Bạch Miên Hoa - Chương 7
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
211


Bạch Miên Hoa


Chương 7


Nghe đâu bây giờ xưởng gia công đã được lắp đặt hệ thống hút gió, chỉ cần đặt chiếc ống đồng to tướng vào đống bông, bông sẽ bị hút liên tục và theo ống đồng đổ vào trong xưởng, không cần phải vác sọt để chuyển bông nữa.

Sọt được đan bằng tre, hình chữ nhật, rộng khoảng một mét rưỡi, dài ba mét, cao một mét hai, chính giữa có bắc ngang một chiếc đòn gỗ. Nhìn thấy cái sọt, tim tôi đã giật thót lên. Khiêng một ngày bông được nhận một đồng ba hào năm xu.

Tôi tự oán mình không kềm chế được tình cảm mà đắc tội với Búa Sắt Tử, có khi còn đắc tội với cả xưởng trưởng, tự vứt đi một công việc rất tốt để biến từ một kẻ lao động trí óc chuyển sang lao động thể lực. May mà tôi vốn xuất thân cùng khổ, lao động nặng đã quen. Cùng một lúc bị đẩy xuống khiêng sọt với tôi là Lý Chí Cao. Không còn nghi ngờ gì nữa, trong hội nghị, anh ta đã biện hộ cho Phương Bích Ngọc mà mất cái công việc rất tốt là trông coi mấy chiếc máy tách hạt trong xưởng duy tu.

Anh ta nói với tôi những lời thật sâu sắc:

– Tiểu Mã à, cậu có nhận ra không? Đây là một cuộc đấu tranh vô cùng phức tạp, là cuộc đấu tranh giữa chính nghĩa với gian tà, là cuộc đấu tranh giữa chân lý với sự sai lầm.

Tôi cảm động vô cùng, nói:

– Anh Lý, em đã nhận ra rồi!

– Cậu thật sự là đã nhận ra chứ? – Anh ta hoài nghi hỏi.

– Thật sự nhận ra, – Tôi vội vàng nói. – Đi theo anh, càng ngày em càng tiến bộ.

– Tốt quá, tốt quá! – Anh ta nói – Cuộc đấu tranh chỉ mới bắt đầu, nếu phấn đấu thì phải chấp nhận hy sinh, cậu có sợ không?

– Không sợ! – Tôi nói.

Anh ta vỗ vai tôi, nói:

– Rất khá! Cậu là người tốt!

– Anh mới là người tốt! – Tôi nói.

Ông trời có mắt – có lẽ là lão Quách Mặt Rỗ cố ý bố trí nên chúng tôi và Phương Bích Ngọc cùng làm một ca. Thời gian làm việc của chúng tôi là từ chín giờ đêm cho đến sáu giờ sáng hôm sau, giữa ca có nghỉ giải lao nửa tiếng, trong nhà ăn có bán cháo nóng, miến, ngô… Tôi không biết tâm trạng Lý Chí Cao như thế nào, riêng tôi thì phấn khởi vô cùng.

Đêm nào cũng thế, tôi phải khiêng những chiếc sọt đầy bông to đùng. Cho dù khi đang đứng cân và ghi sổ sách tôi đã nhiều lần nhìn thấy những chiếc sọt đầy bông ngất ngưởng như một ngọn núi đè nặng trên vai của hai công nhân khỏe mạnh, nặng đến nỗi họ lảo đảo xiêu vẹo giống hệt hai con chó say rượu, tôi biết kiếm được bát cơm ăn là rất khó, tôi biết đây là một trong những công việc nặng nhọc nhất thế gian. Nhưng cứ nghĩ đến việc lúc nào tôi cũng có thể trông thấy Phương Bích Ngọc là những khát vọng của tôi lại bùng lên.

Tôi không thể ngủ ngon giấc. Tôi biết Phương Bích Ngọc chỉ cách tôi có mười phân. Tôi nghe rõ tiếng thở đều đều của cô ấy. Phương Bích Ngọc đang ngủ để chuẩn bị cho ca đêm.

Lý Chí Cao cũng không hề ngủ. Dưới ánh sáng của chiếc bóng đèn ngày cũng như đêm sáng liên tục – một thứ ánh sáng như bầu trời lúc hoàng hôn – treo trên trần nhà, tôi thấy anh ta đang nằm úp trong cái ổ của mình, chỉ có cái đầu nhô lên, một cuốn vở được đặt trên chiếc gối. Anh ta đang viết gì nhỉ? Đại ca Lý quyết không phải là người khuất phục trước người khác, anh ta là người sâu sắc, có suy nghĩ, cái đầu của anh ta mới tròn trịa làm sao…! Được kết nghĩa anh em với anh ta, khẳng định là tôi sẽ có lúc gặt hái vinh quang.

Trong mơ mơ màng màng, tôi ngủ thiếp đi…

Tay bảo vệ Phùng Cà Lăm tay cầm khẩu súng cũ nát, mặc áo đại cán màu đen đẩy cửa bước vào, nói to:

– Dậy đi… dậy… mau… phải… phải đổi… ca rồi!

Tay bảo vệ phụ trách gọi mọi người dậy để làm ca đêm đã gọi trước đến ba mươi phút.

Dùng mũi súng thúc cồm cộp vào cửa của các phòng ký túc xá nữ, Phùng Cà Lăm gọi to:

– Dậy đi… dậy mau… đổi ca rồi!

° ° °

Mười một năm sau, tôi và Phùng Cà Lăm – Phùng Phi Dương tình cờ gặp nhau ở ga tàu hỏa. Lúc này anh ta đã trở thành một đầu bếp cấp một. Anh ta vừa mập vừa trắng, mặc bộ đồng phục bằng vải nỉ, cổ tay đeo chiếc đồng hồ to tướng có khi nặng đến cả vài ba lạng.

Qua những câu trao đổi ngắn gọn, tôi được biết rằng, sau đó anh ta được người cậu thu xếp đã đến làm việc tại khu khai thác dầu mỏ Tân Hải, được biên chế chính thức, ban đầu làm công việc cấp dưỡng, sau đó được đi học trường kỹ thuật nấu ăn, đã từng đến Hong Kong, Singapore, trở về được bầu là đầu bếp cấp một, cưới con gái bí thư Đảng ủy, đã có một đứa con trai. Chủ đề cuộc trò chuyện rất tự nhiên chuyển sang xưởng gia công bông ngày nào. Anh ta nói:

– Những ngày ấy chúng ta sống không bằng con chó. Nghĩ đến quá khứ rồi xem xét hiện tại, tôi thấy mình “tri túc chi túc”. Cậu không biết lúc ấy nhà tôi nghèo như thế nào đâu. Người ta còn có thể mang từ nhà đến nộp cho nhà ăn một ít ngô hoặc bột mì để nhận được tấm phiếu ăn mà có được chiếc bánh bao nhét vào dạ dày. Ngay cả củ khoai nhà tôi cũng không có mà ăn. Cả nhà chỉ có thể ăn một rổ rau, uống một bát nước nóng là đã coi như xong một bữa ăn. Thấy những công nhân chính thức ăn bánh bao trắng, tôi thèm đến nhỏ dãi. Mẹ kiếp! Nước mắt nước mũi nước dãi cứ thế mà chảy. Chẳng giấu gì cậu, có một lần vì quá đói, tôi đã lén đến xưởng ép dầu múc một muỗng to uống. Bụng tôi chịu không nổi và hậu môn cũng không thể giữ nổi dầu lại trong bụng, cho nên cứ thế, dầu bông cùng với nước lã đua nhau chảy ra…

Cả hai chúng tôi đều cười vang.

Lúc này, đầu tóc anh ta đen nhánh và bóng mượt như được bôi một lớp dầu nhờn. Chúng tôi miên man trong những hồi tưởng về thời kỳ cơ cực và cũng rất tự nhiên câu chuyện lại hướng về Phương Bích Ngọc.

– Cô ấy chết thê thảm lắm… – Tôi nói. – Người tốt như thế lại rơi vào thảm cảnh thịt nát xương tan…

– Cậu cho rằng Phương Bích Ngọc đã thết sao? – Phùng Cà Lăm hỏi.

– Sao? Có lẽ nào cô ấy chưa chết? – Tôi kinh ngạc hỏi lại.

– Cô ấy chết lúc nào, cậu còn nhớ không?

– Vĩnh viễn không thể nào quên – Tôi khẳng định – Cô ấy chết trong năm ấy, ngày mười lăm tháng một, đúng ngày hai ba tháng chạp âm lịch, ngày đưa ông táo về trời.

– Tôi thì cho rằng Phương Bích Ngọc không chết – Phùng nói.

– Xác cô ấy bị máy làm sạch bông băm nát nhừ, anh còn nói cô ấy không chết được sao?

– Cô ấy không chết! Người như cô ấy không bao giờ tự sát đâu!

– Đừng nói những lời mê ngủ ấy nữa!

– Cậu còn nhớ cô công nhân bị máy tách hạt kẹp chết hay không?

– Nhớ.

– Vấn đề chính là ở chỗ ấy đấy.

° ° °

Đêm khuya mùa thu! Rét kinh khủng. Tôi cảm thấy toàn thân mình đang run lập cập.

Đứng ở giữa xưởng, Quách Mặt Rỗ đưa tay chỉ một dãy máy tách hạt, nói với tôi và Lý Chí Cao:

– Hai người có trách nhiệm cung cấp đủ bông cho ba mươi chiếc máy này, chậm là tôi trừ lương!

Chiếc máy dầu rống lên ầm ầm. Dưới hầm máy, lão thợ máy họ Tôn đang nhe mấy chiếc răng đồng cầm que sắt đề gắn dây cu roa vào trục chuyển lực chính. Mười mấy cô công nhân mặc tạp dề trắng, đội mũ trắng, đeo khẩu trang đang đứng bên cạnh máy của mình. Tôi dễ dàng nhận ra Phương Bích Ngọc. Đèn trong xưởng sáng hơn cả ban ngày, trang phục màu trắng và bông trắng chung quanh càng tôn thêm đôi mắt đen láy của cô ấy. Đôi mắt đang lấp lánh những tia sáng màu lam chẳng khác nào mắt loài cáo. Cô ấy đang chăm chú nhìn tôi và Lý Chí Cao. Tôi cho rằng cô ấy đang biểu thị sự thông cảm và quan tâm đến chúng tôi, đang động viên chúng tôi. Cô ấy đang hưng phấn vì đã có cơ hội cùng làm một ca với chúng tôi. Phương Bích Ngọc, sự phấn khởi của cô cũng chính là của chính tôi – Câu nói ấy như muốn bật ra từ trong lòng tôi.

Chiếc dây cu roa đã được mắc vào trong trục truyền lực, tiếng ma sát rin rít. Mấy chục chiếc máy tách hạt cũng bắt đầu hoạt động, chiếc lá thép tách hạt đánh về trước, kéo về sau liên tục, đủ loại âm thanh vang lên trong xưởng. Các cô gái ôm bông bỏ bên cạnh máy rồi dùng tay vốc từng nhúm to cúi người nhét vào máy. Động tác của Phương Bích Ngọc nhanh nhất chuẩn xác nhất và cũng đẹp nhất.

– Sao không đi khiêng bông? – Quách Mặt Rỗ quát lên khi thấy chúng tôi ngây người đứng nhìn.

Tiếng máy nổ như truyền sự hưng phấn cho người, tôi và Lý Chí Cao một trước một sau nhấc chiếc sọt lên vai chạy ra những đống bông bên ngoài.

Cùng vận chuyển bông với chúng tôi còn có hai ông già. Họ đang nhìn chúng tôi cười, nói với nhau:

– Hai thằng bé này chẳng qua cũng chỉ là châu chấu trên chảo nóng, nhảy chẳng được bao lăm nữa đâu.

Họ cười quá có lý, lời của họ sao mà chuẩn xác! Tôi không thể ngờ được rằng, bông được chất lên với nhau thành đống thì trở nên cứng vô cùng. Hốt được bông từ trong đống để bỏ vào sọt là một việc chẳng dễ dàng chút nào. Bông nằm ép vào nhau, dính chặt vào nhau, tách được chúng ra chẳng khác nào tách những miếng keo nhựa, ngón tay đau buốt. Để cho bông tách rời nhau trước tiên là phải dùng chĩa ba bới chúng lên, rồi ngồi trên đỉnh, lựa chỗ thuận tiện, dùng hai gót chân đẩy từng lớp bông xuống dưới. Đây là kinh nghiệm mà những công nhân trước chúng tôi đã rút ra trong quá trình mò mẫm gian khổ khi làm công việc vận chuyển bông. Có khi chúng tôi đang cắn răng méo mặt với những tảng bông như thế thì trong xưởng lại hết bông, sọt chưa kịp đầy là chúng tôi đã phải ba chân bốn cẳng khiêng chạy vào xưởng, thở chẳng ra hơi, mồ hôi mồ kê túa ra đầy người.

– Hai thằng này, chúng mày định kéo dài công việc phải không? – Quách Mặt Rỗ chạy ra chỗ đống bông chửi. – Mấy chục chiếc máy đang chờ bông. Chúng mày không biết là hai ca đang thi đua với nhau à?

– Chủ nhiệm ơi, không phải là chúng tôi không ra sức, nhưng không kéo nổi bông ra khỏi đống thôi! – Lý Chí Cao kêu lên.

– Đồ ngu! Dùng chĩa ba móc lên rồi dùng chân đẩy xuống! – Quách Mặt Rỗ nói.

Chúng tôi bò lên làm thử, quả nhiên hữu hiệu vô cùng, sọt đầy rất nhanh, nhấc lên, không nổi; nhấc lên lần nữa, được rồi! Lý Chí Cao phía sau, tôi phía trước, gần nhau mà không nhìn thấy nhau. Chiếc đòn trên vai oằn xuống, chân run run, không giữ được thăng bằng nên suốt đoạn đường cứ chao đảo nghiêng qua nghiêng lại. Không nói nổi câu nào nhưng bên tai thì lúc nào cũng vang lên lời của chủ nhiệm Quách Mặt Rỗ:

– Nhóc con, thưởng thức tí mùi lao động nặng nhé. Chúng mày tưởng kiếm được một đồng ba hào rưỡi mỗi ngày là dễ à?

Bước vào xưởng, bông dưới mặt đất quấn lấy bước chân, đang chỉnh chiếc đòn cho đỡ đau vai thì đã nghe đằng sau sụp xuống. Không hô lấy một tiếng mà Lý Chí Cao đã hất đòn khiêng ra khỏi vai, xương cốt toàn thân tôi kêu lên răng rắc, bốn vó chổng lên trời, mông rơi đánh bịch xuống đất, may mà có lớp bông dày đỡ lấy, nếu không thì vỡ xương mông. Các cô cười lên hi hí chế nhạo hai gã tú tài vất vả. Tôi không hiểu vì sao mình lại được công nhận là tú tài trước mắt họ. Đứng dậy, chẳng dám kêu lấy một lời oán trách, cả hai hè nhau đổ bông ra, quên khuấy chuyện phải rút đòn khiêng nên bông cứ nằm lì trong sọt chẳng chịu rơi ra, phải lật trở lại để rút đòn khiêng rồi lật úp, chẳng khác nào bọ hung ủi cứt ê chề nhục nhã. Đang lúc muốn đứng thở vài hơi, Quách Mặt Rỗ lại gào lên: Đi khiêng mau lên! Đ. mẹ tổ tông nhà chúng mày, không thấy máy đang chạy không à? Chẳng kịp nghĩ là Quách Mặt Rỗ đòi làm chuyện ấy với bà cô bà dì nào của tổ tông nhà mình, chúng tôi khiêng sọt chạy vụt đi, lúc này thì Lý Chí Cao phía trước, tôi phía sau, chạy đến nỗi sọt va vào chân đau điếng. Chạy đến đống bông thì tay đào chân đạp, chẳng kể sống chết, chất đầy một sọt, tốc độ khá nhanh. Lại khiêng lên vai, lại chạy, trong khi chạy mới nghĩ đến chuyện lấy thăng bằng, trong thực tiễn rút ra bản chất sự vật. Quách Mặt Rỗ gật gù:

– Như thế là tạm được!

Một tiếng đồng hồ chạy đến mười vòng như thế, khiêng được mười sọt, mồ hôi cũng đã chảy hết, toàn thân đau nhừ, mềm oặt, muốn nghỉ một chút nhưng biết ngồi xuống là vĩnh viễn không đứng lên được nữa. Nằm trên bông, không muốn gì nữa, chỉ muốn chết. Có lẽ nằm chưa đầy một phút, tiếng quát tháo thiếu bông từ trong xưởng đã vang ra, Quách Mặt Rỗ cầm chiếc roi tre quất vào mông tôi, những lời lẽ thô tục, nhớp nhúa dính chùm vào nhau như những chùm nho của người Thổ Phiên mặc sức tuôn ra. Chẳng có cách nào khác, gắng gượng bò dậy, làm đến chết, nhắm tới cái chết mà làm thôi. Một ca làm tưởng như dài bằng cả một thế kỷ, đêm sao mà dài thế! Anh Lý ơi, mấy giờ rồi? Lý Chí Cao lấy đồng hồ từ trong thắt lưng ra, đưa đến tận mũi nhìn, chưa đến một giờ đêm. Ôi mẹ ơi! Lúc nào thì mới tan ca đây? Tiếng máy gầm rú từ trong xưởng như muốn xé toang trái đất này ra, mấy chục chiếc máy tách hạt chẳng khác nào những con mãnh thú đang ngoác cái mồm rộng hoác tham lam bần tiện ăn bông chẳng bao giờ biết no, ăn hết bông thì chúng quay sang ăn luôn cả xương thịt chúng tôi… Trong xưởng, hình như có mây mù lởn vởn, những bụi bông li ti đan dày đặc trong không gian, những chiếc bóng đèn tròn được bọc trong một lớp bụi mỏng trông giống như những chiếc nấm trắng đầu khỉ. Bụi và phấn bông đã làm cho bộ dạng của Phương Bích Ngọc và các nữ công nhân biến đổi. Quần áo lao động và khẩu trang của họ trở nên dày cộp, lông mày lông mi biến thành màu trắng, chẳng khác nào những cành cây mùa đông nặng trĩu bông tuyết. Dưới sự đốc thúc của chiếc roi tre trong tay Quách Mặt Rỗ, họ chỉ làm đi làm lại một động tác. Quách Mặt Rỗ dường như không bao giờ bằng lòng nên chiếc roi trên tay lão cứ đen đét quất vào mông các cô, miệng thì lúc nào cũng ngoác lên nói đi nói lại: Nhanh lên, nhanh lên! Đều tay một tí! Tống Xuân Hoa, mày ngủ rồi à? Con họ Trâu béo núc kia, mày định phá máy sao?… Ngoài xưởng bầu trời đầy sao, trong xưởng bụi bông mù mịt. Ban đầu tôi thấy mũi mình ngứa ngáy vô cùng, hắt xì liên tục nhưng đến lúc này, tôi chẳng còn sức để hắt xì nữa. Nghĩ gì thì nghĩ nhưng chân tay vẫn không ngừng hoạt động, vả lại mọi việc thay đổi thì các trạng thái tình cảm, cảm giác của con người cũng thay đổi theo. Không hiểu bắt đầu từ khi nào, sự đau đớn và mỏi mệt của thân xác tôi đã biến mất, cảm xúc mất hẳn sự nhạy bén, một trạng thái ngây độn lớn lao bắt đầu. Lúc này, tư duy của con người trở nên hạn chế vô cùng. Không biết anh Lý của tôi như thế nào, tôi chỉ biết trong não của tôi chỉ có một đốm sáng bằng hạt đậu, còn lại tất cả các bộ phận đều hỗn độn, mơ hồ trong trạng thái nửa thức nửa ngủ. Trong cái đốm sáng bằng hạt đậu ấy, hình tượng cơ bản là chiếc sọt tre là tồn tại cơ bản, kế đến là chiếc đòn khiêng và cuối cùng là những lớp bông vô tình quấn chặt lấy nhau như những con rắn độc vừa trắng vừa cứng vừa lạnh nhưng cũng không trắng không cứng không lạnh. Đến mười mấy năm sau, hễ mỗi lần nhớ đến bông là cái ngày hôm ấy lại hiện ra và một cảm giác vừa trắng vừa cứng vừa lạnh nhưng lại không trắng không cứng không lạnh như một con rắn bò vào trong đầu óc tôi, và bất chợt tôi lại run bắn lên kinh sợ.

Khi tiếng còi tan ca của Quách Mặt Rỗ vang lên, bầu trời đã rực rỡ một màu hồng, lão Tôn tắt chiếc máy dầu, trời đất trở nên yên tĩnh một cách lạ lùng. Sự yên tĩnh này đã sản sinh ra một sức ép cực lớn trùm lên thân thể, thậm chí lên linh hồn của tất cả mọi người. Tai tôi kêu lên ong ong, đột nhiên cảm thấy tất cả trước mắt mình đều mất hắn những hình dáng ban đầu. Hừng đông sao lại có màu sắc lạ lùng như thế? Gió sớm sao lại có mùi vị như thế? Những viên đá trên đường sao lại có hình đáng như thế?…

Hai đứa chúng tôi vất chiếc sọt khỏi vai, chúi đầu xuống đống bông lạnh lẽo và nham nhở. Tôi nghĩ là mình nên nói một câu: Các đồng chí, vĩnh biệt nhé! Rồi thật bi tráng khép chặt đôi mắt lại.

Phương Bích Ngọc chẳng khách sáo gì mà đá vào mông tôi:

– Mã Thành Công! Dậy đi! Ngủ ở đây là ốm đấy!

– Lý Chí Cao, anh Lý! Dậy đi! Ngủ ở đây là ốm đấy!

– Mã Thành Công, Lý Chí Cao, dậy đi! Về ký túc xá mà ngủ!

Cả hai chúng tôi dựa vào sự thôi thúc của tình yêu, gắng chút sức cuối cùng lảo đảo về ký túc xá, trèo lên chiếc ổ ở tầng ba mà có cảm giác mình đang trèo lên đỉnh Hymalaya!

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN