Anh Linh Thần Võ Tộc Việt - Chương 15: Trọng tội khi quân
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
176


Anh Linh Thần Võ Tộc Việt


Chương 15: Trọng tội khi quân


Một văn quan quỳ tâu:

– Thần Trần Nghiêu-Tá lĩnh Tham-tri chính sự, đồng tri Khu-mật viện xin tâu: Lý Công-Uẩn gần đây lộng quyền quá đáng. Y chỉ là một tước Nam-bình vương quận Giao-chỉ, thế nhưng y dùng võ lực ép Chiêm-thành, Chân-lạp, Lão-qua tiến cống. Tin tế tác cho biết con y là Lý Long-Bồ còn tiến xa hơn. Y muốn thống nhất tám vùng tộc Việt, rồi đem quân xâm vương thổ. Bây giờ y hiện diện ở đây, xin hoàng thượng đem y ra xử lăng trì, để an Nam-biên.

Tiếp theo bọn Hạ Tủng, Phạm Ung, Triệu Thực đều cùng một luận điệu. Nhà vua biết bọn này theo chủ trương của Lưu hậu, khó lòng bẻ gẫy lý luận của chúng, ông hỏi Định-vương:

– Hoàng thúc. Hoàng thúc vừa từ Nam-phương trở về, sự thực thế nào, Hoàng-thúc cho trẫm biết.

Định-vương nghĩ thầm:

– Hôm nay ta mà không hạ được mấy tên hủ Nho này, e rằng Tống-Lý chiến tranh khó lòng tránh khỏi. Đã vậy ta hãy làm giảm khí thế bọn chúng trước. Ta dùng nhị đệ đối phó cho chúng biết Nam-quốc không sợ chiến tranh như chúng tưởng.

Vương hỏi Khai-Quốc vương:

– Vương gia hãy trả lời các đại thần đi.

Khai-Quốc vương khoan thai bước ra, vận nội lực nói thực lớn:

– Tâu bệ hạ. Từ xưa đến giờ Hán-Việt phân Nam, Bắc lấy Ngũ-lĩnh làm ranh giới trải mấy nghìn năm có dư. Theo nghi lễ đời Thần-Nông, ngày tết em phải đem lễ tới tặng anh, đó là đạo lý áp dụng cho dân chúng. Còn giữa hoàng đế Trung-thổ với hoàng đế Lĩnh-Nam, thì hoàng đế Lĩnh-Nam làm em, nên bao đời theo lệ hằng năm tiến cống, để tỏ lòng hiếu đễ. Vì vậy dù Bắc phong chức tước gì chăng nữa, Nam vẫn có triều đình, quốc hiệu, niên hiệu riêng. Như vậy việc phụ hoàng hạ thần lấy hiệu Thuận-Thiên, quốc danh Đại-Việt chỉ theo truyền thống. Các đại thần tại đây không thể, và không được bàn đến.

Vương ngừng lại tiếp:

– Còn các đại thần coi phụ hoàng thần như một chức quan của Tống triều, xin bệ hạ cho thần được hỏi các vị ấy mấy câu.

– Vương cứ hỏi.

Khai-Quốc vương đưa mắt nhìn Lã Di-Giản. Nội công Vương cực cao, ánh mắt chiếu ra tia hàn quang, khiến Giản bật lui liền ba bước. Vương hỏi:

– Ngài có phải quan cao tới tước Quốc-công, lĩnh Đồng-bình chương sự, Tả bộc xạ, Khu-mật viện sứ đó không? Triều Tống có hai cơ quan cao nhất: Tòa Bình-chương coi về nội trị, thuộc văn. Khu-mật viện coi về võ. Cả hai thường được gọi là Nhị-phủ. Đại nhân ngồi trùm cả hai phủ. Nhưng đại nhân lại phạm tội đại bất kính. Đại nhân có biết không?

Lã Di-Giản hỏi:

– Lão phu phạm tội đại bất kính ư? Thế tử thử nói ra xem. Nếu đúng, Lã này xin lột mũ từ chức ngay ngày hôm nay.

Khai-Quốc vương nói:

– Nếu coi phụ hoàng vãn sinh như một chức quan triều Tống. Mà phụ hoàng tước phong tới Nam-bình vương cao hơn hàm Quốc-công của đại nhân mấy bậc. Thế mà đại nhân cứ gọi tên phụ hoàng ra loạn lên, có phải là tội đại bất kính không? Chức văn phụ hoàng tới Khai phủ nghị đồng tam ty, đồng bình chương sự cao hơn chức Đồng-bình chương sự của đại nhân nhiều. Chức võ của đại nhân là Khu mật viện sứ, thua hẳn chức Thượng trụ quốc kiểm hiệu thái sư của phụ hoàng rất xa.

Vương nói chậm lại:

– Đại nhân ơi. Đại nhân làm tể thần, mà không biết giữ qui củ, luật lệ, phạm tội đại bất kính với thượng quan hỏi có đáng ngồi ở tòa Bình-chương nữa không? Đại nhân trả lời cho đi?

Lã Di-Giản cười nhạt:

– Này Lý Long-Bồ. Người nên biết rằng người đang ngồi ở sân rồng Thiên-triều. Văn quan như rừng. Võ chức như núi. Người chưa có một chút chức tước cũng như công lao nào, kể cả cái hàm thế tử con trai Nam-bình vương, người không đủ tư cách tranh luận với tể thần.

Khai-Quốc vương thấy bọn cường thần quên đi vụ Đại-Việt tiến công lên Bắc. Vương mừng thầm, vận khí phát ra tiếng cười hướng Lã Di-Giản, khiến y muốn nổ tung màng nhĩ ra. Vương nói:

– Lã quốc công có nghĩ kỹ trước khi nói không? Vãn sinh biết thân phận mình không nhận chức tước nào của Thiên-triều, nên đã tâu hoàng thượng xin phép rồi mới nói kia mà? Hơn nữa đây là cuộc đối thoại của sứ thần Đại-Việt từ xa đến kết hiếu với Hoa-hạ. Thế mà tể thần có ngôn từ của phường vô học bất thuật như thế này ư? Hơn nữa chính kim khẩu hoàng thượng cho phép vãn sinh hỏi đại nhân mà?

Vương nghĩ thầm: Đã vậy ta cứ hành xử như tước vương, để chúng biết rằng ta không sợ. Vương tiếp:

– Còn Quốc-công bảo cô-gia không có công với Tống ư? Này Quốc-công ơi, có phải từ khi đức Thái-tổ dựng nghiệp, đến nay trải bốn đời. Lúc nào triều-đình cũng lao tâm khổ tứ với dư đảng bang Nhật-hồ. Triều đình tốn không biết bao nhiêu tiền bạc, mà cũng không diệt được chúng. Chúng không bị diệt thì chớ, chúng còn len lỏi lên tới tể thần. Kìa, chính công tử Tào quốc công đã học Chu-sa độc chưởng với một đại thần. Bang Nhật-hồ hoành hành như không coi thiên hạ ra gì, phải chờ đến khi trên đường đi sứ, cô-gia khuyến dụ chúng cùng bang Trường-giang qui thuận triều đình. Như vậy mà Lã quốc-công bảo cô-gia không chút công lao nào ư?

Vương gằn từng tiếng:

– Mới đây, gần ba trăm ứng sinh phò mã bị trúng Chu-sa phấn. Chắc chắn dư đảng Nhật-hồ phải lớn lắm mới làm nổi việc đó. Nếu Lã quốc-công có tài, xin trị bệnh cho các ứng sinh đi!

Khắp điện Sùng-chính im phăng phắc. Vương nói lớn:

– Cô gia xin hỏi Quốc-công: Bấy lâu trong hoàng cung có hai vụ án lớn lao vô cùng. Một là, ai hại Sở-vương Nguyên-Tá? Ai ám toán Chiêu-thành thái-tử Nguyên-Hy? Các vị đầy tài chí, ăn cơm, mặc áo chúa bấy lâu, các vị đã tìm ra thủ phạm chưa?

Nguyên trước đây, con đầu lòng vua Thái-tông tên Nguyên-Tá được lập làm thái tử tước phong Sở-vương. Anh hùng tài kiêm văn võ, bị gian nhân dùng Huyền-âm độc chưởng đánh lén, đến hóa điên, rồi bị giáng chức. Vua Thái-tông lập con thứ nhì là Nguyên-Hy làm Chiêu-Thành thái-tử. Ít lâu sau cũng bị trúng Huyền-âm độc chưởng mà chết. Vì vậy vua Chân-tông là con thứ ba mới được lập lên làm thái tử, rồi kế vị.

Bấy giờ khắp triều thần không ai biết hung thủ thuộc loại người nào. Sự việc dần dần lãng quên theo thời gian. Nhưng mấy năm trước, khi biết mình sắp lìa trần, Sở vương gọi Định-vương lại nói cho biết rằng ông bị Lưu hậu ám hại. Ông khẩn khỏan nhờ Định-vương trả thù cho. Định-vương đã bàn với Minh-Thiên, nhưng vẫn chưa xuống tay được, vì thế lực Lưu hậu quá lớn.

Bây giờ Khai-Quốc vương nhắc lại truyện cũ, trong ý Vương tỏ cho triều thần biết rằng ông đã tìm ra hung thủ hai vụ án lớn. Tào Lợi-Dụng nghe Khai-Quốc vương nói, y kinh hoảng. Nhưng rồi y tự nhủ:

– Ngay đương thời, vua Thái-Tông còn tìm không ra thủ phạm, huống hồ tên này mới qua Biện-kinh mấy ngày.

Nhà vua nghe Khai-Quốc vương nói, ông hỏi:

– Khai-Quốc vương đã biết hung thủ là ai rồi phải không? Vương có thể nói ra cho triều đình cùng nghe, hầu tru di tam tộc kẻ đó.

– Dĩ nhiên hạ thần biết. Hạ thần cam đoan hôm nay sẽ bắt hung thủ để các đại thần đây biết rằng thần nhất tâm nhất trí kết hiếu giữa hai tộc Hoa-Việt.

Nói đến đây vương biết mình đã khai chiến với bọn phe đảng của Lưu hậu chủ xâm Nam phương. Mà bọn chúng hầu hết bị khống chế bằng Chu-sa ngũ độc chưởng. Chi bằng đem vụ Thiệu-Thái trị được họa này nói toẹt ra, để lôi kéo những nạn nhân về với mình. Nghĩ vậy vương tiếp:

– Cô-gia xin nói rõ, có rất nhiều vị hiện diện tại đây bị trúng Chu-sa ngũ độc chưởng, đã được Thân Thiệu-Thái trị dứt vĩnh viễn. Hành động đó của sứ đoàn có thể coi là tốt hay xấu? Công hay tội?

Lã Di-Giản tím mặt lại, y hỏi:

– Đâu? Ai trong chúng ta bị trúng Chu-sa độc chưởng đã được Thân Thiệu-Thái trị khỏi? Chứng cớ ở đâu?

Định-vương đứng dậy nói bằng giọng khoan thai:

– Chính cô-gia cùng sứ đoàn đi Nam-thùy đều bị trúng Chu-sa độc đến hai ba lần, được Thân giáo-chủ cứu trị. Khai-Quốc vương còn gửi công chúa Bình-Dương với thế tử Thân Thiệu-Thái theo sứ đoàn Tống về triều để trị cho bất cứ ai bị trúng chưởng này. Nhưng vì sứ đoàn Đại-Việt chưa điện kiến, nên cô-gia không thể tâu lên Hoàng thượng.

Vương gằn từng tiếng:

– Thế nhưng sứ đoàn vừa tới triều kiến thiên tử, thì các đại thần tự hào về văn minh Hoa-hạ, tự hào về Nho, tự hào về đủ thứ lại lên tiếng vấn nạn sứ đoàn, coi Đại-Việt như man di. Hỡi ôi.

Khắp triều Tống nghe Định-vương nói, đều hiện ra vẻ hân hoan không bút nào tả xiết. Vì họ hy vọng sẽ được giải thoát khỏi cái ách độc chưởng đè lên người bấy lâu.

Định-vương tiếp:

– Những người đã được trị Chu-sa độc chưởng trong sứ đoàn gồm bản sư Minh-Thiên. Đông-Sơn đạo sư, Dư Tĩnh, Vương Duy-Chính, Địch Thanh, Triệu Anh, Triệu Huy, Quách Quỳ. Cũng chính Thân thế tử trị cho Trường-giang thất quỷ, cùng bang chúng Nhật-hồ vì vậy khi nghe Vương thuyết phục họ cảm động, qui phục triều đình.

Từ khi nghe tin sứ thần Đại-Việt thuyết phục hai bang Nhật-hồ, Trường-giang quy phục triều đình. Trên từ Lưu hậu, Hoàng-đế cho tới quần thần không hiểu bằng cách nào mà Vương nói cho bọn đại ma đầu nghe theo. Bây giờ Định-vương nói ra, mọi người mới hiểu. Họ nghĩ thầm:

– Thì ra thế. Bọn Nhật-hồ dùng bá đạo khống chế người. Đại-Việt dùng ân đức thu phục nhân tâm chúng.

Hầu hết các quan văn thần đều có thiện cảm với sứ đoàn Đại-Việt. Còn những người bị trúng Chu-sa độc chưởng lại mong Hoa-Việt thân thiện để được giải ách. Bởi bị độc chưởng hành hạ bấy lâu, họ như sống trong địa ngục. Nếu không có Lưu hậu ngồi trong màn, có lẽ họ đã chạy tới xin Thiệu-Thái trị bệnh cho rồi.

Bỗng nhà vua lên tiếng:

– Bách quan nghe cho rõ.

Tất cả mọi tiếng xì xầm đều tắt hết. Nhà vua tiếp:

– Chính trẫm cũng bị trúng độc chưởng này. Cách đây hai ngày, Thân thế-tử đã trị cho trẫm rồi.

Từ trước đến giờ quần thần đều nghe biết nhà vua cũng bị trúng chưởng này, nhưng không ai dám nói ra. Bây giờ chính miệng nhà vua tuyên phán, thì còn sai thế nào được? Khi nhà vua đã nói ra, chắc chắn bọn bang Nhật-hồ tiềm ẩn trong triều sẽ bị chỉ mặt điểm tên.

Yến Thù vái Khai-Quốc vương:

– Thưa vương gia, vương gia nói trong triều có nhiều dư đảng bang Nhật-hồ, thế chúng là những ai?

Khai-Quốc vương nghĩ thầm:

– Yến Thù biết rõ mọi biến cố nội cung. Khi y dám nói câu này, có nghĩa là Thái-hậu đã bị kiềm chế hoàn toàn. Phe đảng hiếu chiến không còn nữa. Đã đến lúc nên công khai hạ chúng đây. Ta phải can đảm mới được.

Vương chắp tay vái Yến:

– Đa tạ đại-học sĩ hỏi đến. Vãn sinh xin thưa: Hiện có những đại thần bậc nhất bậc nhị xuất thân Hồng-thiết giáo. Cao nhất là ngài Thái-tử thiếu phó, Kinh-hồ tiết độ sứ, Đồng-trung thư môn hạ bình chương sự, Tổng-quản ngự-lâm quân, Tổng-lĩnh thị vệ, Ngô quốc-công Tôn Đức-Khắc. Tôn quốc-công nguyên có tên Đào Tường-Phúc lĩnh Tả hộ pháp của Hồng-thiết giáo Đại-Việt.

Khai-Quốc vương không nói, thì cả triều đình nhà Tống đều tưởng Tôn Đức-Khắc là dư đảng bang Nhật-hồ Trung-quốc, mà Lưu hậu dùng y khống chế quần thần. Muôn ngàn lần họ không bao giờ ngờ y lại chính là Đào Tường-Phúc, một đại ma đầu, một khâm phạm từ đời vua Thái-tông. Vì vậy khi vương nói xong, họ kinh ngạc đến nỗi không ai dám bật lên tiếng súyt xoa.

Khai-Quốc vương tiếp:

– Nhân vật thứ nhì là ngài Thái-tử thiếu bảo, Tả-vệ thượng tướng quân, Nam-thiên kinh lược sứ, Việt-quốc công Lê Lục-Vũ. Lê quốc-công nguyên có tên Chu Bội-Sơn lĩnh Hữu hộ-pháp của Hồng-thiết giáo Đại-Việt.

Đến đây thì triều thần chỉ biết mở to mắt kinh ngạc, không ai nói lên lời. Khai-Quốc vương tiếp:

– Nhân vật thứ ba là ngài Sử-vạn Na-vượng. Ngài Sử-vạn nguyên là em của quốc-vương Lão-qua. Người được phong chức tước như sau: Kiểm-hiệu thái sư, Tĩnh hải tiết độ sứ, Đồng bình chương sự, Nam-phương tĩnh lự công thần, Lão-qua quận vương. Thực ấp vạn hộ, thực phong ngũ thiên hộ. Nhưng vì theo Hồng-thiết giáo, nên khi về nước tranh ngôi vua với anh bị thất bại. Ngài sang Thiên-triều, được phong Trấn-quốc đại tướng quân lĩnh chức Tổng-lĩnh ngự lâm quân. Nhưng có ai ngờ ngài lại là Đông-phương sứ giả của Hồng-thiết giáo Đại-Việt.

Triều thần không ít thì nhiều đã bị Sử-vạn dùng Chu-sa độc chưởng khống chế, vì vậy khi Khai-Quốc vương nói y là Đông-phương sứ giả Hồng-thiết giáo Đại-Việt, họ đều mặc nhiên công nhận là đúng.

Khai-Quốc vương tiếp:

– Nhân vật thứ tư là ngài Khiếu Tam Bản, chức tước tại Chân-lạp là Thái-tử thiếu sư, Nam-thiên tiết độ sứ, Tả vệ thượng tướng quân, Đồng bình chương sự, Chân-lạp quận vương. Vì theo Hồng-thiết giáo bị thất thế, sang Thiên-triều được phong Hoài-hóa đại tướng quân, Tổng-lĩnh thị vệ. Không ai ngờ ngài là Nam-phương sứ giả của Hồng-thiết giáo Đại-Việt.

Tào Lợi-Dụng thấy bao nhiêu cơ mật mà chỉ Lưu hậu với y cùng bọn Lã Di-Giản biết, nay bị Khai-Quốc vương nói toẹt ra giữa triều đình. Y hoảng kinh, chờ Lưu hậu phản ứng, mà tuyệt không thấy bà nói gì cả. Cơ chừng này nhà vua cầm quyền đến nơi rồi. Nhà vua mà cầm quyền, thì chỉ nguyên tội con y hiếp đáp lương dân cũng đủ làm cho y mất hết chức tước. Huống hồ cái tội kiềm chế Lý phi, hoán chúa, khi quân bấy lâu, có khi cả Lưu hậu với y cũng không còn đất mà chôn. Trước thế nguy, y quát lên:

– Tên ôn con Lý Long-Bồ kia, mi… mi giám bịa đặt truyện vu hãm công thần. Hai vị đại thần Tôn Đức-Khắc, Lê Lục-Vũ mà mi dám bảo là Đào Tường-Phúc, Chu Bội-Sơn không khác gì nói mặt trời mọc đằng Tây. Còn hai vị Sử-vạn, Khiếu, mi bảo là sứ giả Hồng-thiết giáo Giao-chỉ. Mi láo đến như thế, khiến lão phu không thể chịu nổi nữa rồi. Mi có câm họng không?

Khai-Quốc vương vẫn khoan thai tiếp:

– Ngoài ra còn mười trưởng lão bang Nhật-hồ ẩn thân dưới lớp áo thị vệ, được phong chức Nhập-nội đô-tri.

Tào Lợi-Dụng kinh hoảng nghĩ thầm:

– Ta phải giết ngay tên này để bịt miệng mới được. Sau khi y chết rồi, hỏi ai dám xung chàng lý luận với ta?

Nghĩ vậy y bước ra, phát một chưởng bằng tất cả bình sinh công lực hướng vào người Khai-Quốc vương. Y ra tay như điện chớp. Mọi người đều la hoảng, nhắm mắt lại, vì không muốn nhìn Khai-Quốc vương tan xương nát thịt.

Không ngờ khi chưởng sắp tới, vương lách mình một cái nhảy lên cao. Chưởng trúng ghế vương ngồi. Rầm một tiếng, chiếc ghế bằng gỗ trắc lớn như vậy vỡ tan thành từng mảnh. Trong khi đó vương đáp xuống bên văn ban.

Tào Lợi-Dụng đánh hụt. Y quyết không tha, chuyển tay phát chưởng nữa nhanh như điện chớp. Khai-Quốc vương thấy nếu mình nhảy tránh, ắt ít nhất có mấy văn quan tan xương nát thịt mà chết. Vương vận sức theo Vô-ngã tướng Thiền-công của công chúa Yên-Lãng, tay như ôm vòng Thái-cực. Chưởng của Tào Lợi-Dụng trúng người vương, bao nhiêu kình lực bị thu hết. Vù một cái, y cảm thấy như đánh một chưởng lên trời, kình lực trong người mất. Kinh hoảng y nhảy lui lại, miệng la:

– Mi… mi dùng tà thuật.

Nhà vua quát lên:

– Tào quốc công ngừng tay.

Từ ngày vua Chân-tông băng hà, Lưu hậu cầm quyền, Lợi-Dụng phụ chính. Y coi nhà vua như đứa trẻ đã quen. Mỗi khi y tâu gì, Lưu hậu quyết định hết. Hôm nay là ngày đầu tiên Lưu hậu im lặng, và nhà vua quát lên tỏ ra có uy quyền. Y vội lùi lại.

Nhà vua nói với Khai-Quốc vương:

– Việc vương tố đích danh bốn đại thần cùng mười thị vệ thuộc dư đảng bang Nhật-hồ, hiện mới có bên nguyên. Đợi mười bốn vị kia về đây, trẫm sẽ cho đối chất. Bây giờ hãy nghị về quốc danh Đại-Việt đã.

Nghe nhà vua nói: Nghị về quốc danh của Giao-chỉ, mà lại gọi Giao-chỉ bằng danh tự Đại-Việt. Quần thần đều biết ý nhà vua muốn để yên cho Giao-chỉ với quốc danh Đại-Việt. Cho nên phe thân Đại-Việt, phe trung lập đều hiểu vấn đề đã ngã ngũ.

Yến Thù tâu:

– Kể từ khi đức Thái-tổ ta dựng nghiệp. Những nước xung quanh, vì nghe thánh đức, dùng Nho trị dân, nên đều hướng về. Trong tất cả các nước đó, Đại-Việt là đất văn hiến nhất. Hiện nay trên có nhân quân trị vì. Dưới có văn võ bá quan trung thành. Nhất là võ học cực thịnh. Thuận-Thiên hoàng đế lại lễ hậu, cử Khai-Quốc vương đi sứ kết hiếu. Trên đường sang Tống, vương thu phục được bang Trường-giang, bang Nhật-hồ, công lao ấy thực quý không gì bằng. Thần nghĩ, bệ hạ nên triệu những quan biên trấn thích gây thù hận với tộc Việt, hầu nêu cao thánh đức.

Bọn Lã Di-Giản thấy Yến Thù từ trước đến nay là người cùng phe đảng với mình, chủ xâm Đại-Việt. Hơn nữa y thuộc tâm phúc của Thái-hậu, cùng Hoàng-đế. Nay bỗng dưng đổi hẳn thái độ… thì cho rằng Hoàng-đế đã bỏ ý chiếm Nam phương. Chúng đưa mắt nhìn nhau:

– Không chừng là ý riêng của Hoàng-đế, chứ không phải của Thái-hậu. Ta cứ chờ xem.

Lã Di-Giản im lặng. Nhà vua nói với Định-vương:

– Như vậy nghị sự đã quyết. Từ khi trẫm lên ngôi, được các khanh phò tá, lấy đức nhân trị dân. Bốn phương phẳng lặng. Thế nhưng mấy biên thần hiếu sự, khi quân, nói xàm, tâu bậy về Nam-biên, khiến bao lần Hán-Việt suýt có chiến tranh. Ngược lại tế tác Khu-mật viện cho biết Đại-Việt đang có nhân quân trị vì, dân chúng sống những ngày Nghiêu, tháng Thuấn. Vì vậy trẫm phải để đích thân Thái-sư vi hành Nam-phương. Chính mắt Thái-sư đã thấy, lại chính tai Thái-sư đã nghe về đời sống hạnh phúc trăm họ Nam-phương, khiến trẫm nghe tâu lại mà lòng hân hoan đến vô cùng. Biên thần tấu rằng Thuận-Thiên hoàng đế là tên chăn trâu, là tên ở chùa, vô học bất thuật. Điều này đúng, thủa thơ ấu Thuận-Thiên Hoàng-đế theo học với Bồ-tát Vạn-Hạnh tại chùa Tiêu-sơn, cho nên văn võ toàn tài. Vả dù người có là tên ở chùa chăng nữa, thì anh hùng đâu quản xuất thân? Hán Cao-tổ không xuất thân ti tiện đó ư? Bậc quân phụ không cần giỏi, mà cần đức, sao đem hạnh phúc cho dân.

Nhà vua nói lớn:

– Vương cho triệu hồi biên thần Nam-phương đã dối triều đình tâu rằng Thuận-Thiên hoàng đế là hôn quân ác độc, thay vào đó những văn thần ôn hòa, đem văn phong, lễ nghĩa dạy dân chúng. Những đạo quân đóng ở Nam-biên phải di về Bắc-biên, hầu đối phó với Khất-đan.

Lại tuyên chỉ cho Yến Thù:

– Yến đại học sĩ thu thập tất cả thư tịch về kinh, sử, tử, tập, mỗi lọai chọn lấy hai bộ giao cho sứ đoàn Đại-Việt mang về tặng cho Thuận-Thiên hoàng đế. Như vậy từ nay tộc Hán, tộc Việt sống như anh em.

Quần thần ngơ ngác nhìn nhau, không hiểu những gì đã xẩy ra. Vì từ trước đến giờ, triều thần nghị sự rồi, thì chính Thái-hậu ban chỉ dụ. Nay những việc lớn lao vô cùng về Nam-thùy, Thái-hậu ngồi kia, mà sao Hoàng-đế lại tự quyết không hỏi ý kiến bà?

Lã Di-Giản biết ý nhà vua đã định. Y kinh hoảng nghĩ thầm:

– Nếu để cho nhà vua nắm quyền, thì việc Lưu hậu khống chế Thần-phi sẽ đổ bể. Bọn ta bị liên đới, ắt họa tru di tam tộc khó tranh. Âu là ta cứ coi như nhà vua vô quyền.

Y đâu biết rằng chính Lưu hậu bị Lý phi khống chế, nhà vua thay đổi hết chức vụ Ngự-lâm quân cùng thị vệ rồi? Y đến trước màn tâu:

– Tâu Thái-hậu, Hoàng-thượng quyết định về chính sách Nam-thùy có phần không ổn. Mong Thái-hậu ban chỉ dụ.

Thái-hậu quát lên:

– Lã Di-Giản! Người thực là to gan lớn mật, dám chống lại cả chỉ dụ của Hoàng-thượng ư? Tiên-đế di chỉ cho ta thính chính, chứ có cho ta định quốc sự đâu? Thế mà mi dám nói Hoàng-thượng quyết định không ổn. Mi khinh khi Hoàng-thượng là ấu quân ư? Thị vệ đâu! Bắt Lã Di-Giản bỏ ngục chờ đình thần luận tội.

Trần Bảo-Dân dạ một tiếng tiến đến nhắc bổng Di-Giản mang khỏi điện.

Quần thần ngơ ngác nhìn nhau không ai hiểu gì cả.

Bọn Trương Kỳ, Hạ Tủng, Trần Nghiêu-Tá, Phạm Ung, Triệu Thực cùng đến trước màn quỳ gối:

– Muôn tâu Thái-hậu.

Tiếng Thái-hậu quát:

– Các người muốn gì?

Trần Nghiêu-Tá tâu:

– Từ hơn mười năm nay, Thái-hậu cùng triều đình mất không biết bao nhiêu tâm huyết cũng như tiền bạc. Nào luyện binh tuyển tướng. Nào mua sắm vũ khí, nào đóng thuyền chuẩn bị Nam-chinh. Nay chỉ vì sứ đoàn Giao-chỉ sang, mà đổi ngược lại. Hơn nữa, Lã tể-tướng là lão thần phò tá đã ba đời vua, không hề phạm tội. Chỉ vì trung thành với Thái-hậu, nên thấy Thái-hậu chưa tuyên thánh ý, trong khi Hoàng-thượng còn qúa trẻ, bồng bột quyết định chính sách Nam-biên hấp tấp mới can gián… thế mà Thái-hậu truyền bắt giam.

Vương Đức-Dụng tâu:

– Tâu bệ hạ, giữa triều đường mà Trần thượng-thư dám buông lời khi quân tác loạn. Xin bệ hạ truyền bắt chặt đầu ngay để răn chúng.

Từ trước đến giờ bọn Lã Di-Giản, Trần Nghiêu-Tá nịnh hót theo Lưu hậu, khinh khi nhà vua cùng đồng liêu đã quen. Nay đà cũ còn, Nghiêu-Tá hách dịch quát:

– Vương Đức-Dụng, mi định phản thái hậu ư?

Thái-hậu quát:

– Vương ngự-sử đàn hạch đúng. Thị vệ đâu, bắt năm tên này giam lại cho ta.

Thị vệ dạ ran. Nghiêu-Tá hỏi:

– Tâu Thái-hậu bọn thần tội gì?

– Còn tội gì ư? Chính mi vừa nói Hoàng thượng còn quá trẻ, quyết định chính sách Nam-thùy bồng bột hấp tấp. Như vậy là khi quân, nhục mạ chúa, tội phải tru di tam tộc.

Thị vệ dẫn năm người rời khỏi điện.

Tự-Mai cười thầm:

– Tiên sư cha bọn hiếu chiến. Đám đầu sỏ quan văn bị bắt hết rồi, còn bọn võ quan nữa là xong.

Đến đó lễ quan vào quỳ tâu:

– Có sứ đoàn Xiêm-la xin vào triều kiến.

Thái-tử An-Nan Tam-gia La-sun cùng vương phi, công chúa Nong-Nụt cùng vào quỳ gối hành lễ. Diêu Vạn theo sau. Diêu Vạn tâu:

– Hạ thần Diêu Vạn, lĩnh Chiêu-thảo sứ thuộc Kinh-châu, giữ trách vụ hộ tống sứ đoàn Xiêm xin triều kiến. Thần kính chúc Thái-hậu cùng Hoàng-thượng vạn tuế, vạn vạn tuế.

Tiếp theo An-Nan Tam-gia La-sun, vương phi và Nong-Nụt cùng quỳ tâu, chúc tụng. Thái hậu nói vọng ra:

– Mời vương phi An-Nan Tam-gia La-sun cùng công chúa Nong-Nụt vào trong này đàm đạo với ta.

Vương Kỳ hỏi Diêu Vạn:

– Chiêu thảo sứ. Triều đình nhận được tấu chương của Kinh-lược sứ Kinh-châu cùng Chiêu-thảo sứ về việc hai đại thần Sử-vạn Na-vượng cùng Khiếu Tam Bản làm đạo tặc. Bây giờ Chiêu-thảo sứ hiện diện tại đây, người hãy trực tiếp tấu trình lên Hoàng-thượng.

Diêu Vạn khoan thai thuật lại từ đầu đến cuối việc y hộ tống sứ đoàn Xiêm, dọc đường xẩy ra cuộc động thủ với Sử-vạn, Khiếu một lượt.

Nhà vua hỏi Định-vương:

– Hoàng thúc nghĩ sao?

Định-vương tâu:

– Triều đình cần phải làm cho sáng tỏ việc tiếp sứ đoàn Đại-Việt, Xiêm-la, bằng không uy của Thiên-tử bị giảm rất nhiều. Còn gì nhục nhã bằng Thiên-triều mà không bảo vệ nổi sứ đoàn, để đạo tặc lộng hành? Thần xin để Khai-Quốc vương tâu trình nữa mới có thể quyết đoán được sự thực ra sao.

Khai-Quốc vương tâu tỉ mỉ chủ trương của Đại-Việt: Đất có chủ, nước có vua. Tống là nước lớn. Đại-Việt sang cống là để tỏ lòng hiếu kính. Vì vậy mọi sự xẩy ra trên đất Tống, sứ đoàn tuyệt đối không xử dụng võ công. Khi tới biên giới gặp tiếp dẫn sứ Tào Khánh dẫn mười thị vệ đi đón. Sau đó bang Trường-giang dùng kế bắt Tào Khánh, cùng đám kị binh hộ tống, rồi quay lại uy hiếp sứ đoàn bắt đi tìm kho tàng ở Khúc-giang. Dọc đường sứ đoàn thuyết phục bang Trường-giang quy phục triều đình ra sao.

Lý Điệt bước ra xá Khai-Quốc vương:

– Vương gia! Lão phu nghe nói Trường-giang thất quỷ vốn thuộc dư đảng của bang Nhật-hồ. Hai gã Phương Hổ, Phương Báo trước đây là tả, hữu sứ của bang này, võ công, độc công chúng cao thâm không biết đâu mà lường. Lại nữa, Động-đình tam ưng nức tiếng vùng Giang-hạ. Vương gia làm thế nào mà khuyến dụ họ theo triều đình?

Khai-Quốc vương biết Lý Điệt muốn vương đi vào chi tiết, để bọn hiếu chiến nể mặt. Vương gật đầu:

– Thưa đại học sĩ. Thực sự nếu dùng bản lĩnh võ công, anh em vãn sinh dư sức đàn áp chúng. Nhưng khổ nỗi anh em vãn sinh đi sứ kết hiếu với triều đình, nhân sĩ, võ lâm Tống, lại nữa có Tiếp-dẫn sứ cùng thị vệ hộ tống. Vì vậy anh em vãn sinh nhất định không dùng võ công. Cuối cùng Thân Thiệu-Thái trị dứt Chu-sa độc chưởng cho họ. Còn vãn sinh đem chính đạo ra thuyết phục. Họ nghe theo.

Bọn theo phe đảng Lưu hậu lòng như lửa đốt. Bang Trường-giang lớn biết bao. Bọn chúng mất mấy năm mới thu phục được, bang này dùng khống chế các quan vùng Giang-Nam. Mới đây nghe bọn Trường-giang quy phục Định-vương, chúng cứ nghĩ rằng vương dùng đại binh diệt. Bây giờ chúng mới vỡ lẽ do Khai-Quốc vương khuyến dụ. Nhưng khuyến dụ như thế cách nào, vương lại không chịu khai rõ.

Tào Lợi-Dụng nói:

– Lão phu không tin.

Định-vương dơ tay ra hiệu im lặng. Vương nói:

– Quốc công không tin cũng phải tin. Cô-gia đã sung đám bang chúng Trường-giang vào thủy quân rồi. Ai không muốn làm quan, đã ngoan ngoãn về quê làm ăn. Hiện giờ khắp vùng Trường-giang không còn nạn đạo tặc nữa.

Khai-Quốc vương lại kể đến việc hai lão Tôn Đức-Khắc, Lê Lục-Vũ hợp với Dư Tĩnh đánh thuốc độc sứ đoàn cùng Định-vương với tùy tùng. Chúng còn nói rõ nhận chỉ dụ của Thái-hậu làm điều đó.

Quần thần nghe vương thuật họ tin ngay. Trong khi Thái-hậu, nổi giận đùng đùng:

– Hai tên này nói láo. Hoàng-nhi mau truyền chỉ truy tầm chúng đem về xẻo từng miếng thịt ra để trị tội.

Vương thuật tiếp, hai lão Tôn, Lê tưởng sứ đoàn bị trúng độc. Trong khi sứ đoàn được Thiệu-Thái giải độc, vẫn mạnh khỏe như thường. Khi đến Tương-giang bị một lực lượng bí mật bắt gần hết mười thị vệ. Thuyền vào hồ Động-đình hai lão mải đuổi theo địch thủ, bỏ mặc sứ đoàn. Sứ đoàn tự lên Kinh-châu, thì bị Sử-vạn Na-vượng, Khiếu Tam Bản nói rằng tuân chỉ Thái-hậu áp tải về kinh. Rồi dọc đường xẩy ra cuộc đụng độ với thiết kị hộ tống sứ đoàn Xiêm. Hai lão Sử, Khiếu bỏ chạy. Sứ đoàn tự đến kinh một mình.

Triều đình biết tất cả những điều vương kể đều đúng. Họ chờ xem Thái-hậu phản ứng ra sao. Lý Ty tâu:

– Tâu hoàng thượng, xét cho kỹ hai đại thần Tôn Đức-Khắc, Lê Lục-Vũ quả có phạm tội thực, nhưng phải chờ hai vị đó về mới có thể kết tội được. Còn Sử-vạn Na-vượng vốn người Lão-qua, nhờ võ công cao, cần mẫn chính vụ, nên được phong Trấn-quốc đại tướng quân thống lĩnh thị vệ. Khiếu Tam Bản vốn người Chân-lạp, nhờ võ công cao, từ chức Nhập-nội đô-tri, thăng lên Hoài-hóa đại tướng quân, lĩnh Bắc-ban nội phẩm. Cả hai đã tới cực phẩm, không lẽ đang lĩnh chỉ đón sứ đoàn Đại-Việt, lại làm đạo tặc? Tuy có tấu trình của Kinh-lược sứ Kinh-châu cùng như Chiêu-thảo sứ, xin Hoàng-thượng chờ hai vị đó về đây đối chất, rồi hãy kết tội.

Vương Đức-Dụng tâu:

– Tâu hoàng thượng, việc Sử, Khiếu làm đạo tặc không phải mình Kinh-lược sứ Kinh-châu tấu, mà chính ngay Tư-mã Kinh-châu Trần Trung-Đạo trực tiếp đánh đuổi Sử, Khiếu cũng đã về triều điện tấu thì còn sai thế nào được? Sau đó tới Chiêu-thảo sứ Diêu Vạn cùng đội thiết kị trăm người, hơn hai trăm con mắt đã chứng kiến, liệu có lầm được chăng? Lại nữa sứ thần An-Nan Tam-gia La-sun cùng vương phi, công chúa cũng chứng kiến. Xin Hoàng-thượng ban chỉ triệu bốn người vào triều kiến ngay để rõ ngay gian.

Đến đó Lễ-bộ thượng thư Tôn Thích quỳ tâu:

– Tâu hoàng thượng, đến giờ các ứng sinh phò mã vào điện kiến. Xin bệ hạ cho ngừng triều nghị.

Nhà vua gật đầu:

– Mời các ứng sinh vào.

Tôn-Thích vẫy tay, từ ngoài, các ứng sinh hàng mười lũ lượt tiến vào điện. Đám Địch-Thanh, Triệu-Tiết, Khúc-Chẩn lẫn vào với các ứng sinh. Khai-Quốc vương ra hiệu cho Tôn-Đản đứng vào chỗ của nó. Thấy vương không gọi, Lê-Văn, Tự-Mai vẫn khoanh tay hầu sau nhà vua.

Tôn-Thích hô:

– Các ứng sinh phò mã bái kiến Thái-hậu cùng Hoàng-thượng.

Các ứng sinh đồng rập đầu bốn lần. Tôn Thích ra hiệu, các ứng sinh đứng sang một bên. Một văn quan dùng tay ra hiệu, nhã nhạc êm dịu nổi lên. Một lễ quan xướng:

– Công chúa điện hạ cùng các thiên kim tiểu thư hội diện với chư ứng sinh.

Từ sau màn, tiếng ngọc bội khua rổn rang, rồi cứ ba thiếu nữ một từ từ tiến ra, tay mỗi người cầm một cành hoa bằng vàng. Trong đại điện hơn năm trăm người, mà không một tiếng động. Các thiếu nữ tiến ra, mỗi người ngồi vào một chiếc ghế đặt đối diện với ứng sinh. Các nàng cầm cành hoa bằng vàng cắm vào chiếc ống bạc gắn trước ghế của mình.

Mọi người cùng đưa mắt nhìn, xem trong mười tám hoa khôi, ai là công chúa Huệ-Nhu, mà tuyệt không nhận ra.

Tôn Đản, Tự-Mai, Lê Văn nhìn nhau, như tự nói:

– Hỡi ôi! Có đi ra ngoài mới biết đất thấp trời cao, ngoài bầu trời này còn bầu trời khác. Trước kia mình cứ tưởng Thanh-Mai đẹp hồng hào, đẹp lồ lộ như đóa hoa hải đường. Mỹ-Linh đẹp như đóa hoa lan, trong cái đẹp có cái ôn nhu văn nhã. Đào Hà-Thanh đẹp tươi như bông hồng dưới nắng ban mai. Lâm Huệ-Phương đẹp huyền ảo, mờ mờ như người trong mộng. Bây giờ mới thấy mười tám thiếu nữ này mỗi người một vẻ, đâu kém gì Hà-Thanh, Huệ-Phương?

Tự-Mai đưa mắt nhìn một lượt, bỗng chàng giật bắn người lên, vì thiếu nữ ngồi ở ghế thứ chín chính là Thuận-Tường. Bất giác chân tay chàng run run. Chàng muốn làm một cử chỉ gì cho Thuận-Tường nhận ra chàng, nhưng Thuận-Tường vẫn nhìn vào đám ứng sinh.

Lễ-bộ thượng thư Tôn Thích nói:

– Bây giờ các ứng sinh tự chọn lấy một hoa khôi, rồi đến đứng trước hoa khôi đó.

Các ứng sinh khoan thai đến trước các hoa khôi. Hoa khôi có nhiều người đứng trước nhất là mười lăm. Hoa khôi có số người đứng trước ít nhất là năm. Tự-Mai giật mình khi thấy Triệu Tiết đứng trước Thuận-Tường. Mà Thuận-Tường chính là hoa khôi có nhiều ứng sinh nhất.

Tôn Thích hỏi Tự-Mai, Lê Văn:

– Dường như hai vị cũng ứng tuyển phò mã thì phải? Nếu có xin chọn hoa khôi đi chứ?

Tự-Mai lẳng lặng đến đứng trước Thuận-Tường. Thuận-Tường đã nhận ra chàng. Bốn mắt nhìn nhau, biết bao nhiêu tình. Còn Lê Văn, chàng chọn một hoa khôi ít ứng viên nhất.

Tôn Thích hướng vào các ứng sinh:

– Các vị đây sắp sửa thành phò mã, cũng như rể đông sàng của đại thần. Tuy các vị đã được An-vũ sứ châu quận xét lý lịch. Tuy vậy bây giờ nếu vị nào thấy mình ở trong phạm vi cấm, hãy xin rút tên ra cho kịp. Bằng không sau này truyện đổ bể sẽ mang tội khi quân.

Các ứng sinh im lặng. Tôn Thích tiếp:

– Trong các quan cũng như ứng sinh, nếu vị nào nhận ra một ứng sinh dối trá, phải thẳng tay tố cáo. Bằng không cũng mang tội khi quân.

Quách Quỳ tiến ra quỳ tâu:

– Thần Quách Quỳ, giòng dõi Quách Quân-Biện. Tâu bệ hạ. Trong chỉ dụ tuyển phò mã nói rằng: Ứng sinh tam đại không được ở trong các trường hợp sau: Không thuộc bọn ngụy, phản tặc chống triều đình. Không thuộc bọn bọn trộm cướp. Không thuộc dư đảng của bang Nhật-hồ. Thần thấy ở đây có hai người thuộc phản tặc chống triều đình.

Tôn Thích hỏi:

– Quách sinh cho biết hai người đó là ai?

Quách Quỳ chỉ Lê Văn:

– Người này họ Lê tên Văn. Phụ thân y là Lê Long-Mang, con thứ Lê Hoàn. Như vậy y là cháu nội của Hoàn. Thời vua Thái-tông, triều đình sai nguyên soái Hầu Nhân-Bảo, cùng nội tổ thần sang chinh thảo Giao-chỉ. Hoàn mang quân chống lại làm quan quân chết rất nhiều. Vì vậy y không thể được ứng tuyển.

Vương Đức-Dụng hỏi Lê Văn:

– Ứng sinh Lê Văn phải trả lời cho rõ. Việc ấy có đúng không?

Lê Văn vốn nhũn nhặn, nhưng từ ngày sinh ra nó đã tự hào về chiến công của ông nội. Chàng nghĩ thầm:

– Mình có cần trúng cách đâu? Mình cần trượt kia mà. Đã vậy mình nói ngang như cua, như ghẹ cho chúng biết mặt anh hùng. Rối bị trượt càng tốt.

Chàng nói vang cả điện lên:

– Quách huynh thực không hổ giòng dõi trung thần. Đúng đấy, tôi nghe phụ thân kể rằng trong trận đánh trên sông Bạch-đằng, tên Quách Quân-Biện bị bắt sống. Y kinh sợ, run rẩy đến nỗi rập đầu ba trăm lần trước một nữ tướng để khỏi bị giết. Trong thời gian ở tù, mỗi ngày y đều khóc lóc xin được về quê sống với vợ con. Sau khi Tống, Việt hòa, y được trao trả. Nghe đâu về Tống, y huênh hoang kể công trận anh hùng tưởng tượng của y.

Tự-Mai chêm vào một câu:

– Lúc bị bắt, y rập đầu binh binh trước nữ tướng: Xin tiểu cô nương tha cho cái mạng kiến ruồi này. Nữ tướng khinh khi hỏi: Người đường đường là tướng của Tống triều. Tại sao lại hèn hạ qúa vậy? Nữ tướng đá vào đít mấy cái, rồi truyền cho y mỗi ngày múc mười thùng phân tưới rau.

Lê Văn tiếp:

– Đã hết đâu. Ngày nào y cũng khóc lóc thảm thiết xin được phóng thích…

Quách Quỳ tức qúa văng tục:

– Mi… mi nói như người ta đánh… rắm ấy.

Lê Văn làm bộ điếc để tay lên tai hỏi:

– Quách huynh nói gì? À, có phải Quách huynh nói lúc bị cầm tù, tổ phụ phải ăn thịt rắn ư? Trời ơi, làm gì có truyện đó. Nước tôi là nước nhiều gạo, lắm thịt, dù nuôi tù cũng không đến nỗi bắt ăn thịt rắn.

Quách Quỳ nhảy vọt lên tấn công Lê Văn bằng một chưởng Thiếu-lâm, chưởng phong khá hùng hậu. Mọi người kinh ngạc khi thấy Lê Văn không đỡ, chàng thản nhiên vận công chịu đòn. Bình, rắc rắc. Một thân hình bay bổng lên cao, rơi xuống đến huỵch một tiếng. Mọi người tưởng Lê Văn bị đánh bay đi. Không ngờ lại chính là Quách Quỳ.

Quách Quỳ đánh trộm mà không thành. Y bị nội công Lê Văn phản ứng, xương tay bị gẫy đau thấu ruột gan. Nhưng nó không dám rên la vì tự biết rằng mình dùng võ công trước mặt Hoàng-đế là tội đại bất kính, có thể mất đầu. Y vội giả vờ nằm quằn quại không bò dậy được.

Lê Văn là thầy thuốc, thoáng nhìn chàng đã biết gian mưu của Quách Quỳ, chàng cười:

– Chà Quách huynh qủa thực giòng dõi tướng môn, mưu trí tuyệt vời. Nhưng Quách huynh ơi, cái khổ nhục kế của Quách huynh chẳng nên dùng ở đây.

Nói rồi chàng chĩa ngón tay phóng một Lĩnh-Nam chỉ vào huyệt Kiên-ngung, Phong-thị của Quách Quỳ. Quỳ cảm thấy hết đau, nó ngồi dậy:

– Tôi với Lê huynh không thù, không oán. Nhưng chiếu chỉ của triều đình nói… nếu tôi biết mà không tố cáo, thì cũng mang tội khi quân.

Lê Văn cười:

– Đa tạ Quách huynh.

Chàng đưa mắt nhìn Nong-Nụt. Câu nói đó của chàng chỉ sứ đoàn Việt biết chàng nói thực. Nói rồi chàng bước khỏi chỗ đứng, ra sau nhà vua khoanh tay thái độ ngang tàng, coi như không cần cái ngôi phò mã. Vô tình chàng đứng cạnh ghế của Nong-Nụt. Bốn mắt nhìn nhau chan chứa tình.

Quách Quỳ chỉ Tự-Mai:

– Cũng trong lần Nam chinh thời vua Thái-tông, có Trần Trí-Đức. Trần Tự-Mai là con của Trần Tự-An. Mà Tự-An là con Trần Trí-Đức. Chính Trần Trí-Đức chỉ huy đệ tử phái Đông-a đánh trận Bạch-đằng. Vì vậy Tự-Mai không thể được ứng tuyển.

Tự-Mai thấy Thuận-Tường cau mặt lại. Nàng nhìn Quách Quỳ như muốn ăn tươi nuốt sống nó. Tự-Mai hứng chí, chàng cười ha hả gật đầu:

– Đúng thế. Ông nội tôi cùng đệ tử Đông-a giết không biết bao nhiêu giặc ở trận Bạch-đằng. Sau khi giết giặc người không nhận bất cứ chức tước nào của triều Lê. Đó là chủ đạo của tộc Việt.

Chàng nhìn lên thấy Thuận-Tường cau mày lắc đầu, dùng ngón tay ra hiệu cho chàng, ý bảo: Đừng nói nữa. Chàng định lui lại. Nhưng khi nhìn thấy vẻ mặt đắc chí của Tào Lợi-Dụng, cáu quá chàng nghĩ thầm:

– Tổ bà nó. Ta đếch cần. Bất biết Thuận-Tường sẽ được gả cho ai. Ta hãy bênh vực chủ đạo của tộc Việt đã. Đêm nay ta đi tìm cứu nàng ra, rồi ngao du như nhị sư huynh. Ta đía cần ứng tuyển nữa.

Tào Lợi-Dụng vẫn hầm Tự-Mai. Lão hỏi chàng:

– Trần huynh đệ. Nếu như huynh đệ trúng tuyển làm phò mã, triều đình sai huynh đệ mang quân Nam chinh. Huynh đệ sẽ hành động như thế nào?

– Dĩ nhiên vãn sinh sẽ từ chối.

Lợi-Dụng cười lớn:

– Làm phò mã mà bất tuân chỉ của triều đình, chẳng hóa ra khi quân phạm thượng ư? Chủ đạo của tộc Việt thế sao?

Tự-Mai cười lớn:

– Ngài là tể tướng mà không hiểu gì về đạo lý cả. Ngài thử nghĩ xem, vãn sinh xuất thân là người Việt, mà lại cầm quân nước ngoài về đánh quê hương mình, giết đồng bào mình, thì sau khi thành công, Hoàng-đế cũng chém đầu vãn sinh. Vì sao? Hoàng-đế sẽ nghĩ: Đất nước nó, mồ mả tổ tiên nó mà có còn vì chút danh lợi đem quân về phá, thì nó trung gì với ta? Nếu sau này nó gặp lợi lớn hơn, ắt nó cũng sẽ phản ta.

– Trường hợp triều đình mang quân Nam chinh, mà huynh đệ đang cầm quân ở Bắc. Chắc huynh đệ đem quân về chiếm Biện-kinh cứu nước Việt.

– Ngài đừng suy bụng ta ra bụng người. Vãn sinh là tên nhà quê của đất Việt, hạnh ngộ kết huynh đệ với Hoàng-thượng. Hoàng-thượng với vãn bối đã vượt ra ngoài những gì là Hán, là Việt, những gì là Hoàng-đế chí tôn với tên nhà quê. Như vậy Hoàng- thượng đãi ngộ vãn bối quá nhiều, trọn đời vãn bối không làm lợi cho Hoàng-thượng, thì cũng không làm hại. Dù vãn bối không là Quan Vân-Trường thì cũng không thua Nghiêm-Tử-Lăng.

Thái-hậu, lẫn nhà vua đều nhìn chàng gật đầu.

Lợi-Dụng cười vang cả điện:

– Dù huynh đệ có lý luận đến đâu, huynh đệ cũng thuộc giòng dõi phản tặc.

Tự-Mai cười ha hả. Chàng vận nội công làm tiếng cười vang khắp điện:

– Phản tặc. Thế nào là phản tặc? Tào quốc công có đọc kinh Xuân-Thu không? Tôi sinh ra làm người Việt, lại được giáo dục về chủ đạo tộc Việt, tôi phải giữ chủ đạo đó. Từ mấy nghìn năm nay, Hán, Việt phân cương vực. Theo nghĩa quốc tổ tôi là con thứ, quốc tổ Trung-quốc là con cả. Vì vậy vua tôi là vai em, hằng năm phải đem phương vật tiến cống. Khi Trung-nguyên có vua nhân từ, để chúng tôi yên, thì Nam, Bắc hòa thuận. Còn như Trung-quốc ỷ lớn, ỷ mạnh mang quân sang đánh, chúng tôi tuy bé nhỏ, nhưng tự hào đủ sức bảo vệ đất tổ. Thời Ân, Phù-Đổng thiên vương đốt hai mươi vạn quân, nay vết tích vẫn còn.

Chàng ngừng lại nhìn Khai-Quốc vương, thấy vương tỏ ý tán thành, chàng tiếp:

– Thời Thủy-Hoàng, sai Đồ Thư mang năm mươi vạn quân sang, chỉ một trận, Trung-tín hầu đốt sạch tại khe Ma-tần-lĩnh, Đồ Thư bị nướng như nướng chả. Thời vua Trưng, Quang-Vũ sai Mã Viện, Lưu Long mang quân sang đánh. Hai phen trận hồ Động-đình, xác lấp Trường-giang. Tại Tượng-quận, công chúa Nguyệt-Đức đốt hai chục vạn quân Vương Bá. Trận Nam-hải, đô đốc Trần Quốc chém tươi Đoàn Chí. Trận Lãng-bạc, đến nay còn hơn trăm gò mả xương chưa mục. Mới đây vua Ngô một trận, vua Lê một trận, sông Bạch-đằng cá ăn thịt quân Thiên-triều vẫn còn no. Gò Chi-lăng cao hơn núi, oan hồn hai chục vạn quân chưa tan.

Chàng nhìn Tào Lợi-Dụng:

– Nếu như Tào quốc công muốn lĩnh ấn nguyên nhung sang đánh Đại-Việt ư? Xin người về dặn con cháu đóng bàn thờ, rồi leo lên đó mà ngồi, đỡ phải khó nhọc lặn lội đi xa, rồi kết quả cũng giống Đồ Thư, Đoàn Chí, Hầu Nhân-Bảo mà thôi.

Nhà vua cũng như Yến Thù thấy Tự-Mai vì bảo vệ chủ đạo tộc Việt, mà đang từ thiếu niên ôn nhu văn nhã, bỗng biến thành ương ngạnh, ngang như cua, vội đưa mắt cho chàng như muốn bảo:

– Thôi đi. Bây giờ bọn chủ chiến chưa bại hẳn, nếu cứ lối nói này, chúng vin vào đó mà tấn công thì thực khó chống đỡ nổi.

Tự-Mai tuy hiểu ý hai người, nhưng chàng vẫn bất chấp:

– Tôi nhắc lại: Nước tôi tuy nhỏ, nhưng chí khí anh hùng dân tôi không nhỏ. Tổ tiên tôi bảo vệ nước, mà bảo rằng phản tặc, thực không còn đạo lý nào vô đạo hơn nữa. Tống Thiên-tử là nhân quân, quần thần đều là những bậc hiền Nho, lấy đức trị thiên hạ, không hề có dã tâm Nam xâm. Duy một vài quái vật đa sự, việc bằng con tép, thổi phồng thành con cá voi; tìm cái xương trong qủa trứng gà…

Chàng chợt nhìn thấy ánh mắt đau khổ của Thuận-Tường, hùng khí trong lòng chàng nguội như tro tàn, chàng không nói nữa, lùi lại sau nhà vua khoanh tay.

Sau đó nhiều ứng sinh tố lẫn nhau. Có ba mươi mốt ứng sinh bị loại vì lên hệ với bang Nhật-hồ.

Tôn Thích lại hô:

– Phò mã hay rể đông sàng đại thần phải văn võ kiêm toàn. Bây giờ các ứng sinh thi văn. Mỗi người phải trả lời một bài văn sách. Giám khảo lựa mỗi hoa khôi hai ứng sinh. Cuối cùng hai ứng sinh sẽ đấu võ. Ai thắng thì được.

Các ứng sinh đã mang theo giấy bút. Mỗi người được chỉ định một chỗ ngồi trước chiếc tráp. Tôn Thích quỳ gối:

– Xin bệ hạ ban đầu đề thi.

Nhà vua gật đầu nói:

– Tôn Tử viết Phù, dụng binh chi đạo, công tâm vi thượng, công thành vi hạ. Tâm chiến vi thượng, binh chiến vi hạ. Mạnh-tử viết Ta hồ! Binh đao chi sự hung khí dã. Thánh nhân bất đắc dĩ dụng chi.(1)

Ghi chú

(1) Câu « Phù, dụng binh chi đạo, công tâm vi thượng, công thành vi hạ. Tâm chiên vi thượng, binh chiến vi hạ » lấy trong Tôn-tử binh pháp. Nghĩa là: Than ôi! Phàm cái đạo dùng binh xưa nay, đánh vào lòng người là thượng sách, đánh vào thành người là hạ sách. Dùng tâm chiến là thượng sách, dùng binh chiến là hạ sách. Câu « Ta hồ! Binh đao chi sự hung khí dã. Thánh nhân bất đắc dĩ dụng chi » nghĩa là: Than ôi! Binh đao là đồ ác độc. Phàm thánh nhân, thì bất đắc dĩ mới phải dùng đến.

Các ứng sinh thi nhau cầm bút viết.

Trong khi các ứng sinh viết, thì có tiếng hô:

– Trấn-quốc đại tướng quân thống lĩnh Ngự-lâm quân Sử-vạn Na-vượng. Hoài-hóa đại tướng quân tổng lĩnh Thị-vệ Khiếu Tam Bản xin triều kiến.

Sử-vạn, Khiếu tuy lĩnh chức tước của triều đình, nhưng chúng chỉ trực tiếp với Lưu Thái-hậu thi hành mật lệnh khống chế quần thần. Cho nên ngay Hoàng-đế cũng không biết mặt chúng. Mãi gần đây, Lưu hậu nhân Định-vương vắng mặt, ban mật chỉ cho đại thần làm biểu tâu lên bà về công trạng hai người. Bà truyền phong chức tước cho chúng, để thay thế vào chỗ của Tôn Đức-Khắc, Lê Lục-Vũ. Từ hôm sắc chỉ ban ra, hai người lĩnh mật lệnh Lưu hậu thi hành sứ mạng, nên đến giờ chưa ai biết mặt chúng.

Thái-hậu truyền:

– Cho vào.

Sử-vạn Na-vượng, Khiếu Tam Bản bước vào phủ phục rập đầu xưng tên họ chức tước. Thái hậu hỏi:

– Hai vị đại tướng quân. Ta giao cho hai vị đi đón sứ đoàn Giao-chỉ. Thế sứ đoàn đâu?

Khiếu Tam Bản tâu:

– Hai anh em thần tới Giang-Bắc thì gặp sứ đoàn, rồi hộ tống về kinh. Dọc đường không hiểu sao có lệnh của quan Tư-mã Kinh-châu truy tầm anh em hạ thần về tội trộm. Vì không mang thẻ bài, chiếu chỉ theo, nên thần đành lui trước thiết kị.

Khiếu Tam Bản tiếp:

– Anh em thần có cảm tưởng như một thế lực nào đó, trong bóng tối mưu hại anh em hạ thần.

Nói rồi y thuật lại chi tiết những gì xẩy ra trên đường đi, đụng chạm với Diêu Vạn. Cả triều thần cùng nhìn nhau tự hỏi:

– Vậy ai là người bầy mưu hãm hại y? Điều vô lý là võ công y rất cao thâm, sao có thể để bị một thiếu niên đả bại?

Vương Đức-Dụng hỏi:

– Nhị vị đại tướng quân. Kinh-lược-sứ Kinh-châu thượng biểu rằng nhị vị nhập dinh người trộm cống bảo. Quan quân đều thấy mặt. Nhị vị giao chiến với tư-mã Trần Trung-Đạo. Kiếm nhị vị bị gẫy, cán kiếm để tại phạm trường. Hiện Trần Trung-Đạo lĩnh điện tiền chỉ huy sứ có mặt tại đây. Lại nữa Khai-Quốc vương tố đích danh hai vị là Đông-phương và Nam-phương sứ giả của Hồng-thiết giáo Đại-Việt. Xin các vị đối chất với nhau đi.

Sử-vạn Na-vượng kêu lên:

– Oan uổng! Oan uổng, thần chưa từng biết dinh Kinh-lược sứ, cũng chẳng hề giao chiến với ai tên Trần Trung-Đạo. Vậy Trần Trung-Đạo là vị nào?

Quần thần thấy y lờ vụ bị tố là người Hồng-thiết giáo, tức y mặc nhiên công nhận rồi.

Trần Trung-Đạo từ võ ban bước ra, tay chỉ vào mặt Sử-vạn, Khiếu:

– Tâu, đêm đó thần cùng chư tướng nghe tiếng báo động bên dinh Kinh-lược, vội chạy sang. Thần có giao chiến với hai người, tướng mạo tương tự như hai vị này. Sau khi giao chiến mấy chiêu, kiếm của hai người đó bị gẫy. Chúng quẳng kiếm lại, tháo chạy. Hiện tang vật thần có mang theo.

Y vẫy tay. Một thị vệ bưng tới gói vải để giữa điện. Trung-Đạo mở ra, trong có hai cán kiếm cùng mảnh kiếm gẫy. Sử-Vạn trông thấy vội chạy lại cầm kiếm lên xem. Bất giác mặt y tái xanh, vì đúng là kiếm của y với Khiếu. Hai thanh kiếm này chúng để ở Biện-kinh, chứ nào có mang theo. Chứng cớ sờ sờ như thế này còn chối vào đâu?

Vương Đức-Dụng tiếp:

– Khai-Quốc vương nói rằng nhị vị dùng thuốc Di-hồn ngũ-hoa phấn đầu độc sứ đoàn, rồi lại còn nói đó là chỉ dụ của Thái-hậu. Sau đó dùng Chu-sa ngũ độc chưởng đánh Trần Bảo-Dân. Hiện sứ đoàn Đại-Việt cũng như Trần Bảo-Dân có mặt ở đây. Hai vị hãy đối chất với sứ đoàn đi.

Khiếu Tam Bản nghĩ rất nhanh:

– Khi Thái-hậu ban chỉ dụ cho bọn ta, có dặn rằng không được cho người khác biết. Nhưng nay không biết ma quỷ nào hai ta, không chừng là Định-vương. Chứng cớ sờ sờ, ta không chối nổi. Muốn thoát chết chỉ có cách đổ cho Thái-hậu, rồi sau đó cao chạy xa bay. Với võ công của ta, dễ gì ai làm địch nổi?

Nghĩ vậy Khiếu tâu:

– Muôn tâu, Thái-hậu không ban chỉ trực tiếp cho thần đánh thuốc độc sứ đoàn. Người dạy rằng phải bắt sứ đoàn lai kinh. Vì võ công nhân vật trong sứ đoàn rất cao thâm, nên thần phải đánh thuốc, mới bắt nổi.

Chợt nhìn thấy Lê Văn đứng sau nhà vua, Khiếu kinh hãi nghĩ:

– Rõ ràng tên này phi ngựa trêu chọc bọn mình. Y là đồ đảng của tên Đặng Tông. Tại sao y lại đứng sau nhà vua? Thôi rồi, người hại ta là nhà vua chứ không phải Định-vương.

Bất giác đưa mắt nhìn nhà vua, Khiếu nhận ra nhà vua là thiếu niên đi cùng Tôn Đản vào tửu lầu hôm trước, khiến y càng tin tưởng thêm rằng nhà vua sai bọn này hại mình. Y chú ý thấy trong đám sĩ tử ứng tuyển phò mã có Tôn Đản, máu giận sôi lên, y nghĩ thầm:

– Hoàng-đế hại mình, nhưng mình không có chứng cớ. Bây giờ chỉ cần bắt tên này, dùng Chu-sa ngũ độc chưởng tra khảo, hy vọng y khai sự thực. Như vậy ta đổ cho Hoàng-đế mưu hại Thái-hậu. Tất Thái-hậu sẽ truất phế Hoàng-đế, lập một vua bù nhìn khác lên thay.

Thấy cử chỉ, con mắt của Sử-vạn, Khiếu. Khai-Quốc vương đoán ra y muốn làm gì rồi. Vương dùng lăng không truyền ngữ nói với Tôn Đản:

– Cẩn thận! Bọn Khiếu muốn bắt sống em đấy. Đừng chống lại, để cho Hoàng-đế sai các tướng bắt y. Như vậy sẽ có trận đấu của những người trong triều đình. Ta ở giữa làm ngư ông hưởng lợi.

Tiếng Vương vừa dứt, Khiếu Tam Bản lạng người đến chộp Tôn Đản. Tôn Đản thản nhiên cười hô hố. Khiếu tức qúa quát:

– Con bà mi! Mi mới đích là thủ phạm hại ta. Mi có chạy đằng trời. Bây giờ mi phải nói thực, ai xui mi hại lão gia. Bằng không lão gia phải bóp chết mi ngay lập tức.

Tôn Đản thản nhiên:

– Tôi là ứng sinh phò mã, nhưng gốc thuộc sứ đoàn Đại-Việt. Đây là Sùng-chính điện, tôi không thể và không nên dùng võ. Bằng không đại tướng quân đâu có thể bắt được tôi?

Hôm trước, nhà vua thấy Tôn Đản đấu hai chưởng với Sử-vạn ngang tay. Mà bây giờ y đành để cho Khiếu Tam Bản bắt. Ông tin ngay rằng Đản không dám dụng võ trong Sùng-chính điện. Nhà vua quát:

– Khiếu Tam Bản! Bỏ ngay Tôn Đản xuống.

Khiếu Tam Bản còn ngần ngừ, thì từ phía võ ban, một người nhảy ra chụp lưng y. Y vội trầm người xuống tránh, rồi vòng tay ra sau gạt. Hai tay chạm nhau đến bộp một tiếng. Cả hai người đều bật lui.

Mọi người nhìn lại, thì ra quan Chuyển-vận sứ Vương Duy-Chính thuộc Quảng-Tây. Duy-Chính phóng chưởng đánh thẳng vào mặt Khiếu. Khiếu thấy chưởng lực hùng hậu, vội tung Tôn Đản lên cao, rồi vung chưởng đỡ. Bình một tiếng cả hai đều lảo đảo lui lại.

Còn Tôn Đản, nó cảm thấy trong người bứt rứt, biết bị Khiếu nhả độc chưởng vào vai. Nó lạng người qua chỗ Thiệu-Thái. Thiệu-Thái vỗ vai nó một cái. Bao nhiêu bứt rứt hết. Nó trở lại chỗ cũ, tiếp tục viết…bài.

Duy-Chính, Khiếu đấu đến chiêu thứ mười, vẫn ngang tay. Bỗng hai chưởng chạm nhau đến binh một tiếng. Sử-vạn bật lui liền ba bước. Y cười lớn:

– Mi bị trúng Chu-sa chưởng của ta rồi.

Chính nhảy lui lại ôm tay nhăn nhó, miệng mắng:

– Đồ hèn hạ. Mi dùng Chu-sa ngũ độc chưởng hại ta.

Thị vệ đã xuất hiện bao vây kín xung quanh Sùng-chính điện. Trần Trung-Đạo hô:

– Khiếu, Sử-vạn. Hai vị xử dụng Chu-sa ngũ độc chưởng, như vậy lời tố cáo của Khai-Quốc vương rằng hai vị là Đông, Nam sứ Hồng-thiết giáo Đại-Việt là đúng rồi. Hai vị chịu trói đi. Bằng không tôi hô lên một tiếng, hai vị sẽ bị bằm nát ra như chả ngay.

Một liều ba bẩy cũng liều. Khiếu Tam Bản nghĩ thầm:

– Sự đã ra thế này, chỉ có cách khống chế Hoàng-đế, mới mong sống sót ngày hôm nay.

Y đưa mắt cho Sử-vạn, cả hai cùng nhảy bổ về phía Hoàng-đế. Dư Tĩnh đứng sát ngai vàng. Y vung tay phát chưởng đánh vào người Sử-vạn. Phía bên kia Địch Thanh phát chưởng cản Khiếu Tam Bản. Bình, bình hai tiếng. Khiếu, Sử lảo đảo lui lại. Trong khi Dư Tĩnh, Địch Thanh đều cảm thấy cánh tay ê ẩm.

Nhà vua kinh hãi truyền lệnh:

– Dư an phủ sứ. Người bắt ngay tên Sử-vạn cho trẫm. Trẫm sẽ tha tội đánh thuốc mê sứ đoàn Đại-Việt ở Khúc-giang cho người.

Dư Tĩnh vung tay tấn công Sử-vạn. Trong khi phía bên này Địch Thanh đang khai diễn trận đấu với Khiếu Tam Bản. Chưởng phong tràn ngập điện. Bọn văn quan vội lui lại, để tránh áp lực chưởng. Thị vệ vây kín vòng trong vòng ngoài.

Trong khi đó, sứ đoàn Đại-Việt đều được lệnh dụ của Khai-Quốc vương tuyệt đối không được can thiệp. Chỉ can thiệp khi có lời yêu cầu của Hoàng-đế.

Nhìn trận đấu nhà vua hỏi Tự-Mai:

– Nhị đệ. Nhị đệ liệu Dư, Địch có thắng được hai lão Sử-vạn, Khiếu không?

Tự-Mai lắc đầu:

– Bàn về công lực, thì Dư dư sức thằng Sử-vạn. Địch hơi thấp hơn Khiếu một chút. Nhưng trong hai trăm chiêu trở đi, Khiếu sẽ bị bại, vì Khiếu già rồi, trong khi đó Địch còn trẻ. Cuộc đấu này khó nói trước, vì Sử, Khiếu xử dụng Chu-sa ngũ độc chưởng. Lỡ ra Dư, Địch chạm vào chưởng Sử, Khiếu, ắt nguy ngay.

Đấu được trên trăm chiêu, các võ quan đều kinh hãi nghĩ thầm:

– Bản lĩnh Dư Tĩnh, Địch Thanh là thế, mà không đàn áp được Khiếu với Sử-vạn. Hèn gì Thái-hậu chẳng xử dụng y vào chức vụ thống lĩnh thị vệ.

Bàn cho thực, công lực Dư Tĩnh ngang với Sử-vạn. Nhưng vì y úy kị Chu-sa độc chưởng, nên không dám đỡ vào chưởng của y. Vì vậy cuộc chiến kéo dài. Sử-vạn cũng biết thế. Y tìm trăm phương ngàn kế để hai chưởng chạm vào nhau. Y phát liền ba chiêu đánh thẳng vào mặt Dư. Dư vung chưởng đỡ. Bình, bình, bình. Sử-vạn bật lui liền ba bước, lưng y chạm vào tường. Dư Tĩnh mừng thầm phát chưởng như trời long đất lở, mong kết liễu tính mệnh Sử. Sử-vạn Na-vượng chỉ chờ có thế. Y vận độc công, đẩy cả hai tay ra đỡ. Bộp một tiếng, mùi hôi tanh bay khắp điện.

Dư Tĩnh biết nguy, đưa tay lên nhìn, thấy cả bàn tay tím bầm. Nhờ lúc Dư kinh hoảng, Sử-vạn nhảy ra giữa sân điện, miệng cười ha hả:

– Dư Chuyển-vận sứ, người trúng độc chưởng rồi, mau ngồi xuống vận công, may ra sống được. Còn như cố xử dụng võ công càng mau chết.

Nhà vua hỏi đám ứng sinh:

– Ai bắt được tên Sử-vạn, thì muốn giai nhân nào trẫm sẽ gả cho.

Một ứng sinh dạ tiếng lớn. Y nhảy vọt ra phóng chưởng đánh Sử-vạn. Chưởng của y hùng hậu vô cùng. Mọi người cùng kinh ngạc:

– Người này còn trẻ, mà sao công lực đã đến mức thượng thừa?

Đó là một thiếu niên tuổi khoảng hai mươi, nước da trắng, mặt đẹp như ngọc. Nhà vua nhìn Tự-Mai, Lê Văn rồi cười phán nho nhỏ:

– Hai hiền đệ có thấy thiếu niên này không? Y đẹp trai đâu thua gì hai hiền đệ.

Tự-Mai tâu nhỏ:

– Y đẹp hơn đệ với Văn nhiều. Nhưng kém đại ca xa.

Nhà vua bật cười. Tự-Mai nói câu đó là nói thực. Cứ như trong Tống sử chép, Tống Nhân-tông là một Hoàng-đế đẹp trai hiếm có.

Lễ-bộ thượng thư tâu sẽ với nhà vua:

– Y tên Trương Ngọc thuộc phái Không-động.

Trương Ngọc đánh liền ba chưởng vào Sử-vạn. Sử-vạn lùi lại đỡ. Bình, bình, bình. Cả hai lảo đảo lui lại. Tự-Mai đưa mắt cho Lê Văn:

– Võ công Trương Ngọc thực chẳng kém bọn trưởng lão Lạc-long giáo. Không biết y có khống chế nổi Sử-vạn không?

Về phía Khiếu Tam Bản, càng đấu công lực y càng giảm. Nhưng y lợi dụng Địch Thanh úy kị độc chưởng, nên thẳng tay tấn công. Địch Thanh cứ phải lui hoài. Khiếu thấy thế lại tiến về phía Hoàng-đế. Y nghĩ thầm:

– Cơ chừng này, mình sẽ bị bại mất thôi. Chi bằng mình dương Đông kích Tây, giả tấn công Hoàng-đế, khiến Địch phải đỡ. Mình sẽ đẩy độc chất vào người y.

Nghĩ vậy y nhảy bổ về phía nhà vua, tay phát một chưởng như sét nổ. Quả nhiên Địch Thanh vội lạng mình đỡ cho nhà vua. Bình một tiếng. Cả hai đều bật lui. Bấy giờ Địch Thanh mới biết mình trúng kế Khiếu Tam Bản. Y từng bị trúng Chu-sa độc, nên biết lợi hại của nó

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN