Anne Tóc Đỏ Và Ngôi Nhà Mơ Ước - Chương 18: Những ngày xuân
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
125


Anne Tóc Đỏ Và Ngôi Nhà Mơ Ước


Chương 18: Những ngày xuân


Băng trên vịnh chuyển màu đen và tan rữa dưới mặt trời tháng Ba; đến tháng Tư đã có những vùng nước xanh và một con vịnh chỏm trắng đầy gió; và một lần nữa ngọn nhải đăng Bốn Làn Gió lại dát ngọc những hoàng hôn.

“Em thật vui mừng lại được nhìn thấy nó,” Anne nói, trong buổi tối đầu tiên ngọn đèn tái xuất hiện. “Suốt mùa đông em đã nhớ nó biết bao. Bầu trời Tây Bắc dường như thật trống vắng và cô đơn khi không có nó.”

Mặt đất dịu dàng vời những búp lá tươi mới, xanh non. Một màn sương lúc phủ trên những cánh rừng phía sau Glen. Những thung lũng phía biển ngập tràn lớp sương thần tiên lúc bình minh.

Những ngọn gió sôi nổi đến rồi đi mang bọt muối trong hơi thở. Biển cười vang, lấp lánh, trau chuốt và làm duyên, như một người đàn bà đẹp đỏm dáng. Cá trích tụ bầy và xóm chài lại bùng lên sức sống. Vịnh cảng sôi động với những cánh buồm trắng dong ra kênh nước. Tàu thuyền lại bắt đầu nhổ neo ra khơi vào bến.

“Trong một ngày mùa xuân như thế này,” Anne nói, “em biết đích xác tâm hồn em sẽ cảm thấy như thế nào vào buổi sáng Phục sinh.”

“Có những buổi mùa xuân mà ta thấy như kiểu nếu còn trẻ ta đã thành thi sĩ rồi,” thuyền trưởng Jim nhận xét. “Ta thấy mình lẩm nhẩm mấy câu văn và vần thơ cũ ta được nghe thầy giáo đọc từ sáu mươi năm trước. Những lúc khác mấy câu thơ đó chẳng bận trí ta. Giờ ta thấy như thể ta phải trèo lên đá hay ra đồng ra biển mà phun chúng ra.”

Thuyền trưởng Jim vừa ghé đến chiều hôm đó, mang cho Anne một đống vỏ sò cho khu vườn của cô, và một nhúm cỏ ngọt ông vừa tìm thấy trong một chuyến dạo chơi trên mấy đụn cát.

“Dạo này dọc bờ biển hiếm cỏ ngọt quá,” ông nói. “Hồi ta còn nhỏ thì nhiều lắm. Nhưng giờ chỉ thi thoảng ta mới thấy được một cụm… và chẳng bao giờ thấy lúc chú ý tìm. Cứ phải tình cờ bắt gặp thôi… đang đi thơ thẩn trên mấy đồi cát, chẳng hề nghĩ cỏ ngọt… đùng một cái không gian tràn ngập thứ mùi dịu ngọt… đám cỏ nằm ngay dưới chân. Ta ưa mùi cỏ ngọt. Lúc nào cũng làm ta nghĩ tới mẹ ta.”

“Bà thích cỏ ngọt lắm ạ?” Anne hỏi.

“Ta cũng chả biết. Chẳng biết bả đã bao giờ thấy cỏ ngọt chưa. Không, chỉ là nó có một cái mùi rất gợi tình mẫu tử… không quá trẻ, cháu biết đấy… một cái gì đó kiểu như dày dặn và tròn đầy và đáng tin cậy… đúng như một người mẹ. Cô dâu thầy giáo lúc nào cũng để một ít trong đám khăn mùi soa. Cháu nên để túm cỏ đó trong đám khăn của cháu, cháu Blythe ạ. Ta không thích mấy cái mùi công nghiệp này… nhưng một làn hương cỏ ngọt thì nơi nào có một quý cô là nơi đó nên có.”

Anne vốn không đặc biệt hứng thú với ý tưởng viền những chậu hoa của mình bằng vỏ trai sò; để làm vật trang trí thì ban đầu chúng không hấp dẫn cô. Nhưng cô không thể làm tổn thương thuyền trưởng Jim dù vì lý do gì; thế nên cô cân nhắc đến một công dụng mà ban đầu cô không cảm thấy, và cảm ơn ông nhiệt thành. Và khi thuyền trưởng Jim đã tự hào bao quanh mỗi chậu hoa bằng một đường viền toàn những con sò to màu trắng sữa, Anne ngạc nhiên thấy rằng cô thích hiệu ứng đó. Trên một bãi cỏ thành phố, hay thậm chí ở trên Glen, chúng sẽ không hợp, nhưng ở đây, trong khu vườn kiểu cổ giáp biển của căn nhà nhỏ mơ ước, chúng lại rất hài hòa.

“Trông đáng yêu thật đấy ạ,” cô chân thành nói.

“Cô dâu thầy giáo lúc nào cũng xếp vỏ sò quanh mấy chậu hoa,” thuyền trưởng Jim nói. “Cổ là tay sừng sỏ về hoa. Cổ chỉ cần nhìn mấy chậu hoa, và sờ vào chúng… vậy thôi… là chúng mọc như điên. Vài người có cái tài đó… ta đoán cháu cũng có, cháu Blythe ạ.”

“Ôi cháu không biết đâu… nhưng cháu yêu khu vườn của mình, và cháu thích làm vườn lắm. Tha thẩn chơi đùa với những thứ xanh mướt nảy nở, ngắm nhìn từng ngày để xem những chiếc mầm mới thân thương nhú lên, điều đó giống như ta được dự phần vào sáng tạo, cháu nghĩ thế. Ngay lúc này khu vườn của cháu như đức tin vậy… chính là hiện thân của những gì mong ước. Nhưng chỉ một chốc thôi.”

“Lúc nào ta cũng kinh ngạc khi nhìn những hạt giống màu nâu nhỏ xíu, nhăn nheo và nghĩ đến những cầu vồng trong chúng,” thuyền trưởng Jim nói. “Khi nghĩ về đám hạt giống đó, ta chẳng thấy có gì khó khăn để mà tin rằng chúng ta có những tâm hồn sẽ sống trong những thế giới khác. Làm sao ta tin được là có sự sống trong những thứ nhỏ bé đó, nhiều cái chẳng lớn hơn một hạt cát, huống hồ có cả màu sắc và mùi hương, nếu ta chưa được chứng kiến điều kỳ diệu đó chứ hả?”

Anne, đang đếm từng ngày chờ đợi như đếm những hạt bạc trên chuỗi hạt, giờ đã không thể đi bộ cả quãng đường dài đến ngọn hải đăng hay lên Glen được nữa. Nhưng cô Cornelia và thuyền trưởng Jim đến thăm căn nhà nhỏ rất thường xuyên. Cô Cornelia là niềm vui trong sự tồn tại của Anne và Gilbert. Cả hai cười đến tẽ cả sườn vì những bài phát biểu của cô sau mỗi chuyến thăm. Khi thuyền trưởng Jim và cô tình cờ đến thăm căn nhà nhỏ cùng một lúc thì có nhiều thứ để nghe lắm. Họ khơi mào những cuộc khẩu chiến, cô tấn công, ông phòng thủ. Anne có lần đã mắng thuyền trưởng vì hay “dử mồi” cô Cornelia.

“Ôi, ta thích khích cho cô ấy nói lắm, cháu gái Blythe ạ” ông già tội lỗi ngoan cố cười khúc khích. “Đấy là trò tiêu khiển lớn nhất đời ta. Cái lưỡi của cổ có thể đánh rộp cả đá ấy chứ. Mà cháu và cái thằng bác sĩ trẻ nhà cháu lại chả thích nghe cô ấy nói cũng y như ta ấy à.”

Một tối nọ thuyền trưởng Jim đến chơi, mang cho Anne vài bông hoa tháng Năm. Khu vườn tràn ngập làn khí ẩm ngát hương của một tối mùa xuân bên biển. Có một làn sương mờ màu trắng sữa bảng lảng ở rìa bờ biển, một vầng trăng non đang hôn lên đó, và một dải hân hoan những vì sao treo trên hạt Glen. Chuông nhà thờ bên kia vịnh đang ngân vang ngọt ngào mơ màng. Tiếng ngân trầm bay qua ánh hoàng hôn hòa vào tiếng rên khe khẽ của mùa xuân miền biển. Những bông hoa tháng Năm của thuyền trưởng Jim điểm thêm nét hoàn thiện cuối cùng vào sự quyến rũ của buổi tối hôm đó.

“Mùa xuân này cháu chưa nhìn thấy hoa tháng Năm, cháu nhớ chúng quá,” Anne nói, vùi mặt vào mấy bông hoa.

“Quanh Bốn Làn Gió không tìm thấy đâu, chỉ ngoài đồng hoang ở xa tận ngoài Glen kia mới có. Hôm nay ta làm một chuyến du ngoạn đến Vùng-đất-không-có-việc-gì làm, và săn được mấy bông hoa này cho cháu. Ta nghĩ chúng là những bông hoa cuối cùng cháu được nhìn thấy mùa xuân này, vì chúng gần tàn rồi.”

“Ông mới tốt bụng và quan tâm làm sao, thuyền trưởng Jim ơi. Chẳng ai khác… kể cả Gilbert”… với một cái lắc đâu về phía chồng… “nhớ là cháu lúc nào cũng mong nhìn thấy hoa tháng Năm vào mùa xuân.”

“À, ta có chuyện khác để làm nữa… ta muốn mang cho ông Howard một mẻ cá hồi. Thỉnh thoảng ổng thích một mẻ cá hồi, và đấy là tất cả những gì ta làm được để đáp trả một lần ơn nghĩa ổng làm cho ta. Ta ở lại cả buổi chiều trò chuyện với ổng. Ổng thích nói chuyện với ta lắm, mặc dù ổng là người có giáo dục cao còn ta chỉ là tay thủy thủ già ngu dốt, vì ổng là một dạng người cứ phải nói chuyện không thì đau khổ lắm, mà người chịu lắng nghe ở quanh đây thì hiếm. Dân Glen tránh xa ổng vì họ nghĩ ổng là dân vô đạo. Ổng chưa đi xa đến mức đó… ta nghĩ chắc ít người như vậy… nhưng có thể nói ổng là một người dị giáo. Mấy người dị giáo thì quái lắm, nhưng mà quá trời thú vị. Chỉ là kiểu như họ bị lạc khi đi tìm Chúa, bị cái ý nghĩ là Ngài khó kiếm quá… mà đâu có phải vậy. Hầu hết mọi người sau một thời gian là sẽ gặp Ngài, ta đoán thế. Ta nghĩ ngồi nghe mấy cái lý lẽ của ông Howard cũng chả gây hại gì cho ta. Hẳn nhiên, ta vẫn tin những điều mà ta được nuôi dạy phải tin. Làm vậy đỡ mệt nhiều lắm… và chủ yếu là, Chúa là tốt. Vấn đề với ông Howard là ổng hơi QUÁ thông minh. Ổng nghĩ ổng cần phải sống sao cho xứng với cái sự thông minh của ổng, và tranh luận cho kỳ ra một cách lên thiên đường mới khôn hơn cái đường cũ mà đám dân thường ngu dốt vẫn đi. Nhưng rồi thì ổng cũng tới được đích thôi, và đến lúc đó ổng sẽ tự cười mình.”

“Hồi đầu ông Howard là người Giám lý mà,” cô Cornelia nói, như thể cô nghĩ từ đó đến dị giáo thì cũng chẳng có bao xa.

“Cháu biết không, Cornelia,” thuyền trưởng Jim nghiêm nghị nói, “ta vẫn thường nghĩ nếu ta không phải người Trưởng lão thì ta sẽ theo Giám lý.”

“Ôi giời,” cô Cornelia thừa nhận, “nếu chú không theo Trưởng lão thì chú theo ai mà chả được. Nói tới dị giáo mới nhớ, anh bác sĩ ạ… ta đem trả anh cuốn sách anh cho ta mượn đây… cái cuốn Luật tự nhiên trong thế giới tinh thần ấy… ta không đọc hết quá một phần ba. Ta đọc được những thứ đàng hoàng, ta cũng đọc được những thứ vớ vẩn nhưng cái cuốn sách đó chả thuộc loại trước cũng chả thuộc loại sau.”

“Quả là nó được xem là khá dị giáo ở một số chỗ,” Gilbert thừa nhận, “nhưng cháu đã nói với cô từ trước khi cô mang về kia mà, cô Cornelia.”

“Ồ, ta không phiền chuyện nó dị giáo đâu. Ta chịu được sự sa đọa, nhưng ta không chịu sự ngu xuẩn,” cô Cornelia bình tĩnh nói, và với cái vẻ đã nói xong điều cuối cùng cần phải nói về Luật tự nhiên.

“Nói tới sách, Một tình yêu cuồng dại cuối cùng đã đi đến hồi kết hai tuần trước,” thuyền trưởng Jim đăm chiêu nói. “Nó chạy tới một trăm linh ba chương. Khi hai đứa nó lấy nhau cuốn sách hết ngay tắp lự, vậy nên ta đoán là mấy rắc rối của chúng vậy là chấm hết. Cái kiểu trong sách lúc nào cũng như vậy thiệt là dễ thương đúng không, mặc dầu đâu có phải vậy ở bất cứ chỗ nào khác?”

“Ta không bao giờ đọc tiểu thuyết,” cô Cornelia nói. “Chú có nghe nói gì về tình hình Geordie Russell hôm nay không, thuyền trưởng Jim?”

“Có, ta có ghé qua thăm hắn trên đường về nhà. Hắn đang khỏe lại dần dần… nhưng vẫn liu riu trong một nồi xúp rắc rối, như thường lệ, thằng cha tội nghiệp. Dĩ nhiên hắn tự đun phần lớn rắc rối lên cho mình, nhưng ta nghĩ điều đó cũng chẳng làm mọi thứ dễ dàng gì hơn cho hắn.”

“Ông ấy là một kẻ bi quan khủng khiếp,” cô Cornelia nói.

“À, không hắn không hẳn là một kẻ bi quan, Cornelia à. Hắn chỉ là không bao giờ tìm được thứ gì hợp với mình thôi.”

“Vậy mà không phải là bi quan sao?”

“Không, không. Người bi quan là người không bao giờ mong chờ tìm được thứ gì phù hợp với mình. Geordie chưa đến nỗi đó.”

“Chú thì lúc nào cũng tìm được điều tốt để nói, dù là nói về quỷ dữ, chú Jim Boyd ạ.”

“À, cháu đã nghe kể chuyện một bà già nói quỷ dữ được cái rất chi là kiên trì rồi phỏng. Nhưng không, Cornelia ạ, ta chả có gì hay để nói về quỷ dữ cả.”

“Chú có tin vào quỷ dữ không cơ chứ?” cô Cornelia hỏi một cách nghiêm túc.

“Làm sao cháu có thể hỏi ta câu đó khi mà cháu biết ta là một người theo Trưởng lão ngoan đạo cỡ nào, hở Cornelia? Làm sao một Trưởng lão sống được mà không có quỷ dữ?”

“Chú có tin hay là không?” cô Cornelia vẫn khăng khăng.

Thuyền trưởng Jim đột nhiên trở nên nghiêm túc.

“Ta tin cái mà một mục sư có lần đã gọi là ‘một thế lực ác độc, hùng mạnh, hung hiểm và thông minh hoành hành trong vũ trụ,’” ông nghiêm trang nói. “Ta tin cái đó, Cornelia ạ. Cháu có thể gọi đó là quỷ dữ, hay ‘nguyên lý cái ác’, hay Cái Nanh Ác Già Lõi, hay bất cứ tên gì cháu thích. Nó có ở đó, và tất cả những kẻ vô đạo hay dị giáo trên thế giới cũng không thể cãi lại được điều đó, cũng như họ không cãi được rằng Chúa không tồn tại. Nó có ở đó, và nó đang vận động. Nhưng cháu nên nhớ, Cornelia ạ, ta tin là về lâu về dài nó sẽ tự hại chính nó thôi.”

“Chắc chắn cháu cũng hy vọng thế rồi,” cô Cornelia nói, trông không có vẻ gì là quá hy vọng. “Nhưng nói tới quỷ dữ, cháu tin chắc là Billy Booth đã bị quỷ ám rồi. Chú đã nghe nói tới màn trình diễn mới nhất của Billy chưa?”

“Chưa, gì thế?”

“Hắn đã ra tay đến trụi bộ váy poplin mới tinh của vợ hắn, cái bộ mà cô ấy phải trả hai mươi lăm đô la để may ở Charlottetown, vì hắn tuyên bố là cánh đàn ông nhìn cô ấy quá ngưỡng mộ khi cô ấy mặc nó đến nhà thờ lần đầu tiên. Có phải đúng là đồ đàn ông không kia chứ?”

“Cô vợ Booth đúng là rất đẹp, và màu nâu là màu của cô ấy” thuyền trưởng Jim trầm ngâm nói.

“Lẽ nào đó là lý do chính đáng để tống bộ đồ mới của cô ấy vào bếp lò hay sao? Billy Booth là một thằng ngu ghen tuông, hắn làm cho đời vợ hắn khốn khổ. Cô ấy khóc suốt tuần vì bộ đồ. Ôi, Anne, ta ước gì ta cũng viết lách được như cháu, tin ta đi. Ta đì bằng chết vài gã đàn ông quanh đây thì thôi!”

“Mấy người nhà Booth toàn là hơi kỳ quái,” thuyền trưởng Jim nói. “Billy có vẻ như tỉnh táo nhất trong đám cho đến khi hắn lấy vợ và rồi cái đuôi ghen tuông quái đản tòi ra. Anh trai hắn Daniel nữa, lúc nào cũng kỳ.”

“Cứ một đôi ngày lại lên cơn và không chịu ra khỏi giường,” cô Cornelia hăm hở kể. “Vợ hắn phải làm tất cả việc đồng áng cho đến khi hắn dứt cơn. Khi hắn chết mọi người viết thư chia buồn cho bà vợ, nếu ta mà viết thì sẽ là thư chúc mừng. Cha hắn, ông già Abram Booth, là một con nghiện già gớm ghiếc. Lão say rượu trong đám ma bà vợ, và cứ lượn vè vè xung quanh rồi nấc cụt ‘Ta có uố-ố-ố-ng mấy đâu nhờ nhưng mà ta thấy kỳ-ỳ-ỳ quá-á-á.’ Ta lấy cái ô quật vào lưng lão một cú ra trò khi lão đến gần ta, và cú đó làm lão tỉnh ra được một lúc cho đến khi người ta bưng quan tài ra khỏi nhà. Thằng nhóc Johnny Booth đáng lẽ đã cưới vợ ngày hôm qua rồi, nhưng mà không cưới được vì nó bị dính quai bị. Đúng là đồ đàn ông!”

“Dính quai bị thì làm sao mà cưỡng được, thằng nhóc tội nghiệp!”

“Cháu sẽ ‘thằng nhóc tội nghiệp’ nó, tin cháu đi, nếu cháu là Kate Sterns. Cháu không biết nó cưỡng hay không cưỡng được vụ quai bị nhưng cháu có biết là tiệc cưới buổi tối đã chuẩn bị xong hết và mọi thứ sẽ hỏng hết trước khi nó khỏi lại. Thật là phí phạm! Đáng lẽ thằng đó phải bị quai bị lúc còn nhỏ đi chứ!”

“Thôi thôi Cornelia, cháu không nghĩ cháu hơi vô lý ư?”

Cô Cornelia khinh bỉ không thèm trả lời, thay vào đó cô quay về phía Susan Baker, một bà cô già mặt mũi cau có nhưng tốt bụng ở Glen, vừa được đặt vào vị trí quản-gia-làm-tất-cả-việc-nhà ở căn nhà nhỏ trong vài tuần. Susan lên Glen để thăm người ốm, vừa mới trở về.

“Tối nay cô Mandy già tội nghiệp thế nào rồi?” cô Cornelia hỏi.

Susan thở dài.

“Rất là tệ… rất là tệ, Cornelia ạ. Tôi e là bà ấy sắp lên thiên đường rồi, tội nghiệp!”

“Ôi, thật tình, không tệ vậy chứ!” cô Cornelia kêu lên, vẻ thông cảm.

Thuyền trưởng Jim và Gilbert nhìn nhau. Rồi cả hai đột ngột đứng dậy, đi ra ngoài.

“Có những lúc, sẽ thật tội lỗi nếu không cười.” Thuyền trưởng Jim nói, giữa những cơn cười. “Hai người đàn bà xuất sắc đó!”

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN