Bão táp cung đinh - Chương 22
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
116


Bão táp cung đinh


Chương 22


Bão táp cung đình, chương 22
CHƯƠNG 22Nắng dọi những tia đầu tiên vào phòng, khiến Trần Thủ Độ giật mình tỉnh giấc. Thái sư uể oải vươn vai, ngáp một tiếng thật to rồi vùng ra khỏi giường. Ông chụp lấy chiếc chuông nhỏ để lẫn vào đồ văn phòng tứ bảo, lắc lia lịa. Một lát, tên gia nô bước vào phòng hớt hải. Thấy quan ông đầy vẻ tức giận, y quỳ mọp xuống tâu:- Trình đức ông… Tên gia nô sợ đến líu cả lưỡi. Vì y biết tính chủ, mỗi khi nổi giận.Trái với lệ thường, lúc tức giận, quan thái sư hay thét mắng. Lần này quan ông thong thả hỏi:- Sao các ngươi không đánh thức ta dậy sớm?Tên gia nô vững dạ, bèn thưa:- Trình đức ông, lệnh bà bảo chúng con cứ để cho đức ông ngủ. Vì đêm qua đức ông làm việc khuya.- Có tin tức gì cho ta không?- Bẩm đức ông. Có thư của Lê tướng quân.- Sao không đưa ngay vào! – Trần Thủ Độ đập tay xuống án, quát.Tên gia nô mặt tái đi, nói lắp bắp:- Trình đức ông, ngựa trạm mới đưa vào lúc đầu giờ dần. Nói xong y chạy đi lấy phong thư.Trần Thủ Độ đọc thư, nét mặt ông tươi tỉnh dần lên. Khi đặt phong thư xuống án, ông chợt nhìn, vẫn thấy tên gia nô quì chờ lệnh. Ông ân cần bảo:- Ta đang có công việc cần kíp. Nên đôi khi trái tính. Các ngươi gắng chịu. Ta biết các ngươi không có lỗi gì đâu. Đừng sợ. Lần sau, có thư hay lệnh, các ngươi nhớ đem ngay vào cho ta. Nếu là hoả lệnh, thì dù ta có đang ngủ, cũng phải lay gọi bằng được. Nghe không?Tên gia nô cuối đầu:- Dạ!Trần Thủ Độ vẫy tay cho lui.Thái sư rất hài lòng vì Lê Tần vừa tới biên ải được vài tuần đã kịp thu thập tin tức, gửi đường ngựa trạm về ngay. Vậy là mặt biên ải chưa có gì đáng quan ngại. Thời cơ cho ta rảnh tay lo việc hoàng gia. Ông tự biết làm việc này hơi quá tay với Trần Liễu. Vì nếu không như thế, ông không yên tâm về hai lẽ. Một là tính trường cửu của nhà Trần. Hai là dập tắt tham vọng quyền hành của Trần Liễu. Theo ông, Trần Liễu ngu xuẩn không tự biết mình. Y cũng không biết đến cả sự tế vi của công cuộc chính trị mà ông chủ trương. Thử hỏi, không có Trần Cảnh, thì làm sao đóng cho xuôi gọn được tích trò nhường ngôi? Nay thiên hạ đã chấp thuận như là một sự đương nhiên phải thế, thì y lại hằm hè, động cựa. Trần Cảnh là người khoan nhân, đức độ, lại thông tuệ khác thường. Tâm ấy, tài ấy, mà ở ngôi thiên hạ mới có chỗ trông cậy. Trần Thủ Độ đang miên viễn với những suy tư, toan tính thì nội thị đã bê thức ăn sáng vào cho ông.Mở chụp lồng bàn thấy có một đĩa khoai tím. Một dúm muối vừng và một con dao bài. Thái sư ăn ngon lành. Ông ăn hết đĩa khoai, vẫn còn muốn ăn nữa. Ông tự biết ơn phu nhân. Chỉ có phu nhân mới biết ông thích ăn loại khoai này. Đây là giống khoai rừng chỉ bên mạn Kinh Bắc mới có. Củ giống như củ nâu, to bằng chiếc nồi nhỡ. Thường nấu canh cá rô, hoặc hầm với cẳng lợn, ăn rất ngon. Nó thơm như củ mài, bở và ngọt hơn củ mài. Nhưng ông thích ăn luộc hơn cả.Nội thị vừa dâng cho ông một tô nước chè xanh, cũng vừa lúc phu nhân bước vào.Gương mặt phu nhân chảy dài ra, buồn rười rượi. Phu nhân nói như nhận lỗi về mình:- Thấy ông ngủ ngon quá. Tôi dặn gia nhân không được đánh thức. Chắc ông giận.Trần Thủ Độ cười xoà:- Tôi ngủ được, khỏe người, có gì mà giận. Nhưng bà thương tôi vừa vừa thôi, kẻo những lúc việc quân gấp gáp cứ ngủ khì là mất mạng như chơi.- Cả đời ông, tôi có thấy lúc nào ông không gấp gáp? Mà đã mất mạng đâu.- Nhờ có sự lúc nào tôi cũng gấp gáp ấy mà tôi không mất mạng, binh tôi không nhọc sức.Liếc nhìn phu nhân, thái sư hỏi:- Lại có chuyện gì phải không? Mới sớm đã buồn nẫu ra thế kia. Lại chuyện con Chiêu Thánh chứ gì? Bà cứ hay cả nghĩ. Con cái lớn rồi. Có điều gì nó không vừa ý, nó phải cãi chứ sao. Cốt nó không ra khỏi khuôn phép của mình là được.- Nào có phải chuyện nó cãi. Cả tháng nay nó cứ điên điên khùng khùng. Nó không nói với tôi một lời nào. Nó không muốn nhìn mặt tôi nữa. Cứ hễ trông thấy tôi là nó hét: “Ma! Ma!”. Tôi khổ tâm lắm ông ơi. Tất cả cũng vì đế nghiệp nhà ông, mà tôi mang trọng tội với nhà Lý. Tôi là một kẻ giết chồng, hại con, phá tan cả một vương triều. Con gái tôi nó nói vậy đấy. Phu nhân bưng mặt khóc hu hu.- Sao bà cứ hay chấp nê. Chỉ biết mình làm việc đại nghĩa. Người này được thì kẻ kia mất. Biết làm thế nào khác được. Có điều để mình yên tâm rằng, không phải mình tham lam quyền bính, mà mình vì đám lê dân. Trần Thủ Độ với vẻ trầm tĩnh, giảng giải cho phu nhân đến cạn nhẽ – Đấy bà xem, những năm dưới triều Huệ tôn, đi về ngả nào cũng thấy người chết đói. Đi về nẻo nào cũng khói bụi chiến tranh. Ngay cả lúc đói, mình ăn miếng cơm cũng không còn thấy ngon nữa. Ngủ cũng chập chờn không yên giấc. Nay nhà Trầøn trị vì, bà xem đời sống người dân như thế nào. Cứ trông những bộ mặt những người đi đường, là biết được thời đại. Bà cứ trách móc tôi là lúc nào cũng gấp gáp. Tôi gấp gáp vì sự an dân hưng nước, chứ tôi có nhằm lợi lộc gì. Trong nhà ta, có gì bà biết cả đấy.Phu nhân lấy chéo khăn lau nước mắt, ngước nhìn chồng, bà nói:- Nào tôi có dám trách oán gì ông. Buồn quá, tôi chỉ muốn thổ lộ cùng ông đôi điều. Con Chiêu Thánh nó bỏ đi rồi. Ông biết chưa?- Nó bỏ đi lúc nào. Được, để tôi cho người đi tìm.- Cả con Trịnh Huyền cũng đi theo nó. Ông có nhớ con Trịnh Huyền, thị nữ của tôi không?- Có phải con bé giấu tờ chiếu dạo nọ không? Con bé người nhà quan thừa chỉ chứ gì?- Đúng đấy!- Con ấy là một đứa nghĩa khí đấy bà ạ. Nó là phận tôi tớ, nhưng tôi vẫn có bụng nể nó. Để nó theo hầu Chiêu Thánh cũng được. Con Chiêu Thánh cũng thuộc nòi khí khái lắm. Thế bà đã nói với nó, chuyện đưa con Thuận Thiên về bên này chưa?- Tôi nói, nó cãi tôi, rồi nó phát điên phát khùng lên đấy. – Phu nhân thở dài chán nản – Chuyện vỡ lở, cả kinh thành điều biết. Ông tính sao?Trần Thủ Độ trầm tư:Thôi được, bà cứ mặc tôi liệu.Thái sư tức tốc sai quân toả đi bốn cửa thành tìm Chiêu Thánh. Từng bến đò, quán nước, chùa chiền, nơi nào có thể dừng chân hoặc tá túc được, lính đều ngó ngang tìm kiếm.Chừng giờ trị, quân báo về: đã tìm thấy hoàng hậu ở chùa Bảo Quang.Trần Thủ Độ lập tức lên kiệu tới liền. Thuyền sư lật đật ra tận tam quan vái chào quan thái sư, và rước mời ông vào nhà phương trượng. Nước được một tuần, nhà sư liền hỏi:- Bạch đức ông, vậy chớ có chuyện gì, hoàng hậu vừa đến vãng cảnh chùa dâng lễ Phật sớm nay, mà đức ông đã phải vội vã đi tìm?Trần Thủ Độ từ tốn đáp:- Bạch thuyền sư, tôi cũng là khách thập phương tới vãng cảnh chùa, ăn mày lộc Phật. Cớ chi nhà chùa lại bảo tôi đi tìm hoàng hậu? Chẳng hay hoàng hậu bây giờ ở đâu? – Nói rồi Trần Thủ Độ sai mở đẫy lấy ra một trăm lạng bạc, hai mươi đĩnh vàng cúng vào chùa. Ông nói:- Số vàng bạc này gửi nhà chùa để tu bổ nơi hương khói thờ Phật, và làm các việc bố thí cho chúng sinh vào những năm mất mùa, đói kém.Thuyền sư hết lời cảm tạ tấm lòng hiếu Đạo của thái sư. Nhà sư nói:- Bạch thái sư, vì đức ông có lòng hiếu Phật, nên bần tăng mới mạnh bạo bộc bạch cái sở kiến của kẻ tu hành. Như thái sư đã biết, từ khi đức Cao tông nghe lời xiển Phật của Đàm Dĩ Mộng, đã có sự bài xích Phật giáo một cách bất công. Cũng từ đấy kỷ cương nhà Lý bắt đầu đổ nát. Nay triều ta đã hưng được vận nước, xin thái sư để tâm hơn nữa vào việc Đạo. Vì việc Đạo chính là việc đời. Đạo là cốt để giáo hoá cho chúng sinh được ngay chính cái tâm – tức là thiện tâm. Một xã hội đầy tràn thiện tâm thiện đức, chẳng phải là một xã hội thịnh trị, mà các đấng minh quân từ xưa mơ ước sao? Bần tăng chỉ xin bầy tỏ với thái sư một điều bé mọn đó của kẻ tu hành, xin thái sư lưu tâm.Trần Thủ Độ đến chùa không phải vì mục đích vãng cảnh, cúng dàng. Cũng không phải đến để đàm đạo với thuyền sư về việc đạo, việc đời. Chẳng qua vì có tin Chiêu Thánh bỏ ngôi hoàng hậu vào đây ẩn náu, ông muốn tới để gọi nàng về. Lại vì có di hài của Huệ tôn để trong tháp chùa này. Thủ Độ cúng dâng vàng bạc để tu bổ chùa chiền, cũng có hàm ý đến việc săn sóc Huệ tôn. Vì khi nhà vua còn sống ông không làm được điều đó. Cũng còn một ý khác nữa muốn nói với dân nước, nhà Trần là kế nghiệp nhà Lý chứ không có chuyện soán đoạt. Một ẩn ý nữa là, nếu như Chiêu Thánh muốn ở lại chùa để hương khói, thì số bạc vàng đó là để chu cấp cho nàng. Bằng ấy ý nghĩa của cuộc viếng thăm ngắn ngủi của một quan lớn đầu triều, kẻ tu hành dễ gì nhận ra. Chợt nhớ tới nhà sư, Trần Thủ Độ nói:- Triều đình đang làm cái điều mà thuyền sư mong muốn. Vậy xin nhà chùa cho biết hoàng hậu hiện đang ở đâu. Mấy bữa nay, hoàng hậu không được khoẻ. – Bạch đức ông, hoàng hậu tới chùa cùng với một tì nữ vào sớm hôm nay. Người nói sẽ xin ở lại chùa để hương khói cho Huệ Quang thuyền sư. Nhà chùa chúng tôi chưa dám vâng lời. Vì chưa được biết cao ý của hoàng thượng và đức ông.Trần Thủ Độ nhã nhặn tiếp lời nhà sư:- Bạch thuyền sư, hoàng gia chúng tôi xin đa tạ hảo ý của nhà chùa. Xin cho tôi được gặp hoàng hậu, sau đó thế nào sẽ xin bạch lại với nhà chùa.Thuyền sư dẫn Trần Thủ Độ vào trai phòng. Chiêu Thánh đang ngồi buồn ủ rũ. Trịnh Huyền ngồi chếch phía sau, vừa bóp đầu cho Chiêu Thánh vừa rì rầm nói chuyện. Thấy thái sư bước vào, Trịnh Huyền vội đứng lên chắp tay vái:- Kính chào đức ông.- Chiêu Thánh, tại sao con lại bỏ cung điện tới đây? Mẹ buồn lắm đấy. Ta nghe nói mấy bữa nay trong người con khó ở.- Đội ơn đức ông hỏi thăm. Chiêu Thánh tôi có lúc nào được khoẻ mạnh đâu.- Vậy thời con nên trở lại cung, để mẹ con còn thuốc thang.- Xin đức ông tha cho. Tôi không thể trở lại cái tổ quỷ đó được. Ở đấy tôi sẽ phát điên lên mất. Sẽ hỗn hào phạm thượng.Trần Thủ Độ thầm nghĩ: “Con bé đâm khùng. Nói năng chẳng còn biết giữ lễ. Chắc nó uất lắm. Kể cũng tội. Không nỡ chấp với trẻ nhỏ”. Ông ân cần khuyên giải:- Hãy coi những điều mẹ con nói chỉ là mong muốn. Chẳng ai ép buộc con. Nếu không ưng thuận, con cứ về triều. Ngôi hoàng hậu của con không ai xâm phạm tới được. Ta mong con hãy nguôi giận.- Cảm tạ đức ông. Tôi hiểu phu nhân lắm. Vì bà là mẹ tôi. Ý bà đã quyết thì không gì lay chuyển được. Phu nhân đã hợp lực cùng với đức ông, đoạt bằng được cơ nghiệp của nhà Lý. Nay tôi lại cố đấm ăn xôi, ở lại ngôi hoàng hậu, chẳng là cái gai cho phu nhân hay sao?- Ta khuyên con nên trở về triều, kẻo nhà vua mong đợi.- Tôi đã thưa với đức ông rồi. Ngay cả nhà vua cũng phải tuân theo ý đức ông. Vả lại nhà vua đang cần có con nối nghiệp đế vương. Tốt nhất đức ông nên tìm cho nhà vua một người trong họ. Chị em tôi dù sao cũng là người ngoại tộc. Chắc đức ông cùng phu nhân đã tính kỹ nước cờ lừa nhà Lý. Nay phải diệt cái mầm loạn từ khi nó chưa nhú, lẽ nào đức ông còn rước người họ Lý vào cung? Đức ông cùng phu nhân có thể lừa được thiên hạ, chứ không lừa được con Chiêu Thánh đâu. Chiêu Thánh cố giữ vẻ bình thản, nhưng sao nước mắt vẫn cứ trào ra, hoen cả khuôn mặt gầy võ không điểm trang của nàng.Trần Thủ Độ không những không giận, mà còn thấy thương nàng. Ông cho những lời Chiêu Thánh nói, là suy nghĩ chân thực. Giọng ông rầu rầu:- Chiêu Thánh, con quá ưu sầu nên căm giận ta cùng mẹ con. Tiếc rằng con còn nhỏ tuổi chưa hiểu được sự đời. Lớn lên, chắc rồi con sẽ hiểu ta và tha thứ cho mẹ con.- Tôi không dám giận đức ông. Nhưng mẹ tôi, thật tình tôi không thể tha thứ cho bà. Hãy cứ cho rằng thiên hạ là của chung. Thiện thì được, không thiện thì mất. Song mẹ tôi, đã lừa dối chị em tôi. Lừa dối cả chồng bà. Chính bà là người giết cha tôi. Thưa đức ông, tôi biết ai là người giết cha tôi rồi. Nhưng nếu không có mẹ tôi, làm sao người kia có thể thực hiện được âm mưu đen tối của mình. Bà đâu còn là một người vợ, người mẹ nữa.Chiêu Thánh quay đi khẽ nói như nói với chính mình: “Tiếc thay, những năm thơ ấu, ta cứ nghĩ ta được sống trong tình thương của mẹ”.Tự biết không thể thuyết phục được Chiêu Thánh, mà ông thì không muốn ép buộc đứa con gái thơ ngây tội nghiệp, Trần Thủ Độ liền dịu giọng:- Vậy thì ý con muốn như thế nào, con cứ nói, họa may ta có thể giúp được gì cho con.Chiêu Thánh sửng sốt trước sự chấp thuận dễ dàng của thái sư. Nàng thừa biết ông là một người sắt đá, chưa hề biết lùi bước. Giá như ông gay gắt quyết liệt, nàng còn biết đường tự liệu. Với vẻ bối rối, nàng nói:- Xin đức ông gia ân cho tôi được ở lại chùa này, để hương khói cho cha tôi. Cũng xin đức ông cho Trịnh Huyền được ở lại cùng tôi cho có bầu có bạn.- Nếu ý con đã quyết, ta không nỡ cản. Chỉ thương con thân gái, chưa quen chốn khổ hạnh.Suy nghĩ giây lâu, Trần Thủ Độ lại nói:- Chùa là nơi chốn của những người đã xuất gia. Con ở lại đây lâu, e không tiện. Để ta nói thuyền sư cho con tá túc dăm bữa nửa tháng, chờ ta cho người xây cất một căn nhà, ngay cạnh chùa cho con, như thế tiện hơn. Rồi sau này thế nào tùy con định liệu.Chiêu Thánh không khỏi cảm động trước tấm lòng ưu hậu của thái sư. Nàng lễ phép nói:- Thưa đức ông, nếu đức ông thương tình cho một chỗ ở, Chiêu Thánh tôi chỉ xin ba gian nhà tranh vách đất đơn sơ, bên cạnh hồ, tiếp với đất chùa đây. Nếu như đức ông lại xây cất dinh thự nguy nga, thì Chiêu Thánh tôi không bao giờ dám đặt chân tới- Thôi được, ta sẽ chiều theo ý con. Để ta nói lại với thuyền sư. Chào hai con.Đã toan quay ra, Trần Thủ Độ lại dừng, ông nói với Trịnh Huyền – Ý hoàng hậu như vậy, chắc con đã rõ. Con cố gắng làm vui lòng người. Cũng phải nói để con biết. Ta rất trọng con. Chúc hai con mạnh khỏe, ta đi.Cả Chiêu Thánh, Trịnh Huyền đều cúi đầu bái biệt.Trần Thủ Độ bước ra, vẻ mặt lạnh buồn.Trở lại cung Thuỷ Tĩnh, Trần Thủ Độ đã thấy có Lê Tần ở đấy. Ông sung sướng reo lên:- Cha chả tướng quân đã về. Ta mong ông quá.Lê Tần cúi đầu vái thái sư.Chợt thấy trên nét mặt viên tướng trẻ một thoáng lo buồn, Trần Thủ Độ hỏi:- Có chuyện gì đó, tướng quân?- Trình thái sư. Tôi vừa về tới kinh thành liền đến ra mắt thái sư ngay. Được tin đức ông lại chùa Bảo Quang, tôi quay vào điện Thiên An. Bẩm đức ông, hoàng thượng bỏ kinh thành đi rồi!Trần Thủ Độ tái mặt, giây phút kinh hoàng vừa thoáng hiện trên gương mặt con người dạn dày trận mạc, với ý chí sắt đá kiên cường, ông vội trấn tĩnh phút yếu lòng. Đức ông hỏi, giọng hơi lạc:Nhà vua đi từ bao giờ?- Bẩm, nội thị không biết rõ nhà vua đi vào lúc nào. Tiểu tướng có hỏi ngoài các trạm canh, viên đô trưởng Cửa Đông cho biết, đức vua đi vào khoảng cuối giờ hợi đêm qua. Tháp tùng nhà vua có bảy người. Nhưng tới bên kia bến đò sông Cái, nhà vua cho về bớt, chỉ lấy chi hậu cục Trần Thiêm và thân vệ tướng quân Trần Khuê Kình đi theo. Nhà vua nói là đi vi hành, phải cải dạng, không dân chúng họ biết. Dạ thưa, cả nhà vua và tuỳ tùng đều đi ngựa.Trần Thủ Độ thở dài, ngồi phịch xuống ghế. Lê Tần lại nói:- Bẩm đức ông, tiểu tướng đã cho một tốp lính sang sông Cái, tỏa đi các ngả đường để tìm nhà vua.Trần Thủ Độ gật đầu. Chiếc cổ ông chưa bao giờ cúi, mà nay phải uốn cong cho cái đầu gục xuống. Một lát, ông ngẩng phắt dậy, nhìn Lê Tần trừng trừng, hỏi:- Liễu đâu?- Trình thái sư, quan thái úy Hoài vương Liễu hiện đang ở tư dinh.Trần Thủ Độ giật mình:- Ông phải cho người theo sát Liễu. Sơ hở lúc này là có biến. Ông về đi. Cần gì ta sẽ cho tìm.Lê Tần cúi chào, lặng lẽ bước ra.Trần Thủ Độ đi đi lại lại trong căn phòng với những bước đi lúc thưa, lúc mau, lúc nhẹ lướt câm như mèo, lúc ầm ầm như voi cuốn. Ông lồng lộn như con hổ bị hãm chuồng.Trần Thủ Độ tự hỏi: “Chẳng lẽ keo này ta thua ư?” Rồi ông lại tự trả lời: “Có nhẽ ta thua thật”. Chúng nó bỏ đi hết rồi. Vua đi. Hoàng hậu cũng đi. Rốt cuộc chỉ còn lại con Thuận Thiên ngờ ngệch, thằng Trần Liễu ranh ma. Thằng này mất vợ, mất đám quân nanh vuốt, liệu nó có chịu bó tay không? Trời hỡi trời! Ta sẽ mất mặt với con dân cả nước, mất mặt với triều đình. Ông giận dữ ngửa mặt lên trời thề: “Dẹp xong việc này, từ nay thề có trời đất thiêng liêng chứng giám, tất cả những điều gì vợ ta sắp đặt…”Trần Thủ Độ cứ ngồi đó nghĩ suy, trăn trở. Ông ức đoán Thái tôn đi về nẻo hướng nào. Và hiện nay đang ở đâu. Ông không tự thấy nhà vua bị bức bách quá phải bỏ đi, mà ông chỉ trách Trần Cảnh vô ơn. Đã không biết công ông chăm sóc, dựng xây cho từng bước một. Một mình nó ngồi trên cả trăm họ. Thậm chí còn ngồi trên cả ông nữa. Nó phải biết vì sao nó được như thế chứ. Bây giờ, Cảnh bỏ ông đi, làm cho người trong nước chê cười ông. Thử hỏi, ông còn mặt mũi nào nữa. Rồi ông lại liên tưởng đến Trần Liễu. Sự thật ông thấy có gì gai gai mỗi khi nghĩ về Hoài vương Liễu. Ông không dám chắc, thằng đàn ông gần ba chục tuổi với nhiều tham vọng này, lại ngoan ngoãn khuôn theo sự sắp đặt của ông. Nghĩ tới có kẻ nào làm loạn, lửa giận trong người ông lại bừng bừng nổi dậy. Nước thanh bình, nhưng giặc ngoài không thôi dòm ngó. Kẻ nào khơi lên mầm loạn, kẻ ấy sẽ là con thiêu thân chui vào lửa. Ông không tha thứ. Ông chìa bàn tay gân guốc ra nắm lấy không khí rồi bóp siết lại. Cứ như là ông đang tiêu diệt kẻ phá phách nền an lạc của đất nước này.Chợt Lê Tần vào bẩm:- Trình thái sư, quan thừa chỉ đã bỏ Thăng Long đi rồi. Hoài vương Liễu cũng cải dạng ra khỏi kinh thành rồi. Quan thừa chỉ đi từ lúc nào không ai biết. Nhưng Hoài vương thì tiểu tướng đã cho người theo sát.- Hừm! Trần Thủ Độ vừa “hừm” được một tiếng, rồi đứng rũ ra như một chiếc cây bị héo rũ. Không phải ông sợ vương Liễu, mà chính là quan thừa chỉ bỏ đi. 

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN