Bao Công xử án - Chương 9
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
105


Bao Công xử án


Chương 9



(đây là vụ án mà Bao Công chịu không tra ra thủ phạm)

Ngày xưa, tại xứ Đường Châu, thuộc tỉnh Sơn Đông, bên Tàu, có một cô gái tên là Phòng Thoại Loan, xinh đẹp, nết na và rất mực thủy chung, nhưng phải cái rất nghèo.

Năm 16 tuổi, nàng lấy chồng làm ruộng ở cùng xứ tên là Châu Đại Thọ. Người này cha chết đã lâu nhà chỉ đủ ăn lại thêm còn mẹ già phải phụng dưỡng.

Tuy nghèo mà cảnh gia đình thiệt là hòa thuận đầm ấm, yên vui.

Sáu năm trời trôi qua, Phòng thị cũng chưa có tin mừng chi cả. Trái với các bà mẹ khác, mẹ Châu Đại Thọ vẫn quý mến con dâu, nhiều lần còn kiếm lời an ủi nàng. Còn chồng Phòng thị, anh cũng không vì vậy mà lạnh nhạt hắt hủi vợ.

Nhờ vậy Phòng thị cũng bớt ưu tư phiền muộn. Nàng thường cầu Trời khấn Phật cho nàng được một mụn con trai để nói dõi tông đường họ Châu.

Mùa xuân thứ bảy sau ngày lấy chồng, Phòng thị được như ý sở cầu. Sáng đó, trong tiết xuân ấm áp, dưới ánh xuân dịu dàng, trăm hoa đua nở, chim hót vang lừng, Phòng thị e lệ báo tin mừng cho mẹ chồng hay.

Châu mẫu cả mừng lật đật đi loan báo khắp hai họ nội ngoại và bạn bè thân thuộc. Qua bữa sau thôn xóm đều hay biết. Ai gặp Phòng thị cũng hỏi thăm khiến nàng vừa thẹn lại vừa vui.

Cuối thu năm ấy, Phòng thị sinh hạ được một em trai kháu khỉnh, mập mạp, được cụ Tiên chỉ vốn cùng họ với chồng nàng, đặt tên là Châu Khả Lập.

Khả Lập được một tuổi thời Châu Đại Thọ lâm bạo bệnh qua đời, để lại mẹ già, vợ dại, con thơ. Năm ấy, Phòng thị tuổi vừa hai mươi bốn.

Nàng ở vậy nuôi con và phụng dưỡng mẹ chồng rất mực cung kính. Năm sau bà cụ cũng cưỡi hạc quy tiên. Từ đó, Phòng thị vẫn can đảm một sương hai nắng, thắt lưng buộc bụng, tần tảo nuôi con.

Xóm trên có người tên là Vệ Tư Hiền, nhà giàu có, nhưng góa vợ và tổi ngoài bốn mươi nay muốn tục huyền. Nghe danh Phòng thị là người hiền đức Vệ Tư Hiền nhiều lần cậy người làm mai xin dẫn 30 lạng bạc làm lễ cưới. Nhưng Phòng thị lễ phép khước từ lấy cớ còn phải nuôi cho con khôn lớn.

Vệ Tư Hiền nghe vậy càng đem lòng quý mến Phòng thị cho nên ông vẫn nhờ người thỉnh thoảng tới thăm mẹ con Khả Lập, tuy ông không có hy vọng gì được toại nguyện.

Thắm thoát Châu Khả Lập đã được 18 tuổi. Lập thờ mẹ rất hiếu thảo chăm lo làm lụng suốt ngày, sáng đi làm việc đồng áng tối về lại xoay ra bửa củi, giã gạo. Nhờ vậy mẹ con xem ra ngày càng khá hơn xưa.

Khắp xứ ai cũng khen Khả Lập và thường lấy chàng làm gương răn dạy con cái. Nhiều nhà có con gái tới tuổi cặp kê cũng năng lui tới thăm hỏi Phòng thị với hậu ý muốn chọn Khả Lập làm rể. Phòng thị cũng thấy mát mặt với thiên hạ, thực bõ công một mình vất vả nuôi nấng, dạy dỗ con trong mười mấy năm trường.

Phòng thị nhiều lần gợi chuyện khuyên nên lo bề gia thất cho mẹ sớm có cháu bồng. Nhưng mỗi khi thấy mẹ đả động tới đường vợ con, Khả Lập đều lễ phép thưa:

– Xin cha mẹ nghĩ lại. nhà ta còn nghèo con thiết nghĩ hãy để thư thã cũng chưa muộn.

Phòng thị dư biết là thiên hạ cù có quý mẹ con nàng đến đâu chăng nữa nhưng còn phong tục ràng buộc, việc cưới hỏi tất nhà trai cũng vẫn phải lo cho đủ lễ.

Phòng thị hỏi ý Khả Lập cho có lệ chứ thực ra nàng đã có quyết định rồi.

Chưa biết nàng định thế nào chỉ biết qua sáng sau Phòng thị trở dậy thiệt sớm đi chợ mua sắm vàng hương bông trái, xôi gà. Ơû chợ về, nàng quét dọn sạch sẽ bàn thờ chồng bày đồ lễ tươm tất. Đoạn nàng mở rương lấy bộ quần áo đẹp mặc vào rồi trở ra trước bàn thờ chồng châm đèn đốt nhang, chắp tay vái chồng mà khấn rằng:

– Nay con mình đã lớn khôn, đến tuổi lập gia đình. Nhưng nhà nghèo, thiếp không sao lo cưới đặng vợ cho con, như vậy không có ai nối dõi tông đường họ Châu. Thiếp đã thủ tiết 17 năm nay. Nay thiếp đứng giữa hai ngả đường một là thủ tiết mãi thì Khả Lập đến già cũng không có vợ được. Hai là tái giá thì lấy số bạc thách cho con làm vốn cưới vợ đặng lo hậu tự cho chàng. Thiếp không biết tính sao nên phải gieo keo này xin chàng linh ứng cho biết phải lấy chồng hay ở trọn đời. Nếu chàng bắt thiếp bước một bước nữa để giúp con thời xin cho một keo ngửa.

Khấn xong, Phòng thị gieo tiền. Một keo ngửa. Nàng chưa tin lại gieo tiền lần nữa. Kết quả vẫn như lần trước.

Phòng thị vái tạ chồng và khấn tiếp:

– Chàng đã nhất quyết bắt thiếp phải lấy chồng thiếp xin vâng lệnh.

Lễ xong, Phòng thị gọi Khả Lập lại và bảo rằng:

– Mẹ biết con là người hiếu thảo. Nay con đã khôn lớn lại biết lo làm ăn cần mẫn. Thế là con đã đền ơn mẹ xứng đáng rồi. Mẹ đã lo đủ cho con, vậy vài tháng nữa mẹ sẽ đi lấy chồng.

Khả Lập nghe mẹ hiền dạy thế, rớt nước mắt mà thưa rằng:

– Lạy mẹ xin mẹ xét lại nguồn cơn. Nếu mẹ tái giá sao mẹ chẳng làm lúc con còn bé dại nay tuổi đã cao mẹ mới tính chuyện lấy chồng chẳng hóa ra uổng công mẹ thủ tiết suốt 17 năm trường. Hay là tại con bất hiếu, không phụng dưỡng mẹ thì xin mẹ cứ đáng đòn, con xin cam chịu.

Phòng thị đáp:

– Con chớ khá nhiều lời. Yù mẹ đã nhất quyết như vậy, con đừng cản mẹ.

Thấy mẹ có vẻ không bằng lòng Khả Lập len lén đi xuống nhà, vẻ mặt buồn hiu. Lần đầu tiên trong đời mẹ con Khả Lập không nói với nhau một lời suốt bữa co7m trưa hôm đó.

Chiều lại, Khả Lập trốn mẹ đến van nài mấy ông già trong họ nội nhờ khuyên can mẹ.

Nghe tin động trời, các cụ liền khăn áo chỉnh tề kéo nhau đến nhà mẹ con Khả Lập hỏi cho rõ đầu đuôi câu chuyện. Phòng thị lễ phép thưa lại duyên cớ đã thúc đẩy nàng sẽ tái giá. Nàng nói rõ có xin keo và hương hồn Châu Đại Lộc đã chấp thuận .

Nghe xong, một cụ mau miệng hỏi:

– Chị là người hiền đức, đảm đang, nội trong họ nhà ta, con dâu như chị thiết là có một không hai. Các cụ cũng như lão đây, thấy chĩ nghĩ như vậy là phải lắm. Chị biết hy sinh cho nhà chồng như thế, lẽ nào chúng ta lãi ngăn cản. Sỡ dĩ lão đến hỏi là vì cháu Lập tưởng chị giận gì nó mà hành động như vậy.

Một cụ khác vuốt chòm râu bạc, chậm rãi nói:

– Như cụ Trưởng đây dạy có chí lý. Vậy chẳng hay chị đã có nhận lời nơi đâu chưa.

Phòng thị bẩm:

– Con đâu dám vậy. con đã định sẽ xin các cụ đứng lên thu xếp giùm thời các cụ đã tới.

Qua mấy tuần nước, các cụ đứng dậy ra về ra vẻ hài lòng lắm. Một hai ngày sau, xóm trên, xóm dưới mọi người đều biết là Phòng thị năm nay 41 tuổi có ý muốn tái giá.

Người chú họ củ Vệ Tư Hiền trước đây đã đứng ra làm mai cho cháu nay bắt được tin này liền lên ngay xóm trên báo cho Vệ Tư Hiền hay. Hiền cả mừng liền đếm ngay 30 lạng bạc nhờ chú họ đem đến trao cho Phòng thị làm đồ sính lễ.

Phòng thị liền cho mời mấy cụ bên nhà chồng đến để chứng kiến. mọi việc đều được thu xếp ổn thỏa. Năm ấy Vệ Tư Hiền 50 tuổi chẵn.

Ít bữa sau đám cưới đơn giản của Phòng thị lấy Vệ Tư Hiền được cử hành. Trước khi về nhà chồng, Phòng thị gọi Khả Lập vô phòng và bảo con khóa rương có đựng 30 lạng bạc của dượng dẫn cưới lại. Khả Lập làm theo rồi đưa chìa khóa trả mẹ. Phòng thị không nhận và nói:

– Mẹ đem rương này theo. Chìa khóa con hãy giữ lấy, hai tháng nữa mẹ sẽ về thăm con.

Khả Lập nhất định không chịu và thưa rằng:

– Con đã bất hiếu, tự thân không lo đủ để mẹ phải ra thế này, con chẳng dám lấy bạc của mẹ xin mẹ cứ đem chìa khóa đi theo.

Nói rồi trả chìa khóa cho mẹ. Hai mẹ con khóc lóc mà từ biệt nhau.

Về nhà chồng được hai tháng, Phòng thị nói với chồng:

– Thiếp thiệt tình không muốn tái giá ngặt vì nhà nghèo không có tiền cưới con nên thiếp phải lấy chồng. Chàng là người rộng lượng xin cho thiếp đem 30 lạng bạc sính lễ khi trước về nhà lo cưới vợ cho con xong thiếp xin trở lại.

Vệ Tư Hiền vui vẻ đáp:

– Bạc ấy là của nàng rồi vậy cứ tuỳ tiện. Chẳng hay nàng đã kén nơi nào cho Khả Lập chưa?

– Thiếp chưa định. chàng có ý kiến gì xin ban bảo cho.

– Theo chỗ ta biết thì vùng này có con gái Lữ Tấn Lộc tên là Nguyệt Nga tuổi vừa 18 cùng lứa với con nàng. Gia đình nhà ấy nề nếp, chỉ ăn đủ, rất thật thà, trung hậu. Nguyệt Nga lại chăm chỉ, nết na, thuần hậu như nàng vậy. Nếu nàng ưng chịu để ta làm mai cho.

Phòng thị cả mừng liền nhờ chồng đứng ra tác thành cho đôi trẻ. Tư Hiền vui vẻ nhận lời rồi mặc áo đến ngay nhà Lữ Tấn Lộc thu xếp. Phòng thị cũng vội vã gói bạc đem về trao cho Khả Lập và bảo con:

– Số bạc này mẹ không tiêu chi đến, nay con lấy mà cưới Nguyệt Nga.

Khả Lập vâng theo và đám cưới được cử hành đầu mùa hạ năm ấy. Đêm tân hôn, Khả Lập cứ ở nhà lo dọn dẹp quanh quẩn mãi đến đầu canh ba (12 giờ đêm) mới lừng khừng đóng cửa ngõ tắt đèn cầy, đóng cả áo dài lên giường đánh một giấc đến khi gà mới gáy sáng lần đầu đã trở dậy lo sửa soạn đồ lễ về nhị hỉ bên nhà cha mẹ vợ. Trong lời nói và cử chỉ, Khả Lập vẫn tỏ ra âu yếm ân cần đối với vợ mới cưới nhưng chàng tránh các sự gần gũi về thể xác.

Rồi thì tình trạng đó cứ kéo hết tháng này qua tháng khác.

Gần nhà Khả Lập có Vương Văn tuổi ngoại ngũ tuần, vốn là người quen lớn với Lữ Tấn Thọ, anh ruột của cha vợ Khả Lập. Mấy tháng sau ngày lấy chồng, cứ mỗi lần gặp Nguyệt Nga là vợ Vương Văn lại hỏi thăm đã có tin mừng gì chưa. Nguyệt Nga bẽn lẽn đáp cụt lũn “Dạ chưa ạ” rồi lũi mất.

Từ khi ở riêng Nguyệt Nga thấy bác ruột Lữ Tấn Thọ thỉnh thoảng lại ghé thăm. Nguyệt Nga quý mến bác lắm vì ông ta rất tốt, khá giả và lại hay thương người nghèo. Bác nàng đã giúp đỡ cha mẹ nàng rất nhiều. Lần nào đến thăm Nguyệt Nga ông cũng chờ bằng được Khả Lập đi làm đồng về để hỏi chuyện. Đối với cháu rể ông cũng ôn tồn, vồn vã nên ít lâu sau Khả Lập cũng quý mến ông vô cùng.

Có lần đang nói chuyện với Khả Lập, Thọ thấy sột soạt bên kia vách đất ở phía sau lưng ông. Ông quay lại thấy thấp thoáng bóng người qua kẽ vách. Ông liền bảo cháu rể:

– Bác nghĩ qua mùa gặt, bữa nào rảnh rỗi cháu cũng nên trét lại cái lỗ hỏng trên vách này cho kín đáo. Tuy Tiêu Hắc ở có một mình và là người đứng đắn nhưng nghĩ cũng không tiện.

Khả Lập chỉ “vâng dạ” cho có lệ chứ thựa ra trong thâm tâm chàng nghĩ rằng mình nghèo, có gì mà sợ bị rình rập mà phải lo.

Một bữa Nguyệt Nga thú thực tình trạng giữa hai vợ chồng nàng cho bác nghe. Lữ Tấn Thọ khuyên cháu nên về thưa chuyện với mẹ.

Nguyệt Nga liền về hỏi mẹ. Không biết hai mẹ con nói gì với nhau mà lát sau Nguyệt Nga vẻ mặt e thẹn lẻn ra về.

Cách đó ít bữa, nhân buổi tiết Xuân đầm ấm, hơi Xuân dịu dàng, vạn vật như tràn đầy sức sống, hai vợ chồng Khả Lập thủng thẳng dắt nhau đi du Xuân. Tới một cây cầu ở ven đồi hai người dừng chân ngoạn cảnh. Dưới cầu nước chảy trong veo, bên cầu tơ liễu, bóng chiều thướt tha. Trong vòm cây nơi chân đồi, chim kêu ríu rít, trên mặt cỏ từng cặp bướm màu rỡn nhau bên những đóa hoa tươi thắm. Dưới nước cá lội tung tăng, nhìn loài vật từng đôi một âu yếm nhau dưới bầu trời Xuân ấm áp, Nguyệt Nga liếc mắt nhìn chồng rồi khẽ thở dài. Nhân lúc Khả Lập dừng chân đứng tực thành cầu ngắm cảnh, Nguyệt Nga xáp lại gần dặng hắng một tiếng nhỏ rồi nói mau làm như sợ không đủ can đảm nói hết điều mình muốn nói:

– Chàng là thiệt là kỳ lạ. Lúc đầu thiếp tưởng chàng không biết việc vợ chồng. Chàng chẳng chịu khích thiếp, thiếp phải khích chàng. Xin chàng cho biết vì sao chàng chẳng chịu việc ân ái.

Châu Khả Lập mắt vẫn nhìn theo dòng nước, miệng đáp:

– Ta há đâu không biết việc vợ chồng? Nhưng ngặt một điều tiền cưới hỏi nàng là của mẹ ta. Mẹ ta vì muốn có con cháu nối dõi tông đường họ Châu nên đành hy sinh gián đoạn cuộc đời thủ tiết thờ chồng, bước đi nữa đặng cho ta có đủ bạc cưới vợ. Ta thiết nghĩ nay không nhẽ lầy tiền bán mẹ mà khoái lạc với nhau sao cho đành lòng.

Khả Lập ngừng một lát rồi ngẩng lên nhìn vợ và nói tiếp:

– Ta giận ta không đủ tài sức tự lập được thân nên để khổ cho mẹ già. Nàng nên hiểu cho ta và nên cùng ta lo làm ăn dành dụm cho đủ 30 lạng bạc hoàn lại mẹ hiền rồi sau giao hợp tưởng cũng không muộn.

Nguyệt Nga hỏi chồng:

– Vợ chồng ta nghèo thế này, làm quần quật suốt đời cũng chỉ đủ ăn, lấy đâu ra 30 lạng bạc mà trả mẹ? Nói như chàng thì kiếp nào chúng ta mới ăn nằm với nhau? Không lẽ sống như vậy cho đến lúc già hay sao.

Khả Lập xẵng giọng nói:

– Không đủ thì ráng chịu chớ biết làm sao? Nếu như nàng sợ quá tuổi thanh xuân, nàng cứ việc lấy chồng khác ta chẳng nói chi.

Nguyệt Nga nghe nói thế dưng dưng nước mắt, nghẹn ngào bảo chồng:

– Con người ta phàm đã thành vợ chồng thời cực chẳng đã mới phải bỏ nhau. Nếu nay vì việc tình dục mà lìa nhau thì có khác chi loài súc vật. Thiếp hiểu tấm lòng hiếu để của chàng chẳng chịu vui thú trên sự đau khổ của mẹ hiền. Thiếp xin cố gắng giúp chàng toại ý. Vậy xin chàng cho thiếp về bên cha mẹ thiếp lo làm ăn kiếm thêm may ra vài năm hai ta hiệp lại có thể trả lại món nợ 30 lạng bạc đó.

Khả Lập rất đẹp lòng liền âu yếm nói với vợ:

– Nàng thiệt là vợ thảo. Thôi ta đi về sửa soạn cho àng lại nhà làm thêm đẵng sớm trả được nợ.

Qua sáng sau, Nguyệt Nga trở về nhà cha mẹ đẻ. Nàng không hề cho cha mẹ hay biết gì về ẩn ý của mình mà chỉ lo thức khuya, dậy sớm phụ với mẹ lo hàng sáo kiếm thêm chút vốn.

Những đêm thanh vắng, nằm ngủ một mình Nguyệt Nga tính nhẩm một hồi rồi bất giác thở dài ứa lệ. Nàng đã về nhà cha mẹ tính ra đã 9 tháng rồi mà nàng chỉ dành dụm được chút đỉnh. Xin xỉu cũng phải cả chục xuân nữa nàng mới được về ở với chồng.

Lại nói về Khả Lập từ bữa cho vợ về nhà chàng sanh ra buồn bã mất mấy ngày. Nhưng rồi chàng cố trấn áp nỗi buồn và ra sức làm lụng. Từ ngày vợ chàng ra đi tính ra đã 2 vụ lúa: tháng 5 và tháng 8. vì chàng là tá điền nên huê lợi chỉ dư ra chút đỉnh. Lắm lúc chàng ngồi thừ người mà thở dài ngao ngán. Không biết Nguyệt Nga kiếm được bao nhiêu chớ một mình chàng tính ra cũng phải 10 năm mới trả được nợ. Aáy là kể khi truyện đời suôn sẻ, Trời thương cho khỏi mất mùa và chàng đừng đau yếu.

Về phần Lữ Tấn Lộc, cha vợ của Khả Lập thấy con gái trở về nhà mới đầu ông cũng tin bằng lời tưởng con về chơi ít ngày. Qua một tuần trăng, ông có hỏi lại thì Nguyệt Nga xin ở nán lại ít tháng đặng lo kiếm thêm chút vốn để sau chồng con đỡ vất vả. Lữ Tấn Lộc lại thấy thỉnh thoảng Khả Lập có ghé qua thăm hỏi vợ và hai đứa vẫn có chiều quý mến nhau nên ông yên lòng. Đến nay Thu đã tàn, Đông tới, Lữ Tấn Lộc thấyy con gái xa chồng đã lâu nên một bữa ông biểu Nguyệt Nga sửa soạn để ông đưa về trả cho Khả Lập. Thấy Nguyệt Nga năn nỉ xin ở lại, ông giận la con ầm ĩ bắt phải thu xếp quần áo theo ông qua nhà chồng ngay. Lúc bấy giờ Nguyệt Nga mới òa lên khóc và thuật lại đầu đuôi câu chuyện cho cha nghe.

Nghe con gái bày tỏ nỗi lòng xong, Lữ Tấn Lộc liền sai đứa nhỏ đi mời anh ruột của ông là Lữ Tấn Thọ cũng ở gần đó au bàn chuyện gấp.

Lát sau Thọ hối hả qua nhà em. Vừa vào đến cửa, Thọ đã lo lắng hỏi em:

– Gì vậy chú?

Lộc nhắc lại câu chuyện theo lời Nguyệt Nga rồi thở dài bảo anh:

– Vì em không tin có chuyện vầy nên mời bác sang để chỉ dạy và răn bảo cháu dùm.

Thọ đáp:

– Cháu nó nói đúng đấy. Chẳng là ít lâu sau khi lấy chồng anh có ghé qua nhà Vương Văn ở gần nhà Khả Lập để đòi nợ. Anh cũng nhân dịp này dọ hỏi Vương Văn về vợ chồng con Nguyệt Nga nhà ta ăn ở với nhau có hòa thuận không. Vương Văn có khen Khả Lập là đứa con hiếu thảo vì chưa có đủ bạc trả cho mẹ nên nhất quyết chẳng chịu ăn nằm với vợ.

Lộc buồn rầu nói:

– Thật là khổ, bác đã biết đấy em cũng nghèo, bạc thách cưới đã dùng vào đám hỷ cho cháu chớ em có được gì đâu. Phải chi mình dư dật cũng giúp phứt nó đủ số bạc 30 lạng bạc cho rồi. Bây giờ chẳng biết tính sao?

Lữ Tấn Thọ ngồi yên không trả lời, vẻ mặt tra612m nag6m. cha Nguyệt Nga ngưng một lát rồi nói tiếp: Em không biết rồi phải xử trí ra sao. Bảo cháu về với chồng nó không chịu. Nó lại nói thà chết già chứ không chịu lấy chồng khác. Thấy nó khóc lóc em cũng đau lòng.

Tới đây phần vì tủi thân phần thì xót thương xon gái, Lữ Tấn Lộc nghẹn ngào nói chẳng nên lời.

Thọ lặng lẽ bưng tách nước trà nóng nhấp một ngụm rồi chậm rãi bảo em:

– Chú đừng nên lo buồn quá đỗi. Để anh giúp cho chú. Từ ngày được Vương Văn cho biết về tình trạng hai vợ chồng cháu Nguyệt Nga, anh đã để ý dò xét. Anh cũng có ghé qua nhà vợ chồng cháu Nga lấy cớ là tiệng đường đi thăm người bạn nên tạt vô chơi nhưng thực ra anh có ý coi tâm địa Khả Lập ra sao. Thoạt đầu anh ngỡ Khả Lập định làm tiền nhà vợ nên bày trò ra thế. Nhưng sau xét ra Khả Lập thực tình xót thương mẹ hiền và là người thực thà, cương trực. Anh lại cũng đã hỏi chuyện cháu Nga thì cháu cũng nhận xét như anh. Vả lại Khả Lập không hắt hủi, đánh đập, hành hạ vợ trái lại chúng nó vẫn thương mến nhau chỉ phải cái nhất định không chịu ăn nằm. Kịp đến khi nghe tin cháu Nga trở lại ở với em, anh nhờ Vương Văn dò la nơi Khả Lập mới hay quyết định của hai đứa. Anh thấy cháu rể hiếu để, cháu gái hiền đức nên định tâm giúp đỡ chúng sớm ngày nào hay ngày đó.

Lữ Tấn Thọ ngưng một phút, châm lửa đốt thuốc hút uống một ngụm nước rồi nói tiếp:

– Vì biết trước sẽ có ngày nay nên hiện nay anh đã lo góp được 20 lạng bạc còn thiếu 10 ng nữa thì đủ số. Anh biết em không có nên anh đang điều đình với người bạn để cố ruộng đất của anh cho đủ bạc đặng các cháu sớm được về ăn ở với nhau. Người ta hẹn đến chiều nay sẽ trao bạc và làm giấy. Anh cũng nói để em rõ là về số bạc 30 lượng anh sẽ trao cho cháu Nga tối nay, khi nào cháu nó có thì trả bằng không thì thôi, anh coi như số bạc tặng người hiếu tử. Em đừng thắc mắc làm chi. Phàm có tiền mà không lo làm điều phải lại chỉ bo bo giữ lấy thời chỉ làm tôi mọi cho đồng tiền, đã không ích chi lại khổ vào thân. Anh cũng tính tối nay qua hỏi ý em rồi trao bạc luôn cho cháu Nga thì em đã cho mời sang nói chuyện. Thôi thế càng hay. Bây giờ anh về lo làm giấy tờ cho xong rồi tối sẽ qua.

Nói đoạn Lữ Tấn Thọ đứng dậy tất tả ra về. Lữ Tấn Lộc ngồi ngây như tượng nhìn theo anh.

Tối đó y hẹn, Thọ xách gói vải xanh đựng đủ 30 lạng bạc qua nhà em. Thọ mở gói bạc ra kiểm lại trước mặt vợ chồng Lộc rồi cất tiếng gọi vọng vào nhà trong:

– Nguyệt Nga đâu? Ra đây bác biểu.

Nguyệt Nga rình nghe trộm lời bác lúc sáng nên lẩn quẩn ở nhà trên từ lúc lên đèn, có ý trông ngóng bác. Nay thấy bác đến và kêu nàng , Nguyệt Nga khẽ “dạ” một tiếng rồi đi ra đứng sau lưng mẹ.

Lữ Tấn Thọ vẫy nàng lại gần rồi trao gói bạc tận tay cháu gái. Nguyệt Nga đặng bạc liền lạy tạ bác rồi lui vô nhà trong sửa soạn mai về nhà chồng sớm.

Sáng sau, cha mẹ Nguyệt Nga sai đứa con trai lớn là Bá Chánh đưa chị trở về nhà Khả Lập. Trên đường về, Nguyệt Nga cười nói huyên thuyên làm đứa em trai cũng vui lây.

Bá Chánh đưa chị đến cửa rồi quay về. Đi được mấy bước nó ngoái cổ lại bảo chị “Cẩn thận kẻo mất đó, nghe chị”.

Nguyệt Nga mỉm cười gật đầu rồi lẹ làng luồn tay mở then cửa. Cánh cửa gỗ đã lâu năm kêu kẹt một tràng rồi hé mở. Nàng lách vô nhà đứng giữa phòng đưa mắt nhìn quanh một lượt rồi lẩm bẩm:

– Chà, ảnh để bụi dơ quá ta.

Nàng khép cửa ra vào lại, cốt ý không gài chốt để lát nữa chồng về khỏi mất công luồn tay mở cửa. Nguyệt Nga đi thẳng vô phòng ngủ của hai vợ chồng rối rút gói bạc trong bọc ra để trên bàn. Nàng ngắm nghía gói vải xanh một lúc với đôi mắt trìu mến. Rồi không hiểu tại sao, nàng mở gói vải dốc bạc ra bàn. Tiếng bạc kêu lanh canh nghe thật vui tai. Nguyệt Nga tần mần ngồi đếm lại từng lượng bạc một, nét mặt hân hoan, miệng khẽ cất tiếng hát.

Rủi cho Nguyệt Nga, bữa đó Tiêu Hắc người ở khít vách với vợ chồng nàng đau đầu nên nghỉ, không ra đồng làm việc. Nghe bên nhà Khả Lập có tiếng động rồi lại có tiếng hát của đàn bà và tiếng khua bạc, Tiêu Hắc chạy đến bên vách, ghé mắt nhòm qua bên nhà Khả Lập.

Y lẩm bẩm:

– Chà! Bạc đâu mà lắm quá ta. Mụ Khả Lập đi mần ăn xa về phát tài quá đỗi.

Lòng tham nổi lên, Tiêu Hắc vội bắc ghế ngồi khít vách theo dõi từng cử chỉ một của Nguyệt Nga.

Lại nói về Nguyệt Nga kiểm xong bạc lại bọc vào gói vải xanh rồi nhét xuống dưới đầu giường và xếp chăn gối lên trên. Nàng thu dọn loanh quanh trong phòng ngủ một lát rồi mở khạp lấy gạo đi ra bếp ở phía sau nhà nấu cơm.

Tiêu Hắc rình đúng lúc Nguyệt Nga đang bận ghế cơm thì lẻn sang nhà Khả Lập. Thấy cửa hé mở y cả mừng lấy tay đẩy nhè nhẹ… Cánh cửa gỗ buông vài tiếng kẹt kẹt nhỏ nhỏ, Tiêu Hắc đứng yên, ló đầu vô nghe ngóng tình hình. Nguyệt Nga nghe tiếng động ở trên nhà tưởng là chồng về nên vẫn lúi húi làm cơm dưới bếp, Tiêu Hắc mừng rỡ lỏn vô nhà rồi rón chân đi thẳng tới đầu giường vợ chồng Khả Lập. Nhanh như cắt hắn nhấc đống chăn gối, lật chiếu lên lấy gói bạc ra, xếp mọi thứ lại như cũ rồi ẵm gói bạc chuồn êm mà chẳng ai hay biết gì. Trở về nhà, Tiêu Hắc lục đục một lúc trong phòng rồi y ra sau hè lấy nón và cuốc đi ra đồng làm việc.

Lát sau Khả Lập ở ngoài đồng về nhà. Thấy cửa hé mở lại khói và mùi xào nấu từ dưới bếp đưa lên, Khả Lập liền đi thẳng ra sau nhà. Lập trông thấy vợ thì mừng quýnh sà ngay cạnh bếp hỏi chuyện. Hai người nói chuyện hàn huyên một hồi. Nguyệt Nga muốn dành cho chồng một sự bất ngờ nên chưa đả động gì đến chuyện tiền bạc cả.

Hai vợ chồng ăn cơm ngay cạnh bếp lửa cho ấm. Cơm nước xong Nguyệt Nga kéo chồng lên nhà. Tới cửa phòng nàng chạy a tới đầu giường hất đống chăn gối ra lật chiếu lên thì hỡi ơi! Gói bạc đã không cánh mà bay từ hồi nào.

Nguyệt Nga quay phắt lại, thất thanh hỏi chồng:

– Gói bạc thiếp để đây, chàng cất đâu rồi?

– Bạc nào? Ta đâu có biết mà hỏi cất đâu?

Nguyệt Nga nói mau:

– Bác Thọ mới cho 30 lạng bạc đam về để chàng trả lại mẹ. Thiếp đếm rõ ràng, gói khăn vải xanh giấu ở đầu giường này, chờ chàng về sẽ trao lại. Vừa rồi có nghe thấy chàng động cửa vô phòng. Phải chàng lấy ra giấu đi chỗ khác không? Nếu chàng không lấy thì còn ai vô đấy nữa?

– Nàng nói khó nghe quá. Ta vô nhà thấy cửa hé mở lấy làm lạ đi thẳng xuống bếp thì gặp nàng, chớ có vô phòng hồi nào mà bảo lấy bạc. Mà nàng nói bạc của bác Thọ cho cũng vô lý quá. Bác ý có dư dật đôi chút thật nhưng làm gì có tới 30 lượng bạc mà cho nàng. Thôi ta hiểu rồi. Nàng bày quỷ kế đặng gạt ta, ta không mắc lừa đâu. Giờ đây ta mới rõ bụng dạ nàng ghê gớm thiệt. Nàng muốn lấy đứa khác để ta gả nàng cho. Chớ đừng hòng bày mưu mà bẫy ta.

Nguyệt Nga òa lên khóc và nói:

– Té ra chàng có tình ý với người khác mới đặt bày ra chuyện 30 lượng bạc phải trả mẹ. Nay thấy thiếp lo đủ rồi lại kiếm cách chiếm đoạt rồi lập tâm gán tội cho người khác. Nếu chàng muốn vậy thì cứ hoàn lại bạc để tôi trả lại bác đã.

Khả Lập bực mình la lối om sòm một mực đổ diệt cho vợ lập kế gạt mình. Đôi bên cứ lời qua tiếng lại mỗi lúc càng gay gắt. Khả Lập giận quá xách nón bỏ ra đồng. Nguyệt Nga nghĩ ức lòng liền vô phòng lấy dây treo cổ lên xà nhà mà tự tử. Nay dây để lâu ngày đã mục nên đứt và ném Nguyệt Nga xuống giường tre nghe “bịch” một tiếng lớn. Vừa lúc ấy có người lối xóm nghe tin Nguyệt Nga về liền đến thăm, gặp Nguyệt Nga nằm lịm trên giường, cổ buộc dây. Người ấy hô hoán lên, xóm giền đổ đến cứu chữa. Hồi lâu Nguyệt Nga tỉnh lại bưng mặt khóc ròng rồi kể lể sự tình cho mọi người nghe.

Phút sau, chuyện vợ chồng Khả Lập bay ra khắp vùng. Lữ Tấn Thọ ở xóm trên hay tin lật đật kêu bố mẹ Nguyệt Nga cùng kéo nhau xuống nhà Khả Lập.

Vệ Tư Hiền và Phòng thị cũng vừa xuống tới. Mọi người xúm lại khuyên giải Nguyệt Nga hồi lâu.

Lữ Tấn Thọ chờ cho cháu gái qua cơn xúc cảm mới gạn hỏi đầu đuôi câu chuyện. Nghe xong, Lữ Tấn Thọ hỏi Nguyệt Nga:

– Cháu có tin là Khả Lập lấy không?

– Cháu không chắc đâu nhưng vì nhà cháu cứ đổ diệt cho cháu bẫy gạt nên ức lòng cháu có nặng lời cãi lại.

Lữ Tấn Thọ gật đầu nói:

– Bác cũng nghĩ rằng kẻ lấy trộm gói bạc không phải là Khả Lập. Bác cũng chẳng giận gì nó vì thực ra nó nghi là phải. Bác cũng chẳng dư dật gì cho lắm. Với 30 lạng bạc thu góp đưa cho cháu bữa qua thì từ hôm nay bác cũng phải vất vả mới đủ ăn.

Nói đoạn ông quay ra bàn luận với vợ chồng Tấn Lộc và Vệ Tư Hiền. Mọi người đồng ý phải đi báo với Bao Công. Trong khi đó Nguyệt Nga trở về ở với cha mẹ, rồi sẽ tính sau.

Lữ Tấn Thọ liền nhờ người làm đơn cho Nguyệt Nga đem lên bẩm với Bao Công. Đoạn Thọ ghé qua nhà Vương Văn nhờ khuyên giải Khả Lập.

Rồi mọi người ai về nhà nấy. Căn nhà Khả Lập lại chìm trong sự im lặng, cô liêu. Quá ngọ Khả Lập ở ngoài đồng về cùng với Tiêu Hắc. Khả Lập nghe lối xóm kể lại chuyện xảy ra sau khi Lập bỏ ra đồng. Chàng đứng lặng người một lúc rồi đẩy cửa vô nhà nằm vật ra giường suy nghĩ, nét mặt buồn hiu. Tiêu Hắc giả bộ hỏi han về chuyện mất bạc rồi không tiếc lời thóa mạ kẻ gian phi. Lát sau, Vương Văn ghé qua nhà Khả Lập ôn tồn dẫn giải cho Khả Lập nghe, Lập lấy làm hối hận vì đã nghĩ nhầm phụ lòng tốt của bác vợ. Anh chàng tỏ vẻ ăn năn nhưng sự thể đã lỡ rồi không biết tính sao.

Nói về Bao Công khi tiếp được đơn tố cáo của Nguyệt Nga liền cho đòi mọi người lên xét hỏi. Ông cho thám tử đi dò la cũng không ra manh mối gì. Hỏi hai bên nhà kế cận (dĩ nhiên hỏi cả Tiêu Hắc) thời họ đều nại được nhân chứng thấy rõ họ có mặt ở ngoài đồng sáng đó.

Bao Công tra mãi không ra thủ phạm nên cũng có ý lo buồn.

Họ hàng Nguyệt Nga thấy cớ sự như vầy có người khuyên Nga đi lấy chồng khác nhưng nàng một mực chẳng chịu.

Nhiều người thấy vậy tỏ ý chê bai Nguyệt Nga, Lữ Tấn Thọ thời buồn rầu vì vừa mất bạc mà chẳng giúp được ích chi cho cháu gái cả.

Câu chuyện vợ chồng chìm dần trong sự lãng quên của mọi người. Thám tử của Bao Công tìm kiếm suốt mấy tháng trường cũng không thấy ai ăn xài mua sắm gì ra vẻ được bạc cả nên họ đành chịu bó tay. Ai cũng trách trời không có mắt khiến kẻ gian phi nuốt trôi gói bạc để khổ cho đôi vợ chồng Khả Lập, Nguyệt Nga tuy còn sống mà như người góa bụa.

Cho tới một hôm giữa lúc trời nắng chang chang, bỗng một vần mây đen kéo đến rồi một tiếng sét long trời lở đất đánh xuống đầu thôn của Khả Lập ở.

Lát sau thiên hạ gọi nhau đi coi có người bị sét đánh cháy đen ở đầu xóm; gần gốc cây, trong lúc kẻ bạc phước đang đi trên lộ. Xem ra thì đó là Tiêu Hắc người ở khít vách với Khả Lập.

Xác Tiêu Hắc nằm sấp trên lộ, nám đen, quần áo cháy sạch. Chừng người ta lật ngửa Tiêu Hắc lên thấy có một bọc vải xanh liền mở ra thấy đựng toàn bạc.

Có người nói:

– Bữa trước vợ chồng Khả Lập cãi nhau vì gói bạc, có lẽ là bạc này chăng?

Một ông già gật đầu đáp:

– Rất có thể là gói bạc ấy. Tiêu Hắc ở kế bên nhà Khả Lập chắc y đã lẻn vô nhà cắp bạc của Nguyệt Nga rồi. Dẫu sao cứ đem trình quan là hơn cả.

Bao Công nhận được gói bạc liền cho cân lên thấy đúng 30 lượng. Ông sai lính đòi Lữ Tấn Thọ và Nguyệt Nga đến. Hai người đều nhìn nhận đúng là gói bạc bị mất trộm ngày trước. Bao Công giao trả cho Nguyệt Nga đem về.

Hai bác cháu về tới nhà Khả Lập thấy xóm lối đến mừng đầy nhà. Lát sau cha mẹ Nguyệt Nga cùng với Vệ Tư Hiền và mẹ Khả Lập là Phòng thị cũng kéo đến. Ai cũng khen Lữ Tấn Thọ trọng nghĩa khinh tài, Khả Lập chí hiếu và Nguyệt Nga tiết nghĩa.

Chuyện vãn hồi lâu, mọi người ra về. Nguyệt Nga cũng theo cha mẹ về thu dọn quần áo để mai sớm trở về với Khả Lập.

Hôm sau, Khả Lập khăn áo chỉnh tề đến nhà Lữ Tấn Lộc đón vợ. Hai vợ chồng kéo nhau đến nhà Vệ Tư Hiền nạp lại 30 lượng bạc cho Phòng thị rồi vui vẻ dắt tay nhau ra về.

Trưa đó, trong bữa cơm, Vệ Tư Hiền bảo Phòng thị:

– Lữ Tấn Thọ chẳng giàu có mà còn dám cho hết sản nghiệp để mưu hạnh phúc cho cháu gái và cháu rể. Nay ta giàu muôn lượng bạc lại chỉ có 2 con trai dù có xuất ba trăm lạng cho trai và dâu nàng làm vốn, cũng chẳng là nhiều.

Phòng thị yên lặng nhìn chồng bằng đôi mắt biết ơn và kính phục.

Cơm nước xong, Vệ Tư Hiền làm giấy chia sản nghiệp cho Khả Lập, con Phòng thị, ba trăm lạng bạc. Đoạn ông sai người đi kêu Khả Lập đến nhận giấy tờ. Khi được biết câu chuyện, Khả Lập lễ phép thưa rằng:

– Con chỉ ước mong mẹ con được trở về nhà đặng con phụng dưỡng, báo đền ơn dưỡng dục, còn bạc vàng con đâu có thiết.

Vệ Tư Hiền nhìn vợ đáp:

– Cái đó tùy ý mẹ ngươi, ta đâu có cấm?

Phòng thị nói với chồng:

– Thiếp cũng có ý ấy từ lâu hiền một nỗi mang ơn chàng quá nặng nên phải ở lại báo đáp cho trọn nghĩa, bao giờ chàng về cõi thọ, thiếp trở về phụng tự họ Châu cũng được. Vả lại hiện nay thiếp có thai với chàng đã 3 tháng rồi.

Vệ Tư Hiền vui vẻ bảo vợ:

– Không sao, nàng cứ về cho con nó giữ trọn được chữ hiếu. Còn đứa nhỏ trong bụng thì sau này sanh ra trai hay gái, nàng cũng nuôi cho khôn lớn rồi đem trả lại tôi. Nhưng tôi dặn trước là đứa con ấy phải coi vợ trước của ta là mẹ nó. Ta không ép buộc nàng phải ở lại đây, đó chẳng phải là ta không thương nàng mà vì rằng ta không đành lòng để mẹ con nàng phải vì ta mà xa nhau. Còn đứa nhỏ nàng sẽ hạ sanh ta muốn nàng nuôi nó tới tuổi lớn khôn cũng vì chẳng muốn nó thành đứa con không mẹ. Về ba trăm lạng bạc mà Khả Lập không chịu lấy, ta tặng cho nàng gọi là một chút để đền ơn nghĩa vợ chồng đã trọn năm.

Phòng thị lạy tạ Vệ Tư Hiền rồi cùng Khả Lập rời nhà chồng ra về.

Qua năm sau, Phòng thị đẻ được đứa con trai được Vệ Tư Hiền đặt tên là Vệ Thứ. Với số bạc ba trăm lượng của chồng cho, Phòng thị làm ăn ngày càng khá giả, chẳng mấy lúc trở nên giàu có và có dịp đền đáp lại một cách xứng đáng hảo tâm của Lữ Tấn Thọ người bác hào hiệp của Nguyệt Nga. Nàng chăm lo dạy dỗ Vệ Thứ đến năm nó 10 tuổi thời y hẹn đem con trả cho họ Vệ.

Vệ Thứ tư chất thông minh, lại chăm chỉ, nết na nên học càng ngày càng tấn tới sau thi đỗ đến kinh khôi.

Về phần vợ chồng Khả Lập từ ngày có đủ bạc hoàn lại mẹ thời ăn ở với nhau rất hòa thuận. Sau Nguyệt Nga đặng 4 con trai, khôi ngô, tuấn tú, thi đậu hiển vinh cả.

Thiên hạ ai cũng nói rằng thiệt là “Hoàng thiên bất phụ hiếu tâm nhơn”.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN