Anna Karenina
Quyển 1 - Chương 13
Nhưng đúng lúc ấy, phu nhân bước vào. Mặt bà lộ vẻ hãi hùng khi thấy chỉ có hai người bàng hoàng đứng với nhau. Levin lặng lẽ cúi chào bà. Kitti nín thinh, mắt nhìn xuống. “Đội ơn Chúa, nó từ chối rồi”, bà mẹ nghĩ thầm và mặt sáng lên nụ cười quen thuộc, nụ cười tiếp khách những tối thứ năm. Bà ngồi xuống và bắt đầu hỏi Levin sống ở nông thôn ra sao. Chàng đành ngồi lại, chờ khách đến đông để lẻn về khỏi lộ.
Năm phút sau, một bạn gái của Kitti, mới lấy chồng mùa đông năm ngoái, bước vào: nữ bá tước Norxton.
Đó là một thiếu phụ dễ khích động, người khô đét, da vàng bệch, mắt đen, vẻ ốm yếu. Bà ta mến Kitti và lòng ưu ái đó, giống như ở mọi người đàn bà có chồng yêu thích các thiếu nữ, thể hiện rõ trong ý muốn kiếm cho Kitti một người chồng phù hợp với lý tưởng về hạnh phúc của bà: bà ta muốn Kitti lấy Vronxki. Bà ta thường gặp Levin ở nhà Serbatxki hồi đầu mùa đông và bao giờ cũng ác cảm với chàng.
Mỗi khi gặp Levin, bà chỉ thích chế giễu chàng.
– Tôi thích thấy anh ta nhìn tôi bằng nửa con mắt hoặc cắt đứt câu chuyện vì thấy tôi ngu dốt quá, hoặc hạ cố nói chuyện với tôi. Tôi rất thích thấy anh ta hạ mình xuống! Tôi rất thú vị thấy anh ta không chịu được tôi, – bà nói.
Bà ta không nhầm: quả thật, Levin không thể chịu được bà, và điều chàng khinh miệt lại chính là những cái bà ta thường khoe khoang và dương dương tự đắc: tính dễ khích động, vẻ khinh khỉnh và dửng dưng lọc lõi của bà đối với tất cả những gì cục cằn và vật chất.
Giữa nữ bá tước Norxton và Levin, hình thành cái quan hệ thường gặp khá nhiều trong giới thượng lưu: quan hệ giữa hai người bề ngoài vẫn là bè bạn nhưng khinh nhau đến mức không thèm để ý, không thèm đả kích nhau nữa.
Nữ bá tước Norxton lập tức tấn công Levin.
– A, Conxtantin Dimitrievitr! Thế là ông lại trở về giữa thành Babilon 1 đồi trụy của chúng tôi rồi, – bà ta vừa chìa bàn tay gầy nhẳng và vàng bệnh cho chàng bắt, vừa nói, có ý ám chỉ câu của Levin vào một hôm đầu mùa đông: càng bảo Moxcva là một thứ Babilon. – Thế nào, phải chăng Babilon đã cải hóa hay chính ông đã hư hỏng vậy? – bà nói tiếp, và đưa mắt cười cợt nhìn Kitti.
– Thưa nữ bá tước, tôi rất lấy làm vui thích thấy bà còn nhớ kỹ câu tôi nói đến thế, – Levin đáp, chàng đã kịp trấn tĩnh và ngay từ đầu đã lấy lại cái giọng mát mẻ thường dùng để nói chuyện với nữ bá tước Norxton. – Hẳn nó đã gây ấn tượng mạnh mẽ đối với bà.
– à! Chứ sao nữa? Tôi đã ghi lại tất cả. Này Kitti, cô vẫn đi trượt băng đấy à?
Và bà liền quay sang nói chuyện với Kitti. Mặc dầu thấy rút lui sớm quá cũng không tiện, Levin vẫn ưng phạm điều khiếm nhã đó hơn là ngồi lại cả buổi tối cạnh Kitti; thỉnh thoảng cô lại liếc trộm chàng trong khi vẫn tránh cái nhìn của chàng. Chàng định đứng dậy, nhưng phu nhân thấy chàng lặng thinh, liền hỏi:
– Cậu có định ở lại Moxcva lâu không? Hình như cậu làm ở toà án hòa giải hội đồng tự trị địa phương phải không? Chắc cậu không ở lại lâu được nhỉ?
– Thưa phu nhân, không ạ, tôi không ở trong hội đồng nữa, Levin nói. – Tôi đến đây vài hôm thôi ạ.
“Hắn ta đang có chuyện gì đây”, nữ bá tước Norxton nghĩ thầm, nhìn kỹ bộ mặt nghiêm nghị và khắc khổ của Levin, “hắn không lao vào những chuyện thuyết lý thường lệ. Nhưng mình sẽ có cách khiến hắn phải nói như mọi khi. Mình rất thích làm cho hắn đâm ra lố bịch trước mặt Kitti và mình sẽ làm được như vậy!” – Ông Conxtantin Dimitrievitr, bà nói với Levin, – ông là người am hiểu mọi chuyện sau, xin ông cắt nghĩa giùm tại sao ở tỉnh Kaluga chúng tôi, bọn mugich và vợ con chúng có bao nhiêu tiền là uống rượu sạch và không còn gì để nộp tô cho chúng tôi nữa? Thế nghĩa là thế nào? Ông thường vẫn khen ngợi bọn mugich ghê lắm kia mà…
Giữa lúc đó, một bà khác bước vào phòng và Levin đứng dậy.
– Thưa nữ bá tước, xin lỗi bà, tôi không rõ tình hình ra sao nên không thể trả lời được, – chàng nói và ngoảnh nhìn một sĩ quan theo sau bà vừa tới.
“Chắc đây là Vronxki”, Levin nghĩ thầm và để chắc chắn hơn, chàng liếc nhìn Kitti. Cô đã kịp trông thấy Vronxki và lại đưa mắt về phía Levin. Chỉ một cái nhìn đó và đôi mắt cô gái long lanh cũng đủ cho Levin hiểu cô yêu người đàn ông đó, hiểu chắc chắn như cô đã lớn tiếng thú nhận với chàng vậy. Nhưng anh chàng này là người thế nào đây?
Bây giờ, nên hay không nên, Levin cũng không thể không ở lại, chàng cần biết kẻ được Kitti yêu là người thế nào.
Có những người khi gặp kẻ tình địch may mắn hơn mình, thì sẵn sàng phủ nhận tất cả những gì tốt đẹp, mà chỉ nhìn thấy cái xấu ở anh ta thôi; trái lại có những người trước hết muốn tìm cho ra ở kẻ tình địch tốt số những ưu điểm khiến anh ta thành công, và, lòng đau như xé, chỉ nhìn thấy mặt tốt của anh ta. Levin thuộc vào loại người này. Nhưng chàng chẳng phải mất công mới khám phá ra những gì quyến rũ ở Vronxki. Điều đó nổi bật trước mắt. Vronxki tóc nâu, người tầm thước, rất cân đối, khuôn mặt đẹp hồn hậu, vẻ rất bình tĩnh và tự tin. Trên khuôn mặt và toàn thân chàng, từ mớ tóc nâu cắt ngắn, chiếc cằm cạo nhẵn cho đến bộ đồng phục mới may rất chỉnh, tất cả đều vừa giản dị vừa sang trọng. Sau khi né ra nhường lối cho một bà cùng vào với mình, Vronxki tiến lại gần phu nhân rồi đến chỗ Kitti.
Khi đi về phía cô gái, cặp mắt đẹp của chàng ngời lên một ánh trìu mến và một nụ cười sung sướng thoáng nở, vừa nhũn nhặn vừa đắc thắng (theo cảm giác của Levin), chàng cúi chào Kitti và chìa bàn tay thon thả nhưng rộng cho cô bắt.
Sau khi chào mọi người và nói với mỗi người vài câu, chàng ngồi xuống, không nhìn Levin, trong khi Levin vẫn không rời mắt khỏi chàng.
– Cho phép tôi giới thiệu hai vị với nhau, – phu nhân vừa nói vừa chỉ Levin, – ông Conxtantin Dimitrievitr Levin, bá tước Alecxei Kirilôvich Vronxki.
Vronxki đứng dậy, nhìn thẳng vào mặt Levin, vẻ thân mật và bắt tay.
– Tôi đã tưởng là mùa đông vừa qua chúng ta được cùng ngồi ăn với nhau kia đấy, – chàng nói với Levin, mỉm cười giản dị và thành thật. – Nhưng đột nhiên ngài lại bỏ về nông thôn mất.
– Ông Conxtantin Dimitrievitr khinh miệt và ghét bỏ thành phố này cùng những người ở đấy, – nữ bá tước Norxton nói.
– Chắc những lời tôi nói đã có ấn tượng mạnh mẽ đối với bà, nên bà mới nhớ kỹ đến thế, – Levin nói, và chợt nhớ mình đã nói câu này một lần rồi, liền đỏ mặt.
Vronxki nhìn Levin và nữ bá tước Norxton rồi mỉm cười.
– Ngài vẫn sống ở nông thôn? Mùa đông, ở đó chắc buồn lắm?
– Khi bận công bận việc thì không thấy buồn, vả lại, tôi cũng chẳng bao giờ buồn vì chỉ rỗi có một mình, Levin trả lời, giọng cộc cằn.
– Tôi rất thích nông thôn, – Vronxki nói, như không để ý đến giọng Levin.
– Nhưng, thưa bá tước, chắc ông không thích ở nông thôn suốt đời chứ? – nữ bá tước Norxton nói.
– Tôi không biết, tôi chưa ở nông thôn lâu ngày bao giờ. Tôi đã từng có một cảm giác kỳ lạ, – Vronxki nói tiếp. – Chưa bao giờ tôi thấy nhớ nông thôn, nhớ miền nông thôn Nga với những người mugich đi giày vỏ cây, như cái hồi sau khi sống qua một mùa đông ở Nixo cùng mẹ tôi. Nixo, Xorento thì cũng chỉ có thể chịu được ít bữa thôi. Chính ở đó người ta mới thấy nhớ nước Nga mãnh liệt nhất. Thật y như là…
Chàng nói, lúc với Kitti, lúc với Levin, cặp mắt điềm đạm và hòa nhã, hết nhìn người này sang người kia; rõ ràng chàng đã nói ra những gì chợt đến trong đầu.
Nhận thấy nữ bá tước Norxton muốn nói điều gì, chàng dừng lại giữa câu và chăm chú lắng nghe bà ta.
Câu chuyện vẫn không ngớt đi phút nào, phu nhân không cần đưa ra hai đề mục lớn: món cổ học với những trường chuyên nghiệp và chế độ quân dịch, mà bà luôn dự trữ phòng khi thiếu đầu đề nói chuyện và nữ bá tước Norxton cũng không có dịp trêu chọc Levin.
Levin không thể tham gia vào cuộc nói chuyện chung, mặc dầu chàng rất muốn; lúc nào chàng cũng tự bảo: “Mình phải đi ngay mới được”, nhưng vẫn ngồi lại, chờ đợi một cái gì.
Câu chuyện chuyển sang vấn đề bàn xoay và vong hồn, và nữ bá tước Norxton, vốn tin ở thuật gọi hồn, liền bắt đầu kể lại những điều kỳ diệu bà ta đã mục kích.
– A! Nữ bá tước, xin bà hãy vì Chúa, dẫn tôi đến nhà những người đó với! Tôi chưa bao giờ được thấy điều gì phi thường cả, mà tôi thì chỉ ước muốn có thế thôi, – Vronxki mỉm cười nói.
– Đồng ý, thứ bảy sau nhé, – nữ bá tước Norxton đáp. – Nhưng còn ông, Conxtantin Dimitrievitr, ông có tin thế không? – bà ta hỏi Levin.
– Tại sao bà lại hỏi tôi điều đó? Bà thừa biết là tôi sẽ trả lời như thế nào rồi.
– Nhưng tôi thích nghe ý kiến của ông kia.
– ý kiến tôi, – Levin trả lời, – chỉ đơn giản là chuyện những chiếc bàn xoay kia chứng tỏ cái xã hội gọi là học thức chẳng văn minh gì hơn những người mugich của chúng tôi cả. Họ tin ở chuyện mất vía, ở chuyện phù chú, bùa chài, còn chúng tôi…
– Vậy ông không tin thế ư?
– Thưa nữ bá tước, tôi không thể tin được.
– Nhưng nếu chính mắt tôi đã trông thấy thì sao?
– Các bà nông thôn cũng đã kể họ trông thấy thần Đômôvôi 2.
– Vậy ông cho là tôi bịa đặt chăng?
Và bà cười gượng.
– Không đâu, Masa ạ, anh Conxtantin Dimitrievitr chỉ nói anh ấy không tin chuyện gọi hồn, – Kitti xen vào, cô đỏ mặt ngượng thay cho Levin; chàng cảm thấy điều đó và nổi nóng định đáp lại; nhưng Vronxki, với nụ cười thân ái và cởi mở, liền xen vào cuộc tranh luận đang đe dọa chuyển thành mỉa mai chua chát.
– Ngài hoàn toàn không thừa nhận là có thể như thế ư? Vronxki hỏi. – Tại sao vậy? Chúng ta đã thừa nhận là có điện lực, mà về điều này chúng ta cũng chẳng hiểu gì hết… tại sao lại không thể có một sức mạnh mới chưa ai hiểu nổi, nó…
– Khi khám phá ra điện, – Levin sôi nổi ngắt lời Vronxki, – người ta mới chỉ nhận thấy một hiện tượng mà chưa biết rõ nguồn gốc và tác dụng; hàng thế kỷ sau, người ta mới nghĩ đến cách áp dụng nó. Trái lại, những kẻ gọi hồn bắt đầu bằng sai khiến những chiếc bàn chỉ ra hậu vận và gọi vong hồn, rồi sau đó mới nói đến một sức mạnh chưa ai hiểu nổi.
Như các lần trước, Vronxki chăm chú lắng nghe Levin, coi bộ rất quan tâm đến những ý kiến của chàng.
– Phải, nhưng bây giờ những kẻ gọi hồn nói: “Chúng tôi không hiểu sức mạnh đó ra sao, tuy nhiên nó vẫn tồn tại và đây, các vị hãy xem nó hoạt động trong những điều kiện như thế nào. Việc khám phá nội dung của nó, xin dành cho các nhà bác học”. Không, tôi không rõ tại sao không thể có một sức mạnh mới, nếu…
– Tại vì, – Levin lại ngắt lời chàng lần nữa, – nói về điện lực, mỗi lần ngài lấy len xát vào miếng nhựa cây, ngài đều đạt được một hiện tượng nhất định, còn như cái trò gọi hồn, không phải bao giờ cũng có kết quả. Cái đó không thể là một hiện tượng tự nhiên được.
Hẳn Vronxki nghĩ câu chuyện đã trở nên quá trang nghiêm đối với một phòng khách, nên không trả lời gì; để lái sang chuyện khác, chàng vui vẻ mỉm cười và quay về phía các bà.
– Ta hãy thí nghiệm luôn xem, thưa nữ bá tước, – chàng nói tiếp. – Nhưng Levin lại muốn tiếp tục chứng minh nốt ý kiến của mình.
– Theo tôi, – chàng nói, – cái mưu toan của bọn gọi hồn định giải thích phép mầu bằng một sức mạnh mới, nhất định thất bại. Họ nói đến sức mạnh tinh thần mà lại muốn bắt nó trải qua thí nghiệm vật chất.
Tất cả đều chờ chàng nói hết, chàng chợt nhận ra điều đó.
– Thế mà, tôi lại cứ tưởng ông có thể làm một cô đồng cừ khôi kia đấy, – nữ bá tước Norxton nói, – ông quả có một cái gì thật sôi nổi.
Levin mở miệng toan trả miếng, nhưng đỏ mặt lên và không nói gì.
– Ta đem bàn ra thử gọi hồn luôn xem sao, – Vronxki nói. – Thưa phu nhân, bà cho phép?
Và chàng đứng dậy, đưa mắt tìm chiếc bàn tròn.
Kitti đứng dậy và bắt gặp cái nhìn của Levin khi đi qua trước mặt chàng. Cô hết lòng thương hại chàng và càng thương hơn vì chính cô là nguyên nhân nỗi đau đớn. “Nếu có thể xin anh tha thứ cho em, cái nhìn của cô nói vậy… em đang sung sướng biết bao!” “Tôi căm thù mọi người, cả cô, cả bản thân tôi nữa!”. Cái nhìn của Levin trả lời vậy, và chàng định tìm mũ ra về. Nhưng số chàng chưa thể rời căn phòng này được. Trong khi người khác xúm lại ngồi quanh bàn tròn và chàng sắp sửa ra đi, thì lão quận công bước vào. Ông chào các bà và quay về phía Levin.
– A! – ông nói, giọng vui vẻ. – Cháu đến đây lâu chưa? Thế mà bác không biết là cháu ở đây nữa kia. Tôi rất vui mừng được gặp cậu.
Quận công lúc gọi Levin bằng cháu, lúc bằng cậu. Ông ôm hôn chàng và trong khi nói với chàng, ông không chú ý mảy may đến Vronxki lúc này đã đứng dậy và bình tĩnh chờ ông nhận ra sự có mặt của mình.
Kitti cảm thấy sau câu chuyện vừa xảy ra, thái độ thân ái của cha hẳn càng làm Levin khổ tâm. Cô cũng thấy cha cuối cùng đã lạnh lùng đáp lại lời chào của Vronxki và thấy Vronxki nhìn ông cụ vẻ vừa ngạc nhiên lại vừa buồn cười tựa hồ như tự hỏi: quái quỷ tại sao người ta lại có thể xử tệ với mình thế; Kitti đỏ mặt.
– Thưa quận công, xin bác trả lại Conxtantin Dimitrievitr cho chúng cháu, – nữ bá tước Norxton nói. – Chúng cháu đang định làm một thí nghiệm.
– Thí nghiệm gì thế? Xoay bàn à? Xin quý bà và quý ông thứ lỗi cho, nhưng theo ý tôi thì chơi trò chồn đèn 1 còn thú vị hơn, lão quận công vừa nói vừa nhìn Vronxki và đoán rằng chính chàng ta đã đầu têu ra cái trò này. – Trò chồn đèn ít ra cũng có một ý nghĩa nào đó.
Vronxki nhìn quận công một cách điềm đạm và ngỡ ngàng, rồi chàng thoáng mỉm cười và quay ngay sang nói chuyện với nữ bá tước Norxton về cuộc khiêu vũ lớn sẽ tổ chức vào tuần sau.
– Tôi hy vọng cô sẽ đến dự chứ? – chàng hỏi Kitti.
Khi lão quận công vừa rời chàng ra, Levin vội lẻn ra không để ai thấy, mang theo trong lòng hình ảnh cuối cùng của đêm tiếp tân đó:
vẻ mặt tươi cười hớn hở của Kitti khi đáp lại câu hỏi của Vronxki.
— —— —— —— ——-
1 Một thành phố thời thượng cổ thành lập năm 2106 trước Công nguyên. Hiện nay vẫn còn di tích trên sông Ơfrat cách Bátđa (thủ đô Irắc) 160 cây số về phía Đông Nam. Nổi tiếng về những công trình kiến trúc mỹ lệ và sự xa hoa đàng điếm.
2 Tiếng Nga, là vị thần trong nhà, theo chuyện cổ dân gian Nga, giống như vua bếp của ta.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!