Bao Công xử án - Chương 24
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
126


Bao Công xử án


Chương 24



Ngày xưa, tại làng Thiết Khâu, xóm Hiếu Liêm, huyện Triều Thủy, thuộc phủ Triều Châu bên tàu, có thanh niên nọ tên là Viên Văn Chánh, dung mạo khôi ngô tuấn tú, trẻ tuổi tài cao, sớm đậu tú tài làm rạng sỡ tổ tông. Điểm đặc biệt của chàng là khí khái, tuy gia cảnh rất là thanh bạch.

Nhiều nhà giàu có muốn kén làm rẻ nhưng chàng chẳng chịu. Bạn bè chế giễu, liệt chàng vào hạng đồ gàn. Chàng chỉ cười đáp:

– Lấy người chớ ai lấy của. Các anh có ham thì mời nhào vô.

Còn tôi thì xin kiếu.

Một bạn đồng môn mới cưới vợ giàu, động lòng bĩu môi nói:

– Làm phách. Nghèo kiết xác còn làm bộ. Chỉ sợ rồi đây đói rã họng lại không đến lạy mà làm rể nhà giàu.

Một anh khác, thi mãi chẳng đậu tú tài, ghen ghét họ Viên, được dịp hùa theo.

– Uùi chà, may mà đậu chớ tài cán gì. Mặt ấy chỉ có chờ chết đói chớ vô kinh thi gì nổi.

Trước những lời phỉ báng của bạn bè, Viên Tú tài vẫn nở nụ cười tươi, không thèm cãi lại và cũng không nản chí, trái lại chàng ra công dùi mài kinh sử.

Cha mẹ chàng dư biết tính con vả lại thấy con còn sức ăn học và ông bà còn lo được nên cũng không hối thúc chàng kết hôn với con nhà giàu. Sau vì họ hàng nói ra nói vào, cụ bà xuôi tai bên lựa lời dọ ý cụ ông.

Cụ ông nhất định không nghe:

– Nhà mình thanh bạch nên chọn người cùng gia cảnh thì con nó đỡ bị kinh rẻ. Vả lại tôi xem ra thằng Chánh nhà ta tánh tình khí khái tất sẽ khổ cho nó.

Cụ ông chẳng chịu, cụ bà đành thôi. Từ đó bà mẹ để ý kiếm dâu hiền, trong các gia đình bằng vai phải vế. Bà chấm con gái họ Trương, là Trương thị, đẹp cả người lẫn nết, liền :báo cáo” cho cụ ông hay. Sau vài lần tới lui thăm hỏi họ Trương, Viên ông không tiếc lời khen ngợi Trương thị với Viên bà. Tú tài Viên Văn Chánh hay biết ý định của song thân cũng vui mừng khôn xiết: đã từ lâu chàng cũng yêu vụng nhớ thầm Trương thị.

Họ Viên nhờ người mai mối. Họ Trương vui vẻ nhận lời. Tin lành bay ra, người ta bàn tán xôn xao,nhưng xem ra khen nhiều chê ít.

Hôm lễ chạm ngõ Viên ông có mời cụ Tư, một ông bạn thâm giao cùng đi cho rậm đám. Sau gần một tiếng đồng hồ hàn huyên, nhà trai cáo từ ra về. Nửa đường, Viên ông hỏi cụ Tư:

– Thế nào bác, đám này được chứ bác?

– Được, được cả người lẫn nết, hiềm một nỗi…

Viên ông chợt nhớ lời đồn đại cụ Tư là một tay tử vi kiêm kỳ môn độn giáp có hạng nhưng Viên ông không hề coi bao giờ. Bữa nay cao hứng. Viên ông tò mò hỏi:

– Bác nói hiềm một mỗi là sao?

Cụ Tư vuốt chòm râu bạc, trầm ngâm một lát rồi thong thả đáp:

– Khó nói quá. Thôi bác cứ bảo cháu Viên Văn Chánh sau này đừng để vợ lọt vào mắt bọn hoàng thân quốc thích quyền cao chức trọng mà sanh đại hoạ…

Viên ông ngắt lời:

– Mà đại hoạ cho ai?

– Đại hoạ cho một vài người ngoài ra còn kiến toàn quốc bàn tán và hàng triệu người phải rơi luỵ xót thương.

– Chi mà dữ vậy.

– Định mệnh mà. Vả lại chưa biết thế nào mà nói.

Nói đoạn cụ Tư nói lảng sang chuyện khác mà Viên ông cũng chẳng vặn hỏi làm chi.

Ít lâu sau, lễ thành hôn giữa Văn Chánh –Trương thị được cử hành. Trương thị ra công thu vén giang sơn nhà chồng khiến cho ai cũng phải ghen với số phận Văn Chánh cưới được vợ đã đẹp lại đảm đang, thùy mị, nết na.

Mấy năm sau cha Trương thị rồi đến Viên ông và Viên bà lần lượt cưỡi hạt quy tiên.

Đoạn tang Viên bà xong, Trương thị mang thai và sau sanh hạ được một đứa con trai rất kháu kỉnh. Khi nó lên ba tuổi thì Văn Chánh cũng vừa tròn ba mươi còn Trương thị thì mới có hai bốn cái xuân xanh.

Một sáng, theo thường lệ, Văn Chánh cắp sách đến nhà một cụ nghè để trao dồi thêm kiến thức. Tới ửa, chàng thấy sĩ tử bàn tán lao xao về tin nhà vua sẽ mở kỳ thi tại Đông Kinh vào đầu thu năm ấy. Chàng lật đật lên huyện lỵ dọ hỏi lại cho chắc chắn rồi trở về nhà bàn tính với Trương thị:

– Nàng ơi, sắp đến ngày ta phải xa mẹ con nàng rồi.

Trương thị đang cho con ăn cơm, giật mình hỏi:

– Chàng nói chi gở vậy?

– Nàng khéo mê tín dị đoan. Ta sắp vô kinh dự thi, phải xa mẹ con nàng chẳng đúng hay sao?

Trương thị dịu dàng nhìn chồng:

– Thế là chàng tạm xa mẹ con thiếp chứ. Nhưng chàng ôi nhà nghèo, biết chạy đâu cho đủ tiền cho chàng vô Kinh dự thi?

– Nàng xem có cầm cố, phát mại được chi thì ráng lên một phen. Công mười năm đèn sách, bỏ thi thì uổng quá. Hay là nàng ngại ta không chiếm được bảng vàng.

– Thiếp đâu dám nghĩ vậy. Chàng là “vị vũ chi giao long, tại sơn chi hổ báo”. Với sức học uyên thâm, lo gì mà chẳng bảng hổ đề danh, ngựa chàng đi trước, võng thiếp theo sau? Nhưng thiếp e sợ một điều…

Văn Chánh ngắt lời cô vợ quý:

– Nàng còn lo sợ điều chi?

– Nhà ta nghèo, nay bán sạch cửa nhà cho chàng đủ tiền ăn đường và nằm chờ thi, ở nhà mẹ con thiếp biết nương tựa vào đâu.

Nghe vợ nói, Văn Chánh thở dài, buồn bã nói:

– Để thủng thẳng mình tính cách.

Thấy chồng nét mặt buồn hiu Trương thị ái ngại không dám nói chi hơn nhưng nàng cũng suy nghĩ, cố tìm một giải pháp.

Lát sau Văn Chánh bảo vợ:

– Nàng hãy xem gia sản có chi cầm bán được thì tính trước để ta đi dọ hỏi xem tổn phí hết bao nhiêu rồi sau sẽ định liệu. Nhất định phải đi thi phen này, bỏ thì uổng lắm phần thì ta tuổi ngày càng lớn phần vì không biết bao giờ mới lại mở khoa thi.

Nói đoạn, văn Chánh đi yết kiến các chân khoa bảng trong vùng để hỏi thăm các điều cần biết. Trương thị cũng bồng con chạy đi kiếm bà con cô bác thân tình xin giúp đỡ bằng cách mua dùm căn nhà lá đơn sơ và hơn sào ruộng với giá cao. Tôi nghiệp họ hàng cũng đồng cảnh với vợ chồng Văn Chánh chỉ đủ bát ăn là may có dư giả gì đâu mà nói chuyện mua bán cầm cô. Họ chỉ có thể khuyên Trương thị nên tìm đến mấy tay phú hộ trình bày hoàn cảnh may ra có người hảo tâm giúp đỡ cho chăng.

Trương thị bồng con đến gõ cửa mấy tay cự phú làng trên, xon dưới. Nàng nói đã khô cả cổ mà chẳng được kết quả gì: họ trả giá rẻ như bèo. Hơn nữa, qua những cái nhìn cú vọ của họ, cùng những lời nói ỡm ờ nàng hiểu rằng họ sẵn sàng … mua nàng với giá đắt gấp trăm lần ngôi nhà và sào đất.

Trương thị buồn bèn quay về nhà. Càng thương chồng bao nhiêu, nàng lại căm giận bọn phú hào bấy nhiêu. Nàng về nhà được một lát thì chồng nàng cũng lủi thủi bước vào.

Trương thị toan nói cho chồng biết kết quả sự thăm dò của nàng thì Văn Chánh đã uể oải bảo vợ:

– Ta đã hỏi kỹ rồi. Thôi phen này đành bó tay. Ta tính có bán hết gia sản cũng chưa đủ tiền ăn đường. Còn sự vay mượn cũng vô hy vọng. Bạn bè lánh mặt hết.

Hai vợ chồng nhìn nhau thương cảm. Thôi thế là hết hy vọng. Để phá tan bầu không khí nặng nề, Văn Chánh bồng đứa con trai đầu lòng rồi cù cho nó cười như nắc nẻ. Chàng cũng cất tiếng cười theo rồi hai cha con ngồi đùa với nhau thật là vui vẻ.

Giữa lúc ấy có tiếng chó sủa ran, nơi sân nhà.

Trương thị đã trở xuống bếp lo nấu cơm chiều liền chạy vội ra cổng.

Văn Chánh lắng tai nghe. Tiếng vợ chàng nói gần như reo lên:

– Trời, cụ tư, lạy cụ ạ, nhà cháu có nhà xin rước cụ vô. Xa xôi thế mà cụ còn đến thăm chún cháu luôn.

Giọng cụ Tư ấm áp vang lên:

– Chà, có điều chi mà cha con nó cười đùa vui vẻ làm vậy!

Vừa nói, cụ vừa tiến vô nhà. Văn Chánh cũng lật đật trao con cho vợ, sửa lại áo rồi vòng tay thi lễ.

Cụ Tư thong thả ngồi xuống giường rồi chậm rãi hỏi Văn Chánh:

– Thế nào, anh nhất định vô kinh dự thi chứ?

– Dạ thưa cụ cháu muốn đi lắm, ngặt một điều…

Cụ Tư cười khà khà ngắt lời:

– Thôi lão biết rồi. Anh thiếu tiền phải không. Đây lảo có đem bạc sang mua nhà và ruộng giúp anh đây.

Miệng nói tay cụ Tư mở túi vải xếp ra mấy lạng bạc và hàng chuỗi tiền kẽm.

Văn Chánh ngạc nhiên:

– Cụ ở xa lại, sao cụ biết cháu tính bán gia sản để có tiền đi thi? Cụ giả thế này là quá đáng, cháu không dám nhận.

Cụ Tư vuốt chòm râu bạc nhìn Văn Chánh và nói:

– Làm sao lão biết, cái đó dễ hiểu. Cha anh với lão là chỗ thâm giao mà. Còn nhà và ruộng lão trả giá mắc vì không muốn gia sản của cha anh rơi vào tay kẻ khác. Từ ngày cha anh qua đời, lão vẫn năng tới lui đây trước là để nhìn cảnh cũ, nhớ đến người xưa sau nữa là để thăm gia đình anh mà lão coi như con.

Văn Chánh cảm động nhìn cụ Tư. Chàng ngẹn ngào nói:

– Cụ đối với cháu thế này thì thật là chu đáo quá, cháu biết lấy gì trả ơn.

Cụ Tư khoát tay đáp:

– Anh đừng nói chi tới ân với huệ. Đây là bổn phận của tôi. Ta tiếc là không được dư dả để giúp anh nhiều hơn. À mà chuyến này anh có đi thì cho chị ấy và cháu qua bên lão mà ở với lũ cháu gái của lão. Tiện lắm. Anh nghĩ sao?

– Thưa cụ cháu tính cho hai mẹ con nó đi cùng.

Cụ Tư giật mình:

– Uûa, anh đem cả vợ con đi theo thì làm sao đủ tiền?

– Chẳng nói giấu gì cụ, nhà cháu còn ít tư trang và cháu cũng có ít đồ gia bảo mang theo, lên tới kinh đô sẽ bán sau.

– Chà, anh đừng tính quẩn, cứ để vợ con sang ăn ở bên tôi, có tốn kém là bao.

– Thưa cụ, cháu không dám. Cụ giúp cho thế này là quá đủ rồi.

– Anh khí khái giống hệt cha anh vậy. Thôi thế này thì anh hết thắc mắc nhé. Vợ con anh cứ sang nhà tôi nuôi cho. Chừng nào anh vinh quy bái tổ, được hưởng ân vua lộc nước rồi thì muốn trả tiền trọ cũng không muộn.

Văn Chánh một mực không chịu. Cụ Tư không biết nói sao đành chịu, nhưng nếu ai chú ý sẽ thấy nét mặt cụ trở nên đăm chiêu hơn. Cụ ngồi yên lặng hồi lâu rồi lẩm bẩm một mình: “số trời đã định”.

Tối đó cụ Tư ngủ lại nhà văn Chánh. Cụ vẫy đứa con văn Chánh lại gần, xoa đầu, hỏi chuyện nói hồi lâu rồi khẽ thở dài, nói qua hơi thở: “Tội nghiệp thằng bé đầu xanh tuổi trẻ”.

Đêm ấy cụ thức rất khuya, chăm chú ngồi đọc mấy cuốn sách nhỏ chi chít những chữ.

Lâu lâu, cụ lại ngửng đầu nhìn lên vách, nhíu lông mày, ra chiều suy nghĩ lung lắm.

Sáng sau, cụ dậy sớm sửa soạn ra về. Trong lúc ngồi uống trà, cụ dặn văn Chánh:

– Nếu như anh nhất định cho vợ con đi theo thì lão khuyên hai vợ chồng nên ăn mặc xoàng xĩnh thôi.

Riêng về phần vợ anh lại càng phải thận trọng lắm mới được. Cho tới khi anh hiển vinh anh phải bắt nó mặc áo rộng, che bớt mặt đi và nếu cần làm cho nó xấu xí đi. Đường trường nhiều cảnh nguy nan và khi tới kinh đô lại cần phải đề phòng bọn quan quyền ỷ thế hiếp người.

Văn Chánh lãnh ý rồi cả hai vợ chồng tiễn đưa cụ Tư đến tận đầu làng mới trở về. Lúc chia tay cụ tư còn dặn con bạn thêm lần chót:

– Anh nhớ làm theo lời tôi dặn nhé… Có chuyện chi thì …vợ hay chồng… cho tôi biết nghe. Thôi lão chúc cho anh công thành danh toại.

Văn Chánh chợt nhớ ra điều gì vội móc túi lấy cuộn giấy đưa cho cụ Tư:

– Thưa cụ, đây là văn tự bán nhà và ruộng xin cụ cầm giùm cho.

– Chà, anh khéo vẽ vời. Thôi được đưa tôi.

– Thưa bao giờ cụ sang nhận nhà và ruộng?

– Chừng nào anh đi?

– Thưa cụ cũng ngày này tháng sau.

– Được đúng ngày đó tôi sẽ cho người sang.

Nói đoạn cụ chống gậy trúc, thong thả bước đi.

Vợ chồng Văn Chánh đứng trông theo đến khi cụ Tư khuất dạng mới quay về. Dọc đường Trương thị hỏi chồng:

– Cụ Tư dặn gì anh mà xem ra có vẻ nghiêm trọng quá vậy?

Văn Chánh thuật lại đầu đủ cho vợ nghe rồi kết luận:

– Ta thấy cụ nói có lý lắm. Đờn bà đẹp đi đường xa nên làm cho xấu xí đi để khỏi có kẻ động tà tâm…

Trương thị gật đầu:

– Thiếp cũng cho là phải. Tuy hiên có điều thiếp hơi thắc mắc. Lúc đi đường vắng vẻ sợ có đứa ẩu hỗn làm bậy. Cái đó đã đành.

Nhưng một khi tới kinh đô, đông đảo người ta lại có quan quân trật tự nghiêm minh, cần chi phải ngụy trang làm xấu đi?

– Nàng nói có lý một phần thôi. Cụ Tư ngại rằng với sắc đẹp tuyệt trần của nàng, tuy ở kinh đô không sợ phường hạ tiện làm hại nhưng lại phải đề phòng bọn phong kiến mũ cao áo dài.

Thứ đó còn đáng sợ hơn.

– Chàng làm như thiếp là Hằng Nga tái thế không bằng, ở ruộng thì khá chớ lên kinh đô nhà vua thì thiếp còn kém xa.

Văn Chánh nhìn vợ rồi mỉm cười đáp:

– Chưa chắc gái đế đo đã hơn nàng. Mà thôi cứ để lên tới chốn thị thành sẽ hay.

Trương thị sung sướng, má đỏ hây, miệng chúm chím cười khiến Văn Chánh cũng phải ngây ngất.

Tháng sau Văn Chánh cùng vợ con lên đường sau khi giao nhà và ruộng cho người nhà cụ Tư.

Chồng đi trước đeo ống quyển, vai mang bọc hành lý và sách vở. Vợ đi theo sau, con cột trên lưng, tay xách bọc quần áo. Lúc đó mặt trời đã lên khỏi ngọn tre. Tới đầu làng vợ chồng Văn Chánh gặp mấy bà lối xóm đi chợ thôn bên về.

Họ ngạc nhiên:

– Làm sao mà ăn vận lôi thôi thế này? Trông như con lọ lem vậy.

Trương thị cười xoà chưa kịp đáp thì một bà đã bô bô nói:

– À bà chị khôn thiệt. Thế này thì đến quỷ sứ cũng lắc đầu khỏi phải lo gì nữa.

Mọi người cười ồ vui vẻ rồi sau mấy câu chúc tụng thường lệ họ chia tayd9e63 vợ chồng Văn Chánh tiếp tục lên đường.

Ngày đi đêm nghỉ, sau nhiều ngày trèo đèo lội suối, Văn Chánh và vợ con lên tới Đông Kinhbình yên vô sự.

Vợ chồng Văn Chánh vô tiệm Huỳnh bàhỏi thăm giá cả. Thấy tiệm ngủ cũng sạch sẽ có thổi cơm trọ giá phải chăng lại thêm Huỳnh bà tánh tình vui vẻ, đứng đắn, vợ chồng Văn Chánh thuê liềm một phòng nhỏ trông ra sân sau.

Hai vợ chồng vô cùng mừng rỡ vì nhờ ăn tiêu dè sẻn lúc đi đường nên tiền lưng còn đủ cho vợ chồng và đứa con sinh sống tới lúc chàng thi xong.

Sau khi sắp đặt xong nơi ăn chốn ở, vợ chồng văn chánh tắm rửa thay quần áo sạch sẽ rồi bồng con ra phố phường Đông Kinh, quên cả lời dặn của cụ Tư.

Khi Trương thị đi qua trước mặt nữ chủ quán họ Huỳnh, bà này ngạc nhiên trỏ nàng hỏi Văn Chánh:

– Kìa, lạ quá nhỉ, có phải cô lúc nãy vô cùng với thầy không?

Văn Chánh cười đáp:

– Dạ phải, chắc bác thấy nhà cháu thay hình đổi dạnh hoàn toàn phải không?

– Phải, nếu không có thằng nhỏ đeo trên lưng thì tôi không tin lời thầy nói đâu. Thầy cẩn thận thế là đúng lắm. Thân gái dặm trường kỵ nhất là phô bày nhan sắc và đồ trang sức. Đã lâu lắm tôi mới lại gặp một người đẹp như vợ thầy đây. Thầy và cô tốt đôi thế này, chắc là phen này thầy phải đậu cao và ra làm quan rồi.

– Bác quá khen, cháu thì tài hèn chí mọn, còn nhà cháu đây đẹp đâu bằng các cô gái đế đô.

– Tôi đã nói là đẹp hơn mà. Rồi thầy nghiệm xem lời tôi nói không phải là nịnh bợ đâu nhé. Phen này tiệm ngủ tôi hên rồi đa.

Vợ chồng Văn Chánh vui vẻ dắt nhau ra phố nhàn du. Cái gì đối với họ cũng là lạ mắt, là đẹp cả. Thấy thiên hạ cứ ngó hết chàng rồi đến vợ chàng, Văn Chánh mới đầu rất hãnh diện vì có cô vợ đẹp. Nhưng thét rồi chàng lại hơi… ghen, nhất là từ lúc lời bình phẩm tục tĩu của đôi ba chàng trai kém giáo dục bay đến tai chàng.

Hai vợ chồng đi mãi, đi mãi hết phố này qua phố khác rồi cả hai tới trước một cây cầu xây bằng đá bắc qua con rạch nhỏ. Thành cầu có khắc hai chữ “Thạch Kiều”.

Vui chân, hai vợ chồng rủ nhau vượt qua cầu sang bên kia thấy nhà cửa không nằm san sát như bát úp nữa, nhà nào cũng khang trang sạch sẽ với vường cây chạy xung quanh. Rõ ràng là khu của những tay quyền quý cao sang. Văn Chánh thấy một toà nhà nguy nga lộng lẫy, bốn bề có tường cao bao bọc, cửa ra vào đóng kín, trên cổng có chòi lính gác. Bên cổng có tấm biển ghi mấy hàng chữ nho. Vừa thoáng đọc xong Văn Chánh giật mình quay phắt lại, bảo vợ hãy về nhà ngay.

Trương thị chẳng hiểu ất giáp gì cũng vội vã đi theo chồng trở lại cầu Thạch Kiều.

Được vài bước nàng khẽ hỏi chồng:

– Chi mà gấp vậy chàng?

– Không nên qua đó kẻo sơ ý thì bị khoét mắt, chặt tay như không.

Trương thị bắt rùng mình vội rảo cẳng đi mau. Khi hai vợ chồng sắp lên tới chân cầu, xảy có tiếng quân lính hô dẹp đường. Cũng như các bộ hành kh1c, vợ chồng Văn Chánh phải đứng nép bên lề đường. Phút sau, một toán chừng mười tên lính rầm rộ đổ từ trên cầu xuống mở đường cho một thanh niên mặt trái xoan, đôi mắt lẳng lơ, mặc áo đại thần cỡi ngựa bạch thong thả tiền tới. Phía sau lại có một toán lính khác đi tập hậu. Một ông già đứng bên văn Chánh lẩm bẩm: “Hoàng thân”. Gã thanh niên cưỡi con bạch mã nhìn Trương thị chằm chằm. Không biết hắn nghĩ gì chỉ thấy hắn vẫy tay gọi tên hầu cận bận thường phục lại gần và cúi xuống nói nhỏ một hồi.

Tên hầu cận cúi rạp ra chiều tuân lệnh rồi chậm bước lại để cho toán quân hậu tập đi vượt lên, mắt liếc nhìn về phía Trương thị.

Vợ chồng Văn Chánh vô tình không hay biết gì cả, cứ thản nhiên đi lên cầu. Văn Chánh hỏi nhỏ cụ già lúc nãy đứng bên cạnh:

– Thưa lão trượng, chẳng hy người vừa rồi cụ gọi là “Hoàng thân” là ai vậy?

– Chắc câu ở xa về đây chơi hẳn?

– Dạ cháu từ phủ Triều Châu về đây dự thi.

– À thế thì cậu không biết thì phải. Người vừa đi qua là Tào Nhị Quốc Cựu. Nguyên vợ vua Nhơn Tôn là Tào Hậu, con gái Thái phụ phu nhơn.bà này còn có hai con trai được phong là Đại quốc Cựu và Nhị Quốc Cựu, và liệt vào hàng Hoàng Thân.

Ông già vừa nói tới đây thì hai người cũng vừa qua khỏi cầu Thạch Kiều. Ông già chào Văn Chánh rồi rẽ qua tay mặt còn vợ chồng văn Chánh thì cứ thẳng đường về nhà trọ.

Cả hai đều không biết có tên hầu cận của Nhị Quốc Cựu đeo sát sau lưng. Đến nhà trọ của Huỳnh bà, nó dòm theo biết phòng của vợ chồng Văn Chánh liền đi loanh quanh một lát rồi lại tiệm ngủ thuê một phòng.

Tới đó, hắn lân la bắt chuyện với Văn Chánh, sáng sau hắn dời nhà trọ từ sáng sớm với đầu đủ tin tức về vợ chồng nhà này.

Tới tư dinh Nhị Quốc Cựu, hắn vô thẳng phòng chủ phúc trình kết quả cuộc điều tra. Nghe xong Nhị Quốc Cựu mở ô kéo lấy một đĩnh bạc ném cho tên hầu cận rồi nói:

– Tốt lắm, ta đã có cách chiếm người ngọc ấy.

Tên hầu cận được bạc, hót thêm:

– Được cậu chiếu cố, mụ ấy thật là đại phước. Nhưng còn thằng chồng nó cậu tính sao!

– Ta nói đã có cách mà. À bây trông kỹ nó có đẹp thiệt không? hay là ta hoa mắt trông lầm?

– Dạ thưa cậu nó đẹp lắm, gái kinh đô này dễ thường chưa ai sánh kịp. Con mà lấy đặng nó cậu có chém bay đầu con cũng cam tâm.

Nhị Quốc Cựu lim dim đôi mắt, mở một nụ cười khả ố ném cho tên hầu cận một đĩnh bạc nữa rồi truyền cho lui ra.

Ngay sáng đó, Nhị Quốc Cựu đuổi hết cung tần mỹ nữ ước đến hai chục người, sang ở bên Tây cung để nghinh đón Trương thị. Nhi Quốc Cựu cũng chọn sáu tỳ nữ kín tiếng giữ lại để hầu hạ bên Đông cung.

Đoạn Nhị Quốc Cựu truyền cho đầu bếp chuẩn bị mở tiệc rượu đêm nay.

Chiều lại, Nhị Quốc Cựu chọn hai tên lính ăn nói hoạt bát, kêu vô phòng cùng với tên hầu cận mà bảo rằng:

– Hai người khá theo tên này (trỏ hầu cận) đến tiệm ngủ Huỳnh bà vô nói với Tú tài Viên Văn Chánh rằng ta nghe người quen ở phủ Triều Châu ca tục sức học uyên thâm của Văn Chánh từ lâu nay được biết tú tài mới cùng vợ lên kinh đô để chờ ngày thi, ta có lời mời cả ba đến phủ ta, trước là để có dịp hiểu biết thêm về tài năng sau là để tiện tiến cử. Phải nói là ta xưa nay vẫn có tính trọng hiềm đãi sĩ, thường hay vì đức Vua mà chiêu mộ hiền tài, nghe chưa?

Chú lính dạ ran:

– Dạ chúng con nghe rõ rồi.

Nhị Quốc Cựu gật đầu:

– Tốt. Nhưng chưa hết đâu. Bảo họ đem tất cả hành lý lên đây ta có trú ngụ tại phủ này cho đến ngày hiển đạt. Nhớ đón vợ chồng và đứa con lên tất cả nghe.

Nói đoạn, Nhị Quốc Cựu mở tủ lấy bạc trao cho hai người lính và dặn thêm:

– Trả hết phí tổn ở tiệm ngủ Huỳnh bà cho họ và thuê cáng đưa họ về đây. Còn dư bao nhiêu cho tụi bây chia nhau mà xài. Còn tên này (trỏ hầu cận) ngươi chỉ đưa họ tới nơi, trỏ nhà cho biết rồi rút lẹ về đây, ẩn mặt đi vài bữa chớ để hai vợ chồng nó nhận diện được, hỏng việc của ta thì tù mọt gông đó. Thôi tụi bây đi ngay cho được việc.

Ba người vái Nhị Quốc Cựu rồi lui ra sửa soạn lên đường ngay tức khắc.

Ra khỏi phủ, một chú lính hỏi anh hầu cận:

– Nè bác, chiêu phụ sát phu chớ chiêu hiền sĩ gì phải không? Con mụ này đẹp lắm sao bác?

Anh hầu cận mỉm cười bí mật:

– Chia bớt cho tớ ít bạc, tớ sẽ nói cho mà nghe.

– Chẳng nói thì đừng, lát nữa tụi này cũng biết.

– Được. nhưng coi chừng ta mét ngươi phỉ báng Hoàng Than cho mà coi.

Chú lính nọ đấu dịu và thuận chia chút bạc cho anh hầu cận.

Tên này cười nói tiếp:

– Có thế chứ. Bây giờ vểnh tai mà nghe. Con mụ này đẹp lắm tên là Trương thị. Hoàng thân mê lắm rồi đấy.

Chú lính nọ thở dài đáp:

– Tôi sợ cái thói dập liễu vùi hoa của Hoàng thân, khéo mụ này lại theo số phận như hàng chục mỹ nhân từ trước đến nay.

Tên hầu cận trợn mắt la:

– Này, xin ông ngậm bớt cái miệng lại kẻo thấu tai Hoàng Thân thì lôi thôi đấy. Muốn làm ma không đầu sao?

Chú lính nọ im bặt, lấm lét nhìn hai bạn đồng hành. Ba người lặng lẽ nhắm thẳng tiệm ngủ huỳnh bà mà tiến tới.

Nói về Tú tài Văn Chánh sáng đó trở dậy có ý tìm tên hầu cận của tào Nhị Quốc Cựu mà chẳng thấy đâu. Chàng liền lên nhà hỏi thăm nơi Huỳnh bà:

– Khách trọ ở phòng cận cháu đi ròi sao bác?

– À anh tanói có việc ở quê phải đi ngay từ sớm rồi.

– Tiếc quá, cháu tính nhờ anh ấy dẫn d8i vãng cảnh nơi đế đô.

Nói đoạn, chàng trở về phòng ngồi bó gối uống trà một mình. Trương thị hỏi chồng:

– Bữa nay chàng tính cho mẹ con thiếp đi đâu?

Văn Chánh uể oải đáp:

– Ta thấy mệt mỏi, để lát nữa sẽ hay.

Trương thị nhìn chồng rồi giật mình hỏi:

– Uûa, sao khí sắc chàng bỗng nhiên kém hẳn đi vậy?

– Nàng nói thiệt sao? Thực ra từ lúc ta dậy đến giờ ta thấy tâm thần bất định, lòng bồn chồn như lửa đốt, tự nhiên ta có cảm tưởng ở nơi này không được an vui lắm.

Trương thị dịu dàng đáp:

– Có lẽ bây giờ chàng mới thấm mệt vì cuộc hành trình quá vất vả. Thiếp nghĩ chàng nên tĩnh dưỡng vài ngày cho lại sức còn ôn lại văn bài.

Suốt ngày hôm đó, Văn Chánh đứng ngồi không yên, cho tới chiều giữa lúc chàng đang nằm khàn trong phòng xảy có tiếng Huỳnh bà gọi rối rít:

– Thầy Tú ơi! Thầy Tú ơ! Có các cậu lính đằng hoàng thân lại mời vợ chồng cậu vô phủ chơi đây nè.

Văn Chánh choàng dậy, chạy vội lên. Hai tên lính chắp tay xá dài chàng rồi lễ phép nói:

– Quốc Cựu sai bọn tôi đến rước Tú tài và phu nhân cùng công tử lên phủ ở chơi cho đến ngày thi.

Văn chánh chưa kịp trả lời thì một chú lính nhanh miệng nói luôn:

– Xin Tú tài đừng khước từ. Quốc Cựu vốn trọng hiền đãi sĩ nay nghe danh Tú tài tuổi trẻ tài cao muốn mời tới tương kiến để đường tiến cử sau này. Hiện võng đã thuê chờ ở cửa xin Tú tài đi cho. Tiền trọ tôi đã trả đủ rồi.

Huỳnh bà nghe nói chắp tay xuýt xoa:

– Quốc Cựu thiệt là nhơn ái. Thôi thầy Tú hãy mau sửa soạn lên đường chớ để Ngài phải chờ lâu. Thiệt là hên cho tiệm tui quá.

Văn Chánh trở về phòng nói qua cho vợ biết rồi cả hai thay quần áo đẹp nhứt đi lên nhà.

Vừa trông thấy Trương thị hai chú lính nháy mắt nhìn nhau thì thầm: “Đẹp quá ta”.

Rồi chúng xúm lại mang hộ hành lý của vợ chồng Văn Chánh ra cổng.

Hồi lâu sau, vợ chồng Văn Chánh tới nơi. Tào Nhị Quốc Cựu sai lính mở cổng giữa và đích thân ra tận ngoài đón rước dẫn vô dinh.

Sau khi phân ngôi chủ khách, Quốc Cựu quát lính hầu trà và cho kêu thị tỳ lên bồng con cho trương thị.

Quốc Cựu giả bộ hỏi gia cảnh Văn Chánh. Rồi câu chuyện xoay qua vấn đề vấn đề văn chương thi phú. Quốc cựu làm bộ chăm chú nghe Văn Chánh phun châu nhả ngọc nhưng thực ra đầu óc đang quay cuồng trước sắc đẹp mê hồng của trương thị.

Nắng đã xé chiều rồi tắt hẳn. Trong dinh Quốc Cựu đèn thắp sáng như ban ngày. Quốc Cựu mời Văn Chánh ra ngoài huê viên dự dạ yến cho mát. Lấy cớ mình chưa có vợ, Quốc Cựu xin lỗi rồi kêu nữ tỳ rước trương thị vô Đông cung dùng cơm, lại sai người đem con văn chánh qua Tây cung săn sóc.

Vì đã có lệnh trước nên khi trương thị vừa bước vào hậu cung, bọn tỳ nữ đã đóng sập cửa lại rồi xúm nhau mời Trương thị:

– Tâu lịnh bà, xin lệnh bà tắm mát rồi thay xiêm y mới trước khi dùng bữa.

Thiếu phụ đồng ruộng chẳng hiểu ất giáp gì cứ răm rắp theo sự chỉ dẫn của bọn nữ tỳ nữ.

Khi Trương thị trở ra với y phục lộng lẫy trông như Hằng Nga tái thế, bọn hầu gái không tiếc lời tâng bốc nàng:

– Tâu lịnh bà,lịnh bà đẹp như tiên nga, chắc là Quốc Cựu phải hài lòng.

Trương thị liếc nhìn vào gương. Nàng cũng giật mình, không ngờ nàng lại xinh đẹp đến thế. Rồi nàng ngồi vào dùng cơm một mình, lòng tràn ngập niềm hân hoan vô tận. Nàng yên trí Quốc Cựu thấy Văn Chánh có tài nên vì nể mà hậu đãi nàng.

Giữa lúc ấy, ở ngoài huê viên, Quốc Cựu ra công phục rượu cho Văn Chánh. Chàng trí thức miền quê thực tình uống hết chén này qua chén khác. Gặp thứ rượu mạnh nên tới tuần thứ mười, Văn Chánh gục xuống bàn ngủ vùi. Quốc Cựu mỉm cười rũ áo đứng dậy vẫy bốn tên tâm phúc lại gần và bảo rằng:

– Tụi bây khiêng tên này ra sau vườn thủ tiêu cho ta. Còn đứa con nhỏ của nó cũng … đi theo bố nó luôn thể, cho tiện việc. Nhớ làm cho lẹ rồi vô trình ta mà lãnh thưởng.

Ra lệnh xong, Quốc Cựu trở về phòng riêng.

Bốn tên quân tâm phúc chia nhau thi hành lệnh chủ. Hai đức khiêng Tú tài văn Chánh ra vườn sau còn hai đứa đi kiếm con văn Chánh. Vườn này mênh mông, rộng tới mấy chục mẫu, có chỗ cây mọc như rừng, âm u ghê rợn, đến ban ngày cũng không ai dám tới làm chi.

Hai tên khiêng Văn Chánh đi được một quãng, bỗng tên đi đầu vấp phải rễ cây lảo đảo suýt rồi ngã. Hắn chửu thề một hồi rồi bảo bạn:

– Nè anh, mọi lần trước tụi mình thường thủ tiêu các mỹ nhân vào lúc tờ mờ sáng, nay phải thủ tiêu cha này trong đêm tối nghĩ mà khó quá. Hay là…

Tên đi sau hỏi mau:

– Hay là … sao?

– Hay ta cũng siết cổ như mọi bận rồi xô xác nó xuống giếng Quỳnh Hoa ở gần đây là hơn cả.

Tên đi sau phản đối:

– Không được giếng này ở gần nhà quá, sợ e bại lộ mất, phải đem nó ra chỗ mọi khi.

Tên đi trước đứng dừng lại nói:

– Nếu vậy thì anh chịu khó cõng thằng này đi một mình ra ngoài đó mà giết nó rồi chôn đi như mọi bận. Tôi chờ anh ở đây nghe. Tiền thưởng thì anh cứ việc lãnh cả.

Nói đoạn hắn ngưng lại chờ phản ứng của tên đi sau. Sợ tên này tham bạc làm thiệc, hắn doạ liền:

– Chẳng phải tôi làm biếng đâu mà vì đêm tối ra tận đó. Sợ oan hồn uổng tử hiện lên đòi thường mạng thì nguy. Anh có nhớ tổng số mỹ nhân bị thủ tiêu là bao nhiêu rồi không?… Đúng bốn mươi mạng rồi nghe. Anh chàng này là bốn mốt, đứa bé con là bốn hai và mụ trương thị sẽ là nạn nhơn thứ bốn ba trong ít bữa. Aáy là chưa kể tới những bào thai mà một số mang theo xuống cõi âm ty.

Tên đi sau bắt rùng mình, sợ quá đến lạc cả giọng:

– Anh nói có lý. Tôi bằng lòng xô nó xuống giếng Quỳnh Hoa. Bây giờ tụi mình tạm đặt thằng văn Chánh này xuống đây rồi chờ bọn kia đem con hắn đến mần luôn thể đặng về cùng, kẻo đức trước đứa sau Quốc cựu sinh nghi thì chết.

Tên đi trước tán thành. Thế là cả hai bỏ Văn Chánh xuống đất, đứng chờ.

Lát sau hai tên quân đi kiếm con Trương thị cũng mò tới.

Chúng hỏi nhau:

– Các cậu tài thiệt, làm thế nào mà thằng bé không khóc… Bịt miệng hả?

– Đâu có. Tớ đập cho nó một gậy sau ót chết còng queo từ lâu rồi. Mình vừa rờ đến nó thì đã khóc thét lên cho nên phải xuống tay tay gấp kẻo bại lộ. Còn anh chàng Tú tài đâu?

Hai tên đến trước cắt nghĩa cho hai tên đến sau nghe. Chúng đều đồng ý. Văn Chánh bị khiêng đến bờ giếng Quỳnh Hoa rồi bị siết cổ cho đến chết. Sau khi xô xác chồng Trương thị xuống giếng, chúng liệng luôn đứa con ba tuổi…

Thi hành xong thủ đoạn sát nhân, bốn tên quay về trình Quốc Cựu để lãnh thưởng.

Tên Hoàng Thân độc thân và dâm ô này vứt mấy nén bạc ra bàn rồi hất hàm hỏi:

– Tụi bây chôn ở chỗ cũ chứ?

– Dạ ở chỗ cũ.

– Chôn kỹ không?

– Dạ kỹ, có bó chiếu cột hai đầu và đầm đất cẩn thận lắm.

– Tốt, mai nhớ ra làm lại cho kỹ nghe. Thôi cho bây lui.

Bốn tên dạ ran, lượm bạc rồi quay trở ra.

Lúc bấy giờ mới bắt đầu sang canh hai.

Lại nói về Trương thị, cơm nước xong nàng được một tỳ nữ áo xanh rước vô phòng ngủ của Quốc Cựu. Phòng này trưng bày cực kỳ lộng lẫy, giữa phòng có kê giường bát bảo, gấm rủ màn che.

Trương thị ngồi xuống chiếc cẩm đôn ở góc phòng rồi bảo tỳ nữ:

– Nhị Quốc cựu thật là đấng hiền nhân.

Còn tỳ nữ mỉm cười đáp:

– Lệnh bà ở với Hoàng Thân thật là xứng đáng.

Trương thị chột dạ:

– Phòng này không phải của Hoàng thân dành cho vợ chồng chị ở đậu cho đến ngày thi sao?

Biết mình lỡ lời, tiết lộ quá sớm kế hoạch của chủ, nữ tỳ nói chữa:

– Tâu lệnh bà, ý em muốn nói lệnh bà ở phòng này của Hoàng Thân mới là xứng đáng với sắc đẹp kiều diễm của lệnh bà.

– Sao em cứ gọi chị là lệnh bà hoài. Thôi kêu bằng chị cho tiện. Ta đâu phải là mệnh phụ phu nhơn?

– Tâu lệnh bà, Đó là lệnh của Hoàng Thân. Vả lại rồi lệnh bà cũng tiến đến địa vị đó.

Tới đây tỳ nữ sợ bị vặn hỏi lôi thôi liền xin phép lui ra. Lát sau, nó dẫn vào sáu cung tần mang theo đờn phách để ca hát giải trí cho Trương thị.

Trương thị càng ngẫm nghĩ về lời con tỳ nữ, càng lo lắng vô cùng. Có lẽ nàng xa vào cạm bẫy của Hoàng Thân chăng? Chồng con hiện giờ ở đâu? Tự nhiên nàng thấy bồn chồn, lòng như lửa đốt.

Giữa lúc ấy mấy ngọn bạch lạp bỗng nhiên lung lay cơ hồ như muốn tắt mặc dầu trời lặng gió yên. Và trong bóng lửa chợp chờn Trương thị thoáng thấy hiện lên nơi khung cửa sổ, chồng nàng mặt sưng, tay bồng đứa con yêu quí đầu quật ra đằng sau như gẫy cổ, miệng tràn máu tươi…

Nàng sợ quá khẽ rú lên thì hình ảnh rùng rợn đó biến mất và ánh bạch lạp lại sáng tỏ như ban ngày. Bọn cung phi vẫn nghịp nhàng ca hát. Trương thị nhìn quanh có ý kiếm tỳ nữ áo xanh song chẳng thấy nó đâu cả. Nàng toan bảo bọn cung phi ngừng ca hát thì tỳ nữ áo xanh đã mở cửa vô phòng và tiến đến bên trương thị. Nó vừa ra gặp Nhị Quốc cựu để xin chỉ thị.

Trương thị mừng rỡ nắm tay tỳ nữ và bảo:

– Em đưa chị gắp chồng con.

Vì được chủ dặn trước, tỳ nữ nói gạt Trương thị:

– Tú tài uống rượu say quá, Hoàng Thân dìu về phòng ngủ ở Tây cung rồi.

– Sao không đưa chàng vào đây?

– Em không biết. Đó là lệnh Hoàng Thân.

– Còn cháu bé của chị đâu?

– Cháu cũng ở bên tây cung có người chăm sóc, lệnh bà khỏi lo.

Trương thị năn nỉ:

– Em làm phước co chị gặp chồng con, chị đội ơn em muôn vàn.

– Em nói thiệt mà. Xin lệnh bà cứ yên tâm.

– Lạ hơi con chị nó khóc hết nước mắt, tội nghiệp, em cho chị gặp con chị đi. Chị van em.

Nữ tỳ lúng túng:

– Cháu nó khóc nhớ lệnh bà… Chừng đem đặt bên Tú tài thì nó … nín khe và ngủ rồi. Lệnh bà hãy tin em và đi nghỉ cho đỡ mệt.

Nói đoạn tỳ nữ ra lệnh cho đám cung phi lui ra ngoài.

Mặc dù tỳ nữ thúc giục đôi ba lần, Trương thị cứ vẫn ngồi yên trên cẩm đôn và một mực đòi gặp chồng con.

Cuối cùng thấy tỳ nữ có vẻ lúng túng, Trương thị đứng phắt dậy đi ra cửa toan mở ra ngoài. Tỳ nữ áo xanh vội níu nàng lại:

– Xin lệnh bà chớ hấp tấp làm kinh động Hoàng Thân e sợ ngài giận. Lệnh bà vui lòng nán lại đây, em xin trình Hoàng Thân quyết định.

Nói đoạn nó đẩy trương thị trở về giường rồi mở cửa đi kiếm Nhị Quốc Cựu trình bày tự sự.

Nhị Quốc Cựu cau mày đáp:

– Mi vô nói với mụ ấy là ta muốn mụ là vợ của ta. Xưa nay không ai dám trái lệnh ta bao giờ. Nếu nó không chịu thì nói thẳng cho nó biết là chồng con nó đã chết cả rồi. Trái lời ta, ta sẽ giết nốt.

Tỳ nữ áo xanh trở vô phòng. Trương thị lo lắng hỏi:

– Thế nào em? Hoàng Thân dạy sao?

– Tâu lệnh bà.. Hoàng Thân muốn từ nay cùng chung sống với lệnh bà như vợ chồng.

Trương thị tái mặt hỏi lại:

– Sao? Em nói gì chị chưa hiểu. Chị là gái có chồng và lại có con rồi. Chắc em nghe lầm.

– Tâu lệnh bà, em không lầm đâu. Hoàng Thân muốn lấy lệnh bà làm vợ.

Trương thị quắt mắt:

– Không khi nào. Hãy thả ta cùng với chồng con ta ra. Nếu không ta sẽ phá cửa cho mà coi.

Tỳ nữ lắc đầu:

– Vô ích lệnh bà ơi. Tú tài và con đã chết cả rồi, lệnh bà hết nơi nương tựa, nên ở lại kết nghĩa với hoàng Thân là hơn cả.

Trương thị nghe vậy vật mình than khóc ầm ĩ rồi toan đập đầu vào cột nhà mà tự vẫn. Tỳ nữ áo xanh nhanh tay níu lại, miệng la cầu cứu chói lói.

Nhị Quốc Cựu vội sai người tỳ nữ khác vô trợ lực tỳ nữ áo xanh dìu Trương thị đem giam trong phòng kín, và thay phiên nhau canh giữ, khuyên dỗ.

Chúng dùng mọi thủ đoạn: hết ngọt đến xẵng, hết ve vãn đến doạ nạt, mà Trương thị chẳng nguôi tấc dạ, vẫn một hai toan tự tử chết theo chồng con.

Thấy vậy Nhị Quốc Cựu bèn cho mời lương y đến bốc thuốc an thần va ra lệnh cho tỳ nữ ép buộc trương thị uống. Thuốc ngấm, làm nàng ngủ thiếp đến hơn mọt ngày mới lại tỉnh.

Bọn tỳ nữ lại xúm lại khuyên giải. Nàng không vật mình than khóc nữa. Trái lại trở nên trầm lặng.

Nàng nằm yên suy nghĩ. Nàng nhớ lại tích xưa ghi trong sách thánh hiền mà hồi sanh tiền Văn Chánh thường đọc và giảng giải cho nàng nghe. Nàng phải thủ tiết với chồng. Điều đó rất đúng. Nhưng nàng phải sống. Sống để trả thù cho chồng con và nhất là để tố cáo với Bao Công hầu loại trừ tên quỉ dâm ô, ỷ thế hiếp người, dẹp bỏ một hiểm hoạ cho phụ nữ có đôi chút nhan sắc.

Nghĩ vậy nàng gượng sầu làm vui.

Nhị Quốc Cựu hay tin cười ha hả lấy bạc vàng gấm vóc thưởng cho đám tỳ nữ và truyền cho rước trương thị trở lại Đông cung. Rồi thì Trương thị đành chịu thất thân với tên Hoàng Thân dâm đãng, độc ác, để chờ dịp báo cừu.

Nàng lấy trộm bạc vàng mua chuộc tỳ nữ để tìm cách trốn ra ngoài phủ.

Chừng một tuần sau ngày bố con Văn Chánh bị sát hại, và bị xô thây xuống giếng, một sáng từng đàn quạ ngửi mùi tử khí, kéo đến đầy khu vườn sau phủ, kêu “quạ, quạ”suốt ngày.

Nhị Quốc Cựu sợ hãi gọi một tên quân tâm phúc vô phòng riêng và hỏi rằng:

– Tụi bây chôn nó ra sao mà quạ đến đông như vậy?

Một tên vội thưa:

– Dạ, chôn chặt dưới ba thước đất.

– Thiệt không hay là trong đêm tối làm ẩu? Có ra xem lại chưa?

– Dạ có xem lại rồi. Nếu Hoàng thân không tin xin mời ra coi. Tay chúng con chôn có hơn bốn chục mạng qua mấy năm nay rồi, đâu có phải lần đầu.

Thực ra thì sáng hôm có quạ kéo đến, bốn tên đã nháy nhau chạy ra giếng thấy xác bố con Văn Chánh nổi lên lờ mờ dưới đáy giếng nên đã lấy đá tảng thả xuống để nhận chìm đi. Bởi vậy cúng mới dám quả quyết như trên.

Nghe nhắc đến số nạn nhân đã qua tay mình, Nhị Quốc Cựu chột dạ nhìn bốn tên thủ túc bằng cặp mắt khó hiểu. Phút sau Nhị Quốc Cựu ra lệnh:

– Tụi bây trở ngay ra chõ đó hun khói cho đàn quạ bay đi. Mà phải kín miệng không thì chớ có trách ta.

Bốn đứa dạ ran, chạy đi thi hành lệnh chủ. Từng đám khói đen bốc lên từ vườn cây, sau dinh Nhị Quốc cựu. Bầy quạ bay tứ tán nhưng lát sau dường như quen với khói chẳng những chúng tụ lại như trước mà còn kêu to hơn như để phản đối nữa.

Trước tình thế ấy, Nhị Quốc Cựu suy nghĩ trọn một ngày đêm rồi qua sáng sau y ra lệnh dời toàn bộ cơ sở về vùng Trịnh Châu. Kể ra thì hắn cũng khôn ngoan. Nếu ở lại đây, người quanh vùng tất sinh nghi. Nay bỏ dinh thự hoang phế thì dù quạ có kéo đến đông gấp mười lần, cũng chẳng có gì phải ngại.

Cho được chắc chắn hơn. Nhị Quốc Cựu ngầm ra lệnh thủ tiêu bốn tên quân tâm phúc, trên con đường từ Thạch Kiều về đất Trịnh Châu.

Y yên trí từ nay không ai có thể tìm ra tội ác của y.

Nhưng mà ông trời có mắt.

Ba tháng sau ngày Nhị Quốc Cựu bỏ dinh mà đi, xẩy có Bao Công nhân khi tuần tra về, có việc trọng đại phải ghé qua Kinh Đô vào triều kiến vua Nhơn Tôn.

Bao Công cỡi con bạch mã thong thả tiến qua vùng Thạch kiều để vào đất đế đô.

Lúc bao Công đi gần tới Phủ cũ của Nhị Quốc Cựu, bỗng một cơn gió trốt thổi ào qua, làm ông suýt bay cả mũ. Cơn sốt soáy trên đầu ngựa của Bao Công rồi di chuyển dần dần đến trên miệng giếng nơi sau vườn Nhị Quốc Cựu thì dừng lại và xoáy mạnh hơn. Bầy quạ sợ hãi bốc cánh bay lên trời và cứ lượn quanh con trốt.

Bao Công dừng ngựa nhìn địa thế hồi lâu rồi trỏ tay về phía con trốt bảo hai anh lính đứng bên:

– Lạ nhỉ. Ta xem chỗ này không đất trống hay sông lớn mà sao con trốt cứ xoáy mãi vào chỗ kia. Chắc là nơi dó có giếng sâu lắm hoặc hang hốc chi đó. Lại thêm có quạ nhiều như vậy hẳn là có chi xu uế. Vây hai người đi ra phía đó coi sự thể thế nào rồi về trình cho ta rõ. Đi lẹ lên, ta chờ ở đây.

Nói đoạn Bao Công xuống ngựa đến dưới bóng mát nghỉ chân.

Hai chú lính công sai hướng theo phía con trốt mà đi. Hồi sau, họ tới phủ của Nhị Quốc Cựu. Thấy bốn bề tường cao vòi vọi, hai chú lính lần tới trước cửa phủ định bụng dòm vô. Bất ngờ thấy cửa đóng im ỉm lại có bảng lớn đề mấy hàng chữ.

Hai lính công sai hoảng hồn, co giò chạy về phi báo với Bao Công:

– Tuân lệnh thượng quan chúng tôi dò theo con trốt thì thấy có tụ ở phía trong dinh thự có tường cao bo bọc.

Bao Công tai nghe, mắt nhìn theo con trốt thấy nó tan dần. Ông liền hỏi thuộc hạ:

– Sao không dòm vô coi sự thể ra sao?

– Dạ, chúng tôi không dám vì ở cổng có bảng đề “Nếu ai dòm ngó thì khoét mắt, còn ai chỉ trỏ thì chặt tay”.

(Bạn đọc còn nhớ chính vì mấy hàng chữ này mà bữa trước Văn chánh sợ hãi kêu vợ quay về không dám đi tới nữa).

Bao Công nghe nói, cau mày, nổi giận:

– Không phải là cung điện Đức Vua mà sao dám đề như vậy?

Viên thơ lại già đứng bên góp ý kiến:

– Thưa thượng quan, chắc là Vương phủ của bậc nào đó.

Bao Công gắt:

– Ngoại trừ Hoàng Cung , không nơi nào được phép đề như vậy dù là Hoàng Thân quốc thích hay quan nhất phẩm trào đình. Bây đâu, dắt ngựa lại đây để ta đích thân đến coi xem ai mà lộng hành như vậy?

Tới trước phủ Nhị Quốc Cựu, Bao Công thấy cửa đóng im ỉm. Ngoại trừ tấm bảng đe doạ trên đây, không thấy có bảng hiệu chi cho biết danh chức tước của chủ nhân dinh cơ này.

Bao Công sai lính gõ cửa hồi lâu cũng không thấy bên trong động tĩnh gì . Ông bảo viên thơ lại cho quân đi kiếm quanh đó xem có ông già bà cả nào thì mời đến cho ông hỏi chuyện.

Lát sau lính dẫn một ông già lối sáu mươi tuổi nhưng còn quắt thước, về trình.

Bao Công liền cho tả hữu lui ra xa rồi ông xuống ngựa ôn tồn hỏi ông già:

– Lão cho biết phủ này của ai không?

– Dạ, của một Hoàng thân là Tào nhị Quốc Cựu.

Bao Công cau mày:

– Dẫu cho Hoàng thân đi nữa, cũng không cất nhà lớn như vậy được.

Ông già thiệt thà nói thêm:

– Hoàng thân xây dinh thự lớn như vầy ở ngay đất thần kinh, chắc hẳn có sự ưng thuận với đức Vua.

– Triều đình có đặt ra phẩm trật, luật lệ hẳn hoi. Nếu biết tất Hoàng thượng không khi nào chịu để như vậy, dù người đó là Nhị Quốc Cựu.

Ông già thở dài:

– Thượng quan đi tuần tra các nơi ít về chốn kinh đô nên chưa biết rõ Nhị Quốc cựu đó thôi…

– Lão nói sao?

– Quyền thế của Nhị Quốc Cựu xem ra còn lớn hơn nhà vua.

Nói đến đây ông nín bặt, nhìn Bao Công như dò xét. Bao Công cười bảo:

– Lão cứ nói đi. Cứ trông dinh cơ rộng lớn huy hoàng thế này ta cũng đã đoán ra phần nào rồi. Lão hãy nói tất cả sự thật đặng giúp ta loại trừ bớt bọn phản thần, hại vua, hại dân.

– Thưa thượng quan… Đây là Nhị Quốc Cựu…

– Lão cứ nói, ta sẽ làm theo lẽ phải. Nếu vua không nghe ta thì ta sẽ phải chết. Nhưng ta chắc không đến nỗi nào. Ta biết tánh đức vua lắm. Lão hãy nói mau đi.

– Đại nhân có hỏi tôi mới dám nói. Nhị Quốc Cựu này lộng hành quá lắm. Mỗi lần ông ta ra đường dân phải kép nép cung kính như đối với vua. Kẻ nào phạm tới ông ta là bị bắt giam, xiềng xích liền. Ông ta lại là người dâm đãng vô cùng. Tuy còn là độc thân mà trong dinh chia ra Đông Cung và Tây cung với hàng chục mỹ nữ. Vậy mà hễ gặp đàn bà con gái có nhan sắc là ông ta lại cho theo dò rồi dụ vào trong phủ thoả mãn thú tính. Người ta đồn nạn nhân không bao giờ thấy trở về nhà.

– Theo lão thì họ đã bị Nhị Quốc cựu giết chết?

– Thưa không rõ. Giết hay giữ lại nuôi trong phủ điều đó tôi không rành lắm.

– Thế sao không thấy gia đình nạn nhân khiếu nại?

– Thưa đại nhân, phần thì họ sợ vua đã không chạm được Nhị Quốc Cựu mà còn bị trả thù là khác phần thì có nhiều người hoặc bị bắt từ xa đưa về hoặc bị sa vào bẫy của Hoàng thân khi đi ngang qua kinh đô này, như thế mà người nhà biết đâu và biết ai mà cáo?

– Chà, bọn này quỷ quyệt thật.

– Dạ, mưu mẹo lắm. Riêng tôi, tôi có biết trường hợp vợ chồng nhà nọ có đứa con ba tuổi cách đây hơn ba tháng được mời vô phủ chơi, chừng tới bữa Nhị Quốc Cựu dọn đi, tôi không thấy cha con nhà ấy.

– Còn người vợ đâu? Họ làm nghề gì?

– Tôi không biết? Có lẽ vợ đi theo đám mỹ nữ của Nhị Quốc Cựu. Nghe nói người vợ đẹp lắm còn chồng là học trò.

– Đi đâu?

– Dạ không biết rõ, nghe nói về vịnh Trịnh Châu.

– Lão có chắc chồng con người đó bị giết không?

– Dạ không biết đích xác.

– Thế là khó tra quá. Chỉ còn cách khám xét Phủ này mà thôi.

– Tôi cũng nghĩ vậy. Nhưng nêu nhỡ không tìm thấy bằng chứng gì thì đại nhân sẽ bị nguy hiểm.

Bao Công lắc đầu:

– Lão chớ ngại cho ta, dù không tìm thấy chi khả nghi. Nội một cái Phủ xây cất như Hoàng cung lại bỏ phế thế này, ta cũng có quyền vào xem rồi.

Ông già chưa hết thắc mắc:

– Xin đại nhân giữ kín cho kẻ họ biết tôi tọc mạch thì tính mạng chẳng còn.

Bao Công gật đầu:

– Ta có cách khiến không ai nghi ngờ cho lão cả. Tuy nhiên để đề phòng, ta thưởng cho lão một số bạc đi vùng khác làm ăn.

Nói đoạn Bao Công ngầm lấy bạc trao tặng cho ông lão rồi cho ông ta lui gấp. Ông già vừa quay lưng đi, Bao Công chợt nhớ ra điều gì liền gọi giật lại hỏi nhỏ:

– Lão có thấy đàn quạ đang bu kín vòm cây phía sau dinh không?

– Dạ có.

– Mới có hay lâu nay vẫn thế?

– Dạ mới co lối ba tháng ngoài.

– Dưới chỗ đó có chi không?

– Dạ nghe nói có giếng Quỳnh Hoa.

Bao Công suy nghĩ một lát rồi lẩm bẩm:

– Giếng Quỳnh Hoa, cách đây ba tháng, vào thời kỳ vợ chồng anh học trò bị sa bẫy. Lạ thiệt.

Khi ông già đi khỏi, Bao Công vẫy đám quân hầu lại mà bảo rằng:

– Lão già này chẳng cho được tin tức gì cả. Thôi tụi bây cứ bẻ khoá, phá cửa cho ta vô.

Bọn sai xúm lại bẩy chiếc khoá đồng to bằng cườm tay nơi cửa ra vào.

Lát sau,khoá bật tung, Bao Công điềm nhiên cỡi ngựa thong thả tiến vào, theo sau là toán quân hầu và đám thơ lại.

Tới trước phòng có bảng đề “chánh điện” Bao Công lần lượt sục sạo khắp nhà, từ Đông cung sang Tây cung. Đồ đạc để lại khá nhiều, chỉ những thứ cần thiết được dọn đi mà thôi. Sau khi xem xét kỹ các phòng, Bao Công trở lại Chánh điện tức là phòng khách của Nhị Quốc Cựu.

Ông ngồi vào án thư rồi gọi thơ lại sắp bút nghiên cho ông làm việc.

Bao Công ngồi viết một lát rồi kêu hai thám tử Vương Hưng và Lý Triết vô mà dạy rằng:

– Hai người mở rộng tất cả các cửa trong ngoài rồi ra trước cổng phủ thay phiên nhau rao thật to như sau cho ta:

“Hỡi các vonng hồn uổng tử, hỡi những kẻ bị hàm oan hay bị ức hiếp, nay Bao Đại nhơn tuần tra tới phủ Tảo Nhị Quốc Cựu “có mượn tạm nơi đây làm chổ đăng đường. Vậy ai có điều chi cứ đôi đơn vào khiếu oan. Đặt biệt con ma trốt, Bao đại nhơn truyền cho vào trước nhất”.

Hai người nhớ rõ chưa?

Vương Hưng và Lý Kiết sửng sốt, đưa mắt nhìn nhau, rồi cùng ngập ngừng thưa:

– Dạ… chúng tôi…nhớ rồi.

Bao Công gật đầu:

– Vậy tốt lắm. Hai người ra cửa phủ thi hành ngay lệnh của ta mau. Nhớ hướng về tứ phía mà rao cho to, đến chừng nào ta bảo thôi hay thấy nổi gió to thì hãy trở vào.

Vương Hưng và Lý Kiết vừa lui ra khỏi Chánh điện thì Bao Công đã kêu viên thơ lại già vào và ra lệnh:

– Ngươi cho bảo các thơ lại vô sửa soạn làm việc và kêu bốn lính hầu vác gươm đứng hai bên án thư của ta đây. Còn bao nhiêu công sai khác chia nhau dọn dẹp chỗ nghỉ và làm cơm tối, đêm nay ta ở lại đây.

Viên thơ lại hỏi:

– Thưa thượng quan, mai sớm lại đi luôn?

– Cái đó chưa biết. Đến mai sẽ hay. Có khi đi ngay mà cũng có khi ở lại đôi ba ngày cũng nên. Thôi ngươi thi hành lậnh ta ngay kẻo chiều xuống rồi.

Viên thơ lại vái chào lui ra và lối một khắc đồng hồ sau, ai đã vào việc nấy. “Chánh điện” của toà Nhị Quốc Cựu biến thành công đường của Bao Công.

Bao Công ngồi nghiêm trang trước án thư, mắt nhìn thẳng ra cổng phủ, tai lắng nghe lời rao của vương Hưng Lý Kiết.

Thơ lại và quân hầu hết nhìn Bao Công lại dòm ra cửa, lòng nghi hoặc chẳng hiểu ra sao.

Vương Hưng và Lý Kiết rao được một lát vẫn thấy trời lặng gió yên. Mặt trời đã xuống tới ngọn tre. Nắng vàng thoi thóp trên hàng cau trước nơi “Chánh điện”. Chẳng thấy ma nào đến khiếu oan cả, kể cả con ma trốt. Mọi người thất vọng liếc nhìn Bao Công. Ông vẫn thản nhiên như không, tay vuốt vuốt chòm râu, mắt vẫn đăm đăm nhìn ra cửa.

Bỗng bức rèm nơi Chánh điện lay động. Một làn gió nhẹ từ ngoài thổi vào rồi liền theo đó một trận gió cuốn cờ ầm ầm chạy tới. Một con trốt cuốn cát bụi mịt mù chạy vào cửa phủ rồi tràn vào chánh điện.

Giọng Bao Công vang lên như sấm giữa tiếng gió ào ào:

– Anh kia bồng con đi đâu?

Lính hầu và thơ lại không trông thấy bóng ai và cũng chẳng nghe thấy ai trả lời, ngoài tiếng gió ù ù.

Phút sau tiếng Bao Công lại vang lên:

– Vậy là anh và con anh bị sát hại cách đây ba tháng còn vợ anh thì bị đem đi nơi khác nên không làm đơn tố cáo được phải không? Thôi được ta chấp đơn của hồn và cho hồn lui để ta làm việc.

Ngọn gió yếu dần, yếu dần rồi tắt hẳn. Lúc đó trời đã sẩm tối, Bao Công bãi phiên đăng đường.

Đêm đó Bao Công thức khuya lắm. Ngồi vào án thư viết lách chán, ông lại đứng dậy đi bách bộ trong phòng hoặc ra sân ngắm tinh tú trên trời đến cả giờ đồng hồ. Xem chừng Bao Công suy nghĩ nhiều lắm. Đến khi ông vô giường nằm thì canh ba đã hầu tàn.

Sáng sau, Bao Công trở dậy sớm, ra sau dinh, đứng nhìn về phía vườn một lát rồi quay trở vào Chánh điện. Ông lẩm bẩm:

– Thiệt là khó quá. Khám nhà một Hoàng Thân đâu phải chuyện chơi. Lại phải khéo léo lắm mới xong. Tốt hơn hết là không đả động gì tới việc tìm xác chết vì lỡ ra không thấy chi thì sẽ không bị phiền luỵ không ít. Làm thế nào bây giờ?

Bao Công cau mày suy nghĩ hồi lâu, bỗng ông xoa tay mỉm cười đi thẳng vào phòng ngồi trước án thư rồi cho thơ lại kêu tất cả lính công sai đến nghe lệnh.

Lát sau, công sai tề tựu đông đủ trước công đường.

Bao Công chậm rãi nói:

– Chiều qua, có con ma trốt đưa đơn khiếu nại. Tới đêm oan hồn lại hiện về mách ta là tại nơi vườn Tào Phủ này có giếng Quỳnh Hoa. Dưới giếng có mấy lượng vàng ròng của oan hồn bỏ rớt, ai xuống lấy được mang lên thì cho một nửa. Chẳng hay trong bọc các ngươi có ai tình nguyện không?

Bọn công sai đưa mắt nhìn nhau. Lát sau các thám tử Vương Hưng vàLý Kiết chịu đi. Hai người đem dây và thang tre ra giếng Quỳnh Hoa. Khi gần tới nơi, Vương Hưng đi trước bỗng la lên:

– Cha,ø giếng này hôi thúi quá.

Lý Kiết gật đầu:

– Ừ hôi thiệt. Chắc là giếng bỏ lâu có con gì chết ở dưới chăng.

Cả hai dòm xuống đáy giếng thấy lờ mờ bóng nước. Chuẩn bị xong. Vương Hưng bám theo dây tụt xuống trước, Lý Kiết theo liền sau.

Giếng khá sâu xong mực nước chỉ tới đầu gối. Hai người mò một lát thì cùng đụng phải xác Văn Chánh và đứa con ba tuổi. Họ kinh hoảng leo vội trở lên và chạy về gấp báo với Bao Công.

Bao Công khẽ thốt: “vậy là đúng rồi” nhưng vẫn giả bộ không tin, la hai công sai:

– Các ngươi đừng để hồn nát thần tính. Giếng trong Tào phủ này làm gì có xác chết được. Tụi bây rủ thêm người ra coi lại, nếu phải thì hãy vớt lên cho ta coi, ta sẽ thưởng, nhược bằng không phải thì sẽ bị hình phạt đó nghe.

Vương Hưng và Lý Kiết tuân lệnh, chạy ra hô thêm mấy công sai đi theo ra vớt xác cha con Văn Chánh đem lên đặt trên bờ giếng.

Bao Công hay tin vội chạy ra xem xét hai tử thi và cho kêu Lý trưởng sở tại đến chứng kiến và lập biên bản. Sau đó ông sai lính mua áo quan liệm xác cha con Văn Chánh lại rồi cho khiêng về tạm quàn tại phía vườn sau phủ Khai Phong và là nơi ông trị nhẫm. Ông ra lệnh cấm không cho ai được đụng đến và phải canh chừng cẩn thận.

Đoạn Bao Công kêu một thám tử thân tín vô dạy rằng:

– Ngươi khá coi xem Thái Quận phu nhơn và Tào Đại Quốc cựu hiện giờ ở đâu. Ta nghe nói dọn về nhà mới từ ít tháng nay mà không biết rõ địa điểm. Luôn tiện ngươi coi lại xem có phải tào Nhị Quốc Cựu dời về trịnh Châu không?

Thám tử tuân lệnh mở cuộc điều tra cấp tốc. Chiều lại, hắn trở về báo cáo:

– Thưa thựng quan, Thái phụ phu nhơn và Tào Đại Quốc Cựu đã về ở nhà mới tại Sư Nhị Cảng còn tào Nhị Quốc Cựu thì dọn về Trịnh Châu thật rồi.

Bao Công gật đầu đáp:

– Ngươi ra ngoài chờ lát nữa dẫn đường cho ta. À nhớ kêu Trương Thiên và Mã Vạn vô ngay có việc gấp.

Thám tử vái chào lui ra. Lát sau hai công lại lật đật vào hầu. Bao Công đẩy túi bạc nhỏ trên án thư và bảo họ:

– Các ngươi đi mua ngay cho ta một con dê đực mập và khẻo, cùng hai chai rượu cúc. Đi lẹ lên mà về cho kịp ta lên đường. Lúc ra biểu đóng ngựa sẵn nghe.

Trương thiên và Mã Vạn dạ ran, lãnh bạc, hối hả đi ngay.

Chừng một tiếng sau, mọi sự đã chuẩn bị xong xuôi, Bao Công sai thám tử đi trước dẫn đường còn ông cỡi ngựa thủng thẳng đi sau với hai công sai đứa dắt chú dê xồm, đức ôm hai chai rượu cúc.

Tới dinh của Thái Quận phu nhơn, Bao Công xuống ngựa vái chào mẹ vợ vua Nhơn Tôn. Lúc này Tào Quốc Đại Cựu còn ở trong trào chưa về. Bao Công kêu lính dắt dê và bưng rượu tới rồi ông thản nhiên nói với Thái Quận phu nhơn:

– Thưa phu nhơn, gọi là có chút lễ mọn mừng Đại Quốc Cựu nay dọn về nhà mới.

Liếc nhìn lễ vật, mẹ vợ vua Nhơn Tôn nổi giận đùng đùng trỏ mặt Bao Công mà quở rằng:

– Sao ông dám kinh con ta, đem lễ vật không xứng đáng tới mừng như vậy? Thôi ông về đi.

Bao Công làm thinh không đáp chỉ lạnh lùng ra hiệu cho hai lính công sai đem lễ vật về. Đoạn ông lững thững quay gót trở ra nhảy lên ngựa về nhà, được nửa đường thì gặp Tào đại Quốc Cựu tan chầu, cỡi ngực trắng đi tới.

Hai bên cùng hạ mà thi lễ. Tào đại Quốc Cựu vui vẻ hỏi Bao Công:

– Chẳng hay đại nhơn đi đâu mà tới đây?

Bao Công mỉm cười đáp:

– Bổn chức vừa được biết Thái Quận Phu nhơn và Đại Quốc Cựu dọn về nhà mới nên đem chút lễ vật này đến mừng chẳng may xuất hành gặp giờ đại hung nên bị phu nhơn mắng đuổi đem về.

Miệng nói tay Bao Công trỏ vào chú dê xồm và hai chai rượu.

Tào Đại Quốc Cựu vốn biết tánh hạnh em mình (tức Tào Nhị Quốc Cựu) nên giật mình hiểu thâm ý của Bao Công. Ông ta cố giữ vẻ bình tĩnh ân cần xin lỗi Bao Công:

– Xin đại nhơn thứ lỗi cho. Mẫu thân tôi tuổi già hay khó tính. Chẳng mấy khi rồng đến nhà tôm xin mời đại nhơn quá bộ trở lại cho tôi được thù tiếp, thực là vạn hạnh.

Bao Công lựa lời khước từ rồi hai bên chia tay nhau.

Về tới nhà, Tào Đại Quốc Cựu vội vào bảo mẹ:

– Dọc đường con gặp Bao Công. Ông ta nói đem lễ vật đến mừng con, sao mẹ làm nhục ông ta làm chi.

Thái Quận phu nhơn chưa nguôi cơn giận, gay gắt nói:

– Nó dâng lễ vật như thế là có ý miệt thị con và em con. Khi nào ta lại làm ngơ được.

Tào Đại Quốc Cựu thở dài đáp:

– Hẳn mẹ đã rõ em con thường hay làm điều ngang trái, gây chuyện oán cừu. Bao Công mà chưa biết thì mẹ con ta cũng còn phải lo gây cảm tình với ông. Huống chi nay ông ta đã ám chỉ đến em con mà mẹ lại còn làm mất lòng ông ta. Ông tức mình thẳng tay điều tra phanh phui sự thật thì tánh mạng em con ắt chẳng còn.

Thái Quận phu nhơn cả cười bảo con:

– Gái ta là Chánh cung Hoàng Hậu, ta há gì sợ gì thằng Bao Công?

Tào Đại Quốc Cựu giơ tay lên than trời rằng:

Thôi rồi, mẹ đã đánh giá Bao Công quá thấp đến vua lầm lẫn mà ông ta còn chẳng e ngại, cứ thẳng lời vạch rõ điều hơn lẽ thiệt thì Hoàng Hậu mà che chở cho em trai làm bậy, ông ta há cả sợ sao? Mẹ có biết là Bao Công vừa tìm được xác haicha con Van Chánh mà em con đã ra lệnh giết và ném xuống giếng Quỳnh Hoa trong phủ nó không?

Thái Quận phụ nhơn giật mình hỏi:

– Con nói cha con Văn Chánh nào? Mà em con đã bỏ nơi đó từ ba tháng ngoài rồi mà.

– Mẹ còn nhớ bữa em con ghé qua đây trên đường dọn về Trịnh Châu, Trong đám mỹ nữ đi theo em con, có một thiếu phụ nhan sắc tuyệt trần mà mẹ hỏi chuyện mãi đó không?

– À, phải người ấy tên là Trương thị không?

– Chính nó ấy mẹ à. Chồn nó là Văn Chánh, có đứa con ba tuổi, từ phủ Triều châu lặn lội về đây dự thị.

– Sao con không nói ngay lá anh Tú tài Triều Châu thì mẹ nhớ ngay mà lại hô Văn Chánh, Văn Chánh thì mẹ đâu có biết.

– Thì Văn Chánh là tên chàng Tú tài triều Châu, chồng trương thị đó.

Thái Quận phu nhơn bắt đầu lo sợ:

– Mà có chắc đó là xác hai cha con Văn chánh không đã chớ?

– Thì lính Bao Công nó vớt được ở dưới đáy giếng trong phủ của em con, ác một người đàn ông và đứa nhỏ thì chẳng phải là bố con Văn Chánh thì còn ai nữa.

– Liệu Bao Công nó có biết xác chết là ai chưa?

– Con chắc là chưa. Và hắn phải tìm cho ra. Do đó hắm mới dò đến đây. Con lo lắm mẹ ơi, hắn có tài tra án như thần, con ngại cho con em lắm.

Thái Quận phu nhơn mất hết nhuệ khí, lo lắng hỏi con:

– Con có cách nào cứu em con không?

Tuy Bao Công tìm ra xác cha con Văn Chánh nhưng chắc ông ta chưa biết tông tích nạn nhân. Nay chỉ còn một cách là viết thư báo cho em con biết và bảo nó giết trương thị để khỏi lo hậu hoạ vì theo em con thì trương thị vẫn tìm cách trốn đi.

– Mẹ thấy nguy hiểm quá. Lỡ ra Bao Công nó cho rình mò rồi chận xét lấy được thư thì chết.

– Bởi thế mẹ cần viết ngay và cho đem đi gấp. Hiện giờ thì Bao Công chưa dám làm vậy đâu vì chưa rõ thực hư vụ này ra sao. Cho được cẩn thận mẹ cứ dặn em con thủ tiêu luôn cả những tên hầu cận nào biết qúa rõ chuyện làm của em con. Và khi đọc thư xong nó nên huỷ đi. Mẹ nhớ bảo em con chớ vì sắc đẹp của trương thị mà chùn tay. Trương thị bắt được tin trên, thế nào cũng tìm cách đi cáo với Bao Công. Lúc đo khó lường được tai hoạ cho gia đình ta.

– Thái Quận phu nhơn xanh mặt, lật đật lấy giấy bút viết mật thư rồi sai kẻ tâm phúc phóng ngự đi ngay chiều đo đến Trịnh Châu, giao tận tay Nhị Quốc Cựu. Tên tâm phúc vô tới phòng Nhị Quốc cựu vừa lúc lên đèn.

Đọc xong thư, Nhị Quốc Cựu ngồi lặng người trên ghế một lát, trán đổ mồ hôi hột. Hắn đọc lại bức thư rồi châm vào ngọn bạch lạp. Sau đó hắn viết ba chữ cho Thái Quận phu nhân rồi kêu tên tâm phúc vô thưởng bạc và sai đem hồi âm về.

Đoạn hắn kêu nữ tỳ áo xanh vẫn thường lo hầu hạ Trương thị vô lấy bạc ra cho và bảo rằng:

– Đây là ta thưởng công cho ngươi đã vì ta mà phải khó nhọc trông nom lệnh bà. Nay ta sắp chính thức lấy lệnh bà làm vợ vậy ngươi khá lấy rượu ép nàng uống cho thực say tối nay. Nếu nàng không say, nhà ngươi sẽ bị trừng phạt nặng nề đó.

Tì nữ được bạc vái chào Nhị Quốc cựu rồi thưa:

– Xin Hoàng Thân cứ tin nơi tiện thiếp.

– Vậy ngươi hãy về mời lệnh bà sửa soạn lát nữa ra huê viên dự tiệc.

Tỳ nữ quay vô, Nhị Quốc Cựu truyền đầu bếp dọn tiệc rượu nơi huê viên trước nhà.

Lát sau, Trương thị và Nhị Quốc Cựu cùng ngồi vô bàn. Dưới ánh đèn lồng, Trương thị hiện ra rực rỡ trong bộ xiêm y. Nhị Quốc Cựu nhìn nàng say đắm. Hắn tự bảo thầm: “Nó đẹp quá, giết đi thì uổng mà để lại tất sanh hoạ với Bao Công. Thôi cũng đành vậy”.

Nhị Quốc Cựu nâng ly rượu nhìn tỳ nữ rồi nói với Trương thị:

– Mời nàng uống với ta đêm nay… cho trọn mối lương duyên… giữa nàng và ta.

Vì có lời dặn trước của chủ nhân nên tỳ nữ ép Trương thị cạn hết chén này sang chén khác. Khi Trương thị đã chếnh choáng hơi men, Nhị Quốc Cựu ra hiệu cho tỳ nữ dìu nàng về phòng.

Sau đo,ù hắn trở vô nhà, chờ đến gần canh ba, mọi người đã ngủ say mới xách đoản đao vô phòng trương thị.

Nhị Quốc Cựu nhẹ nhàng tiến đến bên giường. Tay trái y khẽ vén mùng tay phải giơ cao thanh đoản đao. Nhìn dung nhan kiều diễm của trương thị hắn thở dài, buông mùng xuống, dắt đoản đao vào lưng rồi nhẹ nhàng quay gót trở ra. Hắn ra thẳng huê viên, đi tới đi lui, nét mặt đăm chiêu. Hơi men thấm vào huyết quản làm cho hắn mệt mỏi vô cùng. Hẳn lẩm bẩm:

– Mình ngu quá, chưa gì đã cho thủ tiêu bốn tên tâm phúc bữa trước. Phải chi còn bọn nó thì nhẹ xác cho mình bao nhiêu. Bây giờ biết đứa nào chịu hạ thủ Trương thị cho ta? Mà biết kêu đứa nào đây?

Hắn òn đang loay hoay suy tính xảy có một lính hầu là Trương Công xách đèn đi tuần, tiến tới. Anh này được là tiếng đứng đắn vá kín tiếng. Trương Công thấy có bóng người thấp thoáng giữa huê viên liền đánh tiếng hỏi:

– Ai đó?

Nhị Quốc Cựu giật mình quay lại nhận ra Trương Công liền nói như reolên:

– À,ta đây.

– Sao giờ này Hoàng Thân chưa đi nghỉ còn dạo mát ngoài vườn cây?

Nhị Quốc Cựu tiến lại gần nói:

– Ta có chút việc khó xử quá, chỉ có ngươi mới giúp được ta thôi.

– Xin Hoàng thân cứ dạy, tôisẵn sàng tuân lệnh.

Nhị Quốc Cựu liền đem việc thủ tiêu Trương thị nói cho trương Công nghe rồi rút đoản đao trao cho thuộc hạ.

Trương Công nói:

– Hoàng Thân đã tín nhiện ủy cho tôi thi hành công việc đặc biệt này. Nhưng tôi thiết nghĩ chém chết nó chẳng xong đâu vì nó lại sanh yêu quái quấy phá. Chi bằng nhân lúc nó say rượu, đem trói gô lại liệng xuống giếng là xong. Xin Hoàng Thân cất đoản đao đi.

Nhị Quốc Cựu khen là diệu kế rồi kéo Trương Công vô nhà mở tủ lấy mười lượng bạc trao cho và bảo:

– Đây ta thưởng công cho ngươi. Bây giờ ngươi theo ta vô phòng trương thị trói nó lại rồi vác đi ném xuống giếng hoang nào ở quanh vùng cho ta.

Nói đoạn Nhị Quốc Cựu dẫn Trương Công đi về phía phòng trương thị. Được vài bước hắn chợt nghĩ ra điều chi liền bảo anh lính hầu đứng chờ nơi hành lang rồi hắn tất tả đi kêu tỳ nữ và ra lệnh cho họ lột hết xiêm y trên người trương thị và mặc thế vào đó quần áo thường dân của nàng lúc trước.

Xong xuôi Nhị Quốc Cựu đuổi hết tỳ nữ ra ngoài rồi kêu trương Công vô trói gô Trương thị lại.

Lúc Trương Công vác Trương thị ra tới vườn sau thì trống cầm canh đã điểm ba tiếng.

Trương Công đi lần trong đêm tối tới cổng hậu sau vườn thì đặt trương thị xuống đất rồi cởi trói cho nàng .Đoạn anh ta ngồi xuống bên cạnh chờ người đẹp tỉnh lại.

Năm nay trời trở rét sớm. Mặt đất lạnh băng. Gió bấc rít từng cơn.

Lối mười lăm phút sau, Trương thị đã ú ớ rồi choàng dậy. Thấy mình ngồi trên bại đất giữa đêm khuya lạnh lẽo, bên một bóng đen, nàng hoảng hồn toan la lên thì trương Công đã ôn tồn nói:

– Xin nàng hãy bình tâm. Tôi là trương Công, lính hầu của Nhị Quốc Cựu nay thấy chủ vô cớ muốn sát hại nàng nên tôi vờ nhận để có dịp cứu nàng. Vậy nàng hãy theo toi6 ra cửa hậu mà đi.

Trương thị đặng oà lên khóc và thuật lại bước trầm luân khổ ái của mình cho Trương Công nghe.

Trương Công thở dài:

– Tôi được giới thiệu về làm với Quốc Cựu mới hai tháng nay thành ra không hay biết chi về dĩ vãng của Quốc cựu. Phải nàng nói bị sa vào bẫy Quốc Cựu cùng với chồng và đức con ba tuổi không?

– Phải, nhưng chẳng biết chồng và con tôi sóng chết ra sao? Bác có nghe đặng tin gì không?

Trương Công buồn rầu đáp:

– Nàng hãy bình tĩnh và can đảm lên. Chiều nay toi6 có người bà con ở vùng Thạch Kiều ghé qua nhàcho biết là Bao đại nhơn mới tìm thấy dưới giếng Quỳnh Hoa sau vường Tào phủ xác một người đàn ông và một đứa nhỏ. Không biết có phải đó là chồng nàng không.

Trương thị khóc nức nở:

– Đích thị rồi, bác ơi.

Trương Công an ủi:

– Đêm khuya vắng vẻ nàng đừng khóc lóc kẻo có người nghe thấy thì nàng và tôi cùng mất mạng. Nếu thực tâm nàng muốn báo cừu thì kiếm cách gặp đặng Bao đại nhơn mà cáo. Đừng khóc than, chẳng có ích gì.

Trương thị mếu máo:

– Biết phủ Bao Công ở đâu mà tìm và tiền đâu mà đi tới đó cho đặng?

– Nàng hãy cầm lấy mười lạc bạc của Quốc Cựu thưởng tôi làm tiền ăn đường. Còn Bao đại nhơn hiện đã về phủ Khai Phong ở gần Đông Kinh đó. Như nàng nói co trọ ở tiệm Huỳnh bà thì hay lắm. Vì từ tiệm ngủ đó tới phủ Khai phong cũng gần. Nàng phải cẩn thận chớ tiết lộ cho ai kẻo lọt vào tai tay chân Quốc Cựu thì khó toàn mạng đó.

– Thế còn bác ở lại đây, bọn họ biết tôi còn sống thì cũng nguy hiểm.

– Nàng đừng lo. Tôi cũng sẽ bỏ đi nơi khác. Cứ xem tánh tình Quốc Cựu thì dù tôi có giết nàng ông ta cũng sẽ tìm cách loại trừ tôi sau này. Đi trước là hơn.

Nói đoạn, Trương Công móc túi lấy bạc trao cho Trương thị.

Trương thị trả lại một nửa và nói:

– Tôi xin bác năm lượng là quá đủ rồi.

Trương Công gạt đi:

– Nàng cứ cầm cả thì hơn. Tôi không cần dùng đến. Vả lại nàng cũng nên phòng trường hợp Bao đại nhơn vắng nhà phải ăn chực nằm chờ ở đó. Mà nhớ phải cáo với chính Bao đại nhơn đừng có lộn mà mang hoạ. Nàng đừng quên cải trang cho không ai để ý… kẻo rồi thoát được tay Nhị Quốc Cựu lại rơi vào tay bọn khác…

Trương thị quỳ lạy tạ Trương Công:

– Đa tạ những lời vàng ngọc của bác. Xin bác sẽ cho biết sẽ về đâu để sau này tôi được đền ân bác đã giúp tôi báo thù nhà.

– Không có chi mà ân với huệ. Thôi bây giờ gần sáng rồi, nàng hãy đi cho được việc

Vừa nói, Trương Công vừa đứng dậy mở cửa hậu cho Trương thị ra rồi lại đóng lại và trở về trình Quốc cựu là mình đã … hoàn thành sứ mạng giết trương thị.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN