Bao Nhiêu Tiền Mới Chịu Bán Cho Ta? - Chương 19
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
110


Bao Nhiêu Tiền Mới Chịu Bán Cho Ta?


Chương 19


154.

Vài ngày sau khi Mục Lặc tỏ tình với tôi, tôi tình cờ gặp được Lan ở trường, không nhịn được xáp lại nhiều chuyện một chút.

“Giờ Mục Lặc không thích ai rồi đấy, anh yên tâm chưa?”

“Không thích cưng thì cũng sẽ thích người khác. Dù sao cũng không phải là anh.”

Lúc ấy Lan đã trả lời tôi như vậy.

Cuộc sống năm thứ hai trung học vô cùng buồn chán.

Lan và Mục Lặc ở cùng thành phố nhưng khác trường đại học.

Lan thỉnh thoảng vẫn đăng ảnh lên vòng bạn bè, trong ảnh toàn bộ đều là bóng lưng của Mục Lặc.

Tôi nhắn Wechat hỏi anh sao không cho em trai mình lên sóng chính diện, chụp một tấm rõ mặt soái khí ngờ ngời?

Lan trả lời tôi: [Tại sao phải cho mấy người xem?]

Tôi cạn lời, cái đề tài này cứ như vậy mà cho qua.

Sau tôi lại thấy Lan đăng một câu trên khoảng khắc,

“Vì tôi chỉ có thể truy đuổi bóng hình người.”

Tôi bình luận bên dưới: [Thật chua!]

Lúc đấy chỉ định trêu anh, nhưng ngẫm lại thấy sao mà chua xót.

Tôi vẫn thường đa sầu đa cảm vì tình yêu đơn phương của mình, nhưng tôi nghĩ, có lẽ Lan còn tuyệt vọng hơn tôi.

155.

Học kỳ một rất nhanh đã kết thúc, tôi vẫn như mọi năm, cõng một ba lô đầy sách vở về nhà.

An Dạng dạo gần đây suốt ngày khoe khoang với tôi, rằng anh đang có một kì nghỉ dài, bài tập cũng chẳng phải làm, tôi ghen ghét đến không thèm nói.

Trước khai giảng vài ngày, tôi kéo An Dạng đến, bắt anh giúp tôi làm bài tập, viết từ tờ mờ sáng đến tối mịt, mỗi khi An Dạng bắt đầu ngủ gà ngủ gật, tôi liền giơ tay giật tóc anh.

“Làm suốt hai ngày rồi đó bé, anh sắp hói đến nơi luôn rồi.” An Dạng thở dài một hơi, vuốt vuốt mái đầu đen nhánh rậm rạp.

Tôi an ủi, “Có hói thật thì cũng là một anh hói đẹp trai ạ!”

An Dạng cười cười, đưa tay đè đầu tôi lại, tôi còn chưa kịp phản ứng thì anh đã đâm đầu lại đây.

Trong khoảnh khắc đó, tôi thật sự hoài nghi tên khốn này đã từng luyện qua thiết đầu công.

Tôi ôm đầu mếu máo, giơ chân đá anh mà còn chẳng dám đá mạnh, sợ anh đau.

An Dạng vẫn khỏe như trâu, bị đá xong liền chạy tít ra xa, vừa chạy vừa cười ha hả.

Tôi càng tức tợn, dép mang dưới chân cũng lấy ra ném anh, tên khốn kia hệt như con khỉ đột, né không trượt phát nào, cuối cùng còn vô liêm sỉ nhặt dép tôi về, cười hề hề vươn tay xoa trán cho tôi.

156.

Khai giảng được hai tuần, tôi liên tục nhận được năm hộp sữa bò từ bạn cùng phòng.

Bạn cùng phòng dùng “mỹ danh” là san sẻ ấm áp để đưa sữa cho tôi, nhưng đến khi nhận được hộp thứ sáu, tôi bắt đầu thấy có gì đó sai sai.

Gặng hỏi hồi lâu, bạn cùng phòng đành phải khai báo:

“Thật sự là giúp người ta san sẻ ấm áp mà….”

Tôi hỏi, “Giúp ai?”

Bạn cùng phòng ra vẻ thần bí, lại gần tôi thì thầm, “Tống Giai Nhiễm lớp X đấy, cậu biết không? Hình như ẻm chấm cậu rồi, muốn theo đuổi cậu đó.”

“Giúp tớ cảm ơn cậu ấy.” Tôi gom hết mấy hộp sữa đưa cho bạn cùng phòng, “Còn mấy cái này tớ không nhận được đâu.”

Lần đầu tiên trong đời được nữ sinh theo đuổi, vậy mà người ta lại muốn tặng cho tôi sữa bò?

Ý là chê tôi lùn hay sao?

157.

Tôi làm sao cũng không nghĩ tới, giờ nghỉ trưa ngày hôm sau Tống Giai Nhiễm sẽ đến tận cửa lớp chờ tôi.

Tôi đi theo cô ấy ra phía ngoài khu nhà dạy học, ngay khi tôi còn đang đứng hình, cô ấy đã hỏi: “Sao cậu không nhận sữa của tớ?”

Tôi hỏi ngược lại: “Tại sao cậu đưa sữa cho tớ?”

Tống Giai Nhiễm không trả lời, chỉ tiếp tục hỏi, “Cậu không thích uống sữa sao? Lần sau tớ mang cho cậu sữa chua nhé?”

Tôi vội vàng ngăn lại, chỉ nói một câu: “Cám ơn.”

Tống Giai Nhiễm nhìn tôi chằm chằm.

Tôi đành thẳng thắn nói: “Tớ có người mình thích rồi, cám ơn cậu.”

Tống Giai Nhiễm vẫn nhìn tôi, đặng hỏi: “Sao phải cám ơn tận hai lần thế?”

“Cám ơn sữa bò của cậu, cũng cảm ơn cậu đã thích tớ.” tôi chân thành nói.

“Vậy là tớ bị từ chối rồi đó hả?”

Tôi chỉ có thể mỉm cười gượng gạo.

Tống Giai Nhiễm thở dài một hơi, “Không biết có phải cậu đang nói dối tớ chuyện cậu đã có người mình thích hay không. Hầy, thôi dù sao cũng chúc cậu tỏ tình với người đó thành công nhé.”

Tôi sửng sốt, lại nói lời cám ơn cô ấy, dù tôi biết mình sẽ không bao giờ có thể nói ra câu bày tỏ với người kia đâu.

158.

Vài ngày sau, Trần Tuấn Phàm bất ngờ gửi tin nhắn cho tôi, nói rằng hắn đã trở về thành phố, có rảnh thì cùng nhau tụ tập.

Ngày chúng tôi hẹn nhau thời tiết không tốt lắm, bầu trời xám xịt như sắp đổ cơn mưa.

Tôi cùng An Dạng và Trần Tuấn Phàm gặp nhau ở trước cửa quán ăn.

Dù tôi thường xuyên nhìn thấy tin tức của Trần Tuấn Phàm trong vòng bạn bè, nhưng đến khi gặp lại vẫn phải thốt lên một câu: “Sao anh đen dữ vậy??”

Trần Tuấn Phàm cười đẩy vai tôi: “Xời, bạn gái anh thích da ngăm, nhóc không hiểu đâu.”

Chúng tôi vừa đi vào trong vừa nói chuyện, tôi tò mò hỏi: “Lại quen bạn gái mới ạ?”

Trần Tuấn Phàm lườm tôi: “Làm gì có, vẫn như trước mà.”

“Lại huề nhau rồi à?” An Dạng hỏi.

Trần Tuấn Phàm thực sự rất đen, mỗi khi cười chỉ thấy mỗi hàm răng trắng bóng: “Cô ấy đuổi theo đến tận thành phố S, tớ sao chống đỡ được chứ.”

“Vậy thì tốt rồi.”

Quanh đi quẩn lại lâu như vậy, cuối cùng thì hai kẻ có tình cũng về lại bên nhau.

Vậy mới biết, mấy lời năm đó Trần Tuấn Phàm nói đúng là chẳng thể tin được, cái gì mà thích là thứ vừa hời hợt vừa không đáng tin chứ?

Tâm tình lúc ta thích một người vĩnh viễn luôn là thứ đáng để nâng niu và trân trọng.

159.

Lúc chúng tôi bước ra từ quán ăn mới biết được là trời đang mưa.

Tôi và An Dạng mỗi người mang theo một chiếc ô, Trần Tuấn Phàm vẫn còn xách theo ba lô hành lý, ô hay áo mưa gì đều không có.

Cuối cùng, An Dạng đưa ô của mình cho Trần Tuấn Phàm, anh và tôi che chung một chiếc, cùng chạy về nhà.

“Như này thà không che còn hơn.” Chạy được nửa đường, An Dạng phụng phịu nói.

“Vậy anh đừng che, để em che thôi nè.”

An Dạng im lặng được một lát lại tiếp tục bày trò xấu: “Không thì để anh cõng em nha, anh cõng rồi em cầm ô ý, hợp lý không?”

Tôi lười nói nhảm với anh.

An Dạng: “Nha?”

“….”

An Dạng: “Nha?”

Tôi: “Cách tốt hơn nữa là anh nên cút ra ý.”

An Dạng vội vàng nắm chặt lấy cánh tay tôi, “Đừng mà em, đừng đừng.”

160.

Về đến nhà, nửa người tôi ướt sũng. Cửa không khóa, chắc là Kiều Khánh Quốc đã về.

Hiếm khi Kiều Khánh Quốc có mặt ở nhà.

Vì trời đang mưa nên ông bật toàn bộ đèn trong phòng khách, trong tay ông cầm điếu thuốc, ánh đèn lờ mờ chiếu vào bức tường đã ngả màu vàng ố do hơi nóng bếp lò.

Tôi đặt ô xuống, gọi ông một tiếng, “Bố?”

Tôi thấy tay của Kiều Khánh Quốc run lên, tàn thuốc rơi xuống tạo thành một dải bụi mờ trong không khí.

“Con về rồi đấy à?”, ông dập thuốc, nhìn về phía tôi, “Con lại đây, bố có chuyện muốn nói với con.”

Từ trước đến nay, chúng tôi luôn vội vội vàng vàng lướt qua nhau, ông có công việc muốn làm, tôi có trường học muốn đi.

Nhưng buổi tối hôm đó, chúng tôi hàn huyên tận hai ba tiếng đồng hồ, ông nói ông đã mua một căn nhà ở nơi khác, đợi vài tháng nữa là sẽ có thể chuyển sang.

Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ phải rời khỏi ngôi nhà nhỏ này, dù khi bé đã rất nhiều lần oán trách, nhưng cũng chưa một lần mảy may suy nghĩ sau này sẽ rời đi.

Kiều Khánh Quốc thấy tôi chẳng nói lời nào, bèn hỏi: “Con có trách bố không cùng con bàn bạc trước hay không?”

Ông nói điều này một cách vô cùng cẩn thận, không biết tự bao giờ, mối quan hệ của bố con tôi đã trở nên xa lạ như thế.

“Không đâu bố.” Tôi nói, “Chỉ là con chưa hề nghĩ tới chuyện này thôi. Khi nào thì chuyển nhà ạ? Con sẽ xin phép nghỉ một ngày.”

Kiều Khánh Quốc vội vàng xua tay: “Không cần không cần. Bố tự lo được rồi, con cứ đi học đi thôi.”

Sau đó ông vô cùng hào hứng hỏi tôi thích trang trí phòng như thế nào, muốn đèn bàn kiểu dáng ra sao… Một bên hỏi một bên đáp, hai chúng tôi cứ thế mà trò chuyện thật lâu.

Kiều Khánh Quốc vừa hỏi chuyện tôi vừa cười, khi ông cười, khoé mắt hằn sâu những nếp nhăn.

Tôi nhớ rõ những khi còn nhỏ, ông rất thích cùng tôi đùa giỡn, lần nào cũng phải chọc cho tôi kích động khóc ré lên bằng được, tôi đứng một bên khóc, ông liền đứng một bên cười.

Giờ nghĩ lại, đã rất lâu tôi không nhìn thấy ông cười nữa, nụ cười của ông bây giờ cũng rất khác trước kia, hoà ái hơn, cũng già nua hơn.

Mặc dù tôi và Kiều Khánh Quốc giao tiếp với nhau vô cùng thưa thớt, nhưng tôi luôn nhắc nhở mình phải kính yêu ông.

Giữa chúng tôi là huyết mạch tình thâm chảy trong xương.

Ông là bố tôi, là người thân yêu nhất của tôi

161.

Tôi kể với An Dạng về chuyện chuyển nhà, phản ứng đầu tiên của An Dạng là hỏi tôi: “Có cách nơi này xa không em?”

Tôi nói với anh, chỉ cần ngồi tuyến xe bus số 465 là tới được rồi, An Dạng bấm tay tính toán một hồi lâu mới nói, “Vậy còn được.”

“Lúc đó chắc anh đang được nghỉ rồi đúng không?” Tôi hỏi.

“Ừa”, trước khi tôi kịp nói gì thêm, An Dạng đã mở lời, “Đừng lo, anh sẽ giúp bác Kiều chuyển nhà, em cứ yên tâm!!”

“Làm phiền anh quá.”

An Dạng cười toe toét: “Không phiền không phiền, giúp bé chuyển nhà sao mà phiền được.”

“An Dạng.”

Giọng anh vẫn còn mang theo ý cười, “Ơi.”

“Em giả vờ khách sáo thôi, anh đừng tưởng thật.”

162.

Trong những tháng cuối cùng của năm hai trung học, lớp học như một cái lò hấp khổng lồ.

Cô giáo chủ nhiệm lớn tiếng nói với chúng tôi: “Chúng ta chuẩn bị bước sang năm thứ ba trung học. Các em có biết năm ba nghĩa là gì không?”

Năm thứ ba này có thể mang rất nhiều ý nghĩa, cũng có thể chẳng có ý nghĩa gì.

Cô chủ nhiệm dứt khoát hô lên: “Cô hy vọng rằng không ai trong số các em sẽ bị bỏ lại phía sau, phải cố gắng hết mình nhé.”

Đối với tôi mà nói, ý nghĩa lớn nhất của năm thứ ba trung học này chính là – tôi có thể tiến đến gần An Dạng thêm một bước.

Tuy rằng An Dạng sẽ ra trường khi tôi còn học năm hai, nhưng chẳng hề gì, tôi chỉ muốn được ở cạnh anh thêm một chút.

Lan từng nói rằng, sự yêu thích của tôi dành cho An Dạng đã đến mức vô phương cứu chữa.

Ai mà chẳng thế.

Thời điểm ta rơi vào tình ái, tất cả những điều ngốc ngếch điên cuồng nhất, ta đều muốn nếm thử.

Để có thể gần người kia thêm một chút, thì có phải trả giá thế nào cũng có hề chi đâu.

163.

Nhà mới của tôi rất gần trường, tôi không còn phải ở lại kí túc xá và về nhà mỗi cuối tuần như trước nữa.

Ngày tôi làm đơn xin phép rời nội trú, giáo viên chủ nhiệm nhiều lần hỏi tôi đã chắc chắn hay chưa, tôi thực kiên định gật đầu.

Thấy khuyên bảo tôi không thành, cô đành phải nói: “Em phải cam kết nhé, nếu thành tích trong kì kiểm tra sắp tới của em giảm xuống…”

“Thì em sẽ dọn về trường ạ.” Tôi ngoan ngoãn tiếp lời.

Giáo viên chủ nhiệm chỉ có thể thở dài: “Thôi được rồi, trước mắt cứ vậy đi.”

164.

Tuần nào An Dạng cũng ngồi nửa giờ trên xe bus để đến nhà mới của chúng tôi, địa điểm “hẹn hò” ăn cơm cũng đổi thành ở nhà.

Tôi hỏi An Dạng – người đang nhảy nhót tưng bừng trên giường: “Ở nhà anh ngủ dưới sàn à?”

An Dạng: “Không phải nha~”

“Vậy anh kích động cái gì? Không cho anh nhún nữa, đi xuống!!” tôi trừng mắt nhìn anh.

An Dạng cuối cùng cũng chịu yên tĩnh, được một lúc lại thấy anh vồ lấy chiếc gối tôi thường hay ôm ngủ, xoa xoa nắn nắn, “Mắt chọn đồ của chú Kiều tốt ghê há.”

“Có thôi đi không, đây là lần đầu anh tới hay sao??”, tôi rút gối ra đè lên mặt anh, “Lần nào tới cũng nói, lần nào tới cũng chọc!! Cút đi.”

Gối ôm đúng là bố tôi mua, mặt trên in hình Doraemon, mặt dưới là Doraemi.

Cười cái em gái anh!!

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN