Âu Lạc Chi Nữ - Chương 1: Chuyện tình Mị Châu – Trọng Thủy
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
213


Âu Lạc Chi Nữ


Chương 1: Chuyện tình Mị Châu – Trọng Thủy


Câu chuyện này được tôi viết lại như một hồi ức giàu cảm xúc.

Khi câu chuyện này được bắt đầu, tôi, Dương Minh Hà mười bảy tuổi, lúc đó là học sinh lớp 10 chuyên Văn trường phổ thông chuyên N. Tại sao tôi mười bảy tuổi lại học lớp mười? Không phải do tôi đi học muộn một năm hay bị bệnh gì, đó là vì khi học lớp chín trung học cơ sở, tôi đã bị đình chỉ. Thật khôi hài? Một học sinh trường chuyên, còn là thủ khoa kì thi tuyển sinh vào lớp 10 lại từng đình chỉ?

Không khó tin chút nào. Tôi có thể nhận mình là một đứa trẻ bị bỏ rơi. Tôi sinh ra ở Hà Nội, bố tôi là bác sĩ trưởng khoa một bệnh viện tuyến trung ương, mẹ tôi cũng là viên chức ngành thuế hẳn hoi, sinh ra trong một gia đình như thế, tôi lại không phải một đứa trẻ ngoan. Bố mẹ tôi chán ghét lẫn nhau, cả hai đã ngoại tình chán chê nhưng vì chút sĩ diện nên bố tôi không đồng ý ly hôn. Cả hai thường không thích về nhà, bố tôi ngoài những đêm trực ở bệnh viện, lý do chính đáng, cũng không có mấy hôm ở nhà. Mẹ tôi thường đi chơi về khuya với những bữa tiệc rượu vô bờ bến, cũng hay cùng ông tình nhân là trưởng cục thuế đi du lịch. Họ đóng học, cho tôi tiền rất đầy đủ, thuê hẳn một bà giúp việc 24/24 lo việc nhà. Tiền thì tôi không thiếu, bạn bè cũng nhiều, thường hay tụ tập chơi bời từ hồi cấp hai. Mới đầu lớp chín, tôi đã như một nữ tướng cướp, chị hai một nhóm tầm hơn chục đứa thích phá phách. Hết kì một, không những không môn nào trên năm phẩy, còn bị đình chỉ học do đánh nhau. Chuyện xấu xa nhiều rồi cũng không giấu được, bố mẹ tôi vì sĩ diện, quăng tôi về quê ngoại Hải Dương với ông bà.

Thật ra, trong gia đình tôi chỉ thương có ông bà ngoại, ông bà nội tôi chưa từng được nhìn thấy, họ đã mất trước khi tôi ra đời. Hồi nhỏ xíu khi gia đình chưa trục trặc, ba mẹ còn đưa tôi về thăm ông bà thường xuyên. Tôi có những tháng ngày nghỉ lễ tết, nghỉ hè đầm ấm bên ông bà. Sau này họ đường ai nấy đi, cũng vô tâm hơn, chẳng thèm đưa tôi về quê thăm ông bà, hơn nữa, tôi cũng không muốn về, về thì ông bà lại hỏi chuyện học tập, mà chuyện học hành không ra đâu này thì nhắc chỉ làm ông bà buồn mà thôi.

Bà vẫn thương tôi nhất, biết tôi hư, bà không hề mắng. Bà lại rất phiền chuyện của ba mẹ, dù mẹ trước đây cùng muốn biếu bà nhiều tiền, nhưng bà không hề lấy, thậm chí không muốn gặp mẹ, chỉ vì mẹ cũng bị tai tiếng cặp kè, đánh ghen như cơm bữa. Bà vẫn sống bằng chút lương hưu không nhiều nhặn.

Ông bà nuôi tôi và chiều chuộng, thương tôi như thế, những ngày đó, tôi như đã được hồi sinh. Một đứa con gái ngang ngược cuối cùng cũng quay đầu. Tôi như lại có nghị lực muốn sống tiếp, một cách đàng hoàng, không phải vì cái danh dự hão của hai bậc phụ huynh, mà vì tình thương và hi vọng của ông bà. Hơn nữa, tôi rất thương bà, sức khỏe của bà mỗi lúc lại yếu đi.

Để bà vui, tôi cố gắng học lại ở lớp chín, thật ra tư chất tôi cũng không tồi, cần mẫn học tập, bỏ các trò vui, sống ở một tỉnh lẻ không có nhiều cám dỗ vui thú và đám bạn ngang tàng như trước, sau một năm tôi đã có sự tiến bộ không ngờ.

Không những được học sinh giỏi, tôi còn được giải Nhất cấp tỉnh môn Văn. Thật ra hồi học lớp sáu, tôi cũng học không tồi, từng được một giải khuyến khích cấp thành phố, có điều sau đó tôi đã dần chán chường, thay đổi bản thân theo hướng tiêu cực.

Sau khi đỗ trường chuyên, vì điểm cao và lại hơn các bạn một tuổi, tôi được làm lớp trưởng lớp 10 chuyên Văn.

Nhắc đến lớp mười chuyên Văn chỉ có hai mươi tám học sinh của chúng tôi, chỉ có hai đứa con trai, cũng không phải dạng cao lớn sáng sủa gì. Một thằng gầy, đen như que củi từ huyện lên, và một đứa yểu điệu, ọt ẹt gần như con gái.

Nhưng điều làm tôi khá phiền toái là giáo viên dạy văn thay cho cô chủ nhiệm vừa bị bệnh của tôi, vâng, cô Trần Thị Kim Mai. Cô Kim Mai “yêu quý” của tôi năm nay ngoài ba mươi, đúng ra là tầm ba mươi ba, ba mươi lăm, thân hình không được cân đối. Cô chỉ cao một mét năm mươi tư nhưng càng đáng tiếc vì người cô không được gọn gàng.

Nếu chỉ vậy có là gì, tuy người như vậy nhưng cô lại hay thích ăn mặc lòe loẹt, sexy, nhiều khi gây phản cảm. Thậm chí tôi từng thấy có mấy cô giáo trong trường thầm bàn thán về cô giáo Mai này. Nghe nói cô chưa từng kết hôn!

Hôm đầu tiên nhận lớp, cô Mai này mặc một cái áo cổ trễ quá mức, đã hở một phần trên của bộ ngực đồ sộ và sồ sề, thật khiếm nhã cho một giáo viên khi đứng lớp.

Tôi cũng không cao lớn là bao, ngồi góc trong cùng bàn thứ hai, dãy có bàn giáo viên. Lúc đó, khi cô giáo Mai ngồi xuống, chả biết vô tình hay hữu ý, hay vô duyên cúi cúi xuống, khiến tôi được chiêm ngưỡng cái tạo vật đó, thực sự có chút phát ớn và khôi hài, tôi quay sang đứa bên cạnh cười và nói nhỏ, ra hiệu chỉ chỉ cho nó thấy. Không may, cô Mai nhìn thấy và đoán được thái độ của lớp trưởng là tôi, từ sau bắt đầu thù ghét, vùi dập.

Cũng từ khi biết mình bị trù, tôi luôn tự gọi cô giáo Mai này là “mụ Mai sề” hoặc “bà giáo Mai”. Nói thật tuy tôi đã cố gắng phấn đấu như một trò ngoan giỏi, nhưng bản chất ngang tàng, bất cần và kiêu ngạo chưa hề mất hẳn. Tôi thấy không cần quá coi trọng cô giáo như vậy.

Nhắc đến trình độ sư phạm của cô giáo này, so với cô giáo cũ thực sự kém xa, không phải là do tôi thù ghét mà cho như vậy. Bài giảng thiếu sinh động, nhiều khi dập khuôn sách giáo viên, sách văn mẫu, không hiểu một người như vậy vào dạy ở trường chuyên có phải do quen biết, con ông cháu cha gì không. Không chỉ tôi mà nhiều đứa trong lớp cũng phàn nàn. Nhưng có lẽ cô giáo Mai vẫn sẽ dạy văn và kiêm chủ nhiệm bọn tôi một thời gian nữa.

….

Ai đã học Ngữ Văn lớp mười, chương trình cải cách đưa vào năm 2006 có câu chuyện Mị Châu Trọng Thủy. Câu chuyện này cũng đã được học ở tiểu học trong bộ môn Kể chuyện.

Tôi không thích câu chuyện này, nhưng cũng không phải là ghét, chỉ là tôi có nhiều suy nghĩ khá khác thường. Như cái kết của truyện, liệu tình yêu của Mị Châu – Trọng Thủy có phải chân tình, hay chỉ là sự lợi dụng? Trọng Thủy nhảy xuống giếng là vì thương Mị Châu hay bị linh hồn Mị Châu ám ảnh? Lỗi lớn nhất gây ra mất nước Âu Lạc và làm nên bi kịch này tại ai?…

Tôi có nhiều điểm không thỏa mãn với cách giảng bài và cảm nhận của cô Mai, tôi cảm thấy còn quá hời hợt, dù đây không phải là một tác phẩm văn học, mà chỉ là một câu chuyện dân gian. Thực tế bản thân tôi cũng không thông suốt, nhưng chẳng muốn hỏi cô giáo. Thôi vậy, tôi cứ nhắm mắt cho qua tiết học này.

Thế nhưng cô giáo Mai không để tôi yên. Lúc bấy giờ tôi đang ngồi trong lớp, vì tiết học quá nhạt bèn quay sang thảo luận vài câu với bạn, liền bị cô Mai túm ngay, như được thể, cô tỏ ra vô cùng nghiêm trọng:

– Minh Hà! Em là lớp trưởng sao lại nói chuyện riêng? Lát nữa tôi sẽ ghi em vào sổ đầu bài!

– Thưa cô! – Tôi không sợ hãi, nhưng cũng không tỏ ra bất mãn, bất cần – Là em đang thảo luận với bạn về bài học!

Cô Mai tỏ ý nghi ngờ và coi như tôi nói dối, bắt tôi trả lời một hồi xem lát nãy cô đã giảng đến đâu. Đến phần tổng kết tác phẩm và bài học chứ đâu, sắp hết tiết rồi mà.

Thế nhưng tôi lại quyết định nêu lên chính kiến của mình.

– Em thưa cô! Trong câu chuyện này có điểm lưu ý rất lớn đây là một câu chuyện nhân gian hư cấu, cần xem xét có phải nó muốn thần thánh hóa dân tộc, phong phú hóa một ý tưởng, hay làm giảm bớt đau thương hay bi kịch…

Cô Mai quả nhiên ngạc nhiên, cô ta đâu có giảng được đến đoạn này. Thật thiếu sót, cứ dập khuôn sách giảng văn vậy.

– Em nói linh tinh gì thế? – cô ta tỏ vẻ khó chịu rồi.

– Thưa cô, thứ nhất, em thấy nỏ thần là hư cấu, đó có lẽ là một bí mật quân sự quan trọng thời Âu Lạc được thần thánh hóa. Thứ hai, em không đồng ý với cách cô cho rằng đây là một mối tình thương thân của Mị Châu và Trọng Thủy, cả hai đáng thương, tuy rằng có một phần lỗi đáng trách.

Cả lớp bắt đầu xôn xao, tôi lại dõng dạc nói tiếp:

– Nếu cho rằng Trọng Thủy yêu thương Mị Châu, nhưng do sinh ra trong hai nước đối địch, Trọng Thủy vì tận trung, tận hiếu với phụ vương hay vì tình thế bắt ép mới bảo Mị Châu cho xem nỏ thần rồi đánh tráo, vô tình hại chết người con gái hắn yêu. Em cho rằng cô giảng thế không đúng. Em cho rằng với Mị Châu, Trọng Thủy một chút tình cảm cũng không có, đó hoàn toàn là sự lợi dụng!

Đến bây giờ thì cả lớp xì xào nhốn nháo, cô Mai bị tôi phản đối bằng một câu “không đúng” ngay trước mặt cả lớp thì thực sự tức tối.

– Đó là nhận định chung của nhiều tác gia cũng như người soạn sách! Nếu em không giải thích hợp lý thì tôi sẽ trừ điểm cuối kì của em!

Cô giáo Mai làm cho tôi có cảm giác cô không nghiên cứu kĩ bài, chỉ dựa vào mấy cuốn giảng văn cũ kĩ, sai lệch và bán la liệt ngoài đường.

– Thưa cô và cả lớp… – Tôi hoàn toàn bình tĩnh – Chúng ta cũng nghĩ xem, thứ nhất, rõ ràng quân Triệu Đà bao lần nhăm nhe xâm lược, mục đích cầu thân chỉ là cái cớ để thăm dò nước Âu Lạc, Triệu Đà đã cử Trọng Thủy, ắt là hoàng tử có mưu lược thâm sâu, nhìn xa trông rộng sang Âu Lạc. Trọng Thủy nếu thực sự yêu Mị Châu, sao không nhận ra rằng hắn sẽ đẩy Mị Châu vào tội bán nước? Biết được bí mật quân sự, cứ cho là nỏ thần đi, sao lại nhanh chóng, không do dự mà đánh tráo. Hắn còn dò hỏi Mị Châu cách tìm được nàng, vì hắn biết nàng sẽ được An Dương Vương dẫn theo khi bỏ trốn, mục đích của hắn là đuổi cùng giết tận cha con Thục Phán. Nếu như là hắn không muốn giết nàng đi nữa, yêu nàng sao có thể đang tâm muốn giết chính cha nàng, cha vợ hắn trước sự chứng kiến của nàng? Dù sao đi nữa, hắn cũng biết kết cục của một công chúa bán nước, dù không bị nước địch sát hại, cùng sẽ bị chính dân nước mình oán trách, Mị Châu làm sao có thể yên bình mà sống tiếp? Còn chuyện hắn tự tử dưới giếng, có lẽ là bị ám ảnh bởi sự oan khuất của Mị Châu, linh hồn nàng nhận ra sự lợi dụng trắng trợn của hắn nên căm phẫn ám ảnh hắn trả thù, hoặc hay hắn do bị chỉ trích của thiên hạ, cộng thêm sự sợ hãi trong lòng nên tự ám ảnh bản thân, hoảng loạn mà rơi xuống giếng. Thậm chí cũng có thể hắn bị người dân Âu Lạc trả thù, đẩy xuống giếng rồi dựng lên chuyện để qua mắt triều đình kẻ địch… nói tóm lại có rất nhiều lý do để em cảm thấy: Trọng Thủy không hề yêu Mị Châu thật lòng!

Mọi người có hình dung được bộ dạng của cô Mai lúc này không, thực sự đáng thương, như bị dồn vào thế bí bởi những lập luận có nhiều phần đúng của tôi. Đứng ngây ra một hồi trước lớp, cô Mai chỉ ấm ức tuyên bố một câu: “ Đó là ý kiến chủ quan của em, đúng hay sai cũng không được lạm dụng nếu thi cử gặp phải!”

Nói rồi cô Mai cho lớp ra chơi.

Một vài đứa bạn lại chia sẻ, hoan nghênh tôi, một số khác lại ái ngại khi tôi cứ thích chọc vào chủ nhiệm như thế, nhưng tôi không sợ, tôi tin vào mình, “bà giáo” này có dạy được tôi mãi đâu mà sợ, chí ít đó cũng là những quan điểm đáng ghi nhận của tôi.

Mọi chuyện chưa dừng lại ở đấy.

Học kì một lớp mười có một đề văn là tưởng tượng cuộc gặp gỡ dưới thủy cung của Trọng Thủy và Mị Châu. Tôi khi làm đề văn này, tôi vẫn có chủ ý của mình. Nếu như các bạn trong lớp đều tưởng tượng ra một cuộc hội ngộ cảm động, đẫm nước mắt giữa Mị Châu và Trọng Thủy, hay còn cho họ một cái kết đoàn tụ viên mãn bên nhau thì tôi không như vậy. Không những không chàng chàng thiếp thiếp, hay cả hai tự nhận lỗi về mình, oán trách duyên số, tôi mạnh dạn cho nàng Mị Châu sau khi nhận ra sự thật, tuy cõi lòng đau đớn, nhưng vẫn lấy ý chí kiềm nén tình cảm, nói với Trọng Thủy những lời có phần cay nghiệt, tuyệt đối không tha thứ. Bài văn của tôi có một câu bị gạch đỏ, đó là lời thoại của Mị Châu : “Trọng Thủy, không ngờ ngươi cũng có ngày hôm nay!”. Và Trọng Thủy tuy trong lòng lương tâm có cắn rứt nhưng chỉ lạnh lùng buông lời: “ Đúng là ta có lỗi với nàng, cái chết thảm của nàng cũng đã ám ảnh ta, ta cũng đã bị người dân nguyền rủa bao lâu, nhưng lỗi không thể trách mình ta, ngay từ đầu nàng không nên hi vọng vào cuộc hôn nhân chính trị này…”

Và hơn thế nữa, bài văn kể chuyện của tôi ở dưới ngôi thứ nhất, tôi đã dùng lời kể của Trọng Thủy để kể lại. Rõ ràng trong đề bài không nói là dùng ngôi nào, tôi muốn lấy ngôi kể của hắn để phân tích rõ hơn tâm lý nhân vật và muốn có cái gì độc đáo hơn cách thông thường. Thế nhưng, bài văn hệ số hai này tôi chỉ được 3 điểm, sau một loạt dòng chữ đỏ phê phán, cô Mai ghi một câu rõ to “ LẠC ĐỀ, SAI NGÔI KỂ, LỖI ĐỌC HIỂU VĂN BẢN TRẦM TRỌNG!”

Thế đấy, trong giờ trả bài, cô Mai không ngừng nói bóng nói gió chỉ trích. Mọi việc vẫn chưa dừng ở đấy, nhân tiện sắp hết học kì một, cô Mai đã quyết định cho cả lớp đi thăm quan di tích Cổ Loa thành, Đông Anh, Hà Nội. Cô giáo bảo để các em hiểu hơn về lịch sử nước nhà, giúp học tập sinh động hơn, tiếp xúc với truyền thuyết được người dân nơi đó kể lại, để những bạn còn nhiều suy nghĩ táo bạo sai lầm nhận thức lại. Rõ ràng là cô Mai đang nói đểu tôi mà.

_________

Cuối cùng thì ngày chủ nhật của hai tuần sau, ý tưởng của cô giáo cũng được thực hiện. Từ Hải Dương chúng tôi không mất đến vài tiếng để đến nơi. Đây là di tích khá nổi tiếng ở Hà Nội. Đừng hỏi sao tôi không thể miêu tả nhiều về những gì ở nơi đây, bởi lẽ tôi không nhàn hạ để ngắm cảnh gì, phải quản mấy chục đứa con gái đang tuổi mới lớn, còn phải kệ nệ xách gần hai chục chai nước khoáng Lavie do cô Mai mua và “nhờ” lớp trưởng tôi xách.

Nhìn chung nơi đây vẫn còn rất nhiều gò đất, bãi, nhiều di chỉ khác, tất cả chứng minh cho sự tồn tại của một tòa thành Cổ Loa hình trôn ốc. Hôm nay chúng tôi theo chị hướng dẫn viên di thăm nhiều di tích, trong đó quan trọng có Đền thờ vua An Dương Vương và Di tích giếng ngọc.

Ở đây có các quầy sách và đồ lưu niệm. Tôi cũng hứng thú, nên mua một vài tượng rùa bằng đá thủy tinh, và một vài quyển sách du lịch, trong đó có giới thiệu về di tích Cổ Loa thành và cuốn viết về lịch sử Việt Nam thời dựng nước Văn Lang- Âu Lạc. Cũng không có dư nhiều tay để cầm nên tôi chỉ mua có thế.

Chị hướng dẫn viên không quên kể lại câu chuyện tình Mị Châu, Trọng Thủy một cách đầy cảm động.

Trong đền thờ An Dương Vương, có am thờ Mị Châu công chúa. Tôi cũng thắp một nén nhang vào mỗi ban thờ.

Nhìn pho tượng thờ công chúa cụt đầu, tôi không khỏi xót thương. Công chúa chỉ vì tình yêu mù quáng với một người đàn ông nước địch, hại bản thân, hại nước Âu Lạc diệt vong trong tay giặc.

Khi tôi còn đang xúc động, chị hướng dẫn viên tiếp tục kể về một số tập quán của người dân nước ta thời đó, cũng có nhắc đến quá trình dựng nước, xây thành, đánh giặc của vua Thục Phán. Trong đó, đặc biệt có nhắc đến một vị tướng tên là Cao Lỗ. Nghe đồn người này vô cùng tài giỏi thao lược, là cánh tay đắc lực của vua, được vua giao cho trấn giữ điểm trọng yếu nhất phía Bắc Cổ Loa thành, được nhân dân vô cùng kính trọng.

Tôi chợt liên tưởng đến trong chuyện, vua giao cho Cao Lỗ vuốt của thần Kim Quy để chế tạo nỏ thần. Vậy Cao Lỗ là người trực tiếp làm ra nỏ thần…

Sau đó là đi thăm giếng Ngọc, nơi đồn rằng Trọng Thủy vì thương nhớ Mị Châu đã nhảy xuống tự tử, giếng ngày nay đã được tôn tạo nhiều, không biết còn có tính chất như giếng cũ không?

……

Khi chúng tôi chuẩn bị quay ra xe đi về thì trời tự dưng đổ mưa lớn, mưa dữ dội. Vì vậy cả lớp quyết định trú mưa tại phòng nghỉ của ban quản lý di tích, khi ngớt mưa sẽ ra xe về.

Bấy giờ tôi mới có thời gian nghỉ ngơi một lát, tán dóc với một vài đứa trong lớp. Nhưng tự nhiên một trong số những đứa đang tám với tôi tỏ ra hốt hoảng, luống cuống, tìm loạn lên xung quanh.

– Có chuyện gì vậy? – Tôi sốt ruột hỏi.

– Hình như… tớ làm mất cái ví rồi!

Cả đám nhốn nháo lên, tôi thì bình tĩnh hơn.

– Cậu cố nhớ lại xem, lần cuối nhìn thấy ví ở đâu? Trong ví có những gì?

– Có vài trăm ngàn, cả chìa khóa nhà tớ… – Con bé vẫn không hề bình tĩnh được.

– Lần cuối nhìn thấy ở đâu? – Tôi hỏi lại.

– Ở… hình như lúc thăm giếng tớ vẫn nhìn thấy. Nếu không tìm được, bố mẹ biết sẽ đánh tớ…

Tôi thở dài, rồi lại chỗ ban quản lý mượn tạm một cái ô. Quay sang bảo con bé:

– Nếu thế chỉ cách nửa tiếng thôi, phải không. Lúc chúng ta đến đây tránh mưa lớn, chắc không có đoàn người nào đi mưa thăm giếng nữa đâu, cứ lại đó tìm. Các bạn khác phụ trách tìm kĩ ở đây cho mình!

– Tớ đi với cậu ! – Con bé sốt ruột đòi đi theo tôi.

– Cậu ở đây tìm với các bạn khác đi, ví màu gì vậy?

– Màu đỏ, chỉ bằng bàn tay, trong có chìa khóa, móc khóa có hình TVXQ…

Tôi nghe rồi vội giương ô chạy lại chỗ giếng. Thật ra tôi không mấy tin tưởng hoàn toàn lớp không có kẻ gian, để con bé và lũ bạn tự tìm, khám đồ của nhau kĩ xem. Tôi cũng tiện tay xách cái túi du lịch nhỏ của tôi đi, trong đó có khá nhiều tiền và cả cái Iphone mới mua, phải cẩn thận mới được.

Trời mưa to quá, cái ô Trung Quốc này, dù tôi cố giữ chắc vẫn cứ như muốn lật tung, kết quả báo hại tôi bị ướt gần hết. Tức mình tôi thu ô lại, không cần dùng nữa.

Kia rồi, rơi dưới đất, cách giếng chừng ba bốn mét, có một cái ví màu đỏ. Tôi vui mừng nhặt nó lên, đang định quay đầu đi về.

Hình như ngay lúc đó mưa xối xả hơn, tiếng gió tự nhiên rít ghê rợn, tiếng nước xối ào ào. Tôi chưa từng thấy cơn mưa to như vậy.

Giữa không gian trắng xóa màu mưa, khi tôi định quay đầu đi về, nghe loáng thoáng đâu tiếng người vọng lại.

“ Ta đã nhảy xuống giếng rồi… tại sao…?”

“ Nàng ở đâu?”

Trời ạ, chắc tôi bị lãng tai rồi, mặc kệ, quay về thôi. Nhưng chợt thấy bước chân về phía cũ cứ nằng nặng. Tôi chợt thấy có chút kinh hãi.

Âm thanh sâu thẳm đó mỗi lúc nghe một rõ. Từ đâu vậy?

Khắp bốn phía không có một ai. Đến khi tôi mơ hồ cảm nhận ra: hình như nó phát ra từ dưới giếng.

Không lẽ giếng nơi này thiêng thật? Truyền thuyết đó là có thật sao? Tôi thấy thực sự hơi run, tuy không phải kẻ nhát gan gì nhưng hoàn cảnh này thật khó diễn đạt.

Không phải Trọng Thủy đã nhảy xuống giếng đó sao? Dường như âm thanh vọng lên ngày một nhiều, âm điệu tha thiết kì lạ, đầy luyến tiếc và ăn năn…

Không thể nào… Tôi bắt đầu rối trí.

– Không được rồi, lẽ nào mình nghĩ sai, là mình hiểu lầm Trọng Thủy không yêu thương Mị Châu nên khi đến đây linh hồn Trọng Thủy ám ảnh mình… – Tôi tự lẩm bẩm trong miệng – Đã đắc tội rồi, nếu không tạ lỗi chắc không xong, thiêng thật đấy !

Tôi cố gắng kiềm chế sự sợ hãi trong lòng, khẽ bước đến bên giếng, hơi cúi đầu, giọng thành kính, chắp tay:

– Thưa oan hồn cụ Trọng Thủy, hậu thế con là Dương Minh Hà, đã đắc tội hiểu nhầm và viết sai về chuyện tình của người và Mị Châu công chúa, giờ con đã hiểu tình yêu đó là có thật, từ giờ không dám liều mình suy nghĩ phá cách, mong được tha thứ…

Tôi nhìn xuống giếng, giếng này tại sao lại sâu hun hút đến thế, dường như dưới giếng, mặt nước khẽ rung. Thật đáng sợ, thật linh thiêng.

Khi tôi quay đầu lại, càng hoảng hốt hơn. Nếu không phải tôi tim còn vững thì đã ngất hay sốc chết luôn rồi.

Trước mặt tôi, cách tôi chỉ ba bốn bước chân, dưới làn mưa trắng xóa mịt mù.

Một bóng nam tử cao lớn ăn mặc như người cổ, có điều mái tóc ướt sũng, lòa xòa, vô tình che đi gương mặt, khiến lại càng nhìn không rõ là ai.

Ai? Diễn viên đoàn kịch? Cosplay?

– Anh… là ai…? – Tôi run rẩy, lắp bắp.

– Ta ư? – Hình như anh ta khẽ cười.

Giọng nói này làm tôi thấy ớn lạnh, sao mà nó giống tiếng người vừa nãy. Cố trấn an bản thân với tinh thần của một cô gái ngang tàng, tôi cười cợt:

– Thì ra anh đóng giả ma dọa tôi ư? Sợ thật đấy…

– Nàng không muốn biết ta là ai sao? Không biết ta thật sao? – Giọng điệu vang lên chứa âm điệu khó hiểu.

Ban ngày ban mặt này, chắc chắn không thể có ma hay oan hồn, rõ ràng là tự bản thân tôi sợ trong lòng mà thôi. Kẻ này chắc chắn là một tên biến thái thích hù dọa người khác, lần nọ chúng tôi đi thăm quan mấy di tích lịch sử nổi tiếng cũng có người đóng các danh nhân, có cả dịch vụ cho chụp ảnh chung. Chắc chắn anh ta cũng vậy, còn mặc đồ đi dọa người.

Thấy tôi im lặng một lát, anh ta lại lên tiếng:

– Hơn hai ngàn năm rồi…

– Hả? – Tôi hơi giật mình – Hai ngàn năm? Anh nói di tích này à?

– Không… ta đã đợi…

Từ đầu đến chân kì quái, ăn nói kì quái, có lẽ anh ta có vấn đề. Không nên dây dưa, tôi nên đi về ngay.

– Thôi, tôi về đây, chúc anh dọa thêm được mấy người nữa…

Tôi vừa bước được một bước, anh ta đã nhanh gọn di chuyển đến trước mặt tôi, nhanh như vậy có thể là người sao? Tôi thấy cảm giác ghê ghê trở lại.

– Nàng đã nói chỉ cần ta nhảy xuống giếng này sẽ tha thứ cho ta…- Giọng anh ta bắt đầu giận dữ.

Tôi hơi hoảng, tự lùi lại phía sau, tay thò vào túi, ra vẻ tìm điện thoại.

– Anh có vấn đề à? Đừng quấy rầy nữa, nếu không tôi sẽ gọi người đến đấy!

Anh ta không có phản ứng gì như tôi mong đợi, còn tiến đến gần, tôi lại lùi thêm mấy bước, không được, tôi đang tiến gần cái giếng, ngã xuống thì toi mất.

– Anh định làm gì? – Tôi hét lên.

Giữa tiếng mưa ào ạt, tiếng hét của tôi chỉ như một âm thanh lạc lõng phát ra, không át được tiếng mưa.

Cướp của?

– Đừng dọa tôi nữa! Được, đúng là trong túi tôi có năm triệu và một Iphone mới!

Đột nhiên anh ta nắm lấy cổ áo tôi, kéo đến sát miệng giếng. Tôi hét lên sợ hãi. Trong lòng thực sự đáng sợ. Muốn thanh toán luôn tôi sao?

– Đừng! – Tôi kêu lên, tay cố bấu chặt miệng giếng trong khi anh ta đang đẩy tôi, một phần lưng và đầu tôi đã chơi vơi, không thể mất thăng bằng.

– Anh muốn giết tôi? Anh là ai? Tại sao lại muốn giết tôi? – Tôi cố hét lên một loạt nghi vấn.

– Kim Quy chi nữ… – Anh ta mỉm cười nửa miệng khó hiểu – Làm sao có thể dễ dàng chết được?

Hai mắt tôi mở to kinh ngạc tột độ, không phải vì những lời kì quái vừa còn nghe thấy, mà vì anh ta đã đẩy người tôi xuống giếng. Tôi chỉ kịp hét lên một tiếng trước khi bị rơi xuống đáy giếng hun hút.

Định luật rơi tự do cho thấy dù giếng này sâu mấy chục mét thì với gia tốc g=10m/s2, tôi cũng sẽ chạm đáy hay mặt nước không tốn nhiều giây như vậy, nhưng tại sao cứ rơi mãi như vậy, đầu óc càng mơ hồ, hai tai ù dần đi.

Chẳng nhẽ tôi đã rơi xuống nước và chết rồi, bây giờ là linh hồn đang chơi vơi giữa hai cõi. Không được, tại sao chứ? Bà ơi, ông ơi, cứu cháu với…

Hai mắt tôi nặng trĩu… thế này là sao?

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN