Anh Hùng Tiêu Sơn - Chương 6: Thiên sứ tống triều
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
157


Anh Hùng Tiêu Sơn


Chương 6: Thiên sứ tống triều


Thiên sứ Tống triều

Thanh-Mai gật đầu:

– Quả thực khó nói. Ông thuyết rằng « Âm dương là đạo của trời đất. Từ đời vua Hùng, đều đặt kỷ cương rằng, trai mười tám, gái mười sáu phải lập gia đình. Sau khi bố mẹ bị bọn Hán giết đến giờ, anh em mình bên nhau, mưu đại sự, trước đền nợ nước, sau trả hận nhà. Anh đã cưới vợ mấy năm rồi. Bây giờ em cũng phải thành gia thất mới phải đạo. » Trinh Nương phản đối : « Tại sao thành gia thất mới phải đạo? Chúng mình đang làm nhiệm vụ vá trời đó mới là đạo lý dân tộc, đạo lý của vua Hùng, vua Trưng. Trong lúc phải dồn hết tâm trí vào e còn không xong. Thế mà anh bảo em yên phận sao? Em muốn đạp sóng lớn, cỡi cá kình, vượt biển Đông, tuốt ba thước gươm trả thù nhà, đền nợ nước, phục hồi Lĩnh-Nam, chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp người ta. Trước kia Trưng-Nhị, Thánh-Thiên, Phùng Vĩnh-Hoa cho đến khi tuẫn quốc vẫn còn con gái. Mà ngày nay dân Việt thờ cúng, có ai chê trách đâu? Thôi được! Chuyện vợ chồng xin anh để sau khi đất nước sạch bóng quân thù đã. »

Tạ Sơn, Lý Mỹ-Linh, Thanh-Nguyên vỗ tay:

_ Câu nói bất hủ. Muôn ngàn năm sau sẽ còn được truyền tụng.

Đạo sĩ Nùng-Sơn tử gật đầu:

– Trong lúc hăng say vá trời, Trinh-Nương trả lời như vậy là phải. Nhưng nếu Quốc-Đạt khéo léo một chút, khích Tú-Mi bằng một lời hứa bâng quơ rằng: hãy gắng sức, sau khi khởi binh sẽ gả Trinh-Nương cho. Có phải tốt đẹp không? Thế sau khi Trinh-Nương đáp lời, Quốc-Đạt phản ứng ra sao?

– Quốc-Đạt thuyết Trinh-Nương « Tuy em không đồng ý bây giờ, nhưng sau này thì sao?. » Trinh-Nương trả lời : « Em đồng ý làm vợ Tú-Mi, nhưng dẫn cưới bằng ba thành Cửu-chân, Long-biên, Quế-lâm. » Quốc-Đạt thuật lại cho Tú-Mi. Y im lặng suy nghĩ. Nhưng sau đó y cứ theo sát Trinh-Nương, lải nhải cầu cạnh, làm Trinh-Nương đôi phen nổi nóng.

Đạo sĩ Nùng-Sơn tử hỏi:

– Thế mặt trận ngoài Bắc do ai cầm đầu?

Tự-Mai đáp:

– Thưa đạo trưởng, chính là Tản-viên tam kiệt. Kế hoạch do Đinh Trọng-An thiết lập. Trọng tâm chính là đánh chiếm thủ phủ thứ sử, đóng ở Long-biên. Đúng đêm ấy, ngoài Bắc, phái Long-Biên, phái Tản-Viên đột nhập Long-biên giết chết thứ sử Lữ Đại, chiếm thành. Ngày hôm sau, đạo quân Cửu-chân tiến ra hợp nhau, chiếm nốt các huyện còn lại. Như vậy ta đã có ba vùng Nhật-nam, Cửu-chân, Giao-chỉ… gồm toàn thể lãnh thổ Đại-Việt bây giờ, tức lãnh thổ Âu-lạc xưa. Sau đó liên kết với Thục, Ngụy, cùng đánh Ngô. Khi quân Thục, Ngụy khởi binh. Ta ở gần, nhanh tay chiếm lại Quế-lâm, Tượng-quận, tái lập Lĩnh-nam. Nhưng…

Mọi người như cùng dừng bước, chờ đợi. Tự-Mai thở dài:

– Tiết Kính-Hàn cãi nhau với vợ về vụ đi Ngô không thành công. Nữ-Hoàn chửi rủa Kính-Hàn tham danh, bắt thị cực khổ. Kính-Hàn phải dụ dỗ cho qua. Y kể vì muốn làm thứ sử, rồi biên thùy một cõi, lập lên nghiệp đế như Triệu Đà khi xưa. Bấy giờ Nữ Hoàn đương nhiên thành hòang hậu. Y sẽ phong cho Đinh Trọng-An làm Cửu-chân vương. Phong cho Đinh Tú-Mi làm Long-biên công, kiêm thứ sử Giao-châu. Việc vợ chồng cãi nhau, lọt vào tai Đinh Tú-Mi. Tú-Mi đem truyện đó nói với Nữ-Vĩ. Nữ-Vĩ nghe truyện, tin thực. Y thị cùng Tú-Mi bàn với Triệu Quốc-Đạt bỏ ý định khởi binh. Ngược lại đem hết lực lượng giúp Kính-Hàn bằng cách trợ Ngô, đánh Ngụy. Đợi thắng một trận. Ngô chúa nhất định hài lòng, phong cho Kinh-Hàn làm thứ sử. Khi Kính-Hàn thành thứ sử, đựng cờ uy nghi, có phải hơn việc khởi binh, mạo hiểm, mà khó thành công. Triệu Quốc-Đạt, Triệu Trinh-Nương phản đối quyết liệt, viện dẫn, dù Kính-Hàn lên ngôi vua, cũng vẫn không hơn Triệu Đà. Người Hán cai trị đất Việt. Muôn ngàn lần, dân chúng, võ lâm Lĩnh-nam bất phục. Cãi nhau, nổi nóng quá đi đến chỗ dụng võ. Nữ-Hoàn đấu với Quốc-Đạt. Quốc-Trinh đấu với Tú-Mi. Từ trước đến giờ bản lĩnh Tú-Mi vẫn hơn Quốc-Trinh một bậc. Không hiểu sao nay kiếm pháp của bà kỳ diệu biến ảo khôn lường. Được hơn năm mươi hiệp Tú-Mi lâm nguy. Đinh Nữ-Vĩ nhảy vào trợ chiến bênh em. Quốc-Trinh vẫn đàn áp được cả hai. Tú-Mi hô bộ hạ bao vây hai anh em Triệu. Chỉ chốc lát cả hai anh em đều bị bắt. Bộ hạ Tú-Mi chết hơn trăm người.

Lý Long thở dài:

– Thế là hỏng đại cuộc.

– Đúng thế. Nữ-Vĩ biết sự thể không lùi đựơc. Cần phải báo cho Kính-Hàn biết ngay mọi âm mưu. Nếu không nghĩa binh, võ lâm sẽ tràn vào cứu anh em Quốc-Đạt thì mọi truyện không ổn. Mà thả anh em Quốc-Đạt ra, ắt hai người không dung chị em họ Đinh. Giữa lúc đó hai người từ nóc nhà nhảy xuống. Vung kiếm đánh lui chị em họ Đinh, đưa kiếm cắt đứt dây trói Quốc-Đạt, Quốc-Trinh. Hai người đó chính là Lý Hoằng, Lý Mỹ. Bốn người tiêu diệt đám bộ hạ Tú-Mi. Quốc-Trinh biết vì anh em mình nương tay, mới bị chị em họ Đinh hại. Nàng nghĩ ra một kế, bảo Quốc-Đạt với hai sư đệ họ Lý lấy ngựa lên núi Chung-chinh trước. Mình cản hậu cho. Ba người vội lên ngựa ra đi. Đợi anh đi rồi, Quốc-Trinh mới dở bản lĩnh chân thực ra. Một chiêu đánh rơi kiếm Nữ-Vĩ. Một chiêu nữa đánh rơi kiếm Tú-Mi. Nàng dí kiếm vào cổ y đe dọa, ra lệnh cho y bắt thủ hạ buông vũ khí. Không ngờ Nữ-Vĩ tưởng Quốc-Trinh giết Tú-Mi. Bà nhảy vào đứng chắn trước mặt em. Quốc-Trinh không kịp thu chiêu. Một kiếm đâm suốt qua lưng y thị. Quốc-Trinh kinh hoàng, rút kiếm ra, cứu chị dâu, thì mụ đã chết. Lúc bà định thần lại, tìm Tú-Mi không thấy đâu. Y đã trốn mất. Bà khẩn cướp ngựa chạy về núi Chung-chinh.

Mỹ-Linh thở dài:

– Thế mà người Tầu chép sử rằng vì chị dâu đanh ác, bà Triệu giết di, rồi vào núi làm giặc.

Lý Long thở dài:

– Thế là đại cuộc hỏng rồi. Tất nhiên chị em Tú-Mi phải nghiêng về phía Tiết Kính-Hàn. Nội bộ nghĩa quân Việt chia làm hai. Nếu tôi là Kính-Hàn tôi không làm gì cả. Cứ ra lệnh cho Đổng Thừa lờ đi như không biết. Tự nhiên Tú-Mi phải xuất lĩnh lực lượng mình thanh toán lực lượng Quốc-Đạt. Ngoài Bắc dĩ nhiên Đinh Trọng-An xót tình máu mủ. Y theo phe con mình. Hai phe nghĩa quân tự đánh nhau. Mình ôm gối ngồi cao. Đợi cuộc chiến ngã ngũ, tung mẻ lưới bắt hết.

Tự-Mai lắc đầu:

– Quốc-Trinh không để cho Tiết Kính-Hàn trở tay. Về đến núi Chung- chinh. Bà đốc quân tiến đánh Nga-sơn, Biện-sơn, Linh-trường, Vô-biên ngay. Dù lúc đó Kính-Hàn đựơc Tú-Mi thông báo cho đầy đủ tin tức. Triệu Quốc-Đạt biết Tiết Kính-Hàn có tập trung được quân cũng mất một ngày. Vì vậy ông tung các cao thủ đón đừơng giết hết bọn lưu tinh truyền tin. Một mặt ra quân. Chỉ hai ngày chiếm bốn huyện, rồi tập trung quân tiến về thành Cửu- chân. Bấy giờ Đổng Thừa đã chỉnh bị nhân mã cố thủ. Một mặt gửi thư cầu cứu với thứ sử Giao-châu là Lục Dận. Lục Dận được tin cấp báo. Y khẩn ra lệnh đề phòng. Một mặt truyền võ sĩ bảo vệ quan lại. Một mặt báo động khắp nơi. Vì hệ thống thông tin ra Bắc nằm trong tay Tú-Mi. Tú-Mi phản rồi, thành ra võ lâm Cửu-chân không tuân lệnh y nữa. Do vậy y không báo tin cho cha biết. Các thủ lĩnh ngoài Bắc nào ngờ kế họach bị lộ. Cứ thi hành như dự trù. Vì vậy Tản-viên tam kiệt bị trúng phục binh chết khi vừa nhập thành Long-biên. Lục Dận cho thiết kị bao vây tổng đừơng phái Tản-viên, Long-biên. Các đệ tử hai phái tử chiến đến người cuối cùng. Quân Hán tổn hại không ít. Hầu hết các tướng bị giết.

Nùng-Sơn tử gật đầu:

– Ít ra phải như vậy. Mình chết một, chúng phải chết trăm. Cho hả cơn giận.

– Lục Dận không đủ quân tiếp viện cho Kính-Hàn. Y tung toàn lực đánh truy lùng bắt giết gia đình những người ứng nghĩa. Gặp đường cùng, võ lâm đều nổi dậy. Song không thống nhất. Lại lâm vào nạn chia bè, kéo cánh. Vì vậy Lục Dận đàn áp dễ dàng. Phải mất hơn ba tháng, tình hình ngòai Bắc mới ổn định. Trong khi đó thì quần hào nổi dậy chiếm được Nhật-nam. Vùng Cửu-chân, chỉ còn thủ phủ của Tiết Kính-Hàn. Quần hào quyết định để Triệu Quốc-Đạt vây thành Cửu-chân. Còn Triệu Trinh-Nương tiến quân ra Bắc. Tới núi Dục-thúy đựơc phái Hoa-lư nổi lên tiếp ứng. Trinh-Nương chém chết Chinh-nam đại tướng quân bên Ngô là Cam Du. Quân Ngô rúng động, tan vỡ.

Huệ-Sinh thắc mắc:

– Này thầy đồ, tôi nghe Cam Du là con trai đại tướng quân Cam Ninh bên Đông-Ngô, anh hùng vô địch. Khi y sang Lĩnh-nam, không ai địch nổi y. Đến Đinh Trọng-An cũng chỉ chịu đựơc có năm mươi chiêu, rồi mất mạng. Trinh-Nương làm sao giết được y?

Tự-Mai cười:

– Bạch thầy, đó là điều bí mật võ lâm. Chính vì vậy, bọn Triệu Huy, Quách Quỳ mới có mặt ở vùng này. Đêm qua xẩy ra cuộc đại chiến ở đền thờ đức ông Tương-liệt đại vương, cũng do đấy mà có.

Huệ-Sinh ngơ ngác:

– Nghĩa là?

– Người người truyền tụng rằng Trinh-Nương đã tìm được bộ Lĩnh-nam vũ kinh, luyện thành Long-biên kiếm pháp. Từ sau khi Trinh-Nương khuất bóng, trong giới giang hồ võ lâm nổi lên những trận phong ba. Người ta đổ xô đi tìm bộ vũ kinh. Cho nến nay, trải hơn tám trăm năm người ta vẫn còn kiên gan đi tìm. Nguyên do chỉ vì muốn được bộ Lĩnh-nam vũ kinh, cùng bản đồ kho tàng Tần-Hán, Âu-Việt.

Tôn Đản không hiểu:

– Thầy đồ nói rõ hơn một chút đi.

Tự-Mai gật đầu, nói thực chậm:

– Từ trước đến giờ bản lĩnh của Trinh-Nương còn thua sư huynh Lý Hoằng, Lý Mỹ một bậc. Khi ra quân Lý Hoằng chỉ chịu được có bốn mươi hiệp đã lạc bại đưới kiếm của Cam Du. Đạo quân của Lý Hoằng phải lui lại. Vừa lúc đó quân Trinh-Nương tới. Đi trước là lá cờ đề bốn chữ Nhụy kiều tướng quân . Bà cỡi trên con voi trắng, mặc quần áo lụa vàng. Cam Du thấy một thiếu nữ mặt tươi như hoa, dáng diệu khoan thai, thì bật cười hỏi: Phải chăng nàng là Triệu Quốc-Trinh thuộc phái Long-biên?. Trinh-Nương ngồi trên bành voi lễ phép : Không dám, tiểu nữ xin tham kiến đại tướng quân. Đối đáp một lúc, đưa đến Trinh-Nương thách Cam Du độc đấu. Hai bên thỏa thuận cho quân nghỉ, hôm sau đấu. Hai bên ước hẹn nếu Trinh-Nương thua phải đầu hàng. Còn Cam Du thua, y phải rời bỏ Giao-châu về Ngô.

Nùng-Sơn tử than:

– Trinh-Nương bạo gan quá, dám đem đại cuộc ra hơn thua trong một trận. Lỡ thua thì sao?

Tự-Mai gật đầu:

– Lý Mỹ thấy xưa nay Trinh-Nương hành sự cẩn trọng, mà lại bỏ lề lối cũ, ắt có mưu kế gì đây. Nên ông không cản. Trở về trại, Trinh-Nương dặn hai sư huynh suốt đêm đem quân vòng núi Hồi-hạc. Một người vòng núi Cánh-diều phục sẵn. Khi bà giết chết Cam Du, tàn quân Ngô ắt chạy trở về Bắc. Nếu gặp quân Ngô gốc Hán, chúng sẽ tử chiến, không hàng đâu, cứ giết thẳng tay. Còn ngược lại gặp quân Ngô gốc Việt cần chiêu dụ chúng hàng… Sáng hôm sau Trinh-Nương y hẹn cùng Cam Du dàn quân tại Trường-yên. Quân sĩ ở phía sau 3 lằn tên. Chỉ hai chúa tướng đơn đấu. Cam Du nhường Trinh-Nương ra chiêu trước. Trinh-Nương từ bành voi vọt ngừơi lên cao. Bà lộn ba vòng trên không, người tà tà hướng về phía Cam Du. Cam Du cũng vọt nười khỏi mình ngựa đưa kiếm gạt. Hai kiếm đụng nhau trên không. Trinh-Nương bay trở về bành voi. Cam Du bay trở về mình ngựa. Quân sĩ hai bên la hoảng. Còn Cam Du mặt tái nhợt.

Tạ Sơn ngạc nhiên:

– Cái gì vậy?

– Trinh-Nương dùng kiếm pháp Long-biên. Trong khi hai kiếm đụng nhau, người bà bật lại. Bà xử dụng một chiêu trấn môn, cắt đứt đai áo của y. Y tần ngần nhìn đai áo, lòng kinh hoảng. Y hỏi: Ta tưởng từ khi Đào Kỳ, Nguyễn Phương-Dung, Phật-Nguyệt qua đời đến gìơ thì tám mươi mốt thức trấn môn Long-biên kiếm pháp thất truyền. Không ngờ cô nương cũng biết xử dụng. Tuy vậy tự tin bản lĩnh mình. Y tiếp tục giao chiến. Đánh được khỏang 200 hiệp y khám phá ra rằng Trinh-Nương mới học kiếm pháp trấn môn Long-biên, vì vậy chưa thuần thục. Bằng không y mất mạng ngay từ chiêu đầu. Càng đánh y càng kinh hoàng. Thình lình Trinh-Nương quát lên một tiếng, người bà quay tròn như con quay, lăn vào làn kiếm quang của Cam. Choảng một tiếng kiếm của y bay bổng lên trời. Tiếp theo đầu y rơi xuống đất. Trinh-Nương chỉ tay một cái, nghĩa quân Việt tiến lên. Quân Ngô đông gấp bội, lại kinh nghiệm chiến đấu. Chúng tử chiến cướp xác chủ tướng. Nhưng phó tướng của Cam lại bị Trinh-Nương giết chết. Chúng kinh hoảng bỏ chạy. Nghiã quân đuổi theo. Chúng chạy được nửa buổi, không thấy bóng voi trắng của Trinh-Nương, tưởng yên. Thình lình trúng phục binh của Lý Hoằng, Lý Mỹ. Thế là đại quân tan rã. Đến đây có hai đường lối hành động. Em đố anh cả biết đó là đường lối nào?

– Dễ thôi. Một là thừa lúc giặc đang mất nhuệ khí, tiến lên như sét nổ vây Long-biên. Hai là dừng quân chỉnh đốn lực lượng, tổ chức nền nội trị gây cơ sở rồi chia quân chiếm các thôn xóm, cô lập, tuyệt lương thảo địch. Sau đó đánh chiếm Long-Biên.

Huệ-Sinh hỏi:

– Chủ nhân, nếu chủ nhân là Trinh-Nương. Chủ-nhân chọn đường lối hành động nào?

Lý Long kính cẩn đáp:

– Thưa sư phụ, đệ tử chọn đường lối thứ nhất. Giặc là người Ngô. Thua một trận, tướng sĩ đã nghĩ đến bỏ chạy tháo thân. Vì vậy cần đánh như sét nổ để rút ngắn thời gian.

Thanh-Mai gật đầu:

– Ý nghĩ của những bậc anh hùng trong thiên hạ thường giống nhau. Trinh-Nương qủa đã hành động như anh cả. Bà truyền thúc quân tiến ra Long-biên. Thứ sử Lục Dận nghe tin Cam Du tử trận. Đại quân tan vỡ. Y truyền rút quân ở các vùng lân cận về gĩư thành Long-biên. Quân trong thành lên đến mười vạn. Trong khi quân của Trinh-Nương gồm ba nghìn nghĩa binh. Dọc đường thu dụng thêm một vạn của Cam Du, tuyển bốn vạn tân binh. Tổng cộng chỉ có gần sáu vạn. Trinh-Nương đóng ngoài thành Long-biên, ngày đêm đánh trống khua chiêng cướp tinh thần địch, cùng chiêu binh, mua ngựa, luyện quân. Vây hơn nửa tháng,thì có nhiều tướng sĩ gốc người Việt trong thành, gửi thư ra xin Trinh-Nương tiến công. Họ nguyện làm nội ứng. Trinh-Nương mừng lắm, tiến quân công thành. Quả nhiên tướng Ngô, gốc Việt mở cổng thành cho nghĩa binh tràn vào. Binh tướng Ngô trong thành đầu hàng hết. Lục Dận trốn mất. Trinh-Nương sai ngưa lưu tinh báo về cho Triệu Quốc-Đạt biết. Một mặt bà tiến quân đánh chiếm các vùng còn lại của Giao-châu. Thôi để Tự-Mai thuật tiếp.

Tự-Mai cầm bầu nước tu một hơi rồi tiếp:

– Tin chiến thắng Long-biên đưa về. Triệu Quốc-Đạt truyền viết thư hiệu triệu tướng sĩ trong thành Cửu-chân hãy mở của qui hàng. Việt được ân xá, cho giữ chức tước cũ. Hán thì cho về Ngô cùng với vợ com của cải. Một số tướng sĩ gốc Việt cùng với Tú-Mi mưu mở cửa thành cho nghĩa quân vào bị bại lộ. Tú-Mi bị bắt giam. Mấy tướng leo thành ra hàng. Hàng tướng tiết lộ cho Quốc-Đạt biết có một đường hầm từ ngoài vào trong thành. Họ tình nguyện đi trước dẫn đường. Quốc-Đạt mừng lắm. Một mặt tấn công. Một mặt cho các cao thủ theo đường hầm đột kích.

Thiện-Lãm than:

– Trúng kế giặc rồi!.

Tạ Sơn ngạc nhiên:

– Tại sao?

– Tú-Mi phản quốc, y tự biết không thể được dung tha. Đời nào với một bức thư hiệu triệu mà y đổi lòng? Hơn nữa trước kia y coi về tế tác, oai quyền biết mấy. Bây giờ hai chị bị giết. Y thù Quốc-Đạt, Quốc-Trinh đến gân, đến tủy. Đời nào y hàng để rồi bị nhục nhã. Còn các tướng ra hàng, càng vô lý. Bọn tham danh, tham tiền bán rẻ lương tâm theo giặc chẳng qua vì tiền. Vì vợ con. Nay đời nào chúng dám bỏ vợ con, ra hàng một mình. Chẳng qua đây là kế của Tiết Kính-Hàn mà thôi.

Mọi người đều gật đầu công nhận lý luận của Lãm xác đáng. Tự-Mai tiếp:

– Đúng thế. Các cao thủ đột nhập thành, đều bị bắt hết. Bên trong Tú-Mi cho nổi lửa, mở cửa thành. Quốc-Đạt tiến quân vào, bị phục binh bắn như mưa. Ông trúng ba mũi tên chết tức khắc. Song nghĩa quân mạnh như thác đổ, tràn vào. Hai bên giáp chiến suốt đêm. Đến sáng, phần thắng về phía quân Ngô. Giữa lúc đó, quân Trinh-Nương xuất hiện, cứu viện. Tiết Kính-Hàn, Đổng Thừa, Tú-Mi đều bị bắt.

Lý Mỹ-Linh phản đối:

– Vô lý. Từ Long-biên, nay là Thăng-long, vào đến Cửu-chân phải mất ít ra một ngày, một đêm. Trinh-Nương làm sao cứu viện mau như vậy đựơc? Họa chăng có cánh.

Tự-Mai cười:

– Nguyên khi chuẩn bị đánh thành Cửu-chân, Quốc-Đạt sai người phi ngựa ngày đêm ra báo tin cho Trinh-Nương biết. Trinh-Nương nhìn ra chỗ gian dối. Bà không kịp sai người viết thư cản anh. Đích thân điều động đội thiết kị phi suốt đêm về Cửu-chân cứu viện. Hôm sau, bà sai phanh thây Tiết Kính-Hàn, Đổng Thừa, Tú-Mi tế Quốc-Đạt. Anh chết rồi Trinh-Nương chỉ còn biết xua quân tiến chiếm Cửu-chân. Việc hoàn tất thì có thư của chưởng môn phái Tản-viên xin tha cho Tú-Mi. Trinh-Nương viết thư phúc đáp rằng việc đã lỡ. Tú-Mi bị giết trước khi thư tới. Các cao thủ phái Tản-viên cho rằng Trinh-Nương khinh thường họ. Họ tự ly khai với Cửu-chân. Thế là ngoài Bắc diễn ra cuộc tương tàn. Giữa lúc đó Ngô chúa sai Lữ Đại đem đại quân sang đánh. Thủy bộ hơn hai mươi vạn. Chỉ một tháng Lữ Đại chiếm lại được Giao-chỉ. Các anh hùng đất Bắc phần bị giết. Phần đầu hàng. Lữ Đại đem quân vào Cửu-chân. Trinh-Nương chỉ còn lực lượng không đầy hai vạn. Bà phải rút lên núi Chung-chinh kháng chiến. Lữ Đại đem quân vây núi, nhưng không thể tiến lên. Vì vậy chúng mới làm bài thơ. Trong đó có câu:

“Hoành giáo đương hổ dị.

Đăng sơn đối bà nan”.

Lý Long hỏi:

– Về sau ra sao?

– Không thấy sử nói rõ. Chỉ biết sau ba năm vây núi. Lữ Đại cho quân tiến lên, thì thấy trang trại hoang vu. Không một bóng người, một bóng ngựa. Còn Trinh-Nương có thuyết nói bà ẩn thân hành hiệp. Có người nói bà sang Kiến-nghiệp, giết chết Ngô chúa là Tôn Quyền. Việc này xẩy ra vào niên hiệu Diên-hy thứ 15 Hậu-Hán. Hậu-chúa nhằm năm Nhâm-Dần ( 252 sau Tây lịch). Con Quyền là Tôn Lượng lên thay cải niên là Kiến-hưng.

Lý Long thẫn thờ nói:

– Cứ như truyền thuyết thì khi biết không còn hy vọng gì nữa, bà Triệu cho anh em nghĩa quân vượt núi trốn đi. Chỉ để lại một nghĩa quân thân tín nhất. Bà vào động Xuân-đài, rồi sai nghiã quân đó lấp đá. Vì vậy đời sau không ai biết động Xuân Đài ở đâu.

Sư thái Tịnh-Huyền nói:

– Từ bao năm nay, võ lâm Lĩnh-nam mơ ước tìm ra động Xuân-đài. Vì họ nghĩ rằng Trinh-Nương đã học được kiếm pháp Long-biên ở đó. Họ đi đến kết luận rằng Trinh-Nương tìm được bí quyết trấn môn phái Long-biên trong động Xuân-đài. Chắc trong động còn cất nhiều bí quyết võ công thời Lĩnh-nam. Vì vây, đời nào, phái nào cũng có người tìm động này. Chỉ có chúng ta là muốn đến hành hương đất cũ mà thôi.

Hà Thiện-Lãm:

– Như thế thì bà Triệu chết năm nào không ai biết. Vậy tại sao lại có lăng của bà trên núi Chung-chinh rồi trên núi Sơn-trang?

Tự-Mai đáp:

– Sau này dân chúng xây lăng tượng trưng để thờ kính. Chứ cho đến nay không ai biết bà mất ở đâu, mất bao giờ, thì làm sao có xác để chôn.

Tôn Đản hỏi Tự-Mai:

– Anh nghe nói bà Triệu có cặp vú dài đến rốn. Viêc này đúng hay sai?

Lý Long cười:

– Sau đó người Ngô bịa truyện ra nói xấu bà Triệu. Theo quan niệm người Hán. Đàn bà vú dài là người dâm đãng. Bà Triệu vú dài ắt là người dâm đãng vậy. Cứ y học mà suy thì đủ biết. Tỳ chủ khí, chủ về bắp thịt. Khi người tập võ, thì chân khí phải mạnh, bắp thịt cứng rắn. Bà Triệu có võ công cao như vậy, bắp thịt phải cứng lắm. Bắp thịt cứng thì làm sao vú dài được?

Đoàn người đã đến chân núi Chung-chinh. Thiện-Lãm chỉ ngọn núi nói:

– Kia là sông Mã. Con sông linh của đất Cửu-chân. Cả một vùng đất mênh mông, ngổn ngang hàng trăm ngọn đồi hoang vu. Trên đồi cỏ mọc lên dãy núi đá lớn. Địa thế hùng vĩ thế kia, hơn nghìn năm trước là nơi đóng quân, luyện quân của Lệ-Hải Bà-vương. Em chỉ biết có vậy. Còn hang Xuân-đài đâu thì em chịu.

Đoàn người dạo khắp núi. Trời xế chiều Thanh-Mai bàn:

– Bây giờ chúng ta xuống núi kiếm nhà trọ qua đêm. Ngày mai sẽ trẩy hội.

Tôn Đản bàn:

– Đêm nay trăng sáng qúa. Hay là chúng ta qua đêm trên núi này chẳng thú vị ư?

Sư thái Tịnh-Huyền gật đầu:

– Con bàn thực phải. Chúng ta chỉ ngắm núi ban ngày, sao tưởng tượng được cảnh huyền bí xưa kia bà Triệu đã luyện quân trong đêm?

Huệ-Sinh nhìn Lý Long như hỏi ý kiến. Lý Long nói:

– Phải đấy.

Tôn Đản điều khiển Tự-Mai, Thiện-Lãm, Thuận-Tông, Thanh-Nguyên kiếm cỏ trải thành nệm cho Tịnh-Huyền, Huệ-Sinh, Lý Long, Tạ Sơn, Lý Mỹ-Linh, Thanh- Mai. Nó nói:

– Người lớn thì chúng ta phải trải nệm cho. Còn bọn nhóc mình, tự lo lấy. Đó là lễ nghi Đại-Việt.

Nó nói với Lý Long:

– Chúng ta tạm ăn cơm nắm chiều nay. Ăn cơm nắm muối vừng xót ruột chết. Để em kiếm ít rau, ăn cho mát ruột. Vùng này nhiều rau dền lắm. Em thấy có cả rau dền tía nữa.

Thiện-Lãm hát:

Rau dền, chấm với mắm tôm,

Chết đi sống lại, ăn còn thấy ngon.

Bọn trẻ hái rau dền. Chợt Tôn Đản la lớn:

– Anh Mỹ-Linh ơi. Chắc anh chưa thấy rau dền bao giờ thì phải. Có hai loại dền. Nhưng chỉ có một loại rau. Cả hai loại dền từ hình dáng đến lá, hoa đều giống nhau. Chỉ khác ở điểm rau thì không có gai. Còn dền thì có gai. Hái dền thì hái cả ngọn lẫn lá. Phải cẩn thận, lá dền rít, nên dễ bị lông, tóc quấn vào. Khi hái không cẩn thận, ăn cả tóc thì khốn… Anh không phân biệt đựơc hai thứ dền, e hái cả dền gai.

Thiện-Lãm than:

– Tiếc qúa ở đây không có mỡ, mắm tôm. Có hai thứ đó, làm dấm chấm ăn ngon tuyệt.

Lý Long hỏi:

– Này chú Lãm, món này anh chưa ăn qua. Dấm chấm rau dền làm thế nào?

– Dễ thôi. Bỏ ít tóp mỡ xào với cà chua. Đợi cà chua nát hết thì cho mắm tôm vào với nước. Đun sôi lên, đem ra chấm rau dền luộc thực tuyệt cú con mèo già. Nhưng dù ở đây có mắm tôm cũng không làm thế được, vì sư bà, với thầy ăn chay. Nấu mắm tôm lên ô uế, các ngài chịu sao nổi.

Ăn xong, sư thái Tịnh-Huyền nhắm mắt nhập thiền. Tôn Đản nháy Lý Long nói:

– Anh cả, chúng mình xuống bờ sông chơi đi.

Lý Long biết đứa trẻ này hành sự khác thường. Chàng theo nó xuống bờ sông. Tôn Đản hỏi:

– Anh có dám xuống âm phủ chơi không?

– Âm phủ?

– Ừ âm phủ. Anh biết không, bọn em thường lên núi Chung-chinh chơi, rồi nhảy xuống sông tắm, bắt cá. Có lần bọn em lặn xuống sâu qúa, thấy cái hang, lần mò bơi vào trong tối om. Lặn một vào sâu lúc nữa thấy có ánh sáng. Bọn em nhô lên, thì ra âm phủ. Ghê lắm. Trong đó có nhiều xương người, búa, gươm, đao không thiếu thứ gì.

– Em tìm thấy từ bao giờ?

– Mấy năm rồi. Trở về em báo cho bố em biết. Bố em đem theo bổi, đá lửa, rồi lặn xuống vào hang xem… Võ công bố em dạy em học là bắt chước những đồ hình trong hang đấy chứ.

Chợt Lý Long suỵt một tiếng. Chàng ghé tai Tôn Đản:

– Có người nghe trộm gần đây.

Chàng lên tiếng:

– Cao nhân phương nào xin xuất hiện tương kiến.

Nói rồi chàng phóng về bụi cây phía sau một chưởng. Bụi cây bật tung lên, hiện ra một người tuổi khoảng hai mươi lăm, hai mươi sáu, trang phục theo lối dân quê. Chàng biết người này nội lực không tầm thường, mới chịu được chiêu Phi vân chưởng của mình.

Hà Thiện-Lãm la lớn:

– Anh cả! Người này tên Triệu Anh. Y là một trong Tung-sơn tam kiệt thuộc phái Thiếu-lâm. Hôm qua y định giết em. Rồi đêm đến đột nhập đền thờ đức ông Tương-liệt đại vương ăn trộm. Anh cả mau bắt y nộp quan trừng trị.

Lý Long nghiêm trang hỏi Triệu Anh:

– Các hạ là người Hán, sang Đại Việt từ bao gìơ. Thẻ bài nhập cảnh của các hạ đâu, xin cho tại hạ được xem.

Triệu Anh cười gằn:

– Ta có thẻ bài nhập cảnh hay không, cũng không đến cái thứ mặt mi được xét hỏi.

Lý Long quát:

– Đất nước Đại-Việt. Con dân Đại-Việt nào cũng phải bảo vệ. Ta là con dân của đức hoàng đế, đương nhiên có bổn phận kiểm sóat gian nhân nhập nội làm điều phi pháp.

Triệu Anh cười gằn:

– Ta không đưa thẻ bài thì mi làm gì ta?

Nói rồi y nghênh ngang bước đi. Nhưng y vừa quay bước thì suýt chạm phải một ngừơi. Y kinh hoàng nhảy lùi hai bước. Song người đó như bóng với hình theo sát y. Biết gặp đối thủ lợi hại. Y lộn về sau hai vòng, kiếm đường thoát thân. Nhưng khi chân y chạm đất, thì người kia vẫn đứng sát bên y. Nghĩ không thể chạy khỏi, y đứng lại, chửi thề:

– Con mẹ nó. Mi giết ta thì giết đi cho rồi. Mi làm trò gì thế. Ta giận vì học nghệ không tinh… Ta… ta chịu thua mi rồi.

Người đó dùng tay trái túm ngực Triệu Anh nhấc bổng y lên. Tay phải vung một sợi dây. Sợi dây cuộn tròn Triệu Anh lại như cuốn một bó cỏ. Bấy giờ Thiện-Lãm mới nhận ra người ấy là đạo sĩ Nùng-Sơn tử. Nó reo lên:

– Hay quá! Đạo trưởng giỏi thực. Ước gì cháu học đựơc một phần trăm bản lĩnh của đạo trưởng… Ha ha… tên chó Ngô hết hung hăng nhé.

Nói dứt lời, nó đến trước đạo trưởng Nùng-Sơn tử quỳ xuống lậy liền bốn lạy, miệng nói:

– Trăm lạy đạo trưởng, nghìn lạy đạo trưởng. Xin đạo trưởng mở rộng lòng từ bi, nhận cháu là đệ tử.

Nùng-Sơn tử đưa mắt nhìn Lý Long:

– Xin chủ nhân dạy cho ít lời.

Lý Long lên tiếng:

– Mong đạo trưởng chiếu cố đến đứa em thứ bẩy của tôi.

Đạo sĩ Nùng-Sơn tử nâng Hà Thiện-Lãm dậy:

– Ta nhận con làm đệ tử bắt đầu từ lúc này. Con phải hướng vào chủ nhân của ta thề đúng như sau: Kể từ hôm nay, tôi nguyện rằng sẽ trung thành với nghĩa huynh tôi. Nếu tôi ăn ở hai lòng, thì trời chu, đất diệt, bị chết dưới muôn ngàn đao kiếm.

Thiện-Lãm quỳ xuống thề như Nùng-Sơn tử dạy, rồi nó hướng vào Nùng-Sơn tử kêu lên tiếng sư phụ . Tôn Đản vỗ vai Lãm:

– Mừng cho chú bẩy được một minh sư chỉ dạy. Cố gắng luyện tập, để trở thành bản lĩnh vô địch, đạo hạnh xuất chúng.

Thình lình có tiếng cười khành khạch:

– Vô địch! Vô địch! Đến lão đạo sĩ kia luyện tập cả đời cũng không thành vô địch được. Huống hồ tên ôn con mất dạy.

Lý Long nhìn lên, thì một hàng sáu người dàn ra. Đứng giữa là một thanh niên tuổi khoảng ba mươi lăm, mặt thóp lại như cái lưỡi cày, lưng đeo kiếm. Bên phải y là một nhà sư mặc áo cà sa đại hồng, tuổi khoảng năm mươi. Bên trái là một nho sinh, tuổi khỏang ba mươi. Phía sau là Ngô Tích, Triệu Huy, Quách Quỳ.

Nùng-Sơn tử chắp tay xá một xá:

– Bần đạo mắt kém, không nhận ra các vị đây là ai? Các vị giá lâm hồi nào, bần đạo không biết mà tiếp đón, thực có tội.

Gã trung niên nam tử mặt lưỡi cày hất hàm hỏi Lý Long:

– Có phải hồi nãy nhà ngươi đòi thẻ bài nhập cảnh của Triệu Anh không? Được, được ta cho người coi cái này, để người vỡ mật.

Nói rồi y đưa cho Quách Quỳ một cái túi gấm. Quách Quỳ cung cung, kính kính đỡ lấy, đưa lại cho Lý Long. Lý Long cầm túi mở ra xem. Bên trong có tấm thẻ bài bằng ngọc xanh. Chàng đưa ra ánh sáng nhìn. Thình lình chàng liệng tấm thẻ ngọc xuống đất, kêu lớn:

– Thẻ ngọc có chất độc.

Tên mặt lưỡi cầy cười:

– Tên Lý Long kia. Người mau quỳ xuống lạy ta một trăm lạy, miệng kêu lớn Xin ông nội tha cho cái mạng kiến ruồi này. Từ nay con nguyện làm thân trâu ngựa theo hầu ông nội . Ta sẽ ban thuốc giải cho.

Nùng-Sơn tử vọt người tới, tay phát một chiêu long trảo chụp tên mặt lưỡi cày. Nho sinh đứng cạnh phát chửơng đánh thẳng vào giữa ngực Nùng-Sơn tử. Nùng-Sơn tử biến trảo thành chưởng. Hai chưởng gặp nhau kêu đến Bùng một tiếng. Cả hai cùng lùi lại. Gã nho sinh cười nhạt:

– Tưởng Thăng-long song hùng bản lĩnh nghiêng trời lệch đất thế nào. Hóa ra chỉ có vậy thôi sao?

Nói dứt lời y phát chưởng thứ nhì. Chưởng chưa tới, mà đã thấy hơi nóng bốc ra. Nùng-Sơn tử xuất chiêu chống. Binh một tiếng lớn. Cả hai lảo đảo lùi lại, gườm gườm nhìn nhau.

Có tiếng nói vọng từ xa lại:

– A-Di-Đà Phật! Thái cực chưởng của phái Võ-đang quả danh bất hư truyền.

Sư thái Tịnh-Huyền, cùng mọi người từ đỉnh đồi đi xuống. Huệ-Sinh chạy lại bên Lý Long hỏi:

– Chủ nhân, có sao không?

Tay Lý Long sưng vù, tím bầm. Chàng lắc đầu:

– Không sao cả.

Chàng nghiến răng chịu đau, lên tiếng:

– Thì ra các vị đây là đại cao thủ Trung-nguyên cả. Không biết các vị giá lâm Đại-Việt này có việc gì? Xin cho biết cao danh qúi tính.

Nho sinh cười:

– Để ta giới thiệu cho người biết cũng không sao.

Y chỉ vào hòa thượng mặc ào cà sa đại hồng:

– Vị này là Minh-Thiên đại sư, thủ tọa Đạt-Ma đường chùa Thiếu-lâm.

Thanh-Mai gật đầu:

– A-Di-Đà Phật. Tiểu nữ nghe danh đại sư nổi danh về môn La-Hán chỉ, Kim-cương chưởng. Không ngờ hôm nay Phật giá cũng tới Đại-Việt này.

Minh-Thiên mỉm cười, chỉ vào nho sinh:

– Vị này là đệ nhất cao thủ phái Võ-đang, họ Vương tên Duy-Chính.

Thanh-Mai gật đầu:

– Thì ra Vương tiên sinh. Tiểu nữ nghe tiên sinh thi văn đỗ tiến sĩ. Mà võ công vào bậc nhất thiên hạ. Dường như tiên sinh đang giữ chức Chuyển-vận-sứ vùng Quảng-tây thì phải.

Gã mặt lưỡi cầy gật đầu đầy vẻ tự đắc:

– Trần cô nương. Không ngờ một giai nhân sắc nước hương trời như cô nương mà kiến thức rộng quá nhỉ. Chắc phải cất nhà vàng cho cô nương ở mới xứng đáng. Chức quan đâu đáng giá, vì Vương tiên sinh là danh sĩ bên Đại-tống.

Thanh-Mai chỉ vào gã mặt lưỡi cày:

– Còn đại gia đây cao danh quý tính là gì?

Vương Duy-Chính cười:

– Ta không thể nói ra được. Vì nếu ta nói ra, e tất cả bọn bay sẽ vỡ mật mà chết.

Lý Long cười nhạt:

– Ta không ngờ một vị chân tu, thủ toạ Đạt-Ma đưng chùa Thiếu-lâm, một vị chuyển vận sứ nhà Tống, mà lại chịu cúi đầu làm tôi tớ cho bọn bang Nhật-Hồ?

Gã mặt lưỡi cầy cười nhạt:

– Ta không biết Nhật-Hồ, nguyệt hồ là cái quái gì cả. Ta là đệ tử chùa Thiếu-lâm. Mi đừng nói láo.

– Chất độc mi bôi vào tấm thẻ ngọc vừa rồi chẳng là độc phấn của bọn Nhật-Hồ đó ư? Còn mi, mi là ai?

Tên mặt lưỡi cầy cười ha hả:

– Ta là ai, không đến cái thứ như mi được quyền hỏi.

Thiện-Lãm cười nhạt:

– Mi không nói. Ta cũng biết rồi.

Quách Quỳ nói:

– Nếu mi nói được tên chủ nhân của ta. Ta sẽ gọi mi bằng ông nội.

Hà Thiện-Lãm cười:

– Người có biết không? Năm ngoái con chó mực nhà ta đẻ ra hai con. Một con bị rơi xuống ao chết đuối. Một con bị quạ tha sang phương Bắc. Con chó ấy lớn lên, hóa ra chủ nhân mi.

Trên từ sư thái Tịnh-Huyền xuống đến Thanh-Nguyên đều cười ồ lên. Gã mặt lưỡi cày nhảy đến chụp Thiện-Lãm. Thanh-Mai thấy Thiện-Lãm nhục mạ gã mặt lưỡi cầy, nàng đã chuẩn bị sẵn, vung tay gạt chiêu của y. Gã biến chiêu thần tốc. Từ trảo thành chưởng. Thanh-Mai cũng biến cái gạt thành chưởng đỡ. Bùng một tiếng. Thanh-Mai ung dung đứng nguyên. Còn gã mặt lưỡi cày lảo đảo lùi lại. Mặt gã đỏ lên:

– Cô nương. Phải chăng cô nương là người của phái Đông-a? Chiêu Phong ba hợp bích của cô nương hay tuyệt. Tại hạ là khách, cô nương là chủ. Xin nhường cô nương chiêu đầu.

Thanh-Mai biết y mới dùng có năm thành công lực. Nàng thấy nội công của y là Thiền-công nhà Phật, chính đại quang minh, chứ không phải nội công của Hồng-thiết giáo. Nàng mỉm cười:

– Đa tạ công tử nhẹ tay.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN