Anna Karenina - Quyển 8 - Chương 12
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
109


Anna Karenina


Quyển 8 - Chương 12


Levin bước từng bước dài trên đường, không chỉ chú ý tới những tư tưởng còn rối như tơ vò của mình, mà chính là tập trung vào một tâm từ trạng trước từ tới nay chàng chưa hề trải qua.

Lời nói của gã mugich tác động đến chàng theo kiểu một tia điện: nó đột nhiên biến hoá và kết hợp thành một khối tất cả mớ tư tưởng rời rạc, linh tinh và bất lực vẫn không ngừng ám ảnh chàng. Khi chàng nói chuyện phát canh ruộng đất, những tư tưởng này nằm sẵn trong óc mà chàng chưa biết.

Chàng cảm thấy trong tâm hồn có một cái gì mới mẻ và vui sướng dò dẫm yếu tố mới đó, nhưng vẫn chưa biết đó là gì.

“Không sống vì những dục vọng của mình mà sống vì Chúa. Vì Chúa nào? Còn có lời nào khó lọt tai hơn câu anh ta nói nữa? Không nên sống vì những dục vọng cá nhân: nói cách khác, không nên sống vì những cái ta đã hiểu, vì những cái đang hấp dẫn ta, vì những cái ta thèm muốn mà nên sống vì một cái gì đó không hiểu nổi, vì một đức Chúa không ai quan niệm và xác định được. Vậy mà sao? Mình đã chẳng hiểu được lời nói khó nghe của Fedor đấy sao? Mình có nghi ngờ sự xác đáng của lời nói đó không? Mình có thấy lời nói đó là ngu xuẩn, mơ hồ, sai trái không?

“Không, mình hiểu lời nói đó, đúng như anh ta đã hiểu, mình hoàn toàn hiểu và còn hiểu rõ hơn bất cứ điều gì khác: mình chưa từng bao giờ nghi ngờ những lời đó. Và mình không phải là trường hợp duy nhất: đó là điều duy nhất mỗi người đều hoàn toàn hiểu rõ, điều duy nhất không ai nghi ngờ bao giờ.

“Fedor nói Kirilov sống vì cái bụng anh ta. Thật dễ hiểu và hợp lí. Là con người có lí trí, ta không thể sống cho cái gì khác ngoài cái bụng. Thế mà ngay sau đó, cũng lại anh chàng Fedor đó nói sống vì cái bụng là không tốt, người ta phải sống vì chân lí, vì Chúa, và anh ta chỉ nói nửa lời mình đã hiểu! Cả mình lẫn hàng triệu con người sống trước đây hàng thế kỉ và hiện đang sống, những nông dân, những kẻ nghèo nàn về trí tuệ cũng như những nhà hiền triết từng suy nghĩ và viết sách để nhắc lại cùng một sự việc bằng cái ngôn ngữ tối mò của họ, tất cả chúng ta đều đồng ý về điểm đó và chỉ về điểm đó thôi: về mục đích cuộc sống và điều thiện. Mình chỉ có chung với những người khác một nhận thức minh bạch, vững vàng, không thể nghi ngờ, và nhận thức đó không thể xác định bằng lí trí được: nó đứng ngoài lí trí, không dựa trên nguyên lí nào và cũng không thể có kết quả nào kèm theo cả.

“Nếu điều thiện có một nguyên nhân nào đó, nó thôi không còn là điều thiện nữa; nếu nó có một kết quả là sự đền bồi, nó cũng không phải là điều thiện. Cho nên điều thiện đứng ngoài mọi tương quan, từ nguyên nhân đến kết quả.

“Điều đó mình đã biết và tất cả chúng ta đều biết.

“Thế mà mình lại chờ đợi những phép thần kì, mình cứ phàn nàn không được thấy những phép thần kì đủ sức thuyết phục mình! Một phép thần kì vật chất có lẽ sẽ quyến rũ ta. Và đây, phép thần kì duy nhất có thể có và hằng có; nó bao bọc khắp phía, thế mà mình không nhận ra!

“Liệu còn phép thần kì nào to lớn hơn nữa không?

“Phải chăng mình đã tìm ra lời giải đáp? Những đau khổ của mình sắp chấm dứt rồi chăng?”, Levin thầm nghĩ, chân bước trên con đường lấm cát bụi, chẳng còn biết gì là nóng nực và mệt mỏi, chìm đắm trong cái cảm giác là những đau khổ dai dẳng của mình đang dịu dần. Cảm giác đó làm lòng chàng tràn ngập một niềm vui lớn đến nỗi không dám tin là thật. Chàng bồi hồi xúc động; không đủ sức đi xa hơn nữa, chàng rẽ vào một khu rừng và ngồi xuống đám cỏ cao dưới bóng một khóm cây hoàn diệp liễu. Chàng bỏ mũ ra cho vầng trán đẫm mồ hồi thoáng mát và chống khuỷu tay nằm dài trên đám cỏ rậm ứ nhựa.

“Phải, mình cần làm sáng tỏ mọi ý nghĩ, cần hiểu cho ra nhẽ”, chàng thầm nghĩ, mắt đăm đăm nhìn đám cỏ tươi, theo dõi cử động của một con bọ rầy nhỏ xanh xanh đang leo dọc một nhánh cỏ may và bị đọt lá chặn lại trong khi leo lên. “Mình đã khám phá ra điều gì? Chàng tự hỏi và gạt đọt lá chặn lối con bọ rầy rồi uốn cong một ngọn cỏ khác cho nó bò lên. Cái gì đã mang lại cho mình niềm vui sướng như thế này? Mình đã khám phá được điều gì?

“Xưa kia, mình nói trong cơ thể mình cũng như trong cơ thể cái cây này, con bọ rầy này (kìa, nó lại không muốn leo lên ngọn cỏ mình vít xuống cho, nó dang cánh và bay đi rồi), đang hoàn thành một sự giao lưu vật chất theo những định luật vật lí, hoá học và sinh lí. Và trong tất cả chúng ta, kể cả những cây hoàn diệp liễu, những đám mây và những đám tinh vân, đều diễn ra một quá trình tiến hoá. Tiến hoá xuất phát từ đâu? Để đi tới đâu? Tiến hoá không ngừng và đấu tranh… Tưởng như tiến hoá và đấu tranh có thể tiếp diễn vô cùng tận! Và mình từng ngạc nhiên là, mặc dầu trí tuệ đã cố gắng tột cùng theo hướng đó, mình vẫn không khám phá ra ý nghĩa cuộc sống, ý nghĩa những xung động và khát vọng của mình. Hiện giờ, mình nói đã tìm thấy ý nghĩa cuộc sống, ý nghĩa những xung động và khát vọng của mình. Hiện giờ, mình nói đã tìm thấy ý nghĩa cuộc sống: sống vì Chúa, vì linh hồn mình. Và mặc dầu ý nghĩa đó rất rõ ràng, nó vẫn bí hiểm, thần kì. Tất cả những gì tồn tại đều như vậy.

“Mình chẳng phát hiện được gì hết. Mình chỉ phát hiện ra điều mình đã biết. Mình đã hiểu được sức mạnh trước đây từng cho mình cuộc sống và hiện nay vẫn còn cho mình cuộc sống. Mình đã thoát khỏi lừa lọc, mình đã nhận ra người chủ của mình”.

Và chàng gợi lại một cách tóm tắt tất cả quá trình tư tưởng của mình trong hai năm qua: từ ngày ý nghĩ về cái chết nhập vào đầu khi ở cạnh người anh yêu quý mắc bệnh không thể chữa khỏi.

Sau lần đầu tiên hiểu rõ, như mọi người khác, là trước mặt chỉ có đau khổ, cái chết cùng sự quên lãng vĩnh viễn, chàng đã khẳng định: không thể sống như vậy và phải, hoặc là tự giải đáp vấn đề cuộc sống sao cho nó không còn xuất hiện như sự giễu cợt cay độc của hồn ma nào đó, hoặc là tự sát quách đi.

Song le, cả hai việc đó chàng đều không làm: chàng vẫn tiếp tục sống, suy nghĩ và cảm giác, hơn nữa, còn lấy vợ, trải qua nhiều hoan lạc và khi nào không suy nghĩ về ý nghĩa cuộc sống thì chàng đều sung sướng.

Thế nghĩa là thế nào? Thế nghĩa là chàng sống đúng nhưng nghĩ sai.

Chàng sống (một cách không tự giác) theo những chân lí tinh thần đã bú theo cùng với sữa mẹ, còn khi suy nghĩ thì không những chàng phủ nhận mà còn thận trọng lảng tránh những chân lí đó.

Hiện giờ, chàng thấy rõ sở dĩ mình sống nổi, đó chỉ là nhờ vào tín ngưỡng đã được dạy dỗ.

“Mình sẽ trở thành người thế nào và sẽ sống ra sao nếu không thấm nhuần tín ngưỡng đó, nếu không hiểu là phải sống vì Chúa, chứ không phải vì dục vọng? Hẳn mình sẽ ăn cắp, lừa dối, giết người. Mình sẽ hoàn toàn không biết đến tất cả những gì tạo nên nguồn vui chính của cuộc đời”. Và mặc dầu hết sức cố gắng tưởng tượng, chàng vẫn không hình dung nổi mình sẽ thành con-người-thú-vật như thế nào nếu không hiểu vì sao mà sống.

“Mình đi tìm một câu giải đáp cho vấn đề đang bận tâm. Và sự suy nghĩ không thể đem đến lời giải đáp, vì giữa suy nghĩ và vấn đề này lại không có chung một thước đo. Chính bản thân cuộc đời đã đem lại cho mình lời giải đáp do chỗ mình hiểu thế nào là cái thiện và thế nào là cái ác. Và hiểu biết đó không phải tự mình kiếm ra, nó được ban cho mình cũng như cho tất cả những người khác, nói là được ban cho vì mình không tài nào tìm thấy nó ở bất cứ nơi nào.

“Thử hỏi mình có thể tìm thấy nó ở đâu? Có phải lí trí đã chứng minh cho mình thấy phải yêu thương đồng loại chứ không nên áp bức họ? Người ta đã nói cho mình biết điều đó từ thời thơ ấu, và mình vui sướng tin theo vì người ta đã diễn đạt hộ mình điều có sẵn trong tâm hồn. Nhưng ai vạch cho ta thấy rõ điều đó? Không phải lí trí. Lí trí vạch cho ta thấy cuộc cạnh tranh sinh tồn và cái quy luật đòi hỏi phải áp bức tất cả những ai cản trở sự thoả mãn dục vọng của ta. Cái đó là suy diễn của lí trí. Lí trí không dạy ta yêu thương đồng loại vì làm thế là điên rồ”.

“Phải, đó là kiêu ngạo”, chàng thầm nhủ, quay người nằm sấp bụng xuống và thử lấy hai nhánh cỏ thắt nút lại, thận trọng không để đứt.

“Không những chỉ là sự kiêu ngạo của trí tuệ mà còn là sự ngu xuẩn của trí tuệ. Và nhất là… sự dối trá của trí tuệ, không còn chữ nào khác nữa. Sự lừa lọc của trí tuệ, đúng thế”, chàng nhắc lại(1).

Chú thích:

(1) Trong bản dịch Pháp văn của Sylvie Luneau, chương này có một số đọn bị đảo lộn trạt tự một cách tuỳ tiện. Chúng tôi đã đối chiếu nguyên bản để chỉnh lại.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN