Bão táp cung đinh - Chương 29
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
139


Bão táp cung đinh


Chương 29


Bão táp cung đình, chương 29
CHƯƠNG 29Trời hoe hoe nắng. Cái nắng đầu xuân như ngỡ ngàng sau một mùa đông băng giá. Thấy có nắng, Chiêu Thánh lên tiếng gọi:- Huyền ơi! Huyền! Huyền ơi, ra đây chị bảo này.Trịnh Huyền đang loay hoay với mái gà xuống ổ, nghe tiếng Chiêu Thánh gọi, vội chạy túa ra sân.- Thưa, có điều gì chị sai bảo em đấy ạ.- Đây này, em đã nhìn thấy gì chưa?- Ôi, thích quá! Thích quá chị Chiêu Thánh ơi. Tằm sắp nở ra cả rồi. May quá, mấy hôm nọ trời rét, em cứ sợ trứng ung hết. Đem xuống bếp để, em lại sợ nó chết sặc khói. Lứa dâu này là kịp đấy chị nhỉ. Để chiều nay em phải pha nước dải tưới thúc cho nó lên mau.Chiêu Thánh khẽ lắc đầu:- Chưa cần phải thúc đâu em ạ. Qua kỳ rét lộc này ấm lên, cứ gọi là hái không xuể. Em không nhớ năm ngoái đấy à, chị em mình cứ sợ thiếu lá, thúc mãi phân tro vào, dâu vuột lên rồi đứng lá. Đến lúc tằm ăn rỗi dâu quá lứa, tằm chê không ăn. Chị em mình chả phải đi hái khắp làng đấy ư. Theo chị, cứ để từ từ. Tằm lớn đến đâu, thúc dâu đến đó.Thấm thoát Chiêu Thánh về ở mảnh đất bên chùa Bảo Quang này đã được hơn chục năm. Chiêu Thánh đã lập riêng một điện để phụng thờ vua cha và Phật tổ. Ngày hai buổi sớm chiều nàng tụng niệm. Nhưng vẫn giữ đều, tháng đôi lần vào các ngày rằm, mồng một sang chùa làm lễ vua cha. Càng lớn, Chiêu Thánh càng khôn nguôi thương cảm nỗi bất hạnh của cha mình. Nhớ mãi cuộc gặp vua cha lần cuối ở Điện chí kính. Những lời khuyên dạy của vua cha như còn văng vẳng. Cả những lời nguyền rủa các người trong phe cánh họ Trần, Chiêu Thánh vẫn còn nhớ rành rõ như mới hôm qua thôi. Nhất là ánh mắt lạnh lùng đầy căm ghét của vua cha đối với mẫu hậu. Đã nhiều lần Chiêu Thánh nguyện trước linh hồn vua cha và xin người tha thứ. Nàng không thể nào thực hiện được lời vua cha, rằng phải trừ khử hết phe cánh họ Trần. Chiêu Thánh tự biết, đó là do sự uất kết của vua cha, chứ tình thế bây giờ khác lắm rồi. Làm sao mà đảo ngược được thế cờ. Vả lại, Thái tôn ít lâu nay đã tự mình giữ lấy then máy quốc gia. Nhà vua đức độ, dân chúng được hưởng ơn mưa móc, còn ai nghĩ đến vua cũ nữa. Ngay đến các đại thần nhà Lý cũng quy phục nhà Trần, tỏ tài mẫn cán, một lòng một dạ thờ vua mới. Thôi thì vua nào cũng được, triều nào cũng xong. Đối với đám dân đen, họ không cần biết đến ai là người nắm giữ quyền hành. Cái mà họ cần là non nước thái bình. Không có giặc giã. Không lụt lớn, cháy to. Tô thuế giảm nhẹ. Lao dịch khoan thứ. Nhà nhà có bát ăn bát để. Khốn nỗi các điều đó, khởi nghiệp nhà Trần đã lo liệu rồi. Và họ làm được. Sống bên nếp chùa thanh tĩnh, sớm tối cầu việc phúc, Chiêu Thánh dần dần nhận ra được sự thật đau lòng đó. Và nàng chấp nhận như là lẽ đời phải vậy. Bởi thế, nàng không có gì ân hận, tủi buồn. Nàng an phận đến nỗi quên cả tấm thân danh giá, mà lam lũ trong việc chăn tằm, ươm tơ. Dệt lấy lụa mà dùng. Cày cuốc lấy lúa gạo mà ăn. Một thầy một tớ, sống cuộc đời đạm bạc, lấy câu kinh, tiếng mõ làm lẽ sống cho mình. Bạn bầu với cây cỏ cho qua ngày đoạn tháng. Thân không thế phát, nhưng tâm đã gửi trọn cửa từ bi. Ấy là nói về phần Chiêu Thánh.Còn Trịnh Huyền thì lại khác. Trịnh Huyền từ khi quan thừa chỉ bỏ kinh thành ra đi, nàng như bị hụt hẫng, như mất hẳn chỗ dựa tinh thần. Đôi lúc cũng âm thầm ngao ngán. Nàng phải nén dấu tình cảm xót xa đau để Chiêu Thánh đỡ buồn. Hoặc những khi trời đổi gió, chuyển mùa, Trịnh Huyền lại bồi hồi nhớ tới mẹ già. Thương mẹ thân góa bụa cô đơn, lại nghèo túng, lấy ai săn sóc, phụng dưỡng khi nắng hạ, lúc rét đông. Có lúc soi bóng trong gương nàng giật mình thấy nước do sạm mốc, và những vết rạn chân chim nơi khóe mắt, tự xót thương cho thân phận hẩm hiu. Nhưng nàng không hé một lời than, dường như nàng chấp nhận và đón đợi những gì cay đắng mà số phận giành cho nàng.Ấy vậy, nhưng mỗi khi nhớ về cô chủ của mình, Trịnh Huyền cảm thấy yên phận. Bởi chưng, Chiêu Thánh thân lá ngọc cành vàng, mà kiên tâm chối bỏ cảnh lầu son gác tía, kẻ hầu người hạ, xe kiệu vào ra, yến tiệc linh đình. Dấn thân vào cảnh nông tang lam lũ. Chưa một lần nào nàng thấy cô chủ hé miệng than van. Nhiều khi thấy Chiêu Thánh ủ buồn, Huyền khuyên nàng nên vào cung thăm quốc mẫu. Chiêu Thánh đều thoái thác. Có nhẽ nàng cũng đã có đôi phần nguôi ngoai. Vì nếu như trước kia, mỗi lần Huyền nhắc tới quốc mẫu, thì Chiêu Thánh đùng đùng nổi giận, kể lể, khóc than suốt buổi không thôi. Bây giờ, nàng chỉ ư hừ cho qua chuyện. Trịnh Huyền nhớ cách đây vài năm, thái sư phu nhân có ghé thăm Chiêu Thánh vào lúc sẩm chiều. Và đêm đó, bà ở lại ngôi nhà tranh vách đất lạnh lẽo này với con gái. Bà tỏ ra xót thương cho con gái tự đầy thân vào cảnh khổ. Đôi lần bà gạn ép Chiêu Thánh trở về cung. Lúc đầu cô chủ Trịnh Huyền còn im lặng. Mãi sau nàng nói. Giọng trầm tĩnh của một người dường như không còn biết đến, hoặc giả không cần biết đến cảnh đời bon chen là gì nữa. Nàng nói:- Phu nhân thử nghĩ xem. Bấy lâu nay phu nhân vẫn ở tại cung, phu nhân có sung sướng gì không. Ngay bây giờ đây, ghé chốn lều tranh tẻ nhạt này, có đúng là tình mẫu tử thôi thúc phu nhân ra đi. Hay chỉ vì trong lòng phu nhân có điều gì u uất? Phu nhân buộc phải ra khỏi cung để được phút giây giải thoát. Và vì thế, phu nhân mới lạc bước tới đây.Quốc mẫu rùng mình run sợ về những lời nói tàn nhẫn của con gái. Những tiếc thay, nó là sự thật. May nhờ có bóng đêm che giấu giùm khuôn mặt nhợt nhạt, và cặp mắt thất thần của bà. Mãi lâu sau bà mới lên tiếng. Giọng bà lạc đi, như không còn tự chủ được nữa:- Đúng như con nói. Ta tuy thân ở trong cung, mà tâm không bao giờ được thư tĩnh. Con quả là cao thượng. Như con bây giờ mới là người sung sướng. Bởi con đã làm được điều con sở nguyện. Ta ao ước, ta cũng được giải thoát như con.- Thưa lệnh bà. Chiêu Thánh nói với vẻ lạnh lùng, xa lạ – Việc giải thoát là công quả của mỗi người tự tu luyện lấy. Ngay Phật tổ cũng không giải thoát được cho đệ tử của mình. Bởi lẽ, Phật tổ chỉ hướng nẻo cho chúng sinh con đường giải thoát thôi, chứ Phật sao có thể làm thay cho ta được. Nay lệnh bà đang ở địa vị tôn quý, cớ sao lại buông lời sầu não?- Chắc con còn giận ta, nên con chưa cảm thông được với nỗi đau của mẹ. Con có biết ta ở địa vị cao sang, vậy mà mấy tên quân hiệu nó làm nhục ta, nhưng chú con – một ông thái sư thống quốc, uy quyền át cả vua, mà không bênh vực nổi. Con bảo ta còn sung sướng được cái nỗi gì?- Sao quốc mẫu lại cho điều đó là một sự nhục mạ? Chắc quốc mẫu muốn nhắc đến đám lính thân vệ, ngăn kiệu quốc mẫu qua chính môn dạo trước?- Phải đó. Chuyện đó làm ta đau lòng mãi.- Lẽ ra phu nhân phải mừng, bởi thái sư đã làm một việc cực kỳ chuẩn mực. Chính việc làm của thái sư đã nêu một tấm gương cao khiết, vì vậy phẩm hạnh của phu nhân càng thêm tôn quý. Việc ấy có chi phải buồn. Sao phu nhân không tự thấy: càng ở ngôi cao, càng phải giữ gìn đức lớn thì thiên hạ mới trọng nể. Ngay đến Thái tôn cũng còn đổi lỗi từng ngày để mưu việc lớn cho trăm họ. Sửa mình là nghiệp thiện xưa nay, có gì mà phu nhân phải trầm cảm tới uất kết ở trong lòng?Nghe Chiêu Thánh nhân giải, phu nhân lặng thinh không đáp. Không hiểu trong lòng bà đang diễn ra điều gì. Bà vui hay buồn. Giận hay thương. Điều quan yếu là ở chỗ, bà có nhận ra lỗi lầm của mình, và có chịu đổi lỗi, hay lại gây bè kết cánh để mưu hại người trung?Linh từ quốc mẫu phải đâu là người hẹp lượng. Và có phải một mai một chiều gì mà bà không hiểu tính nết thái sư. Thái sư không bao giờ dung dưỡng sự lạm dụng dụng quyền hành. Nhớ lại việc ông đi tuyển câu đương mà phu nhân nhờ vả, với việc bọn lính thân vệ ngăn kiệu của bà, thái sư không hề bênh che. Điều đó chứng tỏ, ông không để cho tư tình khuất lấp kỷ cương.Giây lâu sau phu nhân mới lại nối lời:- Lòng con sáng trong nên con nhận ra ngay điều phải quấy. Ta phải cảm tạ trời đất đã dun dủi ta đến thăm con. Nghe con nói, lòng ta trở nên an tĩnh. Hứa với con, từ nay ta không bao giờ phạm lại các điều ta đã mắc, khiến cho đức ông và hoàng thượng phải phiền lòng.Đúng là từ dạo ấy, lệnh bà đã tận tâm tu chính, khiến đức tốt của bà lan truyền khắp kinh sư.Sớm hôm sau phu nhân dậy sớm đánh thức Trịnh Huyền. Bà dúi cho Huyền mười nén vàng và dặn: “Con giữ lấy để hộ thân cho hai thầy trò. Ta cấm con không được hở cho Chiêu Thánh biết chuyện này. Có thể con chôn dấu nó dưới một gốc cây nào đó trong vườn. Rồi như vô tình con đào được. Nếu có điều gì cần kíp, con cứ về cung tìm ta. Nhớ nhé!”.Ngày tháng trôi mau như vó câu qua cửa sổ. Thấm thoắt đã lại chín một lứa tằm. Bữa nọ có việc Trịnh Huyền phải vào chợ Cầu Đông mua sắm. Nghe dân chúng kinh kỳ xôn xao tới ngày rằm này, nhà vua sẽ mở đại hội bảy ngày đêm. Trong hội lễ sẽ trưng bày các đồ lễ kết tóc, và các của hồi môn của công chúa Thiên Thành, sắp về với Trung Thành vương.Tới cả tháng nay, bên nhà Nhân Đạo vương kẻ hầu người hạ ra vào tấp nập. Nào sửa sang dinh thự. Nào tỉa xén cây cảnh. Nào mua sắm các thứ ngon vật lạ, để dùng vào tiệc cưới nay mai. Người ta đồn đại, Nhân Đạo vương đã nhờ khách thương Hồi – hột mua thảm quí, sáp thơm, ngọc trai đỏ. Lại cho cả người vào tận vùng biên ải Lão – qua mua ngà voi, sừng tê và vật quý làm đồ dẫn cưới.Trịnh Huyền đem chuyện này kể lại cùng Chiêu Thánh với niềm hứng khởi chân thành. Chính nàng cũng háo hức mong chờ ngày khai diễn hội lễ.Suy ngẫm giây lâu, Chiêu Thánh gạn hỏi:- Em nghe đích thực Thiên Thành công chúa đính hôn cùng Trung Thành Vương chứ?Huyền mau mắn đáp lời:- Dạ, đúng. Em không nhầm đâu chị Chiêu Thánh ạ.- Em nghe nói nhà vua mở hội mấy ngày?- Dạ, bảy ngày đêm. Bắt đầu từ sáng hôm rằm. Nhưng sao chị lại hỏi em đức phu quân của công chúa có đúng là Trung Thành Vương không?- À, à… Chiêu Thánh hơi ấp úng. Đã định nói, nàng lại thôi. Vì rằng nàng cứ tưởng một hai ThiênThành sẽ về với Quốc Tuấn. Bởi hai người quyến luyến nhau lắm. Họ thật đẹp đôi, chỉ hiềm Quốc Tuấn là bậc dưới. Tuấn phải gọi Thiên Thành bằng cô ruột.Thiên Thành là em út của Thái tôn. Hai thân sớm khuất. Thái tôn thương em côi cút, hết lòng săn sóc, cưng chiều. Bên nhà Nhân Đạo vương đã đánh tiếng xin Thiên Thành từ lâu, ngặt vì công chúa còn nhỏ tuổi. Độ vài năm nay, nàng mới phổng phao lên được. Vì gần đây Thái tôn mới nhận lời dạm hỏi. Lễ cưới này, chắc nhà vua cho mở hội linh đình, và sẽ chia nhường cho em giá nhiều báu vật. Nghĩ tới tuổi xuân của mình, Chiêu Thánh như nghẹn tắc ở trong lòng. Nàng thầm nhủ: “Thời thiếu nữ vàng son của ta đã bị vùi chôn trong cung cấm, với biết bao bão táp chốn cung đình. Hỡi Thiên Thành, ta ghen với em đó! Hạnh phúc của em thật đủ đầy. Nhưng tại sao ta vẫn muốn em đẹp duyên cùng Quốc Tuấn hơn là với người kia. Quốc Tuấn là một chàng trai đầy phách lực. Trung Thành vương sao có thể bén được gót chàng. Hay là em sợ miệng thế gian? Chao ôi, họ Trần nhà em đâu còn có nhân luân nữa mà phải giữ gìn!”.Thăng Long vào hội. Kinh thành như rực rỡ hẳn lên. Từ phố phường tới cung cấm, đền đài, đình tạ, đâu đâu cũng giăng mắc cờ hội, cờ phướn, đèn lồng, đèn kéo quân. Các giáo phường hát múa thâu đêm, người xem chen chúc như nêm. Góc phố này có một bãi thả diều, những con diều giấy khung tre to như những chiếc thuyền nan bay lờ lững rợp từng không, phát ra những tiếng sáo du dương. Bởi trên mỗi con diều kia đều được đeo một chồng sáo trúc tới năm hoặc bảy chiếc. Chiếc to nhất bằng bắp đùi người lớn, nhỏ nhất bằng ngón chân cái. Mỗi chiếc là một thang âm. Hàng mấy trăm người như nín thở ngước nhìn, tai lắng nghe tiếng sáo bổng trầm dịu dặt, từ trời cao dội xuống như một thứ nhạc tiên. Góc kia là một cụm tới ba bốn cây đu. Từ xa đã nhìn thấy những dải yếm hồng, những tà áo nâu, quấn quít tung bay trên nền trời. Những tay đu giỏi đánh giật tung ròng rọc, bụng chấm lá cờ giải treo trên đỉnh cột đu. Họ cứ vờn như thế tới vài ba lần, để khách xem dưới gốc đu thả sức reo hò, rồi họ mới thò tay ra giật lấy lá cờ. Khi bàn tay của người tranh giải chớm đặt vào mép lá cờ, khách xem nín thở hồi hộp, vừa mừng vừa lo. Khi lá cờ tuốt ra khỏi cán, và chạc đu đung đưa theo nhịp chậm dần, thì tiếng reo hò tưởng như long lở cả kinh thành. Biết bao nhiêu trò chơi khác như đua thuyền, kéo co, vật, đấu võ, múa khiên, múa rồng, chọi gà, chọi chim, chọi trâu, đua ngựa…Trên đây là những trò chơi dân dã mở ra cho dân chúng kinh kỳ, và dân các lộ kéo về dự hội. Còn tại sân Long Trì lại có cuộc chơi riêng của giới quí tộc cung đình. Đó là môn đánh cầu được coi là môn chơi quí phái của giới thượng võ. Trên chiếc sân rộng ở hai đầu đông, tây dựng hai cầu môn. Trước cầu môn là một chiếc giá để cắm cờ có hai mươi bốn lỗ. Cuộc chơi tính điểm theo cách, nếu quân bên nọ đẩy được cầu qua vòng cầu môn bên kia thì được tính một điểm. Viên thông sự xá nhân bèn cắm một lá cờ vào giá. Bên nào giành trước được đủ hai mươi bốn lá cờ, bên ấy thắng cuộc.Cầu là một quả bóng tròn bằng da, trong nhồi lông căng phồng, bắt đầu cuộcc hơi, quan nội thị mở chiếc hộp vàng, lấy ra quả cầu da sơn đỏ, ném xuống sân Long Trì. Nhạc nổi lên rộn rã. Quân hai bên lần lượt cưỡi ngựa ra sân. Bên đông quân vàng, bên tây quân tía. Đuôi ngựa gióc thắt màu sắc phục của mỗi bên.Tướng Lê Tần cưỡi con ngựa bạch dẫn đầu quân tía. Tướng Khuê Kình cưỡi con ngựa hồng cầm đầu đám quân vàng. Mỗi tướng tay cầm một cái trượng dài, hai đầu cong và bẹt dùng để lấy cầu. Tay kia cầm cương ngựa. Hai tướng dẫn quân mình ra trước mỗi cầu môn. Trống chiêng khua vang dội. Thái tôn uy nghi trong bộ triều phục, cưỡi con ngựa ô long phủ yên cương vàng. Nhà vua một tay nắm cương ngựa, tay kia xách chéo cây trượng dài, tế ngựa tới trước quả cầu thì nhạc ngừng bặt. Nhà vua thúc cho ngựa lồng lên rồi ngoái lại dùng cây trượng gẩy cho quả cầu tung lên. Trống chiêng lại nổi lên từng bừng. Hai tướng dẫn theo cả một lũ người ngựa ùa ra tranh cầu. Cuộc chơi bắt đầu. Nhà vua bèn lui về kỳ đài ngồi với các đại thần để xem cuộc tranh tài cao thấp…Dân chúng kinh kỳ không chỉ có nô nức đi xem các giáo phường diễn, hát, mà còn tham dự đủ các trò vui. Nhưng có nhẽ điều gợi cho người kinh sư óc tò mò nhất, là việc cung cấm mở cửa trưng bày các của hồi môn của công chúa, và đồ dẫn cưới của Trung Thành vương. Thôi thì đủ thứ áo quần, vóc lụa, nhiễu gấm sang trọng của Trung Hoa, Ba Tư, Tây Trúc như muốn đua tranh với một số hàng nội địa như the, lụa, đũi, lĩnh… của các vùng cửi canh nổi tiếng như La, Bưởi, Sài …Những đồ trang sức bằng vàng, bạc chạm trổ tài hoa của các tay thợ nổi tiếng Đồng Sâm, Hàng Bạc. Nào vòng cổ, vòng tai, vòng tay, đai áo, mũ miện la liệt tới hàng trăm thứ, nom lóa cả mắt. Những loại hồng ngọc, bích ngọc, lưu ly, kim cương được nạm vàng thành những hoa tai, vòng cổ, hoặc những con giống nhỏ xinh, khiến người xem không hết kinh ngạc về sự sang giầu, xa phí của chốn quyền môn. Ngoài những đồ lụa, tơ, vàng, ngọc ra, còn phải kể tới áo quần, chăn ủ, lồng ấp bằng các loại lông thú, như hổ, báo, chồn, rái cá… Lại nữa, các đồ gốm sứ rất phong phú như Bát Tràng, của Đông Sơn. Từ những bức tranh sứ về cảnh thuỷ mặc, hoặc tứ dân, hoặc lục súc tranh công, tới các lọ hoa, chậu cảnh, độc bình, thạp, thố, tới các loại chén, bát, đĩa, mâm và các con giống bằng sứ gốm nhiều màu, nhiều cảnh. Những đồ sứ gốm của ta, đặt cạnh đồ sứ gốm của các thời Đường, Tống từ vóc dáng, tới hoa lá, men màu, mỗi bên có một nét đẹp riêng, chẳng thể nào lấn át được nhau. Qua đồ gốm sứ lại tới đồ đồng. Nào mâm, chậu, nồi, xanh, chảo… tới các đồ thờ như cây nến, đỉnh và tượng phật. Đây mới chỉ nói tới của hồi môn. Còn các đồ dẫn cưới, tuy không nhiều bằng, nhưng cực kỳ sang quí, chỉ có thể kiếm được ở các vương quốc giàu có ngoài Đại Việt như La Mã, Trung Hoa, Ba Tư, Thổ Phồn…Từ bữa nhà vua mở đại hội, Quốc Tuấn không ra khỏi nhà. Không phải chàng tráng sĩ được hâm mộ nhất kinh thành này đang ham mải luyện rèn kiếm cung, hoặc nghiên cứu binh thư đồ trận gì. Con tuấn mã theo thói quen sáng nào cũng được chủ dắt ra khỏi tàu ngựa, thắng yên cương và phi nước đại tới Giảng Võ đường, lượn một vòng quanh trường võ rồi đi vào các bài tập nhảy vượt chướng ngại như: gò, đống, sông, suối. Nhưng đã ba sáng nay, sau một hồi hí dài con ngựa lại gục đầu lắc bờm, đập móng ngóng chờ chủ. Dù người giám mã có vỗ về, nựng nịu thế nào thì con tía mật cũng không chịu bước chân ra khỏi tầu. Và nó ăn uống cũng chểnh mảng.Trong thư phòng của Quốc Tuấn, những “Tôn tử binh pháp”, “Ngô gia binh pháp”, “Tôn tử thập gia chú”… xếp chồng đống lên nhau, mờ mờ bụi phủ.Quốc Tuấn làm gì? Chàng ở lì trong cung, đi quanh quẩn trong bốn bức tường, như một con sư tử vừa bị nhốt vào cũi. Chàng ngao ngán nghĩ về cảnh người yêu sắp đi lấy chồng. Chàng đã yêu mê mệt công chúa Thiên Thành – Bông hoa rực rỡ nhất của Thăng Long hoa lệ. Sắp tới ngày cưới – Thiên Thành còn nói với Quốc Tuấn: “Thiếp sẵn sàng bỏ kinh thành đi trốn cùng vương”. Nhưng trốn đi đâu? Và tại sao phải đi trốn? Quốc Tuấn, một con người trí dũng, tự tin không chấp nhận một cuộc đi trốn. Không cùng nhau đi trốn, nhưng cũng không thể để mất nàng vào tay Trung Thành vương được.Quốc Tuấn cũng mệt mỏi, cũng tù túng, chẳng khác gì con tuấn mã của chàng. Tất cả những dằn vặt của Quốc Tuấn không lọt qua mắt của công chúa Thụy bà. Vừa là cô ruột, vừa là mẹ nuôi, bà hiểu tâm trạng Quốc Tuấn, cũng như bà biết mối tình thầm lén giữa Quốc Tuấn và em gái bà. Song duyên phận của Thiên Thành đã được đích thân hoàng thượng chọn lựa. Nay đã tới lễ kết tóc, sao có thể đổi thay được nữa. Đôi lần bà đã toan khuyên can Quốc Tuấn. Rồi lại nghĩ: cứ để lễ cưới của Thiên Thành qua đi, Quốc Tuấn khắc biết tự xử. Còn như bây giờ, mọi sự khuyên bảo, chẳng khác gì tưới thêm dầu vào ngọn lửa si tình đang bùng cháy trong lòng chàng, nên Thuỵ bà vẫn cứ im lặng dõi theo.Điều làm cho Quốc Tuấn băn khoăn, giữa lúc cần gặp gỡ Thiên Thành nhất, thì nàng đã được đón vào ở ngôi biệt điện trong cung Nhân Đạo vương. Mặc dù nàng đã hứa không chung thân với Trung Thành vương. Nhưng làm sao chàng có thể yên tâm được. Thiên Thành đến ở trong cung nhà Nhân Đạo vương, để tiến hành lễ kết tóc với Trung Thành vương, có khác chi đem mỡ đặt trước miệng mèo.Quốc Tuấn cứ loay hoay suy đi tính lại mãi, chưa biết định liệu ra sao. Nom chàng ủ dột như một con ngựa chiến bị trọng thương, đứng rũ bờm tiếc nuối cảnh tung vó chốn sa trường giữa rừng thương, biển lửa. Quốc Tuấn vẽ ra hàng trăm kế trong đầu, song nó cứ mông lung mờ ảo như khói như sương, chưa biết liệu tính ra sao. Giữa lúc đó tên gia nô đẩy cửa bê mâm cơm chiều vào dâng Quốc Tuấn. Chàng đã toan vẫy tay cho y trở lui, giống như bữa sáng, bữa trưa chàng đã làm. Nhưng chẳng biết thế nào chàng lại vẫy tay gọi y vào. Tên gia nô hớn hở đặt mâm cơm vào kỷ, chắp tay đứng hầu.Quốc Tuấn uống một hơi hết ba bát rượu, thấy đã nong nóng phía vành tai. Chàng đưa cặp mắt sáng rực nhìn về phía cửa sổ, thấy trắng xoá một trời trăng. Lòng bâng khuâng nhớ tới Thiên Thành, Quốc Tuấn đứng dậy toan lao ra cửa. Tên gia nô hốt hoảng kêu:- Bẩm tiểu tướng, người chưa dùng cơm.Như sực tỉnh, Quốc Tuấn lại ngồi xuống mỉm cười. Gia nô xới cơm. Chàng miễn cưỡng ăn mà hồn như phiêu lãng đâu đâu. Chợt ngẩng nhìn gia nô, chàng khẽ gọi:- Nô!- Dạ. Bẩm tiểu tướng dậy con điều gì ạ?- Nếu vào cảnh ngộ ta, mi sẽ làm gì?Gia nô ngơ ngác nhìn tiểu chủ, rồi đáp với vẻ hết sức tự nhiên:- Bẩm, nếu con ở cảnh ngộ của tiểu tướng, thì con đã uống cạn be rượu kia, và ăn hết mâm cơm này từ lâu rồi ạ.Quốc Tuấn bật cười, hơi gắt:- Đồ con tườu. Ta có hỏi mi việc ăn uống đâu.- Dạ, bẩm tiểu tướng, con tưởng người ở vào cảnh ngộ nhịn đói suốt một ngày, thì bây giờ phải ăn thôi chứ còn có chuyện gì nữa?- Nô! Nghe ta hỏi đây.- Dạ, con đang nghe.- Mi có biết chuyện ta với công chúa Thiên Thành không?- Dạ, trước con biết lơ mơ ạ.- Thế còn bây giờ thì sao?- Dạ, bây giờ thì tiểu tướng đã nhịn đói suốt cả một ngày, còn bên cung, công chúa đang mở hội. Công chúa trang điểm rực rỡ, đẹp như một nàng tiên và chỉ mong cho chóng tới ngày làm lễ kết tóc với Trung Thành vương.- Đồ súc sinh! Quốc Tuấn đập tay xuống kỷ, quát lớn:- Có đúng như mi nói không?Tên gia nô làm ra bộ ngơ ngác, khép nép thưa:- Bẩm tiểu tướng, sao lại không đúng ạ. Cả kinh sư này ai mà không biết chuyện ấy.Dường như Quốc Tuấn đã nhận ra sự thật cay đắng, chàng dịu giọng hỏi gia nô:- Cứ cho rằng, điều mi nói là thật đi.- Dạ, bẩm tiểu tướng, gia nô vội cướp lời Quốc Tuấn – Bẩm tiểu tướng, hiển nhiên là thật rồi chứ còn giả nữa hay sao. Còn hai ngày nữa là đến lễ kết tóc rồi.- Thôi được, Quốc Tuấn mệt mỏi thừa nhận – Cứ cho rằng đó là sự thật đi. Nhưng nếu ngươi ở vào cảnh ngộ ta, người sẽ làm gì?Mặt gia nô ngây ra với vẻ đần độn. Một thoáng y ngó ra cửa, nhìn thấy trăng rằm dãi trắng cả trời đêm. Y gật gù với vẻ thận trọng, như nói với chính mình:- Nếu vào cảnh ngộ con. Dù có xả thân con ra thành trăm mảnh, con cũng không bỏ người đẹp.Nom bộ mặt nghiêm trang của y, Quốc Tuấn hiểu y nói thật lòng. Chàng tự nghĩ: “Vậy là nhân cách ta không bằng tên nô bộc”. Trong óc chàng vụt lóe một âm mưu. Chàng quay ra nói gia nô:- Mi dọn ngay đi. Quốc Tuấn chỉ tay vào mâm cơm – Ta mệt, đêm nay ta muốn đi nghỉ sớm.Gia nô vừa ra khỏi cửa, Quốc Tuấn vội mặc áo quần gọn ghẽ, nai nịt chặt chẽ, rồi dắt thanh đoản đao vào thắt lưng, tắt đèn lên giường nằm. Chừng canh ba, chàng nhỏm dậy rồi lao vút vào đêm sáng nhòe trăng.Mờ sáng, gia nô về bẩm với công chúa Thụy bà các việc xảy ra trong đêm. Công chúa hốt hoảng, mặt tái mét như không còn giọt máu, hấp tấp lên kiệu vào ngay nội điện.Nội tẩm cửa vẫn còn đóng im ỉm, nhà vua chưa tỉnh giấc vàng. Do dự một lát, Thụy bà giơ tay đập cửa thình thình.Ngỡ có biến, Thái tôn vội choàng lên người chiếc áo vóc, quơ lấy thanh trường kiếm phía đầu giường, rồi nhón gót nhìn qua hàng con tiện phía trên cánh cửa bức bàn.Chỉ thấy có một mình công chúa Thụy bà, nhà vua bèn mở cửa ra hỏi:- Có việc gì mà chị vào cung sớm thế? Sao mặt chị tái nhợt thế kia?Thụy bà, giọng run run:- Không ngờ Quốc Tuấn nó điên cuồng, rồ dại, đêm qua, dám vượt rào lẻn vào chỗ Thiên Thành ở. Nhân Đạo vương đã bắt giữ lại rồi. Sợ nó bị giết. Xin bệ hạ thương cho, sai người đến cứu!Thái tôn “hừm” một tiếng, rồi quở:- Quân càn giỡ!========.Viết xong tại Giảng VõNgày 24 tháng 11 năm 1988 

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN