Anh Hùng Lĩnh Nam - Chương 39: Hay là khuất núi đi rồi Nàng cho anh biết, anh về thắp hương
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
146


Anh Hùng Lĩnh Nam


Chương 39: Hay là khuất núi đi rồi Nàng cho anh biết, anh về thắp hương


Đào Kỳ ngạc nhiên tự hỏi : tại sao trong đám Hán binh lại có người bản
lãnh phi thường như thế ? Chàng lệnh cho thuyền chèo lại gần, bây giờ
nhìn rõ hơn, tên Hán binh đang vật lộn với Lưu Chương. Lưu Chương tỏ ra
thạo thủy tính, nhưng còn thua tên Hán binh nhiều. Chỉ một lát sau, y bị tên Hán binh dìm xuống nước, cho uống đầy bụng rồi trói y lại. Trói Lưu Chương xong, tên Hán binh vọt người lên cao như cá chép vượt vũ môn,
đáp xuống thuyền, đoạn cầm đầu dây giật mạnh một cái đã thấy Lưu Chương
bay bổng lên rơi xuống sàn. Đào Kỳ nhìn kỹ tên Hán quân thấy lưng y quen quen, mà chàng không nhận ra hắn là ai. Bỗng thấy ánh đuốc của một thủy thủ soi gần mặt y, chàng phì cười : Mình thật ngu, thì ra là Giao-long
nữ.

Đám phản loạn trên thuyền bị bắt hết chỉ có bốn dân thuyền là thoát được về hướng Bắc. Đào Kỳ sai tra xét đám tù binh : Nam có, nữ có, cả người
già và trẻ con, nhưng tuyệt nhiên không thấy Trương Thanh. Lục soát dưới hầm chiến thuyền, chàng tìm được thím và hai em, chàng vội cởi trói và
tìm lời an ủi, đồng thời sai người báo tin ngay lập tức cho Đào
Thế-Hùng.

Hải đội trưởng Trần Như-Ý báo cáo :

– Thuyền chúng tôi ít, thuyền địch nhiều nên chỉ bắt được chiến thuyền
với 5 dân thuyền, đánh chìm 12 dân thuyền, nhưng có 4 dân thuyền thoát
được, vậy xin đại tướng quân cho quân đuổi theo.

Đào Kỳ ban lời khen rồi lắc đầu :

– Không cần thiết, chúng không chạy thoát đâu. Ta cứ từ từ theo sau cũng được.

Chàng sai bắn tên lửa lên trời báo hiệu cho Lê Chân biết đã xong mọi việc, và quay hỏi Đàm Ngọc-Nga :

– Sư tỷ nghĩ xem có khi nào bọn Trương Thanh chạy về phía Nam không ?

Ngọc-Nga lắc đầu :

– Không! Có lẽ chúng thoát trong bốn dân thuyền kia.

– Như vậy chúng sẽ bị bắt hết. Thôi chúng ta trở về huyện đường.

Truyền trở lại huyện đường đã thấy Lê Chân cùng các chiến thuyền neo tại bến Đăng-châu. Chàng dặn Trần Như-Ý tiếp tục tuần hành trên sông rồi
cùng mọi người lên bờ. Huyện đường do tráng đinh trang Hiển-minh chiếm
đóng, ba tốt do đệ tử Đào Thế-Hùng chỉ huy cũng rút về. Tốt quân Hán
trấn đóng cửa Nam cũng đã đầu hàng. Chàng để việc kiểm điểm tù binh cho
Đào Thế-Hùng. Cuộc tấn công thành công mỹ mãn, phía tấn công không ai bị thiệt mạng, phía theo Trương Thanh thiệt hại 8 người trong lúc hỗn
chiến với đệ tử của Đào Thế-Hùng.

Đào Thế-Hùng tập họp văn võ bá quan cùng quân sĩ huyện Đăng-châu lại để
ủy lạo. Ông cho biết chỉ hai người bị tội là Trương Thanh và Lưu Chương, còn tất cả chỉ vì bắt buộc phải thừa hành nên được miễn tội và giữ
nguyên chức vụ cũ. Bá quan, tướng sĩ Đăng-châu hoan hô vang dậy, rồi ai
về nhà nấy. Tới gần sáng mới thấy Tôn Mạnh trở về, y dẫn theo khoảng 30
người bị bắt trong đó có vợ, tỳ thiếp và con gái Trương Thanh là Trương
Thanh-Mai, cùng họ hàng thân thuộc. Duy có Trương Minh-Đức và Tường-Quy
không thấy đâu. Đào Thế-Hùng tra hỏi Trương Thanh, được biết con trai và con dâu đi trên dân thuyền bị đánh chìm trên sông, chắc bị chết đuối.
Đào Kỳ thất kinh hồn vía, truyền lệnh cho hải đội trưởng Trần Như-Ý phải tìm cách vớt mọi người chết chìm, và mang nộp tất cả tử thi.

Đáng lý xong việc Đăng-châu, Đào Kỳ phải trở về Luy-lâu ngay. Nhưng
chàng viện cớ do đất Đăng-châu chưa yên để lần lửa ở lại chờ tin
Tường-Quy. Chàng cho ngựa lưu tinh báo tin thắng trận với Lĩnh-nam
vương. Hai ngày sau, sứ giả từ Luy-lâu đến trao lệnh bảo chàng phải về
ngay. Sứ giả mang sắc phong của Lĩnh-nam vương cử Phùng Đại-Tín, cha của Phùng Vĩnh-Hoa thọ chức huyện lệnh. Dân chúng được tin reo hò mừng rỡ,
vì Phùng Đại-Tín là người tài, đức thương dân, đồng thời huyện Đăng-châu có huyện lệnh và huyện úy cùng là người Việt.

Chiều hôm ấy, Trần Như-Ý báo cáo vớt được tất cả 23 người, nhưng không
có thi thể của Tường-Quy và Minh-Đức. Hẳn hai người chết đuối, xác trôi
đi xa, trước khi Trần Như-Ý chăng lưới vớt xác.

Đào Phương-Dung hiểu tâm sự anh, nàng an ủi :

– Tường-Quy chết chìm như vậy là may. Trương Thanh làm phản, cả nhà tất bị chém. Liệu anh có can đảm chém Tường-Quy không ?

Đọan nàng sai làm mâm cơm với đầy đủ lễ vật, đem ra bờ sông để Đào Kỳ tế Tường-Quy. Đào Kỳ đứng trước bàn thờ khói hương nghi ngút, tưởng nhớ
lại khuôn mặt ôn nhu của Tường-Quy, hình ảnh buổi đầu tiên gặp gỡ ở
Thái-hà trang, rồi cùng nhau du lịch cố đô Cổ-loa. Tới khi chàng đi
Đăng-châu thăm nàng, bị đánh một chưởng, đâm một kiếm,… và chàng với
Tường-Quy ở trên hoang sơn một đêm với nhau.

Đợi anh khóc cạn hết nước mắt. Đào Phương-Dung mới kéo anh về huyện
đường. Chàng sai đóng gông giải cả gia đình Trương Thanh và Lưu Chương
về Luy-lâu.

Phùng Vĩnh-Hoa nói :

– Chị thấy ở đây chưa an, lòng người chưa khuất phục, thì chú em và cha
chị làm sao làm việc được ? Muốn người các thuộc cấp Hán nghe lệnh phục
tùng, phải cần đem chém hai người để thị oai.

Thấy Đào Kỳ ngần ngừ, nàng lại nói :

– Đức Khổng phu tử làm tướng nước Lỗ có ba ngày, ngài sai chém gian thần Thiều Chính-Mão. Đệ tử hỏi sao thầy là người nhân nghĩa mà giết người ? Ngài trả lời: Cần giết một người, để cứu vạn người. Vậy bây giờ cần
giết hai tên Trương Thanh và Lưu Chương để làm gương cho bọn Hán quy
phục Huyện-lệnh và Huyện-úy.

Đào Kỳ đành chấp thuận. Chàng tập trung dân chúng ngoài chợ, kể tội hai
tên Trương Thanh và Lưu Chương, sai chém đầu, đem bêu khắp các trang.
Còn gia đình giải về Luy-lâu cho Nghiêm Sơn định đoạt.

Trước khi cùng Đào Kỳ trở về Luy-lâu, Phùng Vĩnh-Hoa dặn cha :

– Bố với chú Đào Thế-Hùng giờ đây như chân với tay, giờ con không còn
phải lo lắng gì nữa. Chỉ khi nào có lệnh khởi binh. Bố phải ở nhà giữ
huyện cho chắc, để mình sư thúc tiến quân lên Luy-lâu, bố đừng vì nóng
lòng mà cả hai bỏ đi.

Đào Kỳ cho lệnh Tôn Mạnh rút quân trước, rồi cùng Thiều-Hoa, Lê Chân,
Vĩnh-Hoa, Giao-long nữ lên ngựa trở về Luy-lâu. Tới nơi đã thấy Nghiêm
Sơn và Tô Định thân ra đón. Nghe Thiều-Hoa tường thuật chi tiết trận
đánh, vương gật đầu tỏ ý hài lòng. Vương là một vị tướng không hiếu sát. Từ khi giúp Quang-vũ đánh dư trăm trận, nhưng bao giờ vương cũng lựa
đường lối ít đổ máu nhất. Khi Thiều-Hoa thuật đến chỗ Tường-Quy và
Trương Minh-Đức chết chìm mất xác, vương không tin :

– Ta nghi tiểu sư đệ thả hai người trốn chạy thì đúng hơn. Địa vị ta là tiểu sư đệ chắc cũng thả cho họ.

Nhưng khi nghe thuật Đào Kỳ ra sông tế Tường-Quy, Trưng Nhị nói :

– Vậy thì không phải rồi, nếu Tam đệ thả họ đi, chắc y sẽ chịu lỗi với
đại ca, chứ y không làm trò hề, bày cuộc tế vọng, lừa dối chúng ta đâu.

Thiều-Hoa hiểu tính tình Đào Kỳ, vì hai chị em sống bên nhau đã lâu, nàng cũng đồng ý với Trưng Nhị.

Nghiêm Sơn tưởng thưởng quân sĩ hữu công. Khi điểm danh sách tù binh
không thấy tên Trương Thanh và Lưu Chương, chàng ngạc nhiên và được
Thiều-Hoa cho biết, Đào Kỳ đã nghe lời Vĩnh-Hoa chém hai người giữa chợ
để răn chúng. Vương nhìn Phương-Dung rồi nói với Thiều-Hoa :

– Ở nhà ta với Dung muội cũng ước tính Phùng Vĩnh-Hoa sẽ chém hai tên này chứ không phải Đào Kỳ.

Vương giao Tô Định xử lý tù nhân gia đình Lưu, Trương và dùng của cải
hai tên này, để phủ tuất nạn nhân của cuộc chiến ở Đăng-châu. Xong chàng quen lệ hỏi :

– Còn ai khiếu nại điều gì không ?

Giao-long nữ Trần Quốc dơ tay :

– Ai có công cũng được thưởng hết. Tiểu muội lặn dưới nước, đục thuyền,
cắt dây buồm, bắt sống Lưu Chương sao không được vương huynh thưởng gì
hết ?

– Thế sư muội muốn ta thưởng gì ?

–Tiểu muội muốn vương huynh gia phong cho làm đô đốc thủy quân !

– Không được, việc quân không phải việc đùa. Tiểu sư muội mới có 17 tuổi sao lĩnh được chức Đô đốc? Đợi qua năm 18 tuổi thành người lớn đã !

Giao-long vùng vằng không chịu :

– Thế xưa kia, tổ sư phái Sài-sơn là Phù-đổng Thiên-vương mới có 7 tuổi
đã làm nguyên soái đánh giăc Ân thì sao ? Nếu đợi 18 tuổi thì còn gì là
đất nước. Và nếu đại ca bảo tiểu muội là trẻ con, sao đại ca lại dùng
trẻ con đánh giặc ? Bất công, tiểu muội nhất định không chịu !

Nghiêm Sơn đành dỗ :

– Thôi được, đợi đại quân tới Quế-lâm, ta sẽ giao đội Hải quân cho sư
muội chỉ huy. Trong cuộc viễn chinh này chỉ có hải quân Quế-lâm tham dự. Còn hải quân Nhật-nam, Giao-chỉ, Cửu-chân không dùng tới. Họ chỉ lo
nhiệm vụ tải lương mà thôi.

Ngày xuất quân đã đến. Các đoàn quân Hán từ khắp Giao-chỉ, Cửu-chân,
Nhật-nam tề tựu về. Các huyện lệnh, huyện úy đều có mặt. Kỵ binh, bộ
binh dàn ra. Ở giữa đã dựng sẵn một đài cao. Cờ xí ngợp trời.

Nghiêm Sơn cỡi bạch mã duyệt binh, rồi vương lên đài :

Một viên văn quan đọc hịch xuất quân cho ba quân tướng sĩ nghe. Nghiêm
Sơn cũng vận khí đơn điền lớn tiếng dặn quân sĩ phải hết lòng, không
được trộm cướp, hiếp đáp dân chúng, bất cứ ai vi lệnh sẽ bị chèm không
tha. Sau đó ba hồi chiêng, trống vang lên, pháo lệnh nổ liên hồi. Một
giáp sĩ dẫn con trâu ra chém trước cờ, lấy chậu hứng máu dâng lên Nghiêm Sơn. Vương quay qua Phương-Dung :

– Phiền Quân-sư viết chữ cho !

Phuông-Dung hoa tay cầm bút viết đại tự :

Lĩnh-nam vương, Tả tướng quân Nghiêm

Nghiêm Sơn ra lệnh để đầu trâu lên đàn tế cờ. Cuộc tế theo nghi thức
xong, các tướng dẫn đoàn quân của mình ai về trại đó nghỉ, ngày mai lên
đường sớm.

Nghiêm Sơn ra lệnh :

– Đào Kỳ lĩnh ấn Chinh-viễn đại tướng quân, thống lĩnh 3 Quân bộ, 3 Sư
kỵ với các cao nhân theo trợ giúp là : Nam-hải nữ hiệp, Trường-yên nữ
hiệp, Thiên-thủ viên hầu, cùng 3 sư muội là Trần Năng, Lê Chân,
Phương-Dung. Tới Côn-minh dừng lại đợi ta.

– Sư thúc Đinh Công-Thắng lĩnh ấn Hổ-oai đại tướng quân, thống lĩnh đạo
Giao-chỉ gồm : 4 Quân bộ, 3 Sư kỵ đi cánh thứ nhì. Phụ giúp có các cao
nhân Khất đại phu, Lê Ngọc-Trinh, Quế-Hoa, Quỳnh-Hoa.

– Sư thúc Triệu Anh-Vũ lĩnh ấn Chinh-di đại tướng quân, thống lĩnh đạo
Cửu-chân gồm : 3 Quân bộ, 3 Sư kỵ. Cao nhân theo trợ giúp gồm : Nữ hiệp
Phùng Vĩnh-Hoa, Đàm Ngọc-Nga và Vương phi Hoàng Thiều-Hoa.

– Kỳ dư tất cả đi theo đạo trung quân do vương thống lĩnh !

Trời tháng mười, gió heo may len lỏi trong sương mai. Cây cỏ tiêu sơ.
Miền Bắc Giao-chỉ lạnh buốt xương. Đào Kỳ căn dặn các tướng giữ kỷ luật
nghiêm minh, cấm nhũng nhiễu dân chúng. Đi được hai ngày, quân đến một
thung lũng ở giữa hai dãy núi hùng vĩ, cao chót vót. Phương-Dung nhìn
núi cao, rừng già hỏi :

– Không biết đây là đất Giao-chỉ hay đã sang Quế-lâm rồi ?

Trần Năng chỉ ngọn núi cao chót vót :

– Qua rặng núi này, tới một con sông nữa là địa phận Tiên-yên, nơi hành
hiệp của đệ tam sư thúc ? Vì vậy người có mỹ hiệu là Tiên-yên nữ hiệp.
Suốt dãy Đông-triều bị ảnh hưởng của Cấm-sơn hay Ma tần lĩnh. Cách đây
mấy trăm năm Trung-tín hầu Cao Nỗ tục danh Ông Nồi phá quân Đồ Thư, giết hơn 50 vạnquân Tần ở đây. Tương truyền quân Tần bị vây hãm, rồi bị Hầu
dùng hỏa công thiêu chết trong khe núi. Xác chết bốc mùi thối hơn trăm
dặm, do đó khi gió lùa đi từ Cấm-sơn ra gây nên bệnh thời khí. Dân chúng dị đoan cho rằng hồn quân Tần ra hại người, nên lập miếu thờ và gọi
Cấm-sơn là Ma-tần lĩnh.

Ghi chú.

Địa phận này, ngày nay thuộc vùng Chi-lăng.

Đi được một lát, Lê Chân chỉ ngôi miếu lớn gần đường, Đào Kỳ và mọi
người vào miếu. Dân chúng đang đốt nhang vái xì xụp. Họ thấy quan binh
thì tránh dạt sang bên có vẻ sợ hãi. Chợt có người nhận được mặt Lê Chân reo lên :

– Đông-triều nữ hiệp ! Thì ra là người. Người đi đâu đến đây ?

Lê Chân phủ dụ họ và hỏi han sự tình. Dân chúng đồng nói :

– Cách nay mấy ngày, gió chướng từ Ma Tần lĩnh thổi qua, cả vùng bị
bệnh, chết không biết bao nhiêu mà kể. Chúng tôi phải cúng quảy những
con ma Tần. Khổ lắm cô ơi ! Bọn ma này hoành hành từ lâu đời rồi.

Đào Kỳ hỏi Trần Năng :

– Hùng phu nhân, người thử xem họ bịnh gì,

Trần Năng đến chẩn mạch, xem lưỡi hỏi han mấy con bệnh hiện diện, một lát trở lại nói :

– Tôi xem mạch, thấy Phù mà xác, lưỡi khô, bợn lưỡi vàng, mồ hôi xuất,
người sốt, mắt đỏ, tiện bí. Rõ ràng bị Phong nhiệt làm cảm mạo, chứ
không có ma Tần, ma Hán nào làm ra cả. Muốn chữa trị không khó đâu !

Lê Chân hành hiệp ở vùng này nhiều năm, nàng coi dân chúng như tay chân ruột thịt, vội nối với Trần Năng :

– Sư muội! Trước đây nhiều lần chị muốn phá ngôi đền này nhưng sợ dân
chúng phản đối. Nếu em chữa trị khỏi bệnh cho họ, chị có cách làm cho
dân chúng tự động phá miếu.

– Muốn giải Phong nhiệt, phải dùng Ma hoàng phát mồ hôi. Mồ hôi ra Phong nhiệt được giải. Thêm hạnh nhân cho bớt ho, bớt sưng cổ. Cam thảo làm
vị thuốc hòa các vị khác với nhau. Sau cùng Thạch cao để hạ nhiệt xuống. Sở dĩ có người chết vì Phong nhiệt nhập bì mao làm bế tắc phế khí, rồi
đưa đến mũi nghẹt, hầu sưng, hơi thở bế tắc, nhiệt độc nhập tim, làm tim ngưng đập. Vì vậy dùng Ma hoàng, Thạch cao, Hạnh nhân giải Phong nhiệt, sẽ khiến Phế khí thông được với bì mao. Bệnh nhân khạc ra đờm được thì
bệnh khỏi.

Bệnh Phong nhiệt mà Trần Năng nói đó ngày nay gọi là Cúm. Theo Tây-y là
chứng grippe do siêu vi trùng gây ra. Với y học Việt-Hoa ngày xưa, bài
thuốc của Trần Năng chữa trị có kết quả vẹn toàn.

Trong quân Hán tại Lĩnh-Nam có nhiều thầy thuốc đi theo, họ có sẵn những vị thuốc căn bản thường dùng. Trần Năng cho gọi quân y sĩ lấy một ít,
dân chúng tìm hái những vị có sẵn. Nàng sai lấy thùng lớn, nấu thuốc cho dân chúng uống. Vài khắc sau, những người khỏe, bệnh nhẹ, khạc ra đờm
hết ho, hết sưng cổ. Những người mê man tỉnh dần nhiệt hạ, ăn uống biết
ngon.

Đào Kỳ căn dặn chư tướng tiếp tục đưa quân lên đường, còn chàng ở lại với bộ chỉ huy chờ trị bệnh cho dân. Chiều Lê Chân nói :

– Chúng ta nên đi thăm Ma Tần lĩnh, để biết dấu vết chiến trường cổ, nơi Trung-tín hầu đánh tan quân Tần.

Mọi người theo Lê Chân vào một khu lòng chảo, thấy trê góc núi có một
tấm bia đá rất lớn, tạc một bài ký. Phương-Dung lớn tiếng đọc :

Đại phàm, vạn sự ở thế gian đều do thượng đế sắp đặt. Xưa kia vua Đế
Minh cháu ba đời vua Thần Nông, đi tuần thú phương Nam, đến núi Ngũ-lĩnh gặp Tiên nữ, kết hôn với nhau, sinh được Thái-tử đặt tên là Lộc Tục.
Vua Đế Minh ở với Tiên ít lâu rồi trở về phương Bắc. Ngài truyền các
quan lập đàn tế trời rồi thề rằng :

“Ta nhất sinh có nhiều cung tần mỹ nữ, nhưng chỉ sinh có một Thái tử.
Sau lại kết hôn với Tiên nữ ở Động-đình hồ mà có thêm Lộc Tục. Vậy ta
phong Thái tử làm vua phương Bắc đến núi Ngũ-lĩnh. Từ núi Ngũ-lĩnh về
Nam, gọi là Lĩnh-nam, phong cho Lộc Tục làm vua. Trước đất trời nguyện
rằng : Nam, Bắc cương thổ có khác. Nam không xâm Bắc. Bắc không chiếm
Nam. Kẻ nào phạm lời nguyền thì chết dưới đao thương “.

Kể từ đấy thiên hạ chia đôi. Bắc do vua Đế Nghi cai trị. Nam do Thái tử
lên ngôi, hiệu là Kinh-dương vương. Nước Lĩnh-nam phía Bắc tới Động-đình hồ, phía Nam giáp với nước Hồ-tôn, phía Tây giáp với Ba Thục, Đông giáp biển Nam-hải. Kinh-dương vương kết hôn với con gái của Động-đình quân
là Long nữ đẻ ra Sùng Lãm. Thái tử Sùng Lãm kế tục ngôi vua lấy hiệu là
Lạc Long Quân. Lạc Long Quân kết hôn với Công chúa Âu Cơ con vua Đế Lai, sinh được trăm con. Lạc Long Quân truyền ngôi cho con trưởng làm vua,
hiệu là Hùng vương, đặt tên nước là Văn-lang. Lại phong 99 con mỗi người làm chủ một ấp, vì vậy đất Lĩnh-nam mới có trăm họ. Đó là nguồn gốc
Bách-việt vậy.

Nước Văn-lang chia làm 15 bộ :

Văn-lang Tân-hưng

Lục-hải Giao-chỉ

Hoài-hoan Châu-diên

Vũ-định Ninh-hải

Cửu-chân Cửu-đức

Phú-lộc Vũ-ninh

Dương-tuyền Nhật-nam

Việt-thường

Nước Văn-lang truyền được 88 đời vua. Kể từ năm Nhâm-tuất, Kinh-dương
vương lập quốc đến năm Quí-mão bị vua An-dương bản triều chinh phật vong quốc dài 2622 năm. Danh hiệu 88 đời coné lưu truyền được 18 đó là :

1. Lục-dương vương (Kinh-dương vương)

2. Hùng-hiển vương (Lạc-long quân)

3. Hùng-quốc vương

4. Hùng-diệp vương

5. Hùng-hy vương

6. Hùng-huy vương

7. Hùng-chiêu vương

8. Hùng-vi vương

9. Hùng-định vương

10. Hùng-nghi vương

11. Hùng-trinh vương

12. Hùng-vũ vương

13. Hùng-việt vương

14. Hùng-anh vương

15. Hùng-triệu vương

16. Hùng-tạo vương

17.Hùng-nghi vương

18. Hùng-tuyên vương

Năm Đinh-hợi, niên hiệu An-dương vương thứ 44, Tần-thủy hoàng sai tướng
Đồ Thư mang 500 ngàn quân sang đánh Bách-việt, chiếm đất phía Nam
Ngũ-lĩnh. Đặt ra 3 quận Quế-lâm, Nam-hải và Tượng-quận. Vua An-dương cử
ta đem quân chống giặc Tần. Tháng 11 năm ấy giết Đồ Thư, phá tan quân
Tần ở chỗ này.

Than ôi ! Tần-thủy hoàng diệt 800 chư hầu Trung-nguyên, làm vua một vùng đất rộng chưa cho là đủ, quên lời thề tổ tiên, xâm chiếm Lĩnh-nam, nên
Đồ Thư mới bị giết.

Ta nhân ngày lành tạc bia này cho đời sau biết.

Niên hiệu An-dương thứ 45, năm Mậu Tuất tháng 3 ngày rằm làm bia này.

Bình-bắc đại tướng quân tước Trung-tín hầu Vũ Bảo-Trung ghi.

Trần Năng tính đốt ngón tay nói :

– Tính từ khi lập quốc đến đời vua An-dương vương là 2.622 năm. Vua
An-dương ở ngôi được 50 năm thì bị Triệu Đà chiếm mất. Từ ngày chúng ta
mất nước đến nay là 243 năm. Như vậy nước Lĩnh-nam chúng ta lập quốc
được 2.915 năm.

Lê Chân ít đọc sách, không thạo địa dư hỏi :

– Nước Hồ-tôn là nước nào vậy ?

Thiên-thủ viên hầu đáp :

– Tiếp giáp với phía Nam của Nhật-nam. Bây giờ đổi quốc hiệu là
Chiêm-thành. Nước này có nền văn hiến không phải tầm thường. Võ công của họ lấy dương cương làm căn bản.

Đào Kỳ thở dài :

– Nước Lĩnh-nam chúng ta vốn có cương thổ, trước kia từ hồ Động-đình
phía Nam núi Ngũ-lĩnh. Nhà Tần sang đánh, chúng ta phải lùi về vùng
Giao-chỉ ngày nay. Đồ Thư chiếm đất đai phía Bắc lập ra Quế-lâm,
Tượng-quận, Nam-hải giao cho Triệu Đà trấn nhậm. Khi Triệu Đà khởi binh
diệt vua An-dương chiếm Âu-lạc. Lĩnh-nam lại được thống nhất. Không biết bây giờ chúng ta phục quốc, chỉ đòi lại Quế-lâm, Cửu-chân và Giao-chỉ.
Hay là đòi hết đất đai từ phía Nam núi Ngũ-lĩnh ?

Lê Chân khảng khái rút kiếm chém tảng đá bể đôi nói :

– Phải chiếm lại hết ! Một tấc đất của tổ tiên cũng không bỏ.

– Nhưng sư tỷ không biết đó thôi. Từ hơn hai trăm năm nay người phương
Bắc xuống lập nghiệp tại vùng Nam-hải, Tượng-quận. Còn người Việt ta bỏ
xuống Giao-chỉ, Quế-lâm. Nay muốn chiếm lại đất e khó khăn lắm.

Trần Năng kiên quyết :

– Sư thúc, một tấc đất cũng phải đòi. Người Hán đến Tượng-quận, Nam-hải
đồng hóa người Việt, nay ta cứ đòi rồi đồng hóa lại họ chứ có gì đâu ?

Nam-hải nữ hiệp nhìn Trường-yên đại hiệp lẩm nhẩm gật đầu, tỏ ý thông
cảm với nhau. Bởi thế hệ của bà đã trên 60 tuổi, sống lâu dài trong tăm
tối vong quốc. Bị người Hán đô hộ khổ nhục tưởng không sống được. Thế hệ bà, mọi người chỉ mong người Hán để yên thân, nay hy vọng phục quốc lóe lên, việc phục hồi Lĩnh-nam, chỉ trong một sớm, một tối. Đám trẻ lại
muốn đi xa hơn, tức là đòi lại vùng đất phía Nam Ngũ-lĩnh. Bà thấy lòng
bừng bừng như uống rượu say, mỉm cười sung sướng một mình. Lê Chân liếc
mắt thấy hôm nay nét mặt sư phụ tươi hồng trẻ hẳn lại hàng chục tuổi.
Nàng ngạc nhiên :

– Sư phụ ! Không hiểu sau hôm nay sư phụ lại cao hứng thế ? Sư phụ có thể cho chúng đệ tử biết không ?

Nam-hải nữ hiệp mỉm cười :

– Sư phụ thấy con chém đá, Trần Năng lại lập chí đòi đồng hóa lại người
Hán, thì biết chúng con hơn chúng ta nhiều, vì vậy ta vui lắm.

Sau hai ngày, dân chúng hầu hết đã khỏi bệnh. Ba vị trang trưởng thân đến tạ ơn Trần Năng, Đào Kỳ và Lê Chân.

Phương-Dung nói với Lê Chân và ba vị trang trưởng :

– Đông-triều nữ hiệp và ba vị trang trưởng ở vùng này sao lại để cho tên giăc bại trận Đồ Thư làm hại dân chúng ? Vừa qua có hàng chục người
chết vì chúng, mấy trăm người bệnh hoạn. Nay Hùng phu nhân ra tay cứu
chữa khỏi, như vậy trận đấu giữa Hùng phu nhân và đám ma Tần đã rõ. Vậy
nữ hiệp còn đợi gì mà không đánh cho chúng mấy roi để lần sau không còn
hoành hành hại người ?

Các trang trưởng nghe vậy mừng lắm. Họ cho rằng nếu trừ tiệt được đám cô hồn Đồ Thư, để khỏi phải cúng tế như một vị thần thì sung sướng biết
mấy.

Lê Chân cùng ba vị trang trưởng tụ tập dân chúng trước bàn thờ Đồ Thư.
Mở cửa thấy hai con ngựa gỗ, trên có hai tướng cầm đao oai phong lẫm
liệt. Ở giữa bệ Đồ Thư ngồi trên ngai lưng đeo kiếm. Lê Chân lớn tiếng
nói với Đào Kỳ :

– Trước kia Trung-tín hầu Vũ Bảo Trung giết Đồ Thư tại đây, Trung-tín
hầu là tổ sư sáng lập phái Cửu-chân. Vậy hiền đệ là đệ tử phái Cửu-chân
hãy thay ngài đánh chúng vài chưởng !

Đào Kỳ lùi lại vận khí, phát một chiêu trong Thiết-kình phi chưởng đánh
ngay tượng Đồ Thư. Bình một tiếng tượng tan nát. Đào Kỳ đánh tiếp hai
chưởng, đập tan nát cả người lẫn ngựa hai viên tướng hầu. Mọi người thất kinh hồn vía vì thấy máu văng khắp đền tanh hôi chịu không được.

Lê Chân chỉ vào pho tượng nát vụn, đầm đìa máu quát :

– Thế là chúng mày chết lần nữa. Từ nay không được hại người.

Phương-Dung đề nghị dân chúng tạc tượng Trung-tín hầu thờ để trấn áp tên giặc Đồ Thư. Ba vị trang trưởng và dân chúng hoan hỉ làm theo.

Hôm sau mọi người lên đường, Đào Kỳ thắc mắc hỏi Lê Chân :

– Sư tỷ! Hôm qua sư tỷ bảo tôi phóng chưởng đánh tượng Đồ Thư, tôi làm theo. Không ngờ bên trong lại có máu là nguyên cớ gì ?

Lê Chân cười khúc khích :

– Trước đó tôi đã cho người đổ máu lợn vào bụng tượng. Lúc Đào đệ phóng
chưởng đánh tượng, máu văng tung tóe, dân chúng càng tin hơn, chứ có gì
lạ đâu !

Phải mất ba ngày đường nữa, đoàn quân mới tới biên giới Quế-lâm. Từ xa
Đào Kỳ đã thấy ba vị võ tướng cỡi ba tuấn mã đứng đầu đoàn thiết kỵ uy
vũ, phía sau dân chúng tụ họp đông đủ chờ đón. Lại gần thì ra Thái-thú
Hà Thiên, Đô-úy Đặng Thi-Kế vá Đô sát Trương Đằng-Giang.

Hà Thiên là tam hiệp trong Hợp-phố lục hiệp, hôm Nghiêm Sơn phong Hà làm Thái-thú, Đào Kỳ thấy Hà Thiên miễn cưởng nhậm chức Thái-thú theo lệnh
Nghiêm Sơn. Chàng nói riêng với ông :

– Tam ca đừng lấy việc phải gò ép nơi quan trường, không được tiêu dao
làm buồn. Nghiêm đại ca là người suy tính thâm sâu vô hạn. Đại ca bao
giờ cũng trọng ý riêng của Tam ca, từ xưa chưa bao giờ làm trái ý. Nay
ép Tam ca làm Thái-thú chắc có lý do quan trọng lắm. Em biết được lý do
đó. Tam ca là người nghĩa hiệp ưa cứu kốn phò nguy, vậy mà đất Quế-lâm
là quê hương của Tam ca. Từ mấy trăm năm nay người Việt bị coi như chó
lợn. Nay Nghiêm đại ca thân là Lĩnh-nam vương không thể trực tiếp thay
đổi cục diện Quế-lâm, phải nhờ đến Tam ca là người khảng khái, lại là
con dân Việt không sợ người Hán; may ra cục diện Quế-lâm đổi khác đi.
Gia dĩ bên cạnh Tam ca còn có Đô-sát, Đô-úy là người đồng tâm. Chắc Tam
ca không sợ gì bọn quan lại người Hán quen đè đầu, đè cổ dân Việt.

Hà Thiên nghe Đào Kỳ biện luận, mặt tươi hẳn lên, hăm hở trở về Quế-lâm
nhận chức Thái-thú. Bây giờ gặp lại Đào Kỳ, cả hai mừng mừng, tủi tủi.

Đào Kỳ là Chinh-viễn đại tướng quân, thống lĩnh binh mã toàn cõi
Lĩnh-nam, chức lớn hơn Thái-thú, Đô-sát, Đô-úy nhiều. Nhưng thúc phụ
chàng với Đặng Thi-Kế là bạn thân. Trương Đằng-Giang lại là sư thúc của
Phương-Dung, còn Hà Thiên là sư huynh của Nghiêm Sơn… nên chàng vẫy mọi
người xuống ngựa tiến lại ra mắt ba người.

Trần Năng là tiểu đệ tử của Khất đại phu, được ông cưng chiều đã quen,
tính lại tinh nghịch, nàng vừa làm lễ ra mắt Đặng Thi-Kế, vừa nói :

– Sư huynh, từ hôm sư huynh làm Đô-úy Quế-lâm đến giờ, việc quan bận rộn mà em thấy sư huynh trẻ lại đến mười tuổi. Không biết sư huynh có thêm
chị dâu mới người Quế-lâm nào không ?

Thời bấy giờ ở tuổi 40-50 đã đạo mạo, nghiêm túc lắm. Với tuổi đó, họ là ông nội, ông ngoại một đàn cháu. Huống hồ Đặng Thi-Kế vang danh thiên
hạ về võ công, về hiệp nghĩa. Ông lại là thân phụ Đặng Thi-Sách, lãnh tụ số một Lĩnh-nam chủ trương phản Hán phục Việt. Thế mà Trần Năng cũng
trêu ông. Nhưng Trần Năng là lương y, nàng đùa, mà là sự thật. Đặng
Thi-Kế quả trẻ ra gần 10 tuổi. Suốt mấy năm bị sư thúc Lê Đạo-Sinh cầm
tù. Ông buồn vì tù thì ít, buồn vì sư thúc tham danh vọng, mưu đưa
Lĩnh-nam làm tôi tớ Hán thì nhiều. Khi Đào Kỳ cứu ông ra, được biết con
và dâu là Trưng Trắc tiếng tăm vang lừng thiên hạ vì uy tín phản Hán
phục Việt. Tự nhiên ông cảm thấy có bổn phận nghe lệnh những người cầm
đầu như Khất đại phu, Nam-hải nữ hiệp đã đành. Ông sẵn sàng nghe lệnh cả Trưng Nhị, Phương-Dung. Đặng Thi-Sách thố lộ với ông, lợi dụng được
phong chức tước, Nghiêm Sơn cắt cử anh hùng Lĩnh-nam nắm lấy các chức vụ Thái-thú, Đô-úy, Đô-sát để chuẩn bị khởi nghĩa nếu cuộc cầu phong với
Quang-vũ không thành. Vì vậy ông sẵn sàng hy sinh danh tiếng để nhận cái chức Đô-úy Quế-lâm. Ngay khi tới Quế-lâm, ông cùng Hà Thiên với Trương
Đằng-Giang lấy lý do Nghiêm Sơn vừa được tấn phong, ba người ban 5 điều
lệnh :

– Thả tù,

– Tha thuế những người còn thiếu,

– Những người nghèo khổ, nay phải bán thân làm nô lệ, nay được giải phóng về với gia đình.

– Ấn định lại mức tô cho tá điền.

– Bình đẳng giữa người Hán và người Việt.

Từ trước đến giờ theo luật Tiêu Hà, nông dân tá điền phải nộp một nửa
hoa màu cho điền chủ. Nay ba người cải tổ lại : Tất cả nông sản thu
được, sau khi trả công cày bừa, gặt hái, tát nước, phân bón và thuê
trâu, mới đem chia đôi, chủ một nửa, nông dân một nửa. Trước đó công thợ người Việt chỉ bằng nửa người Hán, đã thế người Việt không được quyền
làm sở hữu chủ ruộng đất, chỉ có quyền làm tá điền. Nay do ban hành
chính sách mới, người Việt như mới được làm người, nên Đặng Thi-Kế cảm
thấy khoan khoái trong lòng, ông trẻ lại vì vậy.

Sau khi làm lễ ra mắt xong, Chinh-viễn đại tướng quân ra lệnh đóng quân
ngoài thành, rồi cùng mọi người trở vào Phiên-ngung, thủ phủ Quế-lâm,
dọc đường Đặng Thi-Kế hỏi Trần Năng :

– Tiểu sư muội, sư thúc đi theo đạo quân nào ?

Nghe hỏi đến sư phụ, nàng vội lập nghiêm :

– Đa tạ sư huynh, sư phụ em đi trong đạo quân của Đinh Công-Thắng đại hiệp, có lẽ hai ngày nữa mới tới.

Vào trong Phiên-ngung, đã thấy đủ mặt quần hào và 3 tướng quân chỉ huy 3 Quân-bộ cùng 3 tướng chỉ huy 3 Sư-kỵ chào đón. Đó là đạo Quế-lâm.

Quân đội thời Tây-hán chia làm hai loại : Một là quân của Thiên-tử do
các tước vương, công, hầu chỉ huy. Đó là đạo quân trừ bị quốc gia. Khi
Nghiêm Sơn được lệnh kinh lược Lĩnh-nam, tuy quyền lớn nhưng không có
quân trong tay. Nên các Thái-thú coi như không có, muốn làm gì thì làm.
Sau 8 năm với tài thao lược, vương gom hết binh quyền Lĩnh-nam về một
mối và giao đệ nhất hiệp Lưu Nhất Phương chức Uy-viễn đại tưống quân
thống lĩnh. Mới rồi Quang-vũ cần đánh Thục, gia phong vương tước, quyền
Tả tướng quân, được điều động binh mã khắp thiên hạ. Vương đã có sẵn
binh mã Hán-trung, Trường-an do Ngô Hán chỉ huy; binh mã Kinh-châu,
Ích-châu, Lương-châu do Đặng Vũ, Sầm Bành chỉ huy. Tất cả hiện đang cầm
chân quân Thục. Vương lấy binh mã Lĩnh-nam trao quyền chỉ huy cho Đào
Kỳ. Binh mã Lĩnh-nam lại được vương chia làm 6 đạo. Ba đạo đã được vương cử người làm đại tướng quân thống lĩnh :

– Đạo Nhật-nam, Long-nhượng đại tướng quân thống lĩnh 3 Quân bộ, 3 Sư kỵ.

– Đạo Giao-chỉ, Hổ-oai đại tướng quân Đinh Công-Thắng thống lĩnh 4 Quân Bộ, 4 Sư kỵ.

– Đạo Cửu-chân do Chinh-di đại tướng quân Triệu Anh-Vũ thống lĩnh 3 Quân bộ, 3 sư kỵ. Triệu Anh-Vũ là sư thúc của Nghiêm Sơn, vốn dòng dõi Triệu Đà. Sợ nhân tâm bất phục, vương cử đích thân vương phi Hoàng Thiều-Hoa
đi theo đạo quân này cùng Đàm Ngọc-Nga và Phùng Vĩnh-Hoa.

Chỉ còn quân ba quận Nam-hải, Quế-lâm, Tượng-quận vẫn còn trực thuộc Lưu Nhất-Phương, chờ ngày hội quân ở Quế-lâm mới quyết định tướng chỉ huy.

Tất cả bá quan văn võ đều biết Đào Kỳ được phong Chinh-viễn đại tướng
quân, thống lĩnh quân 6 quận Lĩnh-nam theo Lĩnh-nam vương tăng viện
Trung nguyên phạt Thục. Hơn nữa chàng lại là em của vương phi, võ công
thao lược gồm tài. Vì vậy các tướng chỉ huy các Quân, Sư đều kính cẩn ra mắt chàng. Đào Kỳ hòa nhã hỏi thăm quân tình, nên được các tướng kính
phục.

Thái-thú Hà Thiên mời Đào Kỳ về dinh, cả hai đàm đạo rất tương đắc. Hà
Thiên là Tam hiệp trong Hợp-phố lục hiệp, đệ tử của thân phụ Nghiêm Sơn
là Nghiêm Bằng. Từ thiếu thời Hà Thiên theo sư phụ hành hiệp, cùng với 5 huynh đệ lừng danh Hợp-phố lục hiệp. Khi Nghiêm Bằng lâm chung định
truyền chức chưởng môn cho Đệ nhất hiệp Lưu Nhất-Phương là đại đệ tử.
Giữa lúc ấy nhũ mẫu của Nghiêm Sơn đến thăm bệnh. Bà đuổi hết con cháu,
cùng đệ tử ra ngoài, để đàm thoại riêng với ông. Hơn một giờ sau, Nghiêm Bằng gọi con cháu, đệ tử tới để di chúc truyền chức chưởng môn Quế-lâm
cho Nghiêm Sơn. Ông lại dặn riêng hai sư đệ là Lương Hồng-Châu và Triệu
Anh-Vũ cùng Hợp-phố lục hiệp rằng :

– Khi ta qua đời, các sư đệ, các đệ tử phái Quế-lâm nhất thiết phải nghe lời Nghiêm Sơn. Nếu thấy y hành động phản dân, hại nước, khi sư diệt
tổ, cũng đừng vội chống đối. Vì y lãnh một di mạng cơ mật do ta truyền
lại, y phải hành động như thế để đi đến thành công, rạng danh môn phái.
Đừng thấy y nhỏ tuổi mà coi thường.

Nghiêm Sơn vốn mồ côi mẹ từ bé. Vương được nhũ mẫu nuôi nấng, dạy dỗ còn hơn con đẻ. Vương kính yêu nhũ mẫu và tuyệt đối nghe lời bà. Một hôm
thấy bà ôm mặt khóc thảm thiết, vương hỏi nguyên do, bà chỉ lắc đầu
không trả lời. Ba ngày sau, bà gọi vương đến nói chuyện suốt một ngày.

Sau đó, Nghiêm Sơn mời Hợp-phố lục hiệp tới và yêu cầu Lục-hiệp cùng
chàng đi Trường-sa cứu Thế-tử Lưu Tú con của Trường-sa vương Lưu Hiệp.

Bảy người lên đường, cứu được hai anh em Lưu Tú. Nghiêm Sơn lại kết
huynh đệ với Lưu, giúp Lưu khởi binh ở Côn-dương, đoạt 5 quận, chiếm
Kinh-châu, diệt Vương Mãng thắng Xích Mi. Đến đây chỉ còn cần bình định
vài sứ quân. Nghiêm Sơn bàn với Quang-vũ để chàng kinh lược Lĩnh-nam gây thanh thế. Quang-vũ nghe, phong chàng làm Lĩnh-nam công. Hợp-phố lục
hiệp là người Việt không muốn lãnh quan chức Hán triều, viện tinh thần
hiệp nghĩa không muốn bị gò bó, nhưng sẵn sàng theo Nghiêm Sơn bình định đất Lĩnh-nam. Hai tháng trước Nghiêm Sơn được Quang-vũ gia phong vương
tước, điều động binh mã phạt Thục. Vương nghĩ phải giữ vững căn bản là
Lĩnh-nam nên quyết định cử Lưu Nhất-Phương làm Đại-tư mã Lĩnh-nam, lĩnh
chức Uy-viễn đại tướng quân, tước Long-biên hầu. Còn 5 sư đệ của Lưu
Nhất-Phương được cử làm Thái-thú 5 quận Quế-lâm, Tượng-quận, Cửu-chân,
Nhật-nam, Nam-hải. Cả sáu anh em Hợp-phố lục hiệp nhất quyết từ chối.
Nghiêm Sơn phải đem di chúc của cha ra mới thuyết phục được Lục-hiệp. Cả Lục-hiệp cùng nhớ lại rằng khi sư phụ cử Tiểu sư đệ làm chưởng môn, đã
để di chúc kỳ lạ bắt mọi người tuân lệnh chàng, dù chàng có hành động
phản quốc, hại dân, đều biết rằng chàng được ủy thác một sứ mạng gì lớn
lắm.

Tam hiệp Hà Thiên nhờ Đào Kỳ phân tích mới hơi biết sứ mạng của Nghiêm
Sơn do sư phụ giao phó. Bây giờ chàng mới biết sư phụ nhìn xa trông
rộng.

Thời An-dương Quế-lâm vốn thuộc lãnh thổ Âu-lạc. Khi Đồ Thư chiếm lĩnh,
giao cho Triệu Đà cai trị. Triệu Đà là người Trung-nguyên, y tham vọng
muốn lập cơ nghiệp lâu dài, y trở về Trung-nguyên quy tụ dân trộm cắp,
du thủ, du thực đem qua Quế-lâm cấp phát ruộng đất cho chúng làm ăn. Y
chỉ áp dụng luật pháp nhà Tần cho người Hán, còn người Việt y coi như
man di, mọi rợ. Người Hán muốn đánh thì đánh, muốn giết thì giết. Bọn
trộm cắp người Hán được thể đàn áp người Việt khổ sở đến không sống nổi. Từ ngày ấy, dân Lĩnh-nam chia làm hai, thù hận, chém giết lẫn nhau. Khi Triệu Đà phản Hán, thành lập nước riêng, y cho dân Việt và Hán bình
đẳng. Nhưng sau khi họ Triệu bị diệt, Lĩnh-nam lại trở về chế độ cũ :
dân Hán là người cai trị, dân Việt là người bị trị, đời đời thù hận
nhau.

Hà Thiên kể Đào Kỳ nghe : Khi chàng cùng Đặng Thi-Kế, Trương Đằng-Giang
được cử về làm Thái-thú, Đô-sát, Đô-úy quận Quế-lâm, bọn quan lại và các phú gia, địa chủ người Hán thấy cả ba là người Việt tìm cách chống đối.

Những ngày đầu, Hà Thiên mời Đặng Thi-Kế và Trương Đằng-Giang tìm cách
chỉnh đốn guồng máy cai trị, cùng dung hòa mối thù giữa hai sắc dân Hán, Việt. Trương Đằng-Giang là đại quân tử, chủ trương của ông rõ ràng :
Phải bình đẳng giữa Hán và Việt. Người Hán có kẻ xấu, người tốt, cũng
như Việt có người quân tử, kẻ tiểu nhân. Theo ông, thủ phạm gây ra thù
hận giữa Việt-Hán là bọn Hán lưu manh thiển cận, hai nước lân bang.
Chúng nghĩ mình là dân giàu trong nước mạnh, có quyền ăn hiếp nước yếu.
Ngược lại, có một đám người Việt thiển cận cũng không kém, chúng vơ đũa
cả nắm thù hận tất cả mọi người Hán. Cứ như thế đời đời hai dân tộc
Việt-Hán thù hận, chém giết nhau đến bao giờ mới hết ? Ông có rất nhiều
bạn Hán cũng đồng ý với ông phải trừng trị những người Hán bạo tàn, lưu
manh. Ông ngỏ ý đó với Hà Thiên và Đặng Thi-Kế. Cả ba cùng một nhận
định. Họ quyết định cách chức ba huyện lệnh không chịu thi hành cải
cách, tiếp tục kỳ thị, tham ô, tàn bạo và đem xử chém. Khi 3 huyện lệnh
bị tống giam, ngay chiều hôm đó phủ Thái-thú nhận được danh thiếp của
bẩy huyện lệnh khác, cùng 50 phú gia, điền chủ người Hán xin yết kiến,
đòi ân xá cho chúng.

Thấy người Hán phản ứng mạnh, chàng bàn định cùng Đặng, Trương hai người rồi quyết định : Gửi phúc bẩm về Lĩnh-nam vương xin chỉ thị. Hai ngày
sau sứ giả của Lĩnh-nam vương đem lệnh tới : Xử chém 3 huyện lệnh, tịch
thu tài sản sung công quỹ. Chính sứ giả sẽ chứng kiến cuộc xử trảm.

Bọn tham quan Hán kinh hoàng không dám chống đối cải cách của ba người
nữa. Tuy nhiên, mầm chống đối vẫn âm ỉ chưa tàn. Ba người lo lắng tìm
cách giải quyết sao cho êm đẹp, vì dân Quế-lâm phân nửa là người Hán, họ nắm hết các chức huyện lệnh, huyện úy, cùng các chức quan trọng trong
phủ Thái-thú, Đô-úy,Tế-tác. Ngoài dân chúng, họ là những điền chủ giàu
có thế lực, cùng là thương gia tiền rừng, bạc biển. May thay lúc đó có
công thư khẩn cấp rằng lệnh của Tả đại tướng quân sẽ hội binh tại
Quế-lâm ban lệnh đánh Thục. Ba đạo Nhật-nam, Giao-chỉ, Cửu-chân sẽ hợp
với đạo Quế-lâm cùng xuất phát. Riêng hai đạo Tượng-quận và Nam-hải chỉ
tướng soái về họp mà thôi, quân sĩ sẽ có lệnh sau. Bây giờ quan lại
người Hán thấy đạo quân Nhật-nam đi theo Đào Kỳ hùng tráng, kỷ luật
nghiêm minh. Các tướng soái hòa nhã. Trong quân còn có nhiều nữ tướng
xinh đẹp. Lại nghe đồn các vị nữ tướng võ công kinh người. Họ đành nhìn
nhau tự an ủi.

– Thôi đành chịu thua Thái-thú Hà Thiên cho bọn chó Việt được làm người.

Hôm sau các tướng sĩ nhập Phiên-ngung. Phiên-ngung vốn là thủ đô nước
Nam Việt, Triệu Đà và con cháu đóng đô ở đây gần trăm năm, nên thành trì rộng lớn hơn Long-biên và Luy-lâu. Dân cư đông đúc ngựa xe qua lại tấp
nập.

Thái-thú Hà Thiên làm tiệc khao quân, tất cả tướng chỉ huy Quân, Sư hai
đạo Nhật-nam và Quế-lâm cùng bá quan văn võ được mời dự tiệc tại dinh
Thái-thú. Phủ Thái-thú dựa trên bờ sông nước chảy xiết. Trong tiệc, một
viên Quân bộ đạo Quế-lâm tiến đến trước Nam-hải nữ hiệp cúi xuống hành
đại lễ :

– Đệ tử là Minh Giang, xin tham kiến Nam-hải sư thúc, kính chúc sư thúc an khang.

Phương-Dung thấy vậy lấy làm lạ tự hỏi : Nam-hiệp là con trưởng, lại là
người đứng đầu phái Sài-sơn thì sao lại có người gọi bằng sư thúc ? Viên tướng này là ai ?

Riêng Nam-hải nữ hiệp nghe giọng Việt của Minh Giang hơi khác lạ, bà hỏi :

– Cháu là đệ tử cao nhân nào, sao ta không nhận ra ?

Minh Giang kính cẩn thưa :

– Tiểu đồ là đệ tử Trần Nhất Gia Khúc-giang. Sư phụ cháu thường nhắc tới sư thúc. Người lại sặn rằng, trong kỳ hội quân này thế nào sư thúc cũng tới. Phải tìm sư thúc vấn an thay sư phụ.

– Thì ra cháu là đệ tử của Đăị sư huynh trong Khúc-giang ngũ hiệp. Các vị sư huynh của ta mạnh khỏe không ?

– Sư phụ của đệ tử và bốn vị sư thúc đều khỏe mạnh. Các vị đi Trung-nguyên, không biết để làm gì ?

Đào Kỳ thấy Minh Giang có liên quan với võ lâm Lĩnh-nam, chàng ân cần giới thiệu từng người với Minh Giang :

– Đây là Trường-yên đại hiệp Cao Cảnh-Minh.

Minh Giang thưa :

– Tôi được nhge đồn rằng Trường-yên đại hiệp bắn tên xa trăm trượng. Mỗi lần buông tên hai chim nhạn rơi xuống. Nay được tương kiến thật là tam
sinh hữu hạnh.

Kế tiếp Đào Kỳ giới thiệu thứ tự từng người. Minh Giang chỉ biết Nam-hải nữ hiệp và Phương-Dung. Còn Trần Năng, Lê Chân y chưa được biết. Khi
nghe được Đào Kỳ giới thiệu Trần Năng là đệ tử của Khất đại phu, Minh
Giang mừng rỡ :

– Thì ra sư thúc là đệ tử của Thái sư thúc. Gần đây khắp Nam-hải,
Quế-lâm đồn rằng Thái sư thúc thành tiên bay đi chữa bệnh cho dân chúng !

Trần Năng cười :

– Sự thực không phải sư phụ tôi thành tiên đâu. Chẳng qua người ẩn hiện
không chừng. Tính người dễ dãi, khi uống nước suối ngủ rừng. Khi uống
rượu ăn thịt. Người lấy việc chữa bệnh làm lẽ sống. Dân chúng kính phục
người gọi là Tiên ông. Người cũng sắp tới đây.

Minh Giang nói với Đào Kỳ :

– Tiểu tướng nghe tin anh hùng võ lâm anh hùng Cửu-chân, Nhật-nam và
Giao-chỉ cùng theo Lĩnh-nam vương gia Bắc viện lập công, hầu xin hoàng
thượng cho Lĩnh-nam tái lập quốc, thật mừng vô tả. Không biết có vị võ
lâm nào thuộc Quế-lâm, Na-hải, Tượng-quận nào tòng chinh chăng ?

Đào Kỳ thấy Minh Giang có phong thái giống Nghiêm Sơn, chàng lấy làm thích thú trả lời :

– Quế lâm có Triệu Anh-Vũ, Lương Hồng-Châu cùng tòng chinh. Triệu Anh Vũ lĩnh ấn Chinh-di đại tướng quân, còn Lương Hồng-Châu theo cạnh Lĩnh-nam vương. Còn Tượng-quận và Nam-hải chưa thấy.

Tiệc tan, Đào Kỳ muốn dò xét dân tình Quế-lâm, Nam-hải nên mời Minh
Giang đi chung với chàng. Chàng biết Minh Giang là đệ tử Khúc-giang ngũ
hiệp, nên tuy y là người Hán, chàng cũng đặt hết lòng tin tưởng. Trên
đường đi Minh Giang hỏi Đào Kỳ :

– Đào tướng quân, không biết ý Lĩnh-nam vương gia muốn xin phục hồi
Lĩnh-nam như thế nào? Ngài muốn phục hồi gồm tất cả đất Lĩnh-nam cũ gồm 6 quận Nam-ải, Quế-âm, Tượng-uận, Cửu-hân, Nhật-am, Giao-hỉ, hay chỉ xin
ba quận mà bỏ Quế-âm, Nam-ải, Tượng-qận ?

Đào Kỳ không trả lời mà hỏi ngược lại :

– Theo ý đại ca thì nên thế nào ?

Minh Giang thở dài :

– Đất Quế-âm hiện quá nửa là người Hán. Đất Nam-hûi, Tượng-uận còn tệ
hơn nữa. Người Việt bị Triệu Đà cai trị hơn trăm năm, lại bị Hán cai trị hơn 200 năm. Họ bị đàn áp coi như tôi mọi quen rồi, mất cả hùng khí.
Riết rồi họ coi cái nhục không hơn chó lợn là việc thường. Đã thế suốt
ba quận, dưới huyện là xã, là làng chứ không có chế độ lạc hầu, lạc
tướng, nên dân chúng không có người cầm đầu, khó nổi dậy được. Về môn
phái chỉ có Quế lâm, Khúc giang là môn phái người Việt. Còn người Hán họ làm chủ ba quận đã lâu đời. Trên quan lại, dưới điền chủ phú gia, đều
là người Hán, bây giờ bảo họ phải trực thuộc Lĩnh-nam khó lòng họ chịu
theo mình. Cứ coi như vừa rồi Hà thái thú ban hành chính sách mới mà còn bị người Hán chống lại, đến nỗi phải xin lệnh Lĩnh-nam vương mới dám
trị tội các tham quan người Hán thì đủ biết !

Phương-Dung nghe đến đây cũng nhập cuộc :

– Theo ý Minh huynh, nếu Kiến-vũ hoàng đế không chịu cho phục hồi đất Lĩnh-nam, thì ta phải làm gì ?

Minh-Giang nói ngay :

– Ý dân là ý trời. Chúng ta đã lập đại công đánh Thục. Lại tỏ ý quy phục xin phong. Việc cử quan lại cũng thế, mà để chúng ta tự trị làm một chư hầu cũng thế. Hoàng đế có tốn tiền, tốn gạo gì đâu ? Chẳng qua là một
tờ giấy ban chiếu chỉ mà thôi. Nếu như người không chịu thì kiếm trong
tay, dân một lòng ta há sợ gì ?

Đào Kỳ cảm động hai tay nắm lấy hai tay Minh Giang, cả hai như nghẹn lời không nói được câu nào.

Lát sau Minh Giang lại góp ý :

– Ý tôi như thế này : Nay mai khi Lĩnh-nam vương tới đây. Đào đại ca đặt vấn đề sẽ lấy quân số ở đâu để bổ sung quân Hán khi bị hao hụt đánh
Ích-châu. Lúc đó tôi tình nguyện đưa ý kiến rằng, nếu lấy tráng đinh thì một là chưa kinh nghiệm, hai là phải mất thời gian huấn luyện. Chi bằng lấy trong các địa phương bổ sung. Tỉ như thiếu 300 quân, thì lấy 300
quân Hán ở các lữ địa phương, rồi tuyển 300 tráng đinh thay vào. Đề nghị như vậy chắc vương gia và các đại tướng quân cho rằng tôi sốt sắng,
khôn ngoan hết lòng với đoàn quân phạt Thục. Nhưng sự thực lại khác, vì
các Thái-thú gửi quân Hán đi, tất phải tuyển các tráng đinh Việt thế
vào. Chỉ vài trận là các ữ địa phương trở thành toàn quân Việt. Trường
hợp phải bổ sung các tốt trưởng, lữ trưởng cũng thế. Các Thái-thú phải
ưu tiên đưa người Hán đi thay.

Phương-Dung khen ngợi Minh Giang :

– Minh huynh thật là người đa mưu túc kế. Với ý kiến như vậy, chúng ta sẽ thành công.

Hai hôm sau đạo Trung-quân của Lĩnh-nam vương mới đến Quế-lâm. Hà thái
thú đem bá quan văn võ, cùng nam phụ, lão ấu treo đèn kết hoa, đốt pháo
mừng ông vua nhân đức áo gấm về làng.

Nguyên năm Đinh-hợi tức 214 trước Tây lịch, nhà Tần cướp đất Lĩnh-nam,
trải qua nhà Triệu phản Tần, rồi nhà Hán diệt Triệu lập Lĩnh-nam thành
quận, huyện cai trị đã gần 300 năm Dân Lĩnh-nam là kẻ bị trị, dãn chúng
nhục nhã vô cùng, người Việt không được làm bất cứ quan chức gì. Mãi cho đến khi Nghiêm Sơn được phong Lĩnh-nam công được toàn quyền kinh lý mọi việc, chàng mới cho người Việt làm tới chức huyện úy, huyện lệnh, trong quân được cử tới cấp sư trưởng. Nay Nghiêm được phong tới tước vương,
và cho người Việt giữ cả chức Thái-thú, Đô-úy, Đô-sát. Đã thế chính
vương là người Quế-lâm bảo sao dân chúng không vui mừng hoan hô dậy đất ?

Nghiêm Sơn dùng phủ Thái-thú làm đại bản doanh. Bộ chỉ huy của Đại-tư mã Đặng Vũ và Xa-kỵ tướng quân Ngô Hán đã tề tựu đông đủ. Vương hẹn ba hôm nữa sẽ họp tướng lãnh toàn quân, bàn định kế sách. Chiều hôm ấy cơm
nước xong, Hoàng Thiều-Hoa hỏi chồng :

– Bây giờ đại ca dẫn em về thăm nhà đi chứ ? Em mang tiếng là đồ đệ Đào
hầu, lễ nghĩa có thừa, vậy mà lấy chồng đã sáu, bảy năm cũng chưa biết
gia đình nhà chồng ra sao, nghĩ thực xấu hổ !

Nghiêm Sơn nắm tay nàng cảm động :

– Đó là lỗi tại anh. Vì bận rộn, nên chưa đưa em về thăm nhà. Họ hàng
nhà anh rất đông, lại thêm người trong môn phái. Bây giờ chắc họ tụ hội ở trang ấp, chờ chào mừng chúng mình.

Đoạn vương cho mời hai vị sư thúc Triệu Anh-Vũ và Lương Hồng-Châu, rồi
tất cả lên ngựa về thăm nhà. Trang ấp của thân phụ Nghiêm Sơn tên
Nhạn-sơn, nằm ở phía Nam thành Phiên-ngung. Phụ thân vương vốn là một
đại tướng quân ở Trường-sa thời Tây-Hán. Ông về Quế-lâm dưỡng lão, ông
giàu có, gia sản súc tích, tráng đinh, đệ tử trong ấp hàng trăm người.
Khi từ trần ông để lại cho vương. Cách đây 8 năm, khi Nghiêm Sơn được
phong Lĩnh-nam công. Thái-thú Quế-âm đã tuyển thợ khéo cất phủ đệ cho
vương. Nhưng chưa bao giờ chàng về Nhạn-sơn mà chỉ ở Long-biên và
Luy-lâu thuộc Giao-chỉ. Kịp khi được gia phong tước phong tước vương,
Thái-thú Hà Thiên lại xuất công quỹ tu sửa, dinh thự trở thành một vương phủ tráng lệ. Thái-thú lại cắt cử quân lính, mã phu, thị nữ phục dịch.
Khi mọi việc vừa hoàn tất thì kịp Nghiêm Sơn dẫn binh phạt Thục về qua.

Hôm nay vương cùng vương phi và hai sư thúc một Hán, một Việt cùng là
hai đại tướng quân và sư huynh là Thái-thú sở tại trở về nhà. Nên dân
địa phương náo nức chờ đón ông Vua nhà mình, quang cảnh thực là náo
nhiệt. Dân chúng trong trang ấp vừa sung sướng, vừa hãnh diện. Họ hãnh
diện vì là con dân thang mộc ấp, họ sung sướng vì theo luật thời bấy
giờ, họ được miễn mọi thứ thuế má binh dịch.

Nghiêm Sơn có lòng nhân từ, vương không muốn phiền hà dân chúng đón đưa, nên âm thầm dẫn một ít người về thăm nhà không tiền hô, hậu ủng. Vậy mà khi về gần tới trang Nhạn-sơn, đã thấy dân chúng dàn hàng phủ phục hai
bên đường chào đón. Đến cửa trang, đã thấy cờ biển rực rỡ, giáp sĩ gươm
giáo sáng choang đứng dàn chào. Vương mời các bô lão, nhân sĩ địa
phương, đệ tử bản môn vào dinh dự tiệc. Bước vào sảnh đường, vương nói
với quan khách :

– Nhờ phúc ấm tổ tiên Nghiêm Sơn này được phong Lĩnh-nam vương. Cô không lấy tước vương làm quý, mà lấy việc tạo phúc cho dân làm lẽ chính. Song thân tôi qua đời sớm, nay áo gấm về làng chỉ còn nhũ mẫu. Chữ hiếu là
kỷ cương của trời đất. Vậy xin quý vị ngồi uống rượu để vợ chồng tôi vào vấn an nhũ mẫu đã.

Đọan vương và Thiều-Hoa bước vào nội đường thăm nhũ mẫu. Hoàng Thiều-Hoa đã được Nghiêm Sơn kể cho nghe rằng vương có một nhũ mẫu, nuôi dưỡng,
thương yêu vương từ nhỏ. Vương kính như mẹ đẻ.

Đến nội đường, thấy căn nhà mỹ lệ, cột kèo chạm trổ tinh vi. Trước nhà
có nữ tỳ đứng hầu, thấy vương gia và vương phi đến, họ vội quỳ xuống vấn an. Nghiêm Sơn khóat tay miễn lễ hỏi :

– Má má ta ở trong này phải không ? Người vào thông báo có ta và hiền thê cầu kiến.

Hoàng Thiều-Hoa kinh ngạc, vì thời bấy giờ nhũ mẫu là một thứ tôi đòi,
vậy mà Nghiêm Sơn gọi bằng má má, tức tiếng dùng để gọi mẹ đẻ. Lại nữa
vương là vương gia dù nhũ mẫu cũng phải quỳ đón, tại sao lại phải nhờ nữ tỳ thông báo, xin cầu kiến như đối với một vị thái hậu vậy ?

Một lát nữ tỳ ra nói :

– Phu nhân mời vương gia và vương phi !

Nghiêm Sơn đẩy cửa bước vào. Thiều-Hoa cũng vào theo, nàng thấy một
thiếu phụ tuổi khoảng trên 30, nhan sắc diễm lệ, ngồi trên ghế sơn son
thiếp vàng. Nghiêm Sơn chạy đến ôm lấy bà gọi :

– Má má con về thăm má má đây !

Vương vẫy Thiều-Hoa :

– Em lại ra mắt má má đi.

Thiều-Hoa nghe chồng nói bỡ ngỡ đến ngẩn người ra. Trong tâm nàng nảy
không biết bao nhiêu nghi vấn : Dù vương có đến đâu chăng nữa, cũng
không thể bất nàng là một vương phi ra mắt một nhũ mẫu, tức một loại tôi tớ. Trước đây vương nói : Nhũ mẫu nuôi sữa vương suốt hai năm liền. Sau này vương sống bên cạnh nhũ mẫu, nên tính tình vương không giống mẹ mà
giống nhũ mẫu. Năm nay Nghiêm đã 33 tuổi, ít ra bà cũng khoảng trên dưới 50, chứ sao lại chỉ chừng 30 tuổi ? Cho rằng phụ thân vương là đại
tướng quân bỏ tiền mướn nhũ mẫu cho vương, nhưng sao lại có người xinh
đẹp đến thế mà chịu đi làm nhũ mẫu ? Nàng thấy bà có sắc đẹp giống Đinh
Hồng Thanh, nhu nhã mềm mại, mờ mờ như người trong sương khi có, khi
không ?

Thiều-Hoa tiến lại, còn đang bỡ ngỡ không biết phải dùng lễ gì ra mắt, bà đã nắm lấy tay nàng, kéo ngồi xuống cạnh bà :

– Đẹp đẹp thực ! Trên đời, ta chưa từng thấy ai đẹp như thế này. Xưa kia ta và sư tỷ nổi danh là hai hoa khôi đất Trường-sa, nhưng so với vương
phi còn kém xa.

Bà lại kéo tai Nghiêm Sơn :

– Thằng chó con này, mấy năm không về thăm má má. Thì ra con có vợ đẹp
rồi quên má má hẳn ? Ta nghe Quang-vũ chờ công chúa Vĩnh-Hòa lớn lên rồi gả cho con. Khi công chúa được 15 tuổi, Quang-vũ nghe tin con mới cưới
vợ, quần thần tâu rằng : Con là Quốc-công, tỳ thiếp bao nhiêu mà không
được, cứ gả công chúa Vĩnh-Hòa cho con. Hồi ấy ta nghe Thái-thú Tích
Quang cũng mật tấu về rằng vợ con là gái Việt. Con chỉ sủng ái mình
nàng, nhất quyết không để ý đến người thứ nhì.

Ngừng một chút ngắm nghía Thiều-Hoa, bà tiếp :

– Công chúa Vĩnh-Hòa là con gái sư tỷ của ta. Chúng ta đẹp ngang nhau,
không ai hơn. Vậy mà ta nghe đâu công chúa còn đẹp hơn mẹ. Ta nghe
truyện cứ tiếc cho con mãi. Bây giờ gặp mặt vương phi thấy con chỉ sủng
ái mình nàng là đúng. Nếu ta là con, ta cũng hành sử như vậy. Nàng đẹp
thực !

Rồi bà cười với ThiềuHoa :

– Ta nghe vương phi xuất thân danh gia đệ tử, học trò Đào hầu đất
Giao-chỉ, nổi danh võ nghệ cao cường, lễ nghĩa văn học đều thông. Nhìn
sắc diện vương phi nếu nói ôn nhu, văn nhã cũng có vẽ ôn nhu, văn nhã.
Nếu nói có vẻ thanh tao yểu điệu thì cũng có vẽ thanh tao, yểu điệu.
Nhưng điều khó kiếm là sắc diện tươi hồng của người tập võ. Hiếm có nữ
lưu nào lại vẹn toàn như vương phi.

Thiều-Hoa càng ngạc nhiên, khi bà gọi hoàng đế bằng tiếng trống trơn
Quang-vũ. Thiên tử cùng Lĩnh-nam vương bà mặc nhiên coi như người dưới.
Vậy mà với nàng bà vẫn một điều gọi là vương phi.

Nghiêm Sơn tỉ tê tường thuật tất cả những gì xảy ra xung quanh vương. Bà chăm chú nghe, thỉnh thoảng hỏi thêm chi tiết. Cuối cùng căn dặn chàng :

– Con cố gắng giúp Quang-vũ. Nó là anh em kết nghĩa với con. Nó làm
hoàng đế Trung-nguyên, con làm vua Lĩnh-nam, má má chỉ mong hai đứa thi
ân bố đức cho thiên hạ, là má má mát lòng.

Bà lại thăm hỏi Thiều-Hoa từng li, từng tí. Bà đứng lên bưng ra cái hộp
nhỏ thiếp vàng, rồi mở nắp. Bên trong, có một chiếc vòng ngọc đỏ như máu và một chuỗi hạt trai. Bà cầm hai chiếc vòng ngọc đeo vào hai tay
Thiều-Hoa và đem chuỗi hạt trai choàng cổ nàng. Nàng thấy bà đầm ấm,
dáng điệu ôn nhu, yểu điệu kỳ lạ. Nàng tự nghĩ : Không biết sao nhũ mẫu
của Nghiêm Sơn lại có những thứ trân bảo nhất thế gian này? Bà đeo vào
người tặng ta, cũng chẳng cần hỏi xem ta có thuận hay không. Thật kỳ lạ.

Bà bước lui ngắm nhìn Thiều-Hoa rồi nói :

– Hai chiếc vòng và chuỗi ngọc là kỷ vật của Tiên vương đã tặng má má, bây giờ má má cho con.

Thiều-Hoa ngắm cặp vòng, trên có khắc chữ “Chính-hòa tam niên”. Nàng
giật mình, vì Chính-hòa là niên hiệu Vũ-đế nhà Tây-hán. Kể từ năm
Chính-hòa thứ ba đến bây giờ vừa đúng 135 năm !

Trọn đêm đó, Nghiêm Sơn và Thiều-Hoa lưu lại trang Nhạn-sơn. Nhũ mẫu
mang đàn ra tấu hơn chục nhạc khúc. Thiều-Hoa học văn, học võ đều giỏi,
nhưng nàng không có kiến thức nhiều về âm nhạc. Nghe bà tấu hơn 10 khúc
nàng chỉ nhận ra có khúc Phượng cầu kỳ hoàng của Tư-mã Tương Như, khúc
Dương xuân bạch tuyết của Tiêu Sử và khúc Ly-tao của Khuất Nguyên.

Đêm ấy, khi vào trướng với chồng, nàng đem những thắc mắc ra hỏi Nghiêm Sơn, nhưng cũng chỉ được chồng nói sơ lược về nhũ mẫu :

– Khi anh được mấy tháng, thân mẫu bị bệnh mất sữa. Nhân thân phụ đi săn gặp nhũ mẫu bị nạn, người cứu bà về nhà. Nhũ mẫu cũng vừa bị mất con,
sữa làm căng ngực khó chịu, bà nhận nuôi anh. Từ đấy tình yêu anh quyến
luyến bà theo gia đình anh về Quế-lâm. Bà lớn hơn anh đúng 18 tuổi, năm
nay vừa đúng 51, song bà là đệ nhất hoa hậu đất Trường-sa, lại giỏi âm
nhạc. Tính bà ưa thanh nhàn, thích ẩn dật nên trẻ lâu, vì vậy sắc diện
bà tưởng chừng mới 30. Cũng như ái thê của anh, lấy chồng từ thuở 18, đã 8 năm rồi mà vẫn như mới 20 tuổi vậy !

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN