Bạch Miên Hoa - Chương 9
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
184


Bạch Miên Hoa


Chương 9


Tôi nghe có ai đó đang gọi tên mình, đồng thời dập mạnh tay lên vai tôi. Tôi định thần lại, thoát khỏi những ảo giác mới phát hiện ra mình đang ôm một gốc cây liễu xù xì và đang gặm vỏ cây, những dòng nước mắt hạnh phúc vẫn còn đang ròng ròng trên má.

Phương Bích Ngọc đang kinh ngạc đứng nhìn tôi:

– Cậu mất trí rồi phải không?

Xấu hổ đến chết được! Tôi vội vàng chống chế:

– Tôi cố ý làm thế để đùa chị, làm cho chị cười thôi mà!

– Đùa kiểu ấy làm tôi suýt đứng tim, tưởng cậu nhận được mấy đồng đã vui quá hóa điên!

– Nghe chị nói kìa, Mã Thành Công tôi có nhận thêm nhiều nữa cũng chẳng thể hiện quá mức như thế đâu.

– Được rồi, được rồi! Chúng ta cùng về nhà chứ?

– Tôi đứng đây là để chờ chị đấy!

– Đi thôi!

Tôi đá mạnh vào mấy viên đá nằm trên đường, cùng cô ấy đi thẳng.

– Chị Bích Ngọc, mỗi ngày chị được bao nhiêu?

– Một đồng hai hào năm xu. Còn cậu?

– Một đồng ba hào năm xu.

– Cậu khiêng bông, công việc nặng hơn tôi nhiều.

– Kiếm tiền nhiều không cần bỏ sức, bỏ sức nhiều không kiếm được tiền!

– Cậu có biết là con em cán bộ như Tôn Hồng Hoa nhận được bao nhiêu không?

– Không biết.

– Một đồng ba hào!

– Vẫn nhiều hơn chị. Chị là người có tay nghề cao nhất, đúng không?

– Chuyện ấy thì có ăn nhằm gì.

Chúng tôi nhàn nhã rảo bước. Thực ra thì tâm trí tôi chẳng nhàn nhã tí nào, thứ nhất là dư vị ngọt ngào của những ảo cảnh vừa rồi chưa hoàn toàn bị đẩy ra khỏi suy nghĩ, một nửa con người tôi vẫn còn chìm trong men say của hạnh phúc, nói cách khác, tâm trí tôi vẫn còn phiêu diêu trên tận chín tầng mây, nhưng chân tôi thì đang đạp trên mặt đất. Cảm giác hạnh phúc giống như một con chó điên đang đuổi theo tôi mà sủa khiến tôi không thể rứt bỏ cái hình bóng Bà Sơn Hổ do mình tưởng tượng ra để mà nói chuyện một cách thực sự cầu thị với Phương Bích Ngọc. Bà Sơn Hổ lại vừa giống như những tia ráng chiều ở phía chân trời từ từ lụi tàn, cuối cùng chỉ còn lại một đốm sáng màu hồng tồn tại trong ý thức của tôi. Ở một phương diện khác, trong túi áo phía trước bụng tôi lúc này là những đồng nhân dân tệ mà tôi kiếm được trong ba tháng lao động, tôi đang cảm nhận sự tồn tại một cách mãnh liệt của chúng, cảm nhận được áp lực nặng nề của chúng lên lục phủ ngũ tạng, thậm chí lên cả hệ thần kinh của mình. Những đồng bạc này làm cho tinh thần của tôi nặng nề nhưng cơ thể tôi lại nhẹ tênh. Với hai góc độ vừa kể trên đã chứng minh được rằng, trong giai đoạn đồng hành đầu tiên giữa tôi và Phương Bích Ngọc, tôi là một kẻ nhị nguyên luận luôn tồn tại sự phân liệt giữa tinh thần và nhục thể.

Ráng chiều đã nhuộm hồng bầu trời theo những bước chân của chúng tôi. Bà Sơn Hổ đã dung nhập vào ráng chiều, thoát ly hoàn toàn khỏi những ảo tưởng quan hệ vợ chồng với tôi. Những người nông dân từ dưới ruộng lên đang lê những bước chân nặng trình trịch trên con đường đất đỏ. Mặt ai cũng phủ một lớp bụi dày. Khi tôi và Phương Bích Ngọc kề vai họ rảo bước qua, tôi có cảm giác ai cũng nhìn chúng tôi với cặp mắt thù địch. Một cách vô thức, tôi cho tay vào túi áo ép những đồng nhân dân tệ xuống. Chúng vẫn nằm an toàn trong túi áo. Cả cánh đồng hầu như trọc lóc, chỉ còn một vài khoảnh cây bông vẫn chưa kịp nhổ đi. Hai bên đường thi thoảng mới có vài cây cao là còn giữ được những tán lá màu xanh ẩn tàng đầy yêu khí thần bí, bởi trong khi hầu hết các loài cây đều đã trút lá thì duy nhất chỉ còn chúng có lá xanh. Lần về ấy, để lại ấn tượng sâu nhất và khó phai mờ nhất trong tôi là một gã đàn ông có khi nặng đến trên trăm ký lô đang điều khiển một chiếc xe cọc cạch nhỏ với đầu máy dầu mười hai sức ngựa. Cả đang ngồi trên buồng lái trông như một núi thịt, trên những chiếc cọc sắt ở phía sau thùng xe có cắm tám lá cờ đỏ to tướng, trông vừa kỳ quái vừa thần bí. Gã lái xe này chính là bạn học thời tiểu học với tôi. Chiếc xe đang gầm rú, khói đen bay cuồn cuộn, cờ đỏ phất phới, trông sao mà bi tráng! Tôi và Phương Bích Ngọc vẫy tay chào nhưng gã chẳng thèm quan tâm, gương mặt trang trọng phóng vụt qua mắt chúng tôi.

Tôi và Phương Bích Ngọc nhìn nhau cười, bỗng nhiên cả hai đều cảm thấy tinh thần hưng phấn. Như có một luồng điện nối kết, chúng tôi không hẹn mà hô to lên:

– Đuổi theo!

Người đi đường sợ sệt nhìn chiếc xe như thể nó chất đầy lửa, vội vàng tránh sang hai bên đường, có người quýnh quáng vấp ngã dúi dụi. Một con lừa hoảng kinh kéo cả chiếc xe sau đuôi nhảy ào xuống mương nước bên đường, người đàn ông đánh xe văng ra mấy câu chửi, không hiểu là ông ta đang chửi con lừa hay chửi chiếc xe quái quỷ. Hình ảnh này cứ hiện đi hiện lại trong tâm trí tôi như những đoạn phim: một chiếc xe cọc cạch quái quỷ như điên dại chạy phía trước, hai thanh niên một nam một nữ ngốc nghếch đuổi phía sau.

– Đuổi theo! Đuổi theo! Đuổi theo!… Kịp rồi!

Gã mập dừng xe, nhảy xuống, hỏi:

– Hai người đuổi theo tôi làm gì thế? Có việc à?

Tôi nói một cách bất mãn:

– Lái chiếc xe cà tàng này mà bạn học cũ gọi cũng không thèm trả lời, có lẽ khi lái xe Jeep, bố gọi cậu cũng chẳng thèm liếc mắt, đúng không?

– Bạn cũ à, nói nhăng nói cuội gì thế? – Gương mặt tròn vành vạnh như mặt Phật Di Lặc đang cười. – Tớ tập trung tinh thần để lái xe, chẳng dám liếc ngang liếc dọc, làm gì thấy được hai người. Chị Phương Bích Ngọc thấy tôi nói có đúng không?

Phương Bích Ngọc cười hi hi không nói.

– Cậu lái xe đi làm gì vậy? – Tôi hỏi.

– Không làm gì cả! – Gã trả lời rất thành thực.

– Thế cho chúng tôi quá giang về với, được không? Phương Bích Ngọc hỏi.

– Tất nhiên là được! – Gã nói. – Chỉ cần chị Phương mở miệng, đừng nói là đưa về đến nhà mà đưa đến bắc cực tôi cũng chẳng từ!

Đứng dưới đất, gã nắm chiếc vô lăng quay nửa vòng để điếu chỉnh cái đầu xe, nói:

– Lên xe đi!

Rồi gã vọt lên xe, nói to:

– Ngồi cho vững nhé, chạy đây!

Chiếc động cơ mười hai sức ngựa kêu ầm lên, khói đen cuồn cuộn, ngật ngưỡng chạy về phía trước. Tôi hét:

– Chạy nhanh lên tí nữa!

– Cậu đừng có làm ồn nữa, đang chạy chậm hơn so với đạn bay thôi!

Bỗng nhiên đằng sau có ai đó gào lên:

– Phương Bích Ngọc! Phương Bích Ngọc! Tiểu Phương!

Té ra đó là Lý Chí Cao. Tôi nói:

– Đợi anh ta một tí!

– Cũng như cậu vậy, để anh ta đuổi theo – Lái xe nói.

Lý Chí Cao đã đuổi kịp, thỉ cần nắm lấy thành xe và nhún người là anh ta đã bay lên xe, ngồi bên cạnh Phương Bích Ngọc, thở dốc, nói:

– Chỉ trong chớp mắt mà đã không thấy bóng dáng hai người, tôi tìm khắp nơi, có người nói lại là hai người đã về nhà, chạy ra cổng đứng nhìn theo đã thấy hai người leo lên xe.

– Anh không về nhà à? – Phương Bích Ngọc hỏi.

– Không về! – Lý Chí Cao nói. – Làm cách mạng thì phải xem bốn biển là nhà!

– Tìm tôi có việc gì à? – Phương Bích Ngọc hỏi.

– Cũng chẳng có việc gì – Mặt Lý Chí Cao đỏ lên một tí – Chẳng qua là tôi không có nhà để mà về, muốn tiễn hai người một đoạn đường.

– Võ nghệ Phương Bích Ngọc cao như vậy, tám thằng đàn ông cũng không đến gần chị ấy nổi thì cần gì anh phải tiễn. – Tôi nói – Lý Chí Cao, anh về đi thôi!

– Để tôi tiễn một đoạn đi – Lý Chí Cao nói – Chiếc xe đầy cờ phướn uy phong thế này, cho tôi ngồi một tí cho đỡ nghiện!

Bóng tối đã dần dần bao trùm không gian, một mảnh trăng lưỡi liềm treo rất thấp ở phía tây nam. Từ phía sau ngọn đèn cao áp trong xưởng gia công nhấp nháy màu xanh lục trông như mắt quỷ. Gã mập bật đèn pha, chỉ có một bóng đèn sáng, một bóng đã hỏng. Rồng một mắt đang phóng những tia sáng trắng xanh soi sáng con đường gập ghềnh.

Chạy một hồi lâu, gã mập đỗ xe bên vệ đường, nói:

– Ba người xuống đi bộ đi, sắp đến làng rồi!

– Cậu mập! Đưa người thì phải đưa đến nhà chớ? Tôi nói.

– Không được, không được. Tôi còn nhiệm vụ phải làm, lỡ việc là không được đâu.

– Xuống thôi – Phương Bích Ngọc nhảy xuống đất, nói – Cậu đi đi, làm mất bao nhiêu thời gian của cậu thật không nên.

Lý Chí Cao cũng nhảy xuống xe. Phương Bích Ngọc nói:

– Anh đừng xuống, cứ nhờ xe mà quay về!

– Không, không! – Lý Chí Cao nói – Tôi tự nguyện đi bộ quay lại.

Gã mập quay đầu xe, tăng ga vọt đi. Phương Bích Ngọc nói:

– Anh Lý! Quay về đi. Chúng tôi về làng rồi, chẳng có cách nào quan tâm đến anh được đâu.

– Không sao! Tôi đã từng thám thính địa hình làng, đầu làng có một đống rơm lúa mạch. Tiễn hai người về đến làng, tôi sẽ chui vào đống rơm khoét một lỗ ngủ qua đêm. Sáng mai hai người trở lại xưởng, đến đó kêu tôi một tiếng, chúng ta cùng quay về.

– Đúng là anh đã mắc bệnh thần kinh! – Phương Bích Ngọc nói.

– Tôi là thằng thích mạo hiểm, thích làm những việc mà người khác không thể làm được – Anh ta nói.

Phương Bích Ngọc không nói thêm gì nữa.

Đến đầu làng, quả nhiên Lý Chí Cao chui vào đống rơm. Phương Bích Ngọc đứng bên cạnh đống rơm muốn nói gì đó nhưng cuối cùng thì lặng thinh. Ánh sao mập mờ, tất cả trở nên mơ hồ nhập nhoạng, không thể trông thấy gương mặt Phương Bích Ngọc lúc ấy như thế nào.

° ° °

Sau đó, lúc nào tôi cũng nghĩ rằng, nếu Lý Chí Cao không dũng cảm chui vào đống rơm ngủ qua đêm tất nhiên sẽ không có câu chuyện lãng mạn tiếp diễn ngay sau đó. Tôi còn tưởng tượng ra rằng, khi sự tình đã phát triển đến giai đoạn cao trào, Phương Bích Ngọc đã đấm thùm thụp vào ngực Lý Chí Cao, vừa bi thương vừa phẫn nộ nói: Tại sao? Tại sao anh lại ngủ qua đêm ở đống rơm? Đến nước này, anh lại yếu mềm như thế, như một con ba ba sợ sệt, rụt đầu rụt cổ trốn vào trong chiếc mai của mình?

° ° °

“Rất nhiều câu chuyện ái tình thắm thiết lãng mạn đều chứng minh và tuyên bố một cách đau xót rằng: Lửa ái tình của đàn bà một ngày nào đó bốc cháy thì khó lòng dập tắt; còn đàn ông, trong thời điểm then chốt nhất thì giống như một con ba ba bị người ta làm cho sợ hãi, rụt đầu rụt cổ trốn vào trong chiếc mai của mình”. Mười tám năm sau, tôi nốc một cốc rượu thật đầy và nói như vậy với người đối ẩm với mình – Lý Chí Cao.

Chân tóc trên đầu Lý Chí Cao tất cả đều có màu vàng, thoạt nhìn là biết ngay chúng đã được nhuộm đi nhuộm lại rất nhiều lần. Anh ta đã là một người đàn ông hơn bốn mươi tuổi, là phó xưởng trưởng xưởng chế biến dầu bông của huyện. Anh ta cũng nốc một ngụm rượu, dùng đũa gắp một cọng rau màu xanh lục cho vào miệng, gương mặt thiểu não nói:

– Sống cho đến giờ, tôi chỉ tin vào số mệnh, ngoài ra không còn tin vào bất cứ điều gì khác.

Tôi đang chuẩn bị phản bác những lời của anh ta thì đứa con gái mười tám tuổi của anh ta – Lý Miên Hoa mặc một bộ quần áo thật rực rỡ bước đến. Cô gái này giống Tôn Hồng Hoa như tạc. Lý Miên Hoa lí nhí nói với Lý Chí Cao:

– Bố ơi, con muốn đổi tên!

– Tại sao? – Lý Chí Cao hỏi.

– Bố đặt cho con cái tên chẳng ra gì, xấu xí, quê mùa. Bọn bạn của con cứ cười nhạo mãi.

– Bố làm quen với mẹ con ngay trong xưởng gia công bông, kết hôn rồi sinh con, do vậy mới gọi con là Miên Hoa – Lý Chí Cao nói.

Cô gái phản đối:

– Gặp nhau trong xưởng bông thì gọi Miên Hoa, nếu gặp nhau trong xưởng sản xuất phân hóa học thì gọi là Hóa Phì, trong xưởng sản xuất cao su thì gọi Tương Giao có đúng không?

Lý Chí Cao cười đau khổ:

– Nói càn nói quấy. Thế con định đổi thành tên gì?

– Con định đổi thành Lý Khẩu Bách Huệ Tử!

– Tùy ý con, – Lý Chí Cao nói. – Con có đổi thành Sơn Bản Ngũ Thập Lục bố cũng chẳng quan tâm.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN