Bạch Cốt Đạo Cung - Quyển 1 - Chương 23: Tịnh Thế chú
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
117


Bạch Cốt Đạo Cung


Quyển 1 - Chương 23: Tịnh Thế chú


Dịch: Hoa Gia Thất Đồng

“Tâm ma! Xuất hiện từ lúc nào?” Thái Vân tiên tử cả kinh, thất sắc.

Tâm ma xuất hiện trong lòng, nếu không thể diệt trừ ngay lập tức, bản ngã ý thức ắt sẽ bị nuốt mất.

Ma chướng xuất hiện trong lòng Thái Vân tiên tử bấy giờ thực ra không phải oán ma, mà là ma chủng giết chóc. Ma chủng ấy đã nương theo sát ý trong tâm nàng mà chuyển sinh thành hình: Chỉ đến khi bản ngã ý thức của mình đã bị nuốt mất, Thái Vân mới phát hiện ra điều này. Trước đó, oán ma kia lại vì không tương đồng với tâm cảnh của nàng, nên vừa hiển hóa đã bị nàng một kiếm chém phăng.

Nước biển tuôn ra từ bình Tứ Hải trên tay nàng ngay lập tức ngừng lại. Chỉ trong chớp mắt, thứ sức mạnh của sóng bể, có thể khiến trời long đất lở kia đã lập tức tan biến. Oán ma pháp châu vốn vẫn không ngừng hạ xuống, nay lại đột ngột lóe sáng, rồi vụt xuất hiện ngay trên đỉnh đầu của Thái Vân tiên tử, nhằm thẳng vào giữa ấn đường của nàng mà lao xuống.

“Ầm…”

Bị tấn công một đòn ấy, Thái Vân tiên tử hét lên một tiếng thê thảm rồi ngã nhào xuống từ giữa hư không.

Ở khoảng không trung nơi oán ma pháp châu lơ lửng trước khi tấn công Thái Vân, có một cánh tay vươn ra, hiển nhiên là muốn bắt lấy oán ma pháp châu. Chỉ tiếc, cánh tay đó đã chậm một bước.

Cùng với tiếng hét thê thảm của Thái Vân, cánh tay kia chụp hụt vào khoảng không, liền đó một tu sĩ áo trắng bước ra từ trong hư vô. Tu sĩ đó chính là Ngộ Chân của Pháp Hoa Mật Tông.

“Vô Lượng Thiên Tôn!”

Đứng giữa không trung, miệng niệm thành tiếng – một đạo hiệu, Ngộ Chân vẫn khư khư vẻ ngạo thế khinh đời. Sắc mặt gã phảng phất sự lạnh lùng – cái lạnh lùng của một người đã nhìn thấu thế thái nhân tình. Chính sự lạnh lùng đó khiến người khác cảm thấy gã thực cao ngạo.

Nhục thân của Thái Vân tiên tử còn chưa chạm đất, một cái bóng màu huyết đã vụt ra từ trong người nàng, thoắt cái đã xuất hiện ngay trên đầu Thanh Dương Tử, hiển hóa thành một nữ nhân. Nữ nhân tựa khói – một làn khói đo đỏ mơ hồ, khiến người ta không trông rõ được hình dong của nàng; nhưng người ta vẫn có thể nhận ra cái bóng mông lung đó có phần giống với Thái Vân tiên tử.

Ma chủng giết chóc ấy trước nay chỉ là một tia ma niệm trong tâm Thanh Dương Tử. Giờ đây, sau khi nuốt lấy sát ý trong lòng Thái Vân, ma chủng đã có hình dạng. Tuy vậy, ma chủng vẫn chưa hiển hóa thành ma tướng thực sự.

Ngộ Chân đứng lửng lơ giữa không trung, đưa mắt nhìn về phía Thanh Dương Tử bấy giờ đang đứng trên đỉnh núi. Gã lạnh lùng nói:

“Hai mươi năm trước, ta đã nghe danh của ngươi. Nghe nói ngươi luận đạo bàn pháp ở Vạn Tượng Pháp Hội, tâm ta tuy không phục, nhưng vẫn kính nể ngươi. Chỉ tiếc năm đó không có dịp gặp gỡ.

Hai mươi năm sau khi gặp lại ngươi, kẻ mà ta thấy trước mắt đây chẳng qua chỉ là một cái ngữ ô uế đầy ma niệm. Trong mắt ngươi, ta chỉ thấy nào là chém chém giết giết, phẫn nộ, oán khí… Người mà ta gặp hôm nay, nào phải đạo nhân rực rỡ tiên quang năm đó, có chăng chỉ là một kẻ nửa người nửa ma, thân quấn trong tầng tầng tục khí…”

Đứng lặng trên đỉnh Lạc Hà Sơn, Thanh Dương Tử ngẩng đầu nhìn Ngộ Chân. Những lời Ngộ Chân vừa nói đó khiến cho sóng lòng Thanh Dương Tử lăn tăn gợn. Y hiểu rõ, dù bản thân đã tu hành qua hai mươi năm ở nhân gian, y vẫn chưa thể đạt đến cảnh giới mà y hằng truy cầu – cái cảnh giới linh đài tựa giếng trong, phản chiếu ánh nhật nguyệt viễn cổ, nước giếng không chút gợn, soi rọi cả càn khôn…

Thanh Dương Tử không nói gì, chỉ lẳng lặng đứng đấy, trầm mặc. Y biết rõ Ngộ Chân đang thi triển “Tịnh Thế chú” lên y.

Pháp Hoa Mật Tông là một nhánh của Phật môn. Tuy đại đạo yếu quyết của môn phái này phần nhiều khác với Thiên Diễn Đạo Phái và Thương Lãng Kiếm Cung, song cũng không hẳn khác biệt hoàn toàn mà vẫn có đôi chỗ tương đồng.

“Tịnh Thế chú” có thể được coi là pháp thuật, cũng có thể không. Nói đúng hơn, đó là một thứ chân ngôn, có thể trực chỉ (1) tâm linh con người; tuy sự biến hóa bên trong đó khác với thiên ma của Thanh Dương Tử, song diệu dụng thì lại tương đồng. Hơn nữa, “Tịnh thế chú” lại ẩn trong lời nói chân thật để thi triển, khiến kẻ khác có đề phòng cũng vô dụng.

Thanh Dương Tử đã từng chứng kiến một vị trưởng lão của Pháp Hoa Mật Tông thi triển “Tịnh Thế chú” ở Vạn Tượng Pháp Hội, uy lực của pháp chú khi đó tựa thiên lôi, cuồn cuộn dâng trào. Những lời lẽ ấy rõ ràng rất đỗi bình thường, thế mà lại có thể khiến lòng người thấp thỏm, sóng lòng khi thăng khi giáng, tựa hồ chỉ muốn thả mình đi theo lời ấy, vĩnh viễn túc trực bên cạnh để nghe lời giáo huấn. Nếu so với vị trưởng lão đó của Pháp Hoa Mật Tông, Ngộ Chân đương nhiên chẳng sánh bằng, song gã cũng đã nắm được chân ý bên trong “Tịnh Thế chú”.

Năm đó Thanh Dương Tử tu luyện đại đạo yếu quyết chân chánh, thuần khiết của Thiên Diễn Đạo Phái, y đương nhiên không sợ “Tịnh Thế chú”. Nhưng hai mươi năm sau, khi nghe lại chú này, sóng lòng y lại vẫn lay động. Ấy là bởi hiện tại y tu luyện “Tha tâm thiên ma hiển diệu thiên”, trong tâm ẩn giấu không ít ma niệm, trong đó lại có hai thiên ma đã hiển hóa thành hình. Nếu cứ tiếp tục bị “Tịnh Thế chú” ấy làm lay động sóng lòng, gây chao đảo thế giới tâm linh, những thiên ma kia ắt sẽ quật lại, nuốt lấy tâm y. Đến lúc đó, tu vi một đời của Thanh Dương Tử sẽ hóa ra mây khói chỉ trong một sát na.

Song, bấy giờ Thanh Dương Tử lại đang mượn “Tịnh thế chú” của Ngộ Chân để tôi luyện tâm chí của mình.

Chỉ thấy đôi bàn tay của Ngộ Chân chắp thành liên hoa, người gã tỏa ra ánh sáng chói lọi, hình tướng gã uy nghiêm, cả người trông tựa Tịnh Thế Lưu Ly (2) chẳng khác. Gã vẫn đang nói, lời lẽ đã chuyển hóa từ lời khuyên răn bình thường sang chú ngôn thuần túy. Chỉ thấy kim liên từng đóa nở rộ giữa hư không, hương thơm ngào ngạt khắp chốn. Kim liên hạ xuống đất, hóa thành dòng suối vàng chảy trôi.

Mặt đất nơi Thanh Dương Tử đang đứng đã bị dòng suối bao bọc lấy. Dòng kim tuyền đang dâng trào ấy lại hóa thành một đóa kim liên hư ảo dưới chân Thanh Dương Tử. Trong chớp mắt ấy, khi kim liên thành hình, những oán ma, bi ma cùng ma chủng giết chóc trong lòng Thanh Dương Tử đều đang gào thét. Vốn dĩ chúng bị gông xiềng, trong khoảnh khắc này lại đều mong vùng thoát, bởi chúng cảm nhận được những gông xiềng kia đang lỏng dần.

Thanh Dương Tử nhắm mắt lại.

Bên trong thế giới tâm linh của y, một viên minh châu đang lửng lơ giữa không trung. Ánh sáng vàng rực tỏa ra từ viên minh châu chiếu rọi tứ bề tựa lửa.

Một người trông giống hệt Thanh Dương Tử đang đứng trong vùng sáng rực rỡ ấy. Người đó chính là bản ngã tướng của Thanh Dương Tử, đã hình thành từ sự kết tinh ý chí bản ngã của y.

Bản ngã tướng là một cảnh giới tu dưỡng bản thân trong “Tha tâm thiên ma hiển diệu thiên”. Chỉ khi kết tinh thành bản ngã tướng rồi, mới có thể chịu đựng được sự quấy nhiễu của thiên ma sau khi chúng thành hình trong lòng, cũng như việc thiên ma nuốt phản công, nuốt lấy tâm thức của bản thân.

Bên trong thế giới tâm linh của Thanh Dương Tử bấy giờ, bi ma cùng oán ma lao ra từ trong bóng tối, vây lấy bản ngã tướng của y mà gầm gừ.

Hai chủng ma bấy giờ chưa hiển hóa, chỉ có thể dùng cách này để gây ảnh hưởng lên Thanh Dương Tử. Còn thiên ma đã sinh thành từ bên trong cơ thể của Thái Vân Tiên Tử – ma chủng giết chóc, lúc này lại cầm kiếm bay lượn trên đầu Thanh Dương Tử, thanh kiếm trong tay nó đang nhắm thẳng vào y.

Giữa không trung, ngọn lửa bên trên oán ma pháp châu lại đang lan ra. Pháp tướng khổng lồ của oán ma hiện hình, song lại không sao có thể vùng thoát khỏi oán ma pháp châu.

Bi ma lãng đãng một màu xanh lơ, oán ma hiện trong sắc đỏ, ma chủng giết chóc lại mang màu của máu. Thảy đều đang bao vây lấy bản ngã tướng của Thanh Dương Tử, hòng hủy diệt thứ ấy.

oooOoOoOooo

Tú Am đứng quan sát, thở phào nhẹ nhõm. Nàng đương nhiên cũng là đệ tử của Pháp Hoa Mật Tông, song Pháp Hoa Mật Tông phân thành hai bộ phận, nên không như Ngộ Chân, Tú Âm được xếp vào các đệ tử thuộc chữ “Tú”. Trông thấy Ngộ Chân đã niệm rõ ra “Tịnh Thế chú”, mà Thanh Dương Tử lại vẫn chưa có lấy bất kỳ phản ứng nào, nàng nhận ra những lời trước đó của Ngộ Chân chẳng qua chỉ để che giấu “Tịnh Thế chú” ở bên trong.

Tú Am tin rằng, với ma đạo pháp môn mà Thanh Dương Tử đang tu luyện, thứ y sợ nhất chính là những thuật công tâm giống như “Tịnh Thế chú”. Cứ trông bộ dạng của y, thì y ắt đã lọt thỏm vào vũng lầy, bị tâm ma ập ngược lại nuốt lấy. Rơi vào tình cảnh ấy, không ai có thể vùng thoát; bằng không, vì lý gì Thanh Dương Tử vẫn cứ đứng đấy, không hề động đậy.

Ở bên kia, Dung Dương và Mộc Dương lại nghe tim mình đập mạnh trong lồng ngực.

Bình Tứ Hải của Thái Vân tiên tử chẳng qua cũng chỉ mang uy lực của ngoại vật, cho dù Thanh Dương Tử không thể địch lại, thì y vẫn có thể lánh đi. Thế nhưng lúc này Thanh Dương Tử lại đứng yên không cử động; bốn bề xung quanh y, kim liên cuộn trào. Còn “Tịnh Thế chú” miên man không dứt kia cứ thế rót mãi vào tâm, ngay cả Dung Dương và Mộc Dương đều cảm thấy tâm ý chao đảo, cảm xúc cuồn cuộn ngổn ngang trong lòng.

“Tịnh Thế chú” còn được gọi là “Trừ ma chú”, nếu được người của Pháp Hoa Mật Tông tụng niệm, thì có thể tĩnh tâm, lại có thể ngăn không cho tâm ma xâm nhập; nhưng nếu chú ấy lọt qua tai người của môn phái khác, thì mỗi môn mỗi phái sẽ nghe ra một ý vị khác nhau. Pháp môn mà vừa nãy Thanh Dương Tử thi triển, Dung Dương và Mộc Dương đều đã nhận ra. Đấy chính là ma đạo pháp môn đã khiến Thanh Dương Tử bị trục xuất khỏi sư môn nắm đó. Hai người đều không ngờ được sư huynh chẳng những không bỏ cuộc, mà ngược lại đã thực sự tu luyện đến cảnh giới hiển hóa thành thiên ma.

Dung Dương và Mộc Dương đều chẳng rõ đại đạo pháp môn ấy cụ thể là như thế nào, nhưng trong cảm nhận của hai người, đó là đạo của tà ma. Thế nên lúc này hai người họ mới đâm ra lo lắng đến thế.

Khi hai người xuất thủ, định bụng cứu Thanh Dương Tử, thì Tú Am cũng ra tay. Nàng ta chỉ mới bước về phía trước một bước, đã khiến Mộc Dương và Dung Dương không thể cử động. Hai người cảm thấy như thể trước mặt có một con sông lớn chảy qua, ngăn mình lại.

“Kẻ này đã rơi vào ma đạo. Ngộ Chân sư huynh đang độ y, mong hai vị đừng quấy rầy thì hơn.”

Dung Dương nóng lòng nhìn Mộc Dương, Mộc Dương lại chỉ im lặng, không nói lời nào. Đột nhiên, gã đưa tay chỉ lên trời, giữa bầu không lập tức xuất hiện một cái ấn lớn màu trắng. Cái ấn lớn vừa xuất hiện, gió từ đâu nổi lên, mây theo đó vần vũ, có mấy tia chớp lóe lên bên trên cái ấn. Bùa chú dưới đáy ấn chuyển thành màu bạc, xoay vần tựa ánh chớp.

Cái ấn đó chính là “Hoán lôi tổng võng đại ấn” (3). Nếu mượn ấn này để thi triển Cửu tiêu thiên lôi chú, thì uy lực của pháp chú sẽ càng lớn. Mộc Dương vừa ra tay, đã dùng đến pháp thuật duy nhất mà gã còn có thể dùng được trong thời điểm hiện tại, cũng là thứ pháp thuật có uy lực lớn nhất mà Thiên Diễn Đạo Phái sử dụng để ứng phó với cường địch.

Còn Dung Dương, sau khi Mộc Dương thi triển Cửu tiêu thiên lôi chú, cũng lập tức mở miệng thi triển huyền chú. Một làn khói xanh phụt ra từ miệng nàng, trong chớp mắt đã hóa thành một con rắn xanh. Thanh xà vừa vặn mình trong hư không đã biến mất ngay lập tức. Khi nó tái xuất thì đã ở ngay trước mặt Tú Am, lại hóa ra một sợi dây xanh quấn lấy Tú Am, tỏa ra từng đợt ánh sáng. Dây ấy là một trong số các loại “Khốn tiên thằng” (dây trói tiên). “Khốn tiên thằng” vốn là tên của một loại pháp thuật; Thiên Diễn Đạo Phái cũng có pháp thuật tương tự, gọi là “Nhất niệm khốn linh pháp chú”.

Dung Dương cùng Mộc Dương là đệ tử đồng môn, lại cùng một chi hệ, đã tu luyện cùng nhau qua mấy mươi năm. Khi Mộc Dương đột ngột ra tay, nàng cũng lập tức xuất thủ. Nên biết Cửu tiêu thiên lôi chú của Mộc Dương dẫu có uy lực rất lớn, song cũng không thể công phá sức mạnh của kẻ địch chỉ trong thời gian ngắn; tuy vậy vẫn có thể thu hút sự chú ý. Còn “Nhất niệm khốn linh pháp chú” của Dung Dương tuy chỉ dùng để cầm chân địch nhân, nhưng cũng có thể khiến Tú Am nhất thời chẳng thể động đậy, như vậy Cửu tiêu thiên lôi chú của Mộc Dương có thể thi triển thuận lợi.

Hai người phối hợp cực kỳ ăn ý. Nếu Tú Am bị Cửu tiêu thiên lôi chú này giáng xuống người, cho dù nàng ta có ba đầu sáu tay cũng phải bị thương nặng.

Chỉ thấy giữa nền trời, ánh chớp phát ra từ cái ấn mỗi lúc một nồng hậu. Sợi dây xanh đang quấn lấy Tú Am lại đột nhiên bốc cháy. Lửa đó chẳng phải lửa phàm, mà là một thứ mật pháp của Pháp Hoa Mật Tông, tên gọi “Tịnh Thế Lưu Ly Diệm” (“diệm”: lửa); tuy chẳng đốt được vật hữu hình, song lại có thể thiêu linh niệm cùng pháp chú. Chẳng hạn như “Nhất niệm khốn linh chú” này, cũng có thể bị thiêu đốt dưới ngọn lửa Tịnh Thế Lưu Ly kia. Ngay đến dấu ấn thần niệm bên trong pháp bảo cũng sẽ bị thiêu cháy…

Hiện tại Thất Đồng có điều chỉnh đôi chỗ cho bản dịch của các chương trước. Mời các đạo hữu cập nhật cũng như đón đọc chương truyện chính xác nhất tại diễn đàn Bạch Ngọc Sách.

– ——————————–

Chú thích của người dịch:(1) “Trực chỉ”: chỉ thẳng, điểm thẳng vào. “Trực chỉ”, “kiến tánh”, đều là những thuật ngữ thông dụng trong triết lý của Phật giáo đại thừa, xuất phát từ bài kệ kinh điển của Bồ Đề Đạt Ma sư tổ: “Bất lập văn tự, Giáo ngoại biệt truyền. Trực chỉ chân tâm, Kiến Tánh thành Phật.” Vì vậy người dịch chủ trương giữ nguyên từ Hán Việt là “trực chỉ” để không làm thay đổi ý cảnh trong câu này của tác giả.

(2) “Tịnh Thế Lưu Ly”: “ngọc báu nơi tịnh thế”.

“Tịnh” tức “sạch sẽ”, “thanh tịnh”, “lóng trong”; “thế” tức “thế giới”, “thế gian” hoặc “cuộc đời”. Người dịch không tìm thấy cách định nghĩa thống nhất cho từ “tịnh thế” này, nhưng đoán hàm nghĩa có lẽ là “thế giới thanh tịnh, trong sạch”.

“Lưu Ly”, tức ngọc Lưu Ly, tên tiếng Hán của ngọc Ma Ni, một thứ ngọc quý. Phật giáo Đại Thừa dùng ngọc này để ví von chân tâm của con người, đồng nghĩa với “bản tánh Như Lai”, “Như Lai tạng”, “Tánh Không”, “Phật Tánh, hay “Chân lý tuyệt đối” như cách gọi của thiền sư Osho. “Tịnh Thế” và “Lưu Ly” trong ngữ cảnh này có lẽ đều dùng ám chỉ bản tánh của con người và vạn vật sinh linh, tương đồng với các khái niệm “Đạo”, “Cốc Thần”, “cửa Huyền Tẫn” v.v. của Đạo giáo.

Phật giáo và Đạo giáo tuy là hai tông phái khác nhau, nhưng tựa như hai dòng chảy cùng hướng về một mối, như sông đổ về bể lớn; thế nên tư tưởng của hai bên sẽ có chỗ gặp nhau. Điều này không có gì lạ, bởi lẽ Đạo chỉ có một, là chân lý trên tất cả chân lý; mà chân lý thì ở ngay đấy không dời đổi, có khác chăng là người ta dùng con đường gì, phương tiện nào để đạt đến chân lý. Không ít người đời cho rằng cạo đầu, quy y, hành thiện mới là tu Phật; hay đánh đồng những hình thức như lên đồng, bói toán, lập đạo tràng, luyện đan, luyện khí v.v. với việc tu Đạo. Kỳ thực, đây là những quan niệm chưa đúng. Tu hành, bất kể tu Phật hay tu Đạo, đều là chuyện tu tâm. Phàm bỏ tâm ra mà tu, thì tu như thế là “chẳng biết gốc”, như lời ẩn sĩ Dương Chơn Tử nói.

“Tịnh Lưu Ly” cũng là tên gọi của Dược Sư Lưu Ly Quang Phật.(3) “Hoán lôi tổng võng đại ấn”: tạm dịch “cái ấn lớn có thể chiêu gọi sấm sét dệt thành lưới giăng khắp trời”

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN