nhân của nhau không?

Triệu Thành gật đầu.

Ngư nhân mũ đỏ hỏi Triệu Thành:

– Bình-Nam vương-gia! Nếu anh em tôi tha cho Vương-gia cùng cô gái đẹp này. Vương gia có cưới cô về làm vợ không?

Triệu Thành lắc đầu:

– Điều đó không bao giờ xẩy ra. Lê cô nương là thiếu nữ tài kiêm văn võ, lai có bàn tay tiên cứu trị muôn người. Ta… ta một Hán tử thô lỗ, tuổi gấp đôi cô… muôn ngàn lần ta không xứng.

Ngư nhân mũ đỏ hỏi:

– Giả như Lê cô nương đồng ý! Vương gia có cưới cô không?

Triệu Thành liếc đôi mắt về phía Thiếu-Mai:

– Đó là điều tôi mơ mà không bao giờ thành.

Ngư nhân mũ trắng hỏi:

– Triệu vương gia! Đằng nào vương gia với Lê cô nương cũng vào bụng hùm. Vậy vương gia hãy nói thực đi: Tại Biện-kinh vương gia không thiếu gì những tiểu thư khuê các, quận chúa xinh đẹp. Tại sao khi sang Đại-Việt vương gia lại say mê ái nữ của đại hiệp Tự-An với Hồng-Sơn đại phu?

Triệu Thành xuất thần nhìn trăng thở dài:

– Huynh đệ còn trẻ, khó có thể hiểu biết được ta. Tuy lát nữa đây ta vào bụng hổ, ta vẫn nói thực với huynh đệ, có sao đâu.

Giọng y trở thành nhu hoài:

– Ta sinh ra làm con một vị Hoàng-đế văn võ kiêm toàn.

Ngư nhân mũ đỏ cắt lời y:

– Phải rồi! Không văn võ kiêm toàn sao được, bởi khi người băng hà được tôn:

Thái-tông, thần công, thánh đức, văn võ hoàng đế.

Có điều người bị bọn biên cương đại thần sàm tấu, đem quân sang Đại-Việt, đến nỗi hơn hai mươi vạn quân bị vùi thân ở Chi-lăng. Cá trên sông Bạch-đằng hưởng trên mười vạn khối thịt.

Triệu Thành nghe ngư nhân áo đỏ nói. Y không giận, trong lòng thầm nghĩ:

– Ngôn ngữ của thiếu niên này rõ ràng không thù oán triều Tống mình như bọn Trần Tự-Mai, Tôn Đản. Nếu là Tự-Mai, Tôn Đản, chúng ắt mỉa mai phụ hoàng mình thiếu minh mẫn, thua trận nhục nhã. Đây y đổ cho biên cương đại thần, như vậy y không có ác ý. Không ác ý sao y lại cho hổ ăn thịt mình? Dù sắp chết mình cũng phải dò la tông tích y mới được.

Nghĩ vậy y tiếp:

– Tất cả con trai của phụ hoàng đều huấn luyện theo một khuôn khổ: Mười hai tuổi được phong vương, cho mở phủ đệ riêng, cưới cho mấy phi tần xinh đẹp. Riêng ta…

Ngư nhân mũ đỏ cười:

– Riêng Vương-gia không thế. Vương-gia không chịu cưới vợ, vì vậy vẫn ở trong cung cho đến hai mươi tuổi. Vương-gia là con thứ tám, nên có tên Nhị thập bát thái bảo.

– Đúng thế. Ta thấy phụ-hoàng cưới vợ cho các anh, em ta… mà cho đến lúc cưới mới biết mặt. Họ đều thuộc khuê nữ, nhan sắc, nhưng họ chỉ biết quỳ lậy, dâng hiến. Chồng nói sao, vợ nghe vậy, vâng dạ. Ta không muốn thế. Ta muốn như Trịnh Ân, Trịnh thúc thúc, có vương phi Đào Tam-Xuân, cùng nhau ruổi ngựa, như đôi chim liền cánh. Tới năm hai mươi tuổi , ta vẫn không tìm ra người con gái như vậy, đành tuân lệnh phụ hoàng, cưới một con gái đại thần làm tỳ thiếp. Nàng phục tùng ta tuyệt đối, hầu hạ như nữ tỳ. Ta hoàn toàn không có hạnh phúc.

Ngư nhân mũ đỏ cười lớn:

– Cho đến khi sang Đại-Việt, Vương-gia gặp tiểu thư Thanh-Mai, Thiếu-Mai. Hai người không những chống đối vương gia bằng ngôn từ, mà còn phóng chưởng đánh Vương-gia. Vì vậy Vương-gia mới say mê, có đúng không?

– Gần như vậy. Người đầu tiên ta gặp là Thanh-Mai. Nàng đẹp lồ lộ như hoa hải đường, kiến thức siêu phàm, nhất tâm nhất chí lo cho đại sự tộc Việt. Vì vậy ta ước mơ, rồi cảm nàng.

– Cảm! Vương gia cảm nàng, mà để cho bọn tùy tùng Tung-sơn tam kiệt bắt nàng bỏ vào nhà ngục, rồi lại bắt giam dưới hầm đá, trói như trói trộm, rong đi khắp nơi.

Triệu Thành thở dài:

– Huynh đệ nhớ dùm, ta sang Đại-Việt vì sự nghiệp nghìn năm của nhà Đại-Tống. Cá nhân Triệu Thành có thể vì Trần cô nương mà chết. Nhưng vì sự nghiệp Đại-Tống ta có thể hy sinh tính mạng ta, cũng như Trần cô nương.

Ngư nhân mũ đỏ gật đầu:

– Ngôn từ của Vương-gia, đúng là ngôn từ của vua Quang-Vũ nhà Hán. Cũng vì lẽ đó, Vương-gia cho bắt giam Lê tiểu thư dưới hầm chiến hạm.

– Đúng vậy! Để ta tiếp về vụ Trần cô nương. Lúc đầu ta mơ ước nàng. Về sau ta thấy nàng là ý trung nhân của một anh hùng tộc Việt. Từ đó ta bỏ ý định theo đuổi.

– Vương-gia khen Khai-Quốc vương anh hùng. Tại sao Vương-gia còn nhục mạ người ở đại hội Lộc-hà?

– Anh hùng mới biết anh hùng. Vì ta biết y anh hùng, nên phải tấn công y, chẳng qua cũng vì sự nghiệp của tổ tiên.

– Thế rồi khi Vương-gia gặp Lê cô nương ở Vạn-thảo sơn trang, vương say đắm liền?

– Không! Lần đầu tiên ta gặp Lê tiểu thư khi đang trên đường từ Vạn-hoa sơn trang bí mật theo dõi yểm hộ bọn Tung-sơn tam kiệt. Lê tiểu thư đánh bại Tung-sơn tam kiệt, ta thấy hết. Sau tiểu thư chất vấn ta ở Vạn-thảo sơn trang. Bấy giờ ta nhủ thầm: Nếu như chết ba lần để được nàng ta cũng mãn nguyện.

– Chà vương gia đa tình quá nhỉ.

– Bây giờ người hãy cho hùm ăn thịt ta đi. Ta chỉ xin người một điều.

– Điều gì?

– Sau khi ta chết rồi, người không được làm khó dễ Lê tiểu thư.

Ngư nhân mũ trắng hỏi các bạn:

– Cho hùm ăn thịt ai bây giờ?

Ngư nhân mũ xanh lắc đầu:

– Tao không ưa Triệu vương-gia, vì y chủ tâm xâm chiếm Đại-Việt. Thế nhưng y là đấng anh hùng, vì quốc sự mà làm điều đó. Bây giờ, y lại vì Lê tiểu thư, xin hy sinh cho nàng sống. Tao nghĩ chúng mình chẳng nên cho hùm ăn thịt Vương-gia.

Ngư nhân mũ đỏ gật đầu:

– Người Hoa, người Việt không thù ghét nhau. Thù ghét nhau chẳng qua ai cũng vì nước người ấy. Tình yêu không biên giới. Nếu ta cho hùm ăn thịt Vương-gia, chẳng hoá ra ta thuộc loại ác độc như Mã Viện, như Lưu hậu ư? Tao nghĩ thôi quách, mình đi mua lợn cho hùm ăn là hơn.

Ngư nhân mũ trắng tiến tới, một tay xách Thiếu-Mai, một tay xích Triệu Thành chạy sang bên kia suối. Y đặt Triệu Thành dựa lưng vào phiến đá lớn, để Thiếu-Mai ngồi vào lòng Thành:

– Chân, tay các vị bị anh em tại hạ làm tê liệt. Chỉ nội trong một giờ lại hoạt động như thường. Nếu bây giờ anh em tại hạ trị cho các vị khỏi tê chân. Các vị sẽ e thẹn. Chi bằng để hai vị tự do với nhau như thế này mới tuyệt. Anh em tại hạ đi gọi binh sĩ đến cho các vị. Chúc các vị hạnh phúc.

Bốn người hú lên một tiếng, rồi vọt mình biến vào đêm tối.

Bốn ngư nhân đi rồi, Thiếu-Mai mới thấy ngượng ngùng. Nàng muốn rời khỏi lòng Triệu Thành, ngặt vì chây tay tê liệt. Nàng nói với Thành:

– Vương gia! Có cách nào… cách nào không chứ như thế này coi sao được.

Tuy miệng nói thế, nhưng lần đầu tiên da thịt nàng chạm vào da thịt một thanh niên, cùng mùi khét khét của mồ hôi thanh niên nhập vào mũi nàng. Nàng muốn nằm im như vậy.

Triệu Thành tuy đã có phi tần, thứ thiếp, nhưng họ chỉ là những kẻ dâng hiến, thực sự không chút thương yêu nào. Lần đầu tiên y thương yêu Thiếu-Mai, rồi trên đường từ Thăng-long sang Hổ-môn, hai người đi trên chiến thuyền, ngày đêm bên nhau. Thiếu-Mai càng tỏ ra thông thái, xa lánh, Thành càng say đắm đến mê mệt.

Sau khi Thành diễn vở kịch cho Phạm Trọng-Yêm bắt cóc lên bờ, chiến thuyền vào cửa biển Hổ-môn, rồi lên bộ. Y bí mật sai người tìm Thiếu-Mai đến Khúc-giang, để cùng nhau bàn đại sự. Thiếu-Mai dường như cảm động trước thịnh tình của Thành. Nhưng Thành vẫn chưa tin tưởng mình thành công. Bây giờ, nhờ bốn ngư nhân, y mới biết Thiếu-Mai quả thương yêu y vô bờ bến.

Triệu Thành nói với Thiếu-Mai:

– Lê muội! Trọn đời Triệu Thành này không bao giờ quên được đêm nay. Cô nương… cô nương đã hy sinh chịu hùm ăn thịt, để cho huynh sống. Huynh nghĩ, dù chết đến ba lần cũng không xứng đáng với Lê muội.

Thiếu-Mai thấy hai tay Thành ôm chặt lấy mình, nàng muốn cựa hầu rời khỏi vòng tay y mà không được. Nàng mơ mơ tỉnh tỉnh như trong giấc mộng:

– Rõ ràng bốn ngư nhân này trêu cợt ta đây. Họ tính toán rất kỹ, nên làm tê hai chân Thành, để tay chàng hoạt động được. Còn ta, chúng làm tê cả hai tay. Việc dọa đem ta với chàng cho cọp ăn, chẳng qua để chúng ta tự thú nhận yêu nhau mà thôi.

Thiếu-Mai thở dài:

– Đường đi của chúng mình vừa xa, vừa gập ghềnh. Phụ thân em hận thù người Hoa đến xương đến tủy. Vì vậy người không nhận trị bệnh cho người Hoa. Như hôm đại ca tới sơn trang. Giả như đại ca tỏ thân thiện với họ Lý, không chừng người khởi binh. Chỉ vì đại ca tỏ ra sang Đại-Việt vì hưng diệt, kế tuyệt, nên phụ thân muội mới bỏ ý định khởi binh. Sau này, nhân thấy Khai-Quốc vương anh hùng, người tuyên bố truyền ngôi cho.

– Chỉ vì biên cương trọng thần ham lập công, chúng tâu về triều láo lếu, thành ra khi mới sang Đại-Việt, huynh có thái độ mục hạ vô nhân. Nào cho Lý Tự giết người giữa lễ Lệ-Hải bà vương. Nào dùng độc dược hại Khai-Quốc vương. Nghĩ lại thái độ hống hách trong đại hội Lộc-hà huynh cảm thấy rùng mình. Bây giờ không biết huynh phải làm gì?

– Khó thực. Như huynh thấy, nhà Đại-Tống của huynh, cực kỳ trọng Nho. Đạo Nho đặt chữ hiếu tối quan trọng. Phụ thân muội thù ghét người Hoa. Trong khi muội cùng huynh thân mật ở đây, như vậy muội đã trái lời phụ thân rồi. Huynh phải làm gì, để chuộc lại lỗi lầm trước chứ?

– Muội bảo sao, huynh làm vậy.

– Đại ca sang đất Việt hống hách như vậy. Muốn chuộc lỗi, chỉ cần đại ca làm một vài việc tiêu biểu, với tinh thần từ bi hỷ xả của Phật-giáo, người Việt mau sẽ quên đi lỗi lầm cũ.

– Được, điều này huynh phải hỏi Phạm Trọng-Yêm xem y định thế nào?

Bỗng Thiếu-Mai sụyt một tiếng, nói nhỏ:

– Có nhiều tiếng chân người đang đi lại phía mình.

Dưới ánh trăng, hai người thấy rõ một toán đông người đang đi từ khe suối băng qua chỗ bọn An-Bình. Triệu Thành than:

– Nếu họ là quan binh, không sao. Còn họ là kẻ địch e nguy tai, bên mình có sư phụ, Đông-Sơn lão nhân, Địch Thanh, Dư Tĩnh, Vương Duy-Chính đang bị trúng độc nằm kia, ắt khó toàn tính mạng.

Đám đông đến gần. Mỹ-Linh, Thiệu-Thái nhìn rõ, họ gồm nam, nữ, già, trẻ, tăng, tục, khoảng hơn trăm người. Thiệu-Thái nói nhỏ:

– Bang Nhật-hồ Trung-quốc, vì họ chít khăn đỏ ở cổ.

Trong bọn có cả Trung-ương, Bắc-phương sứ giả. Trung-ương sứ giả không thấy Tây-phương sứ giả với Chu An-Bình đâu, thì lên tiếng gọi:

– Nhị đệ, ngũ đệ. Các người ở đâu?

Chợt y thấy có nhiều người nằm la liệt, thì kêu lớn lên. Đám đông tản ra tìm kiếm, phút chốc họ gom tất cả mọi người lại. Chỉ có Chu An-Bình tỉnh táo, nhưng y đang run run vì đau đớn. Y đến trước một người lùn tịt, quỳ gối hành lễ:

– Thuộc hạ tham kiến bang chủ.

Người đó phất tay, một viên thuốc bay ra, trúng vào cổ An-Bình. Y rùng mình một cái, cơn đau biến mất. Y vái một vái:

– Đa tạ bang chủ.

Thiệu-Thái nghĩ thầm:

– Thì ra lão già này tên Đặng Đại-Bằng, bang trưởng Nhật-hồ Trung-nguyên đây. Mình nghe bang Nhật-hồ Trung-nguyên, trên cao nhất có giáo chủ, rồi tả, hữu hộ pháp. Dưới nữa đến ngũ sứ. Cuối cùng mười trưởng lão, quản mười đạo của mười lộ. Xem chừng tên này bang bạnh không kém gì Nhật-Hồ lão nhân bên Đại-Việt.

Một thiếu phụ hỏi Chu An-Bình:

– Ngũ sứ, cái gì đã xẩy ra.

An-Bình run lật bật:

– Trình hữu sứ, Bình-Nam vương qua đây.

Thiệu-Thái nghĩ thầm:

– Mình nghe nói tả hộ pháp tên Phong Hoa. Hữu hộ pháp là nữ tên Hải Thanh, chắc mụ này đây.

Nghe đến chữ Bình-Nam vương, cả bọn im lặng. An-Bình thuật lại mọi biến cố, rồi kết luận:

– Chỉ duy Bình-Nam vương với con gái Hồng-Sơn đại phu bị bốn ngư nhân bắt đi mất, không biết tình trạng ra sao? Còn tất cả đều hiện diện tại đây.

Hải Thanh ra lệnh:

– Hãy trói bọn này lại, rồi bắn thuốc cho chúng tỉnh dậy.

Đám Minh-Thiên bị trói hết, để ngồi bên nhau. Duy Đỗ Lệ-Thanh, được đưa đến trước mặt Đặng Đại-Bằng.

Trung-ương sứ giả chỉ Đỗ Lệ-Thanh:

– Thưa bang chủ, bọn thuộc hạ tuân lệnh giáo chủ yêu cầu Đỗ muội trao bí quyết luyện Hồng-thiết tâm pháp. Đỗ muội chống lại, đã đánh ngũ sứ bị thương, lại nói nhiều lời vô lễ.

Đại-Bằng cười khành khạch:

– Đỗ muội! Khi Đỗ muội sang Giao-chỉ rồi, ở nhà chúng ta kiến thiết lại bản bang. Anh em cử ta làm bang trưởng. Vì không biết Đỗ muội ở đâu, nên chúng ta không thông báo được. Chắc vì vậy Đỗ muội buồn ta phải không? Vừa rồi Tây-phương sứ giả Bành Đức, không biết mối liên hệ sâu sa của Đỗ muội với sư phụ, nên có hơi vô lễ. Ta là bang chủ, xin tạ lỗi với Đỗ muội.

Y vung tay một cái, ánh kim lấp lánh, dây trói Đỗ Lệ-Thanh đứt hết.

Đỗ Lệ-Thanh nói mát:

– Tiểu muội ở phương trời xa xôi, bị giam cầm trong hang đá thừa sống, thiếu chết, thân tàn ma dại, đâu có tư cách gì mà buồn với vui.

Đặng Đại-Bằng nói lớn:

– Xưa, ta là đệ tử thứ nhì của sư phụ. Đại sư huynh tuẫn bang khi đại chiến quân Tống. Vì vậy, ta tạm lên cầm quyền bang chủ. Bây giờ trong bản bang, ta có vai vế cao nhất, sau đến Đỗ muội. Vì vậy tháng sau, trong đại hội, ta sẽ đề nghị anh em cử Đỗ muội làm phó bang chủ. Như vậy Đỗ muội bằng lòng chứ?

Đỗ Lệ-Thanh chỉ Chu An-Bình:

– Đặng đại ca! Thế truyện người sai An-Bình mang chiếu chỉ của Lưu hậu sang Giao-chỉ định hại tiểu muội, chắc cũng do lòng tốt của Đại ca cả đấy?

Nói rồi bà thuật lại tất cả những gì chú cháu Chu An-Bình nói với nhau trong rừng Trường-yên. Chu An-Bình bị trúng độc, đau đến muốn ngất đi. Thế mà nghe mụ thuật, cơn đau tan biến, y sợ hãi chân tay run lẩy bẩy.

Nguyên Đặng Đại-Bằng nghĩ rằng y âm thầm khống chế Lưu hậu chỉ một vài chức sắc cao cấp trong bang biết. Tất cả cùng thề chung rằng, kẻ nào tiết lộ cho người ngoài biết, phải xúm vào xử tử. Y lại sai mười trưởng lão giả làm thị vệ Hoàng-cung cho Lưu hậu xử dụng. Thành ra giang hồ không chỉ nghe tên mà không biết chân tướng chúng ra sao.

Hồi chiều Đỗ Lệ-Thanh cật vấn ngũ sứ, An-Bình không lo sợ làm bao, vì ngũ sứ đều biết truyện này cả. Bây giờ Lệ-Thanh nói ra trước mặt giáo chúng, cùng một số cao thủ phủ Bình-Nam vương, coi như đại sự hỏng hết.

Đặng Đại-Bằng đưa mắt nhìn Chu An-Bình:

– Có truyện đó ư? Điều này phải tra xét lại. Sư muội, ta thề không liên hệ gì với Lưu hậu. Ta chỉ sai y đi tìm sư muội về làm phó bang chủ. Việc đó chắc An-Bình phản bang, theo Lưu hậu, mưu đồ riêng.

Chu An-Bình nghe Đại-Bằng nói, y kinh hoàng:

– Rõ ràng bang chủ trao chiếu chỉ cho mình, mà nay sao lại nói ngược như thế này?

Song y đau quá, mồ hôi toát ra, nói không lên lời. Đặng Đại-Bằng lạng người đến, túm cổ áo An-Bình nhắc lên, để y ngồi giữa đám giáo chúng. An-Bình cúi mặt xuống như con cò phải mưa.

Nguyên Chu An-Bình trúng độc của Đỗ Lệ-Thanh, y đau đớn cùng cực. Trong khi Đặng Đại-Bằng túm lấy Bình, y đã phóng vào người Bình một số độc phấn. Vì vậy Bình như người mê ngủ.

Đại-Bằng hỏi An-Bình:

– Chu Nam-sứ! Người phản bang sẽ bị tội gì, Nam-sứ biết rồi chứ?

An-Bình mơ mơ màng màng cúi đầu xuống, không trả lời. Đại-Bằng cười nhạt:

– Như vậy Chu sứ đã nhận tội. Hữu hộ giáo đâu, hãy đưa Nam-sứ về với thánh Mã-Mặc, Lệ-Anh bằng ngũ xa hồng xà.

Hải Thanh chắp tay:

– Trình bang chủ, đạo Quảng-Đông không có ngũ xa hồng xà. Thuộc hạ xin bang chủ cho Nam-sứ được về thượng giới bằng đường khác.

– Vậy hãy tước bỏ ngũ quan của Nam-sứ đi.

Dương Đắc khoanh tay nói:

– Theo luật lệ bản giáo, khi một chấp pháp cao cấp bị xử tử, họ phải được tước bỏ hết đau đớn trên người. Vì vậy thuộc hạ xin bang chủ ban cho thuốc giải đã.

Đặng Đại-Bằng gật đầu. Dương Đắc chạy đến, bóp miệng Chu An-Bình, bỏ vào một viên thuốc. Khoảng nhai dập miếng trầu, thuốc ngấm, y mơ mơ màng màng không hiểu những gì đang xẩy ra xung quanh.

Đại-Bằng sợ Bình nói toạc thủ đoạn của mình. Y ra lệnh:

– Thi hành.

Hai giáo chúng tuân lệnh ra đứng trước Chu An-Bình. Rất thành thạo, hai thanh kiếm vung lên, chân tay An-Bình bị đứt rời. Chu An-Bình đau đớn hét lên. Nhanh như chớp hai giáo chúng chấp pháp phóng kiếm đâm vào mắt An-Bình.

Thấp thoáng bóng người lạng đến trước An-Bình, hai thanh kiếm của giáo chúng chấp pháp bị người kia đoạt mất. Mọi người nhìn lại thì ra Dương Đắc. Dương Đắc cung kính chắp tay:

– Bang chủ. Sau khi sư phụ qua đời, chúng ta họp nhau lại, để tái lập bản bang. Tất cả đồng ý, lấy tình thương che chở cho nhau. Thế mà nay, ngũ đệ phạm tội, chưa có gì chắc chắn, bang chủ đã đem ra hành hình. Như vậy còn đâu lời thề cũ?

Chu Sát, Bành Đức đứng bảo vệ bên cạnh cho Dương Đắc. Còn Dương Đắc, y chạy lại băng bó chân tay cho Chu An-Bình , rồi nói:

– Ngũ đệ hiện bị thương nặng, cần đợi bình phục, thẩm vấn tỷ mỉ rồi mới có thế kết tội y. Nếu bang chủ không chấp thuận lời đệ nghị này, ngũ sứ xin mạn phép rút khỏi bản bang.

Đặng Đại-Bằng nghĩ thầm:

– Chỉ vì ta không có Hồng-thiết tâm pháp, nên bọn ngũ sứ bất phục. Đỗ Lệ-Thanh hiện diện ở đây. Ta cần lấy lòng thị, rồi luyện Hồng-thiết tâm pháp. Khi có tâm pháp trong tay ta, đứa nào dám chống? Ta cứ tạm lui vài bước, rồi kiếm cách loại ngũ sứ sau.

Tả hộ giáo Phong Hoa nói:

– Bang chủ, xin đợi về tổng đàn, chúng ta bàn truyện bản bang sau. Hiện, ở đây chúng ta bắt được mấy đại cao thủ của Bình-Nam vương. Xin bang chủ định liệu lẽ nào?

Đặng Đại-Bằng cười:

– Bắt thì cọp khó, thả thì cọp dễ. Ta hãy phóng Chu-sa độc chưởng vào người chúng, rồi cho chúng tỉnh dậy.

Hữu hộ pháp Hải Thanh cười nhạt, mụ tiến lên vỗ vào đầu bọn Minh-Thiên mỗi người một chưởng nhẹ nhàng. Sau đó mụ bắn vào mỗi người một viên thuốc.

Minh-Thiên có nội công cao nhất, ông rùng mình tỉnh trước, sau tới Đông-Sơn lão nhân. Cuối cùng Dư Tĩnh.

Trung-ương sứ giả Dương Đắc hỏi Minh-Thiên:

– Phải chăng đại sư pháp danh Minh-Thiên, thủ toạ Đạt-Ma đường chùa Thiếu-lâm?

Minh-Thiên tuy bị trói, nhưng ông vẫn bình tĩnh:

– Dương thí chủ lâu nay vẫn mạnh chứ? Nghe nói thí chủ nhập bang Nhật-hồ được cất nhắc lên chức Trung-ương sứ giả thì phải. Bần tăng giám hỏi Dương thí chủ, bần tăng có điều gì vô phép với quý bang đâu, mà quý bang đánh thuốc bần tăng, rồi trói như thế này?

Ông nói đến đây, thì tiếng rên la của bọn Địch Thanh, Dư Tĩnh làm ông ngừng lại. Ông cũng cảm thấy đau đớn cùng cực.

Đông-Sơn lão nhân hỏi Đặng Đại-Bằng:

– Đặng bang chủ. Giữa chúng ta với bang chủ không thù, không oán, hà cớ bang chủ phóng Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng vào người bọn bần đạo?

Tả hộ pháp Phong Hoa cười nhạt:

– Không những chúng tôi không thù oán các vị, mà còn yêu tài các vị là khác nữa. Vì yêu tài, chúng tôi bạo gan thỉnh quý vị nhập bản bang. Mong quý vị không từ chối.

Trong đám tùy tùng của Triệu Thành, thì Địch Thanh còn trẻ nhất, chí khí ngang tàng. Y cười nhạt:

– Đặng bang chủ. Tôi nghe người đầu tiên mang Hồng-thiết giáo vào Trung-quốc là Nhật-Hồ lão nhân, là người Việt. Người truyền cho sư đệ tức Đông-Nhật lão nhân Lưu Trí-Viễn. Lưu bang chủ anh hùng cái thế, lập ra nhà Hán. Bang chủ thứ nhì Quách Ngạn-Uy lập ra nhà Chu, truyền đến bang chủ thứ ba Sài Vinh, vũ dũng hơn đời, chúng nhân tôn phục vì tài vì đức. Nay Đặng bang chủ tái lập bang mới mục đích khôi phục đại nghiệp. Không biết có đúng không?

Hữu hộ pháp Hải Thanh hãnh diện:

– Địch thiếu hiệp thực không hổ với danh hiệu trạng nguyên. Kiến thức bao la thực.

– Nếu bang chủ muốn nối tiếp sự nghiệp tiền nhân, nên dùng đức chinh phục nhân tâm, chứ có đâu nhân bọn tại hạ trúng độc mê man, phóng độc chưởng vào người rồi bắt quy phục? Như vậy tại hạ muôn ngàn lần không phục.

Sự thực, hành tung bang chúng Nhật-Hồ rất bí mật, sở dĩ Địch Thanh biết chi tiết, do cuộc thám thính Đại-Việt vừa qua y thâu lượm được.

Đặng Đại-Bằng cười nhạt:

– Thì ra Địch trạng nguyên muốn khảo nghiệm võ công bọn ta đấy. Địch trạng nguyên ơi, ta sẽ cử một người lĩnh giáo võ công của trạng nguyên. Nếu y bại, ta để Địch trạng nguyên rời khỏi nơi đây. Còn như y thắng, Địch trạng nguyên nên nhập bản bang, cùng chúng ta dựng một nước Hồng-thiết giáo. Bắc-phương sứ giả, Bành Đức hiền đệ hãy lĩnh giáo mấy cao chiêu của Địch trạng nguyên.

Y tin rằng Địch Thanh bị trúng độc, chân tay bải hoải, không thể thắng Bành Đức. Mà dù Địch Thanh giết Bành Đức, y đỡ đi được một cái gai.

Y vung tay, một ám khí bay ra, trúng vào dây trói Địch Thanh. Dây trói đứt hết. Lúc đầu Địch Thanh cũng như bọn Minh-Thiên, bị độc tố Chu-sa Nhật-Hồ độc chưởng hành hạ. Nay cơn đau đã qua, công lực y phục hồi như thường. Tuy vậy vẫn còn hơi run run.

Y lạng người một cái, đoạt được thanh kiếm của một bang chúng. Thanh kiếm lóe lên, dây trói từ Minh-Thiên đến Dư Tĩnh đều đứt hết. Bang chúng Nhật-Hồ la lớn. Bốn người vung kiếm tấn công Địch Thanh, để cản trở. Địch Thanh chuyển kiếm một vòng. Bốn tiếng loảng xoảng, bốn thanh kiếm bị gẫy tới chuôi.

Vừa được tự do chân tay, Phạm Trọng-Yêm lạng người tới. Tay y vung chưởng tấn công Trung-ương sứ giả Dương Đắc bằng một Kim-cương chưởng. Dương Đắc lùi lại một bước vung chưởng đỡ. Y đỡ vào quãng không, vì Trọng-Yêm chuyển chưởng lực vào Đỗ Lệ-Thanh. Đỗ Lệ-Thanh không chống lại, người bà bay bổng lên, rơi xuống cạnh Đông-Sơn lão nhân nhẹ nhàng như tự ý nhảy tới vậy.

Trọng-Yêm chắp tay hướng Dương Đắc.

– Xin thất lễ với Dương trung sứ. Vì Đỗ phu nhân là thần tử nhà Tống. Tại hạ hiện lĩnh chức Khu-mật viện sứ, phải ra tay bảo vệ bà.

Phong Hoa cười nhạt:

– Ta không ngờ một trạng nguyên của Tống triều mà xảo trá như vậy. Tuy các người được thư thả, nhưng liệu các người có chịu nổi Chu-sa độc chưởng không? Ta nói cho biết, mỗi ngày các người lên cơn một lần. Sau bốn mươi chín ngày, da dộp lên mà chết.

Địch Thanh đưa con mắt lạnh lùng nhìn bang chúng Nhật-Hồ một lượt:

– Các vị đây chắc đều thuộc giới võ lâm tài trí, chẳng may bị bọn ma đầu phóng độc chưởng vào người mà phải nhắm mắt đưa chân theo chúng. Xưa, ba vị bang chủ tiền nhiệm học được Hồng-thiết tâm pháp, có thể giải vĩnh viễn chất độc trong người cho thuộc hạ. Nay gã bang chủ này không biết tâm pháp ấy, nên cũng phải uống thuốc giải mỗi năm.

Y nói với Phạm Trọng-Yêm:

– Xin Khu-mật sứ cho tiểu nhân mượn hộp thuốc giải.

Địch Thanh đưa hộp thuốc cho bang chúng xem:

– Thuốc giải đó, tại hạ cũng có.

Y trao cho bọn Minh-Thiên mỗi người một viên. Sáu người bỏ thuốc vào miệng nuốt trửng, rồi vận công. Phút chốc cái đau đớn biến mất.

Y trao bình thuốc trả Phạm Trọng-Yêm:

– Các vị bang chúng Nhật-Hồ! Tại hạ có lời khuyên. Các vị hãy qui phục triều đình. Bình-Nam vương là người nhã lượng, cao trí, ắt trọng dụng các vị. Các vị được thênh thang mệnh quan, vinh dự cho tổ tiên. Nếu như các vị bị nọc độc chưởng, Phạm khu-mật sứ sẽ tặng thuốc giải cho các vị.

Y chỉ Đỗ Lệ-Thanh:

– Đỗ phu nhân đây thuộc lòng Hồng-thiết tâm pháp. Chỉ cần một người có nội công cao. Đỗ phu nhân truyền cho, ắt luyện thành. Thành rồi, sẽ giải vĩnh viễn độc chưởng cho các vị. Suốt mấy chục năm nay, Đỗ phu nhân vì triều đình, ẩn thân ở Đại-Việt. Kỳ này về kinh, ít ra được phong Công-chúa. Bổng lộc ba mươi năm, được ban cho một lúc. Phạm mỗ mong các vị suy nghĩ.

Đặng Đại-Bằng cười nhạt:

– Phạm Khu-mật sứ, người là nhân sĩ danh vang thiên hạ. Không biết lời người nói có tin được không? Nếu như Bình-Nam vương có lời hứa, bản nhân nguyện qui thuận triều đình. Tiếc rằng Bình-Nam vương không hiện diện tại đây. Chỉ sợ…

Có tiếng nói khoan thai:

– Cô gia hiện diện lâu rồi.

Mọi người quay lại, thì ra Triệu Thành với Lê Thiếu-Mai đã đứng đó từ bao giờ.

Nguyên, Thiếu-Mai với Triệu Thành bị ngư nhân đánh bằng võ công đặc biệt, chân tay tê liệt, nhưng chỉ nửa giờ sau lại cử động được như thường. Trong khi bang chúng Nhật-Hồ chú tâm vào việc xử tử Chu An-Bình, hai người đến gần mà không ai biết.

Bình-Nam vương nói với Đặng Đại-Bằng:

– Đặng bang chủ! Hay gì làm giặc? Hồi trước đây, triều đình mang quân chinh tiễu, vây bang Nhật-Hồ. Ai đầu hàng đều được thăng quan, tiến chức, trọng dụng. Chỉ người chống mới bị tội. Bấy giờ Đặng bang chủ vắng nhà, nghe lời người ta đồn đãi, tụ tập anh em, đi lại trên giang hồ, làm tội đã nhiều. Bây giờ cô-gia mong bang chủ cùng anh em qui phục triều đình. Cô gia hứa bảo tấu với Thiên-tử ban thiên ân cho bang chúng những điều sau.

Y ngừng lại suy nghĩ, hỏi Phạm Trọng-Yêm:

– Phạm sứ, triều đình nên ban những gì bây giờ?

Phạm Trọng-Yêm cung kính:

– Thưa vương gia! Gốc bang chúng đều ở vùng núi Trường-bạch. Từ mấy chục năm nay, bị triều đình truy nã, anh em phiêu bạt khắp nơi. Họ tuy giầu có, mà lòng tưởng nhớ cố hương nào nguôi. Kìa anh nhìn xem, bọn họ phóng độc chất vào mọi người. Chỉ sợ Đỗ Lệ-Thanh khám phá ra, cản trở thì nguy. Anh dùng Lăng-không truyền ngữ ra lệnh cho mụ không nên can thiệp vào truyện này. Mau, anh nói mau đi.

Không kịp suy nghĩ xem tại sao phải hành động như vậy. Thiệu-Thái dùng Lăng-không truyền ngữ nói vào tai Đỗ Lệ-Thanh:

– Đỗ phu nhân. Mỹ-Linh, Thiệu-Thái đây. Phu nhân nhắm mắt, mặc bang Nhật-hồ phóng độc Bình-Nam vương. Anh em tôi ở đây từ chiều. An ninh của phu nhân chúng tôi lo hết.

Quả đúng như Mỹ-Linh ước tính, Đỗ Lệ-Thanh nhìn rõ âm mưu Đặng Đại-Bằng. Mụ định lên tiếng tố giác. Nghe tiếng Thiệu-Thái nói, mụ im lặng, cười nhạt.

Trong khi đám bang chúng xúm lại hành lễ với Triệu Thành, Minh-Thiên, người nọ xen lẫn với người kia, chúng phóng độc vào đám người của Triệu Thành.

Sau khi hành lễ xong, bọn họ lui lại. Triệu Thành chưa kịp hỏi sao họ lui quá xa, thì Dư Tĩnh, Thiếu-Mai lảo đảo ngã ngồi xuống. Tiếp theo Triệu Thành.

Minh-Thiên kinh hãi, chưa kịp phản ứng thì ông cũng ngã ngồi xuống.

Khác với lần trước bang Nhật-Hồ phóng thuốc mê, lần này họ phóng thuốc nhuyễn cân. Mọi người tỉnh táo như thường. Chỉ chân tay không cử động được mà thôi.

Phạm Trọng-Yêm cười nhạt:

– Đặng bang chủ, Vương-gia tôi lấy lượng cả bao dung các vị, thế mà các vị lại đối xử như thế này ư?

Đại-Bằng cười ha hả:

– Lượng tiểu phi quân tử. Vô độc bất trượng phu. Đặng mỗ nghe Triệu Nguyên-Nghiễm tước phong Định-vương, cùng Phạm Trọng-Yêm quản Khu-mật viện triều Tống là hai đầu não lớn nhất Trung-nguyên. Không ngờ hôm nay lọt vào tay bang Nhật-Hồ.

Triệu Thành cười nhạt:

– Đại-Bằng, ta đã lọt vào tay người, người giết ta đi cho rồi. Ta mà có nhăn mặt, chau mày, không bằng loài cầm thú.

Đặng Đại-Bằng cười ha hả:

– Điều gì chứ điều đó thì dễ quá. Trước kia tiền nhân người là Triệu Khuông-Dẫn, nhân được lòng tin của Chu Thế-Tông ủy thác con côi, cướp sự nghiệp lập ra nhà Tống. Người có biết Chu Thế-Tông với bọn ta có liên hệ gì không?

Triệu Thành chưa trả lời, y đã tiếp:

– Người chính là bang chủ đời thứ ba bản bang, cũng là sư bá của chúng ta. Cướp sự nghiệp của bang chủ tiền nhiệm là Triệu Khuông-Dẫn. Đem quân tàn phá tổng đàn bản bang là Triệu Khuông-Nghiã. Hôm nay, trời xui đất khiến, chúng ta đòi được món nợ này.

Y tiến lên moi trong bọc Triệu Thành ra cuốn sách. Một giáo bang chúng cầm đuốc soi cho y đọc. Y nhẩm đọc, rồi mặt tươi lên:

– Người ta nói, trong thiên hạ chỉ có ba nơi biết chỗ cất kho tàng Tần-Hán. Một là Hồng-thiết giáo, hai là phái Mê-linh bên Đại-Việt. Ba là Khu-mật viện triều Tống qủa không sai.

Y quay lại nhìn Triệu Thành:

– Bình-Nam vương gia! Vương gia phao khắp nơi, từ Cao-ly, tới Tây-tạng, Tây-hạ, Tây-liêu, Đại-lý, rằng ngày rằm tháng mười một năm nay cửa kho tàng mở vào giờ Tý. Các nơi gia công tìm kiếm bản đồ cất kho tàng, rồi tụ về đây. Mấy hôm nay vương gia cho thiết kị vây bắt hết mọi đoàn. Thế là bao nhiêu bí mật về tay Vương-gia cả. Bây giờ bí mật lại vào tay ta. Ta chỉ việc tặng cho mỗi người trong Vương-gia một kiếm, rồi ngày mai đi đào. Châu báu dùng để trung hưng bản bang, chiếm lại thiên hạ. A ha!

Mỹ-Linh, Thiệu-Thái cười thầm:

– Tên này lầm rồi. Gần nghìn năm qua, võ lâm thiên hạ đồn đại rằng ngày rằm tháng mười một, giờ Tý năm Đinh-Mão, cửa kho tàng mở. Còn việc thiết kị vây bắt các phái đoàn bởi năm ngư nhân phá phách, vì vậy đụng độ với họ. Thiết kị nhân đó mới biết chỗ ẩn mà bắt giam. Không biết ngư nhân của ai?

Hải Thanh rút kiếm ra nói với Đại-Bằng:

– Bang chủ! Trước tiên hãy giết hết bọn thủ hạ của Triệu Nguyên-Nghiễm cho y kinh hồn động phách đã, rồi hãy giết y.

– Phải đấy, chúng ta giết tên Dư Tĩnh trước.

Hải Thanh tiến đến trước Dư Tĩnh, cười nhạt:

– Dư an-phủ sứ, người có gì cần nói không?

Dư tỏ ra bình tĩnh:

– Dư mỗ làm thần tử nhà Tống, ăn cơm, mặc áo của nhà Tống, được chết, để đền ơn trị ngộ Thiên-tử, điều cầu mà không được. Mỗ chỉ xin các vị dành cho mỗ mấy khắc thôi.

– Được, chúng ta chậm một chút cũng không sao.

Dư Tĩnh nói lớn:

– Thần Dư Tĩnh, lĩnh hoàng ân, văn đậu tiến sĩ. Võ không hèn. Bấy lâu ăn cơm, mặc áo của Bệ-hạ, mà chưa làm được việc gì ích quốc lợi dân, hầu đền ơn tri ngô. Hôm nay, nguyện lấy cái chết để báo thiên ân.

Y nói với Triệu Thành:

– Vương gia, thần đi trước, xin chờ vương gia .

Y bảo Đại-Bằng:

– Người xuống tay đi thôi.

Thanh kiếm vung lên, từ từ hướng đầu Dư Tĩnh hạ xuống. Bỗng một vật gì bay rất nhanh trúng vào thanh kiếm đến choang một tiếng. Kiếm bay tung ra xa.

Không ai nhìn rõ vật đó từ đâu bay đến.

Đặng Đại-Bằng la lớn:

– Cao nhân phương nào xin xuất hiện!

Không có tiếng trả lời.

Đại-Bằng bảo Chu Sát:

– Bắc-phương sứ giả. Sứ giả hãy xử tử tên Triệu Thành trước. Ta không lý gì đến bọn ẩn ẩn núp núp này nữa.

Như quen thuộc, Dương Đắc, Bành Đức, Hải Thanh, Phong Hoa đứng vây bốn bên Triệu Thành. Chu Sát cầm kiếm chĩa vào người y:

– Bình-Nam vương gia! Hôm nay Vương-gia trả nợ cho tổ tiên, không biết Vương-gia có điều gì muốn nói không?

Triệu Thành thở dài:

– Các người giết ta, vì thù oán ba đời. Ta chấp nhận. Còn Lê cô nương. Cô nương không phải người Hoa. Cô nương là con gái Hồng-Sơn đại phu ở Đại-Việt. Mỗ mong các vị không nên làm khó dễ nàng.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN