Anna Karenina
Quyển 1 - Chương 10
Levin uống cạn cốc rượu và họ ngồi yên lặng một lúc.
– Mình phải nói với cậu một điều nữa. Cậu biết Vronxki chứ? – Xtepan Arcaditr hỏi Levin.
– Không. Tại sao cậu lại hỏi mình điều đó?
– Cho một chai nữa, – Xtepan Arcaditr bảo lão già Tacta đang rót rượu đầy cốc hai người, lão cứ lăng xăng bên cạnh họ, nhất là vào lúc người ta chẳng cần gì đến lão.
– Bởi vì đó là một trong những tình địch của cậu.
– Anh chàng Vronxki đó là ai vậy? – Levin nói, vẻ mặt trẻ con và phấn khởi mà giây phút trước đó Oblonxki rất ưa, bỗng trở nên cáu kỉnh.
– Vronxki là một trong những con trai của bá tước Xyrin Ivanovitr Vronxki và là một mẫu mực ưu tú trong đám thanh niên quyền quý ở Peterburg. Mình quen hắn ở Tve, hồi mình làm việc ở đó: hắn đến đấy để tuyển binh. Hắn rất giàu, điển trai, lại là sĩ quan cận vệ; hắn quen thuộc những kẻ có thế lực, tuy thế hắn vẫn là gã thanh niên trung thực và đáng yêu. Gọi là một thanh niên tốt cũng chưa đủ. ở đây, mình được biết thêm: hắn có học thức và thông minh; đó là một người có triển vọng.
Levin cau mày, chẳng nói chẳng rằng.
– Hắn tới đây sau khi cậu đi khỏi ít lâu, và hình như chết mê chết mệt vì Kitti. Cậu biết là bà mẹ…
– Xin lỗi mình không hiểu gì hết, – Levin nói, mặt sa sầm. Chàng chợt nhớ đến ông anh Nicolai và tự trách mình đã quên phắt anh.
– Khoan đã, – Xtepan Arcaditr mỉm cười nói và với tay về phía Levin. – Mình đã nói với cậu những điều mình biết và xin nhắc lại là trong vấn đề tế nhị này, theo chỗ mình nhận định, triển vọng vẫn nghiêng về phía cậu.
Levin ngửa người ra trên ghế tựa; mặt chàng tái nhợt.
– Nhưng mình khuyên cậu nên thu xếp chuyện ấy thật sớm đi, – Oblonxki nói tiếp, vừa rót đầy rượu vào cốc Levin.
– Không, cảm ơn, mình không thể uống được nữa, – Levin nói và đẩy cốc rượu ra. – Mình say mất… Này, thế còn cậu, chuyện cậu ra sao? – chàng nói tiếp, rõ ràng muốn chuyển sang chuyện khác.
– Một câu nữa thôi: dù sao đi nữa, mình cũng khuyên cậu nên sớm giải quyết vấn đề đi. Hôm nay thì đừng nói vội, – Xtepan Arcaditr nói.
Sáng mai, cậu hãy đến hỏi cưới theo đúng tục lệ và cầu Chúa che chở cho cậu…
– Trước đây, cậu muốn đến chỗ mình đi săn. Sang xuân, cậu tới nhé, – Levin nói.
Lúc này, trong thâm tâm, chàng thấy hối hận đã khơi mào câu chuyện này với Xtepan Arcaditr. Tình cảm sâu kín của chàng bị câu chuyện về mưu toan kình địch của viên sĩ quan thành Peterburg, bị những lời ủng hộ và khuyên nhủ của Xtepan Arcaditr làm ô uế.
Ông này mỉm cười. Ông hiểu những điều đang diễn ra trong tâm hồn Levin.
– Thế nào cũng có hôm mình đến, – ông nói. – Phải, người anh em ạ, đàn bà là cái trục làm xoay tít thò lò tất cả. Đối với mình cũng thế, mọi việc đều hỏng, hỏng bét. Và lần nào cũng chỉ vì đàn bà. Cậu hãy thành thật cho mình biết ý kiến của cậu, – ông nói tiếp, một tay rút điếu xì gà, và tay kia cầm chân cốc rượu sâm banh.
– Về vấn đề gì?
– Thế này nhé. Giả thử cậu đã có vợ, cậu yêu vợ, nhưng cậu lại để một người đàn bà khác quyến rũ.
– Xin lỗi, nhưng mình thật hoàn toàn không hiểu sao người ta có thể… cũng như giờ đây, mình vừa ra khỏi bàn ăn, lại đánh cắp bánh mì trắng khi đi qua hiệu bánh vậy.
Đôi mắt Xtepan Arcaditr càng sáng hơn thường lệ.
– Tại sao lại không thể như thế? Đôi khi bánh mì trắng thơm đến nỗi khó mà cưỡng lại sức cám dỗ.
Tuyệt diệu biết bao khi chiến thắng Những khát khao dung tục tầm thường; Ví như lòng dục khôn dập tắt, Thì vẫn nồng lạc thú dương gian! 1 Vừa ngâm nga, Xtepan Arcaditr vừa mỉm cười ranh mãnh. Cả Levin nữa, chàng cũng không nhịn cười được.
– Thôi không đùa nữa, – Oblonxki nói tiếp. – Cậu nên biết người đàn bà đó là một con người thuỳ mị, dịu dàng, đa cảm; cô ta nghèo nàn, cô quạnh và đã phải hy sinh tất cả. Giờ đây, việc đã lỡ rồi, có nên bỏ rơi người ta chăng? Cứ cho rằng cần phải đoạn tuyệt để khỏi tổn thương đến đời sống gia đình, nhưng ta có quyền thương xót, nghĩ đến tương lai nàng, làm dịu bớt cảnh ngộ nàng không?
– Mình xin lỗi cậu, nhưng cậu vốn biết đối với mình, đàn bà chia làm hai loại… hay thật ra không phải thế… nói đúng hơn là: có những người đàn bà và có… Mình chưa từng thấy những phụ nữ đồi trụy mà lại có sức quyến rũ; mụ người Pháp bự phấn với những búp tóc ngồi sau quầy kia, làm mình phát khiếp và tất cả phụ nữ trụy lạc làm mình sợ như thế.
– Còn đàn bà ngoại tình thì sao?
– à! Xin đủ! Chúa hẳn không bao giơ thốt ra tiếng đó nếu biết người đời sẽ lạm dụng nó như thế nào! Trong toàn bộ kinh Phúc âm, người ta chỉ nhớ có mỗi đoạn ấy thôi. Vả chăng, mình không nói điều mình nghĩ, mà nói điều mình cảm thấy. Mình cảm thấy ghê tởm những người đàn bà trụy lạc. Cậu sợ nhện, mình lại sợ giống sâu bọ đó. Chắc chắn là cậu không nghiên cứu loài nhện và cậu không biết thói quen của chúng: mình cũng vậy.
– Cậu nói thế thì dễ thôi: thật y như nhân vật của Dickens 2 lấy tay trái ném qua vai phải tất cả những vấn đề rắc rối. Nhưng phủ định một sự việc đâu phải là câu giải đáp. Làm thế nào? Cậu hãy nói cho mình nghe phải làm thế nào kia? Vợ anh già đi mà anh thì còn đầy sức sống. Chưa kịp ngoái lại đằng sau, anh đã cảm thấy không còn có thể yêu vợ với tấm tình chân thật, mặc dầu anh tôn trọng nàng đến đâu chăng nữa. Và đột nhiên tình yêu ập đến và thế là đi đứt, đi đứt, – Xtepan Arcaditr nói, giọng tuyệt vọng.
Levin cười nhạt.
– Phải, thế là mình đi đứt! – Oblonxki nói tiếp, – làm thế nào đây?
– Đừng có ăn trộm bánh mì trắng.
Xtepan Arcaditr phá lên cười.
– Ôi! Nhà đạo đức! Nhưng cậu nên hiểu: đây là hai người đàn bà:
một người cứ nằng nặc đòi quyền lợi của mình và những quyền lợi đó… là tình yêu mà anh không thể nào dâng cho cô ta được nữa, người kia thì hy sinh tất cả cho anh và không đòi hỏi gì hết. Làm thế nào? Nên có thái độ xử sự ra sao? Thật là một tấn bi kịch xé lòng.
– Nên cậu muốn mình phát biểu thành thật, thì xin thưa rằng mình không tin trong chuyện đó có gì là bi thảm cả. Và lý do là thế này. Theo mình, tình yêu… hai loại ái tình mà Platon 3 định nghĩa trong bài “Tiệc” 4 của ông, hẳn cậu còn nhớ, hai loại ái tình đó dùng làm đá thử vàng cho mọi người. Một số người chỉ hiểu được loại ái tình thứ nhất, một số khác hiểu được loại thứ hai. Và những kẻ nào chỉ hiểu được loại ái tình không theo kiểu Platon 5 thì không có quyền nói đến chuyện bi kịch. Thứ ái tình đó không thể gây ra bi kịch nào cả. “Rất cám ơn về cuộc tiêu khiển, xin đa tạ…”, đấy tất cả tấn bi kịch là thế. Và đối với tình yêu đó, tất cả đều trong sáng và trinh bạch, bởi vì…
Đến đây, Levin chợt nhớ đến những lỗi lầm và cuộc đấu tranh nội tâm của mình. Và chàng kết luận hoàn toàn bất ngờ:
– Vả lại, có lẽ chính cậu nói đúng. Rất có thể… Mình không biết gì về chuyện đó cả, hoàn toàn không biết gì hết.
– Cậu ạ, – Xtepan Arcaditr nói, – cậu thật là con người thuần nhất.
Đó vừa là ưu điểm vừa là khuyết điểm. Bản thân cậu chính trực và cậu muốn tất cả cuộc đời cũng phải bao gồm những sự kiện không pha tạp, vậy mà sự đời đâu có như thế. Cậu khinh miệt công việc trị dân mang danh nghĩa là hoạt động xã hội, vì cậu muốn mỗi hành động bao giờ cũng phải phù hợp với một mục đích, điều đó cũng không hề có trên đời. Cậu còn muốn hoạt động của một con người phải hướng về một mục đích, tình yêu và cuộc sống vợ chồng phải hòa làm một… tuyệt không có thế đâu. Tất cả cái muôn màu muôn vẻ, tất cả cái huyền diệu, tất cả cái đẹp của cuộc đời đều do bóng tối và ánh sáng tạo nên.
Levin thở dài, không trả lời. Chàng nghĩ đến những lo lắng riêng và không nghe Oblonxki nói. Và đột nhiên cả hai đều cảm thấy tuy là bạn với nhau, tuy vừa mới cùng ăn, cùng uống với nhau – điều này lẽ ra phải khiến họ thêm gắn bó – vậy mà mỗi người chỉ nghĩ đến riêng mình và rất ít bận tâm đến người kia. Oblonxki đã nhiều lần nhận thấy sự xa cách như vậy sau một bữa ăn đáng lẽ phải làm người ta gần gũi nhau hơn, và ông biết rõ nên làm gì trong những trường hợp đó.
– Tính tiền! – ông nói to, và đi sang buồng bên; ở đây, gặp một viên sĩ quan cận vệ vốn là chỗ quen biết, ông liền bắt chuyện trao đổi về một cô đào hát và người bao cô ta. Cuộc đàm tiếu khiến Oblonxki nhẹ nhõm và thanh thản hẳn lên: nói chuyện với Levin, ông luôn luôn phải gắng vận dụng trí tuệ quá nhiều.
Khi lão Tacta trở lại, cầm tờ biên lai tính tiền lên tới trên hăm sáu rúp, không kể thù lao hầu bàn, Levin, giá như mọi khi, quê mùa như chàng, hẳn sẽ thất kinh lên dù chỉ phải trả mười bốn rúp, lần này lại chẳng mảy may để ý đến. Chàng thanh toán tiền và trở về nhà thay quần áo để đến nhà Serbatxki, nơi sẽ quyết định số phận chàng.
— —— —— —— ——-
1 Tiếng Đức trong nguyên bản.
Himmlish ist’ s wenn ich bezwungen
Meine irdische Begier;
Aber doch wenn’s nicht gelungen,
Halt ich auch recht hubsch Plaisir!
2 Charles Dickens (1812-1870) nhà văn lớn của Anh, có khuynh hướng hiện thực và xã hội, tác giả David Copperfield, Chuyện phiêu lưu của Pichuych, Olivo Tuyxt v.v…
3 Platon là nhà triết học cổ Hy Lạp (429-347 trước Công nguyên), học trò Socrate và thầy học của Aristote. Học thuyết của ông là biện chứng pháp, cuối cùng chuyển thành thuyết ý niệm, chủ trương rằng chân lý – đối tượng của khoa học – không phải nằm trong những hiện tượng riêng biệt và phù phiếm, mà ở trong ý niệm, cái điển hình trong sáng nhất của mỗi nhóm sinh vật, trên tất cả là ý niệm về điều thiện.
4 Banquet (tiếng Pháp trong nguyên bản). Đấy là một bài đối thoại của Platon trong đó ông để Socrate nói về tình yêu, ca ngợi cái đẹp của tâm hồn và cái đẹp hoàn hảo, vĩnh viễn. Trong bài này, Platon đã phác họa một chân dung Socrate tuyệt vời.
5 Tình yêu phàm tục, tiếng Pháp là non-platonique. Trong tiếng Pháp chữ Platonique (thuộc về Platon) đã được hiểu rộng ra là những cái gì lý tưởng.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!