Bão táp cung đinh
Chương 12 - 13:
Bão táp cung đình, chương 12-13
CHƯƠNG 12Nguyễn Nộn từ khi được Trần Thái Tôn phong cho làm Hoài đạo vương thì giương giương tự đắc. Đi một bước cũng dùng xa kiệu nghi vệ như một bậc đế vương, chỉ có điều là chưa xưng “trẫm” với tả hữu. Nộn cũng cho quân đi cướp bóc của dân về xây thêm cung thất. Bắt con gái đẹp nhà lương dân về làm tì, thiếp, tú nữ(1) khá nhiều. Ngày ngày yến tiệc. Hát múa thâu đêm.Nguyễn Nộn tuy là một kẻ khát khao quyền lực và ưa hưởng lạc, nhưng không phải là một đứa ngu khờ, nhận mật chiếu của triều đình sai đánh Đoàn Thượng, Nộn trước hết cho quân đi thám sát bên châu Hồng – nơi có lực lượng của Thượng đồn trú. Nộn cũng cho người về Thăng Long xem xét động tĩnh trong triều, cách thức bố phòng quân cơ của Trần Thủ Độ.Quân thám sát về báo tin: Huệ Quang thuyền sư, tức thượng hoàng nhà Lý, đã bị Trần Thủ Độ giết tại chùa Chân Giáo. Huệ hậu Trần Thị Dung bị giáng làm Thiên cực công chúa, gả cho Trần Thủ Độ. Trần Thủ Độ vinh thăng thái sư thống quốc. Thăng Phùng Tá Chu, quan cũ của triều Lý làm phụ quốc thái uý. Thăng Long canh phòng nghiêm mật, nhưng quân sĩ Trần Thủ Độ giấu ở đâu chưa lần tìm ra được. Cứ như nhời đồn đại trong dân chúng, thì lực lượng có tới hơn chục vạn quân. Đấy mới chỉ kể số nội binh(2) còn ngoại binh(3) thì cứ điểm mục các châu lộ, quy phụ triều đình, tính ra cũng còn tới cả hơn chục vạn quân nữa.Phía Đoàn Thượng thì sao? Quân Đoàn Thượng đông nhan nhản, nhưng không nghiêm. Ở đâu có quân lính của Thượng đóng, dân bỏ đi hết. Thượng vơ vét lúa gạo của dân về chất đầy kho. Xem chỗ đóng quân của Thượng đủ thấy Thượng không biết dùng binh. Các trại quân không nương tựa vào nhau. Nếu chặt từng khúc mà đánh, quân rối loạn đầu đuôi không cứu được nhau. Các nguồn nước, canh giữ sơ sài. Các mạch giao thông thuỷ bộ, không chẹn giữ kiên cố. Các kho lương để lộ. Cách ba dặm đã biết quân doanh đóng ở đâu rồi. Là vì cờ xí cắm rợp trời. Đàn địch vang mọi phía. Lính viễn thám, tuần thám đứa nào cũng mặt đỏ phừng phừng, say bí tỉ, vừa đi vừa chửi bới tục tĩu.Nghe xong, Nguyễn Nộn nói cùng các bộ tướng:- Thế mạnh yếu giữa quân triều đình với ta cùng Đoàn Thượng đã rõ. Trần Thủ Độ là một tướng giỏi. Vì thế mà giữa kinh kỳ ông ta ém được cả chục vạn quân. Nhưng kinh thành lại rất nghiêm cẩn. Đây là một nơi gai góc, chưa dễ gì lấn được. Hãy để đó, thẩm định sau. Vả lại, ta vừa chịu mệnh xong. Còn như Đoàn Thượng, nếu quả như lời quân thám báo tâu trình, ta ngờ rằng khí vận của ông ta đã đến ngày tận diệt. Ta lại nghe gần đây ông ta mới giết viên phó tướng. Nếu như trước kia, ta ngần ngại chưa muốn tiến binh sang phía đông, là vì còn nghĩ tới viên phó tướng của Thượng. Tình hình là vậy. Theo ý các ông nên như thế nào?Phó tướng Đào Dữu tiếp lời:- Vậy là trời đem đất châu Hồng trao cho chủ tướng rồi đó. Không đánh bây giờ còn đánh vào lúc nào nữa? Chuyến này ta nên giốc toàn bộ binh mã, hất Đoàn Thượng xuống biển. Chiếm lấy kho người, kho của suốt một dải châu Hồng để tăng thêm thế lực. Diệt xong Thượng, chắc là chủ tướng có dư lực nói chuyện với họ Trần.- Việc gì phải kéo cả đại đội binh mã đi cho nhọc sức quân. Tôi dù bất tài, cũng chỉ xin chủ tướng cho ba ngàn quân. Một nửa đi đốt kho lương. Một nửa đánh vào trung quân, bắt sống Đoàn Thượng đem về dưới trướng. Mọi người nhìn xem ai, thì ra đô trưởng đô viễn thám Trương Thế Tòng.- Hoá ra việc diệt Đoàn Thượng dễ hơn việc thò tay vào túi lấy đồ vật, như lời đô trưởng Trương Thế Tòng chăng? Nếu đúng như thế thì phải làm tờ cam kết. Đấy là lời của viên tì tướng Nguyễn Tộ.- Thiết nghĩ việc đánh Đoàn Thượng là sự nghiệp của chủ tướng. Nhưng theo tôi không dễ như các ông nói. Trong vòng hơn chục năm lại đây, các đầu đảng nổi dậy phải có hàng trăm. Nhưng tựu trung còn lại chỉ có ba nhà, hình thành thế chân vạc. Ấy là chủ tướng ta, Trần Thủ Độ và Đoàn Thượng. Nếu Thượng bất tài, trì độn, sao y đứng được tới ngày nay? Trong phép dùng binh hư hư thực thực là chuyện thường. Thượng không phải tay kém cỏi, hắn thường đi cướp lương của người khác, cớ chi để kho lương như vậy? Hắn ngu dại gì mà đặt quân doanh như thế, để lính canh phòng tuần thám như thế? Giả như, đấy là quỷ kế của Thượng thì sao? Xin chủ tướng cân nhăc cho kỹ. Đó là lời tướng tiên phong Quách Cư.Nghe Quách Cư phản bác, khiến bầu không khí đang ồn ào, bỗng dưng xẹp xuống.Nguyễn Nộn đưa mắt nhìn hết tả hữu, bỗng ông dừng lại nơi Ma Lôi.Ma Lôi là một tì tướng được Nguyễn Nộn yêu trọng vào bậc nhất. Thực chất, Ma Lôi là bộ óc, là linh hồn của cả bồ đoàn Nguyễn Nộn. Ma Lôi là ai vậy? Y ở đâu đến? Ma Lôi vốn là người xứ Champa. Thưở nhỏ y có được học hành, lại theo đòi nghiệp binh, hầu hạ dưới trướng của một viên đô đốc, tổng quản lực lượng hải binh Champa. Trong một trận cướp tàu buôn của Tây – ban – nha, đi qua vùng biển khơi Chiêm thành, tàu của y bị súng lớn của đối phương bắn chìm. Y lênh đênh năm ngày trên biển. Chẳng biết giời đất dun dủi thế nào, dân đánh cá lại vớt được y. Thoát chết, y lẩn biến vào rừng. Rồi xuyên rừng, hắn đi miết. Cứ vừa đi vừa kiếm ăn bằng quả cây và củ rừng. Đêm ngủ trên cây. Hơn một năm trời; y lần mò thế nào lại tới đất Ai Lao. Hắn làm ăn buôn bán tại xứ này. Gặp quân của Nộn sang Ai Lao mua bán nhựa độc về tẩm tên, rủ y về Đại Việt. Rồi được Nguyễn Nộn thu vào hầu tại trung quân. Đôi ba phen y tham góp ý kiến. Thấy y có nhiều kiến giải sâu sắc, Nộn giao cho y một vài việc, đều thành tựu cả. Nộn yêu lắm. Thực tình trong quân doanh, Ma Lôi là quân sư của Nộn. Ma Lôi dụng binh như thần. Chuyển bại thành thắng như chơi. Sở trường của y là đánh thuỷ hoặc đánh tập kích trên bộ. Y có tài dụ địch, lừa địch, khiến hễ cứ ra quân là chiến thắng.Thấy chủ tướng nhìn mình như muốn vấn kế. Ma Lôi bèn nói:- Trần Thủ Độ là danh tướng thời nay. Thủ đoạn biến hoá không biết đâu mà lường hết được. Nếu như lời các tướng nói, ta khởi hết cả quân mã sang sông đánh châu Hồng, ông ta đem quân đánh tập hậu, chặn lối về thì sao? Mặt trước, quân Đoàn Thượng, mặt sau quân triều đình, ta cự sao nổi? Xin chủ tướng cùng các chư huynh cứu xét.Nộn hỏi ngay:- Vậy theo ý ngươi, đánh thế nào cho chắc thắng?- Bẩm chủ tướng, Ma Lôi nói – Chí của chủ tướng là ông trùm thiên hạ. Nên chi không phải chỉ có việc diệt xong Đoàn Thượng là xong. Bởi thế tôi xin dâng một kế nhỏ. Đoàn Thượng chiếm một vùng đất rộng, người đông, kho người, kho của. Nhưng Thượng đã tự làm hỏng ông ta bằng các chính sách tàn bạo, khiến ông ta đi tới đâu, dân chúng đều bỏ chạy, ruộng vườn hoang hoá. Hiện nay tiềm lực của Thương chẳng đáng là bao. Vì dân trong vùng đang đói, lại sợ làm ra bị Thượng cướp mất, nên chẳng ai muốn cấy trồng. Dân đã nghèo đói, Thượng dựa vào đâu để giàu mạnh? Vẫn biết rằng các kho của Thượng còn nhan nhản. Nhưng thử hỏi hàng chục vạn miệng ăn, vừa ăn vừa phá như lính của Thượng, kho đụn ấy đủ dùng được mấy nả? Không nên đốt lương. Vì làm ra một hạt lúa khó lắm. Mà sắp tới, chúng ta cần rất nhiều lương. Diệt Thượng, chỉ cần một đạo tinh binh, đột kích hẳn vào trung quân. Phải diệt cho bằng được Thượng và tả hữu của ông ta. Hiện thời tôi biết trung quân do Đoàn Thượng đóng giữ, có một con đường hẻm, xe đi không lọt. Con đường ấy bắt nguồn từ bãi sông. Hai bên lau sậy mọc cao quá đầu. Nếu ta dùng thuyền nhỏ đổ quân lên bãi, rồi đi theo đường này chắc là mọi chuyện sẽ êm. Nhưng chếch phía tả của trung quân lại là trại của Văn, con lớn Đoàn Thượng. Hai trại này cách nhau non mười dặm, đóng liên tiếp có thể ứng cứu cho nhau. Cho nên ta tập trung binh lực đánh vào trại của Văn. Trại của Văn gần đường lớn, gần bến sông, nên y bố trí binh lực dầy đặc, chưa dễ phá được. Nhưng ta hư trương thanh thế, khiến kẻ kia tưởng ta quyết hạ chúng. Ta không tiến lên được, kẻ kia cũng không đẩy ta ra được. Cứ thế kéo dài độ mười ngày ở thế giằng co. Địch tưởng ta nản, sinh lòng trễ nải. Để vào nửa đêm hăm mốt tới, may sẽ có mưa lớn. Ta dùng khinh binh, đánh vào trung quân của Thượng. Còn bên trại của Văn, ta đánh gấp. Thế là hai trại trên dưới, cha con Thượng không ứng cứu được cho nhau. Về các kho lương, cũng trong đêm đó, phải đánh sao cho kẻ kia không kịp đốt. Diệt được Thượng rồi, quân kia như rắn mất đầu, tự tan. Ta dùng lương chiếm được để chiêu thảo dân tứ tán, cho họ an cư lạc nghiệp. Chỉ một năm sau, châu Hồng lo không có chỗ mà chứa lúa gạo.Nguyễn Nộn dùng kế của Ma Lôi, thắng lớn. Đoàn Thượng chết trong đám loạn quân. Con của Thượng là Văn đem gia thuộc đến hàng. Duy có một điều Nộn không nghe Ma Lôi, thay vì đem lương thực cướp được để chiêu thảo dân tứ tán. Nộn cho quân đi vơ vét, cướp bốc của cải khắp châu Hồng. Bắt con trai xung vào lính, con gái đẹp đưa về dinh. Nhân nghĩa Nộn, không hơn gì Thượng. Lòng dân hướng về nhà Trần.Diệt Thượng rồi, lại kiêm tính được cả số quân của Thượng, thanh thế của Nộn lớn lắm. Nộn càng càn rỡ, ăn chơi xa xỉ, mặc sức cho ba quân hưởng lạc. Dân chúng ngày càng oán vọng, xa lánh Nộn.Thông quốc thái sư Trần Thủ Độ giật mình vì Nộn diệt Thượng quá nhanh, lại không bị hao tổn binh lực. Quân đi xem xét cách tiến binh của Nộn về tâu lại, Trần Thủ Độ kinh hãi nhủ thầm: “Nộn dùng binh như thần”. Ông băn khoăn tự hỏi: “Chẳng nhẽ Hoàng tiên sinh xét đoán nhầm chăng? Tiên sinh nói: “Đoàn Thượng là một đứa thất phu. Binh lực nhiều đấy, nhưng ô hợp, tự tan. Nguyễn Nộn trí đoản, không phải là địch thủ của quan ông…”. Trần Thủ Độ không dám không tin lời Hoàng tiên sinh. Song cứ xem cách dùng binh của Nguyễn Nộn, thì không thể coi thường y được. Nếu vậy, tình thế tranh chấp sẽ còn kéo dài, dân lành còn điêu háo.Trần Thủ Độ lại sai người tâm phúc đi dò la trong quân của Nguyễn Nộn. Sau đó mới vỡ lẽ: Nguyễn Nộn thường dùng kế của Mã Lôi, người Chăm.Để cho kẻ kia lên mặt coi thường thiên hạ, mà sinh kiêu bạc, tự gây biến trong quân, Trần Thủ Độ dùng kế nhún, sai sứ đem sắc thư đến mừng Nguyễn Nộn, gia phong cho làm Hoài đạo hiếu vũ vương. Lại đem công chúa Ngoạn Thiềm gả cho. Bề ngoài là cầu thân, nhưng ngầm để dò la. Nguyễn Nộn không bằng lòng với tước trật của triều đình, không lạy chiếu, tạ ơn mà xưng là Đại thắng vương. Tự cho mình là nhất trong thiên hạ, từ đó trễ nải việc quân, không còn biết nghe lời nói phải, hễ ai làm trái ý mình là Nộn giết quách. Đắm mình trong cuộc hoan lạc thâu đêm tối ngày. Tướng Ma Lôi kịp nhận ra Nộn không phải là bậc lương đống gì, hoạ đến nơi, liền bỏ Nộn đi mất. Ít lâu sau Nộn ốm chết. Quân Nộn về với triều đình. Thiên hạ thống nhất.======.(1). Tì nữ: Con gái dùng để sai phái trong các nhà quyền quí.Thiếp: con gái đẹp dùng để giải trí cho các bậc quyền cao chức trọng.Tú nữ: loại gái đẹp dùng vào việc hầu hạ xoa bóp cho các quan lớn…(2). Chế độ nhà Lý, nhà Trần chia quân đội làm nội binh ngoại binh. Nội binh gồm có quân cấm vệ và quân thường trực chiến đấu của triều đình dưới quyền điều khiển của Điện tiền chỉ huy sứ.(3). Ngoại binh là binh lính thuộc các châu, lộ dưới quyền điều khiển của các quản giápCHƯƠNG 13Đêm đầu hạ mà trời nóng khácthường. Thái sư Trần Thủ Độ với tay châm ngọn bấc nhỏ, trong cái đĩa đèn dầu lạc, rồi khẽ thổi tắt ngọn bạch lạp, đang toả ra sức nóng nung đốt thêm bầu không khí oi nồng. Trong gian phòng rộng rãi ở cung Thuỷ Tĩnh này, ông đã cho dẹp bỏ bớt các đồ trần thiết, đắt tiền mà rườm rà, gây ra sự vướng víu cho tầm nhìn thoáng đạt của ông. Như các loại hoành phi, câu đối, đại tự, bình phong cùng các đôn sứ, độc bình của Trung Hoa. Và chỉ giữ lại vài bức tranh phong cảnh treo loáng thoáng đó đây.Đối mặt với ông là bộ Hình thư(1) đóng dồn vào làm bốn cuốn, bìa bồi phất cậy màu nâu cháy(2). Ông đang đọc thiên tội đồ. Trước đó, ông cũng đọc kỹ thiên tô thuế.Ông thầm khen: “Chính lệnh nhà Lý khoan mà nghiêm. Nhất loạt tô thuế đều khoan giảm. Mọi việc qui định chặt chẽ, rõ ràng. Ví như việc thu thuế khoá thường năm. Luật cho phép phần phụ thu bằng một phần mười chính tang, để nôïp cho nhà nước. Phần phụ thu đó các quan được dùng vào việc hoành đầu(3), và chi dụng cho những người trực tiếp làm trong vụ thuế. Kẻ nào lấy quyền thế lạm thu, thì ghép vào tội ăn trộm mà xử. Luật còn khuyến khích dân gian giám sát quan lại cho chặt chẽ. Ví như người nào biết mà cáo giác việc hà lạm đó lên quan trên, thì tha phú dịch cho cả nhà trong ba năm. Nếu người ở kinh thành biết mà cáo giác, thì thưởng cho toàn bộ số vật đã cáo giác ra ấy…”.Trần Thủ Độ đọc đi đọc lại mãi thấy thiên căn bản, rồi ông lại tự hỏi: “Pháp luật nhân chính thế này, mà sao mấy đời gần đây nhà Lý để cho kỷ cương rối loạn?”. Suy ngẫm giây lâu ông tự đáp: “Luật lệ gì cũng đều do nơi con người làm ra, và cũng lại do con người thi hành. Sự rối rắm gốc ở những người cầm cân nảy mực không nghiêm. Cứ xem cách ăn chơi phóng đãng của cha con Huệ tôn đủ rõ sự mục nát khơi nguồn từ đâu”.Oi quá! Nhìn qua khuôn cửa sổ ngỏ, ông thấy mảnh trời bàng bạc, cây cối đứng im phăng phắc. Thi thoảng có mùi hương sen ở đâu đó. Trần Thủ Độ buông sách đi ra phía hồ sen. Mảnh trăng muộn treo chếch trên nền trời sáng nhạt. Những đọt lá sen đầu hạ đội bùn lấp ló trên mặt nước, nom từa tựa những bàn tay cum cúp đang ve vẫy. Không khí mát lành. Thái sư lấy hai tay vọc nước hồ, vã lên đầu, lên mặt. Nước mát lạnh vừa có vị ngòn ngọt của một thứ nước mưa ngấu, vừa có hương thơm của mầm sen đan quyện. Trần Thủ Độ thấy trong người khoan khoái. Ông đi dạo quanh hồ. Chợt đâu đó có một tiếng gà gáy vang lên xé tan bức màn đêm tĩnh lặng. Rồi như một sự lây lan, khắp kinh thành tiếng gà gáy râm ran, kéo dài một lúc có dễ gần nhai tàn miếng trầu vẫn còn eo óc. Tiếng gà gáy làm Trần Thủ Độ giật mình, vì ông sực nhớ tới đêm đã khuya. Ông bước rảo về thư phòng, đã thấy công chúa(4) khêu to đĩa đèn, đứng tựa bên án với vẻ băn khoăn. Ông bèn lên tiếng:- Ơ hay, sao giờ này bà còn chưa đi nghỉ?- Tôi đã ngủ được một giấc dài. Nghe tiếng gà gáy giật mình tưởng trời đã sáng. Cửa để ngỏ. Biết ông vẫn chưa về nghỉ, tôi liền chạy sang đây. Không thấy ông, đang phân vân, thì ông đã tới.- Hoá ra lũ gà trống nó làm bà mất giấc ngủ. Để mai tôi nói quan đại an phủ sứ, cấm các nhà trong kinh thành, không được nuôi gà trống.Phu nhân kinh ngạc, mắt trợn tròn, miệng há ra, miếng bã trầu rơi nhẹ xuống thềm. Bà nói:- Thái sư ơi, tôi mong rằng đây chỉ một lời nói vui trong đêm tối không có ai biết, ngoài tôi với ông ra.Trần Thủ Độ nhếch miệng cười, khẽ đặt bàn tay lên bờ vai phu nhân, ông nói:- Vì bà, tôi có thể làm được mọi việc.Phu nhân quay lại nhìn thẳng vào mắt thái sư, nói với vẻ hơi dằn dỗi:- Nếu vì tôi, quan thái sư “có thể làm được mọi việc”, xin thái sư gia ân cho tôi thêm một chữ “thiện” nữa ở cuối có được không?- Vậy là bà cho tôi ra lệnh cấm nuôi gà trống, là một việc ác. Bà không thể chấp nhận.- Vâng, thưa thái sư, đó là việc đại ác.Trần Thủ Độ khẽ vuốt vuốt hai bờ vai phu nhân, lại hỏi:- Nếu tôi có ra lệnh cấm nuôi gà trống là cốt giữ cho mọi người, trong đó có bà được giấc ngủ yên lành, can chi bà lại bảo đó là việc đại ác?Phu nhân khẽ gỡ hai tay chồng ra, bà nói giọng nghiêm trang:- Từ ngày họ Trần dấy nghiệp, một tay ông nắm giữ binh quyền, đã làm nên bao sự tích lẫy lừng, anh kiệt, có thể sánh ngang các bậc tiên thánh. Duy có những việc quái kiệt, ông chưa từng làm, phải chăng là việc đầu tiên?Trần Thủ Độ nắm lấy tay phu nhân, cảm động nói:- Ta thử lòng bà đó. May thay bà là một người có cái tâm tốt. Ta trăm công ngàn việc, có thể có những điều ta làm là gây được mầm thiện cho thiên hạ. Lại có những điều nhen nhóm cái ác mà ta không tự thấy. Vậy từ nay, nếu có điều gì từ trong nhà tới triều đình, bà thấy nó trái với đạo thường, bà cứ nói ta hay. Vẫn biết nơi triều chính, phải dựa vào bá quan, lại có cả gián quan, nhưng mấy ai dám nói trái ý bề trên. Thành thử mọi việc ta cứ phải so đo cân nhắc mãi, đôi khi thành chậm trễ.- Ông ạ, phu nhân nói giọng ngậm ngùi, trong những năm chiến tranh, ngay cả hoàng gia, hoàng tộc ta, cũng lắm phen lao đao. Không những của nả bị hao tổn, mà tính mạng đôi khi cũng khó toàn. Ấy là trong tay ta còn có kho tiền, kho của, có kẻ hầu người hạ, có quân canh bảo vệ. Suy ra số phận của người dân xiết bao cực nhục. Bây giờ, thái bình rồi, ông lo sao cho dân có bát ăn, không còn nạn trộm cướp, hào dịch áp chế họ nữa. Muốn thế, chính lệnh phải nghiêm, tô thuế khoan giảm. Phải làm thế nào cho từ kẻ sĩ đến bọn ngư, tiều, canh, mục(5) đều được ơn mưa móc của họ Trần, thì người ta mới không nghĩ về vua cũ nữa. Nhưng thôi, phu nhân sực nhớ, khuya lắm rồi, ông cũng nên đi nghỉ thôi.Trần Thủ Độ lắc đầu:- Không được, có lẽ đêm nay tôi phải thức trắng. Công việc bề bộn lắm.- Ô hay, cả những năm tranh chiến cam go, Đoàn Thượng, Nguyễn Nộn luôn uy hiếp triều đình, chưa bao giờ tôi thấy ông phải thức trắng đêm liền như dạo này. An hoà rồi, ông cũng phải nghỉ ngơi chứ?- Để làm được cái việc thường tình như bà nói: lo cho người dân có bát ăn, rồi từ kẻ sĩ đến bọn ngư, tiều, canh, mục đều được đội ơn mưa móc… Chao ôi, đó là việc cực khó bà ơi. Từ bữa giang sơn thu về một mối tới nay, tôi lo lắm. Nhiều lúc tưởng như mình không đủ sức. Bọn nho sĩ cao đạo, còn viện lý này lý nọ để biện minh với họ được. Chứ với người dân thì mọi việc đều đơn giản lắm. Họ chỉ biết nhà Lý hơn, hay nhà Trần hơn, là ở nơi bữa ăn thường ngày của họ. Cái gốc của sự lo của tôi là ở đấy.- Nhưng lo thì ông phải đốc thúc người ta làm. Chứ đêm nào ông cũng thức trắng với dăm ba cuốn sách kia, phỏng có ích gì. Vả chăng chữ nghĩa ông có được là bao.Trần Thủ Độ cười hì hì, nom ông dễ thương quá. Nắm lấy hai tay phu nhân khẽ lắc lắc, ông nói:- Vậy là bà lại chê tôi ít học chứ gì?- Tôi đâu dám chê ông. Chẳng qua thấy ông đêm nào cũng đánh vật với cuốn sách. Có phải ông đang tìm phép lạ?- Từ nay tôi còn phải đánh vật mãi với cái đám sách ấy đấy. Bà bảo tôi phải đốc thúc cho họ làm, biết làm mà còn phải biết lo nữa, bà ạ. Việc làm ăn khác với việc đánh giặc nhiều lắm. Mỗi việc đều có cái dễ, cái khó của nó. Nếu dân làm nhiều mà không có luật pháp bảo vệ cho họ, dẫu có thoát khỏi bọn trộm cướp, cũng lại rơi vào bọn quan lại tham nhũng hết. Phép lạ tôi đang tìm là ở chỗ đó. Làm gì cũng phải xem trước ngắm sau. Tôi đang cho Ngự sử đài san định một bộ hình luật. Tôi nghĩ luật triều ta làm, phải phù hợp với triều đại ta đang sống. Nhưng nó phải thuận tiện cho dân. Bởi thế, phải xem xét, các triều trước có điều gì hay mình phải giữ, phải học. Điều gì dở thì bỏ. Cái gì trước kia chưa có, bây giờ phải thêm vào.- Ôi, đó là việc của triều đình. Tôi là đàn bà không can dự vào chính lệnh.Như chợt nhớ ra điều gì, Trần Thủ Độ vội hỏi:- Mấy bữa nay bấn quá, tôi không ghé chỗ nhà học đường nữa, bà thấy thằng bé nó có chịu học không?- Vậy chớ ông hỏi thằng bé nào?- Thì chẳng phải thằng Cảnh còn ai. Cả con vợ nó nữa, có chịu học không?- Giời đất ơi, ai lại gọi vua như thế bao giờ.Trần Thủ Độ cười vui, nói lấp:- Vua chúa gì thì nó cũng là con, là cháu mình, nó còn nhỏ dại, phải nghiêm khắc răn đe.Phu nhân cười rung cả hai vai:- Chịu khó lắm. Ông thầy khen cả hai đứa cùng sáng dạ. Nhưng con Chiêu Thánh mảnh sức, cứ hay kêu mệt.- Chúng nó có hoà thuận với nhau không?- Trẻ nhỏ nó đã biết cái gì mà chẳng hoà thuận. Vậy thôi ông về nghỉ cái đã. Phu nhân lại giục.- Sắp sáng rồi. Bà biết tính tôi đấy. Đã ngủ là ngủ như chết. Hôm nay thiết triều có nhiều việc lớn phải bàn. Bà cứ về nghỉ đi. Nói rồi Trần Thủ Độ nắm tay vợ tiễn ra khỏi bậc tam cấp.Trở lại thư phòng, ông dẹp mấy cuốn sách lại, thổi tắt đĩa đèn. Ông ngồi đó suy nghĩ về mấy việc cần làm sắp tới. Đại loại như việc nhất loạt giảm tô thuế cho cả nước. Những vùng chiến tranh tàn phá nặng nề thì xá hẳn tô, thuế trong ba năm. Những ruộng hoang, hoá, dân tự khai phá cấy trồng, cho làm chủ đất ấy, lại cũng được xá thuế năm năm. Nhưng trước hết, phải làm một tuần cầu siêu cực lớn trong cả nước. Chiêu minh cho những ai bỏ mình vì nghĩa lớn, và cả những linh hồn chết oan, chết uổng. Những chiến trận ông đã trải, những cảnh chết chóc đẫm máu như hiển hiện trong óc não ông. Rồi những người ông sai giết. Những làng mạc, những nơi quân địch đồn trú, ông ra lệnh đốt phá. Ngọn lửa như còn bừng cháy trong mắt ông. Biết bao nhiêu tội ác, ông có phần trách nhiệm. Có một cái gì đấy nhói đau nơi lồng ngực ông. Chợt dâng trong ông lòng thương xót, và cả sự hối hận. Dường như lương tâm ông đang thức tỉnh.Phương đông đã ửng hồng.==================.1. Hình thư là bộ luật ban hành từ năm Nhâm Ngọ (1042) đời Lý Thái tôn, xem như là bộ luật sớm nhất trong lịch sử luật hình của nước ta. Nhờ có luật này mà xử mọi việc kiện tụng, tranh chấp được rõ ràng, công minh, dân lấy làm tiện. Vì thế mới đổi niên hiệu là Minh đạo (con đường sáng).2. Ngày xưa để giữ sách được lâu bền, người ta bồi bìa bằng giấy bản nhiều lớp, rồi quét nước bằng quả cậy xanh giã nhỏ lấy chất nhựa phơi tẩm nhiều lần. Bìa đó để cả trăm năm vẫn tốt.3. Hoành đầu: tiền chi dùng việc giấy, mực.4. Ám chỉ Huệ hậu Trần Thị Dung, sau khi Lý Huệ tôn chết, bị giáng xuống làm Thiên cực công chúa, rồi gả cho Trần Thủ Độ.5. Bốn lớp dân và cũng là bốn nghề căn bản của xã hội nông nghiệp cổ xưa: người làm nghề sông nước, người làm nghề rừng, người làm ruộng, người chăn nuôi.
Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn
D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng
CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!