Anh Linh Thần Võ Tộc Việt - Chương 18: Ma trướng nan giải
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
178


Anh Linh Thần Võ Tộc Việt


Chương 18: Ma trướng nan giải


Lưu hậu hỏi Định-vương:

– Thái-sư, bây giờ Thái-sư định sao đây?

Định-vương hỏi ngược lại:

– Thần cũng xin Thái-hậu cho biết tôn ý?

– Ta chẳng có ý gì mới mẻ hết. Chúng ta hãy làm lại. Thái-sư vẫn là Thái-sư. Ta vẫn là Thái-hậu. Lý thần phi được tôn là Thái-hậu thì vẫn là Thái-hậu. Ta không kể tới việc Thái-sư phản ta. Thái-sư cũng không thể phân biệt ta là người Hán hay người Việt. Ta không động đến người của Thái-sư, thì Thái-sư cũng không nên động đến người của ta.

Duẫn-Thăng, Duẫn-Tín, Duẫn-Thành bước ra nói lớn:

– Tâu Thái-hậu, thế còn cái chết của phụ vương chúng thần? Cái chết của Chiêu-Thành thái tử? Bọn Lê Lục-Vũ, Tôn Đức-Khắc, Khiếu Tam Bản, Sử-vạn Na-vượng thuộc dư đảng Hồng-thiết giáo, kẻ thù truyền kiếp của bản triều, đương nhiên thành đại thần ư?

Lưu hậu quát lên:

– Ranh con, ta không nói truyện với bọn người.

Bà nói với Định-vương:

– Nếu Thái-sư bức bách quá, ta cùng chết với hoàng nhi. Cái tội thí chúa, tội sát hại Thái-hậu đương nhiên Thái-sư lĩnh cả. Sử sách muôn đời ắt ghi việc đó.

Định-vương lắc đầu:

– Dĩ nhiên Thái-hậu vẫn là Thái-hậu, thần không thể thay đổi. Nhưng tha cho những tên đại ma đầu, muôn ngàn lần không được.

Vương hỏi nhà vua:

– Thần xin bệ hạ ban dụ về số phận những tên giặc Hồng-thiết này.

Mặc dù bị Lưu hậu khống chế, nhà vua hướng vào Định-vương nói:

– Hoàng-thúc! Trẫm nghĩ kỹ rồi. Hoàng-thúc cứ dùng thị vệ giết hết bọn ma đầu này đi. Tuy nhiên Hoàng-thúc không nên đụng đến Thái-hậu. Nếu như Thái-hậu hại trẫm, Hoàng-thúc nên lập một tôn thất lên thay. Sự nghiệp muôn đời của tổ tiên, hạnh phúc trăm họ không thể vì trẫm mà để giang sơn này thành giang sơn Hồng-thiết.

Lưu hậu tuyệt không ngờ nhà vua lại can đảm như vậy. Bà cười nhạt:

– Thôi được. Bây giờ ta đề nghị thế này. Ở đây có ba vị tiền bối võ lâm của Hồng-thiết giáo. Chúng ta cho họ một cơ hội. Hoàng nhi nghĩ sao?

– Xin mẫu hậu tuyên chỉ.

– Thái-sư dùng người của Thái-sư đấu với họ. Hễ người của Thái-sư thắng, thì Thái-sư muốn băm vằm mổ xẻ thế nào tùy ý. Còn như họ thắng, Thái-sư phải để họ thư thả ra đi.

Bà chỉ vào Nguyễn Thúy-Minh:

– Vị nữ quan này đã thờ tới ba đời vua. Xin Thái-sư cử ra một người nữ đấu với bà. Thái sư nghĩ sao?

Định-vương Nguyên-Nghiễm là người tài trí nhất triều Tống thời bấy giờ, gì mà ông không hiểu ý Lưu hậu. Ông nghĩ thầm:

– Bấy lâu nay dư đảng bọn Hồng-thiết giáo ẩn tàng trong triều, hậu cung, tung hoành gây ra không biết bao nhiêu vụ án kinh khủng. Chúng như bóng ma bóng quỷ, khi ẩn, khi hiện, khiến ai ai cũng sợ chúng. Bây giờ Lưu hậu cùng ba người này với bọn Sử-vạn, Khiếu đều bị lộ hình tích. Mười trưởng lão Nhật-hồ đã cải tà quy chánh. Hoàng thượng đã nắm quyền, ta không còn sợ chúng nữa. Nhưng Lưu hậu là con của Nguyễn Thúy-Minh với Nhật-Hồ, ta mà giết mụ, thì đời nào Lưu hậu chịu? Như vậy ta khỏi cần cử người ra đấu với mụ. Còn hai tên ma đầu Lê, Tôn ta không thể tha thứ cho chúng.

Chợt nhớ ra một điều, vương đưa mắt nhìn Tào Lợi-Dụng:

– Tên ma đầu này xu phụ theo Lưu hậu bấy lâu, không biết bây giờ y có chịu trở về với chính đạo không? Chi bằng ta sai y đấu với bọn Tôn, Lê. Nếu y thắng, ta cũng mở cho y một đường sống. Còn y bại, coi như ta mượn tay bọn Hồng-thiết giết dùm.

Vương hỏi lại Lưu hậu:

– Tâu Thái-hậu, vậy thì bản triều đành tuân chỉ dụ Thái-hậu dành cho đám ma đầu này một cơ hội. Thần xin cử ra ba người đấu với họ. Nếu họ thắng hai trận, họ có thể rời khỏi đây. Còn như họ bại, thần xin Thái-hậu trao họ cho Hình-bộ xử tội.

– Được! Trận đầu Tôn Đức-Khắc xuất thủ. Không biết bên Thái-sư ai sẽ ra tay?

Tự-Mai nghe Lưu thái hậu, Định-vương đối đáp, nó kinh hãi:

– Hai người này cơ tâm không chừng. Định-vương thì coi như bên mình là triều đình, còn đám người theo Lưu hậu là ma đầu. Ngược lại Lưu hậu lại coi Định-vương là phe phái mà thôi.

Định-vương đưa mắt cho Tào Lợi-Dụng:

– Tào quốc công! Quốc công hiện là võ quan cao cấp nhất ở đây. Quốc công từng thờ tới ba triều. Trong trận đánh tổng đàn bang Nhật-hồ, mình quốc công giết một lúc năm đệ tử của bang chủ Đỗ- Ngạn-Tiêu. Vậy hôm nay quốc công hãy trổ thần uy thu thập viên Tả-hộ-pháp của Hồng-thiết giáo Đại-Việt cho triều đình biết tài quốc công.

Tào Lợi-Dụng đã suy nghĩ kỹ:

– Bấy lâu nay ta theo Lưu hậu, áp chế Lý hậu. Bây giờ nhà vua có tha cho ta, thì liệu Lý hậu để ta yên không? Nguyên cái tội ta dính vào việc hoán chúa, rồi khi quân bấy lâu, luật bản triều không thể tha. Mới đây, con ta phạm tội áp chế lương dân, ắt y bị chết chém, còn ta bị cách chức chứ chơi sao? Chi bằng một liều ba bẩy cũng liều, ta tránh né giao tranh với đám Hồng-thiết, để người của Định-vương với Lưu hậu đối chọi. Ta liệu bên nào thắng sẽ buông câu thủ lợi.

Nghĩ vậy y chắp tay vái Định-vương:

– Thái-sư! Như ban nãy Thái-sư đã ban chỉ dụ cho thế-tử Lý Long-Bồ rằng mấy vị đây vốn người Giao-chỉ, nên để Giao-chỉ bắt họ trị tội. Ta chẳng nên xen vào việc của họ.

Y nói với Khai-Quốc vương:

– Thế tử! Ba vị đây vốn là người Việt. Đúng ra Nam-bình vương phải xử lý họ. Nhưng Nam-bình vương ở xa, thế-tử hiện diện, mong thế-tử hành động cho.

Trong sứ đoàn thì Khai-Quốc vương, Thanh-Mai thuộc loại đạt nhân, coi lời nói Tào Lợi-Dụng là lẽ thường. Thiệu-Thái, Tự-Mai, Tôn-Đản đều không mấy nhậy cảm với những tên gọi Giao-chỉ, Đại-Việt. Riêng Mỹ-Linh, nàng vốn tự hào cái gốc Việt của mình, về lẽ chính danh Đại-Việt. Cho nên ngay trong đêm ở trên chùa Sơn-tĩnh nghe sứ đoàn Tống nhục mạ tộc Việt, nàng không tự chủ được, đã ra tay. Mới ban nãy đây, Lê Lục-Vũ, Tôn Đức-Khắc tự nhận là người Hán, nhục mạ tộc Việt, nàng không tự chủ nên rút kiếm chỉnh đốn chúng.

Bây giờ thấy rõ ràng nhà vua, Định-vương đều đồng ý coi Đại-Việt là một nước ngang hàng với Tống, nhận quốc danh Đại-Viêt, niên hiệu Thuận-Thiên. Thế mà Tào Lợi-Dụng vẫn coi chú mình là thế-tử, ông mình là Nam-bình vương, nước mình là Giao-chỉ… Nàng không nhịn được nữa, bước ra ôn tồn lên tiếng:

– Tào quốc-công. Quốc-công là tể thần, cầm đầu võ ban, mà ngôn từ thiếu suy nghĩ, thiếu cẩn trọng như vậy ư?

Tào Lợi-Dụng cười nhạt:

– Quận-chúa bảo lão phu thiếu cẩn trọng ư? Lão phu thiếu cẩn trọng ở chỗ nào?

– Mới cách đây nửa giờ, Thiên-Thánh hoàng đế, Thái-sư cùng các tể thần nghị sự về chính sách Nam-thùy đã đưa đến kết luận, công nhận quốc danh Đại-Việt. Thế mà quốc-công cứ một điều Giao-chỉ, hai điều Giao-chỉ. Hoàng-thượng cũng như triều đình công nhận niên hiệu Thuận-Thiên của hoàng đế Đại-Việt, mà quốc công cứ một điều Nam-bình vương, hai điều Nam-bình vương. Như vậy là khi quân, phạm thượng, tội đáng chết chém.

Nàng ngừng lại một lúc rồi tiếp:

– Tại sao tôi nói quốc-công thiếu suy nghĩ? Nếu như quốc-công coi ông nội tôi là Nam-bình vương, nước tôi là quận Giao-chỉ, thì người Hán, người Việt đều là dân Tống. Việc bắt bọn Hồng-thiết gốc Việt, thuộc nhiệm vụ triều Tống, mà quốc-công là tể thần võ ban, phải ra tay. Chứ có đâu chúng tôi phải chế ngự họ?

Mọi người đều im lặng, lắng nghe Mỹ-Linh lý luận. Ai cũng khâm phục trong lòng:

– Cô công chúa này, kiếm thuật thần thông, mà văn học thực không tầm thường.

Mỹ-Linh tiếp:

– Quốc-công hành xử nhiệm vụ tể thần đi. À, chắc quốc-công sợ Chu-sa độc chưởng phải không? Nếu đúng vậy thì Quốc-công cứ nói thực, Thái-sư sẽ sai người khác làm. Còn Quốc-công nên đeo mặt nạ da trâu, để khi triều kiến, khi ra đường, người ta khỏi nhận được mặt, rồi chỉ chỏ: Kià ông Tào mật nhỏ như mật chuột nhắt.

Bị khích, bị chế diễu, Lợi-Dụng quát lên:

– Lão phu sợ Chu-sa độc chưởng bao giờ. Được, lão phu sẽ bắt tên Tôn Đức-Khắc cho quận-chúa xem.

Mỹ-Linh vẫn không tha:

– Ôi! Tôi không tin. Miệng Quốc-công nói thế mà trong lòng phát run rồi.

Tào Lợi-Dụng hất hàm nói với Tôn Đức-Khắc:

– Người chuẩn bị đi. Ta sắp ra tay đây.

Tôn Đức-Khắc cười nhạt:

– Tào quốc công bị mắc mưu khích tướng của con nhỏ kia rồi. Quốc-công ơi, người với lão phu đều là bạn đồng liêu, bấy lâu nay được Thái-hậu trọng dụng. Bây giờ Thái-hậu bị Triệu Nguyên-Nghiễm mưu phản, mà Quốc-công không biết vì chúa xả thân thì chớ, còn quay giáo lại chống người cùng hội cùng thuyền ư?

Tào Lợi-Dụng nghe Tôn-đức-Khắc nói, y quát lên:

– Ta không đồng liêu với bọn ma quỷ các người.

Tôn Đức-Khắc lắc đầu:

– Bấy lâu nay, anh em lão phu dưới quyền sai phái của Quốc-công, làm không biết bao nhiêu truyện kinh thiên động địa, mới dựng lên kỷ cương này. Quốc-công đều biết rõ anh em lão phu theo Hồng-thiết giáo rồi mà, có phải bây giờ Quốc-công mới biết đâu?

Bách quan hiện diện đa số bị Tôn, Lê, Khiếu, Sử-vạn dùng Chu-sa độc chưởng khống chế. Trong tâm tưởng, họ cho rằng chúng tuân chỉ Lưu thái-hậu. Tào Lợi-Dụng chỉ a dua theo bà mà thôi. Bây giờ nghe Tôn nói, họ mới biết rõ Tào mới thực sự là người nhận chỉ dụ trực tiếp từ Lưu hậu hành sự.

Tôn Đức-Khắc tiếp:

– Việc Sử-vạn Na-vượng ám toán Sở-vương, cùng Chiêu-Thành thái tử; Thái-hậu đâu có ban chỉ cho Quốc-công? Chính Quốc-công ban lệnh cho y hầu lập công với Thái-hậu mà.

Tào Lợi-Dụng hiểu ngay ý Tôn-đức-Khắc: Y cố tình moi móc tội trạng, để Tào sợ tội, phải theo Lưu hậu, chống lại Định-vương. Tào sợ quá miệng nói không ra hơi:

– Ta đâu có chủ trương việc này. Ta nhận chỉ dụ của Thái-hậu.

Lưu hậu quát lên:

– Tào quốc công! Người nên biết những việc người tự ý làm tuy gây oán thù với một vài người tôn thất, nhưng người lại có đại công khuông phò Tiên-đế cũng như với Hoàng-thượng. Tại sao người không dám nhận? Nếu người không giết Sở-vương với Chiêu-Thành thái tử, làm sao Tiên-đế được ngồi vào chính vị? Làm sao Hoàng-thượng được lên ngôi bảo tộ. Công người lớn như vậy mà không dám nhận ư? Hồi người xuống tay hai vụ này, Tiên-đế còn là một hoàng tử, ta chỉ là thị nữ hầu hạ người… thì làm sao ban chỉ dụ cho người? Người hãy nhận thưởng công lao này đi.

Tôn Đức-Khắc tiếp:

– Còn nữa, việc Chương-hoài hoàng-hậu, Chương-mục hoàng hậu do ai ám toán? Khi hai hoàng hậu băng hà, người tím bầm lại có phải thế không? Có phải trong thiên hạ chỉ Thất-sát chưởng của phái Liêu-Đông đánh vào người ta, mới bị tím bầm phải không? Trong triều này không một ai biết chưởng đó ngoài Quốc-công.

Đám hoàng tộc nghe Tôn nói đều kinh hãi. Trước đây, vua Thái-Tông cưới con gái thứ tám của Trung-nghĩa quân Tiết-độ sứ Phan Mỹ cho hoàng tử thứ ba tức Chân-Tông sau này. Khi mới nhập cung đã được phong Lã-quốc phu nhân. Niên hiệu Đoan-củng thứ nhì tháng năm (Kỷ-Sửu, 989) tự nhiên bà lăn đùng ra băng hà, người tím ngắt, năm đó mới hai mươi hai tuổi. Sau khi vua Chân-Tông lên ngôi, truy phong cho bà làm Chương-hoài hoàng hậu.

Còn Chương-mục hoàng hậu, là con gái thứ nhì của Tuyên-huy Nam-viện sứ Quách Thủ-Văn. Niên hiệu Hàm-hóa thứ tư (Qúy-Tỵ, 983) vua Thái-tông cưới cho hoàng tử thứ ba (Chân-Tông) bấy giờ mới được phong Tương-vương. Khi Chân-tông lên ngôi, bà được phong hoàng hậu. Niên hiệu Cảnh-đức thứ tư (Đinh-Mùi, 1007) bà bị gian nhân đánh một chưởng chết, bấy giờ mới ba mươi hai tuổi. Khi bà chết, người cũng bị tím bầm lại.

Sau hai vụ án, trong triều cũng như nội cung, không sao tìm ra thủ phạm. Dần dà truyện đi vào lãng quên.

Nhờ Quách hậu băng, bấy giờ Lưu quý phi mới được phong làm Hoàng-hậu, nay là Thái-hậu.

Bây giờ nghe Tôn Đức-Khắc nói, triều thần mới vỡ lẽ: Lưu hậu được cao thủ Hồng-thiết giáo núp trong bóng tối đưa vào làm phi tần cho đệ tam thái tử của vua Thái-tông. Họ giết con trưởng, con thứ để con thứ ba lên ngôi vua. Đạt được bước thứ nhất, họ tiến xa hơn. Họ giết hai hoàng hậu, để Lưu hậu lên thay. Rồi họ cướp con của Lý phi, làm con bà, đưa lên ngôi, sau đó giúp bà nắm quyền. Giai đoạn trót, định đưa quyền vào các cao thủ Hồng-thiết giáo, tiến tới cướp ngôi vua, lập ra nước Hồng-thiết giáo.

Định-vương dùng Lăng-không truyền ngữ nới với Khai-Quốc vương:

– Nhị đệ! Cứ như tên ma đầu này nói, thì ra có sự liên hiệp giữa Tào Lợi-Dụng với Hồng-thiết-giáo từ lâu. Hồng-thiết-giáo muốn lập lại triều đại cai trị dân bằng Hồng-thiết kinh rồi tiến tới hợp với Hồng-thiết giáo Tây-vực thành Thiên-hạ Hồng-thiết. Giáo chúng tôn giáo này bị ma kinh, quỷ kinh làm cho mất đi cái bản thiện đã đành. Còn Tào Lợi-Dụng, không biết y có âm mưu gì? Chắc chắn không phải chỉ với chút danh vọng. Nhị đệ nghĩ sao?

Khai-Quốc vương đáp:

– Đệ cũng không tìm ra được lý do để trả lời thỏa đáng. Có lẽ phải bắt y, tra khảo, mới hy vọng. Khắp triều thần không ai đủ bản lĩnh bắt Tào.

– Ta nghĩ ngoài Thiệu-Thái, Mỹ-Linh, hiện không ai địch nổi y. Nhị đệ giúp ta được không?

– Cũng được, nhưng e triều thần không phục, vì đại ca phải nhờ tới Đại-Việt. Tốt hơn hết đại ca tuyên bố tha tội cho Tào, để Tào yên tâm bắt bọn Hồng-thiết thì hơn.

Định-vương vẫy tay ra hiệu cho mọi người im lặng:

– Tôn, Lê, các người đừng hòng bịa truyện vu hãm công thần. Tào quốc công thờ đã ba đời vua, lăn vào chỗ chết bao phen có đâu theo các người làm truyện vô đạo như vậy. Các người nói gì thì nói, cô gia cũng không tin.

Từ sáng đến giờ, Tào Lợi-Dụng bị Trần Trung-Đạo, rồi Tự-Mai, rồi Tôn Đản làm cho bó chân, bó tay, y không được trổ hết bản lĩnh, uất ức chồng chất. Nghe Định-vương nói, y quát lên một tiếng phóng chưởng tấn công Tôn Đức-Khắc. Chưởng chưa ra, mà mọi người muốn ngộp thở. Tôn Đức-Khắc cười nhạt một tiếng, rồi lách mình sang một bên, y phát một chiêu chưởng đánh cắt ngang chưởng của Tào Lợi-Dụng. Hai chưởng chạm nhau, tạo thành cơn gió lốc, kình lực làm mọi người phải bật lui.

Tự-Mai nhận ra Tôn Đức-Khắc xử dụng võ công Cửu-chân. Còn Tào Lợi-Dụng dùng võ công Liêu-đông. Cứ mỗi khi hai chưởng đụng nhau, lại bật lên tiếng bùng. Cả hai lảo đảo lui lại.

Thoáng nhìn trận đấu Khai-Quốc vương nói với Định-vương:

– Đại ca thấy thế nào?

– Có thể nói đây là trận đấu sinh tử, nhưng dường như cả hai đều không dùng hết sức. Có lẽ họ định mưu đồ gì chăng? Ta nghĩ họ cùng dò dẫm bản lĩnh của nhau.

– Tình thế hiện tại, đại ca định xử trí ra sao?

– Huynh muốn giết chết năm đại ma đầu, nhưng vẫn duy trì Lưu hậu. Hiền đệ nghĩ xem, với bản lĩnh Hoa-sơn tứ lão, có thể giết được bọn này không?

– Khó lắm. Đúng ra công lực Hoa-sơn tứ lão ngang với chúng, nhưng chúng xử dụng độc chưởng, e khó kiềm chế. Hơn nữa hiện Đông, Tây nhị lão bị trúng độc mất rồi.

Từ đầu đến cuối, Bảo-Hòa trong lớp áo cung nữ. Thông-Mai trong lớp áo thị-vệ. Cả hai đã được Khai-Quốc vương ủy thác việc điều động sứ đoàn để phá vỡ tất cả hệ thống quyền lực còn sót lại của Lưu hậu cùng bọn chủ xâm lăng Nam-thùy. Hai người luôn dùng Lăng-không truyền ngữ khi thì ra lệnh cho năm trẻ, khi thì thỉnh ý kiến Khai-Quốc vương, khi thì bàn với Phụ-Quốc, Bảo-Dân, Trung-Đạo. Bây giờ phải quyết định một việc trọng đại, Bảo-Hòa truyền âm rót vào tai Khai-Quốc vương:

– Việc trước mắt cậu định giải quyết ra sao? Chúng ta giúp Định-vương bắt bọn này hay để họ thanh toán lẫn nhau?

– Cháu phải nên nhớ rằng, Tống là nước lớn, Nho-học thịnh. Trong tâm bất cứ người nào cũng coi vua họ là con trời. Con trời thì phải cai trị Thiên-hạ. Chẳng cứ Lưu hậu, khi một người Hán sinh ra, quyền vào tay họ. Họ cũng muốn đánh chiếm hết các nước lân bang… Cho nên phương pháp phòng ngự của Đại-Việt ta là phải sao cho trăm họ một lòng. Sao cho nước giầu dân mạnh, mới mong họ để yên.

– Cháu hiểu rồi. Chính Định-vương cũng mưu đồ đánh chiếm Đại-Việt. Vì vậy ông ta mới tổ chức những toán tế tác gửi sang mình. Cũng may cậu thiết kế làm cho ông ta cảm thấy kinh sợ. Thế nhưng trên đường về Tống, ông ta cũng không bỏ mộng đó. Cậu lại thiết kế khiến cho ông ta cướp ngôi vua. Trong nhất thời ông ta định làm thực. Song khi gặp Phạm Trọng-Yêm. Yêm khuyên ông ta chỉ nên làm Chu-công mà thôi. Tuy vậy ý tưởng cướp ngôi cũng bị thủ hạ mật tấu lên Lưu hậu. Thế là ông ta với Lưu hậu lâm vào thế thù nghịch. Vì vậy ông ta phải liên kết với cậu để chống bà.

– Đúng thế! Ông ta rất tinh khôn. Cậu kết bạn với ông, nhưng cả hai vẫn để quốc-sự lên trên. Ta giúp ông diệt bang Nhật-hồ, Trường-giang, khiến cho lực lượng ông với Lưu hậu thăng bằng, ông mới quyết tâm lật đổ bà. Nhưng ông ta gặp phải trở ngại: Ông sợ dư luận không dám giết bà. Dù gì bà cũng là người của vua Chân-tông sủng ái. Bà nhận di chiếu cùng ông phụ chính nhà vua, bà là Thái-hậu. Thiên-Thánh hoàng-đế cũng không muốn giết bà vì nghĩ đến công lao nuôi dưỡng.

– Cháu hiểu ý cậu. Cậu muốn duy trì Lưu hậu, trong khi bà mất hết chân tay. Thế là trong triều phe mạnh là Hoàng-tộc cùng Định-vương kình chống với phe yếu của Lưu hậu. Có như vậy họ mới để mình yên.

– Cậu muốn giết hai tên Đào Tường-Phúc, Chu Bội-Sơn hầu trừ hậu họa, bởi chúng muốn dựa thế Tống về Đại-Việt mình lập nước Hồng-thiết giáo. Còn mụ Nguyễn Thúy-Minh, ta không nên giết mụ. Để Lưu hậu còn có người trợ giúp. Cháu làm đi.

– Cháu sẽ làm như cậu muốn.

Thình lình Lưu hậu lại run lên bần bật, rồi không chịu đựng nổi, bà hét be be:

– Đau quá! Giết ta đi.

Tuy vậy tay bà vẫn nắm lấy sau lưng nhà vua.

Bảo-Hòa hỏi nhỏ Thiếu-Mai:

– Với công lực của Lưu hậu, phải bao nhiêu viên Ma-túy hoàn bà mới tê liệt?

– Nếu bắn tan thành bụi, e phải mười viên. Nhưng nếu bắn vào huyệt, chỉ cần bốn viên cũng đủ.

Tuy nhà vua bị Lưu hậu kiềm chế, nhưng ông không nỡ để bà đau đớn. Ông nói với Thiếu-Mai:

– Vương phi! Xin vương phi bắn thuốc cứu Thái-hậu.

Đêm trước Thiếu-Mai đã trị bệnh cho Lưu hậu. Bà đối với nàng bằng tất cả tình cảm chân thành. Cho nên, dù biết bà là đại ma đầu, y-đạo khiến nàng không nỡ để bà đau đớn, nàng định ứng lời nhà vua, tung thuốc cứu bà, thì có tiếng Khai-Quốc vương dùng Lăng-không truyền ngữ rót vào tai:

– Lê tiểu thư! Vì sự nghiệp đất nước, xin tiểu-thư bắn thuốc vào huyệt Khúc-trì, Dương-lăng-tuyền làm cho bà tê liệt, hầu Tự-Mai cứu nhà vua.

Thiếu-Mai nghĩ thầm:

– Ta là cô gái Việt. Phụ thân ta chống Hồng-thiết giáo cùng cực. Lưu hậu ở vị thế cao sang, uy quyền tuyệt đỉnh. Bà lại là con Nhật-Hồ lão nhân đúng ra bà phải ganh ghét ta. Thế mà bà nhờ ta trị bệnh, tức giao tính mệnh cho ta. Muôn ngàn lần ta không thể hại bà… Nhưng còn Đại-Việt? Ta phải làm sao bây giờ? Thôi được, ta để Văn đệ làm.

Nghĩ vậy nàng chỉ Lê Văn:

– Tâu hoàng thượng! Thần không mang theo nhiều thuốc. Chỉ xá đệ mới còn.

Bảo-Hòa vốn cực kỳ thông minh, nàng lại chơi thân với Thiếu-Mai. Nghe Thiếu-Mai đối đáp với nhà vua, nàng hiểu liền. Nàng nói với Lê Văn:

– Văn đệ! Dùng chỉ pháp bắn bốn viên Ma-túy hoàn vào huyệt Kiên-ngung, Dương-lăng-tuyền của Lưu hậu. Gấp! Gấp! Gấp.

Lê Văn đang mải mê nói truyện với Nong-Nụt, nghe Bảo-Hòa truyền lệnh, chàng không kịp suy nghĩ rằng tại sao lại phải bắn thuốc vào người Lưu hậu, và bắn vào những huyệt đó kết quả sẽ đi về đâu? Chàng vội móc túi, lấy bốn viên Ma-túy hoàn bắn vào người bà. Bốn viên thuốc hướng Lưu hậu bay tới. Hai viên trúng huyệt Kiên-ngung làm hai cánh tay bà tê liệt, bà buông nhà vua ra. Tiếp theo hai viên trúng huyệt Dương Lăng-tuyền, hai chân bị tê, bà lảo đảo muốn ngã xuống.

Thiếu-Mai xẹt tới đỡ bà. Trong khi đó nhanh như chớp, Tự-Mai lạng người chụp nhà vua, rồi nhảy lùi lại. Lê Lục-Vũ phản ứng rất nhanh, lão phát ưng trảo chụp lưng Tự-Mai. Trong khi Nguyễn Thúy-Minh dùng Cầm-long công nắm vào sườn chàng. Tự-Mai vòng tay lại sau phát chiêu Thái-cực quyền tên Lam tước vỹ phong tỏa chiêu ưng trảo của Lê Lục-Vũ. Trong khi đó chiêu cầm long công đã bao phủ mạn sườn. Chàng nghĩ thầm:

– Thôi, mạng ta cùng rồi.

Có tiếng quát thanh thoát, rồi một bóng trắng lướt tới, ánh thép lóe lên, xỉa vào hông Tự-Mai. Nếu Thúy-Minh tiếp tục chụp Tự-Mai, thì chính bàn tay mụ tự đập vào kiếm, e đứt rời. Kinh hoàng mụ vội bật ngửa tay lại bắt kiếm, thì thanh kiếm như con rắn co lại bật đến vèo vào huyệt Thái-dương mụ. Mụ vội nhảy lùi lại sau. Nhưng khi chân mụ vừa chạm nền điện, thì mũi kiếm theo mụ như bóng với hình, chĩa vào huyệt Đản-trung giữa ngực. Quá sợ hãi mụ hét lên be be, lăn người xuống điện liền bốn vòng, rồi bật dậy. Tưởng thoát nạn, nhưng mụ cảm thấy đau nhói ở bụng dưới. Mũi kiếm thủy chung vẫn chỉ vào người mụ. Biết có tránh nữa cũng không thoát, mụ chửi bằng tiếng Việt:

– Tiên sư cha nó! Ta vì chậm tay, bị mi chiếm tiên cơ, nên thua mi. Mi giết ta đi cho rồi.

Bấy giờ mụ nhìn lại kẻ kiềm chế mình thì chỉ là một thiếu nữ tươi như hoa, nét mặt phảng phất giống Quan-thế-âm bồ tát. Mụ cười nhạt:

– Mi đường đường là công chúa Đại-Việt, mà lại ra tay đánh trộm ta ư? Ta không phục. Mà…ừ nhỉ, tại sao mi biết xử dụng Long-biên kiếm pháp, trong khi nội lực lại là nội lực Thiếu-lâm.

Mỹ-Linh thấy Thiếu-Mai để Lưu hậu ngồi vào chiếc ngai vàng đặt bên trái Lý thái-hậu. Biết Lưu hậu bị kiềm chế rồi, nàng thu kiếm về, chắp tay tạ lỗi:

– Xin tiền bối miễn chấp. Vãn sinh chỉ muốn cứu nghĩa đệ, bị hai vị ra tay vây đánh mà thôi. Chứ vãn sinh không chủ ý vô lễ với các vị.

Diễn biến xẩy ra như vậy, mà Tôn Đức-Khắc, Tào Lợi-Dụng vẫn chiết chiêu với nhau. Hai người đang ở cửa điện. Khai-Quốc vương dùng lăng không truyền ngữ ra lệnh:

– Thông-Mai coi chừng Tôn Đức-Khắc. Bảo-Hòa giám sát Lê Lục-Vũ, bằng không chúng bỏ chạy, e khó bắt lại được. Còn Thanh-Mai canh chừng Nguyễn Thúy-Minh, Thiệu-Thái canh chừng Tào Lợi-Dụng. Hễ thấy chúng bỏ chạy, hoặc tấn công Lý thái-hậu hoặc Hoàng-đế thì phải ra tay kiềm chế liền.

Quả nhiên vương vừa dứt lời, Thông-Mai, Bảo-Hòa chưa kịp thi hành lệnh thì Tôn Đức-Khắc, Lê Lục-Vũ, bỏ Tào Lợi-Dụng cùng vung chưởng đánh vào ba thị vệ đang đứng chặn ở cửa, rồi tung mình chạy ra sân. Đám thị vệ canh gác ngoài sân điện chưa được lệnh nên không giám cản hai lão. Cả triều thần cùng dương mắt lên nhìn.

Khai-Quốc vương hô lớn:

– Thông-Mai, Bảo-Hòa mau đuổi theo.

Nhưng hai lão chạy đã khá xa.

Hai lão chạy đến cuối sân thì có hai người mặc quần áo nâu, đầu chít khăn từ trên một cây nhảy xuống chặn đường. Còn lơ lửng trên không, hai người đó đã vung chưởng đánh chặn trước mặt chúng. Chưởng phong cực kỳ hùng hậu. Cả hai lão kinh hoàng, vội lộn một vòng về sau. Nhưng hai người kia còn nhanh hơn, đẩy hai chưởng nữa tiếp theo. Chưởng đánh xuống sân bật lên tiếng rầm, cát bụi bay tung. Sân lủng xuống hai hố sâu chỉ cách chân Lê, Tôn có hơn thước.

Lê, Tôn đều là những cao thủ số một của Tống, nhưng trọn đời hai lão chưa từng gặp ai có công lực mạnh như vậy. Hai lão chưa đứng chân xuống đất, thì hai chưởng nữa lại đánh tới sau lưng. Hai lão lộn liền bốn vòng, thì hai người kia cũng đánh tiếp bốn chướng nhanh như sét nổ. Đến đây thì Bảo-Hòa, Thông-Mai đã đuổi kịp. Hai người xuất chiêu chặn trước mặt chúng.

Trong khi đó, hai người kia nhìn nhau cùng bật lên tiếng cười, rồi khoanh tay lơ đãng nhìn trời.

Một trong hai người nói với Bảo-Hòa, Thông-Mai bằng giọng đầm ấm:

– Bọn ma đầu thì dù võ lâm Tống hay Việt cũng có nhiệm vụ tru diệt. Song đây thuộc Hoàng-thành, hãy đợi chỉ dụ của Hoàng-thượng .

Nhưng Bảo-Hòa đã phát chiêu Ác-ngưu nan độ, nàng vận cộng nửa âm, nửa dương, tấn công Tôn Đức-Khắc. Trong khi Thông-Mai xuất Thiên-vương chưởng tấn công Lê Lục-Vũ. Nghe tiếng người bịt mặt, cả hai vội thu nội lực, phát hư chiêu.

Hai lão Lê, Tôn vừa hết kinh hoàng đã bị tấn công, vội quát lên một tiếng xuất chưởng đỡ. Nhưng hai lão đỡ vào quãng không. Tức quá lão Tôn chửi tục:

– Con bà nó, rõ ràng mi là thị vệ cùng cung nữ mà cũng dám đem thân ra chịu chết ư?

Thông-Mai cười hô hố, rồi phát chiêu Lôi-đả ân-tặc hướng hai lão, chiêu này như sét nổ ngang trời, trong khi đó chàng lại vận đủ mười thành công lực. Tôn Đức-Khắc kinh hãi vội phát chưởng đỡ. Ầm một tiếng, cả hai lảo đảo lui lại. Y cười nhạt:

– Mi, mi xử dụng Thiên-vương chưởng. Thì ra mi là người Việt. Tiếc thay cho mi, luyện đươc bản lĩnh vô địch, mà lại đi làm thị-vệ cho Tống.

Thông-Mai vỗ hai chưởng vào nhau:

– Võ công cao hay thấp, không cần bàn đến trong trường hợp này. Ta dám tự hào rằng từ nhỏ đến giờ chưa từng làm gì hại đến thanh danh người Việt là được. Vừa rồi mi đưa ra lời đe dọa, vì vậy ta phải chứng minh cho mi biết rằng lời đe dọa đó không làm cho ta sợ hãi. Thế thôi.

Lão Tôn quay lại hỏi hai người bịt mặt:

– Tôn giá là ai? Dường như tôn giá là người Việt thì phải. Một vị dùng võ công Khúc-giang, một vị dùng võ công Sài-sơn. Tại sao giữa người Việt với nhau, tôn giá không bênh lão phu, mà lại giúp Tống?

Hai người nhìn nhau, rồi cùng mỉm cười không trả lời.

Định-vương chỉ mặt Tôn, Lê:

– Bọn mi là qủy sứ, thì võ lâm thiên hạ ai cũng muốn trừ bọn mi.

Thị vệ dùng cung nỏ chĩa vào hai lão. Họ chỉ chờ mệnh lệnh của Trung-Đạo hay Vương-Văn là buông tên.

Định-vương đến trước hai người bịt mặt chắp tay xá:

– Hai vị tiền bối giá lâm Hoàng-thành, mà tiểu vương không biết trước để nghinh tiếp, thực vô phép. Mong hai vị thứ lỗi.

Một người bịt mặt đáp lễ:

– Chính hai gã thôn phu này mới là người phải tạ lỗi với vương gia về tội đột nhập Cấm-thành. Song vì mải theo dõi bọn đại ma đầu ẩn ẩn, hiện hiện mưu hại Thiên-Thánh hoàng đế, nên không kịp xin phép vương gia.

Tự-Mai, Lê Văn hộ tống nhà vua ra tới nơi. Thoáng nhìn hai người bịt mặt, Tự-Mai lạng người đến trước mặt một người, miệng kêu lớn:

– Ngô sư bá.

Người đó mở khăn bịt mặt, mọi người cùng bật lên tiếng ồ, vì ông là Ngô Quảng-Thiên.

Lê Lục-Vũ cười nhạt:

– Ngô đại ca. Ngô đại ca quên mất lời nguyền kết bạn rồi hay sao, mà trong lúc bọn đệ bị nguy khốn, đại ca không giúp đỡ còn gây khó dễ?

Ngô Quảng-Thiên cười nhạt:

– Chu hiền đệ! Người còn dám gọi ta là đại ca nữa ư? Người còn dám nhắc đến lời kết nghĩa ư? Ta hỏi người: Vì ai mà nước Ngô-Việt bị diệt? Vì ai mà hàng vạn anh hùng chuẩn bị khởi nghĩa ở Hổ-môn mất mạng? Người vốn là Hữu hộ pháp của Hồng-thiết giáo, coi những gì là nhân nghĩa, trung hiếu, như một thứ hủ lậu cần diệt bỏ, mà nay còn mở miệng ra hỏi ta ư?

Ông chắp tay hướng Định-vương:

– Đa tạ vương gia đã phóng thích gia đình của lão phu. Hiện tất cả đều an toàn về tới Đại-Việt. Song trọn đời, lão phu đã nguyện tìm hai tên ma đầu Chu Bội-Sơn, Đào Tường-Phúc để đòi món nợ năm xưa. Xin vương gia cho phép lão phu tính tội hai tên ma đầu này.

Ai cũng biết Ngô Quảng-Thiên thuộc giòng dõi vua Ngô-Quyền, oai danh một thủa. Tổ tiên ông đã cùng hai di thần triều Ngô là họ Đào, họ Chu lập ra triều Ngô-Việt. Sau Tống Thái-Tông mang sai sứ sang dụ vua Ngô-Việt đầu hàng thì vẫn để cho làm vua như cũ. Triều đình chia làm hai phe. Phe Việt quyết chiến, phe Hán nghị hàng. Cuối cùng phe nghị hàng thắng thế, rồi bị Tống tung phục binh bắt hết.

Ngô Quảng-Thiên cùng với hai sư đệ Đào Tường-Phúc, Chu Bội-Sơn bỏ quan về ẩn ở sơn dã. Anh hùng tộc Việt vẫn ấm ức vì bị mất nước. Họ tìm đến ba người bàn định kế sách phục quốc. Nhưng Chu Bội-Sơn, Đào Tường-Phúc trong lúc phẫn hận vì vong quốc, đã theo Nhật-Hồ lão nhân. Hai người tưởng có thể dùng Hồng-thiết giáo tái lập nước. Nhật-Hồ lão nhân trao cho hai người làm Tả, Hữu hộ pháp, tức chức vụ tối cao trong giáo, chỉ dưới có lão mà thôi.

Chu, Đào du thuyết khắp vùng Ngô-Việt, Lưỡng-Quảng, giáo chúng theo rất đông. Khi hai người cùng Ngô Quảng-Thiên đại hội anh hùng ở Hổ-môn bàn kế sách khởi binh. Chu thuyết phục mọi người dùng Hồng-thiết giáo làm chủ đạo phục quốc. Anh hùng các nơi không phục. Chu, Đào bèn nảy ra ý định đầu hàng Tống. Dùng Tống diệt hết anh hùng thiên hạ, cuối cùng một mình Hồng-thiết giáo đứng lên cầm cờ đại nghĩa.

Cho nên khi đại hội khởi binh đang diễn ra, Tống đem thiết kị tới diệt anh hùng. Nhóm Hồng-thiết giáo với Chu, Đào quay lại cùng binh Tống đánh người đồng đạo. Võ công Ngô Quảng-Thiên tuy cao, nhưng sau khi thoát vòng vây thiết kị, công lực cạn, ông bị trúng Chu-sa độc chưởng của Đào Tường-Phúc. Tống đem cả gia đình ông về an trí ở Biện-kinh, trong khi đó giam lỏng Ngô Cẩm-Thi ở Khúc-giang với hy vọng tìm ra kho tàng cùng di thư thời Lĩnh-Nam.

Khi Khai-Quốc vương cùng với Định-vương kết huynh đệ. Vương xin nghĩa huynh phóng thích gia đình Ngô Quảng-Thiên. Trong bao năm bị cầm tù, Ngô Quảng-Thiên vẫn ngày đêm luyên công, chờ ngày giết hai tên sư đệ phản bội. Vì vậy, ông đưa gia đình về Đại-Việt. Ông được Thân Thiệu-Thái giải Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng. Ông bèn trở lại Biện-kinh tìm Chu, Đào thanh toán món nợ cũ.

Ngô Quảng-Thiên chắp tay xá Định-vương một xá:

– Vương gia! Xin vương gia cho biết hai tên Đào Tường-Phúc, Chu Bội-Sơn có còn là đại thần Tống triều không? Nếu chúng còn là thần tử Tống triều, thì lão phu có đánh chó cũng nể chủ nhà. Bằng như chúng không còn dính dáng gì với Tống triều, lão phu sẽ thẳng tay tru diệt ma vương quỷ dữ.

Định-vương đáp lễ:

– Ngô lão sư hỏi câu đó thực tỏ ra là một đại tôn sư võ học. Hai tên này thuộc Hồng-thiết giáo, tiềm ẩn làm gian tế trong bản triều. Tội ác của chúng cao như núi. Nếu lão sư tru diệt chúng, cũng như giết một con thú vậy.

Ngô Quảng-Thiên hướng vào mọi người nói lớn:

– Chư vị anh hùng, danh sĩ! Hôm nay lão phu xin vì ân nghĩa của Định-vương diệt trừ bọn nửa người nửa ma ẩn ẩn hiện hiện quanh đây.

Lão vẫy tay gọi Tôn Đản:

– Đản nhi, lại đây.

Tôn Đản vội chạy tới chắp tay hành lễ:

– Xin lão sư dạy dỗ.

Ông xoa đầu Tôn Đản:

– Người còn nhỏ tuổi, mà đã tỏ ra có khí phách anh hùng, lại nhất tâm nhất chí với Cẩm-Thi. Hôm nay, ta hứa gả Cẩm-Thi cho người.

Tôn Đản mừng rỡ vô cùng. Chàng quỳ gối lạy bốn lạy:

– Nhạc phụ.

Ngô Quảng-Thiên lắc đầu:

– Không được! Con phải lập lại: Bố.

Tôn Đản cung kính:

– Bố!

Ngô Quảng-Thiên để cho Tôn Đản lạy, rồi nói:

– Có một người Việt, kiến thức rất rộng. Trước đây vì yêu nước, theo Hồng-thiết giáo, rồi bị cái vạ Chu-sa độc chưởng suốt bao năm không thoát được. Vừa rồi, hoàng đế Đại-Việt, võ lâm tộc Việt khoan dung, cho trở về đời sống lương thiện. Lại được giáo chủ Lạc-Long giáo để giữ chức trưởng lão như cũ, tin tưởng, kính yêu. Thế nhưng vì nhớ quyền lực của ma kinh, quỷ quyền, y tái lập ma giáo. Người như vậy có đáng tru diệt chăng?

– Thưa bố phải giết không tha.

Mọi người đều ngơ ngác, vì những điều ông nói, không liên hệ tới Chu Bội-Sơn, cùng Đào Tường-Phúc.

Ông hất hàm:

– Con mau lôi cổ tên ma đầu đó ra cho mọi người thấy mặt.

Tôn Đản dạ một tiếng, rồi lạng mình tới chụp một tên thị vệ. Tên thị vệ trầm người tránh khỏi, vọt lên cao, tay phóng xuống một chưởng. Chưởng lực cực mạnh, mùi hôi tanh bốc ra nồng nặc. Tôn Đản phát một Lĩnh-Nam chỉ chĩa lên không. Chỉ lực xuyên qua làn chưởng. Mọi người bật lên tiếng kêu lớn. Tên thị vệ hét be be. Y đành nhắm mắt chờ chết.

Nhưng Tôn Đản đã biến chỉ thành cầm nã phất qua đầu y. Mặt nạ rơi xuống. Sứ đoàn cùng bật lên tiếng kêu:

– Trưởng lão Lê Đức.

Thiệu-Thái quát:

– Lê trưởng lão. Thế này là thế nào?

Lê Đức cười nhạt:

– Tên ôn con chưa ráo máu đầu kia! Mi ngu như lợn. Ta đường đường là trưởng lão Hồng-thiết giáo, tuổi trên bẩy mươi, có đâu lại bỏ giáo theo mi nhỉ? Chỉ có người ngu như mi mới tin tưởng ta quy phục mà thôi.

Thiệu-Thái nghĩ lại xấu hổ vô cùng. Chàng bảo Lê Đức:

– Lê trưởng lão. Người vẫn trung thành với Mã-Mặc, Lệ-Anh, vậy bản nhân cũng bỏ giáo quy Lạc-Long, mà xử người bằng giáo qui Hồng-thiết giáo. Nếu người thắng được ta, thì mới mong rời khỏi đây.

Ngô Quảng-Thiên xua tay ngăn Thiệu-Thái:

– Thân giáo chủ khoan hãy xử tội trưởng lão Lê Đức.

Ông nói với Định-vương:

– Khải vương gia, tên này tuy là người Việt, nhưng y giả làm thị vệ, ẩn ẩn náu náu hầu trợ giúp cho Đào Tường-Phúc, Chu Bội-Sơn mưu hại Thiên-Thánh hoàng đế. Vì vậy y phạm tội với Tống. Xin vương gia quyết định về y.

Định-vương nói với Tự-Mai:

– Phò mã! Còn một trưởng lão Hồng-thiết giáo cũ đi với Lê Đức, ẩn trong lớp áo thị vệ. Phò-mã hãy bắt y trị tội một thể.

Tự-Mai cúi đầu:

– Tuân chỉ hoàng-thúc.

Rồi chàng phát chiêu Phong-đáo sơn đầu đánh vào một tên thị vệ khác. Tên này phát chiêu Ác-ngưu nan độ đỡ. Bình một tiếng, cả Tự-Mai lẫn tên thị vệ đều lảo đảo lùi lại. Các võ quan triều Tống la lên kinh ngạc. Vì họ đã thấy võ công Tự-Mai cao thâm khôn lường, vừa rồi chàng phát chiêu chưởng với tất cả bình sinh công lực, mà vẫn chỉ ngang tay với viên thị vệ.

Qua một chiêu, Tự-Mai nhận ra y là Đỗ Xích-Thập, chàng nhỏ nhẹ:

– Thì ra Đỗ tưởng lão đấy, người hãy mở mặt nạ ra cho mọi người thấy chân tướng đi.

Tên thị vệ lột mặt ra ra, qua nhiên y là Đỗ Xích-Thập. Ngô Quảng-Thiên cười nhạt:

– Lê, Đỗ. Các vị là những cao thủ kỳ tài của Đại-Việt. Trong đại hội Thăng-long, Khai-Quốc vương vì thương tài các vị, nên khuyên Thân giáo chủ lấy nhân đức trị bệnh cho các vị, để các vị về với chính đạo. Nào ngờ các vị âm thầm liên kết với Nhật-Hồ lão nhân tái lập Hồng-thiết giáo. Lão sai hai vị sang Tống với nhiệm vụ trợ giúp cho con gái lão mưu thí Thiên-Thánh hoàng đế, lập Thiên-hạ Hồng-thiết giáo. Thế nhưng trong bóng tối, Khu-mật viện Đại-Việt biết hết, nhờ ta theo dõi hai người. Bây giờ các người hãy chịu trói đi thôi.

Định-vương hỏi Lưu hậu:

– Thái-hậu có còn chối mình không phải con gái Nhật-Hồ lão nhân nữa chăng? Thái-hậu có còn chối việc chuẩn bị làm truyện đại nghịch chăng?

Mặt Lưu hậu xám như tro. Bà cười nhạt:

– Ta có giết hoàng-nhi chẳng qua cũng vì đại nghĩa Hồng-thiết giáo. Thái-sư nên nhớ, ai chống Hồng-thiết giáo đều là thú vật, là ma quỷ, là bất trung; cần phải tru diệt. Hoàng nhi chống Hòng-thiết, cũng không thể khoan thứ. Việc đã như thế này, Vương gia hãy xử dụng luật võ lâm với họ, chẳng nên dùng quân sĩ.

Định-vương nói với Vương Văn, Trần Trung-Đạo:

– Xin hai đại tướng quân bắt giặc.

Trung-Đạo cung tay nói với Đỗ Xích-Thập:

– Đỗ tiền bối. Tuân chỉ dụ của Thái-sư, buộc lòng tiểu tướng phải dùng võ công với tiền bối.

Xích-Thập không biết Trung-Đạo là ai. Y tưởng chàng là một võ quan Tống, nên khinh thường:

– Lại đây! Lại đây, ta cho mi thưởng thức Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng.

Nói rồi y phát chiêu Ác-ngưu nan độ. Chưởng phong cực kỳ trầm trọng. Trung-Đạo nghĩ rất nhanh:

– Tên này võ công cao thâm khôn lường. Công lực y không kém gì sư phụ. Ta khó mà thắng y bằng võ lực. Vậy phải dùng kế mà giết y. Nhân y tưởng ta là người Tống. Nhân nội công Đông-a hơi giống nội công Thiếu-lâm. Đã vậy ta dùng võ công Thiếu-lâm, rồi thình lình dùng phản Chu-sa độc chưởng cho y biết thân.

Chàng phát chiêu Kim-cương chưởng của phái Thiếu-lâm, đánh cắt ngang vào chưởng của Xích-Thập. Những người hiện diện, không ai hiểu ý Trung-Đạo, ngoài Thanh-Mai, Tự-Mai.

Định-vương thấy chưởng phong của Trung-Đạo ngang với chưởng phong của Xích-Thập, vương đưa mắt cho Minh-Thiên đại sư, rồi nói nhỏ:

– Sư phụ, thực xấu hổ. Trong hàng ngũ võ quan của triều đình có nhân tài như Trung-Đạo, Vương Văn. Thế mà lâu nay đệ tử nào có biết. Nếu không nhờ Khai-Quốc vương sang sứ, có lẽ họ mai một tài năng trong bóng tối.

Minh-Thiên gật đầu:

– Như vương gia thấy, Trạng-nguyên Địch Thanh đấu ngang tay với Nguyễn Chí. Mà bản lĩnh Nguyễn Chí thua Xích-Thập một bậc. Thế mà Phiêu-kị đại tướng quân đấu ngang tay với Xích-Thập. Như vậy bản lĩnh người hơn Địch trạng nguyên nhiều.

Định-vương hỏi sẽ:

– Sư phụ! Tại sao Phiêu-kị đại tướng quân lại biết xử dụng Kim-cương chưởng của bản phái?

Minh-Thiên mỉm cười:

– Vương gia lầm rồi. Vương gia có nhớ hồi sang Đại-Việt không? Bần tăng thấy Khai-Quốc vương xử dụng Tiêu-sơn Tượng-đầu chưởng, cũng lầm với Kim-cương chưởng, bởi vì nội công Tiêu-sơn với Thiếu-lâm giống nhau.

– Đa tạ sư phụ khai sáng. Đệ tử hiểu rồi, nội công Đông-a lại xuất phát từ nội công Tiêu-sơn. Nên Trần Tổng-lĩnh nhân thấy Xích-Thập tưởng mình là người Hán, người tương kế tựu kế, để cho y khinh thường. Rồi thình lình dùng võ công Đông-a.

– Đúng thế. Trần thí chủ trí lự tuyệt vời.

Trong khi đó Vương Văn đã khai chiến với Lê Đức. Vương Văn dùng võ công Không-động. Trong khi Lê Đức dùng võ công Hồng-thiết giáo.

Các ứng sinh phò-mã cùng kéo ra sân xem cuộc đấu. Hầu hết họ đều là nhữmg thiếu niên ưu tú bậc nhất của các gia, các phái trong Thiên-hạ. Trước khi đến kinh, họ những tưởng mình là bậc nhất, khó ai địch nổi. Vừa rồi trong điện, họ thấy võ công của Tôn Đản, Tự-Mai, Lê Văn thì cho rằng đây là những kỳ tài, chắc không quá ba người. Bây giờ nhìn trận đấu của bốn cao thủ, họ đều tự nhủ: Ngoài bầu trời này còn có bầu trời khác.

Khai-Quốc vương ghé tai Thiệu-Thái nói mấy câu. Chàng kính cẩn cúi đầu dạ một tiếng, rồi đến phía sau Địch Thanh, Tôn Tiết, Trương Ngọc dùng lăng không truyền ngữ nói:

– Ba vị đại huynh đừng quay lại. Tiểu đệ tuân chỉ dụ của Khai-Quốc vương trục độc tố Chu-sa độc chưởng cho ba vị, để lát nữa đây, ba vị ra tay thình lình, kiềm chế một số ma đầu ẩn thân trong lớp áo thị vệ.

Ba người nghe nói, mừng không tả xiết. Thiệu-Thái đứng ngang với Địch Thanh, rồi nắm tay y, vận công thúc Thiền-công đẩy vào huyệt Nội-quan. Chỉ lát sau, Địch Thanh thấy chân khí hoàn toàm lưu thông. Y khẽ gật đầu tỏ ý tạ ơn. Thiệu-Thái lại trị cho Tôn Tiết, Trương Ngọc.

Chàng di chuyển đến phía sau Tây-Sơn, Đông-Sơn lão nhân, nói rất nhỏ:

– Nhị vị đạo sư, tiểu bối tuân chỉ Khai-Quốc vương trị độc cho hai vị.

Rồi chàng nắm tay hai ông. Lát sau, người hai ông tiết ra mùi hôi tanh khủng khiếp, bao nhiêu đau đớn biến mất. Hai ông nháy mắt ra hiệu như để thay lời tạ ơn.

Trong khi đó trận đấu giữa Trung-Đạo với Xích-Thập vẫn tiếp tục. Thình lình Xích-Thập lui lại ba bước, rồi y phát ra một chiêu rất thô kệch, mùi hôi tanh nồng nặc bốc ra. Mọi người cùng kêu lớn:

– Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng.

Trung-Đạo vận phản Chu-sa độc chưởng, phát một chiêu Kim-cương chưởng. Chàng tiến lên đánh vào giữa chưởng của Xích-Thập. Xích-Thập cùng bọn Tôn-đức-Khắc, Lê-lục-Vũ cười thầm:

– Cho tên chệt mất mạng.

Hai chưởng chạm nhau đến bộp một tiếng, Trung-Đạo lùi liền ba bước. Xích-Thập nhảy lùi lại, y cười rộ:

– Trần tướng quân, người trúng Chu-sa độc chưởng của ta rồi. Mau ngồi xuống vận công, rồi bái ta làm sư phụ, ta sẽ ban cho thuốc giải, bằng không người sẽ đau đớn đến chết đi sống lại trong bốn mươi chín ngày rồi chết.

Trung-Đạo ôm tay, vờ trúng độc người run chàng lên lật bật:

– Ôi đau chết đi được.

Đúng lúc đó Lê Đức đang đấu đấu với Vương Văn. Vương Văn muốn thắng y, mà không nổi, vì chàng mới được Thanh-Mai dạy phản Chu-sa độc chưởng đêm qua, chàng luyện mà chưa thành. Vì vậy chàng úy kị độc chưởng của y, cho nên trận đấu kéo dài.

Trung-Đạo giả bị trúng Chu-sa chưởng, chàng nghiêng bên Đông, ngả bên Tây. Từ từ đến gần Lê Đức tìm cách khống chế y để giúp sư huynh.

Việc làm của chàng không ai biết được, ngoài sứ đoàn. Tự-Mai nghĩ rất nhanh:

– Tam ca đã đẩy độc chưởng trở về người Xích-Thập, nhưng công lực người không hơn y, nên độc tố còn ở bàn tay y. Ngược lại đại ca công lực hơn Lê Đức lại không biết phản Chu-sa độc chưởng. Bây giờ nếu tam ca đánh Lê Đức một chưởng, y vung tay đỡ, công lực y thấp hơn tam ca, ắt độc chất nhập vào người y. Còn đại ca đánh Xích-Thập để đẩy chất độc tụ ở tay vào người hắn thì hắn mới bại. Ta phải xui hai người đổi địch thủ mới được.

Chàng hô lớn:

– Đại ca, tam ca. Đổi ngựa.

Giữa lúc đó Xích-Thập hướng một chưởng đánh vào lưng Vương Văn để giúp Lê Đức. Vương Văn bỏ Lê Đức, vung chưởng đánh Xích-Thập. Trong khi Trung-Đạo hét lên be be như người điên chàng xuất chưởng đánh Lê Đức.

Lê Đức thấy Trung-Đạo bị trúng Chu-sa độc chưởng, y không coi chàng vào đâu. Tay trái y phát một chưởng nhẹ vào lưng chàng, định đẩy chàng ngã. Khi chưởng của y vừa ra, Trung-Đạo vận phản Chu-sa độc chưởng phát chiêu Đông-hải lưu phong của phái Đông-a.

Lê Đức một đời xảo quyệt, chuyên lừa người, không ngờ bây giờ y bị Trung-Đạo lừa lại. Chưởng của chàng ụp lên người y đến binh một tiếng. Y bật lui lại ba bước, lảo đảo muốn ngã. Tuy vậy y vẫn vận Chu-sa độc chưởng phản công một chiêu, nhưng công lực giảm phân nửa. Chưởng của y giao nhau với chiêu Phong-ba hợp bích. Y cảm thấy như muôn ngàn mũi dao đâm vào tạng phủ. Y nhảy lùi liền ba bước.

Trung-Đạo nổi danh là người có võ công, mưu trí trong Côi-sơn tam anh, kinh nghiệm chàng có thừa. Thấy Lê Đức nhảy lùi lại, chàng đánh theo chiêu Mãn-phong hải nộ. Đây là chiêu trấn môn của phái Đông-a. Chiêu đầu như lớp sóng tràn tới, thì chiêu thứ nhì đã tiếp theo. Cứ như vậy năm chiêu liền.

Cứ mỗi chiêu Trung-Đạo đánh ra, Lê Đức lại phải nghiến răng đỡ. Đến chiêu thứ năm, y lăn tròn người xuống đất tránh. Nhưng y không đứng dậy được nữa, y nằm dưới đất hét lên be be:

– Đau chết đi thôi! Ối, đau chết.

Ngoài sứ đoàn không ai hiểu rại sao! Rõ ràng Trung-Đạo bị trúng Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng, đau đớn khốn khổ, đi đứng không vững, thế mà thình lình lại phát chưởng như núi lở băng tan đánh Lê Đức đến thân tàn ma dại thế kia.

Tiếng kêu của Lê Đức bị tiếng chưởng lực của Phụ-Quốc (Vương Văn) chạm vào chưởng Xích-Thập át đi. Mọi người nhìn lại; hai người đang đấu với nhau từng chưởng. Phụ-Quốc dùng võ công Không-Động. Thình lình chàng phát ra một chiêu Đông-a chưởng. Xích-Thập không đề phòng, y bị bật lui liền ba bước. Nhưng Phụ-Quốc đánh theo liền hai chưởng nữa, rồi chàng lùi lại ôm tay mỉm cười.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN