Anh Hùng Bắc Cương - Chương 4: Trưởng-lão Hồng-thiết-giáo
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
167


Anh Hùng Bắc Cương


Chương 4: Trưởng-lão Hồng-thiết-giáo


Trưởng-lão Hồng-thiết-giáo –

Ông chờ Dương Ẩn phản đối. Nào ngờ y đứng dậy dậy nói:

– Bần đạo nguyên đệ tử phái Sài-sơn. Tuy đạo hạnh không làm bao, nhưng cũng có đôi chút tiếng tăm về đạo đức. Bần đạo thấy Nhật-Hồ lão nhân hành sự tự tôn, ác độc không chừng, nên bần đạo phải nhập Hồng-thiết giáo để cải hoá lão. Cải hóa không được bần đạo giam lão dưới hầm suốt hai mươi năm qua. Mới đây lão thoát ra được. Lão định dùng anh em Hồng-thiết giáo tranh dành ngôi vua. Bần đạo có bổn phận cùng các trưởng lão truất phế lão.

Nghe Dương Ẩn nhận tên Lê Ba, cả phái Sài-sơn đều kinh hãi. Chân tay Hồng-Sơn đại phu run lẩy bẩy. Tai ông ù đi, tưởng như không còn nghe thấy gì. Thì ra Khai-Quốc vương nói đúng, Vũ Thiếu-Nhung không sai. Ông cắn răng ngồi nghe cho hết đoạn bi thảm này xem sao.

Dương Ẩn cười nhạt:

– Giáo chủ. Con người ta dù tiên, dù thánh cũng không qua được thời gian. Giáo chủ sống một trăm năm quá đủ rồi. Từ ngày lập ra bản giáo. Giáo chủ lấy việc giết người làm thú vui, coi đó như một hành vi giết kẻ ác, cứu người thiện. Bây giờ giáo chủ nên lui đi, để cho anh em chúng tôi cải tổ bản giáo.

Nhật-Hồ thấy Dương Ẩn trở mặt trắng trợn, lão phóng vào người y một quyền mạnh không thể tưởng được. Lập tức cả bọn đồng xuất chiêu hướng lão. Lão kinh hãi, phải thu chiêu lại. Lão nhìn Nguyễn Chí, Đỗ Xích-Thập, Phạm Trạch, Lê Đức, Phạm Hổ:

– Còn các người. Vì sao các người phản ta?

Nguyễn Chí nói:

– Sư phụ. Chúng tôi nhất tâm, nhất trí theo sư phụ đã sáu mươi năm có dư. Trước đây hơn trăm anh em. Sư phụ xử tử dần mòn, nay chỉ còn mười người. Đại sư ca, tứ sư ca tự nhiên mất tích mấy hôm nay. Nhị sư ca cho biết sư phụ bí mật xử tử hình rồi. Hôm nay chỉ vì muốn tỏ ra là người yêu nước, sư phụ đem Hoàng sư muội ra xử tử, để thu phục nhân tâm. Chúng tôi theo sư phụ mong cầu giúp cho nước giầu dân mạnh. Không ngờ sư phụ coi mạng sống chúng tôi rẻ quá.

Sự thực Vũ Nhất-Trụ, Hoàng Văn bị Khu-mật-viện giam một nơi bí Khi dàn cảnh cho Nhật-Hồ vào cứu Đặng Trường, Nguyễn Chí ra, Khai-Quốc vương đã cho bọn ngục tốt bàn tán với nhau rằng Nhật-Hồ vào nhà tù xử tử Vũ Nhất-Trụ, Hoàng Văn. Vì vậy bọn này tin rằng đúng.

Nhật-Hồ lão nhân lắc đầu:

– Ta không xử tử hai người đó.

Nguyễn Chí cười:

– Tôi không tin sư phụ. Nhưng thôi, coi như hai người đó trúng gió chết đi. Bây giờ có một vấn đề, chúng tôi đặt ra với sư phụ. Nếu sư phụ đồng ý, chúng tôi cùng sư phụ phất cờ đoạt giang sơn, rồi sư phụ lên làm vua. Còn như sư phụ không thuận, chúng ta cùng chết.

Nhật-Hồ lão nhân hỏi:

– Vấn đề gì, điều kiện gì, người nói ta nghe thử?

– Giản dị thôi. Hồng-thiết kinh nói rằng khi một người tuyên thệ nhập giáo, bị phóng vào người một Chu-sa độc chưởng. Khi trúng chưởng, nếu trong bốn mươi chín ngày, không có thuốc giải sẽ chết. Còn có thuốc giải, khỏi chết. Kể từ đấy, giáo chúng đó phải tuyệt đối trung thành với giáo, để hàng năm, vào ngày tiết Đông-chí sẽ nhận được một viên thuốc giải.

– Đúng thế. Ta cũng áp dụng như vậy đối với Hồng-thiết giáo Đại-Việt.

Nguyễn Chí lắc đầu:

– Khác xa! Bên Tây-dương, nếu giáo chúng nào lên tới địa vị quản một quận trở lên, sẽ được giáo chủ hoặc các trưởng lão trong hội đồng giáo vụ trung ương dùng Hồng-thiết tâm pháp giải chất độc cho. Từ đấy, nếu có trúng chưởng độc nữa, cũng vô sự. Nhưng, sư phụ giữ kín Hồng-thiết tâm pháp. Chúng tôi làm trưởng lão, mà năn nỉ biết bao năm, sư phụ cũng không dạy.

Dương Ẩn nói:

– Đã vậy, sư phụ còn sửa đổi độc chưởng thành Chu-sa Nhật-Hồ độc chưởng. Người bị trúng tuy uống thuốc giải, nhưng mỗi tháng lên cơn một lần, đau đến chết đi sống lại trong một giờ.

Lê Đức tiếp:

– Anh em chúng tôi quyết định lên đây yêu cầu sư phụ hai việc. Việc thứ nhất trao Hồng-thiết tâm pháp cho chúng tôi luyện. Thứ nhì, chính người phải sửa đổi Chu-sa Nhật-Hồ độc chưởng sao để không còn bị đau hằng tháng nữa.

Trong khi ở tù, Nhật-Hồ lão nhân đã nguyện, nếu lão thoát ra khỏi, sẽ xẻo từng miếng thịt bọn Vũ Nhất-Trụ, Lê Ba, Hoàng Văn cho hả giận. Nhưng khi ra tù, lão nghĩ:

– Giết chúng thì thỏa hận đấy, nhưng thiếu người trợ giúp. Chi bằng tha cho chúng, để chúng trợ giúp chiếm ngôi vua. Bấy giờ giết chúng cũng chưa muộn.

Bây giờ thấy chúng đặt điều kiện. Nếu thỏa mãn chúng. Chúng giúp cho tranh ngôi vua. Lão quyết định nhanh chóng:

– Có thế mà các người phải làm rộn. Nhược bằng các người xin, ta cho ngay từ lâu rồi. Được. Ta thuận hết. Tối hôm nay, chúng ta bắt đầu luyện Hồng-thiết tâm pháp.

Giáo chúng dưới đài nghe vậy, cùng vỗ tay hoa hô rung động quảng trường. Suốt từ ngày nhập giáo, giáo chúng phải chịu biết bao thống khổ do cơn đau hàng tháng hành hạ. Bây giờ nghe lão hứa sẽ cho uống thuốc giải cái khổ đó, còn gì bằng?

Thầy trò Hồng-thiết vừa cắn cấu nhau, tưởng giết nhau. Bây giờ lại thoả thuận với nhau chuẩn bị tranh thiên hạ. Ai nghe đến cũng rùng mình.

Huệ-Phương từ khán đài phái Sài-sơn bước lên lễ đài. Nàng chắp tay hướng Dương Ẩn:

– Lê trưởng lão. Tiểu bối xem tướng trưởng lão, đã biết rằng trưởng lão vốn người ác độc, giết người không gớm tay, sao có thể thành một đạo sư tiêu dao vũ ngoại trần ai được. Cho nên tiểu bối mới không gọi người bằng sư thúc, mà gọi người bằng tiền bối. Tiền bối còn mồm năm miệng mười tự cho mình đạo đức hơn người. Thì ra tiền bối tiềm ẩn ở phái Sài-sơn, mong khống chế phái này, hầu giúp Hồng-thiết giáo.

Nàng ngừng lại, mỉm cười, rồi hỏi:

– Bây giờ tiền bối có nên ngồi ghế tôn sư phái Sài-sơn nữa không?

Dương Ẩn quát lên:

– Ta làm tôn sư phái Sài-sơn hay không, cũng không đến cái thứ như mi có quyền đặt câu hỏi.

Bỗng trên khán đài phái Mê-linh có tiếng la hoảng. Mọi người nhìn lại, thì ra sư thái Tịnh-Tuệ, mặt đỏ như gấc đang ngồi kiết già trấn nhiếp cơn đau, mồ hôi phát ra như tắm. Mỹ-Linh đứng cạnh, nàng thấy rõ bà bị trúng Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng. Vì hồi trước vương mẫu của nàng đã từng bị, nàng thấy qua rồi.

Mỹ-Linh nói với Tịnh-Huyền:

– Thái cô. Thái sư phụ bị trúng Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng. Phải rồi. Hai chưởng của Hoàng Liên ban nãy là độc chưởng.

Tịnh-Huyền lên đài, hướng vào Nhật-Hồ lão nhân:

– Giáo chủ! Sư tỷ của vãn bối bị trúng Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng do Hoàng Liên truyền vào người. Mong giáo chủ ban thuốc giải.

Đỗ Xích-Thập cười nhạt:

– Sư phụ ta mới ở trong tù ra, làm gì có thuốc giải mà xin? Trong anh em chúng ta đây, ai cũng biết chế thuốc giải hết. Muốn được thuốc giải, Tịnh-Tuệ phải tuyên thệ nhập bản giáo, mỗi năm sẽ được phát một viên thuốc giải vào ngày Đông-chí. Tuy vậy, hàng tháng cũng bị lên cơn đau đớn hai giờ.

Y đến trước mặt sư thái Tịnh-Tuệ hỏi:

– Sư thái! Nếu sư thái tuyên thệ nhập bản giáo, ắt được trao cho chức trưởng lão. Sư thái mau đến trước sư phụ xin lão nhân gia thu làm đệ tử, lập tức bọn ta cấp thuốc giải cho sư thái liền.

Tịnh-Tuệ lắc đầu:

– Đa tạ hảo ý của Đỗ trưởng lão.

Chợt Mỹ-Linh nhớ ra Đỗ Lệ-Thanh có thuốc giải này. Nàng chạy lại khán đài phái Đông-a hỏi Đỗ Lệ-Thanh:

– Đỗ phu nhân. Xin Đỗ phu nhân cứu Thái sư-phụ với.

Đỗ Lệ-Thanh đến khán đài phái Mê-linh bắt mạch sư thái Tịnh-Tuệ, rồi lắc đầu:

– Trước kia Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng của Trung-quốc với Đại-Việt giống nhau. Trải mấy chục năm, các tôn sư Trung-quốc cải biến đi nhiều. Vì vậy người trúng Chu-sa Nhật-hồ Trung-quốc, dùng thuốc giải Hồng-thiết giáo Đại-Việt trị không khỏi. Hôm bọn Tống bị trúng Chu-sa độc phấn của bang Nhật-hồ Trung-quốc trên sông Hồng. Đỗ Xích-Thập, Hoàng Văn, Hoàng Liên từng dùng thuốc giải Đại-Việt, mà trị có được đâu? Còn Chu-sa Nhật-Hồ độc chưởng Đại-Việt cũng sửa đi nhiều, thuốc giải Trung-quốc e khó trị được.

Tuy vậy Lệ-Thanh cũng móc một viên thuốc bỏ vào miệng sư thái Tịnh-Huyền. Bà vận công nuốt vào. Một lát, cơn đau giảm, nhưng người vẫn còn lạnh run.

Nhật-Hồ nhìn thấy vậy, y cười:

– Sư thái! Khi lão phu từ Trung-quốc về Đại-Việt, đã sửa đổi cách phát, cách luyện Chu-sa chưởng khác đi nhiều. Thuốc giải đương nhiên càng khác. Thuốc của mụ họ Đỗ kia trị không khỏi đâu. Không tin sư thái thử vận công mà xem.

Tịnh-Tuệ độ chừng Nhật-Hồ lão nhân không nói dối. Bà thử vận công, quả nhiên kinh mạch bế tắc. Các âm kinh không lưu thông được. Bà thản nhiên:

– Bần ni bị nghiệp báo từ kiếp trước. Khi nghiệp chướng bầy ra, tốt hơn hết nên chấp nhận chịu đựng mới giải trừ. Chứ còn chống trả biết bao giờ cho hết đi được? Đa tạ giáo chủ quan hoài.

Đỗ Lệ-Thanh nói với Mỹ-Linh:

– Khải tấu điện hạ. Nếu sư thái muốn giải trừ hết nọc Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng mà dùng thuốc giải, mỗi tháng vẫn bị lên cơn đau một giờ. Chỉ có phương pháp duy nhất là luyện Hồng-thiết tâm pháp, mới khu trừ toàn diện độc tố.

Tịnh-Tuệ nở nụ cười, bà nắm tay Đỗ Lệ-Thanh:

– Đa tạ Đỗ phu-nhân. Bần ni tu theo Phật từ thủa còn thơ, ăn chay niệm Phật đã lâu. Bây giờ luyện Hồng-thiết công e vô ích. Phu nhân đã biết rồi đó, Hồng-thiết giáo gốc do hai vị giáo chủ Mã-Mặc, Lệ-Anh lấy trùng độc luyện công, rồi dần dần viết Hồng-thiết kinh. Khi luyện, phải ý thủ vào máu, vào sắt, vào cảnh chém giết. Bần ni không dám luyện, có luyện cũng vô ích.

Đỗ Lệ-Thanh ngơ ngác không hiểu:

– Thưa sư thái, hơn năm trước đây đệ tử đem tâm pháp này truyền cho chủ nhân của tiểu tỳ là Thân thế-tử. Trong người Thân thế tử chứa một trăm năm công lực của Bồ-tát Sùng-Phạm, thế mà người cũng luyện thành.

Tịnh-Huyền giảng giải:

– Phu nhân không hiểu cũng phải. Khi Thân thế-tử được Bồ-tát Sùng-Phạm truyền thiền công cho, trong cơ thể thế tử chỉ có chút ít công lực phái Tây-vu. Thiền công hoá giải đi, rồi nhập vào. Phu nhân biết đó, Thân thế-tử tuy nhận một trăm năm thiền công, mà người chưa từng quy y. Phật pháp chỉ biết câu Nam-mô A-di-đà Phật. Cho nên người có công lực vô cùng mạnh, mà xử dụng không được. Bấy giờ phu nhân đem Hồng-thiết tâm kinh truyền cho Thân thế-tử. Thân thế-tử luyện chắc dễ dàng, mau chóng lắm thì phải?

Đỗ Lệ-Thanh như người đi trong đêm, được người soi sáng ngọn đèn cho, bà nghĩ thầm:

– Vị sư thái này kiến thức thực quảng bác. Bà không hổ danh một trong Đại-Việt ngũ long. Trước kia mình cứ tưởng Đại-Việt ngũ long gồm năm người có võ công cao nhất. Thì ra họ toàn những nhân vật trí tuệ, kiến thức bao la đã đành. Họ lại quảng đại, vượt ra khỏi ranh giới bo bo giữ môn hộ mình. Nhật-Hồ lão nhân, cùng đám đệ tử võ công đến thế, nhưng lòng dạ hẹp hòi, kiến thức hủ lậu, so với họ thế nào được.

Bà kiểm điểm lại:

– Lần đầu tiên ta gặp đại hiệp Trần Tự-An. Ông khó cũng thực khó, dễ lại thực dễ. Ông không cần biết đến những hào quang công chúa Bình-Dương, thế tử Thân Thiệu-Thái, quận chúa Bảo-Hòa. Trước mặt ông toàn một đám trẻ, bạn của Thanh tiểu thư. Ông thân mật, thương yêu, sẵn sàng dạy bất cứ điều gì ông có. Ông thấy ta là nữ tỳ của thế-tử, mà vẫn gọi ta bằng phu-nhân, ăn cùng mâm, truyện trò với ta như người ngang hàng. Mỗi hành xử của ông đều hào sảng, lỗi lạc. Hồng-Sơn đại-phu tính khí hẹp hòi hơn, nhưng ông thành bậc thần y đời nay. Ơn đức trải khắp thiên hạ. Minh-Không thiền sư, ta không biết nhiều, nhưng thành Bồ-tát đắc đạo, ắt kiến thức, đạo đức không tầm thường. Bây giờ ta biết thêm vị sư thái này nữa.

Nghĩ vậy bà tiếp:

– Bạch sư thái đúng thế. Thân thế-tử luyện trong vòng bốn giờ thì xong. Trong khi tiên phụ luyện trên hai mươi năm mới thành. Chính đệ tử luyện gần bốn mươi năm, mà vẫn chưa đạt được ba thành. Đệ tử cho rằng Thân thế-tử có công lực cao, luyện mau chóng. Vì vậy sư thái luyện ắt cũng mau.

– Không được. Thân thế-tử nhận thiền công, mà chưa biết vận thiền công, mới luyện thành. Còn bần ni luyện nội công Mê-linh, bao gồm nội công dương cương của Cửu-chân và nội công âm nhu của Long-biên, nếu nay luyện Hồng-thiết công, phải đi vào ma nghiệp, làm cho âm dương ly tán, cơ thể nguy tai.

Bây giờ Đỗ Lệ-Thanh mới hiểu rõ. Bà nghĩ thầm:

– Không biết bây giờ ta có thể nhờ Thân thế-tử dùng Hồng-thiết tâm pháp hoá giải độc chất cho vị sư thái này. Ngặt vì Thân thế-tử đang ẩn thân trong đám đệ tử Hồng-thiết, làm sao có thể xuất hiện? Ta đành chờ sau buổi lễ hôm nay vậy.

Sư thái Tịnh-Tuệ đã bớt đau. Bà vẫy tay gọi Mỹ-Linh:

– Con lại đây ta bảo.

Mỹ-Linh tiến lại trước bà, chắp tay đứng hầu. Sư thái Tịnh-Tuệ nhắn mắt nhập thiền. Một lúc lâu bà mới mở mắt ra:

– Từ khi Hoa-Minh thần ni qui tụ anh hùng lập ra bản phái. Sau truyền đến đời thứ ba, sư phụ ta pháp danh Duyên-Tịnh làm chưởng môn. Người còn hai sư muội. Một, Duyên-Hoà võ công cực kỳ cao thâm, Phật học càng uyên bác. Không biết vân du đâu, mất tin tức đã hơn hai mươi năm. Người thứ ba, Hoàng Liên. Sư phụ ta có hai đệ tử. Một là ta. Hai là Thái-cô của con. Ta thu ba đệ tử. Một, vương mẫu của con. Hai, Ngô Thuần-Trúc, ba, Hàn Diệu-Chi. Những người này con đều biết cả rồi.

Bà nhắm mắt vận công, một lát sau tiếp:

– Nay ta mắc nghiệp quả rất nặng, e khó gánh vác trọng trách bản phái. Con hãy quỳ xuống nghe ta dạy.

Mỹ-Linh quỳ gối, bà kéo đầu Mỹ-Linh sát vào miệng, trao cho nàng cái túi gấm, nói nhỏ:

– Trong túi này có hai tập sách mỏng. Một vẽ sơ đồ cất kho tàng lớn nhất thiên hạ, lưu truyền từ đời vua Trưng. Con truy theo đó đào lên, đem về giúp cho nước giầu dân mạnh. Cái túi thứ nhì chép phần võ công ta với Tịnh-Huyền đã tổng hợp nội ngoại công âm nhu Cửu-chân, Long-biên làm một. Con theo đó nghiên cứu cho thành pho võ công toàn bích. Tuy nhiên muốn tìm được kho tàng, con phải nhớ bài mật quyết sau đây.

Bà ghé tai Mỹ-Linh đọc một lượt, rồi bảo nàng đọc lại. Mỹ-Linh nhẩm một lúc nàng thuộc lầu. Tịnh-Tuệ đứng dậy nói lớn:

– Đệ tử Mê-linh nghe đây.

Tất cả các đệ tử phái Mê-linh im lặng lắng nghe. Tịnh-Tuệ cầm thanh kiếm đeo ngang lưng trao cho Mỹ-Linh:

– Mỹ-Linh! Hôm nay ta, Tịnh-Tuệ, chưởng môn đời thứ năm, truyền chức cho người làm chưởng môn đời thứ sáu. Thanh kiếm này là thanh kiếm vua Trưng mang thủa xưa, được coi như kiếm lệnh bản môn. Bất cứ đệ tử nào thấy kiếm cũng như thấy vua Trưng, đều phải nhất nhất tuân lệnh.

Mỹ-Linh kinh hoàng đến đờ người ra. Nàng chưa kịp trả lời, Tịnh-Tuệ đã đọc một lúc mười điều giáo luật của phái Mê-linh, bắt nàng học thuộc. Bà nói:

– Mỹ-Linh! Con hãy tuyên thệ tuyệt đối trung thành với mười điều giáo huấn của tổ sư đi.

Mỹ-Linh như cái máy, quỳ gối tuyên thệ. Tịnh-Huyền tiếp:

– Bây giờ con là chưởng môn phái Mê-linh.

Tịnh-Tuệ hô lớn:

– Toàn thể đệ tử quỳ gối làm lễ ra mắt tân chưởng môn.

Mấy nghìn đệ tử, trong đó có cả Tịnh-Huyền đều cúi đầu hành lễ. Tuy bất thần, ngạc nhiên. Nhưng Mỹ-Linh là công chúa, từng bị lễ giáo ràng buộc quen. Nên nàng không bỡ ngỡ. Tay cầm kiếm lệnh, nàng nói:

Mời các vị bình thân. Tôi tuổi trẻ, tài thô, đức mỏng. Nhưng Thái sư phụ đã dạy, không thể từ chối. Từ hôm nay, tôi nhận quyền chưởng môn, tất cả những nếp cũ các vị tổ sư đặt ra, nhất nhất đều không đổi.

Nàng bước lên đài hướng vào quần hùng:

– Tuân chỉ dụ của Thái sư phụ, tôi đảm nhiệm chức vụ chưởng môn kể từ ngày hôm nay. Rất mong được chư vị cao nhân tiền bối chỉ dạy. Nhân danh chưởng môn, tôi chỉ định Thái sư thúc Tịnh-Huyền làm tôn sư bản phái.

Tịnh-Huyền khoan thai lên đài ngồi.

Chưởng môn nhân các phái đồng đến trước Mỹ-Linh chúc mừng.

Từ lúc bọn Triệu Thành đi đến giờ, diễn biến dồn dập xẩy ra, khiến quần hùng quên lời đe doạ mang quân sang của y. Bây giờ chưởng môn phái Tản-viên Đặng Đại-Khê hỏi Nhật-Hồ:

– Giáo chủ! Vụ Đỗ trưởng lão làm gian tế cho Tống, giáo chủ định bỏ qua sao? Như vậy luật Hồng-thiết có còn giá trị không?

Nhật-Hồ lão nhân đứng trước, phía sau bẩy trưởng lão xếp thành hàng. Lão trả lời cho qua:

– Đặng chưởng môn cứ chờ đi.

Đỗ Xích-Thập chỉ vào mặt Đặng Đại-Khê:

– Tên khốn kiếp kia! Ta đã không lý đến cái chức chưởng môn của mi, mi cũng phải biết điều chứ? Mi nên nhớ rằng, từ khi bản phái tái lập đến nay, trải gần hai trăm năm. Lúc mới tái lập, ngũ tổ đã họp nhau định rằng, cho đến khi tìm được di thư của ba mươi sáu chiêu Phục-ngưu thần chưởng, người nào võ công cao nhất, đương nhiên làm chưởng môn. Mi đã tìm được chưa? Nếu chưa tìm được vậy mi có phải người võ công cao nhất chăng?

Dương Ẩn cũng nói:

– Hai vị cãi nhau chi cho mệt. Theo bần đạo nghĩ, hai vị nên dùng võ công cao thấp mà định ngôi chưởng môn vẫn hơn. Chúng ta là con nhà võ, dùng võ công giải quyết cho mau chóng.

Đỗ Xích-Thập cười ha hả:

– Dương đạo huynh! Đạo huynh dạy thực phải. Hôm nay ta dùng võ công Tản-viên dạy dỗ cho bọn hậu bối này mấy chiêu. Đại-Khê, mi phải lùi ngay, trả chức chưởng môn về cho ta. Còn bằng không mi lên đây nộp mạng.

Đặng Đại-Khê suy nghĩ:

– Nguyên bản lĩnh Xích-Thập, ta không thể nào địch nổi y rồi. Huống hồ y đã học Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng, làm sao ta có thể thắng nổi y? Nhưng trước hoàn cảnh này, ta đành mượn cái chết để đền ơn liệt tổ bản phái vậy.

Đặng Đại-Khê hướng vào quần hùng, ông xá ba xá, rồi vận khí vào đơn điền nói lớn:

– Thưa các anh hùng thiên hạ. Vị tiền bối này trước đây là người của phái Tản-viên. Sau vì hiếp dâm con gái lương gia, bị đuổi ra khỏi môn hộ. Người gia nhập Hồng-thiết giáo, làm không biết bao nhiêu điều ác độc mà kể. Song điều đó còn có thể dung thứ được. Gần đây vì ham bả công danh, người nhẫn tâm đem giang sơn Đại-Việt dâng cho Tống. Tội này, võ lâm anh hùng không thể tha thứ. Bây giờ người ra mặt tranh chức chưởng môn với tại hạ, hầu đem phái Tản-viên làm nội ứng cho Tống.

Ngừng lại một chút ông tiếp:

– Phái Tản-viên từ bao đời, dù thăng, dù trầm cũng đều lấy việc bảo vệ xã tắc làm lẽ chính. Không ngờ, đến nay lại bị vết nhơ này.

Ông nói với Xích-Thập:

– Tiền bối. Người muốn tranh chức chưởng môn, phải dùng võ công bản môn, chứ không thể dùng võ công Hồng-thiết giáo.

Đỗ Xích-Thập cười:

– Đồ hèn hạ. Chưa đấu mà đã van xin.

Nói rồi y phát chưởng tấn công. Chưởng của y vừa phát ra, kình lực đã bao trùm khắp đài, làm bàn thờ rung rinh. Trần Tự-An đưa mắt cho các sư đệ. Trần Kiệt, Phạm Hào nhảy lên đài, đứng thủ trước bàn thờ. Hai ông vận khí chống lại kình phong. Nhờ vậy bàn thờ không bị rung động nữa.

Kể từ lúc đến đại hội, anh em Bảo-Hòa, Thiệu-Thái được lệnh Khai-Quốc vương phải ẩn thân trong lớp giáo chúng Hồng-thiết, để tùy cơ ứng phó, vì vậy hai anh em chỉ biết nghe, nhìn. Khi thấy sư thái Tịnh-Tuệ, đại sư Sùng-Văn bị trúng Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng, Thiệu-Thái muốn ra tay cứu hai người, nhưng chưa được lệnh, nên đành im lặng. Chàng tự an ủi:

– Dù sao hai vị đó cũng chưa đến nỗi nguy nan gì. Đau đớn mấy giờ, rồi sẽ qua. Sau đó mình trị, cũng không sao.

Bây giờ Bảo-Hòa thấy Đỗ Xích-Thập tranh quyền chưởng môn với Đặng Đại-Khê, chân tay nàng run lên, không chịu được. Hình ảnh thời thơ ấu lại trở về. Bấy giờ nàng theo ông nội tới tổng đàn phái Tản-viên thăm Đặng Đại-Khê. Vừa thấy nàng, ông đã ôm lấy như ôm đứa con gái nhỏ. Ông xem tướng, rồi quả quyết sau này sự nghiệp của nàng không nhỏ. Ông lại dốc túi truyền cho nàng tất cả mười hai chiêu Phục-ngưu thần chưởng. Cuối cùng ông đem bài mật quyết về biến hoá cùng những thuật ngữ bí mật để luyện Phục-ngưu thần chưởng dạy nàng. Ông nói:

– Ta xem tướng, thấy sự nghiệp cháu sau này không nhỏ, cơ duyên phúc đức không cùng. Vì vậy ta truyền cho cháu bản thuật ngữ, hầu sau này cháu tìm ra mật phổ võ công bản môn, cháu đối chiếu mà luyện.

Hôm đó nàng hỏi:

– Xưa công chúa Phùng Vĩnh-Hoa chép bộ Lĩnh-Nam vũ kinh, không chép thuật ngữ vào ư?

– Không. Bà chỉ chép phép luyện, cách vận khí, cùng biến hoá. Nhưng các danh tự trong đó đổi đi. Hầu người ngoài, hoặc kẻ thù có bắt được cũng vô ích. Chính vì vậy bà Triệu tuy tìm được bộ sách này, mà chỉ biết thuật ngữ của Long-biên kiếm pháp, nên bà không luyện được thứ võ công nào ngoài thứ võ công này. Vua Đinh cũng tìm được, nhưng ngài chỉ có thuật ngữ của phái Hoa-lư, nên không luyện được gì hơn là võ công của Cao-Cảnh hầu.

Chính vì vậy, hôm thấy bia đá chép Phục-ngưu thần chưởng, lúc đầu nàng luyện không thành. Sau nhớ lại lời dặn của Đại-Khê, nàng đem những mật ngữ ra đối chiếu, luyện thành. Như trong bia đá chép về biến hoá từ chiêu Tứ ngưu phân thi sang chiêu Thanh ngưu ư hà chép rằng: Dẫn khí về đất tổ, chuyên sang gió Đông. Nàng không hiểu gì cả. Đối chiếu trong bản mật ngữ từ đất tổ tức đơn điền. Gió đông tức hạ tiêu. Nàng luyện thành công.

Bây giờ thấy Đặng Đại-Khê có thể gặp nguy cơ, nàng không chịu được nữa. Nàng muốn ra hiệu cho Thanh-Mai để xin phép lên đài diệt tên Xích-Thập, mà Thanh-Mai lại đang chú tâm theo dõi diễn biến trên đài. Nàng nói với anh:

– Anh ở đây nghe. Em chịu không được nữa rồi.

Thiệu-Thái định cản em, nhưng không kịp. Bảo-Hòa đã chạy đi mất. Nàng đến cạnh lễ đài, để tìm cách giúp Đặng Đại-Khê.

Trên đài Đỗ Xích-Thập với Đặng Đại-Khê đã dở hết sở trường ra đấu với nhau. Võ công Tản-viên thuộc loại võ công thuần túy dương cương. Cho nên cứ mỗi lần hai chưởng chạm nhau, lại bật lên tiếng bùng lớn. Hai người bật lui lại gờm gờm nhìn nhau.

Từ lâu anh hùng thiên hạ, nghe danh Đại-Việt ngũ long, có người khâm phục, có người không. Người không phục, cho rằng chẳng qua năm người làm chưởng môn năm đại môn phái, rồi được người đời thổi phồng lên. Chứ thực sự bản lĩnh cũng chẳng hơn đời làm bao.

Hôm nay, từ lúc diễn ra cuộc long tranh, hổ đấu, họ đã thấy Trần Tự-An, Đặng Đại-Khê xuất chiêu vài lần. Chỉ một vài chiêu đó, chưa đủ cho chúng nhân biết bản lĩnh chân thực. Tiếp theo họ thấy sư thái Tịnh-Tuệ đấu với Hoàng Liên. Kiếm thuật của bà huyền ảo, linh diệu, họ tin được phần nào. Cho đến bây giờ xem cuộc đấu của Đặng Đại-Khê với Đỗ Xích-Thập kinh hoảng về bản lĩnh của hai người.

Trong mười lăm đại tôn sư ngồi trên lễ đài, phân nửa là những người có bản lĩnh cao thâm tuyệt vời, còn chịu nổi sức ép chưởng phong hai người. Một số phải nhảy xuống đài, để tránh áp lực.

Thuận-Thiên hoàng-đế cũng nói nhỏ với các vị Thái-tử đứng hầu:

— Các con liệu, nếu chịu được hãy ở lại, bằng không thì xuống đài đi.

Vũ-Uy vương, Vũ-Đức vương, Đông-Chinh vương vội vàng nhảy khỏi đài. Sau cùng chính Khai-Thiên vương cũng phải nhảy lui. Phía sau Thuận-Thiên hoàng-đế chỉ còn mình Khai-Quốc vương đứng hầu mà thôi.

Bảo-Hòa thấy Đỗ Xích-Thập chỉ có mười hai chiêu Phục-ngưu thần chưởng. Còn Đặng Đại-Khê, ngoài mười hai chiêu, ông đã tự sáng chế ra hai mươi bốn chiêu nữa, thành ba mươi sáu chiêu. Vì vậy chiêu nọ, nối với chiêu kia thành một dây liên miên bất tuyệt. Tuy thế, ông vẫn không thắng nổi Đỗ Xích-Thập, vì Thập là sư thúc của ông. Y lại luyện Hồng-thiết thần công, nên công lực mạnh đến không thể tưởng tượng được.

Dưới đài, các đại tôn sư võ học, đều gật đầu kính phục:

– Quả danh bất hư truyền. Nếu không phải Đặng Đại-Khê, ai chịu sao nổi những chiêu chưởng của Đỗ Xích-Thập.

Bảo-Hòa thấy những chiêu Đặng Đại-Khê chế ra, tuy không giống Phục-ngưu thần chưởng, nhưng uy lực cũng không kém mấy. Song có điều công lực của ông không bằng Xích-Thập, vì y còn luyện Hồng-thiết công.

Thình lình Đặng Đại-Khê lui lại, chĩa ngón tay chỏ về trước điểm một cái. Tiếng véo rít lên, kình lực xé gió. Xích-Thập kinh hoàng nhảy lên cao tránh khỏi. Quần hùng la lớn lên:

– Lĩnh-Nam chỉ pháp.

Lĩnh-Nam chỉ pháp là một bộ vô hình kiếm khí. Xưa trong thời Lĩnh-Nam, Khất-đại-phu cùng với Đào Kỳ chế ra, lợi hại vô cùng. Anh hùng Trung-nguyên, Lĩnh-Nam nghe đến tên đều kinh tâm động phách. Từ ngày vua Trưng tuẫn quốc, thuật này bị thất truyền. Khi phái Tản-viên tái lập, hậu duệ tìm đủ cách nghiên cứu tìm lại, nhưng vô hiệu. Bây giờ thình lình thấy Đặng Đại-Khê xử dụng một chỉ pháp kỳ diệu, quần hùng bật lên tiếng kêu.

Bác học như Trần Tự-An mà cũng lầm. Ông mỉm cười:

– Hà! Đặng Đại-Khê ghê thực. Thì ra phái Tản-viên vẫn còn lưu truyền chỉ pháp này, mà y dấu diếm mãi. Bây giờ mới đem ra xử dụng.

Dưới đài, Bảo-Hòa biết đó không phải Lĩnh-Nam chỉ. Chẳng qua Đặng Đại-Khê nương theo nội công Tản-viên, rồi chế ra loại chỉ pháp mới mà thôi. Trong lúc hoảng hốt, Đỗ Xích-Thập nhảy tránh được mấy chỉ. Đến chỉ thứ năm, y đã đến mép đài. Cùng đường, y vọt người lên cao tránh chỉ thứ sáu. Đại-Khê hưởng tay lên cao, đánh một chỉ thứ bẩy. Quần hùng bật lên tiếng kêu:

– Chết!

Lê Ba thấy Xích-Thập sắp chết, như vậy y mất đi một cánh tay trợ giúp đắc lực. Y tung một chưởng, cắt ngang vào chỉ lực của Đại-Khê. Vì vậy chỉ lực giảm đi mất bẩy phần. Dư lực trúng ngực Xích-Thập đến choang một tiếng. Bụi bay mịt mờ, tỏa khắp đài.

Mọi người thấy đạo sư Dương Ẩn, tôn sư phái Sài-sơn lại ra tay cứu Đỗ Xích-Thập, đều nổi lên mối công phẫn. Có người văng tục:

– Đồ mặt dầy.

Thì ra Xích-Thập làm trưởng lão Hồng-thiết giáo, y đeo trước ngực một bình bằng đồng đựng độc chất Xích-trà-Luyện. Vô tình chỉ lực của Đặng Đại-Khê trúng cái bình đó. Bình vỡ, hai chất thuốc hoà lẫn với nhau, thành khói độc bay khắp đài.

Nùng Dân Phú, tôn sư của bang Quảng-nguyên kêu lên:

– Độc khí Xích-trà-Luyện!

Nói rồi y nhảy khỏi đài. Các đại tôn sư nghe đến độc khí Xích-trà-Luyện, đều vọt người lên không, đá gió một cái, tránh ra xa.

Cách đây mấy chục năm, vào thời mười hai sứ quân, trong đó có bốn sứ quân giáo chúng Hồng-thiết giáo. Trong khi giao chiến, bên Hồng-thiết tung độc khí Xích-trà-Luyện ra, quân đối đầu ngửi phải, lập tực bải hoải chân tay, đành chịu cho bên địch muốn mổ, muốn giết, muốn băm vằm tùy ý. Hôm trước, Nhật-Hồ lão nhân mới ra khỏi tù, đã dùng độc khí này để khuất phục bọn đệ tử.

Trước khi đến đây dự đại hội, Nhật-Hồ lão nhân trao cho mỗi đệ tử một bình, dấu trong ngực, khi hữu sự dùng đến. Bây giờ chỉ lực của Đặng Đại-Khê đánh trúng bình, làm nước độc, trộn lẫn bột độc, thành khói tỏa khắp đài.

Đặng Đại-Khê vô tình hít phải, ông thấy chân tay bải hoải, vội vọt khỏi đài. Tuy vậy, chân tay ông gần như tê liệt, không hoạt động được nữa. Trên đài chỉ còn Đỗ Xích-Thập với Dương Ẩn, đã uống thuốc phòng, nên không việc gì.

Đỗ Xích-Thập đợi cho khói độc tan đi. Y mới hướng vào quần hùng hô lớn:

– Xin các anh hùng làm chứng. Đặng Đại-Khê với tại hạ dùng võ công định chức chưởng môn. Y bị bại, rời khỏi đài. Như vậy kể từ giờ phút này, y không còn tư cách chưởng môn nữa.

Đặng Đại-Khê định lên đài biện luận, nhưng chân tay ông dường như nhũn ra, không cử động được. Ông hít hơi, vận khí giải độc.

Đoàn Huy cãi:

– Đỗ huynh! Như vậy không kể. Lúc đầu Đặng chưởng môn giao hẹn rằng hai bên chỉ dùng võ công Tản-viên. Đây Đỗ huynh dùng độc khí Xích-trà-Luyện, cho nên Đặng chưởng môn phải nhảy xuống đài tránh, chứ có phải võ công Đặng chưởng môn kém đâu?

Đỗ Xích-Thập cười lớn:

– Anh hùng thiên hạ minh xét cho tại hạ. Tại hạ đeo bình thuốc trên người. Chính Đặng Đại-Khê đánh vỡ bình, rồi chính y lùi xuống đài, chứ tại hạ có tung độc khí tấn công y đâu?

Quần hùng tuy ghét Xích-Thập, nhưng cũng phải công nhận y có lý, không ai cãi được câu nào. Đặng Đại-Khê vận khí giải độc, nhưng không kết quả. Ông biết mình có tranh dành cũng vô ích. Ông lên đài, hướng vào đệ tử Tản-viên nói:

– Các vị huynh đệ, cùng đệ tử. Tôi vô tài, bất đức, bại dưới tay Đỗ tiền bối. Tôi không còn mặt mũi nào ngồi vào ghế chưởng môn nữa. Tuy nhiên tôi cũng xin nhắn nhủ với huynh đệ cùng các đệ tử rằng, chúng ta thà ngói lành, chứ không chịu ngọc có vết. Vậy nếu Đỗ tiền bối tuyên thệ hai điều. Một, không còn liên hệ với Hồng-thiết giáo. Hai, trở về với Đại-Việt, không theo Tống nữa… Chúng ta mới chịu để người làm chưởng môn. Bằng không, thà giải tán bản phái.

Quảng trường im lặng, không một tiếng động.

Đỗ Xích-Thập chỉ mặt Đặng Đại-Khê:

– Đại-Khê! Mi đã bị bại rồi, không còn làm chưởng môn. Đã không còn tư cách chưởng môn, mi đâu có quyền ra lệnh cho ai. Mi mau đem búa lệnh của thánh Tản-Viên trao cho ta.

Xích-Thập tiến tới bên cạnh Đặng Đại-Khê, rút cây búa nhỏ, bằng thép, mầu đen như than dắt ở cạnh sườn ông. Đại-Khê bị trúng độc, chân tay không xử dụng võ công được. Ông đành để cho Xích-Thập tước búa lệnh.

Quần đệ tử phái Tản-Viên la hét om sòm, tỏ ý chống đối. Đỗ Xích-Thập hướng vào đám đệ tử Hồng-thiết giáo:

– Đệ tử của ta đâu!

Lập tức mấy trăm người lên tiếng đáp lại. Xích-Thập chỉ vào đám đệ tử Tản-viên:

– Các người tuy là giáo chúng Hồng-thiết, nhưng học võ công với ta. Ta làm chưởng môn phái Tản-viên. Vậy các người cũng thuộc đệ tử Tản-viên. Các người hãy sang đứng ở khu dành cho phái mình.

Đệ tử Tản-viên tới dự lễ khoảng năm nghìn người. Họ chia thành năm đoàn. Mỗi đoàn một trăm người. Đoàn lại chia làm mười đội. Mỗi đội mười người.

Mấy trăm tên giáo chúng Hồng-thiết rời chỗ, di chuyển sang khu dành cho phái Tản-viên. Rất thành thạo, mỗi toán ba người, đứng vào vị thế chỉ huy một đội. Thoáng một cái, đâu vào đấy. Ba anh em Nhất-Bách, Nhị-Bách, Tam-Bách tổng chỉ huy tất cả.

Quần hùng nhìn qua, đều biết rằng Hồng-thiết giáo đã bố trí, tổ chức, huấn luyện đệ tử rất chu đáo từ trước, để chuẩn bị cướp ngôi chưởng môn phái Tản- viên.

Đỗ Xích-Thập nói:

– Hỡi các vị huynh đệ, đệ tử Tản-viên. Kể từ nay bản phái được chia thành đội ngũ như hiện tại. Nghìn người thành một thiên. Trăm người thành một bách. Mười người thành một thập. Mỗi thập có ba người chỉ huy. Một thập trưởng, một thập phó, và một chưởng-thần. Ai trái lệnh, sẽ bị trừng phạt.

Đặng Đại-Khê cười nhạt:

– Đỗ tiền bối, người chưa tiếp nhận chưởng môn, mà đã tổ chức bản phái thành chi nhánh của Hồng-thiết giáo ư? Nếu bây giờ tại hạ hô lên một tiếng, liệu mấy trăm đệ tử của người có sống sót, mà rời khỏi nơi đây không?

Đỗ Xích-Thập chuyển động thân mình, nắm lấy Đặng Đại-Khê, tung ông xuống đài.

Đặng Đại-Khê bị tung xuống đài, chân tay ông không cử động linh hoạt được, nếu ông ngã chúi mặt xuống, nhục nhã biết bao. Bỗng thấy một thiếu nữ Hồng-thiết giáo đỡ lấy ông. Ông hơi ngạc nhiên. Nhưng thoáng ngửi thấy mùi trầm từ người thiếu nữ bốc ra. Ông biết nàng là Bảo-Hòa, cô con gái của phò mã Thân Thừa-Qúy, mà ông yêu thương hơn con đẻ. Ông hỏi sẽ:

– Cháu gái đấy ư?

– Vâng! Sư bá đừng lên tiếng. Nguy cơ chưa qua đâu.

Nàng đưa ông đến chỗ Thiệu-Thái. Quần hùng thấy Đặng Đại-Khê bị trúng độc Xích-trà-Luyện, rồi Bảo-Hòa đem ông vào giữa đám đệ tử Hồng-thiết, họ tưởng rằng ông bị Xích-Thập bắt cóc.

Bảo-Hoà vừa trao Đặng Đại-Khê cho Thiệu-Thái, có bàn tay nhỏ bé nắm lấy tay nàng. Nàng nhìn lại, thì ra bé Ngô Thường-Kiệt. Thường-Kiệt bá cổ Bảo-Hòa, nó ghé miệng vào tai nàng:

– Cô Thanh-Mai dặn con thưa với cô rằng cô đừng cho ông Đại-Khê trở lại đài vội. Chờ !

Bảo-Hòa biết đây lệnh của Khai-Quốc vương. Nàng hướng về phía Thanh-Mai gật đầu, tỏ ý hiểu biết.

Thiệu-Thái nắm lấy tay Đặng Đại-Khê, để ngón tay giữa vào huyệt Nội-quan của ông. Chàng vận Thiền-công, rồi dùng phương pháp giải độc của Đỗ Lệ-Thanh dạy, hoá giải chất độc cho ông. Trong khoảng nhai dập miếng trầu, chân tay Đặng Đại-Khê cử động được như thường. Ông nhỏm dậy:

– Ta phải lên đài diệt tên phản dân, hại nước.

Bảo-Hòa nói sẽ vào tai ông:

– Sư bá kiên nhẫn, chờ biến cố, rồi hãy thanh toán tên Đỗ Xích-Thập cũng chưa muộn.

Trong khi đó trên đài, Nhật-Hồ lão nhân cười lớn:

– Nếu không ai phản đối gì nữa, truyện phái Tản-viên coi như xong. Lão phu long trọng tuyên bố kể từ giờ này, phái Tản-viên được công nhận thống thuộc bản giáo.

Hà Thiện-Lãm được Nùng-sơn tử thu làm đồ đệ. Từ lúc tới dự lễ, nó bỏ khán đài phái Tản-viên, đến tụ họp với Thanh-Mai. Nghe Nhật-Hồ lão nhân nói, nó định lên đài phản đối, nhưng Thanh-Mai bảo nó:

– Kế hoạch của ngũ sư thúc phái Đông-a định rõ ta phái nhường nhịn, để cho Hồng-thiết giáo xuất hiện hết, chống Tống. Sau đó chúng ta mới tính tới chúng. Sư đệ không được lên đài.

Hà Thiện-Lãm đành ngồi im. Nó nhìn về chỗ khán đài phái Tản-viên, thấy sư phu cũng im lặng. Nó đành cắn răng chịu nhục.

Lập tức đội nhạc Hồng-thiết giáo trỗi dậy những âm thanh kỳ quái, man rợ, ồn ào.

Nhật-Hồ lão nhân hỏi lớn:

– Phái Tản-viên còn ai phản đối không?

Bảo-Hòa từ dưới đài nhảy lên. Nàng mỉm cười:

– Giáo chủ! Tiểu nữ phản đối.

Nhật-Hồ mở to mắt kinh ngạc. Trước mặt y, một thiếu nữ thân thể thon đẹp vô cùng, nhưng gương mặt lại trơ trơ như người chết rồi trong bộ quần áo Hồng-thiết giáo. Ông nghĩ:

– Con nhỏ này tuổi bất quá hai mươi. Địa vị trong bản giáo chắc không quá thập trưởng. Thế mà sao y thị giám lên đối đầu với Đỗ Xích-Thập?

Ông hỏi:

– Người phản đối điều gì?

Bảo-Hòa hướng vào quần hùng lên tiếng:

– Thưa các vị. Ban nãy Đặng chưởng môn và Đỗ trưởng lão tranh tài. Đỗ trưởng lão từng nói: Bất cứ ai biết xử dụng võ công Tản-viên cũng có thể lên đài tranh chức chưởng môn. Vì vậy tiểu nữ muốn lĩnh giáo võ công Tản-viên của Đỗ trưởng lão, và muốn làm chưởng môn phái Tản-viên.

Đỗ Xích-Thập kinh ngạc:

– Người có điên không? Người chẳng ở trong Hồng-thiết giáo đó ư? Người có biết ta làm trưởng lão hội đồng giáo vụ trung ương không?

Bảo-Hòa gật đầu:

– Dĩ nhiên tiểu nữ biết. Tiểu nữ biết luật lệ Hồng-thiết giáo định rằng: Khi một đệ tử thấy võ công mình cao, cũng có thể thách bất cứ trưởng lão nào đấu võ. Nếu thắng thì được thay thế. Cho nên tiểu nữ nảy ra ý định muốn làm trưởng lão thay trưởng lão Xích-Thập. Trưởng lão hiện vừa làm trưởng lão Hồng-thiết giáo, vừa làm chưởng môn phái Tản-viên. Tiểu nữ bạo gan, muốn lĩnh giáo Nhật-hồ độc chưởng của trưởng lão, để trở thành trưởng lão, cũng như võ công Tản-viên của chưởng môn, để trở thành chưởng môn.

Tất cả quần hùng chưa hết kinh ngạc vì Mỹ-Linh đánh bại Đông-Sơn lão nhân. Bây giờ lại kinh ngạc hơn khi thấy một cô gái vô danh thách Đỗ Xích-Thập đấu võ công Tản-viên lẫn Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng.

Sư thái Tịnh-Huyền ngồi gần chỗ Xích-Thập đứng, bà đang tự hỏi cô gái nào mà lại gan đến như vậy? Thoáng thấy mùi trầm hương từ người nàng bốc ra. Bà biết ngay nàng là Bảo-Hòa. Bà mắng thầm:

– Thì ra thế! Mình thực sơ tâm.

Bà dùng Lăng-không truyền ngữ báo cho Thuận-Thiên hoàng-đế, Thân Thiệu-Anh, công chúa Lĩnh-Nam Bảo-Hòa biết.

Phạm Trạch thấy Xích-Thập cướp được chức chưởng môn phái Tản-viên, ắt hẳn thế lực mạnh hơn y. Nay y thấy Bảo-Hòa thách Xích-Thập đấu, y mừng lắm. Y hỏi:

– Tiểu cô nương! Xin tiểu cô nương cho biết phương danh quý tính?

Bảo-Hòa chưa kịp trả lời, Dương Ẩn lên tiếng, nói với Nhật-Hồ:

– Mừng giáo chủ. Hôm trước đệ tử trình với giáo chủ về việc cho đôi thiếu niên nam nữ là anh em ruột sang Tây-dương học đạo. Tiểu cô nương này chính thị cô gái đó, nay đã thành tài trở về. Cô nương họ Trần, khuê danh Quỳnh-Hoa.

Nghe Dương-Ẩn nói, Nhật-Hồ mừng muốn run lên, lão nhân nhìn Bảo-Hòa gật đầu:

– Tiểu cô nương là đệ tử của Tây-dương giáo chủ, ắt biết xử dụng Hồng-thiết thần công. Đúng thể lệ bổn giáo. Nếu cô nương đủ khả năng chịu được một trăm chiêu của Đỗ trưởng lão, đương nhiên trở thành trưởng lão bản giáo, thay thế Xích-Thập.

Bảo-Hòa chắp tay:

– Đỗ trưởng lão. Trước hết chúng ta dùng võ công Tản-viên để định ngôi thứ chưởng môn phái này đã. Nào mời.

Đỗ Xích-Thập nghe nói Trần Quỳnh-Hoa theo học với giáo chủ Hồng-thiết Tây-dương, ắt hẳn độc công lợi hại vô cùng. Y nghĩ thầm:

– Mình không cẩn thận e bị lão Nhật-Hồ cũng tên Lê Ba đưa vào chỗ chết. Con nhỏ này qua Tây-dương học ắt độc công lợi hại vô cùng. Nhưng tại sao y thị lại biết võ công Tản-viên? Như vậy ta dùng võ công Tản-viên đánh cho nó tàn tật, ắt nó không dùng độc công hại được ta nữa.

Nghĩ vậy y giao hẹn trước:

– Nếu cô đỡ được của ta mười hai chiêu. Ta xin nhường chức chưởng môn cho cô ngay. Nhưng ta giao hẹn trước, trong cuộc đấu này, nếu ai dùng Chu-sa độc chưởng coi như thua.

Bảo-Hòa chắp tay:

– Thưa đúng như thế.

Bảo-Hòa biết thân phận Xích-Thập không nhỏ, chắc y không ra tay trước. Nàng bái tổ, rồi vận khí ra các huyệt Tâm-du, Can-du, Thận-du, Tỳ-du, đổ vào Đốc-mạch rồi phát chiêu Kị ngưu qui gia. Kình lực đổ ập xuống cực kỳ mãnh liệt.

Đỗ Xích-Thập, cùng đệ tử Tản-viên đều bật lên tiếng la kinh ngạc. Vì chưởng lực của nàng có sát thủ kinh người, biến ảo khôn lường. Hơn nữa chiêu này tuyệt tích đã lâu.

Xích-Thập lùi một nước vận khí xuất chiêu Ác-ngưu nan độ đánh cắt ngang vào chưởng Bảo-Hòa. Bình một tiếng. Cả hai người đều bật lui một bước. Bảo-Hòa cảm thấy như trời long đất lở, tai phát ra tiếng kêu vo vo không ngớt. Trong khi Xích-Thập tê dại cả hai tay. Y cười nhạt:

– Tiểu cô nương! Tiểu cô nương hãy đỡ chiêu nữa của ta.

Y phát chiêu Ngưu thực ư dã.

Bảo-Hòa biết, Xích-Thập đi vào tuổi bẩy mươi, công lực cao thâm biết dường nào. Còn về phần nàng, tuy gặp kỳ duyên, nhưng thời gian luyện tập chưa được làm bao, công lực không thể so với y. Thấy chiêu chưởng như núi đổ ập lên đầu. Tòng tâm nàng đưa cả hai tay đẩy lên đỡ. Vô tình tay trái nàng vận chiêu Tứ-ngưu phân thi dương. Tay phải vận chiêu Song ngưu đồng lao âm.

Bình, bình. Bảo-Hòa lùi lại ba bước để giữ chắc căn bản. Trong khi Xích-Thập cảm thấy trong chưởng của Bảo-Hoà có hai lực đạo khác nhau, nói rằng khắc chế chưởng lực của y cũng không phải. Bảo rằng giống y cũng không phải. Lại nữa đến hai chiêu đẩy vào người y. Toàn thân y mất hết kình lực, đau đớn như dần. Y kinh hoàng lùi lại, quan sát đối thủ.

Khắp quảng trường, chưa ai nhận ra cái sát thủ khủng khiếp trong chưởng của Bảo-Hòa. Chỉ duy phò mã Đào Cam-Mộc, ông kinh ngạc:

– Con cháu này, học được mật quyết luyện Phục-ngưu dương. Mình nghe lời công chúa, truyền tâm pháp Phục-ngưu âm cho nó. Không biết bằng cách nào, lại pha hai thứ âm dương với nhau, thành loại chưởng cực kỳ bá đạo như thế kia. Cũng may nó mới luyện, mà người hứng đòn công lực như Xích-Thập, mới chịu nổi.

Một đời Xích-Thập, y đã đánh hàng ngàn trận, vì vậy y nhận ra Bảo-Hòa mới luyện Phục-ngưu thần chưởng. Y nghĩ:

– Công lực con nhỏ này không làm bao, mà xử dụng Phục ngưu thần chưởng rất tổn sức. Ta cứ nhảy nhót, tiêu hao công lực, rồi giết nó cũng vừa.

Nghĩ rồi y phát liền ba chiêu tấn công Bảo-Hòa.

Bảo-Hòa cũng đã nhận thấy điểm lợi hại loại chưởng âm-dương hỗn hợp của mình. Nàng tung ra hai chiêu khác nhau đỡ. Bình, bình. Xích-Thập đau đớn, nhăn nhó. Trong khi Bảo-Hòa cũng cảm thấy trời long đất lở. Tuy vậy, đã học đủ ba mươi sáu chiêu, cùng cách biến hoá, nên nàng chuyển ngay sang chiêu Song ngưu đồng lao.

Trong khi Xích-Thập học được mười hai chiêu rải rác. Sau khi đánh hết chiêu này, phải ngừng lại vận khí rồi mới phát được chiêu khác.

Đấu được trên trăm chiêu, Bảo-Hòa tập trung tinh thần phát ba chiêu liền. Xích-Thập kinh hãi, chưởng lực Bảo-Hòa đã bao trùm người y. Y kinh hoàng vọt người lên cao tránh khỏi. Nhưng chưởng lực sướt qua dưới chân làm y đau đớn như bị gậy sắt đập vào.

Bảo-Hòa chuyển sang chiêu Tứ-ngưu phân thi, hướng lên trời. Xích-Thập chưa vận khí phát Phục ngưu thần chưởng xong. Y đành đánh xuống một chiêu Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng. Mùi tanh hôi bao trùm khắp đài. Bảo-Hòa không giám đối chưởng với y. Nàng nhảy lùi lại, biến từ chưởng sang chỉ.

Xích-Thập đáp xuống đài, chỉ lực đã bao vây lấy người y. Y vội nằm rạp xuống tránh khổi.

Bảo-Hòa lùi lại một bước, quát lên:

– Khoan!

Nàng hướng vào Nhật-Hồ:

– Xin giáo chủ xét cho. Giữa tiểu nữ với Đỗ trưởng lão dùng võ công Tản-viên tranh tài. Tại sao trưởng lão lại dùng Chu-sa độc chưởng? Như vậy Đỗ trưởng lão phạm luật, coi như thua rồi. Xin Đỗ trưởng lão trao trả cây búa lệnh của thánh Tản-viên cho tiểu nữ!

Nói rồi nàng xòe tay ra chờ đợi.

Gốc tích Đỗ Xích-Thập, vốn nhiễm tính vô lại bị phái Tản-viên đuổi ra, rồi đi theo Hồng-thiết giáo. Mà Hồng-thiết giáo lại qui tụ tất cả xảo quyệt, lưu manh nhất thiên hạ. Y cãi:

– Vừa rồi cô nương đánh ra ba chiêu với một chỉ. Chỉ thì đích thực của Tản-viên. Còn ba chiêu, chỉ có chiêu Tứ-ngưu phân thi của bản phái. Còn hai chiêu kia thuộc võ công phái khác. Đâu phải võ công Tản-viên. Chính tiểu cô nương đã phạm luật trước ta.

Chùa Dâu nay thuộc huyện Thuận-thành, tỉnh Bắc-ninh. Có tất cả 4 ngôi, mang tên Pháp-vân, Pháp-vũ, Pháp-lôi, Pháp-điện. Hình chụp là chùa Pháp-vân thuộc xã Thanh-khương, huyện Thuận-thành, tỉnh Bắc-ninh. Chùa được kiến tạo thời Trưng-vương (40-43 sau TL). Đây là nơi phát xuất ra phái Tiêu-sơn.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN